Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:28:05 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn miền ký ức - Tập 1  (Đọc 38645 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 07:17:08 am »


Đầu tháng 10, thanh niên xung phong, công binh ra quân khôi phục đường, ngầm toàn tuyến, tập trung vào những cung đường mà ta phán đoán địch sẽ đánh để chủ động chuẩn bị đối phó:

- Ở Ta Lê ta bí mật mở thêm ngầm 20B (cách ngầm 20A hai cây số về phía thượng lưu); mở đoạn đường 4 kilômét từ đoạn ngầm 20B nối liền Km 86 đường 20A dưới chân đèo Phu La Nhíc.

- Ở dốc cua Km 68, khảo sát chuẩn bị mở đường vòng tránh 13 kilômét, từ Km 66 đến Km 70.

- Ở các ngầm A Ki, Ka Roòng, Khe Tum địa hình núi cao, cua gấp; B52, cường kích rất khó đánh trúng; thanh niên xung phong vẫn dự trữ đá để tôn cao mở rộng ngầm và chống địch phá hoại.

- Ở Xuân Sơn hai bên đường, bốn bến mở rộng rải đá và giữ bí mật bến phà B, sẵn sàng phương tiện cho xe qua sông, nhập tuyến đường Hồ Chí Minh.

Giữa tháng 10, cơn bão số 9 đổ bộ xuống Quảng Bình gây trận mưa rất lớn. Từ A Ki ra cửa rừng hai bên đường sụt lở, đường trôi, xóa sạch thành quả 15 ngày khôi phục giao thông, thậm chí còn tồi tệ hơn trước khi khôi phục (1/10), giặc trời phá đường Trường Sơn mạnh hơn giặc Mỹ; thanh niên xung phong, công binh phải làm lại từ đầu. Giữa lúc đó, chúng tôi nhận được điện Tổng cục Hậu cần tiền phương gửi:

"BT14, BT12: 1.500 xe của Đoàn 559, trong đó có 200 xe chở hàng cho Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, 600 xe hàng cho Tây Nguyên, 500 xe hàng cho chiến trường Trị - Thiên và xe binh khí kỹ thuật của Đoàn 559 đang tập kết từ đèo Đá Đẽo trở ra, chuẩn bị nhập tuyến Trường Sơn. Cửa khẩu đường 20 là hướng tiến công chính (khoảng 1.200 xe), đường 12 là hướng bổ trợ (khoảng ± 300 xe), nếu đường 20 phát triển thuận lợi thì đón nhận tất cả. Binh trạm báo cáo quyết tâm. Ký điện: Đồng Sỹ Nguyên".

Tôi điện mời hai binh trạm phó cầu đường về hội ý với thường vụ, thảo luận kỹ, hạ quyết tâm (...). Sau đó, tôi điện báo cáo Bộ Tư lệnh Trường Sơn: "Mặc dù cơn bão số 7 tàn phá đường, ngầm nặng nề, nước lũ sông, suối còn cao, Binh trạm quyết tâm ngày 1 tháng 11 cho xe nhập tuyến. Nếu địch không mở trọng điểm lớn, thì nhận tất cả 1.500 xe... Đề nghị Tổng cục cho mượn bộ cầu phao chở trên xe nhập tuyến, bắc qua sông Son ba đêm". Ký điện: Trá.

Cơ quan binh trạm bộ, các phân trạm, tiểu đoàn giao liên, đề nghị gửi quân đến chi viện thanh niên xung phong khôi phục giao thông...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 07:17:44 am »


Ngày 25 tháng 10, đường thông lần thứ hai; cơn bão số 10 ập đến, đất đá lại sụt lở, đường lại trôi, nước sông Son lên cao, chảy xiết.

Binh trạm nhận điện:

"Anh Nguyên đồng ý cho mượn bộ cầu phao, sau 3 đêm phải bốc lên xe hành quân gấp, kịp bắc qua sông Sê Băng Hiêng và hỏi quyết tâm của binh trạm sau cơn bão số 10".

Binh trạm trưởng trả lời:

"Vẫn giữ quyết tâm, ngày 1 tháng 11 cho xe nhập tuyến".

Năm ngày cuối tháng, toàn tuyến thi đua nước rút khôi phục đường, ngầm. Đại đội 16 cùng tiểu đoàn cầu Đoàn 559 chuẩn bị cho 1.500 xe vượt sông Son bằng hai phương tiện cầu phao và phà, trên hai bến Xuân Sơn A và B.

Lúc này, máy bay trinh sát của Mỹ tiếp tục hoạt động theo các tuyến đường 15, 12, 20, săn xe Đoàn 559 nhập tuyến vào.

Tranh thủ thời cơ địch sơ hở, trời còn mưa mù, lưu lượng nước trên sông Son giảm. Binh trạm trưởng hạ lệnh cho bắc cầu phao ở bến B, đồng thời cho hai phà chạy bến A để nghi binh hút địch.

17 giờ ngày 29 tháng 10, lợi dụng trời mưa, công binh cho xe ra bến hạ phao, bắc cầu. 19 giờ, các đoàn xe nối đuôi nhau, dồn dập, đều đều vượt cầu; máy bay đến đánh bến phà A, xe vẫn qua... Bỗng có ba phát súng báo hiệu tắc đường. Tôi ngồi quan sát ở vị trí đầu cầu, bắt đầu lo lắng... Chiếc xe thứ 500 qua khỏi cầu thì dừng lại; đồng chí chỉ huy giao thông bờ Bắc xuống xe báo cáo binh trạm trưởng: "Xe đi mật tập, dồn dập, đất không kịp thở, bị lún, tắc đường, xin lệnh tạm dừng để thanh niên xung phong chở đá, sửa đường...".

Binh trạm trưởng ra lệnh: "Dỡ cầu phao, đưa vào động Phong Nha giấu; phà A vẫn tiếp tục chở xe sang. Lệnh chi viện 3 xe chở đá cho thanh niên xung phong khôi phục đường B, đêm sau qua tiếp".

17 giờ ngày 30 trời vẫn mưa mù, đồng chí Sở, đại đội trưởng Đại đội 16 đứng trên phà ra bến A, cánh tay phải bị thương băng bó treo quàng qua cổ.

Tôi hỏi:

- Sao vậy?

Đồng chí nói:

- Báo cáo: động Phong Nha, phía trong nhường cho cầu phao, phà ở ngoài gần cửa hang. Sáng nay, máy bay ném bom cửa hang, cột nước văng qua đỉnh hang, tôi đứng trên phà, bị nhũ đá văng vào tay (...).

Hai đêm 29 và 30 tháng 10, hơn 1.200 xe vượt sông Son an toàn, tập kết từ Km 6 đến Km 39 đường 20. Cầu phao cho bốc lên xe, hành quân vào tuyến để kịp bắc qua Sê Băng Hiêng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 07:18:24 am »


Địch bắt đầu đánh mạnh trên toàn tuyến 20. Ngầm Ta Lê và cua dốc 68 chúng sử dụng B52 và cường kích mở trọng điểm lớn, đồng thời cho máy bay cường kích thả bom tọa độ và bổ nhào đánh ngầm A Ki, Ka Roòng, Khe Tum, Xuân Sơn... quyết chặn đứng và tiêu hao Đoàn xe 559 nhập tuyến. Tình hình trở nên căng thẳng hơn. Đường 20 đã thông, nhưng còn lầy lội, nước ngầm còn cao, địch chặn đánh nhiều đoạn, nhất là Ta Lê và cua dốc 68. Giành giật quyết liệt với địch mỗi đêm, ta chỉ vượt được hơn một trăm xe. Lúc này ở Ta Lê ngầm và đường 20B sắp thông, tạo thành mũi vu hồi tránh trọng điểm ngầm 20A. Trên đường 20E lực lượng ta cũng quyết thông xe trước 10 tháng 11, làm mũi vu hồi trọng điểm cua 68; những điểm khác địch đánh, sau một giờ thanh niên xung phong đã thông xe.

Sau khi hai đoạn đường tránh đã thông, binh trạm cho xe Đoàn 559 mật tập vượt qua, dồn dập vào tuyến trong; Tiểu đoàn xe 781 thiện chiến vượt qua trọng điểm 68 và Ta Lê nghi binh hút địch.

Năm nào cũng vậy, khó khăn nhất vẫn là những tháng cuối mùa mưa, đầu mùa khô - Trời phá, địch đánh, cửa khẩu vẫn phải thông đường, đảm bảo cho xe Đoàn 559 qua sông, vượt núi Đông - Tây Trường Sơn an toàn và binh trạm vào mùa vận chuyển lớn.

Để phục vụ chiến dịch Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh nổ súng đúng kế hoạch của Bộ Tổng Tư lệnh, Tổng cục Tiền phương quyết định điều chỉnh cung độ vận chuyển sang Lùm Bùm để từ Lùm Bùm, Binh trạm 32 vận chuyển tiếp theo đường 128 xuống Tha Mé, Thà Khống, Bản Đông...

Bộ Tư lệnh Sư đoàn phòng không 367 cho Trung đoàn 224 cao xạ phối hợp với Binh trạm 14 đánh địch từ khu vực Xuân Sơn đến Ta Lê; Tiểu đoàn 14 cao xạ bố trí đánh địch từ Lùm Bùm đến đèo Phu La Nhích. Chỉ huy sở tiền phương Trung đoàn 224 đóng bên cạnh Chỉ huy sở Binh trạm 14 ở phân trạm C.

Thế trận phòng ngự giữ đường, đánh địch đủ mạnh. Binh trạm mở nhiều đợt vận chuyển tăng cung, vượt chuyến, đẩy hàng sang Lùm Bùm và sẵn sàng vận chuyển thọc sâu xuống đường 9 phục vụ chiến dịch. Chiến sĩ lái xe Khúc Văn Lượng - Tiểu đoàn 781 lập kỷ lục thực hiện 1 đêm/chuyến trên cung lên 2 đêm/chuyến, 4 lần vượt trọng điểm bị B52 ngăn chặn ở cua 68 và ngầm Ta Lê trong đêm. Từ đó, phong trào thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ vận tải" ngày càng được nhiều chiến sĩ lái xe Tiểu đoàn 781 ghi tên.

Một ngày cuối tháng 12 năm 1967, tôi nhận được điện từ Bộ Tư lệnh Đoàn:

"Gửi Binh trạm trưởng 14: Đường 20 có thể hành quân cơ giới lớn được không? Trả lời gấp. Ký điện: Đồng Sỹ Nguyên".

Tôi trả lời:

"Binh trạm đã sẵn sàng, cho cán bộ đến hợp đồng cụ thể. Ký điện: Hoàng Trá".

Ngay sáng hôm ấy tôi làm việc với hai đồng chí tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh 308 và 304 tại chỉ huy sở cơ bản Binh trạm 14 ở Cổ Giang. Chúng tôi thống nhất: Mỗi sư đoàn chia thành hai khối; mỗi đêm xe Tiểu đoàn 781 chở một khối, đi từ phân trạm A đến phân trạm C; đêm sau xe Tiểu đoạn 52 chở từ C đi Lùm Bùm; các đơn vị pháo mặt đất, cao xạ, binh khí kỹ thuật, hậu cần của sư đoàn tự hành quân, dưới sự chỉ huy của binh trạm. Việc bảo đảm bãi trú quân, ăn uống... do tiểu đoàn giao liên, phân trạm và cơ quan hậu cần binh trạm lo liệu. Quá trình hành quân, các cấp chỉ huy đơn vị bộ binh phải phục tùng sự chỉ huy của cán bộ xe, trạm chỉ huy giao thông và sở chỉ huy binh trạm. Cơ quan tham mưu hành quân của binh trạm phải có bản hợp đồng chi tiết, thời gian, địa điểm, số thứ tự từng xe chở v.v...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 07:19:00 am »


17 giờ ngày 1 tháng 1 năm 1968, Sư đoàn trưởng Thái Dũng cùng ngồi trên xe con với tôi dẫn đầu đội hình khối I Sư đoàn 308, hành quân từ Km 4 đường 20 đến đỉnh U Bò. Pháo sáng treo lơ lửng vùng trời Khe Tum, tôi cho xe dừng lại trạm chỉ huy giao thông Km 39; pháo sáng vừa tắt, lưới lửa phòng không Trung đoàn 224 tung lên, đồng thời tiếng rít của máy bay bổ nhào, tiếng bom phá nổ vọng đến; lưới lửa phòng không đợt hai tung lên, lại nghe tiếng rít của máy bay bổ nhào, tiếng bom bi nổ lụp bụp kéo dài 45 phút. Trạm chỉ huy K39 điện thoại hỏi trạm chỉ huy K42, đường dây đứt; tôi giục đồng chí mang máy bộ đàm 2W đi cùng lên máy liên lạc... Đồng chí Sáu, chính trị viên Tiểu đoàn 23 thanh niên xung phong báo cáo: đợt bom phá trượt lên đồi, đường ngầm vẫn thông; trong đợt bom bi thì có một thanh niên xung phong và chiến sĩ cao xạ bị thương, đang sơ cứu, cáng về bệnh xá phẫu thuật... Đài quan sát báo cáo: Địch chuyển sang trinh sát ngầm Ka Roòng (Km 52) và A Ki (Km 61); Binh trạm trạm trưởng ra lệnh cho xe tiếp tục hành quân vượt ngầm Khe Tum tiếp cận Ka Roòng.

Sư đoàn trưởng Thái Dũng ngồi bên tôi tỏ ra lo lắng - Tôi bảo: Anh cứ yên tâm, quân binh trạm biết đánh, tránh, tiến... như thế nào cho thắng lợi, an toàn.

Xe tôi đến trạm chỉ huy giao thông Km 50 thì dừng lại, đợi đợt giao chiến giữa cao xạ và máy bay Mỹ ở Ka Roòng và A Ki dứt. Đồng chí Huyền, thủ trưởng Tiểu đoàn 25 báo cáo: "Sau hai đợt bom phá, bom bi ở Ka Roòng, A Ki, quân ta an toàn, đường hỏng nhẹ. Quyết tâm 30 phút thông xe".

Tôi nói với anh Thái Dũng: "Anh hút thuốc đi cho thoải mái, đợi hiệu lệnh thông đường, chúng ta sẽ đi đến đích".

Đúng 24 giờ, tôi và Thái Dũng ngồi ở trạm chỉ huy Km 66, nhìn đoàn quân ngồi trên xe tải, xanh lá ngụy trang, dưới đèn rùa le lói ánh sáng xanh, từng chiếc một cự ly khoảng 100m, từ từ rẽ vào đường tránh 20E...

Đi đầu là xe Đại đội 1 rồi tiếp đến là đoàn xe các đại đội 6, 10 và 15. Đại úy Lê Hồng Khang, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 781 ngồi xe đầu xuống báo cáo binh trạm trưởng...

Thượng úy Ma Doãn Thanh, chính trị viên phó Tiểu đoàn 781 ngồi xe đi cuối đội hình xuống xe báo cáo binh trạm trưởng: đội hình Tiểu đoàn 781 hôm nay có 180 xe, chở hai trung đoàn bộ binh khối I Sư đoàn 308 đã đến đủ, an toàn tuyệt đối.

Anh Thái Dũng bắt tay Hồng Khang và Ma Doãn Thanh mừng vui khó tả... Anh nói:

- Cảm ơn, cảm ơn, chiến thắng trận đầu, quân các anh tất cả là dũng sĩ vận tải!...

Tôi nói:

- Mới một trận, chớ chủ quan, phải chiến thắng ba trận nữa mới dám nhận lời khen của sư trưởng, phải không đồng chí Khang?

Tôi giục lên xe cho đơn vị quay về A trọn vẹn 100% để tối mai chở khối II.

Hồng Khang nói:

- Binh trạm trưởng yên tâm, Tiểu đoàn 781 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt này - Rồi anh lên xe và hạ lệnh xuất phát.

Tôi đưa anh Thái Dũng về chỉ huy sở tiền phương binh trạm ở phân trạm C.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 07:19:29 am »


Chiều mùng 2 tháng 1 năm 1968, sau khi kiểm tra khối I, chúng tôi lên xe Tiểu đoàn 52 hành quân tiếp chặng Bản San đi Lùm Bùm. Đến 19 giờ, tôi và anh Thái Dũng đến trạm chỉ huy K66 để theo dõi khối II hành quân.

20 giờ pháo sáng, bom nổ hướng Khe Tum, Ka Roòng. Chuông điện thoại reo, tôi cầm máy; trạm K42 báo cáo: địch vừa đánh ngầm Khe Tum. Không trúng đường, quân ta an toàn.

- Đội hình xe Tiểu đoàn 781 hiện ở đâu?

- Đang lên đỉnh U Bò.

- Cho đi tiếp - Tôi nói.

21 giờ lại pháo sáng, bom bi nổ hướng Ka Roòng, Khe Tum. Tôi và anh Thái Dũng lo lắng, hồi hộp... gọi điện hỏi trạm K50.

- Nó đánh ở đâu?

- Vừa đánh ở ngầm Ka Roòng (Km 52).

- Xe Tiểu đoàn 781 đến đấy chưa? - Tôi hỏi.

- Đại đội 15 đi đầu đã qua khỏi, còn Đại đội 10 đi thứ hai mới đến Km 50, an toàn.

22 giờ 10 phút lại pháo sáng, bom bi nổ phía Khe Tum.

Tôi nói với anh Thái Dũng: Địch thay đổi quy luật đánh, tôi sợ dính đuôi đội hình hành quân.

Một lúc sau, trạm chỉ huy K42 báo cáo: Địch lại ném bom bi Khe Tum, đội hình Tiểu đoàn 781 đã đi qua an toàn. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm...

- Anh hút thuốc đi cho khoái... - Thái Dũng mỉm cười.

23 giờ, xe đi đầu đã đến trạm chỉ huy K66. Đại úy Cấp - chính trị viên Tiểu đoàn 781 và sư phó Sư đoàn 308 xuống xe vội vã hỏi trạm trưởng chỉ huy giao thông:

- Nó đánh bom bi giữa và cuối đội hình hành quân, có ai bị thương vong không?

Tôi từ trong hầm chữ A bước ra:

- Sư phó yên tâm: trận thứ hai nó đánh chặn đầu, thì đầu đã qua xong; đại đội thứ hai chưa tới. Trận thứ ba đánh cắt đuôi thì xe cuối cùng của Đại đội 1 đã qua khỏi...

24 giờ, thượng úy Võ Quốc Khánh, tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 781 đi xe cuối cùng đến báo cáo:

- Đội hình hành quân Tiểu đoàn 781 hôm nay có 178 xe chở 1 trung đoàn và cơ quan, phân đội trực thuộc sư đoàn đã đến đủ, an toàn.

Sáng ngày 3 tháng 1, giao ban ở chỉ huy sở tiền phương, Binh trạm trưởng chỉ thị:

... "Các cán bộ chỉ huy tiểu đoàn, đại đội thanh niên xung phong chốt chỉ huy trên đường không được thay thế, cùng trạm trưởng chỉ huy giao thông rút kinh nghiệm, bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, để cơ động tiếp Sư đoàn 304. Địch hay thay đổi thời gian, địa điểm đánh chặn; cần giữ cự ly hành quân xe cách xe 100 mét và giãn cách giữa các đại đội lên 2.000 mét đến 3.000 mét, yêu cầu Trung đoàn 224 cho cao xạ đánh mạnh, không tiếc đạn, áp đảo địch, bảo vệ an toàn đội hình hành quân cơ giới"...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 07:20:23 am »


19 giờ 30 phút ngày 30 tháng 1 địch thả pháo sáng đánh dốc Khe Diêm (Km 30). Ở trạm chỉ huy Km 39, tôi đứng ngồi không yên, bởi xe Đại đội 15 đi đầu, trong đó có đại tá Vũ Yên - Sư trưởng Sư đoàn 304.

Núi rừng tĩnh mịch im lặng, tôi nghe rõ tiếng súng hiệu lệnh: Hai phát súng... (đường vẫn thông), nín thở chờ đợi... (vẫn im lặng; không có 5 phát cấp cứu); có tiếng rì rầm, ánh đèn rùa lấp ló, chiếc xe con đi đầu đến, sư trưởng Vũ Yên và Hồng Khang, tiểu đoàn trưởng xuống xe lo lắng hỏi tôi:

- Có sao không anh?...

Cùng lúc đó trạm chỉ huy 32 báo cáo:

- Địch đánh dốc Khe Diêm, xe cuối cùng Đại đội 15 vừa qua khỏi; xe đi đầu của Đại đội 10 mới đến Km 30, đơn vị an toàn.

Tôi lệnh cho 35 xe của Đại đội 15 tạm dừng ở K39 đợi xem địch đánh tiếp ở đâu?

20 giờ 15 phút chúng thả pháo sáng đánh bom sát thương và bom bi đoạn Khe Tum, pháo 37 ly của ta bắn lên dữ dội. Trạm chỉ huy K42 báo cáo đường vẫn thông. Tôi lệnh cho Đại đội 15 và Đại đội 10 vượt Khe Tum, tiếp cận Ka Roòng, Đại đội 1 tiếp cận Khe Tum và Đại đội 6 dừng ở đỉnh U Bò, hành quân theo kiểu sâu đo, từng đại đội vẫn giữ giãn cách 2.000-3.000 mét.

21 giờ 20 phút địch đánh ngầm Ka Roòng, sau đó chuyển vào đánh A Ki.

23 giờ 30 phút, xe đi đầu đến Km 66 rẽ vào đường 20E, lần lượt 4 đại đội xe đến đích đủ, trả quân quay về A, xe cuối cùng đến lúc 2 giờ sáng ngày 4 tháng 1.

Ngồi cùng xe con về chỉ huy sở tiền phương binh trạm, anh Vũ Yên khen binh trạm tổ chức tốt việc chỉ huy hợp đồng binh chủng hành quân cơ giới; trong đêm địch chặn đánh 4 lần ở 4 điểm, 185 xe chở 2 trung đoàn bộ binh chạy 70 kilômét trong 7 tiếng đến đích an toàn; xe quay vòng 100%, đêm sau chở tiếp khối II Sư đoàn 304.

Đêm 4 tháng 1, địch vẫn đánh 4 điểm theo quy luật thời gian, không gian, 182 xe chở nốt 1 trung đoàn và cơ quan, phân đội trực thuộc Sư đoàn 304 đến đích an toàn. Trong 5 đêm, hai tiểu đoàn xe 781 và 52 đã cơ động hai sư đoàn bộ binh vượt cửa khẩu đường 20 đến Lùm Bùm, bàn giao cho Binh trạm 32. Từ đó, theo đường 128 chở vào tiếp cận Đường 9 - Khe Sanh, chuẩn bị mở chiến dịch...

Tổng cục tiền phương chỉ thị binh trạm rút kinh nghiệm những năm sau chở hàng vào, chở thương binh và cán bộ ở miền Nam ra Bắc. Lúc đó tôi chưa nghĩ tới, đó là tiền đề, tập dượt để 7 năm sau (mùa Xuân 1975), Sư đoàn xe ô tô 571 Đoàn 559 cơ động hai quân đoàn 1 và 2 hành quân thần tốc hàng nghìn kilômét, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.

Tổng cục tiền phương chỉ thị: Các binh trạm phía nam mở các đợt thi đua tổng công kích, dứt điểm kế hoạch vận tải mùa khô 1967-1968, phục vụ chiến dịch phản công chiến lược miền Nam; Binh trạm 14 được tăng cường Tiểu đoàn xe 990.

Lúc này trên tuyến đường 20, thủ đoạn chủ yếu của địch vẫn là sử dụng B52 và cường kích ném bom nhằm phá đường, gây tắc và sát thương trên hai trọng điểm chính: cua 68 và ngầm Ta Lê, đồng thời sử dụng máy bay AD6 thả pháo sáng, đánh bom bi, bom sát thương đội hình xe vận tải, ở các đèo, dốc, lên xuống ngầm A Ki, Ka Roòng, Khe Tum và khu vực Xuân Sơn, Phong Nha, Cù Lạc, Khương Hà, v.v. Theo quy luật thời gian xe vận hành, từ 18 giờ đến 24 giờ, chúng đánh ngăn chặn từ đông sang Tây Trường Sơn và từ 1 giờ đến 6 giờ sáng đánh ngược lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2016, 07:20:44 am »


Lực lượng ta bố trí như sau: chốt một trung đội thanh niên xung phong, một máy ủi, ba xe Ben chở đá... phòng ngự, cơ động khôi phục ngầm và đường 20A, 20B. Chốt một trung đội và một máy ủi phòng ngự cua dốc 68, ở đây đèo đất, địch phá đường, ta san lấp, đường càng rộng, hạ dốc và bớt cua.

Hai tiểu đoàn xe 781 và 990 được Trung đoàn 224 cao xạ đánh yểm trợ; chỉ huy sở binh trạm, trạm chỉ huy giao thông vận tải (3-5 kilômét một trạm), nắm vững quy luật địch đánh, chọn thời gian, không gian thích hợp, cho xe vượt trước, hoặc chờ địch đánh xong chuyển làn thì vượt qua các điểm địch đánh ngăn chặn. Tiểu đoàn 781 hiểu địch, thuộc đường, chạy cung dài từ A đến Lùm Bùm (110 kilômét). Tiểu đoàn 990, chưa quen đường, hiểu địch nên cho chạy cung ngắn từ A đến C (70 kilômét), không phải vượt trọng điểm 68 và Ta Lê.

Với khí thế vượt lên đầu thù, vượt cung tăng chuyến, ai cũng muốn lập công; đến trọng điểm 68 - Ta Lê, ai cũng muốn chạy đường vòng, tránh (20E và 20B) để tăng chuyến vượt cung và ít thương vong hơn; binh trạm bắt buộc mỗi đêm Tiểu đoàn 781 để một đại đội vượt qua trọng điểm chính 68 - Ta Lê để nghi binh hút địch; tiểu đội xe đi cuối bật đèn pha lúc qua trọng điểm, địch đến đánh, chuyển qua đèn gầm chạy tiếp... cố ý làm cho địch thấy đêm nào cũng có xe qua trọng điểm, bằng ánh đèn pha và vết bánh xe lăn. Tất nhiên có thương vong, anh em xác định qua trọng điểm là: "Qua cửa tử để giữ cửa sống cho đơn vị". Từ người chỉ huy đến từng chiến sĩ đều nêu cao tinh thần dũng cảm mưu trí, dám chấp nhận hy sinh nhỏ để giành lấy thắng lợi lớn.

Ngày 20 tháng 1 năm 1968, bộ đội ta nổ súng mở màn chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp các thành phố, thị xã miền Nam. Trước sức tiến công ồ ạt của quân dân ta, Mỹ - ngụy tập trung máy bay đối phó, mật độ đánh phá trên đường 20 giảm. Binh trạm mở đợt công kích nước rút, dứt điểm sớm kế hoạch vận tải mùa khô 1967-1968.

Ngày 19 tháng 5 mừng sinh nhật Bác. Chính ủy Nguyễn Việt Phương tổ chức cho đội tuyên truyền văn nghệ binh trạm chăng khẩu hiệu, kết lá trên chiếc xe con, chở lẵng hoa Bác Hồ tặng thưởng tuyến 20 cửa khẩu đường Hồ Chí Minh. Từ cửa rừng đến Ta Lê, các đơn vị đón mừng hai bên đường, ở các điểm quy định.

Xe dừng lại, trợ lý tuyên huấn Nguyễn Kim Truyền (trưởng ban tuyên huấn binh trạm) vác loa 25W đi trước; Phạm Bá Chức, đội trưởng tuyên truyền văn nghệ cầm đài bán dẫn Li-đô thay micro đi sau, đọc bản tuyên dương thành tích:

"Cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong tuyến đường 20 Quyết thắng - cửa khẩu đường Hồ Chí Minh. Mùa khô 1967-1968, mặc dù địch đánh tăng hơn hai lần mùa khô 1966-1967, binh trạm vận tải khối lượng gấp hơn hai lần mùa khô trước, chưa kể hơn một nghìn xe Đoàn 559 chở hàng đi thẳng qua tuyến và cơ động hai sư đoàn bộ binh vào mở chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh...".

Tiếp theo nam nữ diễn viên đội văn nghệ cất lên tiếng hát lời ca vang dội giữa núi rừng Trường Sơn, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong chuẩn bị tinh thần, bước vào cuộc thử thách mới... Lúc đó, tôi không ngờ đó là phần thưởng cuối cùng của Bác Hồ đối với tuyến đường 20 trước lúc Bác đi xa...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:29:55 pm »


MỞ ĐƯỜNG VÀO B4
Đại tá ĐẶNG VĂN NGỮ
Nguyên Trưởng phòng Bảo đảm giao thông Đoàn 559
Nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 32

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, thành phố Huế vẫn kiên cường giành dân, giữ đất. Địch đánh nống ra A Sầu, A Lưới, đổ bộ trực thăng nhằm chiếm giữ dốc Con Mèo với bất kỳ giá nào. Đây là vị trí có ý nghĩa quan trọng, án ngữ con đường đi nam Khe Tre, vào A Sầu, A Lưới. Tại đây, lực lượng ta đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi hàng chục trực thăng, không cho quân Mỹ đổ bộ và chiếm giữ. Thế trận giằng co giữa ta và địch diễn ra quyết liệt.

Tranh thủ thời gian không quân, bộ binh địch bị hút vào các chiến trường để đối phó với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta, trên tuyến chi viện Trường Sơn, các đơn vị được lệnh đẩy nhanh việc vận chuyển vào tuyến trong. Lúc này, Binh trạm 42 nhận nhiệm vụ: phải bằng mọi cách nối thông, đưa hàng vào chiến trường B4. Sau buổi giao ban căng thẳng, một đoàn đốc chiến của Bộ Tư lệnh 559 được thành lập khẩn trương vào giúp Binh trạm 42. Đoàn gồm Phó tư lệnh Lê Đình Sum và sĩ quan các ngành tác chiến, pháo binh, hậu cần, vận tải, công binh trên hai xe Gát 69, đi lấn sáng lấn chiều không dừng lại Binh trạm 42 ở Động Con Tiên. Binh trạm trưởng Hoàng Huyềnh đã có mặt đón đoàn tại địa đạo trung tâm và dẫn khách về nhà nghỉ ăn cơm sáng.

Nhà khách của Binh trạm là những nhà hầm nửa chìm nửa nổi đào dựa vào sườn đồi, ngụy trang rất khéo, mái lợp cỏ tranh, có hầm chữ A liền kề, mỗi nhà có 2 hoặc 3 giường nằm chân thấp, giát giường bện nứa bằng phẳng, có chăn đơn, màn đơn, sạch sẽ gọn gàng, trên bàn có chiếc đèn dầu ma dút, có bìa che ánh sáng đề phòng máy bay địch phát hiện. Bước chân vào trạm khách khó có thể nghĩ rằng nơi đây đang là một chiến trường ác liệt và gian khổ, trận chiến giữa địch và ta đang xen kẽ. Địa đạo chỉ huy sở binh trạm không xa tuyến đường nên càng cảm thấy gần khi OV10, trực thăng quần thảo trên đầu.

Trong phiên làm việc đầu tiên với Binh trạm, đồng chí Lê Đình Sum nói rõ nhiệm vụ và phân công từng nội dung công việc. Đặc biệt, có một việc hết sức cấp bách là cần phải nối thông đoạn đường tránh dốc Con Mèo tới A Sầu - A Lưới đến Sông Bồ gặp đường 12, tận dụng đường 12 sẵn có để chi viện đưa hàng vào Huế. Thời gian để hoàn thành là 10 ngày, nếu tính số kilômét, như vậy mỗi ngày phải hoàn tất 1 kilômét mới bảo đảm cho xe cơ giới cơ động được.

Để mở con đường này, lực lượng nòng cốt là công binh Binh trạm 1. Lực lượng do cấp trên tăng cường gồm Trung đoàn công binh 7 do đồng chí Lê Văn Xương chỉ huy, Trung đoàn công binh 4 do đồng chí Tạ Viết Quý chỉ huy; lực lượng cơ giới có 2 máy ủi đã bố trí ở nam A Sầu, A Lưới. Ngoài ra Binh trạm còn huy động thêm 4 tiểu đoàn quân đi B dừng lại. Tại cuộc họp, đồng chí Sum nói: "Toàn bộ công việc này anh Ngữ, trưởng phòng bảo đảm giao thông chịu trách nhiệm trước Tư lệnh như anh Nguyên đã giao trực tiếp trước khi đi; riêng anh Tạm - Phó chủ nhiệm chính trị giúp anh Ngữ về công tác chính trị trong đợt ra quân này. Anh Tạm còn có nhiệm vụ vào họp với Mặt trận giải phóng tại địa đạo trên đường 12 nên anh Tạm có thể cùng đi hoặc đi trước đoàn công binh".

Để chỉ huy các lực lượng mở đường, chúng tôi phân công nhau đi làm hai nhóm: anh Tạm đi trước có anh Tho - phó chính ủy Binh trạm cùng đi, khi đi phải bố trí thêm một cáng vì vết thương ở đùi anh Tạm bị sưng lên không đi bộ được. Còn anh Kim - Chính ủy Binh trạm cùng đi với tôi.

Trên đoạn đường tránh Con Mèo chúng tôi vẫn đi chung với nhau vì đoạn này chỉ cần cải tạo ít, xe cơ giới có thể đi được. Còn từ A Sầu, A Lưới vào sông Bồ đoàn anh Tạm tách ra đi trước để kịp họp còn chúng tôi phải đi chậm lại để vừa tính toán khối lượng thi công vừa giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, riêng với các tiểu đoàn quân đi B dừng lại phải phân công cán bộ công binh làm nòng cốt và giúp cán bộ bộ binh cách tổ chức thi công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:30:32 pm »


Sau một ngày nhận nhiệm vụ, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất để hôm sau các lực lượng bắt đầu thi công; riêng 2 máy húc chúng tôi thống nhất cho hoạt động liên tục, thay lái và chỉ ngừng để bảo dưỡng, sửa chữa. Các đơn vị dốc toàn sức, dồn toàn lực để sớm thông đường nối tuyến chi viện chiến lược với tuyến chiến dịch của chiến trường bằng một con đường mới tránh đoạn qua dốc Con Mèo, nơi đang giao tranh ác liệt giữa quân ta với quân Mỹ.

Đúng ngày thứ 10 từ sở chỉ huy cơ bản, anh Chiêm - Chính ủy gọi điện thoại cho tôi "Sống chết đồng chí cũng phải cho xe vào ngày hôm nay". Nhận chỉ thị, ngay lập tức dù đường chưa thông hoàn toàn, tôi vẫn lệnh cho một đoàn xe Gát 69 đầu tiên chở hàng vào sông Bồ, huy động cả người cả máy húc kéo từng xe vào những dốc chưa đạt tiêu chuẩn và nhưng rồi chuyến hàng đầu tiên đã được giao cho chiến trường Trị - Thiên. Thành công của tuyến đường này phải kể đến công sức của một đại đội dân công người Vân Kiều được Mặt trận huy động ra giúp chúng tôi, chủ yếu là dẫn đường và huy động thêm sắn, bột búng báng bổ sung vào khẩu phần ăn của bộ đội vì lương thực không đưa vào kịp. Bộ đội tập trung hạ các đèo, dốc đạt tiêu chuẩn đường quân sự làm gấp, công việc chi viện cho mặt trận Thừa Thiên - Huế được khai thông trong sự hân hoan của mọi người. Khi công việc đã tạm ổn thì anh Thế - Binh trạm phó tác chiến truyền đạt chỉ thị của Tư lệnh là đảm bảo an toàn cho đoàn thân sĩ yêu nước của Mặt trận giải phóng ra hậu phương. Đoàn của mặt trận gồm Phó chủ tịch liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam - Thượng tọa Thích Đôn Hậu; Phó chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Đóa; giáo sư trường Đồng Khánh, bà Tuần Chi vạ chú tiểu là lái xe cho Thượng tọa khi còn ở Huế.

Chúng tôi xem lại tọa độ nơi đón đoàn, nghiên cứu kỹ điện của Bộ Tư lệnh và tổ chức hiện nay. Hoàng hôn miền Tây Huế, một đêm mới sang xuân, trời mưa phùn nhẹ hạt, se lạnh, trong thời điểm cuộc chiến đang trong thế giằng co ác liệt, không gian cứ trầm trầm ẩn ẩn, chúng tôi đã gặp đoàn của mặt trận, trao đổi mật hiệu, tay bắt mặt mừng.

Một tập thể tổ chức quân đội miền Bắc ở chiến trường có sĩ quan, có chiến sĩ, có quân y đi theo đón một đoàn nhân sĩ, các phật tử sống trong vùng địch gần suốt cả cuộc đời, khác nhau cả về cuộc sống vật chất đến phong cách tập quán, nhưng lại đồng nhất một nguyện vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước - mới lần đầu gặp nhau trong ánh sáng mờ ảo, sau như quen nhau đã lâu, đã thân quý nhau thật tình.

Thượng tọa Thích Đôn Hậu có dáng người tầm thước, dáng đi đạo mạo, vẻ mặt hơi tư lự đăm chiêu, hai tay chắp vào nhau có chút gì vừa cung kính vừa thân tình gọi mọi người bằng đồng chí, giới thiệu cụ Đốc Đóa, bà Tuần Chi... Binh trạm Phó Thế cũng giới thiệu một số cán bộ chủ chốt và tổ chức tranh thủ lên đường ngay, tránh mọi trở ngại có thể xảy ra.

Vì biết trước có bà Tuần Chi nên chúng tôi bố trí hai nữ quân nhân của Binh trạm đi phục vụ. Bằng giọng Huế ngọt ngào, bà trìu mến nắm tay, vỗ vai, xoa đầu các cô gái trẻ, khen các cô gái dịu hiền, khỏe khoắn và rắn rỏi... Ánh mắt bà đăm chiêu nhìn xa xăm, có lẽ bà đang liên tưởng nghĩ đến các cô con gái của bà?

Cụ Đốc Đóa, một nhà giáo nổi tiếng ở nội đô Huế, đã lớn tuổi, dù không được khỏe nhưng anh Thế đề nghị thế nào cụ cũng nhất quyết không chịu ngồi võng. Cứ một tay cầm gậy, một tay cầm chiếc đèn pin đã bọc mùi xoa che mờ ánh sáng, cụ đi giữa anh Thế và tôi, vừa đi vừa trao đổi chuyện trò. Cụ Đốc Đóa hoạt động cách mạng đã khá lâu, am hiểu tình hình nhiều mặt, từ vùng giải phóng đến miền Bắc. Là nhà trí thức, cụ lại vui tính cởi mở, nói chuyện râm ran dọc đường với anh chị em như đã thành những người bạn đường thân thiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2016, 07:54:59 am »


Đến trạm tiền phương Binh trạm 42, trăng đã lên quá đỉnh đầu, sương đêm về sáng nhỏ giọt rừng khuya trải dài bàng bạc. Giá như không có tiếng máy bay OV10 rè rè rền rĩ, tiếng bom tọa độ xa xa, tiếng pháo cầm canh điểm đều đều quay vòng một bán kính mà tâm của nó đâu đó từ thành phố Huế nổ vu vơ đáng ghét, thì cảnh quan đất trời với núi non Trường Sơn trùng điệp nơi đây cũng gợi nên vẻ đẹp u tịch thần tiên hiếm có.

Đến chặng nghỉ chân, gọi là trạm tiền phương dã chiến, nhưng đoàn cũng được tiếp đón khá chu đáo, có nước ấm rửa chân tay, có bát cháo khuya mắm muối đậm đà, không quên có đĩa ớt cay tê lưỡi. Trong căn hầm chữ A tiền phương nhường cho các vị khách, ánh pháo sáng lập lòe khi vơi khi đầy, anh chị em đã chuẩn bị một chỗ ngả lưng tạm thời; còn lại thì tỏa ra các vị trí dự bị xung quanh lo sắp xếp giải quyết công việc cho buổi sáng mai. Và chỉ ít phút sau, cả đoàn khách đã im lặng, một giấc ngủ ngon lành hiếm có ngay tại chiến trường mà có lẽ cả cuộc đời đã xế bóng của ba vị khách cao niên chắc chắn chưa được một lần như thế.

Trưa ngày hôm sau, đoàn đến Binh trạm bộ 42. Thượng tọa, bà Tuần Chi, cụ Đốc Đóa nắm chặt tay binh trạm trưởng Hoàng Huyềnh và chính ủy Binh trạm xúc động khen ngợi, thán phục việc tổ chức tiếp đón nhiệt tình, thắng lợi ở chặng đường đầu tiên.

Binh trạm trưởng, chính ủy, đồng chí Thế và tôi ăn cơm trưa chiêu đãi khách.

Các vị khách không khỏi ngạc nhiên với bữa cơm chiêu đãi này. Giữa rừng núi âm u xung quanh đầy bom đạn, đoàn Phật tử từ Cố đô Huế lên lại có một bữa cơm chay thật sự. Giữa bàn, hai đĩa đậu phụ được anh nuôi bày rất khéo nhưng không hoa lá, hai bát tương, đĩa rau cải tăng gia, đĩa nộm hoa chuối trộn vừng, đĩa rau thơm với khá nhiều loại rau bày gọn trên hai lá dong rừng xếp ngược đầu nhau được cắt ghép thành hình bầu dục đặt ở hai đầu bàn, mặt bàn trải tấm ni lông vuông vắn màu cánh gián.

Bà Tuần Chi, đời thường chắc hẳn là một "nữ tướng" nội trợ nhìn chăm chú khắp bàn ăn: "Chà! Anh em giỏi quá, các cháu gái nấu ăn giỏi quá, lãnh đạo cũng quá chu đáo, bộ đội đánh giặc giỏi, ngoại giao giỏi, nội trợ cũng tài".

Thượng tọa Thích Đôn Hậu đăm chiêu suy nghĩ, chậm rãi tán thành ý bà Tuần Chi: "Thiệt tình bộ đội miền Bắc là rất giỏi, đồng bào miền Nam, bà con Huế nói không sai, Bác Hồ là ông Thánh. Đây là sự giáo dục dạy dỗ của Bác Hồ phải không các đồng chí!".

Bữa cơm chay đơn sơ, có bình phẩm có ngợi khen thật tình, người dùng bữa thấy thật sự ngon miệng, người phục vụ lấy thêm thức ăn, mang thêm bát canh chua rau rừng, xới thêm bát cơm cho khách, được tiếp thêm sự hào hứng phấn khởi.

Vị khách "nội bộ" là tôi Đặng Văn Ngữ cũng không khỏi ngạc nhiên, rỉ tai binh trạm trưởng được biết Chính ủy Bộ Tư lệnh có thông báo và chỉ đạo nên cũng đã có sự chuẩn bị từ trước. Anh Huyềnh còn cho biết thêm, Binh trạm cũng đã cử nữ y tá của Binh trạm đến thăm hỏi, chăm sóc, xoa bóp cho bà Tuần Chi. Bà đã thật sự xúc động, khẳng định việc đi theo kháng chiến, theo cách mạng - bước ngoặt cuộc đời của bà là hoàn toàn đúng đắn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM