Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:33:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 10/5/1972 Ngày dài không chiến  (Đọc 26309 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 04:07:09 pm »

       
        Phi công tiêm kích MiG17 Trà Văn Kiếm sinh năm 1946 tại Ninh Lộc, Ninh Hòa, Khánh Hòa, nhập ngũ tháng 12 năm 1965. Từ năm 1965 đến năm 1966 là chiến sĩ dự khóa bay. Năm 1966 đến năm 1969, Trà Văn Kiếm được chọn đi học bay ở Liên Xô trên MiG17. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Trà Văn Kiếm được biên chế về Đại đội 6 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, dù là lần đầu tiên xuất kích chiến đấu, phi công trẻ tuổi Trà Văn Kiếm đã quần nhau vối các máy bay tiêm kích của Hải quân Mỹ, tỏ ra có kỹ thuật không chiến rất điêu luyện, cơ động theo các mặt phẳng ngang, mặt phẳng đứng ngang ngửa với F4, thậm chí, có nhiều lần còn bám được phía sau F4 và nổ súng mãnh liệt. Phi công Đại úy Cơnninhham, một phi công nổi tiếng của Hải quân Mỹ bay trên chiếc F4 kia còn lầm tưởng Trà Văn Kiếm là người phi công huyền thoại Nguyễn Tom của Không quân Việt Nam. Trong trận không chiến không cân sức ấy, phi công tiêm kích MiG17 Trà Văn Kiếm đã anh dũng hy sinh trên vùng trời Hải Dương. Thiếu úy phi công tiêm kích MiG17 Trà Văn Kiếm được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Bình, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nàm 2005, di hài của phi công tiêm kích MiG17 Trà Văn Kiếm đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
       
        Phi công tiêm kích MiG17 Vũ Văn Đang sinh năm 1943 tại Sơn Khê, Thái Thịnh, Kinh Môn, Hải Dương, nhập ngũ tháng 8 năm 1960. Từ năm 1960 đến năm 1962, Vũ Văn Đang học ở trường Văn hóa Quân đội rồi được chọn đi học bay ở Liên Xô. Từ năm 1964 đến năm 1966, công tác ở Trung đoàn Không quân 919, sau đó Vũ Văn Đang học bay ở trường Không quân Việt Nam 910. Tốt nghiệp, phi công tiêm kích MiG17 Vũ Văn Đang được biên chế vào Đại đội 2 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Ngày 23 tháng 5 năm 1972, phi công tiêm kích MiG17 Vũ Văn Đang đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến giữa biên đội bốn chiếc MiG17 với tám máy bay F4 Mỹ trên vùng trời Bắc Giang, sau khi bắn rơi một chiếc F4. Phi công tiêm kích MiG17 Vũ Văn Đang được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
         
        Phi công tiêm kích MiG17 Trịnh Văn Quy sinh ngày 10 tháng 2 năm 1944 tại Quế Lâm, Đoan Hùng, Phú Thọ. Trú quán tại Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội, nhập ngũ tháng 2 năm 1964. Sau khi nhập ngũ, Trịnh Văn Quy được biên chế về Sư đoàn Bộ binh 308 cho đến tháng 5 năm 1965 thì chuyển về Không quân sau khi được tuyển chọn để học lái máy bay. Từ tháng 7 năm 1965 đến tháng 4 năm 1968, Trịnh Văn Quy được cử sang học bay MiG17 tại Liên Xô. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Trịnh Văn Quy lại tiếp tục sang trường Không quân ở Tường Vân, Trung Quốc bay nâng cao kỹ thuật trong vòng sáu đến bảy tháng rồi trở về, được biên chế vào lực lượng chiến đấu của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Từ năm 1969 đến năm 1979, phi công tiêm kích Trịnh Văn Quy phục vụ tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Sau đó, Trịnh Văn Quy chuyển sang làm giáo viên bay MiG17 tại trường Không quân Nha Trang, Trung đoàn Không quân 940. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG17 Trịnh Văn Quy đã xuất kích chiến đấu nhiều lần. Đặc biệt, trong ngày 1051972, biên đội của Trịnh Văn Quy đã xuất kích chiến đấu ba lần trên một ngày. Năm 1981, phi công tiêm kích MiG17 Trịnh Văn Quy về công tác tại Cục Huấn luyện  Nhà trường, thuộc Quân chủng Phòng không  Không quân. Phi công tiêm kích MiG17 Trịnh Văn Quy nghỉ hưu năm 1993 vối quân hàm Thượng tá và hiện sống tại Hà Nội.
       
        Phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Văn Lâm sinh ngày 20 tháng 6 năm 1945 tại Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trú quán tại Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội, nhập ngũ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Lâm được cử sang Liên Xô học lái máy bay để trở thành phi công tiêm kích chiến đấu từ năm 1965 đến tháng 1 năm 1968. Trở về nước trong đoàn 12 người tốt nghiệp trước thời hạn, phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Văn Lâm được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Văn Lâm đã xuất kích chiến đấu nhiều lần trên MiG17. Năm 1975, phi công Nguyễn Văn Lâm chuyển sang bay loại máy bay chiến lợi phẩm A37. Năm 1976 anh chuyển về trường Không quân Nha Trang làm giáo viên bay. Năm 1984, chuyển về làm việc tại Quân chủng Phòng không  Không quân và năm 1986 làm giáo viên khoa Không quân của Học viện Chính trị. Phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Văn Lâm nghỉ hưu năm 2000 với quân hàm Đại tá và hiện sống tại Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2017, 02:50:10 pm »

       
        Phi công tiêm kích MiG17 Lương Quốc Bảo sinh ngày 10 tháng 6 năm 1946 tại Lê Lợi, Kiến Xương, Thái Bình, nhập ngũ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Lương Quốc Bảo được tuyển chọn đi học lái máy bay chiến đấu và được đào tạo tại trường Không quân ở Trung Quốc. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Lương Quốc Bảo được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích Lương Quốc Bảo từng xuất kích chiến đấu nhiều lần. Năm 1975, Lương Quốc Bảo chuyển sang Trung đoàn Không quân 937, bay trên loại máy bay chiến lợi phẩm A37 tại sân bay Cần Thơ. Đến năm 1979, anh đã dẫn một lực lượng A37 ra trực chiến tại sân bay Đa Phúc. Năm 1980, Lương Quốc Bảo bay chuyển loại trên máy bay Su22 tại Liên Xô và được biên chế về Sư đoàn Không quân 372. Anh từng là học viên của Học viện Quốc phòng năm 1984 (đợt 1) và tới năm 1995 quay lại học (đợt 2) và lấy bằng tốt nghiệp Học viện. Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Lương Quốc Bảo từng đảm nhiệm nhiều trọng trách trong Không quân, như Chính trị viên Phi đội, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn, Phụ trách Trung đoàn (như cương vị Trung đoàn trưởng), Sư đoàn phó Sư đoàn Không quân 372, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370, Trưởng phòng quản lí điều hành bay Quân chủng Phòng không  Không quân, Tham mưu phó Quân chủng Phòng không  Không quân... Phi công tiêm kích MiG17 Lương Quốc Bảo về nghỉ hưu năm 2008 với quân hàm Đại tá và hiện sống tại Hà Nội.
       
        Phi công tiêm kích MiG17 Trần Cao Thăng sinh ngày 3 tháng 9 năm 1944 tại Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam, nhập ngũ năm 1963. Sau khi nhập ngũ, Trần Cao Thăng được biên chế về Trung đoàn 102, Sư đoàn Bộ binh 308 rồi được cử đi học trường Sĩ quan Lục quân. Sau khi tốt nghiệp, Trần Cao Thăng giữ chức Trung đội trưởng của Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320. Tại đây, Trần Cao Thăng được khám tuyển và được tuyển vào Không quân. Trần Cao Thăng học lái máy bay từ năm 1965 đến 1968 tại Liên Xô. Tháng 5 năm 1968, tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Trần Cao Thăng được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 rồi được cử sang trường Không quân Việt Nam 910 bay đề cao và trở về nước vào cuối năm 1968. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích Trần Cao Thăng từng xuất kích chiến đấu nhiều lần. Năm 1975, Trần Cao Thăng chuyển loại bay trên các máy bay chiến lợi phẩm tại sân bay cần Thơ. Năm 1989 chuyển về công tác tại trường Trung cao Không quân. Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Trần Cao Thăng từng giữ nhiều chức vụ với những trọng trách trong Không quân, như Chính trị viên Phi đội quyết thắng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy Trung đoàn, Tham mưu phó Sư đoàn, Hệ trưởng Hệ bổ túc rồi Trưởng phòng Tham mưu  Hành chính của Học viện Không quân... Phi công tiêm kích MiG17 Trần Cao Thăng về nghỉ hưu năm 2000 với quân hàm Đại tá và hiện sông tại Hà Nội.
       
        Phi công tiêm kích MiG17 Ngô Sơn sinh ngày 15 tháng 6 năm 1942 tại Phan Sào Nam, Phù Cừ, Hưng Yên, nhập ngũ tháng 2 năm 1961. Sau khi nhập ngũ, Ngô Sơn được tuyển chọn đi học lái máy bay chiến đấu tại Liên Xô. Anh tốt nghiệp bay trên loại máy bay tiêm kích MiG17 vào năm 1968. Trở về nước, phi công tiêm kích MiG17 Ngô Sơn được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích Ngô Sơn đã xuất kích chiến đấu nhiều lần, đã bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Ngô Sơn từng giữ những trọng trách trong Không quân, như Trưởng ban Huấn luyện Chiến dịch, Phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân chủng, rồi Tham mưu phó các Sư đoàn Không quân 372, Sư đoàn Không quân 371. Phi công tiêm kích Ngô Sơn về nghỉ hưu năm 1993 với quân hàm Đại tá và hiện sống tại Hà Nội.
       
        Phi công tiêm kích MiG17 Hán Vĩnh Tưởng sinh ngày 12 tháng 8 năm 1945 tại Tam Nông, Phú Thọ, nhập ngũ tháng 8 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Hán Vĩnh Tưởng được chọn đi học lái máy bay MiG17 tại trường Không quân đóng tại Tường Vân, Trung Quốc cho đến tháng 4 năm 1968. Sau khi tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Hán Vĩnh Tưởng được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Tháng 9 năm 1972, phi công tiêm kích MiG17 Hán Vĩnh Tưởng cùng với năm phi công MiG17 xuất sắc khác được chọn bay chuyển loại trên MiG21 và được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 927. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích Hán Vĩnh Tưởng đã xuất kích nhiều lần trên MiG17 và MiG21, đã bắn rơi ba máy bay của địch (hai chiếc F4 và một chiếc máy bay trinh sát không người lái). Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Hán Vĩnh Tương lần lượt giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Quân chủng Phòng không  Không quân, như Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, Trung đoàn phó chính trị Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, Chủ nhiệm Chính trị và Chính ủy Sư đoàn Không quân 371, Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Không quân và Quân chủng Phòng không  Không quân. Phi công tiêm kích Hán Vĩnh Tưởng về nghỉ hưu năm 2005 với quân hàm Trung tướng và hiện sống tại Hà Nội. Ngày 10 tháng 8 năm 2015, Trung tướng Hán Vĩnh Tưởng được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2017, 02:51:49 pm »

        
        Phi công tiêm kích MiG17 Hoàng Mai Vượng sinh tháng 8 năm 1947, tại Song Hậu (nay là xóm 10)., Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An, nhập ngũ tháng 5 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Hoàng Mai Vượng được cử sang Liên Xô học bay MiG17 cho đến năm 1969. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích Hoàng Mai Vượng được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 cho đến năm 1975. Năm 1975, phi công tiêm kích Hoàng Mai Vượng chuyển sang bay trên máy bay chiến lợi phẩm và trở thành phi công cường kích A37, là Biên đội trưởng thuộc Phi đội 8, Trung đoàn Không quân 937. Phi công tiêm kích Hoàng Mai Vượng đã bắn rơi một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, đã tham gia ném bom sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã được khen thưởng một Huân chương Chiến công hạng Ba, một Huân chương Giải phóng hạng Nhất. Ngày 15 tháng 7 năm 1975, phi công Hoàng Mai Vượng đã hy sinh trong chuyến bay tuần tiễu chiến đấu trên vùng trời Côn Đảo. Ngày 9 tháng 7 năm 2014, Trung úy phi công tiêm kích MiG17 Hoàng Mai Vượng đã được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
        
        Phi công MiG17 Nguyễn Xuân Hiển sinh ngày 27 tháng 8 năm 1946 tại Tam Khương, Thanh Trì, Hà Nội, Nhập ngũ tháng 2 năm 1966. Sau khi nhập ngũ, Nguyễn Xuân Hiển được tuyển chọn, cử đi học bay MiG17 tại Liên Xô từ năm 1966 đến năm 1969. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Xuân Hiển được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 cho đến năm 1973. Ngày 1051972, phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Xuân Hiển đã xuất kích ba lần. Từ năm 1973 đến năm 1975, Nguyễn Xuân Hiển là Trợ lí Phòng Tham mưu của Sư đoàn Không quân 371. Từ năm 1975 đến năm 1977, Nguyễn Xuân Hiển trở thành phi công trinh sát trên loại máy bay U17, thuộc Trung đoàn Không quân 917, Sư đoàn Không quân 372. Từ năm 1977 đến năm 1981, Nguyễn Xuân Hiển là phi công thử nghiệm thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Không quân, bay thử nghiệm loại máy bay TL1 do Viện kỹ thuật Không quân chế tạo. Từ năm 1981 đến năm 1987, Nguyễn Xuân Hiển là phi công vận tải quân sự trên loại máy bay An26 thuộc Trung đoàn Không quân 918. Năm 1987, phi công Nguyễn Xuân Hiển chuyển ngành sang Hàng không dân dụng. Sau chiến tranh, phi công Nguyễn Xuân Hiển từng giữ những trọng trách trong Không quân và Hàng không, như Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân vận tải quân sự 918, Phó Tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc Cụm cảng Hàng không miền Bắc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Xuân Hiển mất năm 2013.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2017, 05:42:04 pm »

         
GẶP NGUỜI TRONG CUỘC
       
        Nhiều năm sau chiến tranh, tôi đã có dịp gặp lại những người từng tham gia chiến đấu trong ngày 10 tháng 5 năm 1972 ấy. Cứ tưởng ai đó sẽ quên, nhưng ký ức trong họ vẫn còn nguyên vẹn. Nó tựa như một lớp bụi tro phủ ngoài lớp than hồng, nghe chừng như đã nguội, nhưng chỉ cần chút gió nhẹ khẽ thổi qua, lớp tro tàn bay đi thì than hồng lại lộ ra, lại rực cháy. Chỉ có điều, mọi ý nghĩ, mọi cảm nhận trở nên sâu lắng hơn, trầm tĩnh hơn mà thôi... Tôi ngắm nhìn lại các khuôn mặt từng một thời xông pha trận mạc, từng tung hoành khắp các phương trời, vượt qua đạn bom, nếm đủ mọi trải nghiệm khốc liệt của chiến tranh mà sao thấy quá đỗi thân thương. Những mái đầu đều đã nhuốm bạc, nếp nhăn đầy trên má, da thì lấm tấm những vết nám đồi mồi, nhưng chẳng ai quên cái ngày ấy, nó như vừa mới xảy ra ngay hôm qua mà thôi...

        Trịnh Văn Quy, cựu phi công tiêm kích MiG17 hồi tưởng:
       
         - Cái ngày 10 tháng 5 năm 1972 ấy đúng là ác liệt thật! Nói chung, cả giai đoạn ấy là giai đoạn ác liệt, nhưng ngày 105 là ngày ghê gớm, căng thẳng đến tột độ. MiG17 của bọn tôi chịu tổn thất nhiều. Nó không như MiG21 của các anh, thoát li khỏi chiến trận dễ dàng vì có tốc độ lớn. Bọn tôi thì tốc độ nhỏ, phải quần nhau nên nhiều khi muốn thoát li mà không thoát li nổi. Mà bọn Mỹ thời gian ấy đã tìm được phương pháp hóa giải cách đánh của MiG17 nên bọn tôi lại càng gặp khó khăn nhiều hơn. Chỉ khi nào về hạ cánh thì mới biết là mình còn sống. Đến cuối ngày trực, nhìn thấy nhau mới biết là những ai còn tồn tại. Đúng là trong chiến tranh, trong chiến trận, cái cảm giác sống từng ngày ấy nó rõ lắm...
       
         - Đúng vậy!  tôi nói, MiG21 bọn tôi quả là vào trận và thoát li khỏi trận có dễ hơn các anh chút đỉnh thật. Cũng chính vì thế mà mỗi lần MiG17 bắn rơi được một máy bay, nhất là lại là F4 nữa thì đáng trân trọng lắm, nó lớn lao lắm. Loại MiG nào bắn hạ được máy bay của Mỹ thì chiến công cũng đều vẻ vang, nhưng với tôi thì MiG17 của các anh vẻ vang hơn nhiều. Càng khó khăn bao nhiêu thì thắng lợi càng huy hoàng bấy nhiêu mà!...
       
        Phạm Cao Hà, cựu phi công tiêm kích MiG19 tâm sự:
       
         - Ngày ấy, khi biên đội của tôi vào cấp, chưa cất cánh, tôi nhìn về phía Yên Bình thì thấy một chiêc MiG21 bị bắn. Sau mới biết đấy là máy bay của anh Cao Sơn Khảo. Biên đội của anh Phạm Ngọc Tâm quần nhau với lũ F4 ở trên đinh sân bay rồi bọn tôi lên thì tôi thấy Phúc bắn được một chiếc. Trận chiến căng thẳng thật. Khi biên đội của chúng tôi thoát li khỏi không chiến, lúc tôi trên đường xuống hạ cánh thì thấy một chiếc xông ra ngoài đường băng, gãy cánh. Đấy là máy bay của anh Sơn c. Khi tôi xuống đến độ cao chừng 150  170 mét thì nghe thấy tiếng anh Vân hô: "Máy bay nào đang vào hạ cánh có địch bám theo sau đấy!". Tôi nghĩ chắc chắn là mình rồi. Tôi vội thu càng, tăng cửa dầu nhưng không dám thu cánh tà ngay, tăng tốc độ và quay lại, thấy một thằng F4 ở phía sau. Tôi kéo gấp máy bay để đối đầu thì nó cũng quay gấp lại, tăng tốc bỏ chạy. Tôi đuổi theo. Nó lao xuống thấp, tăng hết tốc lực, khói sau đuôi đen sì. Máy bay tôi dần tụt lại sau, không theo kịp. Tôi nghĩ, mình mà có tên lửa K13 (tên lửa không đối không) thì thằng này chắc toi. Tôi đuổi đến Yên Châu thì quay về vì lượng dầu chỉ còn có 100 lít. Tôi xin hạ cánh trực tiếp. Tiếp đất xong thì thấy một máy bay đã nằm ngoài đường băng, ngay đường đê đi Cổ Phúc. Đấy là máy bay của Tưởng và anh đã hy sinh sau cú hạ cánh ấy. Ngày 10 tháng 5 ấy đúng là ngày thật căng thẳng, thật ác liệt vì phải quần nhau với địch quá lâu. Bọn địch thì lại chủ động tìm cách tiêu diệt mình, nó có những tốp như khiêu khích, nhử mình lên để bọn khác xông vào diệt. Chẳng những hôm 10 tháng 5 mà những ngày sau đó đều thế... Mà thật xót xa khi đồng đội mình hy sinh nhiều. Thì đấy, hai biên đội bốn chiếc của bọn tôi, mất đến ba còn gì... Mãi tận sau này tôi được biết, từ năm 1967, Mỹ đã tiến hành chiến dịch tiêu diệt MiG với tên gọi "Chiến dịch Bolo". Chúng đã có chương trình TOP GUN cho Hải quân, rồi RedFlag cho Không quân... Giai đoạn ấy chúng muốn kiểm nghiệm kết quả của chương trình TOP GUN. Các máy bay F4 lúc bấy giờ cũng đã được cải tiến, lắp thêm cánh tà trước nên tính năng khí động học tốt hơn, được trang bị loại tên lửa mới cả súng Cannon 20 ly để không chiến ở cự ly gần. Một số máy bay F4 được trang bị thiết bị điện tử thuộc hệ thống AXP80 Combat Tree, có khả năng xâm nhập vào hệ thống liên lạc đối không và hệ thống phân biệt địch, ta SRO2, SRZO2 và SOD57 của MiG. Nó có khả năng nhanh chóng xác định thời điểm cất cánh và vị trí của các máy bay MiG, nó giúp cho bọn tìm diệt MiG (MIG CAP) với hiệu quả lớn lắm đấy. Không biết các biên đội của các anh thế nào chứ tôi với Khảo thì bị nhiễu đối không đến kinh khủng. Chuyển sang liên lạc ở rãnh phụ thì chỉ mấy phút sau là bọn chúng đã lại phát hiện, lại gây nhiễu rồi. Chính vì thế mà biên đội chúng tôi chẳng thế liên lạc được với nhau và Sở chỉ huy cũng không thể chỉ huy, giúp đỡ liên tục được. Ngày hôm ấy, bọn tôi cũng mất hai phi công đấy thôi. Mà thực ra, với MiG19 hôm ấy thì chỉ có Phúc và Oánh là bị bắn. Oánh thì do chốt khóa dù gài không chặt nên hy sinh một cách vô lí. Tưởng thì là do hạ cánh bị tai nạn chứ đâu phải thằng Mỹ diệt ba người đâu. Dầu sao đấy cũng là một ngày căng thẳng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2017, 05:43:20 pm »

       
        - Ừ, đúng là một ngày căng thẳng và ác liệt thật!...
       
        Hoàng Cao Bổng, cựu phi công tiêm kích MiG19 khi nhắc đến ngày này thì kể:
       
         - Lê Văn Tưởng về hạ cánh thì tiếp đất ở tận chỗ cất cánh, tức là tận đầu đằng kia của đường băng, tốc độ lớn lắm, vừa tiếp đất xong thì nghe nổ bum bùm mấy tiếng. Mấy chiếc lốp nổ mà. Sau đó xông ra ngoài đất luôn. Chạy hết đường bảo hiểm ở đầu Bắc có mấy trăm mét thì là đường đi Cô Phúc rồi còn gì. Vậy là Tưởng lao vào đấy và hy sinh. Giá như Tưởng nhảy dù được thì chỉ mất máy bay thôi chứ không mất phi công. Trước đó thì Sơn c đã hạ cánh bắt buộc hỏng một máy bay rồi... Những ngày ấy là những ngày mới được tham chiến nên còn bỡ ngỡ lắm, đã làm gì có kinh nghiệm chiến đấu, trong khi bọn Mỹ thì có chủ trương diệt ta đàng hoàng. Bọn tôi vòng tại chỗ trên đỉnh sân bay nên cũng là ở vào thế bị động. Bọn địch thì từ xa lao vào đánh xong lại vọt ra xa rồi dùng bọn nhử mồi để chúng tôi đuổi để cho bọn khác từ xa lao vào tấn công. Biên đội bốn chiếc thực ra là cồng kềnh, cơ động kém. Sau mấy trận ấy, chúng tôi về rút kinh nghiệm, chỉ bay biên đội hai chiếc và học theo cách đánh của MiG21 là nửa đánh chặn nên thoáng hơn nhiều.
       
        - Trận ấy các anh có bị nhiễu đối không không?
         
        - Trận ấy thì không bị, mãi thời gian sau này mới bị, nhưng hôm ấy, Đài chỉ huy ở sân bay nói nhiều quá nên không dành được nhiều thời gian cho sự chỉ huy trong biên đội.
       
        - Vậy đấy! Hôm đó thì biên đội tôi bị nhiễu đối không từ rất sớm nên tôi và Khảo không liên lạc được với nhau, với cả sở chỉ huy cũng vậy. Anh nói bọn F4 luôn có thằng nhử mồi là đúng đấy. Cái thằng bay qua tôi rồi kéo lên ấy cũng không phải là ngoại lệ đâu. Nó có ý đồ cả. Tôi nhanh chóng lấy điểm ngắm rồi phóng tên lửa và thoát ly luôn nên mới tránh được mấy quả tên lửa bắn tôi ngay sau lúc ấy đấy. Nếu tôi cứ giữ ổn định hướng bay để xem kết quả của mình thế nào thì chắc cũng "bị" rồi. Nhiều lần tôi ngồi tâm sự với anh Lê Hải thì anh ấy đều nói: "Trong trận không chiến, luôn luôn phải nghĩ rằng đằng sau mình lúc nào cũng có thằng sẵn sàng bắn mình. Mà phải cảnh giác nhất với cái thằng tự dưng lại xông lên trước mình, bay như thằng ngu ngơ. Đấy chính là con mồi đấy. Mình mà theo nó là thằng khác bay sau sẽ đập mình luôn!". Tôi cứ nghĩ có khi Cao Sơn Khảo cũng rơi vào tình cảnh ấy, mải miết diệt con mồi thì cuối cùng chính mình cũng bị... Các biên đội của các anh còn về hạ ở sân căn cứ của mình, chứ bọn tôi đánh xong là tan tác, mỗi người hạ mỗi nơi cả..
       
        - Ngày ấy quả là ngày căng thẳng và ác liệt thật!...
         
        Phạm Hùng Sơn, cựu phi công tiêm kích MiG19 nói:
       
         - Ngày 10 tháng 5 năm 1972 là ngày tôi xáp trận đầu tiên, lần đầu tiên quần nhau với địch. Trước đó hai ngày, vào ngày 8 tháng 5 biên đội của tôi gồm Phạm Ngọc Tâm số 1, tôi số 2, Phùng Văn Quảng số 3, Nguyễn Mạnh Tùng số 4 đã xuất kích từ đầu nam sân bay Yên Bái lên yểm hộ cho biên đội của các anh Nguyễn Ngọc Tiếp, Nguyễn Đức Tiêm, Nguyễn Hồng Sơn A, Nguyễn Hùng Sơn B sau không chiến về hạ cánh. Tuy nhiên, lần ấy bọn tôi không gặp địch. Chỉ đến ngày 10 tháng 5 là chúng tôi mới gặp địch, mới quần nhau với chúng thôi. Tuy lần đầu tiên gặp địch, nhưng bọn tôi hăng lắm, không hề có cảm giác sợ hãi, chỉ nghĩ ràng nó vào đánh mình thì mình phải đánh lại, phải giữ bằng được sự an toàn cho các mục tiêu mà mình phải bảo vệ. Lúc biên đội tôi về hạ cánh thì tôi phải quay lại phản kích vì có F4 bám sau. Tôi phản kích, đuổi thằng F4 đến Mộc Châu mới quay lại. Khi vào hạ cánh, ở độ cao 2.000 mét thì máy bay tôi hết dầu, chết máy. Sở chỉ huy lệnh cho tôi nhảy dù. Tôi lại nghĩ, mình đã trên đỉnh sân bay, độ cao có, với lại tiếc máy bay lắm, chưa chi đã vứt bỏ nó thì sao đành, thế là tôi quyết định hạ cánh bắt buộc trên sân bay. Lê Văn Tưởng cũng nhận được lệnh nhảy dù, nhưng chắc trùng ý nghĩ vói tôi nên cũng về hạ cánh bắt buộc đấy chứ. Có điều, Tưởng vào cao quá, khi tiếp đất xong lại bị nhảy cóc, lần tiếp sau thì quá xa mà lại bị nổ lốp nữa vì thế mới xông ra tận đường đi cổ Phúc, đâm vào đó và hy sinh. Tiếc thương thế đấy. Tới ngày 23 tháng 5 năm 1972 thì biên đội của tôi gồm Hoàng Cao Bông, Vũ Chính Nghị, Nguyễn Hồng Sờn A và tôi xuất kích lần thứ hai vào buổi chiều. Nguyễn Hồng Sơn A và tôi trong trận này đã bắn rơi hai chiếc F4, mỗi người nện rơi một chiếc. Mà trong trận này, bọn tôi bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.600 đấy. Biên đội của chúng tôi đã được cấp trên khen thưởng và hai anh em tôi, mỗi người được nhận một Huy hiệu Bác Hồ..., nhưng muốn nói gì thì nói, ngày 1051972 vẫn là ngày căng thẳng đến ghê gớm. Ngày ghê nhất trong cuộc không chiến đấy!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 12:58:03 am »

       
        Lê Thanh Đạo, cựu phi công tiêm kích MiG21 kể:
       
         Trận ngày 10 tháng 5 năm 1972 không phải là trận đầu của tôi. Trận đầu của tôi là vào ngày 18 tháng 12 năm 1971 cơ, nhưng trận ấy đánh như là trong diễn tập ấy mà. Tôi không trực vào ngày ấy mà là anh Phạm Phú Thái. Vì anh Thái đi nhận nhiệm vụ khác nên tôi ra trực thay cho anh Thái. Biên đội của tôi và Võ Sĩ Giáp được lệnh xuất kích chiến đấu. Trong trận ấy, hai anh em chúng tôi phát hiện được một thằng F4 và đã quyết định công kích. Tôi nện một quả tên lửa, nó rơi ngay và anh em chúng tôi thoát li về sân bay hạ cánh. Chẳng có gì căng thẳng cả. Nhưng ngày 10 tháng 5 năm 1972 thì căng thẳng hơn gấp nhiều lần, căng thẳng kinh khủng vì ngay từ sáng sớm chúng đã đánh sân bay rồi. Rồi mình lại tận mắt chứng kiến bọn F4 nó bắn biên đội Ngự, Ngãi khi đang cất cánh nữa. Tôi với Hợp ngồi trực trong buồng lái ở ngay ngoài đầu sân bay mà, thấy rõ lắm, điên tiết lắm, nghĩ phải trả thù cho bằng được. Căng thẳng thì rất căng thẳng nhưng không sợ. Phải nói thẳng, với cánh phi công bọn mình có lẽ chỉ sợ khi nhận được thông báo mục tiêu mà mình chẳng phát hiện được nó ở đâu cả, chứ khi đã phát hiện được mục tiêu rồi thì còn gì mà sợ nữa, đúng không? Nhưng mà bọn phi công Mỹ thì sợ đấy!
       
        Lê Thành Chơn, cựu sĩ quan dẫn đường của Binh chủng Không quân thời ấy nhớ lại:
       
         Ngày ấy dữ dội lắm! Lúc sáng thì thời tiết không tốt lắm, nhất là ở khu vực sân bay Kép. Chỉ mỗi khu vực sân bay Kiến An là ổn định từ sáng và tốt cả ngày. Tầm gần 10 giờ trưa thì trời bỗng bừng sáng, đảm bảo đủ mọi điều kiện cho các chuyến bay. Trên sân bay Kép, các bạn z (Triều Tiên) đã về nước. Lực lượng của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 trực chiến tại đấy. Có cả lực lượng của các Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 và 927 cũng ở đó nữa. Tinh thần chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của phi công ta rất cao. Tôi ngồi dẫn ở Sở chỉ huy hầu như suốt cả ngày. Đầu tiên thì dẫn cho lực lượng của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, sau rồi cho 923, tiếp lại dẫn cho 921 rồi 925. Nghĩa là hầu như không rời "bàn tròn" lúc nào (bàn tròn là bàn trực dẫn đường và chỉ huy trong Sở chỉ huy). Không kịp cả ăn cơm trưa nữa vì cứ báo động chuyển cấp liên tục. Dữ dội thật! Tôi rất ấn tượng với lực lượng MiG19 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Ngày ấy là ngày xuất quân lần thứ hai thôi mà đánh rất hay. Nói chung, các lực lượng của ta chiến đấu đều tuyệt cả.
       
        Lưu Văn Cộng, cựu sĩ quan dẫn đường của Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 nhớ lại:
       
         Ngày 10 tháng 5 năm 1972 thì Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 mới xuất quân chiến đấu là ngày thứ hai thôi. Giai đoạn ấy, thằng Mỹ chưa hiểu hết được tính năng của MiG19 nên có lúc đối phó còn lúng túng, đang trong thời kỳ thăm dò nên còn chưa đưa ra được biện pháp chống đối. Sau này thì chúng mới tìm ra thủ đoạn đánh trả nên chúng tôi mới gặp những khó khăn đáng kể, nhưng ngày hôm ấy, ta vừa ra quân thắng lợi hôm 8 tháng 5 xong nên còn đang phấn khích lắm, tất cả các thành phần đều hăng hái, không khí chiến đấu cứ hừng hực. Rủi thế nào mà các đài rađa của C30 ở Thanh Cù (Phú Thọ) lại bị trục trặc, mãi không khắc phục được nên tôi và anh Triệu Sĩ Việt gặp khó khăn kinh khủng, đành phải dẫn qua rađa Po12. Anh thì anh biết thừa tính năng của Po12 rồi, nó chỉ cho biết khu vực có địch thôi chứ nào biết được cụ thể vị trí địch ở đâu đâu. Thế là đành "dẫn mò"  nói theo cách của dẫn đường bọn tôi là thế. "Dẫn mò" qua tiêu đồ xa  tiêu đồ 9/9 ấy. Cứ phải thông báo liên tục về khu vực có địch cho tới khi phi công phát hiện mục tiêu. Căng thẳng lắm! Ngày hôm ấy đúng là ngày căng thẳng thật sự. Căng thẳng ở đủ mọi khía cạnh!
       
        Tạ Quốc Hưng, cựu sĩ quan dẫn đường của Trung đoàn Không quân 921:
       
         Hồi ấy trực dẫn đường ở Sở chỉ huy chủ yếu là tôi và anh Trần Đức Tụ. Anh Trần Đức Tụ dịp đó lại đang trực trong Bl (sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ngoài này còn mỗi mình tôi. Ngày hôm ấy, các lực lượng của các trung đoàn Không quân tiêm kích của mình đều được sử dụng hết, đều xuất kích chiến đấu hết. Nếu so sánh giữa lực lượng của mình và của bọn Mỹ thì thấy chênh lệch quá lớn. Cứ so sánh đơn thuần như thế thì mình không thể nào đánh được và có lẽ cũng chẳng dám xuất kích nữa. Nhưng mình đã đánh những trận đánh thật ngang ngửa với thằng Mỹ. So sánh kết quả trận đánh trong ngày có thể thấy Không quân ta đã lớn mạnh, dần dần đã xứng tầm, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ. Cũng phải thấy các cán bộ chỉ huy của ta đã rất thông minh, linh hoạt, tìm được cách đánh, cách ứng phó với chiến thuật của Mỹ cho phù hợp với chiến trường Việt Nam và cách đánh riêng của Không quân Việt Nam. Cái giỏi của ta là như thế! Còn nói gì về ngày ấy nữa ư?  Đấy là một ngày thật dài và nhiều trận không chiến căng thẳng đã xảy ra. Đấy là một ngày đối chọi về trí tuệ của những người chỉ huy và của các phi công ở cả hai bên. Kết quả trận đánh đã cho thấy, ta đã lớn mạnh lên rất nhiều!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 12:58:29 am »

       
        Hơn 40 năm sau chiến tranh, vào dịp trung tuần tháng 4 năm 2016, tôi có được cơ hội gặp các phi công Mỹ từng tham chiến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam  những đối thủ "không đội trời chung" của chúng tôi một thời, như Sácli Tút (Charlie Tutt), Chuẩn Đô đốc Kennét Pit Píttigơru (Kenneth Pete Pettigrew), Chuẩn Đô đốc Giôn Cơ (John E. Kerr), Đại tá Rích Hácnách (Rick Hartnack), Đại tá Ken IUynh (Kent Ewing), Đại tá Cơlin Giônxơn (Clint Johnson), Đại tá Đếp Xkilinh (Dave Skilling), Đại tá Giách Enxtrơ (Jack Ensch), Đu Líttơ (Doug Little), Gim Hugơuôp (Jim Hoogerwerf)..., đặc biệt là cả Trung tá Cơtítx Đô  người từng có mặt trong ngày 1051972 và đã bắn rơi phi công Nguyễn Văn Ngãi ở sân bay Kép.
       
        Chúng tôi ngồi trao đổi với tư cách các cựu binh phi công gặp nhau. Trung tá Cơtítx Đô vẫn nhớ toàn bộ trận đánh, trình bày lại từ đầu đến cuối và muôn đi thăm lại nơi từng diễn ra trận đánh ấy, đồng thời muốn đến thắp nhang cho người phi công mà Cơtítx Đô đã bắn rơi, đã hy sinh trong ngày hôm ấy.
       
        Cơtítx Đô đã được gặp người chị gái và một người cháu của phi công Nguyễn Văn Ngãi cùng các phi công cùng trang lứa của Nguyễn Văn Ngãi là Nguyễn Khánh Duy. Lê Văn Hoàn... trong một chương trình do VTV4 tổ chức.
         
        Cơtítx Đô cũng đã được bố trí về thăm gia đình liệt sĩ phi công Nguyễn Văn Ngãi, được đưa ra nghĩa trang để thắp hương viếng phi công Nguyễn Văn Ngãi và được ăn bữa cơm trưa cùng với gia đình. Cơtítx Đô thực sự cảm động khi chứng kiến cách đối xử đầy tính nhân văn, đạo lý và nghĩa tình của gia đình phi công Nguyễn Văn Ngãi và của những con người Việt Nam mà ông được gặp.
       
        Tôi hỏi Trung tá thực sự về cảm tưởng khi bay ra bầu trời miền Bắc Việt Nam, thì thực sự không ngần ngại, ông trả lời ngay: "Sợ! Rất sợ! Tôi luôn luôn sợ!".
       
        Đúng thực! Không sợ mới là lạ! Hệ thống hỏa lực Phòng không của ta dày đặc và hiệu quả như thế, MiG21 của ta hoạt động thoắt ẩn thoắt hiện vối những đòn đánh táo bạo, bất ngờ như vậy không sợ sao được!
       
        Rồi ông cũng hỏi tôi: "Nếu giữa MiG21 và F4 đế lựa chọn thì ông sẽ bay loại nào?". Tôi trả lời ngay tắp lự: "MiG21! Bởi đấy không chỉ là loại vũ khí lợi hại chúng tôi từng sử dụng, từng đánh thắng, mà còn là tình yêu của tôi nữa! Mấy chục năm trời tôi gắn bó với nó như với người bạn tri âm tri kỷ. Nó cũng tựa như con chiến mã theo tôi suốt những năm tháng chiến tranh, cùng vào sinh ra tử, từng hứng chịu những vết thương trong chiến trận. Nó không phải là cục sắt biết bay, là vật vô tri vô giác đâu. Nó có hồn!. Rất có hồn! Nhờ có nó mà chúng tôi đã giành thắng lợi trong nhiều cuộc không chiến. Nhờ có nó mà chúng tôi đã vượt qua "cổ họng" của cuộc chiến tranh với tư thế người chiến thắng!".
       
        Những cuộc chiến trên đất nước ta đã lui về dĩ vãng, nhưng nhiều nơi trên thế giới vẫn còn bom rơi đạn nổ, máu vẫn chảy và nhiều người dân vô tội vẫn phải hứng chịu những cái chết vô lý. cầu mong cho thế giới luôn được sống trong hòa bình, không còn chiến tranh, để bầu tròi luôn xanh trong, không bao giờ bị vẩn đục bởi khói đạn khói bom, để không bao giờ còn những giọt nước mắt đau khổ lăn trên mặt những người mẹ, những người vợ, những người chị, những người em gái và con cháu của tất cả chúng ta...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 08:48:13 pm »

         
        VĨ THANH
       
        Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về nó, nhớ về cái ngày 10 tháng 5 năm 1972, nhớ về tất cả những trận không chiến mình từng tham gia, nhớ về những trận không chiến đồng đội mình từng đối mặt với lực lượng kẻ thù đông gấp bội phần. Tôi thường hay mơ mình cất cánh lên trời trong đội hình cùng các đồng đội và cũng thường hay mơ, hay nói chuyện với những người đã ngã xuống trong các trận không chiến. Họ như vẫn đang còn sống, vẫn đùa vui, hóm hỉnh, thậm chí cả những tính cách khi nổi giận, hoặc khi vui bất chợt...
       
        Tôi không thể quên được những người đã cùng tôi lặn lội, chìm nổi trong những tháng năm ấy, đặc biệt là những người đã hy sinh chính bản thân mình cho bầu trời mãi được yên bình. Đừng bao giờ quên và lại càng không được lãng quên những gì mà bao lớp người đi trước đã ngã xuống để giành giật lại cho những thế hệ sau. Tôi muốn nhắn nhủ lại qua những lời tâm sự trong bài thơ "Nói với con":
         
                                                   Bố đưa con đến dưới tượng đài
                                                   Nơi tưởng niệm những anh hùng, liệt sĩ
                                                   Nơi có biết bao người yên nghỉ
                                                   Người có tên và cả vô danh
                                                   Trên đầu con thăm thẳm cao xanh
                                                   Chan hòa nắng, thanh bình, yên ả
                                                   Cây óng biếc, mượt mà sắc lá
                                                   Giữa không gian tĩnh lặng đến không ngờ
                                                   Con biết chăng, mảnh đất này năm xưa
                                                   Bom đạn xới, bập dầm trong khói lửa
                                                   Những ngày ấy, sục sôi bao trang lứa
                                                   Rất nhiều người cùng trạc tuổi như con
                                                   Dám gạt đi mọi ước muốn cá nhân
                                                   Chấp nhận hy sinh để giữ yên Đất Mẹ
                                                   Nếu không có những người như thế
                                                    (Có tên và không tên trên bảng đá này)
                                                   Thì cả con, cả bố hôm nay
                                                   Đâu được đứng dưới tượng đài chiến thắng
                                                   Bố muốn nói với con điều sâu lắng
                                                   Học đi con!
                                                   Học nữa! Để LÀM NGƯỜI!...

         
        Trong số những chỉ huy, dẫn đường, phi công tham gia trong ngày 10 tháng 5 năm 1972 ấy, có rất nhiều người đã và sau này được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Văn Nghĩa, Ngô Duy Thư, Tạ Đông Trung, Hoàng Mai Vượng, Đào Đình Luyện, Hán Vĩnh Tưởng...
       
        Tới nay, nhiều người đã "ra đi" vì tuổi tác, vì bệnh tật, như các ông Đào Đình Luyện, Trần Mạnh, Hồ Luật, Lê Viết Diện, Nguyễn Xuân Hiển, Lâm Văn Lích...
       
        Những người còn lại thì ở rải rác khắp nơi, khắp mọi miền của Tổ quốc, mỗi người một thân phận nhưng chắc rằng, họ không thể không nhớ những trận không chiến đã xảy ra trong ngày 10 tháng 5 năm 1972 bởi chính họ đã từng tham gia, từng là nhân chứng. Có thể, ai đó cũng đã có dự định hoặc đã viết về ngày này. Có thể, có những điều trùng lặp với những ý nghĩ của tôi hoặc cũng có thể khác đi, nhưng tôi tin rằng, ai cũng có phần tự hào vì mình đã từng đóng góp được chút gì đó cho quê hương, đất nước, cho bầu trời mãi xanh trong, không còn bị vẩn đục bởi khói đạn bom và những tiếng rít chết chóc, ghê rợn...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 08:48:40 pm »

         
        Riêng với người bay số 2 cho tôi, phải mất nhiều năm sau chiến tranh tôi mới có dịp về quê anh Cao Sơn Khảo vào đúng ngày 10 tháng 5. Hôm ấy, tôi và anh Hà Quang Hưng  người cùng Đoàn bay MiG21 khóa 3 với tôi và cũng là đồng hương Ý Yên với anh Cao Sơn Khảo lần tìm đến nhà anh Cao Xuân Hưu  anh trai của Cao Sơn Khảo. Vừa thấy tôi, chắc do linh tính mách bảo, anh Cao Xuân Hưu hỏi ngay:
       
           Chú là chú Huy phải không?
       
           Vâng, em là Huy ạ!
       
        Vậy là anh Hưu khóc òa lên:
       
         Bao nhiêu năm nay tôi cứ mong gặp chú mà tận bây giờ mới gặp được! Ôi, chú Khảo ôi!...
        Mắt tôi cũng mọng nước nhưng tôi ghìm lại được, phải cắn chặt môi để tiếng khóc không bật ra.
        Anh Cao Xuân Hưu dắt anh em chúng tôi vào nhà, thắp hương cho anh Cao Sơn Khảo rồi cùng nhau ra nghĩa trang viếng mộ anh Cao Sơn Khảo.
       
        Mấy anh em ra nghĩa trang. Khi đến mộ của Cao Sơn Khảo thì tôi không kìm nổi mình nữa. Tiếng nấc cứ thê bật ra và tôi cũng để mặc cho những dòng nước mắt của mình trào tuôn, không giữ gìn gì nữa. Tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc...
       
        Trong làn khói hương nhạt nhòa, tôi như thấy lại được bóng hình của Cao Sơn Khảo. Giàn giụa nước mắt, tôi ngước nhìn lên trời xanh. Không còn những điểm nổ, không tiếng gầm rít của các loại máy bay... Bầu trời hoàn toàn yên tĩnh... Gió khẽ lay động những hàng cây quanh nghĩa trang. Mùi khói hương quyện lẫn với mùi hoa đại đang nở rộ trong nghĩa trang tạo thành mùi hương lạ lùng. Tôi nôn nao, bâng khuâng trong những cung bậc thăng trầm của cảm xúc...
        Trước trận ngày 10 tháng 5 thì Cao Sơn Khảo không phải là số 2 của tôi. Trong tháng 4, Cao Sơn Khảo thường đi với Hoàng Quốc Dũng. Trận không chiến ngày 27 tháng 4, trên vùng trời Thanh Hóa, biên đội Hoàng Quốc Dũng, Cao Sơn Khảo đã đánh một trận thắng ngoạn mục trong thời gian rất ngắn.
       
        Hôm ấy, vào lúc 16 giờ 21 phút, trạm rađa phát hiện được một tốp tám chiếc bay từ biển vào phía đông nam Thanh Hóa 80 kilômét, hướng về cửa Lạch Trường. Hoàng Quốc Dũng và Cao Sơn Khảo đang trực ban chiến đấu trên sân bay Thọ Xuân nhận lệnh xuất kích lấy hướng về phía Hòa Bình  Vụ Bản. Khi lên đến độ cao 5.000 mét và quay về phía Nam, được Sở chỉ huy thông báo tình hình địch, Hoàng Quốc Dũng đã nhanh chóng phát hiện được biên đội hai chiếc F4 bay ở phía dưới. Hoàng Quốc Dũng phân công cho Cao Sơn Khảo đánh chiếc F4 bay phía bên trái còn mình thì đánh chiếc bên phải rồi lập tức lật máy bay lộn xuống bám sau biên đội F4. Đến cự ly 1.500  1.700 mét vì tốc độ hơn 1.000 km/h, Hoàng Quốc Dũng ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không vọt ra khỏi bệ phóng, bay hơi ngoằn ngoèo rồi lao thẳng về phía mục tiêu. Hoàng Quốc Dũng kéo máy bay mình lên cao, thoát ly và quan sát định lao xuống bắn tiếp quả thứ hai, nhưng đã thấy chiếc máy bay F4 bốc cháy. Hoàng Quốc Dũng bay về sân bay Đa Phúc hạ cánh lúc 16 giờ 48 phút.
       
        Cao Sơn Khảo sau khi nhận lệnh đánh chiếc bên trái, lật máy bay mình, lộn xuống để bám theo, nhưng vì tốc độ nhỏ hơn nên cự ly với thằng F4 bị xa, không kịp tiếp cận nên quyết định không đuổi theo và cũng quay về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc lúc 16 giờ 57 phút.
       
        Trận không chiến này, biên đội Hoàng Quốc Dũng, Cao Sơn Khảo đã bắn rơi chiếc F4B đầu tiên của Hải quân Mỹ trong giai đoạn hai của cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân ra miền Bắc Việt Nam.
       
        Cao Sơn Khảo còn bay số 2 với Hoàng Quốc Dũng một thời gian nữa rồi trước ngày 10 tháng 5 thì lại biên chế sang đi số 2 cho tôi. Một thời gian ngắn ở với nhau thôi, nhưng Cao Sơn Khảo cũng đã kịp dạy cho tôi cách chơi bóng bàn bằng vợt dọc. Chàng trai Ý Yên ấy đánh vợt dọc rất hay, rất linh hoạt và hiệu quả.
       
        Rồi cũng từ đó, hằng năm cứ đến ngày 10 tháng 5 thì tôi lại cùng các anh Hà Quang Hưng, Hoàng Quốc Dũng, Nguyễn Văn Quang và một số người khác về nhà anh Cao Xuân Hưu để thắp hương viếng anh Cao Sơn Khảo, để lại được ngồi hàn huyên với gia đình, được ôn lại một thời đã qua và thấy được những biến đổi của thời đang sống...
       
        Cũng nhiều năm sau chiến tranh, càng gần đến cái "ngày dài không chiến" ấy thì tôi lại càng như nghe thấy những tiếng nổ, tiếng rít ghê rợn, liên tục, dày đặc và cảm thấy căn phòng của mình ngột ngạt, rung chuyển đến kinh khủng...
       
        Bất giác, tôi mở cửa, bước ra ngoài. Bầu trời đầy nắng và chan hòa gió. Gió lật tung các tán lá cây. Những chùm hoa phượng đỏ rực rỡ. Và tiếng ve râm ran khắp nơi... Lại nhớ đến những câu thơ: "Tiếng ve ran như tiếng gọi cuộc đời Hoa phượng đỏ như chưa hề đỏ thế Yêu cho hết lòng yêu đâu phải dễ Ôi gió hè cứ quạt mãi hoa lên..."
       
        Mỗi khi tháng 5 đến! Nhất là ngày 10 tháng 5 cũng đến gần rồi. Ây là gần đến ngày giỗ của Cao Sơn Khảo  người bay số 2 cho tôi năm nào rồi.
       
        Tôi lại chuẩn bị cùng mấy anh em nữa về Ý Yên để thắp nhang viếng Cao Sơn Khảo...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2017, 08:58:37 pm »

         
        DANH SÁCH CÁC CHỈ HUY DẪN ĐƯỜNG VÀ PHI CÔNG LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG TRẬN KHÔNG CHIẾN NGÀY 10/5/1972
       
        TRỰC CHỈ HUY CÁC CẤP
       
        Tư lệnh Đào Đình Luyện.
        Phó Tư lệnh Trần Mạnh.
        Phó Tư lệnh Trần Hanh.
        Phó Chính ủy Hồ Luật.
       
        Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 921 Nguyễn Ngọc Độ.
        Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân 923 Lâm Văn Lích.
        Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân 925 Hồ Văn Quỳ.
        Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 927 Nguyễn Hồng Nhị.
         
        TRỰC BAN DẪN ĐƯỜNG CÁC CẤP
       
           Lê Thành Chơn
           Khổng Đức Thi
           Đỗ Cát Lâm
           Lê Viết Diện
           Đặng Văn Hảo (A)
           Tạ Quốc Hưng
           TỐng Bá Nhưỡng
           Phạm Từ Tịnh
           Vũ Đức Bình
           Nguyễn Văn Được
           Lưu Văn Cộng
           Triệu Sĩ Việt
           Hoàng Kế Thiện
           Phạm Thanh Soát
           Vương Kính
           Trần Đức Thủy
           Nguyễn Dũng
           Lê Thiết Hùng
           Nguyễn Hoàng Hải
           Nguyễn Đăng Điển
           Nguyễn Văn Hưng
         
        PHI CÔNG
       
        Phi công tiêm kích MiG17:

       
           Vũ Văn Đang
           Nguyễn Công Ngũ
           Trịnh Văn Quy
           Nguyễn Văn Lâm
           Đỗ Hạng
           Nguyễn Xuân Hiển
           Lương Quốc Bảo
           Nguyễn Văn Hùng
           Nguyễn Hùng Vân
           Ngô Sơn
           Nguyễn Văn Thọ
           Tạ Đông Trung
           Nguyễn Văn Nhượng
           Trà Văn Kiếm
           Nguyễn Phú Ninh
           Trương Công Thành
           Trần Cao Thăng
           Hán Vĩnh Tưởng
           Hoàng Mai Vượng
       
        Phi công tiêm kích MiG19:
       
           Phạm Ngọc Tâm
           Phạm Hồng Sơn (C)
            Nguyễn Văn Phúc
           Lê Đức Oánh
           Hoàng Cao Bổng
           Phạm Cao Hà
           Nguyễn Văn Cương
           Lê Văn Tưởng
       
        Phi công tiêm kích MiG21
       
           Đặng Ngọc Ngự
           Nguyễn Văn Ngãi
           Nguyễn Công Huy
           Cao Sơn Khảo
           Hoàng Quốc Dũng
           Bùi Thanh Liêm
           Nguyễn Đức Soát
           Ngô Duy Thư
           Nguyễn Văn Nghĩa
           Hạ Vĩnh Thành
           Lê Thanh Đạo
           Vũ Văn Hợp
           Đỗ Văn Lanh
       
        CÁC PHI CÔNG TRỰC TIẾP THAM GIA CÁC TRẬN KHÔNG CHIẾN
       
           Nguyễn Văn Thọ
           Tạ Đông Trung
            Đỗ Hạng
           Trà Văn Kiếm
           Phạm Ngọc Tâm
           Phạm Hồng Sơn (C)
           Nguyễn Văn Phúc
           Lê Đức Oánh
           Hoàng Cao Bổng
           Phạm Cao Hà
           Nguyễn Văn Cương
           Lê Văn Tưởng
           Đặng Ngọc Ngự
           Nguyễn Văn Ngãi
           Nguyễn Công Huy
           Cao Sơn Khảo
           Lê Thanh Đạo
           Vũ Văn Hợp
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM