Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:32:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44572 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 08:57:42 am »


        Qua những lần đi thực địa ở quần đảo Trường Sa, điều làm cho tôi băn khoăn, trăn trở nhất là đến đảo nào cũng thấy trơ trụi chỉ có cát và đá, san hô. Con người cứ trụi trần bốn mùa, suốt ngày đêm chống chọi với bão tố, gió và cát… Phải đưa “sự sống”, đưa màu xanh ra đảo. Với ý tưởng đó, tôi bàn với các anh bên Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, để cải tạo môi trường sống ở các đảo. Tôi cũng gợi ý nên đào những hố sâu trên cát ở đảo, sau đó đưa đất màu từ đất liền ra để trồng cây. Khởi đầu là những hốc cây cảnh, từng luống rau chừng vài mét vuông. Sau này, mỗi năm ta chuyến ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hàng nghìn tấn đất. Cứ thế, “góp gió thành bão”. Có đất, có nước là có sự sống. Những luống rau, vườn rau của đảo ra đời, được chiến sĩ ta bón chăm tươi tốt, mang lại màu xanh cho đảo, và cuộc sống của những người tỉnh nơi đảo xa cũng bớt đi sự khô khan, cằn cỗi.

        Ra thị sát ở Trường Sa, tôi lại chứng kiến cảnh nhiều anh em sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp - chủ yếu là y bác sĩ, nhân viên cơ yếu bám trụ lâu dài trên đảo lâu năm, không được chuyển vùng, không có điều kiện học hành nâng cao trình độ chuyên môn. Từ kinh nghiệm luân chuyển cán bộ ở Quân khu 3 thời tôi làm Tư lệnh quân khu, tôi đề nghị Thủ trưởng Bộ thực hiện chế độ luân chuyển đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ ở các đảo Theo đó, phần lớn y - bác sĩ, nhân viên cơ yếu và nhiều sĩ quan sau ba năm công tác ở đảo sẽ được chuyển về đất liền, và các cơ quan, đơn vị ở đất liền hằng năm đều tuyển chọn cán bộ để tăng cường cho các đảo. Việc làm này ngày một đi vào nền nếp, và theo tôi đạt được hiệu quả trên nhiều mặt. Cán bộ - đặc biệt là cán bộ chuyên môn kỹ thuật có điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời qua luân chuyển mà thực hiện được chính sách đối với cán bộ, tạo được động lực, niềm hứng khởi cho số anh em nhận nhiệm vụ công tác ở đảo.

        Một trong những vấn đề buộc tôi phải để tâm suy nghĩ nhiều khi đi thực địa ở Trường Sa là trước đó, khi tổ chức phòng thủ đảo, ta đã cho xây dựng hệ thống lô cốt nổi tiền tiêu ở các đảo. Xây dựng được một lô cốt tiền tiêu nơi đảo xa là rất vất vả, tốn kém; nhất là công vận chuyển nguyên vật liệu từ đất liền ra đảo; phải nghiên cứu chọn sắt thép, xi măng chống nước mặn… Nhưng thực tế, theo tôi là ít hiệu quả, nếu không nói là gần như vô tác dụng.

        Khi tôi nêu ý kiến bỏ hệ thống lô cốt tiền tiêu, chỉ nên tăng cường vật cản chống đổ bộ, có một số ít anh trong Bộ Tổng tham mưu và Thủ trưởng Bộ không đồng ý thậm chí phản ứng gay gắt. Bằng kinh nghiệm thực tế và qua nghiên cứu tài liệu tổng kết của ta, tôi dẫn giải để các đồng chí thấy rằng trong kháng chiến chống Mỹ đối với các đảo nhỏ, khi địch tiến công nếu ta phòng ngự đông, rất dễ thương vong lớn và khi đó, bộ đội rất dễ mất tinh thần, tư tưởng dao động, mất sức chiến đấu. Theo tôi, trong tác chiến phòng thủ hiện nay đối với các đảo, nên tính tới phương án giảm số lượng, tăng chất lượng, quân “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Người chiến sĩ ngoài bản lĩnh vững vàng, phải tinh thông, đa năng; có thể sử dụng được nhiều loại vũ khí hiện đại; mặt khác phải chú trọng tăng cường hệ thống công sự, hầm hào và hỏa lực trên các đảo; phòng ngự có chiều sâu. Đây là vấn đề lớn, phải có kế hoạch lâu dài. Riêng ý kiến của tôi đề nghị bỏ hệ thống lô cốt nổi tiền tiêu ở các đảo đã được Bộ trưởng Đoàn Khuê chấp thuận. Lượng nguyên vật liệt. để xây lô cốt nổi, chúng tôi cho tập trung xây dựng hệ thống công sự trên đảo. Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Cục Tác chiến phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Công binh nghiên cứu xây dựng các công trình lâu bền và bố trí hỏa lực tăng cường ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng nhà cao chân ở khu vực Ba Kè, Phúc Tần và hệ thống công sự trên các đảo nổi là những công trình trọng điểm được đầu tư lớn. Hằng năm vào mùa biển lặng, ít bão tố, tôi thường cùng cán bộ Cục Tác chiến, Bộ Tư lệnh Công binh, Hải quân ra các đảo kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của bộ đội; kiểm tra việc thi công và chất lượng các công trình chiến đấu.

        Xây dưng kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, là một trong những nội dung trọng yếu của công tác tác chiến chiến lược lúc này. Trước tình hình biến động ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, đặc biệt là sau vụ bạo loạn ở Bắc Kinh - Trung Quốc, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Cục Tác chiến nhanh chóng triển khai kế hoạch phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ tại các thành phố lớn, đồng thời xác định đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và phải được kết hợp chặt chẽ với việc sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 08:58:57 am »


        Ngày 23 tháng 12 năm 1993, Bộ Tổng tham mưu ban hành Chỉ thị số 94/CT-TM “Bổ sung về thực hiện nhiệm vụ phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ trước tình hình mới”. Trong chỉ thị này, chúng tôi đã dự kiến khả năng sắp tới Mỹ sẽ bỏ cấm vận đối với Việt Nam (thực tế thì ngày 3 tháng 2 năm 1994, Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận thương mại và ngày 11 tháng 7 năm 1995 tuyên bố xóa bỏ cấm vận đối với Việt Nam).

        Với việc xây dựng kế hoạch phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; nghiên cứu về tổ chức biên chế, trang bị, huấn luyện, biên tập, quân đội đã cùng lực lượng an ninh góp phần quan trọng giữ gìn an ninh chính trị - xã hội, phát triển kinh tế đất nước.

        Việc xây dựng kế hoạch phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lúc đầu không phải đã có được sự đồng thuận tuyệt đối. Không ít người cho rằng ở ta làm gì có bạo loạn mà chống! Họ cho rằng: với bản chất con người Việt Nam, thì phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chỉ là “báo động giả”, là “nguy cơ không có thật”. Có người còn cho rằng chức nàng của quân đội là chống giặc ngoại xâm; chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ là “đá nhầm sân, là chơi bao sân của công an”…

        Phải qua thực tế đấu tranh, điển hình là các vụ đã xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh, như vụ “Đông Xuân khởi nghĩa LH90”, ngày 9 tháng 3 năm 1993 của “Liên đảng cách mạng Việt Nam”, do Hoàng Việt Cường từ Mỹ về định gây rối, đánh phá các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự; kích động nhân dân biểu tình, bạo loạn chiếm đài phát thanh - truyền hình, lật đổ chính quyền (ta phát hiện, dập tắt trước khi chúng hành động, bắt 42 tên, thu nhiều tang vật); vụ gây rối của một số phần tử cực đoan đội lốt phật tử ở Huế ngày 25 tháng 4 năm 1993, hay qua hai vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên (tháng 3 năm 2001 và tháng 4 năm 2004) thì mọi người mới thấy quân đội chẳng “đá nhầm sân” và càng không phải “bảo động giả”!

        Trước bối cảnh tình hình diễn biến phức tạp, Bộ Tổng tham mưu đã cho soạn thảo lại chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu, nhằm đối phó với 5 tình huống, trong đó có bạo loạn vũ trang, sau khi lấy ý kiến của toàn quân và được Thủ trưởng Bộ phê chuẩn đã tổ chức diễn tập cấp quân khu, quân đoàn, quân binh chủng phỏng theo các phương án tác chiến phòng thủ và diễn tập thực nghiệm. Trọng điểm diễn tập chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ là các thành phố lớn, các vùng trọng điểm. Từ năm 1993 đến năm 2005, Bộ đã lần lượt chỉ đạo diễn tập 7 quân khu, 4 quân đoàn trên thực địa về các loại hình chiến lược, trong đó có cả sư đoàn bộ binh trang bị bằng vũ khí mang vác. Trong diễn tập đã gắn quốc phòng với an ninh và kinh tế.

        Sau hơn hai năm giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng, tháng 12 năm 1995, tôi được bổ nhiệm giữ chức Tổng tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thay anh Đào Đình Luyện trên cương vị Tổng tham mưu trưởng. Lúc này anh Luyện vẫn giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Vài tháng sau, ngày 4 tháng 3 năm 1996, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 989/NQ-TW, chỉ định tôi giữ chức Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 1 tháng 7 năm 1996) tôi vinh dự được bầu lại làm ủy viên Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tiếp đó, tôi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa X và tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X (ngày 29 tháng 9 năm 1997), tôi được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay anh Đoàn Khuê chuyển nhận nhiệm vụ khác. Người thay tôi giữ chức Tổng tham mưu trưởng là anh Đào Trọng Lịch. Một nỗi buồn và tổn thất lớn của quân đội, chưa tròn 5 tháng giữ chức Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 25 tháng 5 năm 1998, anh Đào Trọng Lịch đã hy sinh bởi tai nạn máy bay trong một chuyến công tác tại nước bạn Lào cùng một số sĩ quan cao cấp.

        Một thời gian sau khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 6 tháng 1 năm 1998, Bộ Chính trị ra Quyết định số 322-QĐNS/TW chỉ định tôi làm Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Cũng thời gian này, tôi được phong quân hàm thượng tướng.

        Trên cương vị Tổng tham mưu trưởng và sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi đã cùng tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương, thân cận là các anh Nguyễn Chơn, Nguyễn Thới Bưng, Nguyễn Trọng Xuyên, Nguyễn Văn Rinh, Phùng Quang Thanh, Lê Văn Dũng… tập trung nghiên cứu điều chỉnh tổ chức biên chế cũng như thế bố trí chiến lược của quân đội cho phù hợp kế hoạch phòng thủ cơ bản trong thời kỳ mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:00:56 am »


        Thời gian này tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới đã có những biến chuyển tốt. Đất nước sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, đã đạt được những thành tựu to lớn, đã qua cơn khủng hoảng kinh tế. Đời sống nhân dân và lực lượng vũ trang khấm khá hơn. Quốc phòng - an ninh được củng cố. Về đối ngoại, lúc này Mỹ đã bỏ bao vây cấm vận, chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chúng ta đã và sẽ là bạn bè, đối tác của các quốc gia láng giềng và trên thế giới. Vẫn biết thế giới đang diễn ra nhiều cuộc xung đột cục bộ về sắc tộc, tôn giáo, nhưng theo chúng tôi thì chiến tranh quy mô lớn sẽ khó có khả năng xảy ra.

        Từ thực tế đó, trong kế hoạch điều chỉnh lực lượng quân đội từ năm 1991-1995, Bộ Quốc phòng chủ trương giảm mạnh quân thường trực, tăng cường xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, thực hiện sự cân đối giữa ba thứ quân; sắp xếp lại hệ thống nhà trường theo hướng đại học hóa đội ngũ sĩ quan và nhân viên kỹ thuật. Bảo đảm trang bị kỹ thuật theo hướng bảo quản, sử dụng những thứ đã có; đồng thời cải tiến, mua sắm, hiện đại hóa một số trang bị kỹ thuật cần thiết.

        Thực hiện được cơ bản kế hoạch tổ chức lực lượng 1991-1995, toàn quân đã có bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên do chúng ta giảm biên dàn đều, nên toàn quân tồn tại tình trạng lỗ đỗ, tổ chức thiếu chặt chẽ. Xuống sư đoàn nào, trung đoàn nào cũng thấy tình trạng rời rạc, thiếu tập trung; huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cũng không “ra tấm ra miếng”, mà tổ chức lao động sản xuất làm kinh tế cũng không ổn. Quân đội đang trên lộ trình xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cộng với thời thế đòi hỏi chúng ta phải có tư duy mới. Trước những vấn đề khá bức xúc qua nắm tình hình tổ chức biên chế của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trong đầu tôi luôn ám ảnh về một mô hình tổ chức quân đội như thế nào cho phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới. Tôi cũng dành thời gian nghiên cứu về binh chế của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn trước đây, rồi tham khảo mô hình tổ chức quân đội một số nước anh em. Những băn khoăn, trăn trở này, tôi đã sẻ chia cùng anh Rinh, anh Hiệu, anh Thanh, anh Dũng,… trao đổi xin ý kiến chỉ đạo của anh Lê Đức Anh… Sau khi có được sự đồng thuận về cơ bản, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh tổ chức biên chế của quân đội.

        Ngày 8 tháng 3 năm 1995, Tổng tham mưu trưởng ra Chỉ thị số 20/CT-TM về “Chấn chỉnh kiện toàn tổ chức biên chế các đơn vị trong toàn quân”. Chỉ thị nêu rõ kế hoạch điều chỉnh lực lượng quân đội từ năm 1996 đến năm 2000 phải đáp ứng được yêu cầu phòng thủ, an ninh, yêu cầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy và nâng cao chất lượng toàn diện cho bộ đội”. Với tinh thần đó, Cục Quân lực, Cục Cán bộ và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức các sư đoàn đủ quân, giảm bớt đầu một số sư đoàn; với những sư đoàn còn lại thì hoặc tổ chức theo mô hình khung thường trực (KTT), hoặc là mô hình khung rút gọn (KRG). Dù là sư đoàn đủ quân hay các hình thức khung tổ chức còn lại, thì lực lượng có trong biên chế phải bảo đảm chất lượng cao, tinh nhuệ, thiện chiến đủ sức bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và là lực lượng tham chiến đầu tiên khi đất nước bị xâm lược. Rút kinh nghiệm của Quân đoàn 2 và một số đơn vị khác trước đây, với mô hình khung thường trực, khung rút gọn, Bộ chỉ đạo phải đảm bảo đủ cán bộ và lực lượng chuyên môn kỹ thuật, để khi chiến tranh xảy ra, chỉ cần bố trí lực lượng chiến đấu động viên vào là có được nhiều sư đoàn đủ quân. Với biểu tổ chức như thế này, khi cần ta có thể có nhiều sư đoàn đủ quân, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc quy mô lớn.

        Tiếp đó, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị nội dung tham mưu giúp Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tổ chức biên chế của quân đội trong giai đoạn mới. Công việc được tiến hành khẩn trương, hiệu quả. Tôi đã trực tiếp trình bày đề án về tổ chức biên chế của quân đội từ năm 2000 đến năm 2010 và những năm tiếp theo, trước tập thể Bộ Chính trị.

        Ngày 28 tháng 11 năm 1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ra Nghị quyết 07/NQ-TW Về tổ chức biên chế của quân đội đến năm 2005. Nghị quyết chỉ rõ: Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính quy và từng bước hiện đại, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đề cập những nội dung cụ thể về tổ chức biên chế, kết hợp giữa tinh giản, nâng cao chất lượng toàn diện bộ đội chủ lực với chú trọng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng đến năm 2005 đủ năng lực sản xuất được các loại vũ khí cơ bản đủ trang bị cho một sư đoàn bộ binh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:01:43 am »


        Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị là cơ sở, là định hướng cơ bản để Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu tiếp tục chấn chỉnh tổ chức biên chế, điều chỉnh lực lượng quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong những năm đầu thiên niên kỷ mới.

        Với đề án tổ chức quân đội từ năm 1996 đến năm 2000, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tính tới phương án sáp nhập Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân, thành lập Cục Cảnh sát biển, lục lượng cảnh sát biển, Trung tâm Cứu hộ cứu nạn Bộ Quốc phòng…

        Thực hiện đề án trên, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, ngày 21 tháng 7 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 531/998/NĐ- CP “Về tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”. Theo Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức, quản lý và điều hành mọi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển. Ngày 31 tháng 8 năm 1998, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chính thức ra mắt, thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều hành hoạt động bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.

        Tiếp đó, ngày 3 tháng 3 năm 1999, Chủ tịch nước ký quyết định hợp nhất Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Vậy là sau hơn hai chục năm (kể từ ngày 30 tháng 5 năm 1977), tách thành hai quân chủng, giờ đây bộ đội phòng không và không quân lại về dưới mái nhà chung. Việc hợp nhất hai quân chủng nằm trong chủ trương của Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương về sắp xếp, tổ chức quân đội có lực lượng tinh gọn, tăng cường chỉ huy thống nhất, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

        Đất nước vào buổi thanh bình, chiến tranh đã lùi xa, nhưng, là Bộ đội Cụ Hồ, chúng ta xác định quân đội luôn thường trực ba nhiệm vụ hàng đầu là: huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất làm kinh tế và vận động quần chúng. Tuy nhiên, dải đất hình chữ S của chúng ta lại đứng nơi đầu sóng ngọn gió, “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”, thiên tai bão lũ triền miên. Vì vậy, hơn ai hết, trong thời bình, quân đội phải và lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phải xem công tác cứu hộ, cứu nạn như nhiệm vụ tác chiến trong chiến tranh. Nghĩ về điều này, tôi nhớ lại vào cuối tháng 9 năm 1955, hồi đó đơn vị chúng tôi đang kỳ huấn luyện xây dựng ở vùng cửa sông Trà Lý - Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình, thì một cơn bão lớn đổ vào vùng châu thổ sông Hồng - tâm bão đi vào Đồ Sơn - Hải Phòng. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 350 đã cùng lực lượng địa phương bất chấp mưa to, gió mạnh đã giúp dân cứu đê, chống lụt, cứu dân. Và trong cuộc chiến với “giặc trời” để cứu dân, chiến sĩ Phạm Minh Đức thuộc Sư đoàn 350 đã anh dũng hy sinh, được Quốc hội và Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Xác định yêu cầu cấp thiết và tầm quan trọng của công tác cứu hộ cứu nạn, chúng tôi thống nhất giao cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu xây dựng nội dung, kế hoạch huấn luyện chiến đấu kết hợp với cứu hộ cứu nạn; thành lập Trung tâm Cứu hộ, cứu nạn của Bộ Quốc phòng. Theo đó, nhiều cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn được tổ chức ở các quân khu, quân binh chủng.

        Lửa thử vàng, gian nan thử thách bản lĩnh, tinh thần hy sinh vì nhân dân của những người lính. Trong những lần thiên tai lũ lụt hằng năm, các đơn vị quân đội luôn là lực lượng xung kích, trọng yếu giúp dân phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ. Điển hình là vào đầu tháng 11 năm 1999, lũ lụt gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người và vật chất ở các tỉnh từ Quảng Bình vào tới Bình Định. Chúng tôi đã chỉ đạo kịp thời các cơ quan Bộ, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Công binh, Bộ Tư lệnh Biên phòng… tập trung lực lượng, phương tiện cứu dân, khắc phục hậu quả. Anh Lê Hải Anh - Phó Tổng tham mưu trưởng, anh Phùng Khắc Đăng - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được phân công như là Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch chống lũ lụt, đã cùng các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy bộ đội hợp sức cùng nhân dân trong cuộc đọ sức với “giặc trời”. Bão lũ rồi cũng tan, hậu quả được khắc phục dần, cuộc sống của người dân đã qua được buổi cam go, nhưng trung úy Phạm Văn Điền và binh nhất Lê Đình Tư thuộc Hải đội 2 bộ đội biên phòng Thừa Thiên - Huế và trung úy Phạm Hữu Nghĩa - cán bộ đồn biên phòng cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị, đã dũng cảm quên mình cứu dân.

        Ngày 6 tháng 11 năm đó, tôi nhận được điện của đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đang, bày tỏ niềm cảm phục trước sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ quân đội dũng cảm quên mình cứu dân trong bão lũ. Đồng chí nhắc chúng tôi phải nêu gương trong toàn quân những quân nhân mẫu mực như vậy. Cũng trong những ngày bão lũ kinh hoàng năm Kỷ Mão ấy, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước vô cùng cảm kích trước hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư và nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã bươn bả, đội mưa gió về với đồng bào Trị - Thiên, đến với vùng cửa biển Thuận An - nơi sóng nước lùa sạch hàng nghìn ngôi nhà của dân. Thực hiện chỉ thị của đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Quốc phòng kịp thời chỉ đạo toàn quân quyên góp giúp dân xây dựng hàng trăm ngôi nhà “tình nghĩa” lập nên một làng “Rồng” mới ở vùng Cửa Thuận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:49:15 pm »


*

*       *

        Thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị trong những năm cuối thập niên 90 và đầu thiên niên kỷ mới, toàn quân đã chấn chỉnh, tổ chức, sáp nhập, điều chuyển, kiện toàn 62 đầu mối đơn vị; giải thể các đơn vị dôi dư; chuyển đổi cơ cấu tổ chức 34 đầu mối từ cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tương đương; thành lập mới gần một trăm đầu mối đơn vị (phần lớn là các đơn vị làm kinh tế). Cũng từ trước điều chỉnh này mà các cơ quan của Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, thống nhất, ban hành chức danh, trần quân hàm, nhóm chức vụ của các đối tượng là sĩ quan, cán bộ trong toàn quân. Qua đó, việc quản lý, bố trí cán bộ, nhân viên chuyên môn trong toàn quân được thuận lợi, chặt chẽ, nền nếp hơn.

        Bước điều chỉnh có tính chiến lược về tổ chức biên chế, là nhằm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đảng ủy Quân sự Trung ương về sắp xếp tổ chức quân đội có lực lượng tinh gọn, tăng cường chỉ huy thống nhất, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Sau bước “tổng điều chỉnh” lần này quân đội có điều kiện tập trung huấn luyện chuyên sâu; đặc biệt là các quân binh chủng đã đi vào huấn luyện, xây dựng theo hướng chuyên sâu, đặc nhiệm.

        Cùng với tinh giản lực lượng thường trực, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, chúng ta chủ trương xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, có chất lượng chính trị cao, có tổ chức phù hợp chặt chẽ.

        Tinh giản lực lượng bộ đội thường trực, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, làm tốt công tác dự bị động viên là chủ trương có tính chiến lược của Đảng ta. Chủ trương này là kế thừa, sự vận dụng sáng tạo vào tình hình hiện nay kinh nghiệm tổ chức quân đội của cha ông được đúc kết từ hàng nghìn năm. Đó là kế “Ngụ binh ư nông”, “Động vi binh, tịnh vi dân”, của các triều đại Lý - Trần - Lê… Có chiến tranh, thì muôn dân là người lính, sẵn sàng xung trận. Đất nước thanh bình thì xếp giáo gươm, lo việc nông phu, tằm tang, chài lưới,…

        Đất nước ta còn nghèo, chiến tranh đã lùi xa, không cho phép chúng ta duy trì một lực lượng quá đông quân thường trực. Tuy nhiên, những biến động trong khu vực xung đột cục bộ vẫn xảy ra nhiều nơi trên thế giới, chủ nghĩa đế quốc tiếp tục chạy đua vũ trang, muốn hướng nhân loại vào thế giới đơn cực…, thì nguy cơ chiến tranh xâm lược vẫn còn. Giải quyết tốt mối quan hệ này chỉ có thể bằng chủ trương điều chỉnh tổ chức lực lượng, cân đối hài hòa giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ.

        Trên cương vị Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi đã cùng tập thể chỉ huy, lãnh đạo Bộ tập trung chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu, các tổng cục nghiên cứu soạn thảo Pháp lệnh lục lượng dự bị động viên, trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt. Ngày 27 tháng 8 năm 1996, Pháp lệnh lực lượng dự bị động viên đã được Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; và ngày 9 tháng 9 năm 1996, Chủ  tịch nước Lê Đức Anh ký Sắc lệnh 52-L/CTN công bố pháp lệnh quan trọng này.

        Đi đôi với việc xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu, chúng ta chủ trương xây dựng dân quân tự vệ rộng  khắp, vững mạnh. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu tập trung xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình huấn luyện; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm vũ khí trang bí, thực hiện chính sách đối với dân quân tự vệ.

        Về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, còn có một số nội dung tôi chưa thống nhất với một số anh em và với chủ trương chung. Từ nghiên cứu kinh nghiệm thực tiên của kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cũng như qua thực tiễn xây dựng dân quân tự vệ trong gần 30 năm sau chiến tranh, tôi cho rằng nếu chúng ta tổ chức dân quân tự vệ quy mô tiểu đoàn, trung đoàn và huấn luyện đánh tập trung là không phù hợp với thực tiễn, sẽ kém hiệu quả. Với các xí nghiệp, nông trường, nhà máy quy mô lớn có thể tổ chức dân quân tự vệ cấp tiểu đoàn; ngoài ra chỉ nên tổ chức thành đại đội. Khi chiến tranh xảy ra, nếu tổ chức cho dân quân đánh tập trung quy mô tiểu đoàn, trung đoàn sẽ không đạt hiệu quả, dễ tổn thất và sau vài trận nếu bị tổn thất sẽ mất tinh thần, mất sức chiến đấu. Nghiên cứu khái niệm dân quân du kích, chúng ta cũng hiểu được phần nào tính chất tác chiến của lực lượng này: vừa là dân, vừa là quân, vừa cơ động vừa đánh địch. Nhớ lại, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong một lần gặp gỡ dân quân du kích, Bác Hồ đã từng nói: Phải vừa du vừa kích, chỉ có du mà không kích thì làm sao đánh được địch, nhưng nếu kích mà không du thì dễ bị địch gây tổn thất…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:49:40 pm »


        Quan điểm của tôi là, cho dù chiến tranh trước đây, hoặc chiến tranh xảy ra trong tương lai, dân quân tự vệ vẫn nên đánh theo quy mô nhỏ lẻ, khi gặp địch mạnh thì nhanh chóng cơ động, phân tán để bảo toàn lực lượng; khi có điều kiện mới tập trung lực lượng phục kích, tập kích tiêu diệt địch.

        Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tròn 12 năm chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, trải qua biết bao thắng lợi cũng như tổn thất, hy sinh đã giúp tôi có được chút kinh nghiệm: khi tổ chức những trận đánh quy mô tiểu đoàn trở lên, đánh có tính chất dàn trận đôi bên, chúng tôi không bao giờ để du kích đánh cùng bộ đội. Chỉ khi nào bộ đội đánh thắng, giải quyết xong mục tiêu chúng tôi mới hiệp đồng để du kích vào làm chủ và chốt lại - du kích trám vào khi chủ lực rút. Trong trường hợp chúng ta không tuân thủ nguyên tắc trên, khi đánh quy mô tập trung, dân quân du kích rất dễ tổn thất, buộc chủ lực phải quay về làm nhiệm vụ làm chủ địa bàn thì mọi kế hoạch tác chiến khác khó bề thực hiện được một cách chủ động, hiệu quả.

        Tháng 11 năm 1996, Bộ Tổng tham mưu tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm đổi mới công tác huấn luyện và hoạt động tác chiến trị an của dân quân tự vệ. Anh Nguyễn Văn Rinh - Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách công tác xây dựng lực lượng chủ trì hội nghị. Trong quá trình chuẩn bị hội nghị, tôi và anh Rinh đã thống nhất đánh giá: Trong 5 năm (1992-1996) công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ trong cả nước đã có sự đổi mới rõ rệt; chất lượng dân quân tự vệ ngày nâng cao, thể hiện rõ vai trò, vị trí, đảm nhiệm được chức năng, nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

        Về phương hướng xây dựng, huấn luyện dân quân tự vệ trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng: Để tiếp tục đổi mới toàn diện công tác xây dựng, huấn luyện dân quân tự vệ nhằm đạt kết quả tốt, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương phải nhận thức đầy đủ nhiệm vụ huấn luyện là khâu trung tâm; thường xuyên của công tác xây dựng dân quân tự vệ; để từ đó tập trung lãnh đạo chỉ đạo và tạo điều kiện cho công tác huấn luyện dân quân tự vệ của từng địa phương đạt kết quả tốt.

        Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ về tổ chức biên chế, nội dung và chương trình huấn luyện vừa kế thừa, phát huy được những kinh nghiệm, truyền thống gạn lọc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, lại phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước đang có những biến động mạnh về xã hội - cơ cấu dân cư, đáp ứng được yêu cầu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân hiện nay và trong tương lai, là vấn đề rất lớn. Theo tôi, chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu để có quyết sách đúng.

        Về điều chỉnh thế bố trí chiến lược, ngoài những địa bàn trọng yếu đã được quan tâm từ trước, thời gian này chúng ta chú trọng hơn địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ; từ đó đưa những người lính của Binh đoàn Tây Nguyên đang làm nhiệm vụ ở phía Bắc trở về Tây Nguyên; điều chỉnh vị trí đóng quân của một số trung đoàn, sư đoàn phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới.

        Cũng với việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, thế bố trí chiến lược của toàn quân và điều kiện kinh tế đất nước cho phép, thời gian này Bộ Quốc phòng đã có điều kiện quy hoạch tổng thể doanh trại của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; tiến hành xây mới từ trụ sở làm việc của cơ quan Bộ Quốc phòng, cơ quan quân khu, quân - binh chủng, quân đoàn; doanh trại sư đoàn, học viện, nhà trường trong quân đội, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, ban chỉ huy quân sự huyện,…

        Hơn nửa thế kỷ làm Bộ đội Cụ Hồ, từ những ngày đầu trần, chân đất, trải qua kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, hàng nghìn ngày lấy rừng tràm, rừng được làm nhà, nhà dân làm doanh trại; lại nhớ những ngày làm lính sơn tràng lên rừng Mai Sưu - Bắc Giang lấy tre, gỗ làm doanh trại…, cho phép tôi khẳng định việc quy hoạch, xây dựng doanh trại trong toàn quân lần này là một cuộc “đại cách mạng” về doanh trại của quân đội ta.

        Từ kinh nghiệm quy hoạch, xây dựng doanh trại ở Quân khu 3 và một số đơn vị khác trong toàn quân, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng cục Hậu cần - trực tiếp là Cục Doanh trại nghiên cứu thiết kế đồng bộ mô hình - kiểu mẫu doanh trại cấp tiểu đoàn, trung đoàn,… quân khu. quân - binh chủng, học viện, nhà trường, quân y viện, cơ quan quân sự huyện, tỉnh…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:50:17 pm »


        Trên cơ sở khuôn mẫu đã thống nhất, chúng tôi chỉ đạo xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng doanh trại cho những đơn vị đủ quân, các đơn vị làm nhiệm vụ ở biển đảo, vùng sâu vùng xa, những đơn vị mới thành lập… Về kinh phí xây dựng, Bộ chỉ đạo kết hợp huy động ngân sách quốc phòng, ngân sách Nhà nước và nguồn lực của đơn vị, địa phương, với phương châm “trên dưới cùng lo, mọi người cùng tham gia xây dựng doanh trại…”. Đặc biệt trong xây dựng cơ bản, chúng tôi chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lãnh đạo tư tưởng, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ ý thức triệt để tiết kiệm, hạn chế tối đa thất thoát lãng phí; phải biết quý trọng từng viên gạch, đồng vốn được chắt chiu từ mồ hôi, sức lực của biết bao bà con nông dân “một nắng hai sương” trên đồng ruộng, của những người công nhân mỏ ngày đêm cần mẫn trong lòng đất hay trên dàn khoan giữa biển khơi,…

        Kết quả là chỉ trong vòng hơn 10 năm, đến giữa thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới, toàn quân đã cơ bán hoàn thành quy hoạch xây mới doanh trại của các trung đoàn bộ binh đủ quân; các trung đoàn, lữ đoàn binh chủng kỹ thuật; các học viện, nhà trường, quân đoàn, sư đoàn… Trong đó, việc hoàn chỉnh về quy hoạch, xây mới doanh trại tập trung của các trung đoàn đủ quân đã để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất. Doanh trại tập trung gồm nhà ở của bộ đội, nhà ăn, hội trường, nhà kho, câu lạc bộ… đến sở chỉ huy trung đoàn, với hệ thống cơ sở hạ tầng - điện, nước, đường nội bộ… đồng bộ, hoàn chỉnh.

        Về xây dựng cơ bản, một trong những công trình quy mô lớn được hoàn. thành trong thời gian tôi ở cương vị Bộ trưởng là trụ sở Bộ Quốc phòng.

        Sau khi bàn giao khu vực thành cổ Hà Nội - Khu A Hoàng Thành cho ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng khẩn trương chỉ đạo quy hoạch Khu B và Khu C còn lại để xây dựng trụ sở của Bộ. Yêu cầu của chúng tôi là trụ sở mới phải được quy hoạch, thiết kế bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; phải đảm bảo yêu cầu cơ bản của một công trình kiến trúc quân sự vừa mang yếu tố kiến trúc truyền thống, hài hòa trong quy hoạch tổng thể khu vực Hoàng Thành Thăng Long, nhưng phải mang tính hiện đại. Đặc biệt, trong những lần bàn thảo, họp Hội đồng chỉ đạo, thông qua đề án quy hoạch, mẫu thiết kế, tôi đều nhấn mạnh: Về diện tích xây dựng và nguồn kinh phí, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho Bộ Quốc phòng. Ngoài những yêu cầu cơ bản khác, công trình phải có chiều sâu, tạo nên sự vững chãi cần thiết.

        Đến nay thì trụ sở Bộ Quốc phòng đã cơ bản hoàn thành, xứng đáng là một công trình kiến trúc quân sự đẹp, vừa hiện đại lại hài hòa trong quy hoạch tổng thể Hoàng Thành Thăng Long. Đây không chỉ là niềm tự hào của quân đội mà của cả nhân dân thủ đô Hà Nội.

*

*       *

        Kể từ khi Đảng ta ra đời, tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang, thời nào cũng vậy, chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, huấn luyện nâng cao sức mạnh chiến đấu, nâng cao chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật, rồi chăm lo nơi ở, bữa ăn của từng cán bộ, chiến sĩ là trách nhiệm, nỗi trăn trở của những người cầm quân. Cùng với chỉ đạo quy hoạch chuẩn hóa hệ thống doanh trại trong toàn quân, lo “cái ở” cho bộ đội, Bộ Quốc phòng thường xuyên chăm lo chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, làm kinh tế, nhằm góp phần ổn định, cai thiện đời sống của bộ đội.

        Thời gian tôi đảm trách chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng phụ trách hậu cần - tài chính là Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh. Lần lượt thay nhau trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là các anh Nguyễn Phúc Thanh, Nguyễn Văn Đà, Trần Phước, đều là những cán bộ có năng lực, tận tâm tận lực vì đời sống của bộ đội, để mỗi đồng tiền, bát gạo của nhân dân đóng góp phải đến tận tay bộ đội, như lời căn dặn của Bác Hồ trước đây. Cũng vì vậy, thời gian này toàn quân sôi nổi thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Đơn vị quản lý tài chính tốt”, và đã đạt được hiệu quả thiết thực.

        Trong một thời gian khá dài, trong toàn quân nổi lên phong trào tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh nhà. Mô hình sản xuất này phù hợp với điều kiện ta đóng quân phân tán; bộ đội tận dụng đất đai, thời gian rảnh rỗi để trồng rau, nuôi lợn, gà… Tuy nhiên, khi chúng ta đã quy hoạch, xây dựng doanh trại tập trung, toàn quân đang thực hiện chính quy hóa, thì mô hình tăng gia quanh bếp, quanh nhà trở nên phản khoa học, mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn, hiệu quả không cao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:50:40 pm »


        Sau những lần xuống đơn vị công tác “thực mục sở thị” tình hình trên, tôi bàn với anh Rinh và các anh ở Tổng cục Hậu cần nên nhanh chóng chuyển sang sản xuất tập trung: Trồng trọt tập trung và chăn nuôi tập trung. Tổng cục Hậu cần cùng Cục Kinh tế, Cục Kế hoạch đầu tư, các quân khu, quân đoàn, quân - binh chủng tổ chức khảo sát quy hoạch những vùng sản xuất tập trung, lập đề án, tiến hành đầu tư và triển khai thực hiện. Anh Rinh là người có nhiều đóng góp trong việc tổ chức cho bộ đội sản xuất tập trung. Theo gợi ý của anh, các đơn vị có mô hình sản xuất “3 vườn”, rồi “5 vườn”; anh chỉ đạo riết ráo các đơn vị tổ chức khu vực sản xuất tập trung cả trồng trọt, chăn nuôi. Với mô hình sản xuất tập trung, được chỉ đạo triển khai chặt chẽ, đầu tư thích đáng, các đơn vị trong toàn quân đã chủ động bảo đảm được một phần lương thực, thực phẩm; đặc biệt nhiều đơn vị đã tự túc được toàn bộ rau xanh.

        Đây là một cố gắng lớn, rất đáng trân trọng. Cùng với chăm lo cuộc sống hằng ngày cho bộ đội, thì việc quan tâm đến “kế sinh nhai” của những người lính sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về quê hương cũng đặt ra cho chúng tôi biết bao suy tính.

        Trong một lần xuống công tác tại Sư đoàn Sao Vàng thuộc Quân khu 1, qua báo cáo của anh Bế Xuân Trường - Sư đoàn trưởng, nay anh là Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu 1, tôi thấy sư đoàn có ý tưởng rất tốt, và đã thực thi bước đầu ý tưởng này có hiệu quả. Anh Trường cho hay: trong thời gian 2 năm tại ngũ, ngoài xây dựng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ cơ sở nên nghĩ đến việc dạy nghề cho anh em. Nếu tổ chức tốt việc dạy nghề cho bộ đội sẽ đạt được ít nhất là hai cái lợi. Thứ nhất, bộ đội có kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí, điện phổ thông, trước mắt là để tăng gia sản xuất góp phần ổn định, cải thiện đời sống hằng ngày; thứ hai là người lính sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về với gia đình đã có được “vốn liếng” tay nghề tối thiểu, làm cơ sở hòa nhập với xã hội.

        Suy nghĩ cặn kẽ hơn, tôi thấy con em những gia đình điều kiện kinh tế khá giả, đối tượng thanh niên thành phố, đa phần không để tâm đến việc học nghề; sau khi xuất ngũ, số anh em này có điều kiện học hành thêm, nếu không cũng sẽ chọn những ngành nghề đòi hỏi công nghệ - kỹ thuật cao. Trái lại những nghề có tính chất phổ thông rất cần cho những anh em con nhà nghèo. Như vậy, nếu tổ chức dạy nghề được cho số anh em này trong thời gian tại ngũ, chúng ta cũng đã góp phần thực hiện được chính sách xóa đói giảm nghèo. Là “trường học lớn” của thanh niên, được rèn luyện giáo dục; bảo đảm chu đáo về vật chất, tinh thần, lại được giáo dục hướng nghiệp, tổ chức học nghề…, nên môi trường quân đội đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với thanh niên - đặc biệt là thanh niên nông thôn.

        Thấy việc làm của Sư đoàn Sao Vàng có tác dụng tốt, tôi trao đổi với các anh lãnh đạo, chỉ huy Bộ Quốc phòng. Cũng có anh không tán thành, cho rằng vào quân đội chỉ tập trung huấn luyện quân sự. Nhưng phần lớn đồng thuận với ý kiến của tôi và nhất trí phổ biến rộng khắp toàn quân. Tiến thêm một bước, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Cục Kinh tế nghiên cứu thành lập các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề thuộc các quân khu, quân đoàn, quân - binh chủng. Hiện nay, toàn quân đã thành lập được hơn một chục trung tâm dạy nghề; hằng năm tổ chức đào tạo nghề cho hàng nghìn chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có tay nghề cơ bản. Ý tưởng là tốt, tuy nhiên làm thế nào để những trung tâm dạy nghề hoạt động có hiệu quả thực sự, lâu bền lại là vấn đề cần có cái nhìn sâu sát, có quyết sách, đầu tư xây dựng phù hợp; phải có sự chung tay của nhiều cơ quan, trước tiên là Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động, thương binh - xã hội.

        Trên cơ sở tổ chức tốt các trung tâm dạy nghề, các trường dạy nghề trong quân đội, từ năm 2004, Bộ Quốc phòng đã tổ chức đưa hơn 10.000 người đi lao động có thời hạn ở Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia…, trong đó phần lớn là quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được đào tạo tại các trung tâm dạy nghề quân đội. Số quân nhân hợp tác lao động ở nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc có mức lương khá cao, được giới chủ tại các nước đánh giá tốt về kỷ luật và kỹ thuật, đảm bảo được uy tín của quân nhân xuất ngũ.

        Về sử dụng lực lượng có chuyên môn kỹ thuật của quân đội, tôi cũng đã có những quyết định mà ở thời điểm nào đó gây “sốc” cho người này, người khác, nhưng kết cục đều đạt hiệu quả. Ví như chuyện tôi chỉ đạo sử dụng lực lượng cán bộ quân y ở Quân khu 9.

        Qua nắm tình hình ở một số đơn vị và Quân khu 9, tôi thấy một thực trạng khá phổ biến là có rất nhiều quân y sĩ có khi hàng chục năm không được học hành đào tạo thêm; trình độ tay nghề cùn mòn dần, một phần trong số anh em này đang tính được cho ra quân. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi trao đổi với các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giữ số này lại, rồi tổ chức cho học hàm thụ có trình độ bác sĩ. Quân đội sẽ sử dụng một số, còn lại cho chuyển ngành sang phục vụ các địa phương - tăng cường cho mạng lưới y tế cộng đồng. Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, số bác sĩ này chẳng khác gì muối bỏ biển.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:51:35 pm »


        Trong khi các anh ở Quân khu 9 phấn khởi, gấp gáp liên hệ với Trường đại học Cần Thơ để gửi cán bộ đi đào tạo, thì hai bộ chủ quản có liên quan không đồng tình. Tuy nhiên sau khi tôi trực tiếp thuyết phục thì hai bộ cũng chấp thuận. Đặc biệt, khi nghe tôi trình bày ý tưởng này, anh Nguyễn Tấn Dũng - khi đó là Phó thủ tướng, rất ủng hộ. Kết cục là nhiều quân y sĩ của Quân khu 9 được hàm thụ xong chương trình đại học y khoa, được cấp bằng bác sĩ, chuyển ngành tăng cường cho các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng các địa phương và đã phát triển tốt. Sau đó, Quân khu 9 tiếp tục duy trì hình thức đào tạo này.

        Giải quyết chính sách đối với những đối tượng tại ngũ là vấn đề lớn, nhưng theo tôi không phức tạp so với giải quyết chính sách đối với những đối tượng đã xuất ngũ không thuộc diện nghỉ hưu, mất sức. Đất nước anh dũng và đau thương trải qua ngót 30 năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, tiếp đó cũng trên ba nghìn ngày vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn… Còn biết bao vấn đề tồn đọng thuộc về chính sách dễ gì giải quyết trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên với nỗ lực của Đảng, Nhà nước, nhân dân, đặc biệt là Ngành Chính sách trong quân đội và Ngành Lao động - Thương binh xã hội, trong hơn mười năm trở lại đây, chúng ta đã dồn sức giải quyết được nhiều nội dung, trợ cấp cho một số đối tượng tham gia kháng chiến, phục vụ quân đội. Trước tiên, theo đề nghị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngày 15 tháng 4 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/1999/NĐ-CP về chế độ trợ cấp một lần đối với quân nhân, cán bộ đi chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử ở lại miền Nam sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (ngày 20 tháng 7 năm 1954). Kết quả là 16.304 cán bộ, quân nhân thuộc diện chính sách này được trợ cấp một lần với hơn 96 tỷ đồng. Tiếp đó là Bộ Chính trị đã nhất trí với đề nghị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, thông báo để Chính phủ ban hành Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg (ngày 11 tháng 4 năm 2002) giải quyết trợ cấp một lần (với số tiền 580 tỷ đồng) cho hơn 260.000 quân nhân, công nhân viên quốc phòng có thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp trước ngày 20 tháng 7 năm 1954, đã phục viên, giải ngũ trước ngày 31 tháng 12 năm 1960.

        Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong một thời gian dài, có điều kiện đi công tác, xuống nhiều cơ sở, về nhiều vùng nông thôn, miền núi mới thấu hiểu phần nào khó khăn, cơ cực của nhiều quân nhân phục viên, xuất ngũ; đồng thời cũng thấy được thiệt thòi của những quân nhân đã tại ngũ, chiến đấu trên 20 năm, 15 năm,… nhưng khi rời quân ngũ chưa đủ thời gian nghỉ hưu, hầu như không được hưởng chế độ gì ngoài trợ cấp một lần. Tình trạng càng bức xúc đối với những quân nhân ở Nam Bộ. Do điều kiện lịch sử, trong kháng chiến chống Pháp và sau khi hòa bình lập lại, ở miền Bắc, chúng ta đã hoàn thành triệt để cách mạng dân chủ - tiến hành cải cách ruộng đất; với nông dân, nhà nhà đều có ruộng đất. Nhưng miền Nam không làm được điều đó. Vì vậy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ nhập ngũ, tham gia Quân giải phóng, ra cứ, lên rừng đánh giặc, khi xuất ngũ trở về lâm vào cảnh không nghề, không tấc đất cắm dùi, phải đi làm thuê kiếm sống, nuôi con.

        Trước tình cảnh đó, tôi đã trực tiếp đề nghị các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VIII, khóa IX) nghiên cứu ban hành chế độ phù hợp với từng đối tượng. Các đồng chí trong Bộ Chính trị hoàn toàn ủng hộ. Đồng thời, với cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi trao đổi thống nhất với các anh Nguyễn Văn Rinh, Phan Trung Kiên, Lê Văn Dũng, Phùng Quang Thanh, Bùi Văn Huấn, từ đó chỉ đạo ngành Chính sách nghiên cứu, xây dựng đề án tham mưu giúp Chính phủ kịp thời giải quyết tồn đọng này. Trong các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ, khi bàn về vấn đề này, anh Thanh, anh Rinh… luôn có những lập luận xác đáng, có tính thuyết phục cao, nên được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và đại biểu Quốc hội ủng hộ. Mặc dù hơi muộn, nhưng cuối cùng những gì chúng tôi trăn trở, theo đuổi cũng đều có kết quả. Trước là Chính phủ ban hành quyết định thực hiện chế độ hưu đối với những trường hợp có từ 20 năm tuổi quân trở lên, và gần đây (tháng 10 năm 2008), có thêm quyết định trợ cấp hằng tháng đối với những quân nhân có từ 15 đến 20 tuổi quân đã xuất ngũ; trợ cấp một lần cho những quân nhân đã xuất ngũ dưới 15 năm…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:52:22 pm »


        Để có được những chính sách hợp lòng dân, hợp tình người nói trên, phải kể đến tinh thần trách nhiệm cao, vai trò nghiên cứu, tham mưu của các cơ quan Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị - trực tiếp là Cục Chính sách. Các anh Nguyễn Văn Rinh - Thứ trưởng, Bùi Văn Huấn, Phùng Khắc Đăng, Phạm Văn Long - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ngô Xuân Lịch - Cục trưởng Cục Chính sách… khi đó đã ngày đêm trăn trở, đề đạt với Thủ trưởng Bộ những vấn đề tôi cho là thấu lý đạt tình. Đặc biệt, các anh: Phan Trung Kiên, Nguyễn Văn Được - Thứ trưởng, anh Bùi Văn Huấn (Út Lê) - những cán bộ đã từng lăn lộn sinh tử trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, là những người đau đáu với nỗi cơ cực của sĩ quan, quân nhân ở miền Nam phục viên xuất ngũ, chưa được hưởng chính sách xứng đáng với cống hiến của họ.

        Vấn đề thuộc về chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, quân đội như vậy đã đáp ứng được cơ bản nguyện vọng của các đối tượng chính sách. Tuy nhiên làm sao để anh em được hưởng chính sách mà không gặp phải khó khăn phức tạp, hệ lụy trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục là vấn đề không đơn giản. Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc vế cơ quan thực thi chính sách các cấp. Thiết nghĩ, nếu một ai đó trong guồng máy công chức - công quyền mà quan liêu, cứng nhắc (chưa nói đến tiêu cực), giải quyết sự việc thiếu lòng nhân ái, tình đồng chí đồng đội thì khó khăn đối với những người được hưởng chính sách là khó tránh khỏi.

        Cũng vì băn khoăn trăn trở hoài về những khó khăn, cơ cực của nhiều cựu chiến binh, nên sau khi “gác súng, treo gươm” trở thành cựu chiến binh tôi đã tích cực đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức chương trình xây dựng 1.500 nhà “Nghĩa tình đồng đội” tặng cho những đối tượng khó khăn nhất. Chương trình đã khởi đầu với những kết quả rất khả quan, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân “mạnh thường quân”. Điển hình là chưa tròn một năm, Công ty Him Lam đã đóng góp cho chương trình tám căn nhà với tổng giá trị trên 400 triệu đồng. Mấy trăm nhà “nghĩa tình đồng đội” đã mang lại mái ấm cho cựu chiến binh. Tôi còn nuôi ý định làm việc với cấp ủy, chính quyền các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long cấp đất tập trung để lập những làng cựu chiến binh - ý tưởng này đã được một số tỉnh ủng hộ; hy vọng nhanh chóng trở thành hiện thực.

        Thêm một người có công với cách mạng, đóng góp máu xương, sức lực, trí tuệ… cho sự nghiệp kháng chiến và chiến tranh bao vệ Tổ quốc… được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng, Chính phủ, càng khẳng định chính sách ưu việt của chế độ ta; thể hiện nét đẹp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Với bản thân, thêm một quân nhân xuất ngũ, phục viên được hưởng chính sách đãi ngộ của Đảng, Chính phủ, được sự trợ giúp của cộng đồng, tôi như thấy vui đi một phần gánh nặng “nợ nần” đã mang với đồng chí, đồng đội.

*

*       *

        Sau 5 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (được Quốc hội khóa X - kỳ họp thứ nhất ngày 29 tháng 9 năm 1997 cử), ngày 8 tháng 8 năm 2002, Quốc hội khóa XI - kỳ họp thứ nhất tiếp tục phê chuẩn và bổ nhiệm tôi tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau đó, ngày 25 tháng 6 năm 2003, tôi được Chủ tịch nước ký Quyết định số 360/QĐ/CTN, thăng cấp quân hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng. Cùng đợt này, các anh Phùng Quang Thanh - Tổng tham mưu trưởng, Lê Văn Dũng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được thăng cấp từ Trung tướng lên Thượng tướng.

        Được Đảng và nhân dân, quân đội tín nhiệm, tôi lại cùng các anh Phùng Quang Thanh, Nguyễn Văn Rinh, Lê Văn Dũng, Phan Trung Kiên, Nguyễn Văn Được, Nguyễn Huy Hiệu… dồn mọi tâm sức cho một nhiệm kỳ công tác mới.

        Một trong những nội dung trọng tâm mà chúng tôi tập trung giải quyết trong thời gian này là nghiên cứu, đề xuất tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX hoàn chỉnh thêm một bước chiến lược quốc phòng - an ninh Của đất nước trong tình hình mới. Đặc trưng cơ bản, nổi bật nhất của thời kỳ đổi mới là việc chuyển nền kinh tế đất nước sang vận hành theo cơ chế thị trường, giải phóng lực lượng sản xuất trong nước và mở rộng hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đặc trưng này đòi hỏi tư duy của Đảng về chiến lược quốc phòng - an ninh phải có sự thay đổi.

        Đại hội VI và Đại hội VII của Đảng đã xác định phương hướng chiến lược của nhiệm vụ quốc phòng - an ninh là: bảo vệ Tổ quốc gắn liền với xây dựng đất nước. Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) và đặc biệt Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị khóa VII đã cụ thể hóa cương lĩnh của Đảng về chiến lược quốc phòng - an ninh, đánh dấu một bước quan trọng về tư duy cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM