Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:42:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam  (Đọc 26223 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:55:03 am »


        Trước lời đề nghị của Chính phủ Ôxtrâylia, tướng Oétmolen đưa ra quyết định có tính chất thăm dò về địa điểm đóng quân của Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia là ở Bà Rịa - tỉnh lỵ của Phước Tuy và đặt đơn vị này dưới quyền kiểm soát của Tư lệnh Lực lượng dã chiến II của quân đội Mỹ đóng tại Vùng III chiến thuật. Theo Oétmolen, sự sắp xếp này sẽ hình thành một cụm lực lượng lớn trong khu vực quốc lộ 15, vốn là một tuyến giao thông quan trọng và đồng thời cũng giữ cho Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia tránh xa hẳn biên giới với Campuchia. Vì Ôxtrâylia đang có quan hệ ngoại giao với Campuchia nên họ yêu cầu Mỹ đảm bảo không sử dụng các đơn vị Ôxtrâylia vào những cuộc hành quân dọc theo biên giới với Campuchia. Phần yểm trợ pháo binh khi cần thiết sẽ do Bộ tư lệnh dã chiến II cung cấp. Ngoài ra, 8 chiếc trực thăng UH1B cũng được quyết định đặt dưới quyền chỉ huy của Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia. Tuy nhiên, yêu cầu để Lực lượng đặc nhiệm kiểm soát các đơn vị Caribô của Ôxtrâylia không được Mỹ chấp thuận mà chỉ được phép cung cấp máy bay tăng cường khi cần thiết.

        Trong hai tuần đầu tháng 3 năm 1966, nhân viên tham mưu của MACV cùng với nhân viên toán thiết kế liên quân Mỹ - Ôxtrâylia đã nghiên cứu, xem xét những thỏa thuận hoạt động quân sự mới và lập kế hoạch triển khai Lực lượng đặc nhiệm. Ngày 17 tháng 3, hai bên ký kết thỏa thuận mới (thay thế thỏa thuận ký ngày 5 tháng 5 năm 1963), xác nhận sứ mạng của Lực lượng đặc nhiệm trong tỉnh Phước Tuy. Khu vực hoạt động trong tỉnh là vùng chạy dài theo quốc lộ 15 và phần phía đông của Đặc khu rừng Sác. Tiếp đó, Mỹ và Ôxtrâylia cũng đạt được một thỏa thuận về tài chính, theo đó Ôxtrâylia đồng ý bồi hoàn cho chính quyền Mỹ phần chi phí yểm trợ dành cho quân đội Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam.

        Ngày 12 tháng 4 năm 1966, bộ phận tiền trạm của Lực lượng đặc nhiệm thứ nhất Ôxtrâylia đã đến Nam Việt Nam. Bộ phận chính tiếp tục được đưa sang thành nhiều đợt trong tháng 5. Đến ngày 4 tháng 6 năm 1966, quá trình triển khai toàn bộ Lực lượng đặc nhiệm số 1 Ôxtrâylia ở Núi Đất đã hoàn thành. Sau một thời gian huấn luyện ngắn, quyền kiểm soát các cuộc hành quân của lực lượng này được chuyển từ Bộ tư lệnh Lực lượng Ôxtrâylia tại Việt Nam sang Bộ tư lệnh Lực lượng dã chiến II của quân đội Mỹ.

        Trong khi đó, hai bên còn tiến hành một cuộc thảo luận về đề nghị của phía Mỹ muốn đưa một phi đội gồm 12 chiếc Caribô của Ôxtrâylia đến Nam Việt Nam để bù đắp vào số máy bay sẽ thiếu hụt do các kế hoạch triển khai lực lượng của Mỹ gây ra. Tướng Oétmolen dự tính sẽ sử dụng đơn vị này vào việc yểm trợ cho các cuộc hành quân trên bộ của quân đội Sài Gòn, quân đội Nam Triều Tiên và quân đội Mỹ; đồng thời sẽ trực tiếp tham gia các cuộc hành quân "tìm diệt" ở địa bàn đảm trách. Không quân Mỹ sẽ nắm quyền kiểm soát các cuộc hành quân của phi đội này. Đồng thời, nếu chính quyền Ôxtrâylia chấp nhận được về mặt ngoại giao, tướng Oétmolen sẽ cho sử dụng phi đội này để chống lại các mục tiêu cộng sản ở Lào. Ngày 6 tháng 5 năm 1966, Đô đốc Sáp đã đệ trình đề nghị này lên Bộ tham mưu liên quân Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra sốt sắng với lời đề nghị này và đã có những bước tiếp xúc với Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Oasinhtơn để xác nhận khả năng triển khai phi đội không quân Caribô. Tuy nhiên, kế hoạch trên không thực hiện được bởi nó không nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ Ôxtrâylia vì lý do quan hệ ngoại giao với Chính phủ Lào.

        Theo dự tính của Tư lệnh lực lượng Ôxtrâylia tại Việt Nam, cuối năm 1967, Lực lượng đặc nhiệm sẽ được bổ sung thêm tiểu đoàn thứ 3, nhưng ở Ôxtrâylia đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội, nên việc gia tăng lực lượng quân sự tại Nam Việt Nam không thể thực hiện được như dự tính ban đầu. Tuy không đưa được tiểu đoàn thứ ba sang bổ sung cho Lực lượng đặc nhiệm, nhưng Chính phủ Ôxtrâylia vẫn quyết định đưa tổ phẫu thuật thứ ba tới Sài Gòn vào ngày 29 tháng 11 năm 1966. Tổ phẫu thuật mới này gồm 13 nhân viên, được chỉ định sẽ phục vụ tại Vũng Tàu, nâng con số nhân viên y tế của Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam lên 37 người1.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 96.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:56:22 am »


        Sau cuộc bầu cử, chính quyền Ôxtrâylia đã nhanh chóng gia tăng sự can thiệp quân sự tại Nam Việt Nam. Theo yêu cầu của Tham mưu trưởng lực lượng Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam, muốn đưa thêm thành phần bổ sung cho lực lượng đặc nhiệm, bao gồm cả ba quân chủng: tàu Hôbơt (Hobart) tàu khu trục có gắn tên lửa điều khiển của hải quân Hoàng gia Ôxtrâylia; một toán người nhái thuộc hải quân Hoàng gia; 1 phi đội gồm 8 máy bay loại B57 (Canbêra); 1 đơn vị dân sự vụ 80 người và 916 quân bổ sung cho các đơn vị lục quân Ôxtrâylia hiện có tại Nam Việt Nam. Lời đề nghị này được tư lệnh 3 quân chủng và Bộ Quốc phòng Ôxtrâylia tán thành với một quan điểm hiếu chiến: Ôxtrâylia sẽ là nước đầu tiên, ngoài Mỹ, tham gia chiến tranh Việt Nam với một lực lượng gồm đủ ba quân chủng, lục quân, không quân và hải quân1. Và, với một lực lượng hùng hậu như vậy, họ tin tưởng rằng, quân đội Ôxtrâylia đã, đang và sẽ chiến đấu có hiệu quả hơn bất kỳ một lực lượng nào khác ở Nam Việt Nam!

        Về bộ binh, quân số 916 người tăng cường (thuộc lục quân Ôxtrâylia) sẽ được sáp nhập vào các đơn vị đã có mặt tại Nam Việt Nam. Trong số đó, 466 người là phần bổ sung theo yêu cầu tổ chức và trang bị của các đơn vị đã có sẵn; 450 người còn lại là thành phần tăng cường tác chiến cho Lực lượng đặc nhiệm thứ nhất của Ôxtrâylia. Mỹ hoan nghênh quan điểm tăng cường quân số của Ôxtrâylia và đồng ý với yêu cầu của Chính phủ nước này về việc để tàu chiến Hôbơt của hải quân Hoàng gia Ôxtrâylia và phi đội Canbera được triển khai chung với các lực lượng nói trên của Mỹ. Theo dự kiến ban đầu, tàu chiến Hôbơt vẫn thuộc quyền chỉ huy của Ôxtrâylia, nhưng về mặt kiểm soát hành quân thì sẽ thuộc lực lượng hải quân Mỹ cho đến khi tìm được tàu chiến tương tự để thay thế. Sau đó, tàu này sẽ được sử dụng về mọi mặt như là một tàu bổ sung cho lực lượng hải quân Mỹ và không bị giới hạn hoạt động. Nhiệm vụ của lực lượng này khi tham chiến tại Việt Nam, như Mỹ và Chính phủ Ôxtrâylia đã thỏa thuận, bao gồm: pháo kích các mục tiêu trên đất liền ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam, ngăn chặn lưu thông của lực lượng cộng sản dọc theo bờ biển, bảo vệ các cuộc hành quân, vận chuyển và hoạt động yểm trợ các lực lượng hải quân ngoài khơi. Hai bên cũng nhất trí thỏa thuận việc chỉ huy và kiểm soát phi đội Canbêra sẽ tương tự như thỏa thuận dành cho chiến hạm Hôbơt nói trên. Phi đội này sẽ đóng căn cứ tại nơi có điều kiện thuận lợi cho việc yểm trợ các lực lượng lục quân Ôxtrâylia. Việc bảo dưỡng thường kỳ sẽ được thực hiện tại Việt Nam, còn các cuộc bảo dưỡng và sửa chữa lớn sẽ đưa sang căn cứ Bâttơut, Mailaixia2. Phi đội này cũng sẽ được triển khai với cơ số bom 250kg trong 45 ngày. Các loại bảo đảm hậu cần khác như nhiên liệu, lương khô, tiện nghi, vật liệu công binh và đồ dùng thông thường sẽ được phía Mỹ cung cấp.

        Hội nghị sơ bộ giữa nhóm thiết kế Ôxtrâylia do thiếu tướng không quân Brian A. Eton dẫn đầu và Ban tham mưu của MACV đã diễn ra từ ngày 3 đến 7 tháng 1 năm 1967 tại Sài Gòn. Hai bên đạt được một số thỏa thuận về hậu cần cũng như vấn đề chỉ huy và kiểm soát được xác định như trong các thỏa thuận trước đây. Máy bay Canbêra sẽ đóng tại Phan Rang và được sử dụng như tất cả các máy bay chiến đấu khác của Tập đoàn không quân số 7 Mỹ. Quyền kiểm soát các cuộc hành quân được giao cho Tư lệnh Tập đoàn không quân số 7 Mỹ, trong khi Tư lệnh lực lượng Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam giữ quyền chỉ huy và kiểm soát về mặt hành chính. Đối với Ôxtrâylia, việc triển khai phi đội Canbera được coi là lý tưởng vì loại máy bay này đã lỗi thời và họ đang dự tính sẽ thay thế bằng loại F111 hiện đại hơn.

        Khi hội nghị bàn đến những vấn đề thuộc về hải quân, đại diện của Mỹ muốn biết chi tiết thêm về năng lực của toán người nhái Ôxtrâylia. Theo quan niệm sử dụng một cách tổng thể, toán người nhái này dự kiến sẽ được sáp nhập vào Bộ tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ tại Nam Việt Nam, dưới sự điều hành của Đô đốc Moven G. Vac. Cũng vào thời điểm này, các đại diện Mỹ và Ôxtrâylia tiếp tục gặp nhau tại Philíppin để bàn thảo về kế hoạch triển khai bảo đảm hậu cần, hành chính cho chiến hạm Hôbơt của hải quân Hoàng gia Ôxtrâylia khi tham gia hoạt động tác chiến cùng Hạm đội 7 Mỹ. Về vấn đề này, hội nghị tại Sài Gòn cũng nhất trí quan điểm cho rằng, MACV không cần phải dính líu đến bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến tàu chiến Hôbơt, mà giao toàn quyền chỉ huy, kiểm soát cho Tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ tại Nam Việt Nam và Hạm đội 7.

        Sau hội nghị, các giới chức Ôxtrâylia tỏ ra hài lòng với những thỏa thuận đạt được khi rời Nam Việt Nam trở về nước, trong khi họ chỉ có một thời gian rất hạn chế để chuẩn bị đưa lực lượng này sang tham chiến.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 96.

         2. Mặc dù đồng ý về những điều thỏa thuận với Chính phủ Mỹ và Ôxtrâylia trong việc bảo dưỡng máy bay, nhưng chính phủ Mailaixia vẫn luôn nhấn mạnh không muốn làm rùm beng về vấn đề này.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:57:48 am »


        Ngày 1 tháng 4 năm 1967, phi đội Canbêra nhận được chỉ thị sẵn sàng hành quân, trong khi căn cứ không quân ở Phan Rang đã quá chật chội. Để chuẩn bị đón phi đội Canbêra sang, trước đó, từ tháng 1 năm 1967, phi đội 5 xây dựng sân bay của Ôxtrâylia đã lên đường đi Nam Việt Nam. Sau hai tháng, phi đội này đã xây dựng xong nhà bảo toàn máy bay cùng các cơ sở vật chất đảm bảo cho phi đội Canbêra.

        Ngày 18 tháng 4 năm 1967, 8 trong số 10 chiếc máy bay ném bom loại Canbêra đã từ căn cứ Bâttơut đến Nam Việt Nam với quân số 300 người, gồm 40 sĩ quan, 90 hạ sĩ quan và 170 binh sĩ1.

        Trước đó, ngày 21 tháng 3, chiến hạm Hôbơt của hải quân Hoàng gia Ôxtrâylia đã bắt đầu tham gia chiến tranh khi thay thế một khu trục hạm của hải quân Mỹ ở ngoài khơi Nam Việt Nam. Việc sử dụng lực lượng tham gia các cuộc hành quân, vấn đề bảo đảm hậu cần, quan hệ chỉ huy cũng như việc sử dụng câu lạc bộ, nhà ăn và cửa hàng bách hóa... được dàn xếp chủ yếu giữa hải quân Ôxtrâylia và hải quân Mỹ.

        Tháng 1 năm 1967, Chính phủ Ôxtrâylia cho biết, 10 phi công trực thăng chống tàu ngầm của hải quân nước này đã có đủ điều kiện để lái loại trực thăng H34 và có thể triển khai ngay lực lượng này tại Nam Việt Nam. Bộ tư lệnh MACV tin rằng, sau 10 giờ bay huấn luyện chuyển tiếp trên loại trực thăng UH1D, các phi công này có thể sáp nhập ngay vào những đơn vị không quân của lục quân Mỹ. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 1967, đề nghị trên mới chính thức được thực thi. 8 phi công và khoảng 30 nhân viên bảo dưỡng, yểm trợ được đề nghị đưa sang để thay thế số quân Mỹ đang hoạt động yểm trợ cho lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia. Chế độ lương bổng và phụ cấp cho toán quân nhân này do Ôxtrâylia đài thọ. Phía Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp máy bay và bảo đảm hậu cần. Lực lượng này được sáp nhập vào các đơn vị Mỹ và thay thế quân nhân Mỹ theo tỷ lệ một đổi một.

        Để tạo điều kiện cho công việc quản lý hành chính, Bộ Tham mưu liên quân Mỹ yêu cầu các phi công Ôxtrâylia được đóng quân gần một phi đội của không quân Hoàng gia Ôxtrâylia và tốt nhất là những quân nhân này nên được chỉ định vào các đơn vị không quân Mỹ vẫn thường yểm trợ cho lực lượng Ôxtrâylia. Tướng Oétmolen cũng chỉ ra rằng, các đơn vị trực thăng của quân đội Mỹ không có nhiệm vụ yểm trợ tác chiến cho tất cả các tổ chức hoặc Lực lượng đặc nhiệm và hoạt động của các phi công Ôxtrâylia sẽ tuỳ thuộc vào tình hình chiến thuật thực tế.

        Các cuộc thảo luận sau đó giữa Mỹ và Ôxtrâylia cho thấy, mặc dù Ôxtrâylia mong muốn đưa các phi công về đóng quân cùng các đơn vị đặc nhiệm Ôxtrâylia tại Vũng Tàu để tiện cho việc quản lý hành chính, nhưng họ cũng không chính thức yêu cầu các phi công Ôxtrâylia được hoạt động trong những đơn vị quân đội Mỹ đang làm nhiệm vụ yểm trợ cho lực lượng Ôxtrâylia. Về phía Mỹ, tướng Oétmolen cho rằng, nếu Ôxtrâylia chính thức đề nghị thì các phi công Ôxtrâylia sẽ được thuyên chuyển đến một đại đội trực thăng thuộc Đoàn 12 không quân, tác chiến trong khu vực Biên Hòa (đóng quân tại căn cứ Bến Cát). Từ địa điểm này, họ sẽ yểm trợ cho các đơn vị thuộc Vùng III chiến thuật, nơi các lực lượng bộ binh Ôxtrâylia đồn trú. Khi Đại đội 135 không quân đến Nam Việt Nam sẽ đóng quân ở Núi Đất (cách Vũng Tàu 35km về phía đông bắc), địa điểm của 1 phi đội trực thăng thuộc không quân Ôxtrâylia. Từ Núi Đất, Đại đội không quân 135 sẽ yểm trợ cho Lực lượng đặc nhiệm thứ nhất của Ôxtrâylia và các đơn vị khác. Nếu như Đại đội 135 đến trước các phi công trực thăng thì họ sẽ được chuyển thẳng đến đơn vị này. Lời đề nghị của chính quyền Ôxtrâylia muốn các phi công này được phép lái trực thăng vũ trang cũng được phía Mỹ chấp thuận.

        Sau những thỏa thuận quân sự đạt được với Mỹ, ngày 18 tháng 10 năm 1967, Thủ tướng Ôxtrâylia công bố kế hoạch mới nhằm gia tăng lực lượng Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam thêm 1.700 quân và sẽ đưa quân số từ 6.300 lên hơn 8.000 người. Lực lượng gia tăng gồm có 1 tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia), 1 đại đội xe tăng hạng trung (loại Canturian) với 250 người, 1 đơn vị công binh xây dựng 45 người và 125 người tăng cường cho sở chỉ huy lực lượng Ôxtrâylia. Tiểu đoàn bộ binh 3 sẽ triển khai sang Nam Việt Nam vào tháng 12 năm 1967, tiếp đó, lần lượt triển khai các đơn vị khác nếu có phương tiện vận chuyển. Bộ phận không quân bổ sung sang Việt Nam gồm có 8 trực thăng vũ trang, 10 phi công trực thăng, 20 nhân viên kỹ thuật trên không cấp hạ sĩ và binh sĩ cùng với 10 nhân viên bảo dưỡng. Lực lượng này sẽ được sáp nhập vào phi đội 9 trực thăng (thông dụng) thuộc không quân Hoàng gia Ôxtrâylia (đã được triển khai tại Việt Nam 6 tháng trước)2. Hải quân Ôxtrâylia sẽ cung cấp một số phi công trực thăng chống tàu ngầm cùng với nhân viên bảo dưỡng như đã thỏa thuận.

-----------------
        1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 98.

        2. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 99.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:58:38 am »


        Theo kế hoạch trên, lực lượng quân sự bổ sung của Ôxtrâylia sang Nam Việt Nam được thực hiện trong 8 tháng, bắt đầu từ tháng 11 năm 1967. Tổng quân số đưa sang là 1.978 người1 (cao hơn so với dự kiến ban đầu). Tiểu đoàn bộ binh 3 cùng với các thành phần yểm trợ tác chiến và hậu cần sau khi đến Nam Việt Nam (tháng 12 năm 1967), được sáp nhập vào Lực lượng đặc nhiệm thứ nhất Ôxtrâylia ở Vùng III chiến thuật. Đại đội xe tăng và các bộ phận yểm trợ, hậu cần đến Nam Việt Nam vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3 năm 1968 với 15 chiếc xe tăng loại Canturian, 11 chiếc khác được bổ sung vào tháng 9. Phi đội trực thăng thuộc lực lượng không quân Hoàng gia Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam được nhận thêm 8 trực thăng trong tháng 7 năm 1968. Sau cùng là một toán 30 người thuộc lực lượng không quân được đưa sang vào tháng 11 năm 1968.

        Về mức độ và loại yểm trợ dành cho lực lượng bổ sung Ôxtrâylia được thực hiện theo đúng như thỏa thuận đã ký kết vào ngày 30 tháng 11 năm 1967. Theo đó, chính quyền Ôxtrâylia sẽ bồi hoàn cho chính quyền Mỹ phần cung cấp yểm trợ (tính theo đầu người). Sự yểm trợ của Mỹ đối với lực lượng Ôxtrâylia bao gồm:

        - Việc xây dựng căn cứ và chi phí vận chuyển ở Việt Nam bằng phương tiện dịch vụ đối với hàng tiếp liệu cho lực lượng Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam;

        - Các phương tiện bảo đảm ăn ở (không bao gồm khu gia đình dành cho thân nhân; cá nhân có nhu cầu phải tự trả tiền phục vụ ăn ở trong khu vực Sài Gòn);

        - Khám chữa bệnh tại Việt Nam (không tính việc đưa đi khám chữa ngoài Việt Nam, trừ trường hợp bị bệnh khẩn cấp được thực hiện cơ bản giống như đối với quân đội Mỹ);

        - Công tác mai táng, bao gồm việc chuyên chở ra bên ngoài Việt Nam;

        - Công tác vận chuyển, bao gồm việc sử dụng các loại xe buýt, xe du lịch, tắc xi hiện có và dịch vụ hàng không do Mỹ điều hành tại Nam Việt Nam;

        - Công tác cơ yếu, chuyển các điện văn chính thức bằng điện đài hoặc phương tiện khác của các đường dây đã được thiết lập;

        - Việc sử dụng các phương tiện quân bưu Mỹ, bao gồm cả việc đóng gói tất cả thư tín cá nhân và công văn từ hạng nhất đến hạng tư;

        - Dịch vụ bán hàng bách hóa và hàng miễn thuế tại Việt Nam;

        - Các dịch vụ đặc biệt, bao gồm việc tổ chức các chuyến nghỉ ngơi và giải trí;

        - Cơ sở văn phòng, trang bị và tiếp liệu cần thiết;

        - Các loại phụ tùng, sản phẩm dầu khí và phương tiện bảo dưỡng dành cho xe cộ, máy bay trong khả năng của các cơ sở và đơn vị quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam.

        Mặc dù trong những năm sau, lực lượng Ôxtrâylia tiếp tục được bổ sung sang Nam Việt Nam, nhưng quân số không đáng kể. Do vậy, cũng có thể coi đây là những thỏa thuận cuối cùng giữa Mỹ và chính quyền Ôxtrâylia về việc gia tăng lực lượng và những điều khoản thi hành của hai bên trong quá trình tham chiến của quân đội Ôxtrâylia tại miền Nam Việt Nam. Như thế, việc Chính phủ Ôxtrâylia gửi quân và các trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật sang Việt Nam vừa mang tính chất bắt buộc nhưng cũng có phần nào đó là tự nguyện bởi nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ và cũng vì lợi ích thiết thân nên họ không thể không tham gia cuộc chiến tranh này.

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 99.

         2. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 23.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:59:19 am »


       2. Hoạt động của quân đội Ôxtrâylia tại chiến trường miền Nam Việt Nam trong những năm 1965-1972.

        Đầu tháng 6 năm 1965, Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia đầu tiên được đưa đến Nam Việt Nam gồm Tiểu đoàn bộ binh 1 thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia được tăng cường Đại đội thông tin 79, đại đội hậu cần và 100 chuyên gia trong lĩnh vực chiến tranh du kích. Lực lượng này lập tức được tăng cường cho Lữ đoàn không vận 173 của Mỹ.

        Những hoạt động đầu tiên của lực lượng này trong năm 1965 chỉ giới hạn trong các cuộc hành quân an ninh địa phương tại tỉnh Biên Hòa (địa điểm đóng quân của Lữ đoàn không vận 173 Mỹ). Sự giới hạn này xuất phát từ những đề nghị rất kiên quyết của chính quyền Ôxtrâylia. Tại thời điểm này, Chính phủ Ôxtrâylia không đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng Lực lượng đặc nhiệm của họ vào các cuộc hành quân tiến công và đánh trả, ngoại trừ việc phòng thủ căn cứ không quân Biên Hòa. Phạm vi hoạt động của Tiểu đoàn bộ binh số 1 Trung đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia được Chính phủ nước này nhất trí có thể tham dự vào các cuộc hành quân trong phạm vi từ 30 đến 35km, do đó, tướng Oétmolen không thể sử dụng lực lượng này một cách rộng rãi hơn. Ví dụ, ngày 30 tháng 7 năm 1965 (một thời gian ngắn sau khi sang Nam Việt Nam), Tham mưu trưởng Lực lượng quân đội Ôxtrâylia ở miền Nam Việt Nam đã không cho phép lực lượng của Tiểu đoàn 1 tham dự vào cuộc hành quân của Lữ đoàn không vận 173 Mỹ. Thay vào đó, Mỹ phải sử dụng 1 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 2 Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ để bảo vệ pháo binh của Lữ đoàn và Tiểu đoàn 1 Ôxtrâylia chỉ đóng vai trò dự bị.

        Sau đó không lâu, căn cứ vào tình hình thực tiễn, sự giới hạn này buộc phải hủy bỏ. Ngày 11 tháng 8 năm 1965, Chuẩn tướng O. D. Giắcxơn, sĩ quan cao cấp của quân đội Hoàng gia Ôxtrâylia, sang Nam Việt Nam thông báo cho tướng Oétmolen về sự hủy bỏ này và do vậy, nhiệm vụ của Lực lượng đặc nhiệm cũng có sự thay đổi, không chỉ giới hạn về phòng thủ mà còn có thể tham gia các hoạt động tác chiến, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động, bao gồm cả các tỉnh tiếp giáp với Biên Hòa. Trên cơ sở đó, ngày 15 tháng 8, một thỏa thuận hoạt động quân sự đã được ký kết giữa Chuẩn tướng Giắcxơn và tướng Oétmolen để trao quyền kiểm soát hành quân đối với các lực lượng Ôxtrâylia cho viên Tư lệnh quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam. Theo thoả thuận này, phía Mỹ sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ về mặt hành chính và hậu cần cho lực lượng Ôxtrâylia. Trong một thỏa ước về tài chính được ký kết ngày 7 tháng 9, chính quyền Ôxtrâylia đồng ý sẽ hoàn lại cho Mỹ chi phí bảo đảm này.

        Để thực thi nhiệm vụ tác chiến và nới rộng phạm vi hoạt động của quân Ôxtrâylia tại Biên Hòa, ngày 30 tháng 9 năm 1965, Chính phủ Ôxtrâylia tiếp tục đưa sang một lực lượng tác chiến và yểm trợ (157 quân) để tăng cường cho tiểu đoàn bộ binh, gồm một đại đội pháo 105mm (kết hợp với một đại đội pháo tương tự của Niu Dilân), 1 đoàn công binh dã chiến, 1 chi đoàn xe thiết giáp M113 do Mỹ cung cấp, 1 đoàn truyền tin và 1 phi đội không thám. Đến cuối năm 1965, quân số Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam là 1.557 người1. Hiệu quả tác chiến ngày càng cao của lực lượng này đã góp phần thuyết phục Chính phủ Ôxtrâylia thành lập Lực lượng đặc nhiệm số 1 gồm hai tiểu đoàn bộ binh có xe thiết giáp chở quân, công binh, pháo binh và hậu cần hỗ trợ. Quyết định này được công bố vào tháng 3 năm 1966. Các tiểu đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia 5 và 6 được lệnh triển khai sang Nam Việt Nam vào tháng 5 năm 1966, khi Tiểu đoàn 1 về nước. Phước Tuy, một tỉnh ven biển gần Sài Gòn đã được chọn làm nơi đóng quân của Lực lượng đặc nhiệm số 1 của Ôxtrâylia. Nhiệm vụ của quân Ôxtrâylia ở Phước Tuy là tiến hành chiến dịch chống nổi dậy, kết hợp hoạt động quân sự với dân vận nhằm lôi kéo và tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng.

-----------------
        1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 90.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:00:50 am »


        Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia tiến hành tại Nam Việt Nam là tham gia chương trình bình định. Ngay sau khi đến Nam Việt Nam, Chỉ huy trưởng Lực lượng quân đội Ôxtrâylia tại Việt Nam đã chỉ thị cho Lực lượng đặc nhiệm phải tiến hành công tác dân vận thật tốt thì mới có thể thực hiện được chương trình bình định ở đây. Sau một thời gian hoạt động phối hợp với các cơ quan của chính quyền Sài Gòn, từ tháng 7 năm 1966, chương trình "bình định" bắt đầu được tiến hành.

        Giai đoạn đầu, các tổ dân vận, gồm 4 người một tổ, được phái đến các "ấp chiến lược" trong khu vực bao quanh sở chỉ huy của Lực lượng đặc nhiệm số 1 tại huyện Long Đất. Mục tiêu của quân Ôxtrâylia lúc này chỉ đơn giản là phát triển mối quan hệ hài hoà với dân chúng địa phương, mong lấy lòng nhân dân vì đây vốn là vùng căn cứ cách mạng và có phong trào đấu tranh chống Mỹ rất cao. Giai đoạn này kéo dài khoảng hai tuần. Tiếp đó là khảo sát, nghiên cứu thực tế một số "ấp chiến lược" để phác thảo cho dự án "bình định" đang chuẩn bị tiến hành. Sau đó, họ sẽ yêu cầu Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ, Văn phòng dân sự vụ hỗn hợp Mỹ và MACV cung cấp hoặc hỗ trợ vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, để thực hiện công việc này, quân Ôxtrâylia vẫn còn có một ngân quỹ đáng kể để mua vật liệu và trả công lao động. Trong việc thi hành các dự án, trước hết các tổ công tác Ôxtrâylia lập kế hoạch xây dựng công trình và thứ tự ưu tiên. Sau khi kế hoạch được tỉnh trưởng chấp thuận mới tiến hành khởi công. Trong thời gian thực hiện chương trình bình định, Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia đã xây dựng cho chính quyền tỉnh Phước Tuy được 8 lớp học, một trung tâm phục vụ thông tin Việt Nam, một chợ quận, một nhà hộ sinh, 1 trạm xá 3 phòng, một phòng họp của chính quyền quận, nhiều nhà kho, 12 giếng có nắp đậy, một tòa nhà chỉ huy của quận, một trạm kiểm soát của cảnh sát và một số công trình xây dựng vững chắc khác.

        Bên cạnh những nỗ lực bình định cùng với sự trợ giúp về các hoạt động xây dựng cơ sở vật chất cho chính quyền Sài Gòn, phần lớn thời gian còn lại, nhiệm vụ trọng tâm của Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia là tham gia các cuộc hành quân "tìm diệt" cùng với quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn. Trong thời gian 14 tháng trực tiếp tác chiến tại Nam Việt Nam, riêng Lực lượng đặc nhiệm Tiểu đoàn 1 (tăng cường) thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia được mệnh danh là "Những tay thợ đào"1 đã tham gia vào 19 cuộc hành quân lớn. Đặc biệt, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của quân Mỹ vào khu vực Tam giác sắt (tháng 1 năm 1966), đơn vị Ôxtrâylia đã "lập được công trạng lớn" khi khám phá ra một hệ thống hầm rộng lớn, có nơi đào sâu 20 mét, mà họ cho là sở chỉ huy của lực lượng cách mạng. Ngoài việc thu được 5 khẩu pháo phòng không sản xuất tại Trung Quốc, quân Ôxtrâylia còn phát hiện được 6.000 tài liệu còn rớt lại của lực lượng cách mạng trước khi rút khỏi căn cứ an toàn2.

        Hiệu suất chiến đấu của lực lượng Ôxtrâylia được thể hiện qua các cuộc hành quân càn quét nổi tiếng ở khu vực Biên Hòa và Phước Tuy trong thời gian còn lại của năm 1966. Tuy nhiên, họ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân các tỉnh nói trên.

        Sau trận tập kích của lực lượng vũ trang thị xã Vũng Tàu vào sân bay Vũng Tàu và trung tâm huấn luyện Chí Linh (tháng 3 năm 1966), quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn gấp rút bố trí lại lực lượng để bảo vệ Vũng Tàu và xây dựng nơi đây thành trung tâm hậu cần lớn phục vụ cho cuộc chiến tranh. Tại đây, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho san gạt mặt bằng để xây dựng cơ sở hậu cần cho quân Ôxtrâylia, xây dựng trung tâm huấn luyện người nhái ở Cửa Lấp, điều một trung đội chốt giữ đồi Không Tên, di dân thành lập ấp Hải Đăng. Để bảo vệ Vũng Tàu, địch cho một giang đoàn thường xuyên tuần tiễu trên sông Cỏ May ra Phước Tỉnh, dọc sông Dinh ra cảng Rạch Dừa. Trên quốc lộ 15, có các đơn vị đóng chốt ở cầu Cây Khế, cầu Rạch Bà, đồng thời tăng cường kiểm soát người ra vào thị xã Vũng Tàu.

        Với hệ thống phòng thủ chặt chẽ, Mỹ và chính quyền Sài Gòn hy vọng sẽ ngăn chặn được lực lượng kháng chiến đột nhập vào nội ô thị xã. Như vậy, Vũng Tàu không chỉ trở thành hậu cứ quan trọng của quân Mỹ, quân đội Sài Gòn mà còn của cả quân Ôxtrâylia, Niu Dilân.

        Chuẩn bị cho đợt phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966-1967), Lữ đoàn không vận 173 Mỹ được điều về đứng chân ở Long Đất, tỉnh Phước Tuy, để cùng với quân đội Sài Gòn mở những trận càn quy mô lớn trên một diện rộng hòng triệt phá căn cứ kháng chiến của tỉnh, huyện và tiêu diệt lực lượng vũ trang ta giành lại thế chủ động trên chiến trường Bà Rịa - Vũng Tàu.

-----------------
         1. Biệt danh dành riêng cho phần lớn số người đào vàng trong các đơn vị quân đội Ôxtrâylia lúc đầu, cũng như để nói về những hoạt động đào đường hầm của quân Ôxtrâylia trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

         2. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 93.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:02:19 am »


        Đêm 8 tháng 6 năm 1966, Lữ đoàn không vận 173 cùng với 1 đại đội Nam Triều Tiên, quân đội Sài Gòn, có máy bay, xe tăng và pháo binh yểm trợ, mở trận càn vào căn cứ Minh Đạm nhằm tìm diệt lực lượng cách mạng, đẩy lực lượng vũ trang ta ra xa, chuẩn bị đưa quân Ôxtrâylia vào làm nhiệm vụ "bình định" thí điểm ở Long Đất. Bị quân và dân ta đánh thiệt hại, địch buộc phải rút khỏi căn cứ Minh Đạm.

        Sau cuộc càn, quân Mỹ tiến hành chuyển giao trách nhiệm "bình định" cho Lực lượng đặc nhiệm số 1 Ôxtrâylia do Thiếu tướng Giắcxơn làm Tư lệnh. Ngoài căn cứ chính được triển khai ở Núi Đất (tháng 6 năm 1966), lực lượng này còn có thêm hai căn cứ ở núi Da Quy và Bàu Lùn (Hòa Long - Đất Đỏ). Lực lượng Ôxtrâylia ở Nam Việt Nam tại thời điểm này là 4.525 quân1.

        Khi Lực lượng đặc nhiệm số 1 vào tỉnh Phước Tuy thì một phi đội hoàn chỉnh của Lực lượng đặc vụ đường không Ôxtrâylia (SAS) cũng theo vào để làm "tai mắt" cho lực lượng này ở bên ngoài vùng phụ cận Núi Đất, tiến hành những cuộc tuần tiễu sâu để thu thập thông tin về hoạt động của ta. Phi đội này được tổ chức thành những toán 5 người, gồm trinh sát, toán trưởng, toán phó, báo vụ viên và y tá. Phần lớn các thành viên những toán này vừa mới phục vụ trong rừng nhiệt đối Boócnêôvà có những kinh nghiệm được cho là vô giá. Được tung ra những vùng xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Phước Tuy, mỗi toán được chọn lựa sao cho thích hợp và được duy trì trong suốt thời hạn một năm. Các toán này thường được chuyên chở bằng trực thăng và thả xuống các vùng nghi có lực lượng ta. Họ được trang phục sao cho dễ hoà đồng vào môi trường xung quanh, trang bị mạnh để có thể tiến hành những cuộc phục kích, hoặc nếu bị phục kích thì có thể tự vệ. Chúng thường được sử dụng cơ động trên những địa hình khó khăn để tránh chạm trán bất ngờ với lực lượng ta; chúng luôn giữ đúng nguyên tắc hoạt động, di chuyển và quan sát ban ngày, ẩn nấp ban đêm; được đánh giá cao về khả năng sẵn sàng chiến đấu và đạt hiệu suất chiến đấu cao.

        Được mệnh danh là chuyên gia số 1 về chiến tranh du kích ở rừng rậm, đầm lầy với những kinh nghiệm trong 12 năm giúp người Anh qua cuộc chiến tranh chống nổi dậy ở Malaixia, lực lượng cố vấn quân sự Ôxtrâylia gồm 100 người giúp quân đội Sài Gòn đã lập trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, chuyên huấn luyện chiến tranh chống du kích, tác chiến trong rừng rậm cho quân đội Sài Gòn và quân ngụy Campuchia.

        Sau khi triển khai căn cứ ở Núi Đất, Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia kết hợp với quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn bắt đầu mở các cuộc hành quân càn quét sâu vào các vùng căn cứ, vùng giải phóng, ném bom bắn phá thường xuyên nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, hỗ trợ cho quân đội Sài Gòn tiến hành "bình định" toàn bộ các vùng nông thôn tỉnh Phước Tuy.

        Ngày 15 tháng 6 năm 1966, một đại đội quân Ôxtrâylia càn quét ở phía đông lộ 2, theo hướng từ căn cứ Lồ Ô ra Mả Mẹ - Mả Con2 đột kích vào căn cứ của Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh thì bất ngờ gặp và tao ngộ chiến với đội trinh sát. Đại đội 1 Tiểu đoàn 445 bố trí phòng phủ ở ven suối, cách Mả Mẹ - Mả Con một trảng ruộng, nghe tiếng súng nổ, bộ đội lập tức vận động theo bìa rừng ra tiếp ứng, chặn tốp đi đầu, tiêu diệt một số tên địch. Đại đội 2 và Đại đội 3 vận động đánh thọc sườn, diệt thêm một số nữa. Nhưng, ngay sau đó, quân Ôxtrâylia gọi pháo bắn phân tuyến cấp tập vào đội hình Tiểu đoàn 445, gây thương vong lớn, ta phải rút về căn cứ để bảo toàn lực lượng. Đây là trận đầu tiên ta đánh quân Ôxtrâylia kể từ khi chúng triển khai trên địa bàn Bà Rịa - Long Khánh.

        Tiếp đó, ngày 30 tháng 6 năm 1966, một đơn vị quân Ôxtrâylia tổ chức càn vào vùng giải phóng phía tây lộ 2, bị lực lượng vũ trang huyện Long Đất đón đánh ở khu vực Đồng Nghệ, diệt hàng chục tên, thu nhiều vũ khí. Cùng lúc, ở bên trong, quân Ôxtrâylia kết hợp với quân đội Sài Gòn ở khu Long Lễ rình rập, phục kích, xăm hầm bí mật để tìm bắt cán bộ, khủng bố những người chúng nghi là cơ sở cách mạng.

        Trước tình hình đó, Quân ủy Miền cùng với Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh chủ trương dùng lực lượng chủ lực Miền phối hợp với lực lượng địa phương tỉnh (Tiểu đoàn 445) kiên quyết đánh phủ đầu quân đồng minh của Mỹ khi chúng vừa triển khai quân ở địa bàn tỉnh Phước Tuy.

-----------------
         1. Bộ tư lệnh quân Ôxtrâylia đóng tại số 12 đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn, do tướng Phradơ làm tư lệnh.

         2. Một địa danh của xã Long Tân, phía Tây Nam căn cứ Lồ Ô, Dẫn theo "Lịch sử Tiểu đoàn 445 (1965-2004)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 89.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:03:20 am »


        Đêm 17 tháng 8 năm 1966, quân ta tổ chức phục kích tại khu vực Vườn Xoài (xã Long Tân). Lực lượng tham gia trận đánh gồm có Tiểu đoàn 445 địa phương quân tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 4 Sư đoàn 5 chủ lực Miền, 1 đại đội dân công nữ gồm 80 người tham gia phục vụ trận đánh. Đội hình phục kích được bố trí trên một tuyến dài 3km. Rạng sáng ngày 18 tháng 8, Đại đội 4 Tiểu đoàn 445 được lệnh đưa 2 khẩu cối 82mm và một khẩu ĐKZ75 pháo kích vào căn cứ quân Ôxtrâylia ở núi Đất. Bị bất ngờ hoàn toàn nên ngay từ những loạt đạn đầu tiên của ta, quân Ôxtrâylia đã bị ta diệt 1, làm bị thương 23 lính thuộc Tiểu đoàn 6. Trúng kế "điệu hổ ly sơn" của ta, 10 giờ 15 phút ngày 18 tháng 8, Đại đội Đenta (Delta) thuộc Tiểu đoàn 6 Lực lượng đặc nhiệm số 1 Ôxtrâylia do Thiếu tá Henri Xmit chỉ huy, gồm 108 binh sĩ chia thành 3 trung đội (10, 11 và 12) cùng với 1 chi đoàn xe bọc thép chia làm ba mũi tiến vào trận địa phục kích của ta. Trời mưa tầm tã nhưng quân ta vẫn kiên trì chờ đợi và giữ bí mật cho đến phút chót. Khi Đại đội Đenta cách trận địa tiền duyên 50 mét, bộ đội được lệnh nổ súng. Chiếc xe tăng đi đầu bị trúng đạn ĐKZ bốc cháy. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt, cự ly giữa lực lượng vũ trang ta và quân Ôxtrâylia mỗi lúc một gần. Hai bên trụ lại thành từng cụm. Sau ít phút, lực lượng vũ trang ta đánh dạt được quân Ôxtrâylia vào khu vực quyết chiến. Quân Ôxtrâylia bị sa vào bãi mìn, trong lúc đó mũi khóa đuôi bắt đầu đánh thốc lên, dồn quân Ôxtrâylia vào một chỗ. Khi quân Ôxtrâylia gần hết đạn dược, trực thăng địch bất chấp mưa gió tìm mọi cách tiếp tế thêm. Đội hình của Đại đội Đenta rối loạn, nhưng nhờ có hỏa lực của 1 đại đội xe tăng bắn khống chế nên các đơn vị Ôxtrâylia bắt đầu rút lui dần. Sau đó, quân Ôxtrâylia tổ chức lại từng cụm, cùng lúc các đơn vị pháo binh Ôxtrâylia và Mỹ đã xác định được mục tiêu, dùng pháo màu bắn chỉ điểm để gọi pháo bắn phân tuyến và vội vã rút chạy.

        Sau 4 giờ chiến đấu, lực lượng vũ trang ta được lệnh rút lui. Đại đội dân công tích cực hoạt động giúp đỡ bộ đội chuyển số thương binh về căn cứ an toàn. Trong trận đánh này, lực lượng vũ trang ta đánh thiệt hại nặng Đại đội Đenta Tiểu đoàn 6 quân đội Hoàng gia Ôxtrâylia, diệt 18 và làm bị thương 12 người1. Tổng số hy sinh và bị thương của ta trong trận này là hơn 100 người (Tiểu đoàn 445 và Sư đoàn 5)2. Đây là trận đọ sức lớn nhất giữa lực lượng vũ trang Bà Rịa - Long Khánh với quân đồng minh Mỹ trong suốt thời gian chúng tham chiến ở Nam Việt Nam. Kết cục của quân Ôxtrâylia trong trận Long Tân - Núi Đất được J. Pimlott, cựu binh Ôxtrâylia đã tham chiến tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, miêu tả là những "nấm mồ hình vòng cung, mồ chôn Lực lượng đặc nhiệm Ôxtrâylia tham chiến ở Việt Nam với hình ảnh: 17 lính đặc nhiệm của Trung đội 1 Đại đội Đenta do Trung úy G. Sáp chỉ huy đã tử trận ngay từ loạt chạm súng đầu tiên, nằm thành một hình vòng cung như trong một cuộc diễn tập, trên một địa hình rộng bằng ba sân bóng đá, đã bị bom và pháo tàn phá suốt một ngày đêm, hoang tàn và im lặng..."3.

        Bị đánh đau trong trận Long Tân, quân Ôxtrâylia liên tiếp mở thêm nhiều trận càn với quy mô lớn vào các vùng căn cứ kháng chiến ở khắp ba huyện Châu Đức, Long Đất và Xuyên Mộc.

        Tại địa bàn huyện Châu Đức, quân Ôxtrâylia phối hợp với quân đội Sài Gòn tiến công vào các xã Long Phước. Hàng chục xe tăng, máy bay và dàn pháo Niu Dilân liên tục nhả đạn, cày xới, biến Long Phước thành "vùng trắng" hoang tàn. Trước lực lượng địch áp đảo, bộ đội và du kích cùng đồng bào phải tạm lánh về Hòa Long, Long Điền, Bà Rịa

        Tiếp đó, với sự yểm trợ của hỏa lực pháo Mỹ và Niu Dilân, quân Ôxtrâylia mở trận càn vào Bàu Lâm, Xuyên Mộc nhằm xóa địa bàn đứng chân của các cơ quan kháng chiến tỉnh, huyện tại đây. Được pháo 105mm ở căn cứ Núi Đất bắn yểm trợ, quân Ôxtrâylia chia làm hai cánh theo hai hướng tiến vào. Một cánh quân theo lộ 328 đến Bàu Lâm, một cánh khác theo liên tỉnh lộ 23 lên Xuyên Mộc. Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện Xuyên Mộc quyết tâm bẻ gãy trận càn, bảo vệ địa bàn đứng chân của các cơ quan đầu não của cách mạng ở căn cứ Bàu Lâm và Xuyên Mộc.

-----------------
         1. Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 281.

         2. Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lịch sử Tiểu đoàn 445 (1965-2004), Sđd, tr. 90.

         3. Pimlott J., Việt Nam - những trận đánh quyết định, Sđd, tr. 58.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:04:20 am »


        Bộ đội huyện cùng du kích xã chia ra từng tổ nhỏ để tập kích quân Ôxtrâylia trên liên tỉnh lộ 23 và lộ 238, đồng thời cử một tổ trinh sát điều tra nghiên cứu, chuẩn bị phương án diệt trận địa pháo của quân Mỹ và Niu Dilân ở Núi Đất. Tổ trinh sát tìm cách tiếp cận mục tiêu, dùng mìn ĐH10 và bom bi gài, diệt nhiều quân Mỹ, làm hỏng hai khẩu pháo 105mm, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng huyện chống càn thắng lợi.

        Trên liên tỉnh lộ 23, quân Ôxtrâylia có xe tăng yểm trợ tiến quân. Khi xe tăng đến gần, mìn nổ, nhưng do xe tăng đi chệch hướng mìn gài sẵn nên không trúng. Quân Ôxtrâylia bắn trả quyết liệt. Lực lượng vũ trang ta bị tổn thất nặng, nhiều người hy sinh và bị thương.

        Tại hướng đi Bàu Lâm, một cánh quân Ôxtrâylia bị lực lượng vũ trang huyện đánh mìn ở dốc cầu suối Kia, diệt 9 tên. Trên đoạn đường gần Sở cao su Lê Phú, quân Ôxtrâylia lọt vào trận địa mìn, bị cháy một xe tăng, nhiều lính Ôxtrâylia chết và bị thương.

        Bị đánh bất ngờ ở nhiều nơi, cuộc càn của địch thất bại. Sáng ngày hôm sau, các cánh quân Ôxtrâylia phải rút khỏi huyện Xuyên Mộc.

        Trong thời gian này, được quân Mỹ yểm trợ, quân Ôxtrâylia, Niu Dilân và quân đội Sài Gòn tiếp tục bung ra càn quét các địa bàn quan trọng của lực lượng cách mạng ở Bà Rịa như Hắt Dịch, Minh Đạm, đông tây tỉnh lộ 2, Bàu Lâm. Trọng tâm hoạt động của quân Ôxtrâylia, quân đội Sài Gòn ở Bà Rịa là nhằm yểm trợ cho công tác bình định, trọng điểm là địa bàn huyện Long Đất. Sau khi đánh chiếm vùng giải phóng, quân Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn thực hiện gom dân, lập "ấp tân sinh". Trong các ấp này, họ cho xây nhà, đào giếng, cất trường học, bệnh xá... hòng mua chuộc, lừa mị nhân dân.

        Đầu năm 1967, quân Ôxtrâylia quyết tâm bằng mọi cách "bình định" cho được vùng Long Đất, trọng điểm "bình định" của tỉnh Phước Tuy. Quân Ôxtrâylia đã tập trung lực lượng xây dựng tuyến hàng rào bùng nhùng chạy dài từ núi Da Quy đến bờ biển Phước Hải (dài 11km) nhằm cắt đứt đường giao thông liên lạc của tỉnh, huyện, cô lập căn cứ Minh Đạm, thực hiện cho được việc "bình định" vùng Long Đất.

        Tháng 4 năm 1967, Huyện ủy Long Đất họp và đề ra nhiệm vụ cấp bách của lực lượng vũ trang huyện là phải đánh bại âm mưu bình định của quân Mỹ, Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn.

        Được cơ sở mật cho biết hàng rào Ôxtrâylia chưa gài mìn, đêm 1 tháng 5 năm 1967, Huyện ủy đã tập trung toàn bộ lực lượng vũ trang và cán bộ huyện, xã mở đợt phá hàng rào. Chỉ trong một đêm, lực lượng của ta đã dùng đòn xeo ém dây kẽm gai bùng nhùng chất đống lại, sau đó dùng bộc phá nổ tung hàng rào. Chiến thuật "hàng rào" của quân đội Ôxtrâylia đã bị quân và dân Long Đất vô hiệu hóa.

        Ngay sau đó, quân Ôxtrâylia dùng xe cơ giới, trực thăng đến thả dây kẽm gai, dùng phương tiện hiện đại đóng cọc sắt để làm lại hàng rào. Rút kinh nghiệm lần trước, làm đến đâu, quân Ôxtrâylia gài mìn đến đó. Hàng rào được giữ bí mật tuyệt đối, kể cả quân đội Sài Gòn cũng không được biết. Hàng rào dài 11km, từ núi Da Quy đến Phước Hải, bề ngang hàng rào bình quân 50 mét, chỗ rộng 100 mét, hai bên là hai lớp kẽm bùng nhùng chồng nhiều tầng. Giữa hai lớp rào này là rào "chống xung phong" cao 0,5 mét, bên trên giăng kẽm gai thành những ô vuông nhỏ. Bên dưới gài khoảng 70 quả mìn, chủ yếu là mìn E3, dưới mìn có gài thêm một quả lựu đạn tự động M161. Phía ngoài hàng rào, quân Ôxtrâylia cho trực thăng bay quan sát thường xuyên. Chỉ cần phát hiện một thay đổi nhỏ trên địa hình là họ sẽ gọi pháo, máy bay đến bắn phá ngay lập tức.

        Đến tháng 7 năm 1967, hàng rào mìn được hoàn tất. Với chiến thuật "hàng rào mìn" cộng với kinh nghiệm chống du kích ở Malaixia, quân đội Ôxtrâylia sử dụng từng toán nhỏ luồn rừng đánh theo lối biệt kích, phục kích, chụp bắt cán bộ, du kích, ngăn chặn lực lượng kháng chiến vào bám trụ trong dân. Với những biện pháp được đánh giá là "hoàn hảo" này, quân Ôxtrâylia, Mỹ và quân đội Sài Gòn hy vọng chắc chắn sẽ bình định được xã ấp, gom được dân, tiêu diệt phong trào cách mạng.

        Trên thực tế, hàng rào mìn của Ôxtrâylia đã cắt đứt liên lạc giữa ba vùng trong huyện. Căn cứ Minh Đạm bị cô lập. Đường giao thông giữa huyện về tỉnh và ngược lại bị chia cắt. Khó khăn về giao thông liên lạc đã làm cho lực lượng cách mạng bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu lương thực. Cán bộ, chiến sĩ Long Đất phải ăn măng, đào củ, ăn rau rừng thay cơm.

-----------------
         1. Ta thường gọi là hàng rào M16-E3.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 05:04:47 am »


        Trước tình hình khó khăn trên, Huyện ủy Long Đất quyết định cử cán bộ bằng mọi giá phải vào bám trụ trong dân, xây dựng và củng cố cơ sở cách mạng, đồng thời phát động lực lượng vũ trang huyện nghiên cứu tìm biện pháp đánh bại chiến thuật "hàng rào mìn" của quân Ôxtrâylia.

        Sau một thời gian mày mò, tìm hiểu và không tránh khỏi những hy sinh cảm tử, cán bộ, chiến sĩ huyện Long Đất đã phát hiện được cách tháo gỡ loại mìn nguy hiểm gài trong hàng rào. Huyện đội Long Đất mở lớp tập huấn cách gỡ mìn, lựu đạn cho bộ đội công binh, trinh sát, cán bộ các ban ngành toàn huyện. Trong tháng 9 năm 1967, nhiều tổ được cử đi gỡ mìn, lựu đạn. Có tổ trong một đêm gỡ được trên 200 quả mìn E3. Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo mở tiếp các lớp huấn luyện cho cán bộ, du kích các xã và phát động phong trào thi đua gỡ mìn, lưu đạn phá hàng rào.

        Cuối năm 1967, Đảng bộ, quân và dân huyện Long Đất đã vô hiệu hóa hàng rào mìn M16-E3 của quân Ôxtrâylia, nối thông tuyến hành lang từ tỉnh về huyện, xã và ngược lại. Kế hoạch của quân Ôxtrâylia nhằm cô lập căn cứ Minh Đạm với các vùng căn cứ của tỉnh bị phá vỡ. Việc phá được hàng rào mìn của quân và dân huyện Long Đất đã góp phần tích cực vào việc đánh bại âm mưu "bình định" vùng trọng điểm Long Đất của quân đội Mỹ, Ôxtrâylia và quân đội Sài Gòn.

        Không cam chịu thất bại, liên quân Mỹ, Ôxtrâylia, Niu Dilân liên tiếp mở các trận càn lớn vào vùng căn cứ tỉnh ở khu Đông tỉnh lộ 2 (tháng 7 năm 1967), căn cứ Ba Mẫu (tháng 9 năm 1967), căn cứ ở Xuyên Mộc và Phước Bửu (tháng 10 năm 1967), căn cứ Hắt Dịch, Châu Pha (tháng 11 năm 1967),... Những trận càn trên đã gây thiệt hại nặng cho lực lượng cách mạng.

        Cuối năm 1967, đầu năm 1968, chính quyền Ôxtrâylia bắt đầu triển khai lực lượng bổ sung sang Nam Việt Nam với quân số 1.978 người (theo kế hoạch chỉ có 1.700 quân) gồm Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ôxtrâylia, phi đội trực thăng, đại đội xe tăng và các bộ phận hậu cần..., đưa tổng quân số Ôxtrâylia tại Nam Việt Nam lên 7.661 người.

        Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu năm 1968 của quân và dân ta trên toàn miền Nam, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari và xuống thang chiến tranh từng bước. Giữa năm 1969, Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch rút quân, nhưng chiến trường Bà Rịa - Long Khánh lúc này lại là "chân thang", là trọng điểm "bình định" càn quét của nhiều đơn vị Mỹ, Ôxtrâylia, Niu Dilân trước khi chúng xuống tàu về nước. Từ tháng 6 năm 1969, Mỹ tổ chức bố trí, sắp xếp lại lực lượng và tiến hành phản công trên khắp địa bàn. Quân chủ lực Mỹ, quân đội Sài Gòn, Ôxtrâylia và Niu Dilân tổ chức các trận càn quét đánh phá vòng ngoài (các khu căn cứ kháng chiến); lực lượng bảo an, dân vệ lùng sục khu "trung tuyến" (vùng giáp ranh); lực lượng cảnh sát, tề điệp, "phượng hoàng" bình định, đánh phá vòng trong (thôn ấp).

        Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn phối hợp với quân Mỹ và quân Ôxtrâylia hoạt động trên ba địa bàn chính: Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc và tỉnh lộ 2 nối dài về Bà Rịa với các chiến thuật chủ yếu: biệt kích, phục kích nhỏ kết hợp tập kích lớn bằng hỏa lực. Các phi đội trực thăng đóng vai trò quan trọng trong việc bốc, đổ quân, cơ động nhanh các lực lượng. Bộ binh Mỹ và Ôxtrâylia chia thành từng tốp lùng sục khắp nơi, đồng thời sử dụng "cây nhiệt đới" (máy thu phát tiếng động) rải ở trong rừng để chỉ điểm cho phi pháo, kể cả máy bay B52 đến hủy diệt. Hầu hết các đường mòn trong rừng đều bị gài mìn và phục kích.

        Quân Ôxtrâylia cũng rất xảo quyệt trong chiến thuật phục kích. Vào các buổi chiều khi đi phục kích, cứ một tên cõng một tên khác trên lưng, trùm kín áo mưa (trông như đeo ba lô). Họ cố tình diễu qua các nhà dân ven rừng để nhân dân nhìn thấy "6 người vừa đi đã về đầy đủ". Nhưng, những chiếc ba lô "quỷ quái" ấy đã nằm lại phục kích ngoài bìa ấp. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 445 và bộ đội địa phương vùng Châu Đức - Long Đất - Xuyên Mộc bị thương vong và bị bắt vì thủ đoạn nham hiểm này.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM