Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:33:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu  (Đọc 39997 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:13:50 am »


        “Canh bạc lớn” của Đờlát quả là mang nhiều ý nghĩa.

        Mở màn, “cuộc dạo mát ra Chợ Bến” bịt được “một lỗ hổng giữa Hòa Bình và Phủ Lý mà Việt Minh đã lợi dụng để thâm nhập đến tận sông Đáy, phía nam đồng bằng”. Cuộc hành binh chớp nhoáng bắt đầu ngày 9, kết thúc ngày 10, đã làm cho “đối phương bị ngất lịm” (!).

        Để kịp thời khuếch trương chiến quả, ngày 11, bản mệnh lệnh số 2 được tung ra: lợi dụng những điều kiện thuận lợi do cuộc hành binh ra Chợ Bến tạo nên, cuộc tiến công ra Hòa Bình phải được tiến hành chậm nhất vào ngày 14 tháng 11.

        Với 15 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 7 tiểu đoàn pháo binh, 2 liên đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn công binh, 2 thủy đội xung kích (dinassaut), Pháp tiến quân làm hai cánh: Cánh Bắc từ Sơn Tây và Trung Hà theo hai đường thủy bộ tiến về Ấp Đá Chông, Tu Vũ. Cánh Nam, từ Xuân Mai tiến theo đường số 6, kết hợp với quân dù chiếm thị xã Hòa Bình. Giữa hai cánh Bắc Nam là một “cánh quân liên lạc” từ Yên Lệ lên Bãi Vàng, Trại Khoa, rồi tiến về Hòa Bình.

        Cuộc hành binh không gặp trở ngại gì đáng kể, mặc dù lực lượng biệt kích lính thủy đánh bộ phải dùng tàu tiến ngược dòng sông Đà ngoằn ngoèo lởm chởm thác ghềnh, mặc dù đường bộ bị phá hoại “đã biến mất trong rừng cây cối um tùm hoặc chỉ còn là một vết mòn vắt qua những dãy núi; cầu cống chỉ còn trơ lại những tảng đá hoặc những khối xi măng...” khiến cho bộ binh Pháp phải “trèo đèo, lội suối, băng đường, vượt rừng rậm hoặc luồn trong những bãi lau sậy cao hơn đầu người...”.

        Ngày 14, ba tiểu đoàn dù nhảy xuống, đến 17 giờ thì chiếm xong thị xã Hòa Bình “đã tiêu thổ”. Các mục tiêu khác trên đường số 6 và hai bờ sông Đà đều nhanh chóng rơi vào tay quân Pháp, đến nỗi tướng Mácsăng phải thốt lên rằng quân Pháp chẳng phải đánh chác gì mà cũng chiếm được một khu vực đồi núi chạy ven sông Đà đến Hòa Bình. Theo Bécna Phôn, các ký giả phương Tây đã đưa lên mặt báo những lời giật gân, khen “chiến dịch Hòa Bình là một khẩu súng ngắn chĩa thẳng vào tim quân thù...”.

        Ngày 15, chiến dịch tiến công ra Hòa Bình được coi là kết thúc thắng lợi. Cùng ngày, tại Hà Nội, Đờlát họp báo, tuyên bố: “Tôi đã tóm cổ quân địch” (!). Vậy mà hôm sau khi cùng tướng Xalăng hạ cánh xuống Hòa Bình, viên tổng chỉ huy lại ra lệnh cho quân lính: “Bây giờ mới sắp đến lúc khó khăn. Các anh hãy chờ đợi cuộc đụng độ với Việt Minh... Hãy đào công sự”.

        Sau những lời động viên và ra lệnh, Đờlát trở về Hà Nội để rồi bốn ngày sau đi Pháp chữa bệnh. Theo nhận xét của tướng Xalăng, cuộc chiến tranh ở cái xứ Đông Dương khắc nghiệt này, cộng thêm cái chết của Bécna và bệnh hoạn... tất cả đang đục khoét tinh thần và thể xác của viên tướng già. Coi việc đưa được đám quân ra Hòa Bình là một “chiến tích” để họp báo theo thói quen và sở trường, tiếp đến mấy lời dặn dò, sau đó phó thác sinh mạng hàng vạn binh lính cho sự may rủi, tướng quân về nước (và sẽ chẳng bao giờ trở lại cái xứ Đông Dương “tổ ong vò vẽ” này nữa). Người ta trách tướng quân đã đem con bỏ chợ, điều đó cũng không phải là quá đáng.

        Nếu đối với Đờlát, kẻ ra đi dễ dàng bao nhiêu thì đối với những kẻ ở lại, từ Xalăng, Đờ Linarét đến mỗi tên lính, vấn đề khó khăn đặt ra là: Việt Minh ở đâu, họ sẽ đánh thế nào? Bởi vì “dưới bầu trời xanh nhạt, máy bay ra sức tìm kiếm suốt ngày nhưng vô hiệu quả, không phát hiện một dấu vết của quân thù”.

        Theo Bécna Phôn, ông Giáp có phương pháp riêng của mình. Ông không giao chiến ngay nếu không ưu thế về lực lượng. Khi đã để cho quân Pháp tung hết sức đánh vào chỗ không người trên chiến trường rừng núi, tức là tạo cho ông một khả năng chiến thắng như ở đường số 4 năm 1950, ông Giáp mới điều gần hết quân chính quy ra mặt trận Hòa Bình “với một sự nhanh chóng kinh khủng”.

        Chấp hành lệnh của tổng chỉ huy Đờlát, mọi công tác chuẩn bị trận địa phòng ngự được xúc tiến khẩn trương. Công sự mọc lên giữa những lớp dây thép gai và bãi mìn. Pháo binh, súng cối chuẩn bị sẵn phần tử bắn để bảo vệ từng vị trí và theo kế hoạch yểm trợ hỏa lực chung trong từng khu vực. Một đài quan sát cao 1.200 mét được thiết lập trên núi Ba Vì. Các vị trí dọc đường số 6 (từ Hòa Bình đến Xuân Mai) và trên hai bờ sông Đà, nhất là Tu Vũ, Xóm Pheo, Đèo Kẽm... được gấp rút củng cố để hai đường thủy bộ này được dùng làm hai trục tiếp tế chính cho “cái dạ dày Hòa Bình”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:14:59 am »


ĐỐI PHƯƠNG KHÔNG CHỊU NGỒI YÊN

        Quân Pháp vừa gấp rút củng cố trận địa phòng ngự vừa theo dõi động tĩnh. Nhưng họ không phải chờ đợi lâu, vì, như tướng Mácsăng nhận xét, “quân địch không thể ngồi yên... Bằng bất kỳ giá nào, họ cũng phải trả lời hành động tiến công của quân Pháp”.

        Quân đội nhân dân Việt Nam không những đã xuất hiện mà còn sớm phát hiện những điểm yếu rất cơ bản của quân Pháp trong chiến dịch tiến công ra Hòa Bình.

        Bộ tham mưu Pháp báo cáo: không những đối phương đã điều ba sư đoàn chủ lực lên mặt trận Hòa Bình mà hai sư đoàn khác “coi như không có phòng tuyến Đờlát”, đã tiến vào đồng bằng để giúp đỡ cho các đội du kích đang kiên trì hoạt động ngay trong những vùng mà quân Pháp vừa càn quét. Để đưa khí tài, vũ khí, lương thực ra tiền tuyến, đối phương đã huy động hàng vạn dân công vận tải, đi thành từng đoàn người vô tận. Gồng gánh trên vai, cả ngày lẫn đêm, đoàn người đó đi mãi, đi mãi theo những đường mòn mà không quân Pháp không sao đủ sức để đánh phá cho xuể…

        Mácsăng viết: “Đối phương quyết vượt chúng ta về tốc độ. Họ lợi dụng thời cơ khi các cứ điểm của ta đứng chân chưa vững để tiêu diệt binh lực ta... Tiêu diệt lực lượng ta, đó là nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược của họ...”. Điều đó càng trở nên thuận lợi khi quân Pháp vượt khỏi phòng tuyến để ra một địa bàn rừng núi, xa hẳn và cô lập với đồng bằng là nơi lực lượng cơ động của Pháp tập trung đông, binh khí kỹ thuật có điều kiện phát huy tác dụng.

        Đòn đầu tiên xảy ra trong những ngày 25-26 tháng 11 ở Thu Cúc - Lai Đồng. Một đơn vị quân chủ lực Việt Nam đang chuẩn bị chiến trường thì tiểu đoàn ngụy Thái 1er BAT do thiếu tá Vôđrây (Vaudrey) chỉ huy từ Quang Huy nhận lệnh “tiến về phía sau của sư đoàn 312 để phá rối công việc tiếp tế và trú quân của họ”. Đại bộ phận tiểu đoàn ngụy này đã bị tiêu diệt.

        Quyền tổng chỉ huy Xalăng sau này viết rằng, trận đánh đầu tiên của đối phương đã làm cho ông ta “lo sợ, vì để giữ các vị trí mới chiếm được, ắt phải trải qua những trận ác liệt… Phần lớn lực lượng (Pháp) ở Bắc Bộ, bao gồm số đông quân dù, đã được ném vào chiến trường (Hòa Bình) này... trong vài tuần tới, nếu đối phương tiến công ở nơi khác thì (Pháp) không còn lực lượng dự bị để đối phó...”. Nhưng rồi Xalăng lại tự an ủi: May mà đối phương dùng hai sư đoàn 304 và 312 vào các trận tiến công các đoàn vận tải trên sông và trên bộ, một sư đoàn ở mặt trận Hòa Bình - mặt trận trước mắt chưa được họ coi trọng. Rõ ràng, Việt Minh đang dồn sức vào đánh giao thông của Pháp trên sông Đà...

        Trong lúc bộ chỉ huy Pháp đang theo dõi hướng hoạt động chủ yếu của đối phương, thì ngày 10 tháng 12 tiểu đoàn dù 1er BEP (một trong những đơn vị tham gia cuộc càn lớn vào Làng Sui để ngăn chặn hoạt động của đối phương ở ven sông Đà) bị tiêu diệt.

        21 giờ đêm hôm đó, cứ điểm Tu Vũ bị tiến công.

        Đây là một trong những vị trí quan trọng nhất của quân Pháp trên tuyến sông Đà, do một tiểu đoàn Marốc (l/1 RTM) được tăng cường 1 đại đội xe tăng đóng giữ. Theo cách nói của Bécna Phôn, Tu Vũ được bố phòng “vững như một bàn thạch” và người ta hy vọng rằng cứ điểm này có thể chống lại “một sức ép phải chăng” của đối phương.

        Quyền tổng chỉ huy Xalăng tỏ ra “rất buồn phiền” khi nhận được báo cáo của đại tá Đôđơliê, chỉ huy phân khu sông Đà. Viên tướng “rất lấy làm tiếc” rằng quân pháp đã phải bắn tới 5.000 viên đại bác để yểm trợ cho Tu Vũ mà cứ điểm này vẫn bị tràn ngập.

        Gần như đồng thời với tin cứ điểm Tu Vũ bị tiêu diệt là tin đối phương đã thành công trong việc đưa sư đoàn 320 vào Phát Diệm và những trận chiến đấu ác liệt đang diễn ra ở vùng này. Tất cả máy bay được cấp tốc huy động để ném hai tiểu đoàn dù xuống cứu nguy cho Phát Diệm.

        Theo báo cáo của đại tá Clêmăng từ mặt trận Hòa Bình gửi về cho tướng Xalăng ở Hà Nội, ngay sau trận Tu Vũ, đối phương đang dồn lực lượng đánh mạnh trên các trục giao thông thủy bộ thuộc phân khu sông Đà, bắt đầu bằng trận đánh ngày 11 tháng 12 trên đường Yên Cư - Ấp Đá Chông. Lại một tiểu đoàn dù và một phân đội xe tăng được phái đến ứng cứu. Quân Pháp bị chết trên 100 nhưng mãi sáu ngày sau, con đường mới thông suốt. Sau đó, các trận khác liên tiếp xảy ra ở vùng Ấp Đá Chông - Núi Chẹ. Trong những ngày 22 tháng 12 năm 1951 và 12 tháng 1 năm 1952, hàng chục tàu vận tải (có lực lượng biệt kích lính thủy đánh bộ của các thủy đội xung kích hộ tống) bị đánh đắm; ngày 25 tháng 12, một đại đội Âu - Phi bị diệt gọn ở mỏm 564 Bắc Ba Vì...

        Đờlát rất mong đối phương “húc vào chỗ cứng” của quân Pháp là tập đoàn cứ điểm mới được xây dựng ở lòng chảo Hòa Bình. Nhưng quân ta lại nhằm vào hai trục giao thông thủy bộ mà đánh mạnh, đồng thời bao vây cô lập địch ở thị xã Hòa Bình. Điều bất ngờ đó hoàn toàn trái ngược với sự mong đợi của các tướng lĩnh Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:15:19 am »


        Trên tuyến sông Đà.

        Mặc dù có lúc Pháp tập trung 12 tiểu đoàn bộ binh, 4 cụm pháo, 1 thiết đoàn tăng cường để bảo vệ tuyến vận chuyển đường sông này, nhưng cuối cùng “cái ống thực quản ướt” đó đã bị bóp nghẹt. Từ đầu tháng 12 năm 1951 đến giữa tháng 1 năm 1952, trước “lối đánh kinh khủng”, dẻo dai liên tục của quân ta (các ký giả ngoại quốc gọi là “chiến dịch kéo cưa”), quân Pháp đã bị thiệt hại quá nhiều về tàu tiếp tế và lính thủy đánh bộ. Bécna Phôn nhận xét rằng: Về mặt tác chiến trên sông, chắc chắn là từ cuộc nội chiến ở Mỹ đến nay mới thấy những trận đánh đẫm máu nhất ở khúc sông Đà nhỏ hẹp thuộc vùng núi Chẹ, với những “pha” chiến thuyền bị súng hoặc mìn hoặc cả người nhái nữa đánh đắm... Trong 150 năm qua, chưa bao giờ trường Đại học hải quân ở Pháp dạy cho học viên bất cứ một chiến thuật nào có thể áp dụng được trên chiến trường Đông Dương, dù chỉ là áp dụng một cách đại khái.

        Trên trục đường số 6 (40 kilômét, Xuân Mai - Hòa Bình)

        Để bảo đảm an toàn cho các đoàn xe vận tải, quân Pháp sửa 30 kilômét đường, bắc 12 cầu và phát quang hai bên đường số 6. Nhưng ngay từ đầu, chúng đã vấp phải những trận mà báo chí Pháp gọi là “phục kích không có cự ly của đối phương” làm cho chúng thiệt hại nặng nề. Theo số liệu của Bécna Phôn, riêng trong tháng 12, trên con đường chỉ dài bằng một phần ba tuyến sông Đà, chừng 100 xe các loại của Pháp đã bị phá hủy. Các ký giả ngoại quốc theo dõi chiến trường Hòa Bình nhận xét: nếu “ống thực quản ướt” (sông Đà) tồn tại được đến giữa tháng 1 năm 1952 thì “ống thực quản khô” (đường số 6) đã bị thắt chặt sớm hơn, từ cuối tháng 12 năm 1951, khiến cho “cái dạ dày Hòa Bình” cuối cùng đã bị hoàn toàn cô lập. Mọi cố gắng của tướng lĩnh Pháp nhằm đánh thông con đường huyết mạch này đều bị thất bại. Từ giữa tháng 1 năm 1952, 40 kilômét đường số 6 đã thu hút 12 tiểu đoàn bộ binh và dù, 3 cụm pháo, hàng trăm máy bay chiến đấu và vận tải, trong đó có 3 tiểu đoàn dù cơ động chiến lược có pháo và công binh tăng cường do đại tá Gin chỉ huy, tiếp đến GM1, được lần lượt điều tới để giải tỏa đường số 6. Nhưng tất cả các lực lượng trên đều bất lực, “không bảo đảm tiếp tế nổi cho 5 tiểu đoàn bộ binh đang bị trói chặt trong một cái túi không có giá trị gì về mặt chiến lược phản công”.

        Để cứu nguy cho Hòa Bình, tướng Xalăng quyết định tổ chức một cầu hàng không nối liền tập đoàn cứ điểm này với Hà Nội. Nhưng khốn nỗi lúc này quân dân Việt Nam đã kiểm soát các điểm cao chung quanh thị xã. Sân bay của tập đoàn cứ điểm Hòa Bình đã lọt vào ống kính trinh sát pháo binh Việt Nam. Nhiều ký giả Pháp ghi nhận rằng súng phòng không và pháo mặt đất của đối phương có hôm đã tiêu diệt nửa tá máy bay đậu trên đường băng hoặc bay trên không phận thị xã Hòa Bình.

        Cảnh khốn quẫn của quân đội Pháp đâu chỉ diễn ra và kéo dài trên vùng rừng núi Hòa Bình, nơi bộ chỉ huy Pháp đã phải điều lên một phần ba số lực lượng cơ động vốn được tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng.

        Theo báo cáo Xalăng nhận được của tướng Đờ Linarét, đối phương đã nhân cơ hội Pháp sơ hở ở vùng đồng bằng để “thực thi một lối đánh ác hiểm khác”. Sư đoàn 316 tràn về vùng Bắc Ninh để xuống Hải Dương, sư đoàn 320 rải quân ra vùng Nam Định và lưu vực sông Hồng. Họ đã thu hút về đồng bằng một phần binh lực đã quá thiếu thốn của Pháp đang phải đối phó trên vùng sông Đà và đường số 6. Hai sư đoàn trên của đối phương đã đi vào dân chúng để tranh thủ lại các thôn xóm, giúp đỡ du kích ở địa phương tiến công vào bộ máy an ninh của Bảo Đại, tiêu diệt các đồn bốt, phá hoại giao thông... Bằng phương pháp vết dầu loang, họ lan dần trên hai bờ sông Luộc, cắt đôi đồng bằng, tạo nên một hành lang rộng rãi nối liền Đông Triều với vùng bờ biển Phát Diệm. Trong vùng hành lang đó, họ tuyển quân, quyên góp lương thực và xây dựng lại căn cứ với những làng chiến đấu có hầm ngầm để tránh đạn pháo và bom cháy. Từ những căn cứ đó, đầu tháng 2 năm 1952, các sư đoàn 316 và 320 cùng một bộ phận của sư đoàn 304 ở mặt trận Hòa Bình về và các trung đoàn độc lập ở địa phương (42, 46...) tiến công vào hàng loạt đồn bốt, phá hoại đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, phục kích trên các đường giao thông, v.v… Các đơn vị dự bị cuối cùng của Pháp (2 GM và 1 thiết đoàn tăng cường) liên tục bị điều đi đối phó ở những nơi nguy kịch nhất. Nhưng các đơn vị Pháp này “hoặc đã đấm vào chỗ không người hoặc ngược lại, bị đối phương bất ngờ chặn đánh kịch liệt”.

        Trong một trận chiến đấu với Quân đội nhân dân Việt Nam tại một làng phía nam sông Đáy thuộc địa phận Ninh Bình, viên trung úy Hăngri Lơcléc (con viên tổng chỉ huy đầu tiên của quân viễn chinh Pháp) đã bỏ mạng. Cái chết của viên sĩ quan thuộc dòng họ lính thực dân chính cống này khiến cho tướng Xalăng nhớ lại câu nói của bố Hăngri là tướng Philíp Lơcléc hồi tháng 10 năm 1945: “Để biểu thị lòng biết ơn của tôi đối với các ngài thực dân, tôi xin hiến dâng thằng Hăngri của tôi cho quân đội thuộc địa”. Cũng như Bécna Đờlát và cũng trên mảnh đất Ninh Bình, Hăngri đã ngã gục trước mũi súng của quân dân Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:16:08 am »


TƯỚNG CHẾT ĐÚNG LÚC, QUÂN RÚT CHẬM CHÂN

        Giữa lúc ấy từ Pari lại dội sang những tin tức thật bi đát.

        Ngày 17 tháng 12, tướng Đờlát gửi thư sang báo tin rằng ông ta đã kiệt sức và chắc chắn “còn phải chôn chân một cách tuyệt vọng trong một thời gian dài nữa ở Pari”. Đờlát còn đốc thúc Xalăng hãy yêu cầu Bảo Đại ra Hà Nội “vào ngày 19 tháng 12 đầy ý nghĩa” để đi thăm Hòa Bình nhằm tạo nên một tác dụng tâm lý và chính trị với quân sĩ đang bị giam chân trên đó. Khốn nỗi, như sau này Xalăng than phiền, “nhà vua đâu có gắn bó với những ngày kỷ niệm tới mức độ như tướng quân”. Tuy nhiên, ngày 20, Bảo Đại cũng ra Hà Nội và hôm sau cùng Xalăng đi Hòa Bình. Ở cả hai nơi, mọi trò chiến tranh tâm lý lại diễn ra nhằm xốc tinh thần của binh lính Pháp - ngụy đang sa lầy trong cái mà họ gọi là “địa ngục Hòa Bình”.

        Ngoài những tin tức về cuộc vật lộn giữa tướng Đờlát với Thần chết là tin về cuộc tranh cãi về vấn đề Đông Dương ở Quốc hội Pháp, nơi bộ trưởng Lơtuốcnô bị đả kích mạnh mẽ khi ông ta trình bày dự án ngân sách (chiến tranh Đông Dương). Nhiều nghị sĩ muốn trì hoãn việc thông qua ngân sách để chờ đợi sự can thiệp của Liên hiệp quốc vì nước Pháp đã quá đuối sức.

        Trong những ngày cuộc tranh luận đang diễn ra gay gắt ở Quốc hội thì báo chí cứ chọc gậy bánh xe bằng những hàng tít lớn, phơi bày những chi tiết chẳng hay ho gì, “khiến cho chính phủ phải chịu đựng những lời công kích nảy lửa từ mọi phía”. Dư luận ngày càng khẳng định rằng cuộc chiến tranh này rõ ràng là quá đắt về nhân mạng đối với nước Pháp. Bộ trưởng Lơtuốcnơ càng ra sức biện hộ cho phái hữu thì tiếng nói của ông ta càng chìm nghỉm trong làn sóng dư luận tiến bộ lên án “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” kéo dài. Đến nỗi tướng Xalăng phải thốt lên rằng các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương không chịu đựng nổi những cuộc tranh cãi ở Quốc hội vì càng vạch áo cho người xem lưng thì chỉ càng lợi cho Việt Minh.

        Đầu tháng 1 năm 1952, lại thêm những tin tức chẳng lành. Valăngtanh (François Valentin), cố vấn và là người thân cận của viên tổng chỉ huy báo cho Xalăng biết rằng tướng Đờ lát đang sống những giờ phút cuối cùng của đời mình. Trước khi nhắm mắt, ông ta vẫn không yên tâm về số phận quân Pháp ở Hòa Bình, nơi ông ta từng coi là “chiến tích cuối cùng” của cuộc đời làm tướng.

        Từ ngày 8, tướng Xalăng được chỉ định thay Đờlát đảm nhiệm quyền tổng chỉ huy. Ba ngày sau, tức ngày 11 tháng 1, Đờ lát chết. Xalăng bùi ngùi thương tiếc “con người đến tận ngày cuối cùng của đời mình vẫn dốc sức đưa hai cánh tay cương nghị ra để dẫn dắt đội quân viễn chinh nhằm giữ cho được Đông Dương tồn tại trong lòng Khối Liên hiệp Pháp”(!). Thế nhưng đó không phải là thái độ của tất cả tướng lĩnh Pháp có mặt ở Đông Dương lúc ấy. Bécna Phôn trích lời một sĩ quan cao cấp Pháp nói với ông ta rằng: “Tôi nghĩ tướng Đờlát đã chết đúng lúc để khỏi bị buộc phải về vườn”.

        Đờlát chết đi, để lại cho Xalăng món nợ Hòa Bình chưa trả.

        Viên tổng chỉ huy mới lo ngại vì đối phương ngày càng có lối đánh kỳ lạ, không lường nổi. Một ví dụ: ngay đêm cứ điểm Xóm Pheo bị tiến công (7-1-1952), một nhóm biệt động Việt Minh lọt vào tập đoàn cứ điểm Hòa Bình và phá hủy 2 khẩu pháo 105 milimét nòng dài. Hành động này, hành động nguy hiểm đối với Pháp, đã được tiến hành dưới sự yểm trợ đắc lực của hỏa lực pháo binh và súng cối bắn dày đặc vào tận sân bay (Hòa Bình).

        Viên đại tá Clêmăng - chỉ huy tập đoàn cứ điểm - tỏ ra ngày càng dao động. Tướng Đờ Linarét thì chẳng úp mở gì, cứ nói thẳng với Xalăng về nỗi lo lắng cho tương lai của đồng bằng Bắc Bộ. Còn tại bệnh viện Đồn Thủy, tình trạng tinh thần sa sút của binh lính bị thương được đưa từ mặt trận Hòa Bình về càng làm cho bộ chỉ huy Pháp thêm bi quan. Theo Xalăng, những người lính bị thương này thoát khỏi cái địa ngục Hòa Bình vẫn còn giữ mãi một kỷ niệm đã hằn sâu trong ký ức của họ... Ban đêm họ thường bị những cơn ác mộng xâu xé làm cho kiệt sức,... khiến cho các thầy thuốc phải kinh ngạc.

        Từ tháng 1 năm 1952, quân dân Việt Nam lại đẩy mạnh hoạt động hơn bao giờ hết. Ở chiến trường Hòa Bình, họ cứ nhằm vào các lực lượng cơ động chiến lược của Pháp mà tiêu diệt; còn ở đồng bằng thì hai sư đoàn chủ lực và các trung đoàn địa phương đã làm cho vùng châu thổ sông Hồng ngày càng bị “ruỗng nát”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:16:32 am »


        Tất cả tình hình trên đây, “ngày cũng như đêm từng giờ từng phút đặt ra cho tôi biết bao vấn đề nan giải”. Đó là lời thú nhận của viên tổng chỉ huy mới, tướng Xalăng, viết trong Hồi ký của mình. Và, ngày 17 tháng 1 năm 1952, tức là chưa đầy một tuần sau khi Đờlát chết, tướng Xalăng buộc phải quyết định thu hẹp thế bố trí để chuẩn bị rút toàn bộ quân Pháp khỏi khu vực Hòa Bình.

        Từ thượng tuần tháng 2 năm 1952, mọi việc chuẩn bị được xúc tiến một cách bí mật, sau khi ý định rút quân được chính thức thông qua ngày 31 tháng 1. Cuộc hành binh rút chạy khỏi chiến trường Hòa Bình - sông Đà được mang mật danh Amarăng (Amarante). Theo bộ chỉ huy Pháp, yếu tố quyết định thành công (!) của Amarăng phụ thuộc vào việc giữ bí mật đến phút cuối cùng, vì theo Xalăng, đây là một “cuộc hành binh rất nguy hiểm”.

        Không thể trao quyền chỉ huy “cuộc hành binh rất nguy hiểm” đó cho viên đại tá đã mất tinh thần là Clêmăng, Xalăng chỉ định đại tá Gin chỉ huy toàn bộ cuộc rút lui và cử trung tá Đuycuốcnô (Ducourneau) lên thay Clêmăng chỉ huy quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Hòa Bình rút chạy. Không thể hạ cánh xuống tập đoàn cứ điểm này được, viên trung tá buộc phải nhảy dù xuống lòng chảo Hòa Bình để nhận quyền chỉ huy1.

        Sau ba tuần chuẩn bị, ngày 20 tháng 2, mọi việc đã hoàn tất, trừ việc ban bố lệnh lui quân. Binh lính chỉ biết lệnh đó vào ngày bắt đầu cuộc hành binh Amarăng, tức là ngày 22 tháng 2 năm 1952.

        Quá trình rút các vị trí còn lại trên hai bờ sông Đà cũng là quá trình diễn ra những trận đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam “khi các tàu nhỏ lách qua những nơi có quân phục kích... Quân Việt Nam (ngụy), quân Pháp, Marốc, lê dương, tóm lại tất cả đã phải chiến đấu một cách tuyệt vọng để phá vòng vây”.

        19 giờ 30 ngày 22 tháng 2, quân Pháp bắt đầu rút khỏi tập đoàn cứ điểm Hòa Bình. Vì phương tiện vượt sông thiếu, sau một đêm toàn bộ lực lượng chưa chuyển hết sang bờ phía đông. Sáng 23, trong lúc mọi người đinh ninh rằng đối phương bị bất ngờ thì bỗng trung đoàn 36 của đối phương tràn vào đội hình hành quân đang dồn lại ở bờ phía tây. Bị đánh bất ngờ ở ngoài công sự lúc đội hình đang rối loạn (để chờ vượt sông), quân Pháp bị tổn thất nặng, buộc phải gọi không quân lên yểm hộ, nhưng mãi đến 13 giờ 30, số quân còn lại mới vượt sang được bờ phía đông sông Đà.

        Theo báo cáo Xalăng nhận được hàng ngày của Gin, suốt dọc đường hành quân trên đường số 6 trong những ngày 22-24 tháng 2, đối phương không ngừng bám sát và tiến công liên tục.

        Theo Mácsăng mô tả, cả một khối 20.000 quân dàn thành một hàng dọc vô tận, luôn luôn bị đối phương lợi dụng mọi thời cơ để tiến công ngăn chặn đường hành quân ở phía trước mặt hoặc thúc vào hai bên sườn, nhất là đêm 23 ở khu vực Đồng Bến. Đến vùng Mộ Thôn, khi sắp tiếp cận với tuyến boong ke, đội hình phía sau lại bị tiến công dữ dội. Đối phương đánh chiếm các điểm cao hai bên đường cái và từ đó lao xuống chia cắt đội hình hành quân. Máy bay được gọi đến, bay sát đường uy hiếp tinh thần đối phương nhưng cũng không sao ổn định được tình thế. Cuộc chiến đấu diễn ra giữa hai bên ở cách nhau một cự ly rất gần. Lính lê dương và Marốc phải cố gắng đến phút cuối cùng mới lọt được vào bên trong phòng tuyến.

        Một chi tiết được Bécna Phôn phát hiện: trong ba ngày hành quân rút chạy, quân Pháp đã bắn tới trên 30.000 viên đạn đại bác để yểm trợ cho cuộc hành binh.

        6 giờ sáng ngày 25, dưới hỏa lực chi viện của pháo binh ở cứ điểm Xuân Mai và của máy bay, toàn đội hình rút chạy cùng hàng ngàn dân bị quân Pháp thúc ép đi theo mới qua được ngã tư Xuân Mai.

        Theo Xalăng, ba ngày diễn biến của cuộc hành binh Amarăng quả là “quá đắt”. Bằng những số liệu đã bị vo nhỏ đi một cách có dụng ý, viên tướng tổng chỉ huy thống kê gần 340 tên chết, bị thương và mất tích, hàng chục xe bị phá, nhiều tàu xuồng bị đắm. Nhưng rồi Xalăng cũng tự an ủi: “Tôi thở phào nhẹ nhõm vì vừa trút được một gánh nặng... Tôi đã có một lực lượng cần thiết để dùng vào việc chống “ruỗng nát” ở đồng bằng...”

---------------------
        1. Theo tướng Mácsăng, khi Xalăng quyết định rút quân khỏi Hòa Bình, lực lượng Pháp trên chiến trường này gồm 16 tiểu đoàn bộ binh, 4 trung đội thiết giáp, 8 đại đội pháo binh rải ra trên các vị trí dọc đường số 6 (xóm Pheo, Bến Ngọc, Ao Trạch, Đèo Kẽm, Mộ Thôn) và 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo ở lòng chảo Hòa Bình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:17:09 am »


LỜI BÀN VỀ “VÁN BÀI PHIÊU LƯU”

        “Chiến dịch 100 ngày” của quân đội Pháp gây nên những “phản ứng các loại” trên các trang báo, các tác phẩm lịch sử, hồi ký... Mỗi tác giả đứng trên một góc cạnh khác nhau để kết luận nhưng nhìn chung đều thống nhất trên một điểm: Pháp đã phải chịu đựng một thất bại có ý nghĩa chiến lược.

        Hai mươi năm sau, khi viết tập 2 Hồi ký, Xalăng xác nhận: phải coi việc quân Pháp rút chạy và để mất vùng đất đai đó (Hòa Bình) là một thất bại.

        Bécna Phôn, tác giả cuốn Con đường không vui, nhận xét: chiến dịch Hòa Bình, đối với Pháp, cũng tổn thất về nhân mạng và trang bị không kém gì chiến dịch Biên giới năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Do pháp tập trung quân cơ động chiến lược lên vùng Hòa Bình cho nên các chiến trường khác ngày càng bị sơ hở. Điều đáng chê trách là bộ chỉ huy tối cao Pháp đã biết đây là “một ván bài phiêu lưu” nhưng do quá cay cú nên họ cứ làm, vì hy vọng sẽ đạt thắng lợi lớn trong việc tiêu diệt quân chính quy của đối phương.

        Còn bộ chỉ huy quân ngụy thì nặng lời phê phán Đờlát và cho rằng viên tổng chỉ huy đã quá cố là người phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thất bại của Pháp trong chiến dịch Hòa Bình. Theo họ, Đờlát không thấy sở trường của quân đội Việt Nam trên chiến trường rừng núi. Ông ta đã khinh thường khả năng đối phương và quá chủ quan không lường nổi sức mạnh của họ (thật ra, đây không phải chỉ là căn bệnh của riêng Đờlát mà của tất cả 7 viên tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, từ Lơcléc đến Nava, và đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn quân đội Pháp đi từ thất bại này đến thất bại khác ngày càng sâu cay hơn). Theo tài liệu tổng kết của quân ngụy, chiến dịch Hòa Bình là một thất bại của quân đội Pháp, mặc dù họ chưa dám từ Hòa Bình dấn sâu thêm vào vùng Việt Bắc như Đờlát đã dự kiến. Đưa quân lên chiến trường rừng núi Hòa Bình, Đờlát đã tước bỏ mất chỗ dựa quan trọng của quân đội Pháp là không quân để chuốc lấy một cuộc sống kham khổ trong rừng rậm mà họ (quân Pháp) không thể chịu nổi, trong khi đó thì quân đối phương lại rất thích nghi với chiến trường này cả về địa hình địa thế, lối đánh và điều kiện sinh hoạt. Tài liệu tổng kết của quân ngụy còn phán đoán nếu Đờlát còn sống thì, do cá tính đặc biệt kiêu ngạo của ông ta, có thể cuộc chiến sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn và giả thử quân Pháp có giữ được Hòa Bình thì lực lượng còn bị hao mòn nhiều hơn nữa. Qua tài liệu đó, người ta thấy những kẻ cầm đầu quân ngụy không dám khẳng định việc Xalăng cho quân tháo chạy khỏi Hòa Bình “có phải là một điều khôn ngoan không, nhưng điều chắc chắn là việc rút lui này đã làm tiêu tan ý chí chiến thắng cuối cùng (?) của quân Pháp”. Rút quân về đối phó ở đồng bằng, Pháp đã tạo cho đối phương những yếu tố thuận lợi trên chiến trường miền Tây Bắc và Thượng Lào những năm sau này.

        Trên một khía cạnh khác, tướng Pháp Nava cũng khẳng định thất bại của quân đội Pháp ở Hòa Bình. Theo viên tướng này, Pháp bị thất bại về chiến lược và không thu được kết quả gì, trong khi đó thì phía Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng. Tiến công ra Hòa Bình, bộ chỉ huy Pháp đã giam chân các binh đoàn chiến lược cách xa đồng bằng trong một thời gian dài để cho đối phương lọt vào vùng châu thổ sông Hồng khá đông và bám chặt lấy vùng này... Sự khẳng định đó cũng là lời thú nhận sự bất lực của chừng hai chục tiểu đoàn quân Pháp - ngụy ở chiến trường Hòa Bình và sự vô dụng của hơn hai chục tiểu đoàn khác có nhiệm vụ canh giữ phòng tuyến Đờlát trên cửa ngõ đồng bằng.

        Kết quả quan trọng nổi bật là tham vọng giành lại quyền chủ động chiến lược của bộ chỉ huy Pháp bị đập tan; phòng tuyến Đờlát đã chịu chung số phận với chiến lũy Maginô năm 1940, trước một đối phương có phương pháp riêng của mình để lọt vào vùng đồng bằng; nỗ lực bình định trong cả năm 1951 của Đờlát ở vùng châu thổ sông Hồng trở nên vô ích: không những quân Pháp không xóa được những “chấm đỏ” mà ngược lại, các căn cứ du kích và các khu du kích đã phát triển hơn bao giờ hết, làm cho tấm bản đồ đồng bằng Bắc Bộ biến thành cái mà sau này Nava gọi là “bản đồ bệnh sởi”.

        Tóm lại, nếu Đờlát và Xalăng coi cuộc tiến công ra Hòa Bình là một “canh bạc lớn”, thì trong canh bạc này họ đã thua cháy túi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:19:08 am »


Chương chín

NGÕ CỤT

LĂN THEO VẾT XE CỦA “VUA GIĂNG”

        Trong những ngày quân Pháp còn đang bị giam chân ở Hòa Bình và tổng chỉ huy Đờlát đang hấp hối trên giường bệnh thì tại Pháp lại dấy lên những cuộc tranh cãi về cuộc chiến tranh Đông Dương. Trong quốc hội cũng như ngoài đường phố, người ta ngày càng nói đến sự bất lực của quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược đã kéo dài suốt “bảy năm mù quáng” và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

        Nhiều báo chí công khai vạch ra rằng: do cuộc chiến tranh đó mà một bộ phận quan trọng quân đội Pháp đã mắc kẹt ở Đông Dương1, làm cho “nền an ninh” của đế quốc Pháp ở châu Phi không được bảo đảm; 12 sư đoàn của Pháp tham gia vào cái gọi là Tổ chức phòng thủ châu Âu luôn luôn bị thiếu hụt về quân số và trang bị. Hơn thế nữa, nhiều đơn vị ở ngay trên đất Pháp cũng luôn luôn bị xộc xệch, không hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức.

        Từ cựu Thủ tướng Đalađiê đến đương kim Thủ tướng Plêven đều than phiền rằng binh lực Pháp bị giằng xé và đuối sức trước mấy nhiệm vụ đặt ra cùng một lúc. Báo Rạng Đông (số ra ngày 17-1-1952) nói thẳng ra rằng, bước vào năm 1952, chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ nước Pháp có thể vừa đưa thêm lực lượng sang Đông Dương (nhất là những đơn vị có chất lượng chiến đấu), lại vừa tiếp tục góp phần đắc lực vào kế hoạch của Mỹ nhằm cân bằng lực lượng với các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu.

        Đầu năm 1952, nội các Plêven đổ (18-1) sau khi thất bại trong việc thông qua ngân sách2, tiếp đó là việc quân Pháp buộc phải rút chạy khỏi Hòa Bình..., dư luận tiến bộ càng công khai lên án mạnh mẽ đường lối của Chính phủ Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

        Tình trạng sa lầy ngày càng sâu của quân đội viễn chinh Pháp đã làm cho sự phân hóa trong chính giới Pháp trở nên sâu sắc và nội các Pháp liên tiếp lập lên đổ xuống3.

        Trong lúc các lực lượng cánh tả, đứng đầu là Đảng Cộng sản Pháp, đòi phải đàm phán với Chính phủ kháng chiến Việt Nam để tiến tới chấm dứt xung đột thì những phần tử cực hữu thuộc các đảng Cộng hòa bình dân, tập hợp dân chúng Pháp và Xã hội cấp tiến chủ trương quốc tế hóa cuộc chiến tranh, thực chất là, bằng một minh ước Thái Bình Dương hoặc một mặt trận Đông - Nam Á nào đó... Mỹ sẽ công khai đỡ gánh nặng chiến tranh đang đè lên vai nước Pháp suy nhược. Lập trường của các đảng đó là không chấp nhận một “Muyních kiểu Á Đông”, không chịu thất bại và từ bỏ Đông Dương để tránh cho phòng tuyến chống cộng ở Đông Nam Á bị đứt một mắt xích xung yếu, nhưng cũng không đơn độc bám lấy Đông Dương để chịu đựng vết thương đang hàng ngày đục khoét cơ thể đã hết máu của nước Pháp. Mâu thuẫn nổi lên trong lập trường phản động của cánh hữu là: vừa muốn chia sẻ chiến phí ở Đông Dương cho nước khác lại vừa muốn duy trì đặc quyền đặc lợi của nước Pháp trên bán đảo này.

---------------------
        1. Đến năm 1952, chiến trường Đông Dương đã thu hút của đế quốc Pháp 23% lục quân, 20% hải quân, 26% sĩ quan, 42% hạ sĩ quan.

        2. Ngân sách quân sự của Pháp năm 1952 lên tới 1.500 tỷ phrăng, tăng 550 tỷ phrăng so với năm 1951 và chiếm khoảng 40% tổng ngân sách. Chính phủ Pháp dự kiến chi vào cuộc chiến tranh Đông Dương 330 tỷ, tức 21% ngân sách quân sự toàn nước Pháp.

        3. Trong hai năm 1951-1952, Pháp đã năm lần thay đổi Chính phủ:

            Cơi (Queuille) 9.3.1951 - 10.7.1951;

            Plêven (Pléven) 8.8.1951 - 18.1.1952;

            Phôrơ (Faure) 7.2.1952 - 29.2.1952;

            Pinay (Pinay) 6.3.1952 - 22.12.1952;

            Mayê (Mayer) 7.1.1953.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:19:32 am »


        Để lừa bịp dư luận, Bộ trưởng ngoại giao Suman cũng như Bộ trưởng Các quốc gia liên kết Lơtuốcnô đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng điều đình “với điều kiện nước Pháp không bị mất mặt”. Ngày 25 tháng 2, Lơtuốcnô nhắc lại lập trường của Pari: “Nước Pháp không từ chối đàm phán với Việt Minh, nhưng Pháp sẽ không chịu đi bước trước”. Thật ra, những lời tuyên bố đó chỉ là bức màn ngụy trang để chính phủ Pháp tiếp tục đường lối chiến tranh xâm lược, được áp dụng trong điều kiện tình hình Đông Dương đã xấu đi một cách nghiêm trọng. Những nét lớn trong đường lối đó là:

        1. Buộc chính quyền ngụy phải đẩy mạnh hơn nữa thủ đoạn bắt người, cướp của tại chỗ để san sẻ bớt gánh nặng cho nước Pháp vì, như Lơtuốcnô đã tuyên bố (28-4-1952), nước Pháp đã cố gắng đến mức cao nhất và không thể vượt qua giới hạn đó được nữa.

        2. Về quân sự, đẩy mạnh các cuộc hành binh bình định hòng khôi phục lại hình thái chiến lược như cuối năm 1951 ở vùng Pháp tạm chiếm, nhất là trong vùng châu thổ sông Hồng.

        3. Trên cơ sở xin thêm viện trợ của Mỹ, nhanh chóng phát triển quân ngụy lên thành 6 đến 8 sư đoàn, vẫn cho Pháp trực tiếp chỉ huy và sử dụng.

        Tất nhiên đường lối đó được Lơtuốcnô và Xalăng nhất trí tán thành và ra sức thực hiện.

        Ba tháng sau khi Đờlát chết, ngày 1 tháng 4, tướng Xalăng được chính thức bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

        Vừa nhậm chức, Xalăng đã đệ trình lên Chính phủ Pháp một kiến nghị về đường lối điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Viên tổng chỉ huy mới nhận xét rằng trong bảy năm qua, cuộc chiến tranh đó đã làm cho đội quân viễn chinh Pháp tổn thất quá nhiều và “cứ cái đà đó, không bao lâu nữa, cả vùng Đông Nam Á sẽ bị nhuộm đỏ”.

        Nội dung kiến nghị của Xalăng không có gì mới so với Đờlát trước đây. Vẫn là chủ trương tập trung nỗ lực vào chiến trường miền Bắc, phát triển quân ngụy để cho lực lượng Pháp và tay sai không những ưu thế tuyệt đối về số lượng so với đối phương mà còn phải thiện chiến “ít nhất cũng bằng các đơn vị chủ lực Việt Minh” mới đập tan được các sư đoàn của họ và mới bình định một cách có hiệu quả vùng Pháp chiếm đóng. Mục tiêu mà tướng Xalăng đặt ra là: Đến mùa thu 1955, “phải thực sự làm chủ vùng đồng bằng Bắc Việt”.

        Đi đôi với kiến nghị quân sự trên đây là cuộc vận động tích cực của Xalăng với các nhân vật quân sự và dân sự tai to mặt lớn ở Pari để hòng giành bằng được chiếc ghế cao ủy. Viên tướng này hy vọng rằng, với tiếng nói đầy trọng lượng của tổng tham mưu trưởng Gioăng, với 30 năm “thâm niên Đông Dương” của mình, ông ta sẽ được giao trọn vẹn quyền hành như Đờlát trước đây. Nhưng rồi ngài tổng chỉ huy mới đã sớm thất vọng. Trong suốt mấy tháng đầu năm 1952, Pari vẫn để cho viên toàn quyền Gôchiê (Gauthier) tạm thời đảm nhiệm công việc chính trị và hành chính dưới sự điều khiển trực tiếp của bộ trưởng Các quốc gia liên kết Lơtuốcnô. Và ngày 19 tháng 4, Chính viên bộ trưởng này được chỉ định kiêm chức cao ủy Cộng hòa Pháp ở Đông Dương, với Gôchiê làm phụ tá.

        Trong Hồi ký của mình, tướng Xalăng than phiền: sau cái chết của cao ủy kiêm tổng chỉ huy Đờlát, “chúng ta lại trở về những thói quen của quá khứ (tức là phân quyền quân sự và dân sự)... trong khi đó thì chúng ta phải đương đầu với Việt Minh là một đối thủ mà nội bộ rất gắn bó trong một tập thể thống nhất lãnh đạo cả về chiến tranh và chính trị...”. Viên tướng này chỉ còn biết tự an ủi rằng, mặc dù đôi lúc có những sự va chạm, nhưng với hai nhân vật chính trị mới được bổ nhiệm (Lơtuốcnô và Gôchiê), chắc chắn sẽ tâm đồng ý hợp và sẽ được Lơtuốcnô ủng hộ trong việc thực thi nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn sắp tới.

        Cả cao ủy lẫn tổng chỉ huy mới đều không hề biết rằng lúc này ở Pari báo chí đã thẳng thừng vạch rõ: với việc chỉ định Lơtuốcnô, một “nhân vật nổi tiếng vì chống đối mọi cuộc thương lượng với phía kháng chiến”, đường lối tiếp tục chiến tranh của Chính phủ Pháp đã quá rõ ràng. Không phải vô tình mà báo chí kháng chiến Việt Nam đã chọn đúng lúc để đặt cho viên cao ủy mới một cái tên rất sát: Lơ Nhuốc Nhơ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:20:42 am »


        Ngày nhậm chức, viên cao ủy gửi cho quân đội Pháp - ngụy một lời kêu gọi, hô hào mọi người hãy đem hết sức “để tạo nên một bản anh hùng ca vĩ đại trên chiến trường hẻo lánh này...” (!).

        Khốn nỗi, với cương vị tổng chỉ huy, tất nhiên tướng Xalăng có cách nhìn sát với tình hình thực tế chiến trường hơn và “bản anh hùng ca vĩ đại” đối với viên tướng này cũng xa vời hơn. Đờlát chết đi, không những để lại một đồng bằng Bắc Việt đã “bị ruỗng nát nghiêm trọng”, một đội quân ngụy “chưa cai sữa”..., mà còn để lại một món nợ 20 nghìn quân mà chính quốc “cho vay” từ 20 tháng 3 năm 1951 và đang thúc bách phải trả, hạn chậm nhất là đầu tháng 7 sắp tới (1952).

        Điều đáng khích lệ đối với Xalăng và các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương là, giữa lúc đội quân viễn chinh đang kiệt sức thì hai chuyến tàu vũ khí viện trợ thứ 100 và 101 của Mỹ cập bến Sài Gòn vào những ngày đầu năm 1952.

        Để tỏ lòng biết ơn ông bạn lái súng sòng phẳng đã kịp thời hà hơi tiếp sức cho mình, tổng chỉ huy Xalăng vội gửi một bức điện tán dương “nước cầm đầu thế giới phương Tây đã quyết tâm theo đuổi một cách không ngã lòng sự nghiệp đấu tranh chống lại kẻ thù của tự do ở bất cứ nơi nào trên trái đất”. Bằng những số liệu được dẫn ra cụ thể1, Xalăng nhận xét rằng nhờ có viện trợ của Mỹ nên Pháp đã tổ chức được những đơn vị quân bản xứ trang bị hiện đại và có khả năng đọ sức với những đơn vị thiện chiến nhất của đối phương... Viên tổng chỉ huy Pháp kêu gọi bọn lái súng Mỹ hãy gia tăng viện trợ nhiều hơn nữa vì quân đội viễn chinh Pháp đang đứng trước một đối phương mà sức mạnh không ngừng phát triển. “Nước Mỹ có thể được bảo đảm rằng: những hy sinh mà họ gánh lấy để cùng thế giới tự do chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa cộng sản, những hy sinh ấy không phải là vô ích”.

        Bức điện được kết thúc bằng những lời lừa phỉnh, nhằm hướng vào bọn lính đánh thuê bản xứ: “Đoàn kết trong một quyết tâm chung, quân đội Pháp ở Đông Dương sẽ cùng quân đội trẻ tuổi của các nước Việt Nam, Lào và Cao Miên vươn lên xứng đáng với tầm vóc sứ mạng của mình và chuẩn bị để một ngày kia khi khẩu súng đã bỏ sang một bên, con người lại cầm cái cày cái bay, mà không sợ rằng thành quả lao động của mình bị kẻ thù của văn minh xoá sạch...” (!).

        Noi gương Đờlát trước đây, viên tổng chỉ huy mới đã ra sức hoạt động để đội quân tay sai sớm phát huy tác dụng. Việc Xalăng thân hành đến thăm mẹ Bảo Đại cuối tháng 3 năm 1952 cũng không ngoài mục đích trên. Xalăng không khỏi ngạc nhiên khi thấy người vợ góa của vua Khải Định nắm được nhiều chuyện thực tế và nói lên điều lo lắng của mình:

        - Thưa tướng quân, các ngài đang đương đầu với một kẻ địch khác thường. Ban ngày họ biến mất, các ngài không thể nào thấy được bóng họ... Vậy mà ban đêm, mặc dù bố phòng nghiêm mật, họ vẫn mặc sức ra vào bất cứ nơi nào... Thật là xuất quỷ nhập thần khiến cho người người phải phát khiếp...

        Xalăng đã tìm lời giải thích cho người quả phụ trong hoàng cung nhà Nguyễn yên tâm, nhưng cũng không quên nhắc nhở khéo “mẫu hậu đốc thúc nhà vua xúc tiến gấp việc bắt lính để quân đội quốc gia sớm trở nên hùng mạnh...”.

        Do áp lực của Pháp, ngày 8 tháng 3, Bảo Đại phải thăng cấp tướng hai sao cho viên đại tá ngụy Nguyễn Văn Hinh (một tên sĩ quan thân Pháp có vợ đầm, con thủ tướng ngụy Nguyễn Văn Tâm) mà Bảo Đại vốn không ưa, và giao cho hắn chức tham mưu trưởng quân đội ngụy. Để hỗ trợ cho Hinh và cũng để tăng cường giám sát Bảo Đại, Pháp đã bố trí viên đại tá Rơđông vào làm việc trong “võ phòng” của quốc trưởng bù nhìn. Cố nhiên, tất cả những viện trên đây đã được Pháp tiến hành khéo léo với những lý do khiến Bảo Đại không thể phản ứng và ông bạn Mỹ cũng không có cớ gì để lo ngại.

        Với các chuyến vũ khí viện trợ của Mỹ, suốt cả năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp ráng sức phát triển quân ngụy ở mức cao nhất cũng chỉ đạt được chừng 50% so với cùng khoảng thời gian dưới thời Đờlát: Số quân ngụy phát triển (38.000) cộng với số quân tăng viện (2.000) đã nâng tổng số quân Pháp - ngụy trên toàn chiến trường Đông Dương vào cuối năm 1952 lên 378.000 tên, trong đó có 248.000 lính ngụy, tức 66%.

        Ngay từ đầu năm 1952, Pháp gấp rút tổ chức thêm hai sư đoàn “quân đội quốc gia” và giao thêm cho quân ngụy nhiệm vụ chiếm đóng một số địa bàn, nhất là ở Nam Bộ, để tập trung quân Âu - Phi vào nhiệm vụ cấp bách số 1 là càn quét bình định vùng tạm chiếm đã trở nên ruỗng nát nghiêm trọng trong quá trình diễn biến của chiến dịch Hòa Bình.

---------------------
        1. Xalăng tiết lộ: trong 17 tháng qua (từ giữa năm 1950 đến đầu năng 1952), Mỹ đã đưa vào các cảng ở Việt Nam để viện trợ cho Pháp 120.000 tấn dụng cụ chiến tranh gồm 178 máy bay, 170 tàu xuồng các loại, nhiều xe tăng, phương tiện thông tin, quân nhu...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:21:14 am »


        Trong cả năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp đã huy động chừng 60-70% lực lượng cơ động chiến lược để tiến hành gần 100 trận càn quét trên toàn chiến trường Việt Nam (Bắc Bộ 21, Trung Bộ 46, Nam Bộ 28).

        Ý đồ chiến lược của các tướng lĩnh Pháp là trước mắt phải làm sao đẩy lùi được nguy cơ đang ngày càng đè nặng lên vùng châu thổ sông Hồng. Trong cơ quan tham mưu quân viễn chinh, người ta cho rằng chính những viên đại tá chỉ huy các binh đoàn cơ động (GM) là những người đưa vai ra chịu đựng sức nặng của tình hình đang xấu đi ở đồng bằng Bắc Bộ. Họ là những sĩ quan cao cấp vốn được Đờlát rất “cưng” và đặt cho cái tên: các vị thống chế của Đế chế (les maréchaux de l’Empire). Chiến dịch Hòa Bình vừa kết thúc, các vị đại tá riêng biệt hiệu “thống chế” này cùng các GM của họ chưa kịp xả hơi đã phải lao vào hàng chục cuộc hành binh càn quét với binh lực hỗn hợp quy mô lớn hòng đối phó gấp với chiến tranh du kích đang làm cho phía trong “phòng tuyến Đờlát” không ổn định, các đường giao thông chiến lược không được an toàn.

        Về phương thức tiến hành bình định, rút kinh nghiệm những năm trước, ngoài việc sử dụng binh lực lớn1, càn đi quét lại dài ngày, Bộ chỉ huy Pháp đặc biệt chú trọng kết hợp hành động quân sự với những thủ đoạn lừa mị về chính trị. Đi theo các đơn vị Âu - Phi, chủ lực trong các trận càn, là những đội “quân thứ hành chính lưu động”2 (groupement administratif mobile opérationnel, viết tắt là GAMO), gồm bọn gián điệp, tề dõng, nhân viên chiêu hồi, có nhiệm vụ “khuếch trương chiến quả”, hòng đạt mục tiêu cuối cùng của công cuộc bình định. Bằng các thủ đoạn chiến tranh tâm lý núp dưới chiêu bài “chăm sóc đời sống dân chúng”, bọn Pháp và tay sai nuôi hy vọng có thể lung lạc được tinh thần nhân dân vùng tạm chiếm, tiến tới “giải phóng dân chúng khỏi ảnh hưởng của Việt Minh”(!).

        Mặc dù sau này trong Hồi ký của mình, tướng Xalăng nói rằng hắn ta đã chỉ thị cho bọn chỉ huy thuộc quyền phải “tránh mọi hành động tàn sát, ngược đãi và tàn phá vô ích... để gây ảnh hưởng chính trị tốt trong dân chúng...”, nhưng thực tế hành động của quân Pháp trong các trận càn quét đã vạch trần bản chất của đội quân viễn chinh xâm lược. Hành động tàn sát, bắt bớ nhân dân, triệt hạ làng mạc, cướp phá thóc lúa... không những không giảm đi mà còn trắng trợn tàn ác hơn dưới thời Đờlát3.

        Điều đáng chú ý là thủ đoạn chiến tranh tâm lý của GAMO không những không lừa gạt được ai mà hành động khủng bố của các đơn vị Âu - Phi trong các trận càn quét chỉ càng khoét sâu lòng căm thù của nhân dân vùng tạm chiến. Trong khi các đơn vị Âu - Phi liên tiếp bị lực lượng vũ trang địa phương tiêu hao hàng ngày thì các đội GAMO cũng không sao thực hiện được những thủ đoạn chiến tranh tâm lý thâm độc. Và khi các đơn vị chủ lực của Pháp rời khỏi địa phương, GAMO cũng phải vội rút theo để khỏi bị tiêu diệt.

        Điều đó sau này đã được tướng Xalăng thú nhận. Trong Hồi ký, viên tổng chỉ huy nhận xét rằng, trong các trận càn Crasanh, Uragan, Ămphibi,... do tướng Bécsu chỉ huy từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 năm 1952, cuộc càn Mécquya do tướng Đờ Linarét chỉ huy từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4,... ở các vùng Thái Bình, Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên..., với lực lượng bộ binh và pháo binh rất lớn, lại được sự yểm trợ của không quân và thủy quân, các đơn vị chủ lực của Pháp đã gặp nhiều khó khăn trong các cuộc hành binh qua những đoạn đường bị phá hoại, những dòng sông lớn và ngòi lạch chằng chịt để tiếp cận một cách chật vật các trung đoàn 48, 52, 64 của đối phương trên các địa bàn thực tế do họ làm chủ. Theo sự thú nhận của Xalăng, quân Pháp bị tổn thất hàng ngày. Chỉ trong vòng hai tháng (từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4 năm 1952) đã có 660 tên chết và bị thương, trên 60 tên mất tích trong một số trận càn ở đồng bằng. Vẫn theo viên tướng này, “điều đáng phiền muộn” là trong các cuộc càn quét, thường xuyên xảy ra những vụ đào ngũ của cả lính Âu - Phi và lính ngụy mang theo vũ khí sang hàng ngũ đối phương.

        Về kết quả của các trận càn quét, tướng Pháp Mácsăng nhận xét rằng sự cố gắng của các vị “đại tá - thống chế” đã trở nên hoàn toàn vô ích vì không bao giờ họ “lập lại được trật tự” ở cái vùng đồng bằng vừa “có ích” lại vừa “bất trị” này. Khi quân Pháp vừa lướt qua thì các đội du kích đã nhanh chóng xuất hiện và họ bám rất chắc vào các căn cứ ở Thái Bình, Phát Diệm, Ninh Bình... Còn Bécna Phôn thì phác ra một bức tranh đậm nét nói lên hình thái vùng đồng bằng Bắc Bộ vào năm 1952: Cứ mỗi buổi chiều, khi màn đêm bắt đầu buông xuống 4.000 xã thuộc châu thổ sông Hồng, mỗi cấp chỉ huy Pháp (tất nhiên trong đó có các vị “đại tá - thống chế” nói trên) đều có chung một cảm giác là: quyền làm chủ đã bắt đầu chuyển sang tay Việt Minh.

        Thật ra, tình hình trên đây không phải chỉ diễn ra ở đồng bằng Bắc Bộ, phía sau “phòng tuyến Đờlát”. Mặc dù đã tập trung lực lượng, tiến hành liên tiếp nhiều trận càn lớn nhỏ, Bộ chỉ huy Pháp vẫn không khỏi lo ngại trước “tình trạng ung thối” đang không ngừng phát triển trên các địa bàn khác cũng được coi là đã đặt dưới quyền kiểm soát của quân Pháp. Đó cũng là nguyên nhân khiến tổng chỉ huy Xalăng phải đích thần “chống chiếc gậy của người hành hương” đi đốc thúc bọn tay sai (kể cả Bảo Đại) tìm phương sách đối phó.

--------------------
        1. Ngoài không quân, cơ giới, công binh, thủy đội xung kích, Bộ chỉ huy Pháp đã huy động lực lượng lớn vào các trận càn quét trong năm 1952. Lực lượng càn quét ở Trung Bộ và Nam Bộ thường từ 7 đến 10 tiểu đoàn bộ binh, 2 đến 3 tiểu đoàn pháo binh.

        2. Theo cách gọi trong tài liệu tổng kết của ngụy quyền Bảo Đại.

        3. Một vài ví dụ: trong trận càn Porto Polo Turco, địch bắt 7.000 dân, giết và bắt đi 382 trâu bò; trong trận càn Mercure, địch bắt 5.000 dân; trong trận càn Boléro (28-6-1952, Quảng Yên - Hải Dương) địch bắt 3.000 dân, đốt 9.000 thùng thóc, giết và bắt đi 800 trâu bò, v.v…
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM