Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 07:22:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu  (Đọc 40101 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:10:08 am »


        Nếu việc vận chuyển tiếp tế bằng đường sông của Pháp hầu như bị nghẽn thì việc cơ động của chúng trên đường bộ, nhất là trên đường số 4, cũng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Chẳng thế mà sau trận bị phục kích ngày 30 tháng 10 ở Bông Lau (trên 30 xe bị phá hủy, hàng trăm lính Âu - Phi bị chết), quan lính Pháp đã gọi đường số 4 là “con đường chết”.

        Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, Xalăng cùng Bôla bay đi Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn. Qua nhiều lần được gọi là “thị sát chiến trường”, họ đã rút ra những kết luận không có gì là sáng sủa:

        1. Việc chiếm đóng đã thực hiện được ở một số thị trấn, thị xã (Cao Bằng, Bắc Cạn, Chợ Đồn, Chợ Mới), nhưng lực lượng của Pháp đã bị dàn mỏng trên những vị trí cô lập quá xa nhau, thường xuyên bị đối phương bao vây quấy rối, tiến công.

        2. Tuy quân Pháp lùng sục được vào một vài kho tàng của đối phương ở Bắc Cạn, Chợ Đồn, nhưng mục tiêu chủ yếu của chiến dịch còn quá xa vời. Việc hợp điểm ở Đài Thị không thực hiện được như kế hoạch đã định.

        3. Quân Pháp bị thiệt hại quá nhiều về người và phương tiện, nhất là trên các trục giao thông trên bộ và trên sông, đến nỗi việc tăng viện và tiếp tế chỉ còn dựa vào đường không là chính, vừa rất tốn kém vừa rất khó khăn vì không đủ máy bay.

        Tóm lại, theo nhận xét của họ, bước thứ nhất của chiến dịch (kế hoạch “Lêa”) đã không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, vì không những quân Pháp không tiêu diệt được cơ quan đầu não kháng chiến, không tiêu diệt được bộ đội chủ lực của đối phương mà chúng còn bị đánh liên tiếp và tổn thất nặng nề.

        Xalăng quyết định bổ sung bằng bước hai, được gọi là “kế hoạch Xanhtuya” (Ceinture), kế hoạch xiết vành đai hòng tiêu diệt đối phương.

        Bộ chỉ huy Pháp phán đoán rằng lực lượng chủ yếu của đối phương đã chuyển về phía nam Bắc Cạn, tập trung ở vùng trung du. Bởi vậy “Xanhtuya” nhằm dốc sức vào khu tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ Lạng Thương - Việt Trì, hòng tiêu diệt chủ lực Việt Nam trong vòng một tháng (19-11 - 20-12-1947).

        Xalăng hạ lệnh rút quân ở một số vị trí thuộc đồng bằng Bắc Bộ, gom góp được thêm 5 tiểu đoàn bộ binh và dù cùng một số đơn vị biệt kích để có thêm lực lượng ném vào bước thứ hai của cuộc hành binh.

        Kết quả của bước này đối với quân Pháp cũng chẳng khả quan gì hơn so với bước trước. Trên thực tế đây không phải là bước “xiết chặt vành đai” như ý muốn của bộ chỉ huy Pháp mà là một cuộc lui quân, vừa tháo chạy vừa chống đỡ với những cuộc phục kích liên tiếp của đối phương trên đường rút lui của chúng.

        Bôphrơ cùng với quân dù rút khỏi Chợ Mới ngày 22 tháng 11 với ý định về càn quét vùng Chợ Chu, Phú Minh, Đại Từ, Phú Lương, trong khi một tiểu đoàn dù được thả xuống (26-11) để phối hợp hoạt động ở vùng Phú Minh, Cù Vân, Võ Nhai, Tràng Xá. Nhưng vì bị đối phương liên tiếp chặn đánh và bị thiệt hại nặng ở quán Ông Già (trên đường Chợ Chu - Phú Minh), ở Đại Từ, Phục Linh... cánh quân này phải vội vã rút chạy qua Thái Nguyên (14-12) để về cầu Đuống qua hướng Phủ Lỗ (19-12). Trước tình hình đó, Xalăng vội vàng lệnh cho viên đại tá Girô chỉ huy một trung đoàn từ Phả Lại lên Bắc Giang để cùng một tiểu đoàn từ Cầu Đuống lên Phủ Lỗ đón quân của Bôphrơ đang lâm nguy vì bị truy kích trên đường rút chạy.

        Cánh quân Commuynan rút khỏi Tuyên Quang ngày 21 tháng 11 để chạy về xuôi bằng hai đường: đường bộ qua Bình Ca, Sơn Dương, Thiện Kế, Vĩnh Yên; đường sông, theo sông Lô, sông Hồng, qua Việt Trì về Hà Nội. Lại thêm những trận phục kích của quân dân Việt Nam trên cả hai đường rút lui của cánh quân này.

        Trong khi đó, các vị trí Pháp đóng lại ở Việt Bắc, nhất là ở Phủ Thông và những đoàn xe của chúng vận chuyển trên các đường số 3 số 4 vẫn không ngừng bị tiến công. Tổn thất vẫn không ngừng tăng lên từ tháng 12, mặc dù đối với Pháp cuộc tiến công của chúng lên Việt Bắc chính thức chấm dứt vào ngày 19 tháng ấy, khi những tên lính cuối cùng của cả hai cánh quân của binh đoàn “B” và binh đoàn “C” về tới Hà Nội.

        Một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử: ngày 19 tháng 12 năm 1947 đã cùng ngày 19 tháng 12 năm 1946 đặt mốc cho một chặng đường thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

        Bốn ngày sau đó, ngày 23 tháng 12 năm 1947, đại diện của các đơn vị vũ trang Việt Bắc, những người vừa đập tan một cuồng vọng chiến lược của bọn tướng lĩnh Pháp, đã tổ chức trọng thể lễ mừng chiến thắng tại sân vận động thị xã Tuyên Quang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:11:16 am »


MƯU SÂU HỌA CÀNG SÂU

        Ngày 10 tháng 12, tướng Xalăng ra một bản thông cáo nhằm dọn đường cho quân Pháp trở về Hà Nội. Trong thông cáo, Xalăng cố tình nêu ra những “chiến tích” giật gân: nào là quân Pháp đã tiêu diệt được cả bộ chỉ huy lẫn quân chủ lực của đối phương; nào là chúng đã phá hủy đài phát thanh, nhiều kho tàng, đã “giải phóng” (!) được dân miền núi Bắc Việt, đã bịt được biên giới Việt - Trung... Tóm lại theo Xalăng thì quân Pháp đã thắng lớn và sắp trở về dự một “lễ Giáng sinh hòa bình đầu tiên” với dân chúng Hà Nội.

        Tờ Sự thật số ra ngày 19 tháng 12 lập tức vạch trần giọng lưỡi tuyên truyền lừa bịp của bộ chỉ huy Pháp. Bài báo đặt vấn đề: “Địch đạt được mục đích như chúng đã khoe, sao (chúng) lại phải rút khỏi Chợ Đồn, Chợ Rã, Chợ Chu, Quảng Nạp, Phú Minh, Đầm Hồng, Bản Thi, Đài Thị, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Đoan Hùng, Tự Do (tức thâu Sơn Dương)? Tại sao trong khi hốt hoảng rút lui chúng bỏ lại nhiều vũ khí, không kịp đốt phá, và quân ta tiếp tục mò vũ khí dưới đáy sông Lô... ?”.

        Cần thêm rằng, bộ chỉ huy Pháp không thể giải thích được vì sao trong những cuộc hội nghị do Xalăng triệu tập sau khi chiến dịch tiến công kết thúc thất bại, viên tướng này lại rất chú trọng đặt vấn đề để các sĩ quan thuộc quyền trả lời về “những khó khăn đã gặp phải và đã vượt qua như thế nào?”1(Xalăng giao cho Bôphrơ tổng hợp các câu trả lời của các sĩ quan và biên soạn thành một bản tài liệu dày 300 trang đánh máy, với nhan đề “Nghiên cứu về những bài học rút ra từ các cuộc hành binh mùa thu 1947”). Vì sao trong các cuộc hội nghị đó, một số binh chủng chiến đấu và ngành phục vụ Pháp buộc phải nói ra những sự thật không hay ho gì trong cuộc tiến công lên Việt Bắc. Một vài ví dụ:

        Không quân:

        Khó khăn về các bãi nhảy dù (chủ yếu là do súng bộ binh đối phương từ dưới bắn lên) buộc các máy bay phải nhào lộn để tránh bị rơi. Vậy mà hầu như chiếc máy bay nào hạ cánh xuống Gia Lâm cũng “mang đầy vết đạn”.

        Vận tải:

        Các lái xe phải lái liên tục và căng thẳng 12 giờ liền trong một ngày trên những con đường gồ ghề mới được sửa chữa gấp vì bị phá hoại nặng nề. Chính những quãng đường nhiều hố nhiều ụ chướng ngại lại là những nơi thường bị đối phương phục kích, khi các đoàn xe buộc phải giảm tốc độ.

        Quân y:

        Dù có những xe cứu thương được thả dù xuống để lập những trạm cấp cứu lưu động, bọn lính bị thương thường chỉ được mổ xẻ sau 3 giờ...

        Người ta chỉ biết những sự thật trên đây qua lời thú nhận của Xalăng hơn hai chục năm sau, khi viên tướng này phơi bày trên những trang Hồi ký xuất bản năm 1971. Nếu đọc lại những tài liệu của cơ quan tham mưu Pháp hồi đó (ví dụ bản báo cáo đề ngày 25 tháng 12 năm 1947 của Xalăng gửi Valuy), người ta sẽ thấy những nội dung khác hẳn, mặc dù các tài liệu đó có nói đến “nhiều trận chiến đấu ác liệt”. Trong báo cáo gửi vào Sài Gòn, Xalăng đã khéo tô điểm cho “chiến tích” của các cánh quân trong chiến dịch, trong đó có cả “chiến tích” bắt được bộ trưởng tài chính Việt Minh (!). Hơn thế nữa, trong báo cáo gửi về Pari, Xalăng còn khẳng định là kết quả chiến dịch “đã thực hiện được chỉ thị của Chính phủ (Pháp) là khóa chặt (!) biên giới từ thượng nguồn sông Hồng tới vùng Đông Bắc”, tức là hầu như toàn bộ biên giới Việt – Trung!

        Tất nhiên tướng Xalăng chẳng dại gì mà vạch rõ để Pari thấy thất bại có ý nghĩa chiến lược của quân đội Pháp cuối năm 1947. Nhưng không phải vì thế mà giới cầm quyền Pháp không buộc phải chấp nhận điều đó vì báo chí Pari và nước ngoài nói đến quá nhiều.

--------------------
        1. Những đoạn dẫn lời nhận xét của ngụy trên đây trích trong Quân sử tập 4 do Quân lực Việt Nam Cộng hòa (ngụy Thiệu) xuất bản ở Sài Gòn năm 1972, tr. 34 và 98.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:12:39 am »


        Nhiều số báo tiến bộ Pháp vạch ra rằng: với hàng ngàn tên lính bị chết, bị thương, bị bắt và đầu hàng, hàng trăm xe vận tải bị phá hủy, hàng chục máy bay bị bắn rơi, canô tàu chiến bị nhận chìm, quân Pháp vẫn không đạt được mục tiêu chiến lược mà bộ chỉ huy quân viễn chinh đã đặt ra là: bằng một “đòn đánh thẳng vào tim quân thù”, chúng sẽ tiêu diệt gọn cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực đối phương, làm tan nát hậu phương của Việt Minh, tạo điều kiện lôi kéo Bảo Đại về lập chính quyền bù nhìn toàn quốc, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

        Tờ Nhật báo Giơnevơ (Journal de Genève) vạch ra rằng thực dân Pháp đã thất bại, “mặc dù họ đã trở lại những công thức cũ rích từng được Galiêni và Lyôtây áp dụng ở xứ này từ cuối thế kỷ trước”.

        Nhà sử học Pháp Sênô nhận xét: “Chiến dịch Việt Bắc mở ra đã nhanh chóng tỏ rõ sự thất bại của Pháp. Quân đội Pháp phải bỏ nhiều đô thị đã chiếm được, triệt thoái trong những điều kiện chật vật, sau khi bị thiệt hại nặng nề về người và phải bỏ lại nhiều vũ khí, quân dụng là những thứ cần thiết để tăng cường trang bị cho lực lượng kháng chiến tại Việt Bắc”.

        Tướng Pháp Mácsăng cho rằng: “Vì quy mô chiến dịch bị hạn chế, quân Pháp không đánh được đòn quyết định tại Việt Bắc, không đạt được mục đích và đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để chấm dứt tấn bi kịch Đông Dương. Thắng lợi chỉ là bề ngoài và người ta đã đánh giá sai các sự kiện xảy ra. Cần có sự cố gắng hơn nữa về mặt quân sự và điều đó lại là vấn đề nan giải lúc này...”.

        Chính bọn tay sai Mỹ sau này cũng phải thừa nhận rằng Pháp đã phạm sai lầm về mặt chiến lược vì đã “tập trung lực lượng lớn để đấm vào chỗ không người, không nhà cửa, không còn thành thị... chỉ thấy toàn là rừng núi hoang vu và những đống gạch đổ nát... nên đã không thực hiện được ý đồ tiêu diệt quân chủ lực Việt Minh để hỗ trợ cho giải pháp Bảo Đại...”. Bọn ngụy cũng thấy rằng việc chiếm đóng được một số nơi ở Việt Bắc đã buộc Pháp phải giam chân một lực lượng quân sự quan trọng “mà vẫn không phong tỏa được quốc lộ 4, ngược lại đã biến nơi này thành mục tiêu cho Việt Minh tập đánh trận ngay từ 1948...”. Hơn nữa, “chính việc chiếm đóng miền Đông Bắc đã dẫn Pháp đến thất bại quân sự rất chua cay sau này...”.

        Xalăng và đồng bọn không thể đánh giá đúng đắn nguyên nhân thất bại của họ. Như báo chí Việt Nam đã vạch rõ, quân dân Việt Nam đã anh dũng và mưu trí, biết kiềm chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, tiêu hao rộng rãi lực lượng của chúng trên khắp chiến trường Việt Bắc. Quân Pháp không những phải đối phó với các đơn vị chủ lực (mà chúng muốn tiêu diệt) mà còn phải đối phó với toàn thể nhân dân trên khắp địa bàn hành quân của chúng. Do phạm những sai lầm về chiến lược nên Pháp tự thuốc lấy những khó khăn không thể khắc phục nổi như thiếu lương thực, thuốc men, tiếp tế khó khăn trên một chiến trường quá rộng, tinh thần binh lính mau chán nản sa sút, thể lực bị mệt mỏi suy giảm vì thương vong, ốm đau, thiếu thốn. Trên tờ Sinh hoạt nội bộ số ra tháng 11 năm 1947, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: “Những nguyên nhân thất bại trên đây cố nhiên do ta gây ra, nhưng một phần cũng do chỗ chủ quan của bộ chỉ huy địch. Thật thế, địch đánh giá quá cao lực lượng của mình, khinh thường lực lượng ta. Nhưng chúng ước mong những kết quả tiến công Việt Bắc quá to. Đó là lỗi lớn của chúng...”.

        Cuộc hành binh mùa khô 1947 lên Việt Bắc là cố gắng cao nhất của đế quốc Pháp sau một năm mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn cõi Đông Dương. Thất bại có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch đó đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cả về chính trị và quân sự.

        Về mặt chính trị do thất bại của Pháp ở Việt Bắc, Bảo Đại đã “lộ rõ thái độ ngán ngẩm”, cho nên ngày 23 tháng 12 Thủ tướng Pháp Suman (Robert Schuman) phải giao cho cao ủy Bôla “toàn quyền quyết định giải pháp Bảo Đại” vì, như báo chí Pháp đã chỉ rõ, “thất bại của Pháp ở Bắc Việt đã khiến công dân Vĩnh Thụy tỏ ra khôn ngoan (!) và ông ta vẫn trú chân ở Hồng Công”.

        Về mặt quân sự, với thất bại mùa đông 1947 ở Việt Bắc, âm mưu chiến lược “đánh nhanh giải quyết nhanh” của thực dân Pháp đã hoàn toàn bị phá sản. Thất bại đó đã đánh dấu một bước ngoặt chiến lược của Pháp, chấm dứt thời kỳ chúng dùng lực lượng quân sự to lớn, tiến công ồ ạt, hòng dùng “đòn quyết định đánh gục đối phương”, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Từ đây, cực chẳng đã, chúng buộc phải theo đuổi một cách bị động cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, ngày càng hao người tốn của.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:14:14 am »


Chương năm

SA LẦY

MÙA XUÂN ẢM ĐẠM

        Giữa lúc cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc đang diễn ra thì nhiều nhân vật chính trị Pháp và tay sai đi lại như những con thoi giữa Sài Gòn và Hồng Công nhằm vận động Bảo Đại về nước lập chính quyền bù nhìn toàn quốc. Chúng đinh ninh “lực lượng kháng chiến nhất định sẽ bị tiêu diệt”. Nhưng tham vọng quân sự của Pháp bị tiêu tan trên chiến trường Việt Bắc khiến Bảo Đại trở nên ngán ngẩm, do dự. Các cuộc mặc cả giữa Bôla và Bảo Đại ở vịnh Hạ Long đầu tháng 12 năm 1947, ở Giơnevơ và ở Can tháng 1 và tháng 2 năm 1948 chưa đi đến ngã giá. Trước nội tình nước Pháp đang bị chia năm xẻ bảy và đánh hơi thấy rằng mình “bị lừa gạt”, đầu tháng 3, Bảo Đại trở về Hồng Công với “nỗi thất vọng thực sự” của con bài đang bị các phe cánh cầm quyền ở Pháp giằng xé và lợi dụng.

        Cố gắng quân sự mùa khô 1947 không hỗ trợ được giải pháp chính trị. Việc lập chính quyền bù nhìn toàn quốc “vẫn là một mục tiêu xa vời”. Cao ủy Bôla công khai lên án phe quân sự rằng thất bại quân sự cuối năm 1947 đã chặn tay không cho phép ông ta đẩy tới kế hoạch chính trị nhằm biến bài diễn văn ngày 10 tháng 9 năm 1947 ở Hà Đông thành hiện thực.

        Trong khi ở Đông Dương, thất bại quân sự đã kéo theo ý đồ chính trị vào con đường bế tắc, khiến cho mâu thuẫn giữa cao ủy Bôla và tổng chỉ huy Valuy trở nên sâu sắc thì tại Pháp, tình hình mọi mặt cũng không có gì đáng gọi là khích lệ. Các cuộc đình công liên tiếp của công nhân các ngành vận tải, luyện kim, than... kéo dài từ tháng 9 và phát triển đến đỉnh cao vào hạ tuần tháng 11 năm 1947 đã dẫn đến sự sụp đổ của nội các Ramađiê (19-11-1947). Thay vào đó là một nội các mới được thành lập ngày 22 tháng 11, thành phần chủ yếu thuộc đảng Cộng hòa bình dân do Suman (Robert Schuman) cầm đầu. Côxtơ Phlorê vẫn bám giữ và lũng đoạn bộ Pháp quốc hải ngoại. Vừa lên ghế thủ tướng, Suman đã tuyên bố loại trừ mọi khả năng thương thuyết với Chính phủ kháng chiến Việt Nam và giao cho Bôla toàn quyền nói chuyện với Bảo Đại để “lập lại hòa bình”.

        Chính phủ mới vừa thành lập được một tuần, còn đang lo đối phó với tình hình chính trị không ổn định ở Pari, thì cái chết đột ngột của tướng Lơcléc vì một tai nạn máy bay ngày 28 tháng 11 năm 1947 ở Côlông Bêsa (biên giới Marốc - Angiêri) đã làm dấy lên làn sóng dư luận vô cùng bất lợi cho giới cầm quyền Pháp. Người ta cho rằng vụ này tất phải có bàn tay của bọn “diều hâu” cỡ chóp bu ở Pari nhằm ngăn đe mọi khuynh hướng muốn giải quyết vấn đề Đông Dương trái với đường lối thực dân của chính phủ phản động Pháp.

        Về mặt quân sự, sau thất bại Việt Bắc, trong hàng ngũ những kẻ cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã xuất hiện những ý kiến trái ngược nhau về biện pháp chiến lược. Kẻ này chủ trương phải tập trung cố gắng để “làm chủ Nam Kỳ”. Kẻ khác lập luận: muốn giữ được Đông Dương, phải “chiếm lấy Bắc Việt bằng bất kỳ giá nào”. Ngay trong ý đồ “chiếm lấy Bắc Việt”, chủ trương cũng không thống nhất: chỉ chiếm vùng đồng bằng sông Hồng là đủ hay phải chiếm toàn bộ miền Bắc Đông Dương, hay chỉ cần tập trung vào vùng biên giới Việt - Trung...

        Dù chủ trương chiến lược mới như thế nào, trước mắt Bộ chỉ huy quân đội Pháp cũng không có khả năng thực hiện vì chúng vấp phải cái gọi là “chính sách tiêu cực của Pari”. Do khó khăn về nhiều mặt, Chính phủ Pháp không những không tăng viện mà còn “đòi trả lại” các đơn vị chính quốc đã “cho vay” trong năm 1947 để mở cuộc tiến công lên Việt Bắc.

        “Quan hệ không bình thường” với cao ủy Bôla sau thất bại Việt Bắc, ý kiến xung đột về chủ trương chiến lược trong các tướng lĩnh ở Đông Dương, “chính sách tiêu cực của Pari”... tất cả những chuyện không hay đó làm cho tướng tổng chỉ huy Valuy thêm “mệt mỏi và chán ngán”. Nắm cơ hội thuận lợi để gạt Valuy, Bôla đề nghị và được Pari chấp thuận cho viên tướng này về Pháp và để tướng Xalăng tạm thay quyền tổng chỉ huy.

        Ngày 10 tháng 2, trao đổi với Valuy khi chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Xalăng không giấu giếm nỗi lo âu vì “mùa xuân ảm đạm với những ngày dài dằng dặc cứ trôi qua mà nước Pháp thì quá xa xôi không hề biết tới”. Viên tổng chỉ huy mới than phiền rằng, trong khi quân đội viễn chinh Pháp đang bị ném vào một cuộc chiến tranh (xâm lược) tàn khốc thì “chính quốc lại luôn luôn mặc cả với họ về từng khoản chi tiêu, từng tiểu đoàn tăng viện...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:14:46 am »


        Dưới con mắt của nhiều tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương, từ Xalăng đến Mácsăng (Jean Marchand, chỉ huy phó miền Bắc Đông Dương), tướng Valuy ra đi, để lại một cục diện chiến tranh không có gì là sáng sủa đối với Pháp.

        Về binh lực, một số đơn vị bị giam chân ở mấy thị trấn mới chiếm được cuối năm 1947 (Cao Bằng, Bắc Cạn...) tiếp đến là việc hồi hương 7.000 lính đầu năm 1948 đã làm cho nạn thiếu quân số càng trở nên trầm trọng.

        Việc phát triển quân ngụy, tuy đã “đẩy lên đến cực điểm và đã vượt qua giới hạn của sự thận trọng”, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không khắc phục được tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về quân số. Trên các chiến trường lực lượng dự bị đã “hao mòn và suy yếu dần”, lại bị bộ chỉ huy sử dụng chắp vá vào mọi nhiệm vụ nên không còn mang tính chất là lực lượng cơ động chiến lược. Trong khi đó thì lực lượng chiếm đóng bị căng ra và giam chân “trên một thế trận thiếu chiều sâu gồm những chuỗi đồn bốt dài liên miên”, đã không đủ sức giữ cho tình hình được ổn định, không đủ sức đối phó với chiến tranh du kích ngày càng phát triển mạnh trong vùng quân Pháp kiểm soát. Tình hình chung bi đát đến nỗi các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương phải nhận định rằng bộ máy chiến tranh của chúng “từ trạng thái mất thăng bằng dần dần đến chỗ được coi là tê liệt”.

        Tại Nam Bộ, ngay sau khi cuộc tiến công lên Việt Bắc kết thúc, Pháp vội điều ba tiểu đoàn vào để tăng cường càn quét và củng cố hệ thống tháp canh dọc các trục giao thông lớn. Nhưng chúng vẫn không làm chủ được tình hình, càng không bảo đảm an toàn cho các đoàn xe vận tải. Những trận phục kích vẫn liên tiếp diễn ra và như tướng Mácsăng thú nhận, đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại.

        Trong hồi ký của mình, quyền tổng chỉ huy Xalăng nói khá tỉ mỉ về trận phục kích của đối phương ngày 1 tháng 3 năm 1948 ở La Ngà, một trận đánh mà viên tướng này coi là “tuyệt diệu cả về tổ chức và chỉ huy nắm thời cơ nổ súng”, một trận đánh được coi là “cái mốc đáng chú ý trong cuộc chiến tranh Đông Dương”. Xalăng thú nhận rằng trận đánh đã quá đắt đối với quân đội Pháp vì ngoài bảy chục tên bị chết, bị thương và mất tích, viên đại tá Xerinhê, chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13 (13eDBLE) cũng phải đền tội1. Đến ngày 4 tháng 3 thì tin tức về “sự kiện đau khổ” này đã gây chấn động quá lớn. Báo chí Sài Gòn và Pari trương lên những hàng tít lớn ở trang nhất về “trận đánh bất hạnh” ở La Ngà, đến nỗi tổng chỉ huy Xalăng phải than phiền rằng: “thật đáng thương cho quân đội Pháp ở Đông Dương, một quân đội chẳng được ai chăm sóc, trái lại chỉ bị đả kích khiến cho tinh thần và lòng tin bị suy sụp… ”.

        Trên chiến trường miền Bắc bọn tướng lĩnh Pháp thú nhận rằng quân đội của chúng phải thường xuyên đối phó với các trận phục kích các cứ điểm, các đợt phá hoại giao thông, các trận phục kích những đoàn xe vận tải và những đội tuần tiễu. Riêng trên vùng biên giới phía bắc, do hoạt động ngày càng mạnh của quân dân Việt Nam trên đường số 4, lại do bức điện ngày 22 tháng 2 năm 1948 của đại sứ Pháp ở Nam Kinh (báo tin về đà tiến của Quân giải phóng Trung Quốc), đám cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương thấy cần phải nắm lại tình hình và đề nghị Pari gửi gấp lực lượng sang để đương đầu với nguy cơ nghiêm trọng đang đè nặng lên vùng biên giới.

        Trung tuần tháng 3, Bôla cùng Xalăng đi kiểm tra tình hình vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng biên giới Đông Bắc. Chính trong cuộc kinh lý này, quyền chỉ huy phân khu Biên thùy đã chuyển từ tay Xide (Sizaire) sang tay Vike (Vicaire), cũng cấp đại tá nhưng vốn là một sĩ quan được coi là tay kỳ cựu ở Đông Dương.

        Trong suốt cuộc kinh lý, nỗi lo lắng nổi bật của Bôla và Xalăng là làm sao giữ cho việc vận chuyển trên đường số 4 được thường xuyên thông suốt trong khi “Việt Minh đã tỏ rõ sự nỗ lực của họ bằng cách lợi dụng rất nhiều đoạn đường đã bị phá hoại để phục kích các đoàn xe tiếp tế vận tải từ Lạng Sơn đi Cao Bằng”.

        Điều quan trọng rút ra sau cuộc kinh lý vùng biên giới là: quân số dự trữ và trang bị của Pháp đã ở vào tình trạng hết hơi, không đủ sức giữ được thành quả của cuộc hành binh mùa đông năm trước (ý nói cuộc tiến công lên Việt Bắc)...

        Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải gấp rút có “biện pháp hữu hiệu để thoát ra khỏi mùa xuân ảm đạm này”...

-----------------
        1. Đây là kết quả do Xalăng ghi lại trong Hồi ký. Thật ra, trong trận La Ngà, các chiến sĩ Việt Nam đã tiêu diệt 150 tên, phần lớn là sĩ quan, trong đó có viên đại tá Paruýt (Parust), phó tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp. Còn viên đại tá Xerinhê bị bắt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:15:29 am »


NỖI BẤT BÌNH CỦA XALĂNG

        Mỗi khi đứng trước những khó khăn trong việc điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, những người cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp thường coi vấn đề thiếu binh lực là nguyên nhân chủ yếu, nếu không phải là duy nhất.

        Theo tổng chỉ huy Xalăng, việc khép chặt vùng biên giới Việt - Trung cuối năm 1947 đã chôn chân thêm một số quân quá lớn khiến quân Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương ở vào thế căng như sợi dây đàn. Một khi bị đối phương tiến công ở bất kỳ đâu, bộ chỉ huy Pháp không còn một chút lực lượng dự bị nào để tung đi ứng cứu. Không những trên đường số 4 mà ở nhiều chiến trường khác cũng vậy. Miền Trung Trung Bộ là một ví dụ. Tuy tình hình chiến trường này không đến nỗi quá bi đát đối với Pháp, nhưng để bảo đảm an toàn cho các đoàn vận tải tiếp tế, (ví dụ như trên đường số 9 từ Đông Hà đến Xavanakhét), bộ chỉ huy Pháp đã phải dàn lực lượng ra quá mỏng trên các trục giao thông chiến lược.

        Theo tài liệu của cơ quan tham mưu Pháp thì vào cuối tháng 3 năm 1948, các đơn vị quân Pháp có thể tham gia chiến đấu gồm 68 tiểu đoàn bộ binh và biệt kích chính quy (trong đó có 38 tiểu đoàn ngụy), 5 cụm pháo binh, 25 phân đội trinh sát, 2 chi đội xe lội nước, một số đơn vị xe tăng. Ngoài ra còn 25 đơn vị địa phương quân (cỡ tiểu đoàn). Bộ tham mưu Pháp kết luận là lực lượng đó quá ít so với yêu cầu bình định vùng tạm chiếm và bảo vệ các đường chiến lược. Sức khỏe lính ngoại quốc, nhất là lính da trắng, đã bị bệnh sốt rét và bệnh kiết lỵ làm cho suy nhược nghiêm trọng. Do phải giữ lại quá nhiều lính đã hết hạn hợp đồng, cho nên số lính đáng lẽ phải được hồi hương đã lên tới mức báo động.

        Về mặt trang bị, phương tiện vận chuyển hư hỏng không được thay thế, đến nỗi cơ quan tham mưu Pháp phải kết luận rằng “hầu như không dùng được nữa”, vì phần lớn do Mỹ và Anh trang bị cho từ hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Máy bay vận tải thiếu quá nửa so với yêu cầu; máy bay chiến đấu chỉ dùng được 60% số hiện có; không có chiếc trực thăng nào. Những người có trách nhiệm về không quân ở Pari không giúp đỡ gì đáng kể.

        Trong bức điện đề ngày 9 tháng 4 gửi cho Bộ trưởng quân lực Pháp và tướng Valuy, tổng thanh tra quân đội thuộc địa, Xalăng than phiền rằng quân đội viễn chinh không được Pari chú ý thích đáng. Viên tổng chỉ huy đề nghị nâng quân số lục quân lên 115.000 tên, với ít nhất 48.000 người Pháp. Xalăng nhấn mạnh: “Nếu không được đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, quân Pháp ở Đông Dương sẽ đứng trước một tình thế nguy ngập cả về tinh thần và vật chất”.

        Trong thư trả lời, tướng Valuy nhận xét rằng bức điện của Xalăng “đã làm mếch lòng nhiều người”. Ngót một tháng sau, Pari gửi điện triệu hồi Xalăng về Pháp và cử tướng Bledô (Blaizot) sang thay, điều đó làm cho Xaăng phản ứng kịch liệt.

        Vị đương kim tổng chỉ huy bất bình không phải chỉ vì Chính phủ Pháp cử tướng bốn sao Bledô sang thay thế mà chính là vì bức điện ngày 5 tháng 5 của Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại gửi cho cao ủy về việc thay thế này. Trong bức điện, Côxtơ Phlorê đã nói thẳng ra rằng mặc dù Xalăng kỳ cựu ở Đông Dương, nhưng “vì cấp thấp” (ba sao) nên khó có thể được bổ nhiệm chính thức vào cương vị chỉ huy nhiều sĩ quan cấp sư đoàn. Phlorê còn gợi ý là Pari sẵn sàng hoan nghênh nếu Xalăng chấp thuận trở về cương vị chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương.

        Trong Hồi ký của mình, Xalăng đã hết lời chê trách Pari về “cách đối xử lạ lùng” như vậy đối với một sĩ quan cấp tướng. Tất nhiên, viên tổng chỉ huy không chấp nhận “bị giáng chức” làm chỉ huy miền Bắc Đông Dương mà yêu cầu được trở về Pháp.

        Bledô đến Sài Gòn ngày 15 tháng 5. Viên tổng chỉ huy mới “khôn ngoan không nhận bàn giao vội” mà dành một tháng đi nắm tình hình. Nhờ đó, ngày 10 tháng 6 năm 1948 khi chính thức nhận quyền tổng chỉ huy, mặc dù Xalăng cố tô điểm cho “thành tích 4 tháng” của mình, Bledô cũng đã khẳng định tình hình mọi mặt “không có gì là sáng sủa”.

        Tại Nam Bộ, binh lực Pháp bị tiêu hao ngày càng nhiều. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ tình hình chính trị ở Campuchia không ổn định. Tình hình Trung Trung Bộ đáng lo ngại vì đã xảy ra những trận tiến công ban ngày của đối phương, khiến cho một số đơn vị được cấp tốc điều đến để đối phó. Tại Nam Trung Bộ, liên tục xảy ra những hoạt động phá hoại ở vùng biển, trong khi tình hình vùng cao nguyên (Tây Nguyên) không được yên tĩnh, buộc Pháp phải liên tiếp tổ chức những cuộc hành quân bình định. Vùng Bắc Lào cũng là một địa bàn khiến Pháp không khỏi lo ngại.

        Nhưng chiến trường chính quyết liệt nhất vẫn là Bắc Bộ, “nơi có Chính phủ Hồ Chí Minh mà Pháp chưa làm sao tiêu diệt được” (!). Đối phương hoạt động mạnh ngay ở đồng bằng, kể cả vùng Pháp kiểm soát quanh Hà Nội, Hải Dương và dọc vùng phụ cận đường số 5. Khu vực giữa Hải Dương và Hải Phòng càng không được ổn định. Còn tình hình Hà Nội và Nam Định cũng đòi hỏi quân đội Pháp “phải thường xuyên tỉnh táo”.

        Hai viên tướng tổng chỉ huy cũ và mới thống nhất nhận định: một là, tình hình quân sự không cho phép rút bớt quân đang phòng giữ ở các vị trí để điều đi thực hiện bất kỳ hành động tiến công lớn nào; hai là, phải làm sao để những đề nghị về viện binh phải được Pari chấp nhận; ba là, về chính trị, một sự bế tắc tràn lan không những ở Bắc Bộ mà trên toàn Đông Dương; và bốn là, chưa thể lập được một chính quyền bù nhìn toàn quốc trong mùa xuân năm sau (l949) để có thể tổ chức được một đội quân ngụy đáng kể, do đó quân đội viễn chinh Pháp vẫn là lực lượng duy nhất hoặc gần như duy nhất để tiến hành các cố gắng quân sự.

        Ngày 4 tháng 7, Xalăng lên tàu về Pháp, vừa luyến tiếc “mảnh đất Đông Dương vô cùng hấp dẫn”, vừa nặng lòng oán trách “bọn viên chức cao cấp quan liêu ở Pari”, những kẻ sớm quên “chiến tích Việt Bắc” của mình!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:16:10 am »


CÁ BẢO ĐẠI CẮN CÂU

        Bledô sang Đông Dương được mấy tuần thì “một sự kiện chính trị quan trọng” (!) diễn ra ở vịnh Hạ Long và được viên tướng tổng chỉ huy mới “đánh giá cao”: Ngày 5 tháng 6, trên chiến hạm Đuygoay Tơroanh, ở vịnh Hạ Long, một bản “hiệp định” được ký kết giữa Bôla và Bảo Đại.

        Theo “hiệp định” này, đại diện Pháp công nhận “độc lập” của Việt Nam, còn Bảo Đại chấp thuận tham gia Khối Liên hiệp Pháp và sẽ “tự giải quyết vấn đề thống nhất của Việt Nam”.

        Ngay sau khi ký kết, Bôla và Bảo Đại dẫn nhau sang Pháp để “cụ thể hóa” những gì đã ngã giá ở vịnh Hạ Long. Vừa đặt chân tới Pari một điều bất ngờ lớn đã xảy ra đối với họ: Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại tuyên bố bác bỏ bản “hiệp định” mà họ vừa nặn ra vì bản “hiệp định” có đề cập tới một từ ngữ “mà nước Pháp không thể chấp nhận”: từ ngữ độc lập (dù chỉ là bánh vẽ).

        Nội bộ giới cầm quyền Pháp lúc này đang phân hóa sâu sắc, phái cực hữu đang chi phối mọi đường lối đối nội và đối ngoại của Pari. Côxtơ Phlorê, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (phần tử hiếu chiến của đảng Cộng hòa bình dân, đại diện cho phe chủ trương dùng vũ lực lập lại chế độ cai trị Đông Dương như năm 1939) phản đối thương thuyết “với bất kỳ ai”, nếu phải đề cập tới vấn đề độc lập (dù chỉ là giả hiệu). Trước áp lực của phái hữu, Thủ tướng Suman không dám đưa bản “hiệp định” Bôla - Bảo Đại ra trước quốc hội vì sợ bị bác bỏ. Chán ngán trước tình hình đó, Bôla tuyên bố chỉ trở lại Đông Dương khi nào bản “hiệp định” được phê chuẩn.

        Trước tình hình chính trị không ổn định (trong đó nổi lên các cuộc đình công của công nhân, viên chức, kéo dài từ giữa tháng 6, đòi cải thiện đời sống và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương), ngày 19 tháng 7 nội các Suman buộc phải từ chức. Năm ngày sau, một nội các mới được thành lập do Mari (André Marie), lãnh tụ đảng Xã hội cấp tiến, cầm đầu. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Mari đã “soạn thảo lại” bản hiệp định Bôla - Bảo Đại để quốc hội có thể dễ dàng biểu quyết chấp thuận. Bất mãn vì thủ đoạn chính trị lừa lọc đó của Thủ tướng Pháp, Bôla tuyên bố không trở lại chức cao ủy Pháp ở Đông Dương nữa. Còn Bảo Đại vẫn lì lượm ở lại Pháp “để chờ cơ hội” (!).

        Nội các Mari bị đổ sau một tháng cầm quyền (24-7 – 27-8-1948). Suman cũng thất bại trong tham vọng trở lại lập chính phủ mới. Cuộc khủng hoảng nội các kéo dài nửa tháng và chấm dứt ngày 11 tháng 9, với sự ra đời của một nội các mới do Cơi (Henri Queuille) đứng đầu. Phlorê vẫn bám lấy Bộ Pháp quốc hải ngoại.

        Ngày 20 tháng 10, Pari cử cao ủy mới của Pháp ở Đông Dương: Pinhông, cố vấn chính trị của Đácgiăngliơ trước đây, con người đã từng góp phần làm tan vỡ hội nghị Việt - Pháp ở Phôngtennơblô năm 1946, “một người nổi tiếng là chống Việt Minh”, được phái Đờ Gôn và bọn cực hữu của đảng Cộng hòa bình dân cũng như đảng Dân chủ Thiên chúa giáo hết sức ủng hộ.

        Về “tài” của Pinhông, bọn bù nhìn ở Sài Gòn hồi đó cho rằng tân cao ủy chỉ là một quan cai trị dân sự, có kinh nghiệm hành chính và nhiều thủ đoạn về mặt tổ chức bộ máy thuộc địa, nhưng quá dốt về mặt quân sự đến nỗi không thấy những chuyển biến mau lẹ đang diễn ra trên chiến trường Đông Dương.

        Để cứu vãn tình hình chính trị đã trở nên quá tồi tệ, ngày 8 tháng 3 năm 1949, phái hữu trong Chính phủ Pháp phải thuận để cho Tổng thống Ôriôn (Vincent Auriol) lấy danh nghĩa chủ tịch Khối Liên hiệp Pháp ký với Bảo Đại một bản “hiệp định” mới. Từ ngữ độc lập lần này không được nhắc tới nữa. Còn vấn đề thống nhất, bản “hiệp định” ghi: Chính phủ Pháp cam kết thi hành mọi điều cần thiết để xứ Nam Kỳ “không còn chịu quy chế của một thuộc địa Pháp (?) và được chuyển sang quyền của Bảo Đại”.

        Bằng miếng mồi tung ra ngày 8 tháng 3, ngư ông Ôriôn đã ném được cá Bảo Đại vào giỏ. Sau đúng ba năm sốngcuộc đời đĩ bợm ở Hồng Công, để chờ thời cơ tiếp tục bước đường làm tay sai, ngày 28 tháng 4, “vua hộp đêm” đã trở về Đà Lạt, đúng vào dịp Pháp mở cuộc hành binh Pômôn, tiến công lên Phú Thọ và Tuyên Quang1. Hai tháng sau, một chính quyền bù nhìn toàn quốc ra đời. Cựu hoàng Bảo Đại sắm vai quốc trưởng.

-----------------
        1. Pháp hy vọng rằng, với cuộc hành binh này (bắt đầu từ 29 tháng 4 và diễn ra suốt tháng 5 năm 1949), chúng sẽ giành được một thắng lợi quân sự nhân dịp Bảo Đại “hồi loan” và dịp tướng Rơve sắp sang thanh tra Đông Dương. Nhưng với những thất bại nặng nề, nhất là ở Tràng São, Lệ Mỹ, Núi Hét, Tiên Du..., cuộc hành binh đã hoàn toàn thất bại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:16:52 am »


ĐỐI PHƯƠNG ĐÃ LỚN MẠNH

        Về tới Pari, việc đầu tiên của Xalăng là tìm đến tướng Rơve (Revers, tham mưu trưởng lục quân Pháp) để báo cáo tình hình và biện bạch cho việc xin viện binh sang Đông Dương. Cuộc gặp gỡ giữa hai viên tướng cho thấy: do đối phương hoạt động mạnh nên không một vùng nào được coi là đủ quân số trước nhiệm vụ đã trở nên quá nặng nề. Một ví dụ: 6 tiểu đoàn rải ra trên một tuyến 300 kilômét bờ biển Trung Trung Bộ là tình trạng chỉ có thể chấm dứt bằng viện binh, vì Việt Minh đã lợi dụng tình trạng hết sức phân tán của Pháp để tiến công... Một ví dụ khác: không tăng quân cho Bắc Bộ thì không thể khai thông trục Hà Nội - Tây Bắc... cũng không thể giải tỏa thủ đô đang bị du kích áp sát và vây hãm...

        Tướng Rơve cám ơn Xalăng đã cho biết nhu cầu về quân số viễn chinh, đồng thời nhận xét rằng Xalăng đã quá nhấn mạnh khó khăn của Pháp ở Đông Dương. Rơve hứa sẽ gửi sang 12 tiểu đoàn, rải ra trong 6 tháng, một điều khiến Xalăng thất vọng và coi là một giải pháp sai lầm vì điều cấp thiết là phải có ngay một lúc cả số quân đó để kịp thời đối phó với tình hình khó khăn, thậm chí nguy hiểm có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Không những chỉ Cao Bằng mà cả vùng biên giới phía Bắc Việt Nam là địa bàn Xalăng cho rằng cần được tăng cường gấp.

        Giữa lúc cuộc vận động xin viện binh chưa có kết quả thì tin tức về trận Phủ Thông (Bắc Cạn) đã dội về Pari. Phủ Thông là một cứ điểm có nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông trên đường Bắc Cạn - Cao Bằng. Vị trí này “được tổ chức chu đáo và vững chắc” trên một điểm cao. Theo báo chí Pháp tả lại đêm 25 tháng 7 năm 1948, hỏa lực súng cối của đối phương giội mãnh liệt xuống đồn, tiếp đến là những tiếng thét xung phong của bộ đội xông lên đánh giáp lá cà rất ác liệt. Đại úy Cácđinan (Cardinal) và trung úy Sáclốttông (Charlotton) bị chết ngay từ đầu. Toàn đại đội 21 thuộc trung đoàn lê dương thứ 3 (3èREI) bị tiêu diệt, đồn bị san phẳng. Mãi đến tối 28, quân ứng cứu từ Bắc Cạn, Nà Phạc, Cao Bằng mới tới nơi vì bị đối phương tiến công dữ dội suốt dọc đường...

        Qua trận Phủ Thông, điều khiến các tướng lĩnh Pháp suy nghĩ là đối phương đã lớn mạnh, có nhiều tiến bộ về kỹ thuật và chiến thuật, có khả năng dùng hỏa lực mạnh tiêu diệt các cứ điểm phòng ngự kiên cố của Pháp. (Tất nhiên họ không thể biết một chi tiết có ý nghĩa quan trọng là, với thành tích tiêu diệt trên 100 tên địch, san phẳng vị trí này, tiểu đoàn 11 đã mở đầu phong trào diệt cứ điểm và từ đó được vinh dự mang danh hiệu Tiểu đoàn Phủ Thông).

        Ở Pari, dư luận trong giới quân sự Pháp cho rằng trận Phủ Thông đã thúc đẩy người ta cố gắng hơn để gửi viện binh sang Đông Dương. Và cũng từ trận này, quân Pháp phải “ra sức chống đỡ với tình hình đang ngày càng xấu đi” nhất là trên chiến trường Bắc Bộ. Các báo cáo quân sự thường nói đến sự lớn mạnh của đối phương và các trận tiến công của họ, không những ở phía trước mà ngay cả trong vùng được coi là dưới quyền kiểm soát của quân Pháp, khiến cho các vị trí của Pháp “bị hủy hoại dần dần, bị tan rã dưới những đòn tiến công của một đối thủ ngày càng linh hoạt và có kinh nghiệm hơn...”.

        Ở khu Đông Bắc, đối phương vẫn giữ quyền chủ động tác chiến... Những trận phục kích liên tiếp xảy ra đã làm cho những đoàn xe quân sự của Pháp đi lại ngày càng khó khăn trên các đường số 3 và số 4. Vị trí Bắc Cạn đột xuất, “được duy trì với mục đích tranh thủ các dân tộc bản địa và uy hiếp căn cứ địa Việt Minh đã trở nên không có tác dụng”.

        Vùng đồng bằng sông Hồng ngày càng không ổn định vì chiến tranh du kích phát triển rộng khắp. Trước tình hình đó, tướng Bledô phải điều tướng Săngxông (Chanson) ở Nam Bộ ra để “bình định vùng đồng lầy đã bị đầu độc”. Một tiểu đoàn dù vừa được đưa từ Pháp sang đã bị ném vào càn quét dọc đường số 5, từ Hải Dương đến Hải phòng.

        Theo báo cáo của phòng nhì Pháp, tình hình Nam Bộ và Trung Bộ cũng thật đáng lo ngại, vì các nguồn tin tức đều cho thấy nhiều tổ chức chính trị bí mật đã phát triển và hoạt động mạnh ở những nơi trước đây vốn được coi là an toàn. Quân Pháp và ngụy ngày càng đuối sức trước nhiệm vụ duy trì an ninh tối thiểu.

        Những khó khăn về quân sự của Pháp đã dẫn đến những mâu thuẫn trong hàng ngũ bọn điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, trước hết là giữa cao ủy Pinhông và tổng chỉ huy Bledô. Viên tướng này chủ trương tăng cường cố gắng quân sự ở chiến trường Bắc Bộ, “cái nút của cuộc chiến Đông Dương”. Còn Pinhông lại cho rằng phải nhanh chóng cứu nguy cho Nam Bộ, “cái nhài quạt của toàn bán đảo”.

        Tướng Rơve được Thủ tướng Cơi và Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Phlorê vời đến giao nhiệm vụ sang công cán ở Đông Dương để nghiên cứu tình hình tại chỗ và tìm biện pháp chiến lược hòng cứu vãn tình thế. Đi theo Rơve có tướng Valuy, tổng thanh tra quân đội và một số nghị sĩ thuộc các đảng Xã hội cấp tiến và Cộng hòa bình dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:18:08 am »


THANH TRA ĐẾN TRANH CÃI

        Tướng Rơve thuộc “phe kháng chiến” của Đờ Gôn được coi là có công trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng trong hàng ngũ tướng lĩnh Pháp, người ta cho rằng ông ta đã “tạo ra những thành tích đó bằng sự khôn ngoan hơn là bằng sự cống hiến”.

        Đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, Rơve cho rằng nước Pháp không thể tự mình giành thắng lợi quân sự mà phải dùng đường lối ngoại giao (liên minh với Mỹ) càng sớm càng tốt mới hòng thoát khỏi “cái tổ ong” này.

        Đoàn thanh tra quân sự do tướng Rơve cầm đầu rời sân bay Oócly ngày 13 tháng 5 năm 1949 và đến Sài Gòn ngày 16. Ngồi trên máy bay sang Đông Dương, viên tướng này nhận được tin Chính phủ Pháp thăng cấp cho ông ta. Rơve đinh ninh rằng ngôi sao thứ năm mới được gắn lên cái lon tướng của ông ta đã xác định sự tín nhiệm của Chính phủ đối với mình.

        Sau những cuộc hội nghị liên tiếp với đám cầm đầu người Pháp ở Sài Gòn và những cuộc thăm viếng bọn tay chân đầu sỏ ở Đông Dương (trong đó có Bảo Đại), ngày 6 tháng 6 phái đoàn ra Hà Nội. Rơve và phái đoàn lên ngay vùng biên giới Đông Bắc, đặc biệt chú ý nghiên cứu tình hình Bắc Cạn, Cao Bằng và Lao Cai. Sau 10 ngày thanh tra ở Bắc Bộ, ngày 15 tháng 6, Rơve cùng Valuy triệu tập cuộc họp ở Sài Gòn để thống nhất chủ trương chiến lược theo quan điểm của phái đoàn. Cao ủy Pinhông, các tướng Alécxăngđri (tư lệnh lục quân), Cốc (Koch, chỉ huy quân Pháp ở Bắc Đông Dương) và các cố vấn chính trị của cao ủy đều có mặt1.

        Phát biểu ý kiến trong hội nghị, Rơve cho rằng trước hết phải tập trung mọi nỗ lực vào chiến trường Bắc Bộ. Cụ thể là trước tháng 9 năm 1949, phải hình thành một thế phòng ngự liên hoàn, hoàn chỉnh, nhằm cắt đứt mọi đường liên lạc giữa lực lượng kháng chiến Việt Nam với Quân giải phóng Trung Quốc. Điều đó không những có ý nghĩa thiết thực là đối phó với tình hình mà còn là thái độ duy nhất để đưa vấn đề phòng thủ Bắc Bộ vào khuôn khổ liên minh chiến lược với Mỹ”. Rơve cho rằng, điều tối quan trọng đối với Pháp là phải giữ cho được Bắc Bộ.

        Rơve yêu cầu quân đội Pháp ở chiến trường Bắc Việt phải tăng cường phòng thủ từ Móng Cái đến Thất Khê, phải làm chủ (hành quân tự do) trong khu chữ nhật lệch Thái Nguyên - Lạng Sơn - Hải Phòng - Hòa Bình. Chỉ khi đã đạt được hai mục tiêu đó thì mới mở rộng phạm vi kiểm soát tới phía nam đồng bằng sông Hồng. Đối với chiến trường biên giới, Rơve chủ trương rút quân khỏi Cao Bằng, một vị trí được tiếp tế trong điều kiện vô cùng bi đát, với những tốn kém mà Pháp không thể chịu nổi. Mặc dù đã phải giam chân một số lớn quân từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, Pháp vẫn không đủ sức bảo đảm an toàn cho các đoàn vận tải trên con đường số 4, được lính lê dương gọi là “con đường máu”, càng không đủ khả năng phòng thủ nếu Cao Bằng bị tiến công. Muốn giữ Cao Bằng phải tốn thêm nhiều quân nữa song điều kiện thực tế không cho phép. Phương tiện vận tải đường bộ không đủ để tiếp tế đều đặn cho Đông Khê và Cao Bằng trên tuyến đường luôn luôn xảy ra những trận phục kính đẫm máu. Số máy bay vận tải Pháp hiện có không cho phép tiến hành việc tiếp tế bằng đường không. Cần trút bỏ gánh nặng đó cho không quân để có thể tập trung máy bay vận tải vào việc cơ động lực lượng. Để bù vào việc phải rút quân khỏi một đầu mối giao thông quan trọng như Cao Bằng và để hoàn chỉnh phía tây - bắc của khu chữ nhật lệch, có thể chiếm thêm một cái chốt khác, lui về phía nam, ở ngay cửa ngõ các trục giao thông xuống đồng bằng. Cái chốt mới đó là Thái Nguyên.

        Để bảo vệ quan điểm của mình, Rơve kết luận: rút khỏi Cao Bằng là để “tránh cho chúng ta một gánh nặng và một nguy cơ lớn sắp xảy ra”. Trước hết phải rút ngay các cứ điểm ngoại vi, sau đó rút cả Cao Bằng, bỏ cả phần đất phía trên Thất Khê và khi cần phải bỏ cả Thất Khê nữa, khi mà chúng ta (Pháp) đã đứng vững ở Thái Nguyên. Để thực hiện chủ trương trên đây, mỗi khi có quân tăng viện phải lập tức đưa ra Bắc. “Bắc Bộ là ưu tiên số một, là chiến trường quyết định”.

-------------------------
        1. Có nhiều dư luận về sự vắng mặt của tổng chỉ huy Bledô trong cuộc họp quan trọng này. Người ta cho rằng ông ta cố tình không giáp mặt “viên quan cai trị hành chính Pinhông, một người mù về quân sự để tránh xung đột khi tranh cãi về chủ trương chiến lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:19:05 am »


        Biết rằng đây là một quyết định quan trọng, nhưng trước tình hình Rơve đã trình bày, các cố vấn của cao ủy cũng đành phải đồng tình. Cao ủy Pinhông cũng ủng hộ chủ trương rút Cao Bằng “để tránh những tổn thất ở quy mô tiểu đoàn..., tránh những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần của quân đội viễn chinh”. Tướng Cốc thì cho rằng chỉ cần kiểm soát được Đồng Đăng hay Na Sầm cũng đủ để bảo vệ vùng tây - bắc Lạng Sơn, do đó viên tướng này cũng tán thành rút tất cả các vị trí từ Cao Bằng đến Thất Khê.

        Tuy nhiên, không ít ý kiến phản đối chủ trương chiến lược của Rơve. Valuy lo ngại rút Cao Bằng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Anh - Mỹ. Theo Valuy, trong khi tình hình Bắc Bộ còn chưa rõ ràng, hãy tập trung cố gắng để “giành thắng lợi tích cực trên chiến trường miền Nam”. Alécxăngđri, viên tướng thực dân được coi là “dân Bắc Kỳ chính cống”, là người bác bỏ kiên quyết nhất chủ trương chiến lược của Rơve. Theo Alécxăngđri, “điều cốt yếu là chúng ta phải biểu thị cho được ý chí chiến đấu”. Trước một cuộc tiến công lớn từ phía bắc xuống, quân Pháp có thể cơ động lực lượng để ngăn chặn bên ngoài khu tam giác Thất Khê - Hà Nội - Lao Cai, không để cho đối phương lọt vào khu đó để xâm nhập vùng đồng bằng. Chỉ khi đó việc rút quân khỏi Cao Bằng mới cần đặt ra. Alécxăngđri còn chủ trương nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không làm như vậy tức là để cả miền Bắc cho Việt Minh, tức là để cho họ vựa thóc chính, kho vũ khí chính và nguồn bổ sung nhân lực quan trọng nhất. Nếu đến tháng 10 (1949), phía bắc không còn bị uy hiếp thì có thể dùng các tiểu đoàn tổng dự bị để đánh chiếm khu nam đồng bằng Bắc Bộ và bình định Nam Bộ.

        Điều qua tiếng lại, cuộc tranh cãi về chủ trương chiến lược không đi đến chỗ ngã ngũ, không những về chủ trương rút hay không rút Cao Bằng mà về nhiều vấn đề quan trọng khác, như việc mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng Bắc Bộ, việc phát huy vai trò của ngụy Bảo Đại...

        Phái quân nhân nghĩ rằng, trong một cuộc họp có nhiều nhân vật dân sự như vậy, khó mà nói hết ý kiến của mình. Mọi người đành chấp nhận trên nguyên tắc những kết luận cuối cùng của Rơve, nhưng đó là sự chấp nhận miễn cưỡng, mong manh. Những người phản đối, trước hết là Alécxăngđri, vẫn giữ nguyên quan điểm của họ.

        Ngày 17 tháng 6, Rơve rời Sài Gòn về Pháp, để lại cho các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương một cuộc tranh cãi kéo dài bất tận.

        Sau khi về tới Pari, Rơve vời ngay tướng Xalăng, “chuyên gia về Đông Dương” (!) để chia sẻ quan điểm quân sự của ông ta sau cuộc thanh tra. Theo Rơve, một mặt nước Pháp phải dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ để tập trung cố gắng, tiếp tục cuộc chiến; mặt khác, Pháp phải thể hiện rõ ý chí muốn ở lại Đông Dương và phải đóng vai trò người điều hành cuộc chiến tranh. Sau khi nói rõ ý định cho rút quân khỏi một số vị trí đột xuất không đủ sức chống đỡ khi bị tiến công như Cao Bằng, Bắc Cạn, Nguyên Bình, Rơve nhận định rằng trên toàn chiến trường Đông Dương, chỉ có đẩy mạnh việc phát triển quân ngụy thì mới tổ chức được các đơn vị cơ động chiến lược với nhiệm vụ ứng cứu một cách linh hoạt, do đó mới hy vọng bình định một cách hữu hiệu. Muốn vậy “chính quốc” phải tăng thêm viện binh và phải thay đổi trang bị đã quá cũ kỹ. Về cấp chóp bu, phải giải quyết mối bất đồng giữa cao ủy và tổng chỉ huy. Mối bất đồng đó không những bắt nguồn từ chỗ khác nhau về chủ trương chiến lược mà trước hết là từ quan hệ cá nhân, nên đã có hại cho sự điều hành mọi công việc1.

        Mọi quan điểm của Rơve đều được Xalăng đồng tình vì nó phù hợp với nhận định của “nguyên tư lệnh” Đông Dương: Pháp thua ở Đông Dương chỉ vì thiếu lực lượng (!).

-------------------------
        1. Năm 1945, khi Bledô tổ chức “binh đoàn ứng chiến nhẹ” (CLI) để đưa sang Đông Dương thì Pinhông là cấp dưới của ông ta. Đến năm 1949, Chính phủ Pháp cử Pinhông làm cao ủy, Bledô làm tổng chỉ huy, tức là đã xảy ra cảnh “sao đổi ngôi”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM