Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:37:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2016, 05:56:56 am »


        Để tái lập được thế đứng hoàn toàn có lợi cho ta, Trung đoàn 1 U Minh cùng Trung đoàn 2, các đơn vị trực thuộc quân khu và lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương đã ròng rã hai năm trời kiên gan chiến đấu. Và để đi tới thắng lợi, cũng đã biết bao lần phải trả giá bởi sự mất mát, hy sinh; những trận đánh không thành công, tổn thất, thương vong khá nặng. Ví như trận đánh đồn Phủ Thuật ở Phụng Hiệp đầu năm 1973. Do trinh sát nghiên cứu địa hình, địch tình không kỹ, Tiểu đoàn 303 đã không phát hiện được Phủ Thuật là đồn kép (hai ngăn) là Tam Giác và Mã Lai. Khi đắp sa bàn, xây dựng phương án tác chiến, chỉ dựng mỗi mô hình đồn Tam Giác; nên khi đánh không dứt điểm được toàn bộ mục tiêu Địch ở đồn Mã Lai đánh sang, ta thương vong gần hai chục đồng chí. Cũng vì quá bất ngờ trước tình thế đột xuất nên khi rút, ta không lấy được hết xác tử sĩ. Sau thấy ngày, xác chết trương lên, hôi thối cả vùng. Không cầm nổi lòng mình, tôi lệnh cho cán bộ Tiểu đoàn 303 và Phạm Hồng Lợi - Đại đội trưởng đại đội hỏa lực bằng mọi cách phải lấy bằng được xác của anh em. Nhưng kẻ địch vô cùng nham hiểm đã cho gài mìn dưới thi thể anh em ta và bố trí lực lượng chụp bắt ta vào lấy xác. Cố gắng lắm, dùng hỏa lực “ghìm” đầu quân địch xuống, chúng tôi cũng chỉ lấy được năm sáu thi thể anh em. Còn 12 thi thể đành phải nhờ quần chúng đấu tranh lấy ra sau.

        Cùng với Tiểu đoàn 303, trong trận đánh đồn Mười Dào tại ngã ba lộ Đá thuộc xã Kế An, Kế Sách, vào ngày 14 tháng 7 năm 1974, do trinh sát thiếu kỹ càng, không nắm chắc địch, không diệt được mục tiêu, thương vong hơn một chục đồng chí.

        Cũng có lần vào cuối năm 1973, Sở chỉ huy dã ngoại của trung đoàn bị địch bao vây, tập kích. Tình huống khá nguy cấp. Tôi, anh Bảy Sa, anh Ba Chơi (trung đoàn phó) đều giành quyền ở lại chỉ huy một lực lượng chặn địch để anh em khác rút. Cuối cùng anh Ba Chơi nói như ra lệnh:

        - Tôi ở lại chỉ huy chặn địch, Trung đoàn trưởng và Chính ủy phải rút để còn chỉ huy trung đoàn chiến đấu lâu dài. Các đồng chí ở lại, nếu thương vong sẽ có tội với trung đoàn, với Đảng.

        Trong tình thế đó, tôi và anh Bảy Sa phải chấp nhận tuồn tránh địch. Hai chiến sĩ Nguyễn Ngọc Bình và Lê Thái Bộc hộ tống, bảo vệ chúng tôi lội vượt kênh, rạch, thoát khỏi vòng bủa vây của địch. Sau đó, lực lượng do anh Ba Chơi chỉ huy cũng rút êm, an toàn. Có điều khi rút chạy quá gấp. tôi đánh rơi xắc cốt tài liệu. Không chần chừ, Bộc và Bình quay lại mò tìm được, trong số tài liệu đó có toàn bộ quyết tâm chiến đấu của Trung đoàn.

        Chiến tranh, chiến trường là có thắng, có bại, có mất mát hy sinh. Nếu chỉ có thắng cả, thì hóa ra cuộc chiến của ta vì độc lập tự do dân tộc quá ư suôn sẻ, nhẹ nhàng. Và đối phương chỉ là một lũ hèn kém! Trên thực tế thì đối phương vô cùng thâm hiểm, lắm mưu ma chước quỷ, lại trang bị vũ khí tối tân đến “tận răng”. Vấn đề là từ những tổn thất, thương vong, ta phải biết chắt lọc kinh nghiệm, rút ra những bài học bằng máu để tránh lặp lại và đi tới thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi luôn tâm niệm mỗi một chiến công của đơn vị, của bản thân, mỗi một bước trưởng thành của mình đều có công lao, trí tuệ, máu xương của đồng chí, đồng đội, của những người dân rất đỗi chân chất, thật thà của miền Tây sông nước Cửu Long.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 04:34:12 am »


*

*       *

        Với hết thảy những gì đang diễn ra trên chiến trường Khu 9 vào cuối năm 1974, đặc biệt sau sự kiện thành lập Sư đoàn 4 chủ lực trực thuộc Quân khu (tháng 7 năm 1974), tôi nhận thấy thế và lực của ta đã mạnh lên rất nhiều. Suy nghĩ đó càng được củng cố khi chúng tôi được tin Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long đã ra đời trên chiến trường miền Đông và Quân khu 7, Quân khu 8 cũng thành lập một số sư đoàn chủ lực. Việc thành lập các quân đoàn, sư đoàn không phải là phép cộng đơn thuần các sư đoàn, lữ đoàn (để thành quân đoàn); hoặc các trung đoàn gộp lại thành sư đoàn; mà là cả một bước nhảy vọt về chất; khẳng đình trình độ kỹ thuật, chiến thuật và đặc biệt là trình độ tác chiến hiệp đồng quy mô lớn của Quân giải phóng miền Nam.

        Cục diện mới trên toàn chiến trường nói chung và Quân khu 9 nói riêng đang mở ra thời cơ mới thuận lợi để ta tiếp tục đưa cách mạng miền Nam tiến những bước nhảy vọt.

        Quán triệt, vận dụng chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương vào tình hình cụ thể trên chiến trường, bước vào đông - xuân 1974 - 1975, lúc đầu Bộ chỉ huy Miền quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định, phá ấp chiến lược, “ấp tân sinh” của địch, tạo thế để góp phần giành thắng lợi quyết định giải phóng miền Nam trong vòng hai năm 1975-1976. Theo đó, Bộ Tư lệnh Miền chọn đồng bằng sông Cửu Long làm trọng điểm.

        Căn cứ quyết tâm và kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 hạ quyết tâm và đề ra kế hoạch tác chiến mùa khô 1974-1975 như sau: Tập trung hai lực lượng, ba thứ quân đánh bại kế hoạch bình định của địch; khôi phục lại thế trận như Tết Mậu Thân…; đặc biệt là vùng nông thôn Vĩnh - Trà, nông thôn vùng ruột Hậu Giang; hình thành thế bao vây gom địch vào các thị xã và vùng ven.

        Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chọn Vĩnh - Trà là trọng điểm số 1 để đánh bại kế hoạch bình định của địch. Cần Thơ là trọng điểm số 2. Ở hai trọng điểm, tập trung cả chủ lực của quân khu và lực lượng vũ trang của tỉnh diệt địch, đánh bại các cuộc hành quân bình định, giành dân, mở rộng vùng giải phóng. Khẩu hiệu mà chúng tôi được quán triệt lúc này là: “Huyện liền huyện, tỉnh liền tỉnh đánh cho ngụy nhào”.

        Để tăng cường lực lượng cho trọng điểm 1 của quân khu, cuối tháng 11 năm 1974, trung đoàn chúng tôi được lệnh vượt sông Hậu sang Vĩnh - Trà. Trung đoàn có nhiệm vụ phối hợp cùng Trung đoàn 3 và bộ đội địa phương hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh đánh địch, mở rộng vùng giải phóng, nối liền chiến trường sang Bến Tre, qua Khu 8, sông Hậu và vòng về quân khu. Đồng thời, Bộ chỉ huy trọng điểm Vĩnh - Trà được thành lập, do anh Ba Trung - Phó tư lệnh quân khu làm Chỉ huy trưởng, anh Phan Ngọc Sến (Mười Kỷ) làm Chính ủy.

        Một ngày vào cuối tháng 11 năm 1974, anh Ba Trung xuống trực tiếp làm việc với Ban chỉ huy trung đoàn, chính thức giao nhiệm vụ cho đơn vị. Anh Ba rất phấn khởi khi trung đoàn chúng tôi đã tạo được thế trận khá vững ở địa bàn Long Mỹ, Phụng Hiệp, sẵn sàng nhận lệnh của Tư lệnh quân khu lật cánh sang bên kia sông Hậu.

        Với tác phong điềm đạm, thân tình, anh Ba Trung vui vẻ nói: Để các anh ở đây sẽ thuận nhiều bề, nhất là quen thuộc chiến trường, “dễ làm ăn”. Nhưng đã là Trung đoàn 1, thì lúc này cần ưu tiên cho trọng điểm 1.

        Anh động viên chúng tôi rằng: Sang bên đó, địa bàn mới lạ, có nhiều cái khó, nhưng cái khó lúc này cũng không thể như trước đây. Bên đó, Trung đoàn 3 cũng đã tạo được thế vững. Vùng giải phóng đã mở rộng. Ngoài Trung đoàn 3, mỗi tỉnh có vài tiểu đoàn, huyện có từ một đến hai đại đội…

        Tạm biệt chúng tôi, anh Ba nắm chặt tay từng người. Tôi đọc trong cặp mắt rất đỗi hiền từ của anh ánh lên niềm tin rằng với sự có mặt của Trung đoàn 1 U Minh ở Vĩnh Trà, thì hai trung đoàn chủ lực mạnh của quân khu, có bề dày kinh nghiệm, dưới sự chỉ huy trực tiếp của anh sẽ làm nên chuyện ở trọng điểm 1 của quân khu trong đông - xuân này.

        Vĩnh Trà là hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh (theo địa lý hành chính của ta) và là hai tỉnh Vĩnh Long, Vĩnh Bình (theo địa lý hành chính của chính quyền Sài Gòn). Vĩnh Trà là vùng đất nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu. Hai con sông giống như hai cánh tay khổng lồ ôm gọn lấy cả vùng đất dài trên 150 cây số, rộng trên 40 cây số. Lúc đó, Vĩnh Trà có ba thị xã là Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh và 18 huyện. Về đường bộ, lộ 4 (nay là đường số 1) là tuyến giao thông huyết mạch. nối thành phố Cần Thơ với Sài Gòn. Với đường sông, Vĩnh Trà có sông Măng Thít nối liền với sông Tiền và sông Hậu, chảy qua lằn giữa hai tỉnh, là tuyến đường sông vô cùng quan trọng, ngắn nhất nối miền Tây với Sài Gòn. Là địa bàn chiến lược quan trọng đối với chiến trường miền Tây, nên địch bố trí ở đây Sư đoàn 9 nguy, Thiết đoàn 2 thiết giáp, trên năm chục xe M.113 và M.118, ba giang đoàn, một trung đoàn không quân đóng ở sân bay Vĩnh Long, trên 10 tiểu đoàn bảo an và Tiểu đoàn 43 biệt động quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 04:36:30 am »


        Qua nghiên cứu tình hình địch và địa hình, tôi thấy ở Vĩnh Trà có hai đặc điểm lớn ảnh hưởng đến nhiệm vụ tác chiến của đơn vị, mà một người chỉ huy phải tính đến, đó là:

        Thứ nhất: Hệ thống đồn bốt của địch dày đặc; địch đã thiết lập hệ thống kìm kẹp, khống chế người dân ở đây quá ư chặt chẽ. Cho dù vào thời điểm đầu năm 1975, tình thế đã khác nhiều so với những năm 1969-1970 - cái thời mà anh Ba Trung khái quát là đi đâu cũng đụng địch. Cán bộ địa phương từ sáng chí tối ai nấy “áo vo viên, quần cột cổ”, lúc nào cũng sẵn sàng nhảy xuống hầm bí mật…

        Thứ hai: Địa hình rất trống trải. Là vùng đồng bằng, nhưng Vĩnh Trà không có rừng tràm, rừng đước và những vườn cây trái rậm rạp như U Minh hay một số địa phương khác ở miền Tây.

        Nhớ lại, hồi tôi mới về trung đoàn, theo lệnh của quân khu, Tiểu đoàn 306 đã tách khỏi đội hình Trung đoàn 1 U Minh, vượt sông Hậu, sang chiến trường Vĩnh Trà chiến đấu và làm nòng cốt thành lập Trung đoàn bộ binh 3, do anh Ba Trung làm Trung đoàn trưởng vào năm 1968. Khi Trung đoàn 1 U Minh chúng tôi đảm trách địa bàn Cần Thơ thì Trung đoàn 3 được quân khu giao cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương trụ bám đánh địch ở Vĩnh Trà.

        Tổ chức cho cả đội hình trung đoàn trên hai nghìn quân vượt sông bảo đảm bí mật, an toàn là vấn đề không mấy đơn giản. Khỉ Bộ Tư lệnh Quân khu - trực tiếp là anh Ba Trung giao nhiệm vụ, trong kế hoạch hành quân vượt sông, chúng tôi tính kỹ đến phương án nghi binh. Được Bộ Tư lệnh Quân khu đồng ý, cuối tháng 11 năm 1974, tôi đưa trung đoàn về Phụng Hiệp, Kế Sách, Châu Thành - Cần Thơ hoạt động có tính chất nghi binh, tổ chức một số trận đánh nhỏ lẻ, vừa hiệp đồng cùng các địa phương chuẩn bị ghe, xuồng, chờ thời cơ để vượt sông.

        Trong thời gian này, tôi cùng một số cán bộ cơ quan trung đoàn, tiểu đoàn, cán bộ cơ quan mặt trận, do anh Ba Trung dẫn đầu sang Trà Vinh trước, vừa tiền trạm, vừa nắm tình hình, chuẩn bị chiến trường.

        Do tổ chức hoạt động nghi binh và hiệp đồng với các địa phương chặt chẽ, nhịp nhàng, đầu tháng 12 năm 1974, tôi phát lệnh vượt sông Hậu. Được các địa phương giúp chuẩn bị chu đáo ghe xuồng, chỉ trong vòng ba đêm, toàn bộ trung đoàn trên hai nghìn quân đã vượt sông bảo đảm bí mật an toàn. Quãng vượt sông được xác định từ An Lạc Thôn qua cù lao Nai, cù lao Tân Quy (qua xã Tam Ngãi, lên Cầu Kè tỉnh Trà Vinh). Thời gian bộ đội vượt sông, chúng tôi cho tung tin Trung đoàn 1 U Minh vẫn hoạt động ở Phụng Hiệp, Kế Sách, nên cả trung đoàn sang đất Trà Vinh trót lọt, mà kẻ địch không hay biết gì. Quả là một cuộc vượt sông kỳ diệu. Báo hiệu một chiến dịch ra quân thắng lợi

        Sang đất Cầu Kè, một mặt chúng tôi cho bộ đội khẩn trương ổn định tổ chức, đội hình đóng quân; mặt khác nhanh chóng triển khai kế hoạch tác chiến của mặt trận. Trong cao điểm 1 của đông - xuân 1974 - 1975, trung đoàn được Bộ chỉ huy mặt trận Vĩnh Trà giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Trung đoàn 3 và các lực lượng vũ trang tại chỗ tiến công các chi khu, phân chi khu và hệ thống đồn bốt địch ở các huyện Cầu kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh; sau đó chuyển hướng về giải phóng nông thôn Vĩnh Long, vây ép địch vào các chi khu, cắt lộ 4.

        Sau khi chỉ đạo các đơn vị ổn định đội hình trú quân, xác định địa bàn tác chiến và nhận nhiệm vụ do anh Ba Trung giao, Ban chỉ huy trung đoàn quyết định sử dụng Tiểu đoàn 307 tiến công phân chi khu Tam Ngãi, phía tây chi khu Cầu Kè.

        Trong buổi gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho anh Ba Nhàn - Tiểu đoàn trưởng và anh Sáu Bé - Chính trị viên tiểu đoàn, tôi nhấn mạnh: Toàn trung đoàn vừa sang chiến trường mới; địch tình, đặc điểm chiến trường còn là ẩn số; nhưng không vì thế mà không đảm bao thắng lợi trong trận mở màn đợt hoạt động đông - xuân 1974 - 1975. Thắng hay bại trong trận mở màn của tiểu đoàn có ý nghĩa lớn đối với đợt hoạt động này của trung đoàn và quân khu. Để đảm bảo chắc thắng, phải trinh sát nắm địch thật chắc; phải đánh nhanh, gọn, dứt điểm. Tôi cũng lưu ý các anh ở Tiểu đoàn 307 rằng chi khu Tam Ngãi và đồn Bà My gần đó là những căn cứ khá rắn của địch; trước đây Trung đoàn 3 và lực lượng địa phương đã nhiều lần đánh, nhưng chưa dứt điểm được.

        Anh Ba Nhàn và anh Sáu Bé rất tự tin, hứa với chỉ huy trung đoàn rằng sẽ giải quyết dứt điểm Tam Ngãi, Bà My, chấm dứt cái tiền lệ là “Việt cộng bất khả xâm phạm” hai căn cứ này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 04:41:38 am »


        Thời gian không chờ đợi, phải triệt để lợi dụng yếu tố bất ngờ - địch chưa biết Trung đoàn 1 U Minh sang Trà Vinh, sau khi quán triệt nhiệm vụ, tôi cùng cán bộ Tiểu đoàn 307 đi trinh sát nắm địch. Địch ở Tam Ngãi có một đại đội bảo an, một trung đội pháo binh gồm hai khẩu 105ly; bộ máy hành chính cảnh sát xã, phân chi khu Tam Ngãi đóng ven rạch Bà My; con rạch này chạy sâu vào vùng căn cứ của Trung đoàn 3.

        Phán đoán nếu chúng tôi tiến công Tam Ngãi, chắc chắn địch sẽ cho quân từ Trà Vinh xuống ứng cứu, nên chúng tôi mạnh dạn trao đổi cùng anh Ba Trung về phương án chặn viện. Rất thú vị là anh Ba Trung cũng nghĩ tới điều đó và Ban chỉ huy mặt trận quyết định sử dụng Trung đoàn 3 chặn viện.

        Phương án của chúng tôi là tập kích tiêu diệt chi khu Tam Ngãi vào ban ngày, bằng chiến thuật kỳ tập được anh Ba Trung nhất trí.

        Chừng bốn giờ chiều ngày 3 tháng 12 năm 1974, Tiểu đoàn 307 nổ súng, tiến công tiêu diệt phân chi khu Tam Ngãi và tập kích đồn Bà My. Địch ở đây chưa bị đánh vào ban ngày, nên khi chúng tôi chọn thời điểm tập kích vào gần cuối buổi chiều, địch càng bí bất ngờ. Mặc dù địch tập trung binh lực chống cự quyết liệt, nhưng sau hơn 30 phút tập kích mãnh liệt, dồn dập, Tiểu đoàn 307 đã giải quyết cơ bản mục tiêu Tam Ngãi, bức rút đồn Bà My. Hàng trăm đồng bào Khme được cấp ủy, chính quyền địa phương phát động đã kịp thời nổi dậy vây đồn, phá ấp chiến lược. Hàng chục lính bảo an bị diệt, hoặc bị thương; ta thu toàn bộ vũ khí. Đêm hôm đó, Trung đoàn 3 bí mật phục kích hai bên đồng lúa đoạn từ lộ Tiểu Cần đi Cầu Kè. Sáng hôm sau, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3 với chiến thuật “độn thổ”, giữa đồng lúa và ém quân trong ấp chiến lược bất ngờ, kịp thời thực hành trận phục kích chặn viện đạt hiệu quả cao, diệt gọn Tiểu đoàn 404 bảo an từ Trà Vinh lên chi viện, đốt cháy và phá hủy 15 xe GMC, diệt và bắt 300 tên, thu trên 150 khẩu súng.

        Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 mở màn đợt hoạt động đông - xuân 1974-1975 bằng trận tập kích địch giữa ban ngày thắng lợi giòn giã, đạt hiệu suất cao, gây tiếng vang lớn. Nhận được điện biểu dương, động viên của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, chúng tôi vô cùng phấn khởi, củng cố thêm quyết tâm giành thắng lợi lởn hơn ở cao điểm 2 sắp tới.

        Việc ta tiêu diệt phân chi khu Tam Ngãi, bức rút đồn Bà My, tổ chức đánh chặn viện thành công, đặt chi khu Cầu Kè trước tình thế vô cùng nguy ngập. Vì vậy, địch điều ngay Chiến đoàn 7 và một chi đoàn thiết giáp tăng cường cho Cầu Kè. Đồng thời, tư lệnh Quân đoàn 4 ngụy và tiểu khu trưởng Vĩnh Bình, Ban chỉ huy Chiến đoàn 7 đã hộc tốc đến Cầu Kè bày mưu tính kế đối phó với đòn tiến công của ta. Nhưng mọi mưu kế của địch lúc này không thể nào cản nổi thế tiến công của ta trên khắp chiến trường. Đúng kế hoạch, đêm 5 rạng ngày 6 tháng 12, chúng tôi sử dụng toàn bộ lực lượng của trung đoàn tiến công đồng loạt hệ thống đồn bốt của địch thuộc chi khu Trà Cú. Tiểu đoàn 309 diệt phân chi khu Tập Sơn. Tiểu đoàn đặc công 2012 diệt phân chi khu An Quảng Hữu ở bắc và tây bắc Trà Cú. Sau khi giải quyết xong mục tiêu, các đơn vị trụ lại, cùng lực lượng nổi dậy của địa phương quét sạch các đồn bốt vệ tinh còn lại.

        Chỉ với cao điểm 1, gần nửa đầu tháng 12 năm 1974, được sự phối hợp của lực lượng tại chỗ và quần chúng địa phương, Trung đoàn 1 đã diệt và bắt trên hai trăm tên địch; diệt và bức rút 27 vị trí, trong đó có 19 đồn, 3 phân chi khu; giải phóng hoàn toàn ba xã: Tập Sơn, An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, gồm 19 ấp, giành lại hàng chục nghìn dân. Đòn tiến công mở màn của Trung đoàn 1 U Minh đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang Trà Vinh đẩy mạnh tiến công mở mảng, mở rộng vùng giải phóng ở các huyện Cầu Ngang, Châu Thành.

        Tháng 1 năm 1975 là cao điểm 2 của đợt 1 chiến dịch mùa khô. Theo chỉ đạo của anh Ba Trung - Chỉ huy trưởng Mặt trận Vĩnh Trà, trung đoàn chúng tôi rời địa bàn Trà Cú chuyển xuống mở vùng ở ba huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Tiểu Cầu. Trong cao điểm 2, trung đoàn đã cùng lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy nhổ gần 130 đồn lớn nhỏ, trong đó có các phân chi khu thuộc loại rắn như: Ngũ Lạc, Long Toàn, Long Vĩnh, Long Khánh… (huyện Duyên Hải). Thời gian này, có nhiều trận đánh của trung đoàn gây ấn tượng mạnh, khó phai mờ trong ký ức tôi. Ví như các trận diệt các phân chi khu Đôn Châu, Đại An, Ngũ Lạc. Đây là những phân chi khu nằm trên trục đường từ Long Hữu đi Đại An.

        Phân chi khu Đôn Châu cách huyện lỵ Trà Cú hơn mười cây số về phía đông nam. Địa hình xung quanh Đôn Châu là ruộng lúa; lại vào dịp bà con vừa gặt lúa xong, nên vô cùng trống trải. Lực lượng địch ở đây có một đại đội bảo an, hai trung đội dân vệ, một chi đội cảnh sát và hội đồng xã Đôn Châu. Ngoài ra, khi Đôn Châu bị tiến công thì Tiểu đoàn 522 bảo an gần đó có thể ứng cứu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 04:44:21 am »


        Với địch tình và địa hình ở Đôn Châu như vậy, chúng tôi quyết định áp dụng chiến thuật cường tập, đánh ban ngày. Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn đặc công 2012, một bộ phận của Tiểu đoàn 309 và lực lượng hỏa lực của trung đoàn được huy động để giải quyết dứt điểm phân chi khu Đôn Châu và Tiểu đoàn bảo an 522. Đặc biệt trong trận này tôi cho sử dụng cối 120ly vừa được trang bị để diệt căn cứ địch.

        Chiều ngày 20 tháng 1 năm 1975, trước khi tôi ra lệnh nổ súng thì có tin báo Tiểu đoàn 522 bảo an vừa kéo về Đôn Châu. Quả là một tình huống không lường trước. Nhớ lại lần đánh đồn địch gần đình An Lạc Thôn ở Kế Sách, Cần Thơ, chúng tôi cũng gặp trường hợp như thế này, mà vẫn giải quyết được mục tiêu.

        Trước tình huống địch ở Đôn Châu tăng lên một tiểu đoàn bảo an, tôi cho hội ý Đảng ủy và Ban chỉ huy trung đoàn xác định lại quyết tâm. Cũng có anh em nêu ý kiến nên lùi trận đánh, chuẩn bị lại. Sau khi trao đổi chớp nhoáng với anh Bảy Sa và anh Ba Chơi, tôi quyết định đánh như phương án đã thống nhất, không lùi thời gian, tôi cũng phân tích để các đồng chí còn băn khoăn thấy được rằng thế và lực của địch lúc này không như thời điểm đầu năm 1973. Ngay ở Trà Vinh, chỉ trong vòng nửa tháng, đã có tới trên một trăm căn cứ, đồn bốt bị san phẳng. Tinh thần địch đã rệu rã, hoang mang. Ta ra đòn lúc này không chỉ thắng mà còn thắng to, không chỉ diệt phân chi khu Đôn Châu mà vô hình chung, Tiểu đoàn bao an 522 cũng chui đầu vào thòng lọng ta căng sẵn. Anh em không ai có ý kiến gì thêm. Vào khoảng ba giờ chiều ngày 20 tháng 1 năm 1975, tôi phát lệnh nổ súng tiến công phân chi khu Đôn Châu. Tôi không ngờ mấy khẩu cối 120ly phát huy hiệu lực tốt như vậy. Sau khi tôi cho bắn hơn chục quả cối, pháo 120ly, địch ở Đôn Châu kinh hoàng, kêu la inh ỏi, bỏ chạy tán loạn. Kết hợp hỏa lực và xung lực, sau hơn một giờ chiến đấu, chúng tôi làm chủ hoàn toàn phân chi khu Đôn Châu; diệt gọn Tiểu đoàn bảo an 522, hội đồng xã Đôn Châu và lực lượng địch ở phân chi khu trọng yếu này. Với thắng lợi này, trung đoàn đã loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận quan trọng sinh lực của địch ở tiểu khu Trà Vinh; thối động mạnh tinh thần ngụy quân, ngụy quyền trong vùng, tạo thuận lợi cho lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch và quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ, giải phóng quê hương.

        Sau trận tiêu diệt phân chi khu Đôn Châu thì trận đánh phân chi khu Đại An cũng là một kỷ niệm đẹp của tôi trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh.

        Đại An là một căn cứ khá rắn của địch. Trước đây, Trung đoàn 3 đã nhiều lần đánh nhưng chưa dứt điểm được. Lực lượng của địch ở đây có trên một đại đội bảo an, do tên thiếu tá ác ôn tổng Tép (người Khme) chỉ huy. Tồng Tép và tay chân của hắn từng tác oai, tác quái ở đây trong một thời gian dài. Cũng vì ta nhiều lần đánh mà không dứt điểm được căn cứ địch, nên tổng Tép phao tin nó có bùa, súng bắn không chết. Có một số bà con mình tin điều đó.

        Với quyết tâm diệt bằng được phân chi khu Đại An, dẹp luôn lời đồn đại về phép thần bùa chú của tổng Tép, tôi cùng cán bộ Tiểu đoàn 303 đi trinh sát thực địa, nắm chắc địch tình, địa hình; sau đó chỉ đạo tiểu đoàn chuẩn bị xây dựng quyết tâm, chọn phương án tối ưu. Thời gian nổ súng được quyết định vào 5 giờ sáng. Trận đánh diễn ra đúng kế hoạch. Tiểu đoàn 303 diệt nhanh, gọn mục tiêu, làm chủ hoàn toàn phân chi khu Đại An trong chừng 30 phút. Tổng Tép bị diệt tại trận. Quân giải phóng đã làm chủ phân chi khu mấy ngày. Tổng Tép đã thành “ma” mà một số bà con nhân dân trong vùng vẫn không tin, cho rằng hắn đã “cao chạy xa bay”.

        Tròn hai tháng sang đất Vĩnh Trà, với đợt 1 của chiến dịch xuân - hè, Trung đoàn 1 U Minh cùng với Trung đoàn 3 và lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương giành được thắng lợi rất quan trọng, diệt và làm tan rã trên 10.000 tên địch, tiêu diệt 5 tiểu đoàn, làm rã 4 tiểu đoàn khác, thu hàng nghìn súng, trong đó có hai khẩu 105ly, gỡ trên 400 đồn bốt, phân chi khu, chi khu; giải phóng cơ bản địa bàn Trà Vinh tù huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, lên vùng trung tâm Càng Long, Cầu Kè, Trà Cú, nam - bắc sông Măng Thít. Đòn mở đầu chiến dịch mùa khô 1974-1975 của Quân khu 9 trên chiến trường Vĩnh Trà là đòn cộng hưởng tạo nên màn dạo đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trên khắp miền Nam.

        Nói về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 - là nói tới chủ trương, nhiệm vụ trên phổ biến ở giai đoạn sau, và những gì sau này chúng tôi ý thức được, còn lúc đó, cho dù đã sang tháng 2 năm 1975, Trung đoàn 1 U Minh chỉ biết có đánh địch - đánh để mở vùng, mở mảng. Mặc dù lúc đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng tư lệnh đã có kế hoạch chiến lược, kế hoạch thời cơ giải phóng miền Nam. Thậm chí, lúc này, đòn “trinh sát chiến lược” - chiến dịch Phước Long của ta đã kết thúc thắng lợi…, chúng tôi vẫn chưa hay biết gì.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 04:46:50 am »


        Sau này, không dưới hai lần tôi thổ lộ điều băn khoăn này với các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu – anh Phạm Ngọc Hưng và anh Ba Trung; anh Ba chỉ nói: Vào thời điểm đó, ngoài kế hoạch đánh địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế tạo lực, Quân khu nhận được lệnh đánh cắt lộ 4, cắt tuyến giao thông chiến lược của địch từ Sài Gòn về Cần Thơ và cũng chỉ có vậy.

        Đầu tháng 2 năm 1975, tôi dự hội nghị sơ kết đợt 1 trên chiến trường Vĩnh Trà, do Ban chỉ huy mặt trận - Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu chủ trì. Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu quyết định tiến hành đợt 2. Theo đó, trung đoàn chúng tôi và Trung đoàn 3 là chủ lực tiến công tiểu khu Vĩnh Long, trọng điểm đánh địch, mở vùng nam - bắc sông Măng Thít đến bắc lộ 4 ra sát thị xã Vĩnh Long và sông Hậu. Cũng tại hội nghị này, tôi được anh Ba Trung dự báo chuẩn bị đưa trung đoàn lên Vĩnh Long. Đến trung tuần tháng 2, chúng tôi chính thức nhận lệnh đưa trung đoàn lên Vĩnh Long để chuẩn bị cho bước 2 của chiến dịch.

        Bước sang đợt 2, vào trung tuần tháng 3, Trung đoàn 1 U Minh phối hợp với Trung đoàn 3 lần lượt diệt các yếu khu Thuận Thới (Cống Đá), đồn Cầu Sắt. Sau đó, chúng tôi được lệnh để một bộ phận ở lại vây ép chi khu Vĩnh Xuân, còn đại bộ phận nhanh chóng cơ động lên huyện Tam Bình, thực hiện kế hoạch giải phóng tuyến sông Măng Thít. Cuối tháng 3, Trung đoàn 1 lần lượt diệt phân chi khu Ba Kè, giải phóng xã Hậu Lộc và một quãng sông Măng Thít dài trên bốn cây số.

        Niềm vui chiến thắng của riêng mình như được nhân thêm bội phần, bởi lúc này, tin chúng ta đại thắng trong chiến dịch Tây Nguyên, quân địch bỏ cao nguyên tháo chạy; tiếp đó ta mở chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch Đà Nẵng; địch ở Vùng 1 chiến thuật, thành phố Huế, Đà Nẵng thất thủ… liên tiếp truyền về làm nức lòng quân dân miền Tây. Thế chiến lược của địch đã hoàn toàn bị đảo lộn, địch đứng bên bờ vực.

        Trên đà thắng lợi đợt 1, lại được thắng lợi trên khắp chiến trường cổ vũ, sau khi nhận được lệnh của trên, trung tuần tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu ở Vĩnh Trà phát động cao trào Tổng tiến công và nổi dậy, hiệp đồng chặt chẽ với chiến trường chính giải phóng quê hương. Nhiệm vụ lúc này của chủ lực Quân khu 9 là:

        - Tập trung lực lượng tiến công địch, cắt lộ 4 từ Cần Thơ, Vĩnh Long. Đây là địa bàn của Quân khu 8 trong kháng chiến chống Mỹ. Đánh chiếm và làm chủ phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ, không cho địch cơ động lực lượng về ứng cứu Sài Gòn và rút lực lượng từ miền Đông về co cụm ở Vùng 4 chiến thuật.

        - Bao vây tiến công, khống chế các sân bay Trà Nóc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật và các sư đoàn địch; khống chế, cắt đứt đường không, không cho địch sử dụng máy bay cơ động lực lượng về chi viện cho Sài Gòn.

        - Chủ động nắm thời cơ, hiệp đồng chặt chẽ với các chiến trường. Khi ta tổng tiến công vào Sài Gòn, thì trên chiến trường miền Tây, từng địa phương đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy đánh chiếm thị xã, thành phố, sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ, với tinh thần “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.

        Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu được thông báo: Ngày “N” là ngày 12 tháng 4, chủ lực quân khu ở Vĩnh Trà phải đánh cắt lộ 4, đánh chiếm phà Mỹ Thuận và phà Cần Thơ, bao vây sở chỉ huy Vùng 4 chiến thuật ở Cần Thơ…

        Nhận lệnh trên, ngày 8 tháng 4, anh Ba Trung cho gọi Ban chỉ huy trung đoàn về Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu giao nhiệm vụ cụ thể: Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 là lực lượng chủ công đánh chiếm yếu khu Ba Càng và chi khu Bình Minh, cắt đứt và làm chủ lộ 4, sau đó phát triển tiến công giải phóng thị xã Vĩnh Long…

        Thời cơ lịch sử nghìn năm có một đang đến. Niềm vui ngập tràn trên từng khuôn mặt, ánh mắt của anh em, đồng đội về dự họp nhận nhiệm vụ hôm đó. Những cái bắt tay chắc nịch trước lúc chia tay như thầm nói với nhau đây là trận cuối cùng, phải chiến thắng.

        Thời gian trôi rất lẹ, đúng là “một ngày bằng hai mươi năm”. Tất cả bị cuốn vào bộn bề công việc.

        Đêm 11 rạng ngày 12 tháng 4 - đúng ngày “N” theo lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu, tôi phát lệnh nổ súng đánh chiếm yếu khu Ba Càng. Về sau mới biết, trên đã quyết định lùi thời gian nổ súng, nhưng Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu chưa nhận được. Vì vậy, trung đoàn vẫn nổ súng theo kế hoạch.

        Yếu khu Ba Càng nằm trên lộ 4, là một căn cứ rất rắn của địch. Do trinh sát thực địa không kỹ, không nắm chắc địch; đặc biệt do tư tưởng chủ quan cho rằng quân địch đã hoang mang, rệu rã, Tiểu đoàn 307 (lực lượng chủ công đánh Ba Càng) đã không dự kiến hết tình hình; Ban chỉ huy trung đoàn quá tin vào báo cáo của đơn vị, thiếu kiểm tra, chỉ đạo cụ thể, nên trận đánh không thành công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 04:50:46 am »


        Đêm 11 rạng ngày 12, Tiểu đoàn 307 và lực lượng phối thuộc thực hành đánh chiếm chi khu Ba Càng nhiều đợt, nhưng không dứt điểm được; phải lùi ra; tổ chức vây hãm, chuẩn bị lực lượng, hỏa lực để đánh tiếp. Nhưng ngày 12 tháng 4, địch lập tức điều Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 16 Sư đoàn 9 và một chi đoàn xe bọc thép từ thị xã Vĩnh Long xuống giải tỏa cho chi khu Ba Càng. Một trận quyết chiến đã xảy ra giữa Tiểu đoàn 307 và lực lượng giải tỏa của địch. Tiểu đoàn 307 bị thương vong trên ba chục đồng chí. Cũng do địch sử dụng hỏa lực quá rát nên tiểu đoàn đã không lấy được thi thể của anh em. Thâm hiểm hơn, biết bộ đội mình bằng mọi giá phải lấy được thi thể đồng đội, kẻ địch đã cho cài mìn dưới xác anh em. Lúc đầu vì mất cảnh giác, một số anh em mình thương vong thêm khi vào lấy xác đồng đội. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trôi qua. Cái nắng đầu hè dữ dằn, làm cho thi thể của anh em chóng phân hủy, hôi thối cả một vùng.

        Là người đứng đầu trung đoàn, có trách nhiệm cao nhất trước trận đánh, trước sự mất mát của đồng đội, hơn ai hết, tôi thấu biết trách nhiệm của mình. Thương anh em, không cầm nổi lòng. Thấy tôi ngồi cạnh đống rơm mắt mọng nước, đồng chí bảo vệ đã động viên an ủi. Tôi thầm cảm ơn em vì sự sẻ chia đó. Tôi khóc, và nước mắt ở đây không nói lên sự yếu mềm, mà là xúc cảm, xuất phát từ sâu thẳm nghĩa tình đồng đội, đồng chí. Sau đó, tôi chỉ thị cho Nguyễn Quốc Trung - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 bằng mọi cách lấy bằng được thi thể của anh em. Phải mấy ngày sau, lợi dụng đêm tối, anh em mình bí mật tiếp cận, gỡ mìn, đưa tải, tăng ni lông vào gói và kéo mới đưa thêm được mấy thi thể ra. Số còn lại hơn hai chục thi thể anh em, chúng tôi buộc phải liên hệ với cơ sở, đoàn thể phụ nữ địa phương đấu tranh lấy ra sau. Sau này nghĩ lại, chỉ còn hơn nửa tháng là tới ngày toàn thắng mà để tổn thất như trận Ba Càng là bài học thấm thía, rất đau lòng.

        Bất ngờ bị ta tiến công hàng chục đồn bốt nằm trên lộ 4, rồi sở chỉ huy Vùng 4, sân bay Lộ Tẻ, trung tâm huấn luyện Cái Vồn bị pháo kích dữ dội và bị bao vây, ngày 13 tháng 4, tướng Nguyễn Khoa Nam - tư lệnh Vùng 4 chiến thuật hô hào đốc thúc binh lính tử thủ, giải vây. Nguyễn Khoa Nam còn trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 31 Sư đoàn 21 ngụy tử Cần Thơ đổ quân xuống ngã tư Giáo Mẹo, Ngãi Tứ sục tìm trận địa pháo của ta; đồng thời cho một lực lượng của Sư đoàn 9 cùng hai tiểu đoàn bảo an, Trung đoàn 2 thiết giáp từ Vĩnh Long theo lộ 4 đánh xuống Bình Minh, Ngãi Tứ, hòng đẩy lực lượng của ta ra. Địch còn tập trung phản lực, trực thăng bắn phá trận địa ta. Mặc dù nổ súng sớm, đòn tiến công của Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 ở Vĩnh Trà trở nên cô độc, bị địch tập trung phản kích dữ dội, nhưng ngay đòn tiến công trong ba ngày đầu, hai trung đoàn cũng đã gây cho địch nhiều thiệt hại và hoảng loạn. Đến ngày 15 tháng 4, chúng tôi nhận lệnh từ anh Ba Trung, tạm ngừng tiến công; chuyển sang bao vây các căn cứ địch dọc theo lộ 4 từ Ba Càng về Bình Minh và đảm trách toàn bộ địa bàn từ Trà Vinh đến bến phà Mỹ Thuận, cặp sông Tiền. Lúc này, tôi bố trí Tiểu đoàn 303 đứng cạnh trung đoàn bộ, sẵn sàng triển khai các phương án đánh địch khi cần; còn Tiểu đoàn 307 và Tiểu đoàn 309 tập trung đánh trả các cuộc phản kích của Sư đoàn 21 ngụy.

        Cả trung đoàn đang tập trung chặn cắt, khống chế lộ 4, sẵn sàng tiến công giải phóng Vĩnh Long…, tôi nhận điện của anh Ba Trung báo lên gấp Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu nhận nhiệm vụ mới. Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu lúc đó đóng gần sông Măng Thít. Trước khi đi, tôi chỉ thị cho đại đội trinh sát kiểm tra trục lộ từ Sở chỉ huy trung đoàn lên chỗ anh Ba Trung, thì được báo cáo không có địch. Nhưng thực tế luôn có một tiểu đoàn bao an. do một tên tiểu đoàn trưởng người Khme khét tiếng ác ôn, chỉ huy mật phục ở Ngãi Tứ.

        Sáng hôm đó (ước chừng ngày 18 - 20 tháng 4), tôi cùng anh Bảy Sa và gần chục anh em trợ lý cơ quan trung đoàn bí mật cuốc bộ lên Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu. Vừa đi được ba cây số đến Ngãi Tứ thì cả đoàn lọt vào ổ phục kích của địch. Từ những lùm cây rậm rạp cặp trục lộ, gần trăm tên địch bất thần xông ra vừa bắn vừa đuổi theo chúng tôi. Anh Bảy Sa cùng mấy anh em chạy về một hướng; còn tôi và mấy cậu nữa chạy ngược trở lại Sở chỉ huy trung đoàn. Tôi cố dồn hết sức để chạy, hy vọng thoát lúc đó là rất mong manh. Trong tiếng súng nổ chát chúa, đạn chíu chíu bên tai, tôi nghe rất rõ địch hò hét náo loạn cả lên: bắt sống Ba Trà, lần này quyết bắt sống bằng được Ba Trà, Ba Trà đừng hòng chạy thoát… Thế mới biết địch nắm chắc hoạt động của chúng tôi và đã kỳ công mật phục ở Ngãi Tứ từ lâu. Cũng may là chúng chủ động mật phục, quyết bắt sống. Khi chúng tôi phát hiện được địch, nhanh chóng chạy thoát thân thì chúng vừa đuổi vừa bắn, nên không chính xác; nếu chúng chủ định tiêu diệt, nằm yên, ngắm kỹ càng rồi hàng vài chục họng súng tập trung vào tôi mà nhả đạn thì phúc của tôi có to bằng trái núi cũng khó lòng thoát chết, nếu không cũng bị thương, và khi đó chúng chụp bắt rất dễ dàng. Lúc này thì dáng dấp nhỏ gọn của tôi vô cùng lợi hại. Cố sống cố chết, chạy về cách Sở chỉ huy chừng hơn trăm mét, biết anh em đang sẵn sàng đánh trả, giải thoát cho mình, tôi làm động tác lăn xuống đất. Chỉ chờ có vậy, hàng chục nòng súng của anh em ta lập tức rung lên. Đám lính địch bị chặn lại, mấy tên trúng đạn. Số còn lại quay đầu tháo chạy. Lúc này kẻ như ma đuổi là địch chứ không phải tôi. Anh em trong cơ quan chạy ào ra, đỡ tôi dậy; sờ nắn khắp người thấy còn lành lặn, ai cũng lắc đầu lè lưỡi: Thật không tin nổi. Cánh anh Bảy Sa cũng nhanh chân chạy thoát, không anh nào sây sát gì. Cho mãi đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao có thể qua được cơn hiểm nghèo đó. Tôi vẫn cứ nghĩ trong trường hợp đó không chết mới là chuyện lạ. Thoát chết trong tình huống hết sức hiểm nghèo cách ngày toàn thắng chỉ hơn chục ngày lại càng có cớ để tôi nghĩ về sự sống và cái chết trong chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:19:14 am »


        Thời điểm này chiến sự trên chiến trường miền Nam diễn biến hết sức mau lẹ. Tin chiến thắng ở Khu 5, miền Đông Nam Bộ liên tục truyền về: đại quân ta đã tiến công thần tốc, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung; Quân đoàn 4 hất địch khỏi Xuân Lộc, phá bung “cánh cửa sắt” bảo vệ Sài Gòn trên hướng bắc - đông bắc; rồi Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 áp sát Sài Gòn từ hướng bắc, tây bắc; Quân đoàn 2 đã làm chủ mạn Bà Rịa, Đồng Nai, hướng đông nam. Đoàn 232 của anh Sáu Nam từ miệt Long An đang tiến về Sài Gòn từ hướng tây nam, hình thành thế hợp vây dinh lũy cuối cùng của Mỹ - ngụy từ các hướng. Sài Gòn đang cơn hấp hối.

        Tin thắng lợi trên khắp chiến trường truyền về làm anh em chúng tôi sung sướng, rạo rực. Ai cũng nóng lòng được chiến đấu, được tham gia trận đánh cuối cùng, góp phần giải phóng hoàn toàn quê hương yêu dấu.

        Trong khi diễn biến chiến sự trên chiến trường phát triển như vũ bão, thì anh Ba Trung cho biết mãi tới ngày 25 tháng 4, Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu ở Vĩnh Trà mới nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Miền và quân khu thông báo: Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh. Vĩnh Trà và các tỉnh tích cực phối hợp cắt lộ 4, khống chế các sân bay, không cho lực lượng của địch ở Vùng 4 chiến thuật kéo về ứng cứu Sài Gòn; đồng thời không cho địch từ Sài Gòn co cụm về đồng bằng sông Cửu Long; nắm thời cơ, tiến hành tổng tiến công và nổi dậy giải phóng địa bàn.

        Mệnh lệnh của trên được phổ biến ngay lập tức tới các đơn vị.

        Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong các ngày 28, 29 tháng 4, Trung đoàn 1 đã cùng Trung đoàn 3 và lực lượng vũ trang Vĩnh Trà liên tục tiến công Sư đoàn 9 và một bộ phận Sư đoàn 7 ngụy rút về co cụm ở đây. Trong cơn giãy chết, kẻ địch chống cự quyết liệt; đặc biệt là những trận đánh dọc lộ 4. Ta đã diệt và bắt hàng trăm tên địch; bắn cháy và phá hủy hàng chục xe M.113. Đến chiều ngày 29, sáng ngày 30 tháng 4, các đơn vị đã làm chủ hoàn toàn lộ 4, quãng từ bến phà Mỹ Thuận đến bến phà Cần Thơ.

        Lực lượng mỏng, đạn dược thiếu, lại phải căng mình ra đảm trách nhiều mũi, nhiều hướng; nhưng vào thời điểm “thăng hoa” của cuộc chiến, sức mạnh con người như được nhân lên gấp nhiều lần. Đồng thời với việc hợp sức cùng đơn vị bạn tiến công địch, cắt lộ 4, chúng tôi sử dụng một lực lượng của trung đoàn đánh chiếm hậu cứ Trung đoàn 16 Sư đoàn 9 ngụy ở đông nam thị xã Vĩnh Long, góp phần giải phóng thị xã Vĩnh Long.

        Trong khi tập trung lực lượng cho hưởng lộ 4, Vĩnh Long, thực hiện lệnh của trên, ngày 27 tháng 4 tôi giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 303, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Quốc Trung nhanh chóng vượt sông Hậu sang tham gia giải phóng Cần Thơ.

        Đêm 28 tháng 4, Tiểu đoàn 303 bí mật vượt sông Hậu, qua đất huyện Châu Thành B, sáng ngày 30 vượt sông Cần Thơ, tiến công địch trong thành phố đánh chiếm một vệt từ Cái Răng vào khu vực đài phát thanh, sau đó phát triển vào trung tâm thành phố, tham gia đánh chiếm dinh tỉnh trưởng Cần Thơ.

        Trở lại thị xã Vĩnh Long - địa bàn tác chiến chính của trung đoàn, trong khi, Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sải Gòn tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn vào trưa ngày 30 tháng 4; tướng Nguyễn Khoa Nam - tư lệnh Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4 ngụy chấp nhận đầu hàng Quân giải phóng vào hồi 14 giờ ngày 30 tháng 4, thì tại Vĩnh Long, địch vẫn ngoan cố chống cự; buộc chúng tôi vừa đánh, vừa tích cực gọi hàng; nhằm hạn chế tối đa đổ máu trước giờ toàn thắng, không chỉ với cán bộ, chiến sĩ của mình mà kẻ thù cũng vậy.

        Xế chiều ngày 30 tháng 4 sau khi bộ phận trinh sát kỹ thuật của Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu bắt được sóng đài của địch. anh Ba Trung đã sử dụng điện đài tuyên bố với viên tỉnh trưởng Vĩnh Long rằng tính mạng của y đã nằm trong tay Quân giải phóng. Nếu đầu hàng, cách mạng sẽ khoan hồng, tha thứ lỗi lầm trước đây; tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình, vợ con được bảo toàn; bằng không, y sẽ phải đền tội và vợ con, gia đình… cũng khó bề bao toàn tính mạng, mặc dù cách mạng không muốn điều đó.

        Sau 30 phút suy tính, vào lúc 17 giờ ngày 30 tháng 4, tỉnh trưởng Vĩnh Long chấp nhận đầu hàng và xin anh Ba Trung giữ lời hứa bảo toàn tính mạng. Tỉnh trưởng Vĩnh Long đã lệnh cho các đơn vị thuộc quyền và lực lượng còn lại của Sư đoàn 9 hạ súng, đầu hàng Quân giải phóng. Trước đó, quân địch đã lẻ tẻ lén lút trút sắc phục nhà binh, gặp chúng tôi xin đầu hàng.

        Tối ngày 30 tháng 4, cùng Trung đoàn 3 và lực lượng vũ trang Vĩnh Long, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 U Minh hùng dũng tiến vào trung tâm thị xã Vĩnh Long, tiếp nhận sự đầu hàng của địch. Bà con cô bác trong thị xã nồng nhiệt đón chào Quân giải phóng; nồng nhiệt hoan hô cách mạng và Bác Hồ. Trong ánh chiều chạng vạng, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam - lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh được kéo lên, tung bay ngạo nghễ ở dinh tỉnh trưởng. Trong ánh đèn, tôi vẫn thấy lá cờ hắt lên một vầng hào quang chói lọi, cờ đón gió sông Tiền phần phật tung bay. Bao nhiêu cảm giác ùa về choán ngự lòng tôi: sung sướng, xúc động dâng trào; tự hào là người lính đi tới đích chiến thắng cuối cùng, và bồi hồi nhớ về những đồng chí, đồng đội, bà con cô bác đã ngã xuống để có được chiến thắng trọn vẹn, có được ngày vui đại thắng. Màn đêm đang dần buông xuống mà từ lòng mình tôi như thấy bắt đầu một ngày vui, một ngày mới với ánh dương chói lọi, huy hoàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:21:39 am »

   
*

*      *

        Vậy là để đi tới ngày đứng ở dinh tỉnh trưởng Vĩnh Long, xúc động dâng trào ngắm lá cờ giải phóng đón giỏ sông Tiền tung bay ngạo nghễ, tôi đã trải qua hơn mười năm sống và chiến đấu trên chiến trường miền Tây; hơn mười năm là người con của Cần Thơ, Vĩnh Trà, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đất mũi. Ở đó, được bà con, cô bác cưu mang, nuôi dưỡng; được cấp trên kèm cặp, giúp đỡ, anh em đồng chí đồng cam cộng khổ bên nhau chiến đấu…, nên tôi đã trưởng thành, từ tiểu đoàn phó bộ đội địa phương lên tiểu đoàn trưởng, trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh - Trung đoàn chủ lực nổi tiếng anh hùng của miền Tây.

        Là người con của đất Kinh Bắc, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Cầu, được nuôi dưỡng bằng những hạt thóc, củ khoai, nhọc nhằn một nắng hai sương, bởi nghĩa mẹ, công cha và những làn điệu dân ca quan họ mượt mà say đắm; bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, theo tiếng gọi của Đảng, tôi đã sớm có mặt ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, cùng đồng chí, đồng đội và bà con nơi đây đánh Mỹ và bè lũ tay sai. Xuống miền Tây, tôi đã sớm hòa nhập với đất trời, sông nước, phong tục tập quán địa phương và cuộc chiến đấu rất đỗi hào hùng của đồng bào, đồng chí nơi đây; hay nói đúng hơn, đất và người miền Tây đã rộng lòng ôm ấp, chở che, nuôi dưỡng tôi. Ở đồng bằng sông Cửu Long đất đai màu mỡ, ruộng vườn trù phú; đặc biệt với “Cần Thơ gạo trắng nước trong”, nhưng chiến tranh ác liệt, đã bao lần bị kẻ thù vây ráp; khi đó, bộ đội chúng tôi sống và duy trì sức chiến đấu được là nhờ những bơ gạo, mớ rau, viên thuốc… của những gia đình, những bà mẹ nghèo ở bất cứ nơi nào bộ đội đứng chân.

        Sống trong sự o ép kìm kẹp gắt gao của kẻ địch, nhưng lòng dân luôn hướng về cách mạng. Không chỉ nuôi dưỡng, chở che; nhân dân còn là tai, mắt của bộ đội: chỉ giúp chúng tôi nơi quân địch ẩn náu, báo trước cho bộ đội biết kẻ địch mật phục hay ruồng càn. Lòng dân còn bao dung, che giấu bộ đội khi lâm nạn, bị thương… thoát khỏi sự truy đuổi, lùng sục của kẻ địch mà không hề sợ liên lụy, nguy hiểm đến bản thân mình. Hơn ai hết, bản thân tôi là minh chứng sống động của sự chở che cao quý đó. Không có sự bao dung, chở che khôn khéo của người phụ nữ và con trai của chị trong lần tôi bị thương nặng khi đánh Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 31 Sư đoàn 21 ngụy ở Long Mỹ, thì mạng sống của tôi liệu còn mấy phần trăm?

        Tình cảm, nghĩa tình và cao hơn hết là sứ mệnh, trách nhiệm của người dân đối với cách mạng, đối với Bộ đội Cụ Hồ thật bao la rộng lớn, luôn đầy ắp như nước sông Tiền, sông Hậu. Những lão nông miệt vườn, những ba má miền Tây chân chất, hiền lành như hạt thóc, cọng lục bình, nhưng vô cùng dũng cảm, thông minh, có đủ trăm phương nghìn kế để đánh lừa kẻ địch, bảo đảm hậu cần đúng nghĩa là hậu cần nhân dân, giúp đỡ, hỗ trợ cho bộ đội đánh giặc.

        Là một người lính trưởng thành từ chiến tranh nhân dân ở chiến trường đồng bằng sông Hồng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nay chiến đấu ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng là đồng bằng, nhưng tính chất chiến trường khác biệt nhau. Đặc điểm đầu tiên của chiến trường miền Tây, điển hình là Cần Thơ, Vĩnh Trà, Sóc Trăng,… là địa bàn sình lầy, trống trải (khác với Cà Mau - nơi có căn cứ địa U Minh), khi kẻ địch ráo riết thực hiện kế sách hủy diệt, khai quang thì sự trống trải càng thêm rõ nét. Thay cho mạng lưới đường bộ, chiến trường miền Tây sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng,… Với những đặc điểm đó, ở đồng bằng sông Cửu Long không thích hợp với tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; mà chỉ phù hợp với tác chiến quy mô vừa và nhỏ; tối ưu là chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích. Điều này không chỉ với ta mà cả đối phương. Giôn Phobai, một chuyên gia quân sự cao cấp của Mỹ sau một thời gian nghiên cứu chiến trường nơi đây đã thừa nhận: “Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đầm lầy không thể xây dựng được các căn cử hỏa lực và Mỹ không thể thực hiện được các cuộc tuần tra thông thường của bộ binh”. Bởi vậy, để “bình định” địa bàn đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ không đưa bộ binh đến trực tiếp tham chiến mà chủ yếu dùng cố vấn, vũ khí, trang bị chiến tranh hiện đại và chất độc khai quang, không quân và hải quân để yểm trợ cho quân đội Việt Nam cộng hòa. Với quân đội Sài Gòn, để đối phó với kiểu chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích đặc thù ở chiến trường miền Tây, kẻ địch đã tăng cường bình định, xây dựng hệ thống “ấp chiến lược” cùng với thiết lập một hệ thống đồn bốt dày đặc khắp nơi. Không một thôn ấp nào không có đồn bốt địch. Không một giao điểm - ngã ba, ngã tư kênh rạch nào không có đồn địch. Dẫn tới hình thái chung là ta và địch xen cài lẫn nhau. Rất phổ biến tình trạng điểm đóng quân của ta chỉ cách đồn địch một con rạch, dòng kinh. Đêm đêm, bộ đội ta nghe địch ca vọng cổ, tán dóc và chửi bới rượt đuổi nhau… Một trong những ưu thế của địch đối với ta là hỏa lực đường không, hỏa lực pháo và phương tiện cơ động trên sông, rạch…

        Hơn mười năm lăn lộn trên chiến trường miền Tây, từ những thành công và chưa thành công trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, cho phép chúng tôi khái quát một vài vấn đề cốt tử, xuyên suốt:

        Thứ nhất, bộ đội tác chiến ở đồng bằng sông Cửu Long phải bám chắc vào dân, dựa chắc vào dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân, hậu cần nhân dân vững chắc; nếu rời dân, không chóng thì chày sẽ tổn thất, không hoàn thành nhiệm vụ.

        Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, luôn giữ mối quan hệ “cá nước” với nhân dân - nguyên lý đó, truyền thống đó đã được định hình từ rất sớm, nhưng với đặc thù chiến trường miền Tây, thì điều này là vấn đề cốt tử.

        Thứ hai, tác chiến trên chiến trường đồng bằng sông Cứu Long, phải giải quyết thật tốt vấn đề phân tán và tập trung. Muốn vậy, cần phải xây dựng, huấn luyện cho bộ đội ngoài kỹ chiến thuật tốt phải có khả năng cơ động cao. Khi cần tác chiến quy mô tiểu đoàn, trung đoàn, phải tập trung thật nhanh để thực hành chiến đấu, giải quyết mục tiêu; sau khi thực hành xong trận đánh phải phân tán ngay. Đặc biệt, trong hình thái chiến trường ta và địch đan cài lẫn nhau, yêu cầu ta phải luôn luôn cơ động, thay đổi vị trí đóng quân liên tục như lời Bác Hồ dặn: “Lai vô ảnh, khứ vô tung”. Hôm nay đóng quân chỗ này, mai đã chuyển sang chỗ khác, có căn cứ chính và nhiều căn cứ dự phòng. Có như vậy thì địch có áp dụng chiến thuật “trực thăng vận”, hay “hạm đội nhỏ trên sông”, sử dụng phương tiện cơ động đường sông; hỏa lực phi pháo mạnh… cũng đều bất lực. Từ đó, ta có điều kiện chủ động, bí mật bất ngờ tiến công địch, giành thắng lợi…

        Hơn mười năm lăn lộn, chiến đấu ở chiến trường miền Tây, chiến trường Khu 9 trong kháng chiến chống Mỹ là quãng thời gian sống động nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi. Tình cảm quân dân cá nước, nghĩa tình đồng đội, những bài học quý giá gạn lọc được từ cuộc chiến đấu cực kỳ khốc liệt… đã giúp tôi trưởng thành và là hành trang vô giá của tôi trên những chặng đường mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:24:46 am »


Chương năm

VÌ SỰ BÌNH YÊN MỘT DẢI BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược rất đỗi hào hùng và cũng nhiều mất mát thương đau đã chấm dứt; thắng lợi cuối cùng thuộc về ta. “Khi đại bác thôi gầm thì chim họa mi cất tiếng” - có nhà văn từng viết như vậy, Nói sao hết nỗi vui sướng, niềm kiêu hãnh của những người con đất Việt, của những người lính Cụ Hồ. Thú thật, mười mấy năm trời, ngày qua ngày đối chọi với đạn bom, quần dài quấn cổ, bạn cùng hầm bí mật, công sự, sình lầy, kênh rạch, cả những khi sự sống và cái chết không có một lằn ranh giới rõ rệt, tôi ước ao đến cháy lòng ngày ta toàn thắng; từ mong ước đến hình dung cái ngày đất nước ca khúc khải hoàn. Nhưng chỉ khi ngày ấy đến thật sự, mới thấy nỗi vui sướng niềm kiêu hãnh, tự hào như vỡ òa ra - òa ra từ sự tích tụ, dồn nén tròn 30 năm - suốt hai cuộc kháng chiến thánh thần.

        Những ngày đầu tháng 5 năm 1975, khi vào chiếm lĩnh, quân quản thị xã Vĩnh Long, bộ đội chúng tôi như chìm ngập đi trong rừng cờ hoa. Bà con cô bác vùng tạm chiếm, sau bao năm sống dưới chế độ Mỹ - ngụy, bị kìm kẹp, tuyên truyền xuyên tạc, nay không ít người ngỡ ngàng trước những chiến sĩ giải phóng, Bộ đội Cụ Hồ. Ngó chú nào cũng hiền lành, dễ thương quá! Nhiều má, nhiều cô, đã không giấu nổi lòng mình, mà thốt lên như vậy.

        Không chỉ ở Vĩnh Long, Cần Thơ, mà tin tức truyền về: cố đô Huế, Đà Nẵng, và đặc biệt Sài Gòn - Gia Định - dinh lũy, hang ổ cuối cùng của kẻ thù về tay Quân giải phóng nguyên vẹn; không mảy may có một cuộc “tắm máu” như đối phương vẫn nghĩ và chờ đợi. Điều đó càng làm cho niềm vui của mỗi chúng tôi trong ngày đại thắng nhân lên gấp bao lần.

        Hòa trong niềm vui chung, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 U Minh khẩn trương triển khai những nhiệm vụ cấp bách sau chiến tranh.

        Thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh tiền phương quân khu, chúng tôi đưa trung đoàn về đứng chân từ bến phà Mỹ Thuận đến Ba Càng. Sở chỉ huy trung đoàn đóng gần bến phà Mỹ Thuận, khẩn trương chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác vận động quần chúng, giữ gìn trật tự trị an địa bàn, tham gia truy quét tàn quân địch và những phần tử phản động; vận động những gia đình có người thân từng làm việc, đi lính cho chính quyền, quân đội ngụy…đang lẩn trốn ra trình diện chính quyền cách mạng để được hưởng chính sách khoan hồng. Rồi việc tiếp thu, quản lý vũ khí - trang thiết bị chiến lợi phẩm cũng phải được quán triệt, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Đặc biệt, anh Bảy Sa và các anh trong Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn rất coi trọng công tác giáo dục, nhắc nhở anh em tinh thần cảnh giác, không để cho kẻ thù lôi kéo, sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”, bởi vật chất; chấp hành nghiệm quan hệ quân dân, giữ tư thế, tác phong của những người chiến thắng, nhưng không được công thần, tự cao, tự mãn.

        Thời gian chưa nhiều, nhưng ngày ngày chứng kiến những người lính của trung đoàn tích cực giúp dân ổn định cuộc sống, không nề hà việc gì, trong tôi trỗi dậy niềm cảm mến. Đúng là, chỉ có bộ đội của dân, vì dân, mới có được đức tính như vậy, mới mang đậm tính nhân văn cao cả, mà một nhà thơ đã khái quát “Súng gươm xếp lại, hiền lành như xưa…”.

        Mọi chuyện cứ ngỡ bằng lặng trôi trong nhịp sống hòa bình. Nhưng đúng là “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Niềm vui chiến thắng của chúng ta thật lớn lao, nhưng chưa trọn. Tiếng súng đánh Mỹ vừa ngừng, quân và dân ta chưa hưởng trọn niềm vui thì biên giới, vùng biển đảo Tây Nam đã “nổi sóng”. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đảo Phú Quốc được giải phóng khỏi bàn tay Mỹ - ngụy Sài Gòn, thì ngày 3 tháng 5, tập đoàn phản động Pôn Pốt ở Campuchia đưa quân chiếm phần phía bắc của đảo Phú Quốc, đánh chiếm các đảo Hòn Ông, Hòn Bà (đảo Poulowai), đảo Thổ Chu; giết hại trên 500 đồng bào ta sống lâu đời ở đây. Quân Pôn Pốt còn chiếm các quần đảo Hải Tặc. Cùng lúc này, tiếng súng gây hấn của bè lũ Pôn Pốt đã vang dọc tuyến biên giới Tây Nam. Hành động ngang ngược của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa Ri phản ánh bản chất phản động của chúng - điều mà chúng ta ý thức được từ trước, rõ nét nhất là từ sau năm 1973; nhưng dẫu sao, việc Pôn Pốt gây hấn, xâm lấn lãnh thổ của ta đúng vào những ngày ta kết thúc thắng lợi 21 năm đánh Mỹ, cũng gây sửng sốt, bàng hoàng đối với nhiều người.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM