Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:53:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44388 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:50:47 am »


        Qua trực tiếp chỉ đạo, bám nắm tình hình thực hiện chủ trương chiến lược quốc phòng - an ninh của Đảng, sau hơn 10 năm, với nhiều đợt tổng kết công tác dự bị động viên, xây dựng khu vực phòng thủ, chúng tôi thấy rằng: các địa phương đã từng bước hoàn chỉnh, phát huy tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu và trực tiếp tổ chức thực hiện kết hợp vai trò của nhân dân địa phương trong nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

        Ở các bộ, ban ngành Trung ương, nhiệm vụ xây dựng kinh tế và các nhiệm vụ khác kết hợp với quốc phòng - an ninh đã được xác định cho Ban Cán sự Đảng và những người lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành. Bộ Quốc phòng đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Nhà nước, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành Luật Sĩ quan quân đội, Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh lực lượng dự bị động viên, Pháp lệnh về dân quân tự vệ, Pháp lệnh về công trình quốc phòng và khu quân sự…

        Được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tôi đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị liên tịch gồm nhiều bộ, ban ngành Trung ương về công tác quốc phòng - an ninh. Qua những hội nghị này đã rút được nhiều kinh nghiệm và xác định được những vấn đề cần tập trung giải quyết.

        Một trong những vấn đề nổi bật nhất trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong khoảng hai chục năm lại đây là Đảng, Nhà nước ta đã xác định được đường lối, chủ trương, phương thức phù hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các địa phương, các ngành đã đổi mới về nhận thức, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong khi cả nước dồn sức cho nhiệm vụ xây dựng kinh tế, chuyển toàn bộ nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, chế độ bao cấp được xóa bỏ, thì công tác quốc phòng - quân sự ở các địa phương vẫn được giữ vững và có bước phát triển mới, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao khả năng - sức mạnh phòng thủ của đất nước ngay ở từng địa bàn, địa phương, cơ sở. Kết quả đó đã tạo nên sự ổn định về chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội, làm thất bại nhiều kế hoạch phá hoại, gây rối của các thế lực thù địch; bảo đảm môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội.

        Có thể nói, điểm xuất phát có tính quyết định đến thành công của công tác quốc phòng quân sự ở các địa phương và các ngành trong những năm qua là sự đổi mới tư duy quốc phòng của Đảng được thể hiện ở Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về điều chỉnh chiến lược công tác quốc phòng, chuyển từ quốc phòng phục vụ chiến tranh sang quốc phòng thời bình, nhằm chuẩn bị mọi khả năng sẵn sàng huy động tiềm lực đất nước phục vụ yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

        Với những nghị quyết nêu trên, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng là nhiệm vụ của toàn dân, của các ngành, các cấp; từ đó đưa ra một cơ chế nhằm cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm điều hành của chính quyền, công tác tham mưu của cơ quan quân sự các cấp đối với công tác quân sự địa phương trong thời bình và khi chuyển sang thời chiến.

        Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị cũng xác định rõ quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc là phải kết hợp sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đối ngoại với sức mạnh quân sự. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ bảo vệ an ninh; lấy việc xây dựng kinh tế - xã hội làm cơ sở để tăng tiềm lực quốc phòng.

        Triển khai chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân, những năm qua, các địa phương và các ngành tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh - thành phố, thực hành động viên quân đội và củng cố lực lượng dân quân tự vệ. Xây dưng khu vực phòng thủ là một chủ trương chiến lược nhằm cân bằng các lực lượng chiến lược theo đường lối quốc phòng toàn dân - quốc phòng toàn diện, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

        Lý luận và mô hình khu vực phòng thủ của chúng ta được hình thành từ việc nghiên cứu thế trận “làng - nước” - giữ làng, giữ nước có từ hàng nghìn năm chống ngoại xâm, từ mô hình các căn cứ địa - căn cứ kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp, rồi “vành đai diệt Mỹ”, địa đạo Củ Chi, Vịnh Mốc… trong kháng chiến chống Mỹ…, vận dụng vào thời kỳ đổi mới trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc theo đường lối độc lập tự chủ, tự lực tự cường, quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:51:34 am »


        Xây dựng tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ là một nội dung rất mới của công tác quân sự địa phương. Vì vậy cả về nội dung, phương pháp, đều phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Từ những năm làm Tư lệnh Quân khu 3 trực tiếp chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, lực lượng dự bí động viên cũng như sau này trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, qua theo dõi nhiều cuộc diễn tập thực nghiệm khu vực phòng thủ cấp tỉnh (thành phố) đã để lại cho tôi nhiều kinh nghiệm quý.

        Qua trực tiếp chỉ đạo các địa phương xây dựng khu vực phòng thủ, tổ chức diễn tập thực hiện khu vực phòng thủ cấp tỉnh (thành phô); mặt khác, qua trực tiếp chỉ đạo các địa phương, đơn vị tham gia giải quyết những “điểm nóng” về trật tự trị an trong hơn 10 năm tôi nhận thấy về cơ bản các địa phương đã từng bước hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu đối với công tác quân sự địa phương. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, của hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng, làm cho chất lượng các mặt công tác quân sự địa phương được nâng lên. Cũng từ yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ mà nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong cấp ủy, các ngành được nâng lên một bước, việc kết hợp kinh tế - quốc phòng được quan tâm đúng mức hơn.

        Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện ở biên giới, ven biển, hải đảo, đã xây dựng được kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với kế hoạch phòng thủ của địa phương. Từng địa phương đã tổ chức, bố trí lại các khu vực dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, công trình thủy lợi, cơ sở y tế, bưu điện… vừa phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, vừa đáp ứng yêu cầu quốc phòng - an ninh cả trong thời bình và khi có chiến tranh.

        Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, không phải ngay từ đầu và không phải địa phương nào cũng thấu suốt quan điểm chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, chú trọng đến xây dựng “thế trận lòng dân” và hệ thống chính trị cơ sở. Cũng vì vậy, khi xảy ra những “điểm nóng” về an ninh trật tự, thì hệ thống chính trị ở một số cơ sở gần như bị tê liệt, vô hiệu hóa.

        Trong quá trình chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ, qua nhiều lần chủ trì thực hành và tổng kết diễn tập thực nghiệm, tôi thấy không ít cán bộ cơ sở thường chỉ chú trọng công tác động viên thời chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng các công trình quốc phòng…

        Từ thực tế đó, bản thân tôi và tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương nghiên cứu đề xuất một số nội dung giúp Bộ Chính trị, Trung ương Đảng tiếp tục bổ sung hoàn thiện chiến lược quốc phòng - an ninh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cũng như hoàn thiện dần mô thức, mô hình khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố).

        Trước đây, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị xác định bốn tiêu chuẩn của khu vực phòng thủ (tiềm lực tổng hợp phát triển; lực lượng tại chỗ đủ sức tự lực bảo vệ địa phương; xây dựng được thế trận cụ thể; cơ chế lãnh đạo điều hành - chỉ huy có nền nếp, hiệu quả). Nay, qua đúc kết thực tế, chúng tôi cho rằng mỗi khu vực phòng thủ mạnh phải đảm bảo sáu yếu tố:

        1 Xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, thật sự đại diện cho ý chí, sức mạnh của nhân dân địa phương; được dân tin tưởng.

        2. Xây dựng chính quyền mạnh, thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân.

        3. Kinh tế của địa phương phải vững, đảm bảo cho nhân dân có đời sống no đủ, đây là điều kiện quan trọng để nhân dân tin tưởng vào chế độ, tin vào Đảng về Chính quyền.

        4. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân chủ trương, quan điểm của Đảng về chiết tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân để mọi người dân thấu hiểu bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng toàn dân, toàn quân, không phải chỉ của lực lượng vũ trang, từ đó có hành động đúng, đóng góp tích cực các công tác quốc phòng - an ninh.

        5. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, bao gồm. chủ lực, dự bị động viên, dân quân tự vệ.

        6. Xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc phòng, các công trình quốc phòng, chú ý tới các công trình có tính lưỡng dụng.

        Với thứ tự sáu nội dung trên, thì vấn đề xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng “thế trận lòng dân” phải được đặt lên hàng đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:52:07 am »


        Trong quá trình tham gia chuẩn bị văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và lần thứ X trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh và một số kỳ họp của Trung ương Đảng bàn về nhiệm vụ này, tôi đã trình bày quan điểm của mình và của tập thể lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét và cơ bản những vấn đề trên đã được đưa vào nghị quyết. Đây là một trong những đóng góp lớn của Đảng ủy Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 1996-2001 và 2001-2005.

        Về chiến lược quốc phòng - an ninh của đất nước, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX nêu rõ: “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh; quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội”.

        Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, từ ngày 2 đến ngày 12 tháng 7 năm 2003, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã bàn thảo và thông qua nghị quyết “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Củng cố hoàn thiện thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”.

        Ngày 28 tháng 2 năm 2005, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ. Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Phan Văn Khải phân công chuẩn bị nội dung. Hội nghị đánh giá: “Công tác xây dựng khu vực phòng thủ của các địa phương đã có đóng góp quan trọng trong thành tựu chung của đất nước… Thế trận của các khu vực phòng thủ được củng cố… Các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, sở chỉ huy, khu vực phòng thủ then chốt của từng cấp được quy hoạch và xây dựng từng. bước theo khả năng của từng địa phương. Các khu vực kinh tế quốc phòng được thành lập có hiệu quả cùng với sự điều chỉnh bố trí chiến lược trên các hướng chiến lược của bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng tạo ra sự liên hoàn của thế trận chung… Công tác đảm hậu cần - kỹ thuật, tài chính cho xây dựng khu vực phòng thủ được quan tâm tốt hơn trước. Cơ chế lãnh đạo khu vực phòng thủ được thực hiện nghiêm túc và vận hành sáng tạo. Kết quả đạt được là rất quan trọng nhưng cũng bộc lộ nhiều thiếu sót, khuyết điểm: … Không ít bộ, ngành, địa phương quan niệm xây dựng khu vực phòng thủ là việc của Bộ Quốc phòng, của lực lượng vũ trang, do vậy không tích cực chủ động trong triển khai thực hiện; kết quả xây dựng khu vực phòng thủ chưa vững chắc, tính tự lực và khả năng độc lập tác chiến của khu vực phòng thủ chưa cao; chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, bộ đội biên phòng, công an còn hạn chế…”.

        Trên cơ sở tổng hợp đánh giá thực trạng các khu vực phòng thủ và kiến nghị của Bộ Quốc phòng, Chính phủ chỉ thị: “Phải tập trung xây dựng hệ thống chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, xây dựng cơ quan quân sự, công an, bộ đội biên phòng có bản lĩnh, được tổ chức, trang bị phù hợp, đủ sức làm nòng cốt hoàn thành nhiệm vụ, tự giải quyết những vấn đề phức tạp trên địa bàn”. Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược, thực hiện tốt cơ chế lãnh đạo, kết hợp chặt chẽ quân đội với công an; hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp phải có kế hoạch, nội dung, chương trình xây dựng khu vực phòng thủ và phải đưa vào kế hoạch tổng thể của địa phương.

        Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả hội nghị. Đồng chí Phan Văn Khải vui vẻ trao đổi cùng tôi. Thực tế cuộc sống, cho dù có sự chỉ đạo chung, vẫn diễn biến hết sức phong phú, phức tạp. Vấn đề cơ bản là chúng ta phải nắm bắt kịp thời, biết khái quát tổng hợp đúc kết thành lý luận để chỉ đạo lại thực tiễn. Về xây dựng khu vực phòng thủ, Bộ Quốc phòng đã giải quyết tốt - cần phát huy hơn nữa.

        Khởi đầu bằng Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị cho đến nay, chiến lược quốc phòng - an ninh của Đảng đã có nước bổ sung, hoàn thiện về cơ bản. Theo đó, mô thức - mô hình khu vực phòng thủ tỉnh (thành phô) cũng từng bước được định hình; tuy nhiên cần phải được nghiên cứu, tổng hợp thực tiễn tiếp tục bổ sung.

        Việc xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phô) là sự phát triển mới của nghệ thuật xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện - tỉnh tự bảo vệ mình” sẽ tạo cho cả nước một thế trận liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù, trong mọi tình huống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:52:53 am »


*

*       *

        Một trong những vấn đề cốt lõi trong chiến lược quốc phòng - an ninh của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay cũng như tương lai là kết hợp kinh tế với quốc phòng. Gần 15 năm công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng hành dinh, tôi đặc biệt chú trọng vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, quân đội tham gia làm kinh tế. Cũng vì vậy mà có anh em nói vui là: tôi say làm kinh tế.

        Kết hợp kinh tế với quốc phòng trong kế sách dựng nước và giữ nước không phải là vấn đề mới mà là một truyền thống tốt đẹp, được hình thành, hun đúc suốt mấy nghìn năm lịch sử. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu để kế thừa, phát huy trong thời đại ngày nay. Một trong những bài học quý báu cha ông ta để lại từ mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước là phát triển kinh tế phải gắn với củng cố quốc phòng, làm cho dân giàu nước mạnh. Những tư tưởng “thực túc binh cường”, “quốc phú, binh cường”… là sự phản ánh quy luật phổ biến, khẳng định sức mạnh kinh tế là cơ sở của sức mạnh quốc phòng.

        Lần lại lịch sử thì Kinh Bắc quê tôi là đất “phát tích” của triều Lý - một triều đại đã thực thi một chính sách lớn, hết sức ưu việt - chính sách “Ngụ binh ư nông” - gửi binh ở trong nông. Khi có chiến tranh thì mỗi một nông phu là một người lính. Khi binh đao kết thúc, các thế lực ngoại xâm không còn trên lãnh thổ quốc gia thì súng gươm xếp lại, toan lo cấy cày, tằm tang canh cửi. Có thể nói quốc sách “Ngụ binh ư nông” là một chính sách kết hợp kinh tế với quốc phòng, đã đóng vai trò to lớn đối với thắng lợi của những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập và sự cường thịnh của dân tộc ta. Trong từng thời kỳ lịch sử, với mỗi triều đại, sự kết hợp kinh tế - quốc phòng được thực thi ở những mức độ khác nhau. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, thì kết hợp kinh tế với quốc phòng luôn luôn được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, thì vấn đề kết hợp kinh tế - quốc phòng phải mang những nội dung và sắc thái mới.

        Theo tôi, hiện nay quan điểm cơ bản, quyết định toàn bộ chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng là: giải quyết tốt tương quan giữa lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh, đảm bảo cho mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là. một bước tăng trưởng quốc phòng; chủ động ngăn ngừa và loại trừ ngay từ đầu mưu toan của các thế lực bên ngoài lợi dụng hoạt động sản xuất kinh doanh để lấn át ta về chính trị - xã hội; nhưng cũng không vì quá cực đoan mà gây cản trở giao lưu, phát triển kinh tế.

        Quan điểm này bắt nguồn từ sự thống nhất biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược hiện nay của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam là tiền đề để xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội là cơ sở tạo nên sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc.

        Theo quan điểm này thì các lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là quân đội phải được xây dựng thích hợp với tình hình và cơ cấu kinh tế mới có thể vừa từng bước ổn định và đổi mới trang bị kỹ thuật, vừa góp phần tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế, tham gia thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở những lĩnh vực có điều kiện nhất theo sự phân công của Nhà nước.

        Kết hợp kinh tế với quốc phòng trong giai đoạn hiện nay phải thật cụ thể, linh hoạt trong từng lĩnh vực, từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở để thực hiện được ba mục tiêu: ổn định và nâng cao mức sống của nhân dân, tích lũy để phát triển và bảo đám quốc phòng - an ninh.

        Kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ lớn lao của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó, ở vào giai đoạn hiện nay, quân đội phải là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thì tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài của những người lính. Quân đội phải tranh thủ thời gian, khai thác tiềm năng to lớn của mình, của các địa phương để làm kinh tế, tăng gia sản xuất, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhu cầu nuôi quân và cùng chính quyền, nhân dân địa phương xây dựng hậu cần tại chỗ, tăng cường sức mạnh kinh tế và quốc phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:53:24 am »


        Kết hợp kinh tế - quốc phòng với các cơ sở công nghiệp quốc phòng là ngoài sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu quốc phòng, cần phải triệt để tận dụng công năng trang thiết bị kỹ thuật để làm ra những mặt hàng tiêu dùng. Đây là định hướng sản xuất lâu dài rất quan trọng của những cơ sở công nghiệp quốc phòng. Vì vậy, trong định hướng đầu tư về trang bị kỹ thuật cũng phải tính đến tính năng lưỡng dụng của máy móc, thiết bị.

        Các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đều có thể bố trí lực lượng, thời gian để tăng gia sản xuất xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch, để cải thiện đời sống cho bộ đội và tăng cường thế trận hậu cần - thế trận chiến tranh nhân dân trên từng địa bàn.

        Lực lượng khoa học kỹ thuật của quân đội, các cơ sở nghiên cứu khoa học kinh tế quân sự ngoài nhiệm vụ chính là nghiên cứu phục vụ các nhiệm vụ của quân đội, vẫn có điều kiện và khả năng kết hợp phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

        Là một bộ phận nằm trong hệ thống kinh tế của quốc gia, các hoạt động kinh tế của quân đội cũng phải được quy hoạch, quản lý và phải được vận hành theo đúng đường lối kinh tế của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu thực hiện tốt, hiệu quả kết hợp nhiệm vụ xây dựng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với lao động sản xuất xây dựng kinh tế, quân đội sẽ trở thành một trường học lớn của thế hệ trẻ - nơi đào luyện những chiến sĩ kiên cường sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vừa là những người lao động có kiến thức nghề nghiệp, có trình độ tay nghề cao những nhà kinh tế giỏi.

        Với những suy nghĩ trên, ngay từ những ngày đầu được Đảng, Chính phủ giao gữa các chức vụ quan trọng của Bộ Quốc phòng, tôi đã đưa vấn đề quân đội phải làm kinh tế ra bàn bạc trong tập thể lãnh đạo Bộ. Một thực tế là không phải ngay từ đầu đã có sự thống nhất. Có một số anh không đồng tình, cho rằng làm kinh tế là đi buôn, và quân đội là tuyệt đối không được đi buôn. Nhưng dần dà, các anh ấy cũng nhận chân vấn đề, làm kinh tế không đơn thuần là đi buôn; san xuất làm ra vật phẩm, hàng hóa xã hội không phải là đi buôn và quân đội làm kinh tế không phải là kinh tế đơn thuần.

        Nhân nói tới vấn đề này, tôi nhớ lại một câu chuyện nhỏ mà tôi từng chiêm nghiệm vào thời đất nước khởi đầu công cuộc đổi mới, các thành phần kinh tế “bung ra”, một số đơn vị quân đội kết hợp làm kinh tế. Lúc đó, tôi đang là Tư lệnh Quân khu 3. Thi thoảng vào ngày chủ nhật, nếu không vướng công việc gì đó, tôi lại bận thường phục “vi hành” ra chợ hoặc phố thị Kiến An, đôi khi ra các thôn xóm vùng ven. Hòa mình vào phố xá, thôn xóm, đặc biệt là “văn hóa chợ”, chúng ta học được rất nhiều điều. Trong một lần từ chợ Kiến An về cơ quan quân khu, rảo bước sau ba phụ nữ, tôi đã chứng kiến một cuộc “luận chiến” rất lý thú.

        Một chị, vợ một sĩ quan quân đội, tỏ vẻ phàn nàn chồng độ này phải đưa bộ đội đi làm âu tàu, phục vụ xây dựng Nhà máy đóng tàu Phà Rừng, vừa vất vả lại nhếch nhác chẳng nền nếp, chính quy chút nào. Theo chị, thì nhiệm vụ của bộ đội trong thời chiến là đánh giặc; thời bình tập trung huấn luyện, xây dựng chính quy; không làm kinh tế, bệ rạc lắm…

        Chị thứ hai cũng là vợ sĩ quan - chắc ở một nhà máy quốc phòng, phản ứng khá gay gắt: Bệ rạc là bệ rạc thế nào? Nhà em bảo nếu nhà máy của anh ấy không “bung ra” làm kinh tế thì khác gì cái xác không hồn. Máy móc hiện đại, nhưng hòa bình rồi chăng nhẽ cứ làm mã. súng đạn, trong khi cán bộ, công nhân lại đói - phải làn ra cái để nuôi dạ dày đã chứ!…

        Chị thứ ba, chắc là gia đình thuần nông, thủng thẳng chêm vào: Chị nói chị phải, em nói em hay, ha. người đều có lý, nhưng tôi nghiệm điều cha ông ta đúc kết từ hàng nghìn năm, nó liên quan đến hạt thóc củ khoai hằng ngày là “thực túc, binh cường”. Muốn chính quy, hiện đại gì thì cũng phải no, đủ cái đã, có no thi mới mạnh… và muốn no đủ thì chẳng có cách gì ngoài: làm kinh tế.

        Vậy là hai trong số ba người đồng ý là bộ đội phải lần kinh tế. Khổng Tử dạy, đại ý: nếu gặp ba người ở ngoài đường thì thế nào cũng có một người là thầy của ta. Cảm ơn những thôn nữ, những người tưởng như chẳng mấy khi ra khỏi rặng tre làng, nhưng đã có những chính kiến rõ ràng trước những điều “quốc gia đại sự”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:32:15 pm »


*

*       *

        Một thực tế hiện nay là nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng của ta được trang bị máy móc tương đối hiện đại, nhưng không phát huy hết công năng, bởi hằng năm, nhu cầu sản xuất hàng quốc phòng chỉ cần tới 10% công suất. Máy móc “đắp chiếu” quanh năm, còn cán bộ, công nhân thiếu việc làm, thu nhập thấp. Lãng phí về trang thiết bị và lãng phí lao động rất lởn. Nhiều cán bộ kỹ thuật, thợ tay nghề bậc cao tìm đường chuyển ra các doanh nghiệp ngoài quân đội.

        Trong lịch sử, quân đội ta cũng đã có những bài học thấm thía về thiếu tầm nhìn. Ví như, vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, miền Bắc có hòa bình, quân đội cho chuyển ngành ra ngoài hàng loạt công nhân quân giới, vì vậy khi chiến tranh xảy ra, các nhà máy quân giới thiếu nhân lực trầm trọng. Để tránh đi vào “vết xe” cũ, chủ động trong mọi tình huống, chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ, từ trong thời bình nguồn lực đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng nếu chiến tranh xảy ra. Và để không những duy trì mà còn phát triển nguồn lực đó cả về số lượng lẫn chất lượng, chúng ta phải phát huy thế mạnh của các cơ sở công nghiệp quốc phòng để sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống - làm kinh tế.

        Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - kinh tế trong thời kỳ mới, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo xây dựng tổ chức biên chế Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và kinh tế - cơ quan tham mưu và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trong quân đội. Chúng tôi cũng chỉ đạo cho chấn chỉnh sắp xếp lại các đơn vị làm kinh tế. Cuối năm 1999, Cục Kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng chính thức được thành lập, có chức năng tham mưu tổng hợp giúp Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ lao động sản xuất làm kinh tế của quân đội; giúp Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh tế quốc phòng, doanh nghiệp kinh tế…, các khu kinh tế quốc phòng…

        Thời gian tôi đảm trách chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đảng ủy Quân sự Trung ương đã tập trung nghiên cứu, ban hành chỉ thị, nghị quyết quan trọng chỉ đạo quân đội làm kinh tế, điển hình là Chỉ thị 103/CT-ĐUQSTW (ngày 23 tháng 5 năm 1998) về việc sắp xếp, tổ chức lại doanh nghiệp trong quân đội; Nghị quyết 150/NQ-ĐUQSTW (ngày 1 tháng 8 năm 1998) về quân đội tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược. Và tiếp đó, là Nghị quyết số 71/NQ-ĐUQSTW về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trong thời kỳ mới - tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao doanh nghiệp nhà nước…

        Hơn hai mươi năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên mặt trận sản xuất và xây dựng kinh tế. được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương, sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, lực lượng quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã trưởng thành không ngừng. Các doanh nghiệp quân đội đã đứng vững, phát triển trong sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường; đặc biệt các doanh nghiệp quân đội đã thế hiện sức mạnh của mình trên những địa bàn chiến lược trọng yếu.

        Thành tựu của quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế được thể hiện ở những nội dung sau:

        - Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh,

        giải quyết những khó khăn của đất nước.

        - Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã góp phần gìn giữ năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao năng lực chiến đấu cho quân đội.

        Minh chứng cho điều này có thể kể đến một số doanh nghiệp đã tạo nên năng lực sản xuất mới với trình độ công nghiệp tiên tiến như Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam, bằng vốn tự tích lũy qua sản xuất kinh doanh đã trang bị cho mình hàng chục chiếc máy bay trực thăng thuộc loại hiện đại nhất nhì thế giới. Liên hiệp Xí nghiệp Ba Son, Công ty 189, các công ty Hồng Hà, Hải Long, Sông Thu… chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đóng được tàu chiến, tàu hàng có trọng tải lớn, tàu cao tốc (chúng tôi chủ trương quân đội tự đóng mới tàu có trọng tải từ 300 tấn trở xuống). Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tự nâng cấp cầu cảng, mua sắm các trang bị bốc xếp hiện đại, hay Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) đã làm chủ được công nghệ viễn thông hiện đại - là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của đất nước trên lĩnh vực viễn thông… Trang thiết bị hiện đại của những doanh nghiệp nêu trên không chỉ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà khi chiến tranh xảy ra, thì đây là lực lượng quan trọng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Cũng có thể kể đến các nhà máy Z113, Z121, Z131, Z115, Z125…, không những bảo đảm sản xuất vũ khí khí tài phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn chủ động vươn ra thị trường sản xuất hàng dân dụng, thuốc nổ công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế khá…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:33:16 pm »


        - Quân đội sản xuất xây dựng kinh tế thực sự trở thành một nguồn lực của đất nước để giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội trên các địa bàn chiến lược; xây dựng nên các vùng kinh tế - quốc phòng, các trung kinh tế- dân cư - xã hội - an ninh biên giới và trên các địa bàn chiến lược.

        - Quân đội làm kinh tế tạo nguồn thu cho ngân sách, cải thiện đời sống bộ đội. Hiện nay, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp của quân đội đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 5.400 tỷ đồng. Đây là một đóng góp đáng ghi nhận của những người lính cho đất nước. Cùng với các doanh nghiệp, các đơn vị thường trực cũng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đẩy mạnh hoạt động kinh tế bằng nhiều hình thức để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bộ đội cả về vật chất lẫn tinh thần.

        Sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại, nhiều doanh nghiệp quân đội đã có những bước tiến vững chắc trong sản xuất kinh doanh, trong tiến trình hội nhập của đất nước. Ngoài những nhà máy Z113, Z115, Z121, Z131…, Công ty 28, Công ty 20, Tổng công ty xăng dầu quân đội đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho quân đội huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hiện nay quân đội có trên 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản hoạt động có hiệu quả. Điển hình là Tổng công ty Trường Sơn, các công ty Lũng Lô, Vạn Tường, Công ty 789, Công ty 36 thuộc Tổng công ty Thành An…

        Điển hình về sản xuất nông - lâm nghiệp có Tổng công ty 15 và Tổng công ty 16 đứng chân ở địa bàn Tây Nguyên - nam Tây Nguyên.

        Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) do anh Hoàng Anh Xuân làm Tổng giám đốc, anh Hùng, anh Tính, anh Dũng… làm Phó tổng giám đốc, từ một doanh nghiệp chưa có tên tuổi trong “làng” viễn thông Việt Nam, nhưng với tầm nhìn xa, có quyết sách đúng, hoạch định chiến lược công nghệ và chiến lược kinh doanh chính xác, chỉ sau 7-8 năm đã đạt tốc độ phát triển như vũ bão, tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước, chiếm 25 phần trăm thị phần toàn ngành. Viettel trở thành một trong những doanh nghiệp viễn thông lớn nhất tại Việt Nam và đang “phủ sóng” sang một số quốc gia láng giềng.

        Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam do anh Phạm Viết Thích (nay là anh Hà Tiến Dũng) làm Tổng giám đốc anh Mùi, anh Hòa… làm Phó tổng giám đốc, với chủ trương phát huy cao độ nội lực và tranh thủ hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ thuật, công nghệ quản lý tiên tiến, sau 20 năm thành lập đã làm chủ được kỹ thuật bay dịch vụ dầu khí, cứu hộ cứu nạn; làm chủ hoàn toàn thị trường bay dầu khí trong nước và đang vươn ra thị trường quốc tế. Đội bay của Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam được xếp vào loại mạnh nhất trong khu vực, có uy tín trên thế giới; sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao.

        Tổng công ty Đông Bắc là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khoáng sản - chủ yếu là than, luôn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Sản lượng than do Tổng công ty khai thác hằng năm thường chiếm 1/10 sản lượng toàn ngành than Việt Nam; doanh thu và đóng góp cho ngân sách Nhà nước luôn ở mức cao.

        Công ty Tân cảng Sài Gòn là một điển hình của tầm nhìn xa, có chiến lược sản xuất kinh doanh đúng. Công ty đã mạnh dạn đầu tư các công nghệ hiện đại, đón đầu làm chủ hoàn toàn kỹ thuật, công nghệ mới, cải cách triệt để công nghệ quản lý, xứng đáng là một trong những cảng côngtenơ quan trọng nhất của Việt Nam. Hiện nay, công ty là nhà khai thác cảng biển hàng đầu của Việt Nam, chiếm trên 64 phần trăm thị phần xuất nhập khẩu côngtenơ của thành phố Hồ Chí Minh, trên 42 phần trăm thị phần cả nước; trong đó cảng Cát Lái đứng thứ 38 trên thế giới về sản lượng hàng thông qua cảng…

        Còn rất nhiều doanh nghiệp quân đội sáng danh, mà tôi rất cảm mến, tin tưởng về ý chí, nghị lực, trí tuệ của những người lính trên thương trường…, nhưng vì khuôn khổ của tập hồi ký cá nhân, tôi không nêu hết được.

        Người đời thường ví “thương trường như chiến trường”. Các chiến binh của chúng ta khẳng định được vị thế trên thương trường, phát triển vững chắc trong lộ trình hội nhập của đất nước cũng đều xứng đáng là anh hùng và đáng được tôn vinh, ngưỡng mộ.

        Nhìn toàn cục, đến nay, hầu như không có lĩnh vực then chốt nào của nền kinh tế quốc dân không có mặt các doanh nghiệp quân đội. Từ giao thông, thủy lợi, thủy điện, xây dựng, khai thác mỏ, cơ khí, đóng tàu công nghệ thông tin - viễn thông, bay dịch vụ, đến nông - lâm ngư nghiệp đều có dấu ấn của người lính. Bàn tay, khối óc, ý chí của những người lính Cụ Hồ đã góp một phần dù rất khiêm tốn làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:33:58 pm »


*

*       *

        Một trong những vấn đề tôi hết sức tâm đắc về kết hợp kinh tế với quốc phòng và cũng được các anh trong Đảng ủy Quân sự Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng thuận, chỉ đạo giải quyết tốt là xây dựng các Khu kinh tế quốc phòng.

        Xuất phát điểm, hay sự gợi mở về những vùng kinh tế quốc phòng trong tư duy của tôi là vấn đề xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh ở miền biên giới. Trong chiến tranh hay quãng thời gian khá dài chiến đấu, công tác ở cấp phân đội, chiến thuật, tôi chưa có điều kiện mở rộng tầm nhìn. Sau này, khi lên cấp quân khu rồi giữ cương vị Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có điều kiện đi đây đó, giúp tôi xâu chuỗi, góp nhặt được nhiều vấn đề. Có một điều trái ngược giữa ta với một số nước láng giềng là ở ta, địa bàn dọc theo biên giới quốc gia trừ một số thị trấn vùng biên, vùng đồng bằng tập trung mật độ vừa phải dân cư, còn lại đa phần là những vùng “rừng không dân”; dọc theo biên giới rộng chừng năm đến bảy cây số rất thưa hoặc không có dân. Trong khi đó ở Thái Lan, Malalxia… dân cư của họ dọc đường biên đông đúc, cảnh tình sầm uất. Tôi cũng đã nghiên cứu chiến lược “biên giới mềm” của Trung Quốc và Thái Lan. Từ đó, thường trực trong ý nghĩ của tôi là phai nhanh chóng đưa dân ra sát đường biên. Lực lượng bảo vệ mốc chủ quyền vững chắc nhất, không ai khác là nhân dân. “Chúng chí thành thành”, cha ông ta tự bao đời đã đúc kết như vậy! Chỉ có ý chí, quyết tâm của người dân là thành trì giữ nước vững chắc nhất.

        Về tổng thể, nước ta có trên 4.500 cây số đường biên giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia. Địa hình khu vực đường biên chủ yếu là núi non hiểm trở. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào miền núi, khu vực biên giới - vùng chiến khu trước đây mặc dầu đã được cải thiện nhưng còn rất khó khăn, tỷ lệ đói nghèo phổ biến trên 25 phần trăm, có vùng lên đến 60-70 phần trăm. Về quốc phòng - an ninh, địa bàn giáp biên giới thường diễn biến phức tạp, nhất là Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ. Khu vực biên giới phía Bắc vào thập niên 80 thế kỷ trước, có những vùng “trắng” dân, có nơi thậm chí không đủ dân để tổ chức các đơn vị hành chính.

        Phải biến những “vùng rừng không dân” nơi biên cương Tổ quốc thành những vùng kinh tế quốc phòng, tổ chức cho quân đội và nhân dân xây dựng những nông - lâm trường ở những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, làm nền tảng cho thế trận quốc phòng - an ninh ở những địa bàn đó, là điều nung nấu, trăn trở và quyết tâm lớn của chúng tôi. Đã có nhiều cuộc bàn bạc, trao đổi giữa tôi, anh Rinh, anh Phùng Quang Thanh,… khi thì hội họp có tính chất “chính trường”, khi thì trao đổi hằng ngày trong quan hệ công tác. Điều phấn khởi là bàn ở khía cạnh nào cũng có sự đồng thuận.

        Từ kinh nghiệm xây dựng vùng kinh tế quốc phòng ba xã (Thán Phún, Pò Hèn, Lục Phủ) vùng biên Tịnh Tường, Bình Liêu, Quảng Ninh, và tìm hiểu truyền thống tiên phong, luôn đương đầu với gian khổ khó khăn, “khai sơn phá thạch” của quân đội, chúng tôi chủ trương phải đưa bộ đội ra trước khai khẩn đất đai, trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng bước đầu, sau đó mới đón dân ra.

        Ngược dòng lịch sử của quân đội, chúng ta thấy, trong hơn nửa thế kỷ qua, mặc dù phải trải qua ngót bốn mươi năm đánh Pháp, đánh Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, nhưng về xây dựng những vùng kinh tế quốc phòng, quân đội ta đã có những bước đi rất cơ bản và có những đóng góp lớn lao cho đất nước.

        Năm 1956, vừa bước ra từ khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân phục chưa nhạt mùi thuốc súng, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội đã được cử đến những vùng xa xôi, héo lánh, nơi biên cương Tổ quốc để khai khẩn xây dựng nông trường; biến những vùng đất hoang sơ thành những nông trường rộng lớn, trù phú. Các nông trường Điện Biên (Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La), Đông Hiếu, Tây Hiếu (Nghệ An), Bình Minh (Ninh Bình)… là những điểm sáng về kinh tế, dân cư xã hội, an ninh - quốc phòng.

        Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, các đoàn kinh tế - quốc phòng với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ đã được thành lập ở miền Tây - miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, biên giới phía Bắc. Với bàn tay, khối óc, ý chí của người lính mà nhiều vùng trồng lúa mới ở tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng trồng cao su, cà phê ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… đã nhanh chóng định hình, đón hàng vạn hộ đồng bào khắp mọi miền đất nước đến định cư lập nghiệp và ổn định, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:34:23 pm »


        Trên cơ sở hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của việc tổ chức các khu kinh tế quốc phòng và yêu cầu xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ một kế hoạch tổ chức hệ thống các khu kinh tế quốc phòng trong cả nước. Tôi và anh Rinh đã nhiều lần trực tiếp cùng các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh các quân khu, binh đoàn khảo sát thực địa, nghiên cứu xây dựng dự án các khu kinh tế quốc phòng và báo cáo Thủ tướng Phan Văn Khải, các Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề này, đều được các anh ủng hộ và đánh giá cao chủ trương của Bộ Quốc phòng. Theo đó, ngày 31 tháng 7 năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định 135/QĐ-TTG, phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn ở miền núi và vùng sâu vùng xa. Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng các vùng kinh tế mới đỡ đầu, đón nhận, xóa đói giảm nghèo cho trên mười vạn hộ dân đến lập nghiệp ở những vùng còn hoang hóa, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển.

        Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1 tháng 8 năm 1998, Hội nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương được triệu tập kịp thời ra Nghị quyết 150/NQ-ĐUQSTW “Về việc quân đội tham gia lao động sản xuất làm kinh tế, phát huy vai trò nòng cốt, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược”.

        Để tổ chức thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, ngày 22 tháng 8 năm 1998 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng và triển khai thực hiện các dự án kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an nính trên các địa bàn chiến lược - gọi tắt là Ban chỉ đạo 150. Trưởng ban chỉ đạo là anh Nguyễn Văn Rinh - Thứ trưởng. Phó trưởng ban có các anh Trần Đức Việt - Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và kinh tế, Lê Văn Hân - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Nguyễn Biên Thùy - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Đặng Vũ Liêm - Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng.

        Đi vào thực hiện chương trình, tôi đã cùng Ban chỉ đạo 150 tập trung nghiên cứu khu kinh tế quốc phòng của Binh đoàn 15 (được xây dựng từ năm 1985 trên ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc) và khu kinh tế - quốc phòng của Binh đoàn 16 - mới hình thành ở Đắc Lắc, Đắc Nông; đồng thời chỉ đạo Cục Kinh tế, Cục Kế hoạch đầu tư, Cục Tài chính tập trung khảo sát tổng thể, nắm toàn bộ trực trạng các khu kinh tế - quốc phòng trong cả nước và những địa bàn còn trống, dự trù mọi yếu tố lực lượng, tài chính để đưa vào quy hoạch xây dựng các khu mới. Từ năm 2000, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các địa phương xây dựng đề án trình Chính phủ cho phép xây dựng 12 khu kinh tế - quốc phòng và được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định 277/2000/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 3 năm 2000). Sau đó. do những tình hình ở một số khu vực biên giới - đặc biệt là vụ bạo loạn chính trị đầu năm 2001 tại Tây Nguyên, mà ở đó, Binh đoàn 15 với khu kinh tế quốc phòng trải dài trên ba tỉnh, đã góp phần quan trọng ổn định tình hình, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2002/QĐ-TTg (ngày 21 tháng 3 năm 2002) bổ sung thêm 5 khu kinh tế quốc phòng và mở rộng 2 khu kinh tế quốc phòng đã có. Tiếp đó, để kiểm soát hoạt động ngày càng phức tạp của lực lượng phỉ (Lào) tại khu vực tây bắc Thanh Hóa và xây dựng căn cứ công nghiệp quốc phòng phía Nam, Chính phủ phê duyệt đề nghị của Bộ Quốc phòng triển khai thêm 2 khu kinh tế quốc phòng, một ở Quân khu 4 và một ở Quân khu 7.

        Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Bộ Quốc phòng đã và đang xây dựng 21 khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược từ biên giới phía Bắc đến Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trong số đó, có những khu đã định hình về cơ bản, phát huy hiệu quả trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

        Chọn những địa bàn đặc biệt khó khăn, trống dân, thưa dân, địa bàn nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo dọc biên giới, những căn cứ kháng chiến cũ… để xây dựng khu kinh tế quốc phòng, mục đích của chúng tôi nhằm phát triển kinh tế - xã hội các vùng dự án. Sau khi hoàn chỉnh về cơ bản khâu cơ sở hạ tầng các vùng dự án: điện, đường, trường, trạm, sẽ đón các hộ dân từ miền xuôi những vùng đất chật người đông lên sinh cơ lập nghiệp; góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, từ đó xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh những vùng có tầm quan trọng chiến lược. Ở một khía cạnh khác, đây là cách đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Chính phủ và quân đội đối với đồng bào ở những vùng căn cứ kháng chiến cũ…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:35:10 pm »


        Để đạt được mục đích đó, trong mười năm qua, ngoài đầu tư về lực lượng - bố trí hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, trong đó có đội ngũ cán bộ năng lực tốt, đầy nhiệt huyết, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã đầu tư trực tiếp và gián tiếp cho các khu kinh tế quốc phòng gần 1.500 tỷ đồng. Để rồi, với bàn tay, khối óc, nhiệt huyết của những người lính Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất, làm kinh tế, cộng với những đồng tiền, bát gạo của Nhà nước, nhân dân; các khu kinh tế quốc phòng đã có được cơ sở hạ tầng ban đầu đáng khích lệ: đã xây dựng hoàn thành trên 240.000m2 nhà ở cho bộ đội, trên 1.000 cây số đường giao thông, 75 cầu bê tông và cầu treo với trên 1 000m chiều dài, tổ chức 121 bản định cư mới, 37 bệnh xá quân dân y kết hợp, 100 lớp học, gần ba chục nhà trẻ, mẫu giáo, 36 công trình cấp điện sinh hoạt, 142 công trình cấp nước sạch, trên 22.000m2 chuồng trại chăn nuôi, gần ba chục héc-ta trại cây giống, 6 trạm thủy điện, trên 130 công trình thủy lợi lớn nhỏ tưới cho trên 6.000 héc-ta đất nông - lâm nghiệp… Các công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đã mang sức sống cho các khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa - đặc biệt khó khăn, thông qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cơ cấu lại dân cư tại các vùng kinh tế chậm phát triển.

        Về sản xuất, các khu kinh tế quốc phòng trực tiếp tổ chức sản xuất như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 đã khai hoang trồng được trên 26.000 héc-ta cao su (trong đó có hơn 20.000 héc-ta cao su đang thời kỳ cho sản phẩm), trên 3.800 héc-ta cà phê, hơn 10.000 héc-ta điều cao sản; trên 200 héc-ta lúa nước. Lợi nhuận thu được qua sản xuất hằng năm đạt trên 25 tỷ đồng.

        Dẫu còn những khó khăn ở buổi “khai sơn phá thạch”, ví như ở Binh đoàn 16 - hàng nghìn héc-ta điều đang chống chọi với những thách đố dữ dằn, nghiệt ngã của điều kiện tự nhiên vùng rừng Nam Tây Nguyên, nhưng hiệu quả ban đầu là tích cực.

        Các khu kinh tế quốc phòng không trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung, đã giúp dân khai hoang, cải tạo đồng ruộng, làm lúa nước, quy hoạch đồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò…

        Vào thăm khu kinh tế quốc phòng ở A So - A Lưới, tây Thừa Thiên - Huế, của Quân khu 4, tôi được bà con dân tộc ít người ở đây hồ hởi bày tỏ: Nhờ bộ đội mà chúng tôi đổi đời, biết được nhiều thứ. Trước đây làm nương chỉ biết chọc lỗ, tra hạt, nay đã biết cày bừa, làm lúa nước. Ngược lên biên giới phía Bắc đến khu kinh tế quốc phòng Bảo Lâm - Bảo Lạc (Cao Bằng), thấy đàn bò của bà con được dự án đầu tư giống vốn, phát triển mạnh; đời sống người dân bớt đi phần nào thiếu thốn, nhọc nhằn…, càng củng cố trong tôi niềm tin vào tính hiệu quả, sức sống của những khu kinh tế quốc phòng.

        Một trong những thành quả đáng kể nhất của các khu kinh tế quốc phòng là đã góp phần ổn định bố trí cơ cấu dân cư. Từ năm 1999 đến 2007, tại 19 khu kinh tế quốc phòng và 3 khu lấn biển, đã thực hiện di dân, sắp xếp ổn định dân, xây dựng được hàng trăm cụm làng bản, tạo nên vành đai quốc phòng - an ninh dọc các tuyến biên giới. Các thị trấn đông đúc, trù phú, như thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ (Gia Lai), hay Bình Minh (Ninh Bình)… đều có sự đóng góp tích cực từ việc xây dựng các khu kinh tế quốc phòng.

        Từ năm 1999 đến nay, các dự án khu kinh tế quốc phòng đã đỡ đầu, đón nhận trên 56.000 hộ dân đến sinh cơ lập nghiệp; sắp xếp ổn định tạo việc làm cho trên 25.000 hộ dân trong khu vực, trong đó có trên 7.100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và gần 7.000 hộ gia đình cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng. Đóng vai trò chủ đạo trong việc góp phần ổn định dân cư là Binh đoàn 15 và Binh đoàn 16.

        Binh đoàn 15, anh Nguyễn Xuân Sang làm Tư lệnh, do thành lập sớm, có được cơ nghiệp bề thế, thuận lợi hơn, nên đã đỡ đầu, đón nhận được trên 23.000 hộ, trong đó có trên 14.000 hộ trong vùng dự án, trên 5.000 hộ gia đình cán bộ, chiến sĩ và trên 4.300 hộ đồng bào dân tộc ít người được sắp xếp việc làm ổn định.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM