Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:42:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam  (Đọc 26012 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:46:27 am »


        Cùng với việc ký kết các hiệp định, thoả thuận hợp tác, hằng năm, Chính phủ Ôxtrâylia dành cho Việt Nam một khoản viện trợ đáng kể. Ôxtrâylia là một trong những nhà tài trợ sớm khôi phục một chương trình viện trợ lớn cho Việt Nam sau khi Hiệp định Pari về Campuchia được ký kết. Chương trình viện trợ của Chính phủ Ôxtrâylia cho Việt Nam được thực hiện dựa trên quan hệ đối tác và hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ hai nước. Trong giai đoạn đầu khôi phục quan hệ với Việt Nam (1991-1995), Chính phủ Ôxtrâylia đã viện trợ cho Việt Nam 100 triệu đô la Ôxtrâylia1. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 1994 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Ôxtrâylia Pôn Kitting đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam 200 triệu đô la trong giai đoạn tiếp theo (1994-1998). Tiếp đó, trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Ôxtrâylia cam kết viện trợ cho Việt Nam 236 triệu đô la trong giai đoạn 1998-2002. Trong những năm gần đây, Ôxtrâylia vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ cho Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ ba trong hợp tác phát triển của Ôxtrâylia.

        Các khoản viện trợ của Ôxtrâylia đã góp phần tích cực cho sự phát triển văn hoá, xã hội của Việt Nam; nhất là trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nông thôn và cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khoẻ, quản lý hành chính và môi trường... Đặc biệt, công trình cầu Mỹ Thuận, một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Ôxtrâylia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, văn hoá các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

        Cùng nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy tiềm năng, cả Việt Nam và Ôxtrâylia đều mong muốn tăng cường mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực và trong những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ. Biểu hiện sinh động của chiều hướng tốt đẹp, phù hợp với lợi ích của cả hai nước; đó là sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển văn hoá, giáo dục, đào tạo. Sự hợp tác giữa hai nước không chỉ trong khuôn khổ song phương mà còn phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ đa phương. Là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Ôxtrâylia, Việt Nam luôn ủng hộ Ôxtrâylia, nước có vị trí địa lý gần gũi, quan hệ hợp tác phát triển lâu đời với ASEAN và là nước có vị trí quan trọng trong khu vực và thế giới, được tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập khu vực Đông Nam Á.

        Là nước láng giềng thân thiện và đồng minh với Ôxtrâylia trong các liên minh quân sự ANZUS, SEATO và ANZUK, trong nhóm chính trị - quân sự các nước thuộc Liên hiệp Anh ở Đông Nam Á (ANZAM), chính sách đối ngoại của Niu Dilân không có nhiều khác biệt so với chính sách của Ôxtrâylia.

        Trong số các nước đồng minh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam, Niu Dilân là nước thứ hai, sau Ôxtrâylia, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 19 tháng 6 năm 1975). Cũng như Ôxtrâylia, trong thời gian từ cuối thập niên 70 đến hết thập niên 80 thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam - Niu Dilân bị gián đoạn bởi cái gọi là "vấn đề Campuchia". Sau khi Hiệp định Pari về Campuchia được ký kết, Niu Dilân nhanh chóng khôi phục quan hệ với Việt Nam, mở Đại sứ quán tại Hà Nội (năm 1995), thành lập Hội hữu nghị Niu Dilân - Việt Nam (ngày 20 tháng 12 năm 2004). Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX đến nay đã có hàng chục chuyến thăm chính thức của các đoàn cấp cao Việt Nam đến Niu Dilân; trong đó có chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 7 năm 1995), của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 5 năm 1993), của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 7 năm 2004), của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 9 năm 2007)... và nhiều đoàn cấp cao, đoàn của các bộ, các ngành. Đáp lại, Niu Dilân cũng có nhiều đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam. Năm 1999, bà Hêlen Clâc lần đầu tiên sang thăm Việt Nam trên cương vị Thủ lĩnh phái Đối lập và tháng 10 năm 2003 thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Thủ tướng. Tháng 11 năm 2005, Toàn quyền Niu Dilân Silvia Catuây cũng đã thăm chính thức Việt Nam. Các cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai nước đã góp phần từng bước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc, tạo thuận lợi để thực hiện tốt các hiệp định đã ký về hợp tác kinh tế, thương mại, khuyến khích và bảo vệ đầu tư, hàng không và nhiều lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.

-----------------
         1. Các số liệu về viện trợ của Ôxtrâylia cho Việt Nam ở đây dẫn theo: Khám phá Ôxtrâylia, con đường dẫn đến thành công, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:47:43 am »


        Cùng với các chuyến thăm cấp cao và trao đổi các đoàn của các bộ, các ngành, hàng loạt thoả thuận hợp tác giữa hai nước đã được ký kết, nhất là về thương mại, giáo dục và đào tạo. Ngày 18 tháng 7 năm 1994, Niu Dilân và Việt Nam ký Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại; từ đó, quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển. Nếu như năm 2002, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Niu Dilân đạt 94 triệu đô la Mỹ thì chỉ 4 năm sau, con số đó đã lên tới 198 triệu đô la. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 31 của Niu Dilân, xuất khẩu đứng thứ 26 và nhập khẩu đứng thứ 411.

        Về đầu tư, tính đến tháng 7 năm 2007, Niu Dilân đứng thứ 42 trong số 74 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 13 dự án và tổng số vốn đầu tư khoảng 35 triệu đô la Mỹ. Viện trợ ODA của Niu Dilân dành cho Việt Nam được thực hiện cả qua cơ chế song phương và đa phương. Riêng viện trợ song phương, tính đến tháng 6 năm 2004 đạt khoảng 9,2 triệu đô la Mỹ, chủ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực chính là giáo dục đào tạo, nông nghiệp, y tế và quản lý nhà nước.

        Bên cạnh nỗ lực xây dựng quan hệ kinh tế, thương mại ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam và Niu Dilân cũng dành cho nhau sự ủng hộ nhiệt thành trong lĩnh vực chính trị. Niu Dilân coi Việt Nam là đối tác quan trọng; đồng thời coi trọng vai trò, ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và khu vực. Hai nước cũng đã bước đầu có một số hoạt động trao đổi, hợp tác về an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, Niu Dilân là nước tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam - điôxin. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Niu Dilân Rich Bếchcơ khẳng định, ông đứng về phía các nạn nhân chất độc da cam - điôxin Việt Nam trong vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất chất độc này cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

        Quan hệ của Philíppin và Thái Lan với Việt Nam sau chiến tranh phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của ASEAN đối với Việt Nam và quan hệ Việt Nam - ASEAN. Chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á lần đầu tiên được thể hiện rõ ràng trong chính sách 4 điểm công bố tháng 7 năm 1976. Chính sách 4 điểm của Việt Nam khẳng định những nguyên tắc cơ bản trong việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước Đông Nam Á; bao gồm tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cùng tồn tại trong hoà bình, không để lãnh thổ của mình cho nước ngoài sử dụng, giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, phát triển hợp tác khu vực2.

        Ngay sau khi Việt Nam công bố chính sách 4 điểm, ngày 12 tháng 7 năm 1976, Philíppin thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đến tháng 8, tất cả các nước thành viên ASEAN đều thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương giữa Việt Nam với từng nước trong khu vực Đông Nam Á đã phát triển mạnh mẽ với các chuyến thăm hữu nghị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (tháng 9 và tháng 10 năm 1978) và của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (tháng 12 năm 1977 và tháng 1 năm 1978) đến 5 nước ASEAN. Trong các chuyến thăm trên đây, các nước ASEAN đã ký với Việt Nam nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại; hợp tác khoa học kỹ thuật, hàng không, hàng hải. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Việt Nam và các nước đều ra thông cáo chung với các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ chung sống hoà bình. Tuy chưa có quan hệ hợp tác với ASEAN như với một tổ chức, song, trong giai đoạn đầu sau chiến tranh Việt Nam, quan hệ Việt Nam với từng nước ASEAN đã phát triển tốt đẹp.

        Từ năm 1979, sau khi xuất hiện cái gọi là "vấn đề Campuchia", quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN diễn biến theo chiều hướng xấu, chuyển sang đối đầu. Trong giai đoạn này, Việt Nam kiên trì đấu tranh ngoại giao về "vấn đề Campuchia" trên nguyên tắc gắn việc giải quyết "vấn đề Campuchia" với việc xây dựng khu vực hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á, thúc đẩy đối thoại để đẩy lùi đối đầu.

        Trên tinh thần đó, tại 13 cuộc hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương diễn ra trong giai đoạn 1980-1986, cùng với việc đưa ra các đề nghị giải quyết vấn đề Campuchia, Việt Nam đã đề xuất nhiều kiến nghị về hoà bình và hợp tác ở Đông Nam Á, như đề nghị ký hiệp định không xâm lược giữa các nước Đông Nam Á và sẵn sàng thảo luận việc lập một "khu vực Đông Nam Á hoà bình, độc lập, tự do, trung lập, ổn định và phồn vinh" (tháng 1 năm 1980). Cũng trong tháng 1 năm 1981, Việt Nam đề nghị họp Hội nghị khu vực giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN. Với thiện chí của mình trong việc giải quyết "vấn đề Campuchia", tháng 7 năm 1982, Việt Nam tuyên bố đơn phương rút một bộ phận quân tình nguyện khỏi Campuchia, đồng thời đề nghị họp Hội nghị quốc tế về Đông Nam Á với sự tham gia của hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN.

-----------------
         1. Các số liệu về quan hệ Việt Nam - Niu Dilân ở đây dẫn theo: Bộ Ngoại giao Việt Nam, http://mofia.org.vn/Quan he Viet Nam - Niu Dilan.

         2. Báo Nhân Dân, ngày 6 tháng 7 năm 1976.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:48:28 am »


        Tại diễn đàn Liên Hợp quốc, Việt Nam cùng một số nước nhiều lần nêu vấn đề "hoà bình, ổn định và cùng hợp tác ở Đông Nam Á" nhằm thúc đẩy xu hướng đối thoại giữa hai nhóm nước trong khu vực. Tuy nhiên, mọi đề nghị về đối thoại và hợp tác khu vực do Việt Nam đưa ra đều không được ASEAN chấp nhận với lý do "vấn đề Campuchia" là nguyên nhân chủ yếu gây mất ổn định ở khu vực; vì vậy, việc giải quyết "vấn đề Campuchia" và vấn đề Việt Nam rút quân khỏi Campuchia là những điều kiện tiên quyết để đi đến thảo luận vấn đề hoà bình, hợp tác khu vực.

        Chính sách của ASEAN đối với Việt Nam bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ tháng 2 năm 1985, khi Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN khẳng định xu thế đối thoại giữa hai nhóm nước Đông Nam Á1 và cử Inđônêxia làm đại diện đối thoại với các nước Đông Dương, đồng thời Việt Nam tiếp tục rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia. Các nước ASEAN bắt đầu khôi phục quan hệ song phương với Việt Nam và hoan nghênh việc Việt Nam tham gia hợp tác với tổ chức ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ ba (họp ở Manila, tháng 12 năm 1987), Tổng thống nước chủ nhà Philíppin Aquinô tuyên bố không coi Việt Nam là mối đe dọa đối với Philíppin. Tiếp đó, tháng 2 năm 1988, Bộ trưởng ngoại giao Philíppin tuyên bố "không chống việc Việt Nam gia nhập ASEAN". Tháng 8 năm 1988, Thủ tướng mới của Thái Lan Xạtxai đưa ra chủ trương "biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường". Về phần mình, Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước ASEAN.

        Quan hệ Việt Nam - ASEAN càng trở nên gần gũi khi Việt Nam giữ đúng cam kết rút hết quân tình nguyện khỏi Campuchia trước thời hạn trong khi chưa đạt được một giải pháp về "vấn đề Campuchia". Nhằm thúc đẩy quan hệ song phương với các nước trong khu vực, từ cuối năm 1991 đến giữa năm 1992, Thủ tướng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt đã lần lượt đi thăm tất cả các nước ASEAN và tiếp theo đó là hàng loạt các chuyến viếng thăm ở các cấp. Kết quả, chỉ trong 2 năm, Việt Nam đã ký với các nước này gần 40 hiệp định các loại, tạo cơ sở pháp lý cho các mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng. Sự phát triển quan hệ Việt Nam - ASEAN trên nhiều lĩnh vực, ở các diễn đàn và các cấp khác nhau đã làm tăng sự hiểu biết lẫn nhau và ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN.

        Đối với Philíppin, ngoài sự tác động của chính sách của ASEAN đối với Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam cũng tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của Chính phủ nước này. Nếu như trước chiến tranh, chính sách của Philíppin hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, thì khi diễn biến trên chiến trường miền Nam Việt Nam báo trước sự thất bại không thể tránh khỏi của Mỹ, Philíppin đã bắt đầu xem xét lại chính sách đối ngoại của mình, trong đó có chính sách đối với Việt Nam. Lúc này, tình hình thế giới và khu vực cũng có nhiều thay đổi hết sức cơ bản. Đặc biệt, sự ra đời của tổ chức ASEAN đã mở ra khả năng to lớn cho sự hợp tác cùng phát triển ở khu vực, làm cho Philíppin ý thức được sự cần thiết phải tăng cường quan hệ giữa các nước trong khu vực, không thể tiếp tục chính sách một chiều theo Mỹ mà phải chuyển hướng theo nhiều cực, vừa phù hợp với xu thế chung, vừa thể hiện phần nào tính độc lập, tự chủ. Sự chuyển hướng đó cũng phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân Philíppin. Chính phủ Philíppin lần lượt đòi xem xét lại các hiệp ước quân sự đã ký kết với Mỹ trước đây. Trong vòng 20 năm, từ năm 1969 đến năm 1989, Mỹ và Philíppin đã trên 40 lần phải ngồi lại với nhau để thương thuyết về các căn cứ quân sự Mỹ tại Philíppin. Hiến pháp năm 1986 của Philíppin khẳng định không được bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Philíppin. Đáp lại sự nhượng bộ của Mỹ không bố trí vũ khí hạt nhân ở Philíppin, Tổng thống Akinô tuyên bố vấn đề thời hạn cho thuê các căn cứ quân sự vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, ngày 16 tháng 9 năm 1991, Thượng viện Philíppin đã bỏ phiếu hủy bỏ Hiệp định về căn cứ quân sự đã ký với Mỹ.

        Với sự chuyển hướng chính sách đối ngoại, Philíppin cũng lên tiếng phản đối bọn phân biệt chủng tộc Nam Phi, chế độ phát xít ở Chilê và Ixraen. Nếu như trong thời gian tham gia chiến tranh Việt Nam, Philíppin coi các nước xã hội chủ nghĩa là "kẻ thù nguy hiểm" thì từ năm 1972, Philíppin đã xoá bỏ các hạn chế thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa và từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước này. Tháng 6 năm 1976, Philíppin thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tạo cơ sở cho sự phát triển các mối quan hệ về kinh tế, văn hoá, hàng hải, hàng không, khoa học kỹ thuật và cả trong lĩnh vực an ninh lãnh hải. Từ năm 1992, Philíppin điều chỉnh chính sách đối ngoại với phương châm ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng ở châu Á - Thái Bình Dương.

-----------------
         1. Tuyên bố của các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN về vấn đề Campuchia, Văn kiện ASEAN (1967-1988), tr. 160.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:49:20 am »


        Trong thập niên qua, các chuyến thăm trao đổi thường xuyên của các nhà lãnh đạo, các quan chức cao cấp Việt Nam và Philíppin đã tái khẳng định mối quan hệ gần gũi giữa hai nước. Qua các chuyến thăm cấp cao, các cơ chế tham vấn đã được thúc đẩy, mở đường cho những cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn về mở rộng phạm vi hợp tác giữa hai nước, trong đó bao gồm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, các vấn đề lãnh hải, hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, thủy sản, du lịch, khoa học công nghệ, văn hoá, năng lượng và y tế.

        Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11 năm 2002 của Tổng thống Arrôyô, hai nước đã ký "Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ XXI và thời kỳ tiếp theo"; đồng thời tuyên bố tiếp tục phối hợp triển khai "Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC)" và thúc đẩy các bên liên quan thảo luận để sớm ký "Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC)".

        Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Philíppin chính thức bắt đầu từ năm 1995, song đến năm 1996, Việt Nam mới chính thức xuất khẩu sang Philíppin với mức kim ngạch chỉ có 168 triệu đô la Mỹ, nhưng chỉ 10 năm sau, con số đó đã lên tới 778 triệu (năm 2005)1. Trong những năm gần đây, kim ngạch buôn bán hai chiều không ngừng gia tăng.

        Về đầu tư, tính đến hết năm 2006, Philíppin có 25 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 250 triệu đô la Mỹ, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN (sau Singapo, Thái Lan và Malaixia). Thực hiện chương trình hợp tác khoa học công nghệ môi trường, hai nước đã tiến hành 4 chuyến khảo sát hỗn hợp trên biển theo hải trình Philíppin - Trường Sa - Vũng Tàu. Philíppin đang đào tạo giúp Việt Nam một số chuyên gia nông nghiệp.

        Nhằm thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác, Việt Nam và Philíppin đã ký hàng chục hiệp định, thoả thuận, kế hoạch hợp tác như Hiệp định Hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật (tháng 1 năm 1978), Hiệp định Thương mại (tháng 1 năm 1978), Hiệp định Vận chuyển hàng không (tháng 11 năm 1988) , Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 2 năm 1992), Hiệp định Hợp tác văn hoá, Hiệp định Hợp tác du lịch (tháng 3 năm 1994),...

        Với Thái Lan, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, nhờ viện trợ Mỹ và do thu được nhiều lợi nhuận từ các dịch vụ phục vụ gần 4,5 vạn quân Mỹ đóng trên đất Thái Lan, hơn 5.000 quân nhân Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam luân phiên nhau sang Thái Lan nghỉ ngơi, giải trí, kinh tế Thái Lan đã có bước phát triển nhất định. Sự ổn định tạm thời của nền kinh tế đã giúp tập đoàn quân phiệt Thanỏm - Praphat ổn định được địa vị thống trị của mình. Nhưng nhân dân Thái Lan nhận thấy nền độc lập dân tộc bị vi phạm, nền văn hoá Thái Lan bị chà đạp và nhân phẩm một bộ phận người Thái bị coi rẻ. Dân tộc Thái Lan vốn hiền lành và ưa đối xử hoà hiếu đã trở thành dân tộc có tỷ lệ phạm tội ác cao nhất thế giới, 13.000 vụ giết người trong một năm2.

        Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, quan hệ của Thái Lan đối với Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thái Lan được thiết lập từ ngày 6 tháng 8 năm 1976, nhưng chỉ phát triển tốt đẹp một thời gian ngắn (từ tháng 10 năm 1977 đến tháng 3 năm 1980, dưới thời cầm quyền của Thủ tướng Criăng Xắc Chômanan), sau đó là một giai đoạn lạnh nhạt và đôi khi căng thẳng. Dưới sức ép của các thế lực bên ngoài, Thái Lan cắt đứt quan hệ buôn bán với Việt Nam, bao vây kinh tế và tìm cách cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Từ khi Xạtxai Chunhavan lên cầm quyền, tháng 7 năm 1988, Thái Lan thay đổi chính sách đối với các nước Đông Dương. Thủ tướng Xạtxai đưa ra chủ trương "biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường" xuất khẩu hàng hoá của Thái Lan. Chính sách mới của Thái Lan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trên thế giới, trong khu vực và của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thái Lan. Người Thái Lan xem việc buôn bán với các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam, là một cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế Thái Lan.

        Về chính sách quốc phòng, Chính phủ Thái Lan chủ trương tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và các nước láng giềng, nhất là với các nước ASEAN; sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình và hỗ trợ nhân đạo do Liên hợp quốc tổ chức nhằm nâng cao vị thế, bảo đảm lợi ích của Thái Lan ở khu vực và quốc tế. Chính phủ Thái Lan xác định quân đội Hoàng gia Thái Lan có các nhiệm vụ ngăn chặn xâm nhập từ bên ngoài, bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ quân chủ do Nhà Vua đứng đầu; phối hợp với các cơ quan khác bảo đảm duy trì an ninh nội địa, phát triển đất nước; phối hợp với Mỹ và đồng minh trong các hoạt động quân sự bên ngoài Thái Lan.

-----------------
         1. Bộ Ngoại giao Việt Nam, http://mofia.org.vn/Quan he Viet Nam - Philippin.

         2. Báo Le Monde (Pháp), ngày 13 tháng 1 năm 1976.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:49:45 am »


        Quan hệ hoà bình, hữu nghị và hợp tác là nhân tố quan trọng đối với sự ổn định và phát triển ở Đông Nam Á, phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực. Xuất phát từ quan điểm đó, Chính phủ Việt Nam kiên trì tìm kiếm những giải pháp hoà bình nhằm khôi phục và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan. Do thiện chí của Việt Nam và trong xu thế chung của quan hệ quốc tế, Chính phủ Thái Lan ngày càng có thái độ tích cực đối với Việt Nam, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nhân làm ăn với Việt Nam. Từ năm 1991, quan hệ hai nước được cải thiện nhanh và phát triển mạnh. Ngoài việc trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao, tháng 12 năm 2004, hai nước đã tiến hành cuộc họp liên chính phủ. Chính phủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Đến nay, Việt Nam và Thái Lan đã ký gần 30 hiệp định hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến văn hoá, du lịch, môi trường. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Thái Lan tăng trưởng nhanh qua các năm. Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan chủ yếu là máy vi tính và linh kiện, dầu thô, hải sản, than đá, hàng điện tử, lạc nhân, sản phẩm nhựa và nhập từ Thái Lan xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng xe gắn máy. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên 3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2010. Là hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam và Thái Lan đã nhất trí hợp tác củng cố hoạt động xuất khẩu và bình ổn giá gạo trên thị trường.

        Về hợp tác đầu tư, các dự án của Thái Lan tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai thác hải sản, khoáng sản, chế biến thực phẩm, ngân hàng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, gần 67% các dự án của Thái Lan tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài, chiếm 56% số vốn đăng ký và 27,6% các dự án là của các công ty liên doanh, chiếm 43% vốn đăng ký1. Trong số các dự án thành công của Thái Lan tại Việt Nam phải kể đến Công ty sản xuất thức ăn gia súc CP Vietnam tại Đồng Nai với số vốn đầu tư 328 triệu đô la Mỹ, Công ty Siam Cement Group đầu tư vào 5 dự án về hoá chất và vật liệu xây dựng tại khu công nghiệp Bình Dương và Đồng Nai. Với 125 dự án, tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ đô la Mỹ, Thái Lan hiện đứng thứ 9 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

        Cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam và Thái Lan đã phối hợp tốt trong việc triển khai các dự án và chương trình hợp tác trong khuôn khổ khu vực và quốc tế như dự án hành lang Đông - Tây, dự án Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) và Chiến lược hợp tác kinh tế giữa ba dòng sông Aigiaoadi - Chaophaya - Mê Công (ACMECS). Bên cạnh đó, các hoạt động về hợp tác an ninh, quốc phòng, giáo dục, văn hoá, khoa học công nghệ, môi trường, du lịch cũng được đẩy mạnh.

        Hàn Quốc là nước đồng minh Mỹ có quân tham chiến ở miền Nam Việt Nam nhiều nhất và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam muộn nhất. Ngày 22 tháng 12 năm 1992, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lê Sang Ok ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Tuy là nước đồng minh cuối cùng thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, song hai nước đã nhanh chóng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

        Về chính trị, trong các chuyến thăm trao đổi, lãnh đạo hai nước cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về văn hoá; có truyền thống về sự hợp tác. Bằng chứng là từ thế kỷ XIII, dòng họ nhà Lý của Việt Nam đã sang làm ăn tại miền Nam Triều Tiên và hiện nay hậu duệ đời thứ 32 của họ Lý vẫn đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hàn Quốc cũng như quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, hai nước cần đẩy mạnh quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, văn hoá, khoa học công nghệ... Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước không ngừng phát triển từ năm 1992 và đứng trước những triển vọng mới, trong chuyến thăm Hàn Quốc vào thời điểm mở đầu Thiên niên kỷ mới (tháng 8 năm 2001), Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương và Tổng thống Hàn Quốc Kim Tê Chung đã khẳng định, hai nước cần tăng cường và xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới cho mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, đó là "Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI". Hai nhà lãnh đạo cho rằng, mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển tốt đẹp không chỉ có lợi cho Việt Nam và Hàn Quốc mà còn góp phần tích cực cho việc gìn giữ hoà bình, ổn định, hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Nhân chuyến thăm mới đây của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tới Hàn Quốc (tháng 11 năm 2007), lãnh đạo Hàn Quốc đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế và sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào việc thúc đẩy hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo hai nước đã xác định các phương hướng, biện pháp lớn và khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác theo tinh thần "Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI". Đó là tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao với nhiều hình thức; mở rộng giao lưu, trao đổi đoàn giữa các ngành, các cấp, các địa phương; đẩy mạnh hợp tác kinh tế; tăng cường hợp tác tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế mà hai nước đều là thành viên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:50:24 am »


        Từ năm 1991 đến nay, Hàn Quốc đã trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, Hàn Quốc là nước đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 11,5 tỷ đô la Mỹ và 1.655 dự án1. Trước đây, các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam chỉ là những dự án nhỏ và vừa, tập trung vào các ngành công nghiệp dệt may, giày dép; nay các dự án quy mô lớn đã gia tăng đáng kể, đầu tư vào các ngành công nghệ cao như điện tử, sản xuất thép, xây dựng đô thị mới... Điều đáng ghi nhận là các dự án FDI của Hàn Quốc đã tạo ra việc làm cho hơn 500.000 người Việt Nam. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt gần 2 tỷ đô la Mỹ1. Sự hình thành và phát triển khu vực kinh tế có vốn FDI của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

        Quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc cũng phát triển nhanh chóng. Sau 15 năm quan hệ, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gấp 10 lần, đạt gần 5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2006. Hai nước quyết tâm phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên quy mô 10 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5-7 năm tới2. Về hợp tác phát triển, Hàn Quốc đã cấp và cam kết cấp cho Việt Nam 188 triệu đô la Mỹ tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại 80 triệu đô la Mỹ. Trong giai đoạn 2006-2009, Hàn Quốc tăng mức cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam lên 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm và mỗi năm viện trợ không hoàn lại 9,5 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, Hàn Quốc còn là trị trường khách du lịch trọng điểm và thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam. Lượng khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam tăng trung bình 30%/năm. Việt Nam hiện có gần 40.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác trên đây, Việt Nam và Hàn Quốc cũng không ngừng phát triển quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường,...

        Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 3 năm 2008, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng những kết quả hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong thời gian qua là nền tảng để hai nước mở ra những cơ hội hợp tác mới trong thời gian tới vì lợi ích của nhân dân hai nước nói riêng; vì hoà bình, ổn định và sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

*

*       *

        Trong những năm 1964-1973, khi Chính phủ một số nước đồng minh Mỹ đưa quân đội vào chiến trường miền Nam Việt Nam, các tầng lớp nhân dân ở các nước này đã dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và những quyết định sai lầm của Chính phủ nước mình. Một mặt, họ không muốn chồng, con, người thân của mình phải đổ xương máu, hy sinh tính mạng cho cuộc "chiến tranh bẩn thỉu" của đế quốc Mỹ; mặt khác, họ chia sẻ nỗi đau khổ của người dân Việt Nam và không muốn những người dân nơi đây phải tiếp tục chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh. Dưới sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, trước tình thế thất bại ngày càng hiện hữu của Mỹ - chính quyền và quân đội Sài Gòn, các nước đã sớm rút quân về nước, khi cuộc chiến tranh còn chưa kết thúc.

        Cùng với việc rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, một số nước, như Thái Lan và Philíppin, còn đòi Mỹ rút quân khỏi nước mình và xem xét lại chính sách liên minh với Mỹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, các nước đồng minh Mỹ lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Song, do vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ, nhất là về chiến lược an ninh - quốc phòng, nên các nước đã có sự hiểu lầm Việt Nam trong cái gọi là "vấn đề Campuchia". Sự hiểu lầm đó đã tạm thời làm gián đoạn quan hệ của các nước với Việt Nam; thậm chí còn tạo nên thế bao vây, cô lập Việt Nam trong một thời gian nhất định.

        Kiên trì đường lối đối ngoại đúng đắn do Đảng đề ra, Việt Nam không chỉ khiến các nước khôi phục quan hệ bình thường với Việt Nam mà còn nhận ra thực chất của "vấn đề Campuchia"; từ đó ngày càng tăng cường quan hệ với Việt Nam trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, môi trường và cả trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Đó là tiền đề quan trọng để xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng thành khu vực hoà bình, tự do và trung lập vì sự phát triển của mỗi nước và của cả khu vực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:50:53 am »


KẾT LUẬN

        Liên minh quân sự là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử chiến tranh thế giới, kể cả trong các cuộc chiến tranh xâm lược - chiến tranh phi nghĩa, cũng như chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc - chiến tranh chính nghĩa. Căn cứ vào tính chất của các cuộc chiến tranh, các liên minh quân sự có thể chia thành liên minh cách mạng và liên minh phản cách mạng.

        Trong thời hiện đại, các khối liên minh của chủ nghĩa đế quốc là những liên minh phản cách mạng nhất. Từ những năm đầu thế kỷ XX, các nước đế quốc đã lập ra những liên minh cực kỳ phản động, tiến hành hai cuộc đại chiến thế giới và hàng trăm cuộc chiến tranh cục bộ, gây nên biết bao thảm họa cho nhân loại. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, vươn lên vị trí đứng đầu thế giới tư bản, đế quốc Mỹ bắt đầu bộc lộ tham vọng bá chủ toàn cầu, lôi kéo các nước tư bản lập ra một hệ thống liên minh chính trị - quân sự, xây dựng các căn cứ và triển khai lực lượng trên khắp thế giới, tạo thành các vành đai chiến lược hòng bao vây, tiêu diệt Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và dân chủ trên thế giới.

        Sau khi thành lập khối liên minh chính trị - quân sự lớn nhất từ trước tới nay của chủ nghĩa đế quốc - khối NATO, Mỹ và NATO lập tức lên kế hoạch phát động Chiến tranh thế giới thứ ba tấn công tiêu diệt Liên Xô - trở lực chính đối với đế quốc Mỹ trong việc thực hiện âm mưu bá chủ toàn cầu. Tiếp đó, Mỹ châm ngòi cho cuộc chiến tranh Triều Tiên nhằm "Ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản" ở châu Á. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ đã huy động được 15 nước cùng tham gia với Mỹ đứng về phía Cộng hoà Triều Tiên. Lực lượng đồng minh đã góp phần quan trọng cùng quân đội Mỹ và Cộng hoà Triều Tiên đẩy lùi cuộc tiến công vũ bão của liên quân Trung -Triều. Đây cũng là một thực tiễn quan trọng làm cơ sở cho việc tiếp tục tăng cường mở rộng chính sách liên minh quân sự của đế quốc Mỹ.

        Chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, cung cấp tiền của, vũ khí cho bè lũ tay sai xây dựng một quân đội vào loại hùng mạnh trong khu vực mà còn lôi kéo một số nước lập ra khối liên minh xâm lược SEATO (tháng 9 năm 1954). Mục đích mà Mỹ đặt ra khi thành lập SEATO là khi cần thiết có thể huy động quân đội của các nước trong khối cho cuộc chiến tranh Việt Nam, chứ không phải nhằm tăng cường "phòng thủ tập thể" châu Á như Mỹ tuyên truyền. Ngoài khối SEATO ở Đông Nam Á, mỹ còn lập ra khối ANZUS (tháng 9 năm 1951) ở Tây Thái Bình Dương để khép kín vòng vây đối với các nước xã hội chủ nghĩa khu vực châu Á từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Chính sách liên minh và hệ thống liên minh quân sự do Mỹ dựng lên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai không phải xuất phát từ "ý muốn bảo vệ đất nước chống lại bất cứ mối đe dọa cụ thể nào mà vì Mỹ muốn tạo ra ở nơi khác một trật tự có thể kiểm soát được sẵn sàng đáp ứng một cách có lợi các mục tiêu và lợi ích của Mỹ", như nhà sử học người Mỹ Gabrien Côncô đã nhận xét rất xác đáng.

        Rõ ràng, Việt Nam không phải là một "mối đe dọa cụ thể nào" đối với Mỹ, nhưng dưới góc độ "các mục tiêu và lợi ích" khác của Mỹ thì đây lại là một quân bài đôminô hết sức nguy hiểm. Chính vì vậy, Mỹ muốn chiếm bằng được đất nước này. Khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bước vào hồi cuối của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà vẫn đứng trước nguy cơ thất bại, những người đứng đầu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam và quyết định tăng cường quy mô và cường độ chiến tranh hòng đảo ngược tình thế. Vào thời điểm này, phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ đã trở thành một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhất là ở ngay tại nước Mỹ. Người dân Mỹ không muốn con em, người thân của họ phải làm bia đỡ đạn trong một cuộc chiến tranh phi nghĩa; họ không muốn tiền đóng thuế của mình bị phung phí để Chính phủ vận hành bộ máy tàn sát những người dân vô tội ở Việt Nam. Để xoa dịu và đánh lừa dư luận, phe hiếu chiến trong giới cầm quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" để ép Quốc hội thông qua "Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ" (tháng 8 năm 1964), mở đường cho chính quyền Giônxơn tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc và ồ ạt đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ còn kêu gọi các nước đồng minh góp "thêm nhiều ngọn cờ" cho bước phiêu lưu quân sự mới ở Việt Nam mà Mỹ gọi là "giúp cho một nước bạn trong lúc nguy khốn". Trong khi Chính phủ các nước đồng minh được Mỹ yêu cầu góp "thêm nhiều ngọn cờ" cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam còn đang cân nhắc, mặc cả với Mỹ về việc đưa quân sang Nam Việt Nam thì nhân dân các nước này kịch liệt phản đối. Họ chỉ đích danh việc đưa con em, người thân của họ sang miền Nam Việt Nam là đi "làm bia đỡ đạn" thay cho lính Mỹ, làm lính đánh thuê, bởi ngoài việc phải chịu toàn bộ chi phí cho sự tham gia của quân đội các nước ở Nam Việt Nam, Mỹ còn phải chi một khoản đáng kể để "viện trợ" cho các nước. Mặc dù trong quá trình mặc cả với Chính phủ các nước, Mỹ nói rằng chỉ cần các nước đồng minh tham gia có ý nghĩa tượng trưng; song ngoài mục đích đánh lừa dư luận bằng "tính chất quốc tế" của cuộc chiến, Mỹ còn hy vọng nhanh chóng giành thắng lợi, giảm tiêu hao tổn thất cho binh lính Mỹ và vực dậy tinh thần suy sụp nghiêm trọng của chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:51:14 am »


        Bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ tuyên truyền, cung cấp viện trợ đến vận động, gây sức ép, tất cả 39 nước và vùng lãnh thổ được Mỹ kêu gọi "thêm nhiều ngọn cờ" đã ủng hộ Mỹ và chính quyền Sài Gòn với những hình thức và quy mô khác nhau; trong đó Hàn Quốc, Thái Lan, Ôxtrâylia, Philíppin và Niu Dilân đã trực tiếp đưa lực lượng quân đội sang miền Nam Việt Nam chiến đấu hoặc phục vụ, bảo đảm chiến đấu; các nước và vùng lãnh thổ còn lại chỉ tham gia dưới hình thức viện trợ phi quân sự và thực sự chỉ mang ý nghĩa tượng trưng là chủ yếu. Đối với các nước trực tiếp đưa lực lượng quân đội sang miền Nam Việt Nam thì số lượng, thành phần, thời gian... tham gia cũng khác nhau.

        Hàn Quốc là đồng minh đầu tiên của Mỹ đưa quân sang Nam Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi chính quyền nước này lúc đó do Lý Thừa Vãn đứng đầu, người được Mỹ nuôi dưỡng từ lâu. Từ năm 1954, Lý Thừa Vãn đã chủ động đề xuất đưa quân sang Nam Việt Nam nhưng khi đó Mỹ đã đặt trọn hy vọng vào Ngô Đình Diệm nên không chấp nhận đề nghị của Lý Thừa Vãn. Năm 1961, Cộng hoà Triều Tiên đã đưa một đoàn huấn luyện Karate sang huấn luyện võ thuật cho quân đội Sài Gòn tại Trường Võ bị Đà Lạt. Vì vậy, khi Mỹ kêu gọi góp "thêm nhiều ngọn cờ" cho Nam Việt Nam, Cộng hoà Triều Tiên đã nhanh chóng hưởng ứng, đương nhiên với những điều kiện đi kèm và là nước đưa quân sang nhiều nhất: 50.003 tên, trong khi nước đứng thứ hai là Thái Lan cũng chỉ có 11.586 tên. Quy mô lực lượng quân đội Cộng hoà Triều Tiên cũng lớn nhất trong quân đội các nước đồng minh trên chiến trường Nam Việt Nam, tới 3 sư đoàn (Thái Lan đứng thứ hai với 2 sư đoàn). Ngoài ra, Cộng hoà Triều Tiên còn có tới 19 đơn vị khác hoạt động trên chiến trường miền Nam Việt Nam (Thái Lan tổng cộng 6 đầu đơn vị). "Tinh thần chiến đấu" của binh lính Cộng hòa Triều Tiên cũng được đánh giá cao nhất trong quân đội các nước đồng minh. Chính vì vậy, có nơi Mỹ "tin tưởng" trao cho quân Cộng hòa Triều Tiên đảm nhiệm tới hơn 40% nhiệm vụ tác chiến (như chiến trường Khu 5). Nếu như binh lính Cộng hòa Triều Tiên chỉ thể hiện "tinh thần chiến đấu cao" trên chiến trường thì binh lính Thái Lan còn thể hiện cả tinh thần "hăng hái xung phong" sang Nam Việt Nam. Nhân tố chính khơi dậy tinh thần "hăng hái" của binh lính Thái Lan và Cộng hòa Triều Tiên là sự kích thích vật chất. Mỹ bảo đảm miễn phí cho binh lính Thái Lan ăn, ở và phương tiện đi lại; ngoài ra còn nhiều phụ cấp khác như phụ cấp chiến đấu, phụ cấp ngày nghỉ, trợ cấp thương tật và khoản trợ cấp một lần tương đối lớn cho thân nhân những người tử trận. Sau một thời gian tham gia chiến tranh Việt Nam, nhiều sĩ quan tích luỹ được một khoản tiền tương đối, đủ để đầu tư vào kinh doanh hoặc sản xuất, thậm chí cả khi lập tức rời quân ngũ.

        Sau Cộng hoà Triều Tiên và Thái Lan, Ôxtrâylia và Philíppin cũng là những nước tích cực ủng hộ chiến dịch "thêm nhiều ngọn cờ" của Mỹ. Tuy nhiên, thành phần tham gia của các nước này chủ yếu là lực lượng bảo đảm và huấn luyện; quy mô lực lượng lớn nhất của Ôxtrâylia là trung đoàn và Philíppin là tiểu đoàn. Với 552 quân vào lúc cao nhất và 1 đầu đơn vị, Niu Dilân là nước ủng hộ chiến dịch "Thêm nhiều ngọn cờ" kém hăng hái nhất; hầu như chỉ mang ý nghĩa tượng trưng là chính.

        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên toàn miền Nam đã giáng một đòn quyết liệt cả vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ cũng như "tinh thần chiến đấu" của quân đội các nước đồng minh. Nếu như đòn tấn công Mậu Thân của quân và dân ta đã làm suy sụp hẳn tinh thần chiến đấu của binh lính quân đội các nước đồng minh thì lời tuyên bố xuống thang của Tổng thống Mỹ Giônxơn ngay sau đó có thể coi như chiếc phao cứu sinh cho những ai còn sống sót trong thế sa lầy của cuộc chiến tranh. Từ cuối năm 1969, họ bắt đầu được rút về nước và đầu năm 1973, những người lính đánh thuê cuối cùng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam được đoàn tụ gia đình.

        Sau khi rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, các nước lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Những nước "hăng hái nhất" trong việc đưa quân sang Việt Nam là những nước thiết lập quan hệ ngoại giao muộn nhất. Trước tiên Ôxtrâylia thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 2 năm 1973), sau đó đến Niu Dilân (tháng 6 năm 1975), Philíppin (tháng 7 năm 1976), Thái Lan (tháng 8 năm 1976) và cuối cùng là Hàn Quốc (tháng 12 năm 1992). Mặc dù sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau chiến tranh, ngoại trừ Hàn Quốc, song quan hệ Việt Nam - các nước đã bị gián đoạn bởi cái gọi là "vấn đề Campuchia" do bè lũ diệt chủng Pôn Pốt - Iêngxari và các thế lực phản động dựng lên. Chỉ sau khi "vấn đề Campuchia" được giải quyết với nỗ lực to lớn và thiện chí "mong muốn làm bạn với tất cả các nước" của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - các nước mới trở lại bình thường.

        Kể từ khi bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, quan hệ song phương giữa Việt Nam với tất cả các nước đồng minh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ phát triển ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, môi trường..., kể cả lĩnh vực an ninh quốc phòng. Mối quan hệ đó không chỉ phù hợp với lợi ích của mỗi nước mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành khu vực hoà bình, tự do và trung lập cũng như hoà bình, ổn định trên toàn thế giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:54:22 am »

   
PHỤ LỤC

PHỤ LỤC 1

CÁC NƯỚC VÀ VÙNG LÃNH THỔ CHI VIỆN CHO MỸ - CHÍNH QUYỀN VÀ QUÂN ĐỘI SÀI GÒN TRONG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM1

        Sau khi Mỹ chính thức kêu gọi "thêm nhiều ngọn cờ" cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ngày 24 tháng 4 năm 1964, tất cả 39 nước và vùng lãnh thổ được Mỹ kêu gọi đều hưởng ứng với những hình thức và mức độ khác nhau. Ngoài 5 nước trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam, còn lại 34 nước và vùng lãnh thổ hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ dưới dạng viện trợ phi quân sự cho chính quyền và quân đội Sài Gòn, đó là:

        1. Nhật Bản

        Ngoài viện trợ kinh tế trị giá hơn 55 triệu đô la, Nhật Bản còn gửi 2 tổ y tế cùng một số lượng đáng kể dụng cụ y tế, 20.000 đài thu thanh, 25 xe cứu thương; cử chuyên gia và chi viện tài chính để xây dựng đập thủy điện Đa Nhim, 1 bệnh viện thần kinh tại Sài Gòn.

       2. Đài Loan

        Đài Loan đã giúp Mỹ - chính quyền và quân đội Sài Gòn bằng việc đưa lực lượng chuyên gia, nhân viên y tế sang miền Nam Việt Nam; đào tạo nhân viên kỹ thuật và hàng viện trợ. Đã cử một nhóm chuyên gia nông nghiệp 80 người, một nhóm chuyên gia tâm lý chiến 18 người, một đoàn chuyên gia điện lực 34 người và một tổ phẫu thuật 16 người; đào tạo 40 kỹ sư và chuyên gia điện lực cùng 200 nhân viên kỹ thuật điện Nam Việt Nam tại Đài Loan. Cung cấp 26 bộ khung nhà kho, vật tư thiết bị cho 1 nhà máy điện loại nhỏ, nông cụ, hạt giống, phân bón và xi măng, 500.000 sách giáo khoa và 5.000 tấn gạo.

        3. Malaixia

        Bắt đầu từ năm 1964, Malaixia đã huấn luyện gần 2.900 sĩ quan quân đội và cảnh sát Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn còn thường xuyên gửi các nhóm từ 30 đến 60 người sang Malaixia để huấn luyện ngắn hạn về hành quân chống nổi dậy. Malaixia còn viện trợ một số vũ khí, trang bị chống nổi dậy, chủ yếu là xe chở quân, thuốc men và hàng cứu trợ. Đầu năm 1967, Malaixia cử 4 chuyên gia bình định sang Nam Việt Nam với nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất các biện pháp liên quan đến an ninh xã ấp và tâm lý chiến.

        4. Pakistan

        Pakistan viện trợ tài chính và quần áo, thuốc men cho các nạn nhân lũ lụt.

        5. Lào

        Chính quyền tay sai Mỹ ở Lào đã giúp chính quyền Sài Gòn 4.167 đô la cứu trợ lũ lụt trong năm 1965 và một số hàng cứu trợ trị giá 5.000 đô la trong năm 1968.

        6. Iran

        Iran đã dành cho chính quyền và quân đội Sài Gòn những khoản viện trợ đáng kể gồm chủ yếu là những sản phẩm dầu hoả. Từ ngày 12 tháng 1 năm 1966, Iran duy trì tại miền Nam Việt Nam một tổ y tế gồm 20 bác sĩ và nhân viên.

        7. Ixraen

        Ixraen chủ yếu giúp thuốc men cho các nạn nhân lũ lụt và đào tạo 3 chuyên gia về kỹ thuật thủy lợi.

        8. Thổ Nhĩ Kỳ

        Ngoài giúp thuốc men vào đầu năm 1968, Thổ Nhĩ Kỳ còn viện trợ một số lượng xi măng đáng kể.

        9. Libêria

        Viện trợ 50.000 đô la để mua sắm trang thiết bị y tế.

        10. Marốc

        Viện trợ cho Nam Việt Nam 10.000 hộp cá mòi, trị giá 2.000 đô la.

-----------------
       1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 161-169.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:57:08 am »


        11. Nam Phi

        Viện trợ cho Nam Việt Nam một số trang thiết bị y tế trị giá 14.000 đô la Mỹ.

        12. Tuynidi

        Mỗi năm dành 15-20 xuất học bổng cho học sinh Nam Việt Nam.

        13. Bỉ

        Viện trợ thuốc men và 1 xe cứu thương.

        14. Đan Mạch

        Cung cấp trang thiết bị y tế và đào tạo 12 nữ y tá tại Đan Mạch.

        15. Cộng hoà liên bang Đức

        Bắt đầu từ năm 1966, trung bình mỗi năm Cộng hoà liên bang Đức dành cho chính quyền Sài Gòn khoảng 7,5 triệu đô la viện trợ kinh tế và nhân đạo, đồng thời cử hơn 200 chuyên viên và nhân viên y tế đến phục vụ tại miền Nam Việt Nam. Năm 1966, Cộng hòa liên bang Đức còn viện trợ cho chính quyền Sài Gòn một chiếc tàu - bệnh viện S.S Helgoland trọng tải 3.000 tấn; tàu có 130 giường bệnh cùng 8 bác sĩ và 20 nhân viên y tế phục vụ để trợ giúp y tế cho dân thường. Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức còn cấp tín dụng trị giá 21,2 triệu đô la cho các dự án xây dựng cơ bản và nhập khẩu hàng tiêu dùng; ngoài ra còn cung cấp các khoản tín dụng: 3,75 triệu đô la để nhập khẩu hàng của Đức, 12,5 triệu đô la để phát triển tổ hợp công nghiệp tại An Hoà - Nông Sơn, 5 triệu đô la cho dự án xây dựng cơ bản và 3,5 triệu đô la để trang bị 1 lò giết mổ gia súc.

        16. Pháp

        Viện trợ của Pháp dành cho chính quyền Sài Gòn chủ yếu là viện trợ kinh tế và giáo dục. Từ năm 1956, Pháp bắt đầu viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, trung bình mỗi năm khoảng 4 triệu đô la, chủ yếu dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Pháp cử một số giáo viên sang dạy ở các trường trung học và một số ít ở các trường đại học. Năm 1965, Pháp cấp học bổng cho nhiều giáo sư sang học tại Pháp. Pháp cung cấp tín dụng lãi suất thấp để Nam Việt Nam nhập khẩu trang thiết bị công nghiệp. Các nhà máy xi măng Hà Tiên và Thủ Đức đều được xây dựng với sự trợ giúp của Pháp.

        17. Hy lạp

        Viện trợ cho Nam Việt Nam một số trang thiết bị y tế trị giá 15.000 đô la.

        18. Aixơlen

        Viện trợ thông qua Hội chữ thập đỏ cho Nam Việt Nam 2.800 đô la.

        19. Italia

        Cử một tổ phẫu thuật 10 người sang giúp Nam Việt Nam, tặng học bổng cho 10 người đi học ở Italia và viện trợ hàng tiêu dùng trị giá 25.000 đô la.

        20. Lúcxămbua

        Viện trợ huyết tương và trang thiết bị tiếp máu.

        21. Hà Lan

        Bắt đầu viện trợ cho Nam Việt Nam từ năm 1963, gồm cấp học bổng đào tạo bác sĩ, xây dựng và trang bị 3 trung tâm phòng chống bệnh lao, cải tạo và mở rộng các cơ sở bệnh viện tại Chợ Lớn. Hà Lan là nước đầu tiên viện trợ cho Nam Việt Nam theo phương thức ủy thác trong các dự án của Liên Hợp quốc.

        22. Nauy

        Thông qua Hội chữ thập đỏ quốc tế, tháng 2 năm 1965, Nauy gửi hàng trợ giúp những người bị lũ lụt và đầu năm 1968 giúp những người di tản không có chỗ ở.

        23. Tây Ban Nha

        Cử một đội y tế gồm 13 người sang làm việc tại tỉnh Gò Công cùng một số trang thiết bị y tế.

        24. Thụy Sĩ

        Cung cấp kính hiển vi cho Viện Đại học Sài Gòn; cử một đội y tế gồm 11 người sang làm việc tại một bệnh viện tỉnh ở Tây Nguyên và một tổ làm việc tại Đà Nẵng; ngoài ra còn viện trợ hàng cứu trợ khẩn cấp trị giá 200.000 đô la.

        25. Anh

        Hai năm 1963 và 1964, Vương quốc Anh đã viện trợ cho Nam Việt Nam một số trang thiết bị, gồm: trang bị phòng thí nghiệm cho Viện Đại học Sài Gòn, 1 máy sắp chữ cho Phòng ấn loát của Chính phủ, 1 phòng chụp X-quang cho Viện Ung thư quốc gia; trang bị cho các trường Y khoa, Khoa học và Dược khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn, Nha Khí tượng và Trường Nông nghiệp Sài Gòn, Viện Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt và Phân khoa Giáo dục tại Huế. Anh cũng cử 11 bác sĩ nhi khoa và y tá sang Sài Gòn. Anh còn viện trợ kinh tế trị giá 2,4 triệu đô la cho Nam Việt Nam.

        26. Canađa

        Từ năm 1958, Canađa bắt đầu viện trợ cho Nam Việt Nam một số thực phẩm trị giá 850.000 đô la và một số tiền cho các dự án xây dựng cơ bản; giúp xây dựng một toà nhà mới và một giảng đường cho Trường Y khoa thuộc Viện Đại học Huế với tổng số tiền 458.000 đô la.

        Năm 1964, Canađa cung cấp cho Nam Việt Nam 9,3 triệu đô la viện trợ phát triển; giúp tỉnh Quảng Ngãi xây dựng một viện lao loại nhỏ; cử một giáo sư sang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy; cấp học bổng cho 380 người sang học ở Canađa; viện trợ một số trang thiết bị y tế, 560.000 liều vắc xin phòng bại liệt, một số thuốc men.

        Năm 1968, Canađa viện trợ dụng cụ, thuốc men cấp cứu trị giá 200.000 đô la, cử 8 bác sĩ sang Nam Việt Nam nhiệm kỳ ngắn hạn, viện trợ 225.000 đô la để xây dựng nhà ở.

        27. Áchentina

        Viện trợ 5.000 tấn bột mỳ, 20.000 liều vắc xin phòng bệnh tả.

        28. Brazin

        Viện trợ 5.000 bao cà phê, một số trang thiết bị y tế.

        29. Côxtarica

        Viện trợ 1 xe cứu thương.

        30. Êcuađo

        Một số trang thiết bị y tế.

        31. Goatêmala

        Viện trợ 15.000 liều thuốc chữa bệnh thương hàn.

        32. Honđurát

        Viện trợ thuốc men và 1.500kg quần áo mới.

        33. Urugoay

        Viện trợ trang thiết bị y tế và thuốc men trị giá 21.000 đô la.

        34. Vênêduêla

        Viện trợ 500 tấn gạo; cung cấp 2 bác sĩ dân sự.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM