Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:17:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu  (Đọc 40037 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:51:35 pm »


MIỀN NAM “ĐÃ BÌNH ĐỊNH XONG”

        Với kết quả các cuộc hành binh trong hai tháng 10 và 11 (mở rộng chiến sự ở Nam Bộ, nối liền đường bộ và đường sông với Campuchia, đặt chân được lên Buôn Ma Thuộc ở Tây Nguyên và Nha Trang ở Nam Trung Bộ...), tổng chỉ huy Lơcléc tỏ ra lạc quan thực sự. Viên tướng này phán đoán rằng giai đoạn đánh chiếm Nam Bộ có thể hoàn tất trong thời gian ngắn và vào khoảng tháng 1 năm 1946 thì có thể chuyển quân ra Bắc. Chính trong tâm trạng lạc quan đó mà trong tháng 10 và tháng 11, Lơcléc liên tiếp cử phái viên (đại tá Phay rồi đại tá Uên) về Pari báo cáo và đốc thúc gửi gấp quân tăng viện.

        Nhiều tướng lĩnh Pháp theo sát chiến sự ở miền Nam Đông Dương trong thời kỳ này đã suy nghĩ khác tâm trạng lạc quan của tổng chỉ huy Lơcléc. Họ cho rằng, mặc dù dựa vào quân Anh, Ấn, Nhật và sau nhiều lần tăng viện, Pháp có mở rộng phạm vi chiếm đóng ở một số thành phố và thị trấn dọc các trục giao thông lớn nhưng vẫn không làm chủ được tình hình. Các lực lượng vũ trang Việt Nam, sau khi né tránh chỗ mạnh của các mũi tiến công ồ ạt bằng xe tăng - cơ giới địch, đã trở lại hoạt động, làm cho quân Pháp luôn luôn ở vào tình thế không ổn định. Theo nhận xét của tướng Mácsăng thì ngay vùng ven Sài Gòn, sau khi tiếp nhận các vị trí của quân Anh trao lại (ở vùng Gia Định), trung đoàn Marốc luôn vấp phải những cuộc tiến công khá mạnh, đôi khi rất nguy hiểm, khiến trung đoàn này chỉ giữ chặt các trận địa phòng ngự của mình mà vẫn không thiết lập được an ninh, cũng không bảo đảm giải tỏa cho Sài Gòn được, trong khi đó thì “vành đai đỏ (ý nói lực lượng vũ trang kháng chiến) vẫn thắt chặt thủ đô Nam Kỳ...”.

        Cuối tháng 11 đầu tháng 12, một số đơn vị của sư đoàn 9eDIC đến Sài Gòn (2 tiểu đoàn của 6e RIC, trung đoàn 23eRIC, một số đơn vị pháo và công binh). Lơcléc giao cho tướng Valuy (tư lệnh sư đoàn 9e DIC) nhiệm vụ càn quét những vùng mới đánh lướt qua và truy lùng Việt Minh để thiết lập cho được an ninh quanh Sài Gòn, một nhiệm vụ mà dư luận tướng tá Pháp coi là “đánh chiếm lại từ đầu”.

        Trong tháng 12 năm 1945, các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của các trung đoàn 6e RIC, 21e RIC, 23e RIC và một số tàu chiến đã diễn ra liên tiếp ở vùng ven Sài Gòn và ở một số vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Theo Mácsăng, ở hầu hết mọi nơi, quân Pháp đã vấp phải những trận đánh trả tuy không mãnh liệt nhưng liên tục của lực lượng vũ trang kháng chiến. Tại Chợ Lớn, từng người hoặc từng nhóm (ý nói các chiến sĩ du kích) tiến công các đội tuần tiễu và các đoàn xe bằng lựu đạn, súng ngắn hoặc súng trường... Hành động lúc ẩn lúc hiện, họ (các chiến sĩ du kích) thoát khỏi vòng vây của quân Pháp và trà trộn vào những nơi đông dân cư.... Tại Cần Giuộc, khắp vùng là một bầu không khí bất an, nguy hiểm... Trên các dòng sông Tiền và sông Hậu, nhiều đoàn tàu từ Phnôm Pênh xuống bị mất tích. Dù có các tàu chiến Béctanh và Xômali dùng hỏa lực yểm trợ, cuộc hành quân càn quét của trung đoàn 23e RIC ở vùng Nhà Bè (đông nam Sài Gòn) vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì không có đường cái nên quân Pháp phải lội giữa bùn lầy, tiến từng bước rất khó nhọc và chậm chạp, lại luôn vấp phải hỏa lực tự động ở các ngã ba ngã tư kênh rạch... Từ thực tế hoạt động của các tổ du kích đối phương, Mácsăng rút ra kết luận: “Toàn bộ xứ sở này, với những xóm làng ngang dọc, những cây cối um tùm, những cánh đồng lúa chín không cao quá thân người, là mảnh đất thích hợp cho chiến tranh du kích”.

        Việc “bình định” của quân Pháp ở Nam Bộ không đem lại cho chúng kết quả mong muốn vì, mặc dù phải rút khỏi nhiều đô thị và trục giao thông lớn, lực lượng vũ trang kháng chiến vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã lui về xây dựng căn cứ và hoạt động giữa sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, tại một địa bàn rừng núi mà quân Pháp không thể nào đánh đến được. Tình hình Nam Trung Bộ cũng không sáng sủa hơn đối với Pháp. Hoạt động mạnh của các lực lượng kháng chiến trên chiến trường này buộc Lơcléc phải tập trung phần lớn lực lượng có trong tay (chừng 15.000 trong tổng số ngót 30.000 tên ở miền Nam cuối năm 1945) để mở cuộc hành quân Gô (Gaur) nhằm cứu nguy cho quân Pháp ở Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Lạt... Cuộc hành binh quy mô lớn này, do viên tổng chỉ huy đích thân điều khiển, chia thành hai gọng kìm lớn, lấy Nha Trang làm hợp điểm:

        Cánh Nam (cánh chủ yếu)1xuất phát từ Biên Hòa ngày 25 tháng 1 năm 1946, tiến theo hướng Đà Lạt để lên Khánh Hòa, Nha Trang.

        Cánh Bắc2xuất phát cùng ngày từ Buôn Ma Thuột, vòng xuống Ninh Hòa về Nha Trang.

----------------
        1. Gồm trung đoàn RICM, 3 tiểu đoàn của các trung đoàn 21e RIC, 23e RIC và lữ đoàn Viễn Đông (BMEO), 2 đại đội pháo, 6 trung đội công binh, 1 tiểu đoàn biệt kích dù của 5e RIC, 2 chi đội tăng - thiết giáp.

        2. Gồm 1 trung đoàn tăng - thiết giáp, 1 tiểu đoàn của 21e RIC.

        3. Louis Lyautey (1854-1934), thống chế Pháp, Bộ trưởng chiến tranh Pháp (1916-1917). Simon Galliéni (1849-1916), thống chế Pháp, Bộ trưởng chiến tranh Pháp (1915-1916). Cả hai đều đã chỉ huy quân đội Pháp xâm lược Đông Dương lần thứ nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:51:58 pm »


        Để phối hợp cùng với cánh Nam, một tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn Viễn Đông (BMEO) cùng một đại đội pháo, một trung đội công binh, một chi đội tăng - thiết giáp tiến từ Biên Hòa theo đường số 1 lên hướng Phan Thiết, Phan Ri, trong khi một chi đội thiết giáp khác từ đường 1 quặt xuống Hàm Tân tiến về hướng Bà Rịa - Long Thành.

        Ngày 5 tháng 2, cuộc hành binh Gô kết thúc, bộ chỉ huy Pháp vội ra tuyên bố là miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã được “chinh phục” xong, quân Pháp đã đạt được mục tiêu là “dứt điểm Nam Bộ để khỏi phải trở lại một lần nữa”. Nhưng thực tế chiến trường đâu phải như thế? Tướng Mácsăng đã nói thẳng ra rằng “đó chỉ là ảo tưởng, vì vấn đề bình định chưa hề giải quyết được chút gì cả”. Các cuộc hành binh kết thúc “vẫn không hề đem lại được an ninh trật tự”, cụ thể là “sau khi các cánh quân (Pháp) đi qua, Việt Minh lập tức quay trở lại, tập hợp lực lượng và sẵn sàng chờ thời cơ hoạt động”.

        Lơcléc đã áp dụng đúng hai bước của công thức chiếm đóng + bình định trong một cuộc chiến tranh xâm lược cổ điển theo kiểu Lyôtây và Galiêni3 trước đây. Nhưng viên tướng tổng chỉ huy này cũng như bộ tham mưu Pháp không giải thích nổi vì sao quân Pháp không “lập lại được trật tự” như họ mong muốn.

        Từ cuối tháng 1 năm 1946, quân Anh rút dần đi khiến Pháp mất hẳn chỗ dựa về mặt lực lượng. Hơn nữa, việc thay thế quân Anh còn làm cho Pháp càng bị giam chân và căng mỏng lực lượng trên một chiến trường quá rộng. Do đó, chúng không còn tập trung được lực lượng để tiếp tục mở các cuộc tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng, cũng không đủ lực lượng để liên tiếp tổ chức những cuộc hành quân bình định quy mô cỡ trung đoàn, kể từ sau cuộc hành binh Gô. Như Mácsăng nhận xét, do thiếu binh lực nên Pháp “không đủ sức tiến hành đồng thời cả hai nhiệm vụ có tác dụng hỗ trợ cho nhau (tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng và càn quét bình định) như đã vạch ra, điều đó cho phép quân phiến loạn (ý nói lực lượng kháng chiến) tăng cường hoạt động cả ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ”.

        Rõ ràng, ngay từ đầu năm 1946, mâu thuẫn cổ truyền của cuộc chiến tranh xâm lược đã xuất hiện và ngày càng trở nên sâu sắc. Đó là mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung binh lực của đội quân xâm lược. Tập trung quân để tiếp tục tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng thì không còn lực lượng để giữ các vùng đất đã chiếm, ngược lại rải quân ra để giữ đất thì không còn lực lượng để tiến hành các chiến dịch tiến công. Các lực lượng vũ trang kháng chiến càng đẩy mạnh hoạt động thì càng khoét sâu thêm mâu thuẫn trên đây của đội quân xâm lược.

        Sau một thời gian tạm né tránh những mũi tiến công ồ ạt của xe tăng - cơ giới địch, từ tháng 1 năm 1946, các nhóm du kích đã từ các căn cứ bí mật xuất hiện, với lực lượng đã được củng cố, tăng cường các hoạt động tiến công và quấy rối các vị trí địch, phá hoại các đường giao thông và kho tàng của chúng, phục kích các đoàn vận tải trên bộ và trên sông, diệt tề trừ gian... làm cho lực lượng của địch không ngừng bị tiêu hao. Ngày 20 tháng 1, các chiến sĩ Việt Nam phục kích trên đường Châu Đốc - Hà Tiên đánh cho trung đoàn 6e RIC bị thiệt hại nặng và giết chết viên đại tá Đêxe (Dessert) - chỉ huy trung đoàn. Sự kiện này gây chấn động mạnh trong hàng ngũ chỉ huy Pháp khiến chúng không thể không thừa nhận sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Nam. Chiến tranh du kích không những đã dần dần phát triển ở các vùng xa xôi (Long Xuyên, Châu Đốc, Đồng Tháp Mười...) mà còn từng bước lan về “khu then chốt” phía bắc Sài Gòn. Theo Mácsăng, quân du kích “luôn luôn cơ động, có tài phân tán trước những mũi càn quét của quân Pháp để rồi lại đột nhiên xuất hiện và tiếp tục những hoạt động không bao giờ chấm dứt...”.

        Chiến tranh du kích phát triển chứng tỏ rằng: với một đội quân viễn chinh đã lên tới 35.000 tên, với cách phòng ngự tĩnh tại dựa vào hệ thống đồn bốt trong vùng chiếm đóng với bộ máy ngụy quyền bước đầu hình thành ở vùng chúng kiểm soát, quân Pháp vẫn không làm chủ được tình thế.

        Tháng 2 năm 1946, sư đoàn 3eDIC tới Nam Bộ. Song, như nhận xét của tướng Xalăng, đây là một đơn vị được xây dựng vội vã chưa được huấn luyện, trang bị lại thiếu thốn. Một sư đoàn như vậy bị ném vào một chiến trường quá rộng ở miền Nam Đông Dương, rõ ràng là đuối sức trước nhiệm vụ thay thế cho sư đoàn 9e DIC và binh đoàn xe bọc thép Mátxuy đang được tập trung lại để chuẩn bị ra Bắc.

        Nếu trong những ngày đầu, khi Pháp mới gây hấn ở Nam Bộ, Đờvile đã từng kết luận rằng không thể có đàm phán vì lúc đó “chính trị phải nhường bước cho quân sự, thì cục diện chiến trường miền Nam sau 5 tháng đọ sức đã khiến cho chính ông ta phải rút ra kết luận khác, là Pháp không thể giải quyết vấn đề bằng sức mạnh”.

        Tuy nhiên, cả Đácgiăngliơ, Lơcléc và đồng bọn đều không thấy được sự thật đó. Thông qua thắng lợi giả tạo trên chiến trường miền Nam, họ vẫn dồn hết tâm trí vào bước thứ hai của cuộc chiến tranh xâm lược: đưa quân ra Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:52:51 pm »

        
MỤC TIÊU TIẾP THEO: HÀ NỘI

        Trong hồi ký của mình, tướng Đờ Gôn nói rằng từ 1 tháng 10 năm 1944, ông ta đã được tướng Pếchcốp (đại diện Pháp ở Trùng Khánh) cho biết: “Tưởng Giới Thạch hứa sẽ giúp Pháp lập lại chủ quyền ở Đông Dương khi thời cơ đến”. Một năm sau, thông qua Tống Tử Văn, Trùng Khánh lại khẳng định với Đờ Gôn điều đó. Tuy vậy, vẫn theo Đờ Gôn, khi Lơcléc lên đường sang Đông Dương, Tổng thống Pháp đã chỉ thị cho viên tướng này chỉ được mang quân ra Bắc Việt Nam “khi nào có lệnh”, vì vấn đề rất phức tạp, phải tiến hành “trở lại từng bước”.

        Theo Đờ Gôn, tình hình được gọi là “phức tạp” trên đây không phải vì lý do nhân dân Việt Nam đã giành được chính quyền trong cả nước. Tuy biết sự kiện đó nhưng ông ta không đánh giá nổi tầm vóc lịch sử của những gì đã xảy ra ở Việt Nam hồi tháng 8 năm 1945. Điều khiến ông ta lo ngại hồi đó là sự có mặt của hàng chục vạn quân Tưởng. “Một khi quân đội Trung Hoa (Quốc dân đảng) đã rải ra thì bao giờ chúng mới chịu rút đi và muốn cho chúng rút đi thì phải đánh đổi bằng giá nào...?”.

        Đờ Gôn muốn tìm cách sớm giải quyết vấn đề phức tạp này vì “nước Pháp càng chậm chân bao nhiêu thì tình hình càng xấu đi (đối với Pháp) bấy nhiêu”. Bởi vậy, từ tháng 8, cùng với việc cho quân vào xâm lược miền Nam Đông Dương, ông ta đã đi nhiều nước cờ đối với miền Bắc.

        Biết rõ bọn Tưởng đang lợi dụng hiệp nghị Pôxđam để đưa quân vào hòng giành lợi thế trong âm mưu “công quản quốc tế”, của Mỹ đối với Đông Dương, Đờ Gôn vội cử người đi Trùng Khánh để mặc cả với Tưởng. Mặt khác, ông ta điện cho Xanhtơny (đang phụ trách cơ quan tình báo Pháp DGER ở Côn Minh) vào ngay Hà Nội để tùy cơ ứng biến, “hành động gấp”, nhằm đem tiếng nói và lá cờ của Pháp vào miền Bắc Đông Dương. Bọn Pháp ở Hoa Nam căn cứ vào chỉ thị của Đờ Gôn để trao nhiệm vụ cụ thể cho Xanhtơny vào Hà Nội nhằm: 1. Xác định khi nào phái bộ Pháp có thể đáp máy bay từ Côn Minh đến Hà Nội; 2. Tìm nơi hạ cánh của máy bay chở phái bộ; có thể chọn hai sân bay Gia Lâm hoặc Bạch Mai; 3. Kiểm tra đề phòng nơi máy bay hạ cánh bị đặt mìn hoặc vật chướng ngại; 4. Tìm hiểu thái độ chính trị của các đảng phái khác nhau của “người An Nam” ở Hà Nội; 5. Nếu ở Hà Nội đã có chính quyền (quân sự hoặc dân sự) rồi thì thông báo cho họ biết rằng đại diện có thẩm quyền của Chính phủ Pháp sẽ đến và chỉ thị cho họ duy trì trật tự; 6. Tiếp xúc với những người cầm đầu cảnh sát và an ninh, thông báo cho họ biết ý đồ của Pháp; 7. Xác định địa điểm sẽ dùng làm trụ sở của phái bộ, có thể chọn phủ toàn quyền hoặc một tòa nhà ở gần đài phát thanh Bạch Mai; 8. Tổ chức canh gác sân bay và nơi sẽ dùng làm trụ sở của phái bộ Pháp...

        Rõ ràng Pháp coi Hà Nội là một mảnh đất vô chủ chứ không phải là thủ đô một nước mà toàn dân vừa đứng lên tổng khởi nghĩa và đã giành được chính quyền.

        Ngày 22 tháng 8, Xanhtơny theo chân viên thiếu tá tình báo Mỹ Pátti (Patti) đến Hà Nội. Ông ta bàng hoàng vì “bị ngập trong một thủ đô rợp cờ đỏ sao vàng... bị hoàn toàn cô lập trong một thành phố kích thích đến cao độ...”. Đó là về phía cách mạng. Còn về bạn “đồng minh Quốc dân đảng” thì Xanhtơny nhận xét rằng: lúc này “quân Tàu (Tưởng) đang kéo vào miền Bắc đông như một đàn châu chấu, dày đặc như một đám mây đen...”. Ngài đại diện của Pháp quốc cảm thấy mình lạc lõng, thân cô thế cô, “thiếu mọi điều kiện để hoạt động, kể cả một danh nghĩa chính thức, đến nỗi (ngài) chỉ còn biết trông vào sự may rủi...”.

        Thực tế ở Hà Nội đã giúp cho Xanhtơny rút ra kết luận: Nếu đặt vấn đề “quân Tưởng rút” để thảo luận với bọn Lư Hán đã là một việc khó khăn thì đặt vấn đề “quân Pháp trở lại” để thảo luận với chính quyền cách mạng càng không phải là một việc dễ dàng. Hai việc đó đều nhằm một mục đích: đưa lá cờ ba sắc cắm lên giữa đất Hà Nội này. Bởi vì, “thật là hoài sức khi hy vọng rằng có thể khôi phục được chủ quyền của Pháp ở Đông Dương nếu chúng ta (quân đội Pháp) không trở lại Hà Nội, thủ đô hành chính và tinh thần của Liên bang Đông Dương, trung tâm đầu não của cái bán đảo hiếu động này”.

        Đứng trước tình hình miền Bắc mà ông ta cho rằng “ngày càng xấu đi” đối với Pháp, giữa tháng 9, Xanhtơny đi gặp Đácgiăngliơ (bấy giờ đang ở Ấn Độ) để xin chỉ thị. Đầu tháng 10, trở lại Hà Nội với danh nghĩa và quyền hạn của ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương, theo chỉ thị của Đácgiăngliơ, Xanhtơny tìm gặp ngay bọn cầm đầu Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng (vừa theo gót quân Tưởng vào miền Bắc). Nhưng rồi (như sau này chính ông ta phải thừa nhận), Xanhtơny sớm hiểu ra rằng đó chỉ là những cuộc gặp gỡ “mang đầy tính chất lừa gạt”, rằng bọn Việt quốc - Việt cách chỉ là “những kẻ lá mặt lá trái”. Cuối cùng, ông ta mới tìm ra một kết luận đúng đắn là “chỉ có Cụ Hồ mới là người mà tôi phải gặp để đàm phán”. Ngày 15 tháng 10, được sự ủy nhiệm của cao ủy Đácgiăngliơ, Xanhtơny đã nhân danh Chính phủ Pháp xin gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:53:56 pm »


        Nếu lúc này thực tế ở miền Bắc đã khiến Xanhtơny không thể không nhận thấy sức mạnh của chính quyền cách mạng và buộc ông ta phải giao thiệp với chính quyền ấy thì Đờ Gôn và bọn cầm quyền ở Pari vẫn mù quáng, chưa thấy được tình hình ở Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi khác hẳn với sự suy nghĩ lỗi thời của họ.

        Các đại tá Phay và Uên (phái viên của Lơcléc) về báo cáo với Đờ Gôn rằng “tình hình (cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam đông Dương) tiến triển không đến nỗi xấu” và yêu cầu “sớm có quân tăng viện để có thể nhanh chóng đem quân đổ bộ ra Bắc Kỳ”. Vì vậy, dù đứng trước muôn vàn khó khăn về nội tình nước Pháp1, giới cầm quyền phản động vẫn phê chuẩn đề nghị của Lơcléc: dùng lực lượng quân sự để “đưa lá cờ Pháp ra đất Bắc Kỳ”.

        Thật ra đây chỉ là sự phê chuẩn chính thức của Đờ Gôn, vì ngay khi nghe tin không ép được ta trong cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn hồi đầu tháng 10 và biết đế quốc Anh đã tiếp tay “một cách hữu hiệu” cho quân Pháp ở miền Nam Đông Dương, ngày 10 tháng 10, nhà cầm quyền Pháp đã vời tướng Xalăng đến trao nhiệm vụ sang Đông Dương giúp Lơcléc chuẩn bị cho bước tiếp theo của cuộc chiến tranh xâm lược.

        Gặp Đácgiăngliơ ở Săngđécnago (Ấn Độ), Xalăng được viên cao ủy cho biết rằng tại Đông Dương, Pháp “đang đi trên một sợi dây căng thẳng giữa hai cái trục lung lay là Sài Gòn và Hà Nội... Phải củng cố hai cái trục đó thì Pháp mới hòng thắng được...”. Đácgiăngliơ trao cho Xalăng nhiệm vụ nghiên cứu đưa gấp số quân Pháp ở Hoa Nam2trở về Đông Dương. Theo viên trung tá Crevơcơ mới ở Trùng Khánh về cho biết, bọn Tưởng đang gây khó khăn trong việc này “khiến người ta cảm thấy người Tàu mưu đồ một cuộc mặc cả”.

        Ngày 23 tháng 10, Xalăng đến Sài Gòn và được Lơcléc bổ nhiệm chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc, bao gồm cả số quân Pháp đang ở Hoa Nam; được thay mặt tổng chỉ huy để giao thiệp với Lư Hán về việc đưa số quân ở bên kia biên giới trở lại Đông Dương.

        Theo chỉ thị số 164/C ngày 29 tháng 10 của Lơcléc, nhiệm vụ chủ yếu của Xalăng là chuẩn bị cho quân Pháp đặt chân lên đất Bắc Kỳ. Muốn vậy:

        1. Cần làm cho quân Tưởng đồng tình hoặc chí ít cũng làm ngơ trước việc quân Pháp vào miền Bắc. Trên nguyên tắc, đại diện của Mỹ là Mắc Áctơ đã đồng ý việc này. Điều quan trọng là tránh xảy ra xung đột với quân Tưởng khi Pháp kéo quân vào Bắc Kỳ.

        2. Phải nghiên cứu việc xâm nhập của số quân Pháp từ Hoa Nam vào Đông Dương (thời cơ, hướng vào, chiều sâu), đồng thời nghiên cứu việc đổ bộ của quân Pháp từ trong Nam ra (sẽ đổ bộ bằng những phương tiện hết sức hạn chế). Phải bảo đảm tính mạng cho người Pháp ở Hà Nội khi quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng.

        Sau khi nghiên cứu nhiệm vụ được trao, ngày 31, Xalăng trả lời hoàn toàn nhất trí: “Phải mang bằng được lá cờ Pháp ra Bắc Kỳ”.

        Hai viên tướng đã thống nhất kế hoạch đưa quân ra Bắc trên cơ sở ba lực lượng:

        1. Số quân có thể đưa từ miền Nam ra (họ dự kiến: sau khi sư đoàn 3e DIC sang, sẽ đưa sư đoàn 9e DIC, binh đoàn thiết giáp Mátxuy và trung đoàn 5e RIC ra Bắc).

        2. Bọn tù binh Pháp còn bị giam giữ ở Bắc Kỳ.

        3. Số quân ở Hoa Nam và số tàn binh đang hoạt động ở vùng duyên hải đông bắc Bắc Kỳ.

        Do khó khăn của “chính quốc”, ngoài sư đoàn 3e DIC, khó hy vọng có quân tăng viện thêm trong năm 1946.

        Sáng 1 tháng 11, Xalăng đáp máy bay ra Bắc, với nỗi lo lắng trước âm mưu của quân Tưởng. Lúc chia tay, Lơcléc dặn Xalăng: “Quá nhiều biến cố đã xảy ra rồi, không thể duy trì được một trật tự như cũ nữa đâu. Nghĩ lại lời dặn đó, Xalăng, có cảm giác rằng mình đang “hướng vào một cuộc phiêu lưu lớn...”. Nhưng rồi với đầu óc thực dân của một viên quan đồn Tây đã từng có mặt ở Đông Dương từ sau Đại chiến thứ nhất, Xalăng lại thấy “thật là đáng khích lệ, thật là vinh quang biết chừng nào khi góp phần vào việc làm cho nước Pháp trở lại được đất Bắc Kỳ, khi cắm lại lá cờ ba sắc lên mảnh đất hiện nay nó đang bị cấm không được tung bay...”.

---------------------
        1. Theo nguyên văn của Clốt Paya (Sđd, tr. 172): “ở Pari, người ta đang phải dùng roi để quất vào bao nhiêu con mèo khác”. Ý nói Đờ Gôn đang vấp phải quá nhiều khó khăn: chỉ hai ngày sau khi được chính thức bầu làm tổng thống, từ giữa tháng 11 bị dư luận đả kích mạnh, Đờ Gôn buộc phải cải tổ Chính phủ, để năm bộ trưởng cộng sản tham gia nội các (21-11); ngày 12 tháng 12, công chức tổng đình công; ngày 26 tháng 12 đồng phrăng sụt giá; ngày 31 tháng 12 cuộc xung đột nổ ra ở Quốc hội về ngân sách quân sự; ngày 20 tháng 1 năm 1946, Đờ Gôn buộc phải từ chức.

        2. Số quân Pháp bị Nhật đánh bại phải rút chạy sang bên kia biên giới Việt - Trung, sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:54:50 pm »


        Vừa tới Hà Nội, Xalăng đã luồn lọt được bọn chỉ huy quân Tưởng để vào trong thành nắm tình hình số tù binh Pháp đang bị giam giữ ở đây. Theo kế hoạch của Lơcléc, Pháp sẽ thả dù lính biệt kích vào trong thành Hà Nội để giải thoát cho bọn tù binh này. Vì vậy, sau khi nắm tình hình, Xalăng đã chỉ thị cho bọn này gấp rút chuẩn bị hành động. Tiếp đó, viên tướng đi Vân Nam chuẩn bị cho số quân ở bên kia biên giới trở lại Đông Dương. Được bọn cầm đầu chính quyền Tưởng giới Thạch ở Vân Nam bán cho một số vũ khí và lừa, ngựa, Xalăng chỉ thị cho bọn chỉ huy Pháp ở đây tổ chức lại thành các tiểu đoàn hoàn chỉnh, sau khi đã thanh lọc số lính không còn sức chiến đấu1. Tại Vân Nam, Xalăng còn gặp tướng Lư Hán, chỉ huy quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương và được viên tướng Quốc dân đảng này hứa sẽ để cho số quân Pháp ở Hoa Nam trở lại Đông Dương “khi có thời cơ thuận lợi”.

        Ngoài số quân ở Hà Nội và ở Vân Nam, Pháp còn tính đến một đám tàn binh khác cũng thoát chết hồi đảo chính Nhật, đang lén lút hoạt động ở vùng Thập Vạn Đại Sơn (Hoa Nam) và vùng duyên hải đông bắc Bắc Bộ. Xalăng giao cho viên đại tá Vike (Vicaire) tổ chức bọn này thành 6 đại đội và huấn luyện cấp tốc để chuẩn bị phối hợp đổ bộ lên Hải Phòng khi có lệnh.

        Viên đại tá tình báo Anh Uynxơn (Trevor Wilson) có mặt ở Hà Nội hồi ấy đứng ra làm trung gian để Pháp mua vũ khí của quân Tưởng.

        Xalăng, Xanhtơny và đồng bọn hy vọng rằng với chừng 8.000 quân2bước đầu được trang bị, họ có thể gặp nhiều thuận lợi trong việt thực hiện mưu đồ trở lại miền Bắc Đông Dương.

        Trong cuộc họp ngày 17 tháng 12 năm 1945 ở Sài Gòn, sau khi nghe Xalăng báo cáo, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp nhận định:

        1. Trở ngại lớn nhất cho việc đưa quân ra Bắc vẫn là sự có mặt của quân Tưởng3. Nhưng theo nguồn tin người Pháp ở Trùng Khánh cho biết thì Tưởng Giới Thạch sắp phải rút quân về nước để đối phó với phong trào cách mạng Trung Quốc.

        2. Lực lượng cách mạng ở miền Bắc Việt Nam tiến bộ rất nhanh về mọi mặt. Rõ ràng, chính quyền cách mạng sẽ là “một đối thoại cứng rắn” trong cuộc đàm phán, nhất là nếu Pháp không được Tưởng “giúp đỡ”.

        Chỉ riêng cao ủy Đácgiăngliơ và bọn thực dân Pháp ở Sài gòn (với đại diện là Badê) vẫn “coi thường vấn đề Việt Minh”. Họ cho rằng Lơcléc và Xalăng đã “quá cường điệu khả năng của Việt Minh”. Họ kiên quyết chống lại chủ trương thương thuyết với chính quyền cách mạng. Người ta biết ngày 15 tháng 11 năm 1945, Badê đã thảo ra một bản kiến nghị 35 trang đánh máy, trong đó y đòi gạt bỏ mọi cuộc thương lượng với “đế quốc An Nam” và đòi kết tội Việt Minh như bọn quốc xã (!). Badê viết: “... chúng ta không nên lần lữa và để mất thì giờ vào những cuộc thăm dò vô ích... Đã đến lúc ta phải đổi vai súng vì thời cơ thuận lợi đã đến, nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ làm sụp đổ tòa lâu đài nguy nga mà Pháp đã tốn công xây dựng qua nhiều thế hệ... Nước Pháp sẽ không còn là một cường quốc nếu nó không duy trì được nền văn hóa, các thể chế và lá cờ của mình, nói tóm lại là chủ quyền trên các lãnh thổ hải ngoại...”.

        Dưới con mắt của Đácgiăngliơ, Badê và đồng bọn, cuộc Cách mạng tháng Tám của nhân dân Việt Nam chỉ là một cuộc “nổi loạn phi pháp”, sức mạnh của nhân dân là “không thành vấn đề...”. Tuy nhiên, dù có điểm bất đồng trong việc đánh giá sức mạnh của chính quyền cách mạng ở miền Bắc Việt Nam, những kẻ cầm đầu quân viễn chinh Pháp đều thống nhất rằng sự có mặt của quân Tưởng là trở ngại lớn nhất đối với viện quân Pháp trở lại miền Bắc. Bởi vậy, vấn đề đầu tiên đặt ra với họ là phải thương lượng ngay để Trùng Khánh sớm rút quân về nước và quân Pháp có thể thay thế vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1946.

        Xalăng được giao nhiệm vụ đi Trùng Khánh, mang theo thư riêng của Lơcléc gửi cho Via (Carton de Viart, đại diện Thủ tướng Anh bên cạnh Tưởng Giới Thạnh, “được Tưởng tín nhiệm”) để viên đại diện Anh vận động Trùng Khánh đồng tình cho Pháp đưa quân vào Bắc Việt Nam.

        Ngày 5 tháng 1 năm 1946, Xalăng lên đường đi Trùng Khánh và cuộc mặc cả Pháp - Hoa bắt đầu về những vấn đề quan hệ tới chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên ngày 8, Pháp yêu cầu Tưởng:

        1. Cho bọn lính Pháp ở Vân Nam trở lại Đông Dương qua hướng Lai Châu.

        2. Pháp được phép trang bị cho số tù binh hiện đang bị giam giữ ở Hà Nội “để bảo vệ Pháp kiều đang bị uy hiếp” (?), với điều kiện: súng sẽ đưa từ Sài gòn ra; sau khi được trang bị, Pháp bảo đảm không để bọn lính này ra khỏi thành Hà Nội; việc trang bị được giữ bí mật đối với Việt Minh.

        3. Cho phép quân đội Pháp được thường xuyên sử dụng các sân bay ở Bắc Đông Dương.

        Mãi đến ngày 16, phía Tưởng mới trả lời: chấp thuận cho quân Pháp từ Vân Nam trở về Thượng Lào theo đường Lai Châu. Điểm 2 và điểm 3 chưa được Trùng Khánh chấp thuận. Phía Pháp bắt đầu đánh hơi thấy bọn Tưởng muốn gây khó khăn (mặc dù Pháp chưa nêu vấn đề Tưởng rút quân và Pháp đưa lực lượng vào thay thế). Vấn đề đã khá rõ: Tưởng muốn kiếm chác trong cuộc mặc cả này.

        Qua đại sứ quán Hà Lan ở Trùng Khánh, Xalăng nắm chắc thế nào Tưởng sớm muộn gì cũng phải rút quân về nước; cho nên Pháp chủ trương để đại diện tiếp tục cuộc mặc cả với Tưởng, mặt khác, khẩn trương tổ chức lại số quân ở Vân Nam để đưa gấp về miền Bắc Đông Dương. Vấn đề đặt ra là làm sao cho hơn 3.500 quân đó thoát khỏi tình thế bị giam lỏng và đặt chân sang bên này biên giới càng sớm càng tốt.

        Ngày 22 tháng 1 năm 1946, sau hơn 10 tháng chạy trốn khỏi Đông Dương, đám tàn quân bại trận của Pháp được Tưởng bật đèn xanh lần lượt vượt biên giới xâm nhập miền Bắc Việt Nam (tất nhiên chúng bất chấp quy định của Tưởng là phải trở về Thượng Lào). Đến ngày 20 tháng 2, tên lính cuối cùng trong tổng số 3.561 tên lính Pháp và lính tay sai đã đặt chân vào Tây Bắc Bắc Bộ; chiếm đóng trái phép Phong Thổ, Lai Châu, Tuần Giáo, Điện Biên và một phần bắc tỉnh Sơn La.

---------------------
        1. Đến cuối năm 1945, số tàn binh Pháp (thoát chết trong cuộc đảo chính Nhật, chạy sang Côn Minh) còn khoảng 5.600 tên (239 sĩ quan, 2.140 lính Âu - Phi, 3.223 lính Đông Dương). Sau khi thanh lọc, còn lại 1.508 sĩ quan và lính Âu - Phi, 2.053 lính Đông Dương, được tổ chức thành một tiểu đoàn của trung đoàn lê dương 5e REI, một tiểu đoàn của trung đoàn 9e RIC, một tiểu đoàn lính Thượng, một tiểu đoàn khố đỏ của trung đoàn 4e RTT, một số đơn vị pháo cùng cơ quan chỉ huy và phục vụ.

        2. Ở Hà Nội: chừng 4.000, Hoa Nam: 3.560; vùng đông bắc và vịnh Hạ Long: chừng 900.

        3. Theo số liệu tình báo Pháp ở Hà Nội nắm được, quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương có tới 220.000 tên, bao gồm 80.000 lính chính quy ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, cộng với 130.000 lính tạp dịch và sư đoàn 93 (15.000 tên) ở Thượng Lào. Ngoài ra, ở miền Bắc còn 35.000 lính Nhật sẵn sàng theo lệnh quân Tưởng chống lại việc quân Pháp vào miền Bắc Đông Dương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:55:40 pm »


THIỆN CHÍ VÀ ĐẠI BÁC

        Theo dõi các cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam và Pháp từ sau Cách mạng tháng Tám, qua báo chí, qua các lời tuyên bố của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhiều ký giả Pháp và phương Tây đều phải công nhận lập trường trước sau như một của Việt Nam là: độc lập, thống nhất và hợp tác bình đẳng với nước Pháp.

        Nhà báo Pháp Blăngsê (André Blanchet) kể lại: trong một cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố rằng nếu nước Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam thì Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ cử một đoàn đại biểu sang thăm hữu nghị và cảm ơn nước Pháp. Như vậy Chính phủ Pháp không hề mất thể diện vì công nhận Việt Nam độc lập mà trái lại, việc đó chỉ làm cho uy tín của nước Pháp được đề cao trên trường quốc tế. Blăngsê còn cho biết khi ông ta hỏi: “Thưa Chủ tịch, phải chăng như vậy có nghĩa là phía Việt Nam muốn đòi được tất cả mà không nhân nhượng chút gì?” thì ông ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rằng Việt Nam sẵn sàng nhân nhượng, nhất là về kinh tế. Nhân dân Việt Nam muốn tiếp đón những giáo viên chứ không tiếp đón những ông chủ. Người Việt Nam muốn mình là những người cộng tác, thậm chí là những người học trò nhưng quyết không muốn trở lại là những người nô lệ. Việt Nam rất cần những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư... nhưng không cần những viên quan cai trị...

        Trong cuốn Hồ Chí Minh, dịp may cuối cùng, khi nói về thái độ của Pháp trong thời kỳ này, tác giả Hăngri Adô đặt vấn đề: đáp lại những lời kêu gọi đầy tinh thần hòa giải đó, chính sách của nước Pháp thế nào? Đáng lẽ phải thấy thiện chí của phía Việt Nam thì người ta lại đánh giá sai lầm đối phương. Ở Pari, người ta vẫn khư khư ôm lấy bản tuyên bố 24 tháng 3. Bản tuyên bố đó được Đờ Gôn nặn ra trên cơ sở một giả thuyết đầy ảo tưởng là “lòng trung thành không hề lay chuyển của Đông Dương đối với nước Pháp”. Giả thuyết đó đã được thực tế chứng minh là khó có thể tin được.

        Nhưng giới cầm quyền Pháp vẫn mù quáng. Triển vọng của cuộc mặc cả ở Trùng Khánh, trước mắt là hành động tiếp tay của Tưởng Giới Thạch để Pháp đưa số quân ở Hoa Nam vào Bắc Đông Dương, càng làm cho bọn thực dân Pháp ở Pari và Sài gòn tin rằng họ có thể dùng chính sách sức mạnh. Trong khi báo chí phản động ở Pari, nhất là tờ Chiến đấu (Combat), không ngừng đổi trắng thay đen, vu khống Mặt trận Việt Minh, kêu gào gạt bỏ thương lượng... thì cuối tháng 1 năm 1946. Chính phủ Pháp cử Mắc Ăngđrê (Max André) sang gây sức ép, buộc phía Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp nhận những điều kiện do Pháp đề ra. Tiếp đó cao ủy Đácgiăngliơ tuyên bố: “Để biểu thị quan điểm riêng của mình, Nam Kỳ sẽ thành lập quốc hội”. Sau đó không lâu, bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn cho ra đời cái gọi là “Hội đồng tư vấn Nam Kỳ”.

        Phải nhận rằng, trong thời kỳ này, ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội, có một số người Pháp (như Lơcléc, Xanhtơny) ít nhiều tỏ ra “thức thời” hơn. Thực tế tình hình kiệt quệ của nước Pháp sau chiến tranh, kết quả 5 tháng đọ sức trên chiến trường miền Nam Việt Nam, sức mạnh của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa được toàn dân ủng hộ, tất cả những điều đó tuyệt đối không làm cho họ có “thiện chí” tới mức từ bỏ mưu đồ “đưa lá cờ ba sắc trở lại miền Bắc”, nhưng cũng buộc họ phải có những suy nghĩ khác, biết điều hơn những tên thực dân ngoan cố nhất.

        Qua các báo cáo của Lơcléc cũng như hồi ký của Xanhtơny viết sau này, người ta thấy mặc dù chính họ không muốn chấp nhận bất kỳ điều gì do phía Việt Nam đưa ra nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng không thể dùng công thức Bản tuyên bố 24-3-1945 + đại bác mà đưa được quân ra đất Bắc Kỳ. Giành được sự tiếp tay của Tưởng chưa đủ mà nhất thiết phải thương lượng với Chính phủ Việt Nam (một đối thủ mà họ coi là “cứng rắn”, “đó là điều kiện tiên quyết để quân Pháp có thể đặt chân vào Hà Nội”. Họ thường nhấn mạnh những khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ, nhất là những khó khăn do quân Tưởng và bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng - Việt Nam Cách mệnh đồng minh gây ra. Nhưng mặt khác họ phải thừa nhận rằng “chính quyền đó rất vững chắc vì nó đại diện cho một phong trào quốc gia về thực chất rất mạnh, không thế lực nào có thể dập tắt nổi... Uy tín của chính quyền đó rất lớn... chính quyền đó có thể phát động một cuộc chiến tranh không gì chống lại được, nhưng nó có thể dẫn dắt nhân dân đi theo đường lối hòa bình...”. Thà rằng việc đàm phán và ký kết có “khiến cho một chính phủ do cộng sản lãnh đạo được chính thức hóa trên trường quốc tế, nhưng chính phủ đó vẫn ở Hà Nội và hợp tác với Pháp” còn hơn là dùng sức mạnh đưa quân vào miền Bắc, “khiến chính phủ đó rút lên miền rừng núi để tiến hành chiến tranh du kích chống lại Pháp...” Nước Pháp suy yếu và bị giằng xé sau 4 năm chiến tranh “dù có 500.000 quân cũng không đủ sức mạo hiểm đương đầu trong một cuộc xung đột quy mô lớn với cả một tập thể quốc gia 24 triệu dân đang anh dũng đấu tranh để bảo vệ một lãnh thổ rộng bằng 2/3 nước Pháp...”. Tóm lại theo quan điểm của những người được coi là “thức thời” này “vào Bắc Kỳ bằng sức mạnh là điều có thể dự kiến, nhưng rõ ràng việc đó sẽ dẫn đến tai biến... Thật chẳng dại gì mà lao đầu vào lửa bằng một cuộc đổ bộ theo kiểu thực dân trước đây...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:56:06 pm »


        Họ cũng đã từng đặt vấn đề: vì sao phía Việt Nam chủ trương đàm phán và hợp tác với Pháp? Rồi họ tự trả lời: “Cụ Hồ Chí Minh là người thực tiễn. Đường lối chính trị tiến chắc từng bước một của Cụ là đường lối đúng đắn nhất để tiến tới một nền độc lập hoàn toàn mà từ lâu Cụ khao khát đem lại cho đất nước mình”. Hơn nữa, “phía Việt Nam chủ trương hợp tác với Nước Pháp Mới là lôgích, là có lợi. Nếu bị thất vọng (ý nói nếu Pháp giở giáo) thì thời gian đã cho phép Việt Minh dùng chiến tranh du kích để đương đầu với những thử thách trong điều kiện thuận lợi hơn” (quân Tưởng đã rút, bọn tay sai của Tưởng đã bị tiêu diệt và nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù duy nhất còn lại là quân đội Pháp xâm lược).

        Tiếc rằng những “suy nghĩ khôn ngoan” trên đây chỉ được họ nói lên trong những cuốn hồi ký viết ra hàng chục năm sau. Còn lúc đó (1946), sở dĩ họ tỏ ra “thức thời” vì so sánh lực lượng không cho phép họ tiêu diệt chính quyền cách mạng, mặc dù đó là điều họ rất mong muốn, cũng là mục đích cuối cùng của đạo quân viễn chinh dưới quyền chỉ huy của họ. Tuyệt đối không phải vì thiện chí mà do tình thế buộc họ phải gặp gỡ để thương lượng với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Cuộc đàm phán Việt - Pháp diễn ra từ hạ tuần tháng 9 năm 1945 đến cuối tháng 1 năm 1946 vẫn chưa đem lại kết quả tích cực nào. Theo nhận xét của H. Adô, từ Alécxăngđri và Pinhông (Lon Pignon) lúc đầu tiếp đến Xanhtơny và Xalăng, phía Pháp vẫn tỏ ra hết sức ngoan cố trên những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc. Trong khi về phía Việt Nam “hòn đá thử vàng của tình hữu nghị (Việt - Pháp) là nước Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam”... và “Chính phủ Hà Nội đòi ba kỳ phải được thống nhất”, thì về phía Pháp, họ vẫn bám lấy bản tuyên bố 24 tháng 3, đòi chia (Đông Dương) thành năm xứ riêng biệt và đối lập với nhau trong cái gọi là Liên bang Đông Dương chưa hình thành... “Đó là lập trường không lôgích (của Pháp) như Việt Minh đã nhận xét, vì Pháp thảo luận vấn đề Nam Kỳ với Chính phủ ở Hà Nội là chính phủ của cả ba kỳ”. Sau nhận xét trên đây, Adô đặt vấn đề: “nếu như Nam Kỳ là một xứ riêng biệt thì sao phía Pháp lại bàn vấn đề này với Chính phủ ở Hà Nội; hoặc Nam Kỳ không phải là một xứ riêng biệt mà Pháp từ chối việc thống nhất ba kỳ thì thật là vô lý...”.

        Về việc “quyết định số phận tương lai của Nam Kỳ”, Adô cho rằng “người Việt Nam không sợ một cuộc trưng cầu ý dân nếu việc đó được tiến hành tự do, không bị chính quyền địa phương (ý nói ngụy quyền ở Nam Bộ) gây sức ép. Còn người Pháp thì trù tính cuộc “trưng cầu ý dân sẽ được diễn ra dưới sự bảo vệ của lưỡi lê Pháp”.

        Trong cuộc gặp gỡ ngày 8 tháng 2 năm 19461, phía Pháp đưa vấn đề “quân Pháp sắp đổ bộ lên đất Bắc Kỳ” để hòng gây sức ép với đối phương. Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trả lời thẳng thắn cho họ biết rằng: Việt Nam muốn giữ mối quan hệ hữu nghị và bình đẳng với nước Pháp. Nhưng Việt Nam cũng quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyết không lùi bước nếu phía Pháp muốn dùng vũ lực. Pháp là một nước lớn. Chúng tôi yêu mến nước Pháp nhưng chúng tôi quyết không muốn sống nô lệ. Các ông có nhiều quân, trang bị đầy đủ. Chúng tôi có ít tay súng nhưng chúng tôi có sức mạnh của cả dân tộc. Một lính Pháp có thể giết mười người dân Việt Nam thì mười người dân Việt Nam cũng sẽ giết được một lính Pháp. Nếu Pháp đánh bại Việt Nam thì chiến thắng đó chẳng có gì đáng kể. Ngược lại, nếu Việt Nam đoàn kết mọi lực lượng đánh bại Pháp thì đó sẽ là một chiến công rất vĩ đại... Các ông đổ bộ, chúng tôi không thể cấm các ông điều đó. Nhưng rồi máu sẽ đổ và đó là điều không hay ho gì, chúng tôi cũng không muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi không thể chấp nhận trở lại làm nô lệ. Nếu Pháp coi mình là đất nước của tự do thì Nước Pháp Mới phải để cho chúng tôi cũng có quyền hưởng tự do...

        Cứ như thế, do thái độ ngoan cố của phía Pháp, thêm một tháng nữa, tháng 2 năm 1946 trôi qua. Cuộc thương lượng vẫn không ra khỏi chỗ bế tắc.

------------------
        1. Lúc này sư đoàn 3e DIC đã đến Sài Gòn và đang chuẩn bị thay thế để sư đoàn 9e DIC của Valuy và binh đoàn xe bọc thép của Mátxuy ra Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:57:59 pm »


KHÔNG THỂ KHÔNG KÝ KẾT

        Từ đầu tháng 2, tại bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp ở Sài Gòn, kế hoạch đưa quân ra Bắc được phê duyệt nhằm “nhanh chóng chiếm các đô thị và đường giao thông chiến lược ở Bắc Kỳ”. Theo kế hoạch đó:

        - Sư đoàn 9e DIC dưới quyền chỉ huy của tướng Valuy sẽ cùng với binh đoàn xe bọc thép của đại tá Mátxuy đổ bộ lên cảng Hải Phòng có sự phối hợp của số quân đã được Vike chuẩn bị ở vùng duyên hải Đông Bắc.

        - Lính biệt kích của trung đoàn 5e RIC sẽ nhảy dù xuống giải thoát và trang bị cho số quân Pháp còn bị quân Tưởng giam giữ trong thành Hà Nội, rồi cùng bọn này bao vây cô lập Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chốt giữ những địa điểm xung yếu ở thủ đô, đợi quân từ Hải Phòng lên sẽ phối hợp đánh chiếm toàn thành phố Hà Nội.

        - Từ hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, sẽ phát triển dần ra chiếm các vị trí chiến lược trên toàn miền Bắc Việt Nam.

        Như nhiều sử gia Pháp đã nhận xét, thật là một kế hoạch hành quân “chỉ có thể thực hiện được trên một mảnh đất không người”, mà miền Bắc Việt Nam đâu phải là mảnh đất không người đó? Cho nên, dù kế hoạch đã được vạch ra, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp vẫn thấy là quá mạo hiểm. Giải pháp duy nhất đối với họ trước sau vẫn là phải tiếp tục đàm phán, cả với bọn Tưởng, cả với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Bị thất bại trong âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam và buộc phải sửa soạn rút quân về đối phó với phong trào cách mạng trong nước, bọn Tưởng Giới Thạch mưu toan dùng bàn tay Pháp để đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Tuy vậy, trước yêu cầu cấp bách của Pháp muốn nhanh chóng đưa quân ra miền Bắc trước mùa mưa, bọn Tưởng cố tình trì hoãn, buộc Pháp phải nhân nhượng nhiều hơn nữa về quyền lợi kinh tế, đổi lấy việc quân Tưởng để cho quân Pháp vào thay thế. Do đó. cuộc mặc cả ở Trùng Khánh vẫn chưa đi đến ngã giá. Trong cuộc gặp gỡ với Lư Hán ở Hà Nội ngày 22 tháng 2, Pháp cố vin mọi cớ để nài xin bọn chỉ huy quân Tưởng cho phép đổ bộ lên Hải Phòng vào đầu tháng 3 nhưng Lư Hán, Tiêu Văn, Chu Phúc Thành nhất mực từ chối, “vì chưa có lệnh của Trùng Khánh”. Hơn nữa, cả Pháp và Tưởng đều thấy nếu không được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp thuận, khi Pháp đổ bộ tất sẽ xảy ra xung đột, như vậy bọn Tưởng sẽ mất mặt và vấn đề sẽ trở nên phức tạp.

        Trong khi đó cuộc thương lượng Việt - Pháp vẫn tiếp diễn. Từ giữa tháng 2, hai bên đã thống nhất một số điểm cơ bản làm nền tảng cho một bản hiệp định. Nhưng rồi đánh hơi thấy triển vọng có thể đi đến ký kết với Tưởng, phía Pháp lại mưu toan ép phía Việt Nam một lần nữa. Trong chỉ thị đề ngày 25 tháng 2 gửi cho đại diện Pháp ở Trùng Khánh và ở Hà Nội, tướng Lơcléc đã nói rõ âm mưu đó:

        1. Trong khoảng từ 27 tháng 2 đến 10 tháng 3, khi nào có tin bản thỏa hiệp được ký kết ở Trùng Khánh, lập tức bộ chỉ huy Pháp ở Sài Gòn sẽ hạ lệnh cho tàu nhổ neo ra Bắc.

        2. Nếu không có điều kiện đổ bộ ồ ạt (do thủy triều và nhất là do vấp phải sự đánh trả của đối phương), quân Pháp sẽ đổ bộ phân tán bằng nhiều xuồng nhỏ trên nhiều hướng.

        3. Sau ngày 10 tháng 3, chỉ còn một đợt thủy triều (vào ngày 18 tháng 3). Dù chưa ký kết được với Trùng Khánh, Lơcléc cũng nhân lúc cao ủy Đácgiăngliơ về Pháp mà tiến hành đổ bộ, trừ trường hợp có sự ngăn cấm dứt khoát của Pari.

        4. Cần nhấn mạnh rằng việc quân Pháp đổ bộ không thể được coi là tiếp phòng (relève) quân đội Tưởng mà là sự trở lại (retour) của quân đội Pháp vào Bắc Kỳ.

        Ngày 27, tại Hà Nội, tướng Xalăng đưa ra những nội dung trên đây nhằm gây sức ép, nhưng đã vấp phải thái độ cứng rắn của đối phương. Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kiên quyết bác bỏ cái gọi là sự trở lại của quân Pháp và chỉ chấp nhận quân Pháp vào tiếp phòng quân đội Tưởng với quân số và khu vực đóng quân do hai bên sẽ thỏa thuận. Thái độ cứng rắn đó đi đôi với cả quá trình thực sự chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Việt Nam (nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, các đô thị khác và dọc các đường giao thông lớn) đã buộc Pháp phải dè chừng trong âm mưu ép đối phương về quân sự.

        Trước tình hình khẩn trương và căng thẳng vì gần đến “ngày thủy triều cho phép”, Pháp buộc phải nhân nhượng với Tưởng. Bản hiệp ước Pháp - Hoa được ký kết ở Trùng Khánh ngày 28 tháng 21.

---------------------
        1. Đây là sự ngã giá trong cuộc mặc cả kéo dài giữa Pháp và Tưởng, bất chấp chủ quyền dân tộc của ta. Theo hiệp ước Pháp - Hoa 28 tháng 2, Pháp trả lại cho Tưởng các tô giới và “đất mướn” trên lãnh thổ Trung Hoa; bán lại cho Tưởng đoạn đường sắt Vân Nam - Lao Cai; nhận với Tưởng coi Hải Phòng là cảng tự do, hàng hóa của Tưởng vào Bắc Kỳ qua cảng được miễn thuế. Đổi lại, Trùng Khánh đồng ý cho Pháp đem quân vào thay thế quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương. Việc thay quân hoàn tất trong vòng từ ngày 1 đến 15 tháng 3, chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm 1946.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:58:28 pm »


        Ngay sau khi nhận được điện của Xalăng báo cáo về việc ký kết ở Trùng Khánh, ngày 1 tháng 3 Lơcléc hạ lệnh cho đoàn tàu chiến nhổ neo ra Bắc, trong khi đó thì lính biệt kích của trung đoàn 5eRIC túc trực ở sân bay Tân Sơn Nhất, sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Vì sao Lơcléc vội vã như vậy? Sau này Xalăng thú nhận trong Hồi ký rằng không phải vì lý do thủy triều. Trong tháng 3 có hai đợt thủy triều vào những ngày 6 và 18. Hơn nữa, tàu đổ bộ cỡ nhỏ của Pháp có thể tiến vào các cửa sông dễ dàng. Mà dù có lý do thủy triều, “ông tổng chỉ huy vẫn có thể chờ đến ngày 18, khi mà cuộc thương thuyết với Hà Nội rất có thể đã đưa đến một bản hiệp định”. Âm mưu của Lơcléc định dùng lực lượng quân sự để gây sức ép với chính quyền cách mạng Việt Nam trong cuộc thương lượng đã bị chính Xalăng vạch trần.

        Tuy vội vã hạ lệnh nhổ neo nhưng suốt cuộc hành trình 5 ngày trên biển, Lơcléc vẫn đốc thúc Xanhtơny gấp rút tiến tới ký kết với Việt Nam. Viên tướng thực dân được coi là “thức thời” này hẳn biết rằng nhân dân Việt Nam quyết không chịu “nhắm mắt nuốt chửng bản hiệp ước Pháp - Tưởng” để cho quân Pháp tự do hành động. Hơn nữa, chính bọn Tưởng cũng nhận thấy rằng chúng không dễ gì thực hiện được bản hiệp ước 28 tháng 2 nếu giữa Việt Nam và Pháp không đi đến chỗ ký kết, nhất là khi dư luận Việt Nam đã lên án Chính phủ Trùng Khánh bán đứng Đông -Dương cho Pháp.

        Ở Hà Nội cũng như ở Hải Phòng, ngày 4 tháng 3 là ngày căng thẳng đối với Pháp cũng như đối với bọn cầm đầu quân Tưởng. Tàu chiến Pháp sắp vào vịnh Bắc Bộ. Trùng Khánh chưa dám lệnh cho Lư Hán bật đèn xanh cho quân Pháp đổ bộ, trong khi đó thì quân dân Việt Nam ở các đô thị, nhất là Hải Phòng và Hà Nội đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Để đề phòng bị mất thể diện nếu để xảy ra xung đột, bọn Lư Hán - Tiêu Văn phải ra tuyên bố ngăn đe: nếu Pháp đổ bộ trước khi ký kết với Việt Nam thì quân Tưởng ở Hải Phòng sẽ nổ súng vào tàu Pháp.

        Thời hạn đổ bộ theo kế hoạch của Pháp chỉ còn một ngày (5-3), nhưng trong cuộc gặp gỡ chiều 4 tháng 3, phía Pháp vẫn chưa chấp nhận điều kiện do đại diện Chính phủ ta đưa ra. Trước tình hình đã trở nên rất khẩn trương, ngày 5 tháng 3, viên đại tá Lơcông, tham mưu trưởng quân viễn chinh pháp, đã nhân danh tổng chỉ huy Lơcléc biên thư cho Xanhtơny, thúc giục phải ký gấp, “dù sáng kiến đó có bị phản đối”. Theo Lơcông thì ngày đổ bộ đã quy định, không thể thay đổi nhưng cũng không được để nổ ra xung đột với Việt Nam vì như thế sẽ bất lợi cho cả Pháp lẫn Tưởng.

        21 giờ ngày 5 tháng 3 năm 1946, phía Pháp buộc phải chấp nhận giải pháp 5 điểm do phía Việt Nam đưa ra, làm cơ sở cho bản hiệp định sẽ được ký kết ngày hôm sau:

        1. Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ tự chủ (self government), có nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, đứng trong Liên bang Đông Dương.

        2. 15.000 quân Pháp và 10.000 quân Việt Nam sẽ tiếp phòng quân đội Tưởng.

        3. Người Việt Nam sẽ bỏ phiếu để quyết định chế độ tương lai của Nam Bộ bằng một cuộc trưng cầu ý dân.

        4. Tạm đình chiến ở miền Nam.

        5. Các vấn đề khác sẽ được quyết định trong các cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên sau này.

        Việt ký kết bản hiệp định dự định sẽ được tiến hành vào chiều 6 tháng 3 thì 9 giờ sáng hôm đó, Pháp vội vã cho tàu chiến tiến vào cảng Hải Phòng. Quân Tưởng nổ súng. Sau hơn hai mươi phút bị động lúng túng, tàu Pháp bắn trả. Cuộc đọ súng kéo dài trên hai giờ liền và kết quả là kho đạn của Tưởng ở cảng bị nổ tung, trên 70 tên Pháp trên tàu chiến bị chết và bị thương (trong số bị thương có tướng Valuy, chỉ huy sư đoàn 9eDIC).

        Trước nguy cơ một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra (trước hết là giữa quân Pháp và quân Tưởng) việc ký kết bản hiệp định Việt - Pháp càng trở thành một yêu cầu cấp bách không những đối với Pháp mà cả với bọn chỉ huy quân đội Tưởng.

        16 giờ 30 phút ngày 6 tháng 3, ở vào “tình thế bị bức bách và không một phút danh dự”, như Adô nhận xét, đại biểu Chính phủ Pháp buộc phải cùng Chính phủ ta ký kết bản Hiệp định sơ bộ. Sau 24 giờ, Pháp được phép đổ bộ lên Hải Phòng. Một tuần lễ sau được sự dung túng và bao che của bọn chỉ huy quân Tưởng, Pháp trang bị cho số quân của chúng ở trong thành Hà Nội vừa được bọn Lư Hán thả ra. Sau 12 ngày chờ đợi ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, ngày 18 tháng 3, Lơcléc dẫn đầu 1.200 quân thuộc sư đoàn 9e DIC và binh đoàn xe bọc thép, gồm 200 xe vận tải và thiết giáp, từ Hải Phòng tiến lên Hà Nội. Điều làm cho bọn Pháp hết sức ngạc nhiên là thái độ bình tĩnh và lạnh nhạt của nhân dân Hải Phòng, Hà Nội và suốt dọc đường số 5.

        Đặt chân tới thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuy bề ngoài Lơcléc huênh hoang tuyên bố “Hà Nội là chặng đường cuối cùng của công cuộc giải phóng” (!), nhưng trong thâm tâm, viên tổng chỉ huy Pháp lại hết sức lo ngại bất kỳ hành động khiêu khích nào dù nhỏ của quân Pháp cũng có thể dẫn đến kết quả “ném lửa vào kho thuốc súng”. Bởi vậy, trong chỉ thị gửi cho Xalăng ngay khi tới Hà Nội và trong nhật lệnh gửi quân đội Pháp ngày 22 tháng 3, Lơcléc nhấn mạnh: phải tránh mọi hành động xúc phạm đến tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam. Lơcléc cấm kiều dân Pháp biểu tình, cấm các cơ quan thông tin của Pháp nói đến “vấn đề Nam Kỳ”, đồng thời hạ lệnh cho quân Pháp “sẵn sàng đối phó với mọi tình thế bất trắc”. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:59:21 pm »


GIỞ GIÁO

        Sau khi Hiệp định sơ bộ được ký kết, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tập trung mọi cố gắng nhằm đấu tranh để cùng phía Pháp thi hành những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận và chuẩn bị điều kiện tiến tới cuộc đàm phán chính thức ở Pari. Trong khi đó, phía Pháp lại “nghĩ rằng họ đã đổ bộ được vào Bắc Kỳ và đứng vững chân rồi thì, với xe tăng và máy bay Spitfire, họ sẽ nói chuyện (!) thoải mái hơn rất nhiều”. Họ tìm mọi cách xuyên tạc và phá hoại ngay khi bản hiệp định còn chưa ráo mực.

        Ở Sài Gòn “nơi mà người ta (Pháp) cứ tưởng rằng mình đã là kẻ chiến thắng (!), chỉ riêng ý nghĩ về một cuộc thương lượng (chính thức trên đất Pháp) cũng đủ khiến cho họ lo ngại”. Chẳng thế mà một chiến dịch xuyên tạc đã sớm được tung ra ở Sài gòn, bắt đầu bằng bản tuyên bố ngày 12 tháng 3. Trong bản tuyên bố đó, Đácgiăngliơ và Xêđin trắng trợn nói: Hiệp định sơ bộ chỉ là “một bản hiệp định cục bộ giữa chính quyền Hà Nội với ủy viên Cộng hòa Pháp tại miền Bắc”... Họ còn tiết lộ rằng trong thời gian tới, “Nam Kỳ cũng sẽ có một chính phủ riêng, quốc hội riêng, tài chính riêng...”. Vài ngày sau đó, tại Pari, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mutê (Marius Moutet) cũng ra một bản tuyên bố lắp lại hầu như toàn văn lời Đácgiăngliơ và Xêđin, kèm theo những lời vừa lừa bịp, vừa ngăn đe.

        Được Pari khuyến khích, thực dân Pháp ở Sài Gòn tìm mọi thủ đoạn để trì hoãn cuộc đàm phán chính thức ở Pari. Ý đồ của họ là làm sao cuộc đàm phán không diễn ra trên đất Pháp hoặc bắt đầu càng chậm càng tốt để họ có thời gian tiếp tục những “việc đã rồi”. Họ hy vọng rằng, với kết quả cuộc bầu cử mùa hè sắp tới. Chính phủ Pháp sẽ có thêm nhiều phần tử thuộc phái hữu, Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu bác bỏ việc tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề Nam Bộ khiến cho một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của Việt Nam (vấn đề thống nhất đất nước) mà cuộc đàm phán chính thức sẽ phải bàn tới đã bị loại ngay từ đầu.

        Mặt khác, chỉ có trì hoãn cuộc đàm phán ở Pari thì bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn mới có đủ thời gian để tìm những tên tay sai đứng ra cầm đầu cái “chính phủ tự trị” mà họ sắp nặn ra ở Nam Kỳ. Theo báo chí Sài Gòn, cho tới bấy giờ “Pháp vẫn chưa tìm được nhân vật nào sẵn sàng dấn thân vào cái trò mạo hiểm đó”. Những tên lăm le ra làm bù nhìn đều cảm thấy “nguy cơ phải đón lấy một sự trừng trị của cả một khối tập thể thống nhất, cũng tức là phải đương đầu với lãnh tụ của khối thống nhất đó là Mặt trận Việt Minh”.

        Hơn nữa nếu cuộc đàm phán chính thức tiến hành càng sớm bao nhiêu thì họ càng không đủ thời gian để tuyên truyền lừa bịp cho cái gọi là “chủ nghĩa tự trị”. Người ta biết rằng “cơ sở lý tưởng” của cái chủ nghĩa đó dựa theo một văn kiện được mệnh danh là “Thông cáo của phái đoàn điều tra về Nam Kỳ”, trong đó bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn đã bịa đặt ra những dẫn chứng về lịch sử và nhân chủng, về kinh tế, chính trị và tầm quan trọng về chiến lược để kết luận rằng: Nam Kỳ là một xứ riêng biệt, không có quan hệ gì đến các lãnh thổ khác của Việt Nam (!).

        Một chi tiết đáng chú ý là, nếu trong hành động thực tế, Đácgiăngliơ tìm mọi cách phá hoại Hiệp định sơ bộ (vì trong thâm tâm, hắn cho rằng đây là “một vụ đầu hàng theo kiểu Muyních ở Đông Dương”), thì, để lừa bịp dư luận, hắn lại công khai uốn lưỡi tỏ ra “rất tán thành” bản hiệp định đó. Trong một bức điện gửi cho Varen (Alexandre Varenne đảng viên xã hội, cựu toàn quyền Pháp ở Đông Dương, khi đó là chủ tịch Hội Liên hiệp quốc gia Pháp vì Đông Dương), Đácgiăngliơ hết lời ca ngợi (!) việc ký kết một bản hiệp định “có lợi” cho Pháp về mọi mặt quốc gia và quốc tế, kinh tế và văn hóa cũng như... chủ quyền (!).

        Một biểu hiện cụ thể của mưu đồ trì hoãn và phá hoại cuộc đàm phán chính thức sắp tới là: trong cuộc đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vịnh Hạ Long ngày 24 tháng 3 Đácgiăngliơ đã nêu vấn đề cấp thiết phải tiến hành một cuộc hội nghị trù bị ở Đà Lạt nhằm “san phẳng mọi vấn đề”, mặc dù, như mọi người đều biết, Hiệp định sơ bộ không quy định phải có hội nghị trù bị trước khi đàm phán chính thức.

        Trong cuộc gặp gỡ ở vịnh Hạ Long, hai bên đã thỏa thuận:

        - Cuộc hội nghị trù bị sẽ tiến hành ở Đà Lạt. Thành phần mỗi bên gồm 12 người. Trong phái đoàn Pháp phải có người do Pari cử sang.

        - Một phái đoàn hữu nghị của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ sang thăm chính thức nước Pháp.

        - Cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên sẽ tiến hành ở Pháp, nếu không ở Pari thì ít nhất cũng ở Phôngtennơblô.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM