Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:53:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44371 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:23:21 am »


Chương sáu

TƯ LỆNH QUÂN KHU 3

        Trước khi xuống Quân khu 3 nhận nhiệm vụ tôi khẩn trương trở về Quân khu 9 giải quyết một số công việc chia tay các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu; chia tay bạn bè, đồng chí, bà con cô bác đã từng chia ngọt, sẻ bùi, chia nhau thử thách cam go, chia nhau niềm vui, chia nhau cái chết trong chiến tranh. Như vậy, điều mà anh em, đồng chí hy vọng sau mấy tháng học tôi sẽ trở về với địa bàn quen thuộc, với Quân khu 9, với những con người thân thuộc, đã không như ý muốn.

        Vậy là, kể từ ngày hơn trăm rưỡi anh em chúng tôi từ miền Bắc hành quân xuyên dãy Trường Sơn vào Nam Bộ, xuống đến Cà Mau - Đất Mũi, tôi đã có tới 25 năm công tác, chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. 25 năm, dưới góc độ nhân học là thời gian của đúng một thế hệ; chẳng ngắn ngủi chút nào! Thật tự hào, hạnh phúc biết bao được làm người con của U Minh, Vĩnh - Trà, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ… bất khuất kiên cường trong những tháng ngày thắng Mỹ.

        Đất nước mình nhỏ hẹp, Nam - Bắc tuy xa nhưng cũng rất gần. Sau này, ở cương vị công tác mới, đất miền Tây luôn là lực hút cực mạnh, luôn níu kéo tôi về. Tuy nhiên, phút chia tay ngày đó vẫn là khúc ngoặt; lắng lại trong tôi biết bao cảm xúc vui - buồn khó tả. Phút chia xa, quá khứ một thời đánh Mỹ quyết liệt, cam go, hào hùng và thấm đẫm nghĩa tình quân dân, tình đồng chí, đồng đội… ùa về như níu giữ, tôi không dễ gì thanh thản ra đi.

        Trở lại với đồng bằng sông Hồng, nơi tôi đã có những trận chiến đấu “vỡ lòng” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giờ đây đã biết mấy đổi thay. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chiến lược quốc phòng - an ninh của Đảng có sự chuyển hưởng quan trọng, với quan điểm: toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ và tham gia xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo đó, quân đội có bước điều chỉnh quy mô lớn về tổ chức biên chế.

        Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, ngày 24 tháng 8 năm 1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương ra Nghị quyết số 154/NQ-ĐUQSTW, quyết định sáp nhập Đặc khu Quảng Ninh vào Quân khu 3. Lúc này, Quân khu 3 gồm các tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình; dân số trên mười triệu người.

        Quân khu 3 là địa bàn có nền sản xuất công - nông nghiệp phát triển; là một trong hai vùng sản xuất lương thực, thực phẩm chủ yếu của cả nước; có nhiều trọng điểm kỹ thuật và quốc phòng; tập trung nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Với địa thế mới, Quân khu 3 có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 136 cây số, có bờ biển dài 460 cây số và hàng nghìn đảo lớn nhỏ tập trung ở tuyến đảo Đông Bắc của Tổ quốc. Tất cả những yếu tố đó đã tạo cho Quân khu 3 trở thành một trong những vùng đất căn bản và là cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước.

        Trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm trước đây địa bàn Quân khu 3 thường xuyên phải đối phó trực tiếp với mọi hoạt động của địch trên đất liền, trên biển, trên không. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Quân khu 3 là một hướng phòng thủ chiến lược trọng yếu đồng thời cũng là địa bàn có điều kiện tiến hành chiến tranh nhân dân ở đỉnh cao, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Do điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đặc điểm kinh tế - xã hội, nên địa bàn Quân khu 3 sau điều chỉnh lần này mang đầy đủ hai tính chất: vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương.

        Bộ Tư lệnh Quân khu khi mới sáp nhập vào Đặc khu Quảng Ninh, có anh Nguyễn Trọng Xuyên - Thiếu tướng - Tư lệnh; anh Đỗ Quốc Tuấn - Trung tướng, Phó tư lệnh về chính trị; anh Nguyễn Thành Lai - Thiếu tướng, phó tư lệnh Tham mưu trưởng; anh Ngô Văn Tại - phó tư lệnh phụ trách hậu cần. Anh Xuyên và các anh trong Bộ Tư lệnh đều trưởng thành qua thực tế chiến đấu. Riêng anh Nguyễn Trọng Xuyên, trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều năm là Tư lệnh Khu 6. Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, anh Xuyên đã sớm làm một cuộc hành quân từ cực Nam Trung Bộ ra đồng bằng Bắc Bộ. Làm Phó tư lệnh Tham mưu trưởng quân khu một thời gian, anh Xuyên được bổ nhiệm Tư lệnh quân khu thay anh Nguyễn Quyết chuyển lên làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong thập niên tám mươi, dưới thời bộ ba lãnh đạo: anh Quyết, anh Xuyên và anh Lương Tuấn Khang, Quân khu 3 nổi tiếng với phong trào “Làm giàu đánh thắng”, được toàn quân học tập. Chủ trương “Làm giàu đánh thắng” của các anh ở Quân khu 3 là bước phát triển quan điểm “thực túc - binh cường” một trong những nét đẹp truyền thống, một kinh nghiệm quý báu về xây dựng lực lượng vũ trang, về kế sách giữ nước của tổ tiên, cha ông ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:26:25 am »


        Thời gian đầu về nhận công tác ở Quân khu 3, tôi được bổ nhiệm Phó tư lệnh thứ nhất. Khi anh Nguyễn Trọng Xuyên được trên điều lên làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, tháng 12 năm 1988, tôi được bổ nhiệm Tư lệnh quân khu. Đồng thời, anh Đỗ Mạnh Đạo - Chủ nhiệm chính trị quân khu được bổ nhiệm Phó tư lệnh về chính trị thay anh Đỗ Quốc Tuấn nghỉ hưu; anh Trần sdCông Thìn được bổ nhiệm Phó tư lệnh Tham mưu trưởng thay anh Nguyễn Thành Lai.

        Sau một phần tư thế kỷ là lính của các đơn vị chiến đấu khi ở chiến trường trong nước, khi làm nhiệm vụ quốc tế, nay về công tác ở một quân khu đất rộng, người đông “kho người, kho của”, bước vào thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đòi hỏi bản thân tôi cũng phải nhanh chóng nhập cuộc, nắm chắc tình hình, phát hiện vấn đề, từ đó cùng tập thể Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, tổ chức lực lượng vũ trang quân khu thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới.

        Theo thường lệ, khi về nhận công tác ở đơn vị mới, việc đầu tiên sau khi nắm tình hình tổng thể, tôi tranh thủ xuống một lượt các đơn vị, từ Sư đoàn 395 ở tuyến biên giới Đông Bắc, Sư đoàn 242 (sau này là Trung đoàn 42) ở tuyến đảo, Sư đoàn 350 - đơn vị có bề dày truyền thống của quân khu; Sư đoàn 433 chuyên huấn luyện chiến sĩ mới; rồi các trường, kho, xưởng, xí nghiệp quốc phòng…

        Cùng với nắm tình hình, thực lực các đơn vị, tôi mày mò nghiên cứu tìm hiểu; rồi qua trao đổi, bàn thảo với các anh trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh để có cái nhìn bao quát về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang quân khu. Qua trao đổi, tôi thật sự tâm đắc về sáu nhiệm vụ cơ bản của lực lượng vũ trang quân khu trong tình hình mới, được Thường vụ Đảng ủy quân khu xác định trong phiên họp ngày 4 tháng 1 năm 1988 sau khi sáp nhập Đặc khu Quảng Ninh, đó là:

        1. Quán triệt và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong thời kỳ mới một cách chủ động sáng tạo theo quan điểm “Toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; toàn quân bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng đất nước”.

        2. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh; xây dựng Quân khu 3 vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, có văn hóa, khoa học kỹ thuật phát triển.

        3. Thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp với các lực lượng, kiên quyết đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch.

        4. Ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tăng cường khả năng phòng thủ, từng bước chuẩn bị sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược của địch trên hướng quân khu, chi viện cho các hướng khác.

        5. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang có cơ cấu hợp lý, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, thường trực và dự bị mạnh.

        6. Tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế.

        Trên thực tế, những nội dung được Thường vụ Đảng ủy quân khu đề ra trong hội nghị đầu năm 1988 có vai trò định hướng, chỉ đạo các mặt hoạt động của quân khu trong một thời gian dài.

        Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh, bố trí lại lực lượng vũ trang quân khu theo phương án tác chiến phòng thủ của Bộ, thời gian này, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tiếp tục kiện toàn biên chế tổ chức Bộ chỉ huy quân sự Quảng Ninh, Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng; tổ chức lại Sư đoàn 395. Sau khi bàn giao một bộ phận cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, đưa Sư đoàn 395 về đứng chân ở Tiên Yên. Rút gọn Sư đoàn 328, kiện toàn Sư đoàn 329; hợp nhất Sư đoàn 432 và Sư đoàn 350 thành Sư đoàn 350; hợp nhất Sư đoàn 323 và Sư đoàn 360 thành Sư đoàn 323; giải thể Sư đoàn 433 làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới - thực chất là sáp nhập Sư đoàn 433 vào Trường Quân chính quân khu… Trong bước điều chỉnh tổ chức biên chế lần này, Bộ Tư lệnh Quân khu đặc biệt chú trọng các đơn vị thường trực làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (Sư đoàn 350, Sư đoàn 395, Sư đoàn 242, Lữ đoàn 454,…) và các đơn vị chuyên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế cho phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới.

        Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân khu trong thời gian này là xây dựng phương án tác chiến phòng thủ; chỉ đạo các tỉnh, thành phố xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-BCT của Bộ Chính trị (ngày 30 tháng 7 năm 1987) và Chỉ thị số 56/CT-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (ngày 11 tháng 3 năm 1989). Nghỉ quyết 02/NQ-BCT của Bộ Chính trị (khóa VI) xác định những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc về nhiệm vụ quốc phòng trong giai đoạn mới; trong đó nổi lên vấn đề hết sức quan trọng, cấp bách là “xây dựng các tỉnh (thành phố), huyện (quận) thành khu vực phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân và hậu phương đất nước một cách toàn diện trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chuyên chính vô sản, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng. Xây dựng quân đội nhân dân chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao. Phát huy hiệu lực cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 07:34:12 pm »


        Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị thể hiện sự đổi mới tư duy của Đảng ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây chính là bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược về nhiệm vụ quốc phòng trong thời kỳ xây dựng hòa bình, từ trực tiếp đối phó với chiến tranh xâm lược sang ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Theo quan điểm của Đảng, trong tình hình mới, để bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kế sách giữ nước là phải chăm lo xây dựng đất nước giàu mạnh, giữ vững ổn định chính trị, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế, văn hóa xã hội mạnh mẽ; tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao.

        Thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng, củng cố thế chiến lược mới của quân khu, ngày 8 tháng 7 năm 1988, Đảng ủy quân khu họp, ra nghi quyết về xây dưng tỉnh, thành phố trong quân khu thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đảng ủy tập trung thảo luận, đánh giá đúng vị trí, vai trò của Quân khu 3, dự kiến tình hình và các hành động của địch; dự đoán nhưng tình huống có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đồng thời xác định tư tưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

        Về vị trí của quân khu, Đảng ủy tiếp tục khẳng định Quân khu 3 giữ vị trí trọng yếu, chiếm giữ toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng, quan hệ đến sự mất còn của Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Về dự kiến tình hình, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu nhận định trước mắt kẻ địch chưa thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn đối với nước ta, nhưng chúng vẫn thực hiện mưu đồ làm suy yếu đất nước ta bằng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Đối với Quân khu 3, khi tiến hành chiến tranh, kẻ địch có thể tiến công bằng đường biển để đổ bộ, sau đó tiến công bằng đường bộ, kết hợp đổ bộ đường không xuống các khu vực trọng điểm, trọng yếu; tổ chức gây rối, bạo loạn nội địa ở những địa bàn phức tạp, cơ sở chính trị yếu.

        Trước tình hình đó, việc xây dựng các tỉnh, thành phố thành các khu vực phòng thủ vững chắc để đánh bại các kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, làm chủ vững chắc từng địa phương khi chiến tranh xảy ra là việc làm cần thiết, cấp bách của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang từng địa phương trong quân khu.

        Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ủy quân khu, từng bước hoàn chỉnh mô hình, phương thức hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, chúng tôi đi tới thống nhất. Nhiệm vụ xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc phải căn cứ vào vị trí, tính chất và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, nhưng phải xây dựng toàn diện, gồm xây dựng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhằm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:

        - Đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch: bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, chủ quyền biển và hải đảo, đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch.

        - Chuẩn bị tốt mọi mặt cho thời chiến, sẵn sàng chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến nhanh nhất, tốt nhất.

        - Khi có chiến tranh xảy ra không để bị bất ngờ. Nếu địch đến, phải liên tục chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu hẹp phạm vi đánh phá của chúng, tạo điều kiện để ta phản công, tiến công.

        - Xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, kịp thời phát hiện và triệt phá các mầm mống cơ sở phản động của địch. Khi có chiến tranh xảy ra, phải vừa tác chiến, vừa sản xuất, xây dựng kinh tế và động viên sức người, sức của phục vụ chiến tranh.

        Tư tưởng chỉ đạo của Đang ủy Quân khu về xây dựng khu vực phòng thủ là: Thấu suốt quan điểm quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, phát động tinh thần tích cực chủ động, tự lực tự cường, toàn dân làm quốc phòng, toàn dân làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ chiến lược, giải quyết đúng đắn mối quan hệ kinh tế với quốc phòng - an ninh, làm cho cả kinh tế và quốc phòng - an ninh đều phát triển. Mỗi địa phương đều phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ tự bảo vệ mình theo hướng xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh; đồng thời phải góp phần bảo vệ cả nước và làm nghĩa vụ quốc tế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 07:35:43 pm »


        Xác định, hoàn thiện mô hình, nhiệm vụ, tư tưởng chỉ đạo và cơ chế vận hành của khu vực phòng thủ, là thành công lớn, là cơ sở để Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tổ chức thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 56 của Hôi đồng Bộ trưởng.

        Trên cương vị Tư lệnh quân khu, hằng năm tôi đều chỉ đạo cơ quan tham mưu hướng dẫn cơ quan quân sự các tỉnh, thành phố xây dựng phương án tác chiến phòng thủ; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cơ quan quân sự tỉnh, thành phố - chủ yếu là Chủ tịch ủy ban nhân dân, chỉ huy trưởng quân sự các cấp làm văn kiện phòng thủ khu vực và tổ chức diễn tập phòng thủ cấp tỉnh, thành phố…

        Từ ngày 17 đến 20 tháng 11 năm 1988, tôi trực tiếp chỉ đạo Sư đoàn 395 và bốn lữ đoàn binh chủng (454, 214, 405, 539), diễn tập sư đoàn bộ binh tăng cường, tác chiến phòng thủ. Từ ngày 15 đến 17 tháng 8 năm 1989, tôi dự và chỉ đạo tỉnh Thái Bình diễn tập khu vực phòng thủ. Tiếp đó,.trong 2 ngày (7 và 8 tháng 10 năm 1989), tôi dự và chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh Quảng Ninh. Dự tổng kết cuộc diễn tập có anh Nguyên Chơn - khi đó là Thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng. Anh Chơn đánh giá rất cao kết quả diễn tập; biểu dương anh Bình Giang - Bí thư Tỉnh ủy, anh Quang Trung - Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và anh Nguyễn Thế Trị - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh… đã hoàn thành tốt vai trò của mình trong diễn tập.

        Từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 3 năm 1990, quân khu chỉ đạo tỉnh Hà Nam Ninh diễn tập khu vực phòng thủ (PH-90). Tư tưởng chỉ đạo của Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu là qua diễn tập PH-90, đưa cơ chế mới (cơ chế 02 của Bộ Chính trị) vào tập vận hành trong chiến tranh; nâng cao nhận thức và khả năng hành động của cơ quan, ban ngành; đồng thời nghiên cứu bổ sung kế hoạch A và B.

        Trực tiếp theo dõi diễn tập, tôi thấy các đơn vị thực binh, như: động viên quân dự bị, phương tiện, triển khai thực hành chiến đấu đều hoạt động nhịp nhàng, thực hiện đúng kế hoạch. Dự hội nghị rút kinh nghiệm diễn tập PH-90, Đại tướng Đoàn Khuê - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao kết qua diễn tập, và chỉ thị: “… Quân khu 3 có đội ngũ sĩ quan dự bị hùng hậu, chỉ riêng số sĩ quan dự bị của tỉnh Hà Nam Ninh đã có tới 10.847 người, bằng cả số sĩ quan dự bị của Quân khu 7… Đó là tiềm năng lởn cho quân khu quản lý, có thể huy động đóng góp to lớn sức người, sức của trong sự nghiệp xâydựng và bảo vệ Tổ quốc”.

        Trung tuần tháng 4 năm 1990, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo tỉnh Hải Hưng diễn tập khu vực phòng thủ, và trung tuần tháng 5, Hà Sơn Bình tổ chức diễn tập. Đại diện cơ quan Bộ Quốc phòng đánh giá: Các bước diễn tập được tiếp hành đạt kết quả tốt; đặc biệt quân số đông viên đạt tỷ lệ cao. Các cuộc diễn tập đều đạt mọi ý định đề ra.

        Song song với diễn tập cấp tỉnh, thành phố là các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, thị: Đông Hưng (Thái Bình), Phú Xuyên (Hà Tây), An Lão (Hải Phòng),…

        Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố… theo tinh thần Nghị quyết 02/BCT của Bộ Chính trị và Chỉ thị 56/CT-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quốc phòng - an ninh theo đường lối đổi mới của Đảng. Để xây dựng được khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, đòi hỏi sự vận hành đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, từ xây dựng phương án tác chiến phòng thủ; xây dựng lực lượng dự bị động viên, xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ; thực hành động viên dự bị, động viên công nghiệp… Tuy nhiên, qua việc xây dựng phương án tác chiến phòng thủ, thực hành diễn tập khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu, đánh giá bước đầu của tôi là:

        - Các địa phương đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng, thực hiện cơ chế mới (Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu và chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang), vận dụng vào thực tế của các giai đoạn, chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, chuẩn bị chiến đấu và thực hành chiến đấu.

        - Nâng cao kiến thức quân sự, trình độ công tác tham mưu, phương pháp làm văn kiện của các cơ quan trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu.

        - Qua diễn tập bổ sung để ngày càng hoàn thiện thêm kế hoạch phòng thủ của các tỉnh, thành phố.

        Bước khởi đầu của một nhiệm vụ nặng nề, phức tạp, mới mẻ, đạt được như vậy là đáng khích lệ. Từ những kinh nghiệm bước đầu, cùng với thời gian, công tác xây dựng khu vực phòng thủ, diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ được Bộ Tư lệnh Quân khu và các tỉnh, thành triển khai hiệu quả, chất lượng cao hơn; hướng tới xây dựng Quân khu 3 là một khu vực phòng thủ vững chắc - xứng đáng là một quân khu nhiều người, nhiều của, có vị thế quan trọng trong thế trận phòng thủ chung của cả nước.

        Trong vòng 5 năm, trên cương vị Tư lệnh quân khu, tôi nhận thấy công tác xây dựng khu vực phòng thủ đã được Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát cụ thể, các địa phương tổ chức thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao. Trong 5 năm đó, toàn bộ tám tỉnh - thành phố và 82/82 huyện, quận, thị trên địa bàn quân khu đã hoàn thành diễn tập khu vực phòng thủ. Đồng thời đến tháng 7 năm 1993 đã có 328/2.092 xã hoàn thành diễn tập làng xã chiến đấu kết hợp bảo vệ trị an địa bàn, chống thâm nhập, vượt biên, vượt biển.

        Cùng với xây dựng khu vực phòng thủ, tháng 7 năm 1989, quân khu tổ chức diễn tập chống lấn chiếm. Tiếp đó, tháng 11 năm 1992, tổ chức diễn tập theo phương án chống bạo loạn và phương án phòng thủ thời kỳ đầu chiến tranh (PT-02)…

        Từ kế hoạch phòng thủ của quân khu và các địa phương, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ then chốt, trọng điểm, nhất là các công trình chiến đấu, kho tàng lâu bền trên các hướng, các đảo, các điểm tựa biên giới và các vùng xung yếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 07:36:52 pm »


*

*       *

        Về công tác ở Quân khu 3, trọng điểm hàng đầu thu hút sự quan tâm của tôi là các đơn vị làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới và tuyến đảo Đông Bắc - địa bàn giữ vai trò là “phên giậu” của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng và đất nước nói chung. Là Phó tư lệnh thứ nhất rồi Tư lệnh quân khu, tôi đã dành nhiều thời gian thăm và làm việc tại Sư đoàn 395; có đợt khá dài ngày tôi đi cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; có nhiều đợt đi cùng anh em trong cơ quan quân khu, với tinh thần làm việc trực tiếp; thấy điểm nào tốt cần chỉ đạo nhân rộng; điểm nào chưa được phải chấn chỉnh, sửa chữa ngay.

        Cảm nhận chung khi trực tiếp tìm hiểu tình hình, làm việc với các đơn vị là: Trong điều kiện khó khăn của những năm tám mươi, đầu thập niên chín mươi, Quân khu 3 đã có nhiều cố gắng tập trung đầu tư xây dựng các đơn vị đứng chân ở địa bàn biên giới và tuyến đảo Đông Bắc. Tổ chức biên chế hợp lý; chương trình, kế hoạch huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được triển khai nghiêm - chất lượng tốt. Đặc biệt với chủ trương “Trên dưới cùng lo, mọi người cùng làm”, các đơn vị đã tích cực chủ động ổn định và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Đi đến đâu, dù là các đơn vị đứng chân ở Tiên Yên, Ba Chẽ, hay lính đảo Ngọc Vừng, Cô Tô, Vĩnh Thực…, chúng tôi đều bắt gặp không khí trẻ trung, sôi động; đều bắt gặp những ánh mắt chiến sĩ đầy tin tưởng, lạc quan, yêu đời. Khẩu hiệu: “Đơn vị là nhà, đảo là quê hương” thể hiện trách nhiệm, tình cảm xuất phát từ khối óc. con tim của mỗi một người lính của tập thể những cán bộ năng động nhiệt tình. Tôi nghĩ, thật khó mà có được một đơn vị vững mạnh nếu không có một đội ngũ cán bộ mạnh.

        Về công tác cán bộ, một trong những bài học kinh nghiệm của Quân khu 3, tôi đã được Đại tướng Nguyễn Quyết - một cán bộ cao cấp lão thành gắn bó gần trọn đời quân ngũ với Quân khu 3 tâm sự - cũng là truyền đạt cho tôi khi về công tác ở quân khu, rằng: “Không có quần chúng yếu - chỉ có cán bộ yếu”. Anh Quyết nói với tôi điều này không dưới vài lần, với tất cả những gì tâm huyết nhất.

        Với công tác xây dựng cán bộ, khi nắm tình hình thực tế ở các đơn. vị làm nhiệm vụ ở tuyến biên giới, hải đảo, điều băn khoăn của tôi là tình trạng cán bộ không được luân chuyển, dẫn tới một số không ít cán bộ không có điều kiện học hành, đào tạo thêm để phát triển. Rất nhiều đơn vị làm nhiệm vụ ở đảo có một số cán bộ đã năm - bảy năm không được học hành thêm.

        Đúng là không có quần chúng yếu, chỉ có cán bộ yếu. Nhưng điều cốt yếu là cần phải tạo điều kiện, môi trường để người cán bộ học tập, phấn đấu, hoàn thiện mình…, lại thuộc về tổ chức, thuộc về những người làm công tác cán bộ. Nhiệt huyết, trách nhiệm của anh em có thừa. Nhưng, trong khi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, mà chỉ có nhiệt tình và vốn liếng kinh nghiệm thực tế thì chưa đủ.

        Thực trạng cán bộ ở một số đơn vị đứng chân ở tuyến biên giới và tuyến đảo Đông Bắc cứ ám ảnh, day dứt trong tôi từ những ngày đầu tôi ra Cô Tô, Ngọc Vừng, Vĩnh Thực,… Điều day dứt này được tôi trao đổi, sẻ chia với các anh trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu. Các anh Đỗ Quốc Tuấn, Đỗ Mạnh Đạo, Trần Công Thìn, Lê Ngọc Oa… đều cho rằng trăn trở của tôi là có cơ sở. Khi tập thể lãnh đạo, chỉ huy quân khu cùng chung suy nghĩ, thì vấn đề được giải quyết không có gì phức tạp. Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu thống nhất chủ trương luân chuyển cán bộ. Quy hoạch bố trí cán bộ ở các đơn vị tuyến biên giới, hải đảo phải tính tới khả năng luân chuyển - đặc biệt là. đội ngũ cán bộ chuyên môn. Vấn đề này được Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thống nhất cao, ra nghị quyết lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong quân khu thực hiện. Theo đó, trung bình 3 năm, cán bộ ở các đơn vị tuyến biên giới - hải đảo, ưu tiên hàng đầu là cán bộ chuyên môn (quân y, cơ yếu, thông tin…) được luân chuyển về công tác ở đất liền hoặc địa bàn thuận lợi hơn. Từ đó, anh em mới có điều kiện học hành thêm để nâng cao trình độ mọi mặt.

        Được chỉ đạo chặt chẽ, việc luân chuyển cán bộ ở các đơn vị tuyến biên giới, hải đảo đã được Quân khu 3 thực hiện tốt, ngày càng đi vào nền nếp. Đây là cơ sở để đội ngũ cán bộ phát triển đồng đều; nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ ở các đơn vị công tác ở tuyến biên giới, hải đảo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 07:38:06 pm »


        Trong những lần làm việc, nắm tình hình tại các đơn vị ở tuyến đảo Đông Bắc, tôi thấy ở một số đảo có hệ thống bệnh xá dân y của các xã, nhưng thường thì khi mắc bệnh hoặc gặp tai nạn, dân lại không đến chữa trị ở bệnh xá dân y, mà cứ kéo đến bệnh xá của đơn vị quân đội. Qua trò chuyện, hỏi han một số trường hợp, tôi được bà con cho hay rằng đến bệnh xá quân đội có bác sĩ, y sĩ giỏi, thuốc thang sẵn hơn và tinh thần thái độ phục vụ của các quân y sĩ cũng tận tình, chu đáo hơn.

        Việc bà con có cảm tình với bệnh xá đơn vị bộ đội, với đội ngũ quân y sĩ là điều bình thường, cũng như tình cảm nhân dân dành cho bộ đội; tôi không xem đó là điều mấu chốt. Điều tôi quan tâm là xuất phát từ điều kiện thực tế và để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, cần nghiên cứu xây dưng các cơ sở quân - dân y kết hợp. Với mô hình này, trước tiên, quân y các đơn vị có điều kiện chữa trị bệnh cho nhân dân; sau đó đội ngũ quân y sĩ sẽ giúp đỡ cán bộ, nhân viên y tế các địa phương nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi cho rằng xây dưng bệnh xá quân - dân y kết hợp, tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân là một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm củng cố tình đoàn kết quân dân cá nước, xây dựng địa phương, địa bàn an ninh vững chắc.

        Tương tự như chủ trương luân chuyển cán bộ, việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các bệnh xá quân dân y kết hợp được tôi đề xuất, trao đổi và nhanh chóng tạo được đồng thuận cao trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu. Ngành Hậu cần quân khu được giao nhiệm vụ chỉ đạo Sư đoàn 242 xây dựng thí điểm một số bệnh xá quân - dân y kết hợp ở một số đảo trong năm 1991. Kết quả rất khả quan. Anh em báo cáo là tổ chức chóng vánh, hoạt động hiệu quả. Không chỉ nhân dân mà cán bộ, nhân viên dân y cũng rất phấn khởi.

        Từ một vài bệnh xá quân - dân y kết hợp ở tuyến đảo Đông Bắc, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo Cục Hậu cần tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Để không ngừng nâng cao hiệu qua của các bệnh xá quân - dân y kết hợp ở tuyến đảo, biên giới; cùng với việc đào tạo, giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên quân y các đơn vị cơ sở. chúng tôi chỉ đạo Viện quân y 7, Viện quân y 5 tổ chức các tổ cán bộ chuyên môn thường xuyên ra tăng cường cho các đảo Cô Tô, Ngọc Vừng, Thanh Lâm, Vĩnh Thực,…

        Từ những hoạt động nhỏ lẻ của các đơn vị trong toàn quân, vào đầu thập niên 90, với một vài bệnh xá quân dân y được tổ chức ở các đơn vị thuộc vùng sâu - vùng xa, hoạt động quân - dân y kết hợp đã được Liên bộ Quốc phòng - Y tế đệ trình Chính phủ nâng lên thành chương trình cấp quốc gia - Chương trình “Kết hợp quân - dân y xây dựng quốc phòng toàn dân, phục vụ sức khỏe nhân dân”, gọi tắt là Chương trình 12.

        Trong hai ngày (l2 và 13 tháng 11 năm 1991), tôi chủ trì Hội nghị khoa học quân - dân y Quân khu 3 lần thứ nhất tại Đồ Sơn - Hải Phòng. Dự hội nghị có anh Phạm Song - Bộ trưởng Bộ Y tế, anh Nguyễn Trọng Xuyên - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ban chủ nhiệm Chương trình 12 và 180 đại biểu các cơ quan chức năng, các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các cơ sở y tế các tỉnh trên địa bàn quân khu… Phát biểu tại hội nghị, anh Phạm Song, anh Nguyễn Trọng Xuyên đều đánh giá cao vai trò “khởi xướng” Chương trình 12 của Quân khu 3 và tính hiệu quả của chương trình này - một chương trình vừa mang tính chính trị - xã hội sâu sắc vừa mang ý nghĩa quốc phòng - an ninh rất thiết thực.

        Sau Hội nghị quân - dân y lần thứ nhất - Chương trình 12 được các đơn vị trong toàn quân khu triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn. Cùng với hệ thống bệnh xá quân - dân y được phát triển, nâng cấp, hằng năm Viện quân y 5, Viện quân y 7 cử nhiều đội lưu động, luân phiên xuống các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tổ chức khám - chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Hình bóng “người chiến sĩ áo trắng” của Quân khu 3 đã giành được tình cảm trìu mến, niềm tin lớn lao của nhân dân.

        Hội nghị kết hợp quân - dân y toàn quốc lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1995. Trong hội nghị này, nhiều đơn vị thuộc Quân khu 3 được khen thưởng: Thủ tướng Chính phủ tặng cờ “Đơn vị thực hiện tốt Chương trình 12” cho Trung đoàn 242. Bộ Y tế tặng cờ cho Phòng Quân y quân khu và Ban Quân y Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh. Bộ Quốc phòng tặng bằng khen cho Viện quân y 7.

        Nhớ những ngày đầu về với Quân khu 3, đi thăm và làm việc tại các đơn vị ở tuyến đảo Đông Bắc, nảy nở ý tưởng qua trao đổi với một vài bà con trên đảo, dẫn tới việc hình thành một vài bệnh xá quân - dân y ở Ngọc Vừng, Xích Thổ, Vĩnh Thực,… đến khi chứng kiến một chương trình cấp quốc gia ra đời, hoạt động hiệu quả, tôi càng thấm thía rằng: những gì xuất phát từ ý của dân, thiết thực đối với đời sống của dân sẽ có sức sống lâu bền, không ngừng sinh sôi nảy nở.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 05:23:39 am »


*

*       *

        Như phần trên đã đề cập, thời điểm tôi về nhận nhiệm vụ ở Quân khu 3, toàn quân đang thực hiện chủ trương tổng điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng giảm thiểu lực lượng thường trực, tăng cường lực lượng dự bị. Lực lượng thường trực của Quân khu 3 cũng được xây dựng, củng cố theo cách mà người xưa tổng kết “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” - quân cần tinh, không cần nhiều. Thực hiện chủ trương tổng điều chỉnh lực lượng, nhiều đơn vị cấp sư đoàn, trung đoàn có quyết định giải thể, sáp nhập; một số đơn vị từ biên chế đủ chuyển sang biên chế khung thường trực (KTT) hay khung rút gọn (KRG).

        Trên thực tế, trong quá trình huấn luyện, tác chiến trước đây, phần lớn vũ khí đạn, phương tiện kỹ thuật, trang bị kỹ thuật đều được biên chế trong tay bộ đội sử dụng, giữ gìn… Khi đất nước hòa bình, ổn định; tổ chức biên chế lực lượng vũ trang được điều chỉnh theo hướng rút gọn cho phù hợp yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thì phần lớn các loại vũ khí đạn, phương tiện kỹ thuật, trang bị kỹ thuật phải được phân loại và chuyển sang bảo quản cất giữ, niêm cất dự trữ lâu dài trong hệ thống kho kỹ thuật. Tuy vậy, thực trạng công tác bảo quản, cất giữ vũ khí, trang bị của các đơn vị vào cuối thập niên tám mươi còn là vấn đề hết sức nan giải.

        Những đợt cùng cán bộ cơ quan quân khu xuống nắm tình hình đơn vị, tôi thật sự băn khoăn, thấy bất ổn trước thực trạng một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật được các đơn vị thu hồi sau khi giải thể, sáp nhập hoặc rút gọn biên chế, nhưng không có kho tàng để cất giữ, hoặc không được bảo quản chu đáo. Thật không tưởng nổi cảnh xuống một đơn vị pháo phản lực, mà đạn được gác trên chuồng bò. Vũ khí bộ binh do không được bảo quản chu đáo, nên xuống cấp là khó tránh khỏi.

        Là người lính, mọi cán bộ, chiến sĩ đều không dưới một lần được người chỉ huy truyền đạt: một viên đạn súng CKC hoặc AK có giá trị tương đương mấy cân thóc chưa kể những thứ vũ khí tối tân… Nhưng rồi, phần do ý thức trách nhiệm chưa cao, phần do “lực bất tòng tâm”, kho tàng cất chứa có hạn nên mới có tình trạng đáng buồn nói trên.

        Trước tình hình đó, sau khi trao đổi thống nhất trong Bộ Tư lệnh Quân khu, chỉ đạo Cục Kỹ thuật có chủ trương, kế hoạch cụ thể, tháng 1 năm 1989, tôi đã ký ban hành Chỉ thị 325/BTL về Nhiệm vụ công tác kỹ thuật trong tình hình mới, xác định những nhiệm vụ chính của Ngành Kỹ thuật quân khu như sau:

        - Tổ chức thu hồi, bảo quản và niêm cất vũ khí trang bị kỹ thuật còn tốt, còn khả năng trang bị sử dụng lâu dài.

        - Tổ chức thanh lý số vũ khí và trang bị kỹ thuật cấp 5.

        - Tổ chức quản lý, cất giữ vũ khí trang bị kỹ thuật phải chu đáo. Hệ thống nhà kho phải bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để bảo quản, niêm cất giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật.

        - Tổ chức bảo vệ, cảnh vệ và bảo đảm an toàn kho vũ khí, trang bị kỹ thuật một cách nghiêm ngặt.

        Sau khi ban hành Chỉ thị 325/BTL, tôi tiếp tục nắm thực tế công tác bảo đảm kỹ thuật của các đơn vị, tiếp tục thấy những bất cập - đặc biệt là công tác quản lý, bảo quản. Vì vậy, khi dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác kỹ thuật 6 tháng đầu năm 1989 do Cục Kỹ thuật quân khu tổ chức. tôi chỉ rõ một số nhiệm vụ cụ thể của toàn ngành như sau:

        1. Tiếp tục thu hồi vũ khí trang bị dư biên chế của các đơn vị về kho, quy hoạch nâng cấp hệ thống kho bảo quản cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

        2 Toàn bộ vũ khí đạn, phương tiện trang bị kỹ thuật tiếp nhận về kho phải tổ chức bảo quản, niêm cất ngay, tránh để xuống cấp nhanh.

        3. Hệ thống các kho kỹ thuật phải chủ động xây dựng các phương án phòng chống cháy nổ, chống mất cắp. Kiện toàn tổ chức biên chế, nâng tỷ lệ số quân nhân chuyên nghiệp ở các kho để làm công tác kỹ thuật.

        4. Đội ngũ cán bộ, chỉ huy kho phải được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật; phải quản lý chặt chẽ vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất của lực lượng vũ trang quân khu. Điều một số lữ đoàn trưởng, trung đoàn trưởng xe tăng, pháo binh về làm chủ nhiệm kho quân khí.

        5. Tổ chức thành 4 cụm kho lớn để quản lý và sử dụng chặt chẽ vũ khí trang bị.

        6. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, không ngừng cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kỹ thuật ở kho.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 05:25:03 am »


        Cho dù Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác kỹ thuật; đặc biệt là công tác quản lý, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật; các đơn vị kho, xưởng cũng đã có nhiều cố gắng, nhưng do yêu cầu tổng điều chỉnh lực lượng, khối lượng vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật mà toàn ngành phải quản lý tăng lên rất nhiều lần; trong khi hệ thống kho tàng không đủ sức chứa, nhiều kho không bảo đảm quy cách, vì vậy sức ép về bảo quản, cất chứa vũ khí, trang bị đối với toàn ngành Kỹ thuật quân khu là rất lớn.

        Trước thực trạng công tác quản lý bảo quản, niêm cất vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật và yêu cầu cấp bách phải quy hoạch hệ thống kho tàng kỹ thuật của lực lượng vũ trang quân khu, sau khi bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, tháng 6 năm 1989, tôi quyết định nâng cấp hệ thống kho thuộc Cục Kỹ thuật quân khu từ cấp tiểu đoàn lên tương đương cấp trung đoàn; thành lập bốn cụm kho thuộc Cục Kỹ thuật là Cụm kho 22, Cụm kho 23, Cụm kho 76 và Cụm kho 84. Các cụm kho được bố trí ở những vị trí thích hợp, thuận tiện cho việc bảo đảm cho các đơn vị của quân khu làm nhiệm vụ trên các hướng chiến lược, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng gian, bảo đảm bí mật.

        Như hạn hán gặp mưa rào, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi có quyết định của Tư lệnh quân khu, lần lượt các cụm kho đã chính thức ra đời.

        Ngày 15 tháng 6 năm 1989, Cục Kỹ thuật công bố quyết định thành lập Cụm kho 22, gồm 5 kho: K12, K14, K7, K54, K18. Cụm kho 22 có nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn, niêm cất vũ khí đạn, phương tiện quân sự, khí tài quân sự.

        Một ngày sau khi Cụm kho 22 được thành lập, ngày 16 tháng 6, Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật công bố quyết định thành lập Cụm kho 76, gồm 6 kho: K36, K37, K38, K41, K42 và K44. Cụm kho 76 có nhiệm vụ bảo quản, niêm cất vũ khí đạn, phương tiện, trang bị kỹ thuật, khí tài quang học và vật tư kỹ thuật.

        Tiếp đó, ngày 10 tháng 7, rồi ngày 25 tháng 8 năm 1989, Cụm kho 23 và Cụm kho 84 lần lượt ra đời. Với quy mô tổ chức tương đương trung đoàn, mỗi cụm kho ngoài Ban chỉ huy, được tổ chức các ban. tham mưu, chính trị, hậu cần và hệ thống các kho kỹ thuật, kho chuyên ngành.

        Việc nâng cấp quy mô tổ chức kho tàng là cơ sở để điều chỉnh chức danh cán bộ chỉ huy các cấp; anh em có điều kiện được bổ nhiệm cấp quân hàm cao hơn. Đây cũng là yếu tố tinh thần vô cùng quan trọng động viên cán bộ, nhân viên thuộc biên chế hệ thống kho kỹ thuật nhiệt tình hăng say công tác.

        Qua nắm tình hình thực tế tổ chức cơ quan kỹ thuật quân khu và cung cách tổ chức, chỉ huy các kho, tôi nhận thấy cần phải có sự đổi mới trong công tác cán bộ. Tình trạng phổ biến ở các kho của quân khu là cán bộ kỹ thuật giữ cương vị chủ trì - cấp trưởng. Đa phần anh em có trình độ chuyên môn tốt, nhiệt tình, trách nhiệm cao, nhưng có phần hạn chế về năng lực tổ chức chỉ huy, dẫn tới ở một số kho có tình trạng mọi hoạt động không đảm bảo nền nếp, chính quy. Tôi đem sự băn khoăn, trăn trở của mình trao đổi cùng anh Đạo, anh Thìn và anh Ngọc, anh Minh - Chánh, Phó chủ nhiệm kỹ thuật quân khu. Nhận được sự đồng thuận tuyệt đối, ngay lập tức tôi chỉ đạo cơ quan chính trị quân khu điều một số cán bộ trung đoàn, lữ đoàn binh chủng về giữ chức Chủ nhiệm cụm kho và các kho chuyên ngành. Số cán bộ kỹ thuật chủ yếu làm phó chủ nhiệm cụm kho và kho, phụ trách chuyên môn. Tương tự, cơ quan Cục Kỹ thuật quân khu cũng được tăng cường nhiều cán bộ trẻ, trưởng thành trong chiến đấu, có nhiều kinh nghiệm chỉ huy và điều hành công tác bảo đảm kỹ thuật ở đơn vị. Chính bước đột phá trong công tác cán bộ cộng với quy hoạch lại kho tàng đã giúp hệ thống các kho kỹ thuật quân khu nhanh chóng đi vào nền nếp, chính quy.

        Định hướng một trong những nhiệm vụ chính của Ngành Kỹ thuật quân khu trong giai đoạn mới là bảo quản, niêm cất vũ khí trang bị, nên sau khi chỉ đạo củng cố tổ chức biên chế, đổi mới công tác cán bộ, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo ngành củng cố, xây cất, nâng cao chất lượng kho tàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 05:26:03 am »


        Vấn đề đặt ra lúc này là tiền - là kinh phí. Cha ông mình thường nói “cái khó bó cái khôn”, hay “lực bất tòng tâm”, muốn thì nhiều, nhưng lực không kham nổi. Thực tế thì ai ai cũng thấy được khó khăn về kinh tế của đất nước, của quân đội ta vào những năm tám mươi. Nhưng điều mà ngành Kỹ thuật Quân khu 3 làm được lúc này xuất phát từ quyết tâm “cái khó ló cái khôn”. Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị khẩn trương phân loại vũ khí, trang bị xuống cấp; những gì có thể thanh lý được, cho phép thanh lý lấy tiền để xây dựng kho tàng. Từ nguồn kinh phí xây dựng cơ bản ít ỏi trên cấp và tiền thanh lý trang thiết bị xuống cấp, chúng tôi cho tập trung đầu tư xây dựng một vài kho mẫu theo tiêu chuẩn thiết kế của Tổng cục Kỹ thuật; sau đó nhân rộng ra toàn quân khu.

        Thực hiện Nghị quyết số 106/TV-ĐU của Thường vụ Đảng ủy quân khu (ngày 15 tháng 4 năm 1988) về xây dựng, củng cố kho tàng kỹ thuật, sau gần một năm tổ chức thi công, đầu tháng 1 năm 1990, Lữ đoàn công binh 513 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 120 gian nhà kho của Cụm kho 23 theo tiêu chuẩn thiết kế của Tổng cục Kỹ thuật.

        Qua nghiên cứu, xem xét kết quả bước đầu và căn cứ đề nghị của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, ngày 26 tháng 2 năm 1990, anh Lương Hữu Sắt - Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật ký ban hành Chỉ thị số 26/K về việc xây dựng cụm kho mẫu cất giữ vũ khí, đạn và phương tiện, trang bị kỹ thuật tại Quân khu 3.

        Theo chỉ thị của Bộ, Cụm kho 23 được xây dựng kho mẫu cất giữ phương tiện, trang bị kỹ thuật; Cụm kho 22 xây dựng Kho 25 thành kho mẫu cất giữ vũ khí. Anh Trương Khánh Châu - Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và anh Lương Hữu Sắt cũng thống nhất với chúng tôi là: Quân khu 3 cố gắng hoàn thành sớm một số kho mẫu để sắp tới đại biểu dự Hội nghị kỹ thuật toàn quân tham quan; sau đó triển khai trong toàn quân.

        Nắm bắt ý định của trên và sau khi có chỉ thị của Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, tôi trao đổi với anh Minh, anh Ngọc và anh em chỉ huy các cụm kho: Trước đây ta mày mò, chủ động làm, nay trên đã trao cho “gậy Như ý” rồi mà không làm được thì trách nhiệm thuộc về chúng ta. Liền đó, tôi chỉ thị cho Đảng ủy, chỉ huy Cục Kỹ thuật sớm có nghị quyết chỉ đạo xây dựng kho mẫu.

        Thực hiện chỉ đạo của trên, đầu tháng 3 năm 1990, Thường vụ Đảng ủy Cục Kỹ thuật ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng kho mẫu. Nghị quyết nêu rõ: “… Xây dựng kho mẫu là nhiệm vụ rất nặng nề được Bộ, quân khu tin tưởng giao cho. Đây vừa là vinh dự lớn lao mà cũng là thử thách không nhỏ đối với Cục Kỹ thuật quân khu. Nội dung yêu cầu của một kho mẫu đòi hỏi nhiều vấn đề từ nhà kho, phương pháp niêm bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật; công tác quản lý, sắp xếp, tiếp nhận, cấp phát vũ khí, trang bị kỹ thuật… Đây là nhiệm vụ làm mẫu cho Hội nghị kỹ thuật toàn quân tham quan, rút kinh nghiệm để chỉ đạo trong toàn quân…

        Cán bộ, chiến sĩ Cục Kỹ thuật phải tập trung toàn lực, quyết tâm thực hiện vượt thời gian quy định với chất lượng và hiệu quả cao nhất…”.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh quân khu và Nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Cục Kỹ thuật, ngành Kỹ thuật quân khu đã phát động chiến dịch thi đua “90 ngày đêm xây dựng kho mẫu”. Cán bộ cơ quan Cục kỹ thuật và cán bộ của các cục Quân khí, Xe máy,… được tăng cường tối đa xuống giúp Cụm kho 22 và Cụm kho 23.

        Được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Tổng cục Kỹ thuật, các cục kỹ thuật chuyên ngành: Ô tô - xe máy, Quân khí, Cục Kỹ thuật tăng thiết giáp, Viện Kỹ thuật quân sự cộng với tinh thần năng động, sáng tạo của Cục Kỹ thuật quân khu, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hai cụm kho, việc xây dựng kho mẫu được triển khai nhanh, hiệu quả. Chỉ từ đầu năm đến hết mùa hè năm 1990, Cụm kho 22 và Cụm kho 23 đã có thêm trên 2.000m2 kho mẫu, các kho đã tổ chức niêm cất, bảo dưỡng, sắp xếp lại toàn bộ vũ khí trang bị kỹ thuật; từng bước đưa công tác quản lý vào nền nếp theo quy định. Các cụm kho đã ứng dụng một số công nghệ mới trong bảo quản, niêm cất vũ khí, trang bị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 05:27:35 am »


        Ngày 14 tháng 7 năm 1990, anh Đào Đình Luyện - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, anh Trương Khánh Châu - Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật và trên hai trăm cán bộ các quân khu, quân đoàn, quân - binh chủng dự hội nghị kỹ thuật toàn quân đã về tham quan kho mẫu tại Cụm kho 23 và Cụm kho 22 thuộc Cục Kỹ thuật Quân khu 3. Anh Đào Đình Luyện biểu dương nỗ lực, quyết tâm cao, việc đầu tư nhiều công sức, trí tuệ của Quân khu 3, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ ngành Kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng kho mẫu phục vụ kịp thời Hội nghị kỹ thuật toàn quân.

        Anh Luyện, anh Châu và anh Lương Hữu Sắt thống nhất với chúng tôi nhân rộng mô hình kho mẫu, từ kho mẫu bảo quản xe máy, phương tiện kỹ thuật phải tiến tới tập trung xây dựng kho mẫu bảo quản đạn dược; không chỉ nâng cao chất lượng bảo quản đạn phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn hạn chế các sự cố kỹ thuật, nổ kho đạn.

        Nói là làm, ngày 30 tháng 10 năm 1990, anh Đào Đình Luyện thay mặt Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Chỉ thị số 253/CTQP về xây dựng kho cất giữ đạn làm mẫu tại Cục Quân khí và Quân khu 3. Tiếp đến, ngày 3 tháng 11 năm 1990, Tổng cục Kỹ thuật ban hành Chỉ thị 795/KT về công tác bảo đảm cho kế hoạch xây dựng kho đạn làm mẫu ở Cục Quân khí và Quân khu 3. Các chỉ thị của Bộ và Tổng cục Kỹ thuật đã thống nhất những nội dung về xây dựng kho mẫu cất giữ, bảo quản đạn dược là:

        1. Xây dựng kho mẫu về quy hoạch đạn dược.

        2. Xây dựng kho mẫu về công tác cất giữ đạn dược vá bảo quản kỹ thuật đạn dược.

        3. Xây dựng kho mẫu về công tác bảo vệ, quản lý an toàn kho đạn dược.

        Với chỉ thị của Tổng cục Kỹ thuật, thì Cục Quân khí có nhiệm vụ xây dựng kho đạn K834 làm kho mẫu và Quân khu 3 xây dựng kho đạn K54 thuộc Cụm kho 22 làm kho mẫu.

        Thực hiện chỉ thị của trên, ngày 15 tháng 11 năm 1990, Cụm kho 22 phát động phong trào thi đua “60 ngày đêm quyết thắng xây dựng kho mẫu K54”. Đến đầu tháng 5 năm 1991, kho mẫu K54 cơ bản hoàn thành, kịp phục vụ Hội nghị ngành Kỹ thuật toàn quân ngày 10 tháng 7 năm 1991. Để có được thành quả đó, Cụm kho 22 đã huy động 18.000 ngày công, đầu tư trên 35 triệu đồng từ nguồn vốn làm kinh tế, tăng gia sản xuất, cộng với nguồn kinh phí trên cấp xây dựng 3 nhà kho với xấp xỉ 1.000m2; xây dựng khu sinh hoạt của cán bộ, nhân viên tách khỏi khu kỹ thuật.

        Từ kết quả xây dựng kho mẫu của quân khu, chúng tôi chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố xây dựng hoàn chỉnh từng bước hệ thống kho vũ khí đạn, phương tiện trang bị kỹ thuật theo những tiêu chuẩn đã được quy định.

        Cùng với chỉ đạo nâng cấp tổ chức, đổi mới hoạt động của hệ thống kho kỹ thuật, tôi cũng trao đổi thống nhất trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo quy hoạch hệ thống trạm, xưởng sửa chữa; quyết định nâng cấp một số trạm sửa chữa thành xưởng, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật mới, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở sửa chữa vũ khí, xe máy của quân khu.

        Phải nói rằng, vào cuối thập niên tám mươi, đầu thập niên chín mươi, cùng với việc điều chỉnh tổ chức lực lượng, thì công tác điều chuyển, dồn dịch vũ khí trang bị và hoạt động quy hoạch, xây dựng hệ thông kho tàng, trạm xưởng kỹ thuật… là những mảng, miếng công việc được tiên hành đồng bộ, khẩn trương, hiệu quả. Trong đó có những quyết đinh mang tính đột phá. Để rồi từ một vài “điểm” của Quân khu 3 đã được Bộ nhân rộng ra toàn quân.

        Cũng từ thực tiễn xây dựng hệ thống kho kỹ thuật của quân khu, tôi suy tính đến việc xây dưng doanh trại, nhà ở của bộ đội. Điều mà chả mấy ai chấp nhận được là trong khi ta đang xây dựng quân đội từng bước tiến lên chính quy hiện đại, thì nhà cửa doanh trại của bộ đội phát triển rất tự nhiên, theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, ai ưng kiểu gì thì xây kiểu đó.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM