Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:33:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44364 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2016, 08:17:51 am »


        Nghe giọng lưỡi của người đứng đầu chính quyền Sài Gòn ai cũng thấy hết bản chất phản động, hiếu chiến, thói hợm hĩnh, nỗi hằn học… của kẻ thù khi buộc phải ký Hiệp định Pari. Và rồi, được Mỹ giật dây, khuyến khích, chính quyền, quân đội Sài Gòn đã thực hiện cái gọi là “ngừng chiến, không ngừng bắn”, “trên hòa bình, dưới vẫn chiến tranh”. Theo đó, Hiệp định Pari ký chưa ráo mực, Thiệu đã huy động 60 phần trăm quân chủ lực và đại bộ phận địa phương quân ồ ạt mở nhiều cuộc hành quân thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, thực chất là lấn chiếm vùng giải phóng.

        Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết. yêu cầu thực hiện hiệp định đình chiến và đánh địch vi phạm hiệp định lúc này đặt các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường trước một vấn đề hết sức hóc búa. Chấp hành lệnh ngừng bắn hay tiếp tục đánh địch vi phạm hiệp định. Thực tế trên chiến trường lúc này không phải không có địa phương, quân khu máy  móc chấp hành lệnh trên, từ đó “án binh bất động”, thực chất là ảo tưởng vào “thiện chí” của ke địch, dẫn tới hậu quả mất đất, mất dân.

        Với chiến trường Khu 9, tập thể Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã sớm thấy được bản chất, âm mưu của địch. Sau này, có điều kiện tiếp xúc, làm việc với các đồng chí Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt…, tôi được biết ngày ấy các anh đã nghiên cứu, phân tích rất kỹ mọi âm mưu, thủ đoạn, động thái của địch trên chiến trường; tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của địch. Từ đó, sớm kết luận: các hoạt động của địch đã khẳng định chúng không thi hành hiệp định. Nếu địch đánh ta mà ta không đánh lại thì chúng sẽ đẩy ta ra xa. Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Quân khu 9 là: nếu địch tiến công, các lực lượng ta phải phản công đánh trả, giữ đất, bảo vệ dân, buộc địch phải thi hành Hiệp định. Bộ đội hiện tại đứng ở đâu tiếp tục trụ bám ở đó, tiến hành binh vận, giải thích hiệp định có lợi cho ta, kêu gọi địch trở về với nhân dân. Chúng ta có quyền tiến công địch bằng binh vận. Nếu địch đánh ta, chúng ta có quyền đánh trả để bảo vệ hòa bình.

        Tư tưởng cách mạng tiến công, tích cực, chủ động tiến công địch của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu được quán triệt đến cán bộ các cấp từ khi Hiệp định đình chiến chưa ký kết. Đầu tháng 1 năm 1973, anh Lê Đức Anh triệu tập cán bộ trung đoàn về Sở chỉ huy tiền phương quân khu ở vàm Tô Ma, xã Vĩnh Viễn để nghe phổ biến chủ trương của quân khu. Chúng tôi rất phấn khởi, hoàn toàn nhất trí với chủ trương của trên. Về đơn vị, anh Dương Tử, anh Bảy Sa, anh Ba Chơi và tôi thống nhất từng tiểu đoàn đánh gọn từng đồn, cố gắng đánh dứt điểm; đánh được khu vực nào chốt giữ khu vực đó không cho địch líp lại. Với cách đó, có đêm trung đoàn “hót” được từ bốn đến năm đồn. Đêm 27 tháng 1 năm 1973, trung đoàn vẫn đánh diệt gọn hội đồng xã Long Bình - cách chi khu Long Mỹ chỉ độ hai cây số. Chỉ mấy ngày trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực, chúng tôi đã mở rộng vùng giải phóng thêm hai chục cây số vuông.

        Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, bốn trung đoàn chủ lực của quân khu (l, 2, 10, 20) và một số đơn vị trực thuộc đều tập trung về Chương Thiện - địa bàn trọng điểm của cả ta và địch. Lúc này, tôi được Tư lệnh quân khu bổ nhiệm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 thay anh Dương Tử nhận công tác khác. Anh Bảy Sa được bổ nhiệm Chính ủy trung đoàn thay anh Sáu Sơn. Đúng là “duyên kỳ ngộ”, tôi và anh Bảy Sa cứ như hình với bóng kể từ ngày anh em chiến đấu bên nhau ở Tiểu đoàn 29 Sóc Trăng. Hiểu nhau từ mục tiêu lý tưởng, từng ý nghĩ quyết định trong chiến đấu, công tác, rồi tính cách… trong sinh hoạt đời thường, là một trong những yếu tố giúp chúng tôi hoàn thành chức trách nhiệm vụ của mình. Ngay cả trong công tác, sinh hoạt hằng ngày, tôi và anh Bảy Sa cùng làm việc, ngủ nghỉ chung một phòng; không bao giờ có sự cách biệt giữa Trung đoàn trưởng và Chính ủy. Mọi công việc thường xuyên hay đột xuất, anh em cùng chụm đầu lại bàn bạc, thống nhất giải quyết, hết sức lẹ làng. Từ các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu đến cán bộ tiểu đoàn, đại đội thuộc Trung đoàn 1 U Minh, đều xem quan hệ giữa tôi và anh Bay Sa là quan hệ mẫu mực giữa Trung đoàn trưởng và Chính ủy. Tuy nhiên, trong xử lý công việc thường ngày, tôi và anh Bảy Sa cũng có những việc chưa thật đồng thuận. Ví như chuyện áo quần, tóc tai của anh em khi đi chiến đấu. Với tôi, sinh hoạt thời chiến, đặc biệt là tác chiến ở miền đồng nước, đánh tập kích, phục kích, đòi hỏi người lính phải thật sự gọn gàng từ trang phục, đến tóc tai, như “khuôn mẫu” mà anh Ba Trung nói là “đầu húi cua”, “áo vo viên, quần quấn cổ”. Nhưng anh Bảy Sa lại muốn anh em chỉn chu, áo quần đóng bộ, tóc rẽ đường ngôi… Lắm khi chúng tôi va chạm với nhau những chuyện lặt vặt như vậy. Và mọi mắc mứu đều được cởi bỏ ngay. Tính anh Bảy Sa vốn rất nhẹ nhàng, xởi lởi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:46:35 am »


        Thời gian này Trung đoàn 1 U Minh và Trung đoàn 20 được phân công tiến công chi khu Long Mỹ, tuyến kênh xáng Ba Hồ, Thác Lác… Đồng chí Tư lệnh quân khu Lê Đức Anh ở lại Sở chỉ huy tiền phương quân khu tại vàm Tô Ma trực tiếp chỉ huy hai trung đoàn.

        Như trên đã nói, ngày và đêm 27 tháng 1 năm 1973, “đêm trước của hòa bình”, ta đẩy mạnh ba mũi tiến công địch, làm chủ một phần các chi khu và chuyển sang bao vây địch. Bộ đội địa phương các tỉnh tiến công làm chủ từng con kênh, từng lô ruộng, đoạn đường; phát động nhân dân nổi dậy cắm cờ, làm chủ hầu hết các thôn ấp. Đến 0 giờ ngày 28 tháng 1, Hiệp định Pari có hiệu lực, ta ngừng tiến công địch, thực hiện chủ trương “đứng ở đâu làm chủ ở đó”. Nhưng, đúng như dự đoán của Khu ủy và Tư lệnh quân khu, địch tổ chức lực lượng phản kích, dùng phi pháo đánh phá vùng giải phóng và địa bàn đứng chân của các đơn vị chủ lực.

        Tình hình ở Khu 9 ngay sau ngày Hiệp đính Pari có hiệu lực đã bộc lộ rõ bản chất phản động, tráo trở của địch. Sau khi thống nhất chủ trương với Khu ủy và các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bốn tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu (trong Hội nghị Thường vụ Khu ủy mở rộng), ngày 6 tháng 2, Tư lệnh quân khu triệu tập Hội nghị quân chính, phổ biến nghị quyết của Thường vụ Khu úy, bàn kế hoạch, biện pháp tiến công địch phá hoại hiệp định. Tôi cùng anh Bảy Sa dự hội nghị quan trọng này. Anh Lê Đức Anh và anh Võ Văn Kiệt chủ trì hội nghị.

        Anh Võ Văn Kiệt phổ biến Nghị quyết của Thường vụ Khu ủy đánh giá sâu sắc tình hình, phân tích rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của địch và chủ trương, biện pháp của ta là kiên quyết, chủ động trừng trị đích đáng kẻ địch vi phạm hiệp định. Anh Lê Đức Anh chỉ thị cho các lực lượng - đặc biệt là các đơn vị chủ lực: phải đứng vững và làm chủ địa bàn, tuyên truyền rộng rãi thắng lợi của việc ký Hiệp định Pari trong các tầng lớp nhân dân và binh lính địch, giữ vững quyền làm chủ, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt địch nếu chúng vi phạm hiệp định, tiếp tục diệt các phần tử ác ôn ở cơ sở.

        Chúng tôi thật sự tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu. Bởi thực tế trên chiến trường, Mỹ - ngụy đã thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, dùng phi pháo và tung lực lượng đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng. Nếu chúng ta “bó tay”, trông chờ “thiện chí hòa bình” của địch thì tất yếu sẽ mất đất, mất dân.

        Hội nghị quân chính kết thúc, từ Sở chỉ huy tiền phương quân khu, chúng tôi khẩn trương trở về trung đoàn với tâm trạng hồ hởi, phấn khởi vô cùng. Đã tròn chục năm chiến đấu quần lộn với kẻ địch để có được hiệp định đình chiến, ai không muốn sống dù chỉ một ngày không tiếng súng, không chết chóc, mất mát, thương đau! Nhưng, “cây muốn lặng, gió chẳng dừng”. Đã có chỉ đạo của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, chúng tôi sẵn sàng “nói chuyện” với kẻ thù bằng súng đạn khi cần, mà không sợ là vi phạm hiệp định đình chiến.

        Chấp hành lệnh của anh Sáu Nam, từ ngày 28 tháng 1 đến trung tuần tháng 3 năm 1973, trung đoàn trụ vững ở bắc Long Mỹ, đánh địch lấn chiếm, phát động quần chúng tiến hành ba mũi giáp công, giữ thế hợp pháp, đấu tranh buộc địch thì hành hiệp định. Được tuyên truyền giải thích về Hiệp định Pari, nhiều gia đình có con em tham gia lực lượng bảo an đã kéo vào chi khu, lên đồn… kêu gọi người thân buông súng trở về xóm ấp làm ăn. Do ta làm tốt công tác binh vận, Đại đội 406 bảo an thấy được lẽ phải của hiệp định đình chiến, tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc, đã phản chiến, cử đại diện ra gặp gỡ chúng tôi nộp súng, trở về xóm ấp cùng gia đình. Thời gian này, tôi được biết một tiểu đoàn bảo an ở Ba Hồ cũng chủ động quan hệ với Trung đoàn 20, giữ thế trung lập, không đi càn quét lấn chiếm vùng giải phóng, bắn giết đồng bào. Tin binh lính phản chiến đến tai tỉnh trưởng Cần Thơ và Tư lệnh Vùng 4. Viên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an ở Ba Hồ bị cách chức; nhưng làn sóng phản chiến không vì thế mà tắt hẳn.

        Tháng 3 năm 1973, trong một trận phối hợp với bộ đội địa phương chống cuộc càn của địch vào căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ở xã Phương Bình, bắc Long Mỹ, Tiểu đoàn 309 bắt được ba người phương Tây. Được tin báo của đơn vị, tôi lệnh cho anh em phải bảo vệ cẩn thận và đưa ngay họ về Sở chỉ huy trung đoàn. Thời gian này, Sở chỉ huy trung đoàn đóng ngay cạnh căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, gần rạch Cái Cao. Về đến Sở chỉ huy trung đoàn, mới biết họ là ba nhà báo của một hãng tin Mỹ. Một người Mỹ, một người Mỹ gốc Việt (người Huế), một nữ người Canađa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:49:17 am »


        Đêm đó, ba nhà báo được chúng tôi đưa vào nghỉ trong hầm chỉ huy trung đoàn. Sáng hôm sau, khi lên khỏi hầm, thấy xung quanh hố bom B.52 và đạn pháo nham nhở, họ rất đỗi kinh ngạc.

        Sau khi nghe chúng tôi nói rõ hành động vi phạm Hiệp định Pari của chính quyền, quân đội Sài Gòn (được Mỹ giật dây tiếp sức), là nhà báo, nên họ tác nghiệp ngay. Nữ nhà báo Canađa hỏi tôi:

        - Ai tiếp tế cho các ông lương thực, thực phẩm, thuốc chiến thương, khi các ông sống biệt lập ở căn cứ?

        Tôi trả lời: Chúng tôi và đối phương luôn ở thế cài răng lược. Ban ngày cơ bản đối phương kiểm soát dân, nhưng ban đêm dân là của chúng tôi, đất trời này là của chúng tôi. Các người cứ ở lại đêm nay sẽ rõ. Đêm xuống dân chúng sẽ mang gạo, thịt, cá, rau cho chúng tôi (và đúng như vậy - đêm hôm đó, ba nhà báo đã chứng kiến những gì tôi nói là sự thật).

        Nhà báo Mỹ - gốc Huế hỏi:

        - Ở đây không có trường học, các ông dạy học thế nào? Dân học ở đâu?

        Anh Bảy Sa trả lời: Đúng là ở đây chúng tôi không tổ chức dạy học thành lớp. Lớp học được tổ chức ở vùng ven. Nhưng không có nghĩa là bộ đội chúng tôi không học. Anh em tự học. Giữa hai trận đánh, hay vào mùa mưa; bộ đội tự học qua sách báo, qua đồng đội…

        - Các ông giáo dục thanh niên như thế nào để họ tự nguyện vào Quân giải phóng? - Nhà báo Mỹ hỏi.

        - Đất nước chúng tôi đã có hàng nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm - Tôi trả lời. Thanh niên chúng tôi rất am hiểm lịch sử, họ cũng rất quý trọng nâng niu truyền thống; nên luôn sẵn sàng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

        Nữ nhà báo Canađa hỏi tiếp:

        - Chiến tranh bom đạn ác liệt thế này, làm sao mà các ông sống được?

        Tôi vừa cười vừa nói: Thì các người thấy chúng tôi vẫn sống đấy chứ, sống đàng hoàng nữa là khác…

        Cũng phải nói rằng, trong điều kiện chiến sự vô cùng ác liệt, đơn vị cơ động liên tục, chống càn, luồn càn, nay đây mai đã sang chỗ khác, nhưng vào những năm 1973-1974, Sở chỉ huy trung đoàn cạnh căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, được tổ chức khá quy củ, có nơi làm việc hầm chỉ huy trung đoàn, hội trường, trạm khách, nhà vệ sinh… Hầm tránh bom là hầm kèo, là vùng trũng, nên đắp nổi. Điều đáng quý là hơn 30 năm kể từ ngày chiến tranh chống Mỹ kết thúc, trung đoàn chuyển đi nơi khác, nhưng sở chỉ huy ngày ấy vẫn được cơ quan văn hóa, bảo tồn bảo tàng Cần Thơ bảo lưu, duy tu giữ nguyên hiện trạng. Sau này mỗi lần kết hợp công tác, tôi thường ghé lại thăm những căn nhà, căn hầm, gốc cây, lối đi, thậm chí cả từng hố bom đã trở nên thân thiết, máu thịt một thời. Ở đó, tôi đã cùng đồng chí, đồng đội sống những tháng ngày vô cùng ý nghĩa.

        Bắt giữ, tiếp xúc với các nhà báo đêm hôm trước, thì ngày hôm sau, tôi nhận được điện của anh Lê Đức Anh hỏi chi tiết vụ việc. Sau khi nghe tôi báo cáo, anh Sáu Nam dặn phải đối xử tử tế với số nhà báo đó, làm cho họ thấy được Mỹ - ngụy tráo trở, lật lọng, vi phạm hiệp định đình chiến đã được quốc tế công nhận; làm cho họ thấy rõ thiện chí, quan điểm nhất quán tôn trọng hiệp định đình chiến của ta. Theo anh Sáu thì tiếng nói của nhà báo phương Tây có giá trị tố cáo gấp nhiều lần ta phản đối - vì dư luận sẽ thấy được yếu tố khách quan của nó.

        Tôi lĩnh hội sự chỉ đạo của anh Sáu và thầm nghĩ về tầm tư duy của anh. Khi trao đổi lại cùng anh Bảy Sa về những điều anh Sáu dặn, tôi tán thêm: Cứ tưởng Tư lệnh của mình suốt đời làm công tác tham mưu, rặt đánh đấm. Thế mà tư duy chính trị ghê gớm thật!

        Anh Bảy Sa hưởng ứng: Khen các ông thì khen cả ngày…

        Chúng tôi chỉ giữ mấy vị nhà báo trong vài ngày, bởi chiến sự vẫn tiếp diễn, Sở chỉ huy trung đoàn luôn là mục tiêu oanh kích của địch. Nhỡ có chuyện gì sơ xảy đối với họ thì đối phương sẽ kiếm cớ xuyên tạc thiện chí của ta. Tranh thủ quãng thời gian ngắn ngủi, chúng tôi đưa số nhà báo này tới chứng kiến những vụ việc Mỹ - ngụy vi phạm hiệp định, gặp gỡ phỏng vấn nhân dân. Qua đối thoại với chúng tôi và chứng kiến quân đội Sài Gòn vi phạm Hiệp định Pari, trước khi chia tay, vị nhà báo người Mỹ nói:

        - Nếu đúng như những gì các ông trả lời chúng tôi và những gì các ông chứng tỏ trên chiến trường, tôi chắc chắn cuối cùng các ông sẽ thắng.

        Còn vị nhà báo gốc Huế xúc động nói:

        - Tôi năm nay 48 tuổi. Trong lúc đất nước bị chiến tranh tàn phá, tôi không có công lao gì cống hiến cho Tổ quốc; hứa với các ông, tôi sẽ dùng ngòi bút của mình nói lên sự thật về chiến tranh Việt Nam, về sự vi phạm hiệp định đình chiến của chính quyền, quân đội Sài Gòn, để dư luận ủng hộ các ông, ủng hộ nhân dân Việt Nam.

        Chúng tôi chân thành cảm ơn thiện chí của các nhà báo, sau đó tổ chức để họ tiếp tục hành trình công việc an toàn. Được biết, ngay khi về Sài Gòn, họ đã viết bài, đưa tin những gì họ chứng kiến ở chiến trường miền Tây - về các lần gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, về thái độ thiện chí, tôn trọng hiệp định của Quân giải phóng… Những bài báo đó đã có ảnh hưởng tốt đến dư luận quốc tế, phơi bày bản chất lật lọng, hiếu chiến của Mỹ - ngụy Sài Gòn trước dư luận quốc tế.

        Gặp gỡ các nhà báo Mỹ là một sự kiện nhỏ, một tình tiết thú vị trong chiến tranh. Giờ đây, cuộc chiến đã kết thúc, đúng như điều nhà báo Mỹ khẳng định trước khi rời Sở chỉ huy Trung đoàn 1 U Minh. Rất tiếc là trong điều kiện chiến tranh, không ai trong chúng tôi và các nhà báo có được địa chỉ của nhau. Không biết thời gian có làm nhạt nhòa, thậm chí mất hẳn những ký ức trong họ về những ngày đầu xuân Quý Sửu ở đồng bằng sông nước Cửu Long - đất Việt?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:53:08 am »

         
*

*       *

        Về phía địch, cuối tháng 2 năm 1973, Quân đoàn 4 ngụy triệu tập một cuộc họp gồm đầy đủ tướng tá Bộ tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, chỉ huy các sư đoàn, liên đoàn, để triển khai kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 1973. Với kế hoạch này, địch không chỉ muốn khôi phục lại tình hình trước ngày 27 tháng 1 năm 1973, mà còn tham vọng bình định, lấn chiếm căn cứ U Minh và đến cuối năm 1973 sẽ bình định vùng nam Cà Mau.

        Để thực hiện tham vọng đó, từ đầu tháng 3 năm 1973, địch liên tiếp tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, với lực lượng hỗn hợp cả lục quân, hải quân, có không quân, pháo binh chi viện ồ ạt đánh xuống khu vực phía tây nam Long Mỹ. Riêng bộ binh có tới 30 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, lực lượng bảo an của các tiểu khu; thiết giáp có thiết đoàn 6 (hơn năm chục xe M.113), 4 tiểu đoàn pháo. Về hải quân, có 2 giang đoàn sông ngòi. Vào cao điểm cuối năm 1973, ở Chương Thiện, địch tập trung lên tới 75 tiểu đoàn. Một địa bàn không rộng lắm mà tập trung tới 75 tiểu đoàn địch, quả là một con số biết nói! Cũng vì vậy, Chương Thiện trở thành tâm điểm của cuộc đấu trí, đấu lực giữa Quân khu 9 với đủ các sắc lính Sài Gòn.

        Một trong những lý do mà thời gian này địch tập trung lực lượng bình định, đánh phá ở Chương Thiện, là vì sau khi Hiệp định Pari được ký kết, ở một số quân khu, chiến trường, ta đã quá máy móc tuyệt đối chấp bành lệnh ngừng bắn, “lỏng tay” đối với kẻ thù, nên chúng có điều kiện dồn xuống miền Tây.

        Mặc dù hiệp định đình chiến đã được ký kết và có hiệu lực, nhưng trên chiến trường miền Tây, không một ngày im tiếng đạn bom. Từ tháng 2 cho đến tháng 10 năm 1973, hầu như không ngày nào không xảy ra giao tranh giữa ta với địch; thường thì cấp tiểu đoàn, đại đội. Thậm chí có ngày hai - ba trận. Trên địa bàn phía bắc Long Mỹ - gồm các xã Long Bình, Long Trì, Phương Bình, Hòa An, lúc cao điểm, địch dồn về đây 21 tiểu đoàn - phần lớn là quân chủ lực Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21.

        Có trong tay một lực lượng hùng hậu, địch quyết tìm mọi phương cách tiêu diệt hoặc đánh bật trung đoàn chúng tôi khỏi địa bàn bắc Long Mỹ, phá căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ. Điển hình là trận càn quy mô lớn của địch ngày 4 tháng 5 năm 1973. Lực lượng địch huy động tới cấp sư đoàn: Trung đoàn 14 Sư đoàn 9 và một tiểu đoàn bảo an từ Phụng Hiệp theo kênh xáng Lái Hiếu đánh xuống; Trung đoàn 16 từ Cầu Móng theo rạch Cái Cao đánh sang; từ hướng chi khu Long Mỹ và xã Long Trị có một tiểu đoàn bảo an đánh lên.

        Trong thế tương quan lực lượng hết sức bất lợi cho Trung đoàn 1 U Minh, đã có ý kiến cho rằng nên tránh càn để bảo toàn lực lượng, sau đó tìm cơ hội quay lại tập kích địch, giành lại địa bàn. Rất may là trong thời khắc khó khăn nhất, tôi, anh Bảy Sa cùng tập thể Đảng ủy Trung đoàn nhất nhất đồng lòng: quyết đánh, quyết bám trụ giữ vững địa bàn, giữ dân, đúng như mệnh lệnh quân khu đã giao cho trung đoàn.

        Biết chúng tôi đang phải đối mặt với thử thách vô cùng cam go, Bộ Tư lệnh Quân khu hết sức lo lắng. Anh Lê Đức Anh, anh Ba Trung điện hỏi chúng tôi suốt ngày về tình hình tác chiến, liệu chúng tôi có trụ vững được không? Có cần chi viện không?

        Tôi nhớ mãi, Tư lệnh quân khu cứ chất vấn tôi: trung đoàn bấy giờ ở đâu? Có đúng đang ở Phương Bình, Long Trị… hay đã luồn đi chỗ khác?

        Bộ Tư lệnh nghi ngờ, căn vặn, lắm khi tôi cũng tự ái. Sau này hiểu ra, mới thông cảm cho cấp trên. Bởi trước đó khi quyết định giao cho Trung đoàn 1 nhiệm vụ đứng chân bảo vệ vùng giải phóng bắc Long Mỹ, bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Tư lệnh quân khu cũng đã đưa trung đoàn đặc công của quân khu lên ém ở Ba Hồ, chờ thời cơ sẽ đánh vào Cần Thơ. Nhưng sau mấy tháng chiến sự dữ dằn quá, trung đoàn đặc công đã rút khỏi địa bàn. Cái dở là khi Tư lệnh hỏi, anh em mình nói là đơn vị vẫn trụ tại Ba Hồ. Phát hiện chuyện này, anh Sáu Nam rất giận và lệnh cho trung đoàn đặc công phải bằng mọi cách quay lại Ba Hồ.

        Về sau, có dịp tiếp xúc, làm việc với anh Sáu, tôi nhắc lại chuyện anh căn vặn chúng tôi khi đó, anh cười và trả lời rất chân tình:

        - Trận mạc, đánh đấm mà không tin anh em thì sao chỉ huy nổi. Nhưng thằng đặc công làm mình hơi bực, nghi ngờ cả U Minh của các ông. Tính của mình đã hạ quyết tâm rồi phải làm tới cùng, thực hiện bằng được. Vào thời điểm đó, nếu mình lùi một bước, thằng địch sẽ lấn mấy bước; mất đất, mất dân là mất tất cả.

        Trở lại với cuộc hành quân quy mô lớn của địch vào bắc Long Mỹ. Do chúng tôi chủ động chuẩn bí đối phó, nên khi đặt chân đến xã Phương Bình và xã Hòa An, địch đã bị Trung đoàn 1 và lực lượng phòng thủ của Tỉnh ủy Cần Thơ chặn đánh quyết liệt. Lúc này, Tỉnh ủy đã chuyển sang địa điểm mới, nhưng lực lượng bảo vệ Tỉnh ủy vẫn ở lại bám trụ chiến đấu cùng bộ đội chủ lực. Bị đòn phủ đầu choáng váng, địch không tiến được thêm, đành trụ lại và hai bên ở thế “đôi công” quần lộn với nhau ngày này qua ngày khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:57:39 am »


        Ngày 13 và ngày 15 tháng 5, biết trước ý định của địch hành quân lấn chiếm vùng giải phóng ở bắc Long Mỹ, Ban chỉ huy trung đoàn chủ động chỉ đạo các đơn vị bố trí trận địa mật phục, tạo thế, đánh hai trận tiêu diệt hai đại đội thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 14 ngụy và hai đại đội thuộc Tiểu đoàn bảo an 429. Bị thương vong nặng nề, phần lớn đám lính bảo an còn lại đào - rã ngũ. Địch buộc phải đưa Tiểu đoàn bảo an 429 về hậu cứ củng cố.

        Từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6, trung đoàn tổ chức nhiều trận đánh đạt hiệu quả cao. Điển hình là trận ngày 9 tháng 6, Tiểu đoàn 309, do anh Năm Quang chỉ huy, phục kích diệt hai đại đội thuộc Tiểu đoàn bảo an 429 đi càn; trận ngày 11 tháng 6, Tiểu đoàn 309 tiêu diệt hai đại đội của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 16 ngụy đánh vào khu vực rạch Cái Cao…

        Một trong số ít những vấn đề tác động đến tâm tư tình cảm của anh em chúng tôi lúc này không phải là áp lực đánh địch vi phạm hiệp định mà là đánh hay không đánh - là “độ chênh” giữa chỉ đạo của trên với thực tiễn chiến trường; là nhận thức thế nào cho đầy đủ khái niệm “chấp hành nghiêm” hiệp định đình chiến, là “bám lấy luật pháp quốc tế, “tự kiềm chế”, buộc đối phương phải thi hành…

        Thú thực lúc đó, chúng tôi phải căng mình ra để chiến đấu, đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, vi phạm hiệp định, không tường tỏ những “vấn đề được cho là thiếu đồng thuận” giữa Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 với trên xung quanh việc thi hành Hiệp định Pari. Tuy nhiên vẫn nghe một vài cá nhân nào đó có nói, với dụng ý thiếu thiện chí: có thể Quân khu 9 ở xa Miền, xa Trung ương đã “ngủ quên”, không biết Hiệp định Pari đã được ký kết, nên cứ đánh miết, đánh hoài. Thậm chí có người còn phán xét cay nghiệt hơn: Quân khu 9 đánh địch miết chín, mười năm nay rồi, chưa ngán hay sao mà còn ham đánh dữ vậy?…

        Sau này, được làm việc với các anh Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Ba Trung…, tôi còn nghe các anh nói nhiều về những vấn đề hết sức tế nhị này. Ví như, vào tháng 7 năm 1973, anh Ba Trung thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu về Miền báo cáo tình hình miền Tây, được một số anh trong Bộ Tư lệnh Miền truyền đạt tinh thần Hội nghị binh vận của Miền, xác đỉnh phải “Trường kỳ mai phục”, tự kiềm chế, tăng cường binh vận. Khi anh Ba Trung báo cáo tình hình địch vi phạm hiệp định, lấn chiếm vùng giải phóng, quân khu buộc phải đánh trả, chỉ có như vậy mới có đất sống; thì có anh còn đưa hình ảnh hai con gà chọi nhau để có ý nhắc nhở Quân khu 9 rằng: hai con gà đá nhau trên chậu hành, không khéo chậu hành tiêu tan mà hai con gà cũng sứt đầu mẻ trán.

        Khi anh Ba Trung báo cáo Quân khu 9 không thể lùi về căn cứ U Minh theo chỉ thị của trên, mà trái lại đã chỉ đạo các trung đoàn trụ bám tại chỗ, tiến công địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, và thượng sách để tạo thế thủ là đẩy mạnh tiến công địch, thì có anh trong Bộ Tư lệnh Miền đã phê bình: “Tư tưởng tiến công của quân khu là tốt. Song địch đã thỏa thuận với ta bằng Hiệp định Pari, có quốc tế công nhận. Nếu ham đánh, thì riêng chiến trường Quân khu 9 có tới những 5.000-7.000 đồn bốt; cứ nhổ đồn thế biết bao giờ cho xong. Phải kiên trì đấu tranh buộc địch phải thi hành hiệp định thôi…”.

        Chung quanh việc đánh hay không đánh còn nhiều tình tiết, ngẫm ra thấy thật buồn, nếu không nói là đau lòng. Thử hỏi, là những người lính từng lăn lộn trên chiến trường vô cùng khốc liệt, đã bao lần đối đầu với bom đạn, mà ở đó sự sống và cái chết không hề một lằn ranh; đã bao lần mang trên mình thương tích, bao lần nuốt nước mắt vào trong ôm xác đồng chí, đồng đội vượt qua làn đạn địch,… làm sao chúng tôi không khao khát hòa bình; không mong mỏi một ngày đất nước, xứ sở im tiếng súng? Và xương máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, trong đó có bà con, cô bác miền Tây đã đổ xuống vì độc lập tự do…, lẽ nào giờ đây chúng tôi lại “tự trói tay mình”, ngồi nhìn kẻ thù ngang nhiên vi phạm hiệp định, ngang nhiên lấn chiếm vùng giải phóng… Nghĩ về khoảng cách bất cập giữa ý kiến chỉ đạo của trên với chủ trương của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, tôi càng khâm phục, nể trọng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 9 khi đó. Được công tác, chiến đấu dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của các anh Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt…, của một tập thể cán bộ ưu tú như vậy, chúng tôi đã trưởng thành, vững vàng hơn nhiều.

        Mùa hè năm 1973, trung đoàn tôi được trên tăng cường một đợt tân binh, sang năm 1974 tiếp tục được bổ sung một đợt nữa; mỗi đợt trên hai trăm anh em quê miền Bắc. Số anh em này phần đông là người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, có một số thanh niên Hà Nội. Nhiều anh em đã học hết cấp III, có học vấn, lại được huấn luyện cơ bản, sức khỏe tốt; đặc biệt đánh rất giỏi, thông minh. Tôi rất quý số tân binh này, không phải vì cục bộ địa phương, miền Nam hay miền Bắc, mà cái chính là tuổi trẻ, thông minh, ra trận vô tư, đánh hết mình. Trong số tân binh đợt này, thì Mai Quang Phấn, Lê Thái Bộc (Thanh Hóa), Trương Gia Minh, Trần Tường Huấn, Nguyễn Ngọc Bình, Tiến, Tùng, Hiệp, (Hà Nội), Phạm Đức Tráng (Quỳnh Lưu, Nghệ An)… là những cái tên để lại trong tôi nhiều ấn tượng; thậm chí như Lê Thái Bộc, Nguyễn Ngọc Bình… đã có lần bảo vệ tôi thoát khỏi vòng vây của địch… Thời gian gần đây khi có điều kiện, tôi cùng số anh em này lại trở về thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ bạn chiến đấu ngày trước, nay đã thành ông, thành bà; thăm lại những gia đình ở Vĩnh Viễn - Long Mỹ, Hỏa Lựu - Vị Thanh… một thuở cưu mang, nuôi dưỡng; có lúc kề vai chung sức cùng chúng tôi đánh địch, bảo vệ thôn ấp, bảo vệ những miệt vườn cây trái, những dòng kênh xanh mát câu hò.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2016, 05:45:45 am »


*

*       *

        Trở lại với chiến trường bắc Long Mỹ vào mùa hè 1973 là thời điểm chiến sự diễn ra quyết liệt nhất. Lúc này Trung đoàn 16 thuộc Sư đoàn 9 ngụy và một số tiểu đoàn bảo an tập trung đánh phá khu vực rạch Cái Cao, mưu đồ của địch không chỉ lấn chiếm vùng giải phóng, mà còn tạo thế tập kích căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ và Sở chỉ huy Trung đoàn 1. Mấy tháng liền Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 16 và hai tiểu đoàn bảo an gần như ngày nào cũng càn phá địa bàn này.

        Không thể để cho địch muốn làm gì thì làm, phải chặn đứng mọi hành động, ngang ngược của chúng. Anh Lê Đức Anh bàn với chúng tôi cố gắng tổ chức một trận đánh có tính chất tiêu diệt cỡ tiểu đoàn địch - chỉ có như vậy mới đánh gục được thói ngông nghênh của địch, giống như trước đây chúng tôi diệt lữ đoàn thủy quân lục chiến ở căn cứ Thứ Mười Một - làm phá sản gần như hoàn toàn chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” của địch.

        Thấu hiểu ý định của cấp trên, và cũng muốn cho Tiểu đoàn 3 ngụy một đòn đích đáng hơn, tôi và anh Bảy Sa hứa với đồng chí Tư lệnh quân khu là chắc chắn trung đoàn sớm thực hiện được ý định của quân khu. Liền đó, tôi bàn bạc với anh Năm Quang, anh Mười Kiệm cho Tiểu đoàn 309 tổ chức bám nắm mọi động thái của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 16 ngụy. Một trung đội thuộc Đại đội 6 trinh sát của trung đoàn cũng được tăng cường cho Tiểu đoàn 309 nắm địch và đánh địch.

        Trong quá trình trinh sát nắm địch, xuất hiện một tình tiết, gợi cho tôi một ý tưởng táo bạo. Anh em trinh sát báo cáo, ngay sau khi Hiệp định Pari được ký kết, do địch đánh dữ ở địa bàn gần rạch Cái Cao, cơ quan Tỉnh ủy Cần Thơ được lệnh chuyển sang một vi trí khác. Khi di chuyển, một cán bộ cơ yếu của Tỉnh ủy bỏ quên một tài liệu quan trọng ở căn cứ Tỉnh ủy. Mấy ngày sau, anh này quay lại lấy tài liệu thì căn cứ vẫn nguyên vẹn, không có dấu vết kẻ địch sục sạo, phá phách. Mặc dầu lúc đó Tiểu đoàn 3 ngụy vẫn đóng gần căn cứ Tỉnh ủy.

        Qua phân tích tình hình, tôi cho rằng kẻ địch vẫn chưa phát hiện được căn cứ của Tỉnh ủy. Vì vậy, chúng tôi có thể sử dụng căn cứ này làm chỗ ém quân để bí mật, bất ngờ, tập kích địch ban ngày. Không để tuột mất cơ hội hiếm hoi này, chúng tôi chỉ đạo Tiểu đoàn 309 và Đại đội 6 trinh sát bám nắm Tiểu đoàn 3 ngụy, đặc biệt là khi chúng lui về gần căn cứ Tỉnh ủy. Sau khi nắm chắc quy luật hoạt động của địch, đêm 25 tháng 6 năm 1973, tôi lệnh cho Quách Văn Lép - Đại đội trưởng bí mật đưa Đại đội 6 trinh sát lên ém ở căn cứ Tỉnh ủy. Phần lớn lực lượng Tiểu đoàn 309 tiếp tục bố trí trận địa phòng ngự ở ngã ba kinh xáng Lái Hiếu và rạch Cái Cao; sẵn sàng đợi lệnh dâng đội hình lên tập kích vì trí địch tập kết; đồng thời, Tiểu đoàn 309 đưa một đại đội ra giữa đồng, đón lõng địch rút chạy khi bị Tiểu đoàn 309 và Đại đội 6 tập kích. Trận này, tôi trực tiếp cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn 309 chỉ huy bộ đội đánh địch. Quân số tham gia trận đánh gồm 125 cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 309, do anh Năm Quang - Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy và Đại đội 6 trinh sát của trung đoàn với gần ba chục chiến sĩ, do Đại đội trưởng Quách Văn Lép chỉ huy.

        Ngày 25 tháng 6, thời gian có cảm giác dài vô tận.Thời gian chờ đợi bao giờ cũng vậy. Cùng Quách Văn Lép và hơn ba chục tay súng Đại đội 6, náu mình trong căn cứ Tỉnh ủy, anh em chúng tôi ai nấy đều căng mắt, dõi tìm mọi động tĩnh của địch. Suốt cả ngày nhìn ra đồng chỉ thấy một màu nắng. Quá chiều, có anh em sốt ruột, rục rịch muốn trở về căn cứ. Nhưng rồi tất cả nhất nhất theo lệnh, không ai được rời vị trí cảnh giới. Và điều gì đến cũng phải đến. Hơn bốn giờ chiều, Lép lại gần tôi thì thào:

        Báo cáo Trung đoàn trưởng, địch đã xuất hiện.

        Theo tay Lép chỉ, tôi thấy một toán lính khá đông, lố nhố, từ hướng Cầu Móng, theo rạch Cái Cao hành quân về vị trí tập kết dã chiến. Tôi lệnh cho Đại đội 6 chuẩn bị chiến đấu và lập tức cho thông tin báo ngay cho Tiểu đoàn 309 chuẩn bị dâng đội hình lên bám địch.

        Theo hướng Lép chỉ, chúng tôi thấy một toán lính lố nhố đang lục tục kéo nhau đi về phía rạch Cái Cao. Rồi, chừng như hành quân sục sạo suốt cả ngày nắng nóng, chỉ chờ về đến đây, đứa nào đứa nấy cởi bỏ áo quần ngoài, tranh nhau nhảy xuống rạch tắm. Không để lỡ thời cơ, tôi lệnh cho Đại đội 6 trinh sát nổ súng đánh thẳng vào đội hình địch. Từ bờ ruộng, lùm cây, bộ đội bất thần dũng mãnh xông lên. Nhiều anh em cởi trần, chỉ độc chiếc quần cộc trên mình, súng AK kẹp nách bắn găm, bắn gần, ném lựu đạn hạ gục hàng chục tên địch ngay từ loạt trận đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2016, 05:46:25 am »


        Bị đánh bất ngờ, quân địch cuống cuồng, vớ vội súng ống, áo quần tháo chạy. Cùng lúc, Tiểu đoàn 309 áp sát đội hình địch đang đóng dã ngoại ở bên bờ rạch Cái Cao, được lệnh nổ súng. Vậy là chưa kịp hoán đổi vị trí cho nhau, địch đã bị tập kích từ nhiều phía. Quá bất ngờ, địch tháo chạy ra đồng, bị đại đội của Tiểu đoàn 309 đón lõng diệt gọn. Trận đánh diễn ra chưa đầy năm chục phút. Nắng chiều tắt, cũng là lúc chúng tôi kết thúc gọn gàng trận tập kích Tiểu đoàn 3 ngụy. Kết quả. Tiểu đoàn 309 và Đại đội 6 trinh sát đã diệt gọn Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 16 Sư đoàn 9 ngụy, tiêu diệt trên 150 tên địch (có 1 thiếu tá - tiểu đoàn trưởng và 1 đại úy); ta thu 197 súng bộ binh, 18 máy vô tuyến điện. Việc ta diệt gọn Tiểu đoàn 3 ngụy làm cho Tiểu đoàn bảo an 428 đóng gần rạch Cái Cao, đối diện với Tiểu đoàn 3, hốt hoảng tháo chạy.

        Trận tập kích diệt gọn Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 16 sư đoàn 9 ngụy là đòn trừng trị đích đáng hoạt động phá hoại hiệp định đình chiến của Mỹ - ngụy. Đây là một trận đánh độc đáo. Từ khi chuẩn bị cho đến kết thúc trận chỉ một đêm, một ngày, đạt hiệu quả cao; lực lượng ta ít nhưng diệt nhiều địch, thu nhiều vũ khí, gây tiếng vang lớn. Ta chỉ hy sinh một đồng chí, bị thương nhẹ một đồng chí.

        Trực tiếp chỉ huy trận đánh, tôi hết sức xúc động, khâm phục bởi tinh thần chiến đấu dũng cảm, trí thông minh, khôn khéo của cán bộ, chiến sĩ ta; nhất là Đại đội trưởng Đại đội 6 trinh sát Quách Văn Lép và hơn ba chục chiến sĩ của anh. Đặc biệt, tôi vô cùng xúc động khi bắt gặp Nguyễn Tâm - phóng viên mặt trận của báo Quân khu 9, một thương binh, chân đi tập tễnh, nhưng luôn bám sát đội hình chiến đấu của đại đội trinh sát. Nguyễn Tâm quê Bến Tre, vốn là chiến sĩ của Trung đoàn 1. Trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968, anh bị thương, gãy chân. Sau khi điều trị lành vết thương, dù đi lại khó khăn, trên muốn chuyển Tâm về một đơn vị có tính chất tĩnh tại, nhưng Tâm lại học chụp ảnh và xin bằng được làm phóng viên ảnh mặt trận, và liên tục bám các đơn vị đánh địch. Tâm đã ghi lại được những tấm ảnh - những sử liệu bằng hình ảnh vô cùng quý giá của trận đánh này, cũng như nhiều trận đánh khác của Trung đoàn 1 U Minh. Với tư liệu ảnh phong phú của mình, Tâm không chỉ cung cấp cho báo chí, mà sau này, vào những lần họp mặt truyền thống của Trung đoàn 1 U Minh, anh đã tự tổ chức những phòng ảnh truyền thống - với những tấm hình vô cùng sống động, làm xúc động biết bao cán bộ, chiến sĩ trung đoàn.

        Từ sau trận tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 3 ngụy ở rạch Cái Cao, cơ bản chúng tôi chuyển sang đánh địch ban ngày.

        Sau thất bại nặng nề này, địch rút toàn bộ lực lượng về hai bên trục lộ 4 để củng cố và chừng 10 ngày sau, lại dồn lực lượng liên tục hành quân lấn chiếm, hòng đánh bật Trung đoàn 1 ra khỏi địa bàn bắc Long Mỹ. Kết cục, chúng cũng chiếm được một số khu vực, líp lại được ở các đồn: Xáng Bộ, Rọc Dứa, Cái Sơn, kinh Giải Phóng, kinh Nhà Nước,…

        Về ta, trung đoàn chúng tôi và đơn vị bạn vẫn đứng vững, đặc biệt là Sở chỉ huy trung đoàn vẫn trụ bám ở Long Bình - Phụng Hiệp; các tiểu đoàn dãn ra đóng xen kẽ với địch - hình thành “thế da báo” - điều mà tổng thống chính quyền Sài Gòn và tướng tá, binh lính địch không bao giờ muốn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2016, 05:49:13 am »


*

*       *

        Thực tiễn chiến sự trên chiến trường Khu 9 - đúng hơn là cuộc chiến đấu sinh tử - quyết liệt của lực lượng vũ trang Khu 9, Khu 5, Khu 8,… trong nửa năm đầu 1973, đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, phá hoại Hiệp định Pari, là cơ sở để Trung ương, Quân ủy Trung ương khẳng định một chân lý là chúng ta không bao giờ ảo tưởng, trông chờ vào “thiện chí” hòa bình của kẻ thù. Khi ta thụ động, ta thiện chí thật sự, là lúc kẻ địch lấn tới, và khi đó tổn thất, mất mát của ta là không tránh khỏi. Những năm cuối thập niên 50, vì ta ảo tưởng vào thiện chí của Mỹ - Diệm tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, nên kẻ thù đã dìm miền Nam trong biển máu. Chỉ đến khi Trung ương Đảng (khóa II) có Nghị quyết 15 về nhiệm vụ cách mạng miền Nam, chúng ta mới xốc lại lực lượng, đưa cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới - giai đoạn tiến công địch, mở đầu bằng phong trào Đồng khởi. Giờ đây cũng vậy, khi mà ở Khu 5, Khu 8,… mất dân, mất đất; bên cạnh đó Khu 9 giữ vững phương châm tiến công địch, giữ được dân, được đất, mở rộng vùng giải phóng trong khi địch dồn lực lượng về miền Tây để tăng cường bình định, khi mà chỉ mỗi phần đất nam Long Mỹ (Chương Thiện) có tới 75 tiểu đoàn địch, mà chúng vẫn không làm gì được, thì vấn đề “đúng”. “sai” đã rõ. Đó cũng là cơ sở để Trung ương Đảng triệu tập hội nghị lần thứ 21 (cuối tháng 6 - đầu tháng 1 năm 1973). Tôi tin chắc rằng những kinh nghiệm của quân và dân Khu 9 đánh địch vi phạm hiệp định, mà anh Võ Văn Kiệt và anh Lê Đức Anh mang đến hội nghị là nhân tố vô cùng quan trọng để Trung ương Đảng nghiên cứu đề ra Nghị quyết 21, khẳng định con đường duy nhất đúng của cách mạng miền Nam là cách mạng tiến công; dùng bạo lực cách mạng đè bẹp bạo lực phản cách mạng. Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương kêu gọi quân và dân ta trên các chiến trường miền Nam phát huy cao độ tinh thần tiến công, đẩy mạnh tiến công địch, tiếp tục tạo thế, tạo lực, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

        Sau khi dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 về, anh Lê Đức Anh đã gặp gỡ, truyền đạt lại tinh thần chủ trương mới của Trung ương cho cán bộ chủ trì các cơ quan và đơn vị trực thuộc quân khu (vì mãi đầu tháng 10 năm 1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 mới họp lần 2 và ngày 13 tháng 10 mới chính thức ra nghị quyết).

        Sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của Trung ương Đảng về bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu của quân và dân Khu 9, đặc biệt tinh thần nghị quyết mới của Đảng ta tiếp thêm nguồn sức mạnh, ý chí, động viên cổ vũ chúng tôi tiếp tục chiến đấu, quyết giành thắng lợi cuối cùng.

        Lúc này, ở địa bàn Trung đoàn 1 U Minh đứng chân hoạt động (bắc Phụng Hiệp), lực lượng của địch có hai tiểu đoàn. Một tiểu đoàn bảo an đóng ở Cái Sơn. Tiểu đoàn này có một đại đội đóng ở kinh Nhà Nước, một đại đội đóng ở vàm Cái Cao. Tiểu đoàn thứ hai đóng ở rạch Rọc Dứa (có một đại đội đóng ở Xáng Bộ, một đại đội đóng ở Quang Phong).

        Tới cuối tháng 6 năm 1973, phần lớn chủ lực ngụy rút về Vị Thanh và Cần Thơ, chỉ để lại lực lượng bảo an. Theo dõi sát sao mọi động thái của địch, chúng tôi cho rằng đây là thời cơ thuận lợi để tiến công tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng. Liền đó, chúng tôi quyết định bao vây tiêu diệt căn cứ Rọc Dứa, Ở xã Hòa An, Phụng Hiệp. Chủ trương của trung đoàn là bao vây, giam hãm địch ở căn cứ, buộc địch phải tới ứng cứu, để tiêu diệt, sau đó mới diệt đồn. Trận đánh không lớn, nhưng là cả một cuộc bài binh bố trận, bày mưu tính kế giữa ta và địch. Diễn biến trận đánh hoàn toàn trùng hợp với ý định ban đầu của chúng tôi. Bị ta bao vây chặt năm ngày, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, lính địch ở Rọc Dứa kêu rất dữ, buộc quân ở Quang Phong phải đến ứng cứu. Qua khai thác tên tiểu đoàn phó bảo an bị bắt trong trận này, chúng tôi biết đề phòng bị ta phục kích đánh úp, địch rất cẩn thận khi vào, chúng bố trí hành quân với nhiều thê đội để ứng cứu lẫn nhau; có nhiều phương án đối phó khi ta đánh chặn. Tuy nhiên, địch không ngờ rằng, chúng tôi chủ trương không đánh khi chúng vào tăng viện mà chọn khi chúng ra để đánh.

        Sau mấy ngày vào chi viện cho Rọc Dứa, không thấy ta động tĩnh gì, lực lượng chi viện quyết định rút và cũng rất ranh ma, không ra theo trục lộ mà đi tắt qua cánh đồng Gò. Nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, lần này, chúng cũng không ngờ chúng tôi đã giăng lưới sẵn. Vào 3 giờ chiều hôm đó, địch lục tục băng qua đồng Gò, bị chúng tôi đón lõng diệt và bắt gọn hai đại đội; bắt được tên tiểu đoàn phó bảo an. Giải quyết xong lực lượng tăng viện, chúng tôi quay lại dùng chiến thuật cường tập diệt luôn đồn Rọc Dứa ngay chiều hôm đó. Lực lượng đi ứng cứu cho Rọc Dứa bị tiêu diệt, bị bắt và đồn Rọc Dứa đã lọt vào tay Quân giải phóng làm cho đám lính còn lại ở Quang Phong vô cùng lo sợ, bỏ chạy về Cái Sơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2016, 05:51:58 am »


        Bảy ngày hôm sau, chúng tôi tiến công tiêu diệt đồn Cái Sơn, với hơn một đại đội bảo an; diệt được tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an ở đây. Như phản ứng dây chuyền, địch ở căn cứ kinh Nhà Nước và vàm Cái Cao, chưa bị đánh đã tan, rủ nhau chạy về Vị Thanh và các căn cứ bám lộ 4. Vùng giải phóng bắc Long Mỹ được mở rộng như hồi tháng 1 năm 1973.

        Những tháng ngày đánh địch vi phạm Hiệp định Pari ở địa bàn bắc Long Mỹ, trung đoàn chúng tôi được sự giúp đỡ, chi viện nhiệt tình của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các xã Phương Bình, Hòa An, Long Trị, Ba Hồ,… Ở đâu thì tình dân, lòng dân cũng là bức thành trì kiên cố, là điểm tựa của Quân giải phóng. Có thời điểm vì địch đánh phá quá dữ, phi pháo oanh kích suốt ngày đêm, bà con mình buộc phải ra bám các trục lộ để tránh bom đạn. Nhưng đêm đêm lại bí mật trở về cung cấp gạo, đạn cho bộ đội. Trường hợp địch phong tỏa, việc tiếp tế gạo, nước cho bộ đội gặp muôn vàn khó khàn. Các má, các chị dùng thuyền, trên chở lá chầm, cây tràm, như đi sửa nhà, nhưng dưới lòng thuyền chở vài bao gạo 50 ký, bọc ni lông tránh ướt, đều đặn tiếp tế cho trung đoàn. Nhiều chị làm giả người mang bầu, giấu trong bụng dăm ký gạo, “góp gió thành bão”, để bộ đội đừng đứt bữa. Nước uống thì chị em cho vào can, mỗi xuồng chở dăm bảy can, mỗi can 20-30 lít. Chị em còn nghĩ ra cách pha vào nước một chút màu xi-rô, giả làm xăng. Khi qua đồn địch, nếu chúng giữ lại tra hỏi, thì bảo mua xăng về chạy máy bơm… Có những bà, những cô bám trung đoàn tôi như hình với bóng; đơn vị đi đâu, họ đi đó. Anh em chúng tôi xem họ như những nhân viên quân nhu, tiếp phẩm ngoài biên chế của mình. Quả thật, không có những con người như vậy, việc bảo đảm hậu cần cho bộ đội vô cùng khó khăn. Quả là ở đây đã hình thành một hình thức hậu cần nhân dân đặc thù, tuyệt vời mà chỉ có Việt Nam mình mới có. Tình cảm, sự cưu mang, chở che, của các gia đình ông Tư Dừa, ông Hai Răng, bà Tư Bo, ông Năm… ở Phương Bình những năm 1970-1973 với tôi luôn canh cánh bên lòng. Ngót bốn mươi năm qua, đã nhiều lần tôi trở lại đất này; có khi chỉ là dăm câu chào hỏi, cái bắt tay; khi đồng quà tấm bánh, rồi quây quần với các gia đình bữa cơm đạm bạc…, tất cả như một sự tri ân những người dân quê chân chất, nghèo khó, nhưng tình cảm với cách mạng, với những người lính chúng tôi thì bao la như trời biển.

        Trong niềm vui giải phóng hoàn toàn năm xã bắc Long Mỹ, chúng tôi vô cùng phấn khởi nhận được tin tròn 10 năm ngày truyền thống (23.9.1963 - 23.9.1973), Trung đoàn 1 U Minh được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; và tiếp đó, ngày 20 tháng 12 năm 1973, Tiểu đoàn 309, Đại đội 17 hỏa lực của trung đoàn cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này.

        Tình hình bắc Long Mỹ tạm yên. Cuối năm 1973, chúng tôi được lệnh đưa trung đoàn lên khu vực kinh Ngang, giáp Châu Thành tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, chúng tôi tổ chức trận cường tập đồn Nghĩa Trang (đóng gần một nghĩa trang). Chỉ với hai đại đội, áp dụng chiến thuật cường tập ban ngày, chúng tôi giải quyết nhanh, gọn đồn Nghĩa Trang. Nhân đà thắng lợi, trong hai tháng đầu năm 1974, trung đoàn cùng lực lượng địa phương lần lượt gỡ được gần hai chục đồn bốt, giải phóng hoàn toàn tuyến kinh Ngang, xã Long Thạnh, hình thành một vùng giải phóng liên hoàn ba xã nam lộ 4, mở thông tuyến kinh Ngang về bắc Long Mỹ. Trước nguy cơ bị ta khai thông tuyến giao thông đường thủy quan trọng này, địch buộc phải điều Trung đoàn 15 Sư đoàn 9 đang hành quân tái chiếm vùng giải phóng huyện Mỹ Xuyên về chi viện. Địch chiếm lại được khu vực ngã tư Cây Dương, ngã tư Búng Tàu và vài đồn xung quanh chi khu Phụng Hiệp. Vấn đề quan trọng là tuyến kênh rạch để thuyền bè đi lại từ nam Long Mỹ lên vẫn do địch khống chế thông qua một số đồn nằm dọc tuyến đường thủy này.

        Trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang quân khu tác chiến ở địa bàn này, anh Ba Trung gặp bàn với chúng tôi ý định của anh Sáu Nam và các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu là phải nhổ được một vài đồn dọc tuyến đường thủy từ nam Long Mỹ lên, trong đó “xương” nhất là đồn Trại Dài. Chỉ có thông tuyến đường thủy này, thì khi cần, cơ động lực lượng từ tuyến nam Long Mỹ, Phụng Hiệp… lên Cần Thơ dễ dàng hơn.

        Bình thường, nhổ một đồn cỡ vài đại đội ngụy chốt giữ đối với trung đoàn tôi khá đơn giản. Nhưng với đồn Trại Dài, qua trinh sát thực địa, cái khó là đồn nằm giữa đồng trống, lại đang mùa nước lên ròng, bộ đội tiếp cận rất dễ bị lộ. Sau khi nghiên cứu, trao đổi kỹ trong chỉ huy trung đoàn và Tiểu đoàn 309, tôi quyết định áp dụng chiến thuật cường tập. Tiểu đoàn 309 là đơn vị có sở trường đánh đồn bằng hình thức chiến thuật này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2016, 05:54:53 am »


        Vì đồn ở giữa đồng trống, lại đang mùa nước lớn, không thể tiếp cận ban ngày, nên chúng tôi cho bộ đội bí mật tiếp cận ban đêm. Lính Tiểu đoàn 309, anh nào anh nấy mình trần, bận quần cộc, theo kinh rạch, ruộng lác, tiềm nhập như rái cá. Trời gần sáng, bộ đội đã cắt hàng rào, mở cửa, ém sát lô cốt đầu cầu mà địch không hay biết gì. Chờ cho trời tảng sáng, định rõ mục tiêu, tôi lệnh cho hỏa lực ĐKZ, cối phát hỏa. Tiếp đó, bộ bình đồng loạt xung phong. Toàn bộ trận đánh diễn ra chưa đầy 30 phút. Đồn Trại Dài bị tiêu diệt, ta không thương vong. Được tin đồn Trại Dài bị xóa, địch ở một vài đồn lân cận như Vàm Đinh, Cá Nóc,… bỏ chạy. Tuy vậy, khi giải tỏa tuyến đường thủy này, trung đoàn chúng tôi còn vấp phải vài điểm “rắn” nữa, ví như: giải quyết hội đồng xã Phương Phú, đồn Kinh Giám, đồn gần nhà thờ Bô La, đồn gần nhà thờ Trà Lồng.

        Sau khi trinh sát thực địa, chúng tôi quyết định diệt hội đồng xã Phương Phú trước; từ đó cô lập đồn nhà thờ Bô La. Hội đồng xã Phương Phú bị diệt, mặc dù địch ở căn cứ Trà Lồng, do thiếu tá Tông, đội lốt cha cố, rất ác ôn cầm đầu, ngoan cố chống cự, nhưng đã bị cô lập.

        Với đồn gần nhà thờ Bô La, khó đánh hơn, bởi lính đồn chủ yếu là dân Công giáo. Sau bao nhiêu năm bị địch tuyên truyền nhồi sọ, tư tưởng chống cộng thấm vào chân tơ kẽ tóc. Địch ở Bô La có hơn một đại đội. Trước đây, đã hai lần Trung đoàn 2 tập kích vào ban đêm, nhưng không thành. Vì thế, địch ở đây càng hung hăng, khoác lác.

        Sau khi trinh sát nắm địch, chúng tôi dự định sử dụng hai tiểu đoàn - tập trung lực lượng áp đảo để giải quyết bằng được chốt khá rắn này. Lực lượng tập kích đồn là Tiểu đoàn 307. Lực lượng chặn viện là Tiểu đoàn 309. Cũng như một số trận trước đây, chúng tôi quyết định đánh vào 4 giờ chiều là khoảng thời gian mà địch sau một ngày hành quân lấn chiếm, canh gác… dễ uể oải, chểnh mảng gác xách, mất cảnh giác.

        Vì lính đồn chủ yếu là giáo dân, nên chỉ huy trung đoàn chỉ thị cho Tiểu đoàn 307 phải làm tốt việc tuyên truyền vận động anh em binh lính. Biết đồng chí Sáu Bé - Chính trị viên Tiểu đoàn 307 là dân vùng này, từng là bí thư chi bộ của cơ sở đảng ở đây, tôi và anh Bảy Sa bàn với Sáu Bé bằng mọi cách phải gặp được cha Nhâm - chủ trì giáo xứ Bô La, thuyết phục cha cố vận động giáo dân vào đồn kêu gọi con em hạ súng, trở về với cách mạng.

        Gặp cha Nhâm, Sáu Bé đặt vấn đề thẳng thắn nhưng cũng rất điềm đạm:

        - Ở vùng này, cha chẳng lạ gì tôi và bộ đội Trung đoàn 1 U Minh. Mục tiêu của chúng tôi là hạ đồn. Nhờ cha thuyết phục giáo dân vào đồn gọi con em trở về để tránh thương vong. Nội trong hôm nay chúng tôi sẽ đánh; thật đau buồn nếu như xảy ra cảnh “nồi da xáo thịt”…

        Cha Nhâm nhận lời và tích cực hơn, vị linh mục này còn cho mời tập trung giáo dân, để Sáu Bé tuyên truyền thuyết phục. Nghe thấu tình, hơn hai chục gia đình lập tức vào đồn gọi con em mình trở về. Nhưng lính trong đồn ngạo mạn tuyên bố:

        - Việt cộng chỉ giỏi nói dóc, làm sao dám đánh ban ngày? Mấy lần trước đánh ban đêm đã làm được gì nhau đâu!

        Không chỉ tuyên bố ngạo mạn, hống hách, địch còn la hét, chửi bới tôi - chúng gọi tên tôi (Ba Trà) ông ổng suốt ngày, để chọc tức chúng tôi - Đúng là trò trẻ con!

        Chừng 2 giờ chiều hôm đó, tôi bàn với Sáu Bé đi cùng với dân vào gắng thuyết phục lần cuối; nhưng không thành. Địch trong đồn bắn ra như vãi đạn. Bà con hoảng hồn, chạy trở về. Sáu Bé buộc lòng nói với bà con:

        - Các tía, các má thông cảm, bọn con đã nói hết tình hết lý. Bốn giờ chiều nay chúng con sẽ đánh. Mong bà con cô bác đừng trách Quân giải phóng không có tình.

        Đúng 4 giờ chiều hôm đó, Tiểu đoàn 307 nổ súng. Địch hò hét tử thủ, chống cự quyết liệt. Sau gần một giờ chiến đấu, đồn Bô La bị hạ. Ngay lập tức, binh lính ở hai đồn bên cạnh bỏ chạy.

        Ngoài việc nhổ được một điểm chốt khá rắn như chiếc gai nhọn cắm trên tuyến đường thủy từ phía nam Long Mỹ lên, trận diệt đồn Bô La còn có ý nghĩa lớn về giải quyết vấn đề Công giáo vận.

        Sau khi chúng tôi nhổ được đồn Trại Dài, và đặc biệt là đồn nhà thờ Bô La hễ thấy tiếng Trung đoàn 1 U Minh đi đến đâu, thì cỡ đồn có khoảng năm chục quân đều tự bỏ chạy. Đến xuân - hè năm 1974, trung đoàn chúng tôi đã trụ vững ở Long Mỹ, Phụng Hiệp, đánh bại các cuộc bành quân lấn chiếm của Sư đoàn 9 ngụy và lực lượng bảo an, mở rộng vùng giải phóng. Hình thái địch - ta ở Cần Thơ, Sóc Trăng… được tái lập như những năm 1965-1966, trước khi quân viễn chinh Mỹ xuống miền Tây.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM