Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:56:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu  (Đọc 40046 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #160 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:40:36 pm »


        Về chính trị, Mỹ giật dây các “chính phủ quốc gia” đòi Pháp trao trả “độc lập hoàn toàn” về nội trị và ngoại giao, tập hợp bọn tay sai thân Mỹ để vận động lật đổ chính quyền thân Pháp; đòi Pháp để các chính phủ tay sai tham gia liên minh với các chính phủ thân Mỹ ở Đông Nam Á... Về kinh tế, Mỹ ép Pháp để các công ty độc quyền Mỹ vơ vét nhiều nguyên liệu chiến lược1. Riêng về quân sự, Mỹ đưa tướng Ô Đanien (O’ Daniel) sang trực tiếp cùng Pháp điều hành cuộc chiến tranh; đòi viện trợ trực tiếp cho các chính phủ quốc gia; đòi đưa sĩ quan Mỹ vào huấn luyện quân đội các quốc gia liên kết; đòi cho sĩ quan bản xứ trực tiếp chỉ huy quân đội ngụy...

        Cao ủy Đờgiăng và tổng chỉ huy Nava cũng có phản ứng trước những yêu sách của Mỹ, nhưng đó chỉ là sự phản ứng yếu ớt của những người đại diện cho một nước Pháp yếu thế và phụ thuộc. Chính tướng Nava đã phát hiện mâu thuẫn của phía Pháp trong mối quan hệ với Mỹ: một mặt chủ trương ngăn cản Mỹ tham dự vào việc chỉ đạo chiến tranh và can thiệp vào mối quan hệ giữa Pháp với các quốc gia liên kết, nhưng mặt khác lại cầu xin Mỹ giúp đỡ “một sự giúp đỡ tất nhiên làm cho họ (Mỹ) có quyền theo dõi công việc của chúng ta (Pháp)... Ô Đanien đã tìm hiểu các kế hoạch của chúng ta và buộc chúng ta làm theo ý muốn của Mỹ trên mọi lĩnh vực kể cả lĩnh vục quân sự... Tôi (Nava) ngày càng nhận thấy rằng người chỉ huy thật sự ở Đông Dương là phái đoàn Mỹ. Nếu chúng ta không phản ứng lại thì dần dần chúng ta sẽ tụt xuống địa vị những tên lính đánh thuê tầm thường...”.

        Qua các phái đoàn kiểm tra của Chính phủ, qua những bức thư than phiền của Nava. Pari không phải là không biết tất cả những sự thật phũ phàng đó. Những vấn đề cấp thiết đối với Pháp là phải có đôla và vũ khí để tiến tới một ưu thế quân sự, để tìm ra một lối thoát danh dự. Bởi vậy, Chính phủ Pháp đã không quên nhắc cho tổng chỉ huy Nava biết một thực tế là, do khó khăn nên Chính phủ dự kiến ngân sách quân sự năm 1954 cho Đông Dương sẽ giảm từ 320 tỷ phrăng xuống 136 tỷ phrăng và viện trợ Mỹ sẽ bù vào chỗ thiếu hụt đó. Pari không có cách gì khác hơn là khuyên Nava hãy tỏ ra biết điều trước túi tiền và kho súng của Mỹ, hãy cố ngậm bồ hòn làm ngọt để “giữ quan hệ cá nhân tốt” với Ô Đanien, người đại diện của nước bạn Hoa Kỳ.

        Về phía Mỹ, vào cuối năm 1953, khi thất bại của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã trở nên rõ rệt, chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Rátpho đã đề nghị tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ cho chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương nếu Pháp thua trận. Theo Rátpho, lực lượng tham gia cần khoảng một triệu quân và chỉ rút quân khỏi bán đảo này sau... ba mươi năm, vì phải xây dựng cho được một quân đội bản xứ mạnh để thay thế quân Mỹ sau khi chiến thắng (!). Kế hoạch mạo hiểm đó không lọt tai các nhân vật cầm đầu Nhà trắng và Lầu Năm góc nên đã lập tức bị bác bỏ. Tuy vậy, trước sự phản ứng của Pháp về sự can thiệp ngày càng trắng trợn của phái đoàn Ô Đanien và đánh hơi thấy bầu không khí chiến bại đã bao trùm giới cầm quyền ở Pari, bộ quốc phòng Mỹ chỉ thị cho phái đoàn MAAG một mặt phải khẩn trương tăng cường viện trợ, mặt khác hãy dừng lại ở chức năng tiếp tế, cụ thể là phải nới tay, không nên gây sức ép dồn Pháp đến chỗ thoái chí và bỏ cuộc.

        Một lần nữa, Pari và Oasinhtơn lại gặp nhau trên quan điểm thực dụng: để dòng sữa viện trợ tiếp tục tuôn vào Đông Dương nuôi sống cả hai đội quân Pháp và tay sai. Chính nhờ dòng sữa đó mà các quân đội tay sai lớn lên nhanh chóng và lực lượng cơ động chiến lược của Pháp cũng phát triển chưa từng thấy trong mười tháng, từ mùa hè 1953 đến mùa xuân 1954.

---------------------
        1. Trong hai năm 1953-1954, số vốn của Mỹ đã chiếm 65% tổng số vốn của hãng Michelin của Pháp ở Đông Dương; buộc Pháp phải bán 74.122 tấn cao su, 500.000 tấn than đá, gấp đôi số than và cao su mà tư bản Pháp thu được về chính quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #161 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:41:35 pm »


        Trong điều kiện “đạo dụ quân địch” ngày 7 tháng 6 năm 1953 của Bảo Đại chỉ có tác dụng trên giấy, quân tăng viện từ Pháp sang chỉ mang tính chất tượng trưng1, Nava buộc phải trở lại những thủ đoạn của các viên tổng chỉ huy trước là cưỡng bức để tăng quân số và xây dựng khối cơ động chiến lược.

        Bằng những cuộc càn quét, vây ráp liên tục quy mô lớn để bắt lính2, Nava đã tăng được 86.000 quân bản xứ, nâng tỷ lệ các quân đội tay sai lên tới 69% tổng quân số trên toàn Đông Dương (334.000/480.000). Mười tháng phát triển lực lượng từ sau ngày Nava nhậm chức là thời kỳ quân đội tay sai phát triển nhanh nhất trong cả cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương: gấp 2,5 lần so với cả năm 1952; gần bằng cả ba năm 1948, 1949 và 1950 cộng lại.

        Nava đã “đôn” các đơn vị phụ lực quân giáo phái thành những tiểu đoàn chính quy và rút quân ngụy ra khỏi các đơn vị hỗn hợp để tổ chức thành các tiểu đoàn ngụy riêng biệt. Với thủ đoạn này, Nava xây dựng thêm được 49 tiểu đoàn trong tổng số 110 tiểu đoàn ngụy mới được xây dựng.

        Bằng biện pháp mạnh dạn rút hàng ngàn vị trí3 và thay thế các đơn vị ngụy chất lượng chiến đấu kém vào làm nhiệm vụ chiếm đóng, Nava đã rút ra được 15 tiểu đoàn Âu - Phi và 21 tiểu đoàn ngụy để tổ chức thành 36 tiểu đoàn cơ động chiến lược.

        Đến khoảng đầu tháng 3 năm 1954 (trước chiến dịch Điện Biên Phủ), Nava đã phát triển lực lượng lên đến 286 tiểu đoàn bộ binh và dù chính quy (201 tiểu đoàn ngụy và 85 tiểu đoàn Âu - Phi) trong đó có 103 tiểu đoàn cơ động (47 tiểu đoàn ngụy, 56 tiểu đoàn Âu - Phi; 40 tiểu đoàn cơ động chiến thuật - 14% tổng quân số - và 63 tiểu đoàn cơ động chiến lược – 22% tổng quân số - bao gồm 18 GM và 11 tiểu đoàn dù). Với mười tháng xây dựng của Nava, khối cơ động chiến lược đã tăng gấp ba lần so với cả thời kỳ dưới quyền Đờlát.

        Về binh khí kỹ thuật, trong tay Nava có:

        (http://i255.photobucket.com/albums/hh125/chuongxedap/Qsu/AnhsachQsu/Lsu1cuocchienbanthiu/BangBinhkhiKT.jpg)

        Những số liệu trên đây nói lên kết quả viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ, đồng thời cũng nói lên sự cố gắng của Nava sau mười tháng phát triển lực lượng và xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh. Những số liệu đó cũng làm nổi bật những khó khăn nghiêm trọng mà bộ chỉ huy Pháp không thể khắc phục. Đó là những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh ngay trong bản thân việc phát triển lực lượng của Pháp và tay sai.

        Việc vây ráp, cưỡng bức thanh niên vào lính, tuy trước mắt có làm cho quân số ngụy tăng nhanh những đã gây ra không khí căng thẳng, sự phẫn nộ trong nhân dân vùng tạm chiếm và tinh thần chiến đấu kém cỏi trong quân ngụy. Hậu quả có tính quy luật lại diễn ra: số lượng quân ngụy ngày càng tăng, chất lượng chiến đấu của quân viễn chinh và tay sai càng giảm. Chính tổng chỉ huy Nava cũng phải thú nhận rằng: “Cho đến cuối năm 1953, quân đội Việt Nam (quân ngụy Bảo Đại) chẳng qua chỉ là một hình thức giả dối bề ngoài mà thôi... Tinh thần chiến đấu của họ rất tồi, khiến họ được liệt vào những chiến binh loại kém nhất...”. Nguy cơ nổi lên trong hàng ngũ quân ngụy là hiện tượng không phục tùng mệnh lệnh (theo Nava, có đơn vị tới 90%), nạn đào ngũ và thiệt hại quá cao trong chiến đấu.

        Lực lượng phát triển nhanh làm nảy sinh nạn khủng hoảng nghiêm trọng về sĩ quan chỉ huy. Theo nhận xét của Nava, bọn sĩ quan bản xứ đều coi quân hàm của họ là một phương tiện để làm giàu hơn là để chỉ huy đơn vị. Do thiếu sĩ quan cấp dưới có kinh nghiệm lên việc lựa chọn cán bộ lên chỉ huy tiểu đoàn hoặc đơn vị lớn hơn gặp rất nhiều khó khăn. Sĩ quan khung ở mỗi tiểu đoàn quân viễn chinh cũng thiếu chừng 50%. Muốn cho biên chế sĩ quan chỉ huy quân viễn chinh tương đương như các đơn vị ở chính quốc thì nước Pháp phải gửi sang ít nhất 3.000 sĩ quan và rất nhiều hạ sĩ quan. Như vậy bộ máy quân sự ở chính quốc không thể tồn tại được nữa.

        Việc tập trung quân Âu - Phi và các tiểu đoàn ngụy có chất lượng chiến đấu, rút chúng ra khỏi nhiệm vụ chiếm đóng tuy có giúp cho Nava phát triển được một lực lượng dự bị chiến lược mạnh, nhưng lại làm cho chất lượng quân chiếm đóng giảm sút vì tỷ lệ quân ngụy chiếm đóng tăng lên. Nếu cuối năm 1952, tỷ lệ quân ngụy chiếm đóng là 64% (78/122 tiểu đoàn) thì bước vào đầu năm 1954, tỷ lệ đó đã tăng lên 84% (154/183 tiểu đoàn.

        Lực lượng cơ động chiến lược càng phát triển thì yêu cầu về yểm trợ và phục vụ đối với không quân càng lớn, nhất là khi mùa khô tới, các chiến dịch tiến công chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu cũng là lúc một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của Pháp lần lượt bị thu hút và phân tán trên nhiều chiến trường. Nava than phiền rằng quân chủng được coi là chủ bài này đã đuối sức trước nhiệm vụ4 vì quá thiếu thốn. Viên tổng chỉ huy đã liên tiếp xin Pari tăng viện gấp nhưng “những yêu cầu của tôi (Nava) đều không được thỏa mãn hoặc khi được đáp ứng thì (than ôi) đã quá muộn”.

        Chính với những con số kết quả mười tháng cố gắng trên đây cộng với tâm tư vui buồn lẫn lộn mà tổng chỉ huy Nava bước vào cuộc đọ sức cuối cùng quyết định thắng bại với đối phương.

---------------------
        1. Từ giữa năm 1953 đến đầu năm 1954, Chính phủ Pháp vét túi cũng chỉ gửi sang Đông Dương được 9 tiểu đoàn bộ binh và dù, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh.

        2. Trong mỗi trận càn, Pháp bắt ít nhất là 1.658 thanh niên (trận càn Brochet) và nhiều nhất là 4.950 thanh niên (trận càn Tarentaise) dể đưa vào quân đội ngụy.

        3. Bắc Bộ 237, Trung Bộ 229, Nam Bộ 1.251, Lào 70, Campuchia 29, tổng cộng 1.816 vị trí, đồn bốt, tháp canh.

        4. Trước chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ngoài các máy bay phục vụ (liên lạc, trinh sát, tải thương...). Pháp có 116 máy bay vận tải (100 C47, 16 C119) và 227 máy bay chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:43:43 pm »

     
Chương mười một

CUỘC ĐỌ SỨC CUỐI CÙNG

TỪ “QUẢ ĐẤM CHIẾN LƯỢC” ĐẾN BÀN TAY XÒE

        Theo dự kiến của Bộ chỉ huy Pháp, trong bước 1 của kế hoạch Nava, cụ thể là trong Đông Xuân 1953-1954, không một trận đánh lớn nào được đặt ra (tránh “tổng giao chiến”).

        Thủ tướng Lanien cũng chỉ thị: tổng chỉ huy phải bảo toàn và phát triển lực lượng để tiến tới giành một thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định vào mùa khô 1954.

        Trải qua nửa năm đầu thực hiến kế hoạch Nava, các hoạt động của quân Pháp trong mùa hè 1953, chủ yếu diễn ra dưới các hình thức càn quét, tập kích, giải tỏa, thăm dò1. Theo Pherăngđi, cơ quan tham mưu Pháp đã đánh giá thấp kết quả những hoạt động quân sự đầu tiên của Nava. Chỉ riêng các cuộc hành binh càn quét trong 50 ngày, tính từ Cá măng (Brochet 23.9 - 11.10.1953) đến Chim ưng (Gerfaut 12.12.1953 - 10.1.1954), phía Pháp “đã phải trả một giá rất đắt... hai tiểu đoàn đi đứt... trong khi đó thì tổn thất của địch không đáng kể...”. Khốn nỗi, Nava cũng mắc chung một bệnh như sáu viên tổng chỉ huy trước, tức là khuyến khích báo chí thổi phồng “chiến tích chủ động tiến công” của mình. Chính viên tướng này cũng khoe khoang rằng những hoạt động quân sự đó đã tạo cho quân đội viễn chinh Pháp những thuận lợi quan trọng về tinh thần..., đã làm cho họ tin tưởng..., đã động viên những người lãnh đạo các quốc gia liên kết và làm cho Việt Minh rất lo lắng...” (!). Hậu quả dẫn đến, như chính Nava thú nhận sau này là Pari đã mắc lừa. Tin chiến thắng đã tạo ra tâm lý lạc quan đáng lo ngại trong giới cầm quyền Pháp đến nỗi Chính phủ phải tìm cách can ngăn tổng chỉ huy “không nên tìm cách để thắng trong chiến tranh (!) mà chỉ hành động sao đủ để chứng minh cho đối phương biết rằng họ không thể giành được thắng lợi quân sự!

        Đáng chú ý là Nava có lúc đã tỏ ra biết điều khi buộc phải thừa nhận rằng những hoạt động quân sự vừa qua chỉ mới là món ăn đầu bữa (hors d’oeuvre) và kết quả cũng chỉ đóng khung trong phạm vi đó thôi. Trong các thông cáo chính thức, trong thư từ gửi cho bạn bè ở Pari cũng như trong các cuộc họp báo, viên tướng này thường nói lên một hình ảnh: “Chúng ta đã ăn xong món đầu bữa rồi, nhưng còn phải chén nốt món kháng chiến (plat de résistance) nữa (ý nói tiêu diệt chủ lực của đối phương)... Thế nhưng món kháng chiến đó lại ngày càng tỏ ra đặc biệt khó tiêu”... (đúng ra phải gọi là “khó nhá”).

        Thế rồi, từ tháng 11 năm 1953, đi đôi với việc hoàn tất kế hoạch cuộc hành binh Caxto (đưa quân lên Điện Biên Phủ), Nava phân bố lực lượng trên các chiến trường2, tập trung phần lớn binh lực trên chiến trường Bắc Bộ và... chờ đợi động tĩnh của cái mà viên tướng gọi là “món kháng chiến”.

        Viên tổng chỉ huy Pháp không hề biết rằng lúc này tuy đối phương chưa nắm được mọi chi tiết trong ban kế hoạch Nava, nhưng từ tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định phương hướng chiến lược là: Nhằm vào những hướng quân viễn chinh Pháp sơ hở và tương đối yếu để mở các chiến dịch tiến công, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng định, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc Bộ chỉ huy Pháp phải phân tán khối cơ động chiến lược của chúng để đối phó trên những chiến trường quan trọng về mặt chiến lược mà quân Pháp không thể không đối phó. Nói một cách khác, nếu trong bước 1, Nava đang cố gắng xây dựng “quả đấm chiến lược” mạnh3 thì đối phương quyết biến chỗ mạnh đó thành chỗ yếu, buộc “quả đấm chiến lược” của Nava phải mở ra thành một bàn tay xòe, gồm những ngón tay duỗi thẳng, yếu ớt, không liên kết được với nhau, để bẻ gãy dần từng ngón. Đó là quyết định quan trọng đầu tiên trong cuộc đấu trí với tổng chỉ huy Nava, “nhà chiến lược tuyệt vời”, theo cách gọi của Giêm Phốc.

-------------------------
       1. Ngoài việc rút quân khỏi Nà Sản và ba cuộc hành binh Hirondelle, Camargue và Mouette, từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1953, quân Pháp còn tiến hành 17 cuộc hành binh khác, gồm hai cuộc hành binh biệt kích ở Tây Bắc, hai cuộc hành binh giải tỏa ở Thượng Lào, 13 trận càn quét vùng tạm chiếm (sáu trận ở Bắc Bộ, năm trận ở Nam Bộ, hai trận ở Trung Bộ).

        2. Binh lực của Pháp phân bố trên các chiến trường (tháng 11 năm 1953):


        3. Trước mắt, Pháp có 82 tiểu đoàn cơ động (trong dó có 36 tiểu đoàn cơ động chiến lược, chiếm 13% tổng quân số) và đang cố phát triển lên khoảng 100 tiểu đoàn.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:52:27 pm »


        Vì dừng lại ở sự phán đoán từ những tháng mùa hè rằng đối phương sẽ tiến công vào đồng bằng nên khoảng đầu tháng 11 năm 1953, khi có những tin tức đầu tiên về hướng ra quân của đối phương lên chiến trường Tây Bắc, Nava vội kết luận “Việt Minh thay đổi kế hoạch” (!). Viên tướng còn thừa nhận rằng sự thay đổi đó đã loại trừ nguy cơ một cuộc tiến công của chủ lực đối phương vào đồng bằng nhưng đồng thời nó cũng đặt quân đội Pháp trước một yêu cầu không kém phần khó khăn là bảo vệ Thượng Lào.

        Cũng từ đầu tháng 11, các nhân viên tham mưu chủ chốt của chiến trường Bắc Bộ đã hoàn tất kế hoạch hành binh Caxto, chiếm lại Điện Biên Phủ bằng ba lực lượng: từ Thượng Lào lên, từ Lai Châu về cộng với quân dù nhảy thẳng xuống Mường Thanh. Trong cuộc họp thông qua kế hoạch này, có không ít ý kiến phản đối chủ trương đưa quân lên Tây Bắc. Người này cho rằng không nên bỏ Lai Châu, chỗ đứng chân cuối cùng của quân Pháp ở Tây Bắc, vị trí quan trọng kiểm soát ngã ba sông Nậm Na và sông Đà, “thủ phủ của liên bang Thái”, chỗ dựa của các đơn vị biệt kích đang hoạt động sau lưng đối phương. Kẻ khác không tán thành chiếm Điện Biên Phủ vì không có tác dụng ngăn chặn đối phương, không bảo vệ được Thượng Lào vì chỉ chặn trên một hướng; hơn nữa, Thượng Lào chưa trực tiếp bị uy hiếp mà đã vội đưa lên vùng rừng núi một binh lực lớn, chừng mười tiểu đoàn thì lực lượng phòng giữ đồng bằng sẽ bị giảm sút. Trong số những người phản đối có tướng Đờsô (Dechaux, tư lệnh không quân) và tướng Gin (tư lệnh quân dù).

        Cuộc tranh cãi còn chưa ngã ngũ thì tin tức về sư đoàn 316 của đối phương đang hành quân lên Tây Bắc được phòng nhì khẳng định. Một cuộc hội nghị quân sự cấp chóp bu được triệu tập vội vã ngày 17 tháng 11 tại Hà Nội, gồm tướng Bôđê (phó tướng của Nava) Cônhi, Mátxông (tư lệnh và phó tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ), Đờsô và Gin cùng các nhân vật chủ chốt của cơ quan tổng hành dinh. Quyết tâm chiến lược của tổng chỉ huy được khẳng định: Quân Pháp không đủ lực lượng để mở cuộc hành binh lên vùng Yên Bái hay Thái Nguyên theo phương án “phòng ngự gián tiếp” Thượng Lào; mặc dù không kịp phối hợp với các hướng Lai Châu và Luông Pha Băng theo kế hoạch đã định, nhưng không thể trì hoãn việc chiếm lại Điện Biên Phủ (chừng nào vị trí này chưa lọt vào tay quân Pháp thì đường xuống Luông Pha Băng còn bị bỏ ngỏ); sau khi chiếm xong Điện Biên Phủ, sẽ rút quân ở Lai Châu về (vì điều kiện địa lý không cho phép vị trí này đứng vững trước một cuộc tiến công bằng sức mạnh của một sư đoàn đối phương); sau đó sẽ tùy khả năng binh lực, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm (cỡ như Nà Sản cũng đủ để đối phó với một sư đoàn đối phương). Tổng chỉ huy Nava nhấn mạnh: chủ trương chiến lược trên đây phù hợp với phương châm “liệu cơm gắp mắm” mà ủy ban quốc phòng mới chỉ thị ngày 13 vừa qua.

        Mấy ngày sau, ngày 20 và 21 tháng 11, tướng Gin, “thần khổng lồ một mắt” được giao nhiệm vụ thực hiện cuộc hành binh Caxto lên Tây Bắc. Hơn 5.000 quân, gồm 6 tiểu đoàn dù1(tức gần 2/3 lực lượng dù toàn Đông Dương), 2 đại đội pháo binh, 1 đại đội công binh và 240 tấn dụng cụ được ném vội vã xuống cánh đồng Mường Thanh. Pari chỉ nhận được báo cáo của Nava khi những tên lính dù nhảy đợt đầu tiên đã đặt chân xuống đất.

        Ngày 21, khi việc chiếm Điện Biên Phủ đã trót lọt, người ta thấy chính những kẻ chỉ trước đó mấy ngày còn phản đối cuộc hành binh này, giờ đã vội đảo lưỡi ca tụng “con chuột biển thần kỳ” (le castor magique). Tất nhiên trong số những người ca tụng đó, có “viên tướng to xác” Cônhi, người chỉ lo thu vén lực lượng để giữ “vùng đồng bằng có ích”. Ngồi mãi tận bên Pari, nghe tin quân dù đã được ném xuống Điện Biên Phủ, từ Thủ tướng Lanien đến tướng Catơru cũng góp phần vào bản hòa tấu ca tụng “chiến tích lớn đầu mùa khô” của đội quân viễn chinh.

        Khi người ta đang say sưa tâng bốc nhau thì tất nhiên không một nhân vật nào ở Pari, Sài Gòn hay Hà Nội lại dại dột nghĩ đến một sự thật là “quả đấm chiến lược” của Nava không còn nguyên vẹn ở châu thổ sông Hồng. Một ngón tay, có thể coi là ngón cái, đã duỗi ra và vươn xa các căn cứ của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ khoảng 300 kilômét đường chim bay.

---------------------
        1. 6e BPC, 2/1 RCP 2er BPC, 1er BEP, 8e BPC và 5e BPVN.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:53:04 pm »


        Trong lúc những lời ca tụng còn đang râm ran thì ngày 28 tháng 11, phòng nhì nhận được những tin dù: không phải chỉ một sư đoàn 316 (sẽ tới Điện Biên Phủ vào ngày 6 tháng 12) mà các sư đoàn khác 308, 312, một bộ phận của 304 và cả “sư đoàn nặng” (351) cũng sẽ lần lượt lên vùng này vào cuối tháng 12.

        Thêm một quyết tâm chiến lược mới được Nava xác định vào ngày 3 tháng 12, một quyết tâm chưa từng có trong kế hoạch chiến lược mà Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua ngày 24 tháng 7 năm 1953:

        - Khẩn trương xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để đương đầu với cuộc tiến công lớn của nhiều sư đoàn đối phương. Điện Biên Phủ phải đứng vững bằng bất kỳ giá nào để bảo vệ Thượng Lào và thu hút chủ lực đối phương dài ngày, nhằm giảm sức ép cho đồng bằng Bắc Bộ.

        - Tổ chức cuộc hành binh Pôluých (Pollux), rút toàn bộ lực lượng ở Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ.

        - Tổ chức đồng thời hai cuộc hành binh Rêgát và Ácđét (Régate - Ardèche), từ Điện Biên Phủ xuống, từ Luông Pha Băng lên, hợp điểm ở Sốp Nao, tạo thành một “hành lang chiến lược” nối liền Điện Biên Phủ với Luông Pha Băng, gồm những vị trí mới được “cấy” dọc sông Nậm U, để tập đoàn cứ điểm khỏi bị cô lập và có sẵn đường để rút chạy từ Điện Biên Phủ về Thượng Lào khi cần!

        Ngay sau khi quyết tâm chiến lược trên đây được xác định, “con chuột biển thần kỳ” vừa được ném xuống cánh đồng Mường Thanh đã lớn lên nhanh chóng và biến thành “một con nhím khổng lồ”: từ 6 tiểu đoàn ngày 21 tháng 11 lên 9 tiểu đoàn ngày 7 tháng 12 rồi 10 tiểu đoàn ngày 25. v.v...

        Thế là chủ trương “tránh tổng giao chiến với chủ lực đối phương” được vạch ra trong bước 1 của kế hoạch Nava đã không còn ý nghĩa thực tiễn nữa. Nói một cách khác, chỉ những tin tức về việc chuyển quân của đối phương lên Tây Bắc cũng đã làm cho “bản kế hoạch chiến lược nổi tiếng” của ngài tổng chỉ huy đứng trước nguy cơ bị đảo lộn.

        Mấy cuộc hành binh theo mệnh lệnh ngày 3 tháng 12 đã diễn ra không được như ý tổng chỉ huy.

        Về cuộc hành binh Pôluých: Vì không đủ máy bay nên chỉ hai tiểu đoàn Tabo rút chạy khỏi Lai Châu bằng đường hàng không về đến Điện Biên Phủ an toàn. Viên đại tá Tơrăngca (Trancard, chỉ huy khu Tây Bắc) tin rằng quân ngụy Thái và các đơn vị biệt kích hoạt động quanh vùng Lai Châu, trang bị nhẹ, luồn rừng giỏi, có thể hành quân vô sự về Điện Biên Phủ trước khi sư đoàn 316 có mặt ở Tây Bắc. Kết quả thực tế đã trái hẳn với sự phán đoán của tướng tá Pháp. Theo số liệu mà bộ tham mưu của tướng ngụy Nguyễn Văn Hinh tổng kết, chỉ còn khoảng 150 trong tổng số hơn 2.100 lính ngụy và biệt kích Thái cùng 10 trong số 40 sĩ quan Pháp thoát chết trong cuộc tháo chạy từ Lai Châu về Điện Biên Phủ qua hướng Mường Pồn. Đó là chưa kể gần 100 tên lính dù bị bỏ mạng khi nhảy xuống yểm trợ cho bọn biệt kích trên đường rút chạy.

        Về cuộc hành binh “sinh đôi” Rêgát và Ácđét: Trải qua hai tuần lễ băng rừng, cánh quân của trung tá Lănggle từ Điện Biên xuống và cánh quân của trung tá Vôđrây từ Luông Pha Băng lên đã gặp nhau. Hai viên chỉ huy chụp chung tấm ảnh để chứng minh với tổng chỉ huy rằng hai cánh quân đã thật sự hợp điểm ở Sốp Nao. Thế nhưng, theo sự đánh giá của cơ quan tham mưu ngụy, cái mẹo vặt ấy chỉ có ý nghĩa tuyên truyền, vì qua các cuộc hành binh này, thật ra Pháp đã thấy khó khăn không thể nối Điện Biên Phủ với Thượng Lào bằng một đường giao liên chiến lược băng qua những khu rừng núi rậm rạp và nguy hiểm.

        Sự đánh giá nói trên được thực tiễn chứng minh là đúng, vì ngay sau đó Nava đã phải hạ lệnh mở một cuộc hành binh khác. Viên đại tá Crevơcơ, chỉ huy quân Pháp ở Thượng Lào nhận được lệnh phải gấp rút “cấy” 6 tiểu đoàn dọc sông Nậm U, từ Luông Pha Băng lên Mường Ngòi - Mường Khoa để củng cố hành lang Điện Biên Phủ - Thượng Lào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:53:35 pm »


        Mất Lai Châu nhưng được Điện Biên Phủ để bảo vệ nước Lào, trong việc tính toán lỗ lãi, Nava thấy vừa lòng. Nhưng bảo vệ nước Lào đâu chỉ ở phía bắc, đâu chỉ bằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ? Phòng nhì kiến nghị: phải chú ý cả Trung và Hạ Lào vì “Việt Minh sẽ vươn xa xuống phía nam”! Nava cũng phán đoán đối phương có thể tiến công xuống miền Trung Đông Dương, song cụ thể ở hướng nào thì còn là một ẩn số. Một bộ chỉ huy hành binh thống nhất được thành lập, do tướng Blăng (sau đó là tướng Buốcgoong - Bourgund) cầm đầu để chuẩn bị đối phó trên cả ba chiến trường Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên. Một GM (ba tiểu đoàn) được điều từ đồng bằng Bắc Bộ vào Sênô, nơi vừa được xây dựng thành một căn cứ không quân - lục quân. Thêm 4 tiểu đoàn cơ động được điều từ chiến trường Trung Bộ ra đường số 12 Trung Lào. Vừa chân ướt chân ráo tới nơi, bọn này đã bị tiến công liên tục từ 20 đến 25 tháng 12. Một đơn vị chủ lực đối phương, nhân những ngày thời tiết xấu, hoạt động của không quân hạn chế, đã men dọc Trường Sơn mở chiến dịch tiến công dọc đường số 12 về hướng Thà Khẹt. Hai tiểu đoàn cơ động và một tiểu đoàn pháo vừa đến còn đang lạ nước lạ cái đã bị xóa sổ. Quân Pháp ở Thà Khẹt và đường số 9 vội vã bỏ chạy, ùn cả về Sênô.

        Báo chí la lớn: Đông Dương bị cắt làm đôi! Dư luận Pháp xôn xao. Tổng chỉ huy Nava than phiền rằng tại Pari, “luồng tư tưởng chiến bại lại có dịp dâng lên”! Cực chẳng đã, viên tướng tổng chỉ huy lại phải móc túi dự trữ ở đồng bằng Bắc Bộ bốn tiểu đoàn cơ động chiến lược và điều thêm một tiểu đoàn chiếm đóng ở Nam Bộ ra để tổ chức thành mọt tập đoàn cứ điểm mười tiểu đoàn ở Sênô.

        “Quả đấm chiến lược” của Nava lại phải tách ra thêm một ngón tay bị trói chặt ở Trung Lào.

        Thế nhưng, đâu phải mọi sự đã ổn trên chiến trường Lào? Sau đòn tiến công bất ngờ “giành được một thắng lợi hiển nhiên..., đối phương vẫn chưa chịu lui quân”. Theo báo cáo của phòng nhì, không những họ phân tán thành những đơn vị nhỏ tiếp tục hoạt động trong rừng rậm ở Trung Lào mà còn lọt cả xuống Hạ Lào, làm cho vùng quân Pháp kiểm soát bị “ruỗng nát” và tạo ra một tình thế thường xuyên không ổn định trên các trục giao thông dẫn đến nguy cơ làm cho cả Trung và Thượng Lào bị bóp nghẹt vì đường tiếp tế từ phía nam ra bị phong tỏa.

        Cuối tháng 1 năm 1954, một nguy cơ mới lại ập đến. Sau khi bất ngờ tiến công tiêu diệt một tiểu đoàn hỗn hợp Pháp - Lào và làm chủ thị xã Atôpơ, liên quân kháng chiến Việt - Lào đã lợi dụng thế bố trí của Pháp sơ hở, tiến thẳng lên hướng Xaravan, thổi bùng phong trào kháng chiến ở cao nguyên Bôlôven.

        Ba tiểu đoàn cơ động (trung đoàn 51) vừa được xây dựng ở Campuchia lập tức được điều lên cùng một tiểu đoàn dù từ Bắc Bộ vào tăng cường cho Pắcxế, nhằm chặn đối phương tiếp tục tiến xuống phía nam.

        Thêm một ngón tay nhỏ xíu (4 tiểu đoàn) bị tánh ra khỏi “quả đấm chiến lược” của Nava, vươn tới mãi vùng cực nam nước Lào. Vào khoảng trung tuần tháng 1 năm 1954, trong tổng hành dinh Pháp có dư luận về tình hình đánh đấm của quân viễn chinh: nếu cứ chống đỡ mãi, từ Tây Bắc đến Trung Lào rồi Hạ Lào thì còn đâu là chủ động tiến công? Dư luận đó đến tai Nava và được ngài tổng chỉ huy cho là phải. Điện Biên Phủ quan trọng thật, song “chỉ mang tính chất cục bộ”. Đồng bằng Liên khu 5 của Việt Minh mới là vùng quan trọng cả về kinh tế chính trị và chiến lược quân sự. Phải chuyển sang tiến công, đánh chiếm vùng này, hoàn thành mục tiêu tướng Xalăng đề ra mà chưa thực hiện được. Chiếm xong sẽ tảo thanh gấp rút rồi giao cho chính quyền Bảo Đại như vậy sẽ gây được ảnh hưởng chính trị quan trọng chưa từng thấy.

        Từ lâu Nava đã ấp ủ giấc mộng Átlăng (Atlante), một kế hoạch gồm ba bước đánh chiếm vùng tự do của đối phương ở Nam Trung bộ. Bước 1 (Aréthuse): chiếm Tuy Hòa, Phú Yên; bước 2 (Axelle): chiếm Quy Nhơn, Bồng Sơn; bước 3 (Attilat): hoàn chỉnh cuộc hành binh bằng hành động nối liền Bồng Sơn với Quảng Nam. Ngoài mục tiêu trên, phải bắt bằng được 30.000 thanh niên vào hương dũng, địa phương quân để giữ vững vùng mới chiếm sau khi đã bình định xong. Việc bình định được giao cho Phan Văn Giáo, “thủ hiến Trung Việt”, chỉ huy đoàn GAMO từ Trung Trung Bộ vào tiến hành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:54:37 pm »


        Ngày 20 tháng 1 năm 1954, bước 1 của chiến dịch Átlăng bắt đầu. 22 tiểu đoàn bộ binh và lính dù1 cùng một số đơn vị pháo binh, cơ giới, công binh, vận tải,... đổ bộ lên chiếm Tuy Hòa, Phú Yên. Giữa lúc tướng Blăng còn nghi hoặc, chưa hiểu vì sao không gặp chủ lực đối phương thì bỗng có tin nhiều vị trí trên đường 14 bị tiêu diệt, Việt Minh tràn ngập thị xã Công Tum và đang tiến xuống đường 19, tập kích thị xã Plây Cu. Một hình thái mới xuất hiện: địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên đã lọt vào tay Việt Minh, cả một khu vực do lực lượng kháng chiến kiểm soát đã nối liền từ vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi đến biên giới Lào - Việt và thông sang Hạ Lào, nơi Pháp vừa thất bại.

        Trước nguy cơ giấc mộng Átlăng bị tan vỡ, ngày 28 tháng 1 năm 1954, Nava đành vội vã hạ lệnh “cứu hỏa”: tạm đình chỉ cuộc hành binh ở đồng bằng Liên khu 5, rút GM100 và hai tiểu đoàn dù ra khỏi cuộc hành binh cùng với hai GM11 và 21 cơ động chiến lược được điều gấp lên Tây Nguyên để tổ chức Plây Cu và An Khê thành hai tập đoàn cứ điểm hòng đối phó với cuộc tiến công của chủ lực đối phương2.

        Trong cuốn Quân sử ngụy, bộ tham mưu ngụy thú nhận: tại vùng đồng bằng Liên khu 5, việc “bình định” không thành công. Đặc biệt là ở Phú Yên, dân quân du kích đánh mạnh đã làm cho kế hoạch “tảo thanh” bị thất bại hoàn toàn. Các tiểu đoàn khinh quân đào ngũ hàng loạt. Các GM, nhất là GM41 và 42 (do các đại tá Sockell và Jaud chỉ huy), bị đánh tan tành. Trên vùng Tây Nguyên, GM11 (do viên trung tá Nguyễn Khánh3 chỉ huy) vừa bị điều vội vã từ Nam Bộ ra đường 19 đã bị thiệt hại nặng nề.

        Bước thứ nhất của Átlăng bị phá sản. Thêm 26 tiểu đoàn cơ động chiến lược bị chôn chân ở chiến trường Nam Trung Bộ. Lại thêm một ngón tay nữa, khá lớn bị tách ra từ “quả đấm chiến lược” của Nava, vươn vào tận chiến trường Nam Đông Dương.

        Nếu Cônhi có lý do để lo ngại về “tình hình bất an” ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi lực lượng cơ động chiến lược tập trung đông nhất, thì Nava cũng thấy một thực tế là vùng Pháp kiểm soát trên cả ba chiến trường Bắc Trung Nam đều bị chiến tranh du kích uy hiếp.

        Từ cuối tháng 10 năm 1953, mặc dù bộ chỉ huy Pháp ngày càng khẳng định vùng châu thổ sông Hồng không phải là mục tiêu trực tiếp của chủ lực đối phương, nhưng ở đây chiến tranh vẫn diễn ra gay gắt. Theo Nava, binh lực của đối phương ở đồng bằng Bắc Bộ từ 50 đã lên tới 78 tiểu đoàn(?) còn lực lượng tổng dự bị của Pháp đang trong quá trình xây dựng thì vẫn không ngừng bị điều đi đối phó trên khắp các chiến trường. Những trận giao chiến ở đồng bằng Bắc Bộ đối với Pháp vẫn là những trận gay go nhất, không những vì địa bàn hẹp, mật độ dày đặc và đóng xen kẽ mà còn vì hai bên tham chiến đều bao gồm những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến. Nava còn thú nhận rằng trong các trận càn quét, phía Pháp cố dùng rất nhiều binh lực, “nhưng đã nhiều lần rơi vào chỗ trống”, đến nỗi ngày 22 tháng 12, viên tổng chỉ huy phải hạ lệnh cho tướng Cônhi “đình chỉ những cuộc hành binh dùng lực lượng quá nhiều mà không đem lại kết quả đáng kể...”.

        Trong khi đó, lực lượng vũ trang đối phương (kể cả những đơn vị đã bị bộ tham mưu Pháp liệt vào danh sách “bị tiêu diệt”) vẫn hoạt động mạnh khắp nơi từ vùng trung du Sơn Tây đến vùng biển Thái Bình và vùng Hà Đông sát trung tâm Hà Nội. Đường số 5, con đường huyết mạch thường xuyên bị uy hiếp khiến cho kế hoạch vận chuyển để tăng viện cho các chiến trường trực tiếp bị ảnh hưởng. Trận tiến công căn cứ không quân Đồ Sơn ngày 31 tháng 1 năm 1954 (5 máy bay bị phá hủy, một kho xăng bị đốt) là đòn cảnh cáo đầu tiên đối với quân Pháp và đối với bọn phi công và nhân viên kỹ thuật Mỹ đang kéo vào Việt Nam tiếp tay cho Pháp.

---------------------
        1. Gồm GM10 (Bắc Phi), GM100 (mới ở chiến trường Triều Tiên về) và được bổ sung quân ngụy, các GM41 và 42, cộng với tám tiểu đoàn cơ động chiến lược lẻ và hai tiểu đoàn dù.

        2. Plây Cu: 11 tiểu đoàn, An Khê: 3 tiểu đoàn.

        3. Thủ tướng chính quyền Sài Gòn - bù nhìn của Mỹ sau này (năm 1964).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:54:59 pm »


        Tại vùng quân Pháp kiểm soát ở đồng bằng Trung Bộ, nhất là dọc trục đường chiến lược số 1, tình hình “bất an” vẫn lan tràn. Chỉ trong mấy tháng cuối năm 1953, đầu năm 1954, đã có hàng chục đoàn tàu với hàng trăm toa bị lật nhào, trên 200 vị trí và tháp canh bị tiêu diệt hoặc bị bức hàng, bức rút. Cơ quan tham mưu Pháp đi đến kết luận là, do lực lượng chính quy của đối phương ở chiến trường miền Trung không nhiều cho nên thất bại của Átlăng trước hết và chủ yếu là thất bại của những binh đoàn cơ động trang bị hiện đại trước những đơn vị vũ trang địa phương nhỏ bé nhưng quyết tâm bám đất giữ làng. Sau này chính Nava cũng phải thú nhận rằng sức mạnh của chiến tranh du kích đã buộc hắn ta phải đình chỉ những cuộc hành binh càn quét được chuẩn bị mở ở vùng duyên hải Trung Bộ.

        Tại chiến trường Nam Bộ, sau khi GM11, lực lượng cơ động chiến lược duy nhất bị điều ra Tây Nguyên, lực lượng còn lại của Pháp và tay sai (kể cả những tiểu đoàn cơ động chiến thuật) phải co lại giữ các địa bàn xung yếu khiến cho sức đối phó ở các nơi khác bị giảm sút rõ rệt. Đó là cơ hội tốt để chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, buộc quân Pháp, ngụy phải bỏ hàng ngàn vị trí, tháp canh. Ý đồ của bộ chỉ huy Pháp “tiến công dứt điểm” vùng tự do Khu 9 rốt cuộc chỉ còn là chủ trương trên giấy. Theo Nava, sự “ruỗng nát” đã tăng lên, nhất là ở những vùng đã bàn giao cho ngụy quyền… “Các đồn bốt và tháp canh bị tiến công liên tiếp và không đủ binh lực để chống đỡ lại... Tôi (Nava) buộc lòng phải vứt bỏ kế hoạch chiếm đóng vùng Transbassac (đồng bằng miền Tây Nam Bộ)”.

        Sau này trong cuốn Đông Dương hấp hối, tướng Nava vẫn chưa dám nói lên một sự thật là: trải qua ba tháng đầu tiên của mùa khô (từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 1 năm 1954) bước 1 kế hoạch chiến lược của Pháp đã bị phá sản trên những mặt cơ bản. Nava đã sớm bị dồn vào thế bị động chiến lược mà từ Đờlát đến Xalăng đều không sao thoát ra nổi.

        Nava muốn xây dựng một đội quân cơ động chiến lược mạnh và tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng các chiến dịch đầu tiên của đối phương trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc bộ chỉ huy Pháp phải liên tiếp điều lực lượng dự bị chiến lược (đang trong quá trình xây dựng) phân tán đi khắp nơi, từ Tây Bắc đến Trung và Hạ Lào, từ Tây Nguyên đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Mâu thuẫn và sự giằng xé trong thế bố trí chiến lược của Nava giữa đồng bằng và vùng rừng núi, giữa tập trung và phân tán binh lực, giữa chiến trường chính và các chiến trường khác, ngày càng trở nên sâu sắc. Cái gọi là “tư tưởng chủ động tiến công” của Nava chỉ còn là một ảo vọng khi hắn buộc phải liên tiếp vét lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ và Bình Trị Thiên, từ Campuchia đến Nam Bộ để ném đi đối phó một cách bị động trên các chiến trường.

        Nava muốn “giam chân” chủ lực đối phương ở phía bắc vĩ tuyến 18 để rảnh tay “tảo thanh” chiến trường miền Nam, tiêu diệt các ổ đề kháng và nhất là xóa sạch các căn cứ địa kháng chiến rộng lớn ở Khu 5 và Khu 9, nhưng nhiều đơn vị chính quy đối phương đã “bước qua cái đòn chắn” của Nava để tiến sâu xuống phía nam, đánh mạnh ở Trung và Hạ Lào. Trong khi đó thì bộ đội chủ lực của đối phương ở Khu 5 và Khu 9 đã cùng dân quân du kích Trung và Nam Bộ không những bảo vệ vững chắc vùng tự do mà còn buộc Pháp phải liên tiếp thu hẹp phạm vỉ chiếm đóng trên các chiến trường này. Riêng tại đồng bằng Bắc Bộ, thất bại của Nava về âm mưu bình định là một thực tế quá rõ ràng. Thất bại này đã trở thành nguồn gốc những cuộc xung đột giữa Nava và Cônhi trong chủ trương xé lực lượng dự bị chiến lược ở vùng châu thổ sông Hồng đưa đi các chiến trường khác, một chủ trương mà Cônhi trước sau vẫn phản đối.

        Nava muốn “tránh tổng giao chiến” với chủ lực đối phương trong đông xuân 1953-1954, nhưng các chiến dịch đối phương liên tiếp mở trên các hướng chiến lược quan trọng mà ở đó quân Pháp lại sơ hở và mỏng yếu đã buộc Pháp không thể không đối phó. Điển hình bị động trong chiến lược của Nava là quá trình hình thành chủ trương “chấp nhận tổng giao chiến” trên chiến trường Tây Bắc, cụ thể là ở Điện Biên Phủ.

        Các tướng lĩnh Pháp bấy giờ không thấy hoặc không muốn công nhận tất cả những sự thật đó. Và bộ máy tâm lý chiến của quân đội viễn chinh Pháp vẫn không ngừng tuyên truyền cho cái gọi là “thắng lợi bước đầu” trong việc thực hiện kế hoạch Nava!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:56:09 pm »


TƯ TƯỞNG MAGINÔ SỐNG LẠI

        Hạ quyết tâm chấp nhận chiến đấu với chủ lực đối phương ở Điện Biên Phủ, ngày 3 tháng 12 năm 1953, Nava khẳng định: căn cứ không quân - lục quân này phải được giữ vững bằng bất kỳ giá nào. Viên tổng chỉ huy Pháp tin rằng, với một lực lượng mạnh, với biện pháp phòng ngự hiện đại Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ trở thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”.

        Đại bộ phận chủ lực của đối phương đã tiến quân lên Tây Bắc thì càng nên biến Điện Biên Phủ thành “cái nhọt hút máu độc”, dùng Điện Biên Phủ để giam chân các sư đoàn cơ động của họ trên chiến trường rừng núi càng lâu càng tốt. Nếu họ không bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ thì tập đoàn cứ điểm này sẽ trở thành “cái bẫy”, “cái máy nghiền”, nghiền nát chủ lực đối phương. Nava hy vọng rằng mùa đông trôi qua, vào lúc thế trận chuyển biến ngày càng có lợi cho quân đội Pháp: đứng vững chân và mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc; bảo vệ được Thượng Lào; giảm sức ép tiến công của đối phương ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong điều kiện đó, khi mùa xuân tới, viên tổng chỉ huy sẽ ung dung chuyển sang kế hoạch tiến công trên chiến trường miền Nam!

        Với niềm lạc quan, tin tưởng hiếm có đó, Nava đã lao vào xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Bộ chỉ huy cuộc hành binh Caxto được thay thế bằng bộ chỉ huy “binh đoàn hành binh Tây Bắc (GONO)” gồm khoảng mười viên đại tá và trung tá được coi là cự phách và được đưa lên Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu tháng 12.

        - Chỉ huy trưởng: đại tá Đờ Cát.

        - Chỉ huy phó, đặc trách phân khu Trung tâm: trung tá Gôsê (Gaucher) (13-3-1954 Gôsê chết trung tá Lănggle thay).

        - Chỉ huy phó, phụ trách phòng thủ chung: đại tá Lơmơniê (Lemeunier).

        - Chỉ huy phó, phụ trách phân khu Bắc: đại tá Tơrăngca.

        - Chỉ huy phó phụ trách pháo binh: trung tá Pirốt (15-3-1954. Pirốt chết, trung tá Vaiăng (Vaillant) thay).

        - Tham mưu trưởng: trung tá Kenle (Keller) sau đó là trung tá Đuycruých (Ducruix).

        - Chỉ huy không quân: trung tá Gheriê (Guerier).

        Tướng Cônhi, chỉ huy trưởng ở Bắc Bộ, trực tiếp chịu trách nhiệm trước tổng chỉ huy về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để chắc tay hơn, Nava còn cử Bôđê, phó tướng của mình, thương trực ở Hà Nội, phụ trách việc hiệp đồng giữa các quân chủng.

        Nếu có ai đặt vấn đề: tại sao Nava không chỉ định một sĩ quan cấp tướng trực tiếp chỉ huy tập đoàn cứ điểm thì người đó quả thật chưa đánh giá đúng “tài” của đại tá Đờ Cát, một người có cái tên quý tộc dài dằng dặc (Christian Marie Ferdimand de la Croix de Castries), xuất thân từ một dòng họ đã từng vang bóng một thời với một lô trung tướng, đô đốc thống chế, bộ trưởng... Bản thân Đờ Cát đã từng ba lần qua lại Đông Dương: 1946, 1951, 1953. Không phải ngẫu nhiên mà Đờ Cát được các danh tướng Lơcléc, Đờlát Đờ Tátxinhi rồi Nava kéo sang đây vào những thời điểm bước ngoặt (thường là bước ngoặt đi xuống) của quân viễn chinh Pháp. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đờ Cát được tướng Đờlát tin cậy kéo từ Lục Nam lên chữa cháy ở Vĩnh Yên hồi tháng 1 năm 1951, khi quân đội Việt Nam mở chiến dịch Trung Du. Càng không phải ngẫu nhiên là trong cuộc hành binh “Hải âu”, viên đại tá đội chiếc mũ calô đỏ chói, quàng chiếc khăn sặc sỡ, tay cầm cây gậy chỉ huy cán bịt bạc luôn tỏ ra xông xáo... đã lọt vào mắt xanh của Níchxơn khi ngài phó tổng thống Huê Kỳ ra thị sát chiến trường Nho Quan (4-11-1953).

        Rõ ràng, cả về quá khứ và hiện tại, cả về gia đình và bản thân, Đờ Cát thừa tiêu chuẩn để cấp trên giao cho trọng trách trấn giữ cái lòng chảo Điện Biên nóng bỏng này. Còn về cấp bậc? Ở Đông Dương, tướng Pháp không nhiều lắm. Đó chỉ là một lẽ. Cái chính là (theo quan điểm của Nava - Cônhi) một đại tá có tài còn hơn một viên tướng bất lực. Mà Đờ Cát thì được Nava đánh giá là viên đại tá “không ai giỏi hơn được”. Tổng chỉ huy quả là người biết chọn mặt gửi vàng.

        Còn các đại tá và trung tá khác, tuy đã từng có chuyện không hay này nọ1, nhưng họ đều là những người tận tụy với sự nghiệp đế quốc của nền đệ tứ cộng hoà Đại Pháp!

        Ngay sau khi được chỉ định, các sĩ quan đáng tin cậy trên đây của Nava bắt tay vào việc xây dựng tập đoàn cứ điểm với “lòng hăng say lạ thường”.

---------------------
        1. Gaucher, năm 1945 khi còn là đại uý, đã từng thủ tiêu chiến đấu và bỏ chạy hồi Nhật đảo chính Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:57:30 pm »


            Piroth, bỏ xe pháo lại, chạy tháo thân khỏi Lạng Sơn trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950.

            Trancard, chỉ huy phân khu Tây Bắc, vừa nướng hàng chục đại đội ngụy Thái khi quân đội Việt Nam tiến lên giải phóng Lai Châu trong đợt một của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, v.v...

        Từ đầu tháng 12, cánh đồng Điện Biên nhanh chóng thay đổi bộ mặt. Sân bay Mường Thanh được củng cố và sử dụng ngay. Hàng ngày, hàng trăm chuyến máy bay vận tải chở đủ các loại trang bị kỹ thuật (kể cả xe tăng M.24 tháo rời) hạ cánh hoặc thả dù xuống lòng chảo. Trên thị trấn Điện Biên nhanh chóng bị san phẳng, các cụm cứ điểm lần lượt mọc lên quanh sân bay. Ba trung tâm đề kháng hình thành ngay từ đầu ở phía tây bắc và phía đông sân bay.

        Sau ba tháng chuẩn bị đến đầu tháng 3 năm 1954, binh lực của Pháp ở đây đã lên tới 12.000 tên1, gồm 12 tiểu đoàn (năm lê dương, bốn da đen, một Pháp, hai ngụy) và bảy đại đội lẻ, phần lớn là các đơn vị bộ binh và dù tinh nhuệ. (Trong quá trình chiến dịch, tăng thêm bốn tiểu đoàn và hai đại đội, nâng tổng quân số lên 16.000 tên, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh và dù). Về trang bị, có hai tiểu đoàn pháo 105 milimét (24 khẩu), một đại đội pháo 155 milimét (bốn khẩu), hai đại đội súng cối 120 milimét (20 khẩu), hai đại đội công binh, một đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc), một đội xe cơ giới (127 chiếc các loại), một phi đội thường trực (sáu máy bay khu trục và trinh sát). Ngoài ra còn có một số binh khí kỹ thuật khác như súng phun lửa, mìn đĩa, mìn thường, mìn napan chôn dưới đất, khí tài chống đạn khói, máy hồng ngoại...

        Với binh lực trên đây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tổ chức thành ba phân khu (Bắc, Trung tâm và Nam) với 49 cứ điểm yểm trợ lẫn nhau. Mỗi phân khu gồm một hoặc nhiều trung tâm đề kháng.

        Phân khu Bắc, gồm hai trung tâm đề kháng: Gabrien (Độc Lập) và Bêatơrixơ (Him Lam), mỗi trung tâm có một tiểu đoàn phòng giữ, ở cách phân khu Trung tâm từ 2 đến 3 kilômét về phía bắc và đông bắc, có nhiệm vụ bảo vệ phân khu Trung tâm ở vành ngoài (ngăn chặn bước tiến của đối phương trên những hướng mà Pháp cho là nguy hiểm nhất: hướng bắc, đường Lai Châu - Điện Biên Phủ; hướng đông bắc, đường Tuần Giáo - Điện Biên), đồng thời đảm bảo mở rộng không phận an toàn cho máy bay hoạt động trên vùng trời bắc và đông bắc sân bay.

        Phân khu Nam, tức trung tâm đề kháng Idaben (Hồng Cúm), ở cách phân khu Trung tâm khoảng bảy kilômét về phía Nam, do hai tiểu đoàn phòng giữ, có nhiệm vụ ngăn chặn đối phương từ phía Nam lên, chi viện bằng hoả lực cho phân khu trung tâm chiến đấu phòng ngự đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào.

        Phân khu quan trọng hơn hết là phân khu Trung tâm, ở giữa Mường Thanh (huyện lỵ Điện Biên). Tám tiểu đoàn: (tức 2/3 lực lượng) được tập trung ở đây và bố trí thành năm trung tâm đề kháng: An Mari (trong đó có Bản Kéo), Huyghét (tây sân bay), Đôminích (đồi D), Clôdin (nam sân bay), Êlian (đồi A). Các trung tâm đề kháng này yểm hộ lẫn nhau và bao bọc lấy cơ quan chỉ huy, các căn cứ hoả lực, căn cứ hậu cần đồng thời bảo vệ sân bay. Ngoài lực lượng chiếm đóng (năm tiểu đoàn), Pháp còn có sẵn một lực lượng cơ động ứng chiến (ba tiểu đoàn bộ binh - dù và một đại đội xe tăng) sẵn sàng phối hợp với các trung tâm đề kháng để phản kích;. một lực lượng pháo binh và không quân để ngăn chặn đối phương tiếp cận và đánh trả các trận địa pháo binh.

        Chung quanh mỗi cứ điểm và mỗi trung tâm đề kháng là cả một hệ thống công sự, hào chiến đấu, dây thép gai dày từ 50 đến 75 mét, đột xuất có chỗ trên 100 mét) và mìn các loại.

        Pháo binh được bố trí ở hai căn cứ: Mường Thanh và Hồng Cúm, có thể yểm trợ lẫn nhau và yểm trợ cho các cứ điểm chung quanh. Ngoài hệ thống hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành một mạng lưới hỏa lực chặt chẽ, liên hoàn, hoàn chỉnh, khiến cho mỗi cứ điểm mỗi trung tâm đề kháng có thể độc lập chiến đấu phòng ngự, đồng thời có thể yểm trợ cho các cứ điểm chung quanh.

---------------------
        1. Theo Giuyn Roa quân số đến ngày 23-1-1954 đã là 13.500 tên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM