Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:07:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam  (Đọc 26174 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:06:22 am »


        Cũng trong thời gian này, quân Ôxtrâylia còn triển khai thực hiện chiến thuật "ụ ngầm" bao quanh ba xã vùng Đất Đỏ (Phước Thạnh, Phước Thọ, Phước Hòa Long), tạo lá chắn ngăn chặn lực lượng cách mạng từ ngoài vào. Từ đầu năm 1969, quân Ôxtrâylia dùng xe cơ giới ủi phá địa hình xây dựng 36 ụ ngầm, có chiều dài 15km. Các ụ ngầm làm bằng xi măng, hai phần ba ụ ngầm chìm dưới đất. Mỗi ụ ngầm có lỗ châu mai sát mặt đất. Loại ụ lớn có một tiểu đội canh giữ, ụ nhỏ có nửa tiểu đội. Khoảng cách các ụ lớn 300 đến 500 mét, xen giữa các ụ lớn là ụ nhỏ cách nhau 100 đến 200 mét. Các ụ liên lạc với nhau bằng điện thoại. Bao quanh ụ lớn là một phần rào "bùng nhùng", ụ nhỏ là một lớp rào đơn. Tiếp giáp với lớp rào gai của từng ụ là con đường đất rộng khoảng 8 mét để xe tăng cơ động chi viện khi bị tiến công. Bên ngoài đường xe tăng là hệ thống hàng rào kẽm gai có bề dày 20 mét, phía dưới có chôn mìn. Ngoài cùng là vòng cung giao thông hào rộng 1,5 mét, trên bờ cắm chông, gài mìn1. Ban đêm có hệ thống đèn pha sáng rực. Làm xong hệ thống ụ ngầm, quân Ôxtrâylia từng bước quay vào trong xã ấp đẩy mạnh lùng sục, căng dây chia ô, xăm hầm bí mật để phát hiện, tìm diệt cán bộ cách mạng bám trụ bên trong, nhưng hầu hết đều bị du kích các xã đánh trả quyết liệt.

        Ngày 24 tháng 6 năm 1969, quân Ôxtrâylia càn quét vào chòm đầu xã Phước Hòa Long. Đội du kích xã đã mưu trí gài mìn E3, tổ chức bắn tỉa, dồn địch vào bãi mìn, diệt gọn một trung đội Ôxtrâylia. Ngày 4 tháng 7 năm 1969, du kích xã Phước Hòa Long lại đánh địch bằng mìn E3, diệt gọn một trung đội Ôxtrâylia khác. Tại Phước Thọ, ngày 13 tháng 7, du kích xã bám hầm bí mật, bất ngờ dùng lựu đạn đánh thiệt hại nặng một tiểu đội quân Ôxtrâylia đi lùng sục, xăm hầm2.

        Hệ thống ụ ngầm bao quanh ba xã vùng đất đỏ là một thủ đoạn chiến thuật mới của quân Ôxtrâylia, thay thế cho hàng rào mìn M16-E3 đã bị quân và dân Long Đất vô hiệu hóa. Tình huống khó khăn mới lại đặt ra đối với lực lượng cách mạng: đường giao thông liên lạc từ căn cứ huyện vào ba xã bị cắt đứt, lương thực và đồ dùng từ bên trong không chuyển ra ngoài căn cứ được.

        Trước những thủ đoạn mới của quân Ôxtrâylia, Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 445 phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Long Đất và du kích các xã vùng Đất Đỏ quyết tâm phá ụ ngầm.

        Trận đầu tiên đánh phá ụ ngầm, du kích xã dẫn Tiểu đoàn 445 vào, dùng ĐKZ bắn phá ụ ngầm nhưng không hiệu quả vì ụ chìm dưới đất. Bộ đội bị địch phản pháo, một số chiến sĩ bị thương vong. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 445 cùng lực lượng vũ trang huyện Long Đất đã huấn luyện kỹ thuật đặc công cho bộ đội để phá ụ ngầm. Ngày 21 tháng 9 năm 1969, du kích Phước Thọ dẫn một tổ của Tiểu đoàn 445 vượt qua ấp Phước Sơn vào sát chốt Da Quy, dùng bộc phá phá tan bốn ụ, thu bốn súng3. Lính địch chốt giữ tại đây hoàn toàn bị bất ngờ. Từ chi khu Đất Đỏ, pháo Niu Dilân bắn sát ngay trận địa. Xe tăng Ôxtrâylia từ Da Quy tiến đến bịt kín các nẻo đường từ Đất Đỏ ra. Bộ đội và du kích thương vong nhiều do công tác tiềm nhập chưa an toàn.

        Rút kinh nghiệm trận đầu, lần sau, bộ đội và du kích hoàn toàn dùng kỹ thuật tiềm nhập của đặc công: bí mật cắt rào, bò vào sát các ụ, đặt bộc phá xong, dòng dây ra chập điện. Sau đó dùng bộc phá ống để phá rào. Cách làm đó bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tác chiến. Đêm 28 tháng 9, bộ đội và du kích phá tan 5 ụ khác, diệt 19 lính chốt giữ, thu 14 súng và rút lui an toàn4. Kết hợp với mũi quân sự, Huyện ủy Long Đất còn chỉ đạo các chi bộ đẩy mạnh công tác binh vận, làm hoang mang tinh thần lính chốt giữ. Nhiều tên hoảng sợ, ban đêm không dám ngủ trong ụ ngầm. Tuy nhiên, quân Ôxtrâylia cũng hết sức ngoan cố. Bộ đội và du kích đánh sập ụ nào, chúng làm lại ụ đó, đồng thời tăng cường khủng bố, bắt bớ nhân dân xung quanh nếu tình nghi là cơ sở của "Việt cộng". Bên ngoài, chúng tung quân phục kích nhiều nơi chống lực lượng cách mạng đột nhập.

        Tháng 10 năm 1969, Tiểu đoàn 445 và Huyện ủy Long Đất chỉ đạo mở đợt ba tổng công kích phá ụ ngầm. Với 13 khối chất nổ, mỗi khối nặng 5kg, trong một đêm, bộ đội đã phá tan 12 ụ ngầm. Cơ sở mật lãnh đạo nhân dân dùng dụng cụ thô sơ phá tan 4 ụ khác.

        Trước thế tiến công của các lực lượng cách mạng, quân Ôxtrâylia điều một đại đội về đóng chốt tại Phước Hòa Long nhằm tạo tuyến ngăn chặn lực lượng ta từ căn cứ Minh Đạm phát triển vào Đất Đỏ. Hoạt động của quân Ôxtrâylia không thoát được mạng lưới trinh sát nhân dân của cơ sở ở Đất Đỏ.

-----------------
         1. Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975), Sđd, tr. 323.

         2. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Long Đất, Nxb Đồng Nai, 1986, tr. 168.

         3, 4. Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975), Sđd, tr. 324.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:07:24 am »


        Có cơ sở ở bên trong, Tiểu đoàn 445 tiếp tục tiến công, tập kích diệt gọn đại đội quân Ôxtrâylia. Khác với quân đội Sài Gòn, quân Ôxtrâylia phản kích rất nhanh khi bị tiến công. Xe tăng của quân đội Ôxtrâylia từ căn cứ Da Quy kéo lên vây chặt vùng đất đỏ, chặn đường rút của Tiểu đoàn 445. Từ chi khu Đất Đỏ và căn cứ Da Quy, pháo của quân đội Niu Dilân dội cấp tập vào trận địa. Pháo sáng treo lơ lửng soi sáng các cánh đồng An Nhứt, Đất Đỏ. Tiểu đoàn nhanh chóng rút khỏi trận địa trước khi quân Ôxtrâylia khép chặt vòng vây, nhưng hai tiểu đội trinh sát đã bị kẹt bên trong chưa ra được. Trước tình thế tiến, lui đều không được, cơ sở mật đã khéo léo đưa hai tiểu đội núp vào trong nọc rơm lớn trước nhà mình. Quân Ôxtrâylia lùng sục khắp nơi nhưng không phát hiện được. Đêm hôm sau, hai tiểu đội vượt vòng vây về căn cứ an toàn.

        Sau ba đợt công kích phá ụ ngầm, Tiểu đoàn 445 và bộ đội địa phương huyện Long Đất phối hợp với du kích các xã phá tan 25 ụ trong số 36 ụ ngầm của địch. Nhờ đó, bộ đội vượt lộ 23, lộ 52 vào vùng đất đỏ dễ dàng hơn; việc xây dựng cơ sở trong ấp được đẩy mạnh. Những khó khăn về lương thực từng bước được tháo gỡ. Trong năm 1969, Tiểu đoàn 445 cùng quân và dân Long Đất đã đánh bại hoàn toàn chiến thuật "ụ ngầm" của quân Ôxtrâylia ở Đất Đỏ, đồng thời sử dụng thành thạo mìn Ôxtrâylia (lấy trong hàng rào mìn) và đạt hiệu quả cao trong việc bảo vệ căn cứ, đánh địch. Quân và dân Bà Rịa - Long Khánh diệt và làm tan rã một bộ phận quân Ôxtrâylia, Mỹ, quân đội Sài Gòn gồm 24.136 tên, diệt gọn 3 đại đội (có 1 đại đội quân Ôxtrâylia), 9 trung đội (có 2 trung đội Ôxtrâylia, 1 trung đội Mỹ), diệt 44 xe tăng và xe cơ giới, bắn hạ 4 máy bay...1.

        Đầu năm 1970, quân Ôxtrâylia lại áp dụng một chiến thuật mới "hàng rào - lá chắn". Dựa vào vòng cung ụ ngầm cũ, ban đêm quân Ôxtrâylia phối hợp với quân đội Sài Gòn dựa vào hệ thống bãi mìn và lính phục kích bao quanh ba xã vùng đất đỏ, theo đội hình lượn sóng (cụm gần, cụm xa). Cứ 3 đến 5 mét có một lính nằm phục kích sử dụng hàng chục quả mìn các loại; cách 10 đến 15 mét có một cụm hỏa lực sẵn sàng "bồi cấp tập" khi có mìn nổ. Ngoài ra, quân Ôxtrâylia còn đặt cả "cây nhiệt đới" ở những chỗ khó phục kích. Sáng sớm, lính được rút hết đi, mìn gỡ... không một ô, ụ, hầm hố nào để lại dấu vết.

        Rút kinh nghiệm từ các chiến thuật trước, quân Ôxtrâylia được đưa vào làm nòng cốt đánh phá cả bên ngoài và bên trong. Từ ngày 10 tháng 2 năm 1970, một tiểu đoàn quân hỗn hợp Mỹ - Ôxtrâylia, có pháo Niu Dilân yểm trợ và hơn 40 xe tăng, đánh liên tục vào căn cứ Minh Đạm. Đi đôi với càn quét, quân Ôxtrâylia và Mỹ tiến hành ủi phá địa hình, mở rộng đường 44 thêm 1 mét, đường 44 hậu thêm 10 mét để có thể cơ động nhanh, phản kích vào căn cứ cách mạng, dùng xe cơ giới ủi phá rừng từ Dinh Cố đến Nước Ngọt. Căn cứ Minh Đạm trở thành mục tiêu bắn phá thường xuyên của quân Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn.

        Máy bay chiến lược B52 xuất kích hàng chục lần chiếc hàng tháng, trút bom xuống Minh Đạm (có cả loại bom 5 tấn). Các khu rừng Phước Lợi, Hội Mỹ, Đất Đỏ bị rải chất độc hóa học tàn phá nhằm hủy diệt địa hình, phá thế bám trụ của lực lượng cách mạng.

        Bên ngoài, quân Ôxtrâylia tung biệt kích chà xát vùng căn cứ huyện, xã và các tuyến hành lang từ căn cứ vào xã, ấp. Ban ngày, từng toán quân Ôxtrâylia "banh lùm, vạch bụi", ban đêm dàn xe tăng và biệt kích làm "lá chắn" phía ngoài Đất Đỏ. Quân Ôxtrâyliacòn cho xây mới hệ thống ụ ngầm dọc lộ 44 và Long Hải, lập cụm dã chiến ở Động Đền (Phước Hải).

        Bên trong "ấp chiến lược", quân Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn ra sức củng cố lại bộ máy tề xã, ấp; bắt ép thanh niên vào lực lượng phòng vệ dân sự, phòng vệ xung kích, từng bước thay thế bảo an, dân vệ canh gác ấp. Bảo an cùng với lính Ôxtrâylia tiến hành "bình định", lùng sục, xăm xét trong ấp dò tìm hầm bí mật. Vùng nào, ấp nào đã nghi ngờ có hầm bí mật, quân Ôxtrâylia lập tức cô lập, căng dây chia ô, dùng cây sắt xăm tìm nắp hầm cho bằng được. Vừa đánh phá dã man, quân Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn vừa tiến hành mị dân bằng nhiều hình thức như xây dựng trường học, trạm xá, xây dựng các võ ca ở đình làng dưới chiêu bài "phục hưng truyền thống làng xã", phát triển mê tín dị đoan để ru ngủ nhân dân.

        Như vậy, rõ ràng mục tiêu đánh phá của quân Ôxtrâylia ở Long Đất vẫn là "bình định" bên trong xã ấp, tách dân với cách mạng, bao vây kinh tế đối với cách mạng. Bên ngoài thì kết hợp bom, pháo (kể cả pháo hạm từ ngoài khơi bắn vào), bộ binh bắn vào Minh Đạm, ủi phá địa hình, tạo vành đai trắng, cô lập căn cứ để diệt lực lượng cách mạng.

-----------------
         1. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Long Đất, Nxb Đồng Nai, 1986, tr. 174.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:08:50 am »


        Chiến thuật "hàng rào - lá chắn" thực sự nguy hiểm hơn cả "ụ ngầm". Biệt kích Ôxtrâylia nằm án ngữ dày đặc. Các lực lượng vũ trang tỉnh ở khu vực Long Điền, Đất Đỏ đột nhập ấp hầu như không đêm nào vào lọt. Số lượng người bị thương vong, bị bắt ngày một nhiều. Người chết thường không lấy được xác. Có đêm, Huyện ủy Long Đất từ căn cứ Minh Đạm tổ chức 7 mũi đột nhập vào ấp đều bị trúng ổ phục kích của quân Ôxtrâylia. Đêm 15 tháng 1 năm 1970, một đoàn cán bộ huyện trên đường vào Long Điền xây dựng cơ sở đụng biệt kích Ôxtrâylia, 7 người hy sinh, 3 huyện ủy viên mất tích. Đêm 16 tháng 2, Tiểu đoàn 445 phối hợp với cán bộ huyện vào ấp lấy lương thực đụng "lá chắn Ôxtrâylia", hy sinh 12 người. Đêm 27 tháng 2, một đoàn công tác cán bộ của huyện trụ trong thị trấn Long Điền ra căn cứ, bị địch phục kích hy sinh 8 người...

        Trong suốt năm 1970, chiến thuật "hàng rào - lá chắn" của Ôxtrâylia đã gây nên tình hình cực kỳ căng thẳng. Cán bộ, chiến sĩ Long Đất hy sinh tới 245 người. Bên trong, 188 cơ sở, quần chúng yêu nước bị bắt bớ, tù đày, 162 thanh niên bị bắt đi lính1. Lương thực bị thiếu nghiêm trọng. Cán bộ, chiến sĩ phải ăn măng, ăn lá tàu bay mà chiến đấu, cháo loãng chỉ dành cho thương binh.

        Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 445 và huyện Long Đất tìm biện pháp chống lại "chiến thuật lá chắn" của quân Ôxtrâylia. Được sự giúp đỡ của nhân dân, du kích địa phương, các chiến sĩ Tiểu đoàn 445 đã tìm cách đánh phản phục kích. Với tinh thần xung phong, bộ đội đã cử ra các tổ "cảm tử" đi đầu "làm mồi". Khi đụng địch, tổ cảm tử sẵn sàng hy sinh để lực lượng chính phía sau phát hiện hoả điểm, lợi dụng nơi phục kích của địch, tiến hành dùng hoả lực đánh phản kích diệt địch; sau đó vào thẳng ấp lấy lương thực và phát động quần chúng. Gần sáng, tổ lại theo đường cũ rút về căn cứ an toàn.

        Cách đánh phản phục kích vô cùng táo bạo và dũng cảm đó được phổ biến rộng khắp trong địa phương để áp dụng. Nhiều đêm liền, các lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với Tiểu đoàn 445 đánh phản phục kích liên tục. Đêm nào cũng phơi trên sương gió, đêm nào cũng bị tiến công mà không có công sự che chắn. Nhược điểm cơ bản của quân Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn là sợ chết đã bộc lộ. Do vậy, khi bị bắt buộc phải đi phục kích ban đêm, lực lượng này phải đào công sự để ẩn nấp. Điều đó đã giúp cho lực lượng cách mạng biết là có địch để tập kích hoặc cắt vòng đường khác mà đột nhập ấp. Khi lực lượng cách mạng đã ra vào ấp bình thường thì chiến thuật "hàng rào - lá chắn", "ụ ngầm" của quân Ôxtrâylia coi như bị phá sản.

        Để đánh "lá chắn" Ôxtrâylia, bộ đội huyện, du kích xã cùng bộ đội tỉnh bám sát địch, vừa phục kích, tập kích, phản phục kích kết hợp gài mìn trên lộ giao thông, trong rừng, diệt xe cơ giới và bộ binh Ôxtrâylia, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Từ mìn E3 của quân Ôxtrâylia, cán bộ, chiến sĩ huyện Long Đất đã biến thành vũ khí diệt quân Ôxtrâylia. Đây là một sáng tạo, thể hiện ý chí quyết tâm, tư tưởng tiến công, mưu trí của quân và dân huyện Long Đất.

        Ngày 17 tháng 4 năm 1970, quân Ôxtrâylia càn vào căn cứ Minh Đạm, nhưng khi vừa đến chùa Châu Viêm thì sa vào bãi mìn E3, 8 lính Ôxtrâylia thiệt mạng, 14 bị thương2. Quân Ôxtrâylia phải cho trực thăng xuống chở xác đồng bọn và rút lui.

        Phong trào đánh quân Ôxtrâylia bên ngoài, đánh "bình định" bên trong diễn ra sôi nổi trong khắp huyện Long Đất. Trong hai đêm 16 và 17 tháng 4, du kích và nhân dân 3 xã Đất Đỏ cắt phá 862 mét kẽm gai, bẻ 23 trụ sắt quanh "ấp chiến lược". Hai "ấp chiến lược" Phước Thọ, Phước Thạnh bị phá rã hoàn toàn. Ngày 26 tháng 4, du kích Hội Mỹ gài mìn phá hủy 1 xe quân sự địch trên lộ 52 sát đồn Chùa, diệt 5 lính Ôxtrâylia. Sau đó 4 ngày, Tiểu đoàn 445 được cơ sở mật Phước Lợi đưa vào ấp chặn đánh quân Ôxtrâylia đang đi càn. Một trung đội Ôxtrâylia lọt vào trận địa phục kích, 6 lính bị diệt, 14 lính khác bị thương3.

        Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung cho vùng trọng điểm Long Đất, Tiểu đoàn 445 đã tổ chức nhiều trận tập kích vào quân đội Ôxtrâylia ngay tại Đất Đỏ để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh quần chúng. Đêm 3 tháng 5, có cơ sở dẫn đường, Tiểu đoàn 445 tập kích vào cụm quân Ôxtrâylia đóng tại Đất Đỏ. Quân Ôxtrâylia được sự chi viện của pháo Niu Dilân bắn trả quyết liệt vào trận địa. Tiểu đoàn tổ chức nhiều mũi bao vây, chia cắt địch, diệt gọn một trung đội Ôxtrâylia, tiêu hao một trung đội khác. Trận đánh gây tác động tâm lý lớn. Lực lượng tề ngụy ở Đất Đỏ hoang mang nhốn nháo.

        Sau khi các chiến thuật "ụ ngầm", "hàng rào - lá chắn" bị thất bại, việc "bình định cấp tốc" cũng không có hiệu quả, quân Ôxtrâylia lại quay sang mở các cuộc càn lớn lên căn cứ Minh Đạm nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến.

-----------------
         1. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Long Đất, Sđd, tr. 177.

         2, 3. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Long Đất, Sđd, tr. 181.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:10:04 am »


        Giữa tháng 6 năm 1970, quân Ôxtrâylia mở trận càn quy mô lớn vào căn cứ Minh Đạm. Ngày 14 tháng 6, máy bay, pháo Niu Dilân kết hợp với pháo hạm ngoài khơi bắn phá cấp tập vào căn cứ. Dưới chân núi, xe tăng, xe ủi, xe cơ giới Ôxtrâylia triển khai phá ủi địa hình và hộ tống cho bộ binh càn lên núi. Ngay ngày đầu, du kích Long Mỹ đã dùng mìn E3 gài phá hỏng một số xe địch tại sở Bông. Bộ đội huyện tích cực củng cố công sự, bãi mìn E3 trên căn cứ, sẵn sàng đánh địch.

        Ngày 17 tháng 6, quân Ôxtrâylia lên đến suối Ngọc Tuyền. Bộ đội huyện nổ súng chặn đánh, buộc quân Ôxtrâylia phải co lại. Sáng ngày 18 tháng 6, quân Ôxtrâylia tiếp tục dò và dùi từng mũi lên núi (nơi cửa hang). Bộ đội lúc ẩn, lúc hiện nhử địch vào bãi mìn E3 đã bố trí sẵn. Quân Ôxtrâylia sa vào các bãi mìn và lựu đạn ta gài, trên 30 lính bị loại khỏi vòng chiến đấu1. Quân Ôxtrâylia phải dùng nhiều chuyến trực thăng xuống lấy xác.

        Qua ngày 19 tháng 6, quân Ôxtrâylia tiến vào hướng phục kích, bị hỏa lực bộ binh bắn mãnh liệt, dồn chúng vào bãi mìn. Tại đây, một trung đội 28 lính Ôxtrâylia bị thương vong. Sau 6 ngày dốc lực càn quét lên núi Minh Đạm, quân Ôxtrâylia bị tổn thất nặng, buộc phải thu quân xuống núi, chấm dứt cuộc hành quân.

        Thất bại ở Minh Đạm, quân Ôxtrâylia phải quay về ấp cùng với quân đội Sài Gòn làm nhiệm vụ "bình định". Tại vùng Đất Đỏ, quân Ôxtrâylia dùng dây phân từng ô 100 mét vuông, sử dụng cây xăm từ ngoài vào nhà dân, không chừa một ngóc ngách nào để tìm hầm bí mật. Những cuộc lùng sục của quân Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn trong "ấp chiến lược" vẫn không diệt hết được "tai mắt" cách mạng bên trong. Cuối năm 1970, cơ sở Phước Hòa Long đưa lực lượng Tiểu đoàn 445 về phục kích phía ngoài ấp. Một đại đội Ôxtrâylia đi càn đã lọt vào trận địa phục kích. Kết quả, chỉ sau 4 phút chiến đấu, cả đại đội địch bị đánh thiệt hại nặng, ta diệt tại chỗ 45 địch (trong đó có tên trung úy, Đại đội trưởng), bắt 6 tên (có tên thiếu úy, Đại đội phó), thu 48 súng các loại, ba máy PRC25, 2 máy điện thoại, nhiều đồ dùng và lương thực1... Tại Phước Lợi, du kích xã dùng mìn E3 diệt gọn một Tiểu đội lính Ôxtrâylia càn vào căn cứ...

        Sau trận đánh của Tiểu đoàn 445, quân Ôxtrâylia phán đoán được hướng hoạt động của tiểu đoàn. Một mặt, quân Ôxtrâylia tăng cường đánh phá, "bình định" quyết liệt địa bàn Long Đất, mặt khác chúng tung lực lượng để phát hiện, tìm diệt, nhằm xoá sổ Tiểu đoàn 445. Đã có lúc tiểu đoàn lọt vào vòng vây của quân Ôxtrâylia, nhưng nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân, tiểu đoàn tiếp tục sát cánh cùng lực lượng vũ trang Xuyên Mộc đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang tiêu diệt địch, phá lỏng thế kìm kẹp của chúng.

        Suốt trong năm 1970, quân Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn liên tục dùng bom phá đánh vào căn cứ Long Đất hòng ngăn chặn lực lượng cách mạng bằng "hàng rào - lá chắn", gây thiệt hại và khó khăn cho phong trào. Nhưng Đảng bộ và quân dân huyện Long Đất vẫn đứng vững trên địa bàn. Bằng phong trào du kích chiến tranh, quân dân huyện Long Đất đã diệt và làm bị thương 1.211 địch (có 527 lính Ôxtrâylia), phá rã hệ thống phòng vệ dân sự của địch với 1.119 tên, bắn rơi 10 máy bay, phá hủy 61 xe cơ giới, xe ủi...2.

        Bước sang năm 1971, quân Ôxtrâylia vẫn tiếp tục thực hiện chiến thuật "hàng rào - lá chắn", nhưng với mức độ hạn chế hơn, chủ yếu là dùng xe tăng và biệt kích để làm hàng rào ngăn chặn lực lượng cách mạng từ căn cứ vào bên trong xã, ấp hoạt động. Sau gần bốn năm được giao nhiệm vụ "bình định" tỉnh Bà Rịa, mà trọng điểm là Long Đất, với những thiệt hại lớn mà kết quả không như mong muốn, quân lính Ôxtrâylia đều mang tâm trạng ngao ngán, chờ về nước. Để từng bước đưa quân đội Sài Gòn thay mình trên chiến trường Long Đất, Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia tích cực huấn luyện chiến thuật "đánh du kích" cho lực lượng bảo an. Tại Bàu Lùn, chính quyền Sài Gòn cho mở trường huấn luyện cấp tiểu đoàn cho lính ngụy Lon Non (Campuchia) do người Ôxtrâylia đào tạo và sử dụng lực lượng này đi thực tập càn quét ở các lộ 23, 44.

        Dưới sự huấn luyện, cố vấn của quân Ôxtrâylia, đầu năm 1971, chính quyền Sài Gòn đưa Tiểu đoàn 302 bảo an chiếm đóng lộ 44 tiền và 44 hậu, điều Liên đoàn bảo an 347 đóng đồn bốt dọc lộ 52, 44 hậu, đồng thời sử dụng lực lượng bảo an bung ra thành từng toán nhỏ, gài mìn theo đường mòn làm lá chắn bên ngoài, từng bước thay thế quân Ôxtrâylia đánh phá vùng đồng bằng và căn cứ Minh Đạm. Năm 1971, ở Long Đất, Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia còn một tiểu đoàn bộ binh được pháo binh Niu Dilân yểm trợ. Ngoài ra, ở đây còn có 11 đại đội bảo an, 1 đại đội của Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn, 3 đại đội và 12 trung đội dân vệ, 110 tề ấp xã, 60 cảnh sát, 20 biệt kích, 153 nhân viên bình định nông thôn, 1 tiểu đoàn lính ngụy Lon Non, 4 đại đội học viên ở Trường huấn luyện Long Hải, 897 phòng vệ dân sự.

-----------------
         1. Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lịch sử Tiểu đoàn 445 (1965-2004), Sđd, tr. 156.

         2. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Long Đất, Sđd, tr. 185.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:10:32 am »


        Với những cố gắng cuối cùng trước khi rút quân về nước, tháng 6 năm 1971, quân Ôxtrâylia phối hợp với quân Mỹ và quân đội Sài Gòn quyết tâm mở một trận càn lớn vào căn cứ Minh Đạm. Mục đích của trận càn nhằm: Một là, tiêu diệt cho được cơ quan đầu não kháng chiến huyện Long Đất, sau đó bàn giao lại cho quân đội Sài Gòn chốt giữ trên núi; hai là, bảo đảm an toàn cho hành lang rút quân của Mỹ và quân đồng minh trên lộ 23 và lộ 15.

        Trận càn với quân Mỹ là chủ công, mở đầu bằng những đợt trút bom của máy bay và pháo bắn dồn dập vào căn cứ Minh Đạm. Bộ binh Mỹ được trực thăng đổ xuống núi. Phía dưới đồng bằng, xe tăng Ôxtrâylia và lực lượng quân đội Sài Gòn triển khai càn quét và ủi phá rừng ác liệt.

        Ngày đầu tiên, sau các đợt phi pháo, bộ binh Mỹ tiến hành đánh chiếm cửa hang. Bộ đội huyện bố trí sẵn hoả lực để đánh phủ đầu khi quân Mỹ vừa đổ bộ, sau đó dùng hoả lực tiếp tục khống chế để đánh dạt quân Mỹ vào các bãi mìn đã bố trí, diệt nhiều sinh lực địch.

        Sang ngày thứ tư, địch dùng máy bay chiến lược B52 oanh tạc liên tục từ 12 giờ đến 15 giờ. Thâm độc hơn, lần này Mỹ còn thả các loại bom bi có hơi cay cho lọt xuống hang, buộc lực lượng cách mạng phải rời hang.

        Trong lúc đó, ở dưới đồng bằng chân núi, đội công binh trinh sát huyện bám sát các xe cơ giới của quân đội Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn đang ủi phá rừng. Các chiến sĩ dùng mìn tự tạo ĐH10, mìn E3 bó lại ba quả một, gài theo các đường ủi. Ban ngày địch ủi, ban đêm bộ đội công binh dò từng bụi chồi, từng gốc cây để đặt mìn. Hơn 20 xe tăng, xe ủi của địch bị ta phá hỏng nặng, hạn chế nhiều sức tiến công của chúng. Bộ đội huyện, trinh sát tỉnh và du kích các xã tổ chức nhiều trận tập kích quân Ôxtrâylia và bảo an đang án ngữ dưới đồng bằng. Có trận, bộ đội ta diệt gọn cả một tiểu đội quân Ôxtrâylia.

        Địch liên tục càn quét hết ngày này sang ngày khác. Trước mỗi trận càn, địch dùng phi pháo oanh tạc dữ dội, sau đó cho máy bay đổ quân càn quét, nhưng lần nào chúng cũng bị ta đánh bật ra. Sau 25 ngày dốc lực càn quét, đánh phá, bị thương vong lớn lại không thực hiện được ý đồ, liên quân Mỹ, Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn phải kết thúc cuộc càn.

        Từ đầu năm 1971, đi đôi với chiến thuật bung quân ra ngoài làm "lá chắn", quân Ôxtrâylia còn sử dụng máy bay trực thăng cánh quạt làm dạt cây cối, vạch tìm nơi bám trụ của lực lượng cách mạng, nhất là vùng căn cứ Minh Đạm. Huyện ủy Long Đất chỉ đạo cho toàn lực lượng kiên quyết bắn hạ máy bay, mở nhiều lớp huấn luyện bắn máy bay, xây dựng nhiều ụ phòng không trên căn cứ để bắn hạ các loại máy bay trinh sát hoặc máy bay bắn phá vào Minh Đạm. Huấn luyện xong, huyện mở từng đợt săn máy bay từ 3 đến 5 ngày. Trong tháng 4 năm 1971, cơ quan Huyện ủy đã bắn hạ 1 trực thăng H25; Đại đội 1 Tiểu đoàn 445 hạ 1 máy bay HU1A và phi hành đoàn (4 người) Ôxtrâylia; Đại đội 25 bộ đội huyện bắn hạ 1 HU1A. Đặc biệt, du kích xã Hội Mỹ với súng cá nhân đã bắn hạ được máy bay địch. 7 giờ sáng ngày 4 tháng 4 năm 1971, khi máy bay trinh sát L19 bay sát mặt biển vừa tới Lộc An, 5 du kích xã đã nổ súng. Máy bay L19 bị thương phải gọi điện cấp cứu. Một trực thăng khác tới yểm trợ nhưng cũng bị trúng đạn, rơi xuống biển, 1 phi công Ôxtrâylia chết. Một lúc sau, 4 chiếc trực thăng khác được phái đến nhưng cũng bị bắn trả, làm một chiếc nữa trọng thương. Đội du kích rút về an toàn.

        Kế hoạch của Mỹ và quân Ôxtrâylia lại một lần nữa phá sản. Từ sau đợt này, không một chiếc máy bay nào dám bay ngang qua căn cứ Minh Đạm, kể cả máy bay xuất phát từ đất liền và từ hạm tàu đậu ngoài Biển Đông.

        Tuy nhiên, tại Long Đất, quân Ôxtrâylia vẫn tích cực huấn luyện quân bảo an, đồng thời thực hiện những nỗ lực quân sự cuối cùng; tổ chức càn vào các căn cứ lõm ở Hội Mỹ, Long Mỹ, Phước Hoà Long,... để đánh phá căn cứ cách mạng. Những cố gắng cuối cùng của quân Ôxtrâylia trên chiến trường miền Nam Việt Nam đương nhiên không thể mang lại kết quả khả quan nào. Ngược lại, quân và dân Long Đất đã sử dụng thành thạo biện pháp "gậy ông đập lưng ông", giáng những đòn đích đáng vào quân đồng minh Ôxtrâylia.

        Tháng 9 năm 1971, tại Trảng Dầu (Hội Mỹ), hai đại đội Ôxtrâylia có xe tăng yểm trợ càn vào ủi phá địa hình. Đại đội đi đầu chưa vào đến căn cứ đã đạp trúng mìn E3 do du kích gài sẵn. Gần một trung đội bị loại khỏi vòng chiến đấu. Số còn lại hốt hoảng xông lên lấy xác đồng bọn, tiếp tục trúng mìn E3. Cuộc hành quân cuối cùng của quân Ôxtrâylia trở thành một cuộc chuyển thương với 69 xác chết, trong đó có một trung tá, Tiểu đoàn trưởng1.

        Tính từ năm 1967, các loại mìn E3, mìn Jip, mìn căng dây, lựu đạn,... của quân Ôxtrâylia gài ở Long Đất đã đóng góp không nhỏ cho quân và dân huyện những vũ khí đánh lại quân Ôxtrâylia có hiệu quả cao. Trước những tổn thất không thể làm ngơ (386 tên chết, 2.193 tên bị thương), tháng 11 năm 1971, trước khi rút về nước, quân Ôxtrâylia phải ngậm ngùi cho xe ủi xuống Đất Đỏ đào hố và chôn sâu vào lòng đất bãi mìn M16-E3 do họ làm ra.

        Hơn 4 năm được Mỹ giao cho nhiệm vụ "bình định" tại Long Đất, hơn hai tiểu đoàn Ôxtrâylia đóng quân tại đây đã bị đánh thiệt hại nặng. Tham vọng của quân Ôxtrâylia biến Long Đất thành một vùng bình định an toàn, kiểu mẫu ở miền Đông đã bị quân dân Long Đất đập tan. Dư luận nhân dân tiến bộ trong nước và Quốc hội Ôxtrâylia lên án mạnh mẽ phe hiếu chiến trong Chính phủ đã đẩy nhiều thanh niên Ôxtrâylia vào chỗ chết vô lý, chết do chính vũ khí mình làm ra.

        Những thất bại trên chiến trường Bà Rịa cộng với sự lên án của nhân dân tiến bộ trong nước đã buộc Chính phủ Ôxtrâylia phải "xuống thang". 20 giờ 30 phút ngày 18 tháng 8 năm 1971, Thủ tướng Ôxtrâylia chính thức công bố trước Quốc hội, quyết định rút tất cả lực lượng tác chiến Ôxtrâylia khỏi Nam Việt Nam, bắt đầu từ tháng 12 năm 1971.

-----------------
         1. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Long Đất, Sđd, tr. 198.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:13:17 am »


        3. Phản ứng của các tầng lớp nhân dân tiến bộ Ôxtrâylia đối với chính sách chiến tranh của Chính phủ và quá trình rút quân về nước.

        Ngay từ khi Chính phủ Ôxtrâylia đưa lực lượng bộ binh sang tham chiến trực tiếp tại Nam Việt Nam, ngày 22 tháng 10 năm 1965, đã có hàng trăm nghìn người dân Xítni xuống đường biểu tình chống chiến tranh. 65 người trong đoàn biểu tình đã bị chính quyền Ôxtrâylia bắt giam. Cũng trong thời gian này, theo báo cáo điều tra của Viện Galớp, chỉ có 56% người dân Ôxtrâylia ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ và quân đồng minh ở Việt Nam1. Đặc biệt, sau thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 trên toàn miền Nam, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari và xuống thang chiến tranh từng bước, sự nghi ngờ của người dân Ôxtrâylia và người Mỹ về khả năng giành chiến thắng của quân đội họ ở Việt Nam càng có thêm cơ sở thực tiễn. Đó cũng là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi chính sách của Chính phủ Ôxtrâylia đối với cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam. Các lực lượng đối lập và tầng lớp nhân dân tiến bộ trong nước đã tổ chức nhiều hoạt động phản đối việc Chính phủ Ôxtrâylia tiếp tục chính sách can thiệp vào cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Nam Việt Nam.

        Quá trình này đặc biệt gia tăng vào cuối năm 1969, khi Mỹ có những động thái mới cho kế hoạch triển khai lại lực lượng quân viễn chinh tại Nam Việt Nam. Ngày 16 tháng 12 năm 1969, hơn 200 nhân viên bán hàng và 32 lãnh tụ nghiệp đoàn lao động đại diện cho hơn 1,5 triệu cử tri Ôxtrâylia đã thông qua nghị quyết phản đối sự tham gia của quân đội Ôxtrâylia trong cuộc chiến tranh này2.

        Cùng với nghị quyết trên, họ còn ra một nghị quyết khác kêu gọi binh sĩ Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam hãy buông súng xuống và khước từ chiến đấu. Ngày hôm sau, Thư ký Hội đồng thương mại Ôxtrâylia đã chỉ trích nghị quyết này và cho đây là những "lời kêu gào nổi loạn".

        Để xoa dịu dư luận và lực lượng đối lập, ngày 16 tháng 12 năm 1969, Thủ tướng Ôxtrâylia đã đọc một bài diễn văn trên truyền hình, trong đó tuyên bố sẽ có kế hoạch cắt giảm quân trong năm 1970 cùng với quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác đang tham chiến tại Nam Việt Nam.

        Cuộc thảo luận công khai đầu tiên giữa Ôxtrâylia và Mỹ về việc rút lực lượng quân đội Ôxtrâylia về nước được tổ chức vào ngày 28 tháng 1 năm 1970. Đây là cuộc gặp gỡ giữa Tham mưu trưởng lực lượng Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam và Phụ tá tham mưu trưởng, Trưởng phòng 5 của MACV để thảo luận về ý định rút quân của Ôxtrâylia. Tham mưu trưởng lực lượng Ôxtrâylia xác nhận không rút hết quân trong tháng 4 hoặc tháng 5 năm 1970 mà sẽ rút dần từng bước. Theo ông ta, sẽ chỉ có một tiểu đoàn được rút về và nhịp độ rút quân trong tương lai sẽ tùy thuộc vào hành động của Mỹ.

        Sau cuộc thảo luận trên, ngày 2 tháng 4 năm 1970, Nha huấn luyện của Bộ Tư lệnh viện trợ Mỹ và Tổng cục Quân huấn, quân đội Sài Gòn đã triệu tập Hội nghị bàn về việc thực hiện đề nghị của Ôxtrâylia nhằm gia tăng sự yểm trợ của Ôxtrâylia cho công tác huấn luyện binh sĩ quân đội Sài Gòn. Những điều khoản cụ thể và chính xác về việc rút quân chưa được quyết định, nhưng vấn đề huấn luyện cho lực lượng địa phương quân và dân vệ trong tỉnh Phước Tuy vẫn được thực hiện. Quan điểm của người Ôxtrâylia là những nỗ lực gia tăng huấn luyện trên sẽ gắn liền với những cuộc rút quân của Ôxtrâylia trong tương lai. Tại thời điểm này, hai bên vẫn chưa thỏa thuận được một cách dứt khoát về lịch trình rút quân cũng như tổng quân số sẽ rút về nước.

        Để phản đối thái độ thiếu dứt khoát của Chính phủ Ôxtrâylia trong vấn đề rút quân khỏi Nam Việt Nam, ngày 8 tháng 5 năm 1970, hơn 70.000 người dân đã tổ chức cuộc biểu tình lớn tại thành phố Menbơn. Ở các thành phố khác cũng diễn ra các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Số người tham gia biểu tình lên tới 120.000 người3.

        Đến ngày 20 tháng 6 năm 1970, tình hình đã trở nên rõ ràng hơn khi chính quyền Ôxtrâylia tuyên bố sẽ không triển khai thêm Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia sang miền Nam Việt Nam vào cuối năm 1970 như đã dự tính từ trước nhưng chưa quyết định.

        Thay vào đó, Ôxtrâylia sẽ đưa một số nhân viên dân sự sang Nam Việt Nam, đồng thời rút một bộ phận Lực lượng đặc nhiệm ra khỏi Nam Việt Nam. Số quân còn lại ở Nam Việt Nam là 6.062 người. Song song với các bước rút quân, theo thoả thuận giữa Chính phủ Ôxtrâylia và chính quyền Sài Gòn, Ôxtrâylia sẽ viện trợ trực tiếp (khoảng 3,6 triệu đô la Ôxtrâylia) về quốc phòng cho quân đội Sài Gòn. Đây là giai đoạn 1 cuộc rút quân của Ôxtrâylia và những lần rút quân tiếp theo cũng được dàn xếp tương tự.

-----------------
         1. http://www.vvaa.org.au/index.htm, Vietnam veterans Association of Australia.

         2. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 111.

         3. http://www.vvaa.org.au/index.htm, Vietnam veterans Association of Australia.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:14:43 am »


         Trước sức ép của dư luận trong nước, ngày 30 tháng 3 năm 1971, Thủ tướng Ôxtrâylia tuyên bố tiếp tục cắt giảm quân Ôxtrâylia tại Việt Nam, gồm 1 đơn vị xe tăng, 1 phi đội máy bay Canbêra và một số máy bay vận tải. Và đến ngày 18 tháng 8 năm 1971, chính quyền Ôxtrâylia tuyên bố chính thức rằng, họ sẽ rút hết lực lượng tác chiến ra khỏi Nam Việt Nam trong vài tháng tới và chỉ để lại một đội huấn luyện quân sự. Phát biểu trên truyền hình vào hồi 20 giờ 30 phút ngày 18 tháng 8 năm 1971, Thủ tướng Ôxtrâylia W. Mahon (Wiliam Mahon) xác định sẽ rút hết lực lượng tác chiến Ôxtrâylia khỏi Nam Việt Nam, bắt đầu từ tháng 12 năm 1971.

        Ngày 5 tháng 3 năm 1972, đơn vị hậu cần cuối cùng của quân Ôxtrâylia rời Vũng Tàu. ở Việt Nam chỉ còn lại một đội cố vấn 150 người giữ vai trò huấn luyện và lực lượng này cũng rút khỏi Nam Việt Nam vào ngày 8 tháng 12 năm 1972. Đến đây, sứ mạng tham chiến tại Nam Việt Nam của quân Ôxtrâylia đã chấm dứt hoàn toàn.

        Để bù đắp cho việc rút quân, chính quyền Ôxtrâylia cam kết viện trợ kinh tế một khoản 28 triệu đô la Ôxtrâylia cho các dự án công chính ở Nam Việt Nam trong ba năm. Số tiền này đưa tổng số chi phí tính bằng đô la Ôxtrâylia trong quá trình tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh của Mỹ tại Nam Việt Nam lên gần 240 triệu đô la1.

        Quá trình tham gia chiến tranh Việt Nam, quân đội Ôxtrâylia chủ yếu hoạt động trên địa bàn Biên Hoà và sau đó là Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh Phước Tuy của chế độ Sài Gòn). Trong hoạt động tác chiến, quân đội Ôxtrâylia đã lần lượt áp dụng các hình thức tác chiến hiện đại, từ chiến thuật "hàng rào mìn", "ụ ngầm", chiến thuật "hàng rào - lá chắn" đến những thủ đoạn bình định hết sức tinh vi; đồng thời cũng tỏ ra rất thành thạo trong chiến thuật phục kích, đột kích nhỏ từng toán, đánh biệt kích vào sâu vùng căn cứ của ta, trên các con đường mòn ta thường qua lại và các lối cửa rừng... Khi phát hiện lực lượng ta, tuỳ theo nhiều hay ít, mạnh hay yếu, quân Ôxtrâylia có thể tiến công hoặc gọi pháo đến bắn phá hủy diệt. Đặc biệt, các toán "đặc vụ đường không Ôxtrâylia" (SAS) thường được đánh giá rất cao trong nghệ thuật phục kích. Địch tung những toán SAS gồm 5 người vào hoạt động sâu trong lãnh thổ của ta kiểm soát. Bọn này rất thận trọng khi chọn vị trí phục kích, thường là một con đường mòn trong rừng có dấu hiệu người mới đi qua. Một số lính SAS sẽ nấp ở hai bên đường mòn khoảng 50 mét để phát hiện mục tiêu trong khi số còn lại đặt mìn sát thương Clâymo M18A1 do Mỹ cung cấp. Mỗi quả mìn này có khoảng 700 viên bi thép. Khi bị vướng nổ hoặc điều khiển từ xa, các viên bi sẽ bắn ra thành một vòng cung hình quạt 600 và có tầm hiệu quả đến 50 mét. Mìn thường được ngụy trang và đặt ở vị trí sao cho các vòng cung gối lên nhau để đạt hiệu quả sát thương tối đa. Sau đó, họ chỉ việc ngồi chờ. Các lực lượng vũ trang ta khi hành quân đều có trinh sát đi trước. Toán SAS thường để cho trinh sát đi qua, nhưng khi đoàn quân đến gần thì chúng cho mìn nổ và xả đạn xuống đường mòn. Nếu lực lượng ta quá đông, toán SAS sẽ rút lui về một địa điểm chuẩn bị trước. Nếu tiêu diệt được hoàn toàn lực lượng trinh sát của ta thì toán SAS sẽ tiến hành lục soát các xác chết, lấy vũ khí, tài liệu và trang bị... Những thủ đoạn hiểm độc này của quân Ôxtrâylia gây cho lực lượng cách mạng nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời kỳ đầu khi ta chưa có kinh nghiệm đối phó.

        Với những kinh nghiệm qua hơn một thế hệ đã từng tham gia chống chiến tranh du kích, quân Ôxtrâylia luôn tin tưởng là chúng sẽ vận dụng thành công trong cuộc chiến tranh này. Trước khi đến Nam Việt Nam, quân đội Ôxtrâylia đã chiến đấu trong rừng rậm ở đảo Boócnêô khi chống lại đội quân phát xít Nhật. Sau đó, chúng trải qua 12 năm giúp người Anh dập tắt các cuộc nổi dậy của "lực lượng Cộng sản" ở Malaixia. Quân đội Ôxtrâylia không đông, nhưng được huấn luyện rất kỹ để đối phó với chiến tranh du kích trong rừng rậm và sình lầy của châu Á. Hơn thế nữa, lực lượng này phần lớn là những người tình nguyện nên quân đội Ôxtrâylia là một tổ chức được chuyên môn hoá cao độ. Một sĩ quan cao cấp Ôxtrâylia từng làm cố vấn cho lực lượng an ninh Nam Việt Nam đã so sánh quân đội của nước ông ta với quân đội Đức sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Quân đội ấy đã trở nên "cán bộ hoá" đến mức độ một người binh nhì cấp thấp nhất cũng có thể đảm trách được nhiệm vụ của một viên đại úy! Ngay cả tướng Oétmolen cũng không tiếc lời ca ngợi các quân nhân Ôxtrâylia và cho rằng, chính "tính xông xáo, phản ứng mau lẹ, sử dụng tốt hoả lực và lòng dũng cảm truyền thống của người Ôxtrâylia đã tạo nên những thành tích phi thường"2.

        Mặc dù có nhiều kinh nghiệm chống chiến tranh du kích, được "chuyên môn hoá" cao, có vũ khí, trang bị hiện đại, được đánh giá cao và trên thực tế, họ đã đạt được một số kết quả nhất định trong các hoạt động tác chiến và "bình định", hỗ trợ đắc lực cho quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, nhưng cuối cùng quân đội Ôxtrâylia đã phải chịu thất bại trước tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân miền Nam Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh này, hơn hai tiểu đoàn thuộc quân đội Hoàng gia Ôxtrâylia đã bị quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh thiệt hại nặng với 386 người chết, 2.193 người bị thương3, hàng chục máy bay, hàng trăm xe tăng, xe cơ giới và các phương tiện phục vụ cho các hoạt động "bình định" bị phá hủy. Tổng chi phí của Ôxtrâylia cho chiến tranh Việt Nam từ năm 1966 đến năm 1968 là 10,5 triệu đô la Ôxtrâylia, từ năm 1969 đến năm 1972 là 230 triệu đô la Ôxtrâylia4. Thất bại nặng nề trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ và quân đội các nước đồng minh, trong đó có quân đội Ôxtrâylia phải chấp nhận rút quân về nước.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 113.

         2. Pimlott J., Việt Nam - những trận đánh quyết định, Sđd, tr. 54.

         3. http://www.vvaa.org.au/index.htm, Vietnam veterans Association of Australia.

         4. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 113.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:16:06 am »


        IV. QUÂN ĐỘI PHILÍPPIN

        1. Quá trình chuẩn bị đưa quân sang tham chiến tại Việt Nam (1964-1966).


        Cộng hòa Philíppin, thành viên của Hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), là một trong những nước đã tham gia rất sớm vào cuộc chiến ở Đông Dương. Ngay từ năm 1953, một nhóm bác sĩ và nữ y tá đã được đưa đến miền Nam Việt Nam trong một chương trình có mật danh là "Chiến dịch huynh đệ", nhưng dưới danh nghĩa là sự bảo trợ của các tổ chức tư nhân Philíppin. Tuy nhiên, nhóm y tế này cũng chỉ hoạt động ở Việt Nam trong một thời gian ngắn và rút về nước khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam kết thúc.

        Sau khi Mỹ thay chân Pháp xâm lược miền Nam Việt Nam, chính quyền Philíppin lúc này với tư cách là đồng minh thân cận của Mỹ, ngay lập tức đã hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, tích cực tham gia vào chính sách "quốc tế hóa" chiến tranh của Mỹ nhằm ngăn chặn cái gọi là "chủ nghĩa cộng sản đang lan tràn ở Đông Nam Á". Để hợp pháp hóa việc tham gia chiến tranh Việt Nam, ngày 20 tháng 7 năm 1964, Quốc hội Philíppin đã thông qua đạo luật cho phép Tổng thống gửi thêm viện trợ kinh tế, kỹ thuật cho Việt Nam Cộng hòa. Đạo luật này đã được thực thi chỉ hơn hai tháng sau khi Tổng thống Giônxơn chính thức phát động chiến dịch "Thêm nhiều ngọn cờ" bằng việc Philíppin cử đến Nam Việt Nam một nhóm gồm 34 bác sĩ, y tá và chuyên gia phát triển nông thôn1. Nhóm này trên danh nghĩa là một toán nhân viên dân sự, nhưng thực chất đây là những người trong quân đội Philíppin được lựa chọn và huấn luyện rất kỹ trước khi đưa sang miền Nam Việt Nam. Toán dân sự trên đã lần lượt phục vụ đắc lực cho quân đội Mỹ, quân đội và chính quyền Sài Gòn trong những năm 1964-1966.

        Ngoài toán dân sự trên, với tư cách là thành viên của cái gọi là "Chương trình viện trợ thế giới tự do" do Mỹ phát động, 16 sĩ quan quân đội Philíppin cũng được đưa đến Việt Nam vào ngày 16 tháng 8 năm 1964 để trợ giúp công tác cố vấn cho Quân đoàn III quân đội Sài Gòn về chiến tranh tâm lý và dân vận. Nhiệm vụ của nhóm sĩ quan này là phối hợp hoạt động với Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam. Ban đầu, có 12 sĩ quan được giao phụ trách 3 trung đội dân vận và 3 đại đội chiến tranh tâm lý ở các tỉnh Bình Dương, Gia Định và Long An. Trong số 4 người còn lại, một sĩ quan phụ trách chung, một người trong Ban chỉ đạo chiến tranh tâm lý, một người trong Trung tâm hoạt động tâm lý chiến của Quân đoàn III và một người trong Tiểu đoàn 1 chiến tranh tâm lý quân đội Sài Gòn.

        Các hoạt động của nhóm sĩ quan 16 người Philíppin này chủ yếu hướng vào các cấp chính quyền thấp hơn so với quân Mỹ. Họ phối hợp với các sĩ quan tâm lý chiến quân đội Sài Gòn để thực hiện các mục tiêu chiến tranh tâm lý và dân vận trong kế hoạch bình định mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn chuẩn bị thực thi. Trên thực tế, các sĩ quan Philíppin đã có những đóng góp quan trọng vào nỗ lực chiến tranh tâm lý của quân đội và chính quyền Sài Gòn.

        Ngay sau đó, Chính phủ Mỹ và Philíppin bắt đầu thảo luận về việc tăng cường các nỗ lực đóng góp của Philíppin cho Việt Nam Cộng hòa. Các quan chức Philíppin ở Oasinhtơn gợi ý với phía Mỹ rằng, Chính phủ Philíppin sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn ở Nam Việt Nam trong những điều kiện nhất định. Tuy nhiên, các ý kiến trong giới chức Mỹ không thống nhất về tính chất và mức độ tăng viện trợ của Philíppin. Giới quân sự Mỹ cho rằng, Philíppin nên đưa phi công sang giúp không quân của quân đội Sài Gòn; đưa 1 đại đội lực lượng đặc biệt, một số trung đội công binh, quân y, nhân viên kỹ thuật truyền tin, quân khí, vận tải và bảo dưỡng; đưa chuyên viên hải quân và hải quân đánh bộ sang Nam Việt Nam để giúp huấn luyện đội giang thuyền cũng như các hoạt động chống nổi dậy khác. Các quan chức dân sự Mỹ lại cho rằng, Philíppin chỉ nên giúp Việt Nam Cộng hòa các nhân viên y tế, dân vận, chuyên gia nông nghiệp và phân bón. Đổi lại, Mỹ hứa hẹn sẽ tăng viện trợ cho Philíppin với điều kiện Chính phủ Philíppin phải tăng ngân sách quốc phòng.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 53.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:16:32 am »


        Trong thời gian thăm Mỹ, Tổng thống Philíppin Macapagan đã thảo luận trực tiếp với Tổng thống Giônxơn và Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara về vấn đề đưa lực lượng quân sự nước này sang tham chiến ở Nam Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ thị cho Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và Manila gặp Trưởng phái đoàn viện trợ quân sự liên quân Mỹ ở Philíppin và tướng Oétmolen để đối chiếu nhu cầu của Việt Nam Cộng hòa với khả năng hiện có của Philíppin; dự kiến các đơn vị có thể triển khai, thời gian, thứ tự triển khai và các chi tiết về ngân sách viện trợ. Bộ ngoại giao Mỹ cho rằng, Philíppin phải đưa sang khoảng 1.000 người mới phát huy được tác dụng hỗ trợ cho quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trong vai trò phục vụ tác chiến và chương trình "bình định" nông thôn.

        Với thái độ hết sức nôn nóng muốn gia tăng số lượng quân đồng minh trên chiến trường miền Nam để chia sẻ trách nhiệm, Oasinhtơn đã xem Philíppin như một trong những lực lượng tích cực nhất trong quá trình lôi kéo các nước tham chiến tại Nam Việt Nam. Tuy nhiên, tướng Oétmolen cũng nhận thấy rằng, nếu cùng một lúc gia tăng lực lượng quân sự vào thời điểm này thì cả Mỹ và các lực lượng đồng minh sẽ gặp một số khó khăn, chủ yếu về hậu cần, trong khi MACV chưa thể đảm đương hết nếu chưa có thêm vật liệu, phương tiện và cả thời gian cần thiết để vạch kế hoạch, phân chia cuộc triển khai quân này thành từng giai đoạn cụ thể.

        Để giải quyết những khó khăn trên, ngày 14 tháng 12 năm 1964, Phái đoàn viện trợ quân sự liên quân Mỹ ở Philíppin đã tổ chức cuộc họp với Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Philíppin, bàn về việc sử dụng lực lượng vũ trang Philíppin ở Nam Việt Nam. Đại diện của Philíppin đề nghị phía Mỹ đảm bảo chi phí cho toàn bộ các hoạt động của quân đội Philíppin, thay thế toàn bộ trang bị cho lực lượng trên bộ đã triển khai và đồng ý sử dụng binh sĩ Philíppin trong các hoạt động dân vận hoàn toàn mang tính phòng thủ ở khu vực Biên Hòa. Các lực lượng đặc biệt và nhân viên quân y có thể hoạt động ở khu vực Tây Ninh, miễn là không ở quá gần biên giới Campuchia. Các đại diện Philíppin cũng cho biết dự kiến quy mô và cơ cấu lực lượng đặc nhiệm sẽ đưa sang Nam Việt Nam. Ban đầu, Tổng thống Macapagan định đưa một lực lượng chiến đấu sang Việt Nam. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Máccốt, thủ lĩnh Đảng Tự do, đã phản đối quyết liệt việc đưa bất kỳ lực lượng chiến đấu nào sang Nam Việt Nam, nên các cuộc thảo luận ban đầu này chỉ tập trung vào các vấn đề về vai trò và lực lượng Philíppin cần thiết cho nhiệm vụ dân vận. Quân số lực lượng đặc nhiệm dự kiến khoảng 2.480 người, bao gồm 1 tiểu đoàn công binh tăng cường, 1 tiểu đoàn bộ binh tăng cường, 1 đại đội phục vụ, nhân viên dân vận, một toán hải quân và một toán binh sĩ không quân.

        Được sự hậu thuẫn của Mỹ, đầu năm 1965, chính quyền Sài Gòn chính thức yêu cầu Philíppin tăng viện trợ. Tuy nhiên, việc đáp ứng yêu cầu này lại bị trì hoãn do Máccốt trúng cử Tổng thống vào mùa thu năm 1965. Sau khi xem xét tình hình, Tổng thống Máccốt vẫn nhất quyết không cho phép đưa lực lượng chiến đấu sang miền Nam Việt Nam mà chỉ ủng hộ việc đưa nhân viên sang làm công tác dân vận. Sau nhiều lần thảo luận, lực lượng đặc nhiệm Philíppin dự định đưa sang Việt Nam chỉ bao gồm một tiểu đoàn công binh xây dựng cùng các toán hoạt động dân vận và y tế. Các lực lượng này tự bảo đảm an ninh trong khu vực đóng quân.

        Trong nửa đầu năm 1965, với sự thúc giục của Tổng thống Máccốt, Dự luật về việc đưa lực lượng dân sự sang Nam Việt Nam cùng khoản viện trợ 35 triệu pê xô (8.950 đô la Mỹ) cho chính quyền Sài Gòn đã được Hạ viện thông qua, nhưng lại bị Thượng viện Philíppin phản đối. Sau nhiều lần bàn cãi, trì hoãn, Dự luật được chuyển cho Hội nghị liên tịch hai viện (từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 6 năm 1965) nghiên cứu để đi đến thống nhất. Ngày 18 tháng 6 năm 1965, Tổng thống Máccốt chính thức ký thông qua Dự luật này. Đạo luật trên cho phép đưa sang Việt Nam một lực lượng đặc nhiệm dân vận khoảng 2.000 người, gồm 1 tiểu đoàn công binh, các toán y tế và phát triển cộng đồng nông thôn, 1 tiểu đoàn an ninh, 1 đại đội pháo dã chiến, 1 đại đội đảm bảo hậu cần và một bộ phận chỉ huy sở. Lực lượng này sẽ thực hiện các dự án kinh tế - xã hội đã được cả Philíppin và Nam Việt Nam thương thảo và nhất trí.

        Để đổi lại sự trợ giúp của Philíppin, chương trình viện trợ quân sự của Mỹ cho Philíppin phải đáp ứng được yêu cầu mà Tổng thống Máccốt đưa ra, trong đó có khoản cung cấp 4 tàu tuần tra trên sông để Philíppin thực hiện các hoạt động chống buôn lậu, súng trường M14 và súng máy cho một tiểu đoàn cảnh sát và trang bị cho 3 tiểu đoàn công binh. Số viện trợ này là phần bổ sung vào những cam kết trước đó giữa hai nước về việc Mỹ sẽ viện trợ cho Philíppin 1 tàu khu trục hộ tống và một số tàu tuần tra. Về vấn đề này, Mỹ hứa sẽ xem xét việc trang bị một số trực thăng cho phi đội E5 thuộc lực lượng không quân Philíppin.

        Sau khi được tuyển chọn, ngày 1 tháng 6 năm 1965, một lực lượng gồm 650 sĩ quan và binh sĩ bắt đầu được đưa đến huấn luyện ở trại Macxayxay để chuẩn bị đưa sang Nam Việt Nam. Trong khi đó, các nhóm tình nguyện khác cũng đang tiếp tục lựa chọn, tập hợp để chuyển đến trại huấn luyện này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:18:24 am »


        Theo kế hoạch ban đầu, toán công tác dân vận dự kiến sẽ triển khai trong vòng 120 ngày sau khi Dự luật về đưa lực lượng dân sự sang Nam Việt Nam được Quốc hội Philíppin thông qua. Thời hạn này được đặt ra trên cơ sở tính toán: 60 ngày dành cho việc vận chuyển thiết bị công binh tới Philíppin, 45 ngày huấn luyện sử dụng và 15 ngày để vận chuyển đơn vị tới Nam Việt Nam. Thời gian chuẩn bị quá dài khiến Tổng thống Philíppin lo ngại rằng, các phe phái chống đối đạo luật sẽ nhân cơ hội đó phản đối việc đưa lực lượng còn lại sang Việt Nam tham gia chiến tranh. Phía Mỹ có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề xoa dịu mối lo ngại của tân Tổng thống Philíppin.

        Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam đồng ý sẽ rút ngắn thời hạn triển khai nếu việc huấn luyện sử dụng trang bị được rút bớt xuống dưới 45 ngày, nhưng hiển nhiên điều này là không thể được.

        Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thì đề nghị Phái bộ Philíppin sẽ tiến hành mọi việc huấn luyện cá nhân và đơn vị tại Nam Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị này được Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam xem là không thực hiện được và khẳng định rằng, một đơn vị chưa được huấn luyện kỹ càng mà đem triển khai tại Việt Nam thì các lực lượng chiến thuật của Mỹ và các nước đồng minh khác buộc phải bảo đảm an ninh cho họ. Trong khi đó, nhiệm vụ của họ khi triển khai quân tại Việt Nam là phải tham gia trực tiếp vào các cuộc hành quân chiến thuật đó. Ngoài ra, một vấn đề khác mà Bộ tư lệnh quân sự Mỹ tại Việt Nam đưa ra nữa là, nếu toán dân vận Philíppin chưa được huấn luyện mà bị đối phương tiến công thì sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Và đương nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng đến nền chính trị trong nước, tác động có hại không chỉ với Philíppin mà cả với Mỹ.

        Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đề nghị gửi một nhóm kế hoạch tiền trạm đến trước trong vòng 30 ngày sau khi Dự luật thông qua. Sau đó, bộ phận tiền trạm đến trong vòng 60 ngày và bộ phận chính đến vào cuối giai đoạn. Tổng cộng là, toán dân vận Philíppin sẽ triển khai trong vòng 90 ngày. Đề nghị này được cho là phù hợp và khả thi, nhưng chỉ khi nào thật sự cần thiết phải triển khai toán dân vận Philíppin sớm hơn dự tính mới có thể thực hiện.

        Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề huấn luyện và cách sử dụng trang thiết bị khi đưa lực lượng đặc nhiệm sang Nam Việt Nam, Tổng thống Máccốt đã chấp thuận thời hạn triển khai trong vòng 4 tháng.

        Trong quá trình huấn luyện, quân Philíppin được hai toán huấn luyện cơ động Mỹ trợ giúp đắc lực. Một toán thuộc lực lượng lục quân Mỹ tại Việt Nam giúp huấn luyện sử dụng súng M16 và những chiến thuật cần thiết để hoạt động ở Nam Việt Nam. Toán thứ hai thuộc Tập đoàn quân số 8 lục quân Mỹ tại Cộng hòa Triều Tiên, tiến hành giúp huấn luyện lái xe bọc thép M113 và cách bảo dưỡng loại xe này. Trong giai đoạn huấn luyện tại Philíppin, lực lượng này gặp không ít khó khăn do thiếu kinh phí, trang bị và thường bị gián đoạn bởi các cuộc điều hành và nghi lễ, nhưng việc huấn luyện này tỏ ra rất có hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu hoạt động sau này của toán dân vận tại Nam Việt Nam.

        Chi phí của Mỹ cho toán dân vận Philíppin ở Nam Việt Nam lên tới 36 triệu đô la Mỹ, chủ yếu để mua, vận hành và bảo dưỡng những trang thiết bị nặng như xe ủi và xe tải. Về các khoản phụ cấp, Chính phủ Philíppin vẫn chi trả lương bình thường cho các binh sĩ trong toán này, còn phía Mỹ sẽ phải trả phụ cấp hải ngoại cho họ tùy theo cấp bậc. Phụ cấp hàng ngày của các cấp như sau: Chuẩn tướng: 6,00 đô la Mỹ; Đại tá: 6,00; Trung tá: 5,00; Thiếu tá: 4,50; Đại úy: 4,00; Trung úy: 3,50; Thiếu úy: 3,00; Thượng sĩ: 1,50; Trung sĩ: 0,50; Hạ sĩ: 0,20; Binh nhất, Binh nhì: 0,10 đô la Mỹ1.

        Bên cạnh đó, Mỹ còn đồng ý cung cấp thêm vật liệu, phương tiện vận tải và những nhu cầu bảo đảm khác cho lực lượng Philíppin ở Nam Việt Nam:

        Đồ tiếp tế loại I (thực phẩm được cung cấp không vượt quá giá trị thực phẩm cung cấp cho quân Mỹ thông qua hệ thống hậu cần Mỹ). Riêng gạo (800 gram/1 người/1 ngày) và muối (15 gram/1 người/1 ngày) do hệ thống tiếp tế của quân đội Sài Gòn cung cấp. Thức ăn kiêng đặc biệt dành cho người Philíppin và các thứ khác không có trong khẩu phần của binh sĩ Mỹ, do toán dân vận Philíppin tự mua. Phía Mỹ chỉ bảo đảm vận chuyển những thứ này từ các hải cảng của Philíppin tới Nam Việt Nam.

        Toàn bộ đồ tiếp tế loại II và loại IV được cung cấp qua hệ thống hậu cần Mỹ. Những thứ mà toán lực lượng Philíppin và quân đội Sài Gòn thường dùng, nhưng các lực lượng Mỹ ở Nam Việt Nam không sử dụng, được cung cấp qua hệ thống tiếp tế của quân đội Sài Gòn. Những mặt hàng đặc biệt mà chỉ có lực lượng Philíppin chuyên dùng được cung cấp qua hệ thống tiếp tế của Phái bộ Philíppin một cơ số (mức sử dụng trong 45 ngày). Đối với các bộ phận sửa chữa cấp 3, một số trang thiết bị sẽ do hệ thống hậu cần tiếp liệu quân đội Sài Gòn cung cấp.

        Đồ tiếp tế loại III (bao gồm xăng, dầu, mỡ) và loại IV (đạn dược) được cung cấp thông qua hệ thống hậu cần Mỹ.

        Việc bảo dưỡng đến cấp 3 do lực lượng Philíppin đảm nhiệm trong khả năng có thể làm được, nếu vượt quá khả năng của họ hoặc của Quân đội Sài Gòn thì Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ sẽ đảm trách. Những trang thiết bị không còn dùng được, quá hạn sử dụng không thể sửa chữa được do đã sử dụng trong chiến đấu, bị thời tiết làm hư hỏng hoặc vì các lý do khác thì sẽ được quân đội Sài Gòn hoặc quân đội Mỹ có trách nhiệm thay thế.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 57.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM