Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:43:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44374 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:26:07 am »


        Ngày 2 tháng 9 năm 1954, một cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, kỷ niệm ngày Quốc khánh được tổ chức ở Tiên Yên. Lần đầu tiên tôi được sống trong không khí ngày lễ Quốc khánh, tràn ngập niềm hạnh phúc của người dân một đất nước độc lập, tự do, sau những năm dài chiến tranh, đạn bom, đau thương, bi tráng.

        Những tháng cuối năm 1954, đầu năm 1955, tiểu đoàn chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ củng cố, bảo vệ vùng giải phóng, xây dựng cơ sở chính trị ở Tiên Yên, Khe Tu, Mũi Chùa… và chuẩn bị mọi mặt để tham gia tiếp quản khu Hồng Quảng (thuộc khu vực tập kết 300 ngày).

        Việc tiếp quản khu vực Hồng Quảng được chia làm nhiều đợt. Trung đoàn 238 được giao nhiệm vụ tiếp quản đợt đầu. Lúc này, Ban chỉ huy trung đoàn có đồng chí Trương Cao Dũng - Trung đoàn trưởng, đồng chí Long Xuyên - Trung đoàn phó, đồng chí Trần Đức - Phó chính ủy. Bộ chỉ huy tiếp quản khu vực 300 ngày chỉ thị cho trung đoàn khi vào tiếp quản vùng mỏ phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật, giữ vững an ninh trật tự, không để xảy ra một tiếng nổ khiến đối phương vin cớ trì hoãn việc rút quân.

        Nhận lệnh của trên, sau khi cho một trung đội trinh sát bí mật đi trước nắm tình hình và bảo vệ quãng đường mà đơn vị hành quân vào tiếp quản từ Mông Dương, đến Cửa ông, Cẩm Phả…, ngày 21 tháng 4 năm 1955, tiểu đoàn chúng tôi đã có mặt tại vị trí tập kết cách Mông Dương sáu cây số. Toàn đơn vị chuẩn bị chu đáo lần cuối để sáng hôm sau tiến vào Cửa ông. Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với nữ nhà báo nổi tiếng người Pháp - chỉ Mađờlen Ripphô. Nữ nhà báo đã trò chuyện thân mật với chúng tôi bằng tiếng Việt và năng nổ ghi lại những hình ảnh bộ đội ta vào tiếp quản vùng mỏ.

        Ba giờ sáng ngày 22 tháng 4 năm 1955, toàn đơn vị được lệnh xuất phát. Tiểu đoàn chúng tôi do Tiểu đoàn trưởng Đinh Văn Kế chỉ huy, vinh dự được cùng trung đoàn bộ vào tiếp quản Cửa ông. Tiểu đoàn 434 tiếp quản Cẩm Phả Mỏ. Tiểu đoàn 48 (Bạch Đằng) tiếp quản Quan Lạn, quần đảo Kế Bào,…

        Để chuẩn bị cho bộ đội vượt sông ở Mông Dương, đồng bào quanh vùng đã huy động thuyền xếp ngang mặt sông, rồi rải bè tre dọc lối đi, như cầu phao. Đồng bào ở bờ nam sông, đèn đuốc sẵn sàng đón chúng tôi. Cảnh bến sông như đêm hội hoa đăng.

        Gần trưa ngày 22 tháng 4, theo các vị trí đã phân công, toàn tiểu đoàn chúng tôi tiến vào tiếp quản khu vực Cửa Ông.

        Lúc này tôi đã được cất nhắc làm tiểu đội phó và vinh dự là người đầu tiên vào nhận vị trí gác của tên lính Pháp tại đồn Cửa ông.

        Có chi tiết còn lưu đậm trong trí nhớ của tôi, là khi đó cả tiểu đội không có anh nào có được một bộ quân phục tươm tất. Qua bao tháng ngày chiến đấu, dãi gió dầm mưa, tấm áo manh quần không rách thì cũng phai bạc. Nhưng, với tư thế của những người chiến thắng, toàn tiểu đội, anh nào anh nấy trông cũng gọn gàng, chững chạc; lá ngụy trang quấn đầy mình.

        Đứng nghiêm trang trong bốt gác, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ đồn Cửa Ông giữa trời xanh lộng gió và nhìn đám lính Pháp tiu nghỉu, lục tục rút quân, trong tôi trào dâng niềm xúc động, tự hào.

        Sau Cửa ông, chúng tôi về tiếp quản vùng mỏ Cọc Sáu, rồi bàn giao lại cho lực lượng Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng sau này).

        Cùng thời gian chúng tôi tiếp quản Cửa ông, Trung đoàn 248, Tiểu đoàn 244 Trung đoàn 64 tiếp quản Uông Bí, Quảng Yên, Bãi Cháy, Hồng Gai, Hà Tu, Hà Lầm. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ tiếp quản, Ủy ban quân quản khu Hồng Quảng được thành lập và đồng chí Trương Cao Dũng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 238 được chỉ định làm Chủ tịch.

        Ngày 25 tháng 4 năm 1955, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi vùng mỏ giàu đẹp của Tổ quốc ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:34:16 am »

       
*

*       *

        Kết thúc nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng; toàn quân chuyển sang thời kỳ huấn luyện, xây dựng, cùng nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, ổn đính cuộc sống.

        Cuối năm 1955, tôi được cử đi đào tạo hạ sĩ quan tại Trường Hạ sĩ quan Quân khu Đông Bắc ở Đông Ngũ, Tiên Yên, Quảng Ninh.

        Sau 6 tháng rèn dũa đến nơi đến chốn, hoàn thành khóa “võ bị” cơ bản đầu tiên trong đời binh nghiệp, tôi trở về trung đoàn tiếp tục công tác. Lúc này, Trung đoàn 238 thuộc biên chế Sư đoàn 332. Sư đoàn 332 được thành lập tháng 6 năm 1955, với lực lượng nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực và bộ đội địa phương Liên khu 3.

        Từ năm 1956, đặc biệt sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết 12 (tháng 3 năm 1957), quân đội bước vào thời kỳ xây dựng chính quy hiện đại.

        Mùa hè năm 1957, chúng tôi được học tập, quán triệt Nghị quyết 12 về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Nội dung có nhiều, nhưng khi đó chúng tôi nhập tâm mấy khái niệm Quân đội phải bảo đảm “ngũ thống - tứ tính”; có lực lượng thường trực tinh nhuệ và hậu bị mạnh.

        Năm 1958, với chủ trương tinh giản điều chỉnh lực lượng, chuyển 23 vạn quân thường trực sang xây dựng kinh tế, Sư đoàn 332 có quyết định giải thể. Trung đoàn 238 chuyển về trực thuộc Quân khu Tả Ngạn. Lúc này, tôi giữ chức trung đội phó, được đề bạt thượng sĩ; chỉ có quyết định đề bạt, không có quân hàm. Chuyển thuộc Quân khu Tả Ngạn, trung đoàn đứng chân ở Bích Du huyện Thái Ninh tỉnh Thái Bình, cạnh sông Trà Lý và gần chợ Câu.

        Thời gian này, bộ đội tập trung xây dựng, huấn luyện và vận động quần chúng - chủ yếu là vận động bà con nông dân thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp. Thái Bình là đất thuần nông, chỉ số ít dân cư ven biển làm ngư nghiệp. Vì vậy, thắng lợi của hợp tác hóa nông nghiệp ở nơi gọi là “vựa thóc”, là “vùng lúa”, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phong trào hợp tác hóa nông nghiệp trên miền Bắc, là tiền đề để đồng bằng sông Hồng thực hiện được khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chi viện cho chiến trường trong những năm đánh Mỹ. Để người nông dân suốt bao đời đấu tranh, làm lụng mới có được “thước đất cắm dùi” và con trâu “là đầu cơ nghiệp”, nay tự nguyện đưa những “báu vật” đó vào sở hữu tập thể, là cả một cuộc đấu tranh giằng co gay gắt; một cuộc đấu tranh giai cấp thực sự trên lĩnh vực tư tưởng. Vì vậy, trong quá trình tham gia vận động quần chúng, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp khá “rắn”. Nhiều trường hợp cha mẹ từ con, đánh đập con, khi con phản đối gia đình không vào hợp tác xã. Có đôi uyên ương sắp thành vợ chồng đến nơi đã buộc phải chia tay, vì chú rể hoặc cô dâu tương lai không thuyết phục được gia đình vào hợp tác Tuy nhiên, với niềm tin sắt son vào Đảng, Bác Hồ, với tình yêu quê hương đất nước và truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái…, lần lượt mọi người dân đều vào hợp tác xã. Phong trào hợp tác hóa cùng với những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao rộng khắp, sôi nổi đã làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới từng ngày.

        Nhớ về những tháng ngày tham gia vận động quần chúng ở Thái Bình, tôi càng cảm phục nhà thơ Tố Hữu đã có được một “bức tranh quê” vô cùng hiện thực, sống động:

                                               “Dân có ruộng dập dìu hợp tác
                                               Lúa mượt đồng ấm áp làng quê
                                               Chiêm mùa cờ đỏ ven đê
                                               Sớm khuya tiếng trống đi về trong thôn…”.


        Thời gian này, xen kẽ giữa các kỳ huấn luyện, chúng tôi triển khai tăng gia sản xuất, xây dựng doanh trại. Ngày ấy, ở các đơn vị trực thuộc quân khu, đa phần bộ đội ở nhờ nhà dân. Chỉ có Ban chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn mới có doanh trại. Rồi một mùa mưa bão qua, những căn nhà tranh tre nứa lá nơi “đầu sóng ngọn gió” lại tốc mái, gãy cột kèo, xuống cấp nghiêm trọng… Với chủ trương từng bước đưa bộ đội ra khỏi nhà dân, sinh hoạt tập trung, xây dựng chính quy; ngoài thời gian huấn luyện, bộ đội được huy động xây dựng doanh trại.

        Khi Trung đoàn 238 chuyển từ Bích Du về Thái Thụy, gần sông Trà Lý, tiến hành xây dựng doanh trại, Tiểu đoàn 434 chuyên đóng gạch, Tiểu đoàn 432 chuyên xây dựng, còn Tiểu đoàn 433 chúng tôi có nhiệm vụ lên Mai Sưu (Bắc Giang) khai thác tre, gỗ. Khi đó, nhiệm vụ của trung đội chúng tôi là chuyển số tre, gỗ đã được anh em chặt ở trong rừng ra bến sông (bến Bò) để xuôi bè mang về Thái Bình. Làm anh thợ “sơn tràng” khai thác gỗ thật vô cùng cực nhọc, nhưng những ngày đi khai thác gỗ được tự do, thoải mái hơn khi huấn luyện điều lệnh…, nên anh nào cũng phấn khởi, làm việc nhiệt tình, hiệu quả.

        Để kéo gỗ từ rừng ra bến sông, sức người không kham nổi. Vì vậy, trung đội tôi được giao tìm mua và quản lý ba chục con trâu. Một hôm, nghe anh em báo cáo thiếu mất một con, đã cho tìm kỹ xung quanh khu vực chuyển gỗ nhưng không tung tích gì. Có anh em nghi ngại là trâu bị hổ ăn thịt. Sau khi cho tìm kỹ, không thấy dấu vết gì, tôi khẳng định con trâu này đã tìm đường về nhà. Bởi từ những ngày chăn trâu, cắt cỏ, tôi đã từng nghe người già dạy:

                                              “Lạc đường theo chân chó,
                                               Lạc ngõ, nắm đuôi trâu”.


        Phải nói, hai trong số lục súc kể trên rất giỏi nhớ đường; trong khi đó, địa phương mà chúng tôi mua trâu cách chỗ khai thác gỗ không xa mấy. Lập tức, ngay đêm đó tôi đuổi theo, đi suốt đêm. Mờ sáng hôm sau, trâu về đến nhà chủ thì tôi cũng có mặt ở đó. Thấy tôi kể lại sự tình, bà con ở đây ai nấy đều hoảng hồn, bởi rừng Mai Sưu ngày ấy rất nhiều thú dữ, nhất là hổ. Thật may mắn làm sao mà cả tôi và trâu không bị hổ làm thịt!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 09:33:25 am »


*

*       *

        Thực hiện một bước điều chỉnh tổ chức biên chế quân đội, cuối năm 1958, Trung đoàn 238 giải thể. Tôi cùng một số anh em được điều về Tiểu đoàn 29 trực thuộc Tỉnh đội Thái Bình. Tiểu đoàn bộ đóng ở Tiền Hải. Cuối năm đó, trong đợt thụ phong quân hàm đầu tiên trong toàn quân, tôi được phong chuẩn úy. Lúc này, Tiểu đoàn 29 không có quân. Cán bộ khung hàng năm tổ chức huấn luyện theo kế hoạch, vừa luân phiên xuống huấn luyện dân quân các huyện. Nhiệm vụ không có gì vất vả nhưng lắm khi cũng thấy đơn điệu, không hợp với tính cách của tuổi trẻ thường năng động, thích thử nghiệm. Tuy nhiên, tuổi trẻ cũng hay sống và ứng xử theo cảm tính; thậm chí có anh bị “bệnh sĩ” nặng. Tôi nhớ, những ngày xuống huấn luyện dân quân tự vệ, tiếp xúc nhiều nữ thanh niên, “bệnh sĩ” của một số anh đã có dịp bộc lộ. Khi mới tiếp xúc, thấy chị em nhìn mấy anh trung sĩ, thượng sĩ, rồi trầm trồ: “Mấy thầy đội kia nhiều sao ghê, còn hai thầy đội này (chỉ vào tôi và một cậu người miền Nam là chuẩn úy) trông “cứng” hơn mà chẳng có sao nào”; thế là anh chàng bạn tôi bức xúc ra mặt. Tôi đùa bạn:

        - Muốn người ta không nhầm thì tranh thủ tiếp cận mà “dân vận”.

        Sau này, qua tiếp xúc, phân biệt giữa “gạch vàng” với “gạch bạc”, các thôn nữ thay đổi cách nhìn, thì nỗi “bức xúc” của anh bạn tôi mới giải tỏa. Gần đây, trong một chuyến công tác ở miền Tây Nam Bộ, gặp lại nhau, anh bạn thân vẫn nhắc lại kỷ niệm “gạch vàng, gạch bạc” ngày trước. Đúng là “kỷ niệm sâu sắc” của thời trai trẻ!

        Năm 1960, tôi được điều về Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 - Đại đoàn Đồng Bằng thuộc Quân khu 3. Trung đoàn 64, tiền thân là Trung đoàn 44 thành lập đầu năm 1946. Trải qua 9 năm trường kỳ gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung đoàn 64 đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Bước chân của những người lính Trung đoàn Quyết Thắng, những người con của châu thổ sông Hồng đã in dấu trên khắp mọi nẻo đường chiến đấu; gắn liền với những chiến công vang dội ở Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hà Đông, Sơn Tây,… Và cũng từ thực tiễn khắc phục gian khổ, khó khăn, chiến đấu giành chiến thắng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã xây đắp nên truyền thống Quyết Thắng; được Bác Hồ hai lần khen tặng danh hiệu “Trung đoàn Quyết Thắng”, “Trung đoàn dũng cảm đánh hăng”.

        Được là người lính Trung đoàn Quyết Thắng, người lính của Đại đoàn Đồng Bằng, là vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng tôi. Thời gian tôi về nhận công tác tại trung đoàn, Trung đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Quang Thát, Chính ủy trung đoàn là đồng chí Bùi Đức Tạm. Lúc này, tôi được đề bạt thiếu úy, là đại đội phó.

        Là đơn vị chủ lực cơ động, thời gian này, cùng với các đơn vị thuộc Sư đoàn 320, Trung đoàn 64 bước vào huấn luyện chính quy rất cơ bản, hệ thống, toàn diện. Trọng tâm là huấn luyện đánh tập trung hiệp đồng binh chủng trên mọi địa hình; đặc biệt là địa hình rừng núi và đô thị. Bộ đội được chú trọng rèn luyện sức cơ động bền bỉ, dẻo dai, hành quân đường dài, mang vác nặng trên mọi địa hình, trong mọi thời tiết. Sau một mùa huấn luyện, đơn vị thường tham gia các buổi diễn tập thực binh với các đề mục: “Trung đoàn tiến công địch trên địa hình đồng bằng, sình lầy”, “Trung đoàn phòng ngự”…, do sư đoàn tổ chức. Tư lệnh sư đoàn thời gian này là Trung tá Sùng Lãm. Chính ủy là Thượng tá Lương Tuấn Khang.

        Giữ chức đại đội phó một thời gian, tôi được điều lên làm trợ lý tác chiến tiểu đoàn. Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 3 lúc này đóng ở Tiền Hải (Thái Bình).

        Trong thời gian công tác ở Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 64, vào tháng Chạp năm 1961 - giáp Tết Nhâm Dần (1962), tôi xây dựng gia đình. Làm lễ cưới, dựng vợ, gả chồng cho con cái vào dịp kề cận Tết Nguyên đán gần như là một thói quen của người Việt mình trước đây; con cái đi xa, kết hợp nghỉ Tết, tổ chức cưới hỏi, đúng là một công đôi chuyện.

        Vợ tôi là Trang - bạn cùng làng. Tình cảm nảy nở dung dị, nhẹ nhàng; anh em quý nhau từ thuở chăn trâu, cắt cỏ. Quê hương, đất nước vào hồi chiến tranh, giặc giã; là trai, tôi vào bộ đội. Tám năm tôi xa nhà, Trang ở lại quê hương. Từ một cô gái bé bỏng, tóc hoen nắng, da mặn mòi bùn đất, Trang đã thành một thiếu nữ nhanh nhẹn, tháo vát, là lao động chính, cáng đáng phần lớn việc gia đình và hăng hái tham gia công tác đoàn thể.

        Đầu những năm sáu mươi, miền Bắc đang tiến những bước dài trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đời sống của người dân - đặc biệt là nông thôn khởi sắc từng ngày. Trong bối cảnh đó, đám cưới của chúng tôi được gia đình, đoàn thể tổ chức chu đáo. Hồi đó, ở mấy thôn Đồng Sài, Phù Lãng quê tôi, đám cưới của một sĩ quan quân đội với một thôn nữ, được xem là một “sự kiện” lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 09:36:41 am »


        Hạnh phúc đôi lứa đến với người lính thời nào cũng vậy rất lớn lao mà cũng dung dị, nhẹ nhàng. Sau mấy ngày nghỉ phép, xây dựng gia đình, tôi trở lại đơn vị. có Trang, mẹ tôi vừa thêm một lao động chính, vừa thêm người bạn, bởi lẽ, tiếng là nhà đông con, nhưng thời gian này, anh em chúng tôi, đứa thì thoát ly, người lại về nhà chồng, nên cảnh nhà cũng neo người. Có Trang - một nửa của tôi sớm hôm bên cạnh mẹ nơi quê hương, là niềm hạnh phúc, là chỗ nương tựa về tinh thần, giúp tôi yên tâm, dồn hết tâm sức cho việc quân.

        Đầu năm 1963, tôi được dự khóa đào tạo tại Trường Quân chính Quân khu Tả Ngạn. Thời gian này, Trường Quân chính đóng tại thị xã Hải Dương. Điều kiện vật chất của trường còn đơn sơ, thiếu thốn nhiều; nhưng chương trình đào tạo, kỷ luật rèn dũa học viên rất bài bản, chính quy, chặt chẽ. Đã qua thực tế chiến đấu, nay được trang bị thêm một số vấn đề về lý luận, lý thuyết, chúng tôi trưởng thành thêm nhiều.

        Đang dự khóa tại Trường Quân chính, ngày 1 tháng 12 năm 1963, tôi được Ban Giám hiệu nhà trường thông báo về Kiến An nhận nhiệm vụ mới. Nghe thông báo của Ban Giám hiệu nhà trường mà lòng đầy băn khoăn. Bạn bè rỉ tai là tôi được đi học nước ngoài. Tôi không tin điều đó, vì bản thân thấy công tác, học tập của mình cũng như anh em. Tuy nhiên, ý thức về một nhiệm vụ quan trọng là chắc chắn. Bởi vì, không can cớ gì tự nhiên dừng chương trình học dở dang để làm một việc không đâu vào đâu?

        Chia tay cán bộ Trường Quân chính và anh em đồng khóa, với tâm trạng băn khoăn, thắc thỏm, tôi nhảy tàu hỏa về Hải Phòng rồi sang Kiến An nhận nhiệm vụ.

        Tư lệnh sư đoàn Sùng Lãm, Chính ủy Lương Tuấn Khang đón tôi ân cần và vui vẻ thông báo tôi được chọn đi học nước ngoài. Học ở nước nào, thời gian bao lâu, khi lên cơ quan Bộ Quốc phòng tập trung sẽ biết cụ thể.

        Hắng giọng mấy nhịp, Chính ủy Lương Tuấn Khang dí dỏm dặn:

        - Sắp tới đi xa, đi dài ngày; sư đoàn bố trí để đồng chí tranh thủ thăm gia đình vài ngày; làm công tác tư tưởng để bà cụ và cô ấy thấy được đây không chỉ là vinh dự của đơn vị, bản thân đồng chí mà còn là vinh dự lớn của gia đình. Nhưng, vui duyên mới nhớ đừng trễ phép, nhỡ tàu thì không có lần thứ hai đâu.

        Tôi cảm ơn sự quan tâm ưu ái của thủ trưởng sư đoàn, rồi tranh thủ thăm gia đình mấy ngày.

        Nghe tôi thông báo quân đội cử đi học nước ngoài, gia đình, họ hàng vô cùng phấn khởi. Ngày ấy, cứ nói đi sang Liên Xô, Trung Quốc là chuyện “kinh thiên, động địa” lên rồi. Tranh thủ giúp mẹ và vợ một vài việc vặt trong nhà, ngoài đồng; sửa sang lại chuồng lợn, chuồng gà, làm lại chiếc cổng hư hỏng bởi vắng bàn tay đàn ông…; tổ chức một bữa cơm đạm bạc, chia tay người thân, xóm giềng, tôi nhảy xe đi Hà Nội. Nhưng, mới chỉ mấy ngày thôi, mà mọi chuyện giờ đây đã hoàn toàn khác.

        Hôm tập trung tại Tổng cục Chính trị, thay vì nhận quyết đính đi học nước ngoài, tôi và một số anh em được chọn vào Nam Bộ chiến đấu. Theo thông báo của trên, Bộ quyết định chọn một số cán bộ có kinh nghiệm hoạt động, chiến đấu ở đồng bằng Bắc Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đưa vào đồng bằng sông Cửu Long. Đây là quyết định hoàn toàn mới có chủ định, không phải là phép “giương đông kích tây” của tổ chức - mà như lời đồng chí thay mặt thủ trưởng Tổng cục Chính trị truyền đạt lại, thì ngay cả cơ quan Tổng cục cũng thấy hơi đột ngột.

        Thú thực, lúc đó, trong số anh em được giữ lại để đi B (vào công tác ở miền Nam), cũng có anh hơi bị xốc. Nhưng đã là người lính - đặc biệt là anh lính từng trải những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, từng hát vang khúc quân hành “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, thì mọi chuyện đều nhẹ như lông hồng.

        Khi được hỏi trước quyết định mới của tổ chức, có ý kiến gì không? Tôi trả lời, không một chút đắn đo:

        - Với tôi, đi học nước ngoài hay vào chiến đấu ở miền Nam, đều là nhiệm vụ quân đội phân công. Tuy nhiên, nếu đi B, phải có thời gian để chuẩn bị.

        Thế rồi, dường như để đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi, liền đó, toàn bộ số anh em sẽ đi B được đưa ngay lên Xuân Mai để huấn luyện. Cũng từ đó, hơn nửa năm trời, chúng tôi được huấn luyện với cường độ chưa từng thấy. Ngoài phân ít thời gian học tập chính trị, quán triệt chủ trương đường lối cách mạng miền Nam, tình hình miền Nam sau 4 năm Mỹ - ngụy tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”…, thì thời gian còn lại dồn hết cho huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật; đặc biệt là rèn luyện sức bền bỉ, dẻo dai. Bất chấp ngày hay đêm, mưa hay nắng, bộ đội trần mình trên vùng đồi Xuân Mai. Dai dẳng, kiên trì là nội dung hành quân xa, mang vác nặng. Kinh nghiệm tổ chức các đoàn cán bộ đi B - từ những năm 1961-1962 (đoàn Phương Đông 1, Phương Đông 2…) qua cán bộ huấn luyện truyền đạt lại, cho thấy, nếu không huấn luyện kỹ càng, rất dễ bị gục ngã trên tuyến giao liên Đoàn 559. Với phương pháp huấn luyện từ thấp đến cao, ngày đầu, mỗi người mang ba lô gạch nặng 12 ký, hành quân bộ từ 5 đến 10 cây số, sau đó là 15 - 20 ký đi 15 - 20 cây số, rồi 30 - 32 ký đi 2 0 - 25 cây số,…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 10:36:28 am »


        Đã hơn bốn mươi năm, biết bao sự kiện, biến cố diễn ra với cuộc đời binh nghiệp, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những ngày hè vật lộn với chiếc ba lô gạch trên vùng đồi đá ong Xuân Mai. Nắng hè cùng với gió Lào như đang nung nóng lên hết thảy, thì bỗng chốc mưa rào trút xuống - đường mòn đất đỏ quánh sệt, như níu giữ bàn chân; trong khi đó, chiếc ba lô trên lưng lại muốn kéo giật ngửa người về sau… Mặc, cả đoàn quân vẫn kiên gan, lầm lùi bước.

        Tết Giáp Thìn (1964), đơn vị “cấm trại”. Chúng tôi đón Tết, vui Xuân ở Xuân Mai. Với tâm trạng của một người lính chuẩn bị tạm biệt gia đình, hậu phương, lên đường vào Nam đánh Mỹ, không được về Tết, tôi có viết hai lá thư, một gửi cho vợ và một gửi cho cháu Hưng - cháu gọi tôi bằng cậu. Thật không ngờ, sau mấy chục năm, cháu Hưng vẫn giữ được lá thư ngày ấy của tôi. Thư được viết trên tờ bìa của cuốn vở 48 trang. Xin được dẫn mấy dòng trong lá thư của tôi ngày đó, để bạn đọc hiểu thêm những suy nghĩ không phải của riêng tôi mà của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời dành Mỹ:

        Hưng cháu

        Gần đến ngày cậu tạm biệt cháu, cậu ra đi chiến đấu vì miền Nam Tổ quốc, vì tương lai của các cháu. Cậu ra đi rất nhớ cháu, nhớ gia đình, nhớ quê hương - nơi lớn lên và trưởng thành ở đó. Nhưng biết làm thế nào được, vì đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là. lý tưởng cao cả của cậu và của tất cả đảng viên đối với nhiệm vụ của Đảng. Vì vậy cậu tạm biệt gia đình và những người thân yêu nhất, hy sinh tình cảm tuổi trẻ để phục vụ lợi ích chung…


Ngày 9-1 tức ngày 21-12-1963          
Cậu của cháu                      
Chiến sĩ giải phóng quân miền Nam        
PHẠM VĂN TRÀ                      
       

        Cuối cùng thì sáu tháng huấn luyện cũng kết thúc. Anh nào anh nấy rắn đanh lại, đen đúa, thô ráp, nhưng rắn chắc hơn, tự tin hơn.

        Tạm biệt Xuân Mai, chúng tôi hành quân vào tập kết ở Tây Hồ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, chúng tôi được các đồng chí Tô Ký, Đồng Văn Cống quán triệt tình hình nhiệm vụ, động viên và bố trí chuẩn bị lần cuối thật chu tất cho chuyến hành quân xa.

        Trước ngày lên đường, được sự đồng ý của cấp trên, tôi báo tin cho vợ. Và thật cảm động, mấy ngày sau thì Trang đánh đường vào thăm. Cùng đi với Trang có cháu Hưng - đứa cháu họ rất hợp tính, gần gũi và rất đồng cảm với tôi.

        Thời gian vợ chồng dành cho nhau nơi đất khách tuy ngắn ngủi, nhưng quý giá vô vàn. Biết là sẽ đi xa; thời gian vô định; chiến tranh đang ngày càng quyết liệt, nên trước khi chia tay, tôi dành thời gian viết cho Trang một lá thư. Thư khá dài - từng câu chữ như rút ra từ gan ruột của một người sắp đi xa, đi vào nơi mũi tên, hòn đạn, nên lời lẽ sâu lắng, tình cảm. Trong thư tôi có nói: Lần này tôi đi xa, không biết bao giờ được trở về; chiến tranh ngày càng ác liệt, biết bao may mắn, nhưng không ít rủi ro không lường trước… Vì vậy, nếu lâu mà không thấy tin tức gì của tôi, và nếu có ai yêu thương thì Trang có thể đến với người bạn mới…

        Tôi đặt lá thư viết cho Trang vào hòm quần áo, tư trang tôi gửi lại nhà trước khi đi xa, và dặn là sau hai năm mới được đọc.

        Đàn ông con trai, nghĩ sao viết vậy. Nhưng sau 12 năm đằng đẵng, vợ chồng gặp lại nhau, khi chiến tranh vãn hồi, nước nhà thống nhất, mới biết những dòng thư của tôi ngày ấy đã làm cho Trang đau đớn khôn cùng. Em trách tôi sâu sắc mà lạnh lùng, nghiệt ngã. Sau này mỗi lần nghĩ lại, tôi tự trách mình, nhiều khi quá tỉnh táo, để rồi người thân thương nghĩ là khô cứng, lạnh lùng… âu cũng là suy nghĩ của một thời trẻ trung, bồng bột, giản đơn mọi chuyện.

        Đến ngày lên đường, chúng tôi anh nào anh nấy quân phục, ba lô, súng ống nai nịt gọn gàng, đứng trong hàng quân, điểm danh. chuẩn bị lên xe. Đồng chí Tô Ký đi dọc hàng quân săm soi một lượt. Đến chỗ tôi đồng chí dừng lại và vỗ vai, rồi kéo tôi ra khỏi hàng.

        Lại gặp “nạn” rồi! Một ý nghĩ loáng vụt trong đầu.

        Đúng vậy? Đồng chí Tô Ký nhìn kỹ tôi từ đầu đến chân, rồi ái ngại nói:

        - Có lẽ cậu phải ở lại thôi. Để cậu đi, chúng tôi không yên tâm chút nào. Ở lại một thời gian, tập tành rèn luyện thêm, rồi vào sau, còn hơn đi bây giờ mà rơi rụng dọc đường. Mấy tháng hành quân bộ giữa đại ngàn Trường Sơn, nắng núi, mưa ngàn, đèo cao dốc đứng, nhìn cậu, thấy ba lô lớn hơn người, làm sao trụ nổi?

        Thú thật lúc đó, nhìn tôi nhỏ con, 44 ký (cả áo quần, giày dép), mang ba lô nặng 32 ký, lại còn kèm theo một súng ngắn, một AK, thì ai cũng ái ngại. Nhưng, cũng như bao lần lường trước tình huống bất trắc này, tôi bình tĩnh trình bày nguyện vọng, quyết tâm của mình, khẳng định hơn mười năm rèn luyện trong chiến đấu, chắc chắn tôi sẽ vượt qua những thách đố, khó khăn sắp tới, để không uổng công tập rèn, và không phụ lòng tin yêu của mọi người.

        Nghe tôi nói như đinh đóng cột, đồng chí Tô Ký thì thầm với đồng chí chính ủy trong chốc lát, rồi vui vẻ đẩy tôi vào hàng quân.

        Phút chia xa hậu phương miền Bắc, hơn trăm rưỡi anh em, mỗi người một suy nghĩ, một tâm trạng. Số anh em bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết, đã ngót chục năm sống trong tâm trạng “ngày Bắc, đêm Nam”, nay hồ hởi, phấn chấn, rạo rực, được trở về quê hương. Số anh em quê miền Bắc sẽ bắt đầu một cuộc “trường chinh”; từ đây lùi lại phía sau là quê hương nguồn cội, là hình bóng cha mẹ già, người vợ thủy chung tần tảo… Nhưng, dù Nam hay Bắc, đều có chung một ý nguyện:

                            “Nước còn giặc, còn đi đánh giặc
                            Chiến trường giục giã bước quân hành”.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 10:42:47 am »

       
Chương ba

CHIẾN TRƯỜNG MIỀN TÂY
NHỮNG THÁNG NGÀY THỬ LỬA

        Hoàn tất mọi công việc chuẩn bị, ngày 14 tháng 8 năm 1964, đoàn chúng tôi chính thức lên đường. Tạm biệt miền Bắc - hậu phương với biết bao điều quyến luyến, níu kéo, đoàn xe ô tô của Tổng cục Hậu cần đưa chúng tôi về Nam theo đường số 1. Toàn đoàn trên dưới 160 anh em, hầu hết là sĩ quan cấp úy. Trước khi lên đường, tôi được đề bạt trung úy, mà cũng chỉ có thông báo của chỉ huy đoàn, không được phát quân hàm. Đoàn trưởng là anh Diệm - đại úy. Về tuổi tác, chừng một phần ba anh em đi Nam lần này từ 20 đến 25 tuổi; non hai phần ba tuổi từ 26 đến 35. Chỉ vài anh trên 40 tuổi.

        Dọc đường hành quân càng vào trong, không khí chiến tranh càng hiển hiện đầy đủ sắc màu. Những nòng pháo quấn đầy lá ngụy trang trầm mặc, uy nghiêm đứng canh cầu Hàm Rồng, cầu Bùng, cầu Cấm,… Hầm hố cá nhân cũ, mới rải dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Đây đó, thấp thoáng những căn nhà xây mà tường vôi trắng đã được bôi phủ bởi bùn đất, nhựa đường để che mắt lũ “giặc trời”. Vinh - thủ phủ của miền Trung như bình tĩnh; tự tin hơn trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ. Trên tầng cao mấy khối nhà tầng, thấp thoáng bóng tự vệ với những nòng súng 12,7ly, sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ… Cảnh tình thật ấn tượng, “lãng mạn” về những ngày đầu đánh Mỹ trên miền Bắc. Vào những ngày chúng tôi lên đường đi Nam (khi đó gọi là đi B), lửa chiến tranh đã bùng cháy trên cả hai miền Nam - Bắc. Trước đó hơn một tuần, ngày 5 tháng 8, không quân Mỹ đã ào ạt đánh phá Đồng Hới (Quảng Bình), Vinh - Cửa Hội (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh),… Bà con ở Vinh kể lại, ngày 5 tháng 8, máy bay Mỹ ném bom trúng kho xăng Bến Thủy, mặc dầu xăng dầu ta chuyển sơ tán từ trước, chỉ còn dầu cặn, nhưng khói lửa vẫn bùng cao hàng nghìn mét. Việc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và quân dân hậu phương lớn giáng trả đích đáng lũ “giặc trời” trong trận đầu như tiếp thêm niềm tin, sức lực, nâng bước chúng tôi, động viên mọi người trước một cuộc “trường chinh” mà không nói thì ai cũng biết là vô vàn cam go, thử thách ác liệt.

        Xe ô tô đưa chúng tôi vào đến Vinh. Còn từ đó trở đi là hành quân bộ. Theo đường chiến lược 15, chúng tôi qua Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ai cũng muốn tận hưởng, góp nhặt được một chút gì đó cuối cùng của cuộc sống yên bình nơi hậu phương miền Bắc, dẫu rằng cách đó mấy hôm đã vang rền bom đạn địch. Từ Vĩnh Linh trở vào chúng tôi hành quân theo tuyến giao liên Đông Trường Sơn - Đoàn 559. Thời gian này, Đoàn 559 đã “lật cánh” sang tổ chức tuyến vận tải và giao liên hành quân trên đất bạn Lào trên sườn Tây Trường Sơn. Tuy nhiên ở Đông Trường Sơn, Bộ Tư lệnh 559 vẫn tổ chức tuyến giao liên trên cơ sở đường dây Thống Nhất của Trung ương. Trong khi tuyến Tây Trường Sơn, phần do địa hình bằng phẳng, phần vì ta đã tổ chức vận tải ô tô trên một số cung chặng…, nên đường sá có khá hơn, thì Đông Trường Sơn, tuyến giao liên vẫn chỉ là những lối mòn nhỏ nhoi, luồn lách giữa đại ngàn, khi vượt qua đỉnh núi cao ngất, vách đá cheo leo, khi luồn qua suối sâu, khe cạn…

        Dẫu đã luyện rèn dầm mưa dãi nắng, vác nặng đường xa; dẫu đã quán triệt, thấm nhuần hành quân vượt Trường Sơn vào Nam là khó khăn, gian khổ, nhưng đúng là “trăm nghe không bằng một thấy!”. Có là người trong cuộc mới thấu hết những thách đố dữ dằn, thử thách khốc liệt, của những tháng ngày “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Một vài ngày đầu, mọi chuyện tạm ổn. Nhưng càng đi, hai chân như nặng nề hơn; có cảm giác như bò lê, bò càng, không phải là bước, còn ba lô thì mỗi ngày như khối đá đè nặng trên lưng. Những khi vượt dốc “Ba thang”, “Năm thang”…, khối đá ấy như kéo giật người xuống.

        Từ các trạm làng Riêu, làng Rao, làng Ho - tây nam Quảng Bình, theo những lối mòn quanh lũng núi, bờ khe, chúng tôi vượt đỉnh 1001 - nơi ấy có động Hàm Nghi - một dấu tích ghi lại chặng đường vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành Huế, “thượng sơn”, xây dựng sơn phòng, xuống chiều Cần Vương, kêu gọi thân hào, thân sĩ, con dân chống Pháp. Sau khi vượt thượng nguồn sông Bến Hải, chúng tôi băng qua đường số 9, vượt cơ man nào là sông suối, vào Pai Lin, Tà Riệp - giáp giới tây Thừa Thiên…

        Đã hơn 5 năm trôi qua, kể từ ngày anh Võ Bẩm được Bác Hồ, Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ tổ chức mở đường Trường Sơn, tổ chức vận chuyển chi viện chiến trường, biết bao cán bộ, chiến sĩ ta đã bí mật từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào công tác, chiến đấu ở miền Nam. Tuy nhiên, trên tuyến giao liên, khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” của những chiến sĩ Trường Sơn từ những ngày “khai sơn phá thạch” vẫn được chúng tôi chấp hành nghiêm tuyệt đối. Ở những điểm vượt trọng yếu, như đường số 9, sau khi chúng tôi qua, thì giao liên lập tức xóa ngay dấu vết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 10:46:19 am »


        Nỗi cơ cực, nhọc nhằn hành hạ anh em chúng tôi suốt cuộc hành quân này là cái đói - đói kinh khủng, đói dai dẳng. Cũng vì đói mà sinh bệnh tật, mà bị sốt rét quật ngã. Sức trai, vác nặng, leo núi, vượt dốc, mà mỗi ngày mỗi người chỉ được hai gạt bơ sữa bò gạo. Cứ hai hoặc ba ngày nấu cơm một lần, nắm thành nắm bằng quả cam, mỗi ngày được hai nắm cơm như vậy. Để có sức mà đi, dọc đường, chúng tôi tranh thủ hái rau rừng lót dạ; vớ được rau tàu bay, môn thục… cố gắng nhét cho chặt bao tử. Gặp được nương sắn, bắp ngô của bà con người Thượng cũng dằn lòng, xin mấy bắp, mấy củ. Thực lòng không có củ khoai, củ sắn thêm dặm, lấy sức đâu mà đi!

        Lạ nước lạ cái, đói khát, lại bị đủ thứ côn trùng độc hại tấn công, nên chỉ dính vài cơn sốt ác tính, có anh em đã gục ngã. Mặc dù ý chí, nghị lực có thừa, nhưng đầu không bảo được chân, có anh em đành nằm lại trạm giao liên. Đau buồn hơn là khi chúng tôi bất lực, chứng kiến bệnh sốt rét ác tính cướp đi sính mạng của Tải - một đồng đội người Thái Bình ngay trên đường hành quân.

        Một hôm, hành quân đến quãng giữa Quảng Ngãi và Phú Yên, chúng tôi bắn được một con trâu rừng. Để dành gạo, trưởng đoàn quyết định ăn toàn thịt trâu trong hai ngày. Không phải ăn thoải mái, nhưng bốn bữa thịt trâu rừng cũng làm cho đôi chân chúng tôi cứng cáp hơn. Còn da trâu, được làm sạch sẽ, luộc lên, mang theo làm thực phẩm dự phòng. Nhìn những miếng da trâu khi đó, tôi bỗng nhớ lại tình tiết trong cuốn sách viết về cuộc “Vạn lý Trường chinh” của Hồng quân Trung Quốc thời nội chiến. Khi hành quân, Hồng quân đã từng lấy áo da, giày da hầm thành cháo để ăn lấy sức mà đi.

        Thêm một cung chặng giao liên, sức lực chúng tôi vơi đi cùng bòng gạo trên lưng, có khi gần như cạn kiệt. Hành quân sang tháng thứ hai, một số anh em trong độ tuổi 20 - 25 đã gục ngã, phải nằm lại trạm giao liên. Đến tháng thứ ba, thì số anh em trên tuổi 40 cũng không thể đi tiếp. Số trụ lại đi được vào Nam Bộ chủ yếu trên dưới tuổi ba mươi. Thế mới biết, tuổi trẻ, hăng hái nhiệt huyết có thừa, nhưng rèn luyện chưa đến độ; hay gánh nặng của tuổi tác sẽ khó trụ vững trước thách đố dữ dằn của cuộc hành quân vượt Trường Sơn.

        Tháng thứ ba, chúng tôi hành quân từ Mã Đà vào chiến khu Dương Minh Châu (miền Đông Nam Bộ). Ở chặng này, có lúc tôi cảm thấy mình cũng sẽ bị đói quật ngã. Sau một ngày hành quân, khi giao liên thông báo còn vài cây số nữa là đến trạm, cũng chính là lúc tôi thấy đói vàng mắt. Vẫn bước đi, nhưng trước mặt chỉ thấy hoa cà, hoa cải, có khi thấy như đom đóm bay giữa trời chiều. Rất may, nhờ anh Diệm - Đoàn trưởng dặn từ trước, tôi đã chuẩn bị và dành được một lọ đường nhỏ - chưa được vài lạng. Những lúc đói quá, tôi lấy đầu đũa, có khi là ngón tay chọc vào cho dính mấy hạt đường để mút, lấy sức đi tiếp. Cảm giác hạt đường tan vào lưỡi khi đó, có thể giá trị gấp nhiều lần lát sâm - củ sâm Cao Ly sau này người ta dùng để níu kéo cha già, mẹ héo khi lâm chung.

        Phải mất tới gần 5 tháng hành quân ròng rã, chúng tôi mới vào tới cơ quan quân sự Miền ở căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh) - giáp biên giới Campuchia. Xuất phát hành quân ở Tây Hồ - Thanh Hóa, cả đoàn trên 160 anh em, vào tới miền Đông chỉ còn trên một trăm. Số còn lại tá túc dọc tuyến giao liên. Không rõ có thêm mấy người phục hồi sức khỏe, tiếp tục cuộc hành trình sau chúng tôi? Ngày có mặt ở trạm giao liên gần cơ quan quân sự Miền, anh nào anh nấy, tóc tai, râu ria tua tủa, áo quần tưa tướp. Nhưng bù lại, không ai giấu nổi niềm vui.

        Sau vài ngày nghỉ ngơi cho lại sức; cắt tóc, cạo râu, để người đằng mình đừng nhầm là phỉ - như lời mấy anh ở Ban quân sự Miền, chúng tôi được trạm cho đi chợ Bàu Cỏ. Chợ cách trạm giao liên chừng ba cây số. Chợ kháng chiến nơi bưng biền chẳng mấy đông đúc, sầm uất, nhưng cảnh tình yên ả, thanh bình, hấp dẫn như bao phiên chợ quê. Việc đầu tiên, không anh nào quên là mua mấy mớ rau tươi về luộc ăn vã cho đỡ thèm. Cái ngọt lành, thơm mát của gắp rau luộc ngày đó cứ đọng mãi, quấn quýt trong tâm tưởng của tôi suốt cuộc đời ngọt lành hơn mọi thứ “mâm cao cỗ đầy”!

        Sau chừng nửa tháng nghỉ ngơi tại chiến khu Dương Minh Châu, hơn trăm anh em phân thành hai nhóm, một cánh xuống miền Tây và một cánh ở lại miền Đông. Cánh xuống miền Tây trên sáu chục anh em, trong đó có tôi. Từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên thao trường ở miền Bắc, từng chia nhau cơn sốt giữa rừng Trường Sơn, chia nhau gắp thịt trâu, cọng rau rừng trừ bữa, nay đứa xuống miền Tây, đứa ở lại miền Đông, phút chia xa ngậm ngùi khó tả. Chiến tranh mỗi ngày thêm ác liệt, lại ra nơi mũi tên hòn đạn, ai mất, ai còn? Nhưng những nắm tay siết chặt, những ánh mắt lấp lánh niềm tin… nói lên tất cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 10:49:21 am »


        Gần 5 tháng trời “xẻ đọc Trường Sơn”, vượt qua biết bao núi cao, rừng rậm, mưa ngàn, suối lũ…, nay xuống miền Tây lại làm bạn với kênh rạch, sông ngòi, sình lầy cũng cơ cực đủ bề. Ngay những ngày đầu, chúng tôi đã được anh chị em giao liên dạy cho cách “ứng xử” với đồng bằng sông nước: anh nào anh nấy bận quần xà lỏn. áo quần, đồ đạc gói chặt bằng vải mưa, khi lội sình lầy thì cho lên đầu; khi qua kênh rạch, thì để nổi trên mặt nước mà kéo. Từ chiến khu Dương Minh Châu, chúng tôi hành quân qua cánh đồng Chó Ngáp (ở Phước Chỉ, giáp giữa Tây Ninh và Long An). Có tên là Chó Ngáp, vì đồng rộng mênh mông, tít tắp thấu chân trời; mùa khô, loài vật nhanh nhẹn, dai sức như chó chạy qua đây cũng mệt đứt hơi, thở thè lưỡi, phải ngáp… Đận chúng tôi qua đây cũng đang mùa khô - cái nhọc nhằn khô khát càng thấm thía. Tiếp đó, đoàn qua sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây; qua Đồng Tháp Mười (Long An); qua Ngã Sáu - Cao Lãnh - Đồng Tháp (khi đó gọi là Kiến Phong), vượt sông Tiền, sang Sa Đéc; rồi qua sông Hậu về Châu Thành sau này tách huyện mới gọi Châu Thành và Châu Thành B (Cần Thơ). Đoàn đến Long Mỹ cũng là lúc Tết Nguyên đán Ất Tỵ gõ cửa mọi nhà. Lập tức chúng tôi được lệnh nghỉ chân ăn Tết tại ấp Cả Mười, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, Cần Thơ (nay là ấp Sáu xã Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang).

        Vừa hành quân tới, lạ nước, lạ cái”, anh em chúng tôi được bà con cô bác ở đây xem như con cái trong gia đình. Thằng Ba, thằng Năm… quê miền Bắc càng được các má chăm sóc, yêu quý hơn. Gia đình bà Ba Sáng, chị Sáu Dương, cô Thảo… đón chúng tôi về nhà. Mấy ngày Tết, gia đình có gì, chúng tôi có nấy. Tết đầu tiên ở chiến trường, chúng tôi sống trong tình yêu thương, chở che của bà con ấp Cả Mười, nên phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê, nhớ nhà… Nếu như linh cảm được cảnh chúng tôi đón Tết nơi đây, chắc rằng mẹ, vợ và người thân của tôi ở quê cũng ấm lòng! Sau này, với quăng thời gian hơn chục năm lăn lộn, chiến đấu, vào sống ra chết trên chiến trường miền Tây, chúng tôi còn trở lại ấp Cả Mười không biết bao nhiêu lần, coi nơi đây như hậu cứ của Trung đoàn 1 U Minh, nhưng tình cảm quân dân cá nước ngày đầu thật sâu đậm, lắng đọng trong tôi niềm xúc động, ân tình không thể phôi pha.

        Sau mấy ngày dừng nghỉ, đón Tết cổ truyền ở Vĩnh Viễn - Long Mỹ, chúng tôi lại lặn lội về Đá Bạc - U Minh Hạ, Cà Mau - căn cứ địa kháng chiến của Nam Bộ; là nơi đứng chân của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu 9. Tính từ lúc rời chiến khu Dương Minh Châu để xuống tới Cà Mau, cũng mất gần ba tháng. Lúc đó là cuối tháng 3 năm 1965.

        Được tăng cường hơn sáu chục sĩ quan - qua đào tạo, huấn luyện bài bản ở miền Bắc, trong đó có nhiều anh em người miền Tây tập kết trở về, các anh trong Khu ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9 vô cùng phấn khởi. Anh Đồng Văn Cống - Tư lệnh, anh Nguyễn Thành Thơ - Chính ủy Quân khu đón chúng tôi “tay bắt mặt mừng”. Sau khi nắm tình hình của đoàn, hàn huyên chuyện miền Bắc, miền Nam, Tư lệnh Quân khu quyết định đoàn chúng tôi được nghỉ ngơi một tháng - tạm gọi là an dưỡng cho lại sức để chuẩn bị nhận nhiệm vụ.

        Cũng như ở ấp Cả Mười - Vĩnh Viễn, bà con cô bác ở Đá Bạc quý bộ đội vô cùng. Với số anh em quê Bắc càng được mấy tía, má thương quý hơn cả người thân. Nói chuyện với anh em quê Nam Bộ, các má thường tỷ tê: Tụi bay ở đây sớm muộn rồi vợ con, ba má tới thăm; còn thằng Hai, thằng Ba (các má thường gọi chúng tôi bằng những cái tên thân thương như vậy) bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con ngoài đó vào đây chiến đấu, tao phải thương chúng hơn tụi bay.

        Nghe các má nói vậy, chúng tôi vô cùng cảm động và thầm nghĩ rồi đây gắng phấn đấu, công tác, chiến đấu… để khỏi phụ lòng của bà con, cô bác.

        An dưỡng ở vùng căn cứ chủ yếu được chu cấp gạo - khá thoải mái; còn thực phẩm, chúng tôi tự tìm kiếm - chủ yếu là cá tôm, rắn rết,… mà những thứ này ở U Minh là vô kể. Phải nói rằng U Minh là thánh địa, là vương quốc của muôn loài chim, cá. Chim có: vịt trời, gà nước (còn gọi là khúm núm), bìm bịp, cò, vạc, diệc, còng cọc,… kết thành bầy đàn đông tới hàng nghìn con; mỗi khi chúng cùng vỗ cánh là rợp một khoảng trời, rào rào như bão giông. Vào rừng, chúng tôi chọn bắt những chú chim non chưa đủ lông đủ cánh đem về nướng, thịt vừa ngọt vừa mềm. Còn cá thì nhiều vô thiên lủng. Có những quãng kênh rạch, cá nhiều như cá nhốt trong chậu. Cá lóc, lươn, chạch chấu,… ở U Minh rất to. mỗi con có khi tới vài ký. Chỉ cần xúc, câu vài con lóc, con lươn là có được nồi cháo cho cả tiểu đội ăn no căng rốn. Ngoài ra còn rắn, rùa,… Đúng là nguồn hậu cần thiên nhiên vô cùng dồi dào, phong phú.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 07:25:59 am »


        Sau một tháng an dưỡng, tìm hiểu tình hình, tôi cùng một số anh em được điều về Trung đoàn 1 - Trung đoàn U Minh.

        Trung đoàn 1 là trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ. Trung đoàn ra đời ngày 23 tháng 9 năm 1963 tại căn cứ U Minh, thuộc xã Khánh Lâm, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ra đời đúng vào kỷ niệm lần thứ 18 ngày Nam Bộ kháng chiến, ở chính căn cứ địa U Minh nổi danh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nên Trung đoàn 1 mang danh hiệu truyền thống là Trung đoàn U Minh. Ban chỉ huy trung đoàn lúc này có anh Võ Minh Như (Chín Hiền) là Trung đoàn trưởng, anh Phạm Mỹ (Ba Hùng) là Chính ủy, Trung đoàn được biên chế hai tiểu đoàn bộ binh: Tiểu đoàn 96 do anh Nguyễn Hữu Phước làm Tiểu đoàn trưởng, anh Nguyễn Văn Hên (Hai Hên) làm Chính trị viên và Tiểu đoàn 29, do anh Lê Văn Chữ (Năm Lôi) làm Tiểu đoàn trưởng, anh Sáu Danh làm Chính trị viên. Ngoài Trung đoàn 1, lực lượng vũ trang Quân khu 9 lúc này còn có Trung đoàn bộ binh 2, Trung đoàn pháo binh 4 và một số phân đội trực thuộc.

        Trung đoàn bộ binh 2 ra đời sau Trung đoàn U Minh tròn hai tháng. Khí mới thành lập, trung đoàn được biên chế hai tiểu đoàn bộ binh và một số đại đội trực thuộc Tiểu đoàn 306 chủ lực trước đó trực thuộc khu; còn Tiểu đoàn 309 rút từ Tiểu đoàn U Minh, tỉnh Cà Mau lên. Trung đoàn trưởng là anh Bùi Sáng (Mười An), anh Phạm Văn Bé (Tám Tùng) là Chính ủy, anh Trần Minh Đức (Tư Đức) là Phó chính ủy và anh Hai Phước là Trung đoàn phó.

        Ra đời do yêu cầu nóng bỏng của cuộc chiến đấu nhằm đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 và các đơn vị tiền thân đã lập được những chiến công vang dội, điển hình là các trận tiêu diệt chi khu Cái Nước, chi khu Đầm Dơi (ngày 10 tháng 9 năm 1963) và đặc biệt là trận tiến công cụm cứ điểm Chà Là (đêm 23 rạng ngày 24 tháng 11 năm 1963) đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu gần 600 tên địch, bắn rơi 19 máy bay các loại. Chiến thắng Chà Là có ý nghĩa to lớn - mở đầu chiến thuật đánh tiêu diệt quân chủ lực ngụy ở miền Tây Nam Bộ; là trận lực lượng vũ trang miền Tây tiêu diệt sinh lực địch nhiều nhất, bắn rơi máy bay địch nhiều nhất kể từ đầu kháng chiến; từ chiến thắng này mở ra tiền đề, khả năng xây dựng và phát triển bộ đội chủ lực của Quân khu 9.

        Vừa vào chiến trường, được điều về đơn vị chủ lực của quân khu, một đơn vị sớm tạo dựng được truyền thống tốt đẹp ngay từ buổi ban đầu, với tôi thật vinh dự tự hào. Nhưng tình hình chiến trường diễn biến hết sức mau lẹ, rồi mỗi chúng tôi cũng bị cuốn theo những biến động đó.

        Đáp ứng yêu cầu của chiến trường, trung tuần tháng 6 năm 1965, Trung đoàn 1 được lệnh tăng cường cho miền Đông Nam Bộ. Sau khỉ Trung đoàn 1 tăng cường cho miền Đông, Trung đoàn 2 được mang phiên hiệu Trung đoàn 1 và danh hiệu truyền thống Trung đoàn U Minh.

        Mệnh lệnh của trên là điều chuyển “nguyên canh” Trung đoàn 1 cho Miền, nhưng thực chất một tỷ lệ khá lớn cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu giữ lại làm nòng cốt xây dựng quân chủ lực miền Tây. Bổ sung cho số được giữ lại là lực lượng điều chuyển từ các phân đội khác của quân khu và tân binh vừa tuyển. Phải chăng, vì có duyên với đất miền Tây, nên tôi là một trong số cán bộ được giữ lại. Liền đó, tháng 6 năm 1965, tôi được điều về làm Tiểu đoàn phó Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 29 thuộc Tỉnh đội Sóc Trăng.

        Vào những năm 1966-1967, khi Mỹ đẩy chiến lược “Chiến tranh cục bộ” lên đỉnh cao, đưa hơn nửa triệu quân viễn chinh Mỹ vào tham chiến ở miền Nam, thì ở miền Tây Nam Bộ, để thực hiện gọng kìm “bình định”, Mỹ chủ yếu dùng cố vấn, vũ khí trang bị hiện đại, không quân, hải quân yểm trợ cho quân ngụy Sài Gòn. Điều dễ dàng nhận thấy lý do chính khiến Mỹ không triển khai bộ binh xuống miền Tây Nam Bộ, là do quân Mỹ quen đánh hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn, không quen tác chiến ở địa hình sình lầy, sông nước; không quen đối đầu với một cuộc chiến tranh du kích - chiến tranh nhân dân “thiên la địa Võng” - mang tính đặc thù như ở đây. Ngay cả Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ đóng ở căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho), cũng chỉ hoạt động chủ yếu ở khu vực Trung Nam Bộ (Khu 8 ). Tuy nhiên khỉ quân Mỹ chốt ở Khu 8 thì quân ngụy được dồn xuống chiến trường miền Tây để thực hiện mục tiêu bình định vùng hậu cứ của ta. Đồng thời, Mỹ đã huy động không quân, hải quân tiến hành một cuộc chiến tranh bằng bom đạn và chất độc hóa học với cường độ cao mang tính hủy diệt vùng căn cứ U Minh, hòng “tát” dân ra khỏi căn cứ, triệt phá nguồn lực của cuộc kháng chiến. Đặc biệt từ giữa năm 1965, Mỹ đã cho máy bay B.52 rải thảm căn cứ địa U Minh, khu vực Khánh Lâm, Khánh Bình - nơi đứng chân của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Thực tế trên chiến trường miền Tây lúc này, vùng giải phóng bị thu hẹp lại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 07:28:10 am »


        Cùng với tiến hành các cuộc hành quân đánh phá, bình định, một trong những thủ đoạn thâm độc của địch lúc này là nhanh chóng tiến hành xây dựng hệ thống “ấp tân sinh” - một loại hình ấp chiến lược kiểu mới. Bằng kinh tế và hàng hóa Mỹ, bằng cuộc sống phồn vinh giả tạo tại các “ấp tân sinh”, kẻ địch đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân không nhận ra đây là thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, nhằm thực hiện kế sách “tát nước, bắt cá”, cô lập và triệt phá vùng căn cứ kháng chiến. Vì vậy, lúc này trên chiến trường miền Tây đã diễn ra cuộc đối đầu giữa đánh phá bình định (của địch) và chống phá bình định (của ta).

        Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 29 Sóc Trăng lúc này cũng được quân khu và tỉnh xác định rất rõ là.

        - Tuyên truyền vận động nhân dân - chủ yếu là bà con người Khme và cùng với nhân dân đấu tranh chống phá bình định; phá thủ đoạn lập “ấp tân sinh” của địch.

        - Tổ chức tập kích - chủ yếu bằng pháo cối vào các vị trí địch ở thị xã Sóc Trăng, mục tiêu chính là sân bay Sóc Trăng, gây khó khăn cho mọi hoạt động của địch; qua đó cho kẻ địch thấy rằng trên chiến trường miền Tây, không có chỗ nào là “sân sau” của chúng.

        Thời gian này, Tiểu đoàn 29 đứng chân ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ở Hồ Đắc Kiện có rừng tràm và cánh đồng nước, sình lầy khá rộng là căn cứ của Tỉnh ủy Sóc Trăng. Trên thực tế, Tiểu đoàn 29 còn có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy. Địa bàn hoạt động của tiểu đoàn thường bám dọc lộ 4 và thị xã Sóc Trăng. Tiểu đoàn trưởng là anh Sáu Chợ. Chính trị viên tiểu đoàn là anh Bảy Sa. Anh Sáu Chợ người ấp Măng Rổ, xã Khánh Bình Tây, huyện Cái Nước (Cà Mau). Anh Sáu là cán bộ tập kết, trở về trước tôi, là con người năng nổ, bộc trực, hết mình vì công việc. Rất tiếc là anh hy sinh quá sớm. Khi tôi xuống công tác ở tiểu đoàn chừng một tháng, cũng là thời điểm địch cho B.52 rải thảm ở miền Tây. Trong một chuyến công tác xuống Cà Mau - vùng kênh xáng Bộ, anh Sáu và gần năm chục anh em của tiểu đoàn nằm gọn trong tọa độ rải thảm. Tổn thất của Tiểu đoàn 29 đận ấy là quá lớn.

        Địa hình Sóc Trăng gần như hoàn toàn đồng trống. Vì vậy rất khó cho việc đóng quân cũng như tác chiến đội hình tiểu đoàn, nên chúng tôi tổ chức đội hình trú quân cũng như tác chiến cơ bản là cấp đại đội, có khi còn phân tán hơn.

        Quán triệt nhiệm vụ trên giao, thời gian một năm ở Sóc Trăng, chúng tôi đã tổ chức Tiểu đoàn 29 đánh một số trận, điển hình là các trận đánh đồn Tam Sóc, Đai Súi…; phối hợp, hỗ trợ cho du kích đánh một số đồn nhỏ lẻ, chống càn, uy hiếp đám hội tề, hỗ trợ quần chúng phá “ấp tân sinh”, củng cố vùng căn cứ; thường xuyên tổ chức pháo kích sân bay Sóc Trăng, nhất là khi nắm được kế hoạch địch tổ chức hành quân bình định bằng chiến thuật “trực thăng vận”. Kết quả không lớn, nhưng đã làm cho kẻ địch mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng căng ra để đối phó với đòn tập kích bất ngờ của Tiểu đoàn 29 Sóc Trăng, của du kích.

        Một trong những cái khó của Tiểu đoàn 29 trong hoạt động tác chiến là địa hình ở Sóc Trăng chủ yếu đồng ruộng trống trải, khó giấu quân. Trong khi thực hiện chiến lược bình định, kẻ địch bắt dân chặt hết cây cối, đồng thời chúng tập trung đầu độc, lừa mị, lôi kéo đồng bào Khme. Mặt khác, là một bộ phận đồng bào Khme thiếu thiện cảm với bộ đội. Tổ chức một trận đánh, cái khó đầu tiên vẫn là chuyện giấu quân. Càng đội hình đông càng dễ lộ bí mật; ta chưa chiến đấu, đã bị sát thương vì phi pháo của địch.

        Trước tình hình đó, Ban chỉ huy tiểu đoàn đặc biệt chú trọng công tác dân vận. Tôi cho rằng: Mặc dù địch lừa mị, xuyên tạc, lôi kéo, nhưng bản chất của đồng bào ta là tốt; chúng ta phải dựa vào dân, đặc biệt phải tôn trọng phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân, thì chắc chắn sẽ tranh thủ được cam tình của bà con. Từ đó, chúng tôi giáo dục cho bộ đội nắm chắc, tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào Khme. Khi vào chùa, bộ đội phải thành kính thắp hương, lạy Phật; bảo vệ từng nhành cây, bông hoa trong vườn chùa… Những việc làm đó đã giành được sự thiện cảm của Lục Cả (những vị sư già), từ đó tranh thủ được tình cảm của bà con. Có vị Lục Cả tâm sự: Trước đây, chính quyền ông Thiệu bảo nhà chùa, nếu để Việt cộng vào chùa thì sư sãi sẽ bị đánh đập; tượng Phật, đồ tế lễ… sẽ bị phá bỏ. Nay bộ đội nào cũng dễ thương, tốt với nhà chùa. Đây mới là bộ đội của dân, của nhà Phật…
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM