Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:21:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44375 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 07:29:48 am »


        Sau khi nghe anh em nói rõ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Mặt trận Dân tộc giải phóng, các vị chức sắc tôn giáo còn tổ chức cho chúng tôi gặp gỡ trò chuyện với bà con, mong bà con nhiệt tình giúp đỡ khi bộ đội về thôn ấp… Dần dần, từ chỗ xa lánh, ngại tiếp xúc với bộ đội, các gia đình đã hồ hởi đón bộ đội về đóng tại nhà mình. Gia đình đông thì năm, bảy anh em; nhà ít thì ba, bốn. Bài học quý giá nhất đầu tiên mà tôi gạn lọc được khi hoạt động, chiến đấu ở chiến trường miền Tây là phải dựa chắc vào dân, có thế trận lòng dân là có tất cả, thế trận lòng dân là chắc chắn nhất.

        Có được thế trận lòng dân, được nhân dân tin yêu giúp đỡ, từng bước chúng tôi đưa từng trung đội, đại đội vào ém trong các “ấp tân sinh”, tổ chức đánh đồn, khống chế hội tề, hỗ trợ đồng bào đấu tranh làm thất bại gọng kìm “bình định” của địch.

        Một năm ở Sóc Trăng là quãng thời gian tôi có điều kiện thâm nhập, tìm hiểu sâu hơn đặc điểm chiến trường miền Tây, về đất và người nơi đây. Miền Tây - căn cứ địa kháng chiến của Nam Bộ - vùng đất đã nổi đanh từ thời kháng chiến 9 năm chống Pháp. Một vùng đất đai rộng lớn, kênh rạch chi chít, ngang dọc. Kênh rạch ở đây tựa như đường ngang, ngõ tắt ở quê tôi. Còn ghe, xuồng cũng như xe cộ đi lại trên bộ vậy. Những thời khắc yên ả hiếm hoi giữa hai trận đánh, hoặc nhân một vài lần công cán, tôi có dịp ngồi ghe tam bản nhẹ nhàng luồn lách trên những dòng kênh, con rạch. Các xóm ấp trải dài dọc theo bờ kênh; những chiếc vó bè cần mẫn gật gù lên xuống, những cây cầu khỉ vắt vẻo nối hai bờ kênh… Cảnh tình lãng mạn, nên thơ. Ngay trong chiến tranh, đạn bom, chết chóc…, sự sống của người dân nơi đây vẫn không bao giờ ngưng nghỉ.

        Giữa trưa nắng, ghé thuyền nép dưới rặng cây, hương thơm của trái chín miệt vườn làm ta ngây ngất, đắm say. Người dân miền Tây cần cù, chịu thương chịu khó, cộng với đặc ân ưu ái của đất trời đã cho đời những vườn cây trái tốt tươi. Nào chôm chôm, xoài tượng, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, dừa Xiêm… cho hoa trái bốn mùa. Sau những xóm ấp, miệt vườn là những cánh đồng mênh mông bát ngát, mỏi cánh cò bay. Đất đai màu mỡ phì nhiêu, mưa thuận gió hòa - bốn mùa đầy nắng… Quả là “thiên thời, địa lợi” của những nông phu!

        Xóm ấp của bà con miền Tây hiền hòa, dung dị. Nhưng kề bên, thường là cạnh ngã ba, ngã tư các con kênh rạch là đồn địch giăng đầy, suốt ngày đêm rình rập, gây tai họa cho dân lành.

        Sau hơn một năm ở Tiểu đoàn 29, đầu tháng 6 năm 1966, tôi nhận quyết định trở lại làm Tiểu đoàn phó Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 309 Trung đoàn 1 U Minh. Cùng lúc tôi nhận quyết định về Tiểu đoàn 309, anh Bảy Sa cũng được điều về làm Phó ban cán bộ Quân khu 9. Thời gian này, Trung đoàn 1 đứng chân ở địa bàn Long Mỹ, Phụng Hiệp, Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Trung đoàn được biên chế ba tiểu đoàn bộ binh (309, 306, 303) và một số đại đội trực thuộc. Trung đoàn trưởng là anh Lê Duy Mật (Bảy Sơn), Chính ủy là anh Phan Văn Bỉ (Ba Hùng), anh Nguyễn Đệ (Ba Trung) nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309 là Trung đoàn phó Tham mưu trưởng. Riêng Tiểu đoàn 309 đứng chân ở địa bàn Long Mỹ. Thay anh Ba Trung làm Tiểu đoàn trưởng là anh Lê Tấn An (Sáu Hà). Anh Sáu Hà người Trà Vinh, là cán bộ tập kết vừa trở về. Chính trị viên tiểu đoàn là anh Vưu Hoài Thanh (Tư Bằng), người Cà Mau. Chính trị viên phó là anh Huỳnh Mỹ.

        Khi mới về nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 309, có một sự kiện khá vui, xui lòng tôi nhớ mãi. Một thời gian ngắn sau khi tôi về đơn vị nhận nhiệm vụ, theo kế hoạch, tiểu đoàn tiến hành Đại hội Đảng bộ. Là Tiểu đoàn phó Tham mưu trưởng, qua tìm hiểu lai lịch và trung đoàn giới thiệu, biết tôi trưởng thành qua chiến đấu, cộng với tác phong sính hoạt cởi mở, chân thành, anh Tư Bằng, anh Sáu Hà rất quý, muốn đưa tôi vào Đảng ủy tiểu đoàn. Tuy nhiên khi ra đại hội, có bảy cán bộ đại đội chưa thật tin, anh em phát biểu rất thẳng thắn:

        - Đúng là anh Ba trưởng thành từ chiến sĩ, kinh qua chiến đấu; nhưng với chiến trường miền Tây, anh Ba cũng chỉ là tân binh; chưa đánh đấm trận nào ra tấm ra miếng, cần phải thử thách…

        Nghe anh em nói vậy, tôi không hề tự ái, trái lại rất thiện cảm với tính cách bộc trực, thẳng thắn, chân tình của con người miền Tây; đồng thời cũng ý thức rằng phải cố gắng, tranh thủ thời cơ để chứng minh sự từng trải trận mạc của mình. Và không phải đợi lâu, liền đó, tôi tham gia trận đánh đồn Thứ Bảy - trận đầu tiên tôi “ra mắt” Tiểu đoàn 309.

        Nhằm tạo điều kiện cho tôi “ra quân” trận đầu chắc thắng, anh Sáu Hà bố trí để tôi đi trinh sát thực địa. Sợ tôi “lạ nước lạ cái”, anh Sáu còn liên hệ với anh Hải - Huyện đội phó huyện An Biên đi trinh sát cùng tôi. Anh Hải người An Biên, Rạch Giá rất giàu kinh nghiệm tổ chức bộ đội địa phương chiến đấu chống phá bình định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 07:32:29 am »


        Sau này giữa Trung đoàn 1 với huyện đội, cũng như tình cảm giữa tôi với anh Hải ngày một bền chặt như anh em một nhà; vào sống ra chết, vui buồn có nhau. Được anh Hải hỗ trợ, tôi tổ chức cho bộ đội trinh sát kỹ càng. Đồn Thứ Bảy nằm trên kênh xáng Xẻo Rô và trục đường từ Rạch Giá đi vào, là điểm chốt ở ranh giới vùng địch kiểm soát với căn cứ U Minh. Bởi vậy, tuy chỉ một đại đội chốt giữ, song hệ thống dây thép gai, vật cản địch bố trí khá kiên cố.

        Vào một đêm đầu tháng 8 dương lịch (cuối tháng 6 - đấu tháng 7 âm lịch), tiểu đoàn tổ chức hạ đồn Thứ Bảy. Trời đổ mưa to. Anh em chúng tôi đội mưa tiếp cận mục tiêu. Lực lượng của tiểu đoàn tham gia gồm hai đại đội thiếu. Tôi được phân công đi cùng mũi chủ yếu. Lợi dụng trời mưa, bộ đội đột nhập mục tiêu khá thuận lợi. Nhưng khi tiếp cận, cắt dây thép gai, tạo cửa mở, bất ngờ một quả mìn phát nổ. Lập tức địch trong đồn thét vọng ra: Việt cộng, Việt cộng! Rồi hàng loạt pháo sáng vọt lên, soi tỏ từng ngọn cỏ…

        Nằm sát hàng rào, tôi biết anh em mất bình tĩnh, hoang mang; có anh cho rằng đã bị lộ và đề nghị cho rút ngay.

        Để trấn an anh em, tôi ra lệnh tất cả nằm im, không được nhúc nhích. Mặc dù là trận đầu chỉ huy tiểu đoàn diệt đồn địch, nhưng tôi đã tranh thủ học hỏi anh Sáu Hà chút ít kinh nghiệm. Rất may là thực tiễn diễn ra như những gì anh Sáu chỉ bảo. Khi đó, nếu ta nằm im, kẻ địch sẽ phỏng đoán theo hai hướng; hoặc là, ta chạm trái, biết bị lộ, đã tìm cách tháo lui; hoặc là, không phải Việt cộng, mà chỉ là con chuột, con rắn gì đó chạy vướng mìn. Cứ lý mà suy, lính đồn lại yên trí đánh giấc.

        Chờ một lúc không thấy địch động tĩnh gì, tôi lệnh cho bộ đội tiếp tục nằm im chừng một tiếng đến tiếng rưỡi. Đúng là kẻ địch chịu mình rồi! Trời vẫn đổ mưa - bộ đội dầm mình trong nước. Được cái đang mùa hè - như một lần tắm mưa, nên cũng khá thú vị. Đến chừng 12 giờ đêm, tôi phát lệnh tiếp tục cắt rào, mở cửa, tiềm nhập. Lần này chúng tôi giải quyết đồn nhanh gọn; diệt và bắt toàn bộ đại đội địch; nhanh chóng thu vũ khí và lui quân lẹ làng. Trước khi trời sáng, chúng tôi đã về vị trí tập kết an toàn.

        Trận đánh đồn Thứ Bảy tuy không lớn, nhưng với tôi rất có ý nghĩa. Tôi có thêm kinh nghiệm tổ chức hành quân chiến đấu trên chiến trường sông ngòi, kênh rạch; kinh nghiệm xử trí tình huống mở cửa bị lộ; và cũng như cầu thủ bóng đá ra sân, phần nào giải tỏa được tâm lý khát bàn thắng. Còn anh em trong đơn vị bớt đi sự nghi ngại rằng tôi chưa có thực tế ở chiến trường này. Loáng thoáng, có mấy anh bóng gió:

        - Anh Ba ngó bộ dáng học trò, mảnh khảnh thế mà chơi được, chơi ngon?

        Còn anh Sáu Hà và đặc biệt là anh bạn Hải của tôi thì khẳng định như đinh đóng cột: Trận này, anh Ba không những ghi điểm, mà còn ghi điểm tuyệt đối! Tôi biết các anh động viên là chính. Bởi lẽ tất cả với tôi mới là bước khởi đầu. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đang được Mỹ - ngụy đẩy lên đến đỉnh cao. Được Sư đoàn 9 Mỹ xuống đứng ở Đồng Tâm hậu thuẫn, Sư đoàn 21 và Sư đoàn 9 ngụy tập trung bình định, hòng “làm mưa làm gió” ở chiến trường miền Tây. Khó khăn, thử thách với lực lượng vũ trang Quân khu 9 ngày càng dữ dằn hơn.

        Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1966, miền Tây đã vào mùa khô - “mùa làm ăn” của ta. Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương tổ chức đợt hoạt động Đông - Xuân 1966-1967; địa bàn trọng điểm là vùng Chương Thiện. Mục đích của đợt hoạt động này là diệt nhiều sinh lực địch, diệt đồn bốt, đánh phá “ấp tân sinh”, “ấp chiến lược”, mở mảng vùng Giồng Riềng, Long Mỹ, Ngan Dừa…, đưa chiến tranh ra sát vùng ven đô Cần Thơ, Rạch Giá, hỗ trợ phong trào đô thị phát triển, chuẩn bị tiến tới đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miền Tây, giành thắng lợi tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. Trong mùa chiến dịch này, Trung đoàn 1 U Minh được Bộ Tư lệnh Quân khu xem là lực lượng chủ công, đảm trách nhiệm vụ chủ yếu.

        Nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu giao, Đang ủy cùng chỉ huy trung đoàn nhóm họp bàn thảo thực hiện và phân công cụ thể: Tiểu đoàn 309 tiến công tiêu diệt chi khu Ngan Dừa; Tiểu đoàn 306 do anh Năm Còi Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh đồn Cái Đuốc (thuộc xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng); Tiểu đoàn 303 do anh Dung - Tiểu đoàn trưởng chỉ huy cơ động đánh quân cứu viện cho Ngan Dừa, Cái Đuốc,… khi bị ta tiến công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 07:35:41 am »


        Mở màn chiến dịch Đông - Xuân, vào một đêm cuối tháng 10 năm 1966, Tiểu đoàn 306 diệt gọn quân địch, nhanh chóng làm chủ đồn Cái Đuốc, và sau đó hợp sức cùng Tiểu đoàn 303 đánh bại lực lượng ứng cứu của địch gồm Trung đoàn 33 và một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 21 ngụy.

        Cùng thời gian này, Tiểu đoàn 309 chúng tôi đánh thiệt hại nặng chi khu Ngan Dừa và tiêu diệt ba đồn khác xung quanh chi khu này. Mở màn chiến dịch không dứt điểm được chi khu Ngan Dừa, trong khi hai tiểu đoàn bạn lập công lớn, mấy anh em trong Ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi lấy làm bứt rứt. Biết thắng thua trong trận mạc là chuyện bình thường; nhưng tâm lý thi đua ngầm giữa các đơn vị, “con gà tức nhau tiếng gáy” cũng là điều rất con người. Cũng với ý chí, quyết tâm đó, chỉ sau trận Ngan Dừa chưa đầy một tháng, vào cuối tháng 11 năm 1966, chúng tôi lập công lớn.

        Nhận nhiệm vụ tiến công Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 21 ngụy bình định vùng Long Mỹ, chúng tôi đã cùng các anh bên Tiểu đoàn 303 tổ chức trinh sát nắm địch kỹ càng. Căn cứ dã ngoại của Tiểu đoàn 3 ngụy nằm trên kênh xáng Long Mỹ - sát chi khu quận lỵ Long Mỹ. Cũng như bao lần đi trinh sát trước đây, tôi cùng anh em vào sâu trong đồn địch, đếm từng hàng rào kẽm gai, định vị từng hỏa điểm…

        Thực hành trận đánh, anh Sáu Hà không bố trí tôi đi cùng mũi chủ công mà giao cho tôi phụ trách hai phân đội dự bị. Đồn địch nằm ngay bờ kênh xáng, nên chúng tôi hành quân tới vị trí tập kết bằng xuồng. Đêm cuối tháng, nhưng đang cao điểm mùa khô, sao trời như soi tỏ dòng kênh, để những chiếc xuồng con của chúng tôi lẹ làng lao đi trong xôn xao, man mác gió đồng.

        Chừng hai giờ sáng, trận đánh bắt đầu. Lực lượng chủ công ào ạt tập kích căn cứ dã ngoại của Tiểu đoàn 3 ngụy. Nhưng bất ngờ, bộ đội gặp phải sự phản kích quyết liệt của địch. Nghe từng tràng, từng tràng AR15, trung liên đáp trả của địch, phải công nhận lính Sư đoàn 21 ngụy cũng thuộc vào loại lính “có nghề”. Hèn chi, ngày thường, chúng vẫn dương dương vỗ ngực tự cho là dân “anh chị” ở miền Tây.

        30 phút rồi một tiếng trôi qua, tình hình vẫn chưa khả quan. Tâm trạng ngồi ôm súng, “xem” đồng đội quần nhau với địch, thật bồn chồn, nôn nao khó tả. Rồi điều gì đến phải đến! Anh Sáu Hà lệnh cho tôi tung hai phân đội dự bị vào trận. Qua trinh sát nắm chắc bố trí các hỏa điểm của địch, lại được theo dõi chiến sự diễn ra từ đầu, tôi cho lực lượng dự bị bí mật luồn sâu, áp sát từng mục tiêu, đồng loạt dũng mãnh xuất kích tiêu diệt. Bị kéo căng ra hơn một tiếng đồng hồ, địch đã ít nhiều có biểu hiện chùng lại. Đúng lúc đó, lực lượng dự bị của chúng tôi bất thần ra tay, chẳng khác gì “xuất quỷ nhập thần”, gần như toàn bộ địch không kịp phản ứng. Trận đánh dược giải quyết khá nhanh chóng. Việc anh Sáu Hà và tôi chọn thời điểm tung lực lượng dự bị vào giải quyết chóng vánh trận đánh, diệt và bắt gọn Tiểu đoàn 3 ngụy, đã làm cho kẻ địch khiếp đảm quy phục; đồng thời cũng làm lơi lạt sự ngờ vực của số anh em mình trước đây vẫn cho rằng “anh Ba là tân binh ở chiến trường mới” - chiến trường miền Tây.

        Tiếng súng lắng lại, cũng vừa lúc gà ở ấp bên tranh nhau gáy báo sáng. Không thể chậm trễ. Lui quân muộn, khó tránh khỏi phi pháo của địch. Được tin Tiểu đoàn 3 bị Việt cộng “làm gỏi”, chắc chắn chỉ huy Vùng 4 chiến thuật không để chúng tôi yên.

        Qua trao đổi chóng vánh trong tập thể chỉ huy tiểu đoàn, anh Sáu Hà phân công tôi ở lại giải quyết thương binh, tử sĩ và rút về sau, còn đại bộ phận lực lượng của tiểu đoàn khẩn trương cơ động khỏi địa bàn. Hoàn tất nhiệm vụ tiểu đoàn trưởng giao, mấy anh em chúng tôi thu quân về, thì trời cũng sáng bạch. Vậy là chúng tôi phải giơ lưng chịu trận. Máy bay từ mấy sân bay lân cận; pháo từ Vị Thanh, Hỏa Lựu thi nhau oanh kích dọc các tuyến lộ, tuyến kênh mà địch cho là chúng tôi rút. Và thật không may, lần này tôi lại bị dính mảnh pháo. Vết thương không trầm trọng, nhưng oai ăm nhất là bị mẻ một mảnh xương ở cổ chân, đau đớn không thể nào đi được. Trong khi bom đạn giăng tứ bề, anh em đứa nào đứa nấy cố mà tìm cách thoát nhanh ra khỏi khu vực địch oanh kích. Người còn lại cạnh tôi lúc này là chiến sĩ liên lạc. Cậu ta cố dìu tôi ra giữa đồng, xa trục lộ, xa con kênh. Mặt trời đã lên được mấy ngọn sào, nắng nóng, đau buốt đến óc. Buộc lòng tôi phải nói với chiến sĩ liên lạc rằng không thể ở đây chịu chết cả hai. Tôi sẽ gắng náu mình trong ruộng lúa, còn cậu ta gắng đi nhanh về đơn vị báo cáo chỉ huy tiểu đoàn chờ đêm tối, quay lại tìm đưa tôi về đơn vị. Chiến sĩ liên lạc tỏ vẻ lừng chừng, có thể cậu ta nghĩ bỏ tôi mà đi lúc này là có lỗi - vì rằng tôi khó thoát khỏi sự lùng sục của địch. Qua mấy thôn ấp đằng sau mấy rặng dừa nước kia đã là chi khu Long Mỹ rồi. Nhưng nghe tôi nói như ra lệnh, cậu ta lầm lũi quay đi, vừa chạy vừa lấy tay quệt nước mắt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 07:39:24 am »


        Chờ cho cậu liên lạc đi khuất, tôi cắn răng chịu đau lết thêm một quãng, tránh xa trục lộ và bờ kênh. Đang giữa mùa khô, mặt trời dần đứng bóng, cộng với vết thương làm tôi khát cháy cổ. Lần tìm vũng nước, vốc mấy ngụm cho đỡ khát, tôi lết tiếp hướng về một ấp phía trước mặt. Chừng quá trưa thì vừa đói, khát, đau đớn làm tôi mệt la đi. Đang suy tính làm sao vượt qua lần lâm nạn này, tôi bỗng thấy từ trong ấp, một bé trai chừng mười - mười hai tuổi đang theo lối bờ ruộng tiến về phía mình. Nghĩ rằng trời Phật, số phận tạo cho mình một cơ may, chờ cháu tới gần vài chục mét, tôi nhổm dậy và gọi to, như sợ cháu vuột mất. Cháu bé giật mình, tiến thêm mấy bước, nhìn tôi chằm chằm một lúc rồi quay đầu đi như chạy về phía ấp. Nhìn lại mình, lúc đó tôi bận bộ đồ Quân giải phóng, vải Ka tê mỏng, trông khá tươm tất, rất dễ cảm tình. Tôi cam đoan là cháu không thể nhầm tôi với lính ngụy.

        Thấy cháu đi như “ma đuổi”, tôi dự kiến hai tình huống sẽ xảy ra: trường hợp xấu, cháu sẽ báo ngay cho quân ngụy ra bắt; nếu không cháu sẽ là “thần hộ mệnh” của tôi. Kiểm tra lại súng ngắn và ít đạn, đề phòng bất trắc sẽ “tử chiến” với địch, sau đó tôi thanh thản, bình tĩnh chờ đợi. Chừng hai tiếng sau, mặt trời xế bóng, cháu bé quay lại. Từ xa, thấy một mình cháu xuất hiện, ngang hông cắp một thúng nhỏ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Lại gần, cách tôi chừng chục thước, cháu khẽ khàng đặt chiếc thúng xuống vệ cỏ, nhìn tôi chốc lát và lẳng lặng quay về. Đợi cháu đi một quãng xa, tôi bò lại, và như không tin vào mắt mình, trong thúng có một đĩa xôi to, nửa con gà luộc, một bình nước. Thật chẳng khác gì chuyện cổ tích, bụt hiện lên, giúp cứu người lành gặp hoạn nạn. Tôi xúc động trào nước mắt, cảm giác trong tôi lúc đó khó bút mực nào tả nổi. Tôi gắng ăn mấy miếng để lấy sức. Chiều tắt nắng, hoàng hôn buông trên đồng, rồi khi nhá nhem tối, cháu bé ban nãy cùng mẹ cháu ra dìu tôi về nhà. Đưa tôi vào nhà an toàn, mẹ cháu bé nói trong xúc động:

        - Cán bộ xá lỗi cho, biết ông đau, chờ đợi, nhưng má con tôi không thể làm khác được. Lính ngụy nhan nhản trong làng ngoài ấp. Ban ngày đón ông, làm sao che mắt chúng được. Chỉ trông trời tối nhanh, là má con tôi ra luôn!

        Tôi cám ơn chị và cháu đã cứu mạng, đồng thời mong chị đừng gọi là ông. Chị cười, ánh mắt lành lạnh. Trong ánh đèn đỏ quạch, tôi bắt gặp một dáng hình gọn nhẹ, đa đoan, và nghĩ rằng, người đàn bà này chắc là rất tháo vát. Nhà vắng bóng đàn ông, nhưng vì tế nhị, tôi không đám hỏi. Biết đâu, anh chồng đi lính ngụy thì thật trớ trêu, khó xử cho tôi, cho chị và cháu bé.

        Để tránh phiền hà, liên lụy cho gia đình cưu mang mình, tôi bày tỏ ý định nhờ chị giấu tôi ở một nơi nào đó, không ở trong nhà. Chị trả lời rành rọt:

        - Không được, ra khỏi nhà tôi bây giờ anh sẽ bị lính bắt ngay (chị đã chuyển gọi tôi bằng anh). Tôi sẽ giấu anh trong buồng, trong hầm tránh đạn pháo. Nhà tôi nấu rượu, lính đồn vào ra mua rượu liên tục, nhưng anh đừng sợ, chúng vào đây chẳng biết gì khác ngoài xị rượu đâu. Vả lại, anh đang bị thương, đơn vị không biết nơi đâu mà tìm.

        Vậy là tôi buộc phải chịu lý của người phụ nữ nhỏ nhắn, tháo vát, quyết đoán này.

        Năm ngày ở nhà mẹ con chị, tôi luôn trong tâm trạng nơm nớp, lo lắng, không biết rồi đây tình thế ra sao. Thỉnh thoảng, nghe vọng lại từ xa tiếng một tràng liên thanh, một loạt đạn pháo… tôi càng bồn chồn. Mặc dù, chị chủ nhà hằng ngày rửa vết thương, đắp vài thứ thuốc lặt vặt, nhưng đến ngày thứ sáu thì vết thương của tôi nhiễm trùng nặng, đã có dòi. Lính đồn lại suốt ngày vào ra rượu chè nhí nhố… Thấy nằm lại lâu ở đây bất lợi đủ điều, tôi đề nghị chị Sáu (mấy hôm ở trong nhà, tôi nghe người qua lại gọi chị là cô Sáu) đưa tôi đi. Biết không thể giữ  tôi lại, chị Sáu nói như phân bua:

        - Anh bỏ quá cho, bây giờ mà tìm bác sĩ làm thuốc cho anh, chắc vết thương sẽ ổn, nhưng khác nào gửi anh cho lính đồn. Vậy, giờ biết đưa anh đi đâu?

        - Chị hãy đưa tôi đến nơi nào mà pháo hay máy bay phía bên kia đánh, đó là khu du kích, đến đó tôi sẽ lần tìm được đơn vị - tôi trả lời; hoặc có thể, chị dò hỏi đơn vị U Minh đóng ở vùng nào, đó là đơn vị tôi, mà bộ đội U Minh thì bà con nhiều người biết.

        Chị cười - một nụ cười nhân nhượng và tặc lưỡi:

        - Tôi chịu mấy anh giải phóng! Bom đạn đầy trời, đơn vị không biết ở đâu mà vẫn nằng nặc ra đi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 06:14:40 am »


        Thế rồi chị khẩn trương chuẩn bị, nhờ thêm một người thân cáng tôi đi mờ sáng ngày hôm sau.

        Tạm biệt gia đình ân nhân đã cưu mang nuôi giấu tôi khi gặp hoạn nạn, tôi không cầm nổi lòng mình; cầu mong trời Phật phù hộ chị Sáu và các cháu con chị như chính họ phù hộ tôi. Thật may mắn, vì chị Sáu nấu rượu, quen biết khá nhiều lính đồn, chị lại giả vờ đưa em trai ốm nặng đi nhà thương, nên tôi đã qua được trạm gác của lính ngụy dễ dàng và được đưa về vùng du kích. Từ đó về đơn vị không có gì khó khăn.

        Việc tôi xuất hiện đường đột ở đơn vỉ làm mọi người bết sức ngỡ  ngàng. Anh Sáu Hà, anh Tư Bằng… mừng quýnh lên, bởi đã gần tuần không tin tức gì, ai cũng nghĩ là tôi hoặc đã bị địch bắt, hoặc đã hy sinh. Liền đó, trung đoàn chuyển tôi xuống ngay bệnh xá quân khu ở U Minh Thượng để điều trị vết thương. May mà còn kịp! Dẫu nhiễm trùng khá nặng, nhưng các y sĩ, thầy thuốc ở bệnh xá quân khu vẫn giữ được cặp giò của tôi lành lặn.

        Trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình, cả những năm tháng đã qua và thời gian sau này, có biết bao người dân cưu mang, che chở, giúp đỡ tôi; nhưng việc gia đình chị Sáu cứu mạng sau trận đơn vị tôi diệt Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 31 quân ngụy là kỷ niệm sâu sắc nhất. Khi chiến tranh đi qua, đạn bom lui rồi, tôi đã nhiều lần tìm về miền quê ấy, tìm kiếm để nói một lời cảm ơn. Nhưng gia đình chị Sáu đã đi vùng kinh tế mới, không chỉ một nơi, mà do điều kiện khó khăn, đã lăn trải, chuyển dời mấy chỗ; rồi công việc níu kéo, tôi vẫn chưa tìm được ân nhân của mình. Và tôi biết suốt đời tôi chịu ơn, mang nợ gia đình chị Sáu! Mỗi khi nhớ lại chuyện cũ, tôi không thể nào quên được ánh mắt cháu bé nhìn tôi giữa cánh đồng ngày ấy - ánh nhìn vừa ngỡ ngàng, vừa thân thiện, máu thịt.

        *

        Điều trị lành vết thương, rồi an dưỡng chừng một tháng, tôi trở về tiểu đoàn cũng đã vào mùa mưa năm 1967. Thời gian tôi điều trị vết thương tại bệnh xá quân khu, ở đơn vị, anh Sáu Hà được quân khu điều động nhận nhiệm vụ khác. Thay anh Sáu, giữ chức quyền Tiểu đoàn trưởng là anh Tư Trạch, và sau đó là anh Năm Niên. Từ mùa mưa cho đến cuối năm 1967, nhìn chung, trung đoàn ít chủ động tiến công địch, mà chủ yếu là tổ chức một số trận chống càn, luồn càn; chống phá bình định. Tiểu đoàn 303 chủ yếu hoạt động ở địa bàn các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, có khi lên tới Ô Môn. Tiểu đoàn 309 chúng tôi chủ yếu hoạt động ở Long Mỹ, Phụng Hiệp, Kế Sách (Cần Thơ), Châu Thành (Sóc Trăng)… Đến tháng 9 năm 1967, Tiểu đoàn 307 - một đơn vị chủ lực của quân khu có bề dày truyền thống từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, được điều về đứng trong đội hình trung đoàn. Tiểu đoàn 307 thời gian này chủ yếu hoạt động ở Rạch Giá! Nhìn chung, hình thái hoạt động của trung đoàn đã tạo nên sức ép đối với Vùng 4 chiến thuật của địch (Cần Thơ) từ hai phía. Lúc này, Sở chi huy Quân khu chuyển từ Khánh Bình Đông (U Minh Hạ) lên khu vực kênh Xáng Cụt (U Minh Thượng) và trụ lại đây để chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng vũ trang quân khu sâu sát hơn.

        Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, đến cuối năm 1967, tổ chức biên chế, trang bị vũ khí của Trung đoàn U Minh tăng đáng kể; bộ đội dày dạn kinh nghiệm chống càn, luồn càn, chống thủ đoạn “nhảy dù” của địch. Được sự hỗ trợ của chủ lực, phong trào du kích và phong trào quần chúng đấu tranh chống địch bình định phát triển mạnh, vững chắc. Trên cơ sở đó, từ cuối năm 1967, Trung đoàn 1 U Minh không chỉ tác chiến bảo vệ căn cứ tại chỗ mà còn bung ra hoạt động tại vùng ven các thị xã, áp sát các chi khu, đồn bốt địch. Với Tiểu đoàn 309 chúng tôi, thời gian này đã tổ chức được một số trận đánh đạt hiệu quả tốt; điển hình là tiêu diệt hai đoàn bình định ở An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, Cần Thơ (nay thuộc Sóc Trăng) vào tháng 10 năm 1967.

        Qua theo dõi nắm địch, thời gian này chúng tôi biết địch đang tung một lực lượng thực hành bình định ở Kế Sách. Đoàn bình định chừng trên năm chục tên ác ôn cùng một đại đội bảo an đóng ở đình An Lạc Thôn. Lực lượng này đã gây không ít khó khăn, tổn thất cho nhân dân và lực lượng vũ trang hoạt động ở đây.

        Chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu là diệt đoàn bình định và đại đội bảo an, quyết không cho địch thực hiện âm mưu bình định vùng lõm.

        Sau khi trực tiếp cùng một số cán bộ đại đội trinh sát thực địa vị trí tập kết của địch ở đình An Lạc Thôn, tôi trao đổi với anh Năm Niên - quyền Tiểu đoàn trưởng và anh Hải - Chính trị viên tiểu đoàn (mới được trên điều về thay anh Tư Bằng nhận nhiệm vụ mới), rằng ta sẽ đánh tốt. Địch có vẻ chủ quan, bố phòng sơ sài. Tuy nhiên cái khó của tiểu đoàn là phải hành quân quá xa. An Lạc Thôn sát sông Hậu. Từ Phụng Hiệp sang Kế Sách, bộ đội phải băng qua lộ 4 (nay là đường số 1) hết sức trống trải, rất dễ bị lộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 06:17:06 am »


        Đã là trận mạc chinh chiến thì mấy ai loại trừ được khó khăn, nên chúng tôi quyết định đánh. Chọn một đêm đầu tháng 9 âm lịch. khi trăng thượng tuần đã lặn, thôn ấp chìm dần vào đêm, chúng tôi phát lệnh hành quân. Đang kỳ nước lớn, thuyền chúng tôi chen nhau lao đi trên dòng kênh đã rất đỗi thân quen. Theo phân công, anh Năm Niên và anh Hải đi với mũi chủ công; tôi nắm hai phân đội dự bị.

        Dự kiến ban đầu chừng 12 giờ đêm, tiểu đoàn đến vị trí tập kết, 1 giờ sáng nổ súng, nhanh chóng giải quyết mục tiêu; sau đó rút nhanh về Ba Trinh, Kế Sách và khi trời sáng thì tất cả đã về địa bàn an toàn. Thế nhưng, khi vào cuộc đã phát sinh một số vấn đề, dẫu đã tính toán, vẫn không lường hết được. Vì lực lượng đông, hành quân chậm, 1 giờ sáng chúng tôi mới đến vị trí tập kết và gay go hơn là trong ngày địch đã đưa về đây thêm một đoàn bình định nữa, nâng tổng số cả lực lượng bình định và lính bảo an lên trên 200 tên.

        Ban chỉ huy tiểu đoàn hội ý chớp nhoáng, bàn nên đánh hay thôi. Anh Hải - một cán bộ tập kết vừa về, có phần ái ngại. Theo anh thì, triển khai đánh quá muộn, địch lại đông; không dứt điểm nhanh, trời sáng, chúng ta khó lòng xoay trở.

        Tôi cho rằng chúng ta không còn độ lùi. Lúc này tổ chức lui quân, vừa không thực hiện được nhiệm vụ, và khi ta rút quân, địch cũng dễ phát hiện, quật lại, ta khó tránh khỏi tổn thất. Không diệt được mục tiêu, lại chịu tổn thất, tự chúng ta cũng không chấp nhận được, chứ nói gì cấp trên!

        Nghe tôi lập luận xác đáng, anh Năm Niên quyết định đánh. Chừng ba giờ rưỡi sáng, chúng tôi phát hỏa. Địch cậy lực lượng đông, co về đình An Lạc Thôn căng sức chống đỡ. Chần chừ lúc này sẽ hỏng hết. Anh Năm Niên lệnh cho tôi đưa lực lượng dự bị vào. Khi đội hình dự bị tiếp cận cách địch chừng ba chục mét, tôi quyết tách làm hai mũi, vòng sang hai bên đánh tạt sườn, tiến công cấp tập, địch không kịp trở tay; trời lại quá tối, không xác định được hưởng chính để chống đỡ. Chỉ sau chừng 15-20 phút, chúng tôi giải quyết gọn mục tiêu. Hơn hai trăm tên địch bị diệt, bị bắt. Tiểu đoàn tôi hy sinh ba đồng chí, bị thương gần vài chục.

        Tiếng súng lắng xuống thì trời rạng sáng. Không được chần chừ một phút, anh Năm Niên, anh Hải chỉ huy bộ đội khẩn trương lui quân. Tôi được phân công ở lại giải quyết thương binh, tử sĩ và thu vũ khí. Trận này đơn vị thu được súng đạn rất nhiều, nhưng vì lúc này đã gần sáng, chúng tôi chọn một số khẩu “ngon ăn”, còn lại đánh chìm cả thuyền vũ khí xuống sông, tiếc mà đành chịu.

        Chúng tôi đang khẩn trương đuổi theo lực lượng đi trước thì nghe từ hướng lộ Lò Rèn, máy bay, phi pháo địch oanh kích dữ dội. Đúng là cánh quân do anh Năm Niên, anh Hải dẫn khi vượt lộ Lò Rèn chạy về phía Ba Trinh. Kế Sách đã bị lộ, trở thành mục tiêu của bom, pháo địch, bị tổn thất một số.

        Trước tình thế đó, tôi cùng một vài anh em dẫn 15 thương binh chạy về phía Trà Ết, giáp sông Hậu. Lúc này trời đã sáng bạch. Gặp dân đi làm đồng, dò hỏi, bà con cho hay đầu thôn, cuối thôn đều có đồn địch. Biết cố đi sẽ không an toàn, tôi quyết định đưa anh em vào ấp. May mắn là cơ sở Đảng ở đây rất vững. Anh chị em khẩn trương lau rửa, băng bó vết thương cho thương binh, cho ăn uống và đêm đó tổ chức chuyển qua Cầu Kè - Trà Vinh. Tôi ở lại Trà Ết một ngày, hôm sau trở về đơn vị ở Kênh Ngang, Phụng Hiệp.

        Mặc dù trong trận đánh này tiểu đoàn có tổn thất nhưng chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài việc hốt được toàn bộ lực lượng bình định và đại đội bảo an ở An Lạc Thôn, tôi còn có được bài học kinh nghiệm là khi vào trận, phải tổng hợp, phán đoán đúng tình hình, ra quyết định dứt khoát, chính xác; thì dù khó khăn đến mấy, khả năng hoàn thành nhiệm vụ rất cao, hạn chế được thương vong.

        Cũng với chủ trương chống phá bình định, cuối tháng 11 năm 1967, tiểu đoàn có ý định tổ chức trận tiến công Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 31 Sư đoàn 21 ngụy đóng ở Đại An - Kế Sách.

        Do đã xây dựng được nhân mối là viên thiếu úy làm quản lý của Tiểu đoàn 3 ngụy, nên chúng tôi quyết định sử dụng một lực lượng tinh nhuệ, đánh theo kiểu đặc công. Chuẩn bị cho trận đánh, tôi cùng ba cán bộ đại đội đi trinh sát thực địa. Mấy ngày liền, chúng tôi bám sát căn cứ địch, theo dõi quy luật hoạt động của chúng. Qua trinh sát, thấy thời gian này địch triển khai bình định, đánh phá rất dữ. Do không cẩn thận, kỹ càng trong trinh sát thực địa (không đi đúng lộ trình, mà đi tắt) nên ngày trinh sát thứ ba, chúng tôi bị địch phát hiện. Mặc dù khi về báo cáo, chúng tôi cũng trình bày tình huống bị lộ, nhưng tiểu đoàn vẫn quyết định đánh. Liền đó, chúng tôi chọn khoảng hai chục cán bộ, chiến sĩ gan dạ, tháo vát, kỹ - chiến thuật vững để thực hành trận đánh. Trước khi xuất quân, tiểu đoàn tổ chức một bữa liên hoan chia tay khá thịnh soạn. Nhưng, trước giờ xuất phát hành quân, chúng tôi nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu: dừng ngay, không đánh nữa. Có thể cấp trên cho rằng trinh sát bị lộ nếu đánh sẽ tổn thất lực lượng nòng cốt của Tiểu đoàn 309; cũng có thể dừng lại vì một kế hoạch khác. Cho dù là nguyên do gì - “quân lệnh như sơn”, chúng tôi quyết định dừng trận đánh, tích cực chuẩn bị cho một đợt chiến đấu mới
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 06:20:55 am »


*

*       *

        Đến cuối năm 1967 tình hình chung ở các tỉnh miền Tây đã sáng sủa hơn trước rất nhiều. Mặc dù Mỹ - ngụy đã đẩy chiến lược “Chiến tranh cục bộ” lên đến đỉnh cao, với hai cuộc phân công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967, nhưng hai gọng kìm “tìm diệt và “bình định” của chúng gần như bị bẻ gãy. Sư đoàn 9 Mỹ xuống Khu 8 để “dành” chiến trường miền Tây cho Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21 ngụy tha hồ “binh định”; nhưng địch bị căng kéo, bị đánh khắp nơi. Vùng giai phóng của ta được mở rộng. Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 từ U Minh Hạ đã chuyển lên U Minh Thượng, tiện cho việc chỉ đạo chủ lực của khu tác chiến.

        Vào lúc đó, lớp cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn như chúng tôi hoàn toàn chưa biết gì về chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sau này, qua tìm hiểu, tôi mới hay rằng, tháng 10 năm 1967, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam họp mở rộng, có đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 9 dự, đã bàn thảo việc thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương Đảng tiến hành cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào Tết Mậu Thân trên khắp chiến trường miền Nam, chuyển cách mạng miền Nam sang giai đoạn tiến công địch, giành thắng lợi quyết định.

        Để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Thường vụ khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định sử dụng chủ lực quân khu đánh tập trung quy mô lớn, kết hợp với đòn nổi dậy của quần chúng nhân dân ở các thị xã, thị trấn, trọng điểm là Cần Thơ, Vĩnh Long. Theo đó, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập cấp lữ đoàn thay cho trung đoàn, lấy phiên hiệu là Lữ đoàn 3117. Biên chế của Lữ đoàn 3117 gồm các tiểu đoàn 309, 307, 303 và các đại đội trực thuộc của Trung đoàn 1 U Minh, Tiểu đoàn Tây Đô của tỉnh Cần Thơ, Tiểu đoàn 962. Tiểu đoàn pháo binh hỗn hợp 2311 của quân khu là lực lượng phối hợp. Lữ đoàn trưởng là anh Võ Minh Như (Chín Hiền), anh Tư Bằng – nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 309 là Chính ủy, anh Võ Văn Đường (Ba Tôn) là Lữ đoàn phó, anh Bùi Hữu My (Huỳnh My) là Phó chính ủy…

        Sau khi ổn định tổ chức biên chế, địa bàn hoạt động của các tiểu đoàn có chút ít điều chỉnh - tập trung về huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành tỉnh Cần Thơ. Tiểu đoàn 309 chúng tôi hoạt động ở Phụng Hiệp. Bước điều chỉnh mới nằm trong chủ định của Quân khu là trong Tổng tiến công vào đầu Xuân Mậu Thân, chúng tôi sẽ đánh vào thành phố Cần Thơ.

        Thành phố Cần Thơ là cơ quan đầu não của Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4 ngụy. Ở đây có nhiều mục tiêu trọng yếu như Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 nằm trên trục lộ Hòa Bình, Bộ chỉ huy tiểu khu Phong Dinh trên đường Nguyễn Trãi, Đài phát thanh Cần Thơ trên đường Mạc Tử Sanh (nay là đường 30-4), trụ sở phái đoàn MAAG của Mỹ ở đường Hùng Vương, tòa lãnh sứ quán Mỹ ở đường Hòa Bình, sân bay Lộ Tẻ với không đoàn 73, sân bay Trà Nóc với không đoàn 73, thuộc Sư đoàn 4 không quân ngụy,…

        Ở Cần Thơ, tất cả các căn cứ quân sự, kho tàng, trận địa pháo… đều được bố phòng cẩn mật. Hệ thống chướng ngại bao quanh từng cứ điểm, mục tiêu, gồm nhiều loại dây thép gai, chông, mìn dày đặc. Các lực lượng bộ binh, cơ giới, cảnh sát, mật vụ, quân cảnh… triển khai tuần tra, canh gác thành nhiều vòng, chốt chặn tất cả các trục giao thông, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng từ ngoài vào trong. Do phía bắc là sông Hậu, nên địch phòng thủ chủ yếu ở hướng nam. Trong đó tuyến lộ Vòng Cung chạy song song với sông Cần Thơ, từ cầu Cái Răng vào Phong Điền, Ba Xe, đi qua sáu xã ngoại ô, ôm lấy phía nam, tây và tây bắc thị xã được địch bố trí lực lượng dày đặc với vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại, hòng chặn đứng các mũi tiến công của ta từ vòng ngoài.

        Trước đây, để nắm tình hình địch, sau khi bàn bạc với các anh trong Ban chỉ huy tiểu đoàn, có lần tôi đã mạo hiểm, cải dạng thành một “hai lúa” thực thụ, từ Phụng Hiệp đạp xe lên thỉ xã chơi. Vào phố, qua chợ… chỉ biết đi và nhìn, không nói vì sợ lộ tiếng Bắc. Cũng vì vậy mà tôi có biết sơ bộ địch tình, dân tình ở Cần Thơ. Có lần đi, tôi báo cáo, cũng có lần đi lén, bị tiểu đoàn trưởng và chính trị viên rầy la.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 06:23:12 am »


        Bước vào Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, ở Khu 9 có hai trọng điểm: Cần Thơ là trọng điểm 1, Vĩnh Long là trọng điểm 2. Khu ủy Khu 9 thành lập Ban chỉ huy thống nhất trực tiếp chỉ đạo tổng tiến công ở trọng điểm 1, gồm các đồng chí trong Thường vụ khu ủy Bộ Tư lệnh Quân khu. Anh Chín Hiền - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3117 là một thành viên của Ban chỉ huy thống nhất.

        Mệnh lệnh của trên phải tuyệt đối giữ bí mật đến phút chót, nên khi được lệnh của lữ đoàn tổ chức cho bộ đội ăn Tết trước, chúng tôi cũng chỉ nghĩ đến sắp tới sẽ có một trận, một đợt ra quân nào đó, như những lần trước.

        Thực hiện lệnh của trên, vừa làm công tác vũ trang tuyên truyền ở các địa phương thuộc huyện Phụng Hiệp, chúng tôi vừa khẩn trương tổ chức cho bộ đội ăn Tết Nguyên đán sớm. Đang sống trong dân, thấy chúng tôi rục rịch chuẩn bị đánh lớn, chưa anh em nào nói gì chuyện tết nhất, thì các gia đình đã chủ động lo Tết cho bộ đội rồi. Nhà này vài ký thịt heo, nhà kia con gà, cặp vịt Xiêm, mấy ký gạo nếp… Vậy là bộ đội có một cái Tết tươm tất. Nhà nào cũng muốn co kéo bộ đội về ăn Tết! Công việc gấp gáp, nhưng chúng tôi vẫn phải chia nhau đi khắp những gia đình thân quen, không đến được là các tía, các má trách hoài.

        Trong khi các xóm ấp đang vui Tết, mừng Xuân mới, chúng tôi nhận lệnh hành quân chiến đấu. Lệnh của trên là: đánh vào Cần Thơ, đánh lớn và chuẩn bị khả năng đánh dài ngày. Vậy là mọi chuyện đã rõ! Sau này qua nghiên cứu, tìm hiểu, mới biết Tết Mậu Thân 1968 Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy (khi đó gọi là Tổng công kích - tổng khởi nghĩa) đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam trọng tâm là đánh vào Sài Gòn, Huế, Cần Thơ…, đưa chiến tranh vào tận sào huyệt của địch. Ta muốn giáng một đòn quyết định, chấp nhận tổn thất, nhưng phải ra một đòn chiến lược, như lời của đồng chí cố Tổng Bí thư của Đảng - Lê Duẩn là: phải làm một cú “bombarder” - đánh bom, làm cho tung tóe ra - làm lung lay, đi tới đánh gục ý chí xâm lược của đối phương, tạo khúc ngoặt quyết định buộc Mỹ từng bước “xuống thang”, chiến tranh xâm lược.

        Bước vào chiến dịch, theo kế hoạch, Tiểu đoàn 303 xuất phát trước; sau đó là Tiểu đoàn 307 rồi đến tiểu đoàn tôi. Trước ngày xuất quân, đơn vị nào cũng tổ chức lễ tuyên thệ; cán bộ, chiến sĩ cùng nắm tay xin thề quyết giành thắng lợi, dù có phải hy sinh và hẹn cùng nhau đón xuân mới tại thành phố Cần Thơ.

        Ngày 29 Tết (30 tháng 1 năm 1968), Tiểu đoàn 303 và Tiểu đoàn 307 chính thức xuất quân. Do ở xa, nhận nhiệm vụ muộn hơn, nên chiều 30 Tết, Tiểu đoàn 309 mới được lệnh hành quân. Thật khó tả nổi tâm trạng của mỗi người lính chúng tôi lúc đó. Vào đúng thời điểm lắng đọng nhất, thiêng liêng nhất của một năm - thời điểm cần sự hội ngộ, giao hòa… thì chúng tôi lại ba lô, súng ống lên đường, xuống thuyền hướng về lộ Vòng Cung. Đi qua xóm ấp nào, bà con cô bác nơi đó đều chặn lại thăm hỏi, tặng quà. Đặc biệt, bà con tuyến lộ Vòng Cung, mặc dù nằm trong vòng kiềm tỏa của kẻ địch, vẫn hồ hởi đón rước chúng tôi với tình cảm sâu đậm hơn cả người thân. Nhiều má, nhiều em đứng lặng nhìn đoàn thuyền lặng lẽ lao đi trên những dòng kinh trong chiều 30 Tết, mà không cầm được nước mắt. Toàn tiểu đoàn hành quân suốt đêm 30 Tết. Phút giao thừa thiêng liêng, cũng như mấy cái Tết qua, với chiếc rađiô mang theo, chúng tôi hồi hộp nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. Thật xúc động biết bao, trong cái mênh mông thăm thẳm của đêm 30, trong thời khắc giao chuyển đất trời, chúng tôi nghe trọn lời thơ của Bác:

                                     “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
                                     Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
                                     Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
                                     Tiên lên!
                                     Toàn thắng ắt vế ta”.


        Vậy là, ra trận lần này, hành trang, sức mạnh của chúng tôi không chỉ là súng đạn, lòng căm thù giặc, mà còn có tình thương yêu sâu nặng của bà con cô bác gần xa, tình quê hương gia đình từ phương Bắc gửi gắm và trên hết là lời động viên, mệnh lệnh chiến đấu của Bác Hồ. Không ai bảo ai, chúng tôi thầm hứa với Bác sẽ quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 06:24:57 am »


        Khoảng 8 giờ sáng mùng 2 Tết, tiểu đoàn hành quân vào ngoại ô thành phố. Hành quân liên tục nửa ngày, một đêm, anh em phản ảnh lên rằng bộ đội đói quá; mặc dù có bánh trái bà con dúi cho dọc đường. Sau mấy phút hội ý Ban chỉ huy, anh Tư Trạch - Tiểu đoàn trưởng quyết định cho bộ đội dừng lại, thổi cơm. Chỉ sau một giờ, bộ đội tổ chức ăn uống xong, chúng tôi phát lệnh tiến công đánh chiếm các mục tiêu: Khu văn hóa, đồn cảnh sát trên đường Tự Đức (nay là đường Lý Tự Trọng)… Tuy nhiên, tình thế ở Cần Thơ đã có những biến chuyển bất lợi cho ta. Sau một ngày bị Tiểu đoàn 303, Tiểu đoàn 307 cùng Tiểu đoàn Tây Đô… bất ngờ tiến công, gây cho một số tổn thất, Trung đoàn 31 ngụy, Tiểu đoàn 44 biệt động quân… đã phân tuyến phản kích lại; đồng thời tư lệnh Vùng 4 ngụy đã lệnh huy động máy bay, pháo oanh kích dữ dội, hòng đánh bật lực lượng của ta khỏi hệ thống công sự trận địa để dễ bề tiêu diệt. Vì vậy cả hướng tiến của hai tiểu đoàn bạn cũng như Tiểu đoàn 309 chúng tôi đều gặp khó khăn. Suốt ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, ta không tiến thêm được. Các đơn vị đều bị tổn thất.

        Trước tình hình đó, Ban chỉ huy thống nhất lệnh cho các đơn vị rút quân khỏi nội ô Cần Thơ. Chấp hành mệnh lệnh trên, ngày mùng 4 Tết (ngày 2 tháng 2) chúng tôi tổ chức cho tiểu đoàn lùi ra lộ Vòng Cung, đóng ở xã Bình Thủy, thiết lập trận địa đánh địch phản kích; bổ sung lực lượng, chuẩn bị vào Cần Thơ đánh tiếp. Dọc đường rút lui, các đơn vị đều bị phi pháo địch oanh kích, đánh chặn quyết liệt, nhất là Tiểu đoàn 303 - đơn vị đánh vào thị xã sâu nhất. Bộ đội vừa chiến đấu mở đường rút quân, vừa chuyển thương binh, tử sĩ ra vùng ven.

        Trên tuyến chốt giữ ở lộ Vòng Cung, tiểu đoàn tôi cùng đơn vị bạn liên tục chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch. Điển hình là trận đánh địch phản kích của Tiểu đoàn 307 ở khu vực Mường Củi xã An Bình vào ngày mùng 4 Tết, ta diệt trên 100 tên địch. Tiếp đó, ngày mùng 8 Tết, Tiểu đoàn 309 đã tổ chức một trận xuất sắc, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn dù thuộc lực lượng tổng trù bị của Bộ tư lệnh Vùng 4 đến phản kích, diệt hàng trăm tên.

        Thời gian này, qua theo dõi rađiô, tôi biết được cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã nổ ra đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam. Quân giải phóng đã tiến công làm chủ hoàn toàn thành phố Huế, đánh vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu ngụy,… Tin chiến thắng toàn Miền làm ngây ngất lòng người; động viên, cổ vũ chúng tôi tiếp tục chiến đấu góp phần tạo nên khúc tráng ca chào Xuân 1968. Tuy nhiên, do cách tính lịch giữa hai miền khác nhau, nên miền Trung đã nổ súng trước Nam Bộ một ngày. Bị đánh động từ trước, Vùng 4 chiến thuật đã có một khoảng thời gian bố phòng. Yếu tố bí mật, bất ngờ không còn đối với chúng tôi khi đánh vào Cần Thơ. Đây là một điều bất lợi.

        Để tăng cường sức phòng thủ cho Vùng 4 chiến thuật, trung tuần tháng Giêng Mậu Thân, một bộ phận thuộc Sư đoàn 9 Mỹ ở Đồng Tâm đã được tung xuống Cần Thơ. Để dọn đường, chuẩn bị bãi đáp cho quân Mỹ, đồng thời cũng để cho “cộng quân” thấy sức mạnh của quân viễn chinh Mỹ, bởi đây là lần đầu tiên lính Mỹ xuống chiến trường miền Tây, địch đã huy động tối đa hỏa lực các cụm pháo ở Cần Thơ, Vị Thanh…, pháo các hạm tàu trên sông Hậu cấp tập hàng nghìn quả vào tuyến lộ Vòng Cung. Hết pháo đến bom. Đất trời Cần Thơ quay cuồng, nghiêng ngả vì mưa bom bão đạn. Nhà cửa đổ sập, cây cối bị tiện đứt đổ rào rào. Mặt đất rung lên từng chập.

        Sau hàng giờ oanh kích dữ dội, tưởng chúng tôi đã tiêu biến thành tro, nếu không sớm lui quân, Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 lính Mỹ được trực thăng đổ xuống Cần Thơ. Ngay sau khi chạm đất, được sự hỗ trợ của ba tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn thiết giáp ngụy, Tiểu đoàn 3 Mỹ tiến hành phản kích vào các xã An Bình, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân,…

        Lần đầu tiên đối đầu với chủ lực Mỹ, trong tình thế đã hơn nửa tháng trời quần nhau với quân ngụy, thương vong nhiều, đã có anh em tỏ vẻ lo lắng. Ban chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi hội ý trong chốc lát, xác định phải nắm chắc đối tượng tác chiến là lính Mỹ - từ đó phân tích để cán bộ, chiến sĩ ta thấy được mặt mạnh, mặt yếu của chúng, xây dựng quyết tâm đánh thắng Mỹ. Với tinh thần đó, tôi cùng tiểu đoàn trưởng chọn vị trí thích hợp ở sở chỉ huy theo dõi kỹ mọi diễn biến tình hình, đặc biệt là hành động thực hành chiến đấu của lính Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 06:27:50 am »


        Sau một chập cho pháo bầy, máy bay oanh kích giữ dội dọn bãi, lính Mỹ đứa nào đứa nấy đầu đội mũ sắt, quần áo rằn ri màu xanh lá cây, thắt lưng treo kín đạn cối cá nhân M79 lừng lững tiến về phía chúng tôi. Quân Mỹ bố trí đội hình, động tác cá nhân hết sức bài bản; nhưng độ tinh ranh, khôn khéo lợi dụng địa hình địa vật… thì kém xa quân ngụy. Qua theo dõi, chúng tôi thấy lính Mỹ có ưu thế vượt trội về hỏa lực, tác chiến trong thế phân tuyến; nhưng sẽ khó khăn nếu chúng ta bám riết, đánh gần; phát huy cao độ sự nhanh nhạy, dũng mãnh của từng chiến sĩ. Thú thực, lúc đó, chúng tôi chưa được phổ biến kinh nghiệm “bám thắt lưng Mỹ mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đúc kết qua thực tiễn chỉ đạo đánh Mỹ ở miền Trung, miền Đông Nam Bộ, mà chỉ tư duy trực quan.

        Từ kết luận bước đầu: đánh Mỹ không khó, chúng tôi tập trung làm công tác tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ, động viên anh em tích cực chuẩn bị, đặc biệt chú ý củng cố công sự thật vững chắc để giáng một đòn phủ đầu đối với quân Mỹ.

        Ngày 19 tháng 2, quân Mỹ được hỗ trợ của bộ binh ngụy và pháo binh bắt đầu phản kích vào tuyến phòng thủ của các tiểu đoàn 309, 307, 303 ở khu vực lộ Vòng Cung. Cũng như các tiểu đoàn bạn, Tiểu đoàn 309 đã chiến đấu kiên cường, trụ bám từng căn nhà, bờ đất, quần lộn với địch. Suốt một ngày, địch không chọc thủng trận địa phòng ngự của tiểu đoàn; mặc dù cây cối, nhà cửa đổ nát, xóm ấp tan hoang. Cuối ngày, địch đóng cụm lại ở Ngả Bát - rạch Nước Lạnh, gần đội hình Tiểu đoàn 309. Ngày hôm sau, thừa lệnh chỉ huy lữ đoàn, Tiểu đoàn 309 tập trung lực lượng tập kích cụm quân địch ớ Ngả Bát. Lực lượng địch ở đây chừng một tiểu đoàn. Trận đánh diễn ra gần một giờ. Địch núng thế, phải lùi về chốt ở một ví trí cách chúng tôi gần 300 mét, bỏ lại gần một trăm xác chết. Chúng tôi thu được gần bốn chục máy móc các loại; nhưng trận này tiểu đoàn tổn thất nặng, hy sinh gần 200 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu do pháo địch bắn trúng đội hình trong quá trình tiềm nhập cụm quân địch. Sau vài ngày, chiến sự vẫn diễn ra ở thế đôi công, tiểu đoàn tôi được lệnh lùi về bên kia rạch Miếu Ông. Tiểu đoàn 303 và Tiểu đoàn 307 tiếp tục ở lại quần nhau với quân Mỹ.

        Sau khi sang rạch Miếu Ông, tiểu đoàn tổ chức nhiều trận tập kích, phản kích Sư đoàn 21 ngụy; giam chân lực lượng này ngoài đồng trong một thời gian khá dài, “chia lửa”, tạo điều kiện cho đơn vị bạn đánh địch ở vùng ven thành phố. Trong một trận đánh ở khu vực rạch Miếu Ông, tôi bị thương ở mông; cũng may chỉ dính đạn ở phần mềm, nên anh em sát trùng, băng bó qua loa là tôi tiếp tục chỉ huy chiến đấu được. Đây là lần thứ ba tôi bị thương trong chiến đấu.

        Thực tiễn chiến đấu trên chiến trường miền Tây giúp chúng tôi khái quát một kinh nghiệm “xương máu” là: để giảm thương vong, đánh địch có hiệu quả, cần phải tích cực cơ động. ngoài những trường hợp nhất thiết phải cấu trúc trận địa phòng ngự kiên cố, dài hơi, phải thường xuyên thay đổi vị trí đóng quân. Nay chỗ này, mai chỗ khác “lai vô ảnh - khứ vô tung” - như chiến thuật du kích người xưa từng dạy. Với chiến thuật đó, kẻ địch sẽ chẳng biết đâu mà lần, luôn luôn ở vào thế bất ngờ bị ta tập kích… Cũng với tinh thần đó, sau một thời gian chốt giữ ở rạch Miếu Ông, chúng tôi tổ chức cho tiểu đoàn chuyển sang rạch Lò Rèn. Nhưng lần này, do địch cảnh giác, điều nghiên từ trước, nên khi tiểu đoàn hành quân về vị trí mới, vừa ổn định đội hình thì tư lệnh Vùng 4 ngụy điều ngay tiểu đoàn thủy quân lục chiến đánh tạt sườn chúng tôi. Từ hạm đội trên sông Hậu, tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ, kết hợp phi pháo, nhanh chóng tập kích vị trí đứng chân của chúng tôi, hòng “cất vó” gọn tiểu đoàn. Nhưng lính U Minh đâu dễ để cho địch muốn làm gì thì làm. Suốt mấy ngày chúng tôi quần nhau với địch, cả lính thủy đánh bộ, cả phi pháo. âm mưu “cất vó” bất ngờ của địch không thực hiện được, ta tiêu diệt một phần sinh lực địch; thu nhiều súng đạn, máy thông tin.

        Tuy nhiên, cầm cự dai dẳng với địch hàng tháng ròng, lực lượng của tiểu đoàn cũng hao hụt dần. Có đại đội khi vào Cần Thơ với trên một trăm cán bộ, chiến sĩ, sau hai tháng quần lộn với địch, chỉ còn trên 10 tay súng; toàn tiểu đoàn còn trên một trăm quân. Các đơn vị đều phải căng mình ra, chiến đấu hết trận này sang trận khác, đánh địch triền miên; không còn thời gian, điều kiện để củng cố lực lượng. Công tác đảm bảo cho bộ đội chiến đấu gặp muôn vàn khó khăn; vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm vơi dần…; ăn uống, sinh hoạt của bộ đội ngày một khó khăn. Chiến sự ác liệt, đạn bom dữ dằn suốt ngày này sang ngày khác, sinh hoạt khó khăn thiếu thốn; thương vong nhiều… đã làm cho một số anh em nhụt chí, có chiến sĩ đã bỏ về tuyến sau.

        Biết là tình thế hết sức khó khăn, nhưng chấp hành lệnh của trên, tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội tiếp tục đánh giam chân Sư đoàn 21 ngụy đến đầu tháng 4, và chủ động chờ thời cơ để đánh vào Cần Thơ đợt 2.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM