Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:32:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam  (Đọc 26203 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:26:46 am »


        Bộ ngoại giao Mỹ được thông báo lập trường của Tòa đại sứ, nhưng hy vọng sẽ "duy trì hiện trạng". Phía Mỹ tin rằng, với năm 1969 là năm bầu cử tại Philíppin thì vấn đề Phái bộ dân sự vụ ở Nam Việt Nam có thể được đưa ra tại các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Philíppin, góp phần làm minh bạch những phương sách mà người Philíppin lựa chọn.

        Ngày 5 tháng 6 năm 1969, Thượng viện Philíppin thông qua ngân sách quốc gia, trong đó có ngân khoản dành cho Phái bộ dân sự vụ, nhưng chỉ để chi cho việc rút quân về nước. Trong quá trình diễn ra tranh cử tổng thống (đến đầu tháng 10 năm 1968), Phái bộ dân sự vụ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Ngay sau ngày bầu cử, Tổng thống Máccốt đã công bố với báo chí, dự kiến triệu tập một cuộc họp bàn về kế hoạch duy trì một đội y tế nhỏ ở Nam Việt Nam và sẽ không đề nghị Quốc hội cấp thêm ngân sách. Ngày 11 tháng 11 năm 1969, Tòa đại sứ Mỹ tại Manila nhận được thông báo của Bộ ngoại giao Philíppin rằng, Chính phủ Philíppin đã quyết định rút PHILCAG về nước theo đề nghị của Hội đồng chính sách đối ngoại.

        Tuyên bố này lập tức tác động đến các nước đồng minh khác có lực lượng tham chiến ở Nam Việt Nam. Ngày 20 tháng 11 năm 1969, Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, tướng Thanat Khôman, trong khi đề cập việc rút quân với Đại sứ Mỹ Bâncơ đã tỏ ra hoang mang trước việc các nước "đồng minh trong thế giới tự do không được tham khảo ý kiến về quyết định rút quân của Philíppin và tuyên bố việc đóng góp trong tương lai của các đồng minh cho Nam Việt Nam sẽ sớm được đưa ra bàn bạc giữa họ. Một số lực lượng của thế giới tự do tỏ ý nghi ngờ Mỹ đã được Chính phủ Philíppin thông báo trước về quyết định này"1.

        Kế hoạch rút quân về nước của lực lượng Philíppin được bắt đầu từ ngày 25 tháng 11 năm 1969. Bộ phận đầu tiên được máy bay C130 của Mỹ chuyên chở thành hai đợt: đợt thứ nhất vào ngày 1 tháng 12 và đợt thứ hai sau đó một tuần. Bộ phận chính được chuyên chở bằng tàu LST của Philíppin trong thời gian từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 12. Khi lực lượng này lên đường, căn cứ của Philíppin được chuyển giao cho Sư đoàn bộ binh 25 Mỹ. Sở chỉ huy của Phái bộ dân sự vụ Philíppin tại Nam Việt Nam lúc đó được mở lại ở trại Bonaphico, Philíppin.

        Khi bộ phận chính ra đi, một toán 44 binh sĩ ở lại sau để bàn giao trang thiết bị mà lực lượng Philíppin đã sử dụng cho quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn. Ngày 21 tháng 1 năm 1970, hầu hết toán này đã về nước, chỉ để lại 14 người để hoàn tất việc lập hồ sơ số trang bị bàn giao. Người cuối cùng trong số này rời khỏi Việt Nam vào ngày 15 tháng 2 năm 1970. Lực lượng ở lại được gọi là Đoàn Philíppin tại Nam Việt Nam (Philippine Contingent), gồm bộ phận sở chỉ huy, 4 tổ xử lý trang bị còn lại của chương trình viện trợ quân sự và 4 tổ y tế, nha khoa. Tổng quân số được phép của lực lượng này là 131 người, trong đó có 66 bác sĩ nội, ngoại khoa, nha khoa và kỹ thuật viên thuộc các đội y tế ở Tây Ninh, Định Tường (Mỹ Tho), Phú Cường (Bình Dương) và Ba Trại (Hậu Nghĩa). Bộ phận thuộc chương trình viện trợ quân sự gồm 36 chuyên viên, chia làm 4 tổ xử lý quân cụ còn lại. Các tổ này được bố trí ở Long Bình, Đà Nẵng, Quy Nhơn và vịnh Cam Ranh.

        Bộ tư lệnh MACV đã phối hợp với Bộ tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn để bảo đảm an ninh cho lực lượng Philíppin còn lại. Nhân viên thuộc sở chỉ huy Philíppin ở tại cư xá Mỹ ở Sài Gòn, các bộ phận hoạt động thì đóng trong các căn cứ của quân đội Sài Gòn. Theo chính sách trước đây, các thành viên của Đoàn Philíppin mang vũ khí chỉ nhằm mục đích tự vệ trong trường hợp bị tiến công, không tham gia các hoạt động tác chiến.

-----------------
       1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 73.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:27:25 am »


        Như thế, vai trò hoạt động của lực lượng Philíppin tại Nam Việt Nam đến đây đã gần như hoàn tất. Năm 1964, đơn vị đầu tiên của Đoàn Philíppin gồm các tổ nha khoa và phẫu thuật đã đến Nam Việt Nam. Khi Phái bộ dân sự vụ thứ nhất đến nơi vào năm 1966, Đoàn Philíppin ban đầu được sáp nhập với lực lượng này. Đầu năm 1970, Đoàn Philíppin tại Nam Việt Nam trở thành bộ phận cuối cùng của Phái bộ dân sự vụ rút về nước.

        Trong thời gian tham gia chiến tranh tại Nam Việt Nam, Phái bộ dân sự vụ Philíppin mặc dù không trực tiếp tham gia tác chiến, nhưng đã có những hoạt động tích cực, hỗ trợ cho các cuộc hành quân "tìm diệt" của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn ở khu vực Tây Ninh. Trong chương trình "bình định", lực lượng công binh Philíppin đã xây dựng 1.164km đường, 11 cây cầu, 169 căn nhà, 10 tháp, 194 cống ngầm, 54 trung tâm dồn, gom dân để đưa vào các "ấp chiến lược". Họ cũng đã phát quang được 778 ha dất rừng, chuyển 2.225 ha thành các công trình công cộng, xây dựng các trang trại "kiểu mẫu" (trên 10 ha). Trong chương trình cải thiện môi trường, họ đã khôi phục, sửa chữa 94 km đường, 47 tòa nhà, 12 tiền đồn, 245 giếng nước và tham gia công tác xây dựng nhỏ hai đường băng của sân bay Tây Ninh. Chương trình cũng đã huấn luyện cho 32 người biết cách sử dụng và bảo dưỡng các trang thiết bị; 139 người về giáo dục sức khỏe,... Trong chương trình "bình định" này, lực lượng Philíppin đã giúp chính quyền Sài Gòn gom, dồn được 1.065 gia đình vào trong 14 "ấp chiến lược" và được lực lượng này bảo trợ. Trong chương trình y tế dân sự vụ, Phái bộ đã điều trị cho 724.715 người bệnh; chữa răng cho 218.609 người và thực hiện được 35.844 ca tiểu phẫu thuật. Theo đánh giá của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, những hoạt động của Phái bộ dân sự vụ Philíppin đã "đóng góp" rất nhiều cho chương trình "bình định" nông thôn, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn1.

        Thực tế cho thấy, các hoạt động "bình định" của lực lượng Philíppin tại Nam Việt Nam đã hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch "tìm diệt" của Mỹ - quân đội Sài Gòn trong mùa khô 1966-1967 và đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân tỉnh Tây Ninh, địa bàn đóng quân và tác nghiệp của lực lượng này. Các lực lượng vũ trang địa phương Tây Ninh đã mở nhiều cuộc tiến công quy mô nhỏ và vừa vào các căn cứ, các dự án "dồn dân lập ấp chiến lược" của lực lượng Philíppin. Quân và dân Tây Ninh còn mở các đợt tuyên truyền vận động đối với các binh sĩ Philíppin để họ thấy rõ sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Nam Việt Nam, đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa và nhân dân Việt Nam đứng lên tiến hành kháng chiến chống lại quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn là sự nghiệp chính nghĩa.

        Quá trình tham gia chiến tranh, lực lượng quân đội Philíppin cũng chịu một số tổn thất với 2 người chết, 17 người bị thương và một số máy móc, thiết bị, xe thiết giáp bị phá huỷ2. Đầu năm 1970, cùng với sự thất bại của Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đội các nước đồng minh khác trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam, sự phản đối của các lực lượng tiến bộ trên thế giới và dư luận trong nước, Chính phủ Philíppin đã buộc phải tuyên bố rút quân về nước, chấm dứt sự dính líu của họ vào cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.

-----------------
        1, 2. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 76.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:29:06 am »


        V. QUÂN ĐỘI NIU DILÂN

        1. Chính sách của Chính phủ Niu Dilân đối với cuộc chiến tranh Việt Nam và quá trình đàm phán Mỹ - Niu Dilân về việc đưa quân sang tham chiến tại miền Nam Việt Nam.


        Đối với Niu Dilân, việc tham gia chiến tranh Việt Nam là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất, đồng thời cũng để lại nhiều kinh nghiệm quân sự nhất cho quân đội nước này trong thế kỷ XX. Chiến tranh Việt Nam thực sự đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, từ việc gây nên những cuộc tranh luận trong Quốc hội đến việc hoạch định đường lối, chính sách an ninh quốc gia của Niu Dilân.

        Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1946-1954), Chính phủ Niu Dilân ngả theo quan điểm của Anh, Mỹ. Họ cho rằng, Việt Nam là một trọng điểm, một trận tuyến để chống lại "sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á". Chính vì nhận thức như vậy, Niu Dilân đã trở thành đồng minh của Anh, Mỹ, ủng hộ và thừa nhận Chính phủ Bảo Đại do Pháp dựng lên. Lúc đó, Chính phủ Niu Dilân còn tỏ ra quan ngại về sức mạnh và tính hợp hiến của những người cộng sản bản địa. Là đồng minh của Anh, nên Niu Dilân cũng đã tham gia đóng góp một phần về quân sự cho Pháp tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, Niu Dilân gửi hai tàu chở vũ khí và đạn dược sang Việt Nam để giúp Chính phủ bù nhìn Bảo Đại.

        Tháng 5 năm 1954, quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ; tháng 7 năm 1954, Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương; tuyên bố công nhận các quyền dân tộc cơ bản và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong số chín đoàn đại biểu chính thức tham gia Hội nghị có tám đoàn tham gia ký kết các văn kiện của Hội nghị; riêng đoàn Mỹ không ký mà chỉ ra một tuyên bố. Từ chối ký vào Hiệp định, chính quyền Mỹ đồng thời ráo riết xúc tiến kế hoạch lập khối quân sự SEATO và đưa Ngô Đình Diệm về miền Nam Việt Nam, dựng lên ở đây một chính quyền, một quân đội tay sai, hòng biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự để chống lại Liên Xô, Trung Quốc, chống nhân dân Việt Nam, mà Mỹ cho là để ngăn chặn "sự bành trướng" của chủ nghĩa cộng sản. Nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ và Anh, Niu Dilân trở thành một trong những thành viên sáng lập của khối SEATO, một liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu và được coi là một công cụ quan trọng để bảo vệ an ninh khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Niu Dilân còn tham gia vào khối ANZUS (Ôxtrâylia, Niu Dilân, Mỹ, thành lập năm 1951) và sau này là khối ANZUK (Anh, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Malaixia và Singapo, thành lập năm 1971) - những khối liên minh chính trị - quân sự của các nước đế quốc được lập ra nhằm ngăn chặn sự phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa, chống lại phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và Nam Thái Thái Bình Dương. Dựa vào các hiệp ước trên, Niu Dilân đã tham gia tích cực trong các hoạt động "bảo vệ an ninh khu vực", thực hiện chiến lược phòng phủ phía trước của chủ nghĩa đế quốc ở Đông Nam Á. Tất cả các nhân tố trên chính là điều kiện để Niu Dilân ngày càng can thiệp sâu và trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam sau này.

        Khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam quyết tâm đứng lên kháng chiến chống Mỹ, lật đổ chính quyền Sài Gòn. Với cách nhận thức phiến diện, các quan chức Niu Dilân cho rằng, lực lượng Việt cộng đang đe dọa nghiêm trọng đến thể chế chính trị của Nam Việt Nam (chính quyền Sài Gòn), một thể chế mà Mỹ đang ra sức tăng cường viện trợ kinh tế, chính trị, quân sự để nuôi dưỡng nhằm phục vụ mục tiêu chính trị của Mỹ ở Đông Nam Á. Một bộ phận khác trong giới quan chức ở Oenlinhtơn lại cho rằng, đây chỉ là cuộc xung đột khu vực giữa một bên là Bắc Việt Nam được Trung Quốc, Liên Xô hậu thuẫn và một bên là Việt Nam Cộng hòa được Mỹ tài trợ cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Việc quyết định tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam đã gây tranh cãi không ít trong chính giới Niu Dilân.

        Vào thời điểm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, Niu Dilân bắt đầu phải chịu những áp lực của Mỹ trong việc đóng góp vào quá trình "ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản" ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ở một chừng mực nhất định, Niu Dilân đã có những hành động chống lại áp lực của Mỹ. Một phần vì họ nghi ngờ tính hiệu quả của việc can thiệp từ bên ngoài vào cuộc chiến ở Việt Nam. Mặt khác, họ cũng lo sợ khi cuộc chiến tranh mở rộng, khả năng can thiệp của Trung Quốc là rất lớn và điều đó sẽ bất lợi đối với an ninh của Niu Dilân.

        Bước ngoặt trong vấn đề can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam chính là vào thời điểm Thủ tướng Holyoc lên cầm quyền ở Niu Dilân. Với tư cách là một đồng minh của Anh và Mỹ, Niu Dilân rất quan tâm đến vấn đề chiến tranh ở Việt Nam. Cũng như Ôxtrâylia, cả hai quốc gia Tây Thái Bình Dương này đều có chung một nhận thức rằng, những lợi ích sống còn của riêng họ đang bị đe dọa. Sự sa sút của cường quốc Anh làm cho nền an ninh của Niu Dilân ngày càng phải lệ thuộc và phải phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ để ngăn chặn cái gọi là "cơn lũ của sự khủng bố và xâm lăng" của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á, như lời Thủ tướng Niu Dilân tuyên bố. Theo ông ta, vấn đề cơ bản của cuộc chiến ở Nam Việt Nam thực chất chính là vấn đề ý thức hệ: "ý chí của ai sẽ thắng thế ở Nam Việt Nam? - Ý chí áp đặt của cộng sản Bắc Việt và Việt cộng hay là ý chí được phát biểu tự do của nhân dân Nam Việt Nam!"1.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L., Allied Participation in Vietnam, op.cit., p.104.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:29:46 am »


        Đối với Niu Dilân, cuộc chiến tranh Việt Nam không mang lại nhiều quyền lợi, nhưng với tư cách là một đồng minh của Mỹ, Niu Dilân không thể nằm ngoài hệ tư tưởng "chống cộng" và "bảo vệ nền an ninh khu vực Đông Nam Á" mà Mỹ đang áp đặt cho các nước đồng minh. Chính vì vậy, việc đưa quân sang Nam Việt Nam đặt ra hàng loạt vấn đề và làm xáo trộn toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội Niu Dilân tại thời điểm đó.

        Tuy nhiên, không giống như Ôxtrâylia, một nước ngay từ năm 1962 đã đưa các đội cố vấn quân sự sang Việt Nam, Niu Dilân chỉ tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam với một mức độ tối thiểu: gửi đến một đội phẫu thuật dân sự. Trong suốt thời gian hoạt động ở Việt Nam, đội phẫu thuật Niu Dilân đã thực hiện có hiệu quả tại Quy Nhơn (Bình Định). Khi cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng leo thang, dưới những áp lực liên tục của Mỹ, năm 1963, Chính phủ Niu Dilân đồng ý chấp thuận đưa một toán dân sự vụ sang Việt Nam. Nhưng vào thời điểm đó, tình hình chính trị ở Sài Gòn rất phức tạp, đặc biệt từ sau vụ đảo chính Ngô Đình Diệm. Vì vậy, Chính phủ Niu Dilân đã hoãn không đưa lực lượng này sang. Trong những năm tiếp theo, Chính phủ Holyoc đã tìm mọi cách giảm thiểu sự can thiệp của Niu Dilân vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Vào thời điểm này, người ta cho rằng, đó chỉ là một hành động để lấy lòng các nước đồng minh. So với cuộc chiến tranh ở Malaixia (cũng là một cuộc chiến tranh trong khu vực Đông Nam Á), đóng góp quân sự của Niu Dilân trong cuộc chiến tranh Việt Nam ít hơn, nhưng nó để lại những hệ lụy chính trị sâu, nặng hơn nhiều đối với Chính phủ nước này.

        Các cuộc thảo luận xoay quanh việc đưa quân Niu Dilân sang tham chiến tại Nam Việt Nam đã được tiến hành ở nhiều cấp khác nhau giữa Mỹ và Niu Dilân. Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 6 năm 1963, đại diện Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam đã gặp gỡ với Trung tá Rôbớt M. Gơn, đại diện của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Niu Dilân để bàn về vấn đề triển khai quân sang Nam Việt Nam.

        Trong quá trình thảo luận, đại diện của quân đội Niu Dilân đã đưa ra quan điểm của Chính phủ Niu Dilân về việc triển khai quân sang tham chiến tại Nam Việt Nam, theo đó chủ yếu là các toán sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí trang bị, công binh, các bộ phận quân y dã chiến, lực lượng hải quân và các thành phần tác chiến lục quân. Chi tiết về khả năng sử dụng quân Niu Dilân vào các hoạt động trên cũng như nhiều vấn đề khác đều được nêu ra trong cuộc bàn thảo này. Trung tá Gơn cũng cho biết, mặc dù Chính phủ Niu Dilân tỏ ra ngần ngại, không muốn dính líu sâu vào các cuộc hành quân tác chiến vì lý do chính trị, nhưng giới quân sự nước này lại muốn được chứng minh khả năng quân sự của mình, cũng như có thêm kinh nghiệm về hành quân tác chiến trong thực tiễn chiến tranh tại Nam Việt Nam.

        Ngày 20 tháng 7 năm 1964, một trung đội công binh và tổ phẫu thuật là những đơn vị đầu tiên của quân đội Niu Dilân đến Nam Việt Nam. Lực lượng này được trưng dụng vào việc thực hiện các dự án dân sự tại địa phương, trợ giúp cho chính quyền Sài Gòn. Khi tới Việt Nam, lực lượng trên đóng quân ở Thủ Dầu Một, thủ phủ của tỉnh Bình Dương. Trong quá trình tham gia chiến tranh Việt Nam, họ đã xây dựng nhiều công trình cầu, đường sá, nhà ở,...

        Năm 1965, khi Mỹ quyết định ồ ạt đưa quân chiến đấu vào Nam Việt Nam, áp lực của Mỹ đối với Niu Dilân càng lớn. Cũng như nhiều nước đồng minh khác của Mỹ, Niu Dilân nhiều lần bị Mỹ ép phải đưa lực lượng bộ binh sang Việt Nam. Tuyên bố với chính giới, Thủ tướng Niu Dilân đã chỉ ra rằng, Niu Dilân ủng hộ quan điểm của Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng ông ta cũng phải thú nhận, vào thời điểm này, một mặt, lực lượng của họ không đủ vì một bộ phận đang phải tham chiến ở Malaixia, nơi đang diễn ra cuộc đối đầu giữa những người cộng sản Malaixia và chính quyền sở tại. Mặt khác, họ nghi ngại thể chế chính trị Sài Gòn chưa đủ mạnh để có thể giữ vững, mặc dù được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, đến ngày 24 tháng 5 năm 1965, Niu Dilân cũng đồng ý đưa sang Nam Việt Nam một đơn vị pháo 105mm, gồm 4 khẩu với 120 quân nhân (Đại đội pháo 161) thuộc lực lượng pháo binh Hoàng gia Niu Dilân. Ngày 21 tháng 7 năm 1965, đơn vị này đến Nam Việt Nam và đặt dưới quyền kiểm soát hành quân của Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam và được tăng cường cho Lữ đoàn không vận 173 Mỹ. Nhiệm vụ của đơn vị này được xác định ngay từ ban đầu khi mới sang đến Nam Việt Nam là yểm trợ cho Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia trong địa bàn tỉnh Phước Tuy.

        Một tháng sau khi đến Nam Việt Nam, Mỹ và Niu Dilân mới đạt được thỏa thuận về các mặt đảm bảo và hoạt động quân sự của lực lượng này. Theo đó, Mỹ đồng ý cung cấp về mặt tài chính trong quá trình lực lượng này tham gia chiến đấu. Mặc dù cho đến cuối năm 1965, hai bên không ký kết thêm thỏa thuận bảo đảm tài chính như với các nước đồng minh khác, nhưng phía Niu Dilân đã bồi hoàn lại cho Mỹ phần chi phí bảo đảm. Quân số Niu Dilân ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm này là 199 người1.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L., Allied Participation in Vietnam, op.cit., p.105.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:30:37 am »


        Đầu năm 1966, tướng Oétmolen và Đại sứ Niu Dilân đã tiến hành các cuộc thảo luận về khả năng gia tăng viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Đặc biệt, tướng Oétmolen cũng hy vọng rằng, Niu Dilân có thể cung cấp một tiểu đoàn bộ binh cho một lữ đoàn hỗn hợp gồm ba tiểu đoàn Ôxtrâylia - Niu Dilân (gọi tắt là ANZAG). Mặc dù quan điểm cá nhân của viên Đại sứ tỏ ra nhất trí với lời đề nghị trên, nhưng ông cũng cho biết phải có sự cân nhắc về yếu tố chính trị liên quan đến việc gia tăng lực lượng vốn nằm ngoài thẩm quyền của ông ta. Cuối tháng 2 năm 1966, một đại diện của Bộ Ngoại giao Niu Dilân đã gặp tướng Oétmolen và cho biết, họ muốn tăng cường thêm cho đại đội pháo 105mm từ 4 lên 6 khẩu. Bất chấp áp lực của năm bầu cử và những cân nhắc chính trị kèm theo khuynh hướng vốn có, là giới hạn gia tăng viện trợ quân sự mà chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực phi quân sự, ngày 26 tháng 3 năm 1966, Chính phủ Niu Dilân vẫn ra tuyên bố quyết định bổ sung thêm 2 khẩu pháo 105mm và 27 người vào lực lượng pháo binh Niu Dilân tại Nam Việt Nam. Ngoài ra, tổ phẫu thuật ở Quy Nhơn cũng tăng từ 7 lên 13 người1.

        Trong chuyến thăm Nam Việt Nam, Tổng tham mưu trưởng lục quân Niu Dilân đã nói với tướng Oétmolen rằng, Niu Dilân có thể đáp ứng được yêu cầu của Mỹ muốn Niu Dilân tăng thêm viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam, nhưng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào kết quả sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 1966 ở nước này. Một số khả năng khác cũng được đề cập trong cuộc hội đàm này, trong đó Niu Dilân cho biết, có thể sẽ đưa một tiểu đoàn bộ binh gồm 4 đại đội và 1 phi đội đặc vụ đường không. Cả hai đơn vị này hiện đang hoạt động tại Malaixia, nhưng nếu cần thiết sẽ được điều động sang Nam Việt Nam. Một khả năng khác cũng được cân nhắc là việc đưa thêm một trung đội thiết giáp và một đại đội hậu cần sang tham chiến tại Nam Việt Nam. Tuy vậy, bản thân Tổng tham mưu trưởng lục quân Niu Dilân cũng phải thừa nhận một sự thật rằng, giới dân sự và một số quân nhân trong Bộ Quốc phòng Niu Dilân phản ứng rất mạnh mẽ việc đưa quân sang tác chiến tại chiến trường Nam Việt Nam. Do đó, rất khó có thể thực thi ngay những khả năng đề cập trên đây.

        Cuộc bầu cử mùa thu năm 1966 đã xác định rõ chính sách của Niu Dilân đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Được sự ủng hộ của đa số cử tri, Thủ tướng Niu Dilân đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng xét duyệt lại toàn bộ tình hình rồi cân nhắc việc sử dụng toàn phần hoặc một phần Tiểu đoàn Niu Dilân thuộc Lữ đoàn 28 Liên hiệp Anh (Malaixia) vào nhiệm vụ tác chiến ở Nam Việt Nam.

        Tiếp đó, chính quyền Niu Dilân đã tổng hợp những khả năng viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Các khả năng triển khai quân được đưa ra bàn thảo như: lục quân sẽ triển khai một đại đội không vụ đặc biệt (đặc vụ hàng không) 40 người (phi đội) hoặc 5 toán (mỗi toán 20 người) để thay phiên làm nhiệm vụ mỗi lần 5 tháng cùng với một số đơn vị tương ứng của Ôxtrâylia. Một khả năng khác có thể triển khai nữa là một toán quân thiết giáp gồm 30 người và 12 xe thiết giáp. Tuy nhiên, các phương án này đều chưa thể thực thi trong thời gian trước mắt. Một khả năng khác cũng được cân nhắc là việc đưa sang một đại đội bộ binh hoặc toàn bộ tiểu đoàn Niu Dilân hiện đang đóng ở Malaixia. Cuối cùng là các đơn vị phục vụ hành chính và hậu cần nhỏ sẽ bổ sung theo đề nghị của phía Ôxtrâylia.

        Không quân Hoàng gia Niu Dilân đưa ra phương án gia tăng lực lượng sang Nam Việt Nam từ 4 lên 6 phi hành đoàn Canbêra (Canberra, máy bay B57) với sự yểm trợ của 40 đến 50 quân bảo đảm mặt đất. Lực lượng này sẽ được sáp nhập vào các phi đội Canbêra của Mỹ hoặc Ôxtrâylia. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại máy bay B57 của không quân Niu Dilân bên cạnh các máy bay ném bom của Mỹ là điều không phù hợp với tình hình thực tiễn nên phía Niu Dilân quyết định sẽ không triển khai sang Nam Việt Nam mà để lại trong nước làm nhiệm vụ huấn luyện. Một phương án khác cũng được lực lượng không quân đưa ra là: họ sẽ đưa một số phi công Canbêra hoặc Vampai, có đủ điều kiện để tham dự vào chương trình huấn luyện loại máy bay F4 do Mỹ tài trợ, sau đó sẽ trực tiếp tham gia vào các hoạt động tác chiến; bổ sung một số nhân viên hành quân, tình báo và kiểm soát trên không; đưa một số máy bay vận tải loại Britơn cùng phi hành đoàn và lực lượng bảo đảm mặt đất cần thiết. Khả năng cuối cùng là đưa các phi hành đoàn và nhân viên bảo đảm mặt đất cho loại trực thăng Airơkê (Iroqueir).

        Phương án đóng góp của lực lượng hải quân chỉ giới hạn ở việc triển khai khu trục hạm Blaokpcol đang ở Singapo đến phối thuộc cho Hạm đội 7 Mỹ ở ngoài khơi bờ biển Nam Việt Nam và việc sáp nhập từ 20 đến 40 thủy thủ vào tàu tuần tra Mỹ trên nguyên tắc 1 thay thế 1.

        Ngoài các phương án đối với các lực lượng hải, lục, không quân, chính quyền Niu Dilân còn cân nhắc việc thay thế 3 tổ dân y đang phục vụ ở Bình Định bằng một tổ y tế của quân đội.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L., Allied Participation in Vietnam, op.cit., p.105.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:31:17 am »


        Quan điểm của các viên chức trong MACV và Văn phòng Tư lệnh Thái Bình Dương về những đề nghị của Mỹ được chuyển đến Niu Dilân theo thứ tự mà họ sắp đặt: Mỹ muốn Niu Dilân đưa sang Nam Việt Nam một tiểu đoàn bộ binh trọn vẹn, một đại đội bộ binh, một đại đội không quân đặc biệt (phi đội đặc vụ đường không) và một toán thiết giáp. Theo đó, tiểu đoàn bộ binh được đưa từ Malaixia sang có thể sử dụng hữu hiệu ở bất kỳ vùng chiến thuật nào, nhưng tốt nhất là được bổ sung cho Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia. Nếu thực hiện như vậy, sức mạnh của lực lượng này sẽ tăng gấp đôi trong các cuộc hành quân "tìm diệt" cùng với quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Hơn thế nữa, hành động này sẽ tăng cường an ninh cho khu vực Vũng Tàu và giúp sức cho chương trình "bình định" của chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm tham gia các cuộc hành quân chỉ cần một tiểu đoàn tăng cường, tiểu đoàn còn lại sẽ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại căn cứ đóng quân; đại đội bộ binh Niu Dilân khi sang Nam Việt Nam sẽ được sử dụng như một bộ phận của lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia; đại đội không quân đặc biệt sẽ làm nhiệm vụ phối hợp tuần tra tầm xa và trinh sát khi các cuộc tiến công của quân đồng minh phát triển mạnh. Theo đánh giá của MACV, đại đội này có thể được sử dụng hữu hiệu ở bất cứ quân khu nào, nhưng tốt hơn nên để ở Vùng III chiến thuật, dưới quyền kiểm soát hành quân của Sở chỉ huy Lực lượng chiến trường II của Mỹ. Đơn vị này đóng quân độc lập, trong một vùng hẻo lánh để dễ quan sát, nắm tình hình về bố trí lực lượng, cơ sở mật và các hoạt động của lực lượng cách mạng; chi đoàn thiết giáp sẽ được phối thuộc cho Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia làm nhiệm vụ bảo vệ đường sá cũng như tiến hành các hoạt động càn quét để mở các tuyến giao thông liên lạc.

        Về phần gia tăng lực lượng không quân Niu Dilân, một phi đội Canbêra được xem là điều mong muốn nhất của Mỹ, sau đó là các máy bay vận tải loại Britơn, trực thăng vũ trang loại Airơkê, các phi công F6, chuyên viên tình báo và nhân viên kiểm soát trên không. Các máy bay ném bom sẽ hoạt động với phi đội Ôxtrâylia, trong khi máy bay vận tải Bristơn sẽ bảo đảm hậu cần ở Nam Việt Nam cũng như vận chuyển lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia. Với quân số 25 sĩ quan và 25 binh sĩ có thể được sử dụng chung với Đại đội trực thăng Airơkê và Mỹ hy vọng số quân nhân đó sẽ phục vụ trong thời gian tối thiểu là 6 tháng. Các chuyên viên tình báo và nhân viên kiểm soát trên không sẽ được sử dụng vào việc phối hợp và yểm trợ pháo binh cũng như yểm trợ chiến thuật trực tiếp cho lực lượng bộ binh. Lực lượng hải quân sẽ được tăng cường cho Hạm đội 7 bằng một khu trục hạm loại Blaokpcol là điều Mỹ đặc biệt mong muốn, cũng giống như việc sáp nhập một số quân Niu Dilân vào đoàn thủy thủ Mỹ trên tàu tuần tra Mackit Timo (Market Timo) hoặc Ghêm Oađen (Game Warden). Trong các lời đề nghị trên, cả Mỹ và Niu Dilân đều dự kiến Niu Dilân sẽ không nắm quyền chỉ huy và kiểm soát lực lượng này.

        Trong khi việc xét duyệt và thảo luận xoay quanh vấn đề gia tăng lực lượng Niu Dilân sang Nam Việt Nam vẫn đang tiếp diễn, thì ngày 8 tháng 5 năm 1967, Chính phủ Ôxtrâylia ra thông báo là họ có ý định gửi một tổ y tế 16 người thuộc ba quân chủng đến tỉnh Bình Định vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 năm 1967 để thay thế cho Tổ y tế Mỹ tại Bồng Sơn. Trước những động thái mới của Ôxtrâylia, Chính phủ Niu Dilân đã quyết định gia tăng lực lượng quân sự tại Nam Việt Nam lên gấp đôi, thông qua việc triển khai một đại đội bộ binh cùng với các bộ phận yểm trợ lấy từ Tiểu đoàn đặc nhiệm ở Malaixia và thời gian luân chuyển là 6 tháng.

        Bộ phận thứ nhất là Đại đội V thuộc Trung đoàn bộ binh Hoàng gia Niu Dilân đến Nam Việt Nam vào ngày 11 tháng 5 năm 1967. Tháng 10 năm 1967, tướng Oétmolen nhận được thông báo, chính quyền Niu Dilân sẽ bổ sung một đại đội bộ binh nữa vào lực lượng quân đội Niu Dilân tại Nam Việt Nam trong tháng 12 năm 1967. Đơn vị này có phiên hiệu là Đại đội W thuộc Trung đoàn bộ binh Hoàng gia Niu Dilân cùng với bộ phận công binh và quân yểm trợ đã đến Nam Việt Nam trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 12 năm 1967. Cả hai đại đội này đều được sáp nhập vào một đơn vị thuộc Lực lượng đặc nhiệm của Ôxtrâylia để thành lập Tiểu đoàn ANZAG (Ôxtrâylia - Niu Dilân). Cũng trong tháng 12, một trung đội không quân đặc biệt của Niu Dilân cũng đến Nam Việt Nam và được sáp nhập vào một đơn vị của Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia. Những cuộc triển khai trên đây đã nâng quân số của Niu Dilân tại Nam Việt Nam từ 155 lên hơn 500 người.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L., Allied Participation in Vietnam, op.cit., p. 23.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:32:02 am »


        Tuy lực lượng quân đội Niu Dilân ở miền Nam Việt Nam đã lên gần 200 người từ năm 1965, nhưng phải đến ngày 10 tháng 9 năm 1968, vấn đề bảo đảm hậu cần cho lực lượng này mới được thông qua trong một thỏa thuận về hoạt động quân sự giữa Mỹ và Niu Dilân. Theo các điều khoản của thỏa thuận này, chính quyền Niu Dilân sẽ bồi hoàn chi phí bảo đảm mà phía Mỹ cung cấp theo định mức đầu người. Sự bảo đảm của Mỹ bao gồm các mặt:

        - Việc xây dựng căn cứ và chi phí vận chuyển bên trong Nam Việt Nam đối với hàng tiếp liệu của lực lượng Niu Dilân đến bằng con đường thương mại;

        - Lương thực, thực phẩm và nhà ở (không bao gồm khu gia đình cho thân nhân);

        - Một số chế độ về chăm sóc y tế và nha khoa tại Nam Việt Nam (không bao gồm việc đưa đi chữa ở ngoài Nam Việt Nam, trừ trường hợp cấp cứu. Chế độ này cũng giống như đối với quân nhân Mỹ và các nước đồng minh khác);

        - Việc sử dụng xe buýt, xe du lịch, xe tắcxi và đường hàng không do Mỹ điều hành;

        - Việc chuyển các điện văn chính thức bằng điện đài hoặc các phương tiện thông tin liên lạc khác thông qua những đường dây có sẵn;

        - Việc sử dụng phương tiện quân bưu của Mỹ, kể cả chế độ đóng bao đối với mọi công văn và thư riêng;

        - Dịch vụ bách hóa và hàng miễn thuế tại Nam Việt Nam;

        - Những dịch vụ đặc biệt, kể cả các chuyến nghỉ ngơi và giải trí được tổ chức sẵn;

        - Khu vực văn phòng, trang bị và tiếp liệu khi cần thiết;

        - Phụ tùng thay thế, các sản phẩm dầu khí và phương tiện bảo dưỡng cho các loại xe cơ giới và máy bay trong khả năng của các phương tiện và đơn vị của Mỹ tại Nam Việt Nam.

        Đây là những thỏa thuận rất cụ thể và chi tiết về hành chính, tài chính giữa Mỹ và Niu Dilân cũng như với các nước đồng minh khác trong quá trình tham chiến tại Nam Việt Nam. Những năm tiếp theo, hầu như không có sự thay đổi đáng kể về quân số, nhiệm vụ của lực lượng Niu Dilân tại Nam Việt Nam cũng như các thỏa thuận về hoạt động quân sự, thỏa thuận hành chính, tài chính khác giữa Mỹ và chính quyền Niu Dilân.

        2. Hoạt động của các lực lượng Niu Dilân tại miền Nam Việt Nam (1965-1972).

        Hầu hết các đơn vị Niu Dilân khi đưa sang Nam Việt Nam đều hoạt động cùng với Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia. Nhiệm vụ của lực lượng này là tham gia các cuộc hành quân và yểm trợ cho lực lượng quân Mỹ, quân đội Sài Gòn trong chương trình "tìm diệt" và "bình định". Địa bàn hoạt động của quân Niu Dilân lúc đầu là ở tỉnh Biên Hoà, sau đó chủ yếu là ở Phước Tuy (đơn vị hành chính của chính quyền Sài Gòn).

        Lực lượng chiến đấu của quân đội Niu Dilân chính thức tham chiến ở Nam Việt Nam bằng việc Đại độipháo 161 đến Sài Gòn vào tháng 7 năm 1965 với trang bị ban đầu là 4 khẩu trọng pháo 105mm. Toàn bộ nhân viên và trang bị của Đại đội pháo 161 được đưa tới Việt Nam bằng một chiếc máy bay vận tải C130 của Anh. Đây cũng là lần đầu tiên lực lượng chiến đấu của Niu Dilân được triển khai vào khu vực có chiến tranh bằng không quân. Khi tới Việt Nam, Đại đội pháo 161 được triển khai ở căn cứ không quân Biên Hòa. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng này là yểm trợ cho Lữ đoàn không vận 173 của Mỹ và chịu sự điều hành của lữ đoàn này cho đến khi quân Niu Dilân rút khỏi Nam Việt Nam. Trong quá trình tham chiến tại Việt Nam, Đại đội pháo 161 đã tham gia tất cả 17 cuộc hành quân quan trọng, chủ yếu tập trung ở khu vực Biên Hòa và một số cuộc hành quân ở tỉnh Phước Tuy. Năm 1966, đại đội pháo này được bổ sung thêm hai khẩu và đến tháng 6 năm 1966, toàn bộ Đại đội pháo 161, do Thiếu tá Maotera chỉ huy, được sáp nhập vào Lực lượng đặc nhiệm số 1 Ôxtrâylia tại Việt Nam, đang hoạt động ở khu vực Núi Đất, tỉnh Phước Tuy. Với nhiệm vụ chủ yếu là chi viện cho quân Ôxtrâylia, tháng 8 năm 1966, Đại đội 161 đóng vai trò quan trọng trong việc yểm trợ cho Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia khi tiểu đoàn này tiến hành cuộc hành quân ở xã Long Tân, huyện Long Đất. Bị Tiểu đoàn địa phương 445 của tỉnh Bà Rịa - Long Khánh phối hợp với một số đơn vị thuộc Sư đoàn 5 chủ lực Miền cùng quân và dân huyện Long Đất đánh dạt vào khu vực quyết chiến điểm, lực lượng Ôxtrâylia rối loạn đội hình. Chỉ sau khi một đơn vị thuộc Đại đội pháo 161, do Đại úy Morie Stanley chỉ huy, định vị được mục tiêu, bắn trả quyết liệt và liên tục trong 2 giờ 30 phút, mới giải vây cho quân Ôxtrâylia. Trong cuộc hành quân này có 18 lính Ôxtrâylia bị tiêu diệt. Đây là trận đọ sức đầu tiên và lớn nhất giữa quân Ôxtrâylia - Niu Dilân với lực lượng vũ trang ta tại tỉnh Bà Rịa - Long Khánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:32:30 am »


        Thất bại trong trận Long Tân, quân Ôxtrâylia và Niu Dilân tiếp tục mở nhiều trận càn quy mô lớn vào các vùng căn cứ cách mạng trên địa bàn ba huyện Châu Đức, Long Đất, Xuyên Mộc. Tại huyện Châu Đức, quân Ôxtrâylia, Niu Dilân kết hợp với quân đội Sài Gòn ồ ạt tiến công vào xã Long Phước. Trước lực lượng địch áp đảo, phong trào cách mạng Châu Đức gặp nhiều khó khăn. Du kích các xã phải rút ra ngoài củng cố ở các căn cứ "lõm". Tại huyện Xuyên Mộc, quân Ôxtrâylia được sự yểm trợ của pháo binh Niu Dilân mở tiếp trận càn vào căn cứ Bàu Lâm nhằm xoá địa bàn đứng chân của các cơ quan tỉnh, huyện ở đây. Được pháo 105mm của Niu Dilân ở căn cứ Núi Đất bắn yểm trợ, quân Ôxtrâylia chia làm hai cánh theo hai hướng tiến công vào Bàu Lâm, nhưng đã bị lực lượng vũ trang huyện Xuyên Mộc bẻ gãy; địa bàn đứng chân của các cơ quan đầu não cách mạng được bảo vệ an toàn.

        Tháng 12 năm 1966, khi cuộc chiến tranh chống du kích ở Mailaixia kết thúc, trước sức ép của Mỹ, cả Ôxtrâylia và Niu Dilân đều phải gia tăng lực lượng tham gia chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Ôxtrâylia quyết định mở rộng lực lượng đặc nhiệm hoạt động ở Việt Nam lên cấp lữ đoàn. Tháng 4 năm 1967, cũng dưới áp lực đó, Chính phủ Niu Dilân phải quyết định triển khai Đại đội bộ binh 5 của Niu Dilân vừa tham gia tác chiến tại Malaixia sang Việt Nam. Tiếp đó là Đại đội bộ binh W được đưa sang vào tháng 12 năm 1967.

        Quá trình tham gia chiến đấu tại Nam Việt Nam, hai đại đội Niu Dilân chịu sự điều hành tác chiến của Tiểu đoàn 2 Ôxtrâylia. Sau đó, đến tháng 3 năm 1968, các đại đội Niu Dilân chính thức sáp nhập vào Tiểu đoàn 2 và lực lượng hỗn hợp này gọi là Tiểu đoàn ANZAG. Tiểu đoàn này chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra, tham gia các cuộc hành quân "tìm diệt" cùng với quân Mỹ, Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn. Mục tiêu chủ yếu là tìm và tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, tham gia yểm trợ pháo binh cho quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Tiểu đoàn ANZAG đã tham gia cuộc phản công cùng quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở hướng Long Điền, huyện Long Đất, tỉnh Phước Tuy. Lực lượng địch hơn hẳn cả về binh và hoả lực, nhưng các lực lượng vũ trang địa phương huyện Long Đất vẫn bám giữ trận địa, quyết tâm đánh địch. Pháo Niu Dilân liên tục dội vào Long Sơn, yểm trợ cho xe tăng và bộ binh Ôxtrâylia tiến công vào đội hình của lực lượng cách mạng. Sau 7 ngày đêm bám trụ đánh địch và làm chủ Long Điền, 20 giờ ngày 8 tháng 2 (mùng 9 Tết), huyện ủy Long Đất quyết định cho lực lượng rút ra ngoài và chuyển thương binh về căn cứ Minh Đạm (căn cứ của lực lượng cách mạng huyện Long Đất).

        Ngày 22 tháng 2 năm 1968, quân Ôxtrâylia, Niu Dilân và quân đội Sài Gòn tập trung lực lượng vây chặt khu vực Long Điền, dồn dân ra tập trung ở cánh đồng để cho tề, ngụy thanh lọc, giữ lại những gia đình có người tham gia cách mạng. Bên trong, lính Ôxtrâylia, Niu Dilân tìm cách lùng sục, truy tìm hầm bí mật, hy vọng bắt được cán bộ cách mạng, nhưng chúng đã không đạt kết quả như mong muốn. Khi đó, lực lượng cách mạng đã kịp thời rút ra ngoài. Địch tổ chức ngay đợt càn quét lớn, kết hợp cả xe tăng, máy bay và dàn pháo Niu Dilân đánh vào căn cứ Minh Đạm, nhưng cuối cùng vẫn không tiêu diệt được lực lượng kháng chiến. Trận càn quy mô lớn của quân Ôxtrâylia, Niu Dilân và quân đội Sài Gòn với sự yểm trợ của xe tăng, máy bay và các phương tiện hiện đại khác nhằm tiêu diệt cơ quan lãnh đạo huyện hoàn toàn bị thất bại. Gần 200 quân Ôxtrâylia và Niu Dilân đã bị lực lượng cách mạng tiêu diệt và làm bị thương; nhiều phương tiện quân sự bị phá hủy1.

        Thất bại trong các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, từ đầu năm 1969, quân Niu Dilân tham gia cùng quân Ôxtrâylia triển khai chiến thuật "ụ ngầm", sau đó là chiến thuật "hàng rào - lá chắn". Đây là những thủ đoạn hết sức thâm hiểm và tinh vi nhằm phát hiện, tìm diệt cán bộ cách mạng bám trụ bên trong ấp. Tuy nhiên, các chiến thuật mới vẫn không chiến thắng được lòng dũng cảm và trí thông minh của lực lượng cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa được sự giúp đỡ, phối hợp của nhân dân và lực lượng du kích đã đánh bại các thủ đoạn tác chiến mới của quân Ôxtrâylia và quân Niu Dilân.

-----------------
         1. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Long Đất, Nxb Đồng Nai, 1986, tr. 173.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:33:24 am »


        Trong thời gian từ năm 1967 đến năm 1969, ngoài các lực lượng của hai tiểu đoàn ANZAG và ANZAF, Niu Dilân còn đưa sang Việt Nam một số đơn vị cấp trung đội, đại đội hoặc các nhóm, tổ:

        Đội phẫu thuật, được triển khai vào Việt Nam vào tháng 4 năm 1967. Nhiệm vụ chủ yếu là giúp quân đội và chính quyền Sài Gòn về mặt y tế, cứu thương, phòng bệnh. Đến tháng 6 năm 1967, lực lượng này có quân số là 27 người, lúc đầu hoạt động ở Quy Nhơn, sau đó rời về phía bắc Bồng Sơn (Bình Định).

        Lực lượng không quân, từ tháng 7 năm 1967, Niu Dilân đưa một số phi công thuộc Phi đội 9 lực lượng không quân Hoàng gia sang Nam Việt Nam. Số phi công này chủ yếu vận hành các máy bay trực thăng vũ trang trong các hoạt động tác chiến. Đến năm 1968, lực lượng này được bổ sung thêm 2 phi công. Từ tháng 12 năm 1968, Niu Dilân tiếp tục đưa một số máy bay vận tải Britơn và đội trinh sát đường không sang hoạt động cùng với Tập đoàn không quân số 7 Mỹ. Tháng 2 năm 1969, 26 phi công thuộc lực lượng không quân đặc biệt của Niu Dilân cũng được triển khai sang Việt Nam. Nhiệm vụ của lực lượng này là phối hợp với Phi đội đặc vụ đường không Ôxtrâylia thu thập các thông tin tình báo về lực lượng cách mạng ở tỉnh Phước Tuy.

        Đến tháng 9 năm 1969, tổng số quân Niu Dilân đưa sang Việt Nam lên tới 552 người, trong đó lực lượng không quân là 155 người1.

        Đội huấn luyện thứ nhất, gồm 25 quân nhân thuộc Đội huấn luyện quân sự Niu Dilân, được đưa sang Nam Việt Nam vào năm 1970 và triển khai ở Trung tâm huấn luyện quân sự quốc gia Chi Lăng để thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Tháng 3 năm 1972, đội huấn luyện thứ hai tiếp tục được đưa sang gồm 18 người, căn cứ đóng ở Đông Ba Thìn (gần Cam Ranh). Nhiệm vụ của các đội huấn luyện này là hỗ trợ và huấn luyện cho các tiểu đoàn bộ binh quân ngụy Campuchia.

        Những hoạt động của lực lượng Niu Dilân tại Việt Nam đã phần nào hỗ trợ cho các kế hoạch tìm diệt và bình định của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn trong những năm 1966-1970. Tuy nhiên, họ cũng phải chịu số phận chung với quân đội Mỹ, quân đội các nước đồng minh khác là phải chấp nhận thất bại trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân miền Nam Việt Nam trên các tỉnh thuộc địa bàn đóng quân.

-----------------
         1. http://www.digger history, info/inmages/nz/withhourboys.jpg, New Zeland roll honour for the Vietnam war.

        3. Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Niu Dilân và quá trình rút quân về nước.

        Khác với nhiều nước đồng minh của Mỹ tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, Niu Dilân chỉ tham chiến ở mức độ có hạn. Tuy nhiên, sự can thiệp của quân Niu Dilân trong cuộc chiến tranh Việt Nam để lại rất nhiều hậu quả cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến quyết sách của Chính phủ Niu Dilân về việc đưa quân sang Việt Nam nói riêng và chính sách chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam nói chung là phong trào phản đối chiến tranh bùng nổ vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX ở Niu Dilân. Không giống như ở Mỹ hoặc ở Ôxtrâylia, nơi phong trào phản đối chiến tranh chỉ bắt đầu khi các chính phủ này bắt đầu thực thi chương trình tuyển mộ binh lính đưa sang Việt Nam, còn ở Niu Dilân, quá trình đó diễn ra trước khi những người lính Niu Dilân được đưa sang Nam Việt Nam.

        Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Niu Dilân trong thời gian này chủ yếu là phê phán chủ trương của Chính phủ ngả theo quan điểm của Mỹ và chính sách bành trướng của Mỹ sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phong trào còn yêu cầu chính phủ nên xem xét lại "Học thuyết Đôminô" của Mỹ - một học thuyết mà người Mỹ đã đánh giá quá mức về mối đe dọa của những người Cộng sản Bắc Việt Nam và những người Cộng sản Trung Quốc. ở mức độ nhỏ hơn, phong trào phản đối chiến tranh ở Niu Dilân còn lên án tính phi đạo đức, các loại vũ khí giết người của quân đội Mỹ đã đưa sang Việt Nam. Những người phản đối chiến tranh cho rằng, việc Mỹ và đồng minh đưa quân sang tham chiến tại Nam Việt Nam là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

        Sự thay đổi tính chất và quy mô phong trào phản đối chiến tranh ở Niu Dilân hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ Mỹ và các nước đồng minh đưa quân tham chiến cũng như cường độ của cuộc chiến. Ban đầu, nhân dân và các lực lượng xã hội tiến bộ chỉ phản đối "Học thuyết Đôminô", sau đó chuyển sang phản đối Mỹ đã dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam. Những người tham gia phong trào phản đối chiến tranh luôn khẳng định rằng, tất cả người dân Việt Nam rất mong muốn thống nhất đất nước theo tinh thần Hiệp định Giơnevơ đã ký kết năm 1954 và việc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là cách lựa chọn của họ. Về sau, khi cuộc chiến tranh ở giai đoạn leo thang, nhân dân và các lực lượng tiến bộ ở Niu Dilân đã phản đối các chính sách của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời ủng hộ chủ trương của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Họ cho rằng, chính sách của Mỹ ở Việt Nam sẽ không mang lại hòa bình, an ninh cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:33:56 am »


        Thời gian đầu, phong trào phản đối chiến tranh không làm cho Chính phủ Niu Dilân giảm bớt sự ủng hộ Mỹ - chính quyền Sài Gòn, cũng không thay đổi quan điểm về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Trong gần một thập niên đưa quân sang tham chiến (từ năm 1963 đến năm 1972), bất chấp làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân, Chính phủ Niu Dilân vẫn khẳng định rằng, việc đưa quân sang tham chiến ở Việt Nam là nằm trong khuôn khổ của Hiệp ước liên minh mà Chính phủ Niu Dilân đã ký với các nước trong khối SEATO, đó còn là nghĩa vụ của một đồng minh đối với một đồng minh để chống lại "sự xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản".

        Rất khó có thể đánh giá hết mức độ tác động của phong trào phản đối chiến tranh ở Niu Dilân đối với việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại và những mặt khác trong đời sống xã hội Niu Dilân. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, những tác động đó ở một chừng mực nhất định cũng đã làm thay đổi đường lối, cương lĩnh của các đảng phái ở Niu Dilân. Nhìn bề ngoài, phong trào phản đối chiến tranh tưởng như không có tác động mạnh mẽ đến việc hoạch định chính sách của Chính phủ Niu Dilân đối với cuộc chiến tranh Việt Nam và cũng không tạo nên sự chia rẽ sâu sắc, thù địch giữa các đảng phái, các nhóm xã hội ở Niu Dilân. Song, trên thực tế, phong trào phản đối chiến tranh đã giành được sự ủng hộ của đông đảo người dân, đặc biệt là vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam. Sự ủng hộ được minh chứng qua hàng loạt sự kiện vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, khi hàng nghìn công nhân, học sinh, sinh viên ở các thành phố lớn đồng loạt xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Làn sóng phản đối chiến tranh này ít nhiều cũng làm phân hóa quan điểm của giới lãnh đạo Niu Dilân về chính sách đồng minh của Chính phủ.

        Phong trào phản đối chiến tranh ở Niu Dilân thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là giới trẻ, những người có nhận thức đầy đủ, được giáo dục một cách sâu sắc về cuộc chiến tranh Việt Nam. Chính vì thế, qua phong trào phản đối chiến tranh cũng tạo nên một thế hệ mà người Niu Dilân gọi là "thế hệ Việt Nam". Rõ ràng, phong trào chống chiến tranh ở Niu Dilân đã góp phần làm cho Đảng Lao động và Đảng Quốc dân (là hai đảng thường xuyên thay nhau chiếm đa số trong Quốc hội) phải nhìn nhận lại quan điểm chính trị của mình. Phong trào đó cũng đã góp phần tạo nên chiến thắng hay thất bại trong các cuộc tranh cử thủ tướng thời kỳ này. Chẳng hạn, trước khi Niu Dilân quyết định đưa quân sang tham chiến tại Nam Việt Nam, Đảng Lao động đã cảnh báo, thậm chí phản đối chính sách của Niu Dilân trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đảng này cho rằng, để thực hiện trách nhiệm của một đồng minh, Niu Dilân chỉ cần dừng lại ở mức độ viện trợ kinh tế hoặc viện trợ nhân đạo cho cuộc chiến tranh Việt Nam thay vì phải có những hoạt động quân sự để giúp những người Việt Nam giải quyết vấn đề của họ. Chính vì vậy, khi Niu Dilân quyết định đưa quân sang tham chiến tại Nam Việt Nam, những người lãnh đạo của Đảng Lao động đã đón nhận quyết định này một cách miễn cưỡng.

        Nhìn chung, quan điểm của hai đảng Lao động và Quốc dân xung quanh vấn đề tham gia chiến tranh Việt Nam vẫn thường xuyên thay đổi trước và trong các kỳ bầu cử. Các quan điểm này phụ thuộc không ít vào diễn tiến cuộc chiến tranh của Mỹ, trong đó có hoạt động của các đơn vị quân Niu Dilân đang trực tiếp tham chiến ở Nam Việt Nam. Sự thay đổi quan điểm của các đảng phái được lý giải là cho phù hợp với thời thế và mục đích cuối cùng là để các đảng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Một trong những thay đổi lớn nhất trên chính trường Niu Dilân là sau năm 1973, khi toàn bộ quân Niu Dilân đã rút khỏi Việt Nam. Lúc đó, cả hai đảng Lao động và Quốc dân hầu như có chung một quan điểm về chính sách của Niu Dilân đối với chiến tranh Việt Nam. Những bất đồng giữa hai đảng bắt đầu thu hẹp. Cả hai đảng đều chấp nhận nghịch lý trong việc liên minh với Mỹ. Bên cạnh đó, họ cũng nhận ra rằng, Niu Dilân phải có cách nhìn mới về chính sách đối ngoại. Chính sách đó phải đảm bảo cho Niu Dilân ít bị chịu áp lực từ các nước đồng minh, đặc biệt là Mỹ, để họ có một đường lối độc lập hơn trong những vấn đề quốc tế, đồng thời cũng phải tính đến yếu tố đạo đức, văn hóa và đặc thù của người dân Niu Dilân, một đất nước đa sắc tộc và nhỏ ở Nam Thái Bình Dương.

        Trước phong trào phản đối chiến tranh ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng trong cả nước cùng với những thất bại về chính trị, quân sự của quân đội Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đội các nước đồng minh trong chiến tranh Việt Nam, bước sang năm 1970, Chính phủ Niu Dilân bắt đầu chính thức triển khai kế hoạch rút quân về nước.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM