Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:12:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam  (Đọc 26008 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:19:11 am »


        Việc đi lại, chuyên chở giữa Việt Nam và Philíppin do Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam đảm nhiệm, ưu tiên dành cho nhân viên phái bộ Philíppin đi công tác có liên quan đến hoạt động của phái bộ. Sau đó là việc vận chuyển người, phương tiện trang bị cũng được áp dụng theo thứ tự và điều kiện như các đơn vị quân đội Mỹ. Quá trình chuyên chở đó bao gồm cả việc luân chuyển nhân viên Philíppin, đưa người chết về nước, việc đi lại của các toán thanh tra có liên quan đến hoạt động của Phái bộ Philíppin tại Nam Việt Nam

        Đồng thời, lực lượng dân vận Philíppin còn được sử dụng các dịch vụ khác của quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam như các phương tiện ăn, ở, câu lạc bộ, sinh hoạt tôn giáo, trao đổi hàng hóa, hàng miễn thuế và bưu điện, kể cả các chương trình giải trí, thư tín,...

        Trong các điều kiện tham chiến của quân đội Philíppin, phía Mỹ sẽ chịu trách nhiệm giúp họ thu hồi tử thi, cung cấp dịch vụ mai táng, trợ cấp phần tử tuất cho nhân viên phái bộ theo đúng như mức quy định tiền tử tuất trả cho quân đội Nam Triều Tiên.

        Sau khi các vấn đề yểm trợ và huấn luyện đã được giải quyết ổn thỏa giữa các bên liên quan, ngày 20 tháng 7 năm 1966, Tướng Eneto Mata - Tham mưu trưởng quân đội Philíppin và 9 sĩ quan khác đã bay sang Sài Gòn để thảo luận với quân đội và chính quyền Sài Gòn, đồng thời kiểm tra thực địa những khu vực dự kiến lực lượng đặc nhiệm Philíppin sẽ hoạt động. Tướng Mata đã nhấn mạnh với tướng Oétmolen rằng, theo đánh giá của Tổng thống Máccốt thì hỏa lực của toán công tác dân vận Philíppin không đủ mạnh, đặc biệt là về súng máy, súng cối hạng nặng và pháo binh. Riêng tiểu đoàn an ninh nếu không có xe thiết giáp thì không thể tiến hành trinh sát vũ trang như các đơn vị tương tự của Mỹ. Do đó, tướng Mata muốn được đảm bảo là sẽ có sự tăng cường nhanh chóng và hiệu quả của các bộ phận tác chiến của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong trường hợp xảy ra các cuộc tiến công quy mô lớn vào căn cứ của Phái bộ Philíppin.

        Trên thực tế, trước đó 3 ngày, MACV đã cung cấp cho lực lượng Philíppin 17 xe thiết giáp chở quân, 6 khẩu đại bác 105mm, 8 súng cối 106,7mm, 2 xe tăng M41 và 630 súng trường M16.

        Việc ký kết các thỏa thuận quân sự giữa Philíppin và Mỹ (thỏa thuận Mata - Oétmolen ngày 20 tháng 7 năm 1966) và giữa Philíppin với chính quyền Sài Gòn (ngày 3 tháng 8 năm 1966), đã mở đường cho việc thực hiện các điều khoản của đạo luật.

        Các thỏa thuận này quy định rõ nhiệm vụ của Phái bộ dân sự vụ Philíppin ở Nam Việt Nam sẽ do Hội đồng chính sách viện trợ quân sự "thế giới tự do" xác định. Nhiệm vụ cơ bản của họ sẽ là "trợ giúp Việt Nam Cộng hòa về mặt dân sự bằng cách xây dựng, tái định cư và phát triển các chương trình công cộng, trợ giúp cố vấn kỹ thuật cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác"1.

        Khi cân nhắc địa bàn sử dụng Phái bộ dân sự vụ Philíppin ở Nam Việt Nam, MACV dự kiến một số nơi như Long An, Tây Ninh,... Đối với Long An, MACV cho rằng, tỉnh Long An không thích hợp vì sự cách trở của địa hình không cho phép tận dụng khả năng của lực lượng Philíppin. Trong khi đó, Hậu Nghĩa được đánh giá là tỉnh thích hợp hơn để Phái bộ Philíppin đóng quân. Ngoài ra, sự ủng hộ của Tuỳ viên quân sự Philíppin đối với Hậu Nghĩa đã góp phần khiến khu vực xung quanh thị trấn Ba Trại được Phái bộ Philíppin lựa chọn làm nơi đóng quân. Tuy nhiên, ngày 1 tháng 6, tướng Oétmolen lại chỉ thị tiến hành nghiên cứu để chuyển Phái bộ dân sự vụ Philíppin sang tỉnh Tây Ninh. Oétmolen cho rằng, xung quanh Ba Trại đã có Sư đoàn bộ binh 25 "Tia chớp nhiệt đới" Mỹ nên không cần thiết phải sử dụng lực lượng Philíppin ở đây. Hơn nữa, theo Oétmolen, giữa Philíppin và Campuchia đã có quan hệ lịch sử nhất định nên việc đưa lực lượng Philíppin tới khu vực gần biên giới Campuchia là phù hợp hơn. Chính quyền Sài Gòn tỏ ý nghi ngại về gợi ý này. Trung tướng Nguyễn Hữu Có - Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Cộng hòa cho rằng, đưa đơn vị này đến gần Chiến khu C là mạo hiểm, nhưng nói thêm rằng, sẽ rất tốt nếu Phái bộ dân sự vụ Philíppin có thể trợ giúp cho 100.000 tín đồ đạo Cao Đài trung thành, một giáo phái có khuynh hướng chính trị ở tỉnh Tây Ninh.

        Ban đầu, Chính phủ Philíppin phản đối việc thay đổi địa điểm và cử chuẩn tướng Tôbiát, Chỉ huy trưởng Phái bộ dân sự vụ Philíppin tại Việt Nam đến khảo sát tình hình. Tôbiát đã nghe tỉnh trưởng của cả hai tỉnh Hậu Nghĩa và Tây Ninh báo cáo tình hình chi tiết và trực tiếp đi khảo sát trên bộ và trên không ở hai tỉnh nói trên. Đại diện của Sư đoàn 25 và Lực lượng dã chiến II Quân đội Sài Gòn đã thông báo cho Tôbiát về sự hỗ trợ và bảo đảm an ninh cho Phái bộ Philíppin. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến Tôbiát quyết định lựa chọn Tây Ninh chứ không phải Hậu Nghĩa là mức độ hoạt động của lực lượng quân giải phóng ở đây ít hơn.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 59.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:20:03 am »


        Sau khi chấp thuận địa điểm, Phái bộ Philíppin đồng ý tự đảm bảo an ninh khi đến Tây Ninh. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, các lực lượng Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho toàn khu vực cho đến khi Tiểu đoàn an ninh Philíppin có thể tự đảm đương trách nhiệm này. Sau này, Phái bộ dân sự vụ Philíppin được đảm bảo bằng các cơ cấu an ninh chung trong và xung quanh Tây Ninh, bằng hỏa lực của các trận địa pháo 105mm, 155mm và cả pháo 175mm ở khu vực kế cận trong trường hợp khẩn cấp. Để trấn an Phái bộ Philíppin, Mỹ điều Lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 đến đóng tại Tây Ninh.

        Bộ phận đầu tiên của Phái bộ dân sự vụ Philíppin đến Nam Việt Nam vào ngày 28 tháng 6 năm 1966 với nhiệm vụ tiến hành công tác khảo sát thiết kế và vạch kế hoạch lập căn cứ ở Tây Ninh. Ngày 16 tháng 8, bộ phận tiếp theo đến Nam Việt Nam là nhóm kế hoạch tiền trạm, gồm 100 sĩ quan và binh sĩ, có nhiệm vụ phối hợp với một số cơ quan của quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ trong việc tiếp đón, vận chuyển và yểm trợ cho số còn lại sẽ sang Nam Việt Nam. Trong toán kế hoạch tiền trạm còn có 3 tổ công tác bắt đầu thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh cho các ấp xung quanh. Trong 7 tuần làm việc, các tổ công tác này đã khám chữa trung bình mỗi tuần cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Bộ phận thứ ba đến Nam Việt Nam vào ngày 9 tháng 9 năm 1966, gồm 60 lái xe, chuyên viên bảo dưỡng và nấu ăn.

        Bộ phận cuối cùng của Phái bộ dân sự vụ Philíppin đến Nam Việt Nam ngày 11 tháng 9 năm 1966, gồm tướng Tôbiát cùng Ban tham mưu. Hai ngày sau, 741 binh sĩ mới từ Philíppin sang, được chuyên chở bằng máy bay từ Vịnh Cam Ranh đến căn cứ ở Tây Ninh, nơi đã được chuẩn bị đầy đủ để có thể đón nhận một lực lượng lớn. Tiếp theo đó là một nhóm bác sĩ, y tá và binh sĩ pháo binh. Họ là những người đầu tiên đi máy bay từ Manila đến Tây Ninh qua Sài Gòn vào ngày 26 tháng 9 năm 1966. Hai đội phẫu thuật trong toán này được đưa tới các bệnh viện tỉnh Định Tường ở Mỹ Tho và tỉnh Bình Dương ở Phú Cường. Trong khi đó, một đội y tế nông thôn cũng được đưa đến Ba Trại, tỉnh lỵ của tỉnh Hậu Nghĩa.

        Đến ngày 1 tháng 10 năm 1966, toàn bộ các phương tiện bổ sung cũng được đưa đến Nam Việt Nam, đồng thời việc quản lý hành chính và hoạt động của 20 bác sĩ, y tá và chuyên viên y tế cũng được chuyển giao cho tướng Tôbiát. Đến giữa tháng 10 năm 1966, toàn bộ Phái bộ dân sự vụ Philíppin đã có mặt đầy đủ ở Nam Việt Nam.

        Như vậy, từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 10 năm 1966, quân đội Philíppin đã thực hiện một cuộc vận chuyển đường hàng không lớn nhất trong lịch sử Philíppin. Toàn bộ số quân còn lại của Phái bộ dân sự vụ được chở thẳng từ sân bay quốc tế Manila tới sân bay Tây Ninh, gần căn cứ của Phái bộ Philíppin. Theo lệnh của Tổng thống Máccốt, họ phải khởi hành vào lúc sáng sớm. Ý đồ của Tổng thống Philíppin là bộ phận này lên đường càng kín đáo càng tốt, không gây ra sự ồn ào trong dân chúng, cũng như không tạo cơ hội cho các đám đông tụ tập tại khu vực lên máy bay để tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc đưa quân sang Nam Việt Nam. Khi bộ phận cuối cùng này đến Nam Việt Nam, Phái bộ Philíppin có tổng quân số là 2.068 người.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 23.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:20:59 am »


        2. Những hoạt động chủ yếu của Phái bộ dân sự vụ Philíppin (PHILCAG) tại chiến trường miền Nam Việt Nam (1966-1969).

        Theo các thỏa ước đã ký kết với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhiệm vụ chủ yếu của PHILCAG (Philíppine Civic Action Group) là tham gia vào các chương trình "bình định" của quân đội Mỹ - quân đội Sài Gòn, bảo vệ các căn cứ đóng quân tại Tây Ninh. Đây là nhiệm vụ chủ yếu của Phái bộ này trong quá trình tham gia chiến tranh Việt Nam. Trên thực tế, PHILCAG đã trở thành một thực thể của cuộc chiến tranh Việt Nam khi Quốc hội Philíppin thông qua đạo luật cho phép chính quyền gửi một lực lượng gồm công binh xây dựng, nhân viên y tế, chuyên gia phát triển nông thôn đến Nam Việt Nam với nhiệm vụ "trợ giúp Việt Nam Cộng hòa bằng cách xây dựng, phục hồi và phát triển công trình công cộng, các phương tiện công ích và nhà cửa, đồng thời làm cố vấn kỹ thuật về các hoạt động kinh tế - xã hội"1. Thực chất, đây chính là chương trình "bình định" nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn vào căn cứ đầu não của lực lượng cách mạng Việt Nam đóng tại Tây Ninh trong chiến dịch "tìm diệt" đang được thực thi ở khu vực này.

        Các đơn vị trực thuộc của PHILCAG, gồm: tiểu đoàn an ninh Philíppin, tiểu đoàn pháo dã chiến 105mm, tiểu đoàn công binh xây dựng, tiểu đoàn quân y và nha khoa, đại đội yểm trợ hậu cần, đại đội phục vụ và sở chỉ huy.

        Trong thời kỳ đầu, hoạt động của PHILCAG tập trung vào việc xây dựng căn cứ nhằm mục đích bảo đảm an ninh cho quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, đồng thời là khu vực xây dựng kiểu mẫu để sau này chuyển giao cho chính quyền sở tại. Chỉ trong một thời gian ngắn, 150 căn nhà lắp ghép đã được PHILCAG dựng lên cùng với 10 km đường, 1 hệ thống thoát nước và một hệ thống đèn điện. Khu căn cứ này được đánh giá là "căn cứ quân sự xa hoa nhất tại Nam Việt Nam". Việc sử dụng khu vực này như thế nào cho hữu ích là vấn đề gây tranh cãi trong giới chức Mỹ tại Sài Gòn. Một số ý kiến cho rằng, khu căn cứ này nên được chuyển giao cho người Việt Nam với chức năng là một căn cứ cho quân đội Sài Gòn. Điều này xem ra không thực tế vì ở Tây Ninh có rất ít quân chính quy đóng quân. Đề nghị thứ hai cho rằng, nên sử dụng khu căn cứ này làm hạt nhân cho một trường học mới hoặc thiết lập trường đại học nông nghiệp tại đây (cả hai phương án đều thiếu tính khả thi vì không đủ kinh phí). Một đề nghị khác của Tham mưu trưởng PHILCAG được chú ý nhiều hơn, đó là, địa điểm này sẽ thích hợp hơn nếu được sử dụng làm một trung tâm huấn luyện dân vận.

        Bên cạnh việc xây dựng căn cứ, từ cuối tháng 9, lực lượng công binh cũng bắt tay vào việc sửa chữa đường sá ở một số thôn xã bên sườn phía đông khu rừng Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành, gần khu căn cứ Trảng Lớn của Lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 Mỹ, bao gồm cả việc sửa chữa 25 km đường chính trong khu vực tái định cư, trạm y tế, trường học, xây dựng sân chơi và thực hiện các chương trình dân y.

        Theo đề nghị của Tỉnh trưởng Tây Ninh, Phái bộ Philíppin sẽ đảm nhiệm việc thực hiện dự án dồn dân, lập "ấp chiến lược" ở Thanh Điền, bao gồm cả việc phát quang khoảng 4.500 ha đất rừng để sử dụng vào nông nghiệp; khai khẩn 100 ha đất để làm nhà ở và xây dựng 41km đường. Ngoài ra, PHILCAG cũng sẽ xây dựng một cây cầu để nối Thanh Điền và Phước Điền (một "ấp chiến lược" mới được Mỹ và quân đội

        Sài Gòn thiết lập) với quốc lộ 22. Địa điểm tái định cư này dự định sẽ xây khoảng 1.000 ngôi nhà để dồn dân vào ở. Khu rừng Thanh Điền trước đây vốn là căn cứ kháng chiến của lực lượng cách mạng trong hơn 20 năm, là địa điểm đứng chân của Đại đội 40, 2 tiểu đội du kích và một tiểu đội đặc công thuộc lực lượng vũ trang cách mạng Tây Ninh. Sự có mặt của các đơn vị này đã làm cho quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn mất ăn mất ngủ, nhất là khu vực các "ấp chiến lược" thuộc quận Phước Ninh dọc theo quốc lộ 13 ở phía bắc và các xã, ấp thuộc quận Phú Khương dọc theo quốc lộ 22 ở phía đông. Bằng cách phát quang rừng Thanh Điền, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tin rằng sẽ đẩy lực lượng vũ trang cách mạng về phía nam. Lúc đó, sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn có thể sẽ vươn đến sông Vàm Cỏ Đông. Trong khi quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn đang tăng cường lực lượng tiến hành các chiến dịch "tìm diệt" thì việc giao nhiệm vụ phát quang rừng Thanh Điền cho lực lượng PHILCAG được coi là phù hợp với tình hình và khả năng của quân đội Philíppin. Và đó cũng là nhiệm vụ quan trọng thứ hai kể từ khi lực lượng này đến Nam Việt Nam.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 66.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:21:47 am »


        Trước khi chương trình "bình định" được bắt đầu, Lữ đoàn bộ binh 196 Mỹ đã phối hợp với các lực lượng chủ lực, địa phương quân, dân vệ quân đội Sài Gòn mở các cuộc hành quân "tìm diệt" quy mô vừa trong gần 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1966) nhằm đánh bật lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích Tây Ninh ra khỏi khu rừng. Từ ngày 1 tháng 12 năm 1966, lực lượng công binh và phát triển nông thôn của PHILCAG phác thảo kế hoạch cho các công trình phục vụ chương trình "bình định" và bắt đầu thi công một số hạng mục quy mô nhỏ.

        Để thực thi công trình này, Phái bộ PHILCAG quyết định tổ chức lực lượng đặc nhiệm có tên gọi là "Bayanihan", gồm một đại đội công binh xây dựng tăng cường, một đại đội an ninh tăng cường, một tổ rà phá bom, mìn, một tổ quan sát phía trước của pháo binh và hai tổ dân vận. Trước tiên, lực lượng đặc nhiệm "Bayanihan" tiến hành công tác dọn đường vào vùng dự án từ "ấp chiến lược" Thanh Trung mới được "bình định", sau đó tiến về phía tây dọc theo một con đường mòn mà trước đó các lực lượng vũ trang và dân quân du kích ta thường đi vào rừng. An ninh vòng ngoài cho lực lượng đặc nhiệm Philíppin do 4 đại đội địa phương quân và dân vệ của quân đội Sài Gòn đảm trách. Trong chiến dịch phát quang này, tổ rà phá bom, dọn mìn có nhiệm vụ nặng nề nhất vì hầu như từng tấc đất trong khu vực đều phải dò gỡ mìn, bẫy chông và đạn chưa nổ.

        Mặc dù lực lượng "Bayanihan" được bảo vệ nghiêm ngặt và rất cảnh giác đề phòng, nhưng chúng vẫn liên tục bị lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích tỉnh Tây Ninh tiến công bằng súng cối, lựu đạn và súng bắn tỉa. Trong 6 tháng, lực lượng này bị ta tiến công 8 lần, tiêu diệt 2 tên, 10 tên khác bị thương và nhiều phương tiện bị phá hủy (bao gồm 2 xe ủi đất, 1 xe quân sự, 1 xe lu, 1 xe thiết giáp)1.

        Khi đã phát quang được một diện tích khoảng 4.500 ha đất, lực lượng công binh Philíppin bắt đầu thiết kế đường sá và đất canh tác cho làng "kiểu mẫu". Sau đó, với sự phối hợp của Sở tỵ nạn Tây Ninh, lực lượng công binh Philíppin đã xây dựng những ngôi nhà "kiểu mẫu" và dồn dân vào các địa điểm đã được chuẩn bị sẵn. Đến cuối tháng 3 năm 1967, các hạng mục ở nửa phía đông rừng Thanh Điền trong số 18 hạng mục của dự án đã hoàn tất. Ngày 4 tháng 4 năm 1967, 50 gia đình đầu tiên đã bị chính quyền ngụy ở Tây Ninh dồn đến Thanh Điền.

        Nhằm giúp đỡ lực lượng đặc nhiệm Philíppin thực thi chương trình "bình định" một cách nhanh chóng và hiệu quả, chính quyền ngụy ở Tây Ninh còn thiết lập một toán công tác gồm có lực lượng địa phương quân, dân vệ và các viên chức chính quyền Tây Ninh. Lực lượng này đã góp phần nhanh chóng dồn dân vào làng "kiểu mẫu" do quân Philíppin xây dựng để dễ dàng kiểm soát và tách họ ra khỏi lực lượng cách mạng. Một số tổ chức của Mỹ như CONOS, CARE và cơ quan cứu trợ Thiên chúa giáo cũng vào cuộc để hỗ trợ chương trình "bình định" của PHILCAG bằng cách cung cấp một số đồ dùng cho dân chúng trong ấp. Một số hoạt động kinh tế khác cũng được mở ra từ những nghề thủ công truyền thống của dân làng như nghề mộc, nghề làm nón lá..., nhưng chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp. Khi việc phát quang và san bằng đất đã hoàn tất, mỗi gia đình ở trong ấp còn được chính quyền ngụy và PHILCAG hứa hẹn sẽ có một nửa hécta đất để trồng lúa, được cung cấp hạt giống rau, lợn con và giống lúa IR8 của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế Rockefeller đã trồng và cho năng suất cao ở Philíppin.

        Chương trình "bình định", dồn dân lập "ấp chiến lược" của PHILCAG còn bao gồm cả việc xây dựng những cơ sở dân sinh mà địch gọi là "Trung tâm cộng đồng". Xung quanh "Trung tâm cộng đồng", PHILCAG cho xây dựng một văn phòng ấp và trung tâm thông tin, một trạm xá và nhà hộ sinh cùng với một trường học 10 phòng. Chính quyền ngụy ở tỉnh Tây Ninh đóng góp vào dự án của lực lượng Philíppin bằng cách xây dựng thêm một khu vực chợ và nhà máy điện; đồng thời thiết lập ngay một cơ cấu chính quyền tại đây ("ấp chiến lược"). Tỉnh trưởng chỉ định xã trưởng và tổ chức các gia đình lại thành một liên gia, mỗi liên gia cắt cử một liên gia trưởng để quản lý và kiểm soát dân chúng. Cuối cùng, Phái bộ dân sự vụ Philíppin còn xây dựng một bức tường có tên gọi là "Hy vọng" ở "Trung tâm cộng đồng" như là một biểu tượng cho tình hữu nghị và gây mối thiện cảm của công chúng địa phương đối với người Philíppin, để nhấn mạnh rằng, họ đến đây không phải đi xâm lược mà là "giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội"! Tuy nhiên, thực chất của dự án chính là một trong những mắt xích quan trọng trong chương trình "bình định" sau các cuộc hành quân "tìm diệt" do quân Mỹ và quân đội Sài Gòn tiến hành nhằm tiêu diệt các căn cứ kháng chiến đầu não của Trung ương Cục miền Nam đang đóng tại Tây Ninh.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L., Allied Participation in Vietnam, op.cit., p. 64.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:22:33 am »


        Ngày 30 tháng 11 năm 1967, các công trình trong "ấp chiến lược" ở Thanh Điền và cầu Hiệp Hòa đã hoàn tất. Các công trình này được lực lượng PHILCAG bàn giao cho chính quyền Sài Gòn trong một buổi lễ đặc biệt vào ngày 1 tháng 12 năm 1967. Bộ trưởng quốc phòng Sài Gòn Nguyễn Văn Vỹ đã đến dự và cắt băng khánh thành "ấp chiến lược" này.

        Một công trình khác được coi là có ý nghĩa tuyên truyền hiệu quả nhất mà Phái bộ dân sự Philíppin thực hiện ở Tây Ninh là họ đã sửa chữa và nâng cấp 35 km đường đi vào chợ Long Hoa ở bên cạnh Tòa thánh Cao Đài. Điều này đã giúp PHILCAG tranh thủ được cảm tình của giáo phái Cao Đài tại Tây Ninh.

        Để phối hợp hoạt động "bình định" có hiệu quả, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã thành lập Hội ái hữu Tây Ninh, gồm thành viên chủ chốt là các quan chức chính quyền ngụy ở tỉnh Tây Ninh, chỉ huy trưởng Lữ đoàn bộ binh 196 Mỹ, chỉ huy trưởng PHILCAG. Tuy nhiên, hội này chỉ họp được một vài lần, sau đó không lâu đã bị giải thể do không đáp ứng được tiêu chí, mục đích, yêu cầu khi thành lập và do vậy, Mỹ đã tìm một phương thức phối hợp hành động khác có hiệu quả hơn.

        Mặc dù tồn tại một thời gian ngắn, nhưng Hội ái hữu Tây Ninh đã soạn thảo được một số văn kiện, trong đó nêu rõ trách nhiệm phối hợp hành động và quyền lợi của các hội viên. Bản "thỏa thuận về sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau" giữa Phái bộ dân sự vụ Philíppin tại Việt Nam, Lữ đoàn bộ binh 196 Hoa Kỳ và tỉnh Tây Ninh là cơ sở để xúc tiến thành lập ủy ban dân sự vụ hỗn hợp. Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh được bầu làm Chủ tịch ủy ban. Các ủy viên gồm có: đại diện cao cấp của PHILCAG, Phó tỉnh trưởng hành chính, 1 đại diện của cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, 1 đại diện của Phòng dân sự hỗn hợp Mỹ, Tổng thư ký về tái thiết nông thôn, Trưởng ty thông tin và chiêu hồi, Trưởng ty xã hội, Trưởng ty kinh tế, Trưởng ty y tế, Trưởng ty giáo dục; đại diện Văn phòng 5 Mỹ tại Tây Ninh, Trưởng phòng 5 Lữ đoàn bộ binh nhẹ 196 Mỹ, Trưởng phòng 5 quân đội Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và quận trưởng những quận có liên quan.

        Ban đầu, ủy ban này quy định mỗi tháng họp ít nhất 3 lần, nhưng do cơ cấu tổ chức thành viên của ủy ban như đã nói ở trên quá công kềnh nên rất khó triệu tập. Vì vậy, ủy ban này rất ít khi tổ chức được cuộc họp có đầy đủ các thành viên và không giúp được nhiều cho sự phối hợp hành động giữa PHILCAG và các viên chức chính quyền ngụy tỉnh Tây Ninh. Trên thực tế, PHILCAG thường chọn phương thức tiếp xúc có vẻ thân mật hơn bằng cách gặp trực tiếp các viên chức Việt Nam Cộng hòa để trao đổi khi có công việc cần thiết. Do vậy, sự phối hợp hành động và hợp tác mang tính chất tạm thời và các mối quan hệ thường chỉ là cá nhân giữa sĩ quan Philíppin với viên chức Nam Việt Nam.

        Trong quá trình thực hiện các dự án có vẻ mang tính chất dân sự, lực lượng PHILCAG đã đưa ra một phương pháp "bình định" tương đối mới đối với miền Nam Việt Nam và cách làm đó ít nhiều đã có hiệu quả. Đó là cho in và rải trên 83.000 tờ truyền đơn bằng tiếng Việt, trong đó chứa đựng nội dung của Đạo luật Cộng hòa 4664 (Đạo luật "giúp đỡ Việt Nam") của Quốc hội Philíppin và giải thích lý do người Philíppin có mặt tại Nam Việt Nam cùng các nhiệm vụ "nhân đạo" mà họ sẽ thực hiện. Các tổ dân vận trong vùng nông thôn thì luôn nhấn mạnh về vai trò của lực lượng này là xây dựng chứ không phải tác chiến để lấy lòng dân chúng. Những việc làm trên ít nhiều cũng đem lại kết quả cho quá trình thực hiện hoạt động "bình định" của họ ở khu vực này.

        Các tổ dân vận Philíppin được tổ chức tương đối chặt chẽ và có một cơ cấu nhân viên đủ để đảm trách các hoạt động "bình định" tại bất kỳ một "ấp chiến lược" nào trong một ngày nhất định. Ví dụ, một tổ dân vận Philíppin sẽ đến một ấp và họ xây dựng ở đó nhà tắm, phân phát quần áo cho trẻ em, phân phát dụng cụ học tập cho học sinh và đồ dùng dạy học cho giáo viên, xây dựng trụ sở ấp, nhà hộ sinh, sau đó là trạm xá với các dụng cụ tiểu phẫu thuật và ghế khám bệnh cho nha khoa... Sau khi làm công tác dân vận và phần nào tạo được lòng tin trong một bộ phận nhân dân ở các "ấp chiến lược", tổ dân vận Philíppin tiếp tục thực hiện những công trình xây dựng khác phục vụ cho chương trình "bình định".

        Ngoài các tổ dân vận được phân công xuống từng ấp, còn có một đơn vị cỡ đại đội được cử xuống để bảo vệ từng ấp trong vùng có các tổ dân vận Philíppin hoạt động. Theo PHILCAG, điều đó sẽ giúp cho các đơn vị Philíppin trở nên "gần gũi" hơn đối với dân chúng trong các "ấp chiến lược". Và như vậy, mục đích của người Philíppin phần nào đã đạt được: Những việc làm của các tổ dân vận Philíppin cố gắng làm sao phải có tác dụng tâm lý đến một bộ phận dân chúng trong ấp, làm họ phần nào yên tâm, rằng sự hiện diện của người Philíppin ở đây không phải là đi xâm lược mà chỉ là xây dựng giúp người dân Nam Việt Nam mà thôi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:23:18 am »


        Công tác quan trọng nhất của Phái bộ dân sự vụ trong thời gian tham gia chiến tranh Việt Nam chính là việc thực hiện dự án tái định cư (dồn dân lập "ấp chiến lược") ở Thanh Điền. PHILCAG cho rằng, nếu dự án này thực hiện thành công sẽ được Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác tại Nam Việt Nam1.

        Mặc dù sứ mạng của Phái bộ Philíppin không bao gồm cả việc tác chiến chống lại các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam Việt Nam, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không trực tiếp tham gia các cuộc hành quân của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn vào các khu căn cứ đầu não kháng chiến ta. Nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Philíppin ở khu vực này là phải tiến hành một chiến dịch tâm lý chiến nhằm yểm trợ cho chương trình chiêu hồi, lôi kéo một số phần tử thoái hóa, biến chất trong hàng ngũ lực lượng kháng chiến của ta quay sang làm việc cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời tích cực khai thác thông tin tình báo phục vụ cho các cuộc hành quân "tìm diệt" của quân đội Mỹ và Sài Gòn. Quy trình của các chiến dịch này thường được thực hiện như sau: khi một toán dân vận đi đến một vùng nào đó,

        tình báo dân sự vụ Philíppin sẽ tìm cách thanh lọc những gia đình có thân nhân đi theo cách mạng. Sau đó, toán dân vận trên sẽ tìm cách lấy lòng các gia đình này, khuyến khích họ ủng hộ "chính nghĩa quốc gia" và thuyết phục thân nhân của họ quay về. Tuy nhiên, các hoạt động trên ít có hiệu quả vì người dân Việt Nam mặc dù có thiện cảm với binh lính Philíppin hơn so với quân đội Mỹ, nhưng về mục đích, tính chất tham gia chiến tranh của họ thì ai cũng rõ nên không dễ dàng khuất phục được nhân dân sống trong các "ấp chiến lược" do địch dựng lên.

        Với chức năng là một lực lượng tham gia chiến tranh nhưng không thực hiện các hoạt động tác chiến, những kế hoạch an ninh sử dụng cho Phái bộ Philíppin chỉ mang tính chất phòng thủ. Các công trình công binh được các lực lượng địa phương quân hoặc dân vệ Nam Việt Nam bảo vệ ở vòng ngoài vào ban đêm, còn ban ngày do các lực lượng an ninh Philíppin đảm trách. Ngoài ra, khi một khu vực được chọn để thực hiện một dự án lớn thì tất cả những ấp lân cận sẽ được quan tâm nhiều hơn và họ sẽ làm công tác dân vận ở đây để tạo được một môi trường thuận lợi trong vùng tiếp giáp với công trình. Mục đích của các hoạt động dân vận này không ngoài việc chiếm được cảm tình của dân chúng để có thể biết trước hoặc được báo động ngay về những hoạt động của các lực lượng vũ trang cách mạng. Hoạt động tác chiến của các đơn vị Philíppin ở Nam Việt Nam chỉ mang tính chất bảo vệ và chỉ hoạt động trong tầm yểm trợ pháo binh của các đơn vị quân đội Sài Gòn và các sĩ quan liên lạc đóng tại trung tâm hành quân chiến thuật tỉnh Tây Ninh cùng các trung tâm hành quân chiến thuật của lực lượng quân đội Mỹ đóng gần đó. Các trung tâm này thường được nối với sở chỉ huy Phái bộ Philíppin bằng một số phương tiện thông tin liên lạc.

        Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng Phái bộ Philíppin không thể chiếm được cảm tình và "sự biết ơn" của người dân địa phương ở tỉnh Tây Ninh. Các lực lượng dân sự vụ Philíppin tưởng như đã là người châu Á thì họ có đầy đủ điều kiện để có thể dễ dàng tìm kiếm được sự thông cảm và nhanh chóng gần gũi với dân chúng Việt Nam vì mục tiêu của người Việt Nam là chống lại người phương Tây. Nhưng thực tế diễn ra không như mong muốn và dự kiến ban đầu của cả Mỹ và Philíppin.

        Hầu hết người dân địa phương Việt Nam ít có cảm tình với Phái bộ dân sự vụ Philíppin, kể cả những người trong bộ máy chính quyền ngụy ở tỉnh Tây Ninh. Báo cáo của Tổ kỹ thuật nông thôn thuộc cơ quan CORDS (Mỹ) cho thấy rằng, người Việt Nam tỏ ra bất bình với một số nhân viên Philíppin bởi họ có một số hành vi không đứng đắn trong "buôn bán chợ đen và quyến rũ phụ nữ". Nhiều nhân vật lãnh đạo trong chính quyền tỉnh Tây Ninh cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự như trên. Trong một cuộc đối thoại kín vào tháng 7 năm 1967, Tỉnh trưởng Tây Ninh đã phê phán mức độ hành vi vi phạm đạo đức của người Philíppin và nêu ra một số báo cáo mới nhận được về chuyện binh lính Philíppin đem bán hàng miễn thuế và hàng ăn cắp ở chợ đen tại địa phương. Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh cũng nhấn mạnh rằng, người Việt Nam xưa nay vốn xem người Philíppin xuất thân từ một nền văn hóa thấp kém hơn, không thể tương xứng với nền văn hóa lâu đời của đất nước Việt Nam. Quan điểm này được hầu hết các quan chức chính quyền Sài Gòn cũng như dân chúng miền Nam Việt Nam chia sẻ, dù thái độ này chưa được bày tỏ công khai. Đó là những lý do chủ yếu đã dựng nên bức tường ngăn cản sự hợp tác giữa các viên chức ngụy quyền trong tỉnh và các sĩ quan Philíppin.

-----------------
         1. Việc phát quang một phần khu rừng ở Thanh Điền gần giống với chiến dịch "Lưỡi cày La Mã" (Rome Plovy) mà Mỹ đã tiến hành ở nơi khác, nhưng điểm khác biệt với Mỹ là: sau khi phát quang xong, lực lượng công binh sẽ xây dựng một "làng kiểu mẫu" ở đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:24:36 am »


        Trước những thủ đoạn xâm lược mới và tinh vi của Mỹ, ngay từ khi Mỹ và các nước đồng minh ồ ạt đưa quân sang miền Nam Việt Nam nhằm chia sẻ trách nhiệm và "quốc tế hoá" chiến tranh Việt Nam, Đảng ta đã xác định đây là kẻ thù chính và chủ yếu của nhân dân ta trong giai đoạn này. Đối với quân và dân tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục đã chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương tỉnh phối hợp với các đơn vị quân chủ lực đóng quân trên địa bàn tỉnh phải kiên quyết vạch trần bộ mặt thật, mục đích về sự tham chiến của lực lượng đồng minh Mỹ nói chung và Phái bộ Philíppin tại tỉnh Tây Ninh nói riêng. Ngay khi vừa đặt chân đến Nam Việt Nam, lực lượng PHILCAG đã bị những tổn thất đầu tiên do lực lượng bộ đội địa phương của tỉnh Tây Ninh phục kích trên đường Trà Võ - Tây Ninh. Trong trận này, 7 binh sĩ Philíppin đã bị thương do mìn Claymo.

        Trong quá trình lực lượng Philíppin thực hiện dự án Thanh Điền, lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều cuộc tiến công quy mô vừa và nhỏ đánh vào các cụm quân Philíppin. Nhằm chống lại các hoạt động "bình định" của quân Philíppin, trong 6 tháng đầu năm 1967, lực lượng vũ trang Tây Ninh đã mở nhiều đợt tiến công vào căn cứ của quân Philíppin, thâm nhập vào kho thiết bị ở Hiệp Hoà; thực hiện các cuộc tập kích nhỏ vào lực lượng bảo vệ dự án ấp Thanh Điền, diệt 2 lính Philíppin, 10 tên khác bị thương, phá hủy 2 xe ủi đất và 1 xe thiết giáp..., góp phần phá vỡ kế hoạch "bình định" của lực lượng Philíppin. Bên cạnh đó, ta cũng mở các chiến dịch tuyên truyền vận động để binh sĩ Philíppin thấy rõ sự thật về cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là phi nghĩa và cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, lật đổ chế độ Sài Gòn là hoàn toàn chính nghĩa.

        Chỉ nửa tháng sau khi địch cắt băng khánh thành "dự án Thanh Điền", ngày 16 tháng 12 năm 1967, lực lượng vũ trang địa phương huyện Châu Thành và dân quân du kích đã tổ chức một cuộc tiến công quy mô vừa vào ấp Thanh Điền, mở chiến dịch tuyên truyền vận động, kêu gọi nhân dân ở đây không bị lừa bịp bởi các thủ đoạn "bình định" mới không kém phần tinh vi của địch, đưa một bộ phận nhân dân ra khỏi ấp, đặt mìn phá hủy trụ sở ấp và một số "nhà kiểu mẫu". Dự án Thanh Điền còn tiếp tục bị các lực lượng du kích của ta tiến công, nên kế hoạch triển khai chương trình "bình định" rất khó thực hiện theo đúng tiến độ Phái bộ dân sự vụ Philíppin đã đề ra.

        3. Các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Philíppin về sự gia tăng lực lượng và quá trình rút quân khỏi Nam Việt Nam.

        Tháng 12 năm 1966, theo lời mời của Tổng thống Philíppin Máccốt, tướng Oétmolen đã viếng thăm Manila. Tại đây, Oétmolen đã ca ngợi thành tích của lực lượng PHILCAG và đưa ra một số đề xuất có tính chất trao đổi về lợi ích giữa hai bên. Nếu Chính phủ Philíppin tăng thêm phần đóng góp viện trợ cho chính quyền Sài Gòn thì Mỹ sẽ cân nhắc việc cung cấp một phi đội trực thăng UH1D phục vụ cho công tác dân vận. Đồng thời, Oétmolen cũng đưa ra một khả năng khác, theo đó Chính phủ Philíppin có thể đưa cố vấn sang giúp chính quyền Sài Gòn huấn luyện cảnh sát, hoặc ngược lại, chính quyền Sài Gòn có thể đưa người sang tu nghiệp trong lực lượng cảnh sát Philíppin.

        Tổng thống Máccốt thực sự rất quan tâm đến gợi ý của Oétmolen về việc thành lập phi đội trực thăng, đặc biệt, nếu Philíppin được giữ lại những chiếc trực thăng đó sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Việt Nam. Ông cũng ủng hộ đề xuất của Mỹ về việc huấn luyện thêm phi công lái trực thăng để có thể đưa sang làm nhiệm vụ ở Việt Nam và muốn có 10 chiếc trực thăng đưa sang Nam Việt Nam cùng 6 chiếc khác để lại ở Philíppin, phục vụ cho mục đích huấn luyện. Tuy nhiên, Tổng thống Máccốt chưa sẵn sàng phê chuẩn toàn bộ dự án, mặc dù Tòa đại sứ Mỹ tại Manila và tướng Gôm - Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Liên quân Mỹ ở Philíppin, đã đồng ý và đề xuất thực hiện dự án. Về vấn đề này, bản thân phía Mỹ cũng hiểu rõ lý do khiến Tổng thống Philíppin do dự. Kế hoạch viện trợ quân sự của Philíppin cho chính quyền Sài Gòn không thể có được khoản ngân sách dành cho phi đội trực thăng nếu không đình chỉ chương trình đang thực hiện. Hơn nữa, toàn bộ công việc huấn luyện ban đầu sẽ phải được tiến hành ở Mỹ vì Philíppin chưa có cơ sở.

        Tướng Oétmolen tin rằng, nếu có thêm một phi đội trực thăng sẽ tăng cường khả năng yểm trợ cho quân đồng minh của Mỹ ở Nam Việt Nam, đặc biệt, nó có thể yểm trợ tốt cho các hoạt động của lực lượng PHILCAG. Oétmolen muốn có một phi đội 25 trực thăng với đầy đủ trang bị theo yêu cầu của Phái bộ dân sự vụ Philíppin. Phi đội sẽ phải được trang bị trực thăng UH1D vì Mỹ không sản xuất UH1B nữa, nhưng nếu chuyển trực thăng UH1D sẵn có ở Việt Nam sang làm nhiệm vụ với PHILCAG thì sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:24:58 am »


        Đô đốc Sáp, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho rằng, ý định của MACV là tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng nhu cầu về trực thăng UH1 quá lớn nên không thể nhanh chóng cung cấp cho Chính phủ Philíppin. Do thiếu máy bay, khả năng hạn chế của các phi công Philíppin cũng như thái độ không sốt sắng của Chính phủ nước này nên Đô đốc Sáp cho rằng kế hoạch tăng cường một phi đội trực thăng cho PHILCAG không có tính khả thi. Đề xuất này tiếp tục được Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đưa ra xem xét và sau đó kết luận rằng, thiết lập một phi đội trực thăng để phục vụ cho lực lượng PHILCAG là không cần thiết và không kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng phi công Philíppin ở Nam Việt Nam để yểm trợ cho các hoạt động của lực lượng Philíppin lại có lợi về mặt quân sự.

        Cuối cùng, Oasinhtơn quyết định, Chính phủ Mỹ không nêu vấn đề phi đội trực thăng Philíppin, cũng không lấy phi công Philíppin vào làm việc với các đơn vị Mỹ để yểm trợ cho lực lượng PHILCAG. Nhưng, nếu Chính phủ Philíppin lại nêu vấn đề trên thì phía Mỹ sẽ lấy lý do, số lượng trực thăng có hạn và nhiều nhu cầu quân sự khác cần được ưu tiên hơn, nên không cho phép thành lập một phi đội trực thăng riêng cho Philíppin.

        Trong khi các cuộc thảo luận cấp cao về việc tăng cường sự yểm trợ của Philíppin cho quân đội Sài Gòn đang diễn ra ở cấp cao Mỹ - Philíppin, thì "dự án phát quang rừng Thanh Điền" nằm trong chương trình "bình định" vẫn tiếp tục được thực hiện. ở Philíppin, cuộc bàn cãi về việc chuẩn chi ngân sách cho lực lượng PHILCAG trong năm tiếp theo vẫn chưa ngã ngũ. Tuy Dự luật đã được Hạ viện thông qua với đa số áp đảo (81/7) và ở Thượng viện tỷ lệ thấp hơn (15/8), nhưng khuynh hướng chống đối có chiều hướng gia tăng. Phái chống đối cho rằng, nên dành khoản dự chi 35 triệu pê xô cho việc làm đường và thủy lợi ở Philíppin thì tốt hơn là viện trợ cho Nam Việt Nam.

        Dự luật mới về việc chuẩn chi ngân sách cho Phái bộ dân sự vụ Philíppin tại Nam Việt Nam đã được trình lên Quốc hội trong tháng 3 năm 1967. Chủ tịch Hạ viện và một số nghị sĩ nêu ý kiến cần gắn Dự luật trên với việc xem xét lại toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Philíppin, đặc biệt là việc thực hiện đầy đủ những cam kết viện trợ quân sự của Mỹ. Để thuyết phục Quốc hội Philíppin, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ đã đề nghị Tổng thống Máccốt xem xét kéo dài thời hạn làm nhiệm vụ và mở rộng các hoạt động của Phái bộ Philíppin. Tổng thống Máccốt đã đáp lại lời đề nghị của Nguyễn Cao Kỳ bằng một chuyến viếng thăm bất ngờ Nam Việt Nam.

        Ngày 16 tháng 7 năm 1967, với sự hộ tống của tướng E. Mata, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philíppin cùng một số sĩ quan và quan chức khác, Tổng tống Máccốt đã đến căn cứ của Phái bộ Philíppin tại Tây Ninh. Trong 9 tiếng đồng hồ thăm viếng, Tổng thống Máccốt đã nghe tướng Tôbiát báo cáo tình hình hoạt động của lực lượng Philíppin tại Nam Việt Nam và đi thăm khu "tái định cư" Thanh Điền. Trả lời các câu hỏi của báo chí về khả năng đóng góp nhiều hơn nữa của Philíppin cho Nam Việt Nam, Tổng thống Máccốt khẳng định là chưa có kế hoạch nhưng đang nghiên cứu.

        Trong khi đó, tướng Oétmolen cho biết, Chính phủ Philíppin đã có kế hoạch thay quân trong tháng 8 năm 1967 và quân đội đang tập hợp những người tình nguyện ở trại huấn luyện Macxayxay. Toán tiền trạm dự kiến lên đường sang Nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 9 năm 1967. Lực lượng chính gồm khoảng 600 sĩ quan, binh sĩ sẽ đến Nam Việt Nam ngày 20 tháng 10 năm 1967, số còn lại sẽ đến trước ngày 16 tháng 12 năm 1967. Ngày triển khai sau cùng sẽ được quyết định trong tháng 12.

        Tại các cuộc thảo luận với đại diện chính quyền Philíppin, tướng Gôm luôn thúc ép nước này gấp rút cho tổ chức Phái bộ dân sự vụ thứ hai để huấn luyện các toán sử dụng viện trợ, trang bị; đồng thời đề nghị các toán huấn luyện cơ động của Philíppin nên triển khai hoạt động sớm hơn trong giai đoạn này. Nếu làm được như vậy, điều đó sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng Philíppin làm quen với các trang bị, thủ tục và phương thức hoạt động tại Nam Việt Nam. Tuy nhiên, xét về một khía cạnh khác của việc huấn luyện, điều mà quân đội Philíppin cần, đó là yêu cầu Bộ tư lệnh viện trợ Mỹ tại Nam Việt Nam phải cung cấp những toán huấn luyện cơ động về các thủ tục tiếp vận và hệ thống hồ sơ lưu trữ trang bị của quân đội Hoa Kỳ.

        Tướng Oétmolen chấp nhận lời đề nghị về huấn luyện của tướng Gôm vì nhiệm vụ của Phái bộ Philíppin tại Nam Việt Nam không có gì thay đổi. Mặt khác, Oétmolen cũng đề nghị khi triển khai quân sang Việt Nam nên lợi dụng quân số dư thừa ở một số đơn vị nhỏ để huấn luyện tại chỗ cho Phái bộ dân sự vụ thứ 2 mà không gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của lực lượng này. Kế hoạch huấn luyện đó không những cho phép lực lượng thay thế làm quen với công việc tại Nam Việt Nam, mà còn bảo đảm tính liên tục trong mối quan hệ vốn đã được thiết lập với người Mỹ và người Việt Nam, hạn chế đến mức tối thiểu nhu cầu không vận; tạo điều kiện dễ dàng cho việc đưa các máy bay trở về, đồng thời giảm thiểu được nhiều vấn đề cho công tác an ninh liên quan đến việc tập trung và di chuyển những đơn vị lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:25:19 am »


        Mặc dù việc vận chuyển quân và các đơn vị nhỏ là có lợi, nhưng chính quyền Philíppin vẫn không thể đáp ứng nổi về mặt tài chính đối với bất kỳ một sự gia tăng quân số kéo dài nào và họ chỉ có khả năng bảo đảm được trong vòng 2 ngày mà thôi. Khi ngày triển khai được ấn định, toàn bộ đơn vị sẽ được chuyển đi càng nhanh càng tốt, tùy số lượng sẵn có các máy bay vận chuyển quân.

        Việc chuẩn bị thay quân của Phái bộ dân sự vụ được bắt đầu vào ngày 27 tháng 9 năm 1967. Trong tháng 11, Tòa đại sứ Mỹ ở Manila xem xét những đề xuất của Philíppin liên quan đến việc tăng cường sự trợ giúp Nam Việt Nam, đặc biệt là tăng cường các đơn vị công binh. Các lực lượng vũ trang Philíppin muốn có một cơ cấu chỉ huy riêng cho các đơn vị của mình. Bộ phận hậu cần sẽ gồm từ 1 đến 3 tiểu đoàn công binh xây dựng và có thể bao gồm cả các đơn vị công binh hiện đang ở Nam Việt Nam.

        Tuy nhiên, lực lượng không quân và hải quân Philíppin lại đưa ra những đề nghị riêng. Hải quân Philíppin đề xuất một lực lượng khoảng 400 người cho các tàu đổ bộ LST; hoặc 224 sĩ quan và binh sĩ cho 16 tàu đổ bộ LCM; hoặc 100 sĩ quan và binh sĩ để điều hành một phân đội 12 tàu tuần tra ven biển cao tốc; hoặc 100 sĩ quan và binh sĩ cho một phân đội 4 xuồng máy.

        Về máy bay và lực lượng không quân đưa từ Mỹ, không quân Philíppin đề xuất đưa sang Nam Việt Nam một phi đội 12 máy bay, có thể là C7A hay C130. Nếu bay 60 giờ mỗi tháng cho mỗi máy bay và không cần các căn cứ bảo đảm thì mỗi phi đội cần được biên chế 50 sĩ quan và 203 binh sĩ.

        Sau khi xem xét các đề xuất nói trên, Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng, lực lượng tăng cường tối ưu theo quan điểm của Nam Việt Nam và Philíppin, là 3 tiểu đoàn công binh của lục quân Philíppin, gồm khoảng 2.100 sĩ quan và binh sĩ. Phía Mỹ cũng đồng ý có thêm một lực lượng bảo đảm an ninh nếu Philíppin yêu cầu, nhưng không muốn lấy từ các tiểu đoàn công binh.

        Trong khi đó, cuộc bầu cử ở Thượng viện Philíppin ngày 14 tháng 11 năm 1967 rất có ảnh hưởng đến quy chế tương lai của PHILCAG tại Nam Việt Nam. Vấn đề duy trì hay không duy trì Phái bộ được đề cập trong chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên Đảng Tự do đối lập. Đảng này cho rằng, việc tăng cường lực lượng PHILCAG sang Nam Việt Nam sẽ làm phân tán ngân sách cần thiết cho các nhu cầu đối nội của Philíppin. Tổng thống Philíppin tìm cách né tránh vấn đề này bằng cách trì hoãn giải quyết yêu cầu chuẩn chi cho Phái bộ dân sự vụ với hy vọng Đảng Quốc dân của ông sẽ giành được quyền kiểm soát Thượng viện. Trong khi đó, các cuộc biểu tình, tuần hành của nhân dân Philíppin phản đối việc Chính phủ Philíppin tăng quân sang Nam Việt Nam cũng đang diễn ra liên tiếp tại thủ đô Manila và một số thành phố lớn.

        Kết quả của cuộc bầu cử là Đảng Quốc dân giành được 6 trong số 8 ghế tranh chấp ở Thượng viện. Tổng thống Máccốt nhanh chóng đưa ra dự luật chuẩn chi 9 triệu USD cho việc tiếp tục triển khai Phái bộ dân sự vụ ở Nam Việt Nam. Tuy nhiên, dù dự luật được thông qua dễ dàng, nhưng lại bị các thành viên của Đảng Tự do và cả một số người trong Đảng Quốc dân công kích. Sự phản đối của những người này một phần là do sự chỉ trích của một nhóm nhỏ đối với các chính sách của Mỹ ở Nam Việt Nam và sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ ở Philíppin. Để làm dịu sự chỉ trích đó, chính quyền Máccốt đã đưa ra dự luật sửa đổi, theo đó sẽ kéo dài thời hạn làm nhiệm vụ của Phái bộ dân sự vụ tại Nam Việt Nam. Dự luật cũng giảm thành phần công binh và tăng tương ứng số lượng nhân viên quân y.

        Do ngân sách đảm bảo cho Phái bộ này hầu như đã cạn, nên Chính phủ Philíppin dự định rút quân tượng trưng để tránh sự chỉ trích việc chi tiêu không được phê chuẩn và trình bày với Thượng viện rằng, lực lượng này đã đến bước đường cùng, trừ phi Quốc hội phải nhanh chóng có một giải pháp nào đó, nếu không Chính phủ Máccốt bắt buộc phải rút toàn bộ lực lượng về nước vì thiếu ngân sách. Mục tiêu của Chính phủ là khôi phục đầy đủ quân số cho lực lượng này khi dự luật chuẩn chi mới được phê duyệt, nhưng khi phiên họp thường kỳ của Quốc hội kết thúc, dự luật vẫn không được phê chuẩn. Một phiên họp đặc biệt khác của Quốc hội được triệu tập nhưng vẫn không thông qua được Dự luật. Quân số của lực lượng Philíppin đang làm nhiệm vụ ở Nam Việt Nam sau mấy tháng đã giảm xuống còn khoảng 1.800 vì không có binh sĩ sang thay thế cho số đã về nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:26:04 am »


        Ngày 31 tháng 7 năm 1968, Chính phủ Philíppin thông báo cho Tòa Đại sứ Mỹ ở Manila về việc quân đội Philíppin đã ra lệnh giảm quân số của lực lượng Philíppin ở Nam Việt Nam từ 1.735 xuống còn 1.500 người1.

        Việc cắt giảm nói trên sẽ được hoàn tất vào ngày 15 tháng 8. Quyết định của Tổng thống Máccốt đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ. Ngày 3 tháng 8 năm 1968, Tòa đại sứ Mỹ ở Philíppin đã yêu cầu tướng Gôm phải gặp ngay Bộ trưởng Quốc phòng Philíppin E. Mata để phản đối việc cắt giảm lực lượng Philíppin ở Nam Việt Nam. Tuy nhiên, dù đồng quan điểm với Gôm, nhưng Mata không thể thay đổi được quyết định của Tổng thống Máccốt. Ngày 9 tháng 8 năm 1968, Phái bộ dân sự vụ Philíppin tại Nam Việt Nam chính thức yêu cầu cơ quan vận tải Tây Thái Bình cung cấp phương tiện không vận đặc biệt vào các ngày 10, 11, 12 và 13 tháng 8 năm 1968 để đưa 235 thành viên của Phái bộ về nước.

        Theo Tư lệnh các lực lượng vũ trang Philíppin Manuen Ian cho biết, lực lượng dự định thay thế đang được huấn luyện và sẽ đưa sang Nam Việt Nam trong tháng 9 năm 1968; ngân sách bảo đảm cho lực lượng này sẽ được trích từ ngân sách thường niên của các lực lượng vũ trang Philíppin; nhiệm vụ của đơn vị thay thế này sẽ hoàn toàn giống như nhiệm vụ của Phái bộ dân sự vụ đang ở Nam Việt Nam, nhưng chú trọng hơn các hoạt động trong lĩnh vực y tế và nha khoa. Do vậy, để tăng thêm 5 đội giải phẫu và 5 đội y tế khác, cần phải giảm số binh sĩ của tiểu đoàn công binh. Mặt khác, để duy trì khả năng của tiểu đoàn công binh xây dựng, quân số cho tiểu đoàn an ninh phải được huấn luyện cả kỹ thuật công binh. Việc thay thế các thành viên của Phái bộ dân sự vụ hoàn thành thời hạn nhiệm vụ 2 năm ở Nam Việt Nam dự định tiến hành trong thời gian từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 năm 1968. Sự cắt giảm quân số và gia tăng tỷ lệ lực lượng quân y và nha khoa nhằm nhấn mạnh một lần nữa vai trò phi tác chiến của Phái bộ để xoa dịu sự chỉ trích từ Quốc hội và nhân dân Philíppin.

        Sau lần cắt giảm quân số Philíppin ở Nam Việt Nam năm 1968, dân chúng Philíppin tạm thời không còn đấu tranh gay gắt với Chính phủ về vấn đề Phái bộ dân sự vụ tại Nam Việt Nam. Tổng thống Philíppin tin rằng, việc duy trì một lực lượng Philíppin tại Nam Việt Nam là phù hợp với lợi ích quốc gia. Sự có mặt của lực lượng này sẽ bảo đảm cho Philíppin quyền được ngồi ở bàn đàm phán giải quyết vấn đề Nam Việt Nam và được hưởng phần quân cụ còn thừa sau chiến tranh. Tuy nhiên, chỉ được ít lâu, dư luận trong nước lại bắt đầu kêu gọi rút toàn bộ lực lượng Philíppin về nước. Một số nghị sĩ muốn "trừng phạt" Mỹ về việc nước này đã ủng hộ Malaixia trong thời kỳ xảy ra cuộc khủng hoảng ở Saba. Số khác cho rằng, lực lượng đó đang cần cho nỗ lực chống nổi dậy của lực lượng Hukbalaháp ở miền Trung Ludông. Số khác thì cho rằng, chi phí cho Phái bộ dân sự vụ ở Nam Việt Nam dù ở mức thấp nhất cũng là một gánh nặng tài chính. Vì ngân sách không được Quốc hội phê chuẩn nên chi phí cho lực lượng này phải lấy từ ngân sách chung của quân đội Philíppin cộng thêm 17 triệu đô la Mỹ thiết bị công binh và 1,5 triệu đô la Mỹ trợ giúp hằng năm của Mỹ.

        Tháng 3 năm 1969, tại cuộc họp kín. Hạ viện Philíppin đã bỏ phiếu quyết định rút lực lượng còn lại của Phái bộ dân sự vụ và thay thế bằng một toán quân y. Trong khi đó, việc gặp gỡ với các quan chức Mỹ để yêu cầu hoàn thành việc cấp ngân khoản cho Phái bộ vẫn được xúc tiến. Tình hình trên đặt ra vấn đề, liệu phía Mỹ có đảm bảo toàn bộ chi phí cho Phái bộ Philíppin hay để cho lực lượng này rút khỏi Nam Việt Nam?

        Mặc dù lực lượng Philíppin đã làm được một số công trình xây dựng, nhưng vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Riêng tiểu đoàn an ninh và đại đội pháo của lực lượng PHILCAG không được giao nhiệm vụ tiến công nên được đánh giá là không có đóng góp đáng kể cho các hoạt động tác chiến của MACV. Lực lượng an ninh PHILCAG chỉ góp phần đảm bảo an ninh cho dân chúng ở khu vực Tây Ninh, nhưng vì các đơn vị này chiến đấu nhằm mục đích tự vệ nhiều hơn nên khu vực an toàn chỉ giới hạn ở vùng phụ cận căn cứ hoặc các công trình xây dựng họ đang thi công.

        Về tác động tâm lý thì người Nam Việt Nam hầu như không có cảm tình với lực lượng Philíppin. Hơn nữa, người Việt Nam vốn có truyền thống bài ngoại và miễn cưỡng chấp nhận sự giúp đỡ của một quốc gia kém phát triển, đang có vấn đề về tham nhũng và nổi dậy như Philíppin. Do vậy, tháng 4 năm 1969, Toà đại sứ Mỹ đã tỏ ý không muốn đáp ứng yêu cầu của Philíppin về việc duy trì Phái bộ dân sự vụ ở Nam Việt Nam nữa.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 70.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM