Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:43:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu  (Đọc 39998 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:29:39 am »


        Sau này trong cuốn Con đường không vui và cuốn Đông Dương 1946-1962, Bécna Phôn đã nhiều lần vạch trần tính chất bịp bợm của trò chiến tranh tâm lý rẻ tiền trên đây của tổng chỉ huy Xalăng. Theo B. Phôn thì sự “hy sinh” của tiểu đoàn dù 6è BPC (con cừu non) và lính ngụy Thái (ở Mường Chen) không thay đổi được số phận của vùng thượng du (Tây Bắc) Bắc Kỳ.

        “Ván cờ chỉ mới bắt đầu”! Đúng như Xalăng nói, vì đối phương mới qua đợt một của chiến dịch Tây Bắc1. Để chuẩn bị đối phó với nước cờ tiếp theo của đối phương; Xalăng vội vã điều lên Tây Bắc sáu tiểu đoàn (Nà Sản: bốn; Lai Châu: một; Điện Biên Phủ: một)2, đồng thời xây dựng “con đê ngăn sóng” Nà Sản để hỗ trợ cho Lai Châu và Sơn La “chặn đối phương tràn sang đất Lào”.

        Từ cuối tháng 10, việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xúc tiến gấp, dưới sự điều hành trực tiếp của đại tá Gin. Hàng ngày, Xalăng, Đờ Linarét, Ala... thay nhau bay lên đôn đốc “để việc xây dựng công trình không quá chậm trước khi đối phương đánh đòn thứ hai”.

        Mặc dù tập trung nỗ lực vào việc xây dựng “con đê ngăn sóng”, nhưng “suốt trong tháng 11 dài dằng dặc và đầy lo âu này, Nà Sản đâu phải là mối lo duy nhất” của Xalăng và bộ chỉ huy Pháp? Tuy đã điều từ đồng bằng lên khá nhiều lực lượng tổng dự bị nhưng Xalăng vẫn chưa yên tâm, vì trên chiến trường Tây Bắc, với diện tích rộng gấp hai lần đồng bằng Bắc Bộ, lực lượng Pháp - ngụy bố trí rất phân tán, sơ hở. Hơn thế nữa, lại chưa biết trong đòn tiếp theo đối phương sẽ tiến công vào đâu? Liệu Nà Sản có phải là một mục tiêu hấp dẫn đối với quân đội Việt Nam, một quân đội rất khôn ngoan biết tạm thời tránh chỗ mạnh để đánh chỗ yếu? Kinh nghiệm mặt trận Hòa Bình năm ngoái đã chứng minh quá rõ điều đó.

        Nếu đối phương không tập trung vào Nà Sản thì các vị trí khác, phân tán và cô lập trên vùng rừng núi bao la này làm sao đứng vững được trước sức tiến công của ba sư đoàn thiện chiến một khi họ vượt sông Đà?

        Phải đi thêm một nước cờ để đỡ đòn cho xứ Thái, phải mở một cuộc hành binh đánh vào hậu phương của Việt Minh nhằm buộc họ phải điều chủ lục từ chiến trường miền Tây về để đối phó. Đó là suy nghĩ của viên tổng chỉ huy hồi đầu tháng 10.

        Chủ trương chiến lược vừa nảy ra, được Xalăng cho là thượng sách, đã không làm cho tướng Đờ Linarét và bộ tham mưu Pháp yên tâm. Người ta nghi ngờ kết quả của một cuộc hành binh như vậy. Người ta còn lo cho số phận của “vùng đồng bằng có ích” khi mà lực lượng tổng dự bị tiếp tục bị điều đi ra khỏi “phòng tuyến Đờlát”.

        Để thuyết phục cấp dưới, viên tổng chỉ huy phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phá hủy các căn cứ hậu cần của đối phương” ở vùng Phủ Đoan - Yên Bái mà họ đang dùng để tiếp tế cho Tây Bắc, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đỡ đòn cho xứ Thái và Bắc Lào. Tại sao lại bỏ qua một cuộc hành binh nhằm hai mục tiêu chiến lược quan trọng như vậy?

---------------------
        1. Trong đợt 1 (14-10 - 20-10-1952), Quân đội nhân dân Việt Nam đã quét sạch các vị trí của Pháp từ hữu ngạn sông Hồng đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, diệt và bắt 1.500 tên địch, trong đó có chừng 300 lính và sĩ quan Âu - Phi.

        2. Trước khi đợt 2 chiến dịch Tây Bắc của ta bắt đầu, trên chiến trường này Pháp đã có 16 tiểu đoàn và 32 đại đội lẻ (bao gồm cả quân chiếm đóng và quân cơ động, cả quân chính quy và quân địa phương) và 9 khẩu pháo từ 75 đến 105 milimét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:30:38 am »


        Một kế hoạch hành binh được vội vã vạch ra để đánh vào “một vùng sinh tử của đối phương”. Không thể hành binh lên tận Yên Bái vì quá xa và binh lực đòi hỏi “quá tầm tay”. Mục tiêu được coi là thích hợp: Phủ Đoan, “nơi phát hiện có kho tàng của đối phương”. Tướng Đờ Linarét, chỉ huy chiến trường Bắc Bộ trực tiếp điều hành Loren (Lorraine), cuộc hành binh được coi là lớn nhất từ đầu cuộc chiến tranh (30.000 quân)1.

        Từ đêm 29 tháng 10, các GM1 và 4 vượt sông Đà rồi tiến lên hướng Phú Thọ, trong khi GM3 từ Việt Trì theo đường số 2 lên để hợp điểm với hai GM1 và 4 ở Ngọc Tháp và cùng tiến lên Phủ Đoan.

        Sau mười ngày hành quân “chiếm” được 1.300 kilômét vuông mà không gặp chủ lực đối phương, nhiều viên chỉ huy tỏ ra chủ quan và tự hào về “chiến tích”. Song những người lính “thâm niên Đông Dương” đã nói nhỏ với các ký giả đi theo Loren rằng: theo kinh nghiệm của họ, “một khi quân Việt Minh được tung ra thì khó mà chặn họ lại được và họ càng chậm hành động thì cuộc tiến công sắp tới của họ càng ác liệt”.

        Ngày 9 tháng 11, khi ba GM đã tới Phủ Đoan và ba tiểu đoàn dù của 1er GAP đã được ném xuống, “cuộc lùng sục các kho tàng bắt đầu”. Nhưng rồi người ta sớm kết luận rằng Phủ Đoan không phải là “chân hàng đáng kể”. Linarét đốc quân tiến lên hướng Phù Hiên rồi Phủ Yên Bình. Vẫn vắng bóng chủ lực đối phương, trong khi quân du kích dọc đường “làm cho quân số (của Pháp) tiêu hao hàng ngày”.

        Ngày 14, khi Loren đã duỗi dài, cách xa phòng tuyến Đờlát chừng 150 kilômét, một vấn đề được khẳng định: đối phương không rút chủ lực từ xứ Thái về đối phó. Trong những bài báo gửi về tòa soạn, các ký giả nhận định: ông Giáp tin rằng khi đã kiệt sức, quân Pháp sẽ “chững lại” và đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan (dilemme). Bởi vậy ông tiếp tục cuộc tiến công ở Tây Bắc, hướng chính trong chiến dịch thu - đông của ông.

        Sau nửa tháng mở cuộc “hành binh trong chân không”, đuối sức trước việc tiếp tế cho 30.000 quân bị lọt thỏm trên địa bàn “chơ vơ giữa đồng bằng và xứ Thái”, chiều 14, Xalăng buộc phải hạ lệnh lui quân vì “ba tiểu đoàn cơ động chiến lược còn lại ở châu thổ sông Hồng đang kêu cứu”. Nhưng tiến sâu vào hậu phương kháng chiến đã khó thì rút quân ra khỏi nơi này càng không phải là chuyện dễ.

        Cuộc triệt thoái đã diễn ra chậm chạp trên con đường mà Loren vừa đi qua, con đường đầy những hố phá hoại “như những phím đàn dương cầm”. Đến ngày 17, một “địa ngục thực thụ” đã diễn ra trên một quãng đường dài chừng bốn kilômét ở vùng Chân Mộng, “một địa điểm mà chỉ nhìn các đường bình độ trên bản đồ cũng hình dung thấy như một con dao cứa cổ”.

        Các ký giả ghi lại: 9 giờ 30 phút, ngoài sự mong đợi của mọi người, “đội quân chính quy, áo xanh ôliu ngắn tay, mũ lá ngụy trang, bỗng như từ trên trời ập xuống, từng đợt, từng đợt lao đến mặt đường”. Tiểu liên, lựu đạn, dao găm, chai cháy... giáp lá cà. Đội hình của Loren bị chặt thành nhiều khúc. Các viên chỉ huy, từ Kécgeravát (Kergaravat) đến Baxtiani (Bastiani) như bị chôn chân trên mặt đường cùng với các GM đang ở trong tình trạng rối loạn.

        Chịu đòn cho đến khi đối phương lui quân, các GM gấp rút chạy về đến Ngọc Tháp. GM1 chưa kịp xả hơi đã có lệnh điều ngay hai tiểu đoàn Bắc Phi lên Nà Sản để cứu nguy cho xứ Thái. Các đơn vị còn lại tiếp tục phải đối phó với những trận tiến công mới ở Phụ Dực, Cổ Tích.

---------------------
        1. Ba GM1, 3, 4; một binh đoàn không vận (1er GAP gồm 3 tiểu đoàn); hai tiểu đoàn bộ binh và năm đơn vị biệt kích độc lập; hai thiết đoàn; hai phân đội trinh sát cơ giới hóa; hai thủy đội xung kích; hai cụm pháo; hai tiểu đoàn công binh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:31:07 am »


        Ngày 1 tháng 12, khi những đơn vị cuối cùng, mang theo vết tích của một sự sứt mẻ nghiêm trọng, lọt vào bên trong phòng tuyến boong ke, cũng là lúc cuộc tranh cãi về Loren lan tràn. Kết luận rút ra từ các cuộc tranh cãi đó là: Với việc làm tê liệt trong một thời gian dài phần lớn lực lượng cơ động chiến lược và buộc không quân phải phục vụ “ở mức không thể chịu đựng nổi”, cuộc hành binh hao người tốn của đã không buộc đối phương phải thay đổi quyết tâm chiến lược của họ, cũng tức là không cứu nguy được cho xứ Thái. Cũng như “Hải cẩu” hai năm trước đây1, Loren chỉ là một cuộc hành binh tiến sâu thêm vào ngõ cụt.

        Giấc mộng Loren vừa tan vỡ thì thảm họa xứ Thái đã ập đến, nhanh đến nỗi tổng chỉ huy Xalăng không kịp trở tay đối phó.

        Ngày 15, viên tướng này bay lên Mộc Châu. Tiếp đó, thêm một tiểu đoàn Bắc Phi (3/1 RTM) được ném xuống tăng cường cho Mộc Châu - Bản Hoa để “chế ngự các đường mòn mà Việt Minh có thể dùng để thâm nhập nước Lào qua hướng Sầm Nưa”. Tiểu đoàn này đứng chân chưa vững đã bị xóa sổ ngay sau khi đối phương vượt sông Đà bắt đầu đợt hai của chiến dịch, đúng vào ngày 17, ngày Loren đang giãy giụa ở “địa ngục Chân Mộng”. Thêm hai tiểu đoàn dù (1er và 2è BEP từ Phủ Đoan về) được đưa lên Nà Sản rồi tung ra khu vực Cò Nòi để cùng ba tiểu đoàn tại chỗ tổ chức tuyến đề kháng Cò Nòi - Chiềng Đông - Yên Châu. Nhưng không kịp. Đối phương đã tiếp cận Yên Châu. Một tiểu đoàn ngụy và một đại đội dù bị diệt. Ngót bốn tiểu đoàn còn lại bỏ Chiềng Đông - Cò Nòi tháo chạy.

        Sáng 20, Xalăng lại bay lên Tây Bắc, trong khi quân Pháp - ngụy đang rút khỏi hàng loạt vị trí ven sông Đà từ Hát Tiếu tới Tạ Khoa và dọc đường 41 từ Chiềng Pan tới Yên Châu. Trở về Hà Nội, viên tổng chỉ huy than thở: “Rõ ràng không thể chối cãi được rằng quá nhiều đơn vị của chúng ta (Pháp) không thích ứng với cuộc chiến đấu trong rừng rậm, nơi mà Việt Minh làm chủ... và điều đó khiến tôi (Xalăng) đau đầu... Hàng ngày, tôi luôn nhận được những tin tức đáng ưu phiền”2.

        Trước nguy cơ Nà Sản bị uy hiếp, ngày 23, Xalăng điều vội hai tiểu đoàn Bắc Phi (2/1 RTA và 2/6 RTM thuộc GM1 vừa tham gia Loren) lên tăng cường cho Nà Sản, nâng binh lực của tập đoàn cứ điểm này lên tới bảy tiểu đoàn.

        Cũng trong thời gian này, hàng loạt vị trí ở bắc Sơn La liên tiếp bị tiêu diệt, bức hàng, bức rút (Nậm Đin, Luân Châu, Bản Tanh, Tuần Giáo, Mường Sài, Mường Piêng...), khiến Xalăng lại phải vét thêm quân lên tăng cường cho Lai Châu (hai tiểu đoàn) và Thuận Châu (một tiểu đoàn). Khi có tin quân chủ lực đối phương đã áp sát Nà Sản, quân Pháp - ngụy ở dọc đường Tuần Giáo - Điện Biên bỏ đồn chạy dồn về lòng chảo Mường Thanh. Ngày 25, thêm một tiểu đoàn biệt kích ngụy Lào (58è BCL) được điều đến Điện Biên Phủ để cùng các lực lượng mới rút về đây “ngăn chặn bước tiến của đối phương sang hướng Thượng Lào”. Nhưng lại không kịp. Ngày 30, quân Việt Minh đã tiến vào cánh đồng Mường Thanh, giải phóng Điện Biên Phủ. Đám tàn quân chạy thoát từ Điện Biên Phủ vượt biên giới sang “tổ chức một cái chốt ở Mường Khoa nhằm chặn không cho đối phương đưa chiến cuộc đến bờ sông Mê Công” (!).

        Trong bộ tham mưu Pháp, người ta xì xào về tài chỉ huy của tướng Xalăng. Có người nói thẳng ra rằng viên tổng chỉ huy lúc này “không còn tâm trí mà cũng chẳng tìm đâu ra quân để trở lại Điện Biên Phủ... Từ nay mọi cố gắng của ngài đã vượt sang bên kia biên giới (Lào Việt)”. Chính Xalăng cũng thú nhận rằng hắn ta lo ngại về những tin tức tình báo cho biết đối phương không ngừng dồn ép quân Pháp ở vùng Sầm Nưa. Vấn đề đặt ra với Xalăng là liệu có phải “chuẩn bị để chấp nhận chiến đấu một cách bắt buộc ngay trên đất Lào”?

        Xalăng lo lắng, điều đó cũng dễ hiểu vì nước cờ của đối phương đã dồn bộ chỉ huy Pháp vào thế bí. Cuộc đấu trí trong tháng 11 đã đem lại cho những vị cầm đầu quân viễn chinh Pháp phần thua quá đậm.

        Loren từ chỗ đấm vào khoảng trống đến chỗ bị sa vào “bẫy chuột” với thiệt hại không thể lường trước được, trong đó có chuyện đau đầu là tiểu đoàn lê dương 2/2 REI thuộc loại sừng sỏ được xem như bị xóa sổ. Tiếp đến là đòn thứ hai của đối phương trên “xứ Thái”, khiến cho trên 2.000 lính Pháp - ngụy bị tiêu diệt (trong đó có 2 tiểu đoàn cơ động chiến lược - 3/1 RTM và 55 BVN - bị diệt gọn). Lá cờ ba sắc vắng bóng trên toàn tỉnh Sơn La (trừ cứ điểm Nà Sản cùng vài vị trí còn lại ven sông Mã) và trên một phần quan trọng tỉnh Lai Châu.

        Một nỗi ưu phiền khác là tình trạng “ruỗng nát” ở vùng châu thổ sông Hồng nơi rất nhiều vị trí vừa bị tiêu diệt, trong đó có hơn 10 vị trí cỡ đại đội. Những trận đánh quy mô không lớn nhưng trên địa bàn quá rộng ở cả tả - hữu ngạn sông Hồng đã loại trên 3.000 lính Pháp - ngụy ra ngoài vòng chiến. Đất đai dưới quyền kiểm soát của đối phương trong “vùng đồng bằng có ích” không ngừng mở rộng.

        Nguồn an ủi và cũng là hy vọng cuối cùng của tướng Xalăng trên chiến trường Tây Bắc là “công trình Nà Sản - con đê ngăn sóng”, một tập đoàn cứ điểm, với binh lực trên 30 đại đội bộ binh và 2 cụm pháo cối. Nà Sản ở phía nam cùng với Lai Châu ở phía bắc trở thành hai hòn đảo chơi vơi, lọt thỏm giữa cả một vùng rừng núi trùng điệp trên “xứ Thái”.

        Viên tổng chỉ huy Pháp quả đã trải qua những đêm lo âu căng thẳng khi những tiếng súng đầu tiên của đối phương tiến công vào Nà Sản.

        Thật ra, lúc bấy giờ các tướng lĩnh Pháp đã không nắm được ý định của đối phương.

        Sau mấy trận tiến công tiêu diệt một số cứ điểm vành ngoài của tập đoàn cứ điểm Nà Sản (đêm 30-11, diệt Pú Hồng, Bản Hời; đêm 1 tháng 12 tiến công Nà Xi, Bản Vậy), thấy không ưu thế về binh lực, nhất là về binh khí kỹ thuật, không bảo đảm chắc thắng lại bị thương vong cao, đối phương đã chấm dứt trận đánh. Một bộ phận ở lại tiếp tục bao vây và tiêu hao địch. Các đơn vị khác nhận nhiệm vụ giúp đỡ địa phương củng cố vùng giải phóng rộng lớn ở Tây Bắc và chuẩn bị cho đòn tiếp theo, một đòn chắc thắng có tầm chiến lược trên một hướng khác.

        Chỉ gần 10 năm sau, Xalăng mới dám thừa nhận rằng: không tiếp tục tiến công Nà Sản nhưng đối phương chẳng hề giảm quyết tâm tiến tới tiêu diệt các cứ điểm mạnh của Pháp, “khi họ đã có những phương tiện vật chất và trang bị nặng mà lúc này họ chưa có, ví dụ một lực lượng pháo binh mạnh và có chất lượng” (cộng với một cách đánh mà lúc này họ chưa nhận thức được).

        Thực tế những năm cuối của cuộc chiến tranh đã chứng minh: đó là một cách đánh giá “biết điều” của một viên tướng hiểu biết về đối phương quá muộn.

---------------------
        1. Ý nói cuộc hành binh Hải cẩu (Phoqul) đánh lên Thái Nguyên khi chủ lực ta mở chiến dịch Biên giới cuối năm 1950.

        2. Raoul Salan, sách đã dẫn, tr. 363, 364.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:32:51 am »


BƯỚC SANG NĂM THỨ TÁM

        Sau “sự kiện xứ Thái”, một yêu cầu được đặt ra với tổng chỉ huy Xalăng là phải làm sao hạn chế tiếng vang thắng lợi của đối phương để gỡ thể diện với Pari và trấn an tinh thần quân viễn chinh. Muốn vậy, biện pháp hay nhất là phải thổi phồng tác dụng của “con đê ngăn sóng” vừa được xây dựng và nằm trơ trọi trên vùng rừng núi Tây Bắc.

        Ngày 10 tháng 12 năm 1952, tại tập đoàn cứ điểm Nà Sản, tổng chỉ huy cho tổ chức một cuộc duyệt binh để gắn mề đay cho đại tá Gin, chỉ huy tập đoàn cứ điểm, cho tiểu đoàn dù biệt kích 3 (3è BPC) và tiểu đoàn lê dương 3 (III/3è REI), những đơn vị được coi là có “chiến tích” trong các đêm 30 tháng 11 và 1 tháng 12.

        Cuốn phim Trận Nà Sản do một số phóng viên điện ảnh Pháp - Mỹ quay, tuy được coi là “một tài liệu thực tế bậc nhất”, nhưng vẫn không nói lên được “tầm vóc vĩ đại” của Nà Sản. Xalăng thấy cần phải lợi dụng mọi cuộc viếng thăm của các vị khách thập phương để tuyên truyền cho tạp đoàn cứ điểm này. Đó là Mắc Mahông (Mac Mahon), bộ trưởng không quân và hải quân Úc, con người đang đi truyền bá thuyết chống cộng ở Đông Nam Á, theo nguyên tắc chủ đạo: “trên bờ Thái Bình Dương, phải làm thất bại mọi ách thống trị đỏ” (!); đó là Parôđi (Alexandre Parodi), tổng thư ký phủ tổng thống Pháp, và nhà báo Mỹ Luxơ (Luce) mà tiếng nói có nhiều sức nặng trong dư luận phương Tây v.v…

        Trong các cuộc viếng thăm, các vị khách thường hỏi về lý do khiến Nà Sản có thể “đứng vững”. Đó là những dịp để tổng chỉ huy Xalăng nói lên những số liệu và vai trò của không quân1. Trong thâm tâm viên tướng này muốn nhắc khéo cả Pari lẫn Oasinhtơn rằng: muốn cho các nơi khác cũng “đứng vững” như Nà Sản, các ngài hãy tăng viện không quân nhiều hơn nữa. “Không quân là chủ bài, nhưng khốn nỗi hiện nay chúng tôi lại thiếu quá nhiều...”.

        Việc tuyên truyền cho vai trò của không quân ở Nà Sản càng trở nên cần thiết đối với các tướng lĩnh Pháp khi họ bị bộ trưởng chiến tranh Đờ Sơvinhê nêu lên một nhận xét cay độc sau khi đi thăm tập đoàn cứ điểm: “Tôi thấy: để tiến công một bụi tre, quân đội của các ông cần đến sự yểm trợ của cả một phi đội...”. Chính vì vậy nên chỉ cần vị khách vãng lai nào đó vô tình hay hữu ý nói đến Nà Sản là lập tức được tổng chỉ huy Xalăng mời lên “viếng thăm con đê ngăn sóng” ở sâu trên vùng Tây Bắc xa xôi. Thêm một nhân vật được tận mắt nhìn thấy “con nhím khổng lồ” là thêm những lời nói khích lệ đối với các tướng lĩnh Pháp. Họ cho rằng những lời nói đó trên thực tế đã bác bỏ “nhận xét lạc lõng” của Bộ trưởng chiến tranh Sơvinhê, “con người mù tịt về quân sự”. Vài ví dụ: Ngài Phôca (Jacques Foccart), cố vấn của Khối Liên hiệp Pháp và là phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng của khối này, hứa khi về nước sẽ vận động tất cả những người quen biết ủng hộ cuộc chiến tranh (xâm lược) Đông Dương, nhất là trong cuộc bỏ phiếu về ngân sách sắp tới ở quốc hội; ngài Môngten (André Montel), Bộ trưởng không quân, khi từ Pari ra đi còn “chưa có thái độ rõ rệt” đối với việc tăng viện máy bay cho Đông Dương, vậy mà chỉ sau một buổi đi thăm Nà Sản đã hứa sẽ gửi thêm nhiều nhân viên kỹ thuật sang và sẽ tạo mọi điều kiện để không quân phát huy tác dụng hơn nữa trên chiến trường; ngài Hít (Donalt Heath), đại sứ Hoa Kỳ, sau khi “bị tập đoàn cứ điểm Nà Sản làm cho say mê hoàn toàn”, đã hứa sẽ nói cho công chúng Mỹ biết về những gì mà quân đội Pháp đã làm ở Đông Dương cho “thế giới tự do”, v.v…

---------------------
        1. Theo số liệu của bộ chỉ huy Pháp, từ ngày 16 tháng 10 đến 30 tháng 11 năm 1952, Nà Sản “sống” được là nhờ cầu hàng không hoạt động liên tục, có ngày suốt trong 6 giờ liền với nhịp độ 6 phút một chuyến. Với 1.473 phi vụ vận tải, máy bay quân sự và dân sự đã chở 20.000 lượt người, 3.000 tấn hàng, 250 xe các loại. Ngày 30 tháng 11 và ngày 1 tháng 12 năm 1952, trung bình mỗi ngày có 90 lần chiếc máy bay lên ném bom và bắn phá yểm trợ. Việc chiếu sáng bằng dù được tiến hành trong hầu hết các đêm. Kết luận mà Xalăng rút ra là: không có không quân, không giữ được Nà Sản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:33:22 am »


        Khách đến thăm Đông Dương, thăm Nà Sản, rồi khách đi. Thế nhưng, lời hứa lúc chia tay, dù nhiệt tình mấy cũng chỉ mới là lời hứa thôi. Các tướng lĩnh Pháp vẫn ở lại “với mối ưu tư nặng trĩu” khi cuộc chiến tranh không lối thoát của họ bước sang năm thứ tám.

        Năm 1952 đã qua. Theo tổng chỉ huy Xalăng, đó là một năm mà Pari quan tâm quá ít đến Đông Dương khiến cho quân viễn chinh Pháp “phải chịu đựng nặng nề vì bị đánh liên tiếp”. Chỉ riêng số lính bị coi là “mất tích” trong hơn hai tháng cuối năm1cũng đủ nói lên thế bất lợi của Pháp trêu chiến trường. Vậy mà các tướng lĩnh Pháp còn nhận định rằng có nhiều triệu chứng cho thấy sang năm mới, họ sẽ đứng trước những khó khăn chưa lường trước được.

        Điều khiến họ quan tâm trước hết là quân số. Theo số liệu của Bộ tham mưu Pháp bước vào năm 1953, quân số Pháp và tay sai trên toàn Đông Dương đã lên tới 401.400 tên, trong đó quân ngụy chiếm 58% (231.000 tên)2, nhưng phần lớn bị căng ra trên các vùng do Pháp kiểm soát. Lực lượng cơ động chiến lược chỉ còn khoảng 15 phần trăm tổng số binh lực. Theo nhận xét của Xalăng thì lực lượng trên đây là quá ít trước các nhiệm vụ chiếm đóng, bình định và nhất là đối phó với các chiến dịch tiến công của quân đội Việt Nam. Chiến trường rừng núi miền Tây ngày càng thu hút lực lượng của Pháp làm cho nạn khủng hoảng quân số càng trầm trọng. Nà Sản là một ví dụ đậm nét về sự giằng xé binh lực giữa chiến trường đồng bằng và chiến trường rừng núi.

        Chính quốc đã tỏ ra quá kiệt sức, không thể tiếp tục gửi quân tăng viện sang. Lá bùa tổng động viên của Bảo Đại tỏ ra không có hiệu lực. Muốn bịt lỗ hổng về quân số, biện pháp duy nhất vẫn là vây ráp để bắt lính cho đội quân mang nhãn hiệu “Quân lực các quốc gia liên kết” (ngụy Đông Dương).

        Về mặt chính trị, tin tức trong những ngày cuối năm từ chính quốc bay sang thật đáng lo ngại. Sự phân hóa giữa các chính đảng về chính sách đối với Đông Dương ngày càng sâu sắc. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm càng có nhiều nghị sĩ nặng lời chỉ trích cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài. Không riêng các đại biểu cộng sản mà những nghị sĩ thuộc đảng Xã hội như loại Nagiơlen (Naegelen) cũng không tiếc lời đem thất bại của quân đội Pháp ở Tây Bắc phơi bày trước Quốc hội. Cuộc thảo luận về ngân sách năm 1953 đã lật nhào nội các Pinay (ngày 22 tháng 12). Theo ngân sách đó, nhu cầu chiến phí cho Đông Dương đã lên tới 370 tỷ phrăng, tức là mỗi ngày một tỷ. Con số đó đã trở thành đề tài cho báo chí chỉ trích. Theo cao ủy Lơtuốcnô mới từ Pháp trở về Sài Gòn thì nhiều phần tử “thoái chí” đang vận động để tiến tới một cuộc hòa đàm hòng tìm lối thoát ra khỏi “tổ ong bầu vẽ Đông Dương”. Ở Pari, người ta dự kiến cuộc đàm phán ở Bàn Môn Điếm có nhiều khả năng dẫn đến một thỏa ước. Cuộc đình chiến ở Triều Tiên không những sẽ khuyến khích phe chủ hòa ở Pháp mà còn là một đòn đánh mạnh vào tinh thần số đông tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương, những người ngày càng không tin rằng Pháp có thể giành được một thắng lợi quân sự. Một điều đáng lo ngại hơn nữa đối với các tướng lĩnh Pháp là cuộc đấu tranh phản chiến của nhân dân Pháp đã chuyển sang hình thức mới: phá hoại các trang bị được gửi sang Đông Dương. Theo một báo cáo của Ủy ban điều tra của Quốc hội trong năm 1952, 40% chiến cụ gửi từ Pháp sang đã bị phá hoại ngay trong quá trình vận chuyển; trong các bồn xăng có đường, các thùng dầu máy có cát, máy móc, đồ điện, vũ khí... bị phá ngầm bên trong. Ngay cả những trang bị gửi thẳng từ Mỹ sang Đông Dương cũng bị phá hoại trước khi cập bến.

----------------
        1. Theo số liệu của bộ chỉ huy Pháp, từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 31 tháng 12 năm 1952 quân Pháp và tay sai bị “mất tích” 2.840 tên, trong đó có 1.210 lính, sĩ quan Pháp và Âu - Phi.

        2. Lục quân: 164 tiểu đoàn bộ binh, 64 đại đội pháo, 66 chi đoàn thiết giáp, 38 đại đội công binh, 29 đại đội vận tải; Hải quân: 51 tàu biển các loại (trong đó có 1 tàu sân bay), 8 thuỷ đội xung kích; Không quân: 270 máy bay các loại (trong đó có 96 máy bay chiến đấu).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:33:44 am »


        Những người cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Pari ngày càng tỏ ra “thoái chí” là các bài báo từ Đông Dương bay về Pháp. Các biện pháp được ban hành để đối phó với các phóng viên quân sự ở Đông Dương. Nhưng sự đi lại của các phóng viên càng bị hạn chế, việc kiểm duyệt càng khắt khe thì ký giả các báo Pháp và phương Tây càng tỏ ra bực tức. Chán ngấy những lời quanh co đầy mâu thuẫn mà viên đại tá Bútxari thuộc phòng nhì Pháp nêu lên trong các buổi thông báo chiến sự, họ tìm đến các bệnh viện để phỏng vấn binh lính bị thương từ các mặt trận đưa về. Với thuốc lá và rượu sâm banh được tung ra một cách hào phóng, các ký giả đã thu lượm được khá nhiều sự thật. Thế rồi những bài báo “nhiễm độc” bay về các thủ đô phương Tây qua đường Hồng Công để tránh bị kiểm duyệt. Cơ quan an ninh của quân đội Pháp chỉ còn biết bó tay than phiền: “Thật là tai hại khi mà báo chí phản ánh những điều trái với ý muốn của chúng tôi”!

        Từ đầu năm, có tin thống chế Gioăng sắp sang kinh lý Đông Dương. Xalăng và các tướng lĩnh Pháp đặt nhiều hy vọng vào cuộc thăm viếng này. Họ cố dàn cảnh để chuyến đi của thống chế đem lại cho chiến trường Đông Dương những lợi ích thiết thực vì đây là một nhân vật mà tiếng nói rất có sức nặng, không những trong giới quân nhân Pháp mà cả trong chính giới ở Pari và Oasinhtơn.

        Viên tướng số 1 của nước Pháp đặt chân đến Sài Gòn ngày 15 tháng 2 năm 1953.

        Đến thăm mẹ Bảo Đại ở Huế, Gioăng tỏ ra khó chịu về thái độ hờ hững của người phụ nữ già trong hoàng cung. Từ kinh nghiệm tiếp xúc với mẹ Bảo Đại, ngài thống chế đã thẳng thừng khước từ lời yêu cầu của Xalăng mời lên thăm vua Lào Sisavang Vông, mặc dù ngày 2 tháng 3, Gioăng cùng Xalăng hạ cánh xuống thủ đô Viêng Chăn. Sau buổi gặp Bảo Đại ở Buôn Mê Thuộc, Gioăng càng bất mãn đến nỗi thốt lên: “Đáng lẽ ông ta (Bảo Đại) phải bớt thì giờ đi săn để lo lắng đến việc điều khiển quân đội (ngụy) chứ!”.

        Chỉ dừng chân ở một số thành phố lớn và thăm một đoạn phòng tuyến bê tông, Gioăng không chú ý lắm đến việc đi thị sát chiến trường. Tình thế của quân đội viễn chinh ở Đông Dương không có gì là hấp dẫn đối với viên thống chế Pháp. Ngay trong những buổi tiếp xúc với các tướng lĩnh Pháp, những người đang chờ đón những lời khích lệ, viên thống chế cũng chỉ nói những chuyện đâu đâu. Khối cộng đồng phòng thủ châu Âu (CEF), cuộc chiến tranh Triều Tiên, tình hình Marốc,... là những vấn đề quá xa lạ đối với những viên tướng đang ở vào thế gà mắc tóc trên chiến trường Đông Dương. Chính tổng chỉ huy Xalăng cũng phải thốt ra những lời thất vọng vì thấy vị thống chế chẳng đả động gì đến cuộc chiến tranh của quân đội Pháp đang tiến hành, “một cuộc chiến tranh đã làm cho họ hao mòn về thể xác, suy sụp về tinh thần, đến nỗi họ không còn dám nghĩ gì đến quê hương, xứ sở... Một vị thống chế nước Pháp đến thăm mà không hề mang đến cho họ một lời động viên nào xứng đáng với họ” (!)

        Chỉ mãi đến buổi chia tay Gioăng mới thổ lộ với Xalăng nỗi lòng cửa mình: Cuộc chiến tranh Đông Dương đã làm cho quân đội Pháp mất mát phần tinh túy nhất của mình là sĩ quan, hạ sĩ quan và lính chuyên nghiệp. Cuộc chiếu tranh đó đã dẫn đến tình trạng nước Phép bị thiếu hụt quân số triền miên, trước hết là ở châu Âu. Riêng trên chiến trường Đông Dương này, theo Gioăng, nếu trong hai tháng tới (trước mùa mưa) không có gì đáng lo ngại lớn thì càng phải đặc biệt đề phòng cuộc tiến công của ông Giáp vào mùa thu. Mãi đến khi sắp lên máy bay, Gioăng còn ngăn đe tướng Xalăng về tập đoàn cứ điểm Nà Sản: “Tướng quân hãy coi chừng đối với những “con nhím”... Chúng ta không nên quên Xtalingrát...”.

        Theo Xalăng và các tướng lĩnh Pháp cuộc kinh lý của Gioăng đem lại cho họ một “thu hoạch” không đáng kể... “Ông ta là một nhà chiến lược vĩ đại (!) nhưng lại rất xa lạ đối với chúng tôi. Ông ta chỉ quen chỉ huy các tập đoàn lớn trên những chiến trường không có những trận phục kích ác liệt không có những tai họa từ trên trời ập xuống... Còn ở chiến trường Đông Dương, cuộc chiến tranh hoàn toàn khác hẳn. Địa hình rừng núi rậm rạp với những trận phục kích bất ngờ; địa hình đồng bằng với bùn lầy và những đường giao thông bị phá hoại. Tóm lại, đây là một chiến trường mà người Âu không thể chịu đựng nổi...”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:34:43 am »


CHIẾN CÔNG CUỐI CÙNG CỦA BẠI TƯỚNG

        Ngay trong những ngày chiến dịch tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam đang phát triển thắng lợi trên chiến trường Tây Bắc, Bộ chỉ huy Pháp đã rất lo ngại và vội vã hướng sự cố gắng sang phía Lào.

        Đầu tháng 12, do sự đốc thúc của Pari, Xalăng phải thân hành sang Luông Pha Băng để khẳng định với vua Lào rằng quân đội viễn chinh Pháp “sẽ làm hết sức mình để Chính phủ Lào thoát khỏi cái thế phải chấp nhận cuộc xâm lăng (?) mà chính họ là nạn nhân”.

        Suốt ba tháng đầu năm 1953, việc điều động lực lượng và củng cố công sự được xúc tiến khẩn trương. Ngoài các đơn vị bộ binh và lính dù đã điều thêm lên chiến trường Thượng Lào, bộ tham mưu Pháp còn gấp rút xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm do ba tiểu đoàn chiếm đóng ngay trên cửa ngõ đông - bắc Lào. Một lực lượng sẵn sàng cơ động bằng đường hàng không từ đồng bằng Bắc Bộ đi ứng cứu khi “vương quốc đứng trước nguy cơ bị tràn ngập”. Một trong những lực lượng tại chỗ được Xalăng tin cậy là các đội biệt kích Mẹo hoạt động bí mật trên các rẻo cao được Pháp thường xuyên yểm trợ và tiếp tế bằng máy bay. Đó là khoảng 1.000 tên phỉ thuộc binh đoàn biệt kích hỗn hợp không vận (GCMA), những tay súng “lợi hại” được Pháp rất coi trọng và luôn luôn được dùng vào những nhiệm vụ đặc biệt.

        Việc bảo vệ Thượng Lào được bộ chỉ huy Pháp chuẩn bị chu đáo tới mức, nhân dịp sang “thăm” Đông Dương, viên tướng Mỹ Clác (Clark) phải khen rằng đó là một kế hoạch hoàn chỉnh. Lời khen đó càng có ý nghĩa thực tiễn đối với các tướng lĩnh Pháp khi nó được kèm theo lời hứa hẹn của ông bạn Hoa Kỳ là sẽ tăng thêm viện trợ, trước hết là máy bay, để bảo đảm chắc chắn hơn nữa yêu cầu bảo vệ vương quốc Lào.

        Những tin tức về hoạt động sắp tới của đối phương ngày càng khiến cho bộ chỉ huy Pháp nơm nớp lo sợ và chờ đợi. Từ cuối tháng 3, hầu như ngày nào Xalăng, Đờ Linarét và nhiều sĩ quan cao cấp Pháp cũng thay nhau đi Luông Pha Băng, Cánh Đồng Chum và Sầm Nưa để lo bảo đảm hoàn tất công việc phòng thủ ở mức cao nhất.

        Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với các tướng lĩnh Pháp vẫn là tình hình ở phân khu Sầm Nưa. Không biết lượm lặt tin tức từ đâu mà binh lính ở tập đoàn cứ điểm này bàn tán khá nhiều về cuộc tiến công sắp tới của hai binh đoàn đối phương, trong khi hai binh đoàn khác đã sẵn sàng chặn đường quân Pháp rút chạy khỏi Sầm Nưa... Tuy chưa hoàn toàn tin vào những lời đồn đại trên đây, nhưng Xalăng cũng lo ngại: đứng trước một đối thủ lớn mạnh và điêu luyện, ba tiểu đoàn Pháp và ngụy Lào sẽ khó tránh khỏi bị tiêu diệt hoặc tan rã, nếu đối phương nhằm hướng Sầm Nưa để mở chiến dịch tiến công. Kinh nghiệm Tây Bắc cuối năm 1952 cho thấy, càng kịp thời rút chạy bao nhiêu, càng hạn chế được tổn thất bấy nhiêu.

        Vì vậy, ngày 5 tháng 4, khi Malơplát (Maleplatte, chỉ huy phân khu Sầm Nưa) về Hà Nội báo cáo, tổng chỉ huy Xalăng đã cùng viên trung tá này bàn tính kế hoạch rút quân khỏi Sầm Nưa khi cần..

        Thời tiết ở Thượng Lào vào đầu tháng 4 rất xấu. Việc yểm trợ bằng máy bay gặp rất nhiều khó khản. Xalăng chỉ thị cho viên chỉ huy Sầm Nưa phải dựa vào các toán biệt kích Mẹo chốt trên các điểm xung yếu để yểm trợ cho cuộc rút chạy về Cánh Đồng Chum.

        Tình hình đã trở nên hết sức khẩn trương. Khi có tin đối phương đang tiến quân về hướng Sầm Nưa, Xalăng hạ lệnh cấp tốc rút quân khỏi cứ điểm này ngay trong đêm 12 tháng 4. Mọi việc phá hoại được xúc tiến vội vã đến nỗi một số lính công binh bị chết ngay trong khi thừa hành nhiệm vụ.

        Phần lớn số lính thuộc tiểu đoàn 8 quân đội hoàng gia Lào (8e BIL) đào ngũ ngay trong đêm đầu tiên, mặc dù cấp chỉ huy từ trung đội trở lên của tiểu đoàn này là người Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:35:29 am »


        Cuộc rút lui khỏi vị trí bắt đầu từ nửa đêm và đến 6 giờ sáng hôm sau (13-4-1953), đơn vị cuối cùng đã ra khỏi cứ điểm Sầm Nưa. Toàn bộ binh lực Pháp - ngụy Lào vội vã tháo chạy về hướng tây - nam gồm khoảng 2.000 tên1 dưới quyền chỉ huy của trung tá Malơplát.

        Khi những tên lính cuối cùng ra khỏi Sầm Nưa thì đơn vị đầu tiên của các lực lượng vũ trang cách mạng Lào - Việt còn đang trên đường hành quân cách thị trấn khoảng 15 kilômét. Cuộc hành quân tiếp cận để tiến công Sầm Nưa nhanh chóng chuyển thành cuộc truy kích kéo dài và hết sức khẩn trương về hướng Cánh Đồng Chum.

        Chặng đường rút chạy của quân Pháp - ngụy Lào từ Sầm Nưa đến Mường Hàm - Nà Noọng tương đối an toàn vì đối phương chưa đuổi kịp. Nhưng rồi trận đụng độ đầu tiên xảy ra sáng sớm 14 tháng 4 và đội hình đoàn quân rút chạy bắt đầu tan tác. Đó là báo cáo đầu tiên và cũng là báo cáo cuối cùng mà Bộ tham mưu Pháp nhận được của viên trung tá chỉ huy. Xalăng rất bực bội trước hành động của “bọn lính ngu xuẩn đã dừng lại ở Mường Hàm một đêm, trong khi tình thế chỉ cho phép nghỉ chân vài giờ...”. Viên trung tá chỉ huy cuộc rút chạy đã bám lấy một cái chốt của bọn phỉ Mẹo, để mặc cho các đơn vị thuộc quyền tiếp tục tháo chạy về hướng tây nam. Viên tổng chỉ huy Pháp phải ra lệnh cho máy bay lên thẳng thay phiên nhau bay đi theo dõi “cuộc hành binh kỳ lạ”. Hà Nội đã mất liên lạc với Malơplát.

        Suốt mấy ngày, đám loạn quân bị một tiểu đoàn đối phương bám sát. Các cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra, nhất là trong những ngày 16 và 19 tháng 4.

        Ngày 19, tình thế của quân Pháp - ngụy Lào đã trở nên rất nguy ngập. Máy bay lên thẳng điện về cho biết: sau một tuần vừa tháo chạy vừa chống đỡ trên chặng đường khoảng 250 kilômét, cả đoàn quân gần 2.000 người chỉ còn sống sót chừng 10% quân số. Mặc dù tốc độ đuổi đánh của đối phương có chậm lại nhưng số tàn quân Pháp - ngụy Lào đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Xalăng vội vã ném một đại đội thuộc tiểu đoàn dù biệt kích 3 (3e BPC) xuống vùng tây - nam Bản Ban để cùng bọn biệt kích Mẹo yểm trợ cho số tàn quân chạy thoát về Cánh Đồng Chum.

        Sau khi nghe bộ tham mưu tổng hợp tình hình cuộc rút quân khỏi Sầm Nưa, viên tổng chỉ huy Pháp kết luận rằng đây là một cuộc hành binh bất hạnh, được kết thúc bằng một giá quá đắt. Nếu đối phương không vấp phải những khó khăn về thể lực, hậu cần và tổ chức chỉ huy thì khoảng 200 quân Pháp - ngụy Lào còn lại khó thoát chết trên chặng đường từ Bản Ban đến Cánh Đồng Chum.

        Tiếp theo “sự kiện Sầm Nưa”, hàng loạt vị trí trên khu vực sông Nậm U lần lượt bị tiêu diệt (Mường Ngòi, Bản Sẻ: 25 tháng 4, Pác Seng: 26 tháng 4, Nậm Bạc: 27 tháng 4…), đặt bộ chỉ huy Pháp trước một tình thế rất gay cấn. Biết nói thế nào với Pari khi mà Ủy ban tham mưu cứ điện hỏi đi hỏi lại về những gì đã xảy ra trên chiến trường Bắc Lào.

        Viên tổng chỉ huy Pháp cố tìm cách “giải thích cho những người chậm hiểu” ở Pari rằng: từ cuối tháng 2, vấn đề đối phó về mặt chiến lược trên chiến trường Bắc Lào đã được đem ra nghiên cứu với cao ủy Lơtuốcnô và thống chế Gioăng. Mọi người đều thống nhất chủ trương rút quân khỏi Sầm Nưa nếu cứ điểm này bị đối phương uy hiếp, để tránh những thiệt hại không thể lường được về người và trang bị. Xalăng muốn nhấn mạnh để Ủy ban tham mưu ở Pari hiểu rằng không phải tổng chỉ huy là người trực tiếp chịu trách nhiệm về “sự kiện Sầm Nưa” mà chính thống chế Gioăng, cách đây hàng tháng, cũng đành phải bó tay chấp nhận kế hoạch rút chạy như vừa diễn ra. Sở dĩ buộc phải quyết định thủ tiêu chiến đấu vì không thể chấp nhận một trận đánh không cân sức. Hơn nữa, quân Pháp rút chạy là để “đối phương lao vào một vùng không thể đứng chân được vì xa mọi nguồn tiếp tế” (!).

        Ngồi tận Pari xa xôi, Ủy ban tham mưu hiểu sao được nỗi lo ngại của vua Lào đối với thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông Pha Băng trước việc quân đội Pháp phải buộc lòng bỏ phân khu Sầm Nưa. Ngày 18 tháng 4, Xalăng phải bay sang an ủi người cầm đầu vương quốc Lào về “sự tổn thất to lớn nhất kể từ đầu chiến tranh”. Ủy ban tham mưu và Chính phủ Pháp chỉ biết dựa vào “những bài báo nhiễm độc” để đòi hỏi người cầm đầu quân đội viễn chinh phải báo cáo đủ điều. Nào là vì sao sau khi rút chạy khỏi Sầm Nưa, quân Pháp còn phải bỏ phân khu Xiêng Khoảng; vì sao hàng loạt vị trí khác ở Bắc Lào liên tiếp bị tiêu diệt để vùng lưu vực sông Nậm U giàu có lọt vào tay phe kháng chiếu Lào? Nào là việc điều lực lượng từ Nà Sản và đồng bằng sông Hồng sang để xây dựng Cánh Đồng Chum và Luông Pha Băng thành những tập đoàn cứ điểm1 liệu có chặn được bước tiến của đối phương? v.v…

---------------------
       1. Gồm 1 tiểu đoàn dù, 1 tiểu đoàn bộ binh ngụy Lào, 1 tiểu đoàn bộ binh liên hiệp Pháp (40% là lính Âu - Phi) cùng 2 đại đội bộ binh ngụy Lào ở Mường Pơn, Hứa Mường, và bộ máy ngụy quyền (tỉnh Sầm Nưa, kể cả tỉnh trưởng và phó tỉnh trưởng).

        2. Trước thắng lợi của liên quân Lào - Việt trong chiến dịch Thượng Lào, Pháp phải điều lực lượng sang xây dựng thành hai tập đoàn cự điểm: Cánh Đồng Chum gồm 7 tiểu đoàn bộ binh và 2 đại đội pháo; Luông Pha Băng gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội pháo.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:40:26 am »


        Thật ra còn biết bao nhiêu điều mà Pari không biết để hỏi và tổng chỉ huy Xalăng cũng “không tiện” báo cáo. Chẳng dại gì mà cho Ủy ban tham mưu biết sự thật là số quân bị tiêu diệt từ 13 đến 30 tháng 4 (kể cả hướng Sầm Nưa - Bản Ban và hướng sông Nậm U) đã lên tới 23% tổng số quân Pháp - ngụy trên toàn chiến trường Lào (2.800/12.000). Cũng chẳng dại gì mà công khai thừa nhận rằng chỉ trong vòng nửa tháng, liên quân Lào - Việt đã giành lại một vùng rộng hơn 28.500 kilômét vuông, gồm toàn tỉnh Sầm Nưa và một phần tỉnh Xiêng Khoảng, với 40.000 dân. Ủy ban tham mưu ở tận Pari ắt phải nhận thấy một hình thái chiến lược bất lợi đã xuất hiện trên chiến trường Bắc Lào: lực lượng kháng chiến Lào đã có một căn cứ rộng lớn trên địa bàn chiến lược tiếp giáp với vùng Tây Bắc Việt Nam. Thế uy hiếp từ lâu nay đối với “xứ Thái” đối với vùng Hòa Bình và vùng tây Thanh Hóa, Nghệ An không còn nữa. Cửa ngõ Bắc Lào đã rộng mở. Tập đoàn cứ điểm Nà Sản càng bị cô lập nghiêm trọng. Ý đồ của bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp định dùng Nà Sản làm bàn đạp để mở rộng phạm vi chiếm đóng “xứ Thái” và vùng Bắc Lào đá bị phá sản.

        Thế chiến lược mới do chiến dịch tiến công của liên quân Lào-Việt tạo nên là hoàn toàn ngoài dự kiến của Bộ tham mưu Pháp ở Đông Dương và Ủy ban tham mưu ở Pháp. Sự thật đó nếu cuối tháng 3 năm 1953, Xalăng “chưa tiện” nói ra thì sau đó đã lần lượt bị Bécna Phôn và các tướng Mácsăng, Nava (Henri Navarre) vạch trần.

        Theo họ, hàng loạt vị trí đóng rải trên vùng Bắc Lào đáng lẽ phải kéo dài cuộc chiến đấu như kế hoạch đã định để làm chậm bước tiến của đối phương. Một số đồn khác có nhiệm vụ đặc biệt là cố thủ trong một thời gian tối thiểu để bộ chỉ huy Pháp có thể thiết lập phòng tuyến thứ hai. Một trong những cứ điểm đó là Mường Khoa, một vị trí chìa khóa ở ngã ba sông, trên hướng từ Điện Biên Phủ xuống. Đáng lẽ “vị trí lý tưởng” này (với 300 quân, được không quân yểm trợ đắc lực và tiếp tế bằng dù) phải chiến đấu trì hoãn trong vòng vài tuần. Vậy mà, theo thông cáo số 14 của bộ chỉ huy tối cao Pháp, chỉ sau “đêm 17 rạng 18 tháng 5, đồn Mường Khoa đã bị sụp đổ dưới sức nặng áp đảo của quân tiến công”. Ngày 19, toàn bộ 300 quân phòng thủ bị tiêu diệt hoặc bị bắt.

        Tướng Mácsăng còn phải công nhận một điều là thắng lợi của đối phương đã vượt khỏi phạm vi Bắc Lào vì “họ đã thành công trong việc phối hợp hoạt động trên mọi “xứ”... và đã tiến hành một trận giao chiến trên phạm vi toàn Đông Dương”. Theo viên tướng này, tại Trung Bộ, Nam Bộ và Campuchia, địa lôi chiến phát triển mạnh nhất, do đó đối phương đã làm cho tình trạng mất an ninh ngày càng tăng thêm... Tại chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, sư đoàn 320 từ hướng Thanh Hóa lên đã thúc đẩy các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động mạnh mẽ. Nhờ hoạt động tích cực, nhờ tinh thần chiến đấu dẻo dai, nhờ cách đánh tài tình các đơn vị địa phương ở đồng bằng đã dựa vào các căn cứ vững chắc để đánh chiếm nhiều đồn bốt, đánh nhiều trận tập kích lợi hại... Kho đạn 4.000 tấn ở Kiến An bị phá hủy đêm 20 tháng 4; 1 tiểu đoàn Âu - Phi ở Nam Định bị diệt gọn đêm 29; nhiều đồn bốt ở Phủ Lý bị san bằng ngày 16 tháng 5; vị trí Yến Vĩ kiên cố bị tiêu diệt, quân Pháp “không sao chống lại được một cách có hiệu quả vì thiếu quân dự bị cơ động...”.

        Bước vào mùa hè năm 1953, trên toàn chiến trường Bắc Đông Dương, thế bố trí binh lực của Pháp càng lộ rõ mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa đồng bằng sông Hồng và vùng rừng núi miền Tây. “Quả đấm chiến lược” mà bộ chỉ huy Pháp cố gắng tạo nên ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị suy yếu nghiêm trọng: 18 tiểu đoàn trong tổng số 30 tiểu đoàn cơ động chiến lược đã dần dần bị điều đi chôn chân trên chiến trường rừng núi1. Do lực lượng cơ động bị giảm sút (chỉ còn 40% tổng số quân cơ động ở Bắc Đông Dương được tập trung ở châu thổ sông Hồng: 12/30 tiểu đoàn) đến nỗi khi sang nhận chức tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương, tướng Nava phải than phiền rằng “đồng bằng Bắc Bộ không còn đóng nổi vai trò cái chìa khóa của vùng Đông Nam Á nửa”.

---------------------
        1. Lai Châu: 1 tiểu đoàn; Nà Sản: 6 tiểu đoàn; Cánh Đồng Chum: 7 tiểu đoàn; Luông Pha Băng; 4 tiểu đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:42:13 am »

       
Phần bốn

ĐỈNH CAO CỦA THẤT BẠI


Chương mười

TÌM “LỐI THOÁT DANH DỰ”

CUỘC CHIẾN ĐẤU CHUNG PHÁP-MỸ

        Từ đầu năm 1953, ngày càng có nhiều dư luận về những cuộc “viếng thăm” liên tiếp của chính khách và tướng lĩnh Hoa Kỳ trên mảnh đất Đông Dương.

        Cuối tháng 10 năm trước, viên đô đốc Rátpho (Arthur Radford; tư lệnh hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương) đến Đông Dương và được Xalăng dẫn lên thăm tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Hai tháng sau, vào ngày 19 tháng 12, đến lượt đại sứ Hoa Kỳ Đônan Hít ra thăm Bắc Bộ và cũng bay đi Nà Sản.

        Dư luận cho rằng trong mối quan hệ Pháp - Mỹ, uy tín cá nhân của tổng chỉ huy Xalăng chưa đủ để tác động đến các ông bạn lái súng. Chẳng thế mà trong chuyến đi kinh lý Đông Dương hồi tháng 2, vừa đặt chân đến Sài Gòn, thống chế Gioăng đã vội bay đi Tôkyô để gặp tướng Mỹ Clác chỉ huy quân Mỹ ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản. Gioăng chính thức báo cho viên tướng Mỹ biết rằng nước Pháp đã quá đuối sức khi cuộc chiến tranh (xâm lược Đông Dương) bước sang năm thứ tám và yêu cầu Clác trực tiếp sang nghiêu cứu tình hình tại chỗ để có kế hoạch tăng cường viện trợ cho quân viễn chinh Pháp đang ở vào thời kỳ hết hơi.

        Ngày 19 tháng 3, tướng Clác bay sang Đông Dương đúng vào lúc quân Pháp đang lo đối phó trên chiến trường Lào. Dư luận cho rằng, chuyến viếng thăm của Clác đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ giữa bọn cầm đầu quân viễn chinh Pháp và bọn lái súng Mỹ.

        Theo Xalăng, sau cuộc đón tiếp được tổ chức với tất cả các hình thức “nghi lễ đầy đủ và tôn kính” sau khi nghe tường trình về tình hình mọi mặt, Clác lần lượt đi thăm các chiến trường. Tiếp đó là các cuộc gặp gỡ “các bạn đồng minh bản xứ từ Bảo Đại đến các tỉnh trưởng, từ cơ quan tham mưu của Nguyễn Văn Hinh đến một binh đoàn cơ động “quân đội quốc gia”. Trong thâm tâm các tướng lĩnh Pháp không muốn tướng Clác lấy danh nghĩa đại diện Lầu Năm Góc trực tiếp gặp gỡ quá rộng rãi như vậy nhưng sức hấp dẫn của đôla và sức mạnh của các chuyến viện trợ máy bay, xe tăng, đại bác Mỹ đã buộc Xalăng phải ngậm bồ hòn làm ngọt chịu để cho Clác thực hiện quyền hành của kẻ lắm tiền, nhiều súng.

        Trong các cuộc họp bàn tay đôi ở Sài Gòn và Hà Nội (20 và 23 tháng 3), lần đầu tiên hai viên tướng đại diện cho hai quân đội đế quốc Mỹ - Pháp chính thức xem xét lại cả quá trình quan hệ giữa hai bên trong cái mà Clác gọi là “cuộc chiến đấu chung của chúng ta”. Sau này, Xalăng khoe rằng những buổi cùng nhau kiểm điểm tình hình là những cuộc trao đổi “giữa những con người cùng làm chiến tranh nên chúng tôi rất hiểu nhau”.

        Trước hết họ nói về “thái độ bỏ rơi” của cố Tổng thống Mỹ Rudơven trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, những năm mà thế và lực của đế quốc Pháp bị chôn vùi xuống đất đen từ Âu sang Á. Clác đã giải thích về cuộc vận động của Hoa Kỳ trong các cuộc hội nghị Têhêran, Cai rô (1943) và Yanta (1945) nhằm đặt Đông Dương dưới “quyền ủy trị quốc tế”. Thực chất mưu đồ đó là để các nước đồng minh phương Tây chiếm đa số hòng tạo điều kiện thực hiện chủ trương “giao trả các lãnh thổ vốn là thuộc địa trở về tay các chủ cũ”. Khi cuộc vận động ấy không thành vì bị đế quốc Anh phản đối thì, từ tháng 4 năm 1946, khi việc giải giáp quân đội Nhật đã hoàn tất, Hoa Kỳ đã công nhận (trái phép) để toàn bộ Dông Dương “trở lại dưới quyền kiểm soát của Pháp”. Từ đó, mọi chính sách của Mỹ đối với Đông Dương đều được giải quyết trong khuôn khổ mối quan hệ Mỹ - Pháp.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM