Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:17:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu  (Đọc 40001 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #200 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:37:06 am »


        Đương nhiên, tiềm lực chiến tranh hạn chế tuyệt đối không phải là nguyên nhân chủ yếu, càng không phải là nguyên nhân duy nhất như có chính khách Pháp đã khẳng định. Vì, như mọi người đều biết, cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ, đến thế chân Pháp sau này vẫn không sao kéo nổi đế quốc Mỹ ra khỏi vũng lầy thất bại, ngược lại đã phải cút khỏi đất nước Việt Nam trong những điều kiện vô cùng cay đắng và nhục nhã.

        * Muốn đánh nhanh, buộc phải đánh kéo dài.

        Đánh nhanh thắng nhanh vừa là quy luật của chiến tranh xâm lược, vừa là ý muốn chủ quan của các tướng lĩnh viễn chinh. Riêng đối với Pháp, đánh nhanh thắng nhanh càng là một yêu cầu cấp bách để giảm bớt những khó khăn về đối nội và đối ngoại mà một cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài có thể gây ra. Nhưng ngay từ đầu, Pháp đã vấp phải mâu thuẫn giữa một bên là yêu cầu đánh nhanh với một bên là chiến lược đánh lâu dài của đối phương. Về phía chủ quan, do binh lực hạn chế, quân đội viễn chinh Pháp chỉ được bổ sung bằng từng đợt viện binh nhỏ giọt, cho nên dù chiến lược của Pháp trước sau vẫn là đánh nhanh thắng nhanh, nhưng trên thực tế chúng vẫn buộc phải đánh chiếm từng bước (annexion lente).

        Mục tiêu đề ra cho chiến lược đánh nhanh thắng nhanh là tiêu diệt chủ lực của kháng chiến và chiếm đóng đất đai. Hai mục tiêu chiến lược đó kết hợp chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau, nhưng mục thứ nhất vẫn là chủ yếu vì chỉ có tiêu diệt được chủ lực của kháng chiến mới bảo đảm cho việc chiếm đóng đất đai, mới tổ chức được bộ máy chính quyền tay sai ở cơ sở, thiết lập được chế độ thống trị nhằm đạt mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh xâm lược.

        Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Pháp bị phá sản từng bước, đánh dấu bằng thất bại của hai cuộc hành binh lớn trong hai năm đầu: cuộc hành binh “Gô” ở miền Nam đầu năm 1946 và cuộc tiến công lên Việt Bắc cuối năm 1947. Cuộc hành binh “Gô”, theo nhận xét của tướng Mácsăng, đem lại kết quả là “công cuộc bình định vẫn còn nguyên vẹn” vì không tiêu diệt được lực lượng vũ trang kháng chiến ở miền Nam. Gần hai năm sau, cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc cũng bị thất bại vì không những không tiêu diệt được chủ lực của kháng chiến, phạm vi chiếm đóng thêm về đất đai cũng không có ý nghĩa quyết định về chiến lược, mà binh lực của Pháp tham gia chiến dịch còn bị sứt mẻ nghiêm trọng. Lực lượng vũ trang bắt đầu trưởng thành của kháng chiến đã triển khai thế trận theo cách đánh riêng của mình, phù hợp với địa hình và lực lượng so sánh, dùng chiến tranh du kích rộng rãi, kiềm chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của định, tiêu hao địch hàng ngày và cuối cùng buộc chúng phải lui quân.

        Thất bại của cuộc tiến công lên Việt Bắc đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, chấm dứt thời kỳ Pháp tập trung lực lượng lớn, tiến công ồ ạt hòng tiêu diệt chủ lực của kháng chiến, chiếm đóng các địa bàn chiến lược quan trọng để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Thất bại đó cũng mở đầu thời kỳ quân Pháp bị động theo đuổi cuộc chiến tranh kéo dài, ngoài ý muốn chủ quan của chúng. Từ đó, không những quân Pháp phải đối phó với bộ đội chủ lực còn nguyên vẹn và không ngừng lớn mạnh của ta mà chúng còn phải đương đầu với chiến tranh du kích đang trên đà phát triển. Cũng từ đó, địch lâm vào thế chiến lược ngày càng bất lợi, với những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trên chiến trường, trước hết là mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán trong thế bố trí binh lực.

        * Tập trung và phân tán, quân đông mà hoá ít, mạnh mà hoá yếu.

        Để áp đặt ách thống trị trên đất nước Việt Nam, dù lúc đầu binh lực chưa nhiều, Pháp vẫn phải tập trung quân để tiến công, chiếm đất rồi rải quân ra giữ đất và lập bộ máy thống trị. Như vậy là ngay từ đầu mục tiêu chiến lược đã quyết định trạng thái từ tập trung đến phân tán binh lực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #201 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:37:45 am »


        Tuy nhiên, trong vài năm đầu, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực của Pháp chưa bộc lộ sâu sắc, một phần vì khả năng tăng viện từ Pháp sang còn nhiều, phạm vi chiếm đóng của quân Pháp chưa mở rộng, nhưng chủ yếu là do chiến tranh du kích của ta chưa phát triển tới mức buộc chúng phải căng nhiều lực lượng ra để đối phó rộng khắp. Nhưng từ sau chiến dịch Việt Bắc, tình hình đã thay đổi ngày càng rõ rệt. Kết quả việc phát động chiến tranh du kích rộng khắp nhằm thực hiện chủ trương “biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta” đã buộc Pháp phải rải quân ra, lập hàng ngàn đồn bốt để “duy trì an ninh” trong vùng chúng kiểm soát, trong khi đó thì một bộ phận quan trọng lực lượng của chúng bị thu hút ra mặt trận phía trước để đối phó với các “chiến dịch” nhỏ của bộ đội chủ lực ta. Lực lượng dần dần bị căng mỏng không cho phép Pháp có thể tập trung binh lực để tiếp tục mở các chiến dịch tiến công có ý nghĩa chiến lược hòng “tiêu diệt chủ lực đối phương” như trước. Trong cả năm 1948, hai phần ba các cuộc hành binh trên 1.000 quân của Pháp đều diễn ra trong vùng chúng kiểm soát.

        Mâu thuẫn giữa phân tán binh lực (để giữ đất) và tập trung binh lực (để mở các chiến dịch tiến công lớn) đã trở nên sâu sắc và làm nảy sinh ra mâu thuẫn khác: mâu thuẫn giữa tiến công và phòng ngự về mặt chiến lược. Thực tế cục diện chiến trường chứng tỏ: từ năm 1948, do binh lực bị phân tán, lực lượng cơ động chiến lược quá ít và nhất là do ba thứ quân của ta đã trưởng thành và hoạt động có hiệu quả, Pháp đã buộc phải chuyển dần vào thế phòng ngự chiến lược. Bằng “chiến thuật vết dầu loang”, dùng lực lượng nhỏ, lấn chiếm từng bước, củng cố từng bước, Pháp cố mở rộng phạm vi kiểm soát và hoàn thiện thế chiếm đóng của chúng. Nhưng đến mùa thu năm 1950, khi phạm vi chiếm đóng mở rộng nhất cũng là lúc lực lượng của Pháp bị căng mỏng nhất, lực lượng cơ động chiến lược bị hạn chế ở mức thấp nhất, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực, giữa tiến công và phòng ngự chiến lược đã lên tới mức sâu sắc nhất.

        Lực lượng bị phân tán quá mỏng làm cho Pháp không đủ sức đối phó với hoạt động ngày càng mạnh của ba thứ quân đã trưởng thành của ta, nhất là từ cuối năm 1950. Do đó chúng buộc phải thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng để các vị trí cô lập đột xuất khỏi bị tiêu diệt và để tập trung được lực lượng tổ chức thành các đội ứng chiến ngày càng lớn từ tiểu đoàn, binh đoàn (GM) đến sư đoàn cơ động (DM) hòng đối phó với các chiến dịch tiến công quy mô ngày càng lớn của chủ lực ta. Thế là từ phân tán binh lực để giữ đất, Pháp lại bị động tập trung binh lực, dù phải mất đất (tức là đi ngược lại yêu cầu chiếm đất của cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa). Mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực lại làm nảy sinh ra mâu thuẫn khác: muốn giữ đất nhưng cuối cùng buộc phải bỏ đất.

        Nhưng thực tế chiến trường ngày càng chứng tỏ Pháp không phát huy được tác dụng của các binh đoàn dự bị chiến lược mà chúng ra sức xây dựng với quy mô ngày càng lớn. Thế trận rộng khắp và hiểm hóc của chiến tranh du kích phát triển ngày càng cao buộc Pháp phải phân tán binh lực để càn quét, bình định, hòng cứu vãn cho vùng tạm chiếm tránh nguy cơ bị “ruỗng nát” nghiêm trọng. Trong khi đó, một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động thường xuyên bị xé lẻ và ném đi ứng cứu trên các hướng tiến công chiến lược của bộ đội chủ lực ta. Vì vậy, tuy hình thức tổ chức là binh đoàn, sư đoàn cơ động nhưng lực lượng dự bị chiến lược của Pháp đã buộc phải hoạt động phân tán, phổ biến là cỡ tiểu đoàn. Vai trò dự bị chiến lược của các binh đoàn cơ động chiến lược thực tế không phát huy được trên chiến trường. Nói một cách khác, chúng bị “buộc phải phân tán đến mức không còn là cơ động nữa”.

        Càng về cuối cuộc chiến tranh, mâu thuẫn trong bố trí và điều động binh lực đã dồn các tướng lĩnh Pháp vào thế lúng túng như gà mắc tóc. Quân Pháp muốn giữ “vùng đồng bằng có ích” đông người nhiều của thì phải bỏ nhiều địa bàn có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường rừng núi; muốn đối phó với ta trên chiến trường chính (Bắc Bộ) thì phải rút bớt quân và tạo nên thế sơ hở trên các chiến trường khác; muốn đối phó với các chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực ta ở mặt trận phía trước thì phải điều lực lượng ở vùng tạm chiếm ra, nhưng khi chiến tranh du kích của ta làm cho phía sau bị “ruỗng nát”, thì chúng lại phải đưa lực lượng từ phía trước về đối phó…

        Chiến tranh du kích phát triển rộng rãi và phối hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy đã tạo nên “trận đồ bát quái” trên phạm vi cả nước, làm cho binh lực quân viễn chinh Pháp thường xuyên bị giằng xé, khiến quân của chúng đông mà hoá ít, trang bị mạnh mà hoá yếu, thế trận luôn luôn bị sơ hở, việc tổ chức và điều động lực lượng thường xuyên bị động. Mặc dù ra sức phát triển quân ngụy, ra sức xin thêm viện trợ của Mỹ, các tướng lĩnh Pháp vẫn không sao thoát khỏi các mâu thuẫn có tính quy luật trên đây trong suốt quá trình điều hành cuộc chiến tranh xâm lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #202 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:38:28 am »


        * “Chiến hữu” da vàng, “đồng minh” da trắng.

        Chiến tranh càng phát triển, nước Pháp càng kiệt sức, không đáp ứng nổi nhu cầu về người và của cho chiến trường Đông Dương. Để tiếp tục chiến tranh trong điều kiện viện binh ngày càng hạn chế, chiến phí ngày càng nhiều, các tướng lĩnh Pháp không thể không đi sâu vào chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, đồng thời xin thêm viện trợ về tiền và vũ khí của đế quốc Mỹ.

        Các cuộc càn quét diễn ra ngày càng ác liệt trong vùng Pháp tạm chiếm nhằm đánh vào cơ sở kháng chiến, khủng bố tinh thần nhân dân hòng tạo điều kiện ổn định để chúng vét người vét của tại chỗ dốc vào chiến tranh. Bằng mọi thủ đoạn thâm độc, từ lừa mị đến khủng bố điên cuồng, vây ráp trắng trợn, Pháp ra sức bắt thanh niên, phát triển quân ngụy để bù vào quân số ngày càng thiếu hụt. Do chiến thắng của ta ngày càng lớn, công tác vận động ngụy binh ngày càng có kết quả, cho nên dù quân ngụy phát triển khá nhanh1nhưng số lượng càng tăng thì chất lượng chiến đấu của chúng càng giảm. Các tướng lĩnh Pháp đã sớm phát hiện mâu thuẫn đó nhưng họ vẫn buộc phải tiếp tục phát triển quân ngụy, coi đó là giải pháp duy nhất để bịt lỗ hổng về quân số. Họ hy vọng rằng đôla và súng Mỹ sẽ là liều thuốc mầu nhiệm không những vực được tinh thần đội quân tay sai khỏi suy sụp mà còn kéo được quân viễn chinh Pháp ra khỏi bế tắc trong điều kiện nước Pháp ngày càng kiệt quệ về kinh tế tài chính, phân hoá về chính trị. Công thức máu Pháp - ngụy + tiền và súng Mỹ nổi lên từ đầu năm 1950.

        Cũng từ đó quá trình viện trợ về quân sự là quá trình Mỹ xâm nhập ngày càng sâu về nhiều mặt nhằm chuẩn bị điều kiện tiến tới hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương, biến bán đảo này thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hoạt động của Mỹ ở Đông Dương càng ăn sâu lan rộng thì mâu thuẫn Pháp - Mỹ càng sâu sắc. Cuối cùng kẻ phải nhượng bộ từng bước vẫn là Pháp (viện trợ Mỹ dốc vào Đông Dương cùng với nhịp độ nhân nhượng của Pháp). Và viện trợ càng tăng2, thất bại của Pháp trên chiến trường càng nặng nề thì phái đoàn Mỹ MAAG càng có cớ đi sâu vào nắm tình hình quân sự, dẫn đến việc tướng Mỹ Ô Đanien trực tiếp tham gia chỉ đạo tác chiến.

        Đế quốc Pháp “cố đấm ăn xôi” hy vọng rằng công thức máu Pháp - ngụy + tiền, súng Mỹ sẽ giúp đảo lộn thế cờ. Nhưng thực tế đã chỉ rõ: thời kỳ “cai sữa” của quân đội tay sai kéo quá dài. Còn viện trợ Mỹ thì như báo chí Pháp và phương Tây đã nhận xét, chỉ là viên thuốc hạ nhiệt tạm thời đối với đội quân Pháp - ngụy đang trong thời kỳ tái phát của bệnh sốt rét kinh niên.

        Ngay sau khi Pháp bị thất bại ở Điện Biên Phủ, tiếp đến hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, Mỹ lập tức chuyển hướng từ chỗ viện trợ cho Pháp sang viện trợ trực tiếp cho quân đội ngụy (khi đó đã thay thầy đổi chủ) để chuẩn bị thực hiện mưu đồ thực dân mới ở miền Nam nước ta. Cùng một lúc các “chiến hữu da vàng” đã theo gót ông bạn “đồng minh da trắng” vĩnh viễn chia tay với đội quân viễn chinh Pháp.

        Quan hệ giữa Mỹ và Pháp (cũng như giữa Mỹ và các “đồng minh” khác) chứng tỏ: Nhà trắng và Lầu năm góc tung tiền, tung súng ra không nhằm mục đích nào khác là dung nạp các thế lực phản động quốc tế phục vụ chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chúng lợi dụng nhau hòng theo đuổi những mưu đồ chính trị xấu xa để rồi cuối cùng sẽ kéo nhau xuống vực thẳm của thất bại.

---------------------
        1. Tỷ lệ quân ngụy trong tổng số quân địch ở Đông Dương: 1945: 15%; 1950: 51%; 1954: 72%.

        2. Mấy ví dụ: máy bay, 1950: 78, 1954: 173; vũ khí, 1950: 5.000 tấn/tháng, 1954: 80.000 tấn/tháng (6-54); tiền 1950: 52 tỷ phrăng (19% chiến phí Đông Dương), 1954: 555 tỷ phrăng (73% chiến phí của Pháp ở Đông Dương). Theo Chaffard (trong cuốn Les deux guerres du Viet Nam, Hai cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam, tr. 184) là 78,25%.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #203 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:39:30 am »


*

*       *

        Với hàng tỷ đô la đổ vào Đông Dương, hàng chục vạn thanh niên Pháp bỏ xác trên chiến trưởng, nước Pháp đã “mất hết” sau chín năm chiến tranh xâm lược. Đưa vai ra gánh chịu 78 phần trăm chiến phí, đế quốc Mỹ cũng không sao giúp Pháp xoay chuyển được thế cờ.

        Pháp đi, Mỹ đến. Một điều mà dư luận chê trách là “Mỹ rất ít học tập sai lầm của người Pháp”, cho nên đã lê bánh xe chiến tranh trên con đường sa lầy của Pháp để rồi cũng buộc phải “ra đi một cách đặc biệt kém vinh quang” (AFP, 23-8-1978).

        Mãi hai năm sau khi nhân dân Việt Nam đã toàn thắng, Venxơ (Cyrus Vance)1mới rút ra được bốn bài học lớn, trong đó có vấn đề “Mỹ đã không hiểu được những giới hạn của lực lượng quân sự chống lại một cuộc chiến tranh du kích” (UPI, 11-1-1977). Nếu từ thực tế cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam, báo Nhân đạo, cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 8-5-1954, đã khẳng định rằng: “Không một sức mạnh nào và không một ai có thể bắt cả một dân tộc đã vùng lên phải quỳ gối trở lại”, thì cũng từ thực tế cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tướng Mỹ Mắc Áctơ đã rút ra kết luận: “Kẻ nào tham gia một cuộc chiến tranh trên bộ ở Đông Dương, kẻ ấy cần phải xét lại bộ óc của mình...”2.

        Kết quả thất bại của Pháp và Mỹ cũng là kết quả của cả một quá trình “đầy rẫy những sự đánh giá sai lầm và những cơ hội bị bỏ lỡ” “trong quan hệ với Việt Nam, cũng là quá trình cả Pháp và Mỹ” “tìm đủ mọi cách để lảng tránh bàn tay hữu nghị do Việt Nam chìa ra một cách rộng lượng”. Các cuộc phiêu lưu quân sự của Pháp rồi của Mỹ lần lượt diễn ra trên mảnh đất Việt Nam và đã phát triển từng bước theo những quy luật mà những người đứng đầu điện Êlydê và Nhà trắng không thể cưỡng lại nổi. Họ đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, nguy hiểm hơn; đã phải chấp nhận hết thất bại này đến thất bại khác, nặng nề hơn. Và khi cuộc phiêu lưu quân sự đã trở nên nghiêm trọng nhất thì thất bại cuối cùng của họ cũng thảm bại nhất, không gì có thể cứu vãn nổi.

        Lịch sử đất nước Việt Nam bốn nghìn năm đã nhiều lần chứng minh tinh thần yêu nước nồng nàn và tài thao lược của dân tộc Việt Nam. “Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”3.

        Ba chục năm qua, với mưu đồ lấy súng đè người, hết Pháp rồi đến Mỹ đều cam chịu số phận “các thế lực phong kiến và đế quốc, từ nhiều phía đến, đã thay nhau nếm mùi thất bại và đã để lại trên mảnh đất này sức mạnh ban đầu cũng như uy danh hão của chúng...”4.

        Đi ngược lại trào lưu tiến hoá của nhân loại, nhất định chúng sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát!

---------------------
        1. Nguyên thứ trưởng quốc phòng thời Giônxơn.

        2. Trích dẫn của James Fox, Tạp chí Thời báo chủ nhật (Anh), tháng 11-1972.

        3. Hồ Chí Minh, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951, Về vấn đề quân sự, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 185.

        4. Xã luận báo Nhân dân, 19-8-1978.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #204 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:43:09 am »


TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

TIẾNG VIỆT

Văn kiện quân sự của Đảng (tập 2 và 3), Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976 - 1977..

Hồ Chí Minh
 
        - Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Sự thật, Hà Nội, 1956. Về vấn đề quân sự, Sự thật. Hà Nội, 1975.

        - Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970.
       
Trường Chinh

        - Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam (Tác phẩm chọn lọc, tập 2), Sự thật, Hà Nội, 1975.

Võ Nguyên Giáp

        - Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, Sự thật, Hà Nội, 1959.

        - Điện Biên Phủ (xuất bản lần thứ tư), Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970.

        - Những năm tháng không thể nào quên, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974.

        - Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng, Viện khoa học quân sự, Hà Nội, 1974.

        - Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước (tập 1 và 2), Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974 - 1975.

Trần Huy Liệu (chủ biên)

        - Xã hội Việt Nam dưới thời Pháp – Nhật. (quyển. I), Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

Vương Thừa Vũ

        - Hà Nội, 60 ngày khói lửa, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964.

Tầm Vu

        - Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Sự thật, Hà Nội, 1960.

Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh.

        - Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974.

Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng

        - Bốn mươi lăm năm hoạt động của Đảng Lao động Việt Nam, Sự thật, Hà Nội, 1976.

Ban Nghiên cứu lịch sử Quân đội

        - Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974.

Thông tấn xã Việt Nam

        - Tin tham khảo và tài liệu tham khảo đặc biệt (1973 - 1978).

        - Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam (tập 1, 2, 3, 4). Sự thật, Hà Nội, 1959 và 1960.

Bộ tổng tham mưu ngụy Sài Gòn

        - Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (Quân sử III), Bộ tổng tham mưu, Sài Gòn 1971.

        - Quân lực Việt Nam cộng hòa trong giai đoạn hình thành (Quân sử IV), Bộ tổng tham mưu, Sài Gòn, 1972.

Tập san Quân Huấn, 1971 - 1972.

Tập san Quốc Phòng, tháng 8 và 12 - 1972.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #205 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:44:10 am »


TIẾNG NƯỚC NGOÀI

        H.Azeau

        Hồ Chí Minh, dịp may cuối cùng (Hô Chi Minh, dernière chance) Flammarion, Paris, 1968.

        L.Bodard

        Cuộc chiến tranh Đông Dương (La guerre d’Indochine), tập 1, 2, 3, 4, 5, Gallimard, Paris, 1963, 1965, 1967.

        G. Catroux

        Hai màn của tấn thảm kịch Đông Dương (   actes du drame indochinois), Plon, Paris, 1959.

        G. Chaffard

        Hai cuộc chiến tranh của nước Việt Nam (Les deux guerres du Viêt Nam), Table ronde, Paris 1965.

        J.Chesnaux

        Góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam (Contribution à l’histoire de la nation viêtnamienne), Ed. Sociales, Paris, 1955.

        P.Darcourt

        Đờlát ở Việt Nam (Delattre au Viêt Nam), Table ronde, Paris, 1965.

        J.Decoux

        Chèo chống ở Đông Dương (A la barre de l’Indochine), Plon, Paris, 1949.

        P.Devillers

        Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến năm 1952 (Histoire du Việt Nam, le 1940 à 1952), Seuil, Paris, 1952.

        P.Devillers et J.Lacouture

        Việt Nam, từ cuộc chiến tranh của Pháp đến cuộc chiến tranh của Mỹ (Viêt Nam, de la guerre française à la guerre américaine), Seuil, Paris, 1969.

        J.Dinfreville

        Hành binh Đông Dương (l’Opération Indochine), Ed. Intern, Paris, 1953.

        P. Ely

        Đông Dương trong bão tố (l’Indochine dans la tourmente),

        B.Fall

        Đông Dương 1946 - 1962 (Indochine 1946 - 1962), Laffont, Paris, 1962.

        Con đường không vui (Street without joy), Stackpole Books, New York, 1967.

        Một góc địa ngục (Un coin d’enfer), Laffont, Paris, 1968.

        J.Ferrandi

        Các sĩ quan Pháp đối mặt với Việt Minh (Les officiets Français face au Viêt Minh), Fayard, Paris, 1966.

        A. Fontaine

        Lịch sử chiến tranh lạnh (Histoire de la guerre froide), bản dịch của Lê Thanh Hồng Dân, Kỷ nguyên, Sài Gòn, 1970.

        J. Fox

        Ông Giáp, người chiến thắng ở Điện Biên Phủ (bản dịch của TTXVN từ tạp chí Anh The Sunday Times magazine, 5-11 - 12-11-1972), tài liệu tham khảo đặc biệt tháng 2 - 3-1973.

        Ch.de Gaulle

        Hồi ký chiến tranh (Mémoires de guerre), tập 1, 2, 3, Plon, Paris, 1954 - 1956 - 1959.

        Hồi ký hy vọng (Mémoires d’espoir) tập 2, Plon, Paris, 1959.

        P. Grauwin

        Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ (J’étais médecin à Điên Biên Phu), France Empire, Paris, 1955.

        M. Gurtov

        Cuộc khủng hoảng Việt Nam thứ nhất (The first Viêt Nam crisis) Columbia University Press, New York, 1967.

        J.Lacouture

        Hồ Chí Minh, Seuil, Paris, 1967.

        J.Laniel

        Thảm kịch Đông Dương (Le drame indochinois), Plon, Paris, 1957.

        J.Marchand

        Thảm kịch Đông Dương (Le drame indochinois), Peyronnet, Paris, 1953.

        A.Merglen

        Cuộc chiến tranh bất ngờ (La guerre de l’inattendu), Arthaud, Paris, 1966

        Mordant

        Phục vụ nước Pháp ở Đông Dương 1941 - 1945 (Au service de la France en Indochine, 1941 - 1945), I.F.O.M. Saigon, 1950.

        P. Mus

        Việt Nam, xã hội học của một cuộc chiến tranh (Viet Nam, sociologie d’une guerre), Plon, Paris, 1952.

        H.Navarre

        Đông Dương hấp hối (Agonie de l’Indochine), Plon, Paris, 1956.

        Cl. Paillat

        Hồ sơ mật Đông Dương (Dossier secret de l’Indochine), Presses de la Cité, Paris, 1964.

        Hai mươi năm xâu xé nước Pháp (Vingt ans qui déchirèrent la France) tập 1 và 2, Laffont, Paris, 1969 và 1972.

        A.Pazzi

        Để hiểu nước Việt Nam và người Việt Nam (Per comprendere il Viêt Nam e Vietnamita) bản dịch của Hồng Cúc, nhan đề Người Việt cao quý, Cảo thơm, Sài Gòn, 1965.

        P.A.Poole

        Nước Mỹ và Đông Dương, (The U.S. and Indochine), The Dryden Press, Ilinois, 1973 (bản dịch của Viện khoa học quân sự).

        P.Rocolle

        Tại sao Điện Biên Phủ? (Pourquoi Điên Biên Phu?), Flammarion, Paris, 1968.

        P.Rouanet

        Măngđét Phrăngxơ cầm quyền (Mendès France au pouvoir), Laffont, Paris, 1965.

        J.Roy

        Trận Điện Biên Phủ (La bataille de Điên Biên Phu), Julliard, Paris, 1963.

        G. Sabattier

        Số phận Đông Dương, 1941 - 1945 (Le destin de l’Indochine, 1941 - 1945), Plon, Paris, 1952.

        R. Salan

        Hồi ký (Mémoires) tập 1 và 2, Presses de la Cité, Paris, 1971. Đông Dương đỏ (Indochine rouge), Presses de la Cité, Paris, 1975.

        J.R.Sainteny

        Câu chuyện một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Histoire d’une paix manquée) Fayard, Paris, 1967.

        Ở Việt Nam, đối mặt với Cụ Hồ Chí Minh (Au Viêt Nam - Face à Hô Chi Minh), Seghers, Paris, 1970.

        J. Taylor

        Trung Quốc và Đông Nam Á (Chine and S.E.Asia), Praeger Publishers, New York, 1976.

        J.R.Toumoux

        Những bí mật quốc gia (Secrets d’Etat), Plon, Paris, 1960. Tài liệu của Lầu năm góc (Pentagon, Papers), Bantam Books, New York, 1971 (bản dịch của Viện khoa học quân sự).

        Một số báo, tạp chí nước ngoài:

        L’Humanité, Unité, Le Monde, Le Figaro,.

        L’Information, The Times, Paris Match, L’Express,

        The Sunday Times Magazine. 

HẾT

       
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM