Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:48:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44373 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 05:28:24 am »


        Tôi nhớ lại những năm đầu thập niên sáu mươi, chỉ mới mấy năm hòa bình mà doanh trại của quân đội ta đã bước đầu xây dựng có quy hoạch, quy chuẩn hẳn hoi. Mặc dầu khi đó ta chưa sẵn xi măng, gạch ngói, sắt thép như lúc này, nhưng doanh trại cấp trung đoàn, sư đoàn đã được quy hoạch, thiết kế theo mẫu; bố trí sắp đặt nếp nang đâu vào đó. Ví như, Trung đoàn 238 chúng tôi khi đó đóng ở Thái Thụy, Tiền Hải - Thái Bình, chưa có nhiều nhà gạch, lợp ngói, nhưng hình hài, bố trí rất quy củ. Hay thời gian sau, khi vào tập kết ở Tây Hồ - Thọ Xuân - Thanh Hóa, trước khi đi B, ở trong doanh trại Sư đoàn 330, thì nhà cửa xây cất khang trang, nền nếp lắm. Chưa kể các trường sĩ quan được xây dựng vào thời gian này, như Sĩ quan Lục quân, Sĩ quan Pháo binh,…

        Suy đi nghĩ lại, tôi thấy cần phải có tầm nhìn cho tương lai. Chiến tranh trên hai chục năm liên tục, rồi khó khăn đủ bề thời kỳ hậu chiến, chưa kể khi biên giới Tây Nam, khi biên cương phía Bắc tiếng súng chưa ngừng…, đã làm cho chúng ta chưa có được tư duy mạch lạc về những vấn đề có tính quy hoạch - định hướng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong xây dựng quân đội cũng vậy.

        Cái tạng người, hay nói đúng hơn là tính cách của những người như tôi là suy nghĩ đi liền với hành động. Tôi đem những băn khoăn, trăn trở của mình giãi bày với các anh trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu. Té ra thì nhiều người cũng có suy nghĩ như mình, nhưng chưa mấy ai bộc bạch. Điều mà chúng tôi thống nhất bước đầu là cần phải quy hoạch lại doanh trại của các đơn vị trong quân khu. Trong khi chưa có điều kiện làm đại trà, quân khu tập trung làm điểm. Chọn đơn vị chủ lực, đủ quân, địa bàn đóng quân cơ bản ổn định, để tập trung chỉ đạo xây dựng doanh trại điểm. Và đơn vị chúng tôi chọn là Trung đoàn 50 thuộc Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng.

        Trung đoàn 50 trước đó trực thuộc Sư đoàn 350 - một đơn vị chủ lực, có bề dày truyền thống của Quân khu 3. Sau khi Sư đoàn 432 sáp nhập vào Sư đoàn 350, thì Sư đoàn 350 chuyển sang đứng chân ở phía Hữu Ngạn sông Hồng; đồng thời Trung đoàn 50 được tách ra trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự Hải Phòng. Trung đoàn 50 đứng chân ở địa bàn quan trọng, nằm trong thế phòng thủ hướng biển của Hải Phòng và của quân khu; theo chúng tôi vị trí đó là tương đối ổn định.

        Thống nhất về chủ trương, chúng tôi chỉ đạo Cục Hậu cần tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch, thiết kế mẫu nhà cửa - và triển khai xây dựng. Cách làm vẫn là “Trên dưới cùng lo, mọi người cùng làm”; triệt để khai thác nguồn kinh phí trên cấp kết hợp huy động kinh phí tự có thông qua lao động sản xuất làm kinh tế của đơn vị và sức lao động của bộ đội.

        Có chủ trương đúng, hợp với ý nguyện của cán bộ, chiến sĩ, nên huy động được tối đa trí tuệ, công sức của bộ đội để xây dựng doanh trại. Cũng vì vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, Trung đoàn 50 đã cơ bản có được cơ ngơi doanh trại khá bề thế, quy chuẩn. Sau này, Bộ Quốc phòng chỉ đạo ngành Hậu cần - trực tiếp là Cục Doanh trại nghiên cứu thiết kế mẫu doanh trại thống nhất trong toàn quân, từ doanh trại cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, sư đoàn xuống tới trung đoàn và sở chỉ huy cơ quan quân sự địa phương các cấp; rồi tập trung đầu tư xây dựng trong nhiều năm, ta mới có được hệ thống doanh trại trong toàn quân chính quy, hiện đại. Nhưng ở vào cuối thập niên tám mươi, việc Quân khu 3 chỉ đạo xây dựng được doanh trại Trung đoàn 50 cơ bản hoàn chỉnh, có quy hoạch, quy chuẩn là một nỗ lực rất đáng trân trọng. Càng đáng được trân trọng hơn khi việc làm đó lại mang tính đột phá - để từ “điểm” ta có cơ sở nhân thành “diện”.

*

*       *

        Là Tư lệnh quân khu, nên kết hợp kinh tế với quốc phòng, chỉ đạo lực lượng vũ trang quân khu làm kinh tế sao cho hiệu quả là một trong những vấn đề buộc tôi phải để tâm nghiên cứu cùng với tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tìm được đáp án đúng.

        Suốt một thời đánh Mỹ và tiếp đó là những năm tám mươi, nói tới Quân khu 3 là nhiều người nghĩ đến phong trào “Làm giàu đánh thắng”; trong đó nổi lên những công trình có ý nghĩa lớn về kết hợp kinh tế với quốc phòng, như làm đường ra đảo Đình Vũ, lấn biển Cồn Thoi (Ninh Bình), làm âu tàu Nhà máy đóng tàu biển Phà Rừng (Thủy Nguyên - Hải Phòng)… Hình ảnh “Lung tựa Cồn Thoi, mắt nhìn biển cả”, được ví như dáng đứng tự hào của những người chiến sĩ của đồng bằng sông Hồng những năm tháng hào hùng đó.

        Cuối năm 1991, quân khu đã hoàn thành lấn biển Cồn Thoi, với trên 2.000 héc-ta. Lúc này, đơn vị tham gia lấn biển muốn xin lại một nửa diện tích nói trên để tổ chức sản xuất. Nhưng tôi thấy dân trong vùng còn nhiều người, nhiều hộ chưa có đất canh tác, mà mục đích của quân khu là tổ chức lấn biển để đưa dân ra, góp phần xóa đói giảm nghèo cho dân. Vì vậy, tôi bàn với các anh trong Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, rồi làm công tác tư tưởng để đơn vị “thông cảm”, quyết định giao toàn bộ đất đã tạo lập dược cho tỉnh thành lập bốn xã mới. Giờ đây, bốn xã mới ở Cồn Thoi đã phát triển tương đối vững, đời sống nhân dân bớt khó khăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:45:30 pm »


        Truyền thống tốt đẹp đã được khẳng định. Tuy nhiên lúc đó, khi tính đến chuyện tổ chức cho bộ đội làm ăn kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, ngoài khó khăn của đời sống kinh tế đất nước đang kỳ đỉnh điểm, chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình:

        - Hầu hết trang thiết bí của các cơ sở sản xuất đã cũ rão, xuống cấp; máy móc, thiết bị đã sử dụng từ 15-20 năm.

        - Quy mô sản xuất manh mún, không có sản phẩm truyền thống độc đáo đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

        - Thiếu vốn. Một số ngành, đơn vị có tính mũi nhọn lại mới hình thành, chưa hòa nhập được với cơ chế kinh tế thị trường.

        - Giải quyết những vấn đề thuộc về cơ chế quân đội làm kinh tế, chế độ chính sách đối với người lao động còn nhiều bất cập.

        - Một số đơn vị làm kinh tế nhưng tổ chức biên chế cồng kềnh; cán bộ chủ trì còn mang nặng tư tưởng bao cấp, chuyển đổi chậm, chưa thích ứng kịp với những đòi hỏi của quy luật kinh tế thị trường.

        Biết nhìn thẳng vào thực tại, sau khi thấy rõ những thuận lợi và khó khăn, ngày 3 tháng 4 năm 1989, Thường vụ Đảng ủy quân khu họp ra Nghị quyết số 96/ĐUQK về nhiệm vụ lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế. Ở nghị quyết này, chúng tôi đã đề ra được một số vấn đề có tính định hướng cho nhiệm vụ xây dựng kinh tế của quân khu; trong đó có việc kiện toàn cơ quan kinh tế quân khu, các đơn vị sản xuất kinh doanh theo mô hình tổng công ty, các công ty, xí nghiệp thành viên. Cũng ngày 3 tháng 4, theo đề nghị từ trước của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 74/QĐ-QP chuyển Sư đoàn 319 thành Công ty xây dựng 3 19 trực thuộc Quân khu 3; về quản lý hành chính, kinh tế thuộc quyền của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - kinh tế. Công ty xây dựng 319 là đơn vị xây dựng, sản xuất kinh doanh tổng hợp, hoạt động theo chế độ hạch toán độc lập. Công ty nhận thầu, thi công các công trình công nghiệp, dân dụng, khai thác nguyên vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản; sản xuất hàng kim khí, mộc xây dựng, cung ứng vật tư vận tải, tham gia sản xuất hàng xuất khẩu, dịch vụ thu ngoại tệ.

        Trước đây, Sư đoàn 319 đã từng tham gia xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, tạo được uy tín với Bộ Xây dựng. Giờ đây, những người lính, người thợ 319 lại có mặt trên nhiều công trình xây dựng khắp mọi miền, góp phần làm đẹp diện mạo của đất nước thời đổi mới.

        Tiếp theo Công ty xây dựng 319, căn cứ đề nghị của Bộ Tư lệnh Quân khu, ngày 1 tháng 6 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng quyết định (số 58/HĐBT) thành lập Tổng công ty Sông Hồng trực thuộc Quân khu 3, do anh Ngô Văn Tại - nguyên Chủ nhiệm hậu cần quân khu làm Tổng giám đốc. Tổng công ty Sông Hồng là đơn vị sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế độc lập; được thành lập trên cơ sở một số đơn vị làm kinh tế của quân khu và Phòng Sản xuất công nghiệp; Xí nghiệp 583, Xí nghiệp 34, Nhà máy xi măng Vạn Chánh, Xí nghiệp 45, Công ty dịch vụ xuất nhập khẩu.

        Thực hiện chủ trương xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, sau khi nghiên cứu tiềm năng vùng ven biển Bắc Cửa Lục, xây dựng đề án, được chuyên gia tư vấn các cấp có thẩm quyền ủng hộ, ngày 1 tháng 7 năm 1991, chúng tôi quyết đỉnh chính thức triển khai công trình lấn biển Bắc Cửa Lục. Theo dự án ban đầu, công trình lấn biển sẽ hoàn thành khối lượng lớn công việc gồm: tuyến đê chính dài 16,5 cây số, đê phụ dài hơn 7 cây số, hàng chục cây số đê khoanh vùng nuôi trồng thủy sản và đường trục. Công trình hoàn thành sẽ có thêm 2.000 héc-ta đất canh tác, trong đó có trên 700 héc-ta đất nuôi trồng thủy sản, 500 héc-ta đất nông nghiệp, còn lại là đất dành cho dân cư trú; tạo điều kiện để trên 1.000 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu đến đây sinh cư lập nghiệp. Lực lượng tham gia công trình được điều từ các đơn vị trong quân khu, lấy Trung đoàn 513 công binh làm nòng cốt và huy động tại chỗ. Công trình này được giao cho trung tá Vũ Anh Đức - nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn công binh 513 làm chỉ huy trưởng. Trong thời buổi đất chật người đông, “tấc đất tấc vàng”, thì việc tạo lập một vùng đất trên 2.000 héc-ta để dân sinh cơ lập nghiệp là rất đáng trân trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:46:02 pm »


        Dẫu còn rất nhiều khó khăn khi những người lính làm kinh tế phải đối mặt với thương trường. Và giờ đây “thương trường là chiến trường” - nên tính cạnh tranh, sự sống còn trên mặt trận kinh tế cũng cam go, khốc liệt chẳng kém gì trước đây ta đánh giặc. Trong cuộc chiến đó, có đơn vị kinh doanh sản xuất đạt hiệu quả, “ăn ra làm nên”, không ngừng phát triển; nhưng cũng có những công ty, doanh nghiệp thua lỗ, thất bại. Trong số những đơn vị làm kinh tế của Quân khu 3 thời gian này, có Công ty 319, Công ty cung ứng lương thực và vật liệu xây dựng, Xí nghiệp đóng tàu 189, Công ty may 369, Nicotex; các xí nghiệp Bạch Đằng, Chiến Thắng,… là những đơn vị phát triển đúng hướng, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, giữ được truyền thống. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, từ quân khu đến các đơn vị luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, gắn nhiệm vụ chính trị của đơn vị với chương trình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, góp phần thực hiện các mục tiêu chương trình kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước; đã kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với lao động sản xuất. Trong cơ chế thị trường, nhưng các đơn vị làm kinh tế luôn là lực lượng tiên phong, tích cực thực hiện chương trình “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

        Trong chỉ đạo quân khu kết hợp kinh tế với quốc phòng, có một phần việc tôi lấy làm tâm đắc là xây dưng khu vực kinh tế - quốc phòng ở Quảng Ninh.

        Trong nhiều chuyến công tác cùng anh em trong Bộ Tư lệnh Quân khu nắm tình hình địa bàn gần biên giới Việt - Trung ở Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), điều tôi băn khoăn là mặc dù quan hệ giữa ta với bạn đã bình thường hóa từ lâu, nhưng địa bàn giáp biên giới vẫn có những khoảng trống chừng 5-7 cây số sâu vào nội địa không có dân ở; chỉ có một số đơn vì quân đội, biên phòng làm nhiệm vụ. Trong khi đó, dân của bạn không chỉ canh tác sát đường biên mà từ bên kia biên giới, họ còn thả từng đàn trâu bò sang đất ta. Qua những khu vực này, dễ liên tưởng tới những vùng rừng không dân mà tôi cùng đồng đội đã từng qua trong những năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.

        Mặc dù có quân đội, biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, nhưng ở một góc độ nào đó, đi hàng 5-7 cây số sát đường biên không thấy bóng dáng một người dân, tự nhiên trong tôi xuất hiện cảm giác chống chếnh, bất ổn. Cũng vì vậy, ý nghĩ phải đưa dân ra sát biên giới, dân phải ra để giữ cột mốc biên giới nhanh chóng đinh hình và trở thành quyết tâm lớn của tôi. Điều này nghĩ cho cùng không có gì là mới mẻ. Tự bao đời các bậc vua chúa anh minh rồi Bác Hồ và Đảng ta vẫn xem tư tưởng lấy dân làm gốc là thượng sách để giữ nước. Sức lực, ý chí của dân là thành trì bền chắc nhất. Nay, nếu nói đưa dân ra giữ đường biên, giữ cột mốc chỉ là ảnh xạ một “mảnh vỡ” của chủ trương lớn của Đảng mà thôi. Vả lại, trong những lần đi nắm tình hình thực tế, qua dò hỏi một số người dân địa phương, tôi được biết bà con mình rất muốn ra làm ăn, sinh sống ở sát đường biên, nhưng chưa dám; phần vì còn một lượng mìn ta bố trí trước đây chưa tháo gỡ hết; phần vì chưa rõ động thái cụ thể của người anh em láng giềng bên kia. Thỉnh thoảng, bạn lại rung cây hù dọa, cũng chẳng yên thân mà làm ăn.

        Có một sự việc trùng lặp gần như ngẫu nhiên ở thời điểm này, trong một lần dự họp ở Bộ Quốc phòng, đầu năm 1988, qua báo cáo của Bộ Tư lệnh Biên phòng tôi được biết cột mốc biên giới số 5 giữa Việt Nam và Trung Quốc, tại địa bàn huyện Quảng Hà, Quảng Ninh bị mất. Chính phủ chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Biên phòng và Bó Tư lệnh Quân khu 3 phải tìm bằng được. Chúng tôi đã khẩn trương cho triển khai tìm, và người tìm được cột mốc ấy lại là một già làng 78 tuổi người dân tộc thiểu số. Qua sự việc này càng củng cố quyết tâm của chúng tôi là phải nhanh chóng đưa dân ra làm chủ khu vực biên giới. Ý nghĩ của tôi nhanh chóng trở thành quyết tâm của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu. Các anh Đỗ Mạnh Đạo, Lê Ngọc Oa, Nguyễn Thế Trị,… rất tán đồng chủ trương này. Tuy nhiên đưa dân ra như thế nào, cũng phải bàn tính kỹ, có đường đi nước bước thích hợp. Sau khi nghiên cứu thực tế, thấy dân dù muốn nhưng chưa dám ra sát đường biên, chúng tôi quyết định đưa bộ đội ra trước, tổ chức rà quét mìn, làm nương rẫy, trồng rừng…

        Tháng 12 năm 1990, tôi trực tiếp chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự Quảng Ninh xin ý kiến ủy ban nhân dân tỉnh về việc gỡ mìn, đưa dân về bản cũ và các trục giao thông sát biên giới. Đồng thời, trong khi chờ Bộ phê duyệt kế hoạch tháo gỡ mìn trên tuyến biên giới ở Quảng Ninh, chúng tôi đã chỉ đạo bước đầu tổ chức tháo gỡ mìn ở ba khu vực: đoạn đường từ Hoành Mô đi Cốc Lý - Đồng Văn; đoạn đường từ Tấn Mài đi Pò Hèn và đoạn đường từ thị trấn Móng Cái đi Đồi Vua. Sau khi tạo được cơ sở ổn định bước đầu mới đón dân ra, giao đất cho dân làm nhà, làm vườn; giao rừng cho dân quản lý, canh tác; đồng thời cũng giao cho dân quản lý đất đai, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, hệ thống cột mốc đường biên đã được ta và bạn xác lập.

        Từ một xã thí điểm, chứng tôi mở rộng thành hai rồi ba xã. Trên cơ sở đó dự án vùng kinh tế - quốc phòng 327 của Quân khu 3 ở địa bàn Tiên Yên, Ba Chẽ đã hình thành và phát huy tác dụng như tên gọi vốn có của nó - có ý nghĩa cả về kinh tế và quốc phòng. Từ dự án có tính chấm phá gói gọn ba xã (Thán Pún, Pò Hèn, Lục Phủ) ở Bình Lưu, Quảng Ninh, sau này đã phát triển thành một chương trình lớn của quốc gia - chương trình xây dựng những vùng kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn có tầm quan trọng về chiến lược: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ…

        Sau này, trên cương vị công tác mới, tôi vẫn nhiều lần trở lại thăm các xã vùng biên ở Quảng Ninh, thuộc chương trình 327 của Quân khu 3. Cứ mỗi lần trở lại tôi được chứng kiến sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của vùng đất này. Những thôn bản, xóm làng vùng ven trù phú, sầm uất đã thế chỗ những “vùng rừng không dân”, ngày nào. Mỗi lần trở lại đất này, tôi lại càng xúc động, vững tin hơn bởi thế trận lòng dân, thế đứng vùng biên ải ngày càng có chiều sâu, ngày càng thêm vững chãi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:47:41 pm »


*

*       *

        Thời gian tôi công tác ở Quân khu 3, tình trạng tiêu cực mất dân chủ dẫn tới khiếu kiện, xung đột nội bộ chưa nhiều nhưng cũng đã xuất hiện lác đác ở một số địa phương.

        Phải nói rằng thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 đã phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, nỗ lực phấn đấu huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đạt được nhiều thành tựu, đời sống nhân dân, không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày, quốc phòng - an ninh từng bước phát triển vững chắc. Tuy vậy, trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, việc lãnh đạo, tổ chức, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn bộc lộ nhiều mặt yếu kém. Hiện tượng quan liêu, tham ô trục lợi, trù úm cá nhân của một bộ phận cán bộ cơ sở đã gây bất bình trong nhân dân. Việc “dồn vùng đổi thửa” điều chỉnh ruộng đất không tính đến yếu tố lịch sử tâm lý tiểu nông…; huy động các khoản đóng góp của dân… cũng gây nên những bức xúc trong quần chúng. Lợi dụng mâu thuẫn giữa một bộ phận quần chúng nhân dân với chính quyền cơ sở, núp dưới danh nghĩa phát huy dân chủ, chống tham nhũng, những phần tử xấu đã kích động nhân dân có những hành động quá khích, vi phạm nhân quyền và pháp luật.

        Chưa tới “cao trào” như ở Thái Bình những năm 1997-1998, nhưng vào những năm 1990-1993, “điểm nóng” đã xuất hiện ở một vài nơi. Hải Dương có vụ việc ở xã Tân Việt huyện Cẩm Bình (năm 1990), vụ “Làng Nhô” ở Hiệp Lực, Ninh Giang. Hà Tây có vụ ở xã Song Phượng huyện Hoài Đức (năm 1992). Nam Hà có vụ việc ở xã Phúc Lưu huyện Lý Nhân (năm 1993). Với vụ ở xã Song Phượng, Hoài Đức, Hà Tây, nhân dân bị kích động đã bắt giữ trái phép sáu cán bộ, trong đó có một đồng chí tỉnh ủy viên xuống giải quyết sự việc. Vụ ở Phúc Lưu, Lý Nhân, Hà Nam, đã xảy ra xô xát làm một người chết, một số người bị thương, gần sáu héc-ta đất bỏ hoang không ai canh tác.

        Khi được cơ sở báo cáo xảy ra vụ việc phức tạp, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã nghiên cứu kỹ, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương trên nhiều mặt, đặc biệt làm tốt công tác vận động quần chúng, giải quyết cơ bản dứt điểm các “điểm nóng”. Nói khái quát, nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế đụng tới những vấn đề này hết sức phức tạp, chẳng khác gì đụng tổ ong; nếu biết cách gỡ thì lấy được mật mà lại không bị ong đốt; bằng không thì mật chẳng được mà còn bị ong đốt sưng mặt, bươu đầu. Có vụ việc chúng tôi chỉ làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi thống nhất cách thức giải quyết, nhưng cũng có vụ việc tôi phải trực tiếp giải quyết. Điển hình là vụ ở xã Tân Việt huyện Cẩm Bình và vụ ở xã Hợp Tiến huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương.

        Ở xã Tân Việt, do tranh chấp đất đai kéo dài giữa hai thôn Bằng Giã và Tân Hưng đã dẫn tới mâu thuẫn gay gắt, và xảy ra những hành động quá khích. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân đã dùng biện pháp cưỡng chế, nhằm ổn định tình hình. Nhưng cũng vi tiến hành cưỡng chế mà tình hình đã “nóng” lại càng thêm nóng. Hai làng chính thức dàn trận. Khi xuống trực tiếp giải quyết tình hình thực tế, tôi đọc được việc bày binh bố trận có bàn tay của một số cựu chiến binh. Trận địa bố trí chẳng khác mấy cách ta tổ chức làng xã chống càn trước đây, cũng chặn đầu, khóa đuôi đầy đủ cả. Tình hình căng thẳng tới mức Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự Hải Hưng huy động cỡ trung đoàn, tiểu đoàn xuống giải quyết điểm nóng.

        Nhận được điện khẩn báo cáo của anh Nguyễn Trọng Hiếu - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Hải Hưng, không một thoáng do dự, tôi trả lời như ra lệnh:

        - Không được đưa bộ đội xuống giải quyết, tuyệt đối không. Chờ tôi xuống bàn bạc, sẽ có cách xử lý.

        Dứt lời, tôi hội ý nhanh Bộ Tư lệnh và lên Hải Dương ngay. Cùng đi có anh Lê Ngọc Oa - Phó tư lệnh quân khu, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Hải Dương. Lên Hải Dương, chúng tôi trực tiếp nghe anh Hiếu báo cáo cụ thể tình hình.

        Anh Hiếu và tôi cùng là học viên đào tạo cán bộ tham mưu chiến dịch khóa 1 tại Học viện Quốc phòng, nên đã hiểu tính cách của nhau, trong công việc lại không câu nệ cấp trên, cấp dưới, nên trao đổi thẳng thắn, chân tình. Anh em cùng có nhiều điểm tương đồng trong đánh giá tình hình, xác định mâu thuẫn chính gây nên vụ việc… nên dễ làm việc.

        Tôi cho rằng để giải quyết tận gốc vấn đề phải tìm ra nguyên nhân, xác định đúng tính chất mâu thuẫn. Xem xét diễn biến sự việc, chúng tôi thấy dân có sai, nhưng chủ yếu là cấp ủy, chính quyền địa phương cũng mắc nhiều sai sót, thiếu dân chủ trong giải quyết vấn đề.

        Từ nhận định như trên, tôi chủ trương: sai thì phải sửa, sai đâu sửa đó. Cấp ủy, chính quyền sai, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm; những trường hợp cần thiết phải kỷ luật, xử lý. Dân sai, phải tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:50:20 pm »


        Tôi cũng xác định mâu thuẫn chủ yếu trong nội bộ nhân dân, tuyệt nhiên không phải mâu thuẫn đối kháng địch - ta. Vì vậy, hà cớ gì phải đưa quân đội xuống để giải quyết theo hình thức cưỡng chế?

        Gặp chúng tôi ở Hải Dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phản ứng khá gay gắt việc quân đội không xuống giúp. Anh nói: Quân đội là lực lượng vũ trang của Đảng, của dân; lúc này chính quyền đang gặp khó khăn, sao các anh không ra tay mà còn đợi gì nữa!

        Tôi từ tốn trả lời: Anh hiểu cho quân đội của dân là quý lắm rồi. Cũng vì quân đội của dân, nên chúng tôi phải trực tiếp xuống nghe dân nói gì, xem dân làm gì. Nếu nội bộ dân có vấn đề gì vướng mắc thì cùng tháo gỡ chứ không phải là chế áp dân.

        Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn dặn tôi: Ông cẩn thận xuống dưới đó, không khéo dân họ bắt người, xe thì bì đập phá, khi đó đừng có trách chúng tôi không nhắc. Tôi cảm ơn anh, và khẳng định dân chẳng bao giờ bắt chúng tôi.

        Liền đó, tôi cùng các anh trong đoàn xuống thẳng Tân Việt. Đến cách xã chừng một cây số, chúng tôi xuống xe đi bộ vào làng. Trong thôn ngoài làng im ắng như tờ. Cả nhóm dừng lại đầu làng một lúc thì có hai người đàn ông đứng tuổi (trạc chừng sáu chục) ra chào, hỏi chúng tôi cần gì. Tôi giới thiệu lần lượt từng thành viên trong đoàn. Một trong hai người ra đón chúng tôi, giới thiệu là Bí thư chi bộ thôn, là cựu chiến binh. Ông làm bí thư chi bộ hàng chục năm nay. Sau đó, ông mời chúng tôi vào một căn nhà đầu làng, và từ đó mọi chuyện diễn ra hết sức bình thường, như chẳng có gì gọi là gay cấn cả, tuy rằng mạch chuyện rất dè dặt.

        Qua câu chuyện của người bí thư chi bộ, chúng tôi biết căn nguyên gây ra xung đột hai thôn là vấn đề chia lại đất đai. Nghị quyết của chi bộ chỉ đạo đất trước đây của thôn nào, hợp tác xã nào thì nay trả về cho thôn đó; nhưng nghị quyết của Huyện ủy lại chỉ đạo không giả, ai ở đâu, canh tác ở đâu thì giữ nguyên, vì vậy mà xảy ra tranh giành. Dân yêu cầu và chờ Huyện ủy xuống để giải đáp thì ông Bí thư không xuống, sợ dân bắt. Không những thế, huyện còn cho cả một trung đội công an xuống xã, triệu chúng tôi lên xã để công an điều tra. Lúc này thì dân không lên, sợ công an bắt…

        Vậy là, “quan huyện” sợ dân bắt, dân lại sợ công an huyện bắt, nên chàng gặp được nhau… Mọi chuyện đến đây đã được gỡ nút. Thực tế thì bà con, anh em ta luôn hướng thiện, “trọng nghĩa khinh tài”, luôn ứng xử thấu tình đạt lý. Xuống cơ sở, tôi đặc biệt chú ý lực lượng cựu chiến binh. Khi trò chuyện với anh em, tôi không ngần ngại nói mình cũng đã từng “vào sống ra chết”, chín lần bị thương. Anh em mình không gục ngã trước kẻ thù đế quốc, thực dân, hà cớ gì lại đánh đổi máu xương, danh dự bởi những mâu thuẫn cỏn con, nội bộ?

        Sau Tân Việt, là các điểm nóng Hợp Tiến (Nam Sách) và vụ “làng Nhô” (Hiệp Lực - Ninh Giang).

        Ở Hợp Tiến, cũng do mâu thuẫn nội bộ không được giải quyết thỏa đáng, cộng với những biểu hiện thiếu dân chủ trong khi giải quyết…, đã bị những phần tử xấu kích động, nên khi xe đồng chí Bí thư Huyện ủy xuống xã đã bị quây lại trong một thời gian dài. Người trong xe không được ra ngoài, chỉ được tiếp tế bánh mì, nước uống. Có tin đồn rằng dân quân xã chuẩn bị rơm dọc đường để đốt xe nếu cấp trên xuống can thiệp. Anh Hiếu cũng cho tôi biết là công an có ý định mượn quân phục của bộ đội, cải trang để xuống cơ sở. Hay trường hợp ở Hiệp Lực - Ninh Giang, những phần tử cộm cán, “đầu gấu” đã quản lý, khống chế thôn xóm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chính quyền huyện đã cho hàng trăm công an xuống, nhưng vẫn không vào được làng.

        Nhận được báo cáo của Hải Hưng, tôi cùng anh Hiếu và các anh trong Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phân tích đánh giá tình hình, xác định mâu thuẫn rồi trực tiếp xuống giải quyết. Cũng như ở Tân Việt - khi quân đội xuống thì tình hình ở Hợp Tiến và Hiệp Lực nhanh chóng được “tháo van”. Để giải quyết êm thấm các vụ việc, tôi thống nhất với các anh ở Hải Hưng, Hà Tây, Hà Nam, khi cử các tổ, đội công tác xuống điểm nóng, phải chọn những cán bộ có bản lĩnh, đồng thời phải có tác phong quần chúng tốt; phải kết hợp được với cấy ủy, chính quyền và Hội Cựu chiến binh…

        Từ thực tế giải quyết các điểm nóng Tân Việt, Hợp Tiến, Hiệp Lực, anh Lê Đức Bình - Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng, anh Nguyễn Văn Thọ - Phó bí thư, Chu tịch tỉnh đánh giá cao và tuyệt đối tin tưởng quân đội. Đã có lúc, anh Bình bộc bạch cùng tôi:

        - Trong hội nghị giao ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi đã khẳng định, xảy ra vụ việc nào, nếu quân đội vào, lính của anh Trà, anh Hiếu vào, coi như vụ việc ổn 70-80 phần trăm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:51:44 pm »


        Tôi cũng vui vẻ, góp thêm với anh rằng: Quân đội chỉ là nòng cốt, vấn đề cơ bản là có nhân dân quần chúng ở cơ sở. Khi ta thu phục được nhân tâm, dân tin thì mọi việc sẽ ổn

        Những kinh nghiệm bước đầu trong xử lý một vài “điểm nóng” ở Hải Dương, Hà Tây thời gian làm Tư lệnh Quân khu 3 đã giúp tôi tham gia chỉ đạo giải quyết một số vụ phức tạp ở Thái Bình, Đông Anh - Hà Nội sau này.

        Ấn tượng mạnh đối với tôi là sự kiện ở Đông Anh - Hà Nội, khi đó tôi là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Nguyên nhân của “điểm nóng” này cũng xuất phát từ mâu thuẫn về đất đai; rồi cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết không thấu tình đạt lý, dẫn tới xung đột gay gắt, tới mức chính quyền yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô đưa bộ đội đến can thiệp. Tôi nhớ, trong tình trạng khá căng thẳng, anh Nguyễn Như Hoạt - Tư lệnh Quân khu Thủ đô trực tiếp báo cáo tôi cho phép được đưa bộ đội đến giải quyết vụ việc.

        Tôi hỏi anh Hoạt: Tại sao lại phải đưa bộ đội đến giải quyết mâu thuẫn hoàn toàn thuộc về nội bộ giữa dân với chính quyền? Đồng chí đã tính đến những hệ lụy của nó như thế nào chưa?

        - Báo cáo Bộ trưởng - anh Hoạt trả lời: nhưng đây là ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Bí thư nói rằng đã xin ý kiến của Bộ Chính trị.

        - Tôi là ủy viên Bộ Chính trị, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mà đã có ai hỏi han, đề cập gì đâu? Tôi sẽ trao đổi với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Nhưng lệnh của tôi là không được đưa quân đội đến để rồi tạo áp lực cưỡng chế. Chỉ có thể cử những tổ, đội gồm những cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh, có năng lực vận động quần chúng xuống cùng với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức quần chúng vận động, thuyết phục nhân dân…

        Kết quả là vụ việc ở Đông Anh - Hà Nội được giải quyết ơn thỏa mà không cần sự can thiệp của quân đội. Sau này, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội và anh Hoạt khi nhắc lại với tôi chuyện này đều có chung ý nghĩ: Khi đó, nếu như Quân khu Thủ đô “xuất quân”, thì không rõ tình hình sẽ đi đến đâu!

        Từ những vụ việc ở Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội, tôi cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc tồn tại những “điểm nóng” có thể có nhiều, nhưng chủ yếu là mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức Đảng ở cơ sở, mâu thuẫn giữa nhân dân với một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương về quản lý đất đai, tài chính, tác phong làm việc thiếu dân chủ. Khi dân phát hiện khiếu kiện thì cấp ủy, chính quyền giải quyết không triệt để, kịp thời, làm cho dân bất bình thêm, tạo cơ hội cho những phần tử xấu kích động, lôi kéo, phá hoại. Khi sự việc xảy ra, phương pháp phân tích, xử lý các tình huống của cấp ủy, chính quyền địa phương lúng túng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; nhãn quan tư duy chưa sâu sắc, bản lĩnh chưa thật vững vàng.

        Những vụ việc xảy ra kể trên là điều đáng tiếc. bởi vì Thủ đô Hà Nội cũng như châu thổ sông Hồng vốn là những địa phương giàu truyền thống cách mạng; các tầng lớp nhân dân cần cù lao động, đoàn kết tương thân tương ái, nặng tình làng nghĩa xóm…

        Để giải quyết những vụ việc phức tạp trên, điều cốt yếu đầu tiên là cấp ủy, chính quyền cơ sở, lực lượng vũ trang địa phương phải nắm vững địa bàn, phát hiện mâu thuẫn nảy sinh ở cơ sở, làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng đối đầu giữa quần chúng nhân dân với một bộ phận cán bộ, từ đó có biện pháp tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, có chủ trương giải quyết từng khâu, từng việc dứt điểm.

        - Nơi nào phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cấp ủy và chính quyền địa phương phải hết sức bình tĩnh, đánh giá đúng tình hình; đặt trọng tâm sử dụng lực lượng tùy theo trạng thái quy mô, theo đúng sự chỉ đạo của trên, nhất là Chỉ thị 18 Liên bộ Quốc phòng - Nội vụ (nay là Bộ Công an). Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi nó không chỉ phản ánh quan điểm, đường lối, thái độ chính trị mà còn là thước đo trình độ nhận thức, bản lĩnh, năng lực và sự nhạy bén của người lãnh đạo, chỉ huy trước tình hình thực tế đặt ra. Đây cũng là vấn đề khó và nhạy cảm đối với những người làm công tác quân sự địa phương. Nếu thiếu tỉnh táo dễ dẫn đến sai lầm, vi phạm kỷ luật quân đội, mất uy tín, gây sự hiểu lầm trong quan hệ với địa phương.

        Một vấn đề có tính nguyên tắc là sự liên kết chặt chẽ của các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội, thể hiện sự năng động, sáng tạo, định hướng tạo sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong công tác vận động quần chúng. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh Hội người Cao tuổi, Hội Hưu trí, những cán bộ lão thành cách mạng, những người có uy tín ở từng địa phương, dòng họ…, tạo bầu không khí lành mạnh, đấu tranh với những biểu hiện cực đoan, coi thường pháp luật của những phần tử quá khích; phát huy nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực. Những địa phương xảy ra vụ việc là do phát sinh mâu thuẫn nội bộ. Ở đó, nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tự giải quyết là chính, theo pháp luật hiện hành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2016, 09:10:39 am »


        Lực lượng được phân công bám nắm cơ sở phải xử lý nhiều kênh thông tin, phải chọn lọc để có thông tin chính xác, từ đó tham mưu đúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền, để có quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp. Đồng thời, đập tan luận điệu xuyên tạc của những phần tử cực đoan, nhằm định hướng tư tưởng, hành động trong nhân dân.

        - Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị, đồng thời rà soát lại đội ngũ cán bộ cơ sở, xử lý kịp thời những cá nhân thoái hóa biến chất, làm cho bộ máy lãnh đạo, điều hành ở cơ sở bảo đảm sự tin cậy của nhân dân.

        - Kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ sức làm nòng cốt trong công tác vận động quần chúng, trong bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các nhiệm vụ khác. Chú trọng giáo dục ý thức chính trị và rèn luyện bản lĩnh đấu tranh, làm cho môi một dân quân tự vệ, dự bị động viên phải là một nhân tố tích cực trong sản xuất và hoạt động xã hội ở địa phương, đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện tiêu cực, manh động, vô chính phủ. Đối với những cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên nếu tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào những hoạt động gây rối ở địa phương, phải kiên quyết loại bỏ khỏi hàng ngũ và có hình thức xử lý thích đáng.

        Quá trình công tác trước đây ở các đơn vị thuộc Quân khu 9 và 5 năm trên cương vị Tư lệnh Quân khu 3, trong công tác cán bộ cũng để lại cho tôi những điều cần đúc kết, suy ngẫm. Tôi nghĩ rằng, khi được tổ chức phân công chủ trì một cơ quan, đơn vị, mình phải luôn nghĩ đến quyền lợi của cấp dưới - bằng các quy chế, chính sách - kể cả chính sách đề bạt, sử dụng cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ phát huy hết năng lực - sở trường sở đoản. Đồng thời, người chỉ huy phải có tính vị tha nếu như cán bộ, nhân viên thuộc quyền phạm khuyết điểm. Trong chúng ta, ở đời, ai mà không có khuyết điểm, hoặc nhiều hoặc ít. Vấn đề là làm sao để anh em nhìn nhận rõ khuyết điểm, có hướng khắc phục; tổ chức phải tạo điều kiện để anh em khắc phục tốt.

        Tôi nhớ những năm đầu thập niên 90, Quân khu 3 có chủ trương bung ra làm kinh tế. Khi chọn cán bộ làm Trưởng phòng Kinh tế quân khu, tôi hỏi anh Đỗ Mạnh Đạo, anh đề cử đồng chí Nguyễn Văn Chỉnh. Chỉnh là người năng động, có đầu óc làm kinh tế, nhưng lần đầu bước vào thương trường, vấp ngã luôn - thời gian đầu lỗ 600 triệu. Khi đó ngần này tiền là to lắm. Sau cú ngã đó Chỉnh báo cáo lãnh đạo, chỉ huy, thôi không làm kinh tế nữa. Còn cơ quan pháp luật vào cuộc đòi xử lý. Nhưng tôi, anh Đạo động viên Chỉnh tiếp tục nghiên cứu triển khai chủ trương của quân khu. Chúng tôi sẽ hỗ trợ. Nếu “hỏng” lần nữa, khi đó xử lý cũng chưa muộn. Được tổ chức động viên, tạo điều kiện, Chỉnh tiếp tục tìm cách làm ăn. Chỉ vài năm sau đã lãi mấy tỷ đồng - và mở ra một hướng làm kinh tế có hiệu quả cho Quân khu 3. Sau anh Chỉnh thì Phan Bá Dân (nay là Chủ nhiệm Hậu cần quân khu) và một số đồng chí khác cũng là những cán bộ có tư duy làm kinh tế và làm có hiệu quả.

*

*       *

        Năm năm trên cương vị Tư lệnh Quân khu 3, cùng với dòng chảy công việc, tôi đã có những bước trưởng thành nhất định, hay nói đúng hơn công việc đã tạo nên những bước tiến đáng kế của tôi. Sau khi nhận quyết định giữ chức Phó tư lệnh thứ nhất quân khu, ngày 29 tháng 8 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Quyết định số 200/ĐUQSTW chỉ định tôi là Đảng ủy viên, Phó bí thư Đảng ủy Quân khu. Đầu năm 1989, anh Nguyễn Trọng Xuyên được trên điều lên làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, tôi được bổ nhiệm Tư lệnh quân khu. Cuối năm năm đó, tôi được phong hàm Trung tướng. Năm 1991, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, tôi được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tiếp đó, trong đợt bầu cử Quốc hội khóa VIII, tôi trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu tín nhiệm cao. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu (vòng 2), tôi được bầu làm Phó bí thư Đảng ủy; ngày 26 tháng 3 năm 1993, lại được Đảng ủy Quân sự Trung ương chỉ định làm Bí thư Đảng ủy Quân khu. Năm năm trên bất cứ cương vị công tác nào, tôi đều tận tâm tận lực, gắng làm tròn trách nhiệm của mình, mong góp công sức nhỏ nhoi của mình cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân khu 3 xứng đáng với truyền thống “Ra quân, ra của, ra chiến thắng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2016, 09:12:09 am »


        Đã ngót hai chục năm kể từ ngày tôi về nhận nhiệm vụ ở Quân khu 3, nhưng mỗi lần có dịp trở lại quân khu, thì các anh Thế Trị, Hoàng Kỳ, Nguyễn Văn Lân, Lê Trung Thành, Nguyễn Tiến Long, Nguyễn Đình Diễn, Lê Ngọc Oa, Phan Bá Dân,… và nhiều cán bộ, nhân viên quân khu bộ vẫn làm sống lại trong tôi những kỷ niệm mộc mạc, dung dị ngày ấy. Trong hồi niệm của nhiều người vẫn hằn sâu bóng dáng của tôi vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ, mặc thường phục, đội mũ lưỡi trai công nhân, đạp xe Phượng Hoàng xuống các cơ quan, phân đội trực thuộc, vừa thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ, vừa nắm tình hình, nghiên cứu quy hoạch củng cố, xây dựng doanh trại cơ quan, đơn vị; đồng thời cũng không quên nắn sửa tác phong, lời ăn tiếng nói chưa chuẩn xác của từng cán bộ, chiến sĩ. Có lần, trong một ngày nghỉ. tôi đạp xe ra thăm Trung đoàn vận tải 653 Cục Hậu cần quân khu; thấy tôi dắt xe vào cổng, đồng chí vệ binh trẻ măng cười, chào chú và tự nhiên để tôi vào không hỏi han gì. Sau khi vào cổng, tôi dựng xe và quay lại chỗ đồng chí cảnh vệ, từ tốn hỏi:

        - Đồng chí đứng đây làm gì?

        - Thưa chú - chiến sĩ vệ binh ngạc nhiên hỏi lại - chú không thấy cháu đang đứng gác hay sao?

        - Sao tôi vào, đồng chí không kiểm tra? - Tôi hỏi tiếp.

        - Cháu cứ nghĩ chú là dân sự.

        - Không được, không được - tôi ôn tồn nói: Điều lệnh cảnh vệ không có điều nào quy định chỉ kiểm tra quân nhân mà không kiểm tra thường dân. Đồng chí phải làm tốt chức trách của mình là đang bảo vệ, giữ gìn tính mệnh, của cán bộ, chiến sĩ và tài sản của đơn vị.

        Sau khi nhắc nhở, dặn dò chiến sĩ vệ binh chu đáo tôi vào thăm Ban chỉ huy trung đoàn. Có lẽ người chiến sĩ trẻ ấy không biết người “đối chất” với mình hôm đó là Tư lệnh quân khu.

        Từ những công việc “tấm miếng” như điều chỉnh tổ chức lại lực lượng cả một quân khu “vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương” theo chiến lược quốc phòng - an ninh đầu thời kỳ đổi mới của Đảng, xây dựng khu vực phòng thủ - chú trọng tuyến biển - đảo, những đổi mới có tính đột phá về công tác cán bộ, công tác hậu cần, kỹ thuật, xây dựng bệnh xá quân dân y kết hợp, kết hợp kinh tế với quốc phòng…, đến những câu chuyện rất đỗi đời thường kể trên, đều là những kỷ niệm đẹp, những niềm vui mà tôi có được trong 5 năm sống và công tác ở Quân khu 3 anh hùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2016, 09:13:17 am »


Chương bảy

NHỮNG NGÀY Ở TỔNG HÀNH DINH

        Sau hơn 5 năm trên cương ví Phó tư lệnh thứ nhất rồi Tư lệnh Quân khu 3, tháng 12 năm 1993, tôi được thủ tướng bổ nhiệm làm Phó Tổng tham mưu trưởng. Người thay tôi làm Tư lệnh Quân khu 3 là anh Nguyễn Thế Trị.

        Dẫu có nặng lòng với vùng châu thổ sông Hồng; với những dự định lớn, bé của Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, nhằm điều chỉnh tổ chức lại lực lượng vũ trang quân khu theo hướng tinh, gọn, mạnh; với những dự án kinh tế kết hợp quốc phòng… ở vùng “phên giậu” Đông Bắc Tổ quốc…, nhưng, nhận quyết định của trên, tôi khẩn trương bàn giao, chia tay các anh trong cơ quan quân khu để “lai Kinh”. Tất cả những gì chắt lọc qua thực tiễn công tác, và tình cảm anh em, đồng chí “nhiệm vụ cùng bàn, khó khăn cùng nhau khắc phục” (lời các anh Nguyễn Trọng Xuyên, Đỗ Mạnh Đạo,…) là hành trang quý giá mà tôi tích cóp thêm trên đường về Tổng hành dinh.

        Thời điểm tôi lên công tác ở Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng là anh Đào Đình Luyện (kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Phó Tổng tham mưu trưởng có các anh: Nguyễn Thế Bôn, Đỗ Đức, Nguyễn Thới Bưng, Trần Hanh; thời gian sau anh Nguyễn Thới Bưng được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, anh Đỗ Đức nghỉ hưu; trên bổ nhiệm thêm các anh Nguyễn Văn Rinh, Nguyễn Huy Hiệu làm Phó Tổng tham mưu trưởng. Theo phân công của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng Tham mưu trưởng, mỗi Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách một số mảng công việc cụ thể. Tôi được phân công phụ trách tác chiến. Trong đội ngũ cán bộ chủ trì Bộ Tổng tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng, cho dù tuổi tác có chênh lệch, sống có cá tính, nhưng đều từng trải chiến trận, ít nhiều lại học tập, công tác với nhau, nên anh em đồng thuận, cởi mở, cầu thị; bầu không khí làm việc hết sức thoải mái.

        Vấn đề có tính bao trùm, xuyên suất trong hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân, của quân đội ta vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước là quán triệt được tư duy mới của Trung ương Đảng về chiến tranh nhân dân - quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Không chỉ chuẩn bị đất nước đề phòng chiến tranh xâm lược với mọi quy mô, mà còn phải chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ…

        Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề, ngay từ những ngày đầu được giao phụ trách tác chiến, tôi đã cùng các anh Hoàng Nghĩa Khánh, Vũ Cao (Cục trưởng Cục Tác chiến), Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Đồng Thoại, Vũ Xuân Thủy (Phó cục trưởng) và một số chuyên viên có bề dày kinh nghiệm về tham mưu tác chiến, nghiên cứu soạn thảo chỉ thị 25/CT-TM của Bộ Tổng tham mưu, vạch định nguyên tắc, phương pháp đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, trong đó khẳng định: Về nguyên tắc, phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền an ninh trong mối quan hệ; ngăn chặn và xử lý gọn các điểm nóng, dựa vào nhân dân, phát động được quần chúng.

        Từ định hướng trên, sau khi được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Cục Tác chiến tập trung triển khai một số công tác trọng tâm:

        1. Xây dựng kế hoạch phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới;

        2. Nghiên cứu đề xuất và tổ chức thực hiện một bước điều chỉnh chiến lược lớn;

        3. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh biên giới, biển - đảo, thềm lục địa, không phận của Việt Nam;

        4. Tham gia xây dựng lý luận phòng thủ khu vực và công tác tham mưu trong khu vực phòng thủ; tổ chức các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ trên cả nước;

        5. Quy hoạch vị trí đóng quân; điều chỉnh bố trí lại lực lượng.

        6. Tham gia hoạch định nội dung xây dựng hậu phương chiến lược, xây dựng tiềm lực quốc phòng.

        Về xây dựng kế hoạch phòng thủ cơ bản, để có cơ sở thực tế, tôi đã cùng các đồng chí ở Cục Tác chiến, Cục Huấn luyện chiến đấu (nay là Quân huấn),… nhiều lần nghiên cứu thực địa ở các quân khu. Sau đó, anh em cùng ngồi với nhau bàn thảo về đối tượng tác chiến; dự kiến tình hình phát triển, các tình huống chiến tranh có thể xảy ra. Ngoài những tình huống trước đây ta dự kiến, liệu có tình huống nào xảy ra nữa hay không? Về vấn đề này, chúng tôi cũng nhận được những gợi ý rất sâu sắc, cụ thể của anh Đào Đình Luyện và Bộ trưởng Đoàn Khuê.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2016, 09:14:33 am »


        Về cách đánh của quân chủ lực, trong những lần bàn thảo, chúng tôi đều thống nhất rằng: chiến tranh nếu nổ ra sẽ lớn hơn, hiện đại hơn, ta khó giành thắng lợi trên tuyến đầu, thời gian đầu. Vì vậy, ta phải tích cực xây dựng lực lượng mạnh tại chỗ, đánh lâu dài; không thể sử dụng lực lượng dự bị chiến lược sớm, tiến hành phản công ngay mà phải áp dụng cách đánh buộc địch phải sa lầy tiến thoái lưỡng nan (đây cũng chính là kinh nghiệm được đúc kết từ hàng nghìn năm chống ngoại xâm của cha ông - đặc biệt là kinh nghiệm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ).

        Trong chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng thủ cơ bản, qua nghiên cứu, chúng tôi dự kiến với những tình huống dự báo hiện nay, có các tình huống phải cùng một đối tượng tác chiến, hoặc một đối tượng tác chiến nhưng thủ đoạn, biện pháp chiến lược của chúng lại khác nhau, tiến hành trên từng không gian chiến trường khác nhau… Vì vậy, không thể xây dựng một kế hoạch phòng thủ chiến lược chung là đủ mà phải có nhiều kế hoạch. Ngoài “kế hoạch phòng thủ cơ bản bảo vệ Tổ quốc”, còn phải có cả “Quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh, bảo vệ chế độ”, kế hoạch chống chiến tranh xâm lược quy mô lớn, quyết tâm phòng thủ bảo vệ biên giới, vùng trời, vùng biển - đảo và thềm lục địa… Các kế hoạch được xây dựng không đơn thuần về quân sự - quốc phòng mà phải gắn kết chặt chẽ quốc phòng với an ninh - quốc phòng với kinh tế.

        Qua lĩnh hội ý kiến chỉ đạo tác chiến, chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng thủ cơ bản, của các anh Lê Đức Anh, Đoàn Khuê, Đào Đình Luyện…, chúng tôi dần dần thấm thía rằng: vấn đề có tính nguyên tắc là không vì dự kiến ít có khả năng xảy ra chiến tranh xâm lược quy mô lớn mà coi nhẹ việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng thủ cơ bản (kế hoạch A). Có kế hoạch phòng thủ cơ bản mới có cơ sở triển khai các công việc phòng thủ bảo vệ đất nước, kết hợp kinh tế với quốc phòng, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế… Chỉ có xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, với tiềm lực quốc phòng - kinh tế mạnh, luôn luôn cảnh giác cao độ, thì khi đối phương tiến hành chiến tranh xâm lược, ta mới không bị động về chiến lược.

        Ngoài kế hoạch phòng thủ quốc gia, kế hoạch phòng thủ của quân khu, tỉnh…, Bộ Tổng tham mưu còn chỉ đạo Cục Tác chiến phối hợp với các quân khu, quân chủng, binh chủng xây dựng các kế hoạch bảo vệ một số khu vực trọng điểm, vùng sâu vùng xa, như: kế hoạch bảo vệ vùng biển đảo Tây Nam (Thổ Chu, Phú Quốc,…); kế hoạch bảo vệ căn cứ hậu phương Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc. Đặc biệt kế hoạch phòng thủ Cam Ranh được chỉ đạo nghiên cứu kỹ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Vùng 4 hải quân, Quân khu 5 và các quân - binh chủng.

        Vùng biển quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa, thềm lục địa của ta, đặc biệt là các khu vực có dầu khí thường là “điểm nóng”, do có sự tranh chấp của một số nước trong khu vực. Vì vậy, nghiên cứu xây dựng kế hoạch phòng thủ bảo vệ vùng biển - đảo, là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan tham mưu tác chiến chiến lược.

        Sau khi về công tác ở Bộ Tổng tham mưu, được phâncông phụ trách tác chiến, tôi đã dành nhiều thời gian đi thị sát nắm tình hình thực tế ở các đảo. Riêng quần đảo Trường Sa, trong vòng một năm, với nhiều đợt công tác, tôi đã tới 32 đảo nổi, đảo chìm, chứng kiến mọi hoạt động của đồng bào, chiến sĩ ta nơi đầu sóng ngọn gió.

        Về kế hoạch phòng thủ, bảo vệ vùng biển - đảo, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Cục Tác chiến nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, chuẩn bị các phương án, tham gia các phái đoàn của Nhà nước tiến hành đàm phán giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia… về các Vấn đề có tranh chấp giữa các nước tại các vùng chồng lấn trên biển và thềm lục địa; tiến tới phân định rõ ranh giới vùng biển và thềm lục địa giữa Việt Nam và Thái Lan (năm 1997), phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (tháng 12 năm 2000), phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Inđônêxia (năm 2003),…

        Về bảo vệ vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, Bộ Tổng tham mưu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Ban Biên giới Chính phủ, bằng các biện pháp quân sự bảo đảm giữ vững chủ quyền, ngăn chặn đối phương gây xung đột quân sự. Từ năm 1994, Bộ Tổng tham mưu đã cho sưu tầm, chuẩn bị một số văn kiện, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, hoàn chỉnh và đệ trình lên Quốc hỏi phê chuẩn, ban hành “Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982” và “Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng”.

        Cùng với đấu tranh ngoại giao, bảo vệ chủ quyền biển - đảo, Bộ Tổng tham mưu còn chỉ đạo Cục Tác chiến hoàn thiện kế hoạch bảo vệ khu vực quần đảo Trường Sa và Dầu khí I (DKI); tiếp tục bổ sung phương án phòng thủ, bảo vệ các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý…; tổ chức các lực lượng phòng thủ, các lực lượng tuần tra, thường xuyên duy trì tàu trực chiến tại Trường Sa, Dầu khí I, bãi cạn Cà Mau, để kịp thời phát hiện xua đuổi tàu nước ngoài xâm nhập trái phép; kết hợp với hoạt động kinh tế và dịch vụ trên biển. Theo đó năm 1998, Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân chính thức ra đời, tham gia vào hoạt động phòng thủ, bảo vệ biển - đảo.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM