Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:33:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hệ thống tổ chức quân sự của Mỹ và VNCH  (Đọc 27800 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:00:48 am »


   - Tên sách: Hệ thống tổ chức quân sự của Mỹ và Việt Nam Cộng hoà trong chiến tranh Việt Nam

        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân

        - Năm xuất bản: 2002

        - Số hoá: ptlinh

MỤC LỤC

        - Phần thứ nhất: Hệ thống tổ chức quân sự của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

        - Phần thứ hai: Tổ chức Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV).

        - Phần thứ ba: Nguyên tắc tổ chức - điều hành một bộ tham mưu quân đội Mỹ.

        - Phần thứ tư. Hệ thống tổ chức quân sự của Việt Nam Cộng hoà.

        - Phụ lục


        CHỈ ĐẠO NỘI DUNG:

        Đại tá PGS, TS TRỊNH VƯƠNG HỒNG
        Đại tá TS LÊ ĐÌNH SỸ

        BIÊN SOẠN:

        Đại tá ĐỖ ĐỨC ANH
        Thượng tá NGUYỄN VIẾT BÌNH
        Đại úy LÊ ĐỨC HẠNH
        Đại úy PHÙNG THỊ HOAN

        Ảnh tư liệu trong cuốn sách này do Trung tâm thông tin khoa học công nghệ và môi trường cung cấp

LỜI NÓI ĐẦU

        Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng quân sự khổng lồ bao gồm cả hải, lục, không quân dưới sự điều hành trực tiếp của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Bên cạnh đó, để lừa gạt dư luận và che lấp bản chất của chiến tranh xâm lược, Mỹ còn dựng lên ở miền Nam Việt Nam một chính quyền tay sai, xây dựng và tổ chức đội quân ngụy đông tới hàng chục vạn tên với đầy đủ các quân chủng, binh chủng, đồng thời lôi kéo các nước đồng minh đưa quân đến Việt Nam tham chiến. Có thể nói, để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã xây dựng một bộ máy chiến tranh hoàn chỉnh và tinh vi. Nói cách khác, guồng máy chiến tranh của nước Mỹ đã được thiết lập và vận hành ở mức tối đa nhằm đánh bại cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thực hiện cái gọi là "ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản" ở Đông Nam Á. Thế nhưng, mọi cố gắng và nỗ lực của Mỹ cuối cùng đã bị thất bại trước sức mạnh đoàn kết, trí thông minh, quyết tâm giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

        Chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần ba mươi năm, có hàng nghìn cuốn sách ở trong nước và nước ngoài về cuộc chiến tranh này trên nhiều bình diện khác nhau; nhiều cuộc hội thảo được tổ chức với sự tham gia của các chính trị gia, tướng lĩnh và các nhà khoa học nhằm lý giải nguyên nhân dẫn đến thất bại của Mỹ ở Việt Nam và rút ra những bài học từ chiến tranh, v.v... Để góp phần tìm hiểu tổ chức bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cơ chế hoạt động của nó, từ đó giúp cho việc nghiên cứu cuộc chiến tranh một cách toàn diện hơn, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức biên soạn cuốn: "Hệ thống tổ chức quân sự của Mỹ và Việt Nam Cộng hoà trong chiến tranh Việt Nam (1965-1975)”. Cuốn sách cung cấp một số tư liệu đã được chọn lọc, trên cơ sở đó hệ thống hoá, khái quát và mô tả cơ cấu tổ chức, quá trình triển khai các hoạt động quân sự có tính chất chiến lược của Mỹ và Việt Nam Cộng hoà từ khi Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam (1965) cho đến khi kết thúc chiến tranh (1975).

        Cuốn sách được biên soạn dựa trên cơ sở một số tài liệu công khai của Mỹ, Việt Nam Cộng hoà cũng như một số ấn phẩm của các học giả phương Tây viết về chiến tranh Việt Nam. Trong các tài liệu và ấn phẩm đó có những ý kiến, số liệu chưa thống nhất, thậm chí trái ngược với những gì diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn, các tác giả đã đối chiếu, so sánh và chỉnh lý để có cái nhìn khách quan hơn. Chúng tôi hy vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo không chỉ cần thiết đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, lịch sử quân sự mà còn bổ ích đối với những người làm công tác chỉ huy, tham mưu và đông đảo bạn đọc quan tâm.

        Nội dung sách gồm bốn phần:

        Phần thứ nhất: Hệ thống tổ chức quân sự của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

        Phần thứ hai: Tổ chức Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV).

        Phần thứ ba: Nguyên tắc tổ chức - điều hành một bộ tham mưu quân đội Mỹ.

        Phần thứ tư. Hệ thống tổ chức quân sự của Việt Nam Cộng hoà.

        Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục giúp cho việc tham khảo được thuận tiện.

        Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chân thành cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình của đại tá Đỗ Đức Anh, nguyên cán bộ Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện ấn hành.

        Trong quá trình biên soạn, mặc dù các tác giả đã cố gắng sưu tầm, tổng hợp và chỉnh lý tư liệu, song do khả năng còn hạn chế nên cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót.

        Rất mong bạn đọc góp ý kiến phê bình.

VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:04:13 am »

       
Phần thứ nhất

HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUÂN SỰ CỦA MỸ TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

        Theo hiến pháp Mỹ, tổng thống là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang với nhiệm kỳ 4 năm. Trong thời kỳ chiến tranh xâm lược Việt Nam đã có năm đời tổng thống Mỹ can dự trực tiếp đến cuộn chiến tranh này là Ai-xen-hao (D.D.Eisenhower), Ken-nơ-đi (J.F.Kenedy), Giôn-xơn (L.B.Johnson), Ních-xơn (R.M.Nixon), Pho (G.R.Ford). Giúp việc cho tổng thống về mặt quân sự là Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Quốc phòng.

        I. HỘI ĐỒNG AN NINH QUỐC GIA (NSC - National Security Council)

        Hội đồng An ninh quốc gia được thành lập năm 1947 theo Đạo luật An ninh quốc gia (NSA - National Security Act). Thành viên của NSC gồm tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao, giám đốc Cơ quan kế hoạch và những vấn đề khẩn cấp Mỹ. Ngoài ra còn có các cố vấn, quan sát viên, trợ lý và các quan chức khác được tổng thống mời tới khi bàn đến những vấn đề có liên quan như: bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Nội vụ, đại sứ Mỹ ở Liên hợp quốc, giám đốc Cơ quan thông tin Mỹ USIS.

        Hội đồng An ninh quốc gia có nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống về các vấn đề đối nội, đối ngoại liên quan đến an mình quốc gia; giúp tổng thống ra quyết định và thực hiện các quyết sách đã đề ra; đánh giá các mục tiêu cam kết và nguy cơ đối với nước Mỹ trên cơ sở so sánh lực lượng hiện có.

        Dưới thời tổng thống Ken-nơ-đi và Giôn-xơn, NSC có rất ít quyền lực vì trên thực tế cả hai tổng thống đều ít hoặc không mấy tham khảo đến các quyết sách do NSC vạch ra. Từ năm 1969, sau sự kiện Mậu Thân (1968) ở Việt Nam, NSC trở thành cơ quan hoạch định các chính sách đối ngoại chủ yếu ở Mỹ. Năm 1969, tổng thống Nich-xơn đã chính thức bổ nhiệm Kit-xinh-giơ (Kissinger) làm cố vấn an ninh quốc gia. Ngay sau đó, Kit-xinh-giơ đưa thêm giám đốc CIA và tham mưu trưởng liên quân vào NSC. Dưới thời tổng thống Ních-xơn, NSC được toàn quyền thay thế Bộ Ngoại giao trong các quyết sách về chiến tranh Việt Nam. Quyền hạn này được duy trì đến năm 1973 khi Kit-xinh-giơ thay Rô-giơ (william P. Rogers) làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

        Trợ lý đặc biệt của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia là người điều hành trực tiếp Hội đồng An ninh quốc gia và là nhân vật chính có nhiệm vụ báo cáo cho Nhà Tưởng về các vấn đề an ninh quốc gia, chuẩn bị chương trình nghị sự và hội ý với tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia.

        Ngoài ra còn có hai quan chức khác tham gia trong các cuộc họp với tư cách là cố vấn nhiều hơn là với tư cách thành viên. Đó là chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân (JCS) và giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA). Họ trình bày các quan điểm về các vấn đề thuộc phạm vi phụ trách nhưng không tham gia vào các biểu quyết về đường lối quốc gia (đến năm 1969, giám đốc CIA và JSC đã trở thành thành viên chính thức).

        Hội đồng An ninh quốc gia cũng lập ra Uỷ ban tình báo để phối hợp các hoạt động điều tra, cao nhất là Uỷ ban tình báo Mỹ (USIB) do giám đốc CIA phụ trách. Sáu cơ quan tình báo nằm trong uỷ ban đó là: Cục Tình báo trung ương (CIA); Cục An ninh quốc gia (NSA); Tình báo Bộ Quốc phòng (DIA); Tình báo Bộ Ngoại giao; Uỷ ban năng lượng nguyên tử (AEC); Cục Điều tra liên bang (FBI).

        Về phân quyền giữa tổng thống, quốc hội và Hội đồng An ninh quốc gia: Khi xảy ra chiến tranh, quốc hội là nơi có quyền tuyên chiến; tổng thống ban bố tình trạng khẩn cấp. Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, tổng thống có quyền gửi quân ra nước ngoài từ một đến ba tháng nhưng phải báo cáo quốc hội sau 24 giờ. Nếu quốc hội quyết định phải rút quân về là phải về ngay, không nhất thiết trong vòng 30 ngày. Bằng cách này, quốc hội có thể hạn chế được quyền lực của tổng thống. Về phía Hội đồng An ninh quốc gia, có nhiệm vụ chấp hành những vấn đề quốc hội đã thông qua hoặc những vấn đề tổng thống đã quyết định nhưng chưa thông qua quốc hội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:06:23 am »


        II. BỘ QUỐC PHÒNG MỸ (Lầu Năm Góc)

        Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập năm 1946 theo Đạo luật An mình quốc gia (NSA) trên cơ sở hợp nhất Bộ Hải quân, Lục quân và Không quân.

        1. Biên chế chỉ huy của Bộ Quốc phòng Mỹ

        Cơ quan chỉ huy của Bộ Quốc phòng Mỹ thời kỳ chiến tranh Việt Nam bao gồm: bộ trưởng, thứ trưởng và các phụ tá bộ trưởng.

        Các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng bao gồm: Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Bộ Tham mưu Liên quân; Bộ Lục quân, Không quân và Hải quân.

        Bên cạnh đó là các bộ tư lệnh thống nhất và đặc biệt: Bộ Tư lệnh chiến trường Châu Âu, Bộ Tư lệnh chiến trường Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh chiến trường A-lát-xca (Alaska), Bộ Tư lệnh chiến trường Đại Tây Dương, Bộ Tư lệnh chiến trường phương Nam và Bộ Tư lệnh Sẵn sàng chiến đấu.

        2. Chức năng của các cơ quan Bộ Quốc phòng

        Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước tổng thống trong các vấn đề liên quan đến quốc phòng, được tổng thống bổ nhiệm và Thượng nghị viện thông qua. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành và kiểm soát Bộ Quốc phòng nhằm thực hiện các chủ trương, đường lối và các quyết sách quân sự do tổng thống quyết định. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải là một nhân vật dân sự hoặc quân nhân đã rời khỏi lực lượng vũ trang.

        Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đồng thời là thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia, Uỷ ban động viên dân sự và quốc phòng (Civil and defence mobilization board), Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và Hội đồng tham mưu Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.

        Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giám sát và điều hành các hoạt động trong Bộ Quốc phòng, thay thế bộ trưởng khi bộ trưởng vắng mặt. Các thứ trưởng đều do tổng thống lựa chọn, là người ngoài quân đội và được Thương nghị viện chấp nhận.

        Phụ tá bộ trưởng (8 người) giúp bộ trưởng giám sát về mặt chuyên môn được phân công ở các mặt sau:

        Phụ tá về tài chính: có chức năng điều hành, xét duyệt, chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch chi tiêu.

        Phụ tá về nhân lực: là người vạch chính sách và quản lý nhân lực thường trực và dự bị, giáo dục những vấn đề cơ bản cho binh sĩ như tinh thần, tôn giáo, sắc tộc...

        Phụ tá về hậu cần và hậu cứ: có trách nhiệm lập các kế hoạch về vấn đề hậu cần và các căn cứ quần sự.

        Phụ tá vế các vấn đề an ninh quốc tế: giúp cho việc vạch kế hoạch, chủ trương, chính sách đối ngoại, giao dịch quốc tế và bố trí lực lượng quốc tế.

        Phụ tá vế những vấn đề công cộng: có nhiệm vụ quan hệ với dân chúng, kiểm duyệt văn kiện.

        Các phụ tá về luật pháp, năng lượng nguyên tử và những vấn đề đặc biệt khác.

        3. Các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng và các Hội đồng tư vấn

        Các cơ quan trực thuộc và các Hội đồng tư vấn gồm: Cục Nghiên cứu và thiết bị quốc phòng, Cục Cung ứng quốc phòng, Cục Thanh toán hợp đồng quốc phòng, Cục Viện trợ quân sự, Hội đồng Xác định phương châm xây dựng lực lượng vũ trang, Hội đồng tư vấn liên hợp.

        Cục Nghiên cứu và thiết bị quốc phòng: Là cơ quan giúp việc cao nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách các vấn đề về nghiên cứu, phát triển, thí nghiệm và đánh giá các hệ thống vũ khí; làm cố vấn trong các vấn đề về khoa học kỹ thuật, sản xuất, bảo trì các vật liệu quốc phòng.

        Cục Cung ứng quốc phòng: Là nơi chuyên đặt mua và phân phối các loại vật tư thông dụng đối với các quân chủng như lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men, hóa chất, sản phẩm dầu hỏa. Riêng các loại thực phẩm đặc dụng dùng cho một số quân chủng, do quân chủng đó trực tiếp mua.

        Hội đồng Xác định phương châm xây dựng lực lượng vũ trang: Gồm bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các thứ trưởng Bộ Quốc phòng; bộ trưởng các Bộ Lục quân, Không quân, Hải quân; các phụ tá bộ trưởng; Giám đốc Cục Nghiên cứu thống kê; chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân và các quan chức khác thuộc Bộ Quốc phòng và một số bộ khác có liên quan.

        Hội đồng Tư vấn liên hợp: Gồm bộ trưởng và các thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:08:20 am »


        III. CÁC TỔ CHỨC LỚN THUỘC Bộ QUỐC PHÒNG

        Dưới Bộ Quốc phòng có các bộ: Lục quân, Hải quân, Không quân và Bộ Tham mưu liên quân (Joint Chiefs of Staff) (Về hình thức, Bộ Lục quân, Hải quân, Không quân và Bộ Tham mưu Liên quân trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng có tính dốc lập tương đối).

        Bộ trưởng các bộ này chịu trách nhiệm trước bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc chỉ đạo, điều hành, kiểm soát quân chủng của mình trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách quốc phòng liên quan đến quân chủng mình. Người đứng đầu của các bộ này đồng thời là những phụ tá của bộ trưởng Bộ Quốc phòng (xếp sau các thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Cũng như bộ trưởng Bộ Quốc phòng, họ cũng phải là những người ngoài quân đội, do tổng thống chỉ định và được Thượng nghị viện thông qua. Giúp việc cho các bộ trưởng quân chủng thường có các thứ trưởng, tham mưu trưởng và các phụ tá bộ trưởng.

        1. Bộ Lục quân

        Bộ Lục quân có trách nhiệm tổ chức và chuẩn bị lực lượng trên bộ để tiến hành tác chiến một cách có hiệu quả ngay cả trong thời bình, phù hợp với các kế hoạch động viên đã quy định.

        Nhiệm vụ cụ thể của Bộ Lục quân được quy định như sau: Bộ là nơi có trách nhiệm vạch kế hoạch, điều hành và đánh giá kết quả các hoạt động trên bình diện cả quân sự lẫn dân sự của lực lượng lục quân, kể cả việc tổ chức huấn luyện và trang bị cho các lực lượng mặt đất nhằm tiến hành các hoạt động tác chiến nhanh chóng và hiệu quả, phù hợp với kế hoạch an ninh quốc gia.

        Cơ quan tham mưu của Bộ Lục quân:

        Cơ quan tham mưu của Bộ Lục quân là cơ quan quân sự đầu não của Bộ Lục quân, gồm có tham mưu trưởng, các phụ tá tham mưu trưởng. Nhiệm vụ của tham mưu trưởng và các phụ tá tham mưu là cố vấn cho bộ trưởng, thứ trưởng và phụ tá bộ trưởng Bộ Lục quân.

        Cơ quan tham mưu còn là nơi soạn thảo kế hoạch về sử dụng lục quân cho an ninh quốc gia (đơn phương hoặc phối hợp với các quân chủng khác) và các kế hoạch tuyển mộ, tổ chức, cung cấp trang bị, huấn luyện phục vụ động viên, giải ngũ lục quân Mỹ; điều tra và báo cáo mọi vấn đề liên quan đến hiệu lực của lục quân; soạn thảo và ra các chỉ thị cụ thể để thực hiện các kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng duyệt.

        Tóm lại, cơ quan tham mưu Bộ Lục quân là nơi bảo đảm hiệu lực của lục quân và tình trạng sân sàng chiến đấu của lực lượng lục quân Mỹ.

        Cơ quan tham mưu Bộ Lục quân gồm những sĩ quan tham mưu và các cố vấn giúp việc cho Bộ Lục quân, soạn thảo những kế hoạch và các chính sách cơ bản giúp bộ trưởng Bộ Lục quân thực hiện các chương trình cụ thể nhằm phát triển lực lượng lục quân thành một quân chủng cân đối, có hiệu lực.

        Cơ cấu tổ chức của cơ quan tham mưu Bộ Lục quân gồm có:

        Cơ quan Tổng tham mưu (General Staff Agencies): Gồm các tham mưu phó về quân lực, tác chiến, hậu cần, thanh tra tài chính, cục trưởng Cục Nghiên cứu và phát triển, phụ tá tham mưu trưởng về tình báo, Uỷ ban tham mưu về cảnh vệ quốc gia và lực lượng dự bị của lục quân.

        Tham mưu đặc biệt (Special Staff): Gồm trưởng phòng cảnh vệ quốc gia, trưởng phòng quân sử, tổng thanh tra, trưởng phòng tài vụ, trưởng phòng thông tin, trưởng phòng tổng quản trị, trưởng phòng quân cảnh, trưởng phòng tuyên uý, trưởng phòng dân sự vụ.

        Tham mưu kỹ thuật (Technical Service): Gồm trưởng phòng nha khoa, trưởng phòng quân khí, trưởng phòng công binh, trưởng phòng quân nhu, trưởng phòng vận tải, trưởng phòng truyền tin và trưởng phòng hóa học.

        Tham mưu trưởng Lục quân: Là cố vấn quân sự chủ yếu của bộ trưởng Bộ Lục quân, được bộ trưởng Bộ Lục quân uỷ nhiệm vạch kế hoạch, phát triển, điều hành và đánh giá chương trình của lực lượng lục quân; giám sát tất cả nhân viên và các tổ chức của lục quân; chủ trì cơ quan tham mưu lục quân; báo cáo lên bộ trưởng Bộ Lục quân các kế hoạch và kiến nghị của Bộ Tham mưu Lục quân, cố vấn cho bộ trưởng Bộ Lục quán về các vấn đề trên và được phép thay mặt Bộ trưởng Bộ Lục quân thực thi các kế hoạch và kiến nghị đã được phê duyệt. Ngoài ra, tham mưu trưởng Lục quân còn phải làm nhiệm vụ theo luật định hoặc theo yêu cầu của tổng thống và bộ trưởng Bộ Lục quân.

        Tham mưu phó Lục quân là cố vấn và phụ tá chính của tham mưu trưởng Lục quân.

        Bên cạnh tham mưu trưởng Lục quần là các tham mưu phó phụ trách các hoạt động khác về nghiên cứu và phát triển, quân lực, hậu cần... Ngoài ra còn có các phụ tá tham mưu trưởng Lục quân về tình báo, về lực lượng dự bị...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:09:37 am »


        2. Bộ Hải quân

        Bộ Hải quân có nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng hoạt động trên biển (Sea Forces) bao gồm cả không quân của hải quân và lính thuỷ đánh bộ, sẵn sàng tiến hành các cuộc hành quân chiến đấu trên biển và trên bộ, trong đó chủ yếu là các cuộc hành quân trên biển nhằm đánh bại lực lượng hải quân đối phương, nhất là với các loại tàu ngầm.

        Bộ Hải quân còn có nhiệm vụ chuyên chở các phương tiện và lực lượng chiến đấu cho các quân chủng khác (lính thuỷ đánh bộ, bộ binh...) bằng đường biển đổ bộ lên đất liền; đồng thời phải chịu trách nhiệm duy trì lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

        Tổ chức và lực lượng của Bộ Hải quân:

        Bộ Hải quân (Navy Department) là cơ quan điều hành chính, gồm cơ quan của bộ trưởng Bộ Hải quân, cơ quan chỉ huy các lực lượng chiến đấu hải quân, Bộ Tư lệnh Lính thuỷ đánh bộ và Bộ Tư lệnh Duyên phòng.

        Tổ chức chỉ huy của Bộ Hải quân:

        Bộ trưởng Bộ Hải quân có nhiệm vụ tổng giám sát mọi công việc của lực lượng hải quân, trực tiếp kiểm soát các quyết định về đường lối xây dựng lực lượng hải quân và chịu trách nhiệm về mọi mặt đối với tất cả nhân viên, binh sĩ của lực lượng hải quân.

        Giúp việc cho bộ trưởng Bộ Hải quân có các phụ tá: phụ tá điều hành công tác dân sự (Civilian Executive Assistant), phụ tá chuyên nghiệp hải quân (Naval Professional Assistant), phụ tá về kỹ thuật (Naval Technical Assistant). Họ là các thứ trưởng Bộ Hải quân, phụ tá bộ trưởng về nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, còn có các phụ tá về căn cứ hải quân, về tài chính và sáu phòng phụ trách về quân lực, quân y và nha khoa, hạm tàu, vũ khí hải quân cung cấp và thanh toán, bến tàu và xưởng sửa chữa.

        Tư lệnh các lực lượng chiến đấu hải quân có các phụ tá về tác chiến và sần sàng chiến đấu, về quân lực và lực lượng dự bị, về hậu cần, kế hoạch và chính sách, về phát triển.

        Lực lượng chiến đấu hải quân bao gồm: Hạm đội Thái Bình Dương (Hạm đội 1, Hạm đội 7 và Lực lượng duyên hải miền Tây); Hạm đội Đại Tây Dương (Hạm đội 2, Hạm đội 6 và Hạm đội thí nghiệm và đánh giá). Các lực lượng còn đặt dưới sự chỉ huy về hành chính và kiểm soát của một số các lực lượng khác thuộc Bộ Hải quân như: không quân, tuần dương, khu trục, hạm đội, ngư lôi hạm, tàu ngầm và huấn luyện.

        Lực lượng lính thuỷ đánh bộ: Ngoài nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, lực lượng này có nhiệm vụ cùng với lực lượng hải quân bảo vệ và canh giữ căn cứ hải quân của Mỹ ở xa; hoạt động trong các cuộc hành quân đổ bộ; cung cấp lực lượng cho các tàu sân bay, tuần dương, khu trục hạm hoặc các tàu khác; phát triển kỹ thuật, chiến thuật đổ bộ trong các cuộc hành quân thuỷ bộ.

        Lực lượng tác chiến (Operating Forces): Gồm có các hạm đội, lực lượng đi biển, lực lượng hải quân duyên phòng và khu vực, lực lượng hải quân trên hạm đội, sở vận tải đường biển (MSTS) và các lực lượng khác.

        Lực lượng yểm trợ trên bờ (The shore Establishment): Chịu trách nhiệm cung ứng hậu cần cho lực lượng chiến đấu của hải quân về mặt vật liệu, quân lực, yểm trợ hậu cần và sửa chữa...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:11:26 am »


        3. Bộ Không quân

        Bộ Không quân có nhiệm vụ tổ chức, huấn luyện và trang bị các đơn vị không quân để tiến hành các cuộc chiến đấu trên không. Nhiệm vụ chính của không quân là tiến hành tác chiến bằng không quân chiến lược, phòng không quốc gia và điều khiển các cuộc chiến đấu trên không phối hợp với lực lượng mặt đất. Ngoài ra, không quân còn có nhiệm vụ vận tải quân sự và tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt khác như chụp ảnh đường không...

        Biên chế tổ chức của Bộ Không quân:

        Bộ trưởng Bộ Không quân là người ngoài quân đội và do tổng thống chỉ định.

        Tham mưu trưởng Không quân là một sĩ quan chủ chốt của lực lượng không quân, giúp bộ trưởng Bộ Không quân giám sát lực lượng không quân Mỹ. Tham mưu trưởng có năm tham mưu phó về các mặt quán lực, tác chiến, kế hoạch và chính sách, nghiên cứu và kỹ thuật, hậu cần.

        Cơ quan tham mưu Bộ Không quân nằm trong Bộ Quốc phòng tại Oa-sinh-tơn (Washington) có nhiệm vụ giúp bộ trưởng, thứ trưởng, trợ lý bộ trưởng, tham mưu trưởng Không quân về các mặt.

        Giúp việc cho bộ trưởng Bộ Không quân có năm phụ tá bộ trưởng phụ trách các mặt tài vụ, quân cụ, nghiên cứu và phát triển, căn cứ, nhãn lực và lực lượng dự bị.

        Các lực lượng chính của không quân: Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược (SAC - Stategic Air Command); Bộ Tư lệnh Không quân phòng thủ quốc gia (ADC - Air Defence Command) là một bộ phận của không quân quốc gia trong Bộ Tư lệnh Phòng không quốc gia; Bộ Tư lệnh Không quân chiến thuật (TAC - Tactical Air Command) yểm trợ cho lực lượng bộ binh chiến đấu; Sở vận tải hàng không quân sự (MATS - Military Air Transport Service) có nhiệm vụ chở quân và chở hàng khi cần thiết.

        4. Bộ Tham mưu Liên quân (JCS - Joint Chiefs of Staff)

        Bộ Tham mưu Liên quân thành lập năm 1947 theo Đạo luật An ninh quốc gia (NSA) gồm: chủ tịch, tham mưu trưởng các Bộ Lục quân, Không quân, Hải quân và Lực lượng linh thuỷ đánh bộ. Bộ Tham mưu Liên quân hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống và bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ năm 1954 đến 1978, sáu tướng thay nhau giữ chức chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân là:

        - Tướng không quân Tuyn-ninh (Nathan F.Twinning): (1957 đến 1960).

        - Tướng lục quân Lem-nít-giơ (Lynam L. Lemnitzer): (1960 đến 1961).

        - Tướng Tay-lo (Maxwell D.Taylor): (1964 đến 1970).

        - Đô đốc Mo-rơ (Thomas H. Morer): (1970 đến 1974).

        - Tướng Braon (George S.Brown): (1974 đến 1978).

        a) Nhiệm vụ:

        Bộ Tham mưu Liên quân có nhiệm vụ cố vấn cho tổng thống về các vấn đề quân sự, chịu trách nhiệm trong việc hoạch định chiến lược quốc phòng, xem xét những vấn đề có liên quan đến nhân sự, hậu cần trong lực lượng vũ trang. Bộ Tham mưa Liên quân là cơ quan quân sự trực tiếp của Bộ Quốc phòng, nằm trong hệ thống chỉ huy từ tổng thống đến bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thông qua các tham mưu trưởng Liên quân đến các bộ tư lệnh chiến trường và bộ tư lệnh đặc biệt. Bộ Tham mưu Liên quân có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

        - Vạch các phương án chiến lược và xét duyệt các yêu cầu về nhân lực, hậu cấn liên quan đến các phương án đó; tiến hành chỉ đạo chiến lược đối với các lực lượng vũ trang, kể cả đối với các chiến dịch do các bộ tư lệnh chiến trường và bộ tư lệnh đặc biệt vạch kế hoạch động viên.

        - Kiến nghị với bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập các bộ tư lệnh chiến trường và đặc biệt, đồng thời xét duyệt các phương án tác chiến và kế hoạch của các bộ tư lệnh đó.

        - Soạn thảo các học thuyết quân sự phục vụ huấn luyện và tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng.

        - Giúp bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc tham mưu, chỉ đạo các vấn đề ngân sách quốc phòng, viện trợ, động viên, công nghiệp chiến tranh, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật quân sự, soạn thảo chức trách chủ yếu của từng bộ phận trong lực lượng vũ trang.

        b) Tổ chức chung của Bộ Tham mưu Liên quân

        Cơ quan Bộ Tham mưu Liên quân có chín cục1 (Viết tắt của các cục là J, xuống cấp quân đoàn là G) gồm:

        - J1 - Cục Quân lực (Personal Directorate).

        - J2 - Cục Quân báo (Intelligence Directorate).

        - J3 - Cục Tác chiến (Operations Directorate).

        - J4 - Cục Hậu cần (Logistic Directorate).

        - J5 - Cục Kế hoạch và chính sách (Plans and Policy Directorate).

        - J6 - Cục Truyền tin - điện tử (Communications - Electronic Directorate).

        - Cục Nghiên cứu viện trợ quân sự (Military Assistance Directorate).

        - Cục Kế hoạch Liên quân (Joint Program Offlee).

        - Bộ phận nghiên cứu các vấn đề phát triển của Liên quân (Joint Advanced Study Group).

        Số lượng sĩ quan trong Bộ Tham mưu Liên quân trước năm 1958 có 210 người, từ sau năm 1958 tăng lên 400 - người, lấy từ ba quân chủng lên với số lượng ngang nhau. Thời gian phục vụ đối với sĩ quan ở Bộ Tham mưu Liên quân không quá ba năm (trừ khi có chiến tranh hoặc vì một lý do đặc biệt có thể phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa nhưng không được quá ba năm và phải được bộ trưởng Bộ Quốc phòng chấp nhận). Số lượng sĩ quan phục vụ nhiệm kỳ thứ hai này không quá 30 người trong tổng số 400 người trên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:13:27 am »


        c) Các cơ quan trực thuộc Bộ Tham mưu Liên quân

        Dưới đây là một số cơ quan trực thuộc trong Bộ Tham mưu Liên quân nhưng chịu trách nhiệm trước Bộ Quốc phòng:

        Cục Chi viện nguyên tử quốc phòng: Thay mặt Bộ Quốc phòng phối hợp với Uỷ ban nguyên tử quốc gia để sưu tầm, nghiên cứu phát triển sản xuất, bảo quản, thí nghiệm vũ khí hạt nhân, giúp các tham mưu trưởng Liên quân tổ chức, phán bổ hệ thống kho vũ khí hạt nhân.

        Cục Tình báo quốc phòng (DIA - Defence Intelhgence Agency): Thành lập ngày 21 tháng 8 năm 1961 (thay thế Cục Quân báo thuộc Bộ Tham mưu Liên quân trước đây), trực thuộc Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (Từ năm 1976 chuyển trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn có thể nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân). DIA có nhiệm vụ quản lý mọi chương trình tình báo quân sự cung cấp cho bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân; phối hợp điều hoà và giám sát sự phát triển hoạt động tình báo của các quân chủng: lục quân (G2), hải quân (ONI), không quân (A2).

        Cục Truyền tin quốc phòng: Tổ chức quản lý tất cả các hệ thống thông tin liên lạc quân sự.

        Các Bộ Tư lệnh thống nhất và đặc biệt (The unifled and specified Command): Gồm năm bộ tư lệnh chiến trường (Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Châu Âu, A-lát-xca, Phương Nam); hai bộ tư lệnh trong nội địa nước Mỹ (Bộ Tư lệnh Phòng không lục địa và Bộ Tư lệnh Sẵn sàng chiến đấu); một bộ tư lệnh đặc biệt (Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược - SAC).

        Bộ Tư lệnh Sẵn sàng chiến đấu gồm có Bộ Tư lệnh Công kích (Stricom) và Bộ Tư lệnh Không quân chiến thuật (TAC). Bộ Tư lệnh Sẵn sàng chiến đấu có nhiệm vụ dự trữ một lực lượng sắn sàng chiến đấu gồm lục quân và không quân chiến thuật để chi viện cho các bộ tư lệnh chiến trường; giúp Bộ Tham mưu Liên quân trong các yêu cầu huấn luyện, hoạt động và thử nghiệm các học thuyết quân sự mới; lập kế hoạch và tiến hành tác chiến đối phó với mọi tình huống khẩn cấp ở bất kỳ nơi nào theo chi thị của Bộ Tham mưu Liên quân.

        Khi thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Sẵn sàng chiến đấu phải thông qua bộ tư lệnh của lực lượng lục quân và không quân chiến thuật giám sát việc di chuyển lực lượng cho đến khi giao cho Bộ Tư lệnh Chiến trường. Trong quá trình chuyển quân, Bộ Tư lệnh Sẵn sàng chiến đấu phải điều ngay một thành phần chỉ huy đến chiến trường tiếp nhận lực lượng và bắt đầu hoạt động. Trong khi tiếp tục chuyển quân thì thành phần chỉ huy còn lại của đơn vị đặc nhiệm đến chiến trường và sáp nhập vào bộ phận tiền trạm.

        Lực lượng của Bộ Tư lệnh Sẵn sàng chiến đấu gồm có ba Bộ Tư lệnh Tập đoàn quân số 1, 5, 6; các Bộ Tư lệnh Quân đoàn thiết giáp 3 và 18; mười sư đoàn bộ binh; Bộ Tư lệnh Không quân chiến thuật (ba Bộ Tư lệnh Tập đoàn không quân số 3, 16, 17 và 15 biên đội).

        Trong Bộ Tư lệnh Công kích có các Tập đoàn quân chiến lược (STRAC - Strategic Army Corps), Quân đoàn 18 (hai sư đoàn đổ bộ đường không số 82 và 101, một sư đoàn bộ binh số 4 và một sư đoàn thiết giáp), Bộ Tư lệnh Tên lửa số 3, hai Bộ Tư lệnh Hậu cần số 1 và 2, Trung đoàn ky binh số 3.

        Tám bộ tư lệnh lớn trên được thành lập theo quyết định của tổng thống Hoa Kỳ. Mỗi bộ tư lệnh có một tư lệnh, là người có toàn quyền chỉ huy tác chiến với các lực lượng thuộc quyền của các quân chủng và chịu trách nhiệm với Bộ Quốc phòng thông qua Bộ Tham mưu Liên quân.

        Việc đảm bảo nhân lực, vật lực cho từng bộ tư lệnh do các bộ trưởng các Bộ Lục quân, Không quân và Hải quân chịu trách nhiệm theo quyết định của Bộ Quốc phòng. Việc điều động các lực lượng tăng phái cho từng bộ tư lệnh phải có quyết định của bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được tổng thống chấp thuận.

        Nhìn chung, trong hệ thống tổ chức quốc phòng - quân sự Mỹ, tổng thống đồng thời là tổng tư lệnh thực sự nắm quân đội, Hội đồng An ninh quốc gia là cơ quan cố vấn cao nhất cho tổng thống về đường lối chiến lược tổng quát và chỉ đạo chiến tranh. Bộ trướng Bộ Quốc phòng là phụ tá chính của tổng thống về mặt quốc phòng. Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân là cố vấn quân sự cao nhất. Mọi vấn đề lớn về quốc phòng đều do tổng thống quyết định.

        Trong hệ thống tổ chức quân sự - quốc phòng Mỹ và ở một số nước phương Tây, từ tổng thống, bộ trưởng bộ quốc phòng đến các thứ trưởng bộ quốc phòng, bộ trưởng các bộ lục quân không quân, hải quân đều là các quan chức dân sự (nếu là quân nhân thì phải xuất ngũ). Theo hiến pháp Mỹ, phái dân sự mới có quyền nắm các vị trí chủ chốt trong hệ thống cơ quan hành pháp; phái quân sự đứng đầu là chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân chỉ là cố vấn quân sự và là người chấp hành các chỉ thị, mệnh lệnh của tổng thống và bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:14:52 am »


        Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ là người trực tiếp nắm các chủ trương, đường lối quân sự, chỉ đạo chiến tranh theo các quyết định của tổng thống. Đồng thời, bộ trưởng Bộ Quốc phòng còn là người nắm các vấn đề về nhân lực, hậu cần, ngân sách, đặt hàng quân sự, quan hệ đối ngoại, điều động lực lượng từ chiến trường này sang chiến trường khác. Tuy nhiên, đối với các vấn đề có tính chất quyết định, trên thực tế, quyền hạn nằm trong tay tổng thống.

        Bộ Tham mưu Liên quân có quyền lực hạn chế hơn bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây thực chất là cơ quan cố vấn về quân sự và chấp hành các quyết định của tổng thống và bộ trưởng Bộ Quốc phòng về mặt tổ chức, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đề đạt và chấp hành (khi được tổng thống và bộ trưởng Bộ Quốc phòng chấp thuận) về điều động lực lượng, chỉ đạo chiến lược quân sự; đồng thời là nơi chuyển mệnh lệnh của tổng thống, bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho các bộ tư lệnh chiến trường, bộ tư lệnh đặc biệt và ngược lại đây cũng là nơi tiếp nhận các báo cáo, yêu cầu từ cấp dưới lên.

        Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ, theo quyết định của tổng thống không phải là một bộ tổng tham mưu của toàn bộ lực lượng vũ trang Mỹ và không có quyền hành pháp. Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân không phải là một tổng tham mưu trưởng. Quy mô biên chế cũng như thời hạn phục vụ của sĩ quan trong Bộ Tham mưu Liên quân cũng bị hạn chế (có thể để tập trung quyền hạn vào tay các tham mưu trưởng quân chủng, hạn chế bớt việc lạm dụng quyền hành và tính quan liêu).

        Ba Bộ Lục quân, Không quân, Hải quân tương đối độc lập trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Mỗi bộ đều có bộ trưởng và tham mưu trưởng riêng. Mối quan hệ của họ cũng tương tự như mối quan hệ giữa bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân. Các bộ trưởng có nhiệm vụ chủ yếu là bảo đảm về nhân lực và hậu cần cho các lực lượng trong quân chủng mình.

        Bộ Quốc phòng Mỹ không có cơ quan lớn chuyên trách về chính trị. Phụ tá bộ trưởng về nhân lực và hậu bị chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề chính trị tinh thần quân sĩ chủ yếu thực hiện bằng các chế độ, chính sách.

        Là một quốc gia có quy mô lớn về lực lượng quân sự và có tinh chất toàn cầu, có các loại vũ khí thông thường cũng như hạt nhân phức tạp nên hệ thống chỉ huy của quân đội Mỹ được tổ chức rất chặt chẽ. Việc duy trì ba Bộ Lục quân, Không quân, Hải quân riêng rẽ và quy định cương vị chủ chốt của bộ trưởng ba bộ phải do các quan chức dân sự nắm, đồng thời duy trì một số lượng sĩ quan tham mưu ngang nhau giữa các quân chủng trong Bộ Tham mưu Liên quán cũng phản ánh việc tranh chấp, giằng co, cố gắng điều hoà quyền lợi giữa các quân chủng, giữa phái dân sự và quân sự. Mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng với ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh, giữa bộ trưởng Bộ Quốc phòng với ba bộ trưởng từng quân chủng cũng thể hiện sự tranh giành quyền lợi giữa các tập đoàn tư bản cầm quyền Mỹ. Việc thành lập Cục Tiếp tế quốc phòng, Cục Tình báo quốc phòng (DIA) phản ánh xu thế tập trung, chống phân tán, trùng lập. Tuy nhiên, có những kiến nghị muốn tập trung quyền hành hơn nữa vào bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng lại bị các giới chức quân sự và các Bộ Lục quân, Không quân, Hải quân phản đối kịch liệt. Do đó, quyền hành có xu hướng tập trung vào bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến tình trạng phân tán, tranh chấp, chồng chéo chức năng giữa các cơ quan, tổ chức quân đội Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:17:45 am »

     
Phần thứ hai

TỔ CHỨC BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ MỸ Ở MIỀN NAM VIỆT NAM (MACV)

       I. NHIỆM VỤ CỦA MACV

        MACV (Military Assistance Command, Vietnam) thành lập ngày 8 tháng 2 năm 1962 sau khi tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi ra lệnh tăng thêm quán Mỹ tới miền Nam Việt Nam. MACV có trụ sở đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất sài Gòn). Đây là bộ chỉ huy thống nhất, chịu sự điều hành trực tiếp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) ở Ha-oai (Hawai). Dưới danh nghĩa là “Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự”, nhưng MACV chịu trách nhiệm về mọi hoạt động quán sự của Mỹ ở Việt Nam thay cho MAAG (được thành lập từ cuối năm 1950). MACV tiếp tục đảm nhiệm vai trò cố vấn cho quân đội Sài Gòn trên các mặt chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật và trực tiếp chỉ huy các lực lượng yểm trợ Mỹ bao gồm không quân, hải quân, pháo binh, hậu cần... để chi viện cho quân đội Việt Nam Cộng hòa.

        Lực lượng của MACV bao gồm: Tập đoàn không quân số 7, Lực lượng thuỷ bộ 3, Cụm lực lượng đặc biệt 5, Lực lượng dã chiến 1 và 2, Quân đoàn 24 và nhiều lực lượng hỗn hợp điều hành các chương trình "bình định" ở miền Nam Việt Nam. Từ năm 1965 trở đi, MACV trực tiếp chỉ huy lực lượng quân Mỹ, chư hầu, quân đội Sài Gòn mở các cuộc hành quân "tìm diệt" và hành quân "bình định" đồng thời với chỉ huy lực lượng Mỹ yểm trợ cho quân đội Sài Gòn.

        Bốn tướng đã từng chỉ huy MACV từ 1962 đến 1975 là:

        - Hác-kin (Paul Harkins): 2-1962 đến 6-1964.

        - Oét-mô-len (William Westmoreland): 6-1964 đến 7-1968.

        - A-bram (Creigh Abrams): 7-1968 đến 6-1972.

        - Cây en (Frederick Weyand): 6-1972 đến 1-1973.

        Trong đó, tướng Oét-mô-len là tư lệnh MACV đồng thời là cố vấn yểm trợ cho quân đội Sài Gòn. Oét-mô-len và Bộ Tư lệnh MACV đã chỉ huy lực lượng không quân, hải quân, lính thuỷ đánh bộ qua các bộ tư lệnh chiến đấu của các quân chủng này. Về lục quân, Oét-mô-len trực tiếp là tư lệnh và thành lập nên Bộ Tư lệnh Lục quân có nhiệm vụ lo về yểm trợ, hậu cần và hành chính. Một tư lệnh phó của MACV được cử chuyên lo về mặt cố vấn và yểm trợ cho quân đội Sài Gòn. Trong thời kỳ đương nhiệm, Oét-mô-len thường xuyên liên hệ, gặp gỡ với tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn và đi thị sát các đơn vị quân đoàn, sư đoàn và các đơn vị địa phương của quân đội Sài Gòn.

        Trong các chiến dịch bắn phá miền Bắc Việt Nam, Bộ Tư lệnh MACV là nơi trực tiếp chỉ huy thông qua tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương và tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương. Tư lệnh Tập đoàn không quân số 7 và Hạm đội 7 phải làm nhiệm vụ đánh phá cả ở miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, Hạm đội 7 còn yểm trợ pháo binh cho các lực lượng Mỹ và Đồng minh trong các hoạt động tác chiến ở vùng duyên hải miền Nam và đánh phá miền Bắc Việt Nam. Khi có việc khẩn cấp và theo yêu cầu của tư lệnh MACV, tư lệnh Thái Bình Dương sẽ dành ưu tiên về không quân và hải quân cho các mục tiêu mà Oét mô-len cần. Hoặc khi Quân giải phóng mở chiến dịch ở vùng phi quân sự, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương giao cho Oét-mô-len toàn quyền kiểm soát mọi hoạt động của không quân ở vùng “cán xoong" (nam Khu Bốn - bắc khu phi quân sự). Đây là khu vực chiến trường mở rộng nên nhiều khi không quân của Hạm đội 7 đã phải chuyển mục tiêu đánh phá miền Bấc để chi viện cho các lực lượng Mỹ và đồng minh ở miền Nam theo yêu cầu của Oét-mô-len hoặc ngược lại. Cách điều hành này đã giúp cho việc phát huy và tận dụng mọi khả năng của lực lượng hải quân và không quân Mỹ ở khu vực này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 04:21:52 am »


        II. TỔ CHỨC BIÊN CHẾ

        1. Bộ Tư lệnh MACV

        Bộ Tư lệnh MACV gồm có tư lệnh; tư lệnh phó 1 giúp tư lệnh chung về các mặt; tư lệnh phó 2 đặc trách bình định nông thôn; tư lệnh phó 3 đặc trách hoạt động của không quân và tham mưu trưởng phụ trách cơ quan tham mưu.

        Trong Bộ Tư lệnh còn có Toà án quân sự, Phòng cố vấn khoa học; Cơ quan nghiên cứu phát triển chiến, kỹ thuật (OSA/ARPA) và ba phòng: thông tin, thanh tra, tham mưu.

        Bộ Tư lệnh MACV chỉ huy các khối: Khối tham mưu (Bộ Tham mưu); Khối lực lượng (các bộ tư lệnh); Khối lực lượng Đồng minh tham chiến tại miền Nam Việt Nam; Khối lực lượng yểm trợ (hiệp đồng).

        2. Bộ Tham mưu MACV

        Chỉ huy: Trung tướng

        Biên chế, tổ chức của Bộ Tham mưu MACV gồm các đơn vị:

        J1 - phụ tá tham mưu trưởng về quân lực (chỉ huy - thiếu tướng) phụ trách bốn phòng (J11, J12, J13, J14) về quân lực, dân sự, phúc lợi và cố vấn.

        J2 - phụ tá tham mưu trưởng về tình báo (chỉ huy - thiếu tướng), phụ trách năm phòng (J21, J22, J23, J24, J25) về sưu tầm, nghiên cứu, kế hoạch, xử lý và huấn luyện.

        J3 - phụ tá tham mưu trưởng về tác chiến (chỉ huy - trung tướng); gồm trung tâm hành quân và chín phòng (J31, J32, J33, J34, J35, J36, J37, J38, J39).

        J4 - phụ tá tham mưu trưởng về hậu cần (chỉ huy - trung tướng); phụ trách năm phòng (J42, J43, J44, J45, J46) gồm phòng vật tư, vận tải, kế hoạch, cung ứng, hành chính.

        J5 - phụ tá tham mưu trưởng về kế hoạch (chỉ huy - trung tướng), phụ trách ba phòng (J52, J53, J54) về Mỹ, Việt Nam và kế hoạch đặc biệt.

        J6 - phụ tá về truyền tin điện tử (chỉ huy - thiếu tướng) phụ trách ba phòng (J61, J62, J63) gồm kế hoạch, truyền tin và cố vấn.

        Phụ tá tham mưu trưởng về bình định (chỉ huy là một quan chức dân sự) gồm các phòng: nghiên cứu, yểm trợ, kế hoạch, an ninh lãnh thổ, phát triển nông thôn, phượng hoàng, cựu chiến binh, chiêu hồi và báo chí.

        Phụ tá tham mưu trưởng về viện trợ quân sự (chỉ huy - thiếu tướng) gồm bốn phòng: tổ chức, kế hoạch, thống kê và cố vấn.

        Cục Quân huấn (chỉ huy - thiếu tướng) gồm bốn phòng: kế hoạch, yểm trợ, nhà trường và trung tâm huấn luyện.

        Ngoài ra, Bộ Tham mưu MACV còn có chín phòng trực thuộc khác là tài vụ, tổng quản trị, tuyên uý, nha khoa, hiến binh, thế giới quân viện, quản lý số liệu, nghiên cứu và kiểm tra.

        3. Khối lực lượng (cán bộ tư lệnh) và hệ thống cố vấn

        Bộ Tư lệnh Lục quân và Đoàn cố vấn lục quân, sở chỉ huy đóng tại Long Bình.

        Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn cố vấn hải quân, sở chỉ huy đóng tại 117 Phan Đình Phùng, Sài Gòn.

        Bộ Tư lệnh Tập đoàn không quân số 7 và Đoàn cố vấn không quân, sở chỉ huy đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.

        Bộ Tư lệnh Lính thuỷ đánh bộ số 3 (III.MAF) và Đoàn cố vấn Vùng 1 chiến thuật, sở chỉ huy đóng tại Đà Nẵng.

        Bộ Tư lệnh Quân đoàn 24 (XXIV Corps), sở chỉ huy đóng tại Phú Bài (Huế).

        Bộ Tư lệnh Dã chiến 1 (I. Field Force) và Đoàn cố vấn Vùng 2 chiến thuật, sở chỉ huy đóng tại Nha Trang.

        Bộ Tư lệnh Dã chiến 2 (II. Field Force) và Đoàn cố vấn Vùng 3 chiến thuật, sở chỉ huy đóng tại Long Bình.

        Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự ở đồng bằng sông Cửu Long (Delta Mac), sở chỉ huy đóng tại Cần Thơ.

        Bộ Tư lệnh Lực lượng đặc biệt số 5, sở chỉ huy đóng ở Nha Trang.

        4. Khối lực lượng yểm trợ

        Khối lực lượng yểm trợ cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam bao gồm các đơn vị:

        Hạm đội 7.

        Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược tiền phương (SACAE - Strategic Air Command Advanced Echelon).

        Đại diện thông tin quốc phòng và lực lượng bảo vệ giao thông vận tải ở Đông Nam Á.

        5. Khối lực lượng Đồng minh tham chiến ở miền Nam Việt Nam

        Bộ Tư lệnh Lực lượng Nam Triều Tiên (chỉ huy - thượng tướng), gồm hai sư đoàn bộ binh (Bạch Mã, Mãnh Hổ) và Lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ Rồng Xanh số 2, sở chỉ huy đóng tại 606 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn.

        Bộ Tư lệnh Lực lượng Thái Lan (chỉ huy - thượng tướng), Sư đoàn bộ binh Báo Đen và Trung đoàn tình nguyện Mãng Xà Vương, sở chỉ huy đóng tại 12 Trần Quốc Toản, Sài Gòn.

        Bộ Tư lệnh Lực lượng Ô-xtrây-ha (chỉ huy - trung tướng) có một trung đoàn bộ binh, sở chỉ huy đóng tại 12 Trần Quốc Toán, Sài Gòn.

        Bộ Tư lệnh Lực lượng Phi-lip-pin (chỉ huy - đại tá) có hai đại đội pháo và tổ công dân vụ, sở chỉ huy đóng tại 12 Trần Quốc Toàn, Sài Gòn.

        Bộ Tư lệnh Lực lượng Niu Di-lân (chỉ huy - trung tá), có một tiểu đoàn bộ binh, sở chỉ huy đóng tại 12 Trần Quốc Toàn, Sài Gòn.

        Tổ viện trợ quân sự Đài Loan (chỉ huy - thượng tướng), sở chỉ huy đóng tại 175 Công Ly, Sài Gòn.

        Tổng số quân trực tiếp tham chiến của các nước đồng minh ở Nam Việt Nam khoảng 68.800 quân. Ngoài ra còn có 34 nước khác tham gia gián tiếp (tiếp tế hậu cần, vận chuyển, huấn luyện, đóng góp lương thực, thuốc men, trang bị kỹ thuật, chuyên gia...), bao gồm: Nhật Bản, Vương quốc Anh, Ác-hen-ti-na, Bỉ, Vương quốc Lào, Ca-na-đa, Bra-xin, Đan Mạch, Co-sta Ri-ca, Ê-cu-a-đo, I-xra-en, Li-bê-ri-a, Lúc-xem-bua, Ma-rốc, Ma-lai-xia, Hà Lan, Na-uy, Pa-ki-stan, Nam Phi, Tây Ban Nha, Tuy-ni-di, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Vê-nê-du-ê-la, I-ta-lia, U-ru-guay, Cộng hoà Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Hy Lạp, I-ran, Hôn-đu-rat, Gua-tê-ma-la (theo Hồi ký của Oét-mô-len - Một quân nhân tường trình. Chương XIV: Lực lượng Nam Việt Nam và Đồng minh. Nxb Garden City, Doublday, New York, 1976. Thư viện Quân đội dịch 1978. Lưu trữ Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. VL-3090)...
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM