Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:34:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam  (Đọc 26009 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:34:23 am »


        Khi các đội huấn luyện quân sự của Niu Dilân được đưa sang Nam Việt Nam và chuẩn bị thực thi nhiệm vụ thì các đơn vị chiến đấu Ôxtrâylia và Niu Dilân cũng bắt đầu rút khỏi Việt Nam. Vào thời điểm này, bản thân quân đội Mỹ cũng bắt đầu rút dần lực lượng của họ về nước.

        Ngày 20 tháng 8 năm 1970, Thủ tướng Niu Dilân tuyên bố giảm bớt một đại đội bộ binh với quân số 144 người trong tổng số quân Niu Dilân tại Nam Việt Nam. Thực hiện tuyên bố của Thủ tướng Niu Dilân, tháng 11 năm 1970, quân đội Niu Dilân đã đưa ra kế hoạch rút quân cụ thể cùng với việc gửi đội huấn luyện sang Nam Việt Nam để thay thế các đại đội bộ binh.

        Đơn vị quân đội Niu Dilân đầu tiên rút khỏi Nam Việt Nam là Đại đội W vào tháng 12 năm 1970, tiếp đó là Đại đội pháo 161 vào hai tháng 2 và 3 năm 1971.

        Sau các đợt rút quân trên, ngày 18 tháng 8 năm 1971, chính quyền Niu Dilân tiếp tục ra thông báo sẽ rút hết lực lượng tác chiến của họ ra khỏi Nam Việt Nam. Tại thủ đô Oenlinhtơn, Thủ tướng Niu Dilân Holyoc đã chính thức tuyên bố rằng: lực lượng tác chiến của Niu Dilân sẽ được rút về nước vào khoảng cuối năm 1971. Theo thông báo trên, tháng 12 năm 1971, cùng với sự rút quân của Tiểu đoàn 1 Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia ra khỏi Nam Việt Nam, toàn bộ quân chiến đấu Niu Dilân tại Việt Nam cũng bắt đầu rút về nước. Đơn vị chiến đấu cuối cùng của quân đội Niu Dilân rút khỏi Việt Nam là Đại đội V và đội phẫu thuật quân y. Tuy nhiên, theo đề nghị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, các cố vấn quân sự gồm 43 người đã được đưa sang thay thế, làm nhiệm vụ hỗ trợ và huấn luyện cho các tiểu đoàn bộ binh1.

        Tháng 12 năm 1972, khi Chính phủ của Đảng Lao động lên cầm quyền, đứng đầu là Thủ tướng Noman Kict, với quan điểm nhanh chóng chấm dứt toàn bộ sự can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền Niu Dilân đã ra thông báo về việc rút toàn bộ lực lượng Niu Dilân còn lại về nước. Ngay sau lời tuyên bố trên, quân Niu Dilân bắt đầu rút các đội huấn luyện về nước. Như vậy, đến cuối năm 1972, toàn bộ quân số Niu Dilân còn lạitại Nam Việt Nam đã rút về nước.

        Trong thời gian tham gia chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, các lực lượng quân đội Niu Dilân đã tham gia trực tiếp và hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động tác chiến và "bình định" của quân đội Mỹ, Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn, đặc biệt phải kể đến là vai trò yểm trợ có hiệu quả cao của Đại đội pháo 161. Cũng như quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh khác, lực lượng Niu Dilân đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân miền Nam Việt Nam, đặc biệt là của lực lượng vũ trang địa phương tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong các trận chiến đấu với quân Niu Dilân, Tiểu đoàn địa phương 445 và quân dân trong tỉnh đã đánh thiệt hại 224 quân Niu Dilân (tương đương với hai đại đội), trong đó diệt 37 và làm bị thương 187 người2. Tất cả số quân này đều hoạt động trong lực lượng chính quy. Tuy là những người tình nguyện, nhưng trên thực tế, họ không muốn tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam.

        Với những thất bại về quân sự, chính trị và sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân, các lực lượng tiến bộ tại Niu Dilân, cùng với quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác, toàn bộ lực lượng quân đội Niu Dilân đã rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt sự dính líu của họ trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Đông Dương.

-----------------
         1, 2. http://www.digger history, info/inmages/nz/withhourboys.jpg, New Zeland roll honour for the Vietnam war.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:36:07 am »


Chương ba

CÁC NƯỚC ĐỒNG MINH MỸ TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM
VÀ QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM SAU CHIẾN TRANH

        1. TÁC ĐỘNG CỦA CHIẾN TRANH VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐỒNG MINH MỸ.

        Chiến tranh Việt Nam đã có những tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của các nước đồng minh Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, các nước trực tiếp tham gia chiến tranh nói riêng. Chính sách theo đuôi đế quốc Mỹ, quân sự hoá đất nước của giới cầm quyền các nước đồng minh Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đã biến các nước này thành các căn cứ quân sự, thao trường, bãi thử, kho vũ khí... của Mỹ.

        Trong số các nước đồng minh Mỹ đưa lực lượng quân đội sang miền Nam Việt Nam, Thái Lan là nước có nhiều căn cứ và công trình quân sự của Mỹ được sử dụng làm bàn đạp tấn công hoặc phục vụ trực tiếp cho các hoạt động chiến tranh xâm lược Việt Nam của quân đội Mỹ.

        Từ năm 1965, Mỹ bắt đầu xây dựng các căn cứ không quân trên lãnh thổ Thái Lan làm căn cứ xuất phát cho máy bay đi ném bom, bắn phá Việt Nam và Lào; bao gồm 6 căn cứ lớn là Uđôn, Ubôn, Tắcli, Náchôngphanom, Còrạt và Utapao. ở Còrạt còn có một hệ thống kho vũ khí của Mỹ. Căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở Thái Lan là cảng nước sâu Sattahip. Ngoài ra, ở Thái Lan còn nhiều công trình quân sự khác của Mỹ như các trung tâm trinh sát vô tuyến điện, trung tâm huấn luyện... Trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1969, Mỹ đã bỏ ra hơn 500 triệu đô la để xây dựng các căn cứ và công trình quân sự trên đất Thái Lan1. Trong quá trình leo thang chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đưa ngày càng nhiều quân sang đóng tại các căn cứ ở Thái Lan, nhất là lực lượng không quân2:

        Tuy không có nhiều căn cứ xuất phát cho máy bay đi ném bom đánh phá Việt Nam như Thái Lan nhưng Philíppin lại có những căn cứ chiến lược vô cùng quan trọng. ở Philíppin, Mỹ có 16 căn cứ và công trình quân sự, trong đó có 2 căn cứ chiến lược quan trọng là căn cứ hải quân Xubích - Bây và căn cứ không quân Klác - Phít ở phía tây đảo Ludông. Các căn cứ này giữ vai trò quan trọng trong hệ thống căn cứ quân sự Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương; bao gồm Nhật Bản, Cộng hoà Triều Tiên và vành đai kéo dài từ bờ Biển Đông - bắc Ôxtrâylia sang phía tây đến ấn Độ Dương và vịnh Pêchxích. Tại khu vực này, Philíppin là nơi chứa nhiều vũ khí hủy diệt lớn của Mỹ. Ngoài số vũ khí hạt nhân bố trí trên các tàu chiến của Hạm đội 7 đóng ở Xubích - Bây, trên lãnh thổ Philíppin còn có các kho chuyên chứa vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học và các loại vũ khí khác của Mỹ. Theo các nguồn tin của Philíppin, ở nước này còn có một trụ sở bí mật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Trong những năm 1964-1973, CIA đã sử dụng các căn cứ ở Philíppin để huấn luyện gián điệp, biệt kích tung vào các nước Đông Dương.

        Coi Cộng hoà Triều Tiên là bàn đạp thuận lợi để tấn công các nước xã hội chủ nghĩa, bất chấp các hiệp định quốc tế sau chiến tranh về vấn đề Triều Tiên, Mỹ đã xây dựng trên lãnh thổ nước này 40 căn cứ và công trình quân sự các loại, kể cả ở các thành phố lớn như Sơun, Pusan, Ôxan, Kunsan, Têgu... Gắn liền với các căn cứ, công trình quân sự đó là hàng vạn lính Mỹ đóng quân thường xuyên trên lãnh thổ Cộng hoà Triều Tiên.

        Việc lập các căn cứ quân sự cũng như sự hiện diện một số lượng lớn lính Mỹ trên lãnh thổ các nước đồng minh châu Á tham gia chiến tranh Việt Nam đã chiếm một phần đáng kể diện tích đất canh tác của các nước này. Các căn cứ và công trình quân sự Mỹ mọc lên ngày càng nhiều cũng có nghĩa là ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp - ngành kinh tế chủ yếu của nhiều nước châu Á, ngày càng bị thu hẹp. Hậu quả tất yếu của quá trình này là thiếu hụt lương thực. Cộng hoà Triều Tiên, một nước có những đồng bằng phì nhiêu với điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp cũng phải nhập khẩu lương thực do mất đất canh tác. Đội quân thất nghiệp ở thành phố được bổ sung ngày càng đông đảo số người mất việc làm từ nông thôn.

-----------------
         1, 2. Political Situation in Thailand - Hearings before the Subcommittee on Asian and Pacific Affairs. House of Representatives. 93d Congress, October 24, 1973, Wash, 1974.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:36:57 am »


        Cùng với những hậu quả tiêu cực về kinh tế, sự phát triển các căn cứ quân sự và việc ngày càng có nhiều lính Mỹ đến đóng ở các căn cứ đó đã gieo mầm cho nhiều tệ nạn xã hội ở các nước. Chẳng hạn ở Philíppin, tại Ôlongapo, một địa phương ở gần căn cứ Xubích - Bây, tình trạng tội phạm đã tăng lên chóng mặt. Hơn 4.000 dân địa phương đã trở thành con nghiện trong khi trước đây họ không hề biết ma túy là gì. Các cơ sở vui chơi giải trí dành cho lính Mỹ và khách du lịch mọc lên như nấm ở các nước châu Á đồng minh Mỹ chính là những mảnh đất mầu mỡ cho bạo lực, cho những gì đặc trưng cho "lối sống Mỹ" sinh sôi và phát triển.

        Chiến tranh Việt Nam không chỉ tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của các nước đồng minh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong khối SEATO mà còn từng bước dẫn đến sự chia rẽ nội bộ khối. Việc thành lập khối SEATO đã kéo theo sự phát triển các xu hướng phản dân chủ trong đời sống chính trị, xã hội của các nước thành viên, đặc biệt là đã đưa các phe phái quân sự phản động lên cầm quyền. Các quốc gia độc lập ở châu Á coi SEATO là công cụ của chủ nghĩa thực dân mới, do vậy họ thường xuyên lên án chính sách quân sự hoá của các nước SEATO, nhất là chính sách ủng hộ cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Ngay trong các nước thành viên SEATO, chính sách và quan điểm đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam cũng không được thống nhất, làm cho cuộc khủng hoảng của khối nảy sinh từ năm 1962 càng trở nên gay gắt. Đặc biệt, vấn đề đưa quân đội các nước vào miền Nam Việt Nam đã gây sự chia rẽ giữa các nước thành viên SEATO. Tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng SEATO (tháng 5 năm 1965), Pháp và Pakistan từ chối ủng hộ chiến dịch "Thêm nhiều ngọn cờ" của Mỹ và yêu cầu giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Chính phủ Anh mặc dù ủng hộ chính sách của Mỹ nhưng từ chối việc đưa quân sang Việt Nam. Cuối cùng, lực lượng quân đội các nước đồng minh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam chỉ bằng 15% so với quân viễn chinh Mỹ1; ý đồ sử dụng SEATO như hạt nhân tổ chức và chỉ huy lực lượng liên minh đế quốc tiến hành chiến tranh chống nhân dân Việt Nam đã phá sản hoàn toàn. Khối SEATO dần dần tan rã. Sau khi tuyên bố không tán thành chính sách xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, năm 1965, Pháp chỉ còn tham gia Hội đồng SEATO với tư cách là quan sát viên, cắt đứt quan hệ với các cơ quan quân sự của khối và triệu hồi các cố vấn quân sự của mình về nước. Tháng 4 năm 1967, Pháp từ chối hoàn toàn không tham gia trong Hội đồng SEATO. Năm 1971, Thái Lan và Philíppin gia nhập ASEAN và ký vào bản tuyên bố biến Đông Nam Á thành "khu vực hoà bình, tự do và trung lập". Cuối năm 1972, Pakistan tuyên bố rút khỏi SEATO do khối này không ủng hộ Pakistan trong cuộc xung đột với nước Cộng hoà nhân dân Bănglađét và Ấn Độ; đến tháng 11 năm 1973, Pakistan chính thức rút khỏi SEATO. Năm 1973, Pháp tuyên bố sẽ ngừng nghĩa vụ đóng góp tài chính cho ngân quỹ của khối từ tháng 6 năm 1974, điều đó trên thực tế có nghĩa là Chính phủ Pháp đã đoạn tuyệt với khối SEATO.

        Hòng cứu vãn sự tan rã hoàn toàn của khối, Mỹ đưa ra những sáng kiến làm giảm tính chất quân sự của khối, thay đổi một số nhiệm vụ của nó: "SEATO cần hết sức chú trọng việc ủng hộ các chương trình bảo đảm an ninh nội địa và sự phát triển của hai thành viên khu vực là Thái Lan và Philíppin và do đó hoạt động quân sự của SEATO cần được cắt giảm"2. Cuối năm 1973 đầu năm 1974, SEATO lại được cải tổ một lần nữa, lần này là xoá bỏ ủy ban cố vấn quân sự. Nhưng mọi cố gắng của Mỹ vẫn không cứu vãn được sự tan rã của khối. Sau khi đế quốc Mỹ thất bại ở Việt Nam, tháng 7 năm 1975, Thái Lan, Philíppin và Singapo, với tư cách là các thành viên của khối ASEAN đòi SEATO phải giải thể. Cuối tháng 9 năm 1975, Hội đồng SEATO quyết định trong vòng 2 năm sẽ giải thể khối quân sự này và từ ngày 1 tháng 7 năm 1977, SEATO chính thức chấm dứt tồn tại.

        Đối với các nước đưa quân chiến đấu sang miền Nam Việt Nam, mặc dù chính quyền và bộ máy tuyên truyền của Mỹ đã tìm đủ mọi cách để biện minh cho hành động xâm lược của mình; họ dựng lên những màn kịch hết sức tinh vi và xảo quyệt về việc "miền Bắc xâm lược miền Nam Việt Nam", "đe dọa hoà bình và an ninh khu vực". Song dù tinh vi và xảo quyệt đến đâu, họ vẫn không thể đánh lừa được dư luận trong nước và quốc tế về bản chất hiếu chiến, xâm lược của mình và tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Khi Mỹ công khai đưa những đơn vị chiến đấu đầu tiên sang Việt Nam, không chỉ các nước xã hội chủ nghĩa mà tuyệt đại đa số các nước không liên kết, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và những người có thiện chí ở các nước tư bản, các tổ chức dân chủ và tiến bộ trên thế giới, đều đứng về phía nhân dân Việt Nam anh hùng chống cuộc "chiến tranh bẩn thỉu" của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

-----------------
         1, 2. Chủ nghĩa quân phiệt Mỹ: bộ máy quân sự, các khối liên minh, các căn cứ quân sự và hành động xâm lược, Mátxcơva, 1985, tr. 173, 174 (bản tiếng Nga).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:38:36 am »


        Phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam dấy lên mạnh mẽ ngay từ trong lòng nước Mỹ. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong vòng 20 năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chưa từng có một sự kiện nào ở ngoài nước Mỹ lại có tác động mạnh mẽ đến nhân dân Mỹ như cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Những cuộc biểu tình chống chiến tranh liên tiếp diễn ra trên khắp nước Mỹ với quy mô ngày càng lớn. Ngày 10 tháng 4 năm 1965, hơn 6.000 công dân Mỹ đã tham gia cuộc biểu tình tại Niu Yoóc. Một tuần sau, thủ đô Oasinhtơn được chứng kiến một cuộc biểu tình quy mô chưa từng thấy với gần 30.000 người tham gia "cuộc đi bộ hoà bình" ngay cạnh Toà Nhà Trắng chống chính sách chiến tranh của Chính phủ. Những người tham gia biểu tình đã phát hành một văn kiện tỏ rõ thái độ của mình đối với cuộc chiến tranh, họ cho rằng: "Chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh ghê tởm và hết sức vô nhân đạo... Đó là cuộc chiến tranh nguy hiểm đáng lo ngại"1. Phong trào ở Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam thực sự là một phong trào có tính chất toàn dân, thu hút các tầng lớp nhân dân rộng rãi nhất ở trong nước và các tổ chức rất khác nhau như "Liên đoàn sinh viên thế giới", các câu lạc bộ thanh niên Đuyboa, "ủy ban chính sách hạt nhân hợp lý", nhiều tổ chức công đoàn, tổ chức "Phụ nữ đấu tranh cho hoà bình", phong trào "Những sinh viên đấu tranh cho một xã hội dân chủ", các tổ chức đấu tranh cho quyền công dân của nhân dân da đen và các nhóm tôn giáo,...

        Những nước tích cực nhất trong việc ủng hộ chiến dịch "Thêm nhiều ngọn cờ" cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ như Thái Lan, Cộng hoà Triều Tiên, Philíppin, Ôxtrâylia, là những nước bị sự "ủng hộ" này tác động mạnh mẽ và để lại những hậu quả rõ rệt nhất.

        Trong khối SEATO, Thái Lan được coi là thành viên nòng cốt và thủ đô Băng Cốc được chọn làm nơi đặt trụ sở của khối. Thi hành chính sách phụ thuộc vào Mỹ, theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, Chính phủ Thái Lan ngày càng tăng cường quy mô xây dựng lực lượng vũ trang để đàn áp phong trào cách mạng trong nước và xâm lược các nước Đông Dương. Nếu như năm 1950, quân đội Thái Lan chỉ có mấy vạn người thì đến năm 1967 được phát triển lên trên 13 vạn2. Chính sách phụ thuộc vào Mỹ của Thái Lan trong những năm cuối thập niên 50 - đầu 60 của thế kỷ XX đã đẩy Thái Lan vào tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy trong lịch sử đất nước. Do phải chạy theo kế hoạch tăng cường vũ trang và can thiệp quân sự của đế quốc Mỹ, nạn thiếu hụt ngân sách của Chính phủ Thái Lan mỗi năm một tăng: nếu như năm 1960, ngân sách Thái Lan chỉ hụt 37 triệu đô la thì đến năm 1965, con số đó lên đến 255 triệu3. Để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách, giới cầm quyền Thái Lan bắt nhân dân phải gánh chi phí quân sự ngày càng lớn bằng cách không ngừng tăng các thứ thuế, lạm phát tiền tệ... Những gánh nặng đó trước hết trút lên đầu nông dân là thành phần chiếm tuyệt đại đa số dân Thái Lan. Chính vì vậy, mặc dù liên tiếp được mùa thu hoạch lúa nhưng phần đông nông dân Thái Lan vẫn phải sống trong cảnh nghèo khổ, nợ nần vì hết bị nạn địa chủ, phú nông thu tô, tức nặng, cho vay nặng lãi lại bị Chính phủ bắt nộp sưu thuế cao. Địa tô chiếm tới 85% số thu hoạch; có nơi bọn cho vay nặng lãi trong một năm thu lãi tới 50%, nếu người vay không trả được thì bị tịch thu ruộng đất. Ngoài ra, người nông dân Thái Lan còn bị cường hào, cảnh sát áp bức, bòn rút không thương tiếc. Đời sống của người dân ở thành thị cũng không khá hơn bao nhiêu. Do bị bọn phong kiến, tư sản mại bản và tư sản nước ngoài áp bức bóc lột, giá cả sinh hoạt ngày càng tăng cao, việc làm không ổn định, lại thêm thuế cũng ngày một gia tăng nên có tới 80% dân sống ở thành phố có thu nhập không đủ chi dùng.

        Trong khi đại đa số người dân lao động Thái Lan sống trong cảnh nghèo khó thì các quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền và quân đội lại giàu lên nhanh chóng do tham nhũng, nhận hối lộ và những cách kiếm tiền bẩn thỉu khác. Chỉ sau 5 năm nắm giữ chính quyền quân sự quan liêu Thái Lan, từ năm 1958 đến năm 1963, Xarít Thanarát đã nâng giá trị tài sản của mình từ 500 nghìn lên 140 triệu đô la4. Tập đoàn gia đình trị Tanom Kittikachon cùng con trai Naron Kittikachon và thông gia Prapat Charukatien còn vơ vét tàn bạo hơn; đến năm 1973, tổng tài sản của nhóm người này lên tới gần 3 tỷ đô la, tức là gần gấp đôi tổng ngân sách quốc gia Thái Lan5. Nhiều bộ trưởng trong Chính phủ Thái Lan cũng tham nhũng không kém và tham nhũng đã trở thành việc thường ngày ở Thái Lan. Chẳng hạn, khi biết tin Chính phủ quyết định xây dựng sân bay mới ở Băng Cốc, 5 công ty nước ngoài đã bỏ ra 5 triệu đô la đút lót các nhà chức trách để được đặt hàng xây dựng6.

-----------------
         1. Đoàn kết với nhân dân Việt Nam, tạp chí "Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội", số 6-1965, tr. 15.

         2, 3. Xuân Hải, Bọn cầm quyền phản động Thái Lan nhất định sẽ không thoát khỏi số phận bị thất bại nhục nhã như bọn xâm lược Mỹ, tạp chí Học tập, số 3-1967, tr. 85.

         4. V.A. Pheđôrốp, Quân đội và thể chế chính trị ở Thái Lan (1945-1980), Sđd, tr. 65 (bản tiếng Nga).

         5. Báo Izvestia, ngày 9-11-1973 (bản tiếng Nga).

         6. Xuân Hải, Bọn cầm quyền phản động Thái Lan ...,Tlđd, tr. 86.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:40:14 am »


        Để phục vụ cho hơn 4 vạn quân chiếm đóng Mỹ và hơn 5.000 quân nhân Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam luân phiên nhau sang Thái Lan nghỉ ngơi, chơi bời, những người cầm quyền ở Thái Lan đã cho phép các sòng bạc, ổ mãi dâm, tiệm hút... hoạt động công khai ở khắp nơi trong nước; văn hoá, lối sống Mỹ ngày càng ăn sâu vào xã hội Thái Lan. Mặc dù đề cao các "giá trị" của "thế giới tự do", song ở Thái Lan không hề có tự do, dân chủ; các tổ chức tiến bộ đều bị giải tán, Đảng Cộng sản Thái Lan bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tập đoàn cầm quyền tuỳ ý cai trị một đất nước không có Hiến pháp, không có bầu cử; chúng lại còn thường xuyên tổ chức các cuộc đàn áp đẫm máu các phong trào yêu nước, chống Mỹ của nhân dân Thái Lan.

        Đối với các nước láng giềng, tập đoàn Xarít - Thanỏm - Praphat trong những năm 1960 thi hành chính sách cực kỳ phản động, cho quân đội trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của Lào và gây chiến tranh chống lại nhân dân Lào. Trong nhiều năm, chính quyền Thái Lan đã tiến hành những hành động xâm lược đối với Campuchia hòng buộc Campuchia phải từ bỏ con đường hoà bình, trung lập. Đối với Việt Nam, bọn cầm quyền Thái Lan đã để cho đế quốc Mỹ sử dụng các sân bay Còrạt, Tắcli, Uđôn, Ubôn làm những căn cứ xuất phát cho máy bay đi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam; đưa hàng nghìn quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam nối giáo cho Mỹ - chính quyền Sài Gòn.

        Những hành động tiếp tay cho đế quốc Mỹ của chính quyền phản động Thái Lan đã gặp sự phản đối mãnh liệt của các tầng lớp nhân dân trong nước và trên thế giới. ở trong nước, nhiều khi phong trào phản đối quân đội Thái can thiệp vào Việt Nam được hoà nhập với phong trào yêu nước, chống Mỹ nói chung. Những cuộc bãi công diễn ra ngày càng tăng, số lượng công nhân tham gia bãi công ngày càng nhiều. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 1966, số công nhân tham gia bãi công đã bằng cả 2 năm trước đó cộng lại. Hoà cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, phong trào nông dân đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống đuổi nhà, cướp ruộng để xây dựng các căn cứ quân sự cũng ngày càng mạnh mẽ. Trong năm 1966, nông dân trong cả nước Thái Lan đã tiến hành hơn 1001 cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền phản động thân Mỹ. Những cuộc đấu tranh của trí thức, sinh viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân lao động khác chống đế quốc Mỹ và chính quyền phản động cũng diễn ra ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt là phong trào đấu tranh vũ trang của các lực lượng yêu nước dưới sự lãnh đạo của Mặt trận yêu nước Thái Lan.

        Tuy không phải là đồng minh trong khối SEATO của đế quốc Mỹ, song Cộng hoà Triều Tiên cũng rất tích cực ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Để phục vụ kế hoạch chiến tranh của Mỹ, chính quyền Pắc Chung Hy đã dốc phần lớn ngân sách quốc gia vào các chi phí quân sự. Bên cạnh đội quân rất đông, bộ máy chính quyền Cộng hoà Triều Tiên còn có khoảng nửa triệu cảnh sát, mật thám và nhân viên chính quyền các cấp2. Cộng hoà Triều Tiên vốn được coi là một vựa lúa ở vùng Đông Bắc Á, nhưng do cắt đi 40 vạn hécta đất canh tác lương thực (1945-1967) để xây dựng các căn cứ, bãi tập quân sự nên sản lượng lương thực không đủ trang trải nhu cầu trong nước và mỗi năm phải nhập hàng triệu tấn ngũ cốc. Nền công nghiệp Cộng hoà Triều Tiên cũng phải chạy theo guồng máy quân sự của chủ nghĩa đế quốc nên phát triển không cân đối và lâm vào tình trạng đình đốn. Số công nhân và nông dân không có việc làm ngày càng nhiều, có tới gần 7 triệu người thất nghiệp và 2 triệu rưởi người nghèo đói phải "cứu trợ khẩn cấp"3. Đồng vôn của Cộng hoà Triều Tiên liên tục mất giá so với đồng đô la và tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng.

        Nhìn chung, việc quân sự hoá đã thực sự là gánh nặng đè lên vai những người lao động Cộng hoà Triều Tiên. Cái gọi là "Kế hoạch 5 năm lần thứ hai xây dựng kinh tế (1967-1971)" được công bố cuối năm 1966 thực chất là một kế hoạch bóc lột nhân dân không thương tiếc với dự định tăng thuế lên gần gấp đôi, tăng giá cước xe lửa và tăng các khoản thu khác nhằm vào người dân. Đây cũng là một kế hoạch hoàn toàn lệ thuộc vào tư bản nước ngoài bởi gần 40% vốn đầu tư theo "kế hoạch" này được dự tính thu hút từ bên ngoài, chủ yếu là tư bản Mỹ. Điều đáng nói là giới tư bản Mỹ đặt ra những điều kiện nhằm bảo đảm chủ yếu đầu tư vào các ngành liên quan đến quân sự hoá, đến cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở châu Á và bảo đảm sự thống trị của tư bản Mỹ đối với thị trường Cộng hoà Triều Tiên. Tạp chí Phố Uôn của Mỹ (The Well Street Journal) cho biết, tiền lương công nhân và viên chức ở Cộng hoà Triều Tiên là một trong những mức lương thấp nhất ở châu Á. Hàng triệu nông dân bị thiếu lương thực; mỗi năm có khoảng 25 vạn nông dân rời bỏ nông thôn để vào thành phố tìm việc làm, đó là chưa kể những người không có khả năng tự nuôi sống trên khoảnh ruộng ngày càng bị thu hẹp của họ. Số người thất nghiệp lên rất cao, trong số 28,4 triệu dân của cả nước đã có tới 7 triệu người thất nghiệp hoàn toàn và bán thất nghiệp4. Tất cả những điều đó đã làm cho đời sống của người dân lao động ngày càng khó khăn; nhiều người phải tìm đến con đường tự sát vì thiếu thốn, nợ nần. Mỗi năm, hàng vạn người dân Cộng hoà Triều Tiên phải rời bỏ quê hương đi phu cho các đồn điền của Mỹ ở châu Mỹ Latinh.

------------------
         1. Các số liệu trong đoạn này dẫn theo: Xuân Hải, Bọn cầm quyền phản động Thái Lan ...,Tlđd, tr. 87.

         2, 3. Quang Thái, Đưa lính đánh thuê sang Nam Việt Nam, bọn Pắc Chung Hy đang đi vào con đường chết cùng với chủ Mỹ, tạp chí Học tập, số 3-1967, tr. 83.

         4. Nam Triều Tiên - kẻ cung cấp bia thịt, tạp chí Học Tập, số 6-1967, tr. 67.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:41:59 am »


        Việc chính quyền Pắc Chung Hy cung cấp lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam và những hành động tội ác của các đơn vị quân đội Cộng hoà Triều Tiên mang tên thú vật như rồng, ngựa, hổ... đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ ở cả hai miền Nam, Bắc Triều Tiên và trên thế giới. Người dân Cộng hoà Triều Tiên coi việc Chính phủ đưa quân chiến đấu sang chiến trường miền Nam Việt Nam đồng nghĩa với việc đưa con em họ đi làm "bia đỡ đạn", chết thay cho lính Mỹ ở Nam Việt Nam. Bất chấp sự khủng bố của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Pắc Chung Hy, phong trào đấu tranh của nhân dân Cộng hoà Triều Tiên, nhất là của thanh niên, sinh viên, chống Chính phủ gửi quân đội sang miền Nam Việt Nam ngày càng dâng cao. Đặc biệt, khi tin tức về số thương vong của binh lính Cộng hoà Triều Tiên tăng lên từng ngày, phong trào này càng trở nên sôi sục. Ngay khi đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân đội Cộng hoà Triều Tiên (Sư đoàn "Mãnh hổ") được đưa sang Việt Nam, tháng 8 năm 1965, hơn 60.000 thanh niên, sinh viên và nhân dân thủ đô Sơun đã biểu tình rầm rộ, hô vang khẩu hiệu "chúng tôi không muốn đi làm bia đỡ đạn cho Mỹ ở Việt Nam". Hàng vạn thanh niên Cộng hoà Triều Tiên ở các thành phố Pusan, Chungiu cũng biểu tình phản đối việc gửi lính đánh thuê sang Nam Việt Nam; số thanh niên trốn đi lính để khỏi phải sang Nam Việt Nam ngày càng tăng. Chính Bộ Quốc phòng Cộng hoà Triều Tiên phải thừa nhận, năm 1965 có 11.000 thanh niên trốn đi lính, nhưng năm 1966 đã lên tới gần 20 vạn người1. Nhiều binh sĩ tại ngũ khi biết tin họ sắp bị đưa sang Nam Việt Nam đã trốn sang Nhật Bản.

        Ngay cả "tầng lớp trên" ở Cộng hoà Triều Tiên cũng không đồng tình với việc tập đoàn Pắc Chung Hy đưa quân chiến đấu sang Nam Việt Nam. Một số người trong giới cầm quyền đã coi đây là hành động phản dân hại nước và họ kịch liệt phản đối. Tháng 3 năm 1966, một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra tại Quốc hội Cộng hoà Triều Tiên về dự luật gửi quân đội sang Nam Việt Nam. Ngày 18 tháng 2 năm 1967, Pôxun Yun - Thủ lĩnh Đảng Dân chủ đối lập, đã tuyên bố phản đối ý định của chính quyền Pắc Chung Hy đưa thêm quân sang miền Nam Việt Nam. Mặc dù bị dư luận trong nước và quốc tế kịch liệt phản đối, song Pắc Chung Hy và phe cánh vẫn tỏ ra hãnh diện trong việc tận tình ủng hộ đế quốc Mỹ. Tại Hội nghị SEATO họp tại Manila (tháng 10 năm 1966), đại diện Cộng hoà Triều Tiên rất tự hào vì tính theo tỷ lệ so với số dân, Cộng hoà Triều Tiên đã góp nhiều quân nhất, hơn cả Mỹ, vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đáp lại sự "nhiệt tình" của Chính phủ Cộng hoà Triều Tiên, giữa năm 1966, Mỹ hứa tăng "viện trợ" cho nước này mỗi năm 110 triệu đô la và cho ngay 15 triệu đô la. Nhưng tính ra, số tiền mà Mỹ bỏ ra để đổi lấy việc Chính phủ Cộng hoà Triều Tiên đưa 50.000 binh lính sang Nam Việt Nam chỉ bằng số tiền Mỹ chi phí ở Việt Nam trong vài ngày2.

        Trong các kế hoạch "quốc tế hoá" cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của đế quốc Mỹ, Philíppin được đặt vào vị trí rất quan trọng. Chính quyền Giônxơn muốn chứng minh rằng có một "quốc gia độc lập, dân chủ ở châu Á" chủ động liên kết với Mỹ trong cuộc chiến chống "Việt cộng". Chính phủ Philíppin, do Tổng thống Macapagan đứng đầu, tuyên bố sẵn sàng ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Tháng 6 năm 1965, Macapagan ký một bản "Dự luật về Việt Nam", theo đó Philíppin sẽ chi viện kỹ thuật, quân sự cho quân đội Sài Gòn và đưa quân đội sang Nam Việt Nam. Việc Tổng thống Philíppin ký dự luật này đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân Philíppin chống đế quốc Mỹ. Chính sự bất bình của đông đảo quần chúng nhân dân đối với việc Chính phủ ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, việc lôi kéo Philíppin vào cuộc chiến và sự nhượng bộ của Macapagan đối với đế quốc Mỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Macapagan trong cuộc bầu cử tổng thống Philíppin tháng 11 năm 1965. Trong cuộc vận động bầu cử, đối thủ chủ yếu của Macapagan là Máccốt đã kịch liệt phê phán "Dự luật về Việt Nam", coi đó là "một ý đồ không hề giấu giếm nhằm đẩy nhân dân vào cuộc chiến tranh của người khác mà không mảy may tính đến những hậu quả của bước đi này đối với đất nước ta"3. Tuy nhiên, dưới sức ép của các thế lực đầy ảnh hưởng ở trong nước và nước ngoài, trong quá trình chiến dịch tranh cử, Máccốt đã phải thay đổi quan điểm của mình về vấn đề Việt Nam.

-----------------
         1, 2. Quang Thái, Đưa lính đánh thuê sang Nam Việt Nam..., Tlđd, tr. 84, 86.

         3. Quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á và Viễn Đông, Mátxcơva, 1978, tr. 177-178 (bản tiếng Nga).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:42:37 am »


        Với việc Philíppin tham gia chiến tranh Việt Nam, Mỹ hứa cung cấp cho Philíppin một khoản tín dụng lớn và giúp đỡ về kỹ thuật trong cuộc chiến chống nạn cướp biển, một vấn đề đang được coi là quốc nạn của Philíppin. Phát biểu tại Manila nhân dịp tới dự lễ nhậm chức tổng thống của Máccốt, Phó tổng thống Mỹ Hămphri công khai nhấn mạnh rằng, mức độ viện trợ của Mỹ sẽ tuỳ thuộc vào sự tham gia của Philíppin trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Ông ta tuyên bố: "Nếu Chính phủ Philíppin cử quân đội sang Việt Nam, Mỹ sẽ đặc biệt quan tâm và thiên về đáp ứng các nhu cầu kinh tế và quân sự của Philíppin"1.

        Về phần mình, Chính phủ Philíppin cố gắng biện minh cho quan điểm của mình về vấn đề Việt Nam, rằng cuộc đấu tranh chống kẻ thù nguy hiểm nhất - chủ nghĩa cộng sản, là một việc làm cần thiết. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Philíppin về việc nước này tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, Chính phủ của Tổng thống Máccốt lại giải thích chính sách của Philíppin đối với vấn đề Việt Nam là muốn đưa ra một sáng kiến "giải quyết hoà bình" cuộc xung đột, trong đó Philíppin sẽ giữ vai trò trung gian hoà giải giữa Cộng hoà Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Song, những hành động thực tế của Chính phủ Philíppin trong giai đoạn này lại hoàn toàn đi ngược lại những lời giải thích của Máccốt. Chính sách của Chính phủ Máccốt đã bị đông đảo các tầng lớp xã hội Philíppin lên án gay gắt. Các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chủ nghĩa đế quốc diễn ra không ngớt và một trong những cuộc biểu tình lớn nhất đã diễn ra đúng vào ngày Phó tổng thống Mỹ Hămphri đến thăm Manila (ngày 21 tháng 2 năm 1966). Diễn đàn Quốc hội Philíppin đã trở thành nơi diễn ra những cuộc tranh cãi kéo dài về vấn đề chiến tranh Việt Nam, một vấn đề trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Philíppin thời kỳ này. "Dự luật về Việt Nam" đã gặp sự phản đối mạnh mẽ ở cả hai viện của Quốc hội Philíppin. Phe đối lập khẳng định việc Philíppin tham gia chiến tranh chống Việt Nam là sự vi phạm thô bạo Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Sự phản đối gay gắt của đông đảo dư luận xã hội và cả trong chính giới Philíppin khiến cho Tổng thống Máccốt phải bỏ ra không ít công sức mới thông qua được "Dự luật về Việt Nam" (ngày 9 tháng 6 năm 1966). Có thể nói, Chính phủ Philíppin thông qua quyết định tham gia chiến tranh Việt Nam là do chịu ảnh hưởng của hai nhân tố chủ yếu. Trước hết, đó là sức ép trực tiếp của Chính phủ Mỹ. Do nền kinh tế Philíppin nói chung, một số doanh nghiệp lớn của Philíppin nói riêng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, vào nguồn tín dụng và viện trợ kỹ thuật của Mỹ; vì vậy, khi tình hình tài chính Philíppin có khó khăn và xuất phát từ lợi ích riêng của các doanh nghiệp có thế lực, hàng loạt nghị sĩ và thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua dự luật. Nhân tố thứ hai ảnh hưởng đến quyết định của Chính phủ Philíppin là tâm lý lo sợ một khi Mỹ thất bại ở Việt Nam thì các lực lượng khởi nghĩa sẽ đẩy mạnh các hoạt động vũ trang chống Chính phủ.

        Chính sách phiêu lưu của Mỹ ở Đông Dương cũng được Chính phủ Ôxtrâylia ủng hộ tích cực. Chính sự "nhiệt tình" của Chính phủ Mengic đã làm dấy lên một làn sóng mạnh mẽ trong xã hội Ôxtrâylia chống chiến tranh xâm lược của Mỹ và những hoạt động công khai phản đối chính sách của Chính phủ diễn ra với quy mô ngày càng rộng rãi. Ngay từ năm 1965, khi Thủ tướng Ôxtrâylia Mengic tuyên bố sẵn sàng gửi một tiểu đoàn lính bộ binh sang miền Nam Việt Nam, giai cấp công nhân Ôxtrâylia đã tập hợp thành một lực lượng đông đảo trong phong trào đấu tranh chống lại chính sách ủng hộ Mỹ của Chính phủ. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Ôxtrâylia kêu gọi tất cả những người yêu nước Ôxtrâylia hãy tích cực tham gia phong trào phản đối Chính phủ gửi quân đội sang Việt Nam "cho đến khi nào Chính phủ thay đổi quyết định của mình"1. Ban chấp hành Trung ương của Tổ chức công đoàn những người thợ mỏ Ôxtrâylia kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Công nhân Xítni tuyên bố họ sẽ không bốc dỡ hàng hoá cho các tàu của Mỹ neo đậu ở các cảng Ôxtrâylia nếu Mỹ không chấm dứt các hành động xâm lược chống nhân dân Việt Nam. Phong trào chống chiến tranh xâm lược của Mỹ và phản đối quyết định của Chính phủ đã làm đau đầu giới chức Ôxtrâylia. Quốc hội Ôxtrâylia phải tiến hành nhiều cuộc thảo luận với sự tranh cãi gay gắt về quyết định đưa quân sang Việt Nam. Làn sóng đấu tranh càng trở nên mạnh mẽ sau khi Ôxtrâylia đưa các đơn vị quân đội đầu tiên sang Việt Nam và có ý định tiếp tục tăng cường lực lượng này khiến suốt mùa thu 1966, các giới chức chính quyền phải liên tục tuyên bố rằng Chính phủ chưa đưa ra một quyết định nào về việc gia tăng lực lượng Ôxtrâylia tại miền Nam Việt Nam. Sau thắng lợi của quân và dân Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, phong trào chống chiến tranh luôn gắn với các kiến nghị đòi Chính phủ rút quân đội về nước. Ngày 16 tháng 12 năm 1969, hơn 200 nhân viên bán hàng và 32 lãnh tụ nghiệp đoàn lao động thay mặt cho hơn 1,5 triệu cử tri Ôxtrâylia đã thông qua một nghị quyết phản đối sự tham gia chiến tranh Việt Nam của Ôxtrâylia; đồng thời họ cũng thông qua một nghị quyết kêu gọi các binh sĩ Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam hãy buông súng và khước từ chiến đấu.

-----------------
         1. Quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á và Viễn Đông, Mátxcơva, 1978, tr. 177-178 (bản tiếng Nga).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:43:55 am »


        Trong các đồng minh SEATO của Mỹ, Niu Dilân tỏ ra kém "nhiệt tình" nhất trong việc "góp cờ" cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Theo Rôbớt M.Gơn - đại diện Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Niu Dilân, cho biết, chính quyền Niu Dilân "ngần ngại không muốn dính líu sâu đậm" vào các hoạt động tác chiến ở miền Nam Việt Nam "vì những lý do chính trị". Nhưng giới quân sự Niu Dilân thì trái lại, muốn tham gia vì muốn "tiếp thu kinh nghiệm về hành quân tác chiến"2. Mặc dù Niu Dilân là nước đồng minh gửi quân sang Việt Nam ít nhất, song làn sóng đấu tranh phản đối Chính phủ ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn lan rộng trong cả nước.

        Việc Chính phủ một số nước đồng minh Mỹ bất chấp dư luận quốc tế và sự phản đối của nhân dân trong nước, đưa quân đội của mình sang chiến trường miền Nam Việt Nam, không phải là một nghĩa hiệp nhằm cứu giúp một đồng minh trong lúc khó khăn, như Mỹ và các nước ra sức tuyên truyền. Ngoài nguyên nhân về ý thức hệ và do sức ép của đế quốc Mỹ còn có phần do tính toán vụ lợi của các tập đoàn tư bản cầm quyền. Như Cộng hoà Triều Tiên chẳng hạn, ngay trong chuyến thăm Mỹ tháng 5 năm 1965, Tổng thống Pắc Chung Hy đã cơ bản nhất trí sẽ đưa một sư đoàn quân đội Cộng hoà Triều Tiên vào Việt Nam, nhưng biết rõ Mỹ rất cần sự tham gia của quân đội các nước đồng minh, dù chỉ là tượng trưng, Pắc Chung Hy đã không ngần ngại đưa ra các điều kiện "mặc cả" với Mỹ, nhất là vấn đề "viện trợ". Kết quả là tháng 8 năm 1965, Mỹ phải mở hầu bao rót thêm cho Cộng hoà Triều Tiên 150 triệu đô la; giữa năm 1966 chấp nhận tăng mức "viện trợ" mỗi năm thêm 110 triệu đô la3. Sự "trả công" của Mỹ cho Thái Lan có vẻ hậu hĩnh hơn. Nếu như trong mười năm 1951-1961, tổng "viện trợ" quân sự Mỹ cho Thái Lan là 298,9 triệu và viện trợ kinh tế là 224 triệu đô la thì trong thập niên tiếp theo 1962-1972, do những đóng góp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, các con số này được nâng lên tương ứng là 756,6 triệu và 340,4 triệu đô la4. "Viện trợ" của Mỹ cho các nước Philíppin, Ôxtrâylia và Niu Dilân có vẻ khiêm tốn hơn và chủ yếu là viện trợ quân sự.

        Sẽ không thật khách quan nếu không nhận thấy rằng, "viện trợ" của Mỹ đã có những tác động nhất định góp phần làm thay đổi diện mạo của các nước đồng minh. Đối với Cộng hoà Triều Tiên chẳng hạn, "viện trợ" Mỹ không chỉ giúp tạo được bộ mặt phồn vinh mà nhờ có các khoản đầu tư của Mỹ, nền kinh tế nước này đã có những bước phát triển nhất định. Nếu như vào thời kỳ trước chiến tranh (1950-1953), Cộng hoà Triều Tiên vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, thì đến thời kỳ sau chiến tranh, đặc biệt là vào đầu những năm 60 thế kỷ XX, thu nhập đầu người của nước này đã có những bước cải thiện đáng kể.

        Tuy nhiên, cái giá phải trả cho diện mạo "phồn vinh" đó là quá đắt so với tính mạng, xương máu của hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn con em nhân dân lao động. Đó là chưa kể sự phụ thuộc về chính trị, kinh tế của các nước vào cỗ máy chiến tranh xâm lược của Mỹ và những hậu quả làm mất đi thuần phong, mỹ tục của các nước Á Đông.

        Từ năm 1969, hầu hết các nước đồng minh bắt đầu muốn rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Tháng 10 năm 1969, Philíppin công bố kế hoạch rút một phần quân và 2 tháng sau đã rút hơn một nghìn công dân vụ khỏi Việt Nam. Việc rút quân của Philíppin đã ngay lập tức tác động đến Thái Lan. Tháng 12 năm 1969, gần 20 quan chức chính quyền cao cấp trong Quốc hội Thái Lan đã ký một bản kiến nghị gửi Thủ tướng, yêu cầu rút quân khỏi Việt Nam và tháng 9 năm 1970, Thái Lan bắt đầu rút 12 nghìn quân khỏi Việt Nam. Ngày 28 tháng 1 năm 1970, Ôxtrâylia tuyên bố sẽ rút quân đợt 1 vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 1970. Ngày 20 tháng 8 năm 1970, Niu Dilân cũng tuyên bố rút quân.

-----------------
         1. Đoàn kết với nhân dân Việt Nam, Tlđd, tr. 8.

         2. Larsen S.R. and Collins J.L., Allied Participation in Vietnam, op.cit., p.105.

         3. Quang Thái, Đưa lính đánh thuê sang Nam Việt Nam..., Tlđd, tr. 84.

         4. "Congressional Record", Vol. 119, N0120, July 27, 1973, p. E5146.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:44:32 am »


       2. Quan hệ của các nước đồng minh Mỹ với Việt Nam sau chiến tranh.

        Ngay từ khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ còn chưa kết thúc, khối liên minh quân sự hiếu chiến SEATO đã đứng trước nguy cơ tan rã không gì cứu vãn nổi. Các nước đồng minh Mỹ bắt đầu xem xét lại chính sách của mình đối với cuộc chiến tranh Việt Nam nói riêng, đối với Mỹ và Việt Nam nói chung.

        Năm 1971, Thái Lan và Philíppin, hai trong năm nước sáng lập viên khối ASEAN, một tổ chức của các nước Đông Nam Á ra đời năm 1967 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá thông qua các chương trình hợp tác, bảo vệ sự ổn định chính trị và kinh tế trong khu vực, tham gia ký vào bản Tuyên bố ASEAN về việc biến Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, tự do và trung lập (ZOPFAN). Tuyên bố này, về hình thức, tạo ra một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của các nước ASEAN. Từ chỗ là đồng minh của Mỹ, phụ thuộc vào Mỹ, các nước ASEAN muốn tách ra, thực hiện chính sách không liên kết với các nước lớn. Đối với Việt Nam, bản Tuyên bố này phát đi một thông điệp về việc các nước ASEAN bắt đầu chấm dứt ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Theo tinh thần của bản Tuyên bố, tháng 3 năm 1975, Chính phủ Thái Lan đòi Mỹ rút quân khỏi nước mình và triệt thoái các căn cứ quân sự Mỹ. Bốn tháng sau đó, Thái Lan tuyên bố bãi bỏ tất cả các hiệp ước quân sự đã ký với Mỹ, ngoại trừ Hiệp ước tham gia khối SEATO. Đến tháng 3 năm 1976, quân đội Mỹ rút khỏi Thái Lan.

        Những dấu hiệu của việc Philíppin muốn giảm dần sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này bắt đầu xuất hiện từ mùa xuân năm 1975, khi Philíppin đòi xem xét lại các hiệp ước quân sự giữa hai nước và đòi Mỹ trao quyền kiểm soát tất cả các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philíppin cho nước này. Với tư cách là thành viên khối ASEAN, tháng 7 năm 1975, Thái Lan, Philíppin và Singgapo đòi giải thể khối SEATO. Trước tình hình đó, cuối tháng 9 năm 1975, Hội đồng SEATO ra quyết định sẽ giải thể khối quân sự này trong vòng 2 năm. Từ ngày 1 tháng 7 năm 1977, SEATO chính thức chấm dứt tồn tại. Tuy nhiên, "Hiến chương Thái Bình Dương" và "Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á", tức là các văn kiện có tính chất là nền tảng chính trị của khối SEATO, vẫn giữ nguyên hiệu lực; điều đó có nghĩa là trong trường hợp cần thiết, các nước đế quốc vẫn có khả năng tái lập khối quân sự hiếu chiến này.

        Về phía Việt Nam, từ sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, Việt Nam bắt đầu tích cực triển khai chính sách khu vực, đẩy mạnh quan hệ song phương với các nước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nam - Bắc được sum họp một nhà trong bầu không khí độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam muốn giang rộng cánh tay đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với tất cả các dân tộc trên thế giới, cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh, tiến bộ. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Lao động (Đảng Cộng sản) Việt Nam khẳng định: "Hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước Đông Nam châu Á vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và trung lập thật sự, không có căn cứ quân sự và quân đội của đế quốc trên đất nước mình; sẵn sàng thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực này trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng tồn tại trong hoà bình"1. Không chỉ mong muốn thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, Việt Nam còn mong muốn "Thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường... với tất cả các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi"2.

        Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng, Việt Nam đã làm hết sức mình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngay trong những năm đầu bắt tay vào công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước, vị thế quốc tế của Việt Nam đã từng bước được nâng cao. Tháng 9 năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc; nhiều nước trên thế giới lần lượt đặt quan hệ ngoại giao và ký các hiệp định trao đổi thương mại, văn hoá, giáo dục... với Việt Nam. Đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đến tháng 8 năm 1976, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với tất cả 5 nước thành viên khi đó của ASEAN là Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Singapo và Thái Lan. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước ASEAN, những chuyến thăm của các quan chức cấp cao các nước cùng với các hiệp định hợp tác kinh tế giữa các nước được ký kết đã làm cho bầu không khí tin cậy, hiểu biết lẫn nhau ở khu vực Đông Nam Á được cải thiện đáng kể. Nhưng bầu không khí đó nhanh chóng bị vấy bẩn bởi những người lãnh đạo Khơme đỏ dựng lên cái gọi là "vấn đề Campuchia" và coi Việt Nam là kẻ thù, làm cho quan hệ láng giềng giữa Việt Nam và Campuchia trở nên căng thẳng chưa từng thấy; đồng thời gây sự hiểu lầm nhất định trong dư luận quốc tế. Sự hiểu lầm đó đã đẩy Việt Nam vào tình thế bị bao vây, cô lập trong suốt hơn một thập niên.

-----------------
        1, 2. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 618, 619.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:45:47 am »


        Sang đầu thập niên 90 thế kỷ XX, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động và trong quan hệ quốc tế xuất hiện những xu thế mới. Các nước có những nhận thức thực tế hơn về mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, rằng bên cạnh lợi ích mang tính giai cấp, mang tính ý thức hệ còn có những lợi ích mang tính toàn cầu; trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, nhiều vấn đề cần sự phối hợp, hợp tác giữa các nước mới có thể được giải quyết. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6 năm 1991) đã phát triển phương châm "thêm bạn, bớt thù" được đề ra tại Đại hội VI (tháng 12 năm 1986) thành phương châm "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển"1.

        Vận dụng phương châm đó, Việt Nam đã cải thiện được quan hệ với các nước và khu vực. Những đóng góp của Việt Nam vào quá trình hoà giải, hoà hợp dân tộc ở Campuchia và việc rút hoàn toàn quân đội về nước (tháng 9 năm 1989) không chỉ được các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực Đông Nam Á ủng hộ tích cực mà các nước Tây Âu cũng rất đồng tình. Cộng đồng châu Âu (EC) đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta, trong khi trước đây chỉ có từng nước châu Âu quan hệ ngoại giao song phương với Việt Nam. Ngay Hoa Kỳ cũng ra tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Việt Nam (ngày 12 tháng 7 năm 1995); từng bước tháo dỡ và xoá bỏ hoàn toàn cấm vận đối với Việt Nam.

        Trong số các nước đồng minh Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam, Ôxtrâylia là nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sớm nhất, gần đúng 1 tháng sau khi Hiệp định Pari được ký kết (ngày 26 tháng 2 năm 1973). Tuy nhiên, từ cuối thập niên 70 và trong suốt thập niên 80 thế kỷ XX, do tư duy chiến lược quân sự mới và đặc biệt là sự hiểu lầm trong vấn đề Campuchia nên quan hệ của Ôxtrâylia với Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp.

        Năm 1976, sau khi lên cầm quyền thay Chính phủ Công Đảng Ôxtrâylia (Australian Labor Party), Chính phủ liên hiệp của các đảng Tự do - Quốc gia dân tộc (Liberal - National Country Party) do Mancôm Phrâydơ đứng đầu đã xem xét lại chính sách quốc phòng "để chuẩn bị đối phó với thế giới như hiện nay". Theo đánh giá của J. Killen - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ôxtrâylia dưới thời Phrâydơ, tình hình an ninh thế giới tuy có "một số biến chuyển không thuận lợi và tình trạng bất định của tương lai, nhưng tính chung triển vọng của chúng ta là thuận lợi"2. Ôxtrâylia thấy có ít nguyên nhân để lo lắng về tình hình an ninh vì trong các nước láng giềng "không thân thiện", không nước nào là nguồn đe dọa cả. Duy chỉ ở phía bắc là có tiềm năng xảy ra tình trạng đáng lo ngại bởi có Inđônêxia là nước "có một lịch sử chính trị không kiên định", lại nằm ở cửa ngõ Ôxtrâylia. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ôxtrâylia Anđrây Picốc cho rằng: nước này "đã qua khỏi kỷ nguyên do chiến tranh chế ngự và đương nhiên quan hệ của chúng ta lúc bấy giờ ở trong vùng đã được tập trung vào các đầu mối quốc phòng và an ninh. Ngày nay tôi tin rằng chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà các vấn đề kinh tế sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với Đông Nam châu Á"3.

        Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Ôxtrâylia tích cực điều chỉnh chiến lược quân sự từ "phòng thủ trong nước" sang "phòng thủ khu vực", ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh, những nhân tố "phi nhà nước" nhằm vào Ôxtrâylia. Ôxtrâylia tăng cường phối hợp với Mỹ trong chiến lược bao vây, kiềm chế Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, hỗ trợ và làm "phó" cho Mỹ trong các hoạt động quân sự ở Đông Nam Á; đồng thời củng cố quan hệ quân sự với các nước ASEAN và một số nước khác nhằm tăng cường vai trò, ảnh hưởng của Ôxtrâylia ở khu vực.

        Sự thay đổi chính sách quốc phòng và đối ngoại của Ôxtrâylia đã tác động trực tiếp đến quan hệ của nước này với Việt Nam; đặc biệt là sau khi Hiệp định Pari về vấn đề Campuchia được ký kết (ngày 23 tháng 10 năm 1991), quan hệ Việt Nam - Ôxtrâylia dần trở lại bình thường. Việt Nam và Ôxtrâylia đã ký kết nhiều hiệp định, thoả thuận và cam kết quan trọng về hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1990 đến năm 1997, Việt Nam và Ôxtrâylia đã ký kết hàng chục hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển.

-----------------
         1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 147.

         2, 3. Sự hình thành chính sách quốc phòng, Tài liệu do Học viện Quốc phòng dịch, lưu tại Thư viện Trung ương quân đội (số 9501), tr. 2.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM