Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:11:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 10/5/1972 Ngày dài không chiến  (Đọc 26305 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 10:14:41 am »


        10 giờ 02 phút, biên đội MiG-19 của Hoàng Cao Bống, Phạm Cao Hà, Nguyễn Văn Cương, Lê Văn Tưởng thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 trực ban chiến đấu tại đầu Bắc sân bay Yên Bái nhận lệnh xuất kích chiến đấu để yểm hộ cho các máy bay vừa thoát li khỏi không chiến về hạ cánh. Bọn F-4 bất ngờ kéo đến. Tình hình rất phức tạp vì khi đó vừa có biên đội máy bay ta trên trời và vừa có máy bay ta trở về sau trận không chiến vào hạ cánh trong trạng thái cạn dầu nên Đài chỉ huy cất hạ cánh phải làm việc hết sức căng thẳng.

        Biên đội MiG-19 gặp địch với góc gần như 90 độ. Toàn biên đội vòng thật gắt để cắt vào sau đội hình của top F-4. Số 4 của biên đội Lê Văn Tưởng vì bay ở phía sau, có cự li xa hơn nên đã vòng một vòng gọn đến kinh ngạc, cắt vào tốp F-4, tóm luôn chiếc bay sau cùng, đưa nó vào vòng ngắm và nã ngay hai loạt đạn, trúng cánh bên phải, khiến nó rơi cắm đầu xuống phía Tây Nam sân bay. Số F-4 còn lại vẫn tiếp tục vòng bám các máy bay MiG. Nguyễn Văn Cương cũng đã tạo được cơ hội nổ súng vào F-4, nhưng không có kết quả.

        Trận không chiến kéo dài 18 phút. Sở chỉ huy lệnh cho biên đội thoát li về hạ cánh. Hoàng Cao Bổng và Nguyễn Văn Cương về hạ cánh bình thường, nhưng khi tới lượt Phạm Cao Hà vào hạ cánh thì Sở chỉ huy thông báo có F-4 phía sau nên đã phải quay lại phản kích rồi mối tiếp tục hạ cánh. Toàn biên đội hạ cánh lúc 10 giờ 37 phút.

        Riêng Lê Văn Tưởng, khi về hạ cánh thì máy bay đã hết dầu từ độ cao 1.400 mét. Anh phải hạ cánh bắt buộc, máy bay lao ra ngoài đầu Bắc đường băng sân bay và anh đã hy sinh.

        10 giờ 10 phút, biên đội MiG-17 của Đỗ Hạng, Nguyễn Xuân Hiển thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 nhận lệnh xuất kích từ sân bay Kép vòng trực trên đỉnh sân bay, không phát hiện được địch, về hạ cánh tại sân bay Kép lúc 10 giờ 36 phút.

        12 giờ 55 phút, biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung, Đỗ Hạng, Trà Văn Kiêm thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 trực ban chiến đấu tại sân bay Kép nhận lệnh xuất kích chiến đấu. Trực ban dẫn đường Đặng Văn Hảo dẫn biên đội bay về khu vực Tứ Kỳ để bảo vệ cầu Lai Vu.

        Dọc đường bay về khu vực Bắc Giang trên độ cao thấp, Sở chỉ huy liên tục thông báo tình hình địch và nhắc nhở biên đội nhớ chỉ đánh ở độ cao thấp vì ở phía trên đã có MiG-21 đánh. Bay đến gần Phả Lại, Sở chỉ huy thông báo ỏ phía nam Hải Dương có địch đang ở cự li 20 kilômét. Khi biên đội bay qua Phả Lại, bật tăng lực để kéo lên lấy độ cao thì Nguyễn Văn Thọ phát hiện được một tốp bốn chiếc A-7 ở hướng Đông Nam đang bay vào. Sau khi lên đến độ cao 1.500 mét, Nguyễn Văn Thọ thấy rõ bốn chiếc A-7 tách thành hai tốp sau khi đã cắt bom. Nguyễn Văn Thọ quyết định cắt bám vào tốp bay sau, tóm chiếc đi sau cùng. Khi chiếc A-7 vừa cải bằng thì anh nhanh chóng đưa nó vào vòng ngắm, tính toán góc bắn đón và ấn cò súng. Đạn pháo trùm lên đầu chiếc máy bay A-7, nó lật ngửa, chúi xuống. Nguyễn Văn Thọ kéo máy bay mình vòng thoát li phải và phát hiện thấy tốp tám chiếc F-4 đang bay từ phía biển vào. Nguyễn Văn Thọ xông thẳng vào đội hình của F-4 nhưng tốp F-4 này không tham chiến, bay thẳng ra biển.

        Khi Nguyễn Văn Thọ quay lại quan sát thì thấy bốn chiếc F-4 khác đang bám sau máy bay của Đỗ Hạng, Tạ Đông Trung và phóng tên lửa. Anh hô: "Cơ động gấp!" nhưng chỉ có Tạ Đông Trung là cơ động kịp, còn máy bay của Đỗ Hạng thì bị trúng tên lửa, bốc cháy. Đỗ Hạng nhảy dù, thoát khỏi máy bay, nhưng ngay sau đó, bọn F-4 đã lao đến dùng súng trên máy bay bắn vào dù của Đỗ Hạng. Đỗ Hạng rơi xuống Toại An, Đông Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương và đã hy sinh.

        Tạ Đông Trung sau khi cơ động tránh tên lửa xong, vọt lên để yểm hộ cho số 1 Nguyễn Văn Thọ thì tóm được một chiếc A-7 khi nó đang hạ thấp độ cao chạy ra biển. Tạ Đông Trung vừa đuổi theo vừa bắn. Khi đến sát bờ biển thì anh quyết định không đuổi theo nữa, quay lại và bay dọc sông Thái Bình về hạ cánh ở sân bay Kép lúc 13 giờ 23 phút, máy bay cũng hết đạn.

        Sau khi số 3 của biên đội là Đỗ Hạng hy sinh, số 1 Nguyễn Văn Thọ quay lại yểm trợ cho Trà Văn Kiếm. Biên đội hai chiếc MiG-17 quần nhau với tốp máy bay F-4. Nguyễn Văn Thọ bám theo một chiếc F-4, dù ở cự li quá gần anh vẫn quyết định nổ súng bằng kiểu bắn đón theo những li giác của vòng ngắm. Đạn nổ phía trước chiếc F-4 này, anh chỉnh lại và tiếp tục bóp cò súng nhưng đã hết đạn. Ngay lúc ấy, Nguyễn Văn Thọ thấy máy bay của mình bị rung mạnh, không thể điều khiển được nữa, biết máy bay của mình đã bị tốp F-4 bắn trúng, Nguyễn Văn Thọ đã nhảy dù ở độ cao 1.000 mét. Đề phòng bọn F-4 bắn dù như trường hợp của Đỗ Hạng, Nguyễn Văn Thọ chỉ mở dù ở độ cao 500 mét. Dù mở, khi còn đang lơ lửng trên không trung, Nguyễn Văn Thọ vẫn quan sát thấy Trà Văn Kiếm đang quần nhau với lũ F-4. Nguyễn Văn Thọ tiếp đất an toàn ỏ Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 01:21:55 pm »


        Thời điểm đó, Trà Văn Kiếm tiếp tục quần nhau vối các máy bay của Hải quân Mỹ cho dù mình đang ở thế "đơn thương độc mã". Số lượng máy bay Mỹ thì nhiều, chúng liên tục phóng tên lửa về phía máy bay của Trà Văn Kiếm. Một chiếc F-4 áp sát chiếc máy bay của Trà Văn Kiếm ở hướng đối đầu, định bắn uy hiếp nhưng không ngờ Trà Văn Kiếm đã chủ động nổ súng trước. Bị bất ngờ, chiếc F-4 lao ngược lên theo phương thẳng đứng, cho rằng chiếc MiG-17 kia không thể theo kịp, nhưng Trà Văn Kiếm đã kéo máy bay mình bám theo và cùng cơ động theo phương thẳng đứng. Có lúc, hai máy bay gần như áp sát nhau, hai bên nhìn rõ được mặt nhau. Trà Văn Kiếm rất khéo léo, nhiều lúc đưa máy bay mình bám được phía sau và nổ súng liên tiếp. Lúc này, chiếc F-4 dùng thủ đoạn kéo lên đột ngột rồi thả giảm tốc, chiếc MiG-17 không kịp giảm tốc độ theo, vọt lên phía trước, lập tức chiếc F-4 bám theo luôn và phóng tên lửa không đối không AIM-9G. Máy bay của Trà Văn Kiếm bị tên lửa bắn trúng, anh không nhảy dù được đã cùng máy bay rơi xuống vùng đất tây nam Thanh Hà và anh dũng hy sinh.

        12 giờ 40 phút, Không quân của Hải quân Mỹ có đợt hoạt động lớn, tập trung đánh vào khu vực cầu Lai Vu và Phú Lương trên Quốc lộ 5.

        12 giờ 47 phút, một tốp 24 chiếc máy bay đang bay vào từ phía đông Thanh Hóa.

        12 giò 57 phút, biên đội MiG-21 của Lê Thanh Đạo, Vũ Văn Hợp thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 nhận lệnh xuất kích chiến đấu từ sân bay Kép. Trực ban dẫn đường của Binh chủng Lê Thành Chơn dẫn biên đội bay lên hướng Bắc sau đó vòng xuống phía Nam. Địch bay vào đến khu vực bắc Hải Dương. Khi biên đội đang bay ở hướng 200 độ thì nhận được thông báo: "Mục tiêu bên trái 30 độ, cự li 30 kilômét đang bay hướng đổi đầu!". Lê Thanh Đạo lệnh cho biên đội vứt thùng dầu phụ và tăng cường quan sát, cảnh giới. Số 1 Lê Thanh Đạo phát hiện mục tiêu bên trái 30 độ, cự li 25 kilômét. Số 2 Vũ Văn Hợp báo cáo có F-4 bên trái đối đầu, xin phép vào công kích. Bọn F-4 phát hiện có MiG liền tách tốp để đối phó. Đó là chiến thuật chiếc vòng xuống thấp, chiếc vòng lên cao, bay đan chéo, buộc MiG cũng phải tách theo và F-4 sẽ lợi dụng về ưu thế độ cao, ưu thế tốc độ để quay lại bám chiếc MiG khi không có lực lượng yểm trợ từ phía đồng đội nữa.

        Nắm vững thủ đoạn của đối phương, Lê Thanh Đạo quyết định chớp thời cơ bám theo chiếc số 1 của địch và lệnh cho số 2 Vũ Văn Hợp bám chiếc số 2 của địch. Vũ Văn Hợp ép độ nghiêng, cắt bám theo chiếc F-4 số 2 và đến cự li 1.800 mét, khi điểm ngắm ổn định, âm lượng của đầu tên lửa nghe tốt, Vũ Văn Hợp nhanh chóng ấn nút phóng quả tên lửa R-3S bên trái. Máy bay rung nhẹ khi quả tên lửa vọt ra khỏi bệ phóng. Vũ Văn Hợp quan sát thấy quả tên lửa hơi lệch về phía bên phải, định tiếp tục phóng nốt quả thứ hai thì ngay đó đã thấy chiếc F-4 cháy bùng. Vũ Văn Hợp hô: "Cháy rồi!" và kéo máy bay thoát li về sân bay Kép
hạ cánh lúc 13 giờ 18 phút.

        Trong khi đó, Lê Thanh Đạo vẫn tiếp tục truy đuổi chiếc F-4 số 1. Khi chiếc này vừa cải bằng thì Lê Thanh Đạo nhanh chóng đưa nó vào vòng ngắm, ổn định điểm ngắm và phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không R-3S lao ra hơi lệch phải. Lê Thanh Đạo chuẩn bị phóng quả thứ hai thì đã thấy chiếc F-4 kia bốc cháy liền kéo máy bay mình thoát li và về hạ cánh ở sân bay Kép cũng vào lúc 13 giò 18 phút.

        Chiến công của biên đội Lê Thanh Đạo, Vũ Văn Hợp trong trận đánh này được ghi nhận là trận đánh nhanh và hiệu quả cao vì thời gian tính từ khi cất cánh đến khi phát hiện địch mất đúng sáu phút. Hai máy bay ta đã bắn hạ hai máy bay địch tại chỗ chỉ vói hai quả tên lửa trong thời gian 1 phút 30 giây.

        13 giò 06 phút, Sở chỉ huy Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 cho biên đội MiG-17 của Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 nhận lệnh xuất kích chiến đấu lên đỉnh sân bay, vòng trên đỉnh để yểm trợ cho biên đội của Lê Thanh Đạo, Vũ Văn Hợp hạ cánh. Khi biên đội của Lê Thanh Đạo, Vũ Văn Hợp hạ cánh an toàn thì biên đội của Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm vẫn tiếp tục vòng trên đỉnh sân bay, nhưng không gặp địch. Biên đội của Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm quay về hạ cánh tại sân bay Kép lúc 13 giò 29 phút.

        13 giờ 10 phút, Biên đội MiG-21 của Hoàng Quốc Dũng, Bùi Thanh Liêm thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 trực ban chiến đấu tại sân bay Đa Phúc, nhận lệnh xuất kích chiến đấu, bay về khu vực Nhã Nam nhưng không gặp địch, quay về hạ cánh tại Đa Phúc lúc 13 giò 54 phút.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 01:22:17 pm »


        13 giờ 32 phút, biên đội MiG-17 của Vũ Văn Đang, Nguyễn Xuân Hiển thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 trực ban chiến đấu tại sân bay Kép nhận lệnh xuất kích vòng trên đỉnh sân bay, không gặp địch, quay về hạ cánh trên sân bay Kép lúc 13 giờ 58 phút.

        16 giờ 30 phút, biên đội MiG-17 của Lương Quốc Bảo, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Hùng Vân, Ngô Sơn thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 trực ban chiến đấu tại sân bay Gia Lâm xuất kích về khu vực Thanh Miện, Hải Dương nhưng không gặp địch, cả biên đội quay về hạ cánh ở sân bay Gia Lâm lúc 17 giờ 18 phút.

        16 giờ 49 phút, biên đội MiG-21 của Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 nhận lệnh xuất kích chiến đấu từ sân bay Đa Phúc bay về khu vực Ân Thi vòng tại đó, không gặp địch, quay về sân bay Đa Phúc hạ cánh lúc 17 giờ 20 phút.

        17 giờ 00 phút, biên đội MiG-17 của Nguyễn Phú Ninh, Trương Công Thành, Trần Cao Thăng, Hán Văn Quảng thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 nhận lệnh xuất kích chiến đấu từ sân bay Kép bay xuống khu vực Kiến An, không gặp địch, quay về sân bay Kép hạ cánh lúc 17 giờ 30 phút.

        17 giờ 05 phút, biên đội MiG-21 của Nguyễn Văn Nghĩa, Hạ Vĩnh Thành thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 trực ban chiến đấu tại sân bay Đa Phúc nhận lệnh xuất kích về khu vực Hưng Yên nhưng không gặp địch, quay về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc lúc 17 giò 35 phút.

        17 giờ 08 phút, biên đội MiG-17 của Hán Vĩnh Tưởng, Hoàng Mai Vượng thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 nhận lệnh xuất kích chiến đấu từ sân bay Kép bay lên khu vực trên đỉnh sân bay nhưng không gặp địch, quay về hạ cánh tại sân bay Kép lúc 17 giờ 37 phút.

        17 giờ 20 phút, biên đội MiG-21 của Đỗ Văn Lanh, Vũ Văn Hợp thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 nhận lệnh xuất kích chiến đấu từ sân bay Kép bay lên khu vực Đồng Mỏ, Lạng Sơn, không gặp địch, quay về hạ cánh tại sân bay Kép lúc 17 giờ 48 phút.

        Như vậy, trong ngày 10 tháng 5 năm 1972, Không quân và Hải quân Mỹ đã huy động hàng trăm máy bay gồm 22 loại máy bay (tiêm kích, cường kích, tác chiến điện tử, trực thăng, trinh sát, tiếp dầu trên không) để tham gia vào ngày không chiến dài nhất và quy mô nhất trong chiến tranh Việt Nam. Tổng cộng, có 414 lần chiếc xuất kích, trong đó oanh kích miền Bắc Việt Nam là 338 lần (với 88 lần chiếc của Không quân và 250 lần chiếc của Hải quân) bao gồm cả các phi đội cất cánh từ bốn tàu sân bay của Mỹ ngoài khơi Việt Nam. Riêng Không đoàn tiêm kích chiến thuật số' 8 đã xuất kích 40 chiếc (10 biên đội). Phía Không quân Việt Nam đã sử dụng ba loại máy bay tiêm kích (MiG-17, MiG-19, MiG-21) của bốn Trung đoàn Không quân tiêm kích (921, 923, 925, 927), tổ chức dẫn 22 tốp xuất kích chiến đấu với 64 lần chiếc (gồm 12 tốp MiG-17 với 38 lần chiếc, hai tốp MiG-19 vói tám lần chiếc và tám tốp MiG-21 với 18 lần chiếc). Trong số 64 lần chiếc xuất kích, có gần 20 phi công MiG-17 và MiG-21 xuất kích ba lần và hai lần ngay trong ngày là các phi công Vũ Văn Đang, Đỗ Hạng, Nguyễn Xuân Hiển, Nguyễn Văn Lâm, Trịnh Văn Quy, Lương Quốc Bảo, Nguyễn Văn Hùng, Trà Văn Kiếm, Nguyễn Công Ngũ, Ngô Sơn, Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung, Nguyễn Hùng Vân, Vũ Văn Hợp, Nguyễn Văn Nghĩa, Nguyễn Đức Soát, Hạ Vĩnh Thành, Ngô Duy Thư. Trong 22 tốp xuất kích chiến đấu, có sáu tốp ta gặp đối phương và những trận không chiến ác liệt đã diễn ra. Không quân Việt Nam đã bắn hạ sáu máy bay Mỹ và phía Không quân Việt Nam cũng có sáu chiếc MiG bị rơi (năm phi công hy sinh).

        Tối 10 tháng 5 năm 1972, Bộ trương Bộ Quôc phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp nghe Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện báo cáo về những trận không chiến ác hệt và kéo dài suốt trong ngày 10 tháng 5 năm 1972. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khen ngợi tinh thần dũng cảm và chiến đấu mưu trí của các phi công MiG và chỉ đạo: "Bộ đội Không quân cần tiếp tục chủ động tấn công, bí mật bất ngờ, đánh chắc thắng... ", đồng thời phê phán tư tưởng "một đổi một" mới nảy sinh là không đúng đắn, cần loại trừ ngay...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 10:13:02 am »


        Ngày 10 tháng 5 năm 1972 đã trở thành ngày chiếm giữ nhiều kỷ lục nhất: ngày có nhiều trận không chiến nhất, kéo dài nhất, ác liệt nhất, ngày có nhiều lực lượng tham chiến nhất, ngày có nhiều chủng loại máy bay tham gia nhất, ngày bắn rơi nhiều máy bay nhất kể cả hai phía...

        Các tài liệu phía Mỹ gọi ngày này là "một ngày trong cuộc chiến kéo dài", ngày 10-5-1972 - cuộc chiến tranh trên không ở miền Bắc Việt Nam (One day in a long war - 10 May, 1972, Air War, North Vietnam), hoặc còn gọi ngày này là "Ngày đẫm máu" (The Bloodiest Day)...

        Có thể nói, ngày 10 tháng 5 là ngày điển hình về sự căng thẳng trong cả tháng 5. Nhìn chung, tháng 5 là tháng Không quân ta tổ chức đánh địch nhiều ngày nhất. Tính ra có đến 25/31 ngày. Tất cả ba loại tiêm kích MiG-17, MiG-19, MiG-21 đều tham gia chiến đấu. Không quân ta đã xuất kích 125 tốp với 325 lần chiếc, trong đó có 31 tốp gặp địch, bắn rơi 16 chiếc F-4, một chiếc F-105, hai chiếc A-7. Ta hy sinh 11 phi công và có sáu phi công nhảy dù an toàn.

        Cụ thể với từng loại máy bay tiêm kích của ta như sau:

        MiG-17 xuất kích 37 tốp ngày với 117 lần chiếc và một tốp đêm một lần chiếc. Có bốn tốp ngày gặp địch, bắn rơi ba chiếc F-4, một chiếc A-7. Ta hy sinh năm phi công là các anh: Nguyễn Văn Bảy B, Đỗ Hạng, Trà Văn Kiếm, Vũ Văn Đang, Nguyễn Văn Điển. Có một phi công nhảy dù an toàn là Nguyễn Công Ngũ.

        MiG-19 xuất kích 21 tốp ngày với 73 lần chiếc. Có chín tốp gặp địch, bắn rơi bảy chiếc F-4. Ta hy sinh hai phi công là Lê Văn Tưởng và Lê Đức Oánh. Có ba phi công nhảy dù an toàn là Phạm Ngọc Tâm, Nguyễn Thăng Long và Vũ Chính Nghị.

        MiG-21 xuất kích 66 tốp ngày với 134 lần chiếc. Có 18 tốp gặp địch, bắn rơi bảy chiếc F-4, một chiếc F-105, một chiếc A-7. Ta hy sinh bốn phi công là các anh: Võ Sĩ Giáp, Nguyễn Văn Ngãi, Cao Sơn Khảo, Nguyễn Văn Lung. Có hai phi công nhảy dù an toàn là Nguyễn Văn Lập và Ngô Văn Phú.

        Phía trước thời gian còn dài, nhiều cuộc không chiến ác liệt còn đang chờ đợi, nhưng cho dù có gian nan, vất vả và hy sinh đến đâu chăng nữa thì các phi công tiêm kích của Không quân nhân dân Việt Nam cũng đã sẵn sàng nghênh đón, sẵn sàng đi đến cùng cho tới kết cục cuộc chiến thắng lợi...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 10:13:55 am »


BÊN LỀ CUỘC CHIẾN

        Trong suốt một giai đoạn dài của cuộc chiến tranh, đã có những mục tiêu bị đánh phá liên tục nhưng vẫn không hề suy chuyển, vẫn đứng ngạo nghễ như cái gai đâm vào mắt kẻ thù... Rồi lại còn những loại vũ khí của đối phương mà kẻ địch chưa hề hiếu hết tính năng của nó, khiếp sợ nó và phải tìm mọi cách, bằng mọi giá để nghiên cứu về nó... Một trong những mục tiêu ấy là cây cầu Long Biên, và một trong các loại vũ khí lợi hại chính là loại máy bay tiêm kích MiG-21...

        Một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng trong mạng lưới giao thông của miền Bắc Việt Nam, nối Thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng, đó là Quốc lộ 5. Suốt giai đoạn dài của cuộc chiến tranh dùng Không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, Mỹ rất chú trọng đến việc đánh phá, hủy diệt những tuyến đường giao thông huyết mạch, đặc biệt là những cây cầu bắc trên những tuyến đường ấy. Tuyến đường 5 không phải là ngoại lệ. Nhiều cây cầu đã bị đánh sập, nhưng có những cây cầu dù bị đánh phá hàng trăm lần, dù hàng trăm ngàn tấn bom đạn trút xuống nhưng vẫn không làm nó suy chuyển. Nó vẫn đứng uy nghi, ngạo nghễ, vẫn như sự thách thức và hệt như cái gai đâm vào mắt kẻ thù, làm cho chúng càng điên cuồng, tìm mọi cách để xóa sổ nó.

        Vào ngày 10 tháng 5 năm 1972, một trong những mục tiêu mà Mỹ quyết diệt cho bằng được, đó chính là cây cầu Long Biên.

        Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với huyện Gia Lâm (quận Long Biên ngày nay). Nó được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902 và thời đó được đặt tên là cầu Đu-me (Doumer) theo tên của Toàn quyền Đông Dương Pôn Đu-me (Paul Doumer). Dân gian thì gọi là cầu Sông Cái hay cầu Bồ Đề (vì nó được bắc qua bến Bồ Đề của huyện Gia Lâm).

        Xin được nói tỉ mỉ một chút về cây cầu này bởi nó chính là chứng nhân của lịch sử qua mấy cuộc chiến tranh, đồng thời nó cũng là biểu tượng của kỹ thuật công nghệ những năm đầu thế kỷ XX, của sự trường tồn, của vẻ đẹp và các giá trị quá khứ cũng như hiện tại.

        Dự án xây dựng cầu Long Biên được quan Toàn quyền Đông Dương thông qua ngày 4 tháng 6 năm 1897 và đã tiến hành đấu thầu xây dựng. Có đến sáu công ty xây dựng cầu đường lớn của Pháp tham dự. Mỗi nhà thầu được đưa ra hai dự án gọi là "dự án A" và "dự án B". Ồng Phu-rét (Fourès) - Thông sứ Bắc Kỳ được cử làm "Chủ tịch Hội đồng thẩm định các dự án". Cuối cùng, Hội đồng mở thầu đã chọn "dự án B" của công ty Daydé & Fillé ở Creil với giá 5.390.794 phờ-răng Pháp. Cây cầu có kiểu dáng độc đáo do hãng Daydé & Fillé thiết kế. Nó giống với kiểu dáng của cây cầu Tôn-bi-ắc (Tolbiac) ở Quận 13, Pa-ri trên tuyến đường sắt Pa-ri - Oóc-lê-ăng, Pháp.

        Ngày 13 tháng 9 năm 1898, viên đá đầu tiên được đặt ở mố cầu bên bờ tả ngạn trong lễ khởi công là một quyết tâm ghê gớm của viên Toàn quyền Đông Dương - Pôn Đu-me. Ngay cả những người Pháp dự lễ động thổ hôm ấy, từ tướng Bi-sốt (Bichot) - Tổng chỉ huy quân đội, rồi Đô đốc Bô-mông (Beaumont) - Tư lệnh Hạm đội, đến binh lính Pháp, nhiều người vẫn tỏ ý hoài nghi rằng cây cầu Long Biên không thể ra đời một cách ngoạn mục được. Họ cho rằng đấy là sự điên rồ. Bởi vì, sông Hồng rộng như một eo biển, lại sâu đến 20 mét nước, khi mùa mưa lũ thì nước còn dâng cao thêm tới hơn tám mét làm cho các hệ thông đê điều bị vỡ tứ tung. Lòng sông thì lại luôn biến chuyển trong sự chuyển động hết bên lở lại đến bên bồi. Nó cũng được ví như con ngựa bất kham. Vậy thì làm sao mà bắc được cây cầu trên dòng nước hung dữ, đục ngầu ấy được? Đúng là quá sức tưởng tượng!

        Nhưng hơn 3.000 công nhân bản xứ đã được tuyển mộ và một đội ngũ khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp điều hành công việc dưới sự chỉ huy của người có thể gọi là "người cha của cây cầu", người lừng danh thế giới bởi tháp Ép-phen hoành tráng giữa Thủ đô Pa-ri tráng lệ đã mang tên ông...

        Người ta đã phải dùng đến 30.000 mét khối đá và kim loại (5.600 tấn thép cán, 137 tấn gang, 165 tấn sắt, bảy tấn chì), hàng ngàn tấn xi-măng Hải Phòng, hàng ngàn tấn vôi Huế, hàng ngàn mét khối gỗ Thanh Hóa...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 10:14:38 am »


        Việc thi công những trụ đỡ cho cây cầu sắt lúc ấy đã vấp phải khó khăn chưa từng thấy ở một xứ sở như Bắc Kỳ. Toàn bộ những mố đá, những trụ giữa lòng sông, nền móng phải thi công bằng phương pháp khí nén. Chỗ sâu trung bình thấp nhất là 35 mét kể từ mực nước thấp nhất của dòng sông vào mùa khô là một sự thách thức cho công nghệ xây dựng và lòng dũng cảm.

        Những người thợ cầu An Nam nhỏ thó, mảnh khảnh ngồi vào trong những "két sắt", được thả xuống nước như những chiếc tàu ngầm. Lúc đầu, họ còn được hít thở khí tự nhiên, rồi càng xuống sâu dưới đáy sông, họ phải vào vùng khí nén, ngồi trong đó moi đất để đặt những viên đá làm trụ. Căn buồng khí nén ấy cứ dần sâu trong lòng sông nước, xuống đến 20 mét, 30 mét, 35 mét với áp lực lớn, tăng tói ba at-môt-phe. Đó là một công việc vô cùng cực nhọc và nguy hiểm. Sau bốn giò làm việc, họ phải lên bờ để đảm bảo an toàn lao động và nghỉ lấy sức. Họ được chăm sóc chu đáo ở các lều bạt, lán trại của công trường, thậm chí có cả nhân viên mát-xa và bác sĩ phục vụ.

        Khi trụ cầu hoàn thành tới đâu là dầm thép được lao lắp tới đó. Tất cả các cấu kiện được liên kết bằng đinh tán thủ công rất độc đáo và đều do những người thợ sắt An Nam khéo léo đảm nhiệm.

        Sau đúng ba năm chín tháng thi công không rủi ro, không chậm trễ (kế hoạch dự trù là năm năm), ngày 28 tháng 2 năm 1902, "tháp Ép-phen nằm ngang" vắt qua sông Hồng nối liền huyết mạch giao thông từ Hà Nội đi Hải Phòng, Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc đã khánh thành.

        Tổng số tiền thực chi là 6.200.000 phờ-răng Pháp. Khi ấy, nó là cây cầu dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau cầu Brúc-lin (Brooklyn) bắc qua sông Đông ở Niu Yoóc, Mỹ. Ngày hôm ấy, hòa trong dòng người nô nức kéo về để chiêm ngưỡng cây cầu, vua Thành Thái cũng đến dự và hôm ấy, đoàn tàu đầu tiên nối liền Hà Nội - Hải Phòng cũng đã chuyển bánh trong niềm hân hoan của bao người.

        Chuyến tàu ấy cũng là chuyến tàu chở viên Toàn quyền Đông Dương Pôn Đu-me xuống Hải Phòng để lên tàu biển trở về Pháp sau khi hoàn thành vẻ vang sứ mạng xây dựng hệ thống giao thông đường sắt ở Bắc Kỳ.

        Hiện nay, trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ "1898 - 1902 - Daydé & Fille - Paris".

        Cây cầu tính cả cầu chính và đường lên hai bờ có độ dài 3.500 mét. cầu chính bằng sắt từ Hà Nội đến Gia Lâm dài 1.682 mét, có 19 nhịp nối với nhau bằng những dầm sắt, chín khung khổng lồ, mỗi khung 61 mét. Hai cánh cung cách nhau 75 mét chia ra những cánh tay dài 36 mét nâng những tấm dầm thép nặng hàng tấn. cầu sắt đặt trên 18 trụ và hai đầu cầu khung thép, giữa là đường xe lửa, hai bên là đường đi bộ. Từ trên nhìn xuống, cây cầu có bình diện hình chữ nhật khoảng 100.000 mét vuông, từ dưới bãi bồi nhìn lên thì ta tưởng tượng như đấy là cả một mạng lưới đăng ten giăng mắc trên vòm trời.

        Từ khi có cây cầu nối hai bờ sông Hồng, việc đi lại, hoạt động thật nhộn nhịp suốt ngày đêm. Có lẽ rất nhiều người đã thuộc lòng những câu thơ:

"Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài, vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tầu xe đi lại thong dong
Bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi..."

        Cây cầu đã chứng kiến bao nỗi thăng trầm của người dân đất ngàn năm văn vật. Cứ từ 2 giờ sáng, ngày nắng cũng như ngày mưa đã nghe thấy tiếng kẽo kẹt của những gánh hàng đè nặng trên vai những người phụ nữ gồng gánh đủ những thứ rau quả mang từ phía Gia Lâm vào nội thành. Rồi dần dần, chợ mọc lên buôn bán mỗi ngày một sầm uất hơn. Hàng hóa từ phía Hà Nội cũng tỏa đi, hàng hóa từ mọi nơi cũng đổ về làm thay đổi bộ mặt của thành phố. Chợ và chợ vây quanh hai bên chân cầu của hai bên bờ, họp suốt cả ngày, thâu đêm suốt sáng.

        Có lẽ, cái "Tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh" cũng hình thành từ đây. Dân tứ chiếng về quần tụ, sinh sống, buôn bán quanh cây cầu. Dân số của Hà Nội từ 8.000 người tăng vọt lên đến 20.000 người và cứ thế ngày càng tăng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:32:19 pm »


        Cây cầu không chỉ chứng kiến việc giao thông, thông thương của hai bên bờ sông của cả mấy vùng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh mà còn chứng kiến bao xác người chết la liệt của nạn đói năm 1945, nằm vắt ngang cả phần đường dành cho người đi bộ trên cầu, rồi cảnh vượt sông ngoạn mục có một không hai trong thời kỳ "sống mãi với Thủ đô" năm 1947, rồi gồng mình chịu hàng trăm hàng ngàn tấn bom đạn của máy bay Mỹ ném xuống nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông gần như độc đạo vào thời bấy giờ đến cảng Hải Phòng...

                Và trong ngày 10 tháng 5 năm 1972, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các biên đội máy bay Mỹ là phải quyết đánh sập cây cầu, đánh sập biểu tượng kiên cường của người dân Thủ đô và cả nước.

        Để bảo vệ cây cầu, bộ đội Công binh và Phòng không Việt Nam đã xây dựng hai trận địa pháo Phòng không cao 11,5 mét trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (còn có tên gọi là bãi giữa) để vẫn có thể bắn máy bay Mỹ kể cả khi có lũ cao nhất.

        Bộ đội Phòng không Việt Nam đã dùng máy bay trực thăng cẩu pháo và khí tài chiếm lĩnh trận địa. Ngoài ra, còn có cả lực lượng Phòng không Hải quân gồm hỏa lực của các tàu tuần tiễu cùng tham gia bảo vệ cầu.

        Các điểm cao trên thành cầu cũng trở thành các ụ pháo cao xạ để bắn máy bay Mỹ trong thời gian chiến tranh.

        Một điều không ngờ là chính thiết kế của cây cầu khi dùng các thanh sắt giằng đã giúp cây cầu trụ vững sau những trận mưa bom của Không quân Mỹ. Nếu muôn phá sập hoàn toàn cây cầu thì các phi công Mỹ phải ném bom trúng vào các mối nốì có diện tích chỉ vài xăng-ti-mét vuông từ độ cao hàng ngàn mét dưới hỏa lực Phòng không dày đặc. Đấy mới là ác mộng!

        Mà giả dụ, có đoạn nào bị trúng bom đạn thì công việc nối những thanh sắt này cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn cầu bê tông rất nhiều...

        Tính ra, trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất (từ năm 1965 đến năm 1968), cây cầu Long Biên đã bị ném bom mười lần, bị hỏng bảy nhịp và bốn trụ lớn. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của Không lực Hoa Kỳ (năm 1972), cây cầu Long Biên bị ném bom bốn lần, phá hỏng 1.500 mét cầu và hai trụ cầu lốn bị cắt đứt. Những bàn tay khéo léo và ý chí can trường của những người thợ cầu đã nhanh chóng hàn gắn, khắc phục, nhằm hồi phục sự sống cho cây cầu. Các nhịp của cây cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn, đặt trên các trụ mới.

        Cây cầu vẫn nối hai bờ sông và các hoạt động vẫn diễn ra đều đặn ngày ngày...

        Cho dù ngày 10 tháng 5 năm 1972, đích thân Đại tá Không đoàn trưởng Các Min-lơ (Carl Miller) cùng Đại tá Không đoàn phó Ri-sác Hon (Richard Horne) trực tiếp bay dẫn đội, chỉ huy việc đánh cầu hay bất kỳ một ai đó cũng thế thôi, không thể nào đánh sập được cây cầu Long Biên ấy, không thể đánh sập được ý chí của người Việt Nam...

*

*      *

        Vào thời điểm cuối năm 1972, Không quân Mỹ đã đánh giá hệ thống Phòng không ở miền Bắc Việt Nam là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới và với thời gian thử thách trong chiến tranh thì nó còn gấp đôi bất kỳ hệ thống Phòng không nào khác trên thế giới.

        Mỹ xác định ba thành tố chủ chốt trong hệ thống này là: tên lửa Phòng không SAM-2, mạng lưới các trạm ra-đa cùng hệ thống điều khiên mặt đất và loại máy bay MiG-21.

        Đặc biệt, sự kết hợp giữa những đài điều khiển mặt đất và MiG-21 đã cho phép tận dụng tối đa ưu điểm về tốc độ ở độ cao lớn của loại tiêm kích này. Những biên đội MiG-21 thường bất ngờ xuất hiện ỏ phía sau đội hình máy bay Mỹ, tấn công chớp nhoáng và nhanh chóng thoát li trước khi máy bay Mỹ kịp phản ứng, trước khi phi công Mỹ hiểu điều gì đã xảy ra.

        Tất nhiên, người Mỹ nắm lợi thế lớn về số lượng, trung bình là sáu chọi một trong giao chiến. Nhưng chỉ một biên đội hai chiếc MiG-21 với sự hỗ trợ của ra-đa mặt đất và MiG-17 hoạt động ở tầm thấp, cũng có thê gây rối loạn cho đội hình máy bay ném bom và cường kích có hộ tống của Mỹ bằng cách bắn hạ hai hoặc ba chiếc trong số đó với chỉ một lần tấn công và thoát li ở tốc độ siêu âm.

        Theo nghiên cứu của chuyên gia Rốp Ảng (Rob Young) tại Trung tâm tình báo Hàng không và Vũ trụ quốc gia của Mỹ thì có một số thời điểm, vào giai đoạn các tháng 6 và 7 năm 1972, MiG-21 có thể đạt tỉ lệ giành chiến thắng là chín trên một.

        Đại tá Giôn Mết-đơn (John Madden), một trong những phi công săn MiG hàng đầu của Không quân Mỹ, đã đánh giá: "Họ (phi công Việt Nam) là những đối thủ rất sừng sỏ, vói rất nhiều ngón nghề và chiêu thức... Họ thường xuyên dựng lên những cái bẫy và chỉ nhờ vào số lượng máy bay mà chúng tôi mới có thể chiếm được ưu thế trước họ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2016, 04:35:06 pm »


        Đúng vậy, trong chiến tranh Việt Nam, MiG-21 từng là nỗi khiếp sợ của các phi công Mỹ khi xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam bởi loại máy bay tiêm kích MiG-21 đã trở thành huyền thoại. Huyền thoại không chỉ vì tuổi thọ của loại máy bay tiêm kích này lâu đến kỷ lục (chuyên đầu tiên bay vào năm 1955), hay là máy bay phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử Hàng không, hay là máy bay chiến đấu được sản xuất nhiều nhất từ sau Chiến tranh Thê giới thứ hai, mà chính vì với bàn tay và trí tuệ của con người Việt Nam, các máy bay MiG-21 đã lập được hàng loạt kỷ lục mà trên thế giới này chưa nơi nào lập được. Đó là bắn rơi máy bay tác chiến điện tử EB-66, bắn rơi máy bay ném bom chiến lược "pháo đài bay bất khả xâm phạm" B-52 và trong gần bảy năm chiến tranh, MiG-21 đã tham gia hàng trăm trận không chiến, các phi công MiG-21 của Việt Nam đã bắn hạ 174 máy bay các loại của Không quân, Hải quân Mỹ. Tổng cộng có 56 phi công MiG-21 bắn rơi máy bay Mỹ, trong đó có 18 người bắn rơi từ 4 chiếc trở lên, có 28 phi công

        MiG-21 được tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, phi công Nguyễn Văn Cốc - người phi công duy nhất trên thế giới dùng MiG-21 đã bắn rơi chín máy bay Mỹ.

        Các phi công MiG-21 nổi tiếng của Không quân Việt Nam là:

        -   Nguyễn Văn Cốc - bắn rơi chín chiếc.

        -   Phạm Thanh Ngân - bắn rơi tám chiếc.

        -   Nguyễn Hồng Nhị - bắn rơi tám chiếc.

        -   Mai Văn Cương - bắn rơi tám chiếc.

        -   Đặng Ngọc Ngự - bắn rơi bảy chiếc.

        -   Nguyễn Đức Soát - bắn rơi sáu chiếc.

        -   Nguyễn Ngọc Độ - bắn rơi sáu chiếc.

        -   Nguyễn Nhật Chiêu - bắn rơi sáu chiếc.

        -   Vũ Ngọc Đỉnh - bắn rơi sáu chiếc.

        -   Lê Thanh Đạo - bắn rơi sáu chiếc.

        -   Nguyễn Tiến Sâm - bắn rơi sáu chiếc.

        -   Nguyễn Văn Nghĩa - bắn rơi sáu chiếc.

        Công bằng mà nói, mới đầu, các phi công Mỹ không đánh giá cao về MiG-21. Họ chỉ so sánh qua các tính năng kỹ chiến thuật giữa MiG-21 và F-4. So sánh như vậy thì thấy F-4 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn MiG-21, nhưng qua các trận không chiến thì họ đã phải thay đổi cách nhận xét.

        Máy bay MiG-21 (tên ký hiệu của NATO là Fishbed) là một máy bay tiêm kích phản lực, được thiết

        kế bởi Phòng thiết kế Mi-coi-an (Mikoyan) tại Liên bang Xô-viết. Tổng công trình sư đầu tiên của Phòng thiết kế này là ông Ác-tem Mi-coi-an (Artem Mikoyan). Động cơ của máy bay do ông Mi-khai-in Gu-re-vích thiết kế. Vì thế, máy bay MiG mang tên hai ông: M - nghĩa là Mi-coi-an, i - nghĩa là "và", G - nghĩa là Gu-re-vích.

        Máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 là mẫu máy bay nối tiếp trong chuỗi những máy bay tiêm kích phản lực của Liên Xô, bắt đầu từ máy bay cận âm MiG-15, MiG-17 và trên tốc độ âm thanh một chút MiG-19. Một số thiết kế thử nghiệm đạt tốc độ Mach 2 của Liên Xô đều dựa vào khe hút không khí ở đầu mũi với cánh đuôi sau, như Sukhôi Su-7, hay kiểu cánh tam giác, trong đó, MiG-21 là thiết kế thành công nhất.

        Nguyên mẫu E-5 của MiG-21 thực hiện bay lần đầu tiên vào năm 1955 và thực hiện chuyến bay trước công chúng lần đầu tiên trong "Ngày Hàng không Xô-viết" tại sân bay Tu-si-nô Mát-xcơ-va vào tháng 6 năm 1955. Nguyên mẫu cánh tam giác đầu tiên có tên gọi là Ye-4 (hay E-4) bay vào ngày 14 tháng 6 năm 1956 và chiếc MiG-21 thành phẩm đầu tiên bắt đầu phục vụ vào năm 1959. Với một cấu hình cánh tam giác, MiG-21 là máy bay đầu tiên của Liên Xô thành công trong việc kết hợp giữa tính năng của máy bay tiêm kích và đánh chặn trong cùng một máy bay.

        MiG-21 có khả năng đạt đến vận tốc Mach 2, vận tốc này vượt qua tốc độ tối đa của nhiều kiểu máy bay chiến đấu hiện đại sau này. Tổng cộng đã có hơn 12.000 chiếc MiG-21 được chế tạo tại Liên Xô. Chúng được sản xuất tại ba nhà máy: ở GAZ 30 tại Mát-xcơ-va (hay còn gọi là Znamiya Truda), tại GAZ 21 ở Gorky và tại GAZ 31 ở Tbilisi. Kiểu "MiG" được sản xuất cũng khác nhau theo từng nhà máy. Nhà máy ở Gorky chế tạo MiG-21 một chỗ ngồi cho quân đội Xô-viết. Nhà máy ở Mát-xcơ-va chế tạo MiG-21 một chỗ ngồi cho xuất khẩu và nhà máy ở Tbilisi chế tạo MiG-21 hai chỗ ngồi (máy bay dùng cho huấn luyện, được gọi là ƯMiG-21) cho cả xuất khẩu và quân đội Xô-viết. Tuy nhiên, có ngoại lệ, MiG-21R và MiG-21bis dành cho xuất khẩu và cho Liên Xô cũng được chế tạo tại Gorky. 17 chiếc MiG-21 một chỗ ngồi cũng được chế tạo tại Tbilisi (MiG-2lF).

        MiG-2lMF được chế tạo đầu tiên tại Mát-xcơ-va và sau đó là Gorky và MiG-21U (UMiG-21) được chế tạo tại Mát-xcơ-va cũng như tại Tbilisi.

        Như vậy, mỗi nhà máy chế tạo MiG-21 với số lượng như sau :

        -   5.278 chiếc (hay 5.765 chiếc) tại Gorky.

        -   5.203 chiếc tại Mát-xcơ-va.

        -   1.677 chiếc tại Tbilisi.

        (Ngoài ra còn có 194 chiếc được sản xuất tại Tiệp Khắc).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:14:48 pm »


        MiG-21 xung trận lần đầu là trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pa-kít-xtan, khi nó được nằm trong biên chế của Không quân Ân Độ. Đối thủ chính của nó là loại máy bay F-86F của Không quân Pa-kít-xtan - một mẫu máy bay chiến đấu phản lực thế hệ đầu tiên được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, nhìn chung trong cả cuộc chiến, MiG-21 không có vụ không chiến đáng kể nào.

        Phải đến chiến tranh Việt Nam, MiG-21 mới trở thành mối đe dọa thường trực, nỗi khiếp sợ thực sự của các phi công Mỹ khi xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam và khiến Mỹ đã phải tìm mọi cách để có thể sở hữu loại máy bay này nhằm nghiên cứu cách khắc chế nó.

        Đối thủ chính của MiG-21 ở Việt Nam là F-4 Phantom của Mỹ cũng được nghiên cứu chế tạo thành công năm 1958. Khác với F-4 là tiêm kích hạng nặng tầm xa, MiG-21 là tiêm kích hạng nhẹ tầm ngắn, dùng cho tác chiến trên chiến tuyến không xa sân bay căn cứ (trọng lượng cất cánh tiêu chuẩn của MiG-21 là dưới tám tấn, chỉ bằng một nửa của F-4). Theo mục đích thiết kế, đối thủ của F-4 phải là MiG-21 tiên tiến hơn chứ không phải MiG-21 đơn thuần (tuy nhiên, tại thời điểm đó Việt Nam chưa được viện trợ loại máy bay này. Phải tới cuối 1965, đầu 1966, Không quân nhân dân Việt Nam mới bắt đầu nhận được những biến thể MiG-2lF-13, M1G-21PF).

        Do mục đích thiết kế khác nhau nên MiG-21 và F-4 có những ưu, nhược điểm khi so sánh với nhau.

        Về trang bị, MiG-21 có kích thước và tầm bay nhỏ hơn F-4, tải trọng vũ khí thấp hơn (2.000 kilôgam so với 8.500 kilôgam), ra-đa cũng kém hơn. Bộ vũ khí cũng yếu hơn nhiều so với F-4, gồm hai (về sau tăng lên bốn) tên lửa không đối không tầm trung R-3S tự dẫn hồng ngoại và pháo 23-30 milimét (một số phiên bản không có pháo), trong khi F-4 trang bị với tám tên lửa. Cự ly ngắm bắn bằng ra-đa của MiG-21 nhỏ (không quá 10-12 kilômét đối với mục tiêu là tiêm kích so với 30-40 kilômét của F-4), dấu hiệu mục tiêu trên màn hình trong buồng lái khó nhìn, tầm quan sát từ buồng lái không đủ (MiG-21 là tiêm kích đánh chặn tầm ngắn nên sức mạnh ra- đa không được chú trọng). Tuy nhiên, F-4 cũng có điểm yếu: ra-đa trên F-4 dù có cự li phát hiện và bao quát lớn nhưng chống nhiễu địa vật tương đối kém, mặt khác, tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow có chất lượng đầu dò khá thấp nên rất khó bắn trúng nếu máy bay đối phương cơ động nhanh. Do vậy, ưu thế không chiến tầm xa của F-4 có thể bị vô hiệu hóa nếu đối phương có chiến thuật hợp lí. Theo thống kê của Mỹ, đã có 612 quả AIM-7 được phóng ở Việt Nam nhưng chỉ hạ được 59 mục tiêu (tỉ lệ bắn hạ đạt 9%) trong đó chỉ có hai quả bắn trúng mục tiêu ở cự li ngoài 15 kilômét.

        Về tính năng máy bay: Tốc độ cao nhất 2.175 - 2.300 km/h, trần bay thực tế 18.000 - 19.000 mét của MiG-21 không thua kém đổi thủ F-4. Tải lên cánh cao và tốc độ góc khi lượn vòng của F-4 thấp hơn một chút (đặc biệt ở tốc độ trung bình), hạn chế quá tải khi khai thác của MiG-21 trội hơn (F-4 chỉ có 6,0 so với của MiG-21 PF là 8,0). MiG-21 cũng có ưu thế về hiệu suất nâng (tỉ lệ sức đẩy của động cơ với trọng lượng máy bay) với trọng lượng cất cánh tiêu chuẩn (F-4B có chỉ tiêu này là 0,74, còn MiG-2lPF là 0,79). Một phân tích của Không quân Mỹ vào tháng 12 năm 1966 đánh giá rằng, nếu không chiến xảy ra ở độ cao lớn, trên 6.500 mét thì MiG-21 sẽ giành chiến thắng trước F-4 với tỉ lệ 1 đổi 3, do MiG-21 được tối ưu hóa đế tác chiến ở độ cao lớn - nơi nó sẽ săn tìm những máy bay ném bom của Mỹ.

        Về chi phí, F-4 có đội bay hai người so với MiG-21 có một người, có nghĩa rằng, nếu bị bắn hạ thì tổn thất về phi công của F-4 sẽ cao gấp đôi. Chi phí chế tạo mỗi chiếc F-4 cũng cao gấp năm lần so với MiG-21 (nghĩa là cứ mỗi chiếc F-4 phải đổi được năm chiếc MiG-21 thì tổn thất tài chính mới là ngang bằng).

        Bộ chỉ huy Không quân và Hải quân Mỹ tin rằng F-4 với vũ khí mạnh hơn, ra-đa hiện đại hơn, tính năng tốc độ và tăng tốc cao cùng với những biện pháp chiến thuật mới sẽ đảm bảo cho F-4 Phantom chiếm ưu thế. Nhưng khi đối đầu với

        MiG-21 gọn nhẹ hơn, F-4 bắt đầu chịu thất bại liên tiếp. Đặc biệt, sau khi ngừng các phi vụ ném bom trong "Chiến dịch Sấm Rền" vào năm 1968, tỉ lệ giành chiến thắng trong không chiến của các máy bay Mỹ rất thấp khi phải chiến đấu chống lại những máy bay nhỏ, nhanh nhẹn như những chiếc MiG. Chính vì vậy dần dần đã dẫn đến việc Không quân Hoa Kỳ phải thành lập chương trình huấn luyện không chiến khác biệt như trong trường huấn luyện TOP GUN. Chương trình này mục đích là sử dụng những máy bay nhỏ, nhanh nhẹn đóng giả làm MiG-17 và MiG-21 làm mục tiêu huấn luyện cho các phi công Mỹ. Họ đã sử dụng hai loại máy bay có tốc độ cận âm là A-4 Skyhawk và F-5 Tiger 2 để thực hiện công việc này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2016, 02:16:16 pm »


        "Vùng 51" là vùng địa danh tuyệt mật trên sa mạc Nê-va-đa nổi tiếng với những chương trình vũ khí hàng không bí mật của quân đội Mỹ, nơi ra đời những mẫu máy bay với công nghệ cách mạng như U-2, SR-71, F-117A...

        Nhưng nó còn có một vai trò khác ít được biết đến, đó là nơi thử nghiệm, đánh giá những mẫu máy bay chiến đấu của Liên Xô, trong đó đáng chú ý nhất là dự án đánh giá loại tiêm kích MiG-21 cuối những năm 1960.

        Mỹ rất mong muốn làm sao để có thế sở hữu được chiếc MiG-21, để nghiên cứu cách khắc chế nó ở "Vùng 51" trên sa mạc Nê-va-đa.

        Và rồi, Mỹ đã mừng như "chết đuối vớ được cọc" khi bất ngờ nhận được sự giúp đỡ giá trị từ đồng minh của mình là Ít-xa-ren cho mượn chiếc MiG-21 còn nguyên vẹn trong khoảng thời gian ngắn, từ 23 tháng 1 đến 8 tháng 4 năm 1968 sau khi đánh cắp được chiếc này từ I-rắc.

        Tới đây, có lẽ cũng phải diễn giải một chút về vụ đánh cắp MiG-21 và việc giúp Mỹ trong chiến tranh Việt Nam của Ít-xa-ren.

        Quân đội ít-xa-ren vốn có truyền thống rất coi trọng việc hiểu rõ những loại vũ khí mà đối phương đang sử dụng.

        Một trong những người đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này là tướng Đan Tôn-cao-xki (Dan Tolkowsky) - người đã xây dựng nên Không quân Ít-xa-ren. Những thế hệ tướng lĩnh sau đó của Ít-xa-ren tiếp tục đặt ưu tiên rất cao trong việc nắm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của vũ khí đối phương.

        Vào tháng 3 năm 1963, Giám đốc Cục tình báo Hải ngoại của Ít-xa-ren là Mossad đã đặt vấn đề với các sĩ quan cấp cao của quân đội nước này về các mục tiêu mình muốn thực hiện.

        Tướng Mo-đờ-cai Hốt (Mordecai Hod) - Tư lệnh Không quân ít-xa-ren bày tỏ mong muốn cơ quan này có thể chiếm được một chiếc MiG-21.

        Đây không phải là việc dễ dàng. Cả Mossad và Aman - Cục tình báo quân sự Ít-xa-ren đã tìm mọi cách mua chuộc những phi công lái MiG-21 của Ai Cập, Xi-ri và I-rắc với cái giá một triệu USD nếu họ đồng ý đào ngũ cùng với máy bay của mình. Song, những nỗ lực ban đầu của Mossad và Aman đều thất bại. Một số đặc vụ đã bị phát hiện và bị hành quyết.

        Tuy nhiên, cuối cùng thì người Ít-xa-ren cũng gặp may khi một nữ đặc vụ Mossad ở I-rắc đã xây dựng được mối quan hệ "trên mức bình thường" với một phi công MiG-21 tên là Mu-nia Rét-pha (Munir Redfa).

        Mu-nia Rét-pha đồng ý tham gia phi vụ của Mossad mang tên "Chiến dịch Kim Cương" với điều kiện mọi thành viên trong gia đình của mình phải được đưa ra khỏi I-rắc.

        Mossad đã sắp xếp một chuyến đi bí mật cho Mu-nia đến Ít-xa-ren để trực tiếp thảo luận chi tiết kế hoạch đào thoát với tướng Mo-đờ-cai Hốt.

        Trong chuyến đi này, Mu-nia đặc biệt ấn tượng về những thông tin mà tình báo It-xa-ren nắm được về hoạt động của Không quân I-rắc. Họ biết rõ tên từng người trong căn cứ, cả những người I-rắc và Liên Xô, cả cách bố trí bên trong căn cứ đến lịch bay huấn luyện...

        Mossad cũng đã lần lượt đưa nhiều thành viên trong gia đình Mu-nia rời khỏi I-rắc, với lí do đi du lịch hay đi chữa bệnh và vào ngày Mu-nia thực hiện chuyến bay đào tẩu thì những thành viên còn lại của gia đình Mu-nia sẽ được rời Bát-đa để đi cắm trại rồi sẽ được đưa sang I-ran và từ đó bay sang Ít-xa-ren. Những người này hoàn toàn không biết gì về chuyến đi của họ, kể cả vợ của Mu-nia.

        Ngày 16-8-1966, Mu-nia có lịch thực hiện một bài bay huấn luyện tầm xa. Theo đúng kế hoạch đã được vạch ra trước đó, Mu-nia bay về hướng Ít-xa-ren với những đường bay dích-dắc để tránh bị ra-đa của I-rắc và Gioóc-đa-ni theo dõi. Ít-xa-ren đã cử một phi đội máy bay Mirage đón và hộ tống Mu-nia về căn cứ Không quân nằm bên trong sa mạc Negev. Hạ cánh xong thì chiếc MiG-21 này cũng cạn sạch nhiên liệu.

        Về phía Ít-xa-ren, lợi ích từ việc chiếm được chiếc MiG-21 được thể hiện rất rõ ngay sau đó. Ngày 7-4-1967, trong một trận không chiến với Không quân Xi-ri, khi MiG-21 đối mặt với những chiếc Mirage IIIC của Không quân Ít-xa-ren, máy bay Ít-xa-ren đã bắn rơi sáu máy bay MiG-21 của Xi-ri mà không chịu tổn thất nào.

        Sau khi Ít-xa-ren cho Mỹ mượn chiếc MiG-21 trong thời gian ngắn, nó ngay lập tức được đưa đến "Vùng 51" để thử nghiệm và đánh giá.

        Tổng cộng, Không quân Mỹ đã thực hiện 102 chuyến bay với MiG-21 trước khi trả nó cho Ít-xa-ren. Chỉ có 11 phi vụ bị hủy do trục trặc kỹ thuật. Một số vụ có nguvên nhân được cho là do kỹ thuật viên Mỹ chưa kịp làm quen với MiG-21.

        Từ những cuộc bay thử nghiệm ở "Vùng 51", các phi công Mỹ đã sững sờ vì những điều "chưa có trong tiền lệ" của MiG-21 với những phát hiện bất ngờ và dựa trên kết quả của những phi vụ bay thử nghiệm trên MiG-21, Không quân Mỹ đã đề ra những biện pháp riêng cho từng loại máy bay chiến đấu của mình khi phải đối mặt với MiG-21.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM