Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:08:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44383 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:30:51 am »


        Cũng từ cuối năm 1946, công tác “Tiêu thổ kháng chiến" được tiến hành khẩn trương. Dân quân, du kích được lệnh phá dỡ đình, chùa - những nơi địch có thể đồn trú; phá đường - đắp ụ, rào làng, đào hầm trú ẩn; cất giấu lương thực, sẵn sàng tản cư; thực hiện kế sách khi giặc vào chỉ còn “vườn không, nhà trống”. Sôi nổi nhất vẫn là không khí tập luyện của tự vệ, du kích. Mỗi làng thành lập một trung đội, gồm những thanh niên trẻ khỏe, trang bị chỉ có giáo, mác, mã tấu, dao găm, gậy tre. Bù lại, tinh thần tập luyện của anh chị em rất hăng hái. Nội dung tập luyện đơn giản, chủ yếu là đội ngũ, võ gậy, động tác canh phòng. Nói là đơn giản như vậy, đám trẻ choai chúng tôi rất đỗi thèm thuồng. Chỉ ước sao có ngày cũng được tập tành, lăn lê bò toài thỏa chí.

        Đầu năm 1948, điều mà không một ai ở quê tôi mong đợi đã tới đúng hơn là thảm kịch đầu tiên ập xuống đất Phù Lãng. Sau khi càn quét, lập đồn ở nhiều vùng xung quanh, mờ sáng ngày 22 tháng 1 năm 1948 (nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Hợi 1947), một đoàn tàu chiến, ca nô của Pháp từ Phả Lại ngược sông Cầu lên càn quét Phù Lãng. Kè Thịnh Lai đã bị lũ cuốn trôi từ năm trước, nên tàu địch tiến dễ dàng.

        Trước đó vài ngày, quân và dân Phù Lãng cũng đã hay tin địch rục rịch chuẩn bị càn vào Quế Dương nhân dịp Tết Nguyên đán. Nhưng rồi phần vì thực lực tự vệ - du kích còn non yếu, phần vì công tác chuẩn bị sơ tán không chu đáo, nên đã bị tổn thất khá nặng nề.

        Sáng hôm đó, mặt trời chưa qua khỏi rặng tre, thôn làng tôi đã chìm trong trận mưa đạn từ tàu địch trên sông Cầu bắn vào. Lửa cháy, người kêu khóc, trâu, bò rống lên giãy chết… Cảnh tượng thật hãi hùng. Bị cha mẹ bắt phải đuổi chạy giặc, tôi vẫn chứng kiến phần nào cảnh tượng hãi hùng đó.

        Sau khi cho các loại súng trên tàu, ca nô bắn phá dữ dội, quân Pháp và lê dương ào ạt đổ bộ vào làng. Chúng đốt phá nhà cửa, bắn giết dân làng, cướp của, bắt trâu bò, lợn, gà. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ, Phù Lãng bị giết 10 người, 47 người bị bắt. Tiếp đó, địch kéo lên ruồng càn An Trạch, bắt 64 người và 47 con trâu, bò đưa về tập trung ở chợ Lãng. Sau một hồi đánh đập, đe dọa, dụ dỗ bắt khai người đứng đầu chính quyền, du kích, địch cho thả người già, trẻ nhỏ; số trai trẻ khỏe mạnh bị tập trung về đồn làm lao dịch mấy tháng sau mới thả. Đau lòng hơn, khi chú ruột tôi là Phạm Văn Hựu, bị địch bắt đưa về bốt Châu Cầu, do phản đối kịch liệt đã bị chúng bắn chết trong ngày 27 tháng Chạp. Ông Nguyễn Đăng Bân - Chủ tịch Ủy ban xã Phù Lãng và ông Bùi Văn Học - Phó chủ tịch Ủy ban xã An Trạch bị địch bí mật thủ tiêu.

        Mất mát đầu tiên và cũng là mất mát lởn lao đến với Quế Dương, Phù Lãng. Cũng từ đó ngày 22 tháng 1 (dương lịch) hằng năm trở thành kỷ niệm buồn đau, là ngày “giỗ trận” của Phù Lãng, An Trạch. Tết Nguyên đán Mậu Tý năm đó, quê tôi, gia đình tôi chìm trong đau thương, tang tóc. Mất mát của gia đình cùng với tổn thất lớn của quê hương, làm cho cha tôi vốn đã trầm lắng lại càng thêm thâm trầm, uất ức tột độ.

        Sau tổn thất đầu tiên, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quê tôi nhanh chóng được củng cố, chi bộ Đảng được thành lập phát huy vai trò tổ chức, lãnh đạo toàn dân ổn định đời sống, tích cực tham gia kháng chiến, trọng tâm là xây dựng lực lượng tự vệ, du kích, xây dựng thế trận chiến tranh du kích, xây dựng làng chiến đấu, sẵn sàng chông càn, bảo vệ quê hương. Hằng ngày, cán bộ, đảng viên tới từng xóm tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng làng chiến đấu, xây dựng dân quân du kích. Ủy ban kháng chiến hành chính xã chủ trương huy động nam nữ từ 15 đến 45 tuổi vào dân quân du kích. Ban xã đội do ông Nguyễn Văn Toàn làm Xã đội trưởng, ông Trần Văn Chương làm Chính trị viên. Các thôn đều có trung đội du kích tập trung. Lúc này, tôi chưa đầy 15 tuổi, vóc dáng lại nhỏ bé so với lứa tuổi; nhưng thấy tôi nhanh nhẹn, tháo vát, lại nằng nặc đòi tham gia du kích, nên xã đội đồng ý cho tôi làm liên lạc. Mặc dù không muốn con sớm dấn thân vào nơi hòn tên mũi đạn, nhưng thấu hiểu quyết tâm của tôi và cũng muốn con rèn luyện “qua mưa, qua nắng”, cho cứng cáp dần, cha tôi cũng bằng lòng để tôi làm liên lạc cho du kích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:33:12 am »


        Thời gian này công việc xây dựng làng chiến đấu tiến hành hết sức khẩn trương. Toàn dân làm hầm để tránh bom đạn, bám trụ thôn làng đánh địch. Hàng trăm bụi tre được hạ để làm hàng rào. Bao quanh làng là “chiến lũy” tre xanh khá kiên cố. Cổng làng được làm bằng cả cây tre to, rất vững chãi, đóng mở dễ dàng. Ở các cổng làng đều có trạm gác của tự vệ và có bố trí chông, mìn. Sau chiến lũy bằng tre là hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu dày đặc, nối thông từ thôn này sang thôn khác. Ngoài giao thông hào, công sự chiến đấu, còn có hầm bí mật; có hầm ở giữa bụi tre, vừa kín đáo, vừa vững chắc; có hầm đặt dưới đống rơm, chuồng bò, chuồng lợn… Các làng đều có trạm canh gác “viễn thám”, phát hiện địch từ xa, kịp thời báo cho xã đội, du kích triển khai chiến đấu mỗi khi địch càn. Tôi cùng anh Bảo - bạn “nối khố” và một số bạn trong tổ liên lạc thường xuyên có mặt tại trạm gác ở núi Chùa Trâu, trạm gác cuối làng, trạm gác ở núi Chùa Cao… để anh nhận tin tức, nhanh chóng gõ kẻng báo động cho dân làng biết địch đến và chạy về mật báo cho xã đội, cho các trung đội du kích triển khai chiến đấu.

        Đến năm 1949, làng chiến đấu Phù Lãng được xây dựng khá hoàn chỉnh. Qua mỗi trận chống càn, mỗi mùa mưa lũ, làng chiến đấu lại được hoàn thiện thêm một bước, kiên cố hơn, tạo thành thế liên hoàn vững chắc giữa các thôn Phù Lãng với nhau.

        Ngày ấy, tôi có nghe cán bộ xã đội, huyện đội nói về các làng chiến đấu điển hình ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình; hay làng chiến đấu Cảnh Dương (Quảng Bình)… Tuy nhiên cụ thể trình độ tổ chức chiến đấu, quy mô tường lũy, công sự… như thế nào thì không tường tỏ lắm. Riêng với làng chiến đấu Phù Lãng, cho đến ngày kết thúc thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Đại Tân (Phù Lãng, An Trạch) đã rào làng chiến đấu với lũy tre dài gần năm cây số, làm mười cổng làng kiên cố, đào trên ba nghìn mét giao thông hào, gần hai cây số giao thông hầm; 18 “bản doanh” (hầm rộng cho hội họp tập trung), hàng trăm hầm bí mật, trên một chục trận địa chông mìn; làm hàng chục hầm chông tre sâu 2 mét, hàng trăm hầm chông dắt; bãi chông tre cắm phía ngoài lũy tre,

        Xây dựng làng chiến đấu kiên cố, trên cơ sở hệ thống hầm hào, chiến lũy, công sự và đặc biệt tạo được thế trận lòng dân vững chắc là yếu tố quyết định làm cho kẻ thù không chiếm đóng được ở Phù Lãng - Đại Tân, mà còn bị giáng những đòn đau. Đặc biệt với làng chiến đấu và thế trận lòng dân vững chắc, địch không những không chiếm đóng được mà cũng không lập được tề ở Đại Tân. Đây cũng chính là niềm tự hào của người dân quê tôi suốt 9 năm kháng chiến. Bởi lẽ, thời gian đó suốt một dải từ Thuận Thành, Lương Tài (nam phần Bắc Ninh) sang địa bàn bắc Hải Dương, Hưng Yên, địch đã lập được tề ở nhiều nơi.

        Nhằm triệt hạ làng kháng chiến Phù Lãng được cho là “bất trị”, “đáng sợ”, “nguy hiểm”, như nhổ gai nhọn trước mắt, từ năm 1948 trở đi địch liên tục tiến hành nhiều cuộc càn quét, đánh phá. Cũng từ đó, dân quê tôi vừa sản xuất bảo đảm cuộc sống, vừa kiên gan đánh giặc giữ làng, góp công, góp sức phục vụ kháng chiến. Là liên lạc cho xã đội, du kích, thời gian này, tôi được chứng kiến một số trận đánh mặc dù rất đơn giản, nhưng hiệu quả lớn, gây ấn tượng mạnh; phản ánh trình độ kỹ thuật, chiến thuật quân sự của chúng ta trong buổi đầu kháng chiến tuy còn sơ khai nhưng cũng tạo được những đòn choáng váng đối với kẻ thù. Điển hình là trận sáng ngày 21 tháng 7 năm 1949.

        Sau một thời gian theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động của địch trên sông Cầu và con nước thủy triều trên sông, các anh trong Ban xã đội nghĩ ra cách bố trí ở tại bến Nghè Hạ một trận địa “thủy lôi”. Người ta chăng ngang sông những sợi dây thép. Trên sợi dây đó, cách độ chục mét có buộc một chiếc vò sành, đựng hai phần ba nước, để khi thả xuống nước, vò sẽ nổi lập lờ, trông xa chẳng khác gì quả thủy lôi.

        Sáng ngày 21 tháng 7 năm 1949, cuộc hành binh của địch vào Phù Lãng bắt đầu. Tàu thủy, ca nô từ Phả Lại ngược dòng. Bộ binh địch từ Châu Cầu, Đông Du tiến sang.

        Phát hiện trận địa “thủy lôi” của ta, tàu và ca nô địch không dám tới gần mà từ xa nã đạn xối xả vào bãi thủy lôi. Khi thấy bị mắc lừa du kích, bởi “thủy lôi” vò không nổ, quân địch vô cùng cay cú, lồng lộn, bắn như vãi đạn vào làng; rồi ào ạt đổ bộ, phối hợp với lực lượng từ Châu Cầu tiến sang, tiến hành càn quét. Nhưng cả hai hướng, chúng đều vướng mìn và sập hầm chông. Du kích từ các ổ chiến đấu, chớp thời cơ tung hỏa mù (tro bếp, vôi bột trộn ớt bột…), liệng lựu đạn, gạch đá, diệt hàng chục tên, có một quan ba. Chứng kiến trận phục binh tuyệt diệu của du kích Phù Lãng, Đại Tân, đám trẻ chúng tôi vô cùng hả dạ, tự hào bởi những lão nông, những nam nữ du kích rất mực hiền lành, “chân chỉ hạt bột”, có người cả đời chưa đi qua khỏi lũy tre làng, nay đã bày mưu lập mẹo đánh thắng kẻ thù quân hùng, tướng mạnh, có tàu đồng, đại bác…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:35:36 am »


        Từ chỗ dương dương tự đắc, xem thường tự vệ, du kích, sau khi nếm đòn đau, kẻ địch đã gán cho du kích Phù Lãng là “bất trị”, “nguy hiểm”, “đáng sợ”,… và chúng quyết phá bằng được làng kháng chiến Phù Lãng, nhổ bằng được “cái gai” trong mắt chúng. Để thực hiện dã tâm đó, một mặt địch tung gián điệp, thám báo ngấm ngầm tìm nắm cán bộ chủ chốt, du kích, tìm hiểu cách bố trí trận địa chống càn của ta, mặt khác tăng cường các cuộc càn quét với quy mô lớn. Cũng vì vậy. Phù Lãng liên tục phải chống chọi với các cuộc càn của Pháp, chịu không ít tổn thất hy sinh, nhưng cũng lập được nhiều chiến công xuất sắc. Làng du kích, làng chiến đấu Phù Lãng, Đại Tân là gương điển hình của phong trào chiến tranh du kích của Bắc Ninh và Khu 12. Phong trào chiến tranh du kích của Phù Lãng - Đại Tân, gương chiến đấu, hy sinh lẫm liệt của du kích Phù Lãng đã tạo cảm hứng để một cán bộ của Ty Văn hóa Bắc Ninh sáng tác bài hát “Đại Tân anh dũng”, với ca từ rất hào sảng:

        “Kìa tiếng súng, hòa câu thét vang từ đất giết giặc giết.
        Đồng bào cùng tiến bước, đứng trông về Đại Tân…
        Nơi đây sông núi hiên ngang
        Chốn đây biết bao oai hùng…
        Đau thương chất hờn căm
        Hiên ngang đứng lên đánh giặc
        Chiến thắng lẫy lừng hai mốt tháng bảy, bốn chín, thủy lôi, mảnh sành, lọ gio anh dũng đánh Tây…”.

        “Đại Tân anh dũng” đã trở thành bài hát truyền thống, luôn vang ngân trong các buổi họp của các đoàn thể, du kích Phù Lãng - Đại Tân suốt những năm đánh Pháp. Và giờ đây, đã tròn 60 năm từ ngày bài hát ra đời, mỗi khi nhẩm lại lời ca, tôi như thấy các mạch huyết quản của mình trào sôi, rung lên rần rật.

        Là gương sáng của phong trào chiến tranh du kích trên một địa bàn trọng điểm, cũng đồng nghĩa với việc Phù Lãng luôn là trọng tâm càn quét, đánh phá của địch. Những năm 1951-1952 là quãng thời gian địch càn đi quét lại Phù Lãng rất nhiều lần. Có lần địch càn quét, rồi trụ lại hàng tuần. Trong những ngày đó, cán bộ, đảng viên, du kích tạm lánh sang đất Yên Dũng - Bắc Giang, phía tả ngạn sông Cầu để bảo toàn, củng cố lực lượng, chờ thời cơ trở về hoạt động.

        Cũng chính trong những ngày cam go, ác liệt đó, quê hương và gia đình tôi đã phải chịu những mất mát lớn. Trong một trận địch càn vào trung tuần tháng 5 năm 1951, cha tôi không may bị trúng đạn, gãy chân. Mẹ cùng anh chị em tôi lo lắng, cố tìm kiếm thuốc thang chạy chữa; nhưng vì điều kiện chiến tranh giặc giã, thuốc thang ngày ấy chẳng có gì; ngoài mấy thứ thuốc lá của ông lang, nên phải mấy tháng, cha tôi mới tập tễnh chống nạng đi lại được. Phần vì thương chú tôi bị Tây sát hại, nay lại vì chúng mà mang thương tật vào mình, ông càng ngày càng trầm hẳn lại. Ngày ngày, trừ khi công việc cùng du kích chống càn, công việc đồng áng, cuốn hút tâm trí, về nhà thấy cha tổn thương cả về tinh thần lẫn thể xác, lòng tôi thêm quặn thắt. Nhưng, nỗi đau chưa dừng lại ở đó!

        Mờ sáng ngày 28 tháng 4 năm 1952, địch mở cuộc càn lớn vào Phù Lãng. Hai tàu chiến, bảy ca nô từ Phả Lại lên, án ngữ từ Phù Lãng Hạ đến cống Dùng, tạo thành vòng vây ngăn không cho nhân dân chạy sang Yên Dũng. Cùng lúc bộ binh địch từ Châu Cầu, Đông Du vượt núi Trâu Sơn rồi băng qua đồng tiến vào Đồng Sài. Trên trời hai máy bay bà già quân lượn xoi mói, gọi loa kêu gọi du kích đầu hàng. Sau “màn dạo đầu” hù dọa, chúng nã súng vào làng. Trong ngày 28 tháng 4, ở Phù Lãng địch đã sát hại 11 người. Khi quân địch xông vào nhà, vì thương tật, xoay trở khó khăn, cha tôi đã bị chúng xả súng bắn chết tại chỗ. Mẹ tôi và các em đều chứng kiến sự kiện đau lòng đó.

        Đang cùng du kích tổ chức chống càn, được tin dữ, tôi đội bom đạn, chui rào, leo tường theo lối tắt chạy về, nhưng không kịp, cha tôi đã tắt thở. Bế cha còn ấm nóng trên tay, tôi thấy đất như sụt xuống, hụt hẫng không cùng. Vậy là chỉ trong vòng vài năm, kẻ thù đã cướp đi của mẹ và anh chị em chúng tôi gần như tất cả. Mất mát chồng lên mất mát, nỗi đau không nói thành lời, muốn khóc cũng khó lòng khóc nổi. Uất hận, tức tưởi dâng trào. Vẫn biết, trong cuộc kháng chiến trường kỳ, phải đối đầu với kẻ thù đông và mạnh hơn nhiều về vũ khí trang bị, con đường đi đến thắng lợi cuối cùng đầy thử thách, cam go; ta phải chịu nhiều mất mát, hy sinh, nhưng nỗi đau của gia đình tôi là quá lớn, khó có gì bù đắp nổi. Giấu nỗi buồn, để nước mắt lặn vào trong; anh em chúng tôi “chui” vào công việc đoàn thể, hoạt động du kích và âm thầm theo đuổi ý định làm một việc gì đó, để vong linh cha và chú tôi thanh thản. Lúc này, nhập ngũ không chỉ là ước mong thỏa chí tung hoành trận mạc, được mang súng ngắn, súng dài theo cảm tính của tuổi mới lớn; mà ẩn chứa trong đó là mối thù lũ cướp nước và tay sai phải trả.

        Biết rằng, lúc này thoát ly thì mẹ tôi sẽ buồn thêm, vì anh Diệp đã đi thanh niên xung phong; nhưng tôi vẫn quyết tâm xin phép mẹ, rồi bàn với hai em ở nhà thay tôi cáng đáng việc nhà, sớm hôm đỡ đần mẹ, để tôi vào bộ đội, mới có thể báo thù cho cha, chú và xóm làng quê hương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:38:41 am »

       
Chương hai

Ở TIỂU ĐOÀN THIÊN ĐỨC, NHỮNG TRẬN CHIẾN ĐẤU VỠ LÒNG
MƯỜI NĂM BIẾT MẤY ĐỔI THAY!

        Đến mùa hè 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã trải qua 8 năm. Trong hành trình tới ngày toàn thắng, chúng ta đã phải vượt qua biết bao thử thách cam go, phải chịu nhiều hy sinh mất mát; để đánh thắng các bước phiêu lưu, nhằm mở rộng chiến tranh của kẻ thù.

        Trên chiến trường Bắc Bộ, sau thất bại trong chiến dịch Hòa Bình và Tây Bắc, Pháp chủ trương tập trung bình định vùng đồng bằng. Theo đó, vùng Bắc - Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang) nói chung, Quế Dương nói riêng là một trong những trọng điểm bình định của thực dân Pháp. phù Lãng quê tôi - vùng đất mà kẻ địch cho là “bất trị”, “đáng sợ”, lại tiếp tục những ngày chống càn quyết liệt.

        Từ năm 1952 trở về trước đã đôi lần có một vài phân đội bộ đội chủ lực Khu về đứng chân ở Phù Lãng, Đại Tân mấy hôm, rồi nhanh chóng rút đi. Vì vậy, hầu hết các trận chống càn đều do tự vệ, du kích độc lập tác chiến. Từ năm 1953, bộ đội chủ lực của Khu về xã thường xuyên hơn. Cũng từ đó, du kích có điều kiện phối hợp cùng bộ đội chủ lực chống càn.

        Tháng 3 năm 1953, một trung đội của Tiểu đoàn Thiên Đức thuộc Trung đoàn 238, do đồng chí Văn Tín chỉ huy, về Phù Lãng hoạt động. Ngoài súng trường, tiểu liên, trung đội của anh Văn Tín còn được trang bị một khẩu SKZ (súng không giật). Lần đầu tiên tận mắt thấy bộ đội có nhiều súng ống, lại là súng lớn, người dân quê tôi vô cùng phấn khởi. Mặc dù các anh bộ đội canh gác rất nghiêm ngặt, ngụy trang kỹ càng, nhưng tin bộ đội có súng lớn chẳng mấy chốc lan ra trong du kích và nhân dân. “Trăm nghe không bằng mắt thấy”, ai cũng muốn “thực mục sở thị”, phải đến thật gần để nhìn thấy, chạm tay vào súng. Với anh em du kích chúng tôi, khó nói hết sự thèm thuồng, khát khao. Biết đến bao giờ mình mới có được những khẩu súng như vậy?

        Đã âm thầm nung nấu hoài bão đặng góp một chút gì đó dù rất nhỏ nhoi để trả thù cho người cha, người chú của mình và để quê hương không còn cảnh giặc giã,… thì nay, được đi bộ đội trở thành nỗi đam mê, khao khát trong tôi. Sau một thời gian cân nhắc, chuẩn bị, được anh chị em trong gia đình ủng hộ, bạn bè trang lứa khuyến khích, ngày l6 tháng 8 (âm lịch) năm 1953, tôi được chính quyền xã cho đi bộ đội. Cùng đi bộ đội đợt này, trong xã, ngoài tôi, có Trần Văn Đẩu, Nguyễn Trọng Bảo, Nguyễn Văn Tầm. Thực ra khi đó tôi chưa đủ tuổi, phai khai tăng một tuổi mới được xã chấp nhận. Về tuổi như vậy là tạm ổn, nhưng các khoản “cân đong, đo đếm” quả là nan giải. Vì tôi nhỏ con, nên không chỉ người trong gia đình mà cả chòm xóm, bạn bè cũng nghĩ là tôi không đủ sức khỏe để nhập ngũ. Sau này, khi đã là một sĩ quan thực thụ, có lần về thăm nhà, mẹ tôi vẫn nhắc lại rằng: khi đó, bố tôi đã không may, mất đi rồi, anh Diệp lại đi thanh niên xung phong, thật lòng mẹ không muốn tôi vào bộ đội, nhưng vẫn vui vẻ để tôi đăng ký nhập ngũ, vì mẹ tin tôi sẽ bị loại. Quả đúng như vậy, nếu tôi không thật sự quyết tâm, không áp dụng “chiến thuật cù nhầy” thì khó lòng nhập ngũ được đợt đó.

        Đúng ngày nhập ngũ, mấy anh em “khăn gói quả mướp” hành quân lên huyện. Ngay ở vòng sơ loại, tôi và Tầm đã bị Huyện đội giả về, vì bé quá. Thấy chúng tôi cương quyết không về, Huyện đội “xuống thang”, chấp nhận cho ở lại, nhưng sẽ biên chế vào bộ đội địa phương của huyện. Chúng tôi nằng nặc đòi bằng được đi chủ lực. Cuối cùng thì Huyện đội nhượng bộ. Đến nấc Tỉnh đội còn gay cấn hơn. Thấy chúng tôi bé quá, Tỉnh đội gạt tôi và Tầm lại; nhưng cũng với sách lược “cù nhầy” đòi đi bằng được, nên tôi vượt được ải. Thật khó tả hết niềm vui của tôi khi đó. Và sau này nghĩ lại đây chính là khúc ngoặt quyết định của cuộc đời tôi. Thật khó tưởng tượng, ngày đó Tỉnh đội một mực trả về thì không biết giờ đây tôi sẽ ra sao? Còn Nguyễn Văn Tầm ngậm ngùi trở về, phải tới đợt sau, anh mới nhập ngũ thông đồng bén giọt. Về sau anh công tác ở Quân chủng Không quân; khi nghỉ hưu là Đại tá.

        Sau hơn chục ngày làm đủ mọi thủ tục ở huyện và tỉnh, cuối tháng 8 năm 1953, chúng tôi hành quân lên Bố Hạ, được Liên khu Việt Bắc tiếp nhận và đưa ngay vào huấn luyện ở Phố Thắng (Bắc Giang). Sau hai tháng huấn luyện tân binh, với cường độ rất căng, tập cả ngày lẫn tối, lăn lê bò toài, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn…, tôi được bổ sung cho đơn vị chiến đấu là Tiểu đoàn Thiên Đức (Tiểu đoàn 20) Trung đoàn 238 thuộc Liên khu Việt Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:41:01 am »


        Tiểu đoàn Thiên Đức thành lập tháng 9 năm 1949, là đơn vị nòng cốt của bộ đội địa phương tỉnh Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiểu đoàn lấy tên Thiên Đức là tên chữ của sông Đuống - dòng sông gắn bó với đất và người Hà Nội cũng như vùng Kinh Bắc tự bao đời.

        Tiền thân của Tiểu đoàn Thiên Đức là Đội du kích Ngọc Thụy được thành lập từ ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

        Từ trong khói lửa chiến tranh nhân dân chống xâm lược, qua thực tiễn chiến đấu vô cùng quyết hệt, Đội du kích Ngọc Thụy đã phát triển thành đại đội, tiểu đoàn. Đa phần cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn là con em quê hương Bắc Ninh. Ra đời và hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã vượt lên bao khó khăn, thử thách ác liệt, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, lập được nhiều chiến công. Đặc biệt. tiểu đoàn đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của phong trào chiến tranh du kích trên địa bàn; làm nòng cốt cho phong trào phá tề, phá đồn bốt địch phát triển rộng khắp tỉnh nhà và vùng phụ cận. Trước đây tôi từng được biết tên tuổi của Tiểu đoàn Thiên Đức gắn liền với các trận phá tề ở Đình Sấm (tháng 11 năm 1949), ở Ngô Khê (tháng 1 năm 1950), chống càn ở Nội Viên (tháng 5 năm 1950), đánh bốt Á Lữ (tháng 1 năm 1951), đánh địch ở Lãng Ngâm (tháng 5 năm 1951), chống cuộc càn Nixơ (tháng 3 năm 1953),…

        Để có được những chiến công kể trên và xây đắp nên truyền thống tốt đẹp của Tiểu đoàn Thiên Đức, nhiều cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Máu xương của các anh, các chị đã nhuộm thắm đất mẹ anh hùng. Đất mẹ Bắc Ninh và những người lính Thiên Đức chúng tôi luôn ghi lòng tạc dạ, trân trọng sự hy sinh lớn lao đó. Qua thực tiễn chiến đấu và công tác, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Thiên Đức đã trưởng thành, là tướng lĩnh, cán bộ cao cấp của quân đội, đó là các anh Lê Minh Nghĩa, Văn Cương, Thái Lâm, Hồ Bắc… Đặc biệt, đồng chí Vương Văn Trà - người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thiên Đức đầu tiên đã được truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Được vào bộ đội chủ lực, lại được làm người lính của Tiểu đoàn Thiên Đức - điều mà từ lâu hằng ao ước, là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Khi đã là người lính thực thụ của tiểu đoàn, nhớ lại nỗi đam mê say sưa ngắm khẩu SKZ của một trung đội thuộc Tiểu đoàn Thiên Đức, do anh Văn Tín chỉ huy về đứng chân ở Phù Lãng đầu năm 1953, tôi cảm thấy vô cùng tự hào, sung sướng và tự nhủ mình cố gắng phấn đấu để xứng đáng với truyền thống gia đình, quê hương và Tiểu đoàn Thiên Đức - vành nôi đời lính của mình.

        Khi tôi về nhận nhiệm vụ, Tiểu đoàn Thiên Đức biên chế gồm ba đại đội: 156, 157, 158, một trung đội hỏa lực, một đội công binh và đội Trưng Trắc - đa phần là nữ, đảm trách công tác quân y, quản lý, tăng gia sản xuất.

        Tiểu đoàn trưởng lúc này là đồng chí Vương Văn Trà - Tỉnh đội phó kiêm chức, Chính trị viên là đồng chí Văn Cương - nguyên Trưởng ban chính trí tỉnh đội, Tiểu đoàn phó là đồng chí Nguyễn Cần - nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 61 bộ đội chủ lực tỉnh Bắc Giang.

        Thời gian này, địa bàn hoạt động của Trung đoàn 238 khá rộng, từ Quảng Yên lên Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên. Riêng Tiểu đoàn Thiên Đức chủ yếu hoạt động ở nam phần Bắc Ninh - quá sang mạn Chí Linh, Đông Triều (Hải Dương), dọc theo trục đường 18.

        Ngày chập chững về tiểu đoàn, cán bộ quân lực tỏ vẻ ái ngại, không muốn đưa tôi xuống đơn vị chiến đấu, Cũng vì quá nhỏ con. Nhưng sau mấy ngày cân nhắc, thấy tôi rắn rỏi, nhanh nhẹn, các anh xếp tôi làm liên lạc cho Ban chỉ huy tiểu đoàn, trực tiếp là anh Văn Cương.

        Làm liên lạc được một thời gian, tôi mạnh dạn đề đạt chỉ huy tiểu đoàn cho tôi được ra đơn vị chiến đấu. Anh Vương Văn Trà và anh Văn Cương nhất trí ngay. Có lẽ, các anh đã nhận thấy cái “bé hạt tiêu” của tôi. Vấn đề lúc này là đi đơn vị nào? Tôi đề đạt nguyện vọng được xuống đại đội chủ công (Đại đội 156) - đại đội có sở trường đánh đồn. Đặc biệt, ở đại đội này có Tiểu đội trưởng Từ Văn Sáng là người chiến đấu dũng cảm, mưu trí, được toàn tiểu đoàn biết tiếng.

        Việc tôi xuống đại đội chiến đấu chủ công của tiểu đoàn cũng là điều đáng bàn. Có anh bạn thân tình, trêu đùa: “Trâu ốm cứ leo cao rồi có ngày ngã đau”. Mặc, cho mọi người ngờ vực, tôi quyết theo đuổi mục đích của mình. Khi tôi về đơn vị, Chính trị viên đại đội tâm sự: Em nhỏ con thế này, sức vóc có hạn, đại đội chủ công của tiểu đoàn chiến đấu thường ác liệt, liệu rồi có chịu đựng được không?

        Đọc hết ý nghĩ của chính trị viên và anh em trong đại đội, tôi trả lời như một sự khẳng định:

        - Các anh yên tâm, em lượng được sức mình, sẽ không để các anh thất vọng.

        Thấy chính trị viên có vẻ xuôi, tôi mạnh dạn đề đạt được về tiểu đội của anh Sáng. Có lẽ cũng là để thử thách, nên cán bộ đại đội chấp thuận. Vậy là mọi ước nguyện đều trọn vẹn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:46:21 am »


        Phiên chế về đại đội chủ công của tôi còn có Bảo - người cùng làng, cùng nhập ngũ một đợt. Ở thời điểm “lạ nước, lạ cái”, anh em cùng quê hương bản quán là điểm tựa quý báu về mặt tinh thần.

        Trong tiểu đội, ngoài anh Sáng - Tiểu đội trưởng, anh Kỳ - Tiểu đội phó, còn có tám chiến sĩ. Anh em gắn bó, yêu thương đùm bọc nhau như con một nhà, chia sẻ cùng nhau mềm vui, nỗi buồn. Trong điều kiện khó khăn đủ bề, có được tấm áo manh quần lành lặn cũng nhường nhịn nhau. Đặc biệt là giúp đỡ nhau trong chiến đấu, công tác, cùng trao đổi kinh nghiệm, khắc phục khó khăn. Trong các trận công đồn, tiểu đội tôi thường được giao nhiệm vụ đánh bộc phá, phá hàng rào, chiếm lô cốt đầu cầu. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, thông thường, đánh một trận sẽ có một vài bộc phá viên hy sinh hoặc bị thương. Bộc phá viên là người tiếp cận hàng rào, mở cửa đầu tiên cho đến khi chiếm được lô cốt đầu cầu, thì bộ binh mới vào. Cũng vì vậy, bộc phá viên phải là những người nhanh nhẹn, khỏe, tháo vát.

        Để tôi có thời gian tiếp cận nhiệm vụ quan trọng này, gần một tháng đầu, ngày ngày tôi được huấn luyện kỹ thuật đánh bộc phá, chiến thuật công đồn, diệt viện. Trong thời gian này, tôi được trực tiếp theo dõi tiểu đoàn tổ chức trận chống càn ở khu vực bốt Thiên - Ngái (Bến Tắm, Chí Lỉnh), vào trung tuần tháng 11 năm 1953. Do tương quan lực lượng và ở thế bị động, nên trận này, tiểu đoàn tổn thất khá nặng. Tham gia trận đánh, Từ Văn Sáng chiến đấu rất kiên cường, chỉ huy tiểu đội trụ bám đánh địch trên một ngọn đồi suốt buổi sáng. Có lẽ đây là bài học trực quan sinh động nhất, giúp tôi vững vàng, tự tin tham gia những trận chiến đấu “vỡ lòng” trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

        Sau gần một tháng huấn luyện, trung tuần tháng 12 năm 1953, tôi chính thức tham gia trận đánh đầu tiên. Trong trận này, đại đội tôi được giao nhiệm vụ đánh đồn Đại Tân - Chí Linh, Hải Dương. Đồn Đại Tân do gần năm chục tên lính Âu - Phi chốt giữ, nằm cạnh đường 18. Sau khi tổ chức trinh sát kỹ mục tiêu, nắm bắt mọi hoạt động tuần phòng của địch, chập tối hôm đó chúng tôi phát hỏa. Bao bọc quanh đồn có 5 hàng rào. Là bộc phá viên, tôi được giao đánh hàng rào thứ ba. Là đồn do toàn lính Âu - Phi chốt giữ, nên bố trí hỏa lực, canh phòng của địch khá kiên cố. Tiểu đội tôi đánh bộc phá liên tục, mở hàng rào tương đối thuận lợi, nhưng chiếm lô cốt đầu cầu khó khăn. Chiến sự giằng co chừng 40 phút mới giải quyết xong. Trận này, đại đội thắng lớn. Tiểu đội tôi bị thương một đồng chí.

        Trận đầu ra quân thắng lợi, trong niềm vui chung của đơn vị, thì tôi và Bảo (cùng tham gia trận đánh này) là những người phấn khởi nhất.

        Sau thắng trận đánh đồn Đại Tân, chúng tôi khẩn trương rút kinh nghiệm, tiếp tục huấn luyện và cuối tháng 12 năm 1953 tiến hành trận đánh đồn bang tá thuộc quận lỵ Uông Bí. Trận này, đại đội tác chiến trong đội hình tiểu đoàn thiếu. Đơn vị hành quân từ Chí Linh theo đường rừng xuống Uông Bí mất gần một ngày. Có điều ngày đó, các cánh rừng dọc theo đường 18 từ Chí Linh xuống Uông Bí rất rậm rạp. Bộ đội hành quân ban ngày vẫn không lộ bí mật.

        Trong trận này, tiểu đội chúng tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ đánh bộc phá, mở cửa. Là đồn bang tá, nằm ngay quận lỵ Uông Bí, nên địch bố phòng cẩn mật. Đồn cấu trúc chắc chắn. Chúng tôi bò vào trinh sát thấy 7 hàng rào. Tiểu đội tập trung 12 anh em đánh bộc phá. Thời gian này, vũ khí trang bị của tiểu đoàn chủ yếu là súng trường, có một ít tiểu liên, trung liên.

        Sau lệnh phát hỏa, lần lượt bộc phá viên thứ nhất, thứ hai, thứ ba và tôi là thứ tư hoàn thành nhiệm vụ. Khi chúng tôi phá banh hàng rào thứ tư, thì hỏa lực của địch tập trung bắn như vãi đạn vào khu vực cửa mở. Người được phân công phá hàng rào thứ năm có vẻ chần chừ. Từ Văn Sáng lệnh cho tôi phá tiếp hàng rào thứ năm. Lập tức, tôi đón ống bộc phá từ tay đội viên nọ, lao lên giải quyết nhanh gọn hàng rào thứ năm. Hai đội viên còn lại cũng nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi xung phong chiếm lô cốt đầu cầu. Trong vòng chưa đầy 30 phút, tiểu đoàn làm chủ hoàn toàn căn cứ, diệt và bắt toàn bộ địch trong đồn. Viên bang tá bị bắt. Ta thu toàn bộ vũ khí, trang bị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:15:56 am »


        Trên đà thắng lợi ba trận liên tục, vào đúng Tết Giáp Ngọ, đại đội tôi được lệnh tổ chức trận đánh phục kích ở Tràng Bạch. Nhiệm vụ chính là phục kích tiêu diệt một trung đội địch tuần đường từ Đông Triều về bốt Tràng Bạch.

        Sau một thời gian theo dõi, nắm chắc quy luật hoạt động của trung đội địch tuần đường, chúng tôi chọn ngày 30 Tết Giáp Ngọ - đúng lúc địch chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để “cất mẻ vó” này. Suốt mấy ngày náu mình sau những lùm cây cạnh đường 18, để quan sát địch tình, chuẩn bị công sự và suốt ngày 30 Tết ngồi chờ địch trong cái rét cắt da, cắt thịt, chứng kiến cảnh dân tình rục rịch sửa soạn và gồng gánh mâm cỗ đi cúng lễ tất niên, trong lòng cuộn lên nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Giá như không có nạn giặc giã, thì giờ phút đó anh em chúng tôi cũng sum vầy cùng gia đình, chòm xóm vui Tết, đón Xuân. Càng hận kẻ thù, chúng tôi càng chắc tay súng. Chỉ chờ trung đội địch lọt vào trận địa phục kích, toàn đại đội nhất loạt xung phong, diệt và bắt gọn 38 tên, thu toàn bộ vũ khí.

        Trận đánh diễn ra trong chớp nhoáng. Quá trình diễn ra trận đánh, ta tuyệt đối an toàn. Nhưng khi lui quân, bộ đội cơ động trên cánh đồng trống, bị địch phát hiện và lập tức cho pháo từ các cứ điểm trên các ngọn đồi cao bắn chặn gây thương vong một số. Trong số đó có anh Cẩn - Chính trị viên đại đội.

        Là một cán bộ chính trị mẫu mực, là tấm gương sáng để anh em chúng tôi “soi” hằng ngày; khi bị mảnh đạn pháo tiện đứt ngang đầu gối, được anh em đưa về khe Chè, nhưng anh Cẩn vẫn nén đau, động viên bộ đội không vì thương vong mà để nhụt ý chí chiến đấu. Trước khi mất, anh còn căn dặn Ban chỉ huy đại đội nhanh chóng khắc phục hậu quả sau trận đánh, cố gắng tổ chức cho bộ đội đón Tết. Nhưng, chúng tôi còn lòng dạ nào nửa mà vui Tết. Cả đại đội khóc suốt mấy ngày. Mất chính trị viên, chúng tôi mất một cán bộ mẫu mực, một người anh ruột thịt. Nén nỗi đau, chúng tôi hứa với vong linh người đã khuất, quyết chiến đấu, lập công, bắt kẻ thù đền tội:

        Vừa củng cố tổ chức biên chế, khắc phục tổn thất của trận phục kích ở Tràng Bạch và nghỉ ngơi vài ngày sau Tết, ngày 16 tháng Giêng năm 1954, Đại đội tôi nhận nhiệm vụ đánh bốt Chiêm ở Đông Triều. Bốt Chiêm nằm dưới chân ngọn núi, có đồn Đông Triều ở phía trên. Giữ bốt Chiêm là hai trung đội lính ngụy ác ôn khét tiếng, gây nhiều tội ác đối với nhân dân trong vùng. Vì vậy, chính quyền địa phương tha thiết yêu cầu Tiểu đoàn Thiên Đức đánh “dằn mặt” bọn ác ôn này. Do triển khai trận đánh bị động theo yêu cầu của địa phương, nên công tác chuẩn bị cho trận đánh không được chu đáo, nhất là khâu trinh sát nắm địch. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến trận đánh không thành công.

        Do trinh sát không tốt, bốt có 7 hàng rào, trinh sát chỉ báo có 5, chuẩn bị lượng nổ không đủ, nên không mở được cửa. Cũng như mọi lần, tiểu đội chúng tôi nhận nhiệm vụ mở cửa, quét được 5 hàng rào thì hết bộc phá. Lập tức địch từ đồn Đông Triều ở trên cao và từ bốt Chiêm tập trung đạn rót vào khu vực cửa mở. Anh em chúng tôi phơi mình chịu trận. Tiểu đội hy sinh hai đồng chí. Tôi cũng bị thương nhẹ sau khi đánh xong hàng rào thứ 5. Trước tình hình đó, đại đội được lệnh dừng trận đánh và lui quân. Toàn đại đội hy sinh 7 đồng chí, bị thương gần hai chục. Thương vong lớn, lại không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là một tổn thất, một nỗi đau của anh em chúng tôi ngay đầu năm mới 1954.

        Nửa tháng sau trận Tràng Bạch, chúng tôi đánh trận Mật Sơn (Chí Linh). Từ Chí Linh đi Đại Tân, dọc theo đường 18, địch cho đóng hai đồn là Mật Sơn và Đại Tân. Lúc này, khu vực Sao Đỏ toàn là đồi, rừng, cây cối rậm rạp, rất thuận cho đánh phục kích giao thông. Trong trận này, một đại đội bộ đội địa phương huyện có nhiệm vụ đánh đồn Mật Sơn. Một bộ phận của đại đội chúng tôi có nhiệm vụ mật phục ở quãng giữa Mật Sơn - Đại Tân, đánh quân đi tuần; một bộ phận khác đánh quân chi viện từ Phả Lại xuống. Là tổ bộc phá, chúng tôi được bố trí ở bộ phận đánh quân chi viện. Vấn đề nan giải lúc này là lực lượng quân viện của địch có xe bọc thép hộ tống; trong khi chúng tôi chưa có súng chống tăng và xe bọc thép. Sau một chập bàn thảo, Ban chỉ huy đại đội quyết định sẽ dùng bộc phá, áp sát xe, đánh vào bánh xích.

        Cho dù chưa đánh xe bọc thép bao giờ, nhưng trong quá trình huấn luyện, chúng tôi được phổ biến: ở cự ly xa và trung bình, xe bọc thép của địch phát huy tốt hỏa lực nhưng nếu ta áp sát thì ưu thế của chúng sẽ bị hạn chế. Sau khi được trinh sát báo cáo tình hình viện binh của địch và nhận lệnh của đại đội trưởng, tiểu đội tôi bố trí trận địa phục kích cách đồn Mật Sơn chừng một cây số. Tiểu đội chia làm ba tổ đánh ba xe. Mỗi tổ có một bộc phá viên làm nhiệm vụ áp sát, tung bộc phá vào bánh xích; hai chiến sĩ còn lại có nhiệm vụ yểm trợ, diệt và bắt địch trên xe.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:19:05 am »


        Đúng như những gì chúng tôi đã được huấn luyện, từ Phả Lại lên, quân địch vừa tiến vừa bắn như vãi đạn vào những khu vực nghi có ta phục kích hai bên trục đường 18. Chờ cho xe địch đến cách chừng bảy chục mét, chúng tôi đồng loạt xung phong; đạn từ trên xe bắn, bay chíu chíu qua đầu; mặc, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận. Lập tức, địch cho xe lùi lại. Chúng tôi càng đuổi hăng. Đến cách xe chừng ba chục mét, bất ngờ chúng tôi thấy ba thằng Tây nhảy từ trong xe ra, tháo chạy thục mạng. Nhưng đám lính “công tử” ấy làm sao có thể chạy nhanh hơn chúng tôi. Hai thằng đã bị tiểu đội tôi tóm gọn. Đuổi được xe bọc thép, bắt sống được Tây, là ấn tượng mạnh nhất, là niềm tự hào của tiểu đội Từ Văn Sáng trong trận này.

        Kết thúc trận đánh, chúng tôi dẫn giải tù binh, nhanh chóng cơ động về Cổ Vịt, Bến Tắm, cách Sao Đỏ chừng chục cây số về phía đông bắc. Dọc đường chúng tôi lui quân, địch cho pháo bắn chặn rất rát, nhưng toàn đại đội an toàn.

        Lúc này, qua báo cáo của nhân cốt nội tuyến, chúng tôi biết lính địch ở đồn Mật Sơn hoang mang tột độ, vì bị đơn vị bộ đội địa phương tấn công và quân chi viện không tới được. Chớp thời cơ, tiểu đoàn lệnh cho đại đội tôi giải quyết đồn Mật Sơn. Ngay đêm hôm sau, chúng tôi ra quân. Sau khi tổ bộc phá mũi nhọn phá tung hàng rào, bộ binh xông lên đánh vào đồn như vào chỗ không người. Nghe bộc phá, địch chỉ biết chui vào hầm hố, công sự và sau đó nhanh chóng nộp súng, đầu hàng. Chúng tôi bắt được tên đồn trưởng, kết thúc trận đánh rất chóng vánh. Vậy là trận đánh Mật Sơn, từ một trận đã phát triển thành hai trận, giành thắng lợi giòn giã.

        Thời gian này đang có chủ trương của trên đẩy mạnh đánh địch ở vùng đồng bằng địch hậu để phối hợp “chia lửa” với mặt trận Điện Biên Phủ. Vì vậy, khi xét thấy điều kiện cho phép là tiểu đoàn tôi ra quân. Trung tuần tháng 3 năm 1954, tiểu đoàn sử dụng Đại đội 157 (Đại đội 2) tham gia đánh trận Bãi Thảo - nằm trên quãng đường từ Cẩm Lý (Bắc Giang) về Bến Tắm, Chí Linh (Hải Dương). Trong trận này, đại đội địa phương quân Chí Linh đánh quân đi tuần. Đại đội 157 sẽ phục kích diệt bọn ra nhặt xác lính tuần đường bị tiêu diệt. Kế hoạch, quyết tâm trận đánh là vậy, nhưng diễn biến không như ta mong đợi. Đại đội địa phương quân Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ diệt quân địch đi tuần đường. Nhưng Đại đội 157 không những không hoàn thành nhiệm vụ diệt quân địch ra nhặt xác, mà còn bị tổn thất nặng nề. Phát hiện trận địa mật phục của Đại đội 157, địch đã bí mật tập kích, sục hầm bắn chết gần một trăm cán bộ, chiến sĩ. Đại đội gần như mất sức chiến đấu.

        Sau trận đánh, chúng tôi đã ngồi lại, mổ xẻ mọi tình tiết để tìm nguyên nhân. Có thể, vì dân trong vùng, chủ yếu là người Ngái - một nhánh của người Hoa, lúc đó bà con ít có thiện cảm với đằng mình, đã báo cho địch biết trận địa phục kích của Đại đội 157. Cũng có ý kiến cho rằng kẻ địch đã theo dõi nắm bắt quy luật hoạt động của tiểu đoàn, thường sau khi đánh quân tuần đường, sẽ phục kích diệt lực lượng ra lấy xác, giải quyết hậu quả. Ở đây, địch đã “tương kế, tựu kế”, bí mật chụp diệt lực lượng phục kích của ta.

        Do trận này không tham gia, nên Đại đội 156 chúng tôi được giao nhiệm vụ giải quyết hậu quả trận đánh. Chứng kiến gần một trăm anh em bị địch sát hại, cả đại đội tôi không ai cầm được nước mắt, một nỗi đau không thể nói thành lời, ai nấy cắn răng để nước mắt lặn vào trong, khẩn trương đưa thi thể anh em về mai táng tại một địa điểm sâu trong núi.

        Trong đời binh nghiệp của mình, đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất tôi chứng kiến tổn thất nặng nề của đơn vị mình. Trận Bãi Thảo ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Dù ngày ấy, chỉ là một chiến sĩ - một bộc phá viên bình thường, tôi cũng ý thức được rằng mọi sự giản đơn, đại khái, không năng động, rập khuôn theo lối mòn… trong chiến đấu sẽ phải chịu những hậu quả khó lường.

        Sau này, khi về làm Tư lệnh Quân khu 3, có dịp trở lại khu vực Bãi Thảo, Bến Tắm, Chí Linh, tôi đã cho khảo sát, tìm kiếm số hài cốt đồng chí, đồng đội hy sinh ngày ấy chưa được quy tập để đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Xung quanh việc quy tập hài cốt các liệt sĩ Tiểu đoàn Thiên Đức hy sinh trong trận Bãi Thảo cũng có nhiều tình tiết mang màu sắc tâm linh. Chúng tôi xem đó là chuyện thường tình. Điều cốt yếu là chúng tôi đã trọn tình với đồng chí, đồng đội đã khuất, mà bao năm rồi, vì trận mạc nơi xa và nhiều nguyên do khác, chưa làm được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:20:59 am »


        Kết thúc đợt tác chiến ở vùng địch hậu Bắc Ninh - Chí Linh, Đông Triều (Hải Dương), cuối tháng 3 năm 1954, đơn vỉ tôi “lật cánh” sang phía tây, qua Vĩnh Phúc, cùng lực lượng vũ trang ở đây tiến công địch, phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ đang vào hồi quyết liệt và quyết định. Ở Vĩnh Phúc, đại đội được giao nhiệm vụ đánh một đồn địch ở gần Phủ Lỗ. Nói là đồn, nhưng thực chất địch đóng trong một ngôi đình khá bề thế. Vì “chân ướt chân ráo” mới tới, chiến trường lạ lẫm, không tổ chức điều nghiên; chỉ qua một vài thông tin do đơn vị bạn cung cấp, nên nắm địch không chắc. Kết quả là không diệt được đồn mà còn bị thương vong một số. Riêng tiểu đội bộc phá của tôi hy sinh hai đồng chí. Còn tôi, sau khi giật bộc phá, phá được hàng rào, bỗng giật nẩy mình và thấy đau nhói ở mông. Quờ tay sờ đã thấy máu đầm đìa. Vết thương rộng, sâu, nhưng may chỉ vào phần mềm. Nói chung, trận đánh đó, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng là trận cuối cùng tôi chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn Thiên Đức, bởi sau đó, tôi được chuyển về quân y xá, điều trị gần ba tháng. Đồng thời, là lúc Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ, buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.

        Mặc dù trận đánh cuối cùng không thành công, lại bị thương, như một kỷ niệm buồn; nhưng hơn một năm được là người lính của Tiểu đoàn Thiên Đức - tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Bắc Ninh, có truyền thống đánh giặc giỏi, đoàn kết… là quãng thời gian có ý nghĩa sâu sắc đối với bản thân tôi. Ở đó, tôi đã có những tháng ngày trẻ trai, sôi nổi vô tư, xông xáo, đánh giặc hăng say; ở đó, tôi đã bước những bước chập chững đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của mình; có những trận chiến đấu “vỡ lòng”, có thành công và chưa thành công. Qua chiến đấu, tôi đã gạn lọc được biết bao kinh nghiệm quý giá; được sống trong tình đoàn kết đồng chí, đồng đội, anh em gắn bó hơn ruột thịt; nhường áo, sẻ cơm, chia nhau niềm vui, nỗi khổ…

        Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với cương vị chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn đánh địch trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã vận dụng tốt các kinh nghiệm và truyền thống quý báu của Tiểu đoàn Thiên Đức, của quân và dân đồng bằng Bắc Bộ mà tựu trung lại là những kinh nghiệm, cách đánh, phương thức hoạt động trong lòng địch.

        Về nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam, I.Vơ Gờra, một viên tướng của đạo quân viễn chinh xâm lược Pháp và là giáo sư Học viện chiến tranh của Pháp, sau những năm tháng nếm mùi thất bại cay đắng trên chiến trường đồng bằng sông Hồng, qua tác phẩm “Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương” của mình đã có một nhận xét khá lý thú rằng: “Trong suốt quá trình phát triển của cuộc chiến tranh Đông Dương, các trận hội chiến kiểu như Biên giới, Hòa Bình… có tầm quan trọng lớn, nhưng chúng chỉ diễn ra trong từng thời điểm. Còn cuộc đấu tranh giành giật vùng châu thổ sông Hồng lại mang tính thường xuyên và cuộc đấu tranh đó chính là cốt lõi của toàn bộ cuộc chiến tranh”.

        Dù ở cương vị nào, mỗi khi nghĩ đến những ngày đầu của cuộc đời quân ngũ, trong tôi lại trỗi dậy tình cảm xao xuyến lạ thường. Xin cảm ơn các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thiên Đức đã tạo dựng nên vành nôi ấm giúp tôi rèn luyện, trưởng thành, vững vàng bước tiếp những chặng đường mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:24:10 am »


*

*       *

        Sau gần ba tháng điều trị, lành vết thương, sức khỏe bình phục, tháng 6 năm 1954 tôi trở về cùng đơn vị nhận nhiệm vụ mới. Lúc này, khắp mọi miền của đất nước đang sống trong dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ. Đâu đâu, từ trong đơn vị bộ đội đến từng bản làng hẻo lánh đều đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Trên khuôn mặt, ánh mắt người người đều chất chứa niềm tự hào của người dân đất Việt, của Bộ đội Cụ Hồ, từ trong nô lệ, lầm than đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trở thành người chiến thắng.

        Thắng lợi của chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Nhưng với tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng ta, thì kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng là điểm mở đầu của thời kỳ mới, thời kỳ chống đế quốc Mỹ. Từ diễn đàn Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) vào tháng 6 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: đế quốc Mỹ đã trở thành kẻ thù trực tiếp của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, và Người chủ trương tập trung lực lượng cả nước chống đế quốc Mỹ.

        Tiên liệu sớm tình hình, trong điều kiện Hội nghị Giơnevơ sắp kết thúc, tranh thủ thời gian Hiệp định Giơnevơ chưa có hiệu lực, Trung ương Đảng khẩn trương tổ chức một chiến dịch tiếp nhận viện trợ vũ khí trang bị của Trung Quốc, Liên Xô. Chiến dịch được mang tên “Kế hoạch Z”. Theo đó, trong vòng từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1954, ta phải bí mật khẩn trương tiếp nhận một khối lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật của nước bạn, chủ yếu là vũ khí, đạn bộ binh, ô tô… Mọi việc phải cơ bản hoàn tất trước khi phái đoàn quốc tế vào giám sát việc thi hành hiệp định đình chiến.

        Vì vậy khi tiếng súng lắng lại trên chiến trường Điện Biên Phủ, một chiến dịch khẩn trương, quyết liệt mà thầm lặng lại diễn ra ở tuyến biên giới phía Bắc. Theo thỏa thuận giữa ta và bạn, hàng viện trợ sẽ vào theo hai hướng: một hướng vào qua Thủy Khẩu (Cao Bằng) và hướng thứ hai qua cửa khẩu Hữu Nghị quan (Lạng Sơn).

        Chạy đua với thời gian, trong ba tháng trời, cùng với đơn vị bạn, chúng tôi làm việc không quản ngày đêm, mưa nắng. Các hang hầm trong các dãy núi đá ở Lạng Sơn dọc theo trục đường 1B đã được cải tạo để cất chứa vũ khí. Nhiều kho tạm bằng tranh, tre nứa lá, được bộ đội, dân công làm gấp, nhằm hạn chế tối đa tình trạng vũ khí phơi nắng, dầm mưa. Khuân vác, vận chuyển cực nhọc, hơn nữa, tôi lại vừa qua kỳ dưỡng thương, nhiều lúc tưởng như quá sức. Nhưng bù lại, thấy quân đội được thêm một nguồn vũ khí trang bị khá hiện đại; nhìn những lô súng ống ngời ánh thép, những đoàn ô tô, pháo xe kéo xếp hàng hành tiến hùng dũng… là mệt nhọc tiêu tan.

        Nguồn vũ khí, trang bị tiếp nhận qua “Kế hoạch Z” là cơ sở để quân đội ta có điều kiện tiến hành kế hoạch thay đổi vũ khí, trang bị những năm đầu hòa bình. Số vũ khí cũ chuyển sang trang bị cho bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.

        Sau lễ Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1954, “Kế hoạch Z” cơ bản hoàn tất, cũng là lúc phái đoàn quốc tế có mặt ở Cao Bằng, Lạng Sơn. Tạm biệt xứ Lạng với nàng Tô Thị và chùa Tam Thanh…, chúng tôi lật cánh ra vùng Đông Bắc, làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng.

        Theo Hiệp định Giơnevơ, trong vòng 300 ngày các lực lượng thuộc khối Liên hiệp Pháp phải rút khỏi địa bàn từ vĩ tuyến 17 trở ra. Đồng thời, ta tiếp quản vùng giải phóng theo từng khu vực, lần lượt 80 ngày (khu vực Hà Nội), 100 ngày (khu vực Hải Dương) và 300 ngày (Hải Phòng, Quảng Yên).

        Việc tiếp nhận hàng viện trợ đang tiến hành hết sức khẩn trương thì đầu tháng 8 năm 1954, tiểu đoàn chúng tôi nhận được lệnh ra tiếp quản vùng mỏ Quảng Ninh. Lập tức, từ thị xã Lạng Sơn, đại đội tôi hành quân theo đường số 4 ra tiếp quản thỉ trấn Tiên Yên. Đơn vị bạn ra tiếp quản thị trấn Móng Cái vất vả hơn chúng tôi vì viên chỉ huy quân Pháp ở Tiên Yên không cho đơn vị này đi qua thị trấn, buộc phải quay lại, đi đường vòng trong rừng.

        Mặc dù lực lượng phản động - tay chân của Pháp nhanh chân trốn vào rừng, bắt tay với trùm phỉ Voòng A Sáng và Lục Văn Thông ngấm ngầm, quyết liệt chống phá cách mạng, nhưng thực hiện hiệp định đã được ký, viên chỉ huy quân Pháp ở Trên Yên “ngoan ngoãn” bàn giao thị trấn này cho người đại diện Trung đoàn 238 là đồng chí Trần Đức - Phó chính ủy trung đoàn. Vào tiếp quản Tiên Yên, chúng tôi nhanh chóng ổn định an ninh chính trị; tuyên truyền thuyết phục đồng bào các dân tộc, phát triển các cơ sở quần chúng; lôi kéo những người theo địch, theo phỉ trở về với gia đình, làng bản. Khi Ủy ban quân chính Tiên Yên ra đời, đồng chí Phó chính ủy trung đoàn đã được trên chỉ định là thành viên của Ủy ban.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM