Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:20:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 10/5/1972 Ngày dài không chiến  (Đọc 26401 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 08:49:44 pm »

        
        - Tên sách: 10/5/1972 Ngày dài không chiến

        - Tác giả: Nguyễn Công Huy

        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân

        - Năm xuất bản: 2016

        - Số hóa: Giangtvx


        Mục lục

        - Lời nói đầu   
        - Chuyện của ngày hôm trước   
        - Ngày dài không chiến   
        - Bên lề cuộc chiến   
        - Những người đọ cánh   
        - Gặp người trong cuộc   
        - Vĩ thanh   
        - Danh sách các chỉ huy, dẫn đường và 180 phi công liên quan đến những trận không chiến ngày 10-5-1972



       Luôn tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các phi công đã vĩnh viễn "xếp lại đôi cánh của mình" trong những trận không chiến, dũng cảm hy sinh vì sự bình yên cho bầu trời và mặt đất thân yêu của Tổ quốc Việt Nam!

        

        
LỜI NÓI ĐẦU

        Trong suốt cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam đã diễn ra rất nhiều cuộc không chiến giữa máy bay của Không quân Việt Nam và máy bay của Không quân, Hải quân Mỹ. Trong những cuộc không chiến ác liệt ấy, có thắng, có thua và có cả những trận bất phân thắng bại... Nhưng ngày 10-5-1972 là ngày chiếm giữ nhiều kỷ lục nhất vì đó là ngày có nhiều trận không chiến nhất, kéo dài nhất, ngày mà cả hai bên có nhiều lực lượng tham chiến nhất, ngày có nhiều chủng loại máy bay tham gia nhất, ngày ác liệt nhất, và theo thống kê của cả hai phía thì là ngày có số máy bay bị bắn hạ trong các trận không chiến cũng nhiều nhất...

        Không quân Mỹ đã huy động 22 chủng loại với hàng trăm máy bay. Không quân ta cũng sử dụng lực lượng của cả bốn Trung đoàn Không quân tiêm kích với tất cả các chủng loại máy bay tiêm kích để nghênh chiến. Các tài liệu của phía Mỹ gọi ngày 10-5-1972 là "Một ngày trong cuộc chiến kéo dài" - cuộc chiến tranh trên không ở miền Bắc Việt Nam (One day in a long war - May 10, 1972, Air War, North Vietnam). Ngoài ra, họ còn chiếu trên kênh truyền hình History Channel (kênh chuyên về đề tài lịch sử) một loạt phim về các trận không chiến ngày 10-5-1972 với tiêu đề "Ngày đẫm máu" (The Bloodiest Day).

        Tác giả cuốn sách này là một trong số các phi công đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong ngày hôm đó. Sau hơn 40 năm kể từ khi cuộc chiến tranh kết thúc, nay có điều kiện nhìn nhận lại, tác giả muốn trình bày để các bạn đọc hiếu rõ thêm về cái ngày lịch sử ấy.

        Xin kính cẩn nghiêng minh trước anh linh của các phi công đã "xếp lại đôi cánh của mình" trong những trận không chiến ngày 10-5-1972 vì sự bình yên của bầu trời và mặt đất thân yêu của Tố quốc Việt Nam.

        Xin cám ơn các đồng đội đã giúp đỡ, động viên tác giả triển khai và hoàn thành cuốn sách này.

        Có thể trong quá trình biên soạn còn có những thiếu sót. Rất mong được bạn đọc nhận xét, góp ý.

        Trân trọng cảm ơn!


TÁC GIẢ        


« Sửa lần cuối: 11 Tháng Năm, 2020, 06:11:44 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 08:19:41 am »


CHUYỆN CỦA NGÀY HÔM TRƯỚC

        Tuy cường độ các trận đánh của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc có giảm, song căn cứ vào những dấu hiệu căng thẳng từ cuối năm 1971 thì có thể đoán được năm 1972 sẽ là một năm rất ác liệt, đặc biệt là sau sự kiện "Mùa hè đỏ lửa" ở Quảng Trị.

        Có thể điểm qua tình hình năm 1972 như sau: Trên chính trường Mỹ, năm 1972 Tổng thống Mỹ Ních-xơn tái tranh cử, chịu nhiều sức ép lớn phải thực hiện lời hứa trước cử tri Mỹ về việc rút quân Mỹ ra khỏi chiến trường Việt Nam trong danh dự. Hơn ai hết Ních-Xơn (Nixon) hiểu rõ sức ép này và ngay từ khi ngồi vào Nhà Trắng, đã phải chuyển chiến lược can dự trực tiếp sang chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", thực chất là rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam trong danh dự, nhưng phải hỗ trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn đủ sức chống lại Quân giải phóng.

        Với mục tiêu đó, quân số từ hơn nửa triệu quân lúc cao nhất, cho đến mùa xuân năm 1972, Mỹ chỉ còn để lại 95.000 quân đóng ở miền Nam Việt Nam. Các đơn vị Không quân Mỹ đóng ở miền Nam Việt Nam cũng rút xuống chỉ còn ba phi đoàn F-4 và một phi đoàn A-37, với tổng số 76 chiếc máy bay.

        Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Lan cũng chỉ còn 161 chiếc F-4, 52 chiếc "Pháo đài bay" B-52, 16 chiếc F-105.

        Tại căn cứ trên đảo Guam, có 31 chiếc B-52.

        Ngoài khơi trên Biển Đông, Hải quân Mỹ vẫn có hai tàu sân bay là USS Coral Sea và USS Hancock, mỗi chiếc chở 70 máy bay.

        Tuy nhiên, chiến lược này của Mỹ bộc lộ một điều rằng, tất cả hoàn toàn không đạt được mục đích đã đặt ra vì các vị trí chiến lược của chính quyền miền Nam Việt Nam vẫn liên tục bị tấn công. Phía Quân giải phóng rõ ràng đã chuyển sang tổng tiến công cùng với sự chi viện rất lớn từ miền Bắc, thông qua "đường mòn Hồ Chí Minh".

        Trước nguy cơ mất miền Nam Việt Nam, các thế lực của "phái diều hâu" Mỹ đã gây áp lực cho Tổng thống Ních-xơn buộc phải có hành động mạnh mẽ đế ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc Việt Nam và bảo vệ chính quyền miền Nam Việt Nam.

        Nhưng Tổng thống Mỹ đã trót hứa với cử tri về kê hoạch rút quân rồi!

        Tổng thống Ních-Xơn đau đầu trước sự đối mặt nghiệt ngã, cố tìm lấy một giải pháp.

        Trong cuốn hồi ký "No more Vietnam", Ních-Xơn đã viết:

        "Chỉ có hai đòn chiến lược may ra mối có thể cứu vãn được thất bại tại Việt Nam. Hoặc là ném bom tổng lực hệ thống đê điều ở Bắc Việt Nam, hành động có thể gây ra lũ lụt, giết chết hàng chục ngàn dân thường, hoặc là chúng ta phải sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật giống như Tổng thống Ai- xen-hao (Eisenhower) năm 1954 (khi ông ta phải cân nhắc sử dụng bom hạt nhân để cứu vãn sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ). Tôi không nghiêng về phương án sử dụng vũ khí hạt nhân và tôi cũng kiên quyết không oanh kích hệ thông đê điều, cả hai giải pháp ấy đều có thể gây ra phản ứng cả ở trong và ngoài nước, phá hỏng chính sách đối ngoại của chúng ta trên tất cả các mặt trận... ".

        Giải pháp thứ ba được đưa ra là ném bom ồ ạt vào thành phố Hà Nội cũng bị Tổng thống Ních-Xơn bác bỏ. Vậy lối thoát là ở đâu? Có thể tìm thấy ánh sáng ở phía cuối đường hầm hay không? Câu hỏi đặt ra thật khó có câu trả lời thỏa đáng.

        Trong tình thế lúng túng, bế tắc như "gà mắc tóc" ấy, ngày 4 tháng 5 năm 1972, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Tô-mátx Mo (Thomas Moore) đã đưa ra kế hoạch "oanh kích các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam và phong tỏa bằng mìn tại các cảng biển của Bắc Việt Nam"...

        Cùng ngày 4 tháng 5 năm 1972, Cố vấn An ninh Quốc gia Hen-ri Kít-xinh-giơ (Henry Kissinger) sau khi tạm kết thúc các cuộc hòa đàm cùng ông Lê Đức Thọ tại Pa-ri mà chưa đạt được kết quả như mong muốn, đã trở về Oa-sinh-tơn. Đồng thời, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Ních-Xơn với Tổng Bí thư L. Bre-giơ-nhép (Brezhnev) tại Mát-xcơ-va cũng bị thất bại. Ních-Xơn đã bị các tướng lĩnh của "phái diều hâu" thuyết phục và đã chấp nhận phương án phong tỏa bằng mìn tất cả các cảng biển của Bắc Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lưu thông qua lại và các hoạt động của Hải quân Bắc Việt Nam, cắt đứt mọi nguồn viện trợ từ Bắc vào Nam. Các đường giao thông trên bộ cũng sẽ bị đánh phá, cắt đứt với những khả năng lớn nhất. Không quân và Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục oanh kích các mục tiêu quân sự trên đất Bắc Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 02:03:31 am »


        Thực chất, đây chính là sự thất bại của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và cùng với sự lúng túng, Mỹ bắt buộc phải triển khai chiến lược "tái Mỹ hóa một phần chiến tranh Việt Nam" một cách bị động.

        Để thực hiện ý đồ dùng lực lượng Không quân và Hải quân bao vây, cô lập miền Bắc và chặn đứng sự viện trợ từ ngoài vào cùng sự chi viện cho miền Nam, Mỹ đã điều động thêm hai tàu sân bay cùng 58 tàu chiến thuộc Hạm đội 7 vào Vịnh Bắc Bộ, nâng tống số tàu sân bay của Mỹ ở khu vực này lên sáu chiếc. Máy bay chiến thuật, ngoài hơn 100 chiếc F-4 thế hệ mới đã đóng quân sẵn tại Thái Lan, Không quân Mỹ còn điều động hơn 350 chiếc F-4E từ căn cứ Bắc Ca-rô-li-na và toàn bộ Không đoàn chiến thuật số 49 với 72 chiếc F-4D từ căn cứ Niu Mê-hi-cô (New Mexico) đến căn cứ Ta-khơ-li (Takhli). Vậy là tổng số máy bay chiến thuật đã được huy động tới 1.077 chiếc và 200 máy bay chiến lược B-52 (gồm 150 chiếc đóng tại căn cứ Guam và 50 chiếc điều đến Thái Lan)...

        Để tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần này, Mỹ có những thay đổi về trang bị và thủ đoạn tác chiến so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, trong đó nổi bật là sử dụng đồng nhất chủng loại máy bay chiến thuật tham gia tiến công F-4 các loại c, B, J, R của Không quân và F-8, A-7 của Không quân Hải quân, vũ khí không đối đất, không đối không cũng được cải tiến, nhất là đưa loại vũ khí chính xác đánh vào một loạt cầu cống, nhà máy, kho tàng chiến lược của ta. Tàu tên lửa cũng được đưa lên rất cao, ngang với cửa biển Diêm Điền, Thái Bình để từ đó khống chế các máy bay MiG ra hướng biển. Có những quả tên lửa từ hạm tàu bắn vào tới gần Hải Dương khi máy bay MiG cất cánh lên độ cao 4.000 mét. Đồng thời, Mỹ cũng dùng biện pháp chế áp điện tử mạnh trên các tần số hoạt động của ra-đa cảnh giới, dẫn đường, ra-đa trên máy bay của MiG, ra-đa điểu khiển tên lửa và cả các tần số liên lạc đối không của máy bay ta.

        Về phía ta, tất cả đã sẵn sàng cùng với quyết tâm giành thắng lợi trong những chiến dịch mang tính chất quyết định. Sự chỉ đạo chiến lược cùng các yêu cầu của Bộ Tổng Tư lệnh tối cao đối với các lực lượng trong đó Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt, phải chuẩn bị tốt tâm thế, lực lượng và thế trận để sẵn sàng đánh bại mọi đợt đánh phá của Không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các đợt đánh phá bằng máy bay B-52.

        Các cơ quan, trường học, trẻ em lại tiếp tục sơ tán khỏi Hà Nội và Hải Phòng (khoảng 50 vạn người dân rời khỏi Hà Nội và 21 vạn người rời khỏi Hải Phòng).

        Ngay từ cuối năm 1971, các máy bay MiG-21MF đã được lắp ráp và các phi công của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 cơ bản đã hoàn thành chương trình bay chuyển loại sử dụng loại máy bay này, sau đó, Trung đoàn cơ động vào sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa với nhiệm vụ chính là đánh máy bay Mỹ ở vùng trời khu Bốn, đồng thời còn bổ sung thêm nhiệm vụ đánh đêm.

        Đầu năm 1972, thêm một Trung đoàn Không quân tiêm kích nữa ra đời. Đó là Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, căn cứ chính đóng tại sân bay Đa Phúc.

        Vậy là đến năm 1972, Không quân phân dân Việt Nam đã có bốn Trung đoàn Không quân tiêm kích với ba loại máy bay tiêm kích chiến đấu là MiG-17, MiG-19 và MiG 21.

        Đó là chưa kể đến lực lượng Không quân ném bom, vận tải quân sự và trực thăng...

        Bố trí vị trí đóng quân của các Trung đoàn Không quân tiêm kích như sau:

        Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 sử dụng máy bay MiG-21, đóng tại sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa với nhiệm vụ đánh địch ở khu Bốn và làm nhiệm vụ đánh đêm.

        Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 lấy sân bay Kép làm căn cứ, sử dụng máy bay MiG-17 làm nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ vùng trời phía Đông và Đông Bắc.

        Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 đóng quân tại Yên Bái, sử dụng máy bay MiG-19, có nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ vùng tròi phía Tây và Tây Bắc.

        Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 sử dụng máy bay MiG-21, lấy căn cứ chính là sân bay Đa Phúc, phối hợp đánh địch cùng các Trung đoàn Không quân tiêm kích bạn, bảo vệ vùng trời Thủ đô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 04:52:08 pm »


        Một số tác giả Mỹ cho rằng, đến thòi điểm đầu năm 1972, Không quân Việt Nam có 85 chiếc MiG-15 và MiG-17, 32 chiếc MiG-19, 75 chiếc MiG-21 (trong đó có một số là MiG-21 đời mới - loại MiG-21F96 mà phía NATO gọi là Fishbed J). Một tài liệu khác lại cho rằng, Không quân Việt Nam có 265 chiếc MiG, với 140 chiếc MiG-17, 31 chiếc MiG-19 và 94 chiếc MiG-21.

        Lực lượng Phòng không cũng được bổ sung thêm tên lửa SAM-2. Các số liệu do tình báo Mỹ cung cấp cho rằng, tại thời điểm đầu năm 1972, lực lượng tên lửa của miền Bắc Việt Nam có hơn 200 bộ khí tài tên lửa SAM, với 35 trận địa lớn cùng hàng ngàn trận địa pháo Phòng không các loại bố trí xung quanh thành phố Hà Nội và Hải Phòng.

        Sau khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn (Johnson) buộc phải tuyên bố kết thúc "Chiến dịch Sấm Rền" và ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào (giai đoạn này được gọi là "Giai đoạn ném bom hạn chế") thì Không quân ta tranh thủ những ngày yên tĩnh ít ỏi trong chiến tranh, tăng cường huấn luyện để nâng cao trình độ bay ngày, bay đêm, trình độ đánh chặn trong thời tiết phức tạp... cho các phi công, luyện tập các phương án dẫn dắt, công tác hiệp đồng chiến đấu cho các thành phần trực ở Sở chỉ huy.

        Như vậy, bước sang năm 1972, Không quân Việt Nam đã sẵn sàng ở trình độ tổ chức và kỹ năng chiến đấu cao hơn hẳn những năm trước. Lớp phi công chúng tôi, tuy tuổi đời chỉ từ 24 đến 26 tuổi với số giờ bay của mỗi người trên MiG-21 chưa quá 250 giờ nhưng cũng đã chuẩn bị trong tư thế như những mũi tên đặt trên dây cung, chỉ chờ thời điểm lao về phía trước, lao vào những nơi hiểm nguy với những trận không chiến ác liệt sẽ xảy ra trong năm 1972, năm có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh Việt Nam.

        Tuy cường độ các trận đánh của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc có giảm, song căn cứ vào những dấu hiệu căng thẳng từ cuối năm 1971 thì có thể đoán được năm 1972 sẽ là một năm rất ác liệt, đặc biệt là sau sự kiện "Mùa hè đỏ lửa" ở Quảng Trị.

        Để giải tỏa áp lực tấn công của Quân giải phóng miền Nam trong chiến dịch hè năm 1972, Hoa Kỳ quyết định mở "Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ", ném bom miền Bắc Việt Nam, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng nhằm làm kiệt quệ miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam, làm lung lay ý chí chiến đấu của các cấp lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, cứu nguy cho chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.

        Tổng thông Mỹ Ních-xơn đã lên truyền hình tuyên bố về tình hình chiến sự tại Đông Nam Á, đưa ra các giải pháp cho cuộc chiến và nói: "Tôi buộc phải đi đến một tính toán mà tôi sẽ nói ngay sau đây. Tất cả các cảng biển của Bắc Việt Nam sẽ bị phong tỏa bằng mìn để ngăn chặn lưu thông qua lại và các hoạt động của Hải quân Bắc Việt Nam. Các lực lượng Hoa Kỳ sẽ hoạt động trong vùng thềm lục địa và vùng biển của Bắc Việt Nam để cắt đứt mọi nguồn viện trợ... Mọi đưòng tàu hỏa và giao thông sẽ bị cắt đứt bằng những khả năng lớn nhất có thể, Không quân và Hải quân tiếp tục oanh kích các mục tiêu quân sự trên đất Bắc Việt Nam... ".

        Chí 47 phút sau bài phát biểu của Tổng thông Ních-xơn, Lầu Năm Góc đã ban bố bắt đầu "Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ" (lúc đầu, nó được gọi là "Chiến dịch Rolling Thunder Alpha, nhưng sau đó đổi thành Lai-nơ-bếch-cơ 1).

        Lai-nơ-bếch-cơ theo tiếng Anh là tên gọi các cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ. Đấy là những cầu thủ đóng vai trò rất quan trọng, đứng ngay sau các cầu thủ ở vạch giữa sân, khi nhận được bóng là lập tức tổ chức tấn công về phía sân đổì phương. Vì Ních-Xơn là fan hâm mộ số một của bóng đá Mỹ nên ông ta đã đặt tên Lai-nơ-bếch-cơ cho chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quan trọng với mong muốn các Không đoàn máy bay Mỹ sẽ có những đòn đánh lớn vào sâu lãnh thổ miền Bắc Việt Nam và kết thúc chiến tranh có lợi cho cả hai phía.
 
        "Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1" (còn gọi là "Cuộc hành quân Lai-nơ-bếch-cơ 1") mở đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai (6-4-1972 - 15-1-1973) được chia thành hai bước:

        Bước một: (6/4 - 8/5) leo thang nhanh, đánh phá ồ ạt bằng Không quân và Hải quân.

        Bước hai: (9/5 - 22/10) phong tỏa toàn bộ các cảng sông, vùng ven biển miền Bắc Việt Nam bằng thủy lôi, bom từ trường, kết hợp với đánh phá bằng Không quân và Hải quân.

        Trong chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1, Mỹ đã huy động số lượng lớn vũ khí, kỹ thuật hiện đại (máy bay ném bom chiến lược B-52, pháo hạm, bom la-de, thủy lôi MK-52... ), tiến hành 44.000 phi vụ, ném 137.000 tấn bom xuổng các mục tiêu quân sự và dân sự, phá hủy nhiều khu dân cư, đường giao thông, kho tàng, sân bay, bến cảng... theo các đợt: đợt một mang tên "Chiến thuật nhảy cóc", đợt hai là "Vùng 6", đợt ba là "Không kích mở rộng" và đợt bốn là "Kéo giãn đối phương".

        Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1 chính thức kéo dài từ ngày 9 tháng 5 năm 1972 đến ngày 23 tháng 10 năm 1972 với lực lượng tham gia chính là các phi đoàn máy bay thuộc Bộ Tư lệnh Không quân số 7 và Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm 77 của Hải quân Mỹ. Tham gia chiến dịch còn có máy bay ném bom chiến lược B-52 của Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Một, 2016, 11:41:11 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 11:53:16 am »


        Có thể điểm lại sơ bộ từng đợt trong chiến dịch này như sau: "Chiến thuật nhảy cóc" mở đầu chiến dịch vào ngày 6 tháng 4. Không lực Hoa Kỳ huy động hơn 150 lần chiếc máy bay, trong đó có 18 lần chiếc máy bay B-52 phối hợp với các pháo hạm ném bom, bắn phá các kho tàng, chân hàng và trận địa tên lửa của ta tại Quảng Bình, Vĩnh Linh...

        Sang ngày 7 tháng 4, Không lực Hoa Kỳ tổ chức nhiều trận không kích lớn vào các đơn vị Phòng không của ta tại Vĩnh Linh và Quảng Bình. Đợt tấn công đầu tiên của Không lực Hoa Kỳ kết thúc vào ngày 10 tháng 4.

        Đêm mồng 9 rạng ngày 10 tháng 4, 50 lần chiếc máy bay trong đó có 12 chiếc B-52 ném bom khu vực Vinh - Bến Thủy.

        Ngày 13 tháng 4, 64 lần chiếc máy bay cường kích và sáu chiếc B-52 đánh cầu Hàm Rồng và sân bay Thọ Xuân.

        3 giờ sáng ngày 16 tháng 4, Không lực Hoa Kỳ tổ chức một trận đánh quy mô vào Hải Phòng, sử dụng 261 phi vụ chiến thuật và chín phi vụ B-52 giội bom xuống thành phố.

        Trong các trận đánh vào tháng 4 năm 1972 ở miền Bắc, Không quân Mỹ sử dụng phổ biến các loại máy gây nhiễu điện tử có công suất lớn: ALQ gây nhiễu ra-đa điều khiển tên lửa đất đối không, ALR-18 gây nhiễu ra-đa của MiG-21, ALQ-76 và
 
        QTR-13 gây nhiễu ra-đa pháo Phòng không... Các máy bay thế hệ mới được sử dụng có F-4D và E thay cho F-4C, F-105G thay cho F-105F, Ạ-6 và A-7 thay cho A-4. Các kỹ thuật điều khiển vũ khí hiện đại có hệ thống điều khiển ném bom bằng la-de ZOT và KNIGHT. Các loại tên lửa chống ra-đa mới cũng được đưa vào sử dụng như AGM-78, AGM-88.

        Về chiến thuật, Không quân Mỹ không leo thang theo từng địa điểm từ Nam ra Bắc mà đánh theo lối "nhảy cóc" từ Quảng Bình ra Vinh, Thanh Hóa ( bỏ qua Hà Tĩnh) đến Hải Phòng, Hà Nội (bỏ qua đồng bằng Bắc Bộ).

        Từ ngày 6 tháng 4 đến 8 tháng 5, Không quân và Hải quân Mỹ đã không kích 857 điểm trên miền Bắc, trong đó có 345 mục tiêu giao thông, 215 mục tiêu dân sự, 85 mục tiêu quân sự.

        Sáng ngày 9 tháng 5, Phân hạm đội tuần dương và khu trục số 11 thuộc Hạm đội 7 bắt đầu chiến dịch rải thủy lôi ngăn chặn, cô lập bờ biển miền Bắc Việt Nam với 7.963 quả ở 43 khu vực bến cảng, cửa sông và mười tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ninh, tập trung nhiều nhất ở các khu vực Hải Phòng, Cửa Hội, Hòn La và cửa sông Gianh.

        Về "vùng 6" - đó là mật danh của Không quân Mỹ chỉ không phận Hà Nội và các vùng lân cận có bán kính 50 dặm. Ngày 10 và 11 tháng 5, Không quân Mỹ tổ chức các trận đánh quy mô lớn vào Hà Nội và các vùng lân cận quanh Hà Nội.
 
        Song song với cuộc không kích vào Hà Nội, Không quân Mỹ còn tổ chức các đợt tấn công vào các đầu mối giao thông quan trọng ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ.

        Đầu tháng 7 năm 1972, Không quân và Hải quân Mỹ tổ chức sáu trận đánh lớn vào Hà Nội.

        Về đợt "không kích mở rộng": Từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1972, Không quân Mỹ giảm bớt cường độ và các đợt đánh phá vào "vùng 6" và mở rộng đánh phá các tuyến giao thông quan trọng ở phía Bắc, phía Nam của Hà Nội (Quốc lộ 1) và phía Đông (Quốc lộ 5, Quốc lộ 10).

        Trọng điểm không kích trong thời gian này là các cầu, phà đầu mối (sông Hóa, Bắc Giang, Đáp Cầu, Tân Đệ, Phú Lương, Ninh Bình, Hàm Rồng...), các chân hàng, kho hàng (Hải Phòng, Đồng Mỏ, Đông Anh), các trận địa tên lửa Phòng không, các sân bay, các nhà ga đầu mối trên các tuyến đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh, Hà Nội - Đồng Đăn£, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Yên Bái và các kho xăng dầu.

        Trong đợt không kích "mở rộng" này, vào cuối tháng 9, Không quân Mỹ điều hai Đại đội gồm 48 máy bay cường kích F-111A thuộc Liên đội Không quân chiến thuật số 47 đến căn cứ Ta-khơ-li (Thái Lan) có nhiệm vụ phối hợp với các máy bay tầm thấp A-6, A-7 của Hải quân để tiêu diệt các trận địa tên lửa Phòng không SAM...
 
        Đến "đợt kéo giãn đối phương".

        Ngày 8 tháng 10, tại Hội nghị Pa-ri, phía Việt Nam đưa ra "Dự thảo Hiệp định hòa bình". Phái đoàn Mỹ đã cùng thảo luận, chỉnh sửa dự thảo này trong ba ngày và đi đến thỏa thuận sẽ ký tắt Hiệp định vào ngày 23 tháng 10 tại Hà Nội, ký chính thức vào ngày 26 tháng 10 tại Pa-ri. Trước đó Mỹ đã chấm dứt ném bom miền Bắc từ ngày 18 tháng 10. Ngày 20 tháng 10, Mỹ đề nghị lùi thời gian biểu lại năm ngày. Ta chấp nhận. Đến ngày 23 tháng 10, Tổng thống Ních-Xơn tuyên bố đơn phương ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam nhưng không phải là tất cả mà chỉ từ vĩ tuyến 20 trở ra.

        Cùng ngày, Tổng thống Ních-Xơn cũng gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị có thêm một cuộc gặp nữa ở Pa-ri vì có nhiều vấn đề kỹ thuật xuất hiện. Vấn đề đó chính là bốn điều kiện mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đòi phải đáp ứng để ký kết hiệp định:

        1.   Không có Chính phủ liên hiệp.

        2.   Quân miền Bắc phải rút khỏi miền Nam.

        3.   Tôn trọng tính trung lập của khu phi quân sự.

        4.   Giải quyết những bất đồng chính trị còn lại giữa hai miền mà không có sự can thiệp của nước ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 05:54:04 pm »

 
        Từ ngày 23 tháng 10, Không quân Mỹ tập trung đánh phá các tuyến giao thông ở các tỉnh từThanh Hóa trở vào. Các khu vực trọng điểm: Tân Kỳ, Triều Dương, Đô Lương (trên tuyến đường 15) thường xuyên bị B-52 oanh kích.

        Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã phải đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc co các đơn vị tên lửa về quanh Hà Nội và Hải Phòng, hoặc phòng thủ Hà Nội từ xa. Cuối cùng, việc điều động, sắp xếp lại lực lượng đã diễn ra với các biện pháp điều động binh lực Phòng không.

        Về hình thức, có vẻ như phía Mỹ đã đạt được mục đích kéo giãn đối phương - giãn các lực lượng tên lửa Phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam ra xa khu vực Hà Nội và Hải Phòng.

        Cũng trong thòi gian này, Không quân Mỹ một mặt tiếp tục oanh kích các mục tiêu đường giao thông, nhà ga, cầu phà, bến cảng, kho hàng... ở phía Nam vĩ tuyến 20, mặt khác, tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 2.
 

NGÀY DÀI KHÔNG CHIẾN

        Chỉ 47 phút sau bài phát biểu của Tổng thống Ních-xơn, vào lúc 9 giờ sáng ngày 9 tháng 5 năm 1972, Lầu Năm Góc đã phát lệnh bắt đầu "Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1". Đó chính là sự khởi đầu cho những trận không chiến ác liệt của tháng 5 lịch sử.

        Chuẩn bị bước vào Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1, Không quân và Hải quân Mỹ đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của các đơn vị sẽ tham chiến ở miền Bắc Việt Nam. Điển hình ngay từ đầu là các khóa huấn luyện theo chương trình nâng cao cho các phi công Mỹ, đặc biệt là các phi công của Hải quân (gọi là chương trình TOP GUN). Sau khóa huấn luyện này, các phi công Mỹ rất muốn thử sức với các phi công MiG của miền Bắc Việt Nam để đánh giá kết quả qua quá trình huấn luyện nâng cao.

        Ngoài chương trình nâng cao trình độ chiến đấu cho các phi công, các máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ cũng được trang bị loại tên lửa mới AIM-7E-2 Sparrow và AIM-9G Sidewinder (tiếp sau đó là phiên bản cải tiến AIM-9J). Trên các máy bay F4-E cũng được nghiên cứu, lắp thêm bộ phận "cánh tà trước" (Leading edge Slats on the Wing) để tăng tính năng khí động học khi cơ động ngang. Khi đã được lắp "cánh tà trước", những chiếc F-4 trở nên nguy hiểm hơn vì chúng vòng mặt bằng rất gấp và không bị mất tốc độ. Chúng có thể quần nhau trong các trận không chiến ở mặt phẳng ngang không kém cạnh gì MiG-17 và MiG-19. Ngoài ra, trên một số máy bay F-4 còn được lắp cả hệ thông tác chiến điện tử AXP-80 "Electronic Device code-named Combat Tree" có khả năng thu được tần số thu phát của hệ thống phân biệt địch ta SRO-2 và SRZO-2 cùng với hệ thống COD-57 của các máy bay MiG.

        Hệ thống AXP-80 Combat Tree có khả năng nhanh chóng xác định thời điểm cất cánh và vị trí của các máy bay MiG. Nó đã trợ giúp cho các phi công Mỹ rất nhiều trong các cuộc đụng độ với phi công Việt Nam.

        Chiến thuật và thủ đoạn đánh phá của Mỹ cũng thay đổi. Không quân và Hải quân Mỹ áp dụng mọi thủ đoạn trong gây nhiễu điện tử, sử dụng các vũ khí cải tiến, bom thông minh: bom dẫn đường la-de, bom dẫn bằng quang học - điện tử... rồi sử dụng hệ thông nhiễu tích cực, nhiễu tiêu cực dày đặc.
 
        Để đối phó với các máy bay tiêm kích của Việt Nam, chúng tăng tỉ lệ yểm trợ trong đội hình, cứ một chiếc máy bay ném bom thì phải bố trí hai, ba chiếc tiêm kích đi bảo vệ cả khi bay vào đánh phá và khi thoát li khỏi trận oanh kích bay ra. Đội hình bay cũng thay đổi: sử dụng đội hình nhỏ hơn và bay vào từ nhiều hướng khác nhau với các độ cao khác nhau...

        Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, Mỹ tin tưởng sẽ tiến hành chiến dịch một cách suôn sẻ.

        Ngày 10-5-1972 là ngày đầu tiên bước 2 của "Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1".

        Vào nửa đêm ngày 9 tháng 5 năm 1972, rạng sáng ngày 10 tháng 5 năm 1972, sáu chiếc tàu chiến của lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ do Chuẩn Đô đốc Uy-li-am Mách (Wiliam Mack) chỉ huy với đầy đủ súng đạn đã lặng lẽ tiến về phía bờ biển miền Bắc Việt Nam, đó là các tàu tuần dương hạm Oklahoma City (chiếc tàu từng bị phi công Nguyễn Văn Bảy B ném bom trọng thương), tàu Providence, tàu Newport News cùng ba tàu khu trục Fox, Hanson và Buchanan. Sau đó vài tiếng đồng hồ, hai tàu sân bay USS Constellation và Uss Kitty Hawk (tải trọng của mỗi tàu là 70.000 tấn) cùng với tàu sân bay Uss Coral Sea (tải trọng 49.000 tấn) chở các máy bay F-4, A-6, A-7 đưa ra vị trí chuẩn bị cất cánh.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2016, 10:44:05 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 04:34:57 pm »


        Ngày đầu tiên bước hai của chiến dịch, phía Mỹ tiến hành cùng lúc hai chiến dịch: Lai-nơ-bếch-cơ 1 và Operation Custom Tailor trên quy mô lớn, với 414 lần chuyến cất cánh của lực lượng máy bay chiến thuật thuộc Bộ Tư lệnh Không quân số 7 và Bộ Tư lệnh đặc nhiệm 77 của Hải quân Mỹ để đánh phá các mục tiêu quanh khu vực Hải Phòng và các mục tiêu phía đông nam Thủ đô Hà Nội.

        Không quân Mỹ huy động 120 máy bay tham gia tấn công, trong đó có 16 máy bay F-4 và năm chiếc F-105 bay vào trước để làm nhiệm vụ chế áp lực lượng Phòng không và máy bay MiG. Lực lượng khác gồm 20 chiếc F-4 và năm chiếc F-105 khác tham gia đánh nhà ga Yên Viên, ngoài ra còn có 88 chiếc máy bay các loại tham gia nhiệm vụ hỗ trợ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Không quân và Hải quân Mỹ trong ngày 10 tháng 5 năm 1972 là phải đánh sập bằng được cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng - cây cầu như một chứng nhân lịch sử, đứng ngạo nghễ trong suốt bảy năm trời mà Không quân Mỹ không thể nào đánh sập được.

        Trước ý đồ của Không quân và Hải quân Mỹ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định đánh hiệp đồng cả ba loại MiG (MiG-17, MiG-19, MiG-21) của bốn Trung đoàn Không quân tiêm kích (Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, Trung đoàn Không quân tiêm kích 923, Trung đoàn Không quân tiêm kích 925, Trung đoàn Không quân tiêm kích 927) cùng với lực lượng tên lửa, pháo Phòng không. Các lực lượng sẽ triển khai để đánh các tốp máy bay cường kích của Không quân và Hải quân Mỹ ở cả ba hướng: hướng Đông để bảo vệ Hải Phòng, hướng Đông Bắc bảo vệ cầu Long Biên cùng các mục tiêu nằm trên đường 1, hướng Bắc và hướng Tây bảo vệ đập Bái Thượng cùng sân bay Yên Bái.

        Lực lượng trực chỉ huy ở các Sở chỉ huy và trực ban chiến đấu của các Trung đoàn Không quân tiêm kích gồm:

        Kíp trực chỉ huy tại Sở chỉ huy Không quân gồm: Tư lệnh Đào Đình Luyện, Phó Tư lệnh Trần Hanh, Phó Tư lệnh Trần Mạnh và Phó Chính ủy Hồ Luật. Kíp trực ban dẫn đường gồm: Lê Thành Chơn, Khổng Đức Thi, Đỗ Cát Lâm, Lê Viết Diện.

        Tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, trực chỉ huy là Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Độ. Trực ban dẫn đường là Tạ Quốc Hưng. Các phi công trực ban chiến đấu trên sân bay gồm Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Văn Ngãi, Nguyễn Công Huy, Cao Sơn Khảo.

        Tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 923, trực chỉ huy là Trung đoàn phó Lâm Văn Lích. Trực ban dẫn đường là Phạm Từ Tịnh, Tống Bá Nhưỡng, Đặng Văn Hảo (A). Các phi công trực ban chiến đấu trên sân bay gồm Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung, Đỗ Hạng, Trà Văn Kiếm, Vũ Văn Đang, Nguyễn Công Ngũ, Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm, Nguyễn Xuân Hiển, Lương Quốc Bảo, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Hùng Vân, Ngô Sơn, Nguyễn Phú Ninh, Trương Công Thành, Trần Cao Thăng, Hán Vĩnh Tưởng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Văn Nhượng.

        Tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 925, trực chỉ huy là Trung đoàn phó Hồ Văn Quỳ. Trực ban dẫn đường là Lưu Văn Cộng, Triệu Sĩ Việt. Các phi công trực ban chiến đấu trên sân bay gồm Hoàng Cao Bổng, Phạm Cao Hà, Nguyễn Văn Cương, Lê Văn Tưởng, Phạm Ngọc Tâm, Phạm Hùng Sơn (C), Nguyễn Văn Phúc, Lê Đức Oánh.

        Tại Trung đoàn Không quân tiêm kích 927, trực chỉ huy là Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị. Trực ban dẫn đường là Vũ Đức Bình, Nguyễn Văn Được. Các phi công trực ban chiến đấu trên sân bay gồm Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư, Nguyễn Văn Nghĩa, Hạ Vĩnh Thành, Lê Thanh Đạo, Vũ Văn Hợp.

        Việc phân công dẫn dắt các biên đội chiến đấu như sau:

        Kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy Không quân là Khổng Đức Thi dẫn lực lượng MiG-21 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 trực ở sân bay Đa Phúc, Lê Thành Chơn dẫn các máy bay MiG-21 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 trực trên sân bay Kép và các máy bay MiG-19 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 trực trên sân bay Yên Bái, Đỗ Cát Lâm dẫn các máy bay MiG-17 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 trực trên sân bay Gia Lâm.

        Kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy Kép thì Tống Bá Nhưỡng dẫn lực lượng MiG-21 thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 trực ở sân bay Kép, Đặng Văn Hảo (A) dẫn lực lượng MiG-17 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 trực tại sân bay Kép, Phạm Từ Tịnh (người của Ban dẫn đường) dẫn các máy bay MiG-21 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 trực chiến trên sân bay Kép.

        Kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy Đa Phúc thì Vũ Đức Bình (người của Ban dẫn đường) và Nguyễn Văn Được sẽ dẫn lực lượng máy bay MiG-21 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 trực trên sân bay Đa Phúc.

        Kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy Yên Bái thì Lưu Văn Cộng và Triệu Sĩ Việt sẽ dẫn lực lượng máy bay MiG-19 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 trực ban chiến đấu trên sân bay Yên Bái.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 10:57:56 am »


        Như vậy, tại Sở chỉ huy Đa Phúc và Kép được bố trí các kíp trực dẫn đường hỗn hợp, có trợ lý dẫn đường của Ban dẫn đường và của cả các trung đoàn, nhưng được phân công dẫn cụ thể đối với từng loại máy bay ta.

        Tuy nhiên, thủ trưởng trực chỉ huy thường trực tiếp yêu cầu ai sẽ chịu trách nhiệm dẫn chính trong từng trận đánh.

        Tại các Đại đội ra-đa C-26 ở cầu Diễn, C-53 ở Đại Thanh và C-42 ở Phi Mô đều có các trực ban dẫn đường trên hiện sóng của Ban dẫn đường trực là Hoàng Kế Thiện, Phạm Thanh Soát, Vương Kính, Trần Đức Thủy và Nguyễn Dũng, của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 là Lê Thiết Hùng, của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 là Hoàng Hải, Nguyễn Đăng Điển, Nguyễn Văn Hưng theo yêu cầu của từng Sở chỉ huy trong từng trận. Còn các đài của C-30 ở Thanh Cù (Phú Thọ) phục vụ cho Sở chỉ huy Yên Bái thì vẫn bị trục trặc, chưa khắc phục được triệt để. Vì vậy, kíp trực dẫn đường tại Sở chỉ huy Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn.

        Trong ngày, phụ thuộc vào tình hình chiến đấu và những diễn biến cụ thể từng trận đánh, từng giai đoạn, lực lượng phi công và dẫn đường sẽ được trực bổ sung, thay thế cho phù hợp.

        Vào lúc 4 giờ sáng, tại khách sạn Mê-trô-pôn, một nhóm các nhà báo quốc tế được đánh thức dậy để di chuyển xuống Hải Phòng, nơi dự kiến có thể ghi nhận các hình ảnh về các trận đánh phá của máy bay Hải quân Mỹ xuống Hải Phòng và tham dự buổi họp báo về việc tố cáo Mỹ thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng. Trong số các nhà báo quốc tế có hai nhà báo Pháp là Theo-ô-đo Rông-cô (Theodore Ronco) và Clôt Giuy-liêng (Claude Julien) của tờ L' Humanité và tờ Le Monde. Đây chính là các nhân chứng sống chứng kiến máy bay Mỹ đánh phá các mục tiêu dân sự.

        Lúc 8 giờ sáng, các phi đội tấn công đầu tiên cất cánh từ tàu sân bay Uss Constellation và Uss Kitty Hawk hướng về Hải Phòng. Sau đó 20 phút là các biên đội từ các tàu USS Coral Sea và Uss Okinawa cất cánh để tiến hành chiến dịch tấn công mang mật danh "Alpha Strike". Trong trận này, các máy bay Mỹ đã đeo bom CBU để ném bom sân bay Kiến An và các trận địa tên lửa Phòng không.

        Trong khi đó, tại các căn cứ Không quân ở Thái Lan, phi đoàn Không quân chiến thuật Mỹ đã chuẩn bị cất cánh từ sáng sớm để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.

        7   giò 53 phút, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho Trạm ra-đa C-53 mở máy và sau đó phát hiện được các tốp máy bay địch từ phía Đông cửa Trà Lý 100 kilômét bay đến đảo Long Châu và từ đảo Long Châu bay vào phía Uông Bí.

        8   giờ 40 phút, biên đội MiG-17 của Vũ Văn Đang, Nguyễn Công Ngũ, Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm trực chiến trên sân bay Kép được lệnh chuyến cấp, cất cánh và trực ban dẫn đường Đặng Văn Hảo đã dẫn biên đội vào khu trực ban chiến đấu ở Phả Lại sẵn sàng đánh địch, bảo vệ cầu Lai Vu nhưng không gặp địch nên quay về sân bay Kép hạ cánh lúc 9 giờ 15 phút.

        8 giờ 52 phút, biên đội MiG-21 của Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Văn Ngãi thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 trực trên sân bay Kép mới xuất kích chiến đấu được do thứ tự điều hành chuyển cấp, mở máy và cất cánh giữa hai loại MiG-17 và MiG-21 ở Kép không rõ ràng, muộn hai phút so với dự tính. Trong lúc đó, địch đã vào qua Uông Bí, Lục Nam. Khi biên đội mới rời đất và thu càng thì biên đội hai chiếc F-4 tuần tiễu ở độ cao 5.000 mét bay ngang qua sân bay Kép đã phát hiện được biên đội của Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Ngãi đang cất cánh liền lao xuống tấn công. Chiếc F-4 bay số 2 đã tiếp cận biên đội của MiG-21 và phóng hai quả tên lửa AIM-9G, quả tên lửa thứ hai lao trúng chiếc máy bay của Nguyễn Văn Ngãi lúc đó mới đang ở độ cao chừng 15 - 20 mét. Nguyễn Văn Ngãi hy sinh ngay ở đầu đường băng.

        Khi ấy, Đặng Ngọc Ngự đã lên đến độ cao 200 - 300 mét với tốc độ 750 - 800 km/h được biên đội của Lê Thanh Đạo, Vũ Văn Hợp đang ngồi trong buồng lái chờ cất cánh thông báo có F-4 đang đuổi theo phía sau. Nhờ có trực ban dẫn đường Tông Bá Nhưỡng ở sở chỉ huy trợ giúp, Đặng Ngọc Ngự nhanh chóng cơ động tránh tên lửa, thoát khỏi thế bị động. Biên đội F-4 phóng liên tiếp bốn quả tên lửa nhưng Đặng Ngọc Ngự đều cơ động tránh được. Sau khi vòng ra đến triền núi phía Bắc của dãy Yên Tử, ngay lúc ấy, anh lại phát hiện được thêm biên đội hai chiếc F-4 khác đang bay đối đầu ở cự li 4 - 6 kilômét. Anh tăng tốc độ, cơ động để chiếm vị trí có lợi. Khi ấy, hai chiếc F-4 kia cũng phát hiện được Đặng Ngọc Ngự liền vòng gấp vào phía trái bám theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 10:58:30 am »


        Hai chiếc F-4 cơ động theo chiến thuật tách đội hình, đan chéo: một chiếc lên cao, một chiếc xuống thấp. Đặng Ngọc Ngự rơi vào thế một mình đối đầu hai chiếc F-4. Anh làm động tác giả tỏ vẻ bám theo chiếc bên dưới, khi đó,_chiếc F-4 bay phía trên cao liền đổi hướng, bám theo anh. Anh lập tức vòng gấp để bám theo chiếc ấy. Chiếc bay phía dưới tức thì quay lại để bám theo anh. Bấy giờ, Đặng Ngọc Ngự liền nhanh chóng đổi hướng, quay ngoắt lại bám theo chiếc bay phía dưới, đưa nó vào vòng ngắm, khi đến cự li 1.200 mét, ở độ cao 1.500 mét, với tốc độ bay là 1.100 km/h, anh ấn nút phóng quả tên lửa bên trái. Máy bay hơi rung nhẹ. Quả tên lửa không đối không R-3S đã rời khỏi bệ. Anh kéo máy bay mình thoát li và bám sang chiếc F-4 còn lại. Đến cự li 1.200 mét, anh ấn nút phóng quả tên lửa thứ hai bên phải nhưng quả tên lửa này không đi. Đặng Ngọc Ngự kéo máy bay thoát li về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc lúc 9 giờ 12 phút.

        8   giờ 55 phút, Sở chỉ huy Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 cho biên đội MiG-17 của Đỗ Hạng, Nguyễn Xuân Hiển thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 cất cánh từ sân bay Kép lên đỉnh sân bay để yểm hộ cho Đặng Ngọc Ngự về hạ cánh. Sau khi Đặng Ngọc Ngự hạ cánh an toàn ở Đa Phúc, biên đội của Đỗ Hạng, Nguyễn Xuân Hiển cũng về Kép hạ cánh lúc 9 giờ 23 phút.

        Sau đó gần một tiếng đồng hồ, ở hướng Tây Bắc, 84 chiếc F-4 và năm chiếc F-105, với đội hình có cả máy bay ném bom, máy bay làm nhiệm vụ yểm trợ, tìm diệt MiG, trinh sát, cứu nguy, trực thăng... bay qua phía Bắc Lào và Thái Lan thẳng hướng vào miền Bắc Việt Nam với ý đồ đánh đập Bái Thượng và sân bay Yên Bái.

        9   giờ 05 phút, Sở chỉ huy Binh chủng cho biên đội MiG-17 của Lương Quốc Bảo, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Hùng Vân, Ngô Sơn thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 trực ban chiến đấu tại sân bay Gia Lâm nhận lệnh xuất kích chiến đấu, vòng trực trên đỉnh sân bay để bảo vệ các sân bay Kép, Gia Lâm và Đa Phúc, không phát hiện được địch, biên đội hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm lúc 9 giờ 37 phút.

        9 giờ 36 phút, Sở chỉ huy Binh chủng cho biên đội MiG-17 của Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung, Nguyễn Văn Nhượng, Trà Văn Kiếm thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 xuất kích chiến đấu từ sân bay Hòa Lạc, vòng trực trên đỉnh sân bay để bảo vệ sân bay Hòa Lạc và Đa Phúc nhưng không phát hiện được địch, sau đó cho cơ động về hạ cánh tại sân bay Kép lúc 10 giờ 18 phút.

        Cùng thời điểm 9 giờ 36 phút, sở chỉ huy Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 cho biên đội MiG-19 của Phạm Ngọc Tâm, Phạm Hồng Sơn (C), Nguyễn Văn Phúc, Lê Đức Oánh thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 925 trực ban chiến đấu ở đầu Nam sân bay Yên Bái xuất kích chiến đấu. Kíp trực dẫn đường Lưu Văn Cộng và Triệu Sĩ Việt dẫn biên đội lên chờ tại đỉnh sân bay ở độ cao 3.000 mét.

        Biên đội vòng trên đỉnh sân bay đến vòng thứ ba thì phát hiện được tốp F-4 ở cự li 6 kilômét, độ cao 1.500 mét. Tốp F-4 cũng phát hiện được biên đội MiG-19. Hai bên đã lao vào cuộc không chiến ngay trên đỉnh sân bay Yên Bái. Phi công Phan Trọng Vân tại Đài chỉ huy bay liên tục chỉ huy cho các số cơ động vào bám địch.

        Do cự li quá gần, góc vào lớn nên Phạm Ngọc Tâm bắn không trúng mục tiêu. Phạm Hồng Sơn (C) cũng bắn ba loạt nhưng cũng không trúng mục tiêu và khi phát hiện lượng dầu trên máy bay mình còn ít, anh quyết định quay về hạ cánh.

        Số 3 và số 4 của biên đội MiG là Nguyễn Văn Phúc và Lê Đức Oánh bám theo hai chiếc F-4 với tốc độ lớn, có thời điểm bay lên ngang với bọn chúng mà chúng không biết.

        Nguyễn Văn Phúc bám theo chiếc F-4, vòng từ đầu Bắc xuống đầu Nam sân bay và cắt bán kính từ trên xuống, nhanh chóng rút ngắn cự li, đưa nó vào vòng ngắm và bắn ba loạt pháo 30 mm nối nhau từ đuôi lên giữa thân mục tiêu. Chiếc F-4 này lập tức bị chẻ ra làm đôi, bốc cháy dữ dội trước sự chứng kiến tận mắt của quân và dân Yên Bái. Do cự li quá gần với mục tiêu, Nguyễn Văn Phúc phải kéo quá tải đến hơn mười mới thoát li an toàn.

        Trong khi yểm hộ cho Nguyễn Văn Phúc công kích thì Lê Đức Oánh phát hiện thấy một tốp F-4 ở phía sau, anh quyết định quay lại phản kích. Cùng lúc đó, hai chiếc F-4 phía sau đã bắn máy bay của Lê Đức Oánh, máy bay bốc cháy. Lê Đức Oánh nhảy dù không thành công, anh hy sinh ngay dưới chân núi Lả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 10:14:15 am »


        Trận không chiến của biên đội MiG-19 kéo dài đến 20 phút. Các máy bay MiG đã gần hết dầu, phải quay về hạ cánh lúc 10 giờ 36 phút. Phạm Ngọc Tâm và Nguyễn Văn Phúc về hạ cánh an toàn, nhưng khi Phạm Hồng Sơn (C) về hạ cánh thì máy bay đã hết dầu, động cơ bị chết máy. Phạm Hồng Sơn (C) tiếp đất ở 2/3 đường băng. Máy bay lao ra ngoài nhưng phi công an toàn.

        9    giờ 39 phút, biên đội MiG-21 của Nguyễn Công Huy, Cao Sơn Khảo thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 trực ban chiến đấu trên sân bay Đa Phúc nhận lệnh xuất kích chiến đấu. Trực ban dẫn đường Khổng Đức Thi dẫn biên đội bay vào khu vực Sơn Dương - Tuyên Quang để thu hút địch.

        Sau khi cất cánh, biên đội bay ở độ cao 2.000 mét. Lúc 9 giờ 53 phút, Sở chỉ huy cho lấy độ cao lên 6.000 mét. Do bị nhiễu nặng, không liên lạc qua đối không được, Sở chỉ huy lệnh cho chuyển sang rãnh liên lạc số 5, nhưng rồi cũng vẫn bị nhiễu. Sự liên lạc giữa Sở chỉ huy với biên đội và trong biên đội trở nên rất khó khăn.

        Khi ấy, có một tốp F-4 cũng đang ở trong khu vực Tuyên Quang đã phát hiện biên đội của Nguyễn Công Huy và Cao Sơn Khảo. Các máy bay F-4 đã tiếp cận từ độ cao thấp, ở thế đối đầu và phóng hai quả tên lửa AIM-7E-2 về phía biên đội MiG.

        Khi phát hiện được các máy bay F-4 bay đối đầu và thấy dưới cánh của chúng có những chớp lửa màu xanh. Nguyễn Công Huy biết rằng chúng đã phóng tên lửa liền ra khẩu lệnh: "Vứt thùng dầu phụ! Cơ động!" và bật tăng lực để cơ động nhưng vì nhiễu đối không nặng nên không biết số 2 Cao Sơn Khảo có nhận được khẩu lệnh hay không..

        Có lẽ, từ thời điểm đó, biên đội không thể liên lạc được với nhau nữa và cũng đã thất lạc nhau.

        Trong lúc quan sát tìm kiếm mục tiêu và số 2 của mình, Nguyễn Công Huy thấy có vệt tên lửa từ bên trái phía sau bay vọt lên. Nhìn theo hướng ấy, thấy có một máy bay đang bay. Nguyễn Công Huy nghĩ rằng đấy là Cao Sơn Khảo nên hô: "Cơ động gấp!" nhưng không thấy phản ứng gì và quả tên lửa đã găm ngay vào mục tiêu. Chiếc máy bay ấy bùng cháy. Rồi lại thấy những vệt tên lửa bắn theo chiếc máy bay vừa phóng tên lửa. Nguyễn Công Huy lại hô: "Cơ động gấp!". Không có phản ứng. Chiếc máy bay vừa bắn kia lại bốc cháy. Nguyễn Công Huy liên tục hô: "Nhảy dù!" nhưng cả lần trưóc lẫn lần sau đều không thấy động tĩnh gì.

        Ngay lúc đó, Nguyễn Công Huy phát hiện thấy biên đội bốn chiếc F-4 ở phía sau hướng khoảng 160 độ, bay theo từng đôi một đang vòng bám theo mình. Nguyễn Công Huy vòng lại quần với tốp F-4. Sau hơn một vòng quần thảo không có kết quả, cả hai phía đều mất mục tiêu. Rồi bỗng nhiên xuất hiện một chiếc F-4 bay rẹt từ trái sang phải, đang kéo lên lấy độ cao. Nguyễn Công Huy nhanh chóng kéo máy bay của mình bám theo, đưa nó vào vòng ngắm, giữ ổn định và ấn nút phóng quả tên lửa rồi lật úp máy bay, kéo xuống thoát li nên không nhìn thấy điểm nổ và không rõ kết quả của lần công kích ấy.

        Khi được Sở chỉ huy cảnh báo: "Chú ý cảnh giới bên phải!", Nguyễn Công Huy liếc sang phía phải và phát hiện đằng sau mình ở khoảng cách chừng bốn kilômét có hai chiếc F-4 khác đang phóng tên lửa về phía mình. Nguyễn Công Huy nhanh chóng lật úp máy bay, vòng lại đối đầu với hai chiếc F-4, bay vút qua hai chiếc F-4 này, thoát li khỏi trận chiến, hạ thấp độ cao, bay sát sườn dãy núi Tam Đảo ở độ cao thật thấp về sân bay Đa Phúc. Khi về đến khu vực Đại Lải, nghe Sở chỉ huy thông báo có một tốp F-4 bay từ Hòa Lạc sang Đa Phúc phong tỏa, chế áp sân bay thì Nguyễn Công Huy quyết định đổi hướng, bay về sân bay Kép hạ cánh lúc 10 giờ 25 phút với lượng dầu còn rất ít. Khi đưa máy bay vào vị trí đỗ, các đồng chí thợ máy đã đếm được vài chục lỗ thủng to, nhỏ trên thân máy bay của Nguyễn Công Huy.

        Về phía số 2 Cao Sơn Khảo thì kể từ lúc 9 giò 57 phút Nguyễn Công Huy hoàn toàn không liên lạc gì được với Cao Sơn Khảo nữa, nhưng chắc chắn là Cao Sơn Khảo đã bắn rơi chiếc F-4 bay phía trước anh rồi sau đó anh mới bị bọn F-4 khác bắn cháy. Cao Sơn Khảo đã nhảy dù nhưng không thành công, anh hy sinh sau khi tiếp đất.

        9 giờ 53 phút, biên đội MiG-21 của Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư, Nguyễn Văn Nghĩa, Hạ Vĩnh Thành thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 trực ban chiến đấu tại sân bay Đa Phúc nhận lệnh xuất kích lên khu trực chiến ở vùng Đại Từ nhưng không gặp địch, quay về hạ cánh tại Đa Phúc lúc 10 giờ 25 phút.

        9 giờ 54 phút, biên đội MiG-17 của Vũ Văn Đang, Nguyễn Công Ngũ, Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 nhận lệnh xuất kích chiến đấu từ sân bay Kép ra khu trực chiến ở Hiệp Hòa - Bố Hạ, cũng không gặp địch, về sân bay Kép hạ cánh lúc 10 giờ 23 phút.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM