Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:16:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường Việt Nam  (Đọc 26021 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:30:39 am »


        Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Khu 5 còn là chiến trường tiếp giáp với hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là vùng tự do rộng lớn, bao gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và nửa phía nam Quảng Nam, nơi có phong trào cách mạng, phong trào du kích phát triển mạnh mẽ, đồng thời đó còn là tiền tuyến của địch, vì vậy Mỹ - Diệm tập trung mọi tiềm lực và thủ đoạn nhằm biến cả vùng này thành "vùng chết". Do vị trí chiến lược của Khu 5, từ cuối năm 1965, hòng cứu vãn sự thất bại của chiến lược Chiến tranh đặc biệt, kiềm chế sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam và giành lại thế chủ động trên chiến trường, đế quốc Mỹ đã xác định Khu 5 là một trong hai trọng điểm đánh phá trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của chúng. Nhằm tránh nguy cơ bị ta làm chủ vùng đắc địa Khu 5, địch chủ trương mở các cuộc hành quân lớn nhằm tiêu diệt chủ lực ta, đánh chiếm và "bình định" vùng đồng bằng ven biển ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, mà trọng điểm là Bình Định.

        Thực hiện các mục tiêu trên, địch tập trung phần lớn các đơn vị chủ lực Mỹ - quân đội Sài Gòn và đồng minh thành một khối cơ động lớn. Trong vòng chưa đầy 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1965), Mỹ đưa thêm vào Khu 5 ba sư đoàn và 1 trung đoàn quân Mỹ, 1 sư đoàn và 1 lữ đoàn quân Nam Triều Tiên, đưa tổng số quân Mỹ và đồng minh trên chiến trường này lên tới 129.000 quân, chiếm gần 70% tổng số quân Mỹ và đồng minh trên toàn chiến trường Nam Việt Nam. Nếu tính bình quân trên đầu người thì Khu 5 là nơi có tỷ lệ quân Mỹ và đồng minh cao nhất trên toàn miền Nam.

        Do được đánh giá là lực lượng thiện chiến và có kinh nghiệm trong chiến tranh du kích, nên ngay từ khi sang Việt Nam, toàn bộ các đơn vị chiến đấu quân đội Nam Triều Tiên như Sư đoàn "Mãnh hổ", Sư đoàn "Bạch mã" và Lữ đoàn lính thủy đánh bộ "Rồng xanh" đã được triển khai tại Khu 5 (chủ yếu tập trung tại Vùng II chiến thuật)1.

        Việc Mỹ quyết định tập trung toàn bộ lực lượng chiến đấu quân Nam Triều Tiên vào chiến trường Khu 5 không chỉ đơn thuần xuất phát từ lý do quân Nam Triều Tiên có kinh nghiệm trong chiến tranh du kích, hay nhằm tập trung lực lượng giành lại thế chủ động, tiến tới làm chủ địa bàn chiến lược Khu 5. Phía sau quyết định này là cả một ý đồ vừa có tính chiến thuật, vừa có tính chiến lược. Ngay sau khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam, đã có nhiều phương án được Bộ chỉ huy quân sự Mỹ MACV đưa ra. Ngày 9 tháng 5 năm 1965, Tư lệnh lực lượng quân Mỹ, tướng Oétmolen, đề xuất với Oasinhtơn cách thức sử dụng lực lượng chiến đấu trên bộ dưới sự yểm trợ của không quân nhằm đối phó với hoạt động của Quân giải phóng. Theo Oétmolen, kế hoạch này gồm 3 giai đoạn: Thứ nhất, tìm mọi cách để đảm bảo an toàn lực lượng trong các khu vực căn cứ; thứ hai, tổ chức những cuộc hành quân tuần tiễu có tính chất tiến công; thứ ba, tổ chức những cuộc hành quân "tìm diệt"2. Ba giai đoạn trên phải được tiến hành tuần tự, phụ thuộc vào khả năng "tiếp cận" chiến trường của quân Mỹ.

        Thế nhưng, diễn biến tình hình ở chiến trường miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đã không cho phép Mỹ thực hiện kế hoạch trên một cách bài bản. Trong bức điện gửi về Oasinhtơn ngày 3 tháng 6 năm 1965, Đại sứ Taylo thông báo: Thời gian không còn kịp nữa, khả năng sụp đổ của quân đội Sài Gòn đã rõ ràng. Tướng Pônnítdơ - Bộ trưởng Hải quân Mỹ, sau chuyến thị sát tình hình ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là tại Vùng II chiến thuật, đã nhận định rằng: tình hình ở Đà Nẵng có tính cách nguy ngập nhất... Việt cộng đã kiểm soát hầu hết vùng nông thôn, thậm chí tới cả hàng rào sân bay Chu Lai, tương tự như vậy Phú Bài hoàn toàn bị Việt cộng bao vây... 3.

        Trước tình thế ấy, Mỹ buộc phải chọn giải pháp đưa toàn bộ lực lượng quân Nam Triều Tiên vào Khu 5. Theo nhận định và phân tích của các quan chức quân sự cấp cao Mỹ tại Việt Nam lúc bấy giờ, chỉ bằng cách ấy, Mỹ mới có thể "chạy đua" được với thời gian và có thể bỏ qua được giai đoạn 1 và 2, bắt tay ngay vào giai đoạn 3, một giai đoạn mà ngay cả quân Mỹ cũng chỉ mới coi là "thử nghiệm trong khuôn khổ của chiến tranh diện địa"4, một giai đoạn mà ở đó, binh lính Mỹ hoàn toàn chưa có kinh nghiệm tác chiến ở một khu vực chiến trường như Khu 5. Vì vậy, giải pháp bố trí lực lượng chiến đấu Nam Triều Tiên trên đây sẽ là một bảo đảm cho quân Mỹ không phải chịu những tổn thất và mất mát quá lớn trước những đòn tiến công của đối phương.

-----------------
         1. Gồm các tỉnh: Kon Tum, Plâycu, Phú Bổn, Bình Định, Phú Yên, Đắc Lắc, khánh Hòa, Quảng Đức, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bình Thuận.

         2, 3. Maicơn Mắclia, Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 100, 101.

         4. Bộ Tư lệnh Quân khu V - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Vành đai diệt Mỹ trên chiến trường Khu 5 - một sáng tạo chiến lược của chiến tranh nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 587.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:31:41 am »


        Ngay sau khi được triển khai tại Khu 5, các đơn vị quân Nam Triều Tiên đã tiến hành hàng loạt các cuộc hành quân "tìm diệt". Cuộc hành quân lớn đầu tiên của lực lượng này trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất diễn ra vào sáng ngày 19 tháng 1 năm 1966. Lữ đoàn Rồng xanh phối hợp với Trung đoàn 47, Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn, Lữ đoàn dù 101 Mỹ mở cuộc hành quân Van Bơren (Van Buren) đánh phá các xã phía bắc sông Đà Rằng và vùng ven biển huyện Tuy Hoà nhằm tiêu diệt Trung đoàn 10 Quân giải phóng, triệt phá vùng giải phóng nam Phú Yên.

        Trước khi mở cuộc hành quân, từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 1 năm 1966, cùng với các đơn vị quân Mỹ, quân đội Sài Gòn, 2 tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên đã tập trung đánh phá các xã phía bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hoà và các xã miền đông Tuy Hoà 1, chủ yếu là 2 xã Hoà Xuân và Hoà Hiệp. Đây là những cuộc càn có tính chất chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị bàn đạp.

        Sau khi triển khai xong lực lượng, sáng 19 tháng 1, quân địch cùng một lúc ồ ạt mở các cuộc tiến công. Lữ đoàn lính thủy đánh bộ "Rồng xanh" từ căn cứ Đông Tác và các bàn đạp ở Hảo Sơn, núi Hiềm hình thành nhiều mũi tiến công vào các xã Hoà Tân, Hoà Vinh, Hoà Đồng, Hoà Thịnh. Tại đây, lính Nam Triều Tiên lùng sục vào thôn xóm, đốt phá nhà cửa, tàn sát nhân dân, 90% nhà cửa và hơn 50% tổng số trâu bò, hơn 1 vạn hécta lúa và hoa màu ở vùng giải phóng Tuy Hoà 1, xã Hoà Thịnh, Hoà Mỹ, Hoà Phong và một phần của các xã Hoà Bình, Hoà Tân bị tàn phá nặng nề. Chỉ trong một buổi sáng, quân Nam Triều Tiên đã bắn chết 300 đồng bào ở Đa Ngư, Phú Lạc (Hoà Hiệp). Ngày 9 tháng 2 năm 1966, chúng bắn chết 300 người ở xã Hoà Mỹ. Ngày 19 tháng 2, chúng giết 117 đồng bào ở xã Hoà Phong. Trong hai tháng 1 và 2 năm 1966, Lữ đoàn "Rồng xanh" đã thảm sát 1.583 đồng bào ở huyện Tuy Hoà1.

        Trước hành động man rợ của địch, một số đồng bào buộc phải chạy lên núi, số đông còn lại bị đưa vào vùng địch kiểm soát. Nhưng du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực kiên cường bám trụ, kiên quyết chặn đánh các cuộc lùng sục của địch. Đêm 20 tháng 1, các lực lượng vũ trang Thạnh Phú (Hoà Mỹ) tập kích diệt gọn một đại đội lính thuộc Lữ đoàn "Rồng xanh". Ngày 26 tháng 1, du kích thôn Phú Phong (Hoà Đồng) chặn đánh bẻ gãy năm đợt tiến công của một tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên. Trong tháng 2, địch tiếp tục đánh vào Hoà Thịnh, quân và dân Phú Yên đã kiên cường chiến đấu, diệt 230 lính Mỹ và 60 lính Nam Triều Tiên trong các trận đánh ở Mỹ Cảnh, Bến Đá, Suối Phẫu,...

        Suốt 3 tháng, quân và dân Phú Yên đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, kết hợp đánh nhỏ và đánh vừa, bẻ gãy các cuộc tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên, bằng một phần ba lực lượng địch tham gia càn quét. Cuối tháng 4 năm 1966, địch buộc phải chấm dứt cuộc hành quân. Vùng giải phóng ở Phú Yên căn bản được giữ vững.

        Cũng trong những tháng đầu năm 1966, nhằm tiêu diệt lực lượng Sư đoàn 3 Quân giải phóng đang đứng chân ở Bình Định, làm chủ đường chiến lược 19 - con đường huyết mạch từ Quy Nhơn đi Tây Nguyên, địch huy động 20.000 quân, gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có các tiểu đoàn thuộc Sư đoàn "Mãnh hổ", liên tiếp mở 3 cuộc hành quân: "Kẻ nghiền nát" (Masher) từ ngày 28 tháng 1 đến ngày 5 tháng 2 năm 1966; "Cánh trắng I" (White Wing I) từ ngày 7 tháng 2 đến ngày 14 tháng 2 năm 1966; "Cánh trắng II" (White Wing II) từ ngày 14 tháng 2 đến ngày 6 tháng 3 năm 1966.

        Ngày 28 tháng 1 năm 1966, khoảng 2 vạn quân Mỹ, quân Sài Gòn và Nam Triều Tiên, do tướng Kina - Sư đoàn trưởng Sư đoàn kỵ binh không vận, trực tiếp chỉ huy, bắt đầu đánh ra khu vực Bồng Sơn (bắc Bình Định) mà trọng điểm là khu vực Chợ Cát. Đồng thời, một tiểu đoàn dù quân đội Sài Gòn chiếm đèo Bình Đê, Chương Hoà, lập tuyến ngăn chặn đảm bảo an toàn cho đội hình tiến công ở phía Bắc.

        Tại khu vực Chợ Cát, khi toán quân đầu tiên của địch vừa đổ xuống đã bị Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 22 và du kích xã Hoài Hảo bao vây tiêu diệt. Mỹ tiếp tục cho trực thăng đổ quân đánh vào sau lưng đội hình của ta. Nhưng với kinh nghiệm rút ra qua các trận trước đây, Tiểu đoàn 9 đã bố trí đội hình theo hình tam giác; mỗi điểm lại bố trí hỏa lực thành nhiều tầng nên khi máy bay địch vừa hạ cánh đã vấp phải lưới lửa phòng không của các đại đội 91 và 94. Trận chiến diễn ra quyết liệt giữa các lực lượng vũ trang ta và quân Mỹ trên bãi cát gần thôn Cự Tài, ta tiêu diệt và làm bị thương gần một nửa tiểu đoàn Mỹ.

-----------------
         1. Bộ Tư lệnh Quân khu V, Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng, Tập 2, Đà Nẵng, 1989, tr. 246.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:32:09 am »


        Ở khu vực Gia Hựu, Chương Hoà, những trận đánh quyết liệt của tiểu đoàn 7 và du kích với quân địch diễn ra suốt buổi sáng ngày 28 tháng 1. Sau khi dùng trực thăng và xe bọc thép không đột phá được trận địa ta, một tiểu đoàn Mỹ và 2 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn đã bắt nhân dân ta đi trước làm bia đỡ đạn cho chúng. Mặc dù vậy, trong ngày thứ nhất của cuộc chiến đấu, quân và dân Bình Định đã diệt hơn 500 tên địch, bắn rơi và bắn hỏng 20 máy bay lên thẳng. Trong các ngày 29, 30, 31 tháng 1, Sư đoàn kỵ binh không vận Mỹ tiếp tục đổ quân xuống vùng Chợ Cát, Cự Tài, Hội Phú, Gia Hựu, Tường Sơn,... Ý định của chúng là tập trung lực lượng đánh chiếm khu vực Chợ Cát làm bàn đạp, rồi chiếm Tam Quan, phối hợp với quân ngụy ở Bình Đê, Chương Hoà hình thành thế bao vây chia cắt, tiến công, tiêu diệt Sư đoàn 3 của ta ở Hoài Nhơn. Nhưng chúng đã bị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích các địa phương liên tục ngày đêm bám đánh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực.

        Qua bốn ngày chiến đấu quyết liệt, ta diệt trên 1.000 tên địch, bắn rơi 50 máy bay các loại. Riêng quân Nam Triều Tiên đã bị ta đánh thiệt hại nặng ở đèo Nhông và quận lỵ Phù Mỹ. Thất bại trong cuộc hành quân "Kẻ nghiền nát", ngày 7 tháng 2 năm 1966, tiếp đó là ngày 14 tháng 2 năm 1966, địch mở tiếp 2 cuộc hành quân quy mô lớn là "Cánh trắng I" đánh vào thung lũng An Lão và "Cánh trắng II" đánh vào thung lũng Kim Sơn huyện Hoài Ân. Cả 2 cuộc hành quân của địch đều bị các lực lượng vũ trang Bình Định đánh bại.

        40 ngày đêm chiến đấu quyết liệt của quân và dân bắc Bình Định đã bẻ gãy các cuộc hành quân của địch. Quân địch không những không thể "tìm diệt" được chủ lực ta, mà ngược lại đã bị ta tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực. Lực lượng tinh nhuệ của Mỹ là Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 lần đầu tiên ra quân ở đồng bằng Khu 5 bị thất bại. Chiến thắng của quân và dân bắc Bình Định đã đánh bại một mũi tiến công chủ yếu trong kế hoạch phản công mùa khô lần thứ nhất của địch trên chiến trường Nam Việt Nam, góp phần buộc Mỹ - quân đội Sài Gòn phải chấm dứt cuộc phản công chiến lược trước 2 tháng so với kế hoạch dự tính ban đầu.

        Thất bại trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, mùa Hè năm 1966, địch tiếp tục tăng quân, tăng binh khí kỹ thuật, ráo riết chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966-1967). Ý đồ của Mỹ trong cuộc phản công chiến lược lần này là cố giành một thắng lợi quân sự trên chiến trường, tạo một bước ngoặt, tiến tới giành thắng lợi quyết định trên chiến trường Nam Việt Nam, dự tính vào giữa (hoặc cuối) năm 1967.

        Để thực hiện ý đồ trên, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1966, Mỹ đã đưa thêm vào chiến trường miền Nam Việt Nam 2 sư đoàn bộ binh số 4 và số 9; 3 lữ đoàn 196, 198, 199; Trung đoàn 25 Sư đoàn lính thủy đánh bộ 5, Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 11; Sư đoàn "Bạch mã" Nam Triều Tiên và hơn 2.000 lính Philíppin. Đến cuối tháng 12 năm 1966, quân Mỹ và quân đồng minh ở miền Nam Việt Nam đã lên tới 40 vạn, tăng gấp đôi so với tháng 12 năm 1965. Toàn bộ lực lượng địch tham gia cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 lên tới gần 1 triệu quân, 3.500 máy bay, 2.300 xe tăng và xe bọc thép, 1.600 đại bác1.

        Từ bài học thất bại trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, lần này địch nâng gọng kìm "Bình định" lên ngang gọng kìm "Tìm diệt". Trên chiến trường Khu 5, đến đầu tháng 8 năm 1966, cục diện giữa ta và địch ở trong một hình thái cài răng lược hết sức phức tạp.

        Tháng 8 năm 1966, Sư đoàn bộ binh số 4 Mỹ vào Tây Nguyên; tháng 10 năm 1966, Sư đoàn "Bạch mã" Nam Triều Tiên vào Khánh Hoà và Ninh Thuận. Tiếp theo, Trung đoàn 25 Sư đoàn 5 lính thủy đánh bộ Mỹ vào Quảng Nam thay vị trí của Sư đoàn lính thủy đánh bộ 3 được điều ra khu vực đường 9. Đến cuối năm 1966, tổng số quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và đồng minh tại Khu 5 lên tới 354.000, trong đó, quân Mỹ là 160.000 (chiếm hơn 40% tổng số quân Mỹ có mặt tại Việt Nam); quân Nam Triều Tiên 43.000 (chiếm hơn 95% tổng số quân Nam Triều Tiên).

-----------------
        1. Bộ Tư lệnh Quân khu V, Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng, Tập 2, Sđd, tr. 286.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:32:42 am »


        Riêng với quân đội Nam Triều Tiên, tháng 8 năm 1966, địch điều thêm Lữ đoàn "Rồng xanh" từ Phú Yên ra thay thế cho các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ ở khu vực Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Tại đây, lực lượng "Rồng xanh" liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, tiến hành những cuộc thảm sát đẫm máu. Có không ít gia đình bị chúng dồn vào trong nhà rồi đóng cửa thiêu cháy. Binh lính Nam Triều Tiên còn dồn một lúc hàng chục người xuống hầm rồi dùng bình phun hơi độc, tàn sát hết sức dã man. Chúng còn hãm hiếp phụ nữ rồi mổ bụng moi gan. ở xã Bình Hoà (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi), chỉ trong buổi sáng ngày 6 tháng 10 năm 1966, lính Nam Triều Tiên đã tàn sát hơn 400 người (riêng thôn An Phước bị giết 295 người), trong đó có tới 22 phụ nữ đang mang thai, 22 trẻ em từ 7 ngày đến một tuổi.

        Căm thù trước những tội ác dã man của lính Nam Triều Tiên, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã kêu gọi lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong tỉnh đứng lên trừng trị bọn lính ác ôn Nam Triều Tiên.

        Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, ngày 11 tháng 11 năm 1966, Tiểu đoàn 40 Trung đoàn 1 tiến công tiêu diệt một đại đội lính Nam Triều Tiên ở Trung Linh (Bình Sơn). Ngày 19 tháng 11 năm 1966, Tiểu đoàn 60 Trung đoàn 1 diệt một đại đội khác ở đồi Mã Tổ (Sơn Tịnh). Ngày 10 và ngày 23 tháng 1 năm 1967, quân Nam Triều Tiên bị đánh thiệt hại nặng ở An Điềm và Bình Lãnh. Trong các ngày 19 tháng 1 và 1 tháng 2 năm 1967, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Quãng Ngãi đập tan hai cuộc càn quét của lính Nam Triều Tiên, diệt gọn 2 đại đội, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội khác ở Bình Phước và Tịnh Hoà. Chiến tranh nhân dân phát triển rộng khắp, nhân dân cùng du kích các xã thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh đã làm nhiều hầm chông, mìn bố trí tại các vị trí địch có thể càn vào. Hàng trăm lính Nam Triều Tiên đã phải đền tội do chông mìn của nhân dân và du kích.

        Hoảng hốt trước những đòn đánh trả của ta, giữa tháng 2 năm 1967, Lữ đoàn "Rồng xanh" buộc phải co về cố thủ trong các vị trí được bố phòng kiên cố. Ngày 15 tháng 2, Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 Quân giải phóng tiến công cụm quân Nam Triều Tiên cố thủ trên đồi Quang Thạnh (xã Kim Sơn huyện Sơn Tịnh). Trận đánh diễn ra quyết liệt do địch đóng trên đồi cao và tổ chức trận địa phòng ngự kiên cố, có chiều sâu. Sau 3 ngày chiến đấu, cứ điểm Quang Thanh bị tiêu diệt, hơn 400 lính Nam Triều Tiên đã bị tiêu diệt, số lính còn lại ở các cứ điểm Khánh Mỹ, Hòn Ngang, Hòn Dọc phải tháo chạy.

        Thất bại liên tiếp trong các trận càn quét "bình định" quy mô nhỏ ở tỉnh Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 3 năm 1967, Sư đoàn "Mãnh hổ" mở cuộc hành quân càn quét quy mô lớn mang tên "Đống Đa" vào địa bàn ba huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu (tỉnh Phú Yên). Tại huyện Tuy An, quân Nam Triều Tiên đã tàn sát 532 người, đốt hàng trăm ngôi nhà, nhiều thôn xóm ở đây trở thành vùng trắng... Chỉ trong thời gian ngắn, địch đã dồn 60 nghìn dân thuộc ba huyện trên vào các "ấp tân sinh", "ấp đời mới"... được xây dựng xung quanh các căn cứ, các trung tâm quận lỵ của địch... Tại đây, nhân dân phải sống trong cảnh thiếu thốn mọi mặt, bị o ép về tinh thần, bệnh tật phát sinh nhiều, hàng trăm người đã bị cướp đi sinh mạng.

        Để chặn đứng bàn tay tội ác của địch, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Phú Yên đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang ba thứ quân chủ động bám đánh địch, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, đánh để giải toả tâm lý ngại tác chiến với quân Nam Triều Tiên và làm hậu thuẫn cho nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kìm. Mở đầu cho phong trào "đánh quân Nam Triều Tiên", đêm 16 tháng 5 năm 1967, Đại đội đặc công 202 của tỉnh Phú Yên bất ngờ tập kích cứ điểm quân Nam Triều Tiên trên đồi Ông Trợ thuộc An Định huyện Tuy An. Sau khoảng nửa giờ chiến đấu, Đại đội 202 đã làm chủ trận địa, diệt và làm bị thương 150 tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Trận thắng này không chỉ là đòn đau đánh vào uy danh của quân Nam Triều Tiên, tạo sự tin tưởng cho các tầng lớp nhân dân Phú Yên, trực tiếp là nhân dân ba huyện Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, mà còn mở ra đợt hoạt động mới "đánh quân Nam Triều Tiên", phát triển rộng khắp trên các địa phương, góp phần làm thất bại kế hoạch "bình định" của quân Mỹ - ngụy Sài Gòn trong mùa khô lần thứ hai ở tỉnh Phú Yên và các tỉnh miền Nam Việt Nam.

        Sau gần 2 năm có mặt tại Việt Nam, các đơn vị lính Nam Triều Tiên đã tiến hành hơn 200 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên, mở hàng nghìn cuộc hành quân quy mô nhỏ vào các tỉnh Khu 5. Chỉ tính từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 7 năm 1967, Sư đoàn "Mãnh hổ" đã mở 3 cuộc hành quân lớn là "Mãnh hổ 6", "Mãnh hổ 8" và "Cầu vồng"; Lữ đoàn "Rồng xanh" mở 9 cuộc hành quân, trong đó phải kể đến các cuộc hành quân: "Tìm diệt", "Tung lưới", "Rồng thét", "Hải cẩu"...; Sư đoàn "Bạch mã" chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1966, đã liên tiếp mở 12 cuộc hành quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:33:25 am »


        Nhìn chung, các cuộc hành quân do quân Nam Triều Tiên tiến hành trong hai năm 1966 và 1967 thường phổ biến ở quy mô nhỏ và vừa. Lực lượng sử dụng thường từ 1 tiểu đoàn đến 1 trung đoàn, như cuộc hành quân "Rồng giận dữ" của Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn "Rồng xanh" từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 6 năm 1967 ở Quảng Ngãi, cuộc hành quân "Đầu ngựa" của Trung đoàn 28 Sư đoàn "Bạch mã" ngày 5 tháng 6 năm 1967 ở nam Tuy Hoà, cuộc hành quân "Đốcsưri" của Trung đoàn 26 Sư đoàn "Mãnh hổ" ngày 26 tháng 6 năm 1967 ở tây nam Quy Nhơn... Các cuộc hành quân càn quét của quân Nam Triều Tiên chủ yếu nhằm "bình định", dồn dân vào các trại tập trung, khôi phục và bảo vệ các tuyến giao thông và bảo vệ vòng ngoài các căn cứ quân sự của Mỹ.

        Điều đặc biệt là tính tàn bạo, dã man của binh lính Nam Triều Tiên gây ra cho nhân dân ở những địa bàn chúng đến. Trong 2 năm, quân Nam Triều Tiên đã giết hại và làm bị thương hơn 50.000 người ở các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Ngoài ra, các đơn vị thuộc Trung đoàn 30, Sư đoàn "Bạch mã" còn gây không ít khó khăn, tổn thất cho quân và dân Khu 6, đặc biệt là ở Ninh Thuận...

        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 của quân và dân miền Nam Việt Nam giành được thắng lợi hết sức to lớn, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Quân Mỹ - quân đội Sài Gòn và Nam Triều Tiên đều bị tổn thất nặng nề. Xu hướng xuống thang chiến tranh của Mỹ đã lộ rõ. Địch đã phải co về phòng ngự bị động ở chiến trường miền Nam Việt Nam, buộc phải ngừng ném bom và bắn phá miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Pari. Ý chí xâm lược của Lầu Năm Góc đã bị lung lay tận gốc.

        Trong và sau năm 1968, số lượng cũng như cường độ các cuộc hành quân càn quét do các đơn vị lính Nam Triều Tiên tiến hành đã giảm đi rõ rệt. Tâm lý lo lắng thất bại ngày càng phát triển trong binh lính. Tư tưởng hoà hoãn, trung lập không chỉ xuất hiện ở Lữ đoàn "Rồng xanh", một lữ đoàn bị đánh thiệt hại nặng trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, mà còn xuất hiện ở nhiều đơn vị thuộc các sư đoàn "Mãnh hổ" và "Bạch mã". Một số đơn vị Nam Triều Tiên lui vào thế "án binh bất động", không tổ chức hoặc chống lệnh không tham gia vào các cuộc hành quân, thậm chí từ chối không đi cứu viện, yểm trợ cho quân Mỹ, quân đội Sài Gòn trong các cuộc hành quân. Binh lính Nam Triều Tiên thậm chí không dám rời công sự, cố thủ trong đồn bốt, chỉ tập trung chăm lo phòng thủ để bảo toàn tính mạng. Tâm lý lo sợ tham chiến và mong chờ ngày về nước xuất hiện ở nhiều đơn vị. Cá biệt, có đơn vị thuộc Sư đoàn "Mãnh hổ" đóng tại Bình Định, khi Quân giải phóng tiến công quân Mỹ, binh lính của họ chỉ đứng quan sát mà không hề có một động thái phản ứng nào. ở một số nơi, binh lính Nam Triều Tiên còn trực tiếp hoặc viết giấy thông báo với nhân dân nơi chúng đóng quân. "Nếu Việt cộng không đánh chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ tham chiến"1.

        Tại Quảng Đà, qua công tác binh vận của nhân dân và các lực lượng vũ trang, 2 đồn của Lữ đoàn "Rồng xanh" đóng ở Cẩm Hà và La Nghi đã hoàn toàn "án binh bất động" trong nhiều tháng liền. Tại Bình Khê (Bình Định), khi lực lượng du kích tiến hành diệt ác ôn giữa ban ngày chỉ cách đồn của Sư đoàn "Mãnh hổ" khoảng 100 mét, nhưng quân Nam Triều Tiên không can thiệp...

        Nhìn chung, từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta, thái độ hung hăng, hiếu chiến của các đơn vị quân Nam Triều Tiên đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các cuộc hành quân "tìm diệt" và "bình định" của lực lượng này đã chấm dứt. Trong năm 1968, quy mô và cách thức tiến hành các cuộc hành quân của quân Nam Triều Tiên tại chiến trường Khu 5 hầu như không thay đổi, lực lượng này tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc hành quân tìm diệt quy mô cấp tiểu đoàn. Ngoài ra, Sư đoàn "Mãnh hổ" còn mở một số cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn, như cuộc hành quân mang tên "Mãnh hổ 9", diễn ra từ ngày 11 tháng 12 năm 1967 đến ngày 30 tháng 1 năm 1968 và "Mãnh hổ 10", diễn ra từ ngày 16 tháng 2 đến ngày 1 tháng 3 năm 1968, tại tỉnh Bình Định. Trong các cuộc hành quân này, quân Nam Triều Tiên đã gây tổn thất nặng nề cả về người và của cho nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bình Định. Binh lính Nam Triều Tiên đã không từ bỏ một thủ đoạn dã man nào đối với người dân. Chúng không chỉ đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và tàn sát người dân một cách bừa bãi, mà còn cắt tai hàng trăm người bị chúng tình nghi có thân nhân là cộng sản.

        Suốt năm 1969 và những năm tiếp theo, hoạt động của quân Nam Triều Tiên tại chiến trường Khu 5 chủ yếu tập trung vào nỗ lực "bình định" vùng duyên hải miền Trung, từ Phan Rang (Ninh Thuận) đến bắc Quy Nhơn và tỉnh Bình Định, củng cố và kiện toàn bộ máy tổ chức của các đơn vị nhằm "xốc lại" tinh thần chiến đấu cho sĩ quan và binh sĩ. Các cuộc hành quân trong năm 1969 thường diễn ra trên quy mô nhỏ, có vài cuộc hành quân quy mô lớn nhưng chỉ ở cấp trung đoàn hoặc nhỏ hơn. Thời gian cho một cuộc hành quân cũng ngắn và mục tiêu cũng hạn chế hơn. Nhịp độ này được duy trì và giảm dần cho tới khi những đơn vị quân Nam Triều Tiên đầu tiên bắt đầu rút khỏi Khu 5 vào cuối năm 1970 và hoàn toàn rút hết vào tháng 3 năm 1973.

-----------------
         1. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sơ lược tình hình chung về quân đội Nam Triều Tiên năm 1967, Tlđd, tr. 9.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:34:12 am »


        3. Đánh giá về hoạt động tác chiến và hậu quả do quân Nam Triều Tiên gây ra trên chiến trường Khu 5.

        Trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, các đơn vị quân đội Nam Triều Tiên đã đóng góp một phần không nhỏ vào nỗ lực chiến tranh của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Trên chiến trường Khu 5, lực lượng này có một vị trí hết sức đặc biệt và đã "chia sẻ" tới gần 40%1 về nhân lực chiến tranh cho Mỹ. Trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, các đơn vị Nam Triều Tiên đã thực sự trở thành lực lượng "xương sống" của các cuộc hành quân "bình định" và "tìm diệt".

        Theo con số thống kê của Chính phủ Nam Triều Tiên, trong thời gian 8 năm 5 tháng (từ tháng 9 năm 1964 đến tháng 3 năm 1973) tham chiến tại Việt Nam, quân đội Nam Triều Tiên đã tiến hành và tham gia tiến hành 1.170 cuộc hành quân quy mô lớn (cấp đại đội trở lên) và trên 556.000 cuộc hành quân quy mô nhỏ (từ cấp trung đội trở xuống), kể cả các cuộc phục kích, gây tổn thất nặng nề cả về người và của cho nhân dân các tỉnh Khu 5. Quân Nam Triều Tiên cũng đã "bình định" được một dải bờ biển từ đông Cam Ranh đến Quy Nhơn với diện tích khoảng 7.438km2, nơi có khoảng 870.000 (khoảng 5% tổng số dân của Nam Việt Nam)2 người dân đang sinh sống.

        Mặc dù được Mỹ đánh giá là lực lượng tác chiến khá hiệu quả so với lực lượng các nước đồng minh khác tham chiến ở Nam Việt Nam, song trong mắt các sĩ quan Mỹ, đặc biệt là những sĩ quan cấp cao đã từng trực tiếp chỉ huy và điều hành lực lượng quân đội Nam Triều Tiên tại Việt Nam, thì lực lượng này không phải là một đội quân như họ từng mong muốn, uy tín và khả năng tác chiến của các đơn vị này đã giảm dần theo thời gian.

        Trong bản "Báo cáo hết nhiệm kỳ" tại Việt Nam, trung tướng R. Lasơn, Tư lệnh lực lượng dã chiến I (1965-1968)3 đã đưa ra nhận xét: các đơn vị Nam Triều Tiên có kinh nghiệm trong chiến tranh du kích, chiến đấu ngoan cường và hiệu suất cao, nhưng do tham vọng quá mức và tính tự cao dân tộc, họ đã trở thành những con người cứng nhắc. Đặc tính này làm cho không riêng phía Mỹ, mà cả phía quân đội Việt Nam cộng hoà cũng khó bề hợp tác. Không ít mâu thuẫn đã nảy sinh, có khi cả trên chiến trường, do căm tức vì bị phân biệt đối xử, lính Nam Triều Tiên đã có lúc bắn lên cả máy bay Mỹ, bắn đại bác vào đội hình Mỹ. Trong các cuộc hành quân phối hợp, binh lính Nam Triều Tiên luôn đánh giá thấp khả năng tác chiến của quân Mỹ...

        Đối với quân đội Việt Nam cộng hoà, quân Nam Triều Tiên luôn tỏ ra tự cao, kiêu căng, miệt thị, không tin vào lòng trung thành của binh lính quân đội này, nên thường xảy ra các vụ ẩu đả, không muốn gần gũi, không muốn hành quân phối hợp, không chịu đi ứng cứu khi cần thiết. Đã có nhiều vụ quân Nam Triều Tiên khiêu khích bắn bừa vào lực lượng bảo an dân vệ. Do đó, quân đội Sài Gòn rất căm ghét quân Nam Triều Tiên, một phần là do quan hệ đối xử, nhưng phần chủ yếu là do quân Nam Triều Tiên tàn ác, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết nhân dân một cách bừa bãi, trong đó có cả các thân nhân binh lính và sĩ quan quân đội Sài Gòn. Có một số lính Sài Gòn đã tìm cách bắn giết lại để trả thù, như đại đội bảo an và 2 trung đội dân vệ ở Bình Định chặn đường đánh quân Nam Triều Tiên, hoặc có trường hợp quân ngụy bắn vào nơi đồn trú của quân Nam Triều Tiên đang đóng ở Phù Cát...

-----------------
         1. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 148.

         2. Ku Su Jeong, Sự can dự của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, Luận văn thạc sĩ khoa học, tr. 121

         3. Lực lượng dã chiến I sở chỉ huy đóng tại Nha Trang, Bộ Tư lệnh lực lượng dã chiến có nhiệm vụ điều hành hoạt động tác chiến của lực lượng quân Mỹ và đồng minh (chủ yếu là quân Nam Triều Tiên) tại vùng II chiến thuật từ tháng 11 năm 1965 đến ngày 30 tháng 4 năm 1971

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:34:53 am »


        Tướng R. Lasơn cho rằng, để khắc phục tình trạng trên và có thể hợp tác một cách có hiệu quả với quân Nam Triều Tiên, chỉ có một cách duy nhất là phải tìm cách tâng bốc và cổ súy cho tính tự cao của quân Nam Triều Tiên. Nhưng theo ông ta, việc "tâng bốc" cũng chỉ nên dừng trong phạm vi cho phép, không nên "tâng bốc" quá mức, vì nếu không sẽ làm cho "cái tật" vốn có nay có thêm cơ hội để phát triển1.

        Tướng R. Piơ, người kế nhiệm tướng Lasơn từ tháng 3 năm 1968 đến tháng 3 năm 1969 thì cho rằng, ngoài những "thuộc tính cố hữu" trên, khi tác chiến, quân Nam Triều Tiên thường đòi hỏi quá nhiều, vì vậy muốn cho họ chiến đấu có hiệu quả, không còn cách nào khác là phải đáp ứng thật đầy đủ các yêu cầu mà họ đề ra như: chi viện thêm xe tăng, trực thăng, pháo binh, thậm chí đôi lúc phải cư xử với họ như "kẻ cả". Piơ thừa nhận, bằng cách ấy ông đã cải thiện được mối quan hệ chiến đấu với các đơn vị quân Nam Triều Tiên và cũng chính cách ấy đã giúp ông "hoàn thành" được nhiệm vụ, trên cương vị là Tư lệnh lực lượng dã chiến I tại miền Nam Việt Nam.

        Khác với quan điểm của hai người tiền nhiệm, Trung tướng Côlin thì cho rằng, trong hoạt động tác chiến, các đơn vị quân Nam Triều Tiên phụ thuộc quá nhiều vào sự yểm trợ của không quân và pháo binh. Nếu thiếu đi hai sự yểm trợ đó, cả 2 sư đoàn quân Nam Triều Tiên chỉ có khả năng tác chiến bằng 1 lữ đoàn thiện chiến của Hoa Kỳ. Tồi tệ hơn, khi đã có sự yểm trợ đầy đủ, các đơn vị quân Nam Triều Tiên lại không thể tiến hành được các cuộc hành quân theo khả năng mà lẽ ra họ phải làm được.

        Kế nhiệm tướng Côlin, Thiếu tướng Brao vốn là Phó tư lệnh, sau này làm Tư lệnh lực lượng dã chiến I, kiêm Tổng tư lệnh Bộ tư lệnh viện trợ Khu vực II trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1971, đã đưa ra nhận xét về lực lượng quân Nam Triều Tiên tại Vùng II chiến thuật như sau: "... Quân Nam Triều Tiên mất quá nhiều thời gian để lên kế hoạch cho một cuộc hành quân cấp trung đoàn hoặc sư đoàn. Khi kế hoạch đã lập xong, thời gian dành cho một cuộc hành quân lại quá ngắn và mục tiêu cũng rất hạn chế..., binh lính Nam Triều Tiên luôn cứng nhắc trong tác chiến, họ chỉ biết trung thành với kế hoạch và nhiệm vụ được giao, ít sáng tạo, ít linh hoạt trước những tình thế mới nảy sinh. Điều này không chỉ đúng trong các cuộc hành quân độc lập, mà còn đúng trong cả các cuộc hành quân phối hợp với quân Mỹ hay quân đội Việt Nam cộng hoà... Chính vì sự cứng nhắc đến quá mức đó, đôi khi đã làm họ mất đi những thành công, thậm chí phải trả giá quá đắt cho những thắng lợi quá bé..."2 Cuối cùng, Brao nhận xét: có hai nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị quân Nam Triều Tiên tác chiến ngày càng kém hiệu quả trên chiến trường Nam Việt Nam. Thứ nhất, có thể người Mỹ đã đặt kỳ vọng quá lớn vào họ, quá tin vào khả năng và trình độ tác chiến trong chiến tranh du kích của các đơn vị quân Nam Triều Tiên. Mặc dù quân đội Nam Triều Tiên là lực lượng có sở trường và kinh nghiệm trong chiến tranh du kích, nhưng những gì họ có được trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã không còn phù hợp, hoặc ít nhất không thể phát huy được trong điều kiện và hoàn cảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh ở Việt Nam khác xa với cuộc chiến tranh Triều Tiên diễn ra hơn 10 năm trước đây. ở Việt Nam, chiến tranh không có chiến tuyến. Vùng kiểm soát của hai phía đan xen vào nhau, không có ranh giới giữa hậu phương và tiền tuyến như người ta từng hiểu. Đó còn là cuộc chiến mà không ai có thể biết trước đối phương sẽ tiến công vào lúc nào. Thứ hai, không thể phủ nhận được rằng, Nam Triều Tiên đã đưa sang Việt Nam những người lính ngày càng kém phẩm chất cả về trình độ tác chiến lẫn tinh thần kỷ luật3...

        Đánh giá của các tướng lĩnh Mỹ nhìn chung đúng với những gì quân Nam Triều Tiên đã làm tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi kết luận về nguyên nhân tác chiến ngày càng kém hiệu quả của các đơn vị quân Nam Triều Tiên, họ lại chỉ mới đưa ra được những yếu tố đơn thuần mang tính bề ngoài mà chưa đưa ra được, hoặc không muốn đưa ra những yếu tố có tính căn nguyên. Đó là động cơ chiến đấu của những người lính Nam Triều Tiên.

-----------------
         1, 2, 3. Larsen S.R. and Collins J.L, Allied Participation in Vietnam, op.cit, p. 149 - 150, 153, 154.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:35:53 am »


        Trước khi sang Việt Nam, đời sống ở Cộng hòa Triều Tiên rất khổ cực, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đã đẩy hàng vạn thanh niên phải tình nguyện vào quân đội. ở Cộng hòa Triều Tiên, theo quy định của pháp luật, phần lớn thanh niên đến tuổi 21 đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 3 năm. Tuy nhiên, do chế độ hà khắc cộng với lương bổng quá thấp, nên trong những năm 60, nhất là từ khi Pắc Chung Hy quyết định đưa quân sang Việt Nam tham chiến, phong trào trốn quân dịch đã trở nên phổ biến trong thanh niên. Dù quân dịch hay tình nguyện, phần lớn binh sĩ đều sợ chiến tranh, không muốn sang Việt Nam chiến đấu, kể cả một số sĩ quan từ thiếu tá trở xuống đã tìm mọi cách để được ở lại hậu phương. Một số binh sĩ đã chống lệnh sang Việt Nam bằng cách trốn sang Nhật. Có không ít sĩ quan đã công khai nói rằng: "Chúng tôi thà bỏ quê hương mà đi còn hơn là bỏ xác tại chiến trường Việt Nam". Gia đình có con đến tuổi quân dịch, hoặc một số binh sĩ đang tại ngũ đã tìm cách đút lót cho chính quyền địa phương hoặc chỉ huy đơn vị để khỏi bị đưa sang Việt Nam. Số binh sĩ đào ngũ để tránh bị đưa sang Việt Nam ngày một nhiều. Sư đoàn "Bạch mã" có tới hàng trăm lính đào ngũ trong thời gian huấn luyện trước khi sang Việt Nam. Theo nguồn tin của quân đội Cộng hòa Triều Tiên, trong năm 1965, Cộng hòa Nam Triều Tiên có 10.842 lính đào ngũ để khỏi bị đưa sang Việt Nam, đến năm 1966 con số này là 16.000. Tháng 4 năm 1967, có 43 sĩ quan thủy quân lục chiến Cộng hòa Triều Tiên làm đơn phản đối việc kéo dài thời hạn phục vụ trong quân đội, mặc dù họ được thăng cấp để đưa sang Việt Nam ...

        Khi bị đưa sang Việt Nam, phần lớn binh sĩ vẫn còn mơ hồ về động cơ chiến đấu. Trong cuốn "Ký ức chiến tranh", Đại tướng Kim Jin Sun đã không ngần ngại viết ra rằng: "Chiến đấu vì cái gì? là suy nghĩ của rất nhiều lính Nam Triều Tiên tham chiến ở Việt Nam thời đó. Đối với họ, chiến tranh Việt Nam chẳng qua là một cuộc đánh lộn ở nhà người, vì vậy chỉ cần kiếm được chút tiền và vượt qua một năm an toàn là được... Người lính chỉ có thể chiến đấu đến cùng khi họ biết rõ họ đang sống và chết vì cái gì. Nhưng ở Việt Nam họ chẳng có nhân duyên, cũng chẳng có thù oán gì. Nếu có thì chẳng qua cũng chỉ là những lời hô hào ngăn chặn "sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản". Điều này đối với người lính rất khó lọt tai và còn quá xa lạ... Những người lính Cộng hòa Triều Tiên tham chiến ở Việt Nam đều do mệnh lệnh cấp trên hoặc vì mấy đồng lương thưởng, vì vậy làm sao và chẳng tội gì họ phải bỏ mạng tại một chiến trường xa cách quê hương"1.

        Như vậy, rõ ràng động cơ chiến đấu là nguyên nhân chính dẫn đến việc binh lính Cộng hòa Triều Tiên chiến đấu ngày một kém hiệu quả trên chiến trường Việt Nam, chứ không phải Chính phủ nước này đưa những người lính kém phẩm chất, hay do chiến trường Việt Nam quá xa lạ với họ. Nếu có thì chính chiến trường Việt Nam và những thất bại liên tiếp của quân Nam Triều Tiên trong nhiều năm, đã làm cho tinh thần chiến đấu của họ ngày một giảm sút và dần rơi vào thế bị động. Một nữ phóng viên chiến tranh Nhật Bản nhận xét: "Tinh thần binh lính Sư đoàn Mãnh hổ sau một thời gian tham chiến tỏ ra thấp kém, họ luôn hoang mang lo sợ, hầu như đêm nào cũng không dám ra ngoài"2.

        Trong thời gian tham chiến tại chiến trường Khu 5 miền Nam Việt Nam, tất cả các đơn vị quân Nam Triều Tiên đều đã tuân thủ một nguyên tắc chiến thuật được coi là bất di bất dịch đối với tất cả các loại hình và quy mô các cuộc hành quân. Đó là chiến thuật hàng ngang có chiều sâu. Chiến thuật này được Mỹ huấn luyện và được áp dụng rộng rãi không chỉ trong các đơn vị quân đội Nam Triều Tiên mà trong cả các đơn vị quân đội đồng minh Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Nguyên tắc cơ bản của chiến thuật này là các lực lượng tham gia tác chiến phải tổ chức bọc lót cho nhau tạo thành một khối gồm nhiều tầng, nhiều lớp.

        Khi tổ chức các cuộc hành quân, các đại đội (nếu hành quân ở cấp đại đội) quân Nam Triều Tiên thường xuất quân đến mục tiêu theo đội hình trung đội hàng ngang, mỗi trung đội cách nhau từ 150 đến 200 mét, tuỳ theo từng loại địa hình. Trong các cuộc hành quân đó bao giờ cũng có 1 trung đội ở phía sau làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho bộ phận chỉ huy. Khi cần thiết, lực lượng này sẽ đóng vai trò là lực lượng phản ứng nhanh của cuộc hành quân. Các trung đội còn lại được triển khai theo đội hình chữ V, hoặc đội hình chiếc nêm lật ngược. Trong mỗi trung đội, các tiểu đội đi đầu có nhiệm vụ bọc lấy cánh trái và cánh phải, tiểu đội còn lại tiến hành lục soát hoặc tổ chức tiến công tuỳ theo mục đích của cuộc hành quân.

-----------------
         1. Kim Jin Sun, Ký ức chiến tranh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 92.

         2. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Sơ lược tình hình chung về quân đội Nam Triều Tiên năm 1967, Tlđd, tr. 11.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:36:30 am »


        Địa bàn do các đơn vị quân Nam Triều Tiên đảm nhiệm thường nhỏ hơn nhiều so với các đơn vị quân Mỹ hoặc quân đội Sài Gòn cùng cấp. Chính vì vậy, các cuộc lục soát do lực lượng này tiến hành thường rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ và diễn ra rất ác liệt, tàn bạo. Khi một làng bị lục soát, công việc đầu tiên mà quân Nam Triều Tiên tiến hành là gom toàn bộ dân trong làng vào một nơi để khai thác tin tức. Thường dân bị chia theo tuổi tác và giới tính. Phụ nữ và trẻ em thường bị chia thành 2 nhóm riêng để điều tra. Nam giới bị thẩm vấn riêng. Khi khai thác thông tin, bên cạnh các biện pháp quân sự rất tàn ác, quân Nam Triều Tiên cũng thường dùng vật chất để mua chuộc.

        Trong chiến đấu, ngoài biện pháp dùng chiến thuật hàng ngang có chiều sâu, các đơn vị quân Nam Triều Tiên còn sử dụng khá linh hoạt các đòn chiến tranh tâm lý. Đóng quân ở đâu, quân Nam Triều Tiên cũng tìm cách mua chuộc lòng dân bằng nhiều hình thức như: làm đường, xây dựng trường học, bệnh xá, tổ chức cắt tóc, khám chữa bệnh miễn phí cho dân, tặng quà nhân ngày sinh nhật, lễ, tết... Thủ thuật lấy lòng dân của quân Nam Triều Tiên là bắt rễ vào người già rồi mới mua chuộc trẻ em và thanh niên. Nham hiểm hơn, chúng còn tổ chức kết nghĩa giữa các đơn vị quân Nam Triều Tiên với các địa phương nơi đóng quân (tiểu đoàn thiết giáp 2 Sư đoàn "Mãnh hổ" kết nghĩa với làng Đa Ngư huyện Bình Khê tỉnh Bình Định, kết nghĩa thành phố Quy Nhơn với thành phố Nhân Xuyên...). Ngoài ra, chúng còn tổ chức hội kính lão, nhận các cụ già làm cha, mẹ nuôi, kết nghĩa anh em với thanh niên, nhận đỡ đầu cho các trẻ mồ côi,...

        Bên cạnh các thủ đoạn trên, quân Nam Triều Tiên còn tổ chức rải truyền đơn (trong cuộc hành quân "Mãnh hổ 6", hơn 600.000 truyền đơn đã được rải); dùng trực thăng gọi loa xuyên tạc bản chất cuộc chiến và khuếch trương sứ mạng của quân đội Nam Triều Tiên tại Việt Nam...

        Đặc điểm nổi bật nhất trong hoạt động tác chiến của quân Nam Triều Tiên trên chiến trường Nam Việt Nam là tính hung bạo và tàn ác.

        Trong cuốn "Ký ức chiến tranh", Đại tướng Kin Jin Sun - một cựu sĩ quan Sư đoàn "Mãnh hổ" từng tham chiến tại chiến trường Khu 5, viết: "Tham chiến ở Việt Nam, chúng tôi lấy biện pháp giết người đáng lên án nhất để làm cân bằng tâm trạng mệt mỏi, sợ hãi, buồn chán, đói khát, cô đơn luôn chế ngự... Tính ác của con người cũng không khác nỗi sợ hãi là mấy, chỉ cần bị cái ác chi phối một lần là khó mà thay đổi được, tất cả đều sẽ trở thành những người ca ngợi và cổ vũ cái ác. Vì vậy mà trên chiến trường, chúng tôi mới có những hành vi không thể nào hiểu nổi. Đã bắn giết bằng những cách dã man rồi lại còn hành hạ thi thể của người đã chết. Binh lính Nam Triều Tiên đã lật thi thể những người lính giải phóng để tìm kiếm vật dụng cá nhân và nhổ cả những chiếc răng trong miệng xác chết nữa. Thậm chí còn lấy cả nịt ngực trên thân thể của những phụ nữ đã chết. Đó là bản năng tàn ác của loài cầm thú đã nhập vào chúng tôi... Với tôi, tôi đã từng đi săn. Nhưng không có khoái cảm nào tuyệt vời bằng khoái cảm giết người trên chiến trường. Khi nhìn thấy đối phương bị giết, chúng tôi có cảm giác hân hoan khó tả. Vì thế, chúng tôi có thể đặt chân lên xác chết mà chụp ảnh, có thể ngồi lên cái xác đó vừa ăn uống vừa nói chuyện vui vẻ..."1.

        Tóm lại, trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, song song với các cuộc hành quân càn quét, quân Nam Triều Tiên đã ra sức mở rộng các hoạt động chiến tranh tâm lý và hoạt động mị dân, nhằm xuyên tạc bản chất của cuộc chiến tranh, đề cao vai trò của Mỹ và các nước "thế giới tự do", xoa dịu lòng căm phẫn của nhân dân trước những tội ác mà họ gây ra. Mặc dù đã dùng đến những biện pháp quân sự dã man nhất, những đòn chiến tranh tâm lý tinh vi và xảo quyệt nhất, song các đơn vị quân Nam Triều Tiên đã không tránh được những thất bại. Chúng đã bị quân và dân ta, đặc biệt là các lực lượng vũ trang Khu 5 đánh trả quyết liệt, buộc phải thu hẹp diện bình định và giảm bớt những hành động tàn bạo. Cuối cùng, toàn bộ số quân có mặt tại chiến trường miền Nam Việt Nam đã buộc phải rút về nước.

-----------------
         1. Kim Jin Sun, Ký ức chiến tranh, Sđd, tr. 90 - 91.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 04:37:13 am »


        II. QUÂN ĐỘI HOÀNG GIA THÁI LAN

        1- Quan hệ quân sự Mỹ - Thái Lan từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến những năm 60 thế kỷ XX.


        Tại khu vực Đông Nam Á, Vương quốc Thái Lan là nước duy nhất giữ được nền độc lập nhờ việc thi hành cải cách theo phương Tây cùng việc thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, mở cửa với các cường quốc Âu - Mỹ. Từ cuối thế kỷ XIX, Thái Lan trở thành "nước đệm" giữa thế lực thực dân Anh ở phía Tây (với các thuộc địa Mianma, Malaixia,... và thực dân Pháp ở phía Đông (xứ Đông Dương thuộc Pháp). Tháng 9 năm 1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Năm 1940, khi Nhật Bản kéo vào Đông Dương, Chính phủ Thái Lan đưa ra chính sách nghiêng theo Nhật. Tháng 12 năm 1941, Nhật đưa quân vào Thái Lan và đòi quyền quá cảnh để quân đội của họ mở các cuộc tiến công vào Miến Điện và Mã Lai thuộc Anh. Quân đội Hoàng gia Thái Lan chỉ tổ chức kháng cự một cách yếu ớt và mang tính tượng trưng. Ngày 11 tháng 12 năm 1941, Chính phủ Thái Lan ký hiệp ước liên minh với Nhật và trở thành đồng minh của Nhật. Tháng 1 năm 1942, Thái Lan tuyên chiến với Anh, Mỹ. Nhờ có sự giúp đỡ của Nhật, Thái Lan đã giành lại những quyền lợi bị mất cho Anh và Pháp. Tháng 10 năm 1942, Thái Lan tuyên chiến với Pháp, giành được một số vùng đất ở phía Tây Campuchia và Lào. Ngày 30 tháng 1 năm 1943, Hiệp ước Pháp - Thái Lan được ký kết. Theo đó, Pháp thừa nhận phần đất phía hữu ngạn sông Mê Công và miền Tây Campuchia thuộc quyền quản lý của Thái Lan. Tương tự như vậy, Thái Lan cũng đã giành được 4 bang của Mã Lai từ tay thực dân Anh là Kedah, Kelantan Trengganu và Perlis.

        Ngày 28 tháng 8 năm 1945, chỉ ít ngày sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, Chính phủ Thái Lan gửi công hàm tuyên bố hủy bỏ tuyên chiến trước đây với Anh và Mỹ. Chính phủ Anh phản đối với lý do Thái Lan đã liên minh với Nhật chống lại Anh và lực lượng đồng minh trước đây, đồng thời đưa ra yêu sách đòi Thái Lan phải trả lại những vùng đất mà họ đã chiếm từ tay Anh vào năm 1943. Trái với quan điểm của Anh, Mỹ cho rằng: Thái Lan không phải là nước đứng trong trục phát xít, không phải là lực lượng chống đối lại đồng minh mà chỉ là một nước bị Nhật chiếm đóng. Trong thời gian xảy ra chiến tranh, Chính phủ và quân đội Thái Lan bị Nhật cưỡng ép và trên thực tế, quân đội Thái chỉ tham chiến với lực lượng đồng minh một cách "hình thức"1. Như vậy, từ chỗ đối đầu với Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nay Thái Lan lại trở thành đồng minh của Mỹ. Chính sách đối ngoại "uyển chuyển" của Thái Lan thời kỳ sau chiến tranh không chỉ tạo điều kiện cho nước này bước ra khỏi chiến tranh với những thiệt hại nhỏ nhất, mà còn thủ tiêu được những hậu quả do việc hợp tác, liên minh với Nhật gây ra.

        Mặc dù vậy, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Thái Lan vẫn lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp rơi vào tình trạng đình đốn vì thiếu nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất. Đời sống người lao động nói chung, đặc biệt là nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng tham nhũng tràn lan, kể cả trong hàng ngũ các sĩ quan quân đội và cảnh sát. Ngân sách Nhà nước rơi vào tình trạng thâm hụt nghiêm trọng... Tất cả những điều ấy đã tác động xấu đến tình hình chính trị Thái Lan. Phong trào đấu tranh đòi dân chủ và dân sinh của các tầng lớp nhân dân phát triển mạnh. Trong những năm 1947-1948, lực lượng nổi dậy ở miền Nam Thái Lan đã đứng lên cướp chính quyền ở nhiều tỉnh, thành phố. Quân đội Chính phủ đã phải dùng các biện pháp quân sự mạnh, kể cả dùng máy bay ném bom để đàn áp lực lượng nổi dậy. Nội các Chính phủ Thái Lan bị chia rẽ sâu sắc vì các cuộc tranh giành quyền lực. Tình hình đó cũng diễn ra trong nội bộ quân đội, đặc biệt là giữa lực lượng hải quân và lục quân. Do không có đại diện trong Chính phủ, lực lượng hải quân đã tiến hành nổi dậy chống Chính phủ. Lần thứ nhất vào tháng 2 năm 1949, hải quân cho tàu chiến chạy dọc theo sông Mênam bắn phá vào doanh trại lục quân và tiến về Băng Cốc, chiếm trường Đại học Chính trị và Nhân văn. Lần thứ hai, vào ngày 26 tháng 6 năm 1951, lực lượng lính thủy đánh bộ bắt và giam giữ Thủ tướng Chính phủ Phibun trong buổi lễ đón nhận chiếc tàu chiến Maháttan do Mỹ viện trợ nhằm đòi tăng thêm quyền lực cho hải quân.

-----------------
         1. Thailand: A short history, Yale University Press, 1984, p. 126.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM