Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:14:29 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44591 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 01:02:51 am »


        Nắm chắc tâm lý, nguyện vọng của nhân dân bạn, chúng tôi cho bộ đội giúp dân tu sửa lại một số chùa chiền, tìm tượng Phật đưa vào chùa và cho tìm vời các nhà sư về trụ trì. Có chùa, có sư sãi, nhiều địa phương đã tổ chức lễ làm phước; có lễ thu hút hàng nghìn người tham gia. Tiếng chuông, mõ chùa ngân lên, là dấu hiệu của cuộc sống yên bình được khôi phục trên một đất nước đã bao năm chịu nhiều thảm cảnh, đau thương, chết chóc.

        Cùng với chùa chiền, trường học cũng được phục hồi, xây dựng mới. Bước đầu, chủng tôi giúp bạn mở lớp học tại các nhà chùa và cất thêm những phòng học tạm bằng tranh tre ở các phum, sóc. Có trường, có lớp rồi, bộ đội lại lùng tìm thầy, cô giáo. Cũng như sư sãi, giáo viên là đối tượng sát hại của quân Pôn Pốt. Vì vậy, việc tìm giáo viên cũng rất khó khăn. Chúng tôi đã phải động viên nhà sư làm thầy giáo. Thế là, các lớp học được tổ chức. Trẻ nhỏ nô nức tới lớp. Tiếng đánh vần ê a của trẻ thơ là biểu hiện sinh động của sự hồi sinh của từng phum, sóc.

        Một trong những hoạt động chính của bộ đội tình nguyện lúc này là giúp bạn cứu đói, cứu đau. Mặc dù hằng ngày vẫn làm nhiệm vụ truy quét địch, phải đối mặt với thương vong, nhưng sư đoàn vẫn dành phần lớn thuốc thang và cán bộ, nhân viên quân y để phục vụ nhân dân bạn. Nhiều khi bệnh xá của sư đoàn, trung đoàn thu dung, cứu chữa người của bạn đông hơn cán bộ, chiến sĩ ta.

        Để giúp bạn cứu đói, chúng tôi động viên cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn san sẻ khẩu phần và lương thực, thực phẩm dự trữ của mình cho bạn. Đồng thời, ta giúp bạn khẩn trương tổ chức sản xuất, kết hợp sản xuất theo mùa vụ với trồng cấy hoa màu ngắn ngày, đánh bắt cá… để “lấy ngắn nuôi dài”. Cùng với sản xuất, chợ búa dần dần được khôi phục. Thông qua chợ búa, người dân trao đổi cho nhau con cá, mớ rau, bơ gạo, ký muối… những thứ rất đạm bạc, nhưng đã giúp họ qua được buổi gian nan khốn khó sau ngày đất nước được giải phóng.

        Về xây dựng lực lượng vũ trang, cuối năm 1980 đầu năm 1981, Sư đoàn 330 đã giúp tỉnh Kông Pông Spư xây dựng được hai tiểu đoàn tập trung (Tiểu đoàn 80 và Tiểu đoàn 81). Chúng tôi giúp bạn triển khai huấn luyện theo một chương trình riêng phù hợp với đặc điểm, trình độ của bạn và yêu cầu nhiệm vụ. Tháng 9 năm 1981, sau khi kết thúc chương trình huấn luyện, chúng tôi trang bị đầy đủ vũ khí và giao hai tiểu đoàn này cho Sư đoàn 196 của bạn.

        Vậy là, từ một xã hội “bốn không”: không trường học, không chùa chiền, không tiền, không chợ, bao trùm một màu chết chóc dưới thời Pôn Pổt - Iêng Xa Ri, chỉ sau một thời gian ngắn được Việt Nam giúp đỡ, đất nước Campuchia đã thay đổi từng ngày. Chùa chiền mọc lên và tiếng chuông vang ngân cùng lời cầu nguyện, trường học được khôi phục, sớm chiều đón trẻ nhỏ tới lớp; rồi chợ búa, bệnh xá… cũng dần được khôi phục. Đường thôn đã loáng thoáng những tà áo đầy đủ sắc màu thay cho độc màu đen tang tóc một thời. Tôi đã chứng kiến nụ cười rạng rỡ của một thiếu nữ Khme khi bộ đội Việt Nam khen cô có mái tóc dài và thật bất ngờ khi nghe cô kể lại đã mấy năm liền cô bị lính Pôn Pốt cạo trọc đầu.

        Nhớ lại cũng đất nước này vào mùa hè năm 1977, tôi chỉ huy sư đoàn phản kích luồn sâu vào hậu phương địch, và chứng kiến cuộc sống của nhân dân bạn giò đây, mỗi chúng tôi đều thốt lên: Quả là một sự hồi sinh diệu kỳ của cả dân tộc!

        Bằng lời nói và việc làm, những người lính tình nguyện Việt Nam đã được nhân dân của bạn gọi bằng cái tên rất trìu mến và kính trọng: “Bộ đội nhà Phật”. Đồng thời, nhân dân cũng hiểu hai chữ “xâm lược” mà bọn Pôn Pốt dùng để xuyên tạc, bôi nhọ quân tình nguyện Việt Nam. Tôi đã chứng kiến bà con thốt lên rằng: Không thể có một kẻ xâm lược nào trên thế giới lại tốt bụng như vậy!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 01:04:46 am »


*

*       *

        Sau một năm trên cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 làm nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, cuối năm 1981, tôi được gọi về quân khu nhận nhiệm vụ mới. Chia tay anh em trong đơn vị, trở về Tổ quốc, mà trong lòng bao nỗi băn khoăn. Đất nước bạn vừa qua khỏi họa diệt chủng, nhưng vẫn còn đối mặt với bao khó khăn, thử thách. Cũng vì vậy mà nhiệm vụ của Sư đoàn 330 cũng như quân tình nguyện nói chung vẫn rất nặng nề.

        Tiễn chúng tôi về nước, anh Ba Chơi có nói: Tình hình thế này, anh Ba khó có thể rời hẳn xứ sở này được. Thế nào anh cũng trở lại đây thôi mà!

        Tôi cũng nghĩ thế - Tôi đáp. Cũng chưa rõ nhiệm vụ trên giao cụ thể như thế nào. Nhưng chắc chắn là ta còn phải giúp bạn lâu dài. Khi trên “bật đèn xanh”, tôi sẽ trở lại.

        Về quân khu, tôi được anh Nguyễn Chánh - Tư lệnh trao quyết định của Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Tham mưu phó quân khu. Cùng về với tôi đợt này có anh Hồ Văn Sanh - Phó sư đoàn trưởng chính trị. Anh Bảy Sanh được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm chính trị quân khu. Anh Ba Chơi được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng thay tôi và anh Ba Tố được bổ nhiệm Phó sư đoàn trưởng chính trị thay anh Bảy Sanh. Cùng với bổ nhiệm chức vụ mới, thời gian này, tôi được đề bạt quân hàm đại tá.

        Bộ Tư lệnh Quân khu thời gian này có các anh Nguyễn Chánh - Tư lệnh, Võ Văn Thạnh (Ba Thắng) - Chính ủy, Trần Văn Nghiêm - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng; anh Ba Trung - Phó tư lệnh quân khu, kiêm Tư lệnh Mặt trận 979,…

        Trên cương vị Tham mưu phó quân khu phụ trách tác chiến, tôi đã cùng các anh trong Bộ Tham mưu nghiên cứu xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ biên giới; các phương án tác chiến đánh địch tập kích vào địa bàn quân khu; đặc biệt chú trọng cùng chỉ huy, cơ quan tham mưu Bộ Tư lệnh Mặt trận 979, các sư đoàn 4, 330, 339, xây dựng phương án tác chiến đánh tàn quân Pôn Pốt, được Thái Lan hỗ trợ co cụm ở một số khu vực giáp giới Campuchia - Thái Lan…

        Thời gian chưa đầy một năm làm Tham mưu phó quân khu, ngoài việc giúp Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân khu theo dõi; chỉ đạo tác chiến, tôi có trực tiếp giải quyết một vụ việc khá ấn tượng. Lúc đó là đầu mùa khô 1982-1983. Vào một buổi chiều tôi được trực ban tác chiến quân khu báo cáo: xảy ra cuộc đụng độ giữa một đơn vị vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần với lực lượng công an Cần Thơ.

        Nhận được báo cáo, tôi cho Phòng Tác chiến cử cán bộ ra nắm tình hình. Anh em đi một lúc, về báo cáo “chiến sự” diễn ra khá căng thẳng. Đã xảy ra “đọ súng” giữa hai bên, tuy chưa có thương vong, nhưng nếu cứ để kéo dài mãi thế này rất nguy hiểm.

        - Nguyên nhân xảy ra đụng độ? - Tôi hỏi.

        Đồng chí Trưởng phòng Tác chiến báo cáo: Do yêu cầu của tiền phương Bộ Quốc phòng ở Campuchia - Bộ Tư lệnh 179 (do anh Lê Đức Anh làm Tư lệnh), đơn vị vận tải có nhiệm vụ về nhận gạo ở cảng Trà Nóc - Cần Thơ để chuyển sang cho các đơn vị làm nhiệm vụ giúp bạn ở Campuchia. Không rõ vì lý do nào đó, đơn vị kho không cấp gạo. Một số anh em ở đơn vị vận tải cho rằng người ở hậu phương không những không chia sẻ sự gian khổ, thiếu thốn, mất mát hy sinh của những người lính làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn mà còn gây khó khăn. Từ “khẩu chiến” dẫn đến đụng độ, rồi tiến thêm một bước, bộ đội vận tải chiếm cảng. Lập tức, công an địa phương vào cuộc. Việc công an can thiệp như đổ thêm dầu vào lửa. Từ “đấu khẩu” dẫn tới “đấu súng” là như vậy.

        Nắm sơ bộ nguyên nhân và diễn biến sự việc, tôi chỉ thị cho Phòng Tác chiến huy động ba chục đồng chí vệ binh xuống cảng Trà Nóc để giải quyết sự cố, nhưng đến gần nửa đêm, sự việc vẫn chưa chấm dứt. Tình thế không đơn giản! Tôi quyết định trực tiếp vào cuộc. Khi chúng tôi tới nơi, đã là 24 giờ. Thỉnh thoảng vẫn gằn lên một loạt AK đanh gọn, chát chúa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 08:24:10 am »


        Không để tình trạng này kéo dài, tôi cùng mấy sĩ quan tham mưu đến thẳng vị trí có tiếng súng. Bị lực lượng bảo vệ ngăn lại, tôi nhẹ nhàng giới thiệu là cán bộ tham mưu Quân khu 9, muốn gặp chỉ huy đơn vị, thì được thông báo lực lượng ở trong cảng là bộ đội vận tải, còn công an bảo vệ cảng đã rút ra ngoài, cách chừng 400m. Bộ đội từ trong bắn ra, công an từ ngoài bắn vào.

        Quan sát làn đạn của hai bên, tôi thấy phía công an bắn thẳng và thấp. còn phía quân đội bắn rất cao, chỉ mang tính “cảnh cáo”, tránh sát thương.

        Sau một thoáng suy tính, tôi bảo đồng chí lái chiếc xe jeép mà chúng tôi đang đi, bật đèn pha cực sáng tiến vào cổng cảng Trà Nóc. Tôi ngồi trên xe, dùng loa tay, nói rất to:

        - Tôi là Ba Trà - Tham mưu phó Quân khu 9. Đề nghị cả hai bên - bộ đội, công an không được nổ súng. Chỉ huy hai đơn vị phải gặp tôi ngay để giải quyết vụ việc. Nếu còn tiếp tục dùng vũ lực sẽ phải chịu tội trước quân pháp.

        Chỉ với lần thứ ba tôi nhắc lại lệnh trên, thì mọi chuyện đã an bài. Phía quân đội ngừng bắn trước. Sau đó chỉ huy hai đơn vị đã tới gặp chúng tôi trình bày đủ thứ “lý do lý trấu”.

        Thật bất ngờ và cảm động, khi đồng chí công an nói:

        - Nghe tiếng anh Ba là tụi em chịu luôn. Trước đây nghe mọi người nói nhiều về anh, nay mới được gặp. Anh xá lỗi cho tụi em.

        Tôi chân tình nói với anh em: Đúng sai sẽ giải quyết sau. Cơ quan quân pháp sẽ làm việc với hai đơn vị. Muốn nói gì thì nói, nhưng để diễn ra cảnh “quân ta đánh quân mình” như vừa rồi là không chấp nhận được. Điều phải làm ngay là cố gắng cân đối lượng gạo hiện có tính toán ưu tiên cho phía trước và chuyển ngay gạo cho mặt trận.

        Cả hai bên đều thấy mình có lỗi, vì nóng nảy, mất bình tĩnh đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc. Đúng là “cả giận mất khôn”.

        Cũng phải hết sức thông cảm cho những chiến sĩ vận tải không chỉ chứng kiến cảnh thiếu thốn, khó khăn cơ cực, mất mát hy sinh của những người lính tình nguyện, mà chính họ là mục tiêu săn lùng, phục kích của tàn quân Pôn Pốt. Đã có hàng chục xe vận tải của ta bị địch phục kích bắn cháy trong khi làm nhiệm vụ chuyển hàng trên đường số 4, đường số 5 phục vụ các đơn vị làm nhiệm vụ ở Campuchia.

        Chưa tròn một năm giữ chức Phó tham mưu trưởng quân khu, cuối năm 1982, tôi nhận quyết định của trên trở lại chiến trường Campuchia, giữ chức Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Mặt trận 979. Vậy là điều mà tôi, anh Ba Chơi tiên liệu và ngoéo tay nhau vào đầu năm đã đến rất chóng vánh.

        Mặt trận 979 trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9 được thành lập sau ngày ta giúp bạn giải phóng Phnôm Pênh và phần lớn đất nước, rồi chuyển sang thời kỳ giúp bạn xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống mới, truy quét tàn quân Pôn Pốt. Cùng ra đời với Mặt trận 979 làm nhiệm vụ giúp bạn còn có Mặt trận 779 trực thuộc Quân khu 7, Mặt trận 579 trực thuộc Quân khu 5, Mặt trận 479 trực tiếp do Bộ Tư lệnh quân tình nguyện nắm.

        Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 lúc này có anh Ba Trung - Phó tư lệnh quân khu làm Tư lệnh, Chính ủy là anh Sáu Hoài; Phó tư lệnh có các anh Sáu Phú, Tám Tào, Dương Tử. Được làm việc cùng anh Ba Trung và anh em đồng chí thân quen là thuận lợi đối với tôi trên cương vị công tác mới. Đặc biệt với anh Ba Trung, anh em tôi đã từ lâu như hình với bóng. Từ hồi còn ở Trung đoàn 1 đến nay, thường là anh giữ chức vụ cấp trưởng, còn tôi là cấp phó của anh.

        Anh Ba Trung sinh ra ở làng Võ Liệt huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Anh mồ côi bố khi mới lọt lòng mẹ. Từ tuổi ấu thơ, anh đã phải cùng mẹ và bố dượng lưu lạc vào kiếm sống ở đồn điền cao su Bình Ba huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Là tầng lớp cần lao, anh Ba sớm đến với cách mạng, trưởng thành trong chiến đấu. Anh Ba đã mấy lần bị thương, chết đi sống lại. Kháng chiến 9 năm chống Pháp kết thúc, anh Ba tập kết ra Bắc và là một trong những cán bộ đầu tiên trở lại chiến trường miền Tây vào năm 1960.

        Xuất thân từ tầng lớp cần lao, lại được tôi rèn trong đấu tranh cách mạng, nên anh Ba Trung là người có bản lĩnh, kiên định. Trong cuộc sống, anh là người rất mực hiền lành, chân chất. Đặc biệt anh không bao giờ tị hiềm, so bì với anh em, với tổ chức, dẫu cho con đường công tác của anh đầy biến động. Tổ chức phân công, sắp xếp thế nào anh cũng chấp hành vô tư. Bổ nhiệm cấp trưởng rồi lại đưa xuống cấp phó, từ bộ đội chủ lực đưa về làm chỉ huy cơ quan quân sự địa phương (cấp thấp hơn), rồi lại đưa về bộ đội chủ lực…; bất cứ cương vị nào, anh đều hoàn thành chức năng nhiệm vụ hết sức mẫn cán, chu đáo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 08:26:04 am »


        Được công tác gần gũi anh Ba, tôi còn biết chuyện tình của vợ chồng anh thật hiếm có - phải nói là có một không hai. Chị Quý - vợ anh Ba vốn là một cô tiểu tại chùa trên núi Minh Đạm - Bà Rịa. Trong một trận đánh thời kỳ chống Pháp, anh Ba bị thương nặng, trốn náu ở ngôi chùa này và được chị chăm nuôi, cứu chữa. Thế rồi tình yêu giữa anh chị nảy nở. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, anh Ba tập kết ra Bắc, hai người chưa kịp tổ chức đám cưới - chỉ kịp làm lễ hứa hôn. Sau đó là 10 năm chị Ba đợi chờ anh trong im lặng. Vào đầu năm 1963, chị Ba nhận được tin anh Ba, nhưng oái ăm không phải tin của “đằng mình” mà qua một tờ báo của Sài Gòn đưa tin quân đội quốc gia diệt được cán bộ cộng quân xâm nhập - người đó là anh Ba. Được tin, chị Ba âm thầm quyết chí đi tìm. Theo chị thì mảy may một chút hy vọng anh còn sống, bằng không sẽ cố tìm phần mộ của anh. Và cuộc đời đã không phụ tình thương yêu của hai người, chị Ba đã tìm được anh bằng xương bằng thịt - khi đó anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh thuộc Tỉnh đội Cà Mau. Lần kẻ địch loan tin diệt được anh, thực chất là chúng mật phục đoàn cán bộ Tỉnh đội Cà Mau đi công tác, nhưng các anh đều thoát được; địch chỉ bắt được cái bóng, trong đó có cuốn lý lịch kèm theo một tấm hình của anh - một đại úy Quân đội nhân dân.

        Nói về anh Ba Trung, trong một lần vui chuyện khi cùng anh công tác ở Bộ Tư lệnh Quân khu 9, tôi có nêu một băn khoăn: Với bề dày chiến công, đóng góp xứng đáng của anh cho sự nghiệp kháng chiến, anh Ba rất xứng đáng được phong Anh hùng.

        Nghe tôi nói vậy, anh Ba cười, rồi tâm sự:

        - Cơ quan chính trị và nhiều anh em cũng nghĩ vậy, nhưng khi có ý định đề nghị lên trên, thì được một đồng chí cấp trên nói rằng: Ông Ba đã là Trung tướng, ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu…, không hơn Anh hùng rồi sao? Trên đã có ý như vậy, nên mình bảo cơ quan thôi không làm thủ tục nữa.

        - Không thể như vậy, danh hiệu Anh hùng và chức vụ hoàn toàn khác nhau - Tôi trả lời.

        Anh Ba cười xuề xòa: Biết vậy, nhưng thôi!

        Cái đơn giản, lành lặn, hồn hậu của anh Ba Trung là như vậy đó!

        Sau đó, Bộ Tư lệnh Quân khu và những người thân, người đồng chí của anh lặng lẽ, khẩn trương xúc tiến việc đề nghị trên phong tặng danh hiệu Anh hùng cho anh Ba Trung. Cuối cùng thì ngày 25 tháng 6 năm 1998, anh Ba Trung cũng được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Được tin, tôi mừng hơn là khi tôi được phong Anh hùng, bởi cả cuộc đời anh luôn trọn niềm tin vào cách mạng, vào Đảng và cống hiến cho đất nước, nhân dân.

        Mặt trận 979 lúc này gồm ba sư đoàn, đảm đương địa bàn sát biên giới Campuchia - Thái Lan. Sư đoàn 4 đảm nhiệm hướng Kô Kông. Sư đoàn trưởng là anh Lê Xã Hội (Chín Hội), Chính ủy sư đoàn là Lê Phú Tươi (Tư Tươi). Sư đoàn 339 đứng ở địa bàn Puốc Sát, Năm Nhà, Bảy Nhà. Sư đoàn trưởng 339 là anh Ba Tấn. Sư đoàn 330 lúc này là lực lượng cơ động của mặt trận.

        Vừa trở lại chiến trường, tôi được anh Ba Trung phân công trực tiếp phụ trách hoạt động tác chiến của mặt trận ở tuyến biên giới.

        Nhìn toàn cục, trên chiến trường, địa bàn mà các mặt trận 479, 579, 779 phụ trách đều có những khó khăn, phức tạp, tuy mức độ khác nhau. Riêng Mặt trận 979 phải đảm đương địa bàn khó khăn, ác liệt nhất. Tuyến biên giới ở đây vừa dài, xa hậu phương; đặc biệt đây là nơi tập trung bộ chỉ huy đầu não của quân Pôn Pốt - Xon Xan.

        Từ đầu năm 1983, mặc dù bị quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của bạn lật đổ, truy quét ráo riết, nhưng tàn quân Pôn Pốt được các thế lực bên ngoài “hà hơi tiếp sức” đã tập hợp lực lượng chống phá cách mạng, nuôi tham vọng lật lại tình thế. Pôn Pốt - Xon Xan tích cực xây dựng lực lượng và toan tính chậm nhất là đến năm 1985  sẽ “lật ngược thế cờ”. Trên thực tế, những năm 1981  - 1 982, Pôn Pốt và bè đảng cũng đã gây dựng được một số đơn vị chủ lực. Ở hướng Kô Kông có Sư đoàn 164 (sau đổi thành Sư đoàn 3) biên chế ba trung đoàn bộ binh với trên một nghìn quân, do một Phó tổng tham mưu trưởng trong Bộ chỉ huy của Pôn Pốt làm sư đoàn trưởng. Ngoài ra, địch còn có các sư đoàn chủ lực khác như: Sư đoàn 111 ở Các Đa Môn, Sư đoàn 221 ở Cham Ca Râu, Sư đoàn 86 ở Sóc San, Sư đoàn 175 ở Ô Đa, Sư đoàn 415 ở Pai Lin…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 08:27:01 am »


        Ở địa bàn Mặt trận 979 đảm trách, địch cũng đã xây dựng được 7 căn cứ; có căn cứ nằm sâu trong nội địa, cách biên giới Campuchia - Thái Lan hơn 10 cây số. Để tiện cho việc tiếp nhận vũ khí bên ngoài viện trợ cũng như đưa vũ khí vào trang bị cho lực lượng ở nội địa, trên tuyến chúng tôi phụ trách, địch mở bốn cửa khẩu: cửa khẩu 301 ở Tà Sanh, Tức Sóc, Puốc Sát. Cửa khẩu 401 ở Cham Ca Râu, Ka Ra Vanh. Cửa khẩu vào khu Năm Nhà ở Ô Ran, Lếcch và cửa khẩu 505 vào Viêng Vênh, Thơ Ma Băng.

        Cùng với xây dựng các sư đoàn chủ lực, thiết lập các căn cứ ở vùng biên giới, những năm 1983-1984, địch thực hiện âm mưu “tranh chấp chiến lược”, phát triển chiến tranh du kích quy mô lớn, lâu dài. Chúng hy vọng tổ chức thành hai lực lượng, tạo thế phân ranh hai vùng, hai chính quyền (tăng cường cài cắm lực lượng vào chính quyền cách mạng của bạn).

        Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là tuyến biên giới, chúng tôi quyết định các sư đoàn 4, 339, 330 bàn giao khu vực đứng chân Kông Pông Chnăng, Kông Pông Spư… Ở nội địa cho các đoàn chuyên gia quân sự, đội công tác của tỉnh đảm nhiệm để dồn toàn lực lên sát biên giới Campuchia - Thái Lan thuộc các tỉnh Kô Kông, Bát Tam Băng, Puốc Sát.

        Chúng tôi xác định nhiệm vụ cụ thể của ba sư đoàn lúc này là:

        - Tiến công phá các căn cứ, cửa khẩu của địch, tiêu diệt sinh lực địch, không cho chúng có điều kiện tập trung xây dựng ở tuyến biên giới và tung lực lượng vào nội địa.

        - Liên tục ngăn chặn, đánh phá các tuyến hành lang, không cho địch tổ chức các đoàn vận tải chuyển vũ khí trang bị vào chi viện cho lực lượng nội địa.

        - Hỗ trợ để các đơn vị chủ lực của bạn từng bước tự lực chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới.

        Như trên đã nói, theo phân công của Bộ Tư lệnh Mặt trận, tôi trực tiếp lên phụ trách các sư đoàn hoạt động ở tuyến biên giới.

        Bước vào mùa khô 1982-1983, Bộ Tư lệnh Mặt trận 979 chủ trương đánh vào căn cứ của Xon Xan ở Tà Xanh, Săm Lốp. Khi giải quyết xong căn cứ này, sẽ đưa bộ đội ra chốt ở biên giới.

        Căn cứ thực lực của các đơn vị, chúng tôi quyết định sử dụng Sư đoàn 330 đánh vào căn cứ của Pôn Pốt và Xon Xan. Cùng tham gia với Sư đoàn 330 có Binh đoàn 2 của bạn. Tôi trực tiếp đi cùng Sư đoàn 330 thực hành trận đánh này. Kết quả, Sư đoàn 330 và Binh đoàn 2 của bạn giải quyết mục tiêu tương đối nhanh, gọn, phá hoàn toàn căn cứ của Xon Xan ở Tà Xanh, đẩy địch sang đất Thái Lan. Tiếp đó, Sư đoàn 330 phát triển tiến công, đánh chiếm luôn căn cứ Săm Lốp. Ở đây có mỏ đá quý U Đa rất nổi tiếng.

        Thời gian này Sư đoàn 339 đã chiếm giữ được căn cứ Năm Nhà của quân Pôn Pốt. Căn cứ Năm Nhà nằm sâu trong nội địa của bạn, cách đường biên trên 30 cây số. Sư đoàn 339 có tổ chức đánh chiếm căn cứ Bảy Nhà, nhưng không thành. Chiến sự diễn ra khá ác liệt. Sư đoàn 339 quay về chốt giữ Năm Nhà.

        Ở hướng Kô Kông do Sư đoàn 4 đảm nhiệm, tình hình cũng hết sức căng thẳng. Sư đoàn 3 và các lực lượng tăng cường của địch đã chiếm giữ cụm điểm cao 366 chạy dọc biên giới Campuchia - Thái Lan, khống chế toàn khu vực, phản kích đẩy lùi các đợt tiến công của Sư đoàn 4. Cho đến hết mùa khô 1982-1983, Sư đoàn 4 chỉ chiếm giữ Kô Kông, không đưa được lực lượng ra biên giới.

        Mùa mưa năm 1983, tôi trực tiếp lên chỉ đạo Sư đoàn 4 ở Kô Kông. Hơn ba tháng trời nằm ở Kô Kông cùng Sư đoàn 4, tôi đã nếm đủ những gì khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Đã trải qua kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, có thể mức độ ác liệt của chiến sự thì nơi đây chưa thể so sánh, nhưng sự gian khổ, khó khăn thì chưa khi nào bằng. Suốt mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) hầu như tuyến trước bị cắt đứt hoàn toàn liên lạc với tuyến sau; đặc biệt là việc tiếp tế vận chuyển tê liệt hoàn toàn. Trong khi đó, địch sử dụng pháo từ đất Thái bắn dai dẳng, ngày này qua ngày khác vào khu vực có bộ đội ta; các trận địa  bãi mìn của địch bủa giăng khắp nơi; anh em mình cứ đi ra khỏi địa bàn quen thuộc là vướng mìn, thương vong rất nhiều. Xuống các bệnh xá, trạm phẫu của sư đoàn bắt gặp nhiều chiến sĩ trẻ trung, khôi ngô bị mìn nổ tiện mất chân, có đồng chí cụt cả hai chân, tôi không cầm được nước mắt; thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với anh em. Và cũng thật đớn đau, sau một mùa khô, một mùa mưa, giật mình thấy hàng ngũ của anh em mình thưa thớt, trống vắng mất một phần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 08:28:49 am »


        Do sáu tháng trời không thể vận chuyển tiếp tế được cho tuyến trước, nên sinh hoạt vật chất, ăn uống của bộ đội hết sức khó khăn, thiếu thốn; ngày này qua ngày khác, khẩu phần chỉ có gạo mục, cá khô mục, thịt ôi thối. Động viên anh em cũng chỉ tăng gia được một ít rau xanh để cải thiện bữa ăn, có thêm tí chất rau.

        Ăn uống kham khổ, chiến sự ác liệt, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nơi đây đã gây ốm đau, bệnh tật rất nhiều cho bộ đội; đặc biệt là sốt rét - sốt rét ác tính như thần chết cầm lưỡi hái đứng chờ hằng ngày để rước bất cứ ai. Đồng chí công vụ cùng tôi lên Kô Kông cũng bị sốt rét quật ngã, hy sinh khi tuổi mười tám - đôi mươi. Riêng tôi, mặc dù không bị sốt rét quật ngã, nhưng cũng đã nếm trải những cơn sốt kinh khủng. Sợ nhất là đang xuống đơn vị, cắt rừng kiểm tra trận địa phòng ngự của bộ đội…, bất thần cơn sốt ập đến, người run lên bần bật, mắt hoa lên, bước đi lẩy bẩy, anh em không kịp dìu thì khụy xuống giữa đường, giữa rừng. Bộ đội ốm đau, bị thương do pháo, mìn…, nhiều trường hợp bình thường, nếu cấp cứu kịp, chữa trị chu đáo sẽ qua khỏi, nhưng vì không chuyển được về tuyến sau đành nằm lại chịu chết.

        Mùa khô 1983-1984, chúng tôi tiếp tục cho Sư đoàn 339 và Sư đoàn 330 đánh vào căn cứ đầu não của quân Pôn Pốt ở Tà Sanh, Săm Lốp. Mùa khô này, tôi lên Tà Sanh, trực tiếp chỉ đạo Sư đoàn 330.

        Vào mùa mưa, cái khó của ta là vận chuyển tiếp tế, thì tác chiến trong mùa khô, việc thiếu nước uống rất trầm trọng. Trường hợp bị địch vây hoặc truy kích địch bị mất phương hướng, lạc đường, thì thiếu nước uống là nỗi đe dọa kinh hoàng. Tôi đã nghe cán bộ, chiến sĩ đơn vị kể lại những chuyện rất thương tâm: bộ đội khát nước bò lê trên đất, gặp cây gì xanh, mềm đều dùng răng gặm, may chăng kiếm được giọt nước. Khi đó, mọi phản xạ của con người gần như là bản năng. Cũng có trường hợp bộ đội chết khát, rất đau lòng. Nhớ lại, một lần hành quân chiến đấu cùng chỉ huy Sư đoàn 330, anh em đơn vị chủ động thông báo với chúng tôi trước rằng: gạo, thịt bảo đảm cho thủ trưởng thì bọn em lo được, nhưng nước uống, thì thủ trưởng phải lo. Vì vậy, khi ra trận cùng anh em, tôi mang theo mình một can 5 lít nước; đồng chí công vụ cũng vậy.

        Trong mùa khô này, Sư đoàn 4 tiếp tục đảm nhiệm địa bàn Kô Kông, Sư đoàn 339 chốt giữ ở Puốc Sát, còn Sư đoàn 330, chúng tôi cho đưa lên khu vực biên giới phía tây tỉnh Bát Tam Băng. Tại đây, lực lượng của địch đóng tập trung ở hai cụm. Cụm thứ nhất ở tây nam An Đông, cửa khẩu 301. Cụm thứ hai ở Sóc San.

        Ở cụm thứ nhất, lực lượng của địch có 4 trung đoàn bộ binh, sở chỉ huy Sư đoàn 120 quân Pôn Pốt, bố trí thành tuyến phòng ngự liên hoàn có chính diện hơn 10 cây số, chiều sâu 20 cây số, có hệ thống công sự khá vững chắc, hệ thống vật cản - các bãi mìn dày đặc. Từ đầu mùa khô này, binh lính Sư đoàn 120 quân Pôn Pốt đã bung ra phục kích, gài mìn, bu bám tập kích các chốt của Sư đoàn 196 lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia.

        Ở cụm thứ hai, lực lượng của địch có 6 tiểu đoàn và sở chỉ huy quân khu Nam của Sê Rê Ka. Tuyến phòng ngự của địch có chính diện và chiều sâu chừng 10 cây số, hệ thống công sự, vật cản cũng được xây dựng khá kiên cố.

        Sau khi trinh sát nắm chắc lực lượng, hệ thống bố phòng của địch và nghe chỉ huy Sư đoàn 330 báo cáo quyết tâm chiến đấu, tôi đồng ý cho Sư đoàn 330 nổ súng ngày 25 tháng 3 năm 1984, mở màn đợt tiến công địch trong mùa khô này. Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 đánh vào cụm thứ nhất và cụm thứ hai của địch. Trung đoàn 3 có Sư đoàn 196 của bạn hỗ trợ đánh vào Ô Đa. Trong đợt này, Sư đoàn 330 đã chiếm được 4 căn cứ cấp trung đoàn của Pôn Pốt, 1 căn cứ của quân Sê Rê Ka, loại khỏi vòng chiến đấu trên 700 tên địch, thu gần 300 khẩu súng; ta làm chủ được một vùng biên giới rộng lớn. Để có được thắng lợi đó, 103 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 đã hy sinh, 485 đồng chí bị thương. Tổn thất quá lớn!

        Sau đợt hoạt động này, chúng tôi chỉ thị cho Sư đoàn 330 ra đứng chân ở Pai Lin, chuẩn bị mọi mặt cho kế hoạch tác chiến mùa mưa, phối hợp với Lữ đoàn 92 của bạn chốt giữ một dải biên giới dài 60 cây số từ Săm Lốp đến cửa khẩu 301, Pen Ta; hợp điểm với Sư đoàn 339 ở Puốc Sát, khép kín một dải biên giới.

        Vào mùa mưa năm 1984, cũng như những mùa mưa trước, lợi dụng thời tiết bất lợi cho ta, địch huy động lực lượng, có xe tăng, pháo binh yểm trợ, từ bên kia biên giới tiến công chiếm lại các căn cứ Sóc San, cửa khẩu 301, một số điểm ở Puốc Sát; đồng thời bu bám tiến công các chốt của ta ở biên giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 08:30:10 am »


        Mùa mưa năm đó, anh Ba Tấn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 339 ốm nặng, phải về tuyến sau điều trị. Anh Ba Trung cử tôi ra Puốc Sát, trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 339. Trên tuyến phòng ngự của Sư đoàn 339, lúc này quân Pôn Pốt được quân Thái hỗ trợ, phản kích quyết liệt, hòng chiếm lại những chốt dọc biên giới của ta.

        Ở gần căn cứ Môn Ba Đa - phía bên kia biên giới chừng một cây số, có hai quả núi nhỏ. Trước đây khi chỉ đạo Sư đoàn 339 giải phóng khu vực này, tôi có bàn với anh Ba Tấn cho hai đại đội chốt lại ở hai quả núi này, như là hai chốt cảnh giới tiền tiêu. Mùa mưa đến, có lúc địch huy động một trung đoàn biệt động, có pháo binh chi viện tiến công hai chốt tiền tiêu của Sư đoàn 339. Pháo và rốc két của địch bắn rất dữ, rất nhiều đạn pháo rơi trúng khu vực sở chỉ huy của chúng tôi. Lúc này, phía sau hai chốt tiền tiêu, tuyến biên giới do Sư đoàn 339 chốt giữ có 4 trung đoàn, gồm 3 trung đoàn của Sư đoàn 339 và Trung đoàn 14 bộ đội biên phòng phối thuộc cho Sư đoàn 339. Được lực lượng phía sau hậu thuẫn vững vàng, nên hai đại đội phía trước đã trụ bám kiên cường.

        Một trung đoàn biệt động của Thái Lan, sau đó có thêm thủy quân lục chiến tăng cường, rồi pháo chi viện, đánh liên tục 7 ngày vẫn không chiếm lại được hai quả núi. Tuy nhiên, do chiến sự quá ác liệt, dai dẳng, tôi quyết định bỏ hai ngọn núi đó, đưa toàn bộ lực lượng về phía sau củng cố thế trận phòng ngự theo đường biên.

        Thêm một mùa mưa ở miền Tây Bắc Campuchia lại càng thấy sự nguy hại, sức “hủy diệt” của bệnh sốt rét. Mùa mưa trước ở Kô Kông với Sư đoàn 4 thấy sốt rét đã kinh khủng, nay sang Bát Tam Băng, Puốc Sát càng kinh hoàng hơn. Sau này, qua nghiên cứu tài liệu và thông tin từ đội ngũ y - bác sĩ của ta sang nghiên cứu cách chừa trị sốt rét cho bộ đội, tôi mới hay rằng: địa bàn tỉnh Bát Tam Băng giáp giới Thái Lan đã được tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại có độ sốt rét cao nhất Đông Dương - là “rốn” sốt rét của Đông Dương. Nhân dân địa phương bạn cho hay: vào mùa mưa, voi rừng ở đây cũng rụng hết lông vì sốt rét. Cũng chính vì vậy, trước đây, dưới chế độ cũ, chính quyền Campuchia thường đưa những phạm nhân chịu án tù chung thân đến đây để lao động, giam giữ mượn sất rét thực thi án tử hình và chẳng mấy chốc mà những người này chết vì sốt rét.

        Để giúp bộ đội hạn chế sốt rét, Cục Quân y và Bệnh viện 175, Bệnh viện 103… đã cử nhiều y - bác sĩ sang trực tiếp nghiên cứu, tìm phác đồ điều trị, mua thuốc tẩm màn diệt muỗi…, nhưng hiệu quả chưa được là bao. Giáo sư bác sĩ Trịnh Kim Ảnh - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Đoàn Thúy Ba là những người có bề dày kinh nghiệm chữa trị sốt rét đã cùng hàng chục bác sĩ giỏi sang Bát Tam Băng, lên tận Tà Sanh, Tức Sóc để nghiên cứu hơn một tháng, nhưng cũng chưa có giải pháp gì hữu hiệu. Bệnh sốt rét đái huyết cầu tố vẫn là mối đe dọa rình rập thường nhật cán bộ, chiến sĩ ta. Những anh em không may bị nhiễm sốt rét đái huyết cầu tố, tỷ lệ tử vong rất cao; nếu may mắn được cứu sống cũng để lại những di chứng rất nặng nề. Sau đoàn của Giáo sư bác sĩ Trịnh Kim Ảnh, đoàn của một giáo sư chuyên gia đầu ngành về sốt rét đã trực tiếp sang vùng Bát Tam Băng nghiên cứu cách phòng, chống sốt rét. Vị giáo sư này đã cùng ăn, cùng ở với bộ đội Đêm đêm, ông ngủ không nằm màn, cho muỗi đốt, để nghiên cứu. Cũng vì vậy mà vị giáo sư, người thầy thuốc đáng kính của chúng ta đã tử vong vì sốt rét. Tấm gương quên mình vì nghề nghiệp, mong muốn bộ đội giảm tử vong vì sốt rét của vị giáo sư để lại niềm tiếc thương, lòng kính trọng của những người lính tình nguyên chúng tôi nơi “rừng thiêng nước độc” ngày ấy.

        Vào mùa khô 1984-1985, anh Ba Trung xuống trực tiếp giao nhiệm vụ và chỉ đạo Sư đoàn 4 ở hướng Kô Kông. Tôi tiếp tục bám đốc chiến Sư đoàn 330 ở Bát Tam Băng và Sư đoàn 339 ở Puốc Sát. Nhiệm vụ của Sư đoàn 330 trong mùa khô này được chúng tôi xác định là: tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân chủ lực của Pôn bốt và quân khu nam Sê Rê Ka; đánh chiếm các căn cứ địch, làm chủ hoàn toàn tuyến biên giới, xây dựng tuyến phòng thủ (K5); giúp các lực lượng của bạn phát triển nhanh chóng và vững chắc, cùng quân tình nguyện bảo vệ biên giới, “khóa” các hành lang vào nội địa.

        Ngay từ đầu mùa khô, Sư đoàn 330 kết hợp với Lữ đoàn 92 của bạn tiến công chiếm lại khu vực cửa khẩu 301. Sư đoàn 86 quân Pôn Pốt được các trận địa pháo ở đất Thái Lan chi viện mạnh, liên tục phản kích. Để củng cố khu vực đã chiếm giữ, đánh bại các cuộc phản kích của địch, tôi chỉ thị cho Sư đoàn 330 đưa tiểu đoàn trinh sát và một tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 3 luồn sâu vào đất Thái, vu hồi từ phía sau, tiêu diệt lực lượng địch bu bám ở các chốt 391, 412, phá hủy các trận địa pháo của địch; giữ vững được khu vực cửa khẩu 301.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:12:43 am »


        Đầu tháng 1 năm 1985, Sư đoàn 330 đánh chiếm căn cứ Trung đoàn 11 của địch ở Cham Ca Râu, loại khỏi vòng chiến đấu trên 350 tên địch, thu trên mười tấn đạn. Trên đà thắng lợi, khí thế đang lên, tôi trao đổi với anh Ba Chơi và anh Ba Tố tổ chức cho sư đoàn tiến công ngay căn cứ Sóc San của quân khu nam Sê Rê Ka. Cũng như đánh ở khu vực cửa khẩu 301, ta vừa tiến công chính diện, vừa luồn sâu vu hồi vào sườn đội hình địch; đồng thời bố trí Trung đoàn 2 và Sư đoàn 196 của bạn chốt chặn đường rút của chúng. Sau hai ngày 11 và 12 tháng là ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Sóc San, loại khỏi vòng chiến đấu trên sáu trăm tên địch, thu trên 150 khẩu súng và hơn mười tấn đạn. Trong trận này, điều chúng tôi mừng nhất là Sư đoàn 196 của bạn đã thực hiện tốt nhiệm vụ chốt chặn đường rút của địch, loại khỏi vòng chiến đấu trên hai trăm tên; khẳng định bước trưởng thành trong thực hành tác chiến của bạn. Đây là mục đích chúng tôi xác định phải đạt tới trong quá trình giúp bạn.

        Nhiệm vụ chủ yếu của Sư đoàn 330 trong mùa khô này là phối hợp cùng bạn đánh chiếm khu vực Các Đa Môn. Đây là trung tâm chỉ đạo, chỉ huy của đầu não - trung ương Pôn Pốt và là khu hậu cần - kỹ thuật của chúng.

        Các Đa Môn nằm ở cuối đường 56, là khu vực địa hình rất hiểm trở; được địch bảo vệ từ xa bởi các tuyến phòng thủ gồm lực lượng cơ động, bãi mìn dày đặc; có sông Mê Tức như chiến hào thiên tạo để chặn ta tiến công. Sư đoàn 111 là lực lượng chủ yếu của Pôn Pốt chốt giữ ở đây. Xung quanh Các Đa Môn còn có một số căn cứ của các sư đoàn địch, hình thành thế phòng thủ liên hoàn. Pôn Pốt và đám tướng lĩnh của y vừa cho Các Đa Môn là căn cứ “bất khả xâm phạm”, nhưng vẫn mở nhiều đường từ căn cứ này thông sang đất Thái Lan, đề phòng thất thủ.

        Bộ Tư lệnh 979 quyết định sử dụng Sư đoàn 330, Sư đoàn 339 và Sư đoàn 4 của bạn cùng một số đơn vị binh chủng tham gia chiến dịch Các Đa Môn. Anh Ba Trung phân công tôi đi cùng Sư đoàn 330.

        Sau khi làm chủ căn cứ Sóc San, Sư đoàn 330 bố trí Trung đoàn 2 cùng Sư đoàn 196 của bạn ở lại chốt giữ căn cứ này, còn Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 khẩn trương cơ động từ Bát Tam Băng về đường 56. Tuyến đường này từ thị xã Puốc Sát vào khu vực Bảy Nhà, Năm Nhà hết sức hiểm trở - nhất là quãng qua đèo Khỉ, đèo Gà. Đề phòng ta chuyển quân theo hướng này, địch đã cho phục binh và gài rất nhiều mìn, gây cho ta nhiều khó khăn. Đến đầu tháng 2, toàn bộ đội hình của Sư đoàn 330 tham gia chiến dịch mới tập kết đủ ở khu vực Năm Nhà.

        Ngày 8 tháng 2 năm 1985, chiến dịch Các Đa Môn mở màn. Cũng như những trận vừa qua ở khu vực cửa khẩu 301, Sóc San, ở đây Sư đoàn 330 vẫn áp dụng chiến thuật vừa tiến công chính diện, vừa vu hồi tạt sườn. Trung đoàn 1 tiến công chính diện, đánh thẳng vào khu vực cầu Vạn Thắng. Trung đoàn 3 vu hồi tạt sườn. Chiến sự xảy ra nơi sào huyệt của địch vô cùng ác liệt. Địch tập trung toàn lực hòng đẩy lùi các đợt tiến công của ta. Chúng còn phá sập cầu Vạn Thắng để cản bước tiến của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330. Nhưng do chuẩn bị tốt, công binh nhanh chóng bắc cầu để bộ bình phát triển tiến công, tiếp cận mục tiêu. Mặc dù vậy, cũng phải gần hai ngày, Sư đoàn 330 và Sư đoàn 4 của bạn mới làm chủ được hoàn toàn Các Đa Môn. Tàn binh dịch tháo chạy sang Thái Lan. Rất tiếc là trong trận này ta đã để sổng thoát Pôn Pốt và Tà Mốc - Tham mưu trưởng.

        Tiếp đó, chúng tôi chỉ thị cho Sư đoàn 330, Sư đoàn 339 cùng đơn vị bạn lùng sục, truy quét tàn quân địch; nhanh chóng chốt giữ các điểm cao, đường 56, khu vực đèo Gà, đèo Khỉ, Năm Nhà, Hai Mươi Nhà…; tạo điều kiện cho Sư đoàn 4 của bạn ra củng cố xây dựng vị trí đứng chân chốt giữ trên tuyến biên giới.

        Chiến dịch Các Đa Môn diễn ra trong thời gian ngắn. Lực lượng Mặt trận 979 tham gia đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 550 tên địch; thu trên 2.300 súng các loại trên 470 tấn đạn, mìn, trên sáu chục tấn lương thực, nhiều kho tàng quân trang, quân dụng. Khi rút chạy, địch cũng đã kịp đốt một kho trên 500 tấn vũ khí.

        Sau chiến dịch Các Đa Môn, các đơn vị của Mặt trận 979 đã làm chủ hoàn toàn tuyến biên giới từ Kô Kông qua Bát Tam Băng, Puốc Sát; tạo thế vững chắc cho ta và bạn, chuẩn bị làm nhiệm vụ xây dựng tuyến phòng thủ biên giới K5.

        Kết thúc thắng lợi mùa khô 1984-1985 - một mùa khô gay cấn, ác liệt trên tuyến biên giới do Mặt trận 979 đảm trách, tôi được lệnh về quân khu nhận nhiệm vụ mới, còn quân tình nguyện Việt Nam nói chung và Mặt trận 979 vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ giúp bạn đến năm 1989 mới rút hoàn toàn về nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:14:05 am »


        Việc Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân Việt Nam cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng chế độ mới, đời sống mới đã được nhân loại yêu chuộng hòa bình đánh giá cao. Điều đó, theo tôi là lẽ tất nhiên. Nhưng vấn đề mà tôi có ấn tượng nhất là chính kiến đó lại được một chính khách của Hoa Kỳ khẳng định. Nhớ lại ngày ta đưa quân tình nguyện sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, những người cầm đầu Nhà Trắng đã lớn tiếng la lối Việt Nam xâm lược Campuchia; xuyên tạc mục đích cao cả, tinh thần quốc tế trong sáng, sự hy sinh lớn lao của quân và dân ta trong suốt 10 năm giúp bạn.

        Sau này, khi là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong một lần tiếp chuyện (không phải hội đàm chính thức) Uyliam Côhen - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, trong chuyến sang thăm Việt Nam năm 2000; ông ta có nói với tôi rằng: Trên thế giới, trong thế kỷ XX có nhiều quốc gia đem quân ra nước ngoài dẹp bạo loạn, lật đổ, chống khủng bố…, duy nhất có Việt Nam thành công. Bởi vì, khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, thì Campuchia vẫn đứng vững và ngày càng ổn định.

        Theo tôi, đây là một chính kiến khả dĩ đáng ghi nhận để tham khảo. Trở lại vấn đề Campuchia, trong khoảng thời gian trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 330 rồi Mặt trận 979 làm nhiệm vụ giúp bạn, cho đến ngày về nước, tôi nhận thấy: thắng lợi lớn của ta là không chỉ giúp bạn loại trừ được chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xa Ri, cứu đất nước “Chùa Tháp” khỏi họa diệt vong; mà ta đã dành thời gian, lực lượng giúp bạn xây dựng được cơ sở xã hội, chính quyền, các tổ chức quần chúng. Đến khi ta tập trung cho nhiệm vụ quân sự thì cơ bản bạn đã đứng vững. Ta không chỉ chủ trương giúp bạn về quân sự, và nếu chỉ giúp bạn về quân sự đơn thuần, tôi tin chắc sẽ không thành công. Ngoài giúp bạn về quân sự, cái đúng đắn, sáng tạo của ta là chủ trương “tỉnh giúp tỉnh, huyện giúp huyện…”, huy động sức mạnh toàn dân làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn.

        Về phần mình, từ năm 1980, cùng với truy quét tàn quân Pôn Pốt; chúng tôi tích cực giúp bạn xây dựng cơ sở; tổ chức nhiều đoàn công tác, đội công tác chuyên trách vận động, thuyết phục… giúp bạn xây dựng cơ sở xây dựng đời sống mới. Khi cần tập trung lực lượng để giải quyết hệ thống căn cứ của địch ở khu vực biên giới Campuchia - Thái Lan; ở nội địa các đội công tác của các sư đoàn vẫn hoạt động có hiệu quả.

        Hành động chiến đấu, hy sinh, đồng cam cộng khổ của quân tình nguyện, của chuyên gia tình nguyện Việt Nam vì sự hồi sinh của đất nước Campuchia… là chất liệu để làm nên tượng đài của quân tình nguyện Việt Nam - là biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu vì độc lập tự do của hai dân tộc, vì một Đông Dương, Đông Nam Á hòa bình, ổn định và phát triển.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:16:59 am »


*

*       *

        Từ Mặt trận 979 trở về, tôi được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 9 và được phong quân hàm thiếu tướng.

        Nhận nhiệm vụ mới một thời gian, cuối năm 1985, tôi được trên cử sang Liên Xô, học tại Học viện Vôrôsilốp - đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu chiến dịch - chiến lược. Cùng dự khóa với tôi có anh Sơn - Tư lệnh Binh đoàn 14, anh Nguyễn Trọng Dần - Tư lệnh Quân đoàn 4 và anh Nguyễn Thế Bôn - Phó tổng tham mưu trưởng. Thời gian chúng tôi học ở Học viện Vôrôsilốp tám tháng.

        Trước đây, tôi đã nghiên cứu, tham khảo nhiều tài liệu của bạn - tập trung nhiều vào thời gian đào tạo tại học viện Quân sự cấp cao, nay được học ở một trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu chiến dịch - chiến lược nổi tiếng, mới thấy công tác tham mưu của bạn rất bài bản, lớp lang; đặc biệt là lý luận về công tác tham mưu. Tuy nhiên, nếu vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam, vào chiến tranh nhân dân Việt Nam, có nhiều nội dung không phù hợp; đặc biệt là tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn.

        Một vấn đề có sự khác biệt lớn, nếu không nói là khác hoàn toàn giữa anh em chúng tôi với bạn lúc đó là xác định đối tượng tác chiến chủ yếu lâu dài của quân đội Xô viết. Bạn cho là khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO); còn chúng tôi lại xác định đối tượng khác. Mọi vấn đề khác biệt trong nội dung đào tạo, trong thực tế chiến tranh…, được bàn thảo, trao đổi, thậm chí tranh luận cởi mở giữa học viên ta và bạn; giữa học viên với giáo viên. Mọi ý kiến của anh em chúng tôi, có thể có những điều bạn không đồng ý, giáo viên không đồng ý nhưng bạn đều trân trọng ghi nhận.

        Vào thời điểm này, Liên Xô đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội…; nhưng bạn vẫn dành cho học viên Việt Nam và học viên các nước khác thiện cảm và chế độ bảo đảm tốt về vật chất, tinh thần. Xen kẽ chương trình chính khóa bài bản, chặt chẽ, là những buổi dã ngoại thăm các đơn vị quân đội; tham quan những danh thắng, đền đài, cung điện, chiến hạm Rạng Đông… Tôi đặc biệt thích thú hệ thống bảo tàng vĩ đại của Liên Xô, tiêu biểu là khoảng 150 bảo tàng ở cố đô Sanh Pêtécbua (lúc đó gọi là thành phố Lêningrát), với bảo tàng nghệ thuật Êmitát - nổi tiếng trên thế giới, bảo tàng nghệ thuật Trêchiacốp ở Mátxcơva; bảo tàng Cutudốp với bức tranh tròn có một không hai về trận đại chiến Oatéclô - nơi Cutudốp đánh bại quân của Hoàng đế Pháp Napôiêông…

        Một phần tư thế kỷ đã qua kể từ ngày chúng tôi học tập ở xứ sở Bạch dương, thế giới đã trải qua biết bao biến động “vật đổi sao dời”. Liên Xô - thành trì của cách mạng xã hội chủ nghĩa một thời không còn trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, Liên Xô với những tầng nấc kỳ vĩ về văn hóa, chiều dày lịch sử, với những người dân hồn hậu, bao dung, rộng lòng vì bè bạn, vì cách mạng Việt Nam, vẫn còn lưu đậm trong tình cảm, ý thức của mỗi một người Việt Nam - với chúng tôi - những sĩ quan được đào tạo ở xứ sở Bạch dương, ở Tổ quốc của Lênin vĩ đại

        Kết thúc tám tháng học ở Liên Xô, trở về nước tôi tiếp tục đảm nhiệm chức Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 9. Tư lệnh quân khu lúc này là anh Nguyễn Thới Bưng (Út Thới). Anh Mười Thi - Phó tư lệnh về chính trị. Anh Ba Trung - Phó tư lệnh kiêm Tư lệnh Mặt trận 979; Phó tư lệnh có các anh Tư Chức, Hai Nhường. Mấy anh em cùng trưởng thành trong chiến đấu, từng “vào sống ra chết” ở chiến trường miền Tây và chiến trường nước bạn, tuy mỗi người mỗi quê, mỗi cá tính, nhưng cùng chung mục đích, lý tưởng, cùng chung trách nhiệm nên quan hệ công tác rất thuận lợi, hiệu quả.

        Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng vũ trang quân khu lúc này là tập trung xây dựng lực lượng, làm nòng cốt xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn. Tuy nhiên trong giúp bạn phải tính lộ trình điều chỉnh lực lượng, để trong một vài năm tới rút toàn bộ quân tình nguyện về nước. Đồng thời với điều chỉnh, tổ chức lại lực lượng, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu cùng với Nhà nước, Bộ Quốc phòng tìm cách tháo gỡ những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội đã đến hồi căng như dây đàn… Biết bao công việc cần tập trung nghiên cứu giải quyết đối với lực lượng vũ trang của một quân khu có địa bàn rộng và khá phức tạp vào loại bậc nhất trong cả nước.

        Mọi công việc đang diễn biến bình thường thì đầu năm 1988, tôi được cử đi bổ túc một khóa ngắn hạn tại Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh). Sau khi kết thúc khóa học, tháng 8 năm 1988, tôi được điều về giữ chức quyền Tư lệnh Quân khu 3.

        Cuộc đời người chiến sĩ là những cuộc hành quân. Nhiệm vụ mới cho phép tôi làm một cuộc hành quân về nguồn - cuộc hành quân từ đồng bằng sông Cửu Long về đồng bằng sông Hồng. Nhiệm vụ mới với bao hứa hẹn và thách thức đang vẫy gọi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM