Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:29:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38489 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:15:47 pm »


Một công việc không kém phần phức tạp là chuẩn bị vũ khí trang bị để đưa vào chiến trường. Thừa lệnh Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo cho Cục Quân giới chuyển chừng 20 tấn vũ khí chiến lợi phẩm ta thu được của quân Pháp thời kỳ kháng chiến chín năm về trạm kho của đoàn chúng tôi ở bốt Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội. Địa điểm này gần sông Tô Lịch, phía sau khu công nghiệp "Cao Xà Lá" của Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Nam - Cục trưởng Cục Quân giới rất tận tình giúp chúng tôi trong việc này.

Dưới sự điều hành của anh Nguyễn Ngọc Anh, số súng trường Mát, tiểu liên Tuyn được chọn để sửa chữa, hiệu chỉnh. Súng của Pháp hoặc Mỹ sản xuất chỉ cần sửa chữa hiệu chỉnh tốt là được. Riêng súng do Liên Xô, Trung Quốc, Hunggari... sản xuất còn phải tẩy xóa hết nhãn mác, ký hiệu; thuyệt đối không để lại một dấu hiệu gì chứng tỏ đây là vũ khí của phe xã hội chủ nghĩa. Súng sửa chữa, hiệu chỉnh xong được bó thành từng bó hai hoặc ba khẩu, vừa sức người mang hành quân đường dài. Đề phòng trong quá trình vận chuyển gặp mưa gió, thậm chí gặp địch phục kích phải giấu xuống nước mà không bị hỏng, chúng tôi dùng vải có nhúng pharaphin bọc kín súng sau khi đã được bôi mỡ khắp lượt; ngoài cùng quấn ba lớp vải chống ẩm; sau đó vùi xuống sông Tô Lịch mấy ngày đêm. Khi vớt lên, tháo bọc vải, súng vẫn khô nguyên. Cùng với súng đạn, một số quân dụng thiết yếu, như: ống nhòm, địa bàn, dao găm... chiến lợi phẩm cũng được chọn sửa, bao gói cẩn thận.

Công việc chuẩn bị tạm ổn, đầu tháng 6, tôi báo cáo cụ thể với anh Vịnh và xin chỉ thị của Bộ Chính trị. Liền đó, chúng tôi nhận được lệnh nhập tuyến. Anh Vịnh còn dặn chúng tôi: Bác Hồ cũng nắm được kế hoạch xuất quân của đoàn. Bác dặn các anh phải tuyệt đối giữ bí mật. Lúc này mà giữ được bí mật sẽ cầm chắc thắng lợi.

Ngay sau khi nhận lệnh nhập tuyến, ngày 9 tháng 6, Ban Cán sự 559 họp chớp nhoáng, hạ quyết tâm lãnh đạo đơn vị giành thắng lợi trận đầu. Cuộc họp kết thúc, tôi điện ngay cho Ban Chỉ huy Đoàn 301, phát lệnh "cấm trại", tổ chức cấp phát bổ sung quân trang, vũ khí trang bị, chuẩn bị nhận nhiệm vụ.

Trưa hôm sau (ngày 10 tháng 6) tôi cùng anh Nguyễn Thạnh lên Đoàn 301. Chiếc Commăngca ngược quốc lộ số 2, qua Phù Lỗ, vừa dừng bánh trước barie vào cổng doanh trại đã thấy anh Chữ, anh Danh đợi sẵn. Vào phòng làm việc, tôi đi ngay vào công việc:

- Toàn đoàn đã được lệnh xuất quân; ngày mai tôi muốn gặp toàn đơn vị truyền đạt lệnh của Bộ Chính trị và lời dặn dò của Bác Hồ.

Anh Danh vui vẻ nói:

- Từ lúc nhận điện, chúng tôi đã triển khai công tác chuẩn bị. Hiện nay bộ đội đã sẵn sàng.

Sáng hôm sau, tại hội trường của Đoàn 301, trong bầu không khí vừa nghiêm túc, thân tình và phấn chấn cao độ, tôi thân tình hỏi anh em:

- Chúng ta đã được lệnh lên đường. Còn ai vương vấn gì nữa không?

Cả hội trường ào lên: Đi thôi, đi thôi. Không vướng mắc gì cả.

Tôi cảm ơn anh em, rồi đọc lệnh hành quân của cấp trên và xúc động truyền đạt lại lời dặn dò của Bác Hồ: Các chú đi làm nhiệm vụ đặc biệt này phải đảm bảo tuyệt mật; luôn luôn nhớ là "sống để dạ, chết mang theo".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:16:46 pm »


Chạng vạng chiều hôm sau, bộ đội lục tục hành quân từ Nông trường Vân Lĩnh ra ga Tiên Kiên, sau khi đã để lại mọi giấy tờ, kỷ vật tùy thân.

Dường như muốn kéo dài thời gian quý giá lưu lại ở đất Tổ, nên chuyến tàu chiều hôm đó chậm ba giờ so với giờ tàu quy định. Cả đoàn quân gần 500 con người nóng lòng chờ đợi.

22 giờ, tàu rời ga Tiên Kiên, rúc lên những hồi còi vang xa như lời chào của những người lính trước giờ ra trận.

Tạm biệt trung du với những rừng cọ, đồi chè, tạm biệt bà con, cô bác, tàu về Hà Nội, xuôi Nam Định rồi dừng ở Hàm Rồng - Thanh Hóa. Từ đây, Đoàn 301 được đoàn xe Lam Sơn - ô tô vận tải của Tổng cục Hậu cần đưa vào tập kết tại doanh trại của Sư đoàn 325 ở tây nam thị xã Đồng Hới - Quảng Bình. Riêng Đội 12 xây dựng rẽ về huyện Lệ Thủy và ngược lên hướng Bang Rợn, chuẩn bị xây dựng khu hậu cứ của đoàn. Để bảo đảm bí mật, Đội 12 đóng vai là bộ đội biên phòng Quảng Bình.

Trong khi bộ đội nghỉ tạm tại doanh trại Sư đoàn 325, Ban Cán sự họp mở rộng tại nhà khách Tỉnh ủy Quảng Bình, bàn kế hoạch rải tuyến. Hội nghị tập trung nghe anh Ngô Văn Diệm trực tiếp báo cáo tình hình khảo sát xoi đường qua những điểm vượt xung yếu, như sông Ra Gã (thượng nguồn sông Cam Lộ), thượng nguồn sông Ba Trăng, là những điểm địch thường tổ chức lực lượng bảo an tuần tra từ Ba Trăng đến Miệt Xá (bắc Làng Vây). Khó khăn nhất là đội khảo sát phải tìm lối vượt đường 9, sông Đắc Rông (một nhánh của sông Thạch Hãn)... Anh Diệm cho hay, Tỉnh ủy Quảng Trị và Huyện ủy Hướng Hóa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn khảo sát. Tỉnh ủy cũng đã cử các anh Hồ Ổi, Hồ Nuồn, Hồ Tèo là những thanh niên người Vân Kiều thông thạo rừng núi, sông suối, làm liên lạc, trinh sát những điểm xung yếu nhất.

Vào tuyến, chúng tôi quy định bộ đội phải cải dạng thành nhân dân, đúng hơn là "địa phương hóa" triệt để từ trang phục đến cách thức sinh hoạt. Nếu chẳng may bị địch bắt chỉ nhận là cán bộ nằm vùng để giữ bí mật tuyến giao liên.

Sau cuộc họp này, tôi trực tiếp gặp anh Hồ Sĩ Thản trình bày yêu cầu thay đổi trang phục cho bộ đội. Không phải đợi lâu, chỉ sau vài ngày, Đặc khu ủy và chính quyền Đặc khu Vĩnh Linh đã cung cấp cho chúng tôi hơn một nghìn bộ quần áo bà ba và hơn sáu trăm đôi dép cao su. Liền đó, anh Chữ, anh Danh cho anh em khẩn trương tìm kiếm mây rừng đan gùi như bà con Vân Kiều vẫn dùng để thay ba lô. Nhìn anh em trong bộ bà ba, đeo gùi mây, khó mà đọc được một nét nào của bộ đội miền Bắc.

Hoàn tất các khâu chuẩn bị, ngày 26 tháng 6 năm 1959, Đoàn 301 hành quân vào tập kết tại Khe Hó, lấy danh nghĩa là công nhân khai thác gỗ (thợ sơn tràng) và công nhân nông trường.

Với kết quả khảo sát, chia cung chặng từ trước, chúng tôi khẩn trương rải quân. Toàn tuyến từ Khe Hó vào Tà Rụt, bắc A Lưới (tây Thừa Thiên) được chia thành chín cung. Mỗi đội phụ trách một cung.

Để trực tiếp chỉ huy toàn tuyến, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, chúng tôi bố trí sở chỉ huy Tiền phương Đoàn 301 ở khu vực tiếp giáp Đội 5 và Đội 6. Tại đây có bố trí một máy thông tin vô tuyến điện và hai tổ trinh sát kiêm bảo vệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:17:49 pm »


Chúng tôi cũng liên hệ và được chỉ huy Lữ đoàn 341 Quân khu 4 tích cực hỗ trợ, tăng cường cho ba đội trinh sát thông thuộc tình hình trong vùng, có kinh nghiệm nắm địch. Với tinh thần trách nhiệm cao, nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn, ba trung đội này đều nhận phụ trách những cung đoạn trọng yếu nhất. Thiếu úy Nguyễn Minh Thông phụ trách một trung đội trinh sát khu vực vượt đường 9. Chuẩn úy Võ Sĩ Bơi phụ trách trung đội đứng ở khu vực Đắc Rông - Đá Bàn. Trung đội thứ ba lùi ra ngoài một chút, phụ trách khu vực trạm 3 và 4 (hai bên bờ sông Ra Gã).

Mọi hoạt động của tuyến chủ yếu tiến hành vào ban đêm. Vì vậy, việc thống nhất ký hiệu, tín hiệu, mật khẩu liên lạc giữa các trạm, giữa Đoàn 301 với đại diện Trị - Thiên, Khu 5 được hiệp đồng hết sức chặt chẽ. Vượt đường 9 và việc giao hàng giữa Trạm 5 với Trạm 6 đều phải tiến hành vào ban đêm. Lối vượt đường 9 phải dự kiến nhiều phương án, sẵn sàng thay đổi ngay. Dĩ nhiên những lối vượt này cũng chỉ giới hạn trong khu vực có "hệ số an toàn" cao là từ cây số 14 đến cây số 61 trên đường 9 - đoạn từ cầu Đắc Rông đến Khe Sanh. Cán bộ, chiến sĩ trên tuyến giao liên không ở cố định một chỗ; từng tổ lấy mái đá, tán cây rừng làm nhà nương náu dăm ba ngày lại chuyển sang chỗ khác. Bộ đội chỉ nấu ăn vào ban ngày, Về đêm, chỉ những trường hợp đặc biệt mới được sử dụng đèn pin, nhưng ánh sáng cũng chỉ bóp lại bằng hạt đỗ.

Tới đầu tháng 7, việc rải quân trên tuyến đường được triển khai xong. Quân số ở những trạm đầu thường đông hơn khoảng chừng 50 đến 60 người. Bình quân mỗi cung đi bộ mất gần một đêm; toàn tuyến mất gần tám đêm (tám ngày) ở cung cuối cùng, do đất bạn Lào có khu vực Xa Moi ăn sâu sang phía đất ta, tôi đã bàn với Ban Chỉ huy Đoàn 301 nắn cho tuyến giao liên vận chuyển lượn vòng theo đường biên, tuyệt đối không đi trên đất bạn khi chưa được phép.

Trong khi chúng tôi rải quân cắm tuyến, Ty Giao thông Quảng Bình cũng đã hoàn thành việc tu sửa cải tạo đường ô tô dã chiến từ Long Đại vào Bến Quang, dài chừng 70 cây số. Đoạn từ Bến Quang vào Khe Hó cũng được Sư đoàn 325 khẩn trương khai thông, dài khoảng 80 cây số. Theo trục đường này, xe ô tô của Tổng cục Hậu cần với danh nghĩa vào lấy gỗ, đã bí mật chuyển vũ khí, trang bị vào tập kết tại một cánh rừng già cạnh Khe Hó.

Được sự hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, cơ quan trong quân đội, của các địa phương trực tiếp quan hệ với tuyến giao liên, vận chuyển, niềm tin vào sức mạnh tổng hợp càng giúp chúng tôi quyết giành thắng lợi trong chuyến ra quân đầu tiên. Nhưng, đúng vào lúc chuẩn bị phát lệnh chuyển hàng, tôi nhận được báo cáo của anh Chu Đăng Chữ: trinh sát cho biết địch cho một lực lượng lớn xe quân sự chở lính quần đảo dọc theo đường 9 từ Khe Sanh lên Lao Bảo.

Được tin, Ban Cán sự xuống trực tiếp làm việc với Ban Chỉ huy Đoàn 301. Chúng tôi phân tích tình hình, cố giải thích vì sao địch biết được kế hoạch ra quân của ta. Không khí lo lắng, căng thẳng bao trùm.

Vài ngày sau, lực lượng trinh sát cho hay, do bị tra tấn quá dữ, một cán bộ trong huyện Hướng Hóa bị địch bắt đã làm lộ bí mật tuyến đường. Ta đã chủ động đối phó. Không phát hiện được gì, sau ba tuần, mọi hoạt động của địch trở lại như trước. Chớp thời cơ, tôi phát lệnh ra quân vận chuyển.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:18:36 pm »


Ngày 13 tháng 8 năm 1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn 301, Đoàn 559 chính thức vượt Trường Sơn. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng với tôi, ngày 13 tháng 8 là ngày đáng ghi nhớ (ngày 13 tháng 8 năm 1956 - ngày các con tôi vĩnh viễn mất mẹ). Vào dịp này, tôi thường viết thư cho các cháu đang ở các trường học sinh miền Nam, động viên chị em bảo ban nhau gắng sức học hành, nhưng không thể nói rằng cha của chúng và đồng đội đang làm gì giữa rừng Trường Sơn.

Vậy là từ ngày 13 tháng 8 năm 1959, đối mặt với những người lính Trường Sơn, là núi cao, vách đá cheo leo, suối sâu, thác dữ; là cọp beo, rắn rết... Và nguy hiểm hơn cả là hệ thống đồn bốt chốt chặn của kẻ thù.

Anh em vượt đường 9 trong đêm tối, vừa gùi vác hàng, vừa dò dẫm bước đúng hai mảnh gỗ mang theo. Người cuối cùng qua đường sẽ nhặt theo các mảnh gỗ đó, để sáng hôm sau, lính tuần tra trên đường 9 không mảy may phát hiện được một dấu chân người lính chúng tôi. Khi vượt thượng nguồn sông Bến Hải, sông Ra Gã, hoặc sông Đắc Rông… bộ đội phải dùng dây mây rừng buộc nối hai gốc cây chăng ngang sông, kết thân chuối rừng làm bè. Người vượt sông ngâm mình trong nước, kéo theo bè chuối chở súng đạn, men theo dây để sang sông. Hết sông sâu là núi cao, dốc đứng. Có những dốc cao, để qua được, lúc đó bộ đội phải leo nhích dần từng bước. Sau này, anh em đã ghép ba hoặc bốn chiếc thang... nên mới có tên là dốc Ba Thang, dốc Sáu Thang...

Đúng như dự đoán ban đầu, sau tám ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 301 đã đưa chuyến hàng đầu tiên vào tới Tà Riệp - phía bắc A Lưới. Hàng gồm bốn chục khẩu súng trường, tiểu liên, mười thùng đạn, một số ít quân dụng cần thiết. Anh Nguyễn Vạn (Tư Vạn) - Thường vụ Khu ủy, đại diện Khu ủy Khu 5 trực tiếp nhận số hàng đầu tiên này.

Nghe Ban Chỉ huy Đoàn 301 báo về, mấy anh em chúng tôi mừng vui khôn xiết. Sau này, tôi đã được anh Tư Vạn kể lại sự xúc động nghẹn ngào, sung sướng của anh lúc đó.

Chuyến đi đầu tiên thắng lợi, hàng vào tới đích an toàn. Nhân đà thắng lợi, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 301 đẩy nhanh tốc độ vận chuyển. Đến hết tháng 8, đoàn đã chuyển giao cho Khu 5 và Trị - Thiên được 100 khẩu tiểu liên và súng trường, hơn năm chục khẩu trung liên cùng một số lượng lớn đạn con, quân dụng...

Ngày 3 tháng 9 năm 1959, hội nghị Ban Cán sự mở rộng họp ở Sở chỉ huy Tiền phương của Đoàn 559 tại Khe Hó, đánh giá kết quả sau hơn nửa tháng thực hành vận chuyển. Tại hội nghị này, tôi đặc biệt nhấn mạnh toàn tuyến phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo mật, cần chủ động thay đổi quy luật hoạt động - nhất là khâu vượt đường 9.

Đến đầu tháng 9 năm 1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt đã hoạt động được gần 5 tháng, với những thắng lợi bước đầu. Tuy vậy, trên thực tế mọi quyết định về việc thành lập đoàn, giao nhiệm vụ cho chúng tôi cũng chỉ được anh Nguyễn Văn Vịnh phổ biến trực tiếp. Căn cứ tình hình thực tế, ngày 21 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 46/QĐ-QP chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng; về Đảng, trực thuộc Tổng Quân ủy (sau là Quân ủy Trung ương). Nhiệm vụ của Đoàn 559 là: mở đường; vận chuyển vật chất; đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam và từ Nam ra Bắc; vận chuyển bảo đảm vật chất cho Đoàn 559 (chuyên gia quân sự Việt Nam ở Trung - Hạ Lào).

Cùng với quyết định trên, tôi có quyết định được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559. Anh Nguyễn Thạnh là Đoàn phó, Đảng ủy viên; anh Nguyễn Chương là Đảng ủy viên, phụ trách công tác bảo vệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:19:35 pm »


Trường Sơn lúc này đã chớm vào mùa khô. Những trận mưa rừng thưa dần. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi; chúng tôi động viên các đơn vị dồn sức vận chuyển. Nhưng điều mà trước đây chúng tôi lo lắng, thì nay càng thấy bức xúc hơn. Ban Chỉ huy Đoàn 301 đang cùng Trạm 5, Trạm 6 tìm cách tổ chức vượt đường 9 sao cho an toàn hơn.

Sau những chuyến dùng những mảnh ván nhỏ để theo đó mà vượt đường 9, anh em dùng một tấm vải ni lông rải qua đường; người mang vác hàng chạy qua trên tấm vải đó. Ai đi sau cùng có nhiệm vụ cuộn vải mang theo. Tuy vậy, lối vượt trên mặt đất cạnh đồn Rào Quán không đảm bảo an toàn. Chúng tôi tin sớm muộn kẻ địch sẽ phát hiện được.

Có dịp được làm việc với anh Lê Duẩn, tôi đã nêu điều mà chúng tôi băn khoăn, lo lắng. Thời gian này, anh Ba vừa ở chiến trường Nam Bộ ra Hà Nội. Thoạt nghe, anh Ba nói: đúng là hoạt động theo kiểu du kích.

Rồi với kinh nghiệm hoạt động bí mật ở chiến trường Nam Bộ trong thời kỳ tối tăm, bi đát nhất (1956-1959), anh Ba gợi ý:

- Các đồng chí vào đó nghiên cứu xem có thể đào đường hầm xuyên qua đường số 9 được không?

Theo gợi ý của anh Ba, khi trở vào tuyến, tôi đã cùng anh em trinh sát Đoàn 301 trực tiếp nghiên cứu kỹ trên thực địa. Điều kiện địa hình cũng như địch tình cho thấy: việc đào đường hầm là sẽ gây tiếng động lớn và đất đá không biết giấu vào đâu.

Tạm thời chưa thực hiện được giải pháp đào đường hầm; nhưng gợi ý của anh Ba đã giúp chúng tôi tìm được hướng "vượt khẩu" mới. Trước khi trở ra Hà Nội, tôi lưu ý anh em gắng tìm cho được một cống ngầm qua đường 9 ở khu vực này. Tôi nói với anh Thạnh: địa hình ở đây lắm khe, nhiều suối, khi thi công đường số 9 trước đây, chắc chắn người Pháp phải làm không ít cống ngầm; có điều chúng ta chưa tìm thấy mà thôi.

Chỉ mấy ngày sau, tôi được tin anh em đã tìm được một chiếc cống ở khu vực Rào Quán, không xa lối vượt chúng tôi vẫn đi. Sau này, tôi đã nhiều lần chui qua cống ngầm này. Đường kính cống chừng một mét, người chui qua khá vất vả. Hai bên miệng cống cây cối um tùm. Thật là một điểm vượt lý tưởng. Chiếc cống này được chúng tôi sử dụng làm lối vượt đường số 9 cạnh đồn Rào Quán trong một thời gian khá dài mà kẻ địch không hay biết.

Tới cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1959, từng đợt gió bấc đầu tiên thổi vào vùng giới tuyến, đem theo những trận mưa dầm. Hành quân mang nặng đường rừng, đường đèo những ngày mưa thật gian nan. Những ai từng trải cảnh đêm mưa, đường rừng, trên vai mang vác nặng... mới hiểu được những người lính Trường Sơn ngày ấy vất vả như thế nào!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:20:07 pm »


Cuối năm - cao điểm mùa khô, địch tập trung đánh phá tuyến giao liên vận tải quân sự. Hệ thống chốt chặn của địch dọc đường số 9 từ làng Vây đi Lao Bảo lúc này được tăng cường, gồm bảy đồn. Địch còn cho bảo an, thám báo lùng sục suốt ngày đêm; cải trang thành người đi tìm trầm, phu đồn điền cao su, cà phê để phục bắt bộ đội. Cũng vì thế, điều phải xảy ra đã xảy ra với Đoàn 301. Một hôm, vào cuối tháng 10, vì mấy hôm liền trời mù đặc, chừng ba – bốn giờ chiều mà rừng đã nhuốm đen, mờ mịt. Ban Chỉ huy Trạm 6 và Trạm 7 giao hàng sớm hơn thường lệ. Việc giao hàng nhanh gọn, trót lọt. Nhưng bất ngờ trung đội trinh sát của đồng chí Nguyễn Minh Thông đã đụng phải thám báo của địch tại một vị trí cách đường số 9 chừng 500 mét về phía bắc. Các chiến sĩ trinh sát buộc phải nổ súng chặn địch, bảo vệ cho anh em Đội 7 rút nhanh qua bờ nam sông Đắc Rông, Đội 6 lùi ra phía ngoài an toàn. Thiếu úy Nguyễn Minh Thông - quê Nghi Lộc - Nghệ An, hy sinh anh dũng sau khi đã cùng đồng đội tiêu diệt bốn tên địch. Thượng sĩ Huỳnh Tương - quê Đại Lộc - Quảng Nam, bị thương và bị địch bắt.

Anh em Đội 6 và dân làng Cà Lư - một làng nằm dọc theo đường số 9, gần Rào Quán kể lại: Huỳnh Tương bị thương vào chân. Mấy tên lính ngụy xông vào bắt trói, đưa anh về Đông Hà - Quảng Trị. Vết thương và đòn roi của kẻ thù đã cướp đi vĩnh viễn người chiến sĩ trinh sát kiên cường của Đoàn 559.

Tổn thất đầu tiên của đoàn là khá nghiêm trọng. Chỉ vì một chút bị động, Đoàn 301 đã mất đi hai cán bộ trinh sát. Tuy vậy, gương chiến đấu hy sinh anh dũng của các anh - những người lính đầu tiên trên tuyến đường mang tên Bác là một dấu ấn không phai mờ trong tâm khảm của mỗi chúng tôi. Anh em Đội 7 đã tìm cách đưa được thi hài của đồng chí Nguyễn Minh Thông về chôn cất chu đáo.

Trong giao nhận hàng hóa giữa các đội với nhau, vì phải tiến hành ban đêm, chúng tôi quy định phải thực hiện "vai sang vai" để tránh bỏ quên. Nhưng trong một lần giao hàng giữa Đội 6 và Đội 7 đã bỏ quên một bó súng (hai khẩu) tại đồn điền cà phê Rô Mơ (Bà Rôm). Đồn điền này nằm giữa Rào Quán và Khe Sanh. Chủ đồn điền là một tư sản người Pháp, có vợ là người Việt. Tuy vậy, trong cái rủi cũng có cái may. Cai đồn điền là Cha Mồm - một cơ sở của ta, người Vân Kiều. Sau đêm bộ đội ta bỏ quên súng, tình cờ Cha Mồm cùng bà vợ chủ đồn điền đi thăm cà phê phát hiện được. Cha Mồm nhanh trí khuyên vợ chủ đồn điền không nên khai báo với lính đồn Rào Quán để chúng khỏi gây khó dễ. Vợ chủ đồn điền nghe theo. Sau đó, Cha Mồm bí mật báo cho Đội 7 tới lấy súng. Vụ việc trên được giải quyết êm thấm. Địch không có phản ứng gì. Tuy vậy, điều làm cho chúng tôi băn khoăn là sau gần một tháng sự việc trên xảy ra, anh Cha Mồm cũng không còn ở đồn điền Bà Rôm. Phải chăng vợ chồng chủ đồn điền sợ liên lụy đã thủ tiêu người thanh niên người Vân Kiều mưu trí, khôn khéo này?

Tháng 10 năm 1959, chúng tôi quyết định chuyển Sở chỉ huy Tiền phương và kho tàng từ Khe Hó lùi ra Quảng Bình. Vị trí mới do Đội 12 xây dựng tại làng Mít, nằm ở hữu ngạn sông Kiên Giang, cách Bang Rợn (tây Lệ Thủy) chừng mười cây số về phía nam và cách sông Bến Hải một cung đường bộ, cả đi lẫn về mất khoảng mười giờ.

Địa điểm mới khá lý tưởng, thuận cho việc cơ động, chỉ đạo cả hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn sau này.

Cho đến hết năm 1959, chỉ với phương thức mang vác, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã chuyển giao cho Khu 5 và Trị - Thiên gần 2 nghìn khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn con, hàng nghìn quân cụ thiết yếu. Đến thời điểm này, đã có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội đã qua tuyến giao liên Trường Sơn vào chiến trường. Qua làm việc với anh Nguyễn Chánh, tôi được biết lực lượng cán bộ này được tăng cường để xây dựng các tiểu đoàn, đại đội vũ trang tập trung của Khu 5, Khu 6 và Nam Bộ.

Kết quả chưa đáng là bao, nhưng tôi cũng ý thức được, mỗi một cán bộ, chiến sĩ được những người lính Trường Sơn tổ chức đưa đón vào chiến trường; mỗi khẩu súng, viên đạn mà những người lính Trường Sơn và bao người trên đất Bắc đánh đổi bằng mồ hôi, tâm sức và cả xương máu để đưa vào chiến trường, đã góp phần cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài với Mỹ - ngụy...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:42:36 am »


NHỮNG NGƯỜI "KHAI SƠN PHÁ THẠCH"
Đại tá PHẠM TỀ
Nguyên Phó cục trưởng Cục Chính trị
kiêm Trưởng phòng Tổ chức Đoàn 559

Tiếng chuông nhà thờ vang lên, điểm 4 giờ sáng ngày 20 tháng 6 năm 1961. Tôi bắt tay nhà tôi rồi khoác ba lô lên vai.

- Hôm nay ông đi đâu đó?

- Thưa đồng chí, tôi đi công tác xa.

- Đi xa đến tận đâu?

- Quân đội cấm nói nơi đến và nội dung công tác với người nhà.

- Sao mà nghiêm ngặt quá thế, đến nỗi không tin vợ người ra đi là Đảng viên nữa sao - bà vừa nói vừa cười - Ông giấu làm sao được tôi? Trước đây bao nhiêu lần ông đi, ông làm gì tôi cũng đoán biết được cả!

Tôi khẽ tát vào má bà - Đã biết xin đừng hỏi nữa. Rồi tôi nói nghiêm chỉnh: Đừng đùa để anh đi.

Nhà tôi đưa tôi ra đến tận cổng nhà số 5 đường Lý Thường Kiệt, giọng nói run run: "Anh đi mạnh khỏe”.

Tôi nắm chặt tay nhà tôi như không muốn rời... Đi được mươi bước tôi ngoái cổ nhìn lại, thấy nhà tôi còn đứng, nhìn theo bóng người ra đi. Hình ảnh thân thương của người bạn đời, tôi luôn ghi nhớ qua những năm tháng dài ở Trường Sơn.

Khi tôi đi khuất vườn hoa trường Đại học Y khoa, lòng mới nguôi ngoai. Tôi bước nhanh, 20 phút sau đến nhà số 25 đường Phan Đình Phùng, vừa lúc đài tiếng nói Việt Nam nổi nhạc hiệu.

Anh Bẩm đứng ở cửa nhìn ra, thấy bóng tôi, anh nói lớn:

- Cậu Trường Sơn đã đến rồi. Vậy là đủ (Trường Sơn là biệt hiệu của tôi).

Tôi bước vào nhà. Anh Bẩm bắt tay vỗ vai tôi cười nói:

- Cậu chấp hành giờ giấc nghiêm túc đấy. Con người lực lưỡng và to béo như cậu và cô Hường dược sĩ, không biết chịu đựng với Trường Sơn được bao lâu. Đã ăn sáng chưa?

- Thưa anh, tôi ăn sáng xong, mới đến đây.

- Vậy thì lại kia uống nước chè, mình đã pha sẵn.

Đến đó tôi gặp cô Hường.

- Xin chào thủ trưởng. Thủ trưởng mang gì mà có vẻ nặng thế.

- Mọi thứ cần cho cuộc hành trình ở trong ấy đấy. Cô đến bao giờ?

- Đến trước anh 30 phút...

Câu chuyện chúng tôi đang dở dang thì anh Bẩm bước ra và nói:

- Các cô cậu mang hết hành lý ra xe đi. Tung ra nổ máy thử xe. Đã hơn 5 giờ rồi. Ta đi sớm cho mát. Các đồng chí phải kiểm tra kỹ xem còn thiếu thứ gì không, nhất là xăng dầu. Hôm nay tôi lái. Cậu Trường Sơn ngồi ghế trước. Còn lại ngồi phía sau.

Anh Bẩm đề pa cho máy nổ, xe từ từ ra cổng, rẽ trái chạy hướng đường Nam Bộ, đi vào Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:43:26 am »


Anh Bẩm sinh năm 1913, tôi sinh năm 1918, anh ấy lớn hơn tôi 5 tuổi, anh là bạn tù lâu ngày với người anh họ tôi ở Buôn Ma Thuột. Trong kháng chiến chống Pháp anh công tác ở cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu 5 về công tác ở Tỉnh đội Quảng Ngãi, mấy lần gặp tôi tự nhiên trở thành quen thân nhau. Ngày 19 tháng 6 năm 1960 tôi đang công tác ở Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị thì nhận được quyết định làm trưởng ban tổ chức Đoàn 559, hôm nay được theo đồng chí tư lệnh vào hành lang công tác.

Chiếc xe bon bon qua ga Hàng Cỏ vào Văn Điển. Hừng đông ửng dần. Nhìn đằng trước, đằng sau có những chiếc xe tải phủ vải bạt kín bưng, các xe chở hàng và người đang chạy cùng chiều.

- Quân ta, hàng của ta cùng đi vào hành lang đấy!

Hường đang ngái ngủ, nghe thế, mở mắt, thò đầu ra ngoài nhìn đoàn xe, gương mặt rạng rỡ hẳn ra.

- Hôm nay mấy xe cùng đi với ta vậy anh?

- Cô phạm quy rồi đấy!

- Xin lỗi anh, em quên.

- Từ đây chúng ta nhắc nhở nhau phải luôn luôn giữ bí mật. Một việc đơn giản, nhưng khó thực hiện đấy. Trong lịch sử có lắm nhà vương bá, nhiều vị tướng lĩnh có tầm cỡ, chỉ vì làm lộ bí mật, mà sự nghiệp tan tành.

Anh Bẩm tăng ga, xe lướt nhanh qua cánh đồng lúa Phủ Lý, Hà Nam. Trong xe trừ anh Bẩm vẫn tỉnh táo, còn chúng tôi, gió lùa mát rượi, đã ngủ gật. Hường ngủ rất say, chắc đêm qua cô bị mất ngủ do chuẩn bị một chuyến đi xa.

Xe chạy vào thị xã Phủ Lý, dừng trước quán giải khát, tất cả vào quán uống nước ăn kẹo lạc. Tôi hỏi anh Bẩm:

- Thông tri của Bộ Quốc phòng cấm cán bộ cao cấp tự lái xe ô tô đi công tác, sao anh lại lái xe đi đường dài, lỡ xảy ra tai nạn như ông Đức ở Tổng cục Địa chất, nhà nước khó xử lắm.

- Mình đôi mắt còn tinh, đôi tay còn vững, sợ gì - Ngẫm nghĩ một lát, anh ấy nói: Cậu Trường Sơn ra ghế sau ngồi. Từ đây trở đi cậu Tung lái xe, "Chiêm bao không sợ, sợ thầy bàn".

Xe tiếp tục chạy. Tôi khêu gợi anh Bẩm: Từ lâu nay chờ có lúc được anh nói chuyện triển khai hành lang những ngày đầu. Vậy dịp này được anh kể cho nghe thì quý giá.

Cô Hường cũng nói xen vào - Nếu được nghe, chúng em hình dung trước, phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ.

- Lo gì, đường còn xa, nhiệm vụ còn lâu dài, thong thả mình sẽ kể cho mà nghe. Cứ lao vào thực tế công tác, dần dần sẽ hiểu rõ hơn. Sức người chịu đựng được đến đâu, sẽ hiểu đến đó. Có việc nói trước người ta sinh ra ngán ngại đấy.

- Đã dám nhảy vào lửa, có ngại gì bị bỏng đâu thủ trưởng.

- Chưa biết sẽ ra sao, nghe cô nói có vẻ anh hùng đấy.

Cả xe đều cười.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:45:24 am »


Chiếc xe thẳng đến Đồng Giao, dãy núi Tam Điệp dựng sừng sững trước mặt. Nhớ chuyện Quang Trung xưa đốc đại quân tiến ra Bắc Hà tiêu diệt quân Mãn Thanh trong mùa Xuân Kỷ Dậu. Dưới chân núi là những lô cà phê xanh mượt, nở đầy hoa. Gió hây hây đưa lại mùi thơm dịu ngọt. Anh Bẩm bắt đầu kể chuyện, hòa theo tiếng rù rù của xe chạy.

"Khoảng đầu năm 1959, tôi gặp anh Trần Lương, nguyên là Bí thư Khu ủy Khu 5 ở Hà Nội, hai anh em trò chuyện tâm tình, anh ấy nói nhỏ với tôi: "Chúng tôi ở trong ấy có đề nghị với Quân ủy Trung ương giao cho ông nhiệm vụ đặc biệt". Tôi hỏi việc gì, anh ấy không nói. Tôi biết anh ấy là người có ý thức chặt chẽ, dù thân tình đến đâu cũng không tiết lộ bí mật. Tôi chỉ nói: "Tùy các cụ, liệu việc gì mà sức của tôi kham nổi thì giao, đừng giao việc quá khả năng, làm không được, các anh mang tiếng đấy". Nói thế, chứ các anh có lạ gì mình đâu.

Anh Lương vỗ vai tôi - Cùng ở lao tù với nhau thời còn rất trẻ, nên chúng ta tin nhau, ông ở ngoài này, xoay xở giúp Trung ương lo cho trong Nam, chúng tôi mới yên tâm được.

- Các anh đã tin giao việc, tôi sẽ ráng hết sức làm, làm chết bỏ - tôi đáp lại anh ấy.

Chỉ qua mấy chục phút tâm sự như thế, rồi việc của ai, người ấy phải lo mà làm.

Từ đó, tuy còn làm ở Cục Nông trường, nhưng đêm đêm tâm trí tôi vẫn hướng về Nam, chuẩn bị đón chờ nhiệm vụ mới. Quê hương chúng ta đang sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, làm sao mình lại tính chuyện sống êm ấm ở đất Thủ đô được.

Một buổi sáng đầu tháng 5 năm 1959, tôi nhận được giấy mời của anh Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tôi có cảm giác hễ các cụ đã gọi là có chuyện không bình thường. Đúng giờ, tôi đến nhà anh Vịnh. Cửa mở sẵn, tôi bước vào, anh ấy ra bắt tay chào, dắt tôi vào phòng khách. Bình trà đã pha sẵn, anh mời tôi uống nước, hút thuốc lá, rồi gọi công vụ pha cà phê.

- Xin anh, tôi không uống cà phê, vì dễ bị mất ngủ.

Nghe tôi nói thế, anh ấy thôi, nói tiếp:

- Tình hình sức khỏe của anh độ này thế nào?

- Thưa anh, sức khỏe của tôi bình thường, thỉnh thoảng huyết áp bị tăng, một hai hôm lại hết.

Anh Vịnh suy nghĩ giây lát, nói:

- Nếu gánh vác công việc nặng nhọc, sức anh có chịu nổi không?

Anh Vịnh vốn là người từ tốn, cách hỏi của anh vừa ân cần, vừa tin cẩn. Tôi đoán chắc là việc anh Lương đã trao đổi với tôi hôm nọ, tôi hỏi lại:

- Việc gì vậy anh?

Anh Vịnh điềm tĩnh nói:

- Quân ủy Trung ương quyết định giao cho anh làm công tác giao thông quân sự đặc biệt là mở đường tiếp tế cho cách mạng miền Nam.

Tôi nghe vừa mừng, vừa lo.

- Địch nó kiểm soát giới tuyến quân sự tạm thời chặt lắm, liệu tôi có kham nổi không?

- Các anh trong Quân ủy biết anh nhiều, anh không làm được, còn ai hơn.

- Nói vậy, chứ các anh đã giao phải ra sức mà làm, nhưng xin anh chỉ vẽ cho đường đi, nước bước, lúc đầu ta nên làm bằng cách nào, cho đầu xuôi, đuôi lọt.

Nghe tôi nói thế, nét mặt anh ấy sáng lên, anh vào tủ lấy tấm bản đồ ra, trải rộng trên chiếc bàn bên cạnh. Anh ấy chỉ cho tôi biết tình hình địch trên chiến trường, chỉ các tuyến hành lang Thống nhất của các đảng bộ địa phương. Cách tổ chức chỉ huy của lực lượng giao liên ở Trị - Thiên và Khu 5. Còn chiến trường Nam Bộ chưa nắm được đầy đủ. Anh nói rõ yêu cầu của mỗi chiến trường hiện nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:45:58 am »


Sau đó anh nói rõ phương châm hoạt động là phải khôn khéo tránh địch, che mắt địch để làm nhiệm vụ. Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng luôn nhắc nhở chúng ta phải giữ bí mật của nhiệm vụ. Ta chưa làm được gì, nếu để bị lộ ra sớm, kẻ thù sẽ kêu lên ầm ĩ là miền Bắc xâm nhập vào miền Nam. Từ đó, chúng lấy cớ để lừa bịp dư luận, đổ vấy trách nhiệm cho ta và chủ động ngăn chặn ta trước, thì hậu quả sẽ không lường được. Trong lúc đó phong trào cách mạng miền Nam còn yếu, đang ở tình thế khó khăn, các trục hành lang của ta ở miền Nam còn mỏng manh. Ta phấn đấu phục vụ được nhiều, được lớn hơn cho miền Nam càng tốt. Song điều quan trọng là chúng ta phải giữ bí mật. Bởi trong hoạt động cách mạng cũng như trong đấu tranh quân sự, giữ được bí mật mới tạo được yếu tố bất ngờ, giữ quyền chủ động, sẽ nắm chắc phần thắng.

Bởi thế, khi tôi bàn việc với anh lần này, cũng như những lần khác, anh nên nhớ nhập tâm là hơn. Có ghi vào sổ sách phải dùng mật danh, hoặc tiếng lóng để nhớ. Tránh ghi vào sổ, khi sơ hở sẽ lộ bí mật. Phải giữ bí mật ngay trong đơn vị. Ai làm việc gì chỉ cho biết việc đó. Ở miền Bắc, kể cả tại Thủ đô cũng phải giữ bí mật. Đã là cuộc đối đầu sinh tử giữa ta và địch, đôi bên đều tìm mọi cách, với mọi giá để xâm nhập vào đối phương, nắm bắt mọi âm mưu, ý đồ chiến lược, chiến thuật của nhau. Có lẽ tôi và anh không đến nỗi không nhận thức được vấn đề này. Song trong đội ngũ của ta, còn có người hời hợt, ba hoa dễ lộ liễu lắm.

Do đó, trong các cơ quan của Bộ, Quân ủy Trung ương, chỉ cho một số ít đồng chí biết việc này, như ở Bộ Tổng Tham mưu, anh Trần Văn Trà - Tổng Tham mưu phó trực tiếp chỉ đạo các anh. Về trang bị, điều động lực lượng có anh Trần Quý Hai - Tổng Tham mưu phó, anh Lê Đức Anh ở Cục Quân lực; ở Tổng cục Chính trị có các anh: Song Hào, Lê Quang Đạo, Phạm Ngọc Mậu, Phạm Kiệt, Trần Hoài Ân và anh Huỳnh Đắc Hương; ở Tổng cục Hậu cần có anh Trần Sâm - Phó chủ nhiệm, anh Nam - Cục trưởng Cục Quân khí, anh Sỹ - Cục phó Cục Tài vụ.

Chức vụ các anh ấy anh đã rõ rồi, khi cần việc gì thuộc phần của ai, thì anh liên hệ trực tiếp làm việc với người ấy mà thôi.

Còn đối với các cơ quan nhà nước, càng phải thận trọng hơn. Bởi có nhiều việc đối với miền Nam ta chưa đưa ra công khai về mặt nhà nước. Công việc của anh sẽ thường quan hệ với Bộ Giao thông vận tải thì gặp anh Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng, anh Mai - Thứ trưởng. Đối với Bộ Tài chính, anh gặp anh Hoàng Anh. Đối với Ban Thống nhất Trung ương thì gặp anh Trương Quang Giao. Nếu anh cần gặp ai khác, phải xin phép Thường trực Quân ủy Trung ương. Anh Nguyễn Chí Thanh căn dặn chúng ta điều này kỹ lắm.

Hôm nay, riêng tôi gặp anh, chỉ bàn với anh vậy thôi. Thật ra tôi cũng chưa hình dung đầy đủ, ta nên làm như thế nào cho tốt. Tôi giới thiệu anh đi vào Vĩnh Linh, để gặp anh Trần Lương và anh Quyết của Khu ủy Khu 5, anh Thản - Bí thư Vĩnh Linh, anh Hành - Tỉnh ủy viên Quảng Trị kiêm Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa, là những cán bộ từng trải, có kinh nghiệm nhiều về công tác hành lang. Anh khéo khai thác được kinh nghiệm phong phú của các anh ấy. Khi anh đã nắm được tình hình ở phía nam giới tuyến, tiếp thu được các bài học của các vị ấy, anh về sẽ lên phương án kế hoạch triển khai xây dựng hành lang được sát thực tiễn hơn. Lúc ấy sẽ trình cho Thường trực Quân ủy phê chuẩn.

Theo ý tôi, về hành lang của Trung ương lúc đầu có thể quy mô còn nhỏ; chiều sâu vươn tới còn ngắn, phương thức hoạt động còn thô sơ, đơn giản. Nhưng nó sẽ phát triển theo quy luật của chiến tranh nhân dân, từ chiến tranh du kích, đến vận động chiến và chính quy chiến, ta mới giành được thắng lợi cuối cùng. Muốn chiến thắng một đạo quân ngụy được Mỹ trang bị khá hiện đại, mà mọi thứ của ta chỉ để đánh du kích thì làm sao ta đánh bại hoàn toàn đạo quân ấy. Vận tải quân sự của ta phải tiến lên cơ giới hóa mới tăng nhanh khả năng chi viện sức người và mọi nhu cầu vật chất cho cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Phương hướng tiến lên của ta là như vậy. Song trước mắt ta thực hiện phương thức vận tải bằng phương tiện thô sơ. Khi nào cơ giới hóa hành lang, thì chúng ta sẽ bàn kỹ hơn"...

Anh Bẩm kể chuyện đến đây, thì xe cũng vào đến thị xã Thanh Hóa. Đã gần trưa, trời nắng hanh, chúng tôi vào quán ăn cơm, rồi đi vào cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa nghỉ trưa.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM