Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:10:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu  (Đọc 39834 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #190 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:19:56 am »


CUỐN CỜ, NHƯỜNG CHỖ

        Mỹ đã công khai phản đối Pháp hạ bút ký kết bản hiệp định đình chiến.

        Ngày 20 tháng 7, khi các bên đã thoả thuận về các điều khoản của bản hiệp định, Măngđét Phrăngxơ cử đại tá Brôhông (Brohon) sang Oasinhtơn để thông báo cho đô đốc Rátpho về quyết định ở Giơnevơ. 150 tướng lĩnh, đô đốc và quan chức cao cấp của bộ quốc phòng Mỹ vây quanh Rátpho để nghe Brôhông thuyết trình trong một căn phòng bí mật ở dưới hầm Lầu năm góc. Người ta đón tiếp viên đại tá Pháp “với một sự im lặng lạnh lùng”, mặc dù từ lâu, Brôhông là người quen thuộc của Bộ quốc phòng Mỹ. Nhiệm vụ thứ hai của Brôhông là xin Mỹ tiếp tục viện trợ cho quân viễn chinh Pháp. Mặc dù quân Pháp sắp rút vào nam vĩ tuyến 17, nhưng Măngđét Phrăngxơ vẫn lo lắng cho số phận của đội quân chiến bại này. Brôhông vừa ngỏ lời, Rátpho đã chặn trước rằng, ngay khi hiệp định đình chiến được ký kết, Bộ quốc phòng Mỹ sẽ “hạ lệnh cho các tàu chở vũ khí viện trợ đang trên đường sang Đông Dương phải dừng lại ở các hải cảng Mỹ gần nhất”.

        Ngày hôm sau, 21 tháng 7, Tổng thống Mỹ Aixenhao ra tuyên bố xác nhận lập trường của Mỹ là “không đồng tình với nghị quyết của hội nghị Giơnevơ và không bị ràng buộc bởi những nghị quyết đó vì nó chứa đựng những yếu tố mà chúng tôi không muốn”.

        Trong khi đó, tại Giơnevơ, đại biểu Mỹ ra tuyên bố nói rằng hiệp nghị Giơnevơ là “một thảm hoạ có thể dẫn đến nguy cơ mất Đông Nam Á vào tay cộng sản”(!). Trần Văn Đỗ đại diện chính quyền ngụy Sài Gòn “yêu cầu hội nghị ghi nhận rằng chính phủ (ngụy Diệm) tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ lợi ích thiêng liêng của dân tộc Việt Nam” (! !). Cả đại diện Mỹ và Diệm không chịu ký vào bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị, trong đó nhiều vấn đề cơ bản đã được khẳng định.

        Về phía Pháp, các tướng lĩnh cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương tỏ ra rất vui mừng khi nghe tin hiệp định đình chiến được ký kết. Vấn đề quan trọng trước mắt đối với họ là cứu cho quân viễn chinh đang kiệt quệ khỏi bị tiêu diệt. Là người được phái sang tận mắt chứng kiến cảnh thế cùng lực tận của Pháp ở Đông Dương, tướng Êly đã biên thư cảm ơn thủ tướng Măngđét Phrăngxơ và bộ trưởng Guy La Săm về “ý nghĩa và tầm vóc những hiệp định vừa được ký kết... vì những hiệp định đó đã chấm dứt cuộc chiến tranh hao mòn mà một mình nước Pháp không thể theo đuổi...”.

        Nhưng, trước sau Êly, Xalăng và đồng bọn vẫn là những viên tướng thực dân mà bản chất không hề thay đổi, ngay cả trong những ngày tàn của đế quốc Pháp trên bán đảo này. Họ “phản đối đến cùng chủ trương hợp tác với cộng sản miền Bắc”. Đầu tháng 8, Êly gửi điện cho Guy La Săm phản đối việc Pari chỉ định Xanhtơny làm đại diện của Chính phủ Pháp ở Hà Nội. Viên tướng này cho rằng thật là sai lầm nếu ở cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều có người của Pari (Êly ở miền Nam, Xanhtơny ở miền Bắc) vì “trước sau những người quốc gia ở Nam Việt Nam (chỉ bọn tay sai) vẫn là những người bạn cũ của nước Pháp, còn những người ở miền Bắc, từ tám chín năm nay đã là đối thủ không khoan nhượng của chúng ta”. Đặt tổng đại diện của Pari ở Hà Nội sẽ dẫn đến hậu quả là “làm nản lòng những phần tử quốc gia còn có khả năng hoạt động chống cộng sản”.

        Những ý kiến trên đây không được Pari chấp thuận. Ngày 12 tháng 8, Êly về Pháp để vận động hạn chế nhiệm vụ của Xanhtơny trong phạm vi bảo vệ quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt Nam mà không trao nhiệm vụ về ngoại giao và chính trị. Êly khuyên Chính phủ không nên chơi trò bắt cá hai tay. Giữa Sài Gòn và Hà Nội phải chọn lấy một, cụ thể là hãy chọn Sài Gòn.

        Khi những ý kiến trên tiết lộ ra ngoài, dư luận tiến bộ ở Pháp nhận xét rằng các tướng lĩnh Pháp chỉ là những con cà cuống đến chết còn cay. Cuộc chiến tranh đã diễn ra gần chục năm và phía Pháp đã buộc phải ký kết hiệp định đình chiến sau những thất bại ngày càng nặng nề. Nhưng tất cả những thực tế đó chưa làm thay đổi đầu óc thực dân đặc sệt của phái hữu ở Pháp và các tướng lĩnh hiếu chiến. Họ vẫn bám lấy một lập luận bất di bất dịch: không thể quan hệ hợp tác với những người vì quyền lợi sống còn của dân tộc đã kiên quyết cầm súng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp.

        Dư luận cũng lên án Chính phủ Pháp sớm tỏ ra bất lực và vô trách nhiệm trong việc thực hiện những điều đã cam kết ở Giơnevơ.

        Nếu thông qua việc chỉ định Xanhtơni làm đại diện ở Hà Nội, Chính phủ Măngđét Phrăngxơ nuôi ảo tưởng vớt vát chút ít quyền lợi kinh tế và văn hoá ở miền Bắc thì, tại miền Nam, trước sức ép của Mỹ, phía Pháp không ngừng lùi bước. Sau khi hạ bút cùng phái đoàn Việt Nam ký hiệp định đình chiến, Măngđét Phrăngxơ cho rằng khi đã trút được gánh nặng chiến tranh, đã rút được chân ra khỏi “bãi lầy Đông Dương”, Chính phủ Pháp phải tập trung tinh lực vào đối phó với bao vấn đề nóng hổi lôi cuốn họ: Bắc Phi, khối NATO và những khó khăn nội bộ của nước Pháp, trong đó nổi lên là tình hình kinh tế tài chính đã kiệt quệ. Tất cả những vấn đề trên sẽ không được giải quyết nếu không tiếp tục nhượng bộ Mỹ để tiếp tục được Mỹ viện trợ. Mặt khác, Măngđét Phrăngxơ chưa quên rằng, ngay từ khi đưa Ngô Đình Diệm về làm “thủ tướng” ở Sài Gòn, Oasinhtơn đã chính thức báo cho Pari biết: việc Pháp chấp nhận họ Ngô là một trong những điều kiện tiên quyết để Mỹ tiếp tục viện trợ cho Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #191 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:22:41 am »


        Thế là, “vì những lý do ngoại giao và tài chính”, Măngđét Phrăngxơ đành phải bảo đảm với Đalét là “Pháp sẽ cố duy trì một tinh thần thân hữu với Ngô Đình Diệm”, mặc dù Pháp thừa biết đó không phải là con người được Mỹ dùng để thực hiện những điều đã cam kết bên hồ Lêman. Hơn thế, Pháp không lạ gì mục đính chính trị thật sự của Mỹ ở Đông Dương là “nhanh chóng thay chân người Pháp đã quá mệt mỏi, những người Pháp đã bỏ rơi cả một nửa nước Việt Nam cho cộng sản”(!).

        Để thể hiện cái gọi là “tinh thần thân hữu” (đô la) đó, Pari đã chỉ thị cho cao ủy Êly và phó cao ủy Đariđăng (Jean Daridan) biết rằng viện trợ của Mỹ và lợi ích gắn bó giữa Mỹ và Pháp trong khối cộng đồng phòng thủ châu Âu (CED) là những vấn đề sinh tử đối với Pháp lúc này. Ngô Đình Diệm được Mỹ triệt để ủng hộ. Vậy những người đại diện của Pháp ở Đông Dương “không được làm bất kỳ việc gì khiến cho quan hệ Pháp - Mỹ trở nên căng thẳng”. Mặt khác, phải chuẩn bị để nhanh chóng nhường chỗ cho người Mỹ với một thái độ hợp tác thành thật”(!).

        Một trong những hành động cụ thể biểu hiện “thái độ hợp tác thành thật” đó là việc Pari chấp thuận gia nhập khối liên phòng Đông Nam Á1. Báo chí Pháp nhận xét rằng chỉ bảy tuần lễ sau khi ký hiệp nghị Giơnevơ, Măngđét Phrăngxơ đã chủ trương tiếp tay cho Mỹ ngăn cản sự hòa giải giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam... Bằng việc tham gia tổ chức hiến chương Manila, rõ ràng phía Pháp đã phủ định điều 19 của hiệp định đình chiến quy định “hai miền Nam và Bắc Việt Nam không được tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào”.

        Tại Pháp một trong những người phản đối chủ trương “nhường chỗ” của Chính phủ Pari là Bộ trưởng các quốc gia tiên kết. Nhưng rồi chính Guy La Săm cũng phải thú nhận rằng ông ta đã bất lực trước hành động của Diệm, vì Thủ tướng Pháp “đã gập hồ sơ Đông Dương lại”. Bằng chỉ thị ngày 5 tháng 9 năm 1954, Măngđét Phrăngxơ đã dứt khoát “theo đuổi đường lối chính trị phù hợp với ý đồ của Mỹ ở Đông Nam Á”, một đường lối “không để cho vấn đề Việt Nam trở thành nguồn gốc đối địch giữa Pháp và Mỹ”.

        Tại Đông Dương người cầm đầu phái tướng lĩnh phản đối chủ trương của Phrăngxơ - Êly - Đariđăng là tướng Xalăng. Không phải vì Xalăng tôn trọng hiệp nghị Giơnevơ, mà hắn muốn “phải làm một cái gì đó để cứu vớt sự có mặt của Pháp ở Việt Nam”. Cụ thể là phải tìm cách bẩy Diệm đi và thay vào bằng một tên tay sai thân Pháp. Những lời bàn ra tán vào của “Xalăng và công ty” đã sớm đến tai Êly và chẳng bao lâu, ngày 9 tháng 10, Xalăng buộc phải xuống tàu, vĩnh viễn chấm dứt sự có mặt của một viên tướng thực dân cáo già loại nhất nhì đã đến bán đảo Đông Dương từ ba mươi năm trước (1924 - 1954).

        Xalăng nghĩ gì khi buộc phải rời khỏi mảnh đất béo bở này? Hắn than thở: “Thật đau lòng như xé! Phải vĩnh biệt Đông Dương..., tôi để lại phía sau cả cuộc đời sĩ quan, cũng là cả cuộc đời của một con người. Tôi rời khỏi xứ này với nỗi lo âu về tương lai của nó... vì Đông Dương đang trải qua cơn thử thách bi thảm” (?).

        Tình hình Đông Dương ngày càng chứng minh điều mà Xalăng gọi là “sự tàn lụi và tiêu tan của một nền đế quốc”. Đó là đế quốc Pháp đang nhanh chóng bị đế quốc Mỹ hất cẳng ra khỏi bán đảo này.

        Pháp tham gia khối SEATO là việc làm được Nhà trắng hoan nghênh và coi đó là một điều kiện để Mỹ “tiếp tục mở cái vòi viện trợ” đã bị đóng đột ngột hai tháng sau khi hiệp nghị Giơnevơ được ký kết. Ngay sau khi được Oasinhtơn thông báo “tin vui” đó, ngày 26 tháng 9, Pari cử ngay một phái đoàn gồm Bộ trưởng các quốc gia liên kết Guy La Săm, Bộ trưởng tài chính Étga Phó và tướng Êly lên đường sang Mỹ xin viện trợ. Chính phủ Măngđét Phrăngxơ không hề giấu giếm rằng chiến tranh Đông Dương vừa kết thúc nhưng nước pháp (đã quá suy nhược vì cuộc chiến tranh đó) chưa biết bao giờ mới hồi sức để tự gánh lấy những khoản chi tiêu khổng lồ, nhất là khi đã xuất hiện “những dấu hiệu về sự không ổn định ở Bắc Phi”.

---------------------
        1. Do Mỹ đề xướng, khối SEATO chính thức ra đời tại Manila (Philíppin) ngày 8-9-1954, khi tám nước sau đây ký hiệp ước thành lập: Mỹ, Anh, Pháp, Tân Tây Lan, Úc, Philíppin, Thái Lan và Pakixtan. SEATO nhằm mục đích “tạo nên một cớ hợp pháp (?) để Mỹ can thiệp vào Việt Nam khi Pháp đang ở trong quá trình rút lui lực lượng sau thất bại ở Điện Biên Phủ” (theo báo International Hérald Tribune ngày 29-6-1977). Báo đó viết: “Là một phát minh phi lôgích của Đalét, SEATO đã lôi kéo chúng ta (Mỹ) vào Việt Nam và kéo bản thân ông ta (Đalét) đổ gục”. Hai năm sau thất bại của Mỹ ở Việt Nam, tháng 6 năm 1977, SEATO chính thức giải tán.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #192 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:24:09 am »


        Pháp tham gia SEATO để được Mỹ viện trợ và Mỹ viện trợ để ép Pháp nhanh chóng “nhường chỗ” ở Đông Dương. Đó là một vòng tròn khép kín trong quan hệ Mỹ - Pháp trong thời kỳ “sau Giơnevơ”.

        Càng về cuối năm 1954, ảnh hưởng của sĩ quan Pháp trong quân đội Diệm càng trở nên yếu ớt. Ngày 20 tháng 11, một ủy ban quân sự hỗn hợp Pháp - Mỹ được thành lập để tướng Êly và tướng Mỹ Côlin cùng phụ trách huấn luyện quân đội Diệm. Nhưng từ ngữ cùng đó chỉ có ý nghĩa rất tương đối vì trên thực tế, mọi quyền tối hậu quyết định vẫn trong tay Ô Đanien, trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ MAAG, người muốn “nhanh chóng phủi sạch bụi Pháp” trong quân đội ngụy Sài Gòn. Ngày 21 tháng 1 năm 1955, Diệm gửi công hàm yêu cầu Mỹ đảm nhiệm hoàn toàn việc tổ chức và huấn luyện cho đội quân tay sai, mới thay thầy đổi chủ. Tiếp đến việc bàn giao (về quyền hạn đối với quân đội Diệm) được tiến hành ngày 10 tháng 2 giữa một bên là tướng Pháp Agôxtini (Agostini) và một bên là Lê Văn Tỵ, tham mưu trưởng quân đội tay sai Mỹ. Hai ngày sau, Diệm họp báo tuyên bố: từ nay, tướng Ô Đanien sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm giúp y huấn luyện quân đội. Và cuối cùng là “lễ thay lon” trên cầu vai của tướng sĩ: lon kiểu quân đội Pháp nhường chỗ cho lon kiểu quân đội Hoa Kỳ.

        Mấy màn liên tiếp của tấn tuồng thay thầy đổi chủ của “quân lực Việt Nam cộng hòa” diễn ra trong những ngày mà hơn 70.000 quân viễn chinh Pháp còn đang trú quân tạm bợ rải rác dọc đường 15, từ Tam Hiệp, Long Thành đến Bà Rịa, Vũng Tàu để tiếp tục xuống tàu về nước.

        Cũng vào những ngày này, tại Pari, nội các Măngđét Phrăngxơ đang trong cơn hấp hối vì “cơn sốt rét kinh tế tái phát”. Từ 20 tháng 1, thủ tướng phải giao bớt chức ngoại trưởng cho Étga Phô để dốc toàn lực vào chuyên lo vấn đề kinh tế tài chính. Nhưng rồi nửa tháng sau, ngày 6 tháng 2, không được quốc hội tín nhiệm, Thủ tướng Phrăngxơ phải từ chức, sau hơn 7 tháng chèo chống, vật lộn với mọi khó khăn đang xâu xé nước Pháp kiệt sức vì đã mất quá nhiều máu sau chín năm chiến tranh xâm lược Đông Dương.

        Nước Pháp không có chính phủ trong nửa tháng. Ngày 23 tháng 2, đến lượt Étga Phô ngồi vào ghế, và trên mặt bàn làm việc của thủ tướng mới, tập “hồ sơ Việt Nam đã được thay thế bằng tập hồ sơ Angiêri”. Noi gương nhân dân Việt Nam, nhân dân Angiêri đã vũ trang nổi dậy.

        Hai tháng sau, 23 tháng 4 đánh dấu ngày “phủi tay” hoàn toàn của phía Pháp đối với những điều đã được ký kết ở Giơnevơ. Hôm ấy, Thủ tướng Pháp gửi công hàm cho Tổng thống Mỹ nói Chính phủ Pháp không còn chịu trách nhiệm về những gì sẽ xảy ra ở miền Nam Việt Nam.

        Hoàn toàn thoái chí, viên cao ủy kiêm tổng chỉ huy cuối cùng đã không đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Phô là ở lại Nam Việt Nam thêm vài tháng nữa. Ngày 2 tháng 6 năm 1955, tướng Êly rời Sài Gòn, giao quyền chỉ huy đám quân còn lại cho tướng Giắccô (Jacquot).

        Thân phận nhục nhã của những đơn vị lính Pháp cuối cùng đợi tàu về nước làm cho nhiều chính khách Pháp phải than phiền. Tại Quốc hội, Misen Đơbrê (Michel Debré) lên án Chính phủ “để cho quân đội bị người ta (Mỹ - Diệm) làm nhục ở Nam Việt Nam mà chẳng có phản ứng gì”. Misơlê (Edmont Michelet), sau chuyến đi công cán, đã yêu cầu Chính phủ phản đối Mỹ - Diệm về thái độ đối với quân Pháp trong những ngày cuối cùng lưu lại miền Nam Việt Nam.

        Quân viễn chinh Pháp phải chịu đựng cảnh thất thế và nhục nhã đó cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1956, khi bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương chính thức giải tán. Hôm ấy, tướng Giắccô hạ lệnh cuốn lá cờ tam tài viễn chinh. Những người lính Pháp cuối cùng âm thầm xuống tàu về nước chấm dứt chín năm bị đẩy vào một nơi đã được các ký giả và sử gia Pháp gọi là “tổ ong Đông Dương”.

        Bằng “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”, đế quốc Pháp đã vĩnh viễn chôn vùi những ngày tàn của nó trên bán đảo này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #193 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:26:38 am »


THAY LỜI KẾT LUẬN

TÍNH SỔ CHÍN NĂM

        Thất bại của thực dân Pháp ở Đông Dương kéo theo sự suy thoái toàn diện của nước Pháp vốn đã kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn ba mươi năm trước đây, nước Pháp “thất bại ở Việt Nam thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc của nó sẽ tan hoang”1.

        Để theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, giới cầm quyền Pháp đã thi hành chính sách phụ thuộc ngày càng nhiều vào đế quốc Mỹ, cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Uy tín và địa vị của nước Pháp không ngừng bị giảm sút cả ở châu Âu và trên thế giới.

        Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và việc Pháp tham gia khối quân sự Bắc Đại Tây Dương2 đã thúc đẩy giới cầm quyền Pháp không ngừng tăng cường tiến công vào mức sống và quyền dân chủ của nhân dân lao động nước họ. Mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Pháp do đó ngày càng trở nên sâu sắc.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân lao động Pháp đã kết hợp một cách hữu cơ cuộc đấu tranh đòi những quyền lợi trước mắt với đấu tranh đòi cải cách dân chủ, bảo vệ hòa bình và chống “cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu” dưới khẩu hiệu Giảng hòa ngay với Việt Nam!

        Các cuộc đấu tranh đó, với hạt nhân là giai cấp công nhân Pháp đã thu hút ngày càng đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân lao động tham gia: nông dân, công chức, nhân viên kỹ thuật, trí thức tiến bộ và các thành phần nhân dân khác, làm cho giới cầm quyền Pháp ngày càng bị cô lập, đời sống chính trị nước Pháp luôn luôn không ổn định.

        Thất bại của đế quốc Pháp ở Đông Dương đã mở đường cho cả quá trình “Hai mươi năm xâu xé nước Pháp” 3. Tấm gương chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam (đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Pháp) đã tác động mạnh mẽ đến quyết tâm và tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước vốn là “thuộc địa” Pháp, trước hết là của nhân dân Angiêri4.

        Mặc dù đã điều sang đất nước Bắc Phi này trên 250.000 quân và chi phí hàng năm chừng một ngàn tỷ phrăng (1957: 700 tỷ; 1959: 1050 tỷ) đế quốc Pháp vẫn không thực hiện được mưu đồ biến nước Angiêri thành “một bộ phận của lãnh thổ Pháp quốc” (!). Trải qua tám năm kiên trì đấu tranh vũ trang cuối cùng nhân dân Angiêri đã giành được độc lập.

        Và cho đến nay lá cờ ba sắc đã vắng bóng hẳn trên “các lãnh thổ hải ngoại đã từng quy tụ dưới chiếc ô bảo hộ của Đại Pháp”.

        Chín năm chiến tranh xâm lược Đông Dương cũng là thời kỳ mà hai mươi chính phủ kế tiếp nhau ở Pari ngày càng đưa đời sống kinh tế của đất nước họ đến chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào bọn tư bản lũng đoạn Pháp - Mỹ5.

---------------------
        1. Công việc khẩn cấp hiện giờ (viết ngày 5-11-1946), Văn kiện quân sự của Đảng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, t. 2, tr. 67.

        2. Chính phủ Pari ký kết hiệp ước này tháng 4 năm 1949, chịu để nước Pháp biến thành một căn cứ quân sự của khối xâm lược Bắc Đại Tây Dương.

        3. Vingt ans qui déchirèrent la France, tên một cuốn sách của Claude Paillat viết về sự tan rã của hệ thống thuộc địa Pháp trong những năm 1945 - 1965.

        4. Trong cuộc gặp gỡ đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Angiêri năm 1963, Thủ tướng Ben Benla nói: “Chúng tôi đánh giá rất cao cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi thấy cần thiết phải làm theo nhưng còn do dự, có thái độ chờ xem. Tin chiến thẳng Điện Biên Phủ đến với chúng tôi cho thấy rõ con đường dẫn đến thắng lợi nên chúng tôi quyết tâm tiến hành đấu tranh vũ trang. Ngày 7 tháng 5 (quân và dân Việt nam) chiến thắng ở Điện Biên Phủ thì ngày 7 tháng 7 năm 1954, Ủy ban Cách mạng (Angiêri) họp phát động đấu tranh vũ trang. Cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ nhưng vô cùng anh dũng đã đưa nhân dân Angiêri đến thắng lợi như ngày nay”.

        5. Năm tơ rớt sản xuất 75% sản lượng thép, năm công ty nắm 90% công nghiệp chế biến dầu, bốn tập đoàn xe hơi sản xuất 99% xe du lịch. Theo “kế hoạnh Mácsan”, các công ty lũng đoạn Pháp nhận được 98% vốn đầu tư của Mỹ vào nước Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #194 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:28:14 am »


        “Kế hoạch Mácsan” đã kìm hãm tốc độ phát triển công nghiệp, làm cho nông nghiệp bị khủng hoảng, đẩy mạnh việc chạy đua vũ trang, hạn chế việc buôn bán giữa nước Pháp với các nước xã hội chủ nghĩa và làm cho đời sống vật chất của nhân dân lao động Pháp bị giảm sút. Từ năm 1949 đến năm 1952, gần 72.000 xí nghiệp nhỏ ở Pháp bị đóng cửa. Số nhà máy loại vừa bị phá sản ngày càng nhiều (1947: 1.578; 1950: 6.168; 1954: 6.766). Ngân sách nước Pháp thiếu hụt mỗi năm một nghiêm trọng thêm (1947: 229 tỷ phrăng; 1950: 247 tỷ; 1954: 322 tỷ). Chiến phí Đông Dương càng tăng (1947: 127 tỷ phrăng; 1950: 392 tỷ; 1954: 784 tỷ) thì nhân dân lao động Pháp phải chịu nạn thuế khoá càng nặng (1947: 623 tỷ phrăng; 1950: 1.762 tỷ, 1954: 2.663 tỷ). Tính riêng từ năm 1952 đến khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương, mỗi gia đình Pháp phải đóng tổng cộng gần 500.000 phrăng thuế, trong khi tiền lương thực tế giảm trung bình 28,5%.

        Điều đáng chú ý là, ngoài số chiến phí khổng lồ (tương đương với tổng ngân sách nước Pháp năm 1960 - 1961) mà các chính phủ ở Pari đã thay nhau ném vào Đông Dương trong suốt chín năm chiến tranh, giới cầm quyền Pháp còn phải tiếp tục chi những khoản “phí tổn hậu chiến” trong vòng vài chục năm sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương đã kết thúc.

        Trên lĩnh vực quân sự, sau chín năm đọ sức trên chiến trường, quân viễn chinh Pháp đã phải chấp nhận phần thất bại quá đậm, đã hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ mà Tổng thống Đờ Gôn giao cho sau ngày nước Pháp được giải phóng là: “đem lá cờ ba sắc trở lại một thuộc địa cũ”.

        Binh lực tham chiến ở Đông Dương không ngừng tăng lên, cả về quân số và trang bị kỹ thuật (9-1945: 2.500 tên; 12-1945: 32.000 tên; 12-1950: 239.400 tên; 3-1954: 480.000 tên, trong đó 69% là quân ngụy), viện trợ Mỹ đổ vào ngày càng nhiều (năm 1954, Mỹ gánh 3/4 chiến phí của Pháp ở Đông Dương), nhưng quân viễn chinh Pháp vẫn phải chấp nhận hết thất bại này đến thất bại khác, quân số Pháp và tay sai vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt ngày càng nhiều. Qua những số liệu đã được phơi bày công khai trên mặt sách báo Pháp và nước ngoài (tất nhiên còn xa sự thật), rõ ràng tổn thất trên chiến trường đã vượt quá xa sức chịu đựng của Pháp và chính quyền ngụy: trên 200.000 tên bị chết và bị thương, trên 100.000 tên bị bắt1. Trong số 4.264 sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp bị chết, có hai tướng (Săngxông. Háctơman), tám đại tá, 18 trung tá, 69 thiếu tá, 341 đại uý, 1.140 trung úy... Sách báo Pháp và nước ngoài nói nhiều đến số phận của các viên đại tá, những người “bị thúc bách đem các GM do họ chỉ huy lao vào những trận đánh không có ngày mai. Nhiều người trong bọn họ đã bỏ mạng trong rừng sâu hoặc trên đồng lầy (Êđông, Êruylanh, Blăngca...) hoặc phải chịu đựng sức nặng của cuộc chiến tranh cho đến những ngày cuối cùng (Gin, Đờ Cát, Vanuyxem...), hoặc phải trải qua hàng năm trong các trại tù binh của Quân đội nhân dân Việt Nam (Sáctông, Lơpagiơ...) để rồi trở lại quê hương với tâm hồn nặng trĩu của những kẻ chiến bại...”.

        Các ký giả, sử gia Pháp và phương Tây đều phải công nhận rằng “trong một cuộc chiến tranh không có trận tuyến như thế này, không ai có thể tự cho mình là được an toàn và đòn của đối phương có thể giáng xuống bất kỳ ai”, kể từ các “quan cai trị” như ủy viên cộng hoà Đờ Raymông (ở Campuchia) cho đến các sĩ quan con giòng cháu giống như các trung úy Bécna Đờlát, Hăngri Lơcléc, Gămbiê, v.v.

        Với hàng chục vạn tên lính viễn chinh bỏ mạng, với 3.582,4 tỷ phrăng ném vào một cuộc chiến tranh không có lối thoát, chỉ sau chín năm, khi ý chí xâm lược của giới cầm quyền Pháp đã bị đập tan, đội quân viễn chinh đầy thương tích (cả về tinh thần và thể xác) của nước Cộng hoà Pháp mới thoát ra khỏi “tổ ong vò vẽ Đông Dương” và buộc phải cuốn gói ra đi trong hoàn cảnh mà L.Bôda khẳng định là ô nhục.

        Quân đội xâm lược Pháp dưới quyền chỉ huy của các tướng “tài ba” loại nhất nhì của nền Đệ tứ cộng hòa, đã phải chấp nhận thất bại. Điều đó thực tế lịch sử đã khẳng định không thể chối cãi.

---------------------
        1. Kết hợp các số liệu của Cl.Paillat, sđd, t.2, tr.71; Jules Roy, sđd, tr.24; H.Azeau, sđd, tr.305 – 308; B.Fall, sđd. tr. 319; báo Le Monde, 15 – 22-7-1954; báo cáo của bộ tham mưu Pháp với M.France ngày 14-6-1954, v.v.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #195 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:30:21 am »

     
ĐÂU LÀ ĐÁP SỐ CỦA BÀI TOÁN ĐÃ GIẢI

        Cho đến nay, qua các trang sách báo của nhiều sử gia ký giả, tướng lĩnh và chính khách Pháp, vẫn tồn tại một vấn đề chưa được giải đáp một cách thoả đáng chính xác. Đó là nguyên nhân thất bại của đế quốc Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Họ không giải thích nổi vì sao một đội quân xâm lược nhà nghề, trang bị tối tân như vậy mà trải qua chín năm không giữ nổi lá cờ ba sắc trên bán đảo Đông Dương, “bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa Pháp”; vì sao cuộc chiến tranh Đông Dương đã dẫn đế quốc Phấp đến chỗ “mất hết”, từ quyền lợi, uy tín đến danh dự...?

        Người này cho rằng Pháp thua vì thiếu binh lực, nhất là con chủ bài không quân không đủ để đè bẹp đối phương (từ bài học nhớ đời của họ, liệu những người ở Nhà trắng và Lầu năm góc có đồng tình với lập luận này?). Người khác cho rằng Pháp thua vì Chính phủ không quan tâm đến quân đội viễn chinh, từ việc gửi tăng viện đến việc động viên tinh thần binh lính và chăm sóc hậu phương của họ. Người ta oán trách Chính phủ Pháp đã “mang con bỏ chợ”. Người thứ ba lập luận kỳ cục hơn, cho rằng Pháp thua vì quân viễn chinh không hợp khí hậu, thời tiết, không quen địa hình đồng lầy và rừng núi, không chịu được sốt rét rừng, không quen với đỉa, vắt, muỗi...

        Bằng lối nhìn phiến diện, chỉ thấy ngọn không thấy gốc lại do quan điểm chính trị hạn chế, không một người nào dám vạch trần tính chất phi nghĩa, lỗi thời, mất lòng dân của cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Pháp ở Đông Dương, không ai dám nhìn thẳng vào sự bế tắc trong chỉ đạo chiến tranh của giới cầm quyền và các tướng lĩnh của họ. Cũng không người nào phân tích được một cách khách quan đất nước và con người Việt Nam, những người còn rất hạn chế về kinh tế, kỹ thuật, nhưng lại rất tiên tiến về nhãn quan chính trị và rất giàu lòng yêu nước, những người đã dám đánh và đã biết đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề của Pháp trong suốt chín năm kiên trì chiến đấu kể từ 5 năm đầu (1945-1950) chiến đấu trong vòng vây.

        Ngày tháng cứ trôi qua và những bài học về nguyên nhân thất bại có tính quy luật của cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp vẫn không được các chính khách và sử gia Pháp và phương Tây đề cập một cách đúng đắn. Được cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ khẳng định trong điều kiện lịch sử mới, những bài học thất bại đó đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

        Đường lối chính trị lỗi thời chiến tranh xâm lược phi nghĩa

        Tháng 9 năm 1969, trong cuộc viếng thăm Campuchia, cựu Tổng thống Pháp Đờ Gôn đã đọc diễn văn ở Phnôm Pênh, xác nhận đường lối sai lầm của Chính phủ Pháp hơn hai mươi năm về trước là đã đưa quân sang xâm lược Đông Dương. Ông ta còn lựa lời khuyên đế quốc Mỹ hãy nhìn vào thực tế Việt Nam mà tránh lao sâu hơn nữa vào vết xe đổ của Pháp.

        Một năm sau, trong cuốn hồi ký của mình, Xanhtơny đã nhắc lại một đoạn trong bức thư đề ngày 24 tháng 2 năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đại diện Chính phủ Pháp nói rằng: “Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam thì lập tức chiến tranh sẽ chấm dứt, hòa bình và lòng tin cậy sẽ được khôi phục và chúng ta sẽ bắt tay vào lao động xây dựng lại, vì lợi ích chung của hai nước chúng ta”1. Đưa ra lời trích dẫn trên đây, Xanhtơny đã than phiền rằng hồi đó (1947), Chính phủ Pháp đã không biết đáp ứng những yêu câu cơ bản của nhân dân Việt Nam. Điều đáng tiếc là Đờ Gôn, Xanhtơny cũng như nhiều chính khách Pháp khác chỉ nói lên những lời lẽ khôn ngoan như vậy sau khi các chính phủ kế tiếp nhau ở Pari đã ngoan cố theo đuổi trong suốt chín năm một đường lối chính trị lỗi thời. Những người tự nhận là đại diện cho nền Đệ tứ cộng hòa Pháp mưu toan dùng vũ lực để áp đặt lại trật tự cũ trên bán đảo Đông Dương, “một thuộc địa đã mất”. Nuôi ảo vọng “trở lại năm 1939 vàng son”, họ chà đạp lên nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có chủ quyền. Không nhận thức được đầy đủ và đúng đắn những thay đổi sâu sắc trên trường quốc tế sau chiến tranh và trên đất nước Việt Nam sau những ngày tháng Tám lịch sử, họ đã hành động ngược lại trào lưu tiến hoá của loài người, trái với lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái của cuộc Đại cách mạng Pháp.

---------------------
       1. Trích dẫn của Jean Sainteny trong cuốn Au Vietnam, face à Hồ Chí Minh (ở Việt Nam, đối mặt với Cụ Hồ Chí Minh), Nxb Seghers, Pari, 1970, tr. 119.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #196 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:31:52 am »


        Vừa thoát khỏi ách chiếm đóng của quân đội phát xít Đức, nhân dân Pháp hiểu sâu sắc thế nào là nỗi nhục của người dân mất quyền tự do. Trước cảnh đất nước điêu tàn, xơ xác sau chiến tranh, đông đảo nhân dân Pháp càng tha thiết với hòa bình, mong được đem hết sức lực ra xây dựng lại cuộc sống mới, xây dựng tình hữu nghị với các dân tộc khác, kể cả những nước vốn là “thuộc địa”, sẵn có nhiều quan hệ kinh tế, văn hoá với nước Pháp. Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã đi ngược lại nguyện vọng chính đáng trên đây của nhân dân Pháp, những người hiểu rằng đất nước họ sẽ bị đẩy đến nguy cơ sa sút, suy yếu thêm về nhiều mặt, rằng đời sống vật chất và tinh thần của họ sẽ bị đe dọa. Cuộc chiến tranh xâm lược càng đi vào “ngõ cụt”, thì họ lại càng đặt ra những câu hỏi: Dòng máu khảng khái của hàng vạn, hàng vạn con người tràn đầy trên những chiến trường đã phục vụ cho ai và cho cái gì? Những nguồn tài lực không sao tính nổi bị ném vào cái vực thẳm của cuộc tàn sát địa ngục đó đã phục vụ cho ai và chó cái gì? Chắc chắn là không phải cho nước Pháp!

        “Chỉ có bọn trùm tài chính hung bạo, bọn sản xuất vũ khí tham tàn, bọn bán thịt người vô liêm sỉ là có lợi do tích luỹ được những tài sản khổng lồ” (báo Nước Pháp mới của Đảng Cộng sản Pháp, 8-5-1954).

        Chính vì vậy mà ngay từ đầu, giới cầm quyền Pháp đã vấp phải sức chống đối mạnh mẽ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Động Cộng sản Pháp, hướng theo khẩu hiệu Giảng hòa ngay với Việt Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã gắn với phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

        Đế quốc Pháp càng lao sâu vào chiến tranh, người và của bị vét từ “chính quốc đưa sang Đông Dương càng nhiều, đời sống nhân dân lao động Pháp càng bị uy hiếp thì phong trào phản chiến của các tầng lớp nhân dân càng tăng, giới cầm quyền Pháp càng bị cô lập. “Cuộc chiến tranh chính trị” mà nhân dân Pháp phát động ở ngay trên đất nước họ làm cho hậu phương của quân đội viễn chinh không ổn định, các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp xảy ra và khả năng tăng viện về người và của sang Đông Dương càng hạn chế. “Cuộc chiến tranh” đó đã có tác dụng phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Trong những nam cuối của cuộc chiến tranh, thất bại của quân đội Pháp càng nặng nề, càng thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân Pháp phát triển mạnh mẽ. Ngược lại phong trào phản chiến ở Pháp và các thuộc địa Pháp càng cao thì càng tác động đến tinh thần chiến đấu của quân đội viễn chinh. Tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược - một trong những nguyên nhân làm cho tinh thần quân xâm lược Pháp và tay sai bạc nhược - ngày càng tạo thêm nhân tố thất bại cho quân đội đó trên chiến trường.

        Trên trường quốc tế, nếu ba dòng thác cách mạng hình thành và dâng cao đã nâng bước cho dân tộc Việt Nam, nếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của cả loài người tiến bộ thì cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp càng làm cho giới cầm quyền ở Pari bị cô lập.

        Nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc sớm tìm thấy ở cuộc kháng chiến của ta một tấm gương sáng về sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Bắc Phi, nhân dân Mađagaxca,... đã góp phần làm cho Khối Liên hiệp Pháp rệu rã, buộc đế quốc Pháp phải phân tán lực lượng đối phó và đã có tác dụng phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

        Nhân dân và Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, nhiều nước mới được giải phóng ở châu Á (như Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai, Inđônêxia...) ngay từ đầu đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp. Trên thực tế, một mặt trận ủng hộ Việt Nam kháng chiến đã xuất hiện ngay trong những năm đầu, khi đất nước ta còn bị bao vây bốn phía. Trong khi đó thì, về phía Pháp, cuộc chiến tranh xâm lược càng phát triển càng chứng minh lời tiên đoán của Đảng ta là đúng đắn: “Dư luận chân chính trên thế giới chống hành động xâm lược của thực dân Pháp, sẽ làm cho Pháp dần dần bị cô lập trên trường quốc tế...”1.

---------------------
        1. Trường Chinh, Kháng chiến nhất định thắng lợi, tác phẩm chọn lọc. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, t. 2, tr. 84.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #197 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:32:48 am »


        Giới cầm quyền Pháp cũng đã nhận thấy đất nước họ đang bị đẩy vào tình thế không có lối thoát. Chỉ vài tháng sau khi mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, ngày 27 tháng 4 năm 1947, Thủ tướng Rumađiê đã phải thú nhận rằng: nước Pháp chẳng khác nào một người sắp chết đuối mà đầu còn thò trên mặt nước. Để cố gắng cứu cho nước Pháp “khỏi bị chìm nghỉm”, giới cầm quyền Pháp đã ngoan cố chọn con đường tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Kết quả là đường lối chính trị phản động mà hai mươi chính phủ ở Pari thay nhau theo đuổi trong suốt chín năm đã nhận chìm “uy danh hão và sức mạnh ban đầu” của đế quốc Pháp xuống tận bùn đen.

        Trong thời đại ngày nay, tính chất phi nghĩa lỗi thời tự nó đã là một nhân tố phổ biến để dẫn các cuộc chiến tranh xâm lược đến thất bại. Sự thất bại đó càng trở nên không thể tránh khỏi khi cuộc chiến tranh xâm lược diễn ra trên đất nước Việt Nam và vấp phải tinh thần quyết chiến quyết thắng của một dân tộc vốn có truyền thống anh hùng bất khuất như dân tộc Việt Nam.

        Không biết mình biết người, đánh giá thấp đối phương

        Mãi đến năm 1977, tức là 23 năm sau “sự kiện Điện Biên Phủ” và hai năm sau khi quân và dân ta toàn thắng ở miền Nam, cuộc tranh luận về con người Việt Nam vẫn tiếp diễn ở Pháp. Trên sách báo ở Pari chưa phải đã hết những quan điểm lỗi thời xuất phát từ những đầu óc thực dân đặc sệt như loại Phriăng (Brigitte Friang), một phần tử gôlít cực đoan. Đáp lại tiếng nói lạc lõng của nữ văn sĩ này khi mụ ta đưa ra những nhận xét hằn học về dân tộc Việt Nam, nhiều nhân vật có tên tuổi ở Pari đã lên tiếng trong đó có Míttơrăng (François Mitterand), lãnh tụ đảng Xã hội Pháp. Ông này viết: “Ta hãy khoan nói những lời quá khích. Người ta không thể nói về Việt Nam như nói về bất cứ ai. Người dân Việt Nam đã đề cao danh dự của thời đại chúng ta. Nếu có ai hỏi, tôi thì sẽ trả lời rằng nhân dân Việt Nam là vĩ đại nhất...”1.

        Vào những năm 1945 - 1946 và trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giới cầm quyền Pháp tỏ ra không hiểu mình, hiểu người. Họ đã chọn lầm đối tượng chiến tranh và đã liên tiếp đánh giá quá thấp nhân dân Việt Nam, những người mà trước đây họ thường quen gọi một cách khinh miệt là “giống An Nam bẩn thỉu” (sale race annamite).

        Trước hết họ không hiểu ngay chính họ.

        Đế quốc Pháp già cỗi và thua trận năm 1940 còn đâu là nước Pháp thắng trận năm 1918, càng không còn là một đế quốc đang tuổi thanh xuân khi vua Lui Philip (Louis Philippe) phái tên Giơnuii (Rigault de Genouilly) nào đó đem hạm thuyền nhả những viên trái phá đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng một trăm năm trước (15-4-1847).

        Sau bốn năm bị phát xít Đức chiếm đóng, về đối nội, nước Pháp đứng trước quá nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế và quân sự; về đối ngoại, nước Pháp thua trận đã rơi xuống địa vị thứ yếu trên trường quốc tế. Để gượng dậy được và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, đế quốc Pháp buộc phải chui vào chiếc ô của Mỹ để rồi từng bước bị phụ thuộc vào tên đế quốc đầu sỏ này trên nhiều mặt.

        Trong đánh giá lực lượng so sánh với Việt Nam, đế quốc Pháp chỉ thấy quân đội của họ chính quy hơn, trang bị tối tân hơn, trình độ thiện chiến hơn so với đội quân cách mạng nhỏ bé mới hình thành. Họ chỉ nhìn vào khả năng sản xuất hàng triệu tấn thép trong khi đối phương không sản xuất nổi một tấn; họ có trong tay khoảng 400 tỷ phrăng (1945) trong khi đối phương chỉ có chừng một triệu đồng bạc Đông Dương đang mất giá. Họ chỉ thấy đằng sau họ là cả một thế lực đế quốc đứng đầu là Mỹ đang sẵn sàng tiếp tay cho quân viễn chinh Pháp trong khi đó thì cách mạng Việt Nam trứng nước đang ở vào thế bị bao vây bốn phía. Họ chỉ nghĩ rằng kinh nghiệm xâm lược và thống trị sẵn có sẽ giúp họ dễ dàng đạt tới mục tiêu chính trị của cuộc chiến tranh cách xa biên giới nước Pháp hàng vạn kilômét mà không hề nghĩ rằng cuộc chiến tranh đó sẽ làm cho cơ thể đã suy nhược toàn diện của nước Pháp sụp đổ như thế nào.

---------------------
        1. Tuần báo Đoàn kết (Unité), số ra ngày 21-1-1977.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #198 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:34:40 am »


        Về phía đối phương, thực tế chưa giúp cho đế quốc Pháp sự hiểu biết đúng đắn và cần thiết về đất nước và con người Việt Nam, “đất nước của những con người đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép”.

        “Ngày nay ai là người có lương tri đều phải công nhận nhân dân ta hết sức yêu chuộng hoà bình. Chính phủ ta ôn hòa đến cực điểm”1. Như nhà văn Ý A. Pátđi (Pazzi) đã viết: Việt Nam là một dân tộc “mềm mỏng mà không nhượng bộ, hiền hậu mà không nhu nhược, uyển chuyển để nuôi dưỡng sự tồn tại của mình... Đó là một dân tộc không xem mọi sự chém giết là một vinh quang. Cho đến khi đã chiến thắng oai hùng, họ vẫn hiền lành như vậy, hòa hảo như vậy... Nhưng giá trị lớn nhất của người Việt Nam là ý chí tự cường bất khuất của họ. Suốt trong quá trình lịch sử, chưa một dân tộc nào chiến đấu gian nan như thế, bền bỉ dẻo dai như thế... Chưa một dân tộc nào có một lịch sử éo le mà vẫn giữ vững được mình như thế... Đức tính bất khuất ấy dung hoà được sự mềm dẻo và sự cứng rắn, làm nên sức sống kỳ lạ của dân tộc Việt Nam...”2.

        Cần nói thêm rằng: ý chí tự cường bất khuất của người Việt Nam là sự kết tinh truyền thống dựng nước và giữ nước để dân tộc mình tồn tại bốn nghìn năm bên cạnh một đế chế phong kiến khổng lồ đầy dục vọng thôn tính, xâm lược. Ngày nay, ý chí đó được kế thừa và phát huy lên đến đỉnh cao, dưới ngọn cờ của một đảng mácxít chân chính được tôi luyện trong lò lửa đấu tranh lâu dài vì lợi ích sống còn của dân tộc, của giai cấp.

        Sau khi giành được chính quyền, dân tộc Việt Nam đã thể hiện tập trung ý chí tự cường bất khuất của mình trong Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”3.

        Trước họa ngoại xâm, để bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là đoàn kết muôn người như một, phát huy đến cao độ tinh thần làm chủ vận mệnh của đất nước, quyết tâm chiến đấu với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”4.

        Chính vì không đánh giá đúng dân tộc Việt Nam nên đế quốc Pháp đã liên tiếp phạm sai lầm, liên tiếp bị bất ngờ và thất bại trong đường lối chính trị của họ. Ngay từ đầu, họ không hề nghĩ rằng những chiến sĩ Việt Nam đi chân đất, “những người nhà quê nhát như bầy chim sẻ” lại dám dùng súng kíp và gậy tầm vông đối đầu với những REI, những RIC trong đội quân viễn chinh được Pari đánh giá là hùng mạnh. Đối với tướng lĩnh Pháp tinh thần bất khuất của quân và dân ta là một sự bất ngờ có ý nghĩa chiến lược đầu tiên trong cuộc đọ sức giữa cách mạng Việt Nam và đội quân xâm lược dưới quyền chỉ huy của họ. Không phải là ngẫu nhiên mà từ chỗ huênh hoang tuyên bố sẽ bình định miền Nam trong vòng vài tháng, viên tổng chỉ huy đầu tiên của quân đội xâm lược Pháp là Lơcléc đã phải đổi giọng thú nhận rằng: muốn chinh phục được đất nước này phải có 500.000 quân và phải đánh trong nhiều năm (!).

        Giới cầm quyền ở Pari không tin vào sự thật đó. Họ vẫn khẳng định: “Chúng ta là kẻ mạnh hơn”. Sức mạnh đó, theo quan điểm của Đờ Gôn và Chính phủ Pháp là đội quân viễn chinh thiện chiến, công cụ đáng tin cậy để “nhanh chóng đem lá cờ ba sắc trở lại một thuộc địa cũ”.

---------------------
        1. Trường Chinh, Kháng chiến nhất định thắng lợi, sđd, tr. 22.

        2. A.Pazzi, Per comprendere il Vietnam a Vietnamita (Để hiểu nước Việt Nam và người Việt Nam), bản dịch của Hồng Cúc nhan đề Người Việt cao quý, Cảo thơm, Sài Gòn, 1965, tr. 76 - 86.

        3. Hồ Chí Minh, Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970. tr. 162.

        4. Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi kháng chiến - Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 168.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #199 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:36:12 am »


        Sự đánh giá thấp quyết tâm và sức mạnh của dân tộc Việt Nam liên tiếp diễn ra trong suốt chín năm chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp. Từ những lời tuyên bố ngạo mạn của Lơcléc khi đưa quân ra miền Bắc (3-1946) đến ý đồ “tiêu diệt quân phiến loạn Việt Minh ở tận sào huyệt của chúng” (10-1947) của Valuy, từ lời tuyên bố “đã tóm được cổ Việt Minh” (11-1951) của Đờlát, đến quyết tâm “nghiền nát chủ lực Việt Minh” ở Điện Biên Phủ (1-1954) của Nava..., là một chuỗi sai lầm liên tục của các Chính phủ Pháp và đại diện của họ ở Đông Dương trong việc đánh giá đối thủ của họ trên chiến trường.

        Thực tế ngày càng chỉ rõ, quân và dân ta không những chỉ dám đánh mà còn biết đánh, đánh bằng sức mạnh của cả dân tộc, của “mỗi làng bản là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, đánh bằng sức mạnh của chính mình và sức mạnh của thời đại. Đi đôi với tinh thần quyết chiến quyết thắng là trí thông minh sáng tạo, biết lợi dụng và khoét sâu chỗ yếu của địch, hạn chế chỗ mạnh của chúng, dồn địch vào thế trận dày đặc của chiến tranh nhân dân phát triển ngày càng cao, biết khắc phục mặt yếu đi đôi với bồi bổ mặt mạnh của mình để không ngừng lớn lên, tạo nên một sự chuyển hoá lực lượng ngày càng có lợi để chiến thắng quân thù.

        Chọn lầm đối tượng, đánh giá thấp tinh thần dân tộc và khả năng vô tận của đối phương, đó là sai lầm cơ bản, kéo dài dẫn giới cầm quyền Pháp và các tướng lĩnh của họ lao sâu vào đường hầm không lối thoát.

        Những mâu thuẫn có tính quy luật

        * Tham vọng quá lớn, khả năng có hạn.

        Tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược xa “chính quốc”, trên 12.000 kilômét, đế quốc Pháp đã nuôi một tham vọng quá lớn, trong khi tiềm lực chiến tranh của họ hết sức hạn chế. Riêng về mặt quân sự nước Pháp vừa thua trận chỉ đủ sức gửi sang Đông Dương những đơn vị viễn chinh chắp vá. Tuy so với lực lượng vũ trang kháng chiến thì đội quân đó mạnh hơn về trang bị kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu, nhưng đó chỉ là chỗ mạnh tương đối, “mạnh trong thế yếu” của một quân đội vừa tan rã mới được chỉnh đốn lại một cách vội vàng, khác hẳn quân đội phát xít được chuẩn bị chu đáo trước khi chúng gây ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

        Đế quốc Pháp đặt nhiều hy vọng vào sự tiếp tay của Anh và Mỹ nhưng thực tế ngày càng chứng minh rằng sự viện trợ về vật chất của đồng bọn không thể khôi phục cơ thể đã suy yếu toàn diện của đế quốc Pháp.

        Chừng 600.000 quân của Khối Liên hiệp Pháp luôn luôn bị giằng xé và ngày càng tỏ ra đuối sức trước mấy nhiệm vụ nặng nề được đặt ra: bảo vệ nước Pháp, “duy trì an ninh” ở các thuộc địa, tham gia khối phòng thủ châu Âu (12 sư đoàn) và tăng viện cho chiến trường Đông Dương. Mặc dù Đông Dương là “một điểm nóng” nhưng do lực lượng hạn chế, chưa bao giờ quân số Âu - Phi trong đội quân viễn chinh của Pháp ở chiến trường này đạt tới 150.000 người tức khoảng 31 phần trăm tổng số binh lực Pháp và ngụy Đông Dương. Do khu vực quyền lợi khác nhau và do binh lực hạn chế cho nên giữa các tập đoàn tư bản Pháp thường xuyên nổ ra những cuộc tranh cãi về hướng tập trung nỗ lực quân sự.

        Dù được “ưu tiên” đến mấy, dù được đặt lên hàng đầu của chương trình nghị sự, chiến trường Đông Dương cũng không thể thu hút lực lượng tới mức tổn thương đến các mục tiêu chính trị và kinh tế của Pháp ở châu Âu và trên các thuộc địa còn lại ở châu Phi.

        Trong khi đó thì trên đất Pháp, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động đòi cải thiện đời sống và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược đã có tác dụng hạn chế việc vét người vét của tăng viện sang chiến trường Đông Dương.

        Tiềm lực chiến tranh hạn chế của Pháp ngày càng biểu hiện cụ thể ở chỗ viện trợ của Mỹ dốc vào Đông Dương ngày càng nhiều, khả năng gánh vác chi phí chiến tranh của Pháp ngày càng hạn chế, binh lực tăng viện từ Pháp sang ngày càng giảm sút1. Càng về cuối cuộc chiến tranh, quân Pháp và tay sai càng bị kiệt quệ, hao mòn, khả năng của Pháp càng hạn chế và thu hẹp thì tham vọng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương càng trở nên xa vời đối với đế quốc Pháp và các viên tướng viễn chinh của họ.

---------------------
        1. Viện binh từ Pháp sang, lấy đơn vị là tiểu đoàn: 1947: 25; 1949: 20; 1951: 10; 1953: 9; 1954: 4.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM