Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:57:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 10/5/1972 Ngày dài không chiến  (Đọc 26308 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 07 Tháng Giêng, 2017, 11:00:19 am »


        Phó Tư lệnh Trần Hanh sinh ngày 28 tháng 11 năm 1932 tại Lộc Vượng, Mỹ Lộc, Nam Định, nhập ngũ tháng 9 năm 1949, là học viên đoàn bay đầu tiên của Không quân Việt Nam tại Trung Quốc. Ông trực chiến lần đầu vào ngày 6 tháng 8 năm 1965, ngay sau khi Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 chuyển máy bay về nước. Trong chiến tranh, ông xuất kích chiến đấu trên cả hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21, bắn rơi chiếc F-105D Thần Sấm đầu tiên trong chiến tranh trên không ở miền Bắc Việt Nam, ngay trong trận đầu gặp địch. Ông là phi công đầu tiên trên thế giới đã dùng MiG-17 bắn rơi máy bay F-105. Năm 1966, ông và một số phi công MiG-17 khác đã chuyển loại sang bay MiG-21.

        Trong và sau chiến tranh, ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Quốc phòng, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 năm 1969, Phó Tư lệnh Không quân Việt Nam tháng 3 năm 1972, Tư lênh Quân chủng Không quân năm 1986, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1989, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1996. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, ông được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1984 ông được phong quân hàm Thiếu tướng và năm 1989 được phong quân hàm Trung tướng. Ông từng là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hiện nay là Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Không quân. Ông về hưu với quân hàm Trung tướng và hiện sống tại Hà Nội.

        Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Độ sinh ngày 1 tháng 11 năm 1934 tại Thanh Bình, Thanh Chương, Nghệ An, nhập ngũ tháng 6 năm 1953 và được cử đi học lái MiG-17 thuộc đoàn học bay số 1 tại trường Không quân số 3 ở Liêu Ninh Trung Quốc. Ông về nước tháng 8 năm 1964 và trực chiến lần đầu vào ngày 30 tháng 5 năm 1965. Ông từng xuất kích chiến đấu nhiều lần trên MiG-17. Năm 1966, ông chuyển loại lên bay MiG-21.

        Trong chiến tranh, ông đã xuất kích 66 lần, tham gia sáu trận không chiến, bắn tám quả tên lửa, hạ sáu máy bay Mỹ (hai chiếc F-105, ba chiếc F-4, một chiếc RF-101), ngoài ra còn chỉ huy biên đội bắn rơi ba chiếc khác, ông lần lượt giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Không quân Việt Nam như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371 và 372, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Chủ nhiệm Khoa Không quân, Học viện Quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng. Ngày 25 tháng 8 năm 1970, ông được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 12 năm 1985, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Ông về hưu năm 2000 và hiện sống tại Hà Nội.

        Trung đoàn phó Lâm Văn Lích sinh năm 1932 tại Định Thành, Gia Rai, Bạc Liêu, nhập ngũ tháng 9 năm 1950 tại Đại đội 554, địa phương quân tỉnh Bạc Liêu. Sau khi tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1955, ông được chọn đi học lái máy bay chiến đấu tại trường Không quân số 3 ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ngày 6 tháng 8 năm 1964, ông đã bay trong biên đội của Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện, chuyển sân từ Mông Tự về hạ cánh tại sân bay Đa Phúc. Ồng được bổ nhiệm là Chủ nhiệm xạ kích đầu tiên của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921.

        Trong chiến tranh, ông đã xuất kích nhiều lần, bắn rơi ba máy bay Mỹ (một chiếc F-4, hai chiếc AD-6). Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân và giữ nhiều trọng trách quan trọng, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 923, Phó Tư lệnh Sư đoàn, Hiệu trưởng trường Không quân 910, Hiệu phó trường Trung Cao Không quân. Ngày 1 tháng 1 năm 1967, ông được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau này, ông chuyển về thành phố Hồ Chí Minh công tác với cương vị Tổng Giám đốc Tổng công ty xe đạp, xe máy thành phố. Ông nghỉ hưu năm 1994 với quân hàm Đại tá tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất năm 2014.

        Trung đoàn phó Hồ Văn Quỳ sinh năm 1935 tại Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Nam, nhập ngũ tháng 3 năm 1954. Sau khi nhập ngũ, ông được chọn đi học lái máy bay MiG-17 thuộc đoàn bay đầu tiên tại Trung Quốc. Trong chiến tranh, ông đã xuất kích chiến đấu 120 lần, có 40 trận gặp địch, nổ súng 12 lần và bắn rơi ba máy bay Mỹ (hai chiếc F-1, một chiếc F-105). Trận đầu ông lập công, bắn rơi máy bay Mỹ là vào ngày 4 tháng 6 năm 1965. Năm 1969, ông chuyển loại sang bay MiG-19. Ông đã được bổ nhiệm chức vụ Phó Trung đoàn trưởng, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 925.

        Sau chiến tranh, ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Quân chủng Không quân, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 925, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370. Năm 1990, ông chuyển sang công tác tại Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, là Tổng Giám đốc Cụm cảng Hàng không miền Trung. Ông về nghỉ hưu năm 2000 với quân hàm Đại tá. Ngày 10 tháng 8 năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện ông sống tại thành phố Đà Nẵng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 03:17:48 pm »


        Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị sinh ngày 22 tháng 12 năm 1936 tại Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định, nhập ngũ tháng 5 năm 1952. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được chọn gửi đi học lái MiG-21 đoàn bay đầu tiên ở Liên Xô từ năm 1961 đến năm 1965. Tốt nghiệp về nước, ông đã tham gia trực ban chiến đấu từ ngày 25 tháng 1 năm 1966 và cất cánh đánh thắng trận đầu bằng MiG-21 vào ngày 4 tháng 3 năm 1966, bắn rơi chiếc máy bay trinh sát không người lái đầu tiên khi nó bay ở độ cao 18.000 mét. Trong chiến tranh, ông xuất kích chiến đấu hơn 100 lần, bắn rơi tám máy bay Mỹ (ba chiếc F-4, ba chiếc F-105, một chiếc F-8 và một máy bay trinh sát không người lái). Ngày 18 tháng 6 năm 1969, ông được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Trong và sau chiến tranh, ông đã trải qua nhiều cương vị chỉ huy quan trọng trong Quân chủng Phòng không - Không quân, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, Phó Tư lệnh Sư đoàn Không quân 371, Tư lệnh các Sư đoàn Không quân 372, 370, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Ở cương vị nào, ông đều thể hiện là người cán bộ chỉ huy, quản lí quyết đoán, có tầm nhìn chiến lược. (Chi tiết về cuộc đời ông đã được tác giả Nguyễn Công Huy viết trong cuốn "Thanh kiếm bầu trời", Nxb Lao động, 2012). Ông nghỉ hưu năm 1998 với quân hàm Thiếu tướng và hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

        Sĩ quan dẫn đường Lê Thành Chơn sinh tháng 3 năm 1937 tại Tân Mỹ, Chợ Mới, An Giang, nhập ngũ năm 1952. Năm 1959, ông được chọn đi học lái máy bay tại trường Không quân Việt Nam. Từ năm 1960, ông học ngành dẫn đường - tiêu đồ gần (đánh dấu đường bay trên bàn tiêu đồ dẫn đường trong Sở chỉ huy) tại trường Hàng không Nam Uyển, Bắc Kinh, Trung Quốc và thực tập công tác dẫn đường tại Sư đoàn Không quân số 5 - sân bay Hàng Châu, Triết Giang, Trung Quốc. Ông là sĩ quan tiêu đồ đầu tiên và duy nhất của Không quân nhân dân Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông được chọn sang học dẫn đường tại sở chỉ huy. Ông tham gia dẫn trận đầu tiên vào ngày 6 tháng 11 năm 1965 cho biên đội MiG-17 của Trần Hanh, Ngô Đoàn Nhung, Phạm Ngọc Lan, Trần Minh Phương bắn rơi một chiếc CH-47.

        Trong thời gian chiến tranh, ông cùng kíp trực tham gia dẫn khoảng 80 trận, tạo điều kiện cho các phi công MiG bắn rơi 60 máy bay các loại của Mỹ. Ông là một trong những sĩ quan dẫn đường giỏi, góp phần rất quan trọng trong các trận đánh thắng của Không quân nhân dân Việt Nam. Năm 1967, ông là Trưởng ban dẫn đường Sư đoàn Không quân 372. Năm 1983, ông chuyển ngành về Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2007, ông về nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá và hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về Không quân và không chiến, như các tập ký: "Anh hùng trên chín tầng mây", "Đọ cánh với pháo đài bay B-52", "Hoàng tử của bầu trời", "Người anh hùng chưa được tuyên dương", "Bầu trời ước vọng", "Tầm cao"... và những tiểu thuyết: "Khối mây hình lưỡi búa", "Đối mặt", "Huyền thoại đất phương Nam", "Canh năm", "Xuyên mây"... và một số sách, kịch bản phim truyện, phim tài liệu khác.

        Sĩ quan dẫn đường Tạ Quốc Hưng sinh năm 1940 tại ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), nhập ngũ tháng 7 năm 1963, được chọn đi học lớp chỉ huy, tham mưu - dẫn đường tại trường Hàng không cao cấp số 1 ở Nam Uyển, Bắc Kinh, Trung Quốc từ năm 1964 đến năm 1966. Sau khi tốt nghiệp, ông được điều về làm sĩ quan dẫn đường tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 từ năm 1966 cho đến hết chiến tranh. Từ cuối năm 1967, ông thường xuyên đi cơ động, trực ban dẫn đường tại các Sở chỉ huy X-3 Quảng Bình, B-l Thọ Xuân, B-2 Vinh, B-3 Sở chỉ huy tiền phương ở Đô Lương, Nghệ An, B-8 Sở chỉ huy tiền phương ở Lệ Thủy, Quảng Bình...

        Trong thời gian trực ban dẫn đường tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, ông tham gia dẫn độc lập trên 40 trận, góp phần giúp các phi công trong các trận không chiến bắn rơi hơn 30 máy bay Mỹ. Sau chiến tranh, ông về công tác tại Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 2001, ông về hưu với quân hàm Đại tá và hiện ông sống tại Hà Nội.

        Sĩ quan dẫn đường Đỗ Cát Lâm sinh năm 1943 tại Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định, nhập ngũ năm 1961 tại trường Không quân Việt Nam. Năm 1963, ông được chọn đi học ngành dẫn đường Sở chỉ huy tại trường Hàng không Nam Uyển, Bắc Kinh, Trung Quốc. Sau khi về nước, ông dẫn trận không chiến đầu tiên là ngày 29 tháng 9 năm 1966 cho phi công Nguyễn Văn Biên bắn rơi chiếc máy bay trinh sát không người lái. Trong chiến tranh Việt Nam, Đỗ Cát Lâm tham gia dẫn khoảng 30 trận không chiến, tạo điều kiện cho các phi công bắn rơi 27 máy bay các loại của Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2017, 03:18:21 pm »


        Kết thúc chiến tranh, ông được cử đi học Khoa dẫn đường của Học viện Chỉ huy - Tham mưu mang tên nhà du hành vũ trụ Gagarin, Liên Xô, tốt nghiệp năm 1978. Năm 1981, ông được bổ nhiệm là Phó Tham mưu trưởng - Trưởng ban dẫn đường Sư đoàn Không quân 370 rồi sau đó là Sư đoàn Không quân 372. Năm 1990, ông chuyên ngành sang Hàng không dân dụng, được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Quản lí bay miền Trung. Ông nghỉ hưu năm 2004 với quân hàm Trung tá và hiện sống tại thành phố Đà Nẵng.

        Sĩ quan dẫn đường Lê Thiết Hùng sinh tháng 12 năm 1938 tại Đại Thành, Phụng Hiệp, Hậu Giang, nhập ngũ tại tỉnh đội Sóc Trăng. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được chọn đi học lái máy bay tại trường Không quân Việt Nam. Năm 1960, ông chuyển sang học dẫn đường Sở chỉ huy ở Bạch Mai và "Công trường 300" Mỏ Chén, Sơn Tây. Sau khi tốt nghiệp, được biên chế về Tiểu ban dẫn đường Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 và được giao dẫn trên hiện sóng của sở chỉ huy Trung đoàn. Trận đầu tiên ông tham gia dẫn chiến đấu là vào đêm 3 tháng 2 năm 1966, tạo điều kiện cho phi công Lâm Văn Lích bắn rơi hai chiếc AD-6 trên vùng trời Tân Lạc - Suối Rút.

        Trong chiến tranh, ông tham gia dẫn khoảng 110 trận không chiến, tạo điều kiện cho các phi công MiG bắn rơi 91 máy bay các loại của Mỹ. Ông liên tục trực tại đài ra-đa dẫn đường trên hiện sóng, cho dù nơi ấy có nhiều nguy cơ bị tên lửa Shrike bắn trúng. Sau chiến tranh, ông là Trưởng ban dẫn đường Sư đoàn Không quân 372. Năm 1977, ông là Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 917, sau đó là Trung đoàn 918. Năm 1988, ông chuyển sang công tác tại Chi cục Di dân và phát triển vùng kinh tế mới thuộc sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1999, ông về hưu với quân hàm Trung tá và hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

        Sĩ quan dẫn đường Vũ Đức Bình sinh năm 1936 tại Thái Bình, nhập ngũ tháng 4 năm 1955. Sau khi nhập ngũ, Vũ Đức Bình được cử đi học bay tại Trường bay Cát Bi. Năm 1965, Vũ Đức Bình được tuyển chọn đi học ngành dẫn đường sau đó thuộc biên chế của Ban dẫn đường Binh chủng Không quân. Ông từng dẫn đường cho lực lượng máy bay An-2 đánh tàu biệt kích của Mỹ. Sĩ quan dẫn đường Vũ Đức Bình được điều về công tác tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 927. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, Vũ Đức Bình được phân công dẫn lực lượng MiG-21 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 trực chiến tại sân bay Đa Phúc.

        Sau chiến tranh, sĩ quan dẫn đường Vũ Đức Bình từng đảm nhận chức vụ Tham mưu phó Trung đoàn, rồi Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân 935. Năm 1984, sĩ quan dẫn đường Vũ Đức Bình về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá và hiện sống tại Biên Hòa, Đồng Nai.

        Sĩ quan dẫn đường Lưu Văn Cộng sinh ngày 1 tháng 9 năm 1941 tại Tự Khoát, Vũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội, nhập ngũ tháng 4 năm 1959. Sau khi nhập ngũ, Lưu Văn Cộng được biên chế vào lực lượng pháo cao xạ, thuộc Trung đoàn 250, Sư đoàn Phòng không 367 trong vòng gần một năm rồi được đi học lớp hạ sĩ quan. Học xong, Lưu Văn Cộng được điều về Trung đoàn Phòng không 240 với nhiệm vụ bảo vệ nhà máy dầu Thượng Lý và nhà máy xi măng Hải Phòng. Năm 1960 và 1961 Lưu Văn Cộng được cử đi học ở Trường văn hóa ở Ô Cách và Trường văn hóa quân đội, tới năm 1964 thì được cử đi học ngành dẫn đường tại Trung Quốc.

        Tốt nghiệp về nước năm 1966, sĩ quan dẫn đường Lưu Văn Cộng được điều về Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân. Năm 1969, Lưu Văn Cộng từng trực ở sở chỉ huy X-3, Quảng Bình để dẫn đánh trong chiến trường khu Bốn. Năm 1971, sĩ quan dẫn đường Lưu Văn Cộng được điều về Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, sĩ quan dẫn đường Lưu Văn Cộng cùng với sĩ quan dẫn đường Triệu Sĩ Việt đã dẫn các biên đội MiG-19 lên không chiến tại đỉnh sân bay Yên Bái. Sau chiến tranh, Lưu Văn Cộng từng đảm nhận chức Phó phòng dẫn đường của Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông về nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm Trung tá và hiện sống tại Hà Nội.

        Phi công tiêm kích MiG-21 Đặng Ngọc Ngự sinh ngày 1 tháng 11 năm 1939 tại Xuân Thủy, Xuân Trường, Nam Định, nhập ngũ ngày 23 tháng 3 năm 1959. Ông được chọn gửi đi học lái máy bay thuộc đoàn bay MiG-21 khóa 1 tại Liên Xô từ năm 1961 đến năm 1966. Sau khi về nước, ông trở thành phi công chiến đấu MiG-21 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 921. Ngày đầu tiên ông tham gia trực ban chiến đấu là ngày 1 tháng 7 năm 1966.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2017, 03:54:26 pm »


        Trong chiến tranh, ông đã xuất kích chiến đấu hơn 100 lần, tham gia chiến đấu 14 trận, chín lần nổ súng, bắn rơi bảy máy bay Mỹ (ba chiếc F-4, một chiếc F-105, ba máy bay trinh sát không người lái). Trong trận không chiến ngày 8 tháng 7 năm 1972, khi đã là Đại đội trưởng Đại đội 7 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, ông dẫn đầu biên đội hai chiếc MiG-21 chiến đấu với tốp đông máy bay F-4 và đã anh dũng hy sinh trên vùng trời Hòa Bình. Ông được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Đà Bắc, Hòa Bình sau đó được chuyển về nghĩa trang liệt sĩ Trần Hưng Đạo huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ngày 11 tháng 1 năm 1973, Đại úy phi công tiêm kích MiG-21 Đặng Ngọc Ngự được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 12 năm 2009, đồng đội và gia đình đã đưa di hài của ông về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

        Phi công tiêm kích MiG-21 Nguyễn Văn Ngãi sinh ngày 14 tháng 1 năm 1947 tại Phú Mỹ, Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội), nhập ngũ tháng 12 năm 1966. Từ năm 1966 đến năm 1967, Nguyễn Văn Ngãi là chiến sĩ dự khóa bay và từ năm 1967 đến năm 1970, được cử đi học bay ở Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp về nước, Nguyễn Văn Ngãi là phi công tiêm kích chiến đấu MiG-21 thuộc Đại đội 7, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, phi công Nguyễn Văn Ngãi đã anh dũng hy sinh trong chuyến bay xuất kích chiến đấu ở sân bay Kép. Thiếu úy phi công tiêm kích MiG-21 Nguyễn Văn Ngãi được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 2009, gia đình và đồng đội đã chuyến di hài của phi công Nguyễn Văn Ngãi về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Quốc Oai.

        Phi công tiêm kích MiG-21 Nguyễn Công Huy sinh ngày 18 tháng 5 năm 1947 tại Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), nhập ngũ tháng 7 năm 1965, được chọn đi học lái máy bay tiêm kích MiG-21 tại Liên Xô, thuộc khóa 3 từ năm 1965 đến năm 1968. Sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Công Huy được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 921. Trong chiến tranh, phi công Nguyễn Công Huy đã xuất kích nhiều lần, tham gia nhiều trận không chiến. Ngày 26 tháng 6 năm 1972, trong trận không chiến, phi công Nguyễn Công Huy đã bắn rơi một chiếc F-4.

        Sau chiến tranh, Nguyễn Công Huy lần lượt đảm nhận nhiều cương vị chỉ huy trong Không quân, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 931, Chủ nhiệm dẫn đường Sư đoàn Không quân 371, Chủ nhiệm bay Sư đoàn Không quân 371, Tham mưu phó Sư đoàn rồi Phó Sư đoàn trưởng phụ trách công tác huấn luyện, Phó Sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371. Từ năm 1974 đến năm 1978, Nguyễn Công Huy được cử đi học tại Học viện Chỉ huy - Tham mưu Không quân Liên Xô mang tên nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin. Năm 1989, Nguyễn Công Huy được phong hàm Đại tá. Năm 1993, Nguyễn Công Huy chuyển ngành sang Hàng không dân dụng và giữ chức Phó Tổng giám đốc Cụm cảng Hàng không miền Bắc.

        Nguyễn Công Huy là tác giả của nhiều tập thơ, sách và sách dịch, như: "Tiêm kích sông bằng chiến trận", Nxb Quân đội nhân dân, 2002; "Những phi đội bay về phía Tây", Nxb Quân đội nhân dân, 2003; "Nghịch lí thế kỷ XX", Nxb Lao động, 2004; "Tôi từng là phi công tiêm kích", Nxb Văn học, 2008; "Vũ Xuân Thiều phi công cảm tử", Nxb Lao động, 2012; "Thanh kiếm bầu trời", Nxb Lao động, 2012; "Đi xa ngoảnh lại", Nxb Văn học, 2013; "Chiến mã trên không", Nxb Văn học, 2014; "Người tìm chìa khóa vàng", Nxb Văn học, 2015... trong đó có các tác phẩm viết về các phi công nổi tiếng như Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Hồng Nhị, Đỗ Văn Lanh, Trần Mạnh... Nguyễn Công Huy về nghỉ hưu năm 2007, hiện sống tại Hà Nội.

        Phi công tiêm kích MiG-21 Cao Sơn Khảo sinh ngày 10 tháng 1 năm 1945 tại Đô Quan, Yên Khang, Ý Yên, Nam Định. Cao Sơn Khảo nhập ngũ tháng 8 năm 1965, được chọn đi học bay ở Trung đoàn Không quân 910 (Trường Không quân 910) từ năm 1965 đến năm 1968. Từ năm 1968 đến năm 1970, Cao Sơn Khảo là phi công tiêm kích MiG-17 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Từ năm 1970 đến năm 1972 Cao Sơn Khảo là phi công tiêm kích MiG-21 thuộc Đại đội 1 Trung đoàn Không quân tiêm kích 921.

        Phi công tiêm kích MiG-21 Cao Sơn Khảo đã bắn rơi một chiếc F-4 và đã được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, phi công tiêm kích Cao Sơn Khảo đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến với các máy bay F-4 của Mỹ ở vùng trời Yên Bái, sau khi bắn rơi một chiếc F-4. Trung úy phi công tiêm kích MiG-21 Cao Sơn Khảo được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Năm 2004, di hài của phi công tiêm kích Cao Sơn Khảo đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2017, 03:55:32 pm »


        Phi công tiêm kích MiG-21 Lê Thanh Đạo sinh ngày 20 tháng 9 năm 1944 tại Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội, nhập ngũ tháng 7 năm 1963. Sau khi nhập ngũ, Lê Thanh Đạo được cử đi học lái máy bay MiG-21 thuộc đoàn bay MiG-21 khóa 3, tại Liên Xô. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG-21 Lê Thanh Đạo trực ban chiến đấu lần đầu tiên vào ngày 9 tháng 6 năm 1968. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG-21 Lê Thanh Đạo xuất kích 60 lần, gặp địch 13 lần, tám lần nổ súng, bắn rơi sáu máy bay Mỹ (sáu chiếc F-4).

        Sau trận không chiến ngày 10 tháng 5 năm 1972, trong một trận không chiến khác, phi công tiêm kích Lê Thanh Đạo đã nhảy dù và được bà con dân tộc Dao cứu sống. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Lê Thanh Đạo lại trở về Trung đoàn bay hồi phục trên MiG-21. Ngày 11 tháng 1 năm 1973, phi công tiêm kích MiG-21 Lê Thanh Đạo được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Lê Thanh Đạo chuyển sang công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và được bầu vào chức Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam, rồi sau đó được bầu làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, rồi Phó Ban Dân vận Trung ương. Phi công tiêm kích MiG-21 Lê Thanh Đạo về nghỉ hưu năm 2006 với quân hàm Đại tá và hiện sống tại Hà Nội.

        Phi công tiêm kích MiG21 Vũ Văn Hợp sinh ngày 22 tháng 6 năm 1948 tại Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình, nhập ngũ tháng 2 năm I960. Từ năm 1965 đến năm 1967, Vũ Văn Hợp là chiến sĩ dự khóa bay. Từ năm 1967 đến năm 1970, Vũ Văn Hợp học lái máy bay MiG21 tại Liên Xô. Tốt nghiệp về nước năm 1970, phi công tiêm kích MiG21 Vũ Văn Hợp được biên chế vào Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, rồi thuộc Đại đội 9 Trung đoàn Không quân tiêm kích 927. Vũ Văn Hợp đã bắn rơi một máy bay F4, đã được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Ba và một Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Ngày 8 tháng 7 năm 1972, phi công tiêm kích MiG21 Vũ Văn Hợp đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến không cân sức giữa biên đội hai chiếc MiG21 với các máy bay Mỹ ở vùng trời Hòa Bình. Thiếu úy phi công tiêm kích MiG21 Vũ Văn Hợp được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Tháng 12 năm 1999, di hài phi công tiêm kích Vũ Văn Hợp đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tại quê nhà.
       
        Phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Đức Soát sinh ngày 24 tháng 6 năm 1946 tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội), nhập ngũ ngày 5 tháng 7 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Nguyễn Đức Soát được chọn đi học lái máy bay MiG21 thuộc đoàn bay MiG21 khóa 3 tại Liên Xô, tốt nghiệp về nước năm 1968. Phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Đức Soát trực ban chiến đấu lần đầu tiên là vào ngày 2 tháng 6 năm 1968. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Đức Soát đã xuất kích 53 lần. bảy lần gặp địch, bắn tám quả tên lửa. hạ sáu máy bay Mỹ (bốn chiếc F4, một chiếc A7, một máy bay trinh sát không người lái), ngoài ra còn chỉ huy biên đội bắn rơi ba chiếc khác. Ngày 11 tháng 1 năm 1973, phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Đức Soát được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong giai đoạn cuối năm 1972 ác liệt, Nguyễn Đức Soát là Đại đội trưởng Đại đội 3 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 927. Sau chiến tranh, Nguyễn Đức Soát lần lượt giữ các chức vụ, cương vị quan trọng trong Không quân và Bộ Quốc phòng, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372, Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không  Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
         
        Khi đã giữ cương vị Sư đoàn trưởng, rồi Phó Tư lệnh Không quân, phi công tiêm kích Nguyễn Đức Soát vẫn tiếp tục bay trên các loại máy bay SU22M4 và SU27. Nguyễn Đức Soát đã tốt nghiệp Học viện Chỉ huy  Tham mưu Không quân Liên Xô mang tên Yuri Gagarin năm 1980, tốt nghiệp Học viện Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô mang tên Nguyên soái Vôrôsilôp năm 1984 và bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 2002 tại Học viện Quốc phòng Việt Nam. Phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Đức Soát về nghỉ hưu năm 2008 với quân hàm Trung tướng và hiện sống tại Hà Nội. Sau khi nghỉ hưu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát vẫn tích cực hoạt động trong các công tác xã hội, là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 02:52:01 pm »

       
        Phi công tiêm kích MiG21 Ngô Duy Thư sinh năm 1947 tại Nam Dương, Nam Trực, Nam Định. Trú quán tại Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Nhập ngũ tháng 7 năm I960, Ngô Duy Thư được cử đi học lái máy bay ở Liên Xô từ năm 1965 đến năm 1968. Từ năm 1968 đến năm 1970, là phi công tiêm kích MiG17 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Năm 1970, Ngô Duy Thư chuyển loại lên MiG21 và được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 cho đến năm 1972. Khi Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 thành lập, Ngô Duy Thư được chuyển biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 927. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích Ngô Duy Thư đã từng xuất kích nhiều lần trên cả MiG17 và MiG21, bắn rơi ba máy bay Mỹ (hai chiếc F4, một chiếc F105), đã được khen thưởng hai Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba. Sau chiến tranh, Ngô Duy Thư được cử sang Liên Xô học tại Học viện Chỉ huy  Tham mưu Không quân mang tên nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin, tốt nghiệp năm 1978, được nhận quân hàm Đại úy và được bổ nhiệm làm Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 921. Ngày 29 tháng 11 năm 1978, Đại úy Ngô Duy Thư đã hy sinh trong chuyến bay huấn luyện tại vùng trời Bắc Ninh. Phi công tiêm kích MiG21 Ngô Duy Thư được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, sau đó đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ngày 9 tháng 10 năm 2014, Đại úy phi công tiêm kích MiG21 Ngô Duy Thư được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
         
        Phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Văn Nghĩa sinh ngày 3 tháng 5 năm 1946 tại Đức Thanh, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, Nguyễn Văn Nghĩa đã học tập tại các trường học sinh miền Nam số 28 và 13 ở miền Bắc. Nguyễn Văn Nghĩa nhập ngũ tháng 7 năm 1965, được cử đi học lái máy bay MiG21 thuộc đoàn bay MiG21 khóa 3 tại Liên Xô từ năm 1965 đến năm 1968. Sau khi tốt nghiệp về nước, được biên chế vào Trung đoàn Không quân tiêm kích 921. Phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Văn Nghĩa trực ban chiến đấu từ ngày 2 tháng 6 năm 1968. Đầu năm 1972, khi thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, Nguyễn Văn Nghĩa được chuyển về biên chế của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, tham gia chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927. Tổng cộng, phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Văn Nghĩa đã xuất kích 35 lần, có bảy lần gặp địch, sáu lần nổ súng, bắn bảy quả tên lửa, hạ năm máy bay Mỹ (bốn chiếc F4, một máy bay trinh sát không người lái). Ngày 3 tháng 9 năm 1973, phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Văn Nghĩa được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 5 năm 1975, Nguyễn Văn Nghĩa vinh dự dẫn đầu biên đội MiG21 lần đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng và ngày 15 tháng 5 năm 1975 đã bay trong đội hình MiG21 duyệt binh mừng chiến thắng trên thành phố mang tên Bác.

        Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Nguyễn Văn Nghĩa lần lượt giữ nhiều trọng trách trong Quân chủng Phòng không  Không quân, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 935, Phó Sư đoàn trưởng  Tham mưu trưởng các Sư đoàn Không quân 376, 370. Từ tháng 8 năm 1987 là Phó Tư lệnh về Chính trị của Sư đoàn Không quân 370. Tháng 12 năm 1991, Nguyễn Văn Nghĩa chuyển ngành sang Hàng không dân dụng, giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Hàng không Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2007, phi công tiêm kích MiG21 Nguyễn Văn Nghĩa về hưu với quân hàm Đại tá và hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
       
        Phi công tiêm kích MiG21 Hạ Vinh Thành sinh ngày 15 tháng 8 năm 1947 tại Đáp cầu, thành phố Bắc Ninh, trú quán tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, nhập ngũ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Hạ Vĩnh Thành được tuyển chọn đi học lái máy bay tại Liên Xô. Từ năm 1965 đến năm 1968, Hạ Vĩnh Thành học bay trên loại MiG17. Tốt nghiệp về nước năm 1968, phi công tiêm kích Hạ Vĩnh Thành được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Năm 1970, Hạ Vĩnh Thành được chọn chuyển loại lên MiG21 và phục vụ tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 927.
        Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG21 Hạ Vĩnh Thành đã xuất kích chiến đấu nhiều lần, bắn rơi một máy bay F4 Mỹ. Năm 1990, Hạ Vĩnh Thành chuyển sang ngành Hàng không dân dụng và là phi công lái máy bay Hàng không dân dụng thuộc Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Phi công tiêm kích Hạ Vĩnh Thành về nghỉ hưu năm 2007 với quân hàm Trung tá và hiện sống tại Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2017, 03:26:27 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 03:27:18 pm »

       
        Phi công tiêm kích MiG21 Đỗ Văn Lanh sinh tháng 10 năm 1948 tại Ninh Khánh, Gia Khánh (nay là thành phố Ninh Bình), tỉnh Ninh Bình, nhập ngũ tháng 8 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Đỗ Văn Lanh được chọn đi học lái máy bay MiG17 ở Trường Không quân ở Tường Vân, Trung Quốc từ năm 1965 đến năm 1968. Sau khi tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Đỗ Văn Lanh được biên chế về Đại đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Năm 1970, Đỗ Văn Lanh cùng một số phi công xuất sắc của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 được chọn chuyển loại lên máy bay MiG21 và được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 921. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích Đỗ Văn Lanh đã xuất kích nhiều lần trên cả hai loại máy bay MiG17 và MiG21, đã bắn rơi bốn máy bay Mỹ (bốn chiếc F4). Đặc biệt, phi công tiêm kích MiG 21 Đỗ Văn Lanh đã lập kỳ tích, đó là ngày 24 tháng 5 năm 1972, sau khi chiến đấu trở về, máy bay bị hết dầu, tắt máy trên không, cự li đến sân bay còn 50 kilômét nữa, nhưng phi công tiêm kích Đỗ Văn Lanh đã bình tĩnh đưa chiếc MiG21 của mình về hạ cánh an toàn trên sân bay Đa Phúc. Ngày 21 tháng 6 năm 1972, khi bay trên bầu trời Việt Trì, máy bay của Đỗ Văn Lanh trúng đạn địch bị thương, chấn động lớn, không tăng được tốc độ vì không thể bật tăng lực được, nhưng Đỗ Văn Lanh vẫn yểm hộ cho số 1 vào công kích sau đó cũng lao vào chiến đấu và bắn rơi một chiếc F4. Ngày 11 tháng 1 năm 1973, phi công tiêm kích MiG21 Đỗ Văn Lanh được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 9 tháng 7 năm 1980, phi công tiêm kích MiG21 Đỗ Văn Lanh đã hy sinh trong chuyến bay huấn luyện ở vùng trời Thái Nguyên. Trung tá phi công tiêm kích MiG21 Đỗ Văn Lanh được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. (Chi tiết về cuộc đời của người phi công tiêm kích MiG21 Đỗ Văn Lanh đã được tác giả Nguyễn Công Huy viết trong cuốn "Chiến mã trên không", Nxb Văn học, 2014).
       
        Phi công tiêm kích MiG21 Hoàng Quốc Dũng sinh ngày 10 tháng 8 năm 1945 tại Ngân Câu, Điện Bàn, Quảng Nam, nhập ngũ tháng 6 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Hoàng Quốc Dũng được tuyển chọn đi học lái máy bay tại Liên Xô. Thời gian đầu, Hoàng Quốc Dũng học bay trên loại máy bay Iak18, tiếp đến là bay trên loại máy bay MiG17, từ năm 1967 đến năm 1968 bay trên loại máy bay MiG21. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG21 Hoàng Quốc Dũng được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 921. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG21 Hoàng Quốc Dũng đã xuất kích chiến đấu nhiều lần, bắn rơi một máy bay F4. Chiều ngày 27 tháng 4 năm 1972, biên đội Hoàng Quốc Dũng, Cao Sơn Khảo trực ban chiến đấu trên sân bay Thọ Xuân  Thanh Hóa nhận lệnh xuất kích chiến đấu về phía Hòa Bình, Vụ Bản, bay ở độ cao 5.000 mét đã phát hiện được hai chiếc F4 tại khu vực đập Bái Thượng. Số 1 Hoàng Quốc Dũng báo cáo Sở chỉ huy và cả biên đội MiG21 đã lật máy bay, lộn xuống bám theo biên đội F4, tiến hành công kích. Trung úy Hoàng Quốc Dũng chỉ bằng một quả tên lửa đã bắn hạ chiếc F4B. Đây là chiếc F4B đầu tiên của Hải quân Mỹ bị MiG bắn hạ trong giai đoạn hai của cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1972 đến năm 1977, phi công tiêm kích Hoàng Quốc Dũng được cử đi học tại Học viện Chỉ huy  Tham mưu Không quân Liên Xô mang tên nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin. Sau chiến tranh, Hoàng Quốc Dũng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Không quân, như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, Phó Chủ nhiệm khoa rồi Chủ nhiệm khoa Không quân, sau đó là Chủ nhiệm khoa Phòng không  Không quân, rồi Phòng không  Không quân  Hải quân của Học viện Quân sự cao cấp, Bộ Quốc Phòng. Phi công tiêm kích MiG21 đã bảo vệ và nhận hàm thạc sĩ, rồi phó tiến sĩ và tiến sĩ từ năm 1995 đến 1996. Phi công tiêm kích Hoàng Quốc Dũng về nghỉ hưu năm 2009 với quân hàm Đại tá và hiện sống tại Hà Nội.
         
        Phi công tiêm kích MiG21 Bùi Thanh Liêm sinh ngày 30 tháng 6 năm 1949 tại Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, nhập ngũ tháng 2 năm 1966. Sau khi nhập ngũ, Bùi Thanh Liêm được tuyển chọn đi học lái máy bay MiG21 ở Liên Xô từ năm 1967 đến năm 1970.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:24:21 pm »


        Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG21 Bùi Thanh Liêm được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 từ năm 1970 đến năm 1974. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG21 Bùi Thanh Liêm đã xuất kích nhiều lần. Trong trận không chiến ngày 17 tháng 6 năm 1972, phi công tiêm kích Bùi Thanh Liêm đã bắn rơi chiếc F4E đầu tiên và trong chiến tranh, Bùi Thanh Liêm đã bắn rơi hai máy bay Mỹ (một chiếc F4 và một máy bay trinh sát không người lái). Sau chiến tranh, từ năm 1974 đến năm 1978, phi công tiêm kích Bùi Thanh Liêm được cử đi học tại Học viện Chỉ huy  Tham mưu Không quân Liên Xô mang tên nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin. Từ năm 1978 đến năm 1980, Bùi Thanh Liêm học bay vũ trụ và được chọn là Phi công vũ trụ số 2 của Việt Nam. Bùi Thanh Liêm cùng nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đã dự khóa huấn luyện phi công vũ trụ tại thành phố" Ngôi Sao, ngoại ô thủ đô Mátxcơva. Ngày 22 tháng 8 năm 1981, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 Bùi Thanh Liêm đã hy sinh trong chuyến bay huấn luyện ở vùng trời Đồ Sơn, Hải Phòng. Thiếu tá phi công tiêm kích MiG21 Bùi Thanh Liêm được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Đồ Sơn, Hải Phòng.
       
        Phi công tiêm kích MiG19 Phạm Ngọc Tâm sinh năm 1943 tại Mỹ Hiệp, Phù Mỹ, Bình Định, nhập ngũ tháng 8 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Phạm Ngọc Tâm được tuyển chọn đi học lái máy bay MiG19 tại Trung Quốc từ năm 1965 đến năm 1968. Sau khi tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG19 Phạm Ngọc Tâm được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 925, là Đại đội phó bay thuộc Đại đội 1. Phi công tiêm kích MiG19 Phạm Ngọc Tâm đã bắn rơi một máy bay F4 của Mỹ. Ngày 27 tháng 6 năm 1972, Phạm Ngọc Tâm đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến với các máy bay Mỹ trên vùng trời Gia Lâm, Hà Nội. Trung úy phi công tiêm kích MiG19 Phạm Ngọc Tâm đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Sau đó, di hài của phi công tiêm kích MiG19 Phạm Ngọc Tâm đã được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (đặt tại xã Kim Sơn).
       
        Phi công tiêm kích MiG19 Phạm Hùng Sơn (C) sinh ngày 23 tháng 9 năm 1946 tại Thượng Hội, Tân Hội, Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội), nhập ngũ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Phạm Hùng Sơn được tuyển chọn và cử đi học lái máy bay MiG19 tại Trung Quốc từ năm 1965 đến năm 1969. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG19 Phạm Hùng Sơn được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG19 đã xuất kích chiến đấu nhiều lần, bắn rơi một chiếc F4 của Mỹ. Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Phạm Hùng Sơn được cử đi học ở Học viện Chỉ huy  Tham mưu Không quân mang tên nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin (Liên Xô) từ năm 1978 đến năm 1982. Tốt nghiệp về nước, Phạm Hùng Sơn từng công tác tại Trung đoàn Không quân 923 với cương vị Trung đoàn phó huấn luyện, rồi giữ chức vụ Trung đoàn phó  Tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 940. Năm 1992, phi công tiêm kích Phạm Hùng Sơn nhận quyết định thôi bay, về công tác tại Học viện Phòng không  Không quân, và năm 1993 thì công tác tại Học viện Quốc phòng.
        Phi công tiêm kích MiG19 Phạm Hùng Sơn (C) về nghỉ hưu năm 2007 với quân hàm Đại tá và hiện sống tại Hà Nội.
       
        Phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1946 tại Yên Ninh, Ý Yên, tỉnh Nam Định, nhập ngũ tháng 8 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Phúc được chọn đi học lái máy bay MiG19 tại Trung Quốc từ năm 1965 đến năm 1969. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Phúc được biên chế thuộc Đại đội 1, Trung đoàn Không quân tiêm kích 925, có thành tích bắn rơi một máy bay F4 của Mỹ. Ngày 11 tháng 6 năm 1972, phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Phúc đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến giữa biên đội bốn chiếc MiG19 với các máy bay Mỹ trên vùng trời Hà Tây. Thiếu úy phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Phúc đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
       
        Phi công tiêm kích MiG19 Lê Đức Oánh sinh năm 1944 tại Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh, nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Lê Đức Oánh được cử đi học lái máy bay MiG19 ở Trung Quốc từ năm 1965 đến năm 1969. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích Lê Đức Oánh được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, phi công tiêm kích MiG19 Lê Đức Oánh đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến giữa biên đội bốn chiếc MiG19 với các máy bay Mỹ trên vùng trời Yên Bái. Thiếu úy phi công tiêm kích MỈG19 Lê Đức Oánh được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:25:19 pm »

       
        Phi công tiêm kích MiG19 Hoàng Cao Bổng sinh ngày 17 tháng 8 năm 1942 tại Nam Chính, Tiền Hải, Thái Bình, trú quán ở Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội, nhập ngũ tháng 2 năm 1964. Sau khi nhập ngũ, Hoàng Cao Bổng được biên chế về Lữ đoàn 330 thuộc Quân khu 3 và được chọn đi học để trở thành sĩ quan pháo binh. Qua đợt khám sức khỏe, Hoàng Cao Bổng đã được tuyển đi học lái máy bay, được biên chế về Đoàn Nam 17, được cử đi Cẩm Châu, Trung Quốc học bay trên MiG17, sau đó đi Quế Lâm. Giai đoạn bay MiG19 thì học bay tại Thiên Tân. Năm 1969, tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG19 Hoàng Cao Bổng được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích Hoàng Cao Bổng đã xuất kích chiến đấu nhiều lần. Anh từng bắn rơi một máy bay F4 của Mỹ. Năm 1980, phi công tiêm kích Hoàng Cao Bổng chuyển loại sang bay MiG21 và thuộc Trung đoàn Không quân 929 với chức vụ Trung đoàn phó  Tham mưu trưởng Trung đoàn. Tháng 7 năm 1981, Hoàng Cao Bổng chuyển công tác về Bộ Tham mưu Không quân với cương vị Phó ban rồi Trưởng ban Huấn luyện chiến dịch. Cuối năm 1984, Hoàng Cao Bổng thuộc Đoàn chuyên gia Không quân ở Cămpuchia. Năm 1988 về Trường dự bị bay với cương vị Hiệu phó. Đến 1990 thì giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường dự bị bay. Năm 1999, phi công tiêm kích Hoàng Cao Bổng về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và hiện sống tại Hà Nội.
       
        Phi công tiêm kích MiG19 Phạm Cao Hà sinh ngày 12 tháng 8 năm 1947 tại Khánh Tiên, Yên Khánh, Ninh Bình, trú quán tại Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội, nhập ngũ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Phạm Cao Hà được biên chế về Sư đoàn Phòng không 351, huấn luyện sử dụng cối 120mm, chuẩn bị đi chiến trường B. Trải qua đợt khám tuyển sức khỏe, Phạm Cao Hà được chuyển sang Không quân và ngày 14 tháng 9 năm 1965 đã lên đường sang Bắc Kinh rồi Cẩm Châu (Trung Quốc) học bay MiG19. Năm 1969, tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG19 Phạm Cao Hà được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Năm 1976, Trung đoàn chuyển quân vào Đà Nẵng, rồi đóng quân tại sân bay Phù Cát. Năm 1978, phi công tiêm kích MiG19 Phạm Cao Hà cơ động vào sân bay Biên Hòa tham dự cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Năm 1980, khi giải thể Trung đoàn Không quân tiêm kích 925, Phạm Cao Hà chuyển sang Trung đoàn Không quân 929 với cương vị Trung đoàn phó. Cùng năm, Phạm Cao Hà sang bay chuyển loại Su22 tại Liên Xô, trở về được biên chế vào Trung đoàn Không quân 923 với chức danh Trung đoàn phó. Năm 1983, phi công tiêm kích Phạm Cao Hà nhận quyết định thôi bay, biên chế về bộ phận Tìm kiếm cứu nạn của Quân chủng. Năm 1990 ông là Hiệu phó Trường dự bị bay và văn hóa, rồi là Hiệu trưởng Trường dự bị bay  Sơ cấp kỹ thuật  nghiệp vụ Không quân. Năm 2001, sau khi sáp nhập với trường Trung học Phòng không thì Phạm Cao Hà giữ chức Hiệu phó của trường. Năm 2005, phi công tiêm kích MiG19 Phạm Cao Hà về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và hiện sông tại Hà Nội.
       
        Phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Cương sinh ngày 6 tháng 2 năm 1947 tại Nghĩa Hưng, Nam Hà, nhập ngũ năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Cương được tuyển chọn, cử đi học lái máy bay MiG19 ở Trung Quốc từ năm 1965 đến năm 1969. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Cương được biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Cương đã xuất kích chiến đấu nhiều lần. Năm 1979, Nguyễn Văn Cương được cử đi học chuyển loại, bay trên loại máy bay Su22, biên chế về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Nguyễn Văn Cương từng đảm nhận nhiều trọng trách trong Quân chủng Không quân, như Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích 923, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 372. Phi công tiêm kích MiG19 Nguyễn Văn Cương về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và hiện sống tại thành phố Đà Nẵng.
       
        Phi công tiêm kích MiG19 Lê Văn Tưởng sinh tháng 2 năm 1948 tại An Phú, Trâu Quỳ (nay là Tổ dân phố An Đào, thị trấn Trâu Quỳ), huyện Gia Lâm, Hà Nội, nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Lê Văn Tưởng được chọn cử đi học lái máy bay MiG19. Lê Văn Tưởng ở Trung Quốc từ năm 1965 đến năm 1969. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG19 được biên chế vào Đại đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 925. Anh đã bắn rơi một máy bay F4 của Mỹ, được tặng thưởng một Huân chương Chiến công hạng Ba, một Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, phi công tiêm kích MiG19 Lê Văn Tưởng đã anh dũng hy sinh trong chuyến bay chiến đấu của biên đội bốn chiếc MiG19 với các máy bay Mỹ trên bầu trời Yên Bái, sau khi bắn rơi một chiếc F4. Thiếu úy phi công tiêm kích MiG19 Lê Văn Tưởng được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, sau đó được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Lâm, Hà Nội (đặt tại xã Kim Sơn).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 04:05:30 pm »

       
        Phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Văn Thọ sinh ngày 16 tháng 10 năm 1943 tại Mỹ Hòa, Phù Mỹ, Bình Định. Nhập ngũ ngày 21 tháng 7 năm 1961. Nguyễn Văn Thọ được tuyển chọn đi học lái máy bay tại Trường Không quân Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1965. Sau khi tốt nghiệp, phi công Nguyễn Văn Thọ được chọn làm giáo viên bay loại Yak18 tại Trung đoàn 910. Năm 1965 đến năm 1966, phi công Nguyễn Văn Thọ được chọn chuyển loại lên máy bay MiG17 và được điều động về Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Trong chiến tranh, phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Văn Thọ đã xuất kích chiến đấu nhiều lần, bắn rơi một chiếc AD6 của Mỹ trong trận ngày 19 tháng 4 năm 1967. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, biên đội bốn chiếc MiG17 của Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung, Đỗ Hạng, Trà Văn Kiếm đã chiến đấu dũng cảm với đội hình lớn máy bay của Hải quân Mỹ, góp phần cản phá thành công đợt tấn công ác liệt của Hải quân Mỹ. Tháng 9 năm 1972, phi công tiêm kích MiG17 Nguyễn Văn Thọ cùng với sáu phi công xuất sắc khác được chuyển loại lên bay MiG21 tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 927. Sau chiến tranh, phi công tiêm kích Nguyễn Văn Thọ đã đảm nhiệm một số vị trí chỉ huy trong Không quân, như Trung đoàn trưởng các Trung đoàn Không quân 929 và 935, thanh tra bay Quân chủng Không quân. Phi công tiêm kích Nguyễn Văn Thọ nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và hiện sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
         
        Phi công tiêm kích MiG17 Tạ Đông Trung sinh ngày 1 tháng 1 năm 1948 tại phố Ngọc Lâm, huyện Gia Lâm (nay là quận Long Biên), Hà Nội, nhập ngũ ngày 15 tháng 4 năm 1966. Sau khi nhập ngũ, Tạ Đông Trung được chọn đi học bay ở Liên Xô từ năm 1966 đến năm 1969 trên loại máy bay MiG17. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Tạ Đông Trung được biên chế về Đại đội 6, Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 từ năm 1969 đến năm 1975. Từ năm 1975 đến năm 1977, phi công tiêm kích Tạ Đông Trung chuyển sang bay loại máy bay cường kích A37 thu được của địch và trong thời gian này, phi công Tạ Đông Trung đã tham gia trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Tính từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 10 năm 1977, phi công Tạ Đông Trung đã cùng đồng đội đánh 11 trận, diệt hai sở chỉ huy Trung đoàn, phá hủy ba trận địa pháo, đánh trúng hai vị trí hành quân lấn chiếm của địch, diệt hàng trăm tên địch, chi viện đắc lực cho bộ binh ta đánh địch. Ngày 1 tháng 10 năm 1977, lần thứ hai xuất kích chiến đấu trong ngày, phi công Tạ Đông Trung bay ở vị trí số 2 của biên đội bốn chiếc. Trong quá trình chiến đấu, máy bay số 1 hỏng nên phải quay về. Tạ Đông Trung lên dẫn đội tiếp tục vào chiến đấu. Khi hạ thấp độ cao, bổ nhào để ném bom chính xác hơn thì máy bay của Tạ Đông Trung và Nguyễn Thế Hùng đã bị địch bắn bị thương nặng, buộc phải nhảy dù trên đất Campuchia. Địch bao vây định bắt sống, nhưng hai phi công đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hơi thở cuối cùng, quyết không để lọt vào tay địch, nêu tấm gương sáng ngời về hành động dũng cảm ngoan cường và khí tiết bất khuất của người phi công cách mạng. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Thượng úy phi công tiêm kích MiG17 Tạ Đông Trung đã được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
       
        Phi công tiêm kích MiG17 Đỗ Hạng sinh năm 1943 tại An Nhuệ, Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định, nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Sau khi nhập ngũ, Đỗ Hạng được chọn đi học bay MiG17 ở Liên Xô từ năm 1965 đến năm 1968. Tốt nghiệp về nước, phi công tiêm kích MiG17 Đỗ Hạng được biên chế về Đại đội 6 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923. Ngày 10 tháng 5 năm 1972, phi công tiêm kích MiG17 Đỗ Hạng đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến giữa biên đội bốn chiếc MiG17 với 12 máy bay F4 Mỹ ở vùng trời Hải Dương. Thiếu úy phi công tiêm kích MiG17 Đỗ Hạng đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương và năm 1990, di hài phi công tiêm kích MiG17 Đỗ Hạng được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM