Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:18:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38492 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:36:20 pm »


Sáng ngày 16 tháng 6 chúng tôi đi cùng đội gùi thồ hàng vào trạm 2, ai cũng mang nặng trên 40 ký, có chiến sĩ gùi hàng nặng 60-70 ký, gùi hàng cao quá đầu 3 tấc. Còn chở hàng trung bình mỗi xe từ 120 đến 150 ký. Hiền - đội trưởng thồ 200 ký. Chúng tôi cùng đẩy trợ sức xe đạp thồ, tôi đẩy xe giúp Hiền. Khi gùi hàng, đẩy xe thồ qua dốc, qua đèo dưới nắng hanh, mồ hôi tháo ra như tắm. Khi đẩy xe lên dốc ráng hết sức để vượt qua, khi xuống dốc phải ghì thật chặt cho xe lao xuống dốc từ từ, không ghìm xe được xe sẽ lao xuống hố sâu ngay, có khi xảy ra tai nạn. Mỗi ngày như vậy, trên 10 tiếng đồng hồ. Có đến 1/3 quân số xung phong mỗi ngày vận tải 2 chuyến hàng, phải đổ sức ra 14 - 15 tiếng đồng hồ. Có đến tận đây, chứng kiến công việc mới thông cảm hết nỗi khó nhọc của chiến sĩ.

Tôi cùng Hiền đẩy xe, Hiền tâm sự:

- Ngày nào cũng đẩy xe như thế này mệt lắm anh ơi! Song mình có làm mới động viên được anh em. Ta nghe đài, nghe báo, nghe đồng chí trong Nam đi ra kể chuyện địch đàn áp, khủng bố đồng bào ở quê hương, càng nghe lòng mình càng nhức nhối, nên mỗi đêm nằm xuống là mơ thấy quê hương, nên mệt mỏi nó tan biến ngay. Trong mùa khô anh thấy khổ sở thế này. Đến mùa mưa bộ đội gùi thồ càng khốn khổ hơn. Lúc đó bệnh sốt rét tái phát, quần áo luôn đẫm ướt, vắt đất, vắt lá phát triển bám vào bộ đội mà hút máu tươi. Đường trơn như mỡ, quân ta bị ngã, bị trượt, quần áo lấm lem. Có khi còn xảy ra tai nạn. Mỗi năm đến mùa mưa phải chịu đựng như vậy 200 ngày, anh thấy có ngán không.

Khi nào anh đi vào mùa mưa, anh sẽ thấy quân bị sốt rét, vừa cắt cơn sốt là phải lao vào gùi hàng ngay không chờ đến lúc cắt cơn vì có 80 - 90% bị sốt, nếu không làm thì tắt vận tải còn nguy hiểm hơn. Lúc đó, ai cũng bụng ban, da vàng, bị hắc lào, ghẻ lở, trông hình hài anh em thảm thương lắm, song không một ai lùi bước cả. Có yếu cũng mang theo chiếc gậy để vịn vào mà đi gùi thồ. Yếu không tải được nặng thì tải nhẹ. Không ai chịu ngừng nghỉ để quân ta trên chiến trường gặp khó khăn.

Nghe Hiền nói, tôi nghĩ con người được rèn luyện có tâm hồn và ý chí khác thường. Đồng thời lời của Hiền cũng là bài học sâu sắc đối với chính mình, một chiến sĩ mới. Càng nghĩ càng thương các đồng chí mình. Đang mải suy nghĩ thì chiếc xe vừa xuống dốc, tôi và Hiền sơ ý để chiếc xe lao quá đà đổ ngay xuống chiếc cầu cao trên 1m. Cả tôi và Hiền đều ngã theo xe xuống suối cạn, Hiền bị va đá trầy gối chảy máu, tôi bị va đầu vào đá đau nhức nhối. Chúng tôi gượng dậy, vác hàng, vác xe lên đường, buộc lại hàng, chỉnh lại xe, nghỉ một lát rồi lại tiếp tục đẩy xe thồ.

Khi chúng tôi đến điểm trực giao hàng, giao quân cho trạm 2, anh Bẩm thấy tôi và Hiền đến nói:

- Hai cậu bị đổ xe có sao không?

- Bị va nhẹ thôi anh.

Anh Bẩm nói đùa:

- Voi mới bị va chạm sơ, ăn nhằm gì, có bị ngã mới thông cảm hết nỗi cực nhọc của anh em.

Hường lấy thuốc, lấy dầu ra băng bó vết thương cho Hiền, xoa dầu vào vết thương trên đầu của tôi. "Bị thương ở đầu nhớ dai lắm đấy", lời nói của Hường rất thâm thúy.

Hường lấy xuất cơm trưa để phân phát cho từng người. Mấy tiếng đồng hồ leo dốc, rảo người, bụng đói ăn cơm vắt, với mắm cô và thịt chim rán thật ngon lành. Mỗi người lại còn được uống 4 viên tăng lực nên càng tỉnh táo hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:37:33 pm »


Chúng tôi đi tiếp 2 đồng hồ nữa thì đến trạm 2. Việc kiểm tra ở đây cũng theo trình tự như trạm 1.

Thấy các bữa ăn ở đây khá tươi, anh Bẩm bảo chúng tôi đi xem anh em làm thế nào được như thế, có phải là nếp sống thường xuyên không, nếu được vậy là điển hình tốt, phải nắm kỹ để viết thành bài học phổ biến cho cả tuyến.

Tôi và Hường tìm đến cơ sở sản xuất của trạm, đi ra sau nhà bếp có một dãy chuồng heo, có nuôi hai heo nái, một nái đã đẻ được 9 con, đã 60 ngày tuổi mập tròn, trông rất đẹp. Ba chuồng nuôi 7 con heo thịt mỗi con ước nặng 70-80 ký. Cách chuồng heo 50 mét là dãy chuồng gà, đàn gà đang ăn ngoài sân ước được trên 80 con lớn nhỏ, có nhiều gà mái đẻ, có 5 ổ gà đang ấp trứng. Đi vào khe cách doanh trại 2 kilômét, thì thấy có bãi trồng rau cạnh khe nước chảy. Có 5 luống cà chua quả chín đỏ ối, phơi đầy giàn trông thật thích mắt. Một vạt rau muống xanh mượt rộng khoảng 300 mét vuông, đến bãi cải trắng, cải xanh sum xuê. Lối sang vườn đồi bên kia có nhiều giàn bầu, giàn bí xanh, bí đỏ có quả dày đặc, thõng xuống dưới giàn. Hường reo lên "Làm được thế này có bữa ăn tươi là đúng rồi". Đẹp nhất là nương khoai mì, nương bắp xanh tươi cao quá đầu người, khiến chúng tôi càng hào hứng.

Xem hết mọi nơi, trên đường về chúng tôi gặp cô Thìn, cô Thủy mang 2 tay lưới và 1 bao cá, xách chim về. Hường hỏi:

- Các đồng chí đánh bắt ở đâu mà được nhiều thế?

- Chị tính xem đơn vị chúng em có 118 người, hằng ngày có thêm khách ngoài Bắc vào, trong Nam ra mấy chục người. Quân đội chỉ cấp một người một ngày 700 gam gạo, 50 gam thịt hộp, một ít muối và bột ngọt thì làm sao có được bữa ăn, bù lại nhiệt lượng đã bị tiêu hao quá lớn. Bởi thế mỗi ngày chúng em phải đi chợ bằng kiểu này, không mất tiền, lại ăn ngon hơn chị ở Hà Nội đấy!

Hai cô ôm lấy Hường mà cười: "Chúng em nghe các anh nói chị 35 tuổi, có hai con, chồng đi chiến đấu xa, chị lại xung phong ra chiến trường mà trông thấy chị vẫn trẻ trung. Chúng em đến tuổi như chị, chắc không ai thèm ngó tới nữa!".

- Không ế đâu. Nếu chị là đàn ông thì chỉ lấy những cô gái đảm đang, biết sống vì mọi người như các em. Thôi trưa rồi, chúng ta về nhanh, để có thức ăn cho bữa trưa chứ các em.

Sáng ngày hôm sau, sau khi tôi và Huyền - chính trị viên của trạm, quê ở Quảng Nam trao đổi tình hình công tác chính trị, công tác xong, dẫn nhau đi xem nhà bếp, nhà ăn. Hường bước vào. Mới nhìn gương mặt cô em rạng rỡ hẳn ra. Bởi thấy nhà bếp, nhà ăn sạch sẽ ngăn nắp quá. Cơm nấu bằng chảo gang cho trên 100 người ăn mà không nhão, không khô, canh ngọt, thức ăn thơm phức. Nhà ăn có bếp đun nước sôi để tráng chén, bát trước khi ăn.

Lúc chúng tôi vào thăm nhà khách trong Nam ra, anh em y tá đang băng bó lại những vết thương chưa lành cho thương binh. Số anh em này bị cụt chân, cụt tay, hay mù mắt, bị sẹo ở mặt, ở hàm hay ở đầu. Có cụ già, chị em và cháu nhỏ cũng bị như vậy. Vết thương tái phát, máu mủ bục ra, bốc mùi hôi thối nồng nặc, mà anh em phục vụ vẫn ân cần, tươi vui với bàn tay dịu dàng, cử chỉ thân ái, rửa ráy, làm thuốc cho từng vết thương đau. Tuy còn bị nhức nhối trên thân thể, thân hình gầy còm mà mắt họ ngời lên niềm tin, mỉm cười chào chúng tôi. Chúng tôi rất xúc động. Các anh em bị tâm thần, đang la hét chửi bới, đánh đập anh em đang phục vụ. Nhưng anh em không có một cử chỉ nào phản ứng lại. Anh chị em vẫn tươi cười, ngọt ngào làm dịu lòng những anh bị bệnh hiểm nghèo. Càng nhìn càng thấy tình con người hiện lên đậm nét tại đây. Tôi thấy mắt Hường đã ngân ngấn nước... Chúng tôi bận bịu với cảnh đau lòng ấy gần 1 tiếng đồng hồ mới cùng nhau lên đồi, ngồi hóng gió, nhìn cảnh vật.

- Trạm chúng tôi nằm dưới chân đèo 1001, đèo này cao 1.001 mét, vừa cao lại vừa dài, từ chân đèo đi lên đỉnh mất bốn tiếng đồng hồ, khi đi xuống đèo cũng mất thời gian tương ứng. Người yếu, đi chậm đi suốt ngày mới đến trạm 3, bên kia đèo. - Anh Huyền nói.

Bất kỳ ai vào chiến trường, đều phải qua cái đèo cao chọc trời, nổi tiếng này. Trên đường vào Khu 5, Nam Bộ còn phải qua hàng chục đèo cao, dốc sải như thế. Tạo hóa khéo sinh ra đèo này ở cửa ngõ con đường đi vào chiến trường, nó là điểm mốc để kiểm tra lại ý chí, quyết tâm của những người con của đất nước vào Nam đánh giặc Mỹ. Dù đèo cao thăm thẳm, vẫn không làm nhụt được ý chí của tuyệt đại đa số con người, từ các cháu còn thơ bé đến các cụ già, từ các bạn trẻ đến các chị phụ nữ tay yếu chân mềm. Nhưng cũng có một số ít non gan, ngao ngán, dao động khi qua đèo này, quay lưng trở lại với chiến trường. Bởi thế khách hành quân đã đặt cho nó cái tên là "đèo thử thách". Ngày mai các anh chị đi qua càng thấm thía hơn".

Bởi biết rõ như vậy tôi và Hường càng lo lắng cho trận thử thách ngày mai sẽ đến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:39:06 pm »


Sau khi tìm hiểu tình hình, chúng tôi tổng hợp lại để anh Bẩm nhận xét đơn vị. Thực ra đơn vị này có nhiều mặt tốt. Đồng chí Trí quê ở Quảng Ngãi làm đội trưởng, là một đồng chí gương mẫu, xông xáo, linh hoạt, có trình độ toàn diện. Huyền - chính trị viên là một cán bộ mẫu mực, điềm tĩnh có phong thái làm việc dân chủ, được quần chúng tín nhiệm cao.

Vì thế anh Bẩm giao cho tôi viết thành tài liệu "Một trạm vận tải, giao liên mẫu mực" để thông báo cho cả tuyến.

Tối hôm đó, anh Bẩm cho chúng tôi đi theo anh em đơn vị đánh cá chuẩn bị thực phẩm để hôm sau lên đường.

Sáng ngày 29 tháng 6 năm 1960 chúng tôi thức dậy sớm chuẩn bị hành lý, ăn sáng để lên đường.

Chúng tôi ra đi lúc 5 giờ 30 phút, từ trạm 2 qua trạm 3 chỉ vượt đèo 1001, chưa qua giới tuyến quân sự tạm thời. Đi một lúc, anh Bẩm, anh Danh đã bỏ xa tôi và Hường. Mới đi một đoạn ngắn trên đèo, tôi và Hường tháo mồ hôi như tắm, đã uống hết 1/3 bi đông nước. Chiếc ba lô sau lưng nặng không quá 10 ký, tưởng như một tảng đá nặng trĩu, chân đã chùn, mu bàn chân bị đau nhừ, dưới bàn chân thì rát, sa mỡ hai bên hông thấy đau điếng người. Hường lúc thường hồng hào, rất xinh gái, bây giờ mặt tái nhợt lê từng bước chân nặng trịch, vừa bước vừa thở hổn hển.

- Ráng bước theo kịp anh em chứ.

- Ông có hơn gì lại động viên tôi. Họ khỏe, họ đi đâu thì đi. Ta yếu chậm rãi bước. Họ đến trước, ta đến sau, cũng đến đích cả. Mấy ngày nữa ta quen dần, quyết không chịu thua ai hết.

Tôi và Hường nương chiếc gậy, lê từng bước khó nhọc như vậy, trong 3 tiếng đồng hồ mới lên 2/3 đèo, gặp trên 100 anh em gùi hàng nặng nhọc, kìn kịt trên lưng 40 - 50 ký, đã giao hàng xong trên đỉnh đèo cho trạm 3, đang hăm hở quay trở về để chuyển tiếp chuyến thứ hai.

Với thân hình to béo hơn cả, lúc này hai chúng tôi đâm ra ngượng ngùng. Mọi người thì vẫn đang hăm hở bước còn chúng tôi thì mình đẫm mồ hôi, còn ngồi ở gốc cây thở hổn hển uống nước. Nhìn về hướng đỉnh đèo thấy đồng chí Tính, công vụ đi nhanh ngược ra đến gần chúng tôi nói: "Thủ trưởng Bẩm cho em ra mang giúp hành lý cho anh chị".

Trong cơn đuối sức, chúng tôi nghe như được trút đi gánh nặng trên người.

- Cám ơn Thủ trưởng, cám ơn em, - Hường nói và trao ba lô cho Tính.

Tôi đưa cho Tính điếu thuốc lá và cũng trao ba lô cho em.

Tính mang hai chiếc ba lô khoảng 20 ký đi trước sải bước rất nhanh. Tôi và Hường chống gậy theo sau, cảm thấy trên người nhẹ nhàng thoải mái hơn, gắng sức bước theo Tính.

Đến đỉnh đèo, vắng bóng không còn ai nữa. Anh Bẩm, anh Danh đều đi trước vào trạm 3. Chúng tôi ngồi nghỉ lấy cơm trưa ra ăn. Tính đã ăn cơm, Hường đưa thuốc lá và kẹo cho Tính dùng.

Ăn xong, tôi châm thuốc hút, nhìn ra bốn hướng, phía bắc thấy mờ mờ Đồng Hới - Lũy Thầy, cái hận phân ly đất nước xa xưa còn đó. Nhìn về phía đông thấy cồn cát Quảng Bình trắng xóa, dọc theo quốc lộ số 1 khúc ruột miền Trung nối liền Nam - Bắc. Nhìn về phía nam thấy rõ dòng sông Bến Hải, nơi còn chứa đựng nỗi đau chia cắt đất nước ngày nay. Đang mải mê suy nghĩ, bỗng Hường nắm tay tôi chỉ:

- Ông thấy không, thành Huế quê tôi ở hướng đấy, sông Thạch Hãn ở hướng này, đường 9 đã hiện ra kia rồi - Vừa nói gương mặt Hường tươi hẳn ra, đôi mắt lượn như sao chớp - Ôi quê hương có sức mạnh diệu kỳ!

Chúng tôi đứng dậy đi một quãng đã gặp đoàn khách từ trong Nam ra, phần lớn là người Trị Thiên.

- Các đồng chí có thuốc lá cho chúng tôi mấy điếu! - Có mấy anh em thương binh hỏi chúng tôi.

Hường lên tiếng ngay:

- Có đây các đồng chí.

- Các chú giao liên cho dừng nghỉ một tí! - Một cụ già yêu cầu.

Nghe tiếng nói của quê hương, Hường mừng quýnh, lục ba lô lấy bánh kẹo, giục tôi lấy mấy bao thuốc lá ra biếu mọi người.

Hường cùng họ quấn quýt, hỏi han tình hình làng xã, bà con. Trời đã xế chiều, cuộc gặp gỡ giữa Hường và họ như đôi tình nhân cứ dùng dằng mãi, khó lòng dứt ra được. Tôi và Tính phải làm động tác xem đồng hồ nhiều lần như có ý nhắc Hường. Vậy mà gần một tiếng đồng hồ sau, Hường mới chia tay được với đoàn khách.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:40:33 pm »


Trong hai ngày, chúng tôi kiểm tra trạm 3. Tình hình cũng tương đối tốt. Năm giờ sáng ngày 2 tháng 7 đoàn chúng tôi đi vào trạm 4, vượt sông giới tuyến, vượt qua đường 9. Đoạn đường này đèo dốc ít, chúng tôi bây giờ đã quen, đi theo kịp đoàn, khêu gợi anh Bẩm tiếp tục kể chuyện triển khai hành lang lúc đầu.

- Đi mệt thở không ra hơi, còn muốn nghe chuyện - Muốn thì tớ kể.

Vượt qua ba trạm rồi, anh nói:

- Các đồng chí thấy quân ta vận tải vất vả như thế đấy, Trung đoàn 70 Tiểu đoàn 301 làm từ tháng 7 năm 1959 đến hết năm 1960 chỉ đưa vào cho B4, B1, B3 được 21.000 khẩu súng các loại. Trong đó có cối 80 - 82 trung liên và đại liên, mấy chục tấn thuốc nổ, 300 tấn gạo và đưa vào 1.000 cán bộ quân sự. Ta ráng hết sức, kết quả như vậy, như hạt muối bỏ bể, có thấm vào đâu. Nhưng dù sao cũng giúp cho các chiến trường bớt khó khăn.

Dạo đó, tuần nào cũng có điện của các chiến trường yêu cầu Bộ tăng cường lực lượng, vũ khí, khí tài, lương thực, thuốc men. Mỗi lần các anh trên nhận điện là gọi tôi vào giao cho tôi phấn đấu đáp ứng, trong tay chỉ có 1.500 quân, chia làm 12 cung trạm vận tải, mỗi ngày chỉ giao cho phía trước được 500 ký hàng, biết làm sao hơn được.

Vì lẽ đó, tôi đề nghị Bộ tăng cường lực lượng cho Đoàn 559. Cuối năm 1960 Bộ tăng cường thành một trung đoàn là Trung đoàn 70, các đồng chí biết rồi, trung đoàn này lấy Tiểu đoàn 301 làm nòng cốt.

Hiện nay Quân ủy cho thành lập thêm Trung đoàn 71, quân số như Trung đoàn 70 (1500), để thay đường dây Thống nhất, trực tiếp phục vụ cho Mặt trận Trị Thiên. Anh Thạnh ở nhà đang đi lấy quân. Bộ đang tăng cường cho đoàn xe đạp thồ, đã cấp cho Trung đoàn 70 số lượng 700 chiếc. Bởi không phải xe đạp nào cũng thồ hàng được ở Trường Sơn, ta phải đặt mua của Trung Quốc, xe của Trung Quốc vững chắc mới chịu nổi. Hiệu suất thồ hàng tăng gấp ba gùi hàng.

Nhân đây tôi nói một chuyện khó khăn để các đồng chí rõ. Khoảng đầu năm nay đường dây bị lộ. Địch càn liên tục. Trong lúc đó tại Hà Nội, hai cơ quan của hai Bộ Tư lệnh Liên khu 5 và Nam Bộ đã tập trung học tập, bồi dưỡng trang bị xong bị kẹt không đi vào được, tình thế đòi hỏi cấp bách.

Các anh trong Bộ gọi tôi vào, có mặt anh Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Nguyễn Đôn. Các anh hỏi tôi: "Có cách nào đưa cơ quan của 2 Bộ Tư lệnh đi vào được an toàn không". Câu hỏi khá bất ngờ làm tôi lúng túng.

Anh Trà nói luôn: nếu bạn Lào đồng ý, ta chuyển hành lang sang Trường Sơn Tây, liệu anh có làm được nhanh không?

- Nếu Quân ủy quyết định, phải mất 2 - 3 tháng mới chuyển đường sang Trường Sơn Tây được.

- Chậm lắm, không được đâu ông bạn ơi! - Anh Quang nói thế.

Tôi nói:

- Nếu muốn nhanh chỉ còn một cách mượn máy bay Liên Xô tiếp tế bằng đường không. Còn đơn vị tôi hành quân cấp tốc, rải quân cắm trạm. Sau đó cơ quan 2 Bộ Tư lệnh đi vào sau mấy ngày, chúng tôi đưa các đồng chí vừa hành quân, vừa nhận hàng tiếp tế bằng máy bay ở vùng Sê Pôn, chúng tôi vận tải bằng gùi hàng cấp cho quân ta đi, dần dần về sau chúng tôi sẽ củng cố hoàn chỉnh hành lang.

- Vừa qua khi quân Quân khu 4 đánh ở Lào, lúc bí chúng tôi đã thực hiện tiếp tế như vậy, - anh Đôn họa thêm vào.

Anh Trần Văn Trà nói:

- Anh Bẩm về suy nghĩ thêm và chuẩn bị theo phương án đó. Nhưng phải tính toán kỹ: xác định điểm thả hàng, ngày giờ xuất phát của giao liên, ngày giờ của cơ quan hai Bộ Tư lệnh hành quân, việc bố trí quân đón nhận hàng, quy ước mật mã liên lạc của thông tin v.v. Phải tính toán kế hoạch thật ăn khớp, để trục trặc một khâu nào là hỏng việc, mất công, mất của đấy. Nhưng phải lưu ý giữ tuyệt đối bí mật. Khi Quân ủy quyết định các anh phải trực tiếp chỉ huy thực hiện. Còn việc bàn với bạn Lào, Liên Xô, Bộ sẽ đảm nhiệm. Bàn với Quân khu 4, anh Đôn sẽ bay vào làm việc ấy. Khi nào Quân ủy quyết định sẽ mời anh vào ngay bàn việc thực hiện.

Nghe anh Trà nói, tôi đứng dậy xin phép ra về để xoay xở cho kịp.

Về đến cơ quan tôi điện ngay cho đồng chí Chữ và Danh về Hà Nội gặp tôi khẩn cấp trong ngày mai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:56:32 pm »


Mấy tiếng đồng hồ chờ đợi lòng tôi bồn chồn lắm. Việc quá gấp, cơ quan giúp việc còn quá yếu, để xảy ra việc gì là bị "đứt đầu" như chơi. Nhưng "các cụ" quyết định nhanh lắm. Sáng hôm sau anh Trà gọi tôi vào ngay.

Tôi vào cơ quan, anh Trà gặp tôi, tươi cười nói:

- Mời anh ngồi, uống nước, hút thuốc, nhận nhiệm vụ của Quân ủy giao. Quân ủy đồng ý theo phương án ta đã bàn, song các anh dặn: Đây là một việc làm chớp nhoáng trong mấy ngày, thực hiện thật nhanh gọn, bảo đảm bí mật, hợp đồng chặt chẽ từng khâu. Bữa qua tôi trực tiếp nói chuyện bằng điện thoại với Quân khu 4, anh Trần Lương đã đi vào trước bàn hợp đồng chặt chẽ với các tỉnh bạn Lào, để họ giúp ta chuyển hành lang.

Anh Trà đưa bản đồ trải rộng trên bàn, bài với tôi kỹ điểm thả hàng, khu vực bố trí quân nhận hàng, vạch tuyến đường giao liên, quy ước giữ liên lạc và mật mã liên lạc, giờ hành quân của giao liên, của cơ quan 2 Bộ Tư lệnh, v.v.

Bàn xong chúng tôi bắt tay tạm biệt nhau, tôi xin về lo thực hiện. Bốn giờ sáng ngày hôm sau anh Chữ, anh Danh ở Trung đoàn 70 đã về đến Hà Nội. Tôi bàn việc ngay với các anh ấy, làm xong việc đã 9 giờ, không được ăn uống gì cả, tôi giục các anh lên xe, trở về đơn vị ngay.

Các anh về, tôi bàn ngay công việc với anh Thạnh - đoàn phó và cơ quan. Tôi giao cho anh Thạnh ở nhà trực chỉ huy, còn đại bộ phận cơ quan, cả cơ yếu với đài vô tuyến điện dự bị lên 1 xe con, 1 xe tải đi cùng tôi vào ngay Quân khu 4. Suốt ngày hôm đó chúng tôi ăn bánh mì trên xe đến 18 giờ mới đến nơi. Tôi xin vào làm việc ngay trong đêm ấy với anh Đoàn Khuê - Quân khu 4.

Sáng ngày sau tôi đáp chiếc máy bay trực thăng lên Sê Pôn. Xe ô tô chở đồ đạc trở về Hà Nội. Phải đến nơi sớm để trực tiếp chỉ huy.

Trong cuộc tiếp tế đột xuất bằng không vận này có những chuyện lý thú:

Con gái vùng Sê Pôn phần lớn là người Lào Lum, da trắng, một số lai Tàu, lai Việt trông xinh lắm. Có bộ đội ta đến, chị em ăn diện ra phết, mặc váy hoa, đi giày cao gót, che dù đầm, son phấn, điểm nước hoa. Vì việc quá gấp, quân ta đến phải ở nhờ nhà dân. Tôi đến, các cô mời bộ đội ta ngủ chung đoàn kết từng đôi một trong nhà, là việc rất gay go. Ta không thực hiện, dân cho ta không tin họ. Ta không thể nào ngăn cản, phải giáo dục anh em giữ gìn thể diện quốc gia, uy tín quân đội, đừng để xảy ra điều gì. Kẻ thù lợi dụng sẽ chia rẽ ta và bạn và vi phạm kỷ luật nghiêm ngặt của quân đội. Nhờ đó qua 4 - 5 đêm, tìm hiểu lại, không xảy ra việc gì.

Nhưng ta phải suy xét một cách biện chứng. Chị em sẵn có thiện cảm với bộ đội, họ làm như vậy không phải với dụng ý xấu, mà tập quán của họ khi bộ đội đến được ngủ chung là diễm phúc. Và nếu "lỡ" có bầu là họ bắt phải nuôi con và lấy làm vợ, không chịu phải đâm trâu cúng trời phật, sinh ra rắc rối to.

Vì vậy tôi cho cậu Thắng và Rừng trợ lý dân vận đi nói chuyện với các già làng, để các cụ vận động các cô gái đừng mời bộ đội ngủ đoàn kết. Vì trai gái trẻ ngủ chung khó mà giữ được. Phương pháp này có hiệu quả, những đêm sau không tái diễn việc ấy nữa.

Nhưng tình cảm của con người không biên giới. Không ngủ trong nhà, thì họ rủ bộ đội đi sim ngoài rừng. Vì thế tôi lệnh cho bộ đội ra rừng căng vải bạt làm nhà, treo võng nằm, thoát ngay việc thử lửa nguy hiểm đó.

Một việc khác là vùng này dân đang thiếu ăn, máy bay thả hàng xuống, trên địa hình rừng núi, quân ta chỉ có 200 người ở dưới đất đón nhận hàng. Khi thả những chiếc dù hàng bay tản mạn trên một khu vực rộng, khó mà gom được hết.

Nhưng nhân dân Lào, khi thấy máy bay ta hạ độ cao, họ đổ ra đồi núi chào mừng, đứng nhìn từng kiện hàng ta rơi, không thấy bộ đội ta đến, họ nhặt gom lại, đưa vào nhà giữ, cho người đến báo để bộ đội ta đến nhận. Đói, họ chịu đói, không lấy của ta để dùng. Một việc như vậy đủ thấy dân bạn thật tốt. Vì thế tôi phải xuất 5 tấn gạo, giao cho cán bộ của bạn, cứu tế ngay cho những gia đình bị thiếu ăn.

Cuộc không vận một tuần thì chấm dứt. Các cơ quan của 2 Bộ Tư lệnh đã đi qua vùng Mường Noong, 10 ngày tuyến hành lang đã rải quân cắm trạm hết về Tây Trường Sơn. Hơn 1 tháng tôi nhận được tin cơ quan Bộ Tư lệnh Khu 5 đã đến nơi. Sau 4 tháng nhận tiếp tin cơ quan Bộ Tư lệnh Nam Bộ vào đến nơi an toàn đầy đủ.

Các đồng chí thấy ta đưa được ngần ấy cán bộ trung cao cấp của 2 Bộ Tư lệnh vào chiến trường lúc hành lang trong nước bị vỡ, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đang rộ lên, ta sẽ thấy tác dụng việc ấy không nhỏ đâu.

Những việc lớn khởi đầu tôi kể như vậy đã hết, từ đây về sau các đồng chí đã nhập cuộc càng rõ hơn".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:57:10 pm »


Vừa đi vừa kể chuyện, quên hết mệt nhọc, 16 giờ đoàn kiểm tra đến trạm 4. Anh Bẩm nhìn tôi và Hường: "Hai tân binh này đã quen dần rồi đây". Anh vừa nói vừa cười.

Qua một ngày tìm hiểu ở trạm 4, chúng tôi thấy tình hình có mấy vấn đề: Đồng chí Mãn, đội trưởng quê ở Quảng Nam là một cán bộ năng nổ, hăng say với nhiệm vụ. Đồng chí Tôn chính trị viên, quê ở Bình Định là một đồng chí gương mẫu, có trách nhiệm cao, ngày nào các đồng chí cũng đi gùi, thồ hàng với chiến sĩ. Đồng chí Phạm Mãn rất khỏe, đẩy xe thồ trên 200kg hết ngày nọ sang ngày kia, có tác dụng thu hút chiến sĩ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Mọi chiến thắng công tác chính trị làm được tốt, 6 tháng đã kết nạp được 5 đảng viên mới.

Nhưng có một khuyết điểm lớn là việc chăm lo đời sống quần chúng kém, cũng may mà đơn vị ở vùng khí hậu tốt, nên ít người bị bệnh sốt rét.

Đến chiều ngày hôm sau anh Bẩm nhận xét, phê phán nghiêm khắc khuyết điểm ấy. Cán bộ, chiến sĩ của các đồng chí rất tốt, ngày nào họ cũng đổ sức ra, mà ăn uống quá kém, chỗ ở còn chui rúc, phòng bệnh giữ vệ sinh không được coi trọng. Các đồng chí trú ở các vùng khí hậu khá tốt, đất đai rộng và màu mỡ có thể sản xuất được, lại gần nhiều sông, suối lớn, rừng có nhiều thú nhiều chim, dân cư vùng này đông đúc. Thế mà các đồng chí không khai thác được gì cả, chỉ ỷ lại vào nguồn cung cấp, nếu để bộ đội sống quá kham khổ như vậy, sức khỏe sẽ suy sụp, khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Tôi biết các đồng chí là những cán bộ gương mẫu, rất nhiệt tình, song trong lãnh đạo, chỉ huy phạm lệch lạc, chỉ động viên bộ đội dồn sức cho vận tải, không quan tâm đến đời sống của họ. Rồi anh ấy đề ra những yêu cầu và biện pháp khắc phục. Giao cho anh Danh, anh Liễu phải ở lại đây, đôn đốc đơn vị sửa nhanh những việc yếu kém.

Sau khi nhận xét, hai đồng chí tiếp thu một cách thoải mái và hứa quyết tâm sửa chữa.

Đến 18 giờ ngày 3 tháng 7 năm 1960, anh Bẩm nhận được điện của anh Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gọi về ngay Hà Nội có việc cần. Như vậy mơ ước của tôi và Hường mong được đi suốt cả tuyến không đạt được. Đêm ấy nghỉ việc, chúng tôi ngồi ở nhà khách tán chuyện đến khuya rồi đi nghỉ.

Sáng ngày sau anh Bẩm, tôi và Hường đi quay ra ngay, đi 4 ngày cả đi xe thì về đến Hà Nội. Anh Bẩm đã quen vẫn khỏe. Tôi và Hường đều mệt mỏi rã rời, mỗi người hao 4 ký, song lại rắn chắc, cứng cáp hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 10:02:36 pm »


GÁNH CẢ HAI VAI MỘT CON ĐƯỜNG
Thiếu tướng PHAN TRỌNG TUỆ
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
kiêm Tư lệnh - Chính ủy Bộ Tư lệnh 559

Tôi dành một nửa ngày để lo giải quyết công việc ở Bộ Giao thông, phân công lại các thứ trưởng ra các chỉ thị mệnh lệnh cần thiết để điều động lực lượng cơ giới mạnh trong ngành và cán bộ kỹ thuật cho Đoàn 559 để có thể vào tuyến sớm. Nửa ngày còn lại, tôi làm việc với Bộ Tư lệnh 559 lúc bấy giờ tạm đóng ở Lý Nam Đế. Tôi cùng đồng chí Võ Bẩm, đồng chí Vũ Xuân Chiêm làm việc tỉ mỉ với các bộ phận công binh, vận tải, hậu cần, vạch phương án tổ chức mới, các trạm giao liên gùi thồ được chấn chỉnh tổ chức thành binh trạm. Chia toàn bộ hệ thống đường Trường Sơn thành ba tuyến. Từng bước mở đường vận tải cơ giới bằng xe ô tô quân sự, phá thế độc đạo, bắt đầu từ tuyến thứ nhất. Mỗi tuyến tổ chức một Bộ Tư lệnh có lực lượng tương đương sư đoàn với các lực lượng làm đường, công binh, vận tải, giao liên, kho, bộ đội chiến đấu bảo vệ, bộ đội phòng không đánh địch...

Trên đường phía tây Trường Sơn, để tiếp tục vận chuyển trong mùa mưa lũ, chúng tôi nhất trí việc đầu tiên có tính quyết định là phải thông được xe trên tuyến I từ R đến Đường 9 - Nam Lào. Đó là nhiệm vụ trọng tâm số một của đường Hồ Chí Minh vì đầu tuyến là nơi tập kết chân hàng chở từ hậu phương chi viện cho miền Nam qua các tuyến II và III, là các tuyến Đường 9 - Nam Lào tới giáp Tây Nguyên và các đầu đường đi B. Nếu tuyến I thông thì các tuyến sau mới có hàng. Còn hành khách thì tuyến I có hai cửa khẩu phía bắc và phía cực nam của tuyến nên không đáng lo mấy. Trọng điểm khó khăn của tuyến I là phải tránh "túi nước" Xiêng Phan, trên đường 12 Bắc Trung Lào và tận dụng nó; đồng thời phải thi công một con đường cho xe cơ giới chạy, coi như nhiệm vụ cấp bách số một để thay thế cho đường 129 từ Bắc Trung Lào tới đường 9 nhỏ hẹp lại bị sạt lở nặng, thậm chí mặt đường phải qua nhiều suối lớn. Đường 129 này nối qua đường 12 chạy qua đất bạn tới đường 9, do công binh Khu 4 làm dã chiến khi giúp lực lượng bạn tấn công địch ở Sê Pôn - Nam Lào. Túi nước Xiêng Phan dài hơn 30 kilômét, cắt đứt đầu con đường 129. Trước mắt để tránh túi nước này, tôi điện ngay cho Ty Giao thông Quảng Bình đưa cán bộ, công nhân và dân công hỏa tuyến lên làm con đường gùi thồ, gọi là đường 050. Đồng chí Nựu, Phó ty giao thông, đi trước vượt Trường Sơn dẫn quân đi mở con đường xế này. Ở Bộ Giao thông tôi phân công hai nhiệm vụ điều hành và trực chiến. Anh Nguyễn Tường Lân là Thứ trưởng vốn làm đại diện của Bộ tại Khu 4, được giao nhiệm vụ tổ chức tăng cường cho Ban bảo đảm giao thông Khu IV. Lúc đầu nhiều việc chưa vào nền nếp, chúng tôi gọi đùa là "bê bối". Nhiệm vụ B4 đảm bảo giao thông vận tải ở tuyến lửa trong mọi tình huống, phải giành chủ động quyết thắng địch trong âm mưu chiến lược đánh phá giao thông để ngăn chặn ta chi viện cho miền Nam. Trước mắt chúng ta phải đảm bảo chân hàng cho 559, là hậu phương trực tiếp của 559 trung tuyến Trường Sơn. Ở Bộ, đồng chí Nguyễn Hữu Mai, nguyên là Thứ trưởng từ Ban Công nghiệp trở về lo việc phụ trách chung và trực ở Bộ khi tôi đi vào 559. Đồng chí Dương Bạch Liên phụ trách vận tải, đồng chí Hồng Xích Tâm đảm bảo giao thông, đồng thời lo việc huy động sức người, sức của để bổ sung xây dựng cho tuyến trước.

Sau một thời gian tích cực và khẩn trương chuẩn bị, chúng tôi đã lên được kế hoạch, báo cáo với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xin tăng cường cho lực lượng. Các anh đồng ý với những ý kiến của chúng tôi là phải coi tuyến I là trọng tâm, tận dụng túi nước Xiêng Phan đi được chừng nào hay chừng ấy. Nhưng trước mắt phải có đường khác thay thế đường 129 cũ và sau đó cả đường 12 phải phá thế độc đạo, phải mở rộng ngay con đường mòn 16 nối với đường 9 và nối các đường cơ giới chạy từng đoạn với nhau thành các tuyến dài tuyến II, tuyến III và tận dụng đường thủy.

Được phép của Hội đồng Chính phủ, ngành giao thông đã sử dụng một lực lượng thanh niên xung phong rất lớn, hình thành một số tổng đội do Trung ương Đoàn tổ chức làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên các tuyến đường. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ bên Trung ương Đoàn được biệt phái sang Bộ Giao thông vận tải để phụ trách. Lực lượng này tuy chưa có tay nghề kỹ thuật cao, nhưng rất dũng cảm, có trình độ văn hóa khá và nhiệt tình hăng hái. Có lệnh là lên đường ngay, xứng đáng với danh hiệu thanh niên "Ba sẵn sàng”. Bộ cũng tăng cường cho Đoàn 559 một số đơn vị cao xạ phòng không để bảo vệ cầu đường và các công trường làm đường. Lực lượng ô tô vận tải cũng được tăng cường. Sau này được đồng chí Đinh Đức Thiện phụ trách xây dựng khu gang thép Thái Nguyên về làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần đã chỉ thị cho chọn các xe đảm bảo nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 10:05:32 pm »


Để giữ bí mật mọi lệnh điều động, tôi đều ký với bí danh là Thiếu tướng Phan Thanh Xuân. Lệnh điều động cấp bách và không khí lên đường của anh em kỹ sư, công nhân, thanh niên xung phong... hết sức hào hứng sôi nổi. Lúc bấy giờ anh em giao thông thường nói đùa: Tướng Phan Thanh Xuân đang vét quân của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ...

Tôi xin phép đưa cả Bộ Tư lệnh mới được hình thành đi sâu vào trong núi rừng Trường Sơn. Trước khi đi, Bác Hồ cho gọi tôi lên gặp. Sau khi nghe tôi báo cáo về kế hoạch xây dựng lực lượng vận tải và mở hệ thống đường cơ giới xuyên Trường Sơn, Bác ôn tồn căn dặn: "Việc mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam là nhiệm vụ cấp bách và có nhiều khó khăn. Nhưng vì miền Nam ruột thịt đang chờ đợi hậu phương tiếp tế, do đó phải hết lòng, hết sức khắc phục khó khăn để phục vụ cho tiền tuyến. Đoàn kết một lòng, mưu trí sáng tạo thì khắc phục được. Phải chăm lo cho các cháu thanh niên xung phong như của quân đội. Phải chăm sóc cải thiện sinh hoạt, văn hóa, giải trí cho các cháu. Phải hết lòng giúp đỡ nhân dân bạn. Bạn đang gặp nhiều khó khăn, không được làm mất lòng dân. Bác gửi lời thăm các chiến sĩ công nhân, thanh niên xung phong và dân quân ở các tuyến đường...".

Sau này mỗi lần đến các đơn vị tôi đều truyền đạt lời của Bác tới cáo anh chị em.

Tôi được gặp, báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về các việc đã làm, đã chuẩn bị cho đường mòn, cũng như ở Bộ về kế hoạch đảm bảo giao thông địa phương và sự phân công lại trong lãnh đạo Bộ khi tôi đi vào chiến trường. Đồng chí Thủ tướng, sau khi nêu lên những chiến thắng lớn của tiền tuyến miền Nam, nhiệm vụ của hậu phương lớn miền Bắc, đã khẳng định trách nhiệm nặng nề của hệ thống đường Hồ Chí Minh nói riêng và toàn ngành giao thông vận tải nói chung. Địch đánh phá đã ác liệt, nhưng chưa phải là ác liệt nhất. Giao thông vận tải và chi viện tiền tuyến của ta đã cố gắng, nhưng phải cố gắng hơn nữa. Phải kết hợp chặt chẽ giữa hậu phương và Đoàn 559, hỗ trợ cho nhau, hướng về phía trước chi viện cho cách mạng miền Nam. Mùa mưa tới, sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa, phải thắng địch trên mặt trận giao thông vận tải chi viện cho chiến trường.

Bộ Tư lệnh hành quân gấp rút vào Trường Sơn. Lần này vào chiến trường chắc chắn sẽ đi lâu: trước khi đi tôi dành chút thì giờ giải quyết việc nhà. Vợ chồng tôi nhất trí cho hai cháu gái vừa tốt nghiệp lớp 10 và lớp 8 đi làm nghĩa vụ quân sự và công an, thế là yên tâm. Tôi gặp các đồng chí Văn Tiến Dũng và Trần Quốc Hoàn, hai đồng chí đồng ý chấp nhận. Còn nhà tôi sẽ sơ tán theo xí nghiệp, thế là cũng tạm ổn.

Từ giữa tháng 4, chúng tôi đã có hai bộ phận đi trước để kiểm tra tình hình tổ chức và triển khai lực lượng cụ thể.

Tới Binh trạm 12 đóng trong hang dưới chân đèo Mụ Giạ, nơi Bộ Tư lệnh tạm thời đóng quân, đã thấy các đoàn về báo cáo. Các lực lượng giao thông, công binh, thanh niên xung phong đã rải quân và triển khai công tác trên toàn bộ tuyến đường mới như vùng Ho phía tây nam Quảng Bình. "Túi nước" Xiêng Phan đã dâng sớm hơn mọi năm. Ở công trường mở đường mới thay thế cho đường 129 chúng tôi đặt tên là đường 128 đã có Trung đoàn công binh 98.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2016, 10:41:02 pm »


Lực lượng cơ giới của Bộ Giao thông từ Tây Bắc đến do các đồng chí Lam Chi và đồng chí Nguyễn Lang phụ trách đã hành quân với đầy đủ xe máy đến chiếm lĩnh trận địa trên tuyến đường. Đoàn thi công cơ giới này đã tháo tất cả xe máy cho lên xe vận tải, hành quân cấp tốc vào trước khi "túi nước" dâng. Anh em làm bất kể ngày đêm và cuối tháng 4 đã có đủ máy móc thi công. Đây là lực lượng cơ giới rất hiếm hoi của ngành giao thông vận tải của nước ta lúc đó. Lực lượng này gồm có 21 máy húc, 2 máy khoan, 2 máy ép hơi, 2 xe công trình xa và 1 cần cẩu. Những phương tiện máy móc cơ giới làm đường này lần đầu tiên xuất hiện trên đường mòn và đã phát huy được tác dụng rất lớn. Sau này có nhiều ngày trong tháng 5 làm được 5 - 6 kilômét/ngày, một kỷ lục từ trước đến nay. Đội cầu 4 của Bộ Giao thông do đồng chí Hiển phụ trách với 10 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật cùng 156 công nhân đã chiếm lĩnh các trọng điểm vượt sông trên tuyến đường tương lai. Trước mắt, chủ yếu làm phà, cầu nhỏ cho đường 050 và 12 vì do trời mưa, phát triển thêm ngoài dự kiến. Anh em báo cáo cho biết đã có đơn vị bộ đội cơ giới vừa vào túc trực sẵn ở đầu đường 128 chờ thông xe. Tin ấy càng động viên nhắc nhở chúng tôi nỗ lực để sớm hoàn thành trọng điểm 128.

Để có lực lượng phát huy sức mạnh hợp đồng giữa quân đội và Ngành Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh 559 tăng cường 700 thanh niên xung phong lấy ở Hà Tĩnh, 800 thanh niên xung phong lấy ở Ninh Bình, cùng với công nhân, cán bộ giao thông vận tải hình thành một công trường bộ. Tất cả các lực lượng trên với khí thế ra quân vì miền Nam thân yêu, đạp lên bom đạn địch ở tuyến lửa Khu 4 đến với Trường Sơn đúng kế hoạch.

Anh em lính cũ Trường Sơn hồ hởi phấn khởi đón lực lượng tăng cường từ hậu phương, cùng kề vai sát cánh - nhanh chóng hòa hợp thành một khối thống nhất với ý chí mở đường Quyết thắng.

Mùa mưa năm 1965 đến sớm. Mùa mưa ở phía tây Trường Sơn có lượng nước rất lớn và kéo dài, thường làm đình trệ mọi hoạt động vận chuyển và đi lại trên toàn tuyến. Mưa lũ ở Trường Sơn thường tạo ra những cơn lũ khủng khiếp có thể bất ngờ cuốn trôi đi cả những đoạn đường, những cây cầu, những phương tiện vận chuyển, cả người và cả những kho hàng, nếu không được tính toán bảo vệ chu đáo. Mưa Trường Sơn thường dồn nước xuống thung lũng tạo nên những túi nước phá các con đường làm cho đường sụt lở, sình lầy trong một thời gian dài, có khi suốt cả mùa mưa, cắt đứt toàn bộ hoạt động vận chuyển đi lại. Trên các sông suối, nước dâng cao chảy xiết gây khó khăn cho vận chuyển. Như chúng tôi dự đoán, khó khăn nhất vẫn là "túi nước" Xiêng Phan ở đầu tuyến - một tuyến trọng tâm. Nước dâng ở hai bờ sông Sê Băng Hiêng phải gần phía thượng nguồn. Đạn dược vũ khí, lương thực, thuốc men bị ứ đọng ở bờ bắc túi nước. Trong khi đó thì phía bờ nam túi nước, giao liên và lính vận tải còn thiếu lương ăn chứ chưa nói những tuyến sâu ở phía trong có hàng tới được đâu mà chở.

Nhưng để thi hành chủ trương, quyết tâm vận chuyển của Trung ương, của hậu phương cho miền Nam thì bằng mọi cách Bộ Tư lệnh phải chỉ đạo việc khắc phục và triển khai vận chuyển gùi thồ ngay trong mùa mưa. Đồng thời mở đường tiêu chuẩn cho xe cơ giới tới đâu, chống lầy đến đó để hành quân và vận chuyển. Theo những lính cũ ở Trường Sơn thì mọi năm mùa mưa đến, ta thường nghỉ để chấn chỉnh tổ chức và thay quân... Nhưng năm nay, yêu cầu của chiến trường ngày một lớn. Nếu những năm trước vận tải để chi viện cho sự phát triển trước và sau Đồng khởi, nhằm đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" thì năm nay trở đi vận chuyển để phá cuộc "chiến tranh cục bộ" của Mỹ đổ quân vào. Do vậy hàng hóa vận chuyển vào sẽ tăng lên rất lớn, cả chất lượng lẫn số lượng, hành khách đi B cũng với nhịp độ khẩn trương hơn, số lượng đông hơn. Một con đường cơ giới đầu tiên của hệ thống đường mòn được thiết kế và làm mới theo tiêu chuẩn, tuy dã chiến nhưng đòi hỏi đảm bảo cho xe pháo đi và xuyên suốt Trường Sơn. Phải thi công ngay trong mùa mưa và hoàn thành trong thời hạn hơn một trăm ngày con đường dài hơn một trăm kilômét quả là khó khăn, đồng thời phải bằng mọi cách tận dụng "túi nước".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2016, 10:42:20 pm »


Bộ Tư lệnh mau chóng tổ chức lại lực lượng trên toàn tuyến. Toàn bộ hệ thống đường xuyên Trường Sơn theo kế hoạch sẽ trải rộng hai bên sườn Đông và Tây Trường Sơn, xuyên rừng rậm, dài hàng trăm kilômét. Chúng tôi phải vừa lo củng cố đường giao liên, đường gùi thồ, tận dụng từng đoạn đường sông suối ít thác ghềnh, vừa từng bước nhanh chóng mở hệ thống đường vận tải cơ giới, bắc cầu, làm bến phà, bạt núi mở đường. Mặt khác còn phải lo tổ chức vận tải cơ giới thô sơ; lo bố trí kho bãi và bảo vệ hàng hóa; lo đánh địch trên không, biệt kích dưới đất, chống chiến tranh điện tử đã bắt đầu xuất hiện vì địch đã "đánh hơi" thấy ta vận chuyển trong mùa mưa, nhưng vì mây âm u, mưa tầm tã cả ngày nên chúng phải dùng điện tử để trinh sát; rồi phải lo tổ chức hệ thống đường dây giao liên, bãi khách để đảm bảo sức khỏe chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam và thương binh ra Bắc điều trị, v.v.

Đường Tây Trường Sơn có nhiều đoạn đi trên đất bạn Lào. Ta được Đảng và nhân dân bạn giúp đỡ hết sức nhiệt tình, vì khi đồng ý ủng hộ ta, bạn coi đây là con đường chiến đấu chung của cả ba nước Đông Dương đánh Mỹ, con đường là tượng trưng cho tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương. Các chiến sĩ của 559 đã làm tốt công tác dân vận trên đất bạn. Về công tác này, chúng tôi phối hợp với các đồng chí chuyên gia cố vấn của ta lúc đó phục vụ cách mạng của nước bạn. Các chuyên gia Việt Nam sang giúp bạn đã đến làm việc với Bộ Tư lệnh 559 về công tác dân vận và bảo vệ sườn phía tây của hệ thống đường mòn.

Như trên đã nói, toàn bộ hệ thống đường Hồ Chí Minh chia làm ba tuyến. Tuyến I từ R trên đường 12 rẽ xuống đường 9, có chiều dài bảo đảm giao thông là 241 kilômét. Đoạn này khi hoàn chỉnh xong đường 128, mở rộng đường 129 và tận dụng đường thủy sông Noọng Cà Deng thì có ba đường chuyển hàng vào tuyến trong. Thế độc tuyến đã bắt đầu bị phá. Trên tuyến này, lực lượng mở đường có Trung đoàn công binh 98, lực lượng này sẽ chuyển sang tuyến III khi hoàn thành nhiệm vụ. Một đơn vị cơ giới của Bộ Giao thông vận tải gồm trên 1.000 cán bộ, công nhân với gần 30 xe và máy thi công cơ giới, 1.500 thanh niên xung phong làm đường. Theo kế hoạch thì các lực lượng này quyết tâm thông xe con đường mới 128 vào cuối tháng 7. Để hỗ trợ và đẩy mạnh vận chuyển cho tuyến thứ nhất, nhất là đẩy mạnh việc nâng cao lực lượng hành khách trên hành lang trong mùa mưa, con đường 16 làng Ho - Vít Thù Lù phía đông Trường Sơn dưới chân núi Tróc A, tây nam Quảng Bình, xuyên sang Tây Trường Sơn nối với Đường 9 - Nam Lào đã có trước đây và chỉ đi được vào mùa khô, được khởi công mở rộng vào tháng 7 và kiên quyết thông đường vào tháng 9. Lực lượng thi công và chống lầy là gần 2.000 thanh niên xung phong yà gần 3.000 công binh. Đường mở rộng trước hết để gùi thồ đồng thời nâng cấp cho xe vận tải có thể đi được bằng phương pháp "rông đanh", chống lầy bằng những thân cây nhỏ. Với việc thi công hai mũi từ hai đầu đường, lực lượng vận tải là gần 2.000 thanh niên xung phong lấy từ Hà Tĩnh (số nữ đến 40%) vừa tham gia mở đường, vừa chống lầy, vừa tổ chức vận chuyển hàng gùi thồ và xe vận tải nhựa, ta còn nghiên cứu mở một đường vượt Trường Sơn nữa. Thế trận đó làm cho hệ thống đường cơ giới trở nên cơ động nhiều tuyến nhằm phân tán sự phá hoại của địch; anh em coi đó là chiến thuật căng địch ra mà đánh trên mặt trận giao thông vận tải. Ở tuyến một này lực lượng vận chuyển chủ yếu là ô tô. Tại đây, ta tập trung một trung đoàn vận tải tăng cường gồm 245 xe, cộng thêm một đại đội vận tải độc lập có 95 xe. Tổng cộng có 340 xe hoạt động toàn tuyến chia thành 3 binh trạm, lấy ký hiệu là Rb, Rb1, Rb2. Bộ đội có gần 800 cán bộ, chiến sĩ, dân quân kể cả dân công hỏa tuyến có trên 1.000 người gùi thồ và một tiểu đoàn cao xạ 37 ly.

Tuyến II từ S1 gần Sê Pôn đến S5 bao gồm cả nhánh B45 đi Quảng Trị - Huế, cung đường dài 170 kilômét... Trong thời gian này, tuyến II chỉ có phương tiện vận tải chủ yếu là gùi thồ, còn xe cơ giới không hoạt động được vì những đoạn đường cơ giới mùa khô đi được thì nay lầy lội, nước suối dâng cao, cầu phà thiếu. Cán bộ, kỹ sư thiết kế và công binh vào nghiên cứu mở tuyến làm một hệ thống đường vận tải và cơ giới toàn tuyến đã có mặt; ngoài ra còn có một tiểu đoàn công binh thuộc Trung đoàn 279, hai đại đội cơ giới khai hoang của Bộ Nông trường gần 300 người. Hiện tại đã có Trung đoàn vận tải 265 với gần 200 đầu xe. Hai binh trạm vận chuyển bốc vác có gần 800 cán bộ, chiến sĩ. Một tiểu đoàn bảo vệ và một đại đội độc lập phối thuộc, một tiểu đoàn cao xạ pháo 37 ly, một đội giao liên, một tiểu đoàn bảo vệ làm thêm nhiệm vụ chống lầy. Bộ Tư lệnh sẽ điều thêm lực lượng thanh niên xung phong làm đường.

Tuyến III từ S5 Bản Bạc trên thượng lưu sông Sê Công đến S9 Tây Nguyên có nhánh đường B46 đến địa phận Quảng Ngãi, Khu 5, dài 256 kilômét chia làm bốn binh trạm. Trong đó có ba binh trạm thồ gồm gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ với 1.500 xe đạp; một binh trạm thuyền với 140 thuyền các loại; hai trung đoàn công binh chuẩn bị mở rộng đường, một đại đội bảo vệ, một đại đội giao liên.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM