Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:29:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời chiến sĩ  (Đọc 44363 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 08:41:52 pm »

        
        - Tên sách: Đời chiến sĩ

        - Tác giả: Đại tướng Phạm Văn Trà. Thể hiện: Duy Tường

        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân

        - Năm xuất bản: 2009

        - Số hoá: ptlinh, macbupda
       

        Quê quán: xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh
        Sinh năm 1935
        Nhập ngũ: năm 1953
        Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1956).
        Chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam Bộ, giữ các chức vụ từ tham mưu trưởng tiểu đoàn đến trung đoàn trưởng (1964 – 1975)
        Tham mưu trưởng Sư đoàn 4; Phó Sư đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 330, Quân khu 9 (12/1975 – 1977)
        Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1976)
        Học tại Học viện quân sự cấp cao (từ 9/1978)
        Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1997 - 2006)
        Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 Quân khu 9, chỉ huy sư đoàn làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (từ 8/1980)
        Tháng 3.1983: Phó Tư lệnh Mặt trận 979.
        Năm 1985 - 1988: Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 9.
        Tháng 6/1988: Phó Tư lệnh Quân khu 3.
        Năm: Tư lệnh Quân khu 3 (1989 – 1993)
        Tháng 12/1993: Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
        Tháng 12.1995: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
        Năm 1997 - 6/2006: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương).
        Đại tướng: 2003

        Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII - IX, Uỷ viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX.

        Đại biểu Quốc hội các khóa IX - XI.

        Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công (hạng Nhì, hạng Ba)...




Cùng bạn đọc

        Chưa tròn tuổi 18, nhỏ con, thiếu cân, nhưng vì lo “kháng chiến chín năm” đang vào hồi kết, mà không thực hiện được điều thầm hứa với vong linh người cha vừa ngã xuống bởi bàn tay của kẻ thù, đã hối thúc tôi nhập ngũ. Vậy là, kể từ những ngày Thu tháng Tám năm 1953 - ngày tôi được đứng trong hàng ngũ Tiểu đoàn Thiên Đức tỉnh Bắc Ninh, đến ngày rời quân ngũ, tôi đã có trên 55 năm làm Bộ đội Cụ Hồ.

        Hơn nửa thế kỷ đó, tôi đã cùng bạn bè, đồng chí, đồng đội làm một cuộc trường chinh theo con đường của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Từ những trận chiến đấu “vỡ lòng” trên quê hương Kinh Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi đã vượt Trường Sơn đến với miền Tây Nam Bộ; trải qua 12 năm là người lính của Trung đoàn 1 U Minh, cùng đồng chí, đồng đội bà con cô bác kiên cường bám trụ từng xóm ấp, dòng kênh; khi Cà Mau - Đất Mũi; Long Mỹ, Phụng Hiệp….Cần Thơ, khi Chương Thiện, Vĩnh - Trà, đánh Mỹ và thắng Mỹ. Tiếp đó là gần 10 năm cùng lực lượng vũ trang Quân khu 9 làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp, góp phần cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong…

        Suốt một thời quân ngũ, tôi đã trải qua hết thảy những thang bậc, vị trí của người lính, từ chiến sĩ liên lạc, bộc phá viên, tổ trưởng ba người, đến cán bộ sư đoàn, quân khu, rồi Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Từ sâu thẳm lòng mình, tôi luôn tâm niệm hết thảy những gì tôi làm được, mỗi bước trưởng thành của bản thân đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ của tổ chức, đồng chí, đồng đội; tình cảm và sự cưu mang của bà con cô bác trên mọi miền Tổ quốc; của biết bao người đã dũng cảm hy sinh trong những tháng ngày chiến tranh cam go, khốc tiệt nhất.

        Bởi vậy, hồi tưởng, xâu chuỗi, ghi chép lại những sự kiện lớn nhỏ, những hỷ niệm của một thời quân ngũ, để tỏ lòng tri ân Đảng và Bác Hồ, tri ân bà con cô bác, đồng chí đồng đội giúp đỡ, cưu mang là điều tôi luôn ấp ủ, canh cánh bên lòng.

        Cảm ơn Đại tá Nguyễn Duy Tường đã nhiệt tình giúp tôi thực hiện được điều mong muốn của mình trong tập hồi ký “Đời Chiến sĩ”.

        Hơn nửa thế kỷ chinh chiến và công tác; đất nước lại trải qua ba cuộc chiến tranh, biết bao sự kiện chồng chất, đan cài, mà trí nhớ lại có hạn. Vì vậy, nếu như có điều gì sai sót, khiếm khuyết ở “Đời Chiến sĩ”, rất mong đồng chí, đồng đội, bà con cô bác và bạn đọc lượng thứ, bổ khuyết.


PHẠM VĂN TRÀ        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:50:38 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 08:46:56 pm »


Chương một

QUÊ HƯƠNG NGUỒN CỘI VÀ THỜI THƠ ẤU

        Trên hai chục năm trụ bám ở đồng bằng sông Cửu Long, bên những kênh rạch, trong các miệt vườn ở Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Trà… cùng bà con cô bác và đồng đội đánh Mỹ, tôi đã là người con của miền Tây Nam Bộ. Các em, các cháu thân quen gọi là anh Ba, chú Ba; các ba, má trìu mến gọi thằng Ba; còn anh em đồng chí cùng trang lứa thân mật gọi là Ba Trà. Bởi vậy, thoạt nghe tên, nhiều người cứ nghĩ tôi là dân gốc Nam Bộ. Tôi tự hào được là người con của hai vùng quê: Kinh Bắc - Bắc Ninh - miền quê cội rễ, nơi chôn rau cắt rốn, nơi tình cha, nghĩa mẹ, tình làng nghĩa xóm, hạt thóc, củ khoai và những làn điệu dân ca quan họ… nuôi tôi khôn lớn thành người, và miền Tây Nam Bộ - miền quê của một thời trận mạc.

*

*       *

        Quê tôi - Phù Lãng Trung, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Quế Võ nằm trên trục lộ 18, nối Hà Nội - Bắc Ninh với vùng mỏ Đông Bắc của Tổ quốc. Phù Lãng ở phía đông huyện Quế Võ, cách huyện lỵ chừng 15 cây số. Bao bọc ba phía: đông, bắc và một phần phía tây Phù Lãng là sông Cầu - con sông của huyền tích, của những làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người, của thơ ca và tình yêu đôi lứa.

        Phù Lãng quê tôi có địa hình cao thấp xen kẽ. Cạnh những cánh đồng không rộng lắm, những làng thôn - nơi dân cư quần tụ nổi lên dãy Trâu Sơn, núi Cảng (núi Chùa Cao), núi Mang, núi Bờ Rùa, núi Chùa Vân. Giờ đây thì những ngọn núi đó cây cối thưa thớt, đất đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”, nhưng theo các bậc cao niên thì trước đây trên núi Chùa Vân cây cối rậm rạp, nhiều cây cổ thụ, nên dân trong vùng vẫn gọi là rừng Vân.

        Sông Cầu nên thơ như dải lụa bao bọc, lại điểm xuyết những ngọn núi lung linh huyền tích… tạo cho Phù Lãng cảnh sơn thủy hữu tình, đắm say kỳ lạ. Con sông Cầu đã tắm mát tuổi thơ tôi; những mái đình - chùa với đầu đao cong vút; những làn điệu dân ca tình tứ, sâu lắng… của đất Kinh Bắc, đã hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thuở nằm nôi.

        Khi xưa, đường bộ chưa phát triển thì sông Cầu là con đường thủy đi lại, làm ăn, buôn bán của Phù Lãng, Quế Võ. Sau này tuyến giao thông chủ đạo là đường 18.

        Cũng như bao làng quê khác, trong sự biến thiên của lịch sử, Phù Lãng, Quế Võ cũng đã nhiều lần thay tên đổi họ, chia ra nhập vào.

        Theo một số công trình lịch sử, địa danh Phù Lãng đã thấy xuất hiện từ đầu thời Lê (Trung Hưng). Tuy vậy, đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đơn vị hành chính cấp Tổng còn tồn tại, thì Phù Lãng chỉ là tên gọi một xã nhỏ của tổng Phù Lương - gồm 11 xã: phù Lương, Cựu Tự, Minh Lương, Đồng Sài, Phù Lãng, Thất Gian, An Xá (An Trạch hay Văn Cần), Phùng Dực (Bằng Dực hay Phùng Dị), An Định, Văn Phong, Hữu Bằng.

        Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời. Dưới chính thể Dân chủ Cộng hòa, cấp Tổng không còn, Phù Lãng thuộc huyện Quế Dương. Sau này, huyện Quế Dương sáp nhập với huyện Võ Giàng thành Quế Võ. Tháng 3 năm 1948, ba xã Phù Lãng, Đồng Sài, An Trạch hợp nhất thành xã Đại Tân và đến đầu năm 1971, xã Đại Tân được đổi thành xã Phù Lãng. Với sự kiện này, phải nói là dân quê tôi vô cùng phấn khởi - như được trở về nguồn cội - trở về với tên gọi đã từng là máu thịt, là tình cảm lắng đọng - là “thương hiệu” của muôn đời - thương hiệu gốm Phù Lãng - rất lý thú, tôi xin dành nói ở phần sau.

        Làng Phù Lãng hay xã Phù Lãng xưa có ba thôn: Trung thôn, Hạ thôn và Thượng thôn. Còn Phù Lãng bây giờ có các thôn: Đồng Sài, An Trạch, Đoàn Kết, Phấn Trung và Thủ Công.

        Cũng như bao làng quê khác ở xứ Kinh Bắc nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung, người dân Phù Lãng quê tôi tự bao đời chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Nhưng ơn trời, “nhất cận thị, nhị cận sông”, do gần sông nước thuận cho giao thương, đất đai thích hợp với đồ gốm, nên ngoài làm nông, người Phù Lãng còn thêm nghề làm đồ gốm.

        Với nông nghiệp, đồng đất Phù Lãng có thế cao thấp đan xen nhau. Có cánh đồng cao bằng phẳng, đất pha cát, một năm canh tác được hai vụ. Nhưng cũng có nhiều cánh đồng trũng, quanh năm ngập nước, chỉ cấy được vụ lúa chiêm, thường gọi là dộc: dộc Đồng Nam, dộc Đồng Long, dộc Láng, dộc Vẽ, dộc Bờ Mảng, dộc Cũ Cò,…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 08:49:22 pm »


        Thuở xưa, khi mà người nông dân, một năm hai vụ “trông trời, trông đất, trông mây / Trông mưa trông nắng…”, thì đồng đất quê tôi thường xuyên chịu cảnh “chớm nắng đã hạn, chớm mưa đã úng”. Cả xã chỉ có đất Đồng Sài khá màu mỡ, nên từ thuở ấu thơ, tôi đã từng được nghe người già truyền nhau câu tục ngữ “Thứ nhất Đồng Sài, thứ hai Đồng Chuê”.

        Đất đai eo hẹp, phần lớn cằn cỗi, nên cho dù người dân quê tôi siêng năng cần cù “một nắng hai sương”, chịu thương chịu khó, thì ngày trước làm ruộng cũng chẳng đủ ăn; một năm thường thiếu ăn chừng vài tháng, phải chạy chợ, làm thêm nghề phụ đắp điếm qua ngày.

        Tuy đất đai cằn cỗi, không sẵn những loại nông sản đứng vào hàng “cao lương mỹ vị” như nhiều vùng khác, nhưng ở phù Lãng cũng có khoai lang Đồng Sài - củ to, thơm ngon nổi tiếng trong vùng và rau cần An Xá, đã bao đời có mặt khắp các chợ gần xa; được nhà nhà ưa chuộng.

        Cùng với cây lúa, luống khoai ngoài đồng; trâu bò, lợn gà cũng được người dân quê coi trọng; vừa để làm sức kéo, làm nguồn thực phẩm dự trữ, và đặc biệt là bán để kiếm đồng tiền dành chi tiêu “trăm thứ bà giằn” trong nhà. Cũng có một số gia đình nuôi dê và nuôi cá đầm, hồ ao.

        Ngoài nông nghiệp là chính, Phù Lãng từ lâu đời đã nổi tiếng bởi nghề làm gốm. Qua một số công trình nghiên cứu lịch sử, thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, Lưu Phong Tú được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp này, ông đã học được nghề làm gốm và về truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền cho người ở ven sông Lục Đầu, sau đó là vùng Vạn Kiếp - Chí Linh - Hải Dương và ngược dòng sông Cầu, nghề làm gốm đến đất Phù Lãng vào đầu thời nhà Trần (thế kỷ XIII).

        Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng là đồ gia dụng, như. chum, vại, chậu, nồi, chậu cảnh, tiểu sành… Màu men chủ đạo là men da lươn, có các họa tiết hoa văn trang nhã, dung dị. Gần đây, Phù Lãng còn nổi tiếng với đồ gốm mỹ nghệ.

        Nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm gốm Phù Lãng là đất sét màu hồng nhạt, mua ở làng Thống Vát, Cung Kiệm xã Việt Thống (cùng huyện). Đất sét được chuyển bằng thuyền xuôi sông Cầu về Phù Lãng. Qua nhiều công đoạn tinh luyện, đạt được độ dẻo, mịn cần thiết, đất sét được chuyển sang tạo hình trên bàn xoay, bằng bàn tay tài hoa của người thợ gốm.

        Cũng như nghề gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội), Thổ Hà (Việt Yên - Bắc Ninh)…, phương pháp tạo hình gốm Phù Lãng cũng được chuốt trên bàn xoay. Sau công đoạn chuốt là tráng men, phơi khô và cho vào lò nung. Trong cả quy trình đó, nếu khâu tạo dáng để hình thành một phong cách riêng của một “dòng” gốm cần tới độ tình xảo, kỹ thuật điêu luyện của người thợ chuốt; thì sản xuất men là một bí quyết kỹ thuật mà người thợ làm gốm xưa rất coi trọng và giữ kín.

        Về kỹ thuật, nghệ thuật tạo hình, trang trí sản phẩm, gốm Phù Lãng không thua kém các dòng gốm khác. Gốm quê tôi còn được nhiều người biết, trân trọng bởi sự đa dụng và luôn gần gũi với cuộc sống đời thường của thôn quê. Trong cuộc sống hằng ngày, hỏi rằng có gia đình nông dân nào ở đồng bằng Bắc Bộ không cần vài chiếc chum, vại, cái ấm đất, cái chậu sành? Khi sang thế giới bên kia, lại cần đến chiếc tiểu sành sau lần “cải cát”…? Chưa kể tới đồ gốm mỹ nghệ của Phù Lãng thời nay mang sắc thái mới lạ, đầy quyến rũ.

        Ngoài gốm Phù Lãng, đất Võ Giàng - Quế Dương xưa còn khá nổi tiếng với lụa Kim Đôi; hương đen Cách Bi - Hán Quảng, đồ tre đan ở Đa Cấu - Sơn Động, bị dó Quế Ổ, Chiếu buồm Đại Toán,… Bởi vậy, dân trong vùng mới truyền tụng nhau rằng:

Chằm Ngăm đi bán cá con.
Phù Lãng gánh đất nung lon, nặn nồi
Ngăm Ngõ là đất nung vôi,
Đại Toán đan bị, Đông Côi đan giành…

        Nằm bên bờ sông Cầu, lại có nghề gốm nổi tiếng từ xa xưa, nên hoạt động chợ búa, thương mại ở Phù Lãng trước đây thật sôi nổi. Từ thuở ấu thơ, tôi đã từng chứng kiến hằng ngày, thuyền lởn nối đuôi nhau chở đất sét từ Cung Kiệm, Thống Vát về; thuyền bè chở củi, gỗ thượng nguồn về bán cho các lò gốm; rồi thuyền buôn từ Hải Phòng mang cá mắm lên; thuyền buôn Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… đến cất hàng gốm,… Tất cả tạo nên cảnh bán mua, chợ búa tấp nập, sôi động, làng quê khi nào cũng hừng hực sức sống, nó khác với cảnh yên ả êm đềm những thôn xóm thuần nông.

        Chợ Phù Lãng (dân vẫn quen gọi chợ Lãng), không chỉ là chợ của xã mà quy mô, tính chất của một chợ vùng. Khi tôi lớn lên thì hàng chục cây đa ở chợ Lãng đã là những cây cổ thụ; tỏa bóng mát cho kẻ bán, người mua và tỏa bóng xuống những tâm hồn bé bỏng chúng tôi.

        Cứ mỗi độ hè tới, đám trẻ chúng tôi lấy mấy gốc đa làm nơi quần tụ, tìm bắt ve sầu, tìm hái những quả đa chín thẫm mọng nước, xem đó như thứ lộc trời ban tặng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 08:52:11 pm »


        Chợ Lãng một tháng họp sáu phiên chính vào ngày 1 và ngày 6. Theo mẹ đi chợ phiên, tôi mải nhìn cảnh bán mua, đổi chác không chán mắt; nhất là cảnh mua bán gà, lợn, mèo con, và thương vô cùng những chú cún con, những chú lợn sữa… run rẩy, sợ sệt khi khách hàng bắt ra, bỏ vào lồng; xoay ngược xoay xuôi, xem tai, xem mắt,…

        Cũng như nhiều chợ quê khác, ngoài là nơi trao đổi, bán mua, chợ Lãng còn là nơi gái trai trong vùng hẹn hò, tâm tình. Hãy đọc lời tình tự của một thôn nữ oán trách chàng trai vô tình cũng thấy được vài nét chấm phá về chợ Lãng quê tôi:

Chợ Lãng một tháng sáu phiên
Đường cái đi liền, anh chẳng vào chơi!

        Tuy nhiên, tấm gương nào cũng có mặt trái của nó. Cũng chính nói bán mua, đổi trao ồn ào, tấp nập này, vào năm Ất Dậu 1945, khi lên chín, lên mười, tôi đã chứng kiến người tứ xứ về đây ăn xin, chết đói la liệt.

        Là người con của Kinh Bắc - đất phát tích, đất của nghìn năm văn vật, nên thuở thiếu thời, tôi đã được đắm mình trong không khí hội hè, đình đám - nhất là lễ hội đầu xuân. Đó là cảnh hội làng, thờ Thành Hoàng làng - Thánh Tam Giang (từ ngày 7 đến ngày 16 tháng Giêng hằng năm). Rộn ràng, náo nhiệt khắp thôn Hạ, thôn Trung… là cảnh rước nước từ sông Cầu về đình làng và rước bát hương, bài vị Thành Hoàng… Trong suốt 10 ngày lễ hội, lũ trẻ chúng tôi, ngày thì xem đánh cờ, đấu vật; đêm xem hát chèo, hát quan họ.

        Ngoài hội làng còn có hội chùa; to nhất có hội chùa Cao tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng - trùng với hội làng. Chùa Cao, còn gọi là chùa Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc tự) ở Phù Lãng Thượng. Chùa Cao khá quy mô, nhưng bị thực dân Pháp phá từ hồi kháng chiến 9 năm, hiện dấu tích chỉ còn một tháp đá có tên “Bảo Ân tháp” và một vài bia đá. Qua những gì còn lại ở bia này thì niên đại muộn nhất của chùa Cao là ngày 9 tháng Tám năm Vĩnh Hựu thứ tư (năm 1738). Theo các hòa thượng cao niên trong vùng thì Mãn Giác thiền sư và các vị cao tăng Minh Long, Mã Minh,… đã từng trụ trì ở chùa Cao.

        Cùng thời với chùa Cao còn có chùa Phúc Long (Phúc Long tự) ở Phù Lãng Trung. Chùa Vĩnh Phúc và chùa Phúc Long thuộc phái Trúc Lâm của Phật giáo. Hiện nay, hai ngôi chùa này đã được phật tử trong vùng trùng tu, xây dựng lại.

        Vượt ra ngoài địa bàn Phù Lãng nhưng cùng trên đất Quế Võ có nhiều chùa có niên đại xa xưa và rất nổi tiếng, như chùa Dạm, chùa Phả Lại,… Chùa Dạm (Đại Lãm Sơn tự) được xây dựng vào thời nhà Lý (khởi công năm 1086, hoàn thành năm 1094). Dưới con mắt của vua nhà Trần, thì chùa Dạm là “bức tranh kiến trúc mười hai lớp, mắt thấy thiên nhiên rộng vạn lần”. Chùa Núi Phả Lại (Phả Lại Sơn tự), chùa Đại Minh được xây dựng dưới thời Lý Thần Tông (1128 - 1138), nổi tiếng về quy mô, vẻ đẹp mê hồn và những huyền tích về chủ nhân ngôi chùa là thiền sư Không Lộ…

        Danh nho Trần Nguyên Đán (l325-1390) đã không giấu nổi lòng mình khi vãn cảnh chùa Phả Lại, đã có bài Đề thơ của chùa Đạt Minh như sau:

                                 Chiều bên Bình Than hồi sáo trúc.
                                 Đêm chùa Phả Lại ánh đèn soi,
                                 Xưa nay những khách lên thăm cảnh.
                                 Lo trước vui sau hỡi có ai?

        Với sự xuất hiện những ngôi chùa nổi tiếng như chính thông điệp cho hay Phật giáo đã tồn tại ở Phù Lãng, Quế Võ quê tôi hàng nghìn năm trước và đã hòa đồng được với tín ngưỡng dân gian - thờ cúng tổ tiên, Thành Hoàng và những tôn giáo khác.

        Ngoài tín ngưỡng tôn giáo gắn với lễ hội, người Phù Lãng, Quế Võ còn có đời sống văn nghệ dân gian phong phú, đậm đà chất Kinh Bắc. Cùng với những làn điệu dân ca quan họ đã trở thành máu thịt, như cơm ăn, nước uống, khí trời, dân quê tôi còn hát trống quân, hát đố Thú sinh hoạt dân dã này thường diễn ra vào những đêm hè, đêm thu trăng sáng, bên triền đê sông Cầu, hay sân đình rợp bóng đa.

        Kể chuyện vui, nói khoác gây cười là một nét đặc thù làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân quê tôi. Thủ pháp gây cười ở đây là cách nói phóng đại và giọng điệu hài hước của người kể. Chủ đề thường xoay quanh “đặc sản” khoai lang Đồng Sài - người bạn thường gặp trong bữa ăn đạm bạc của người dân ngày xưa. Ví như: Củ khoai lang luộc chín, cho lên võng đưa tít ba ngày sau chưa nguội; củ khoai đưa chắn cổng làng, giặc không tài nào bẩy đi được để vào làng; trâu kéo cày, vấp phải mầm khoai lang, lưỡi cày vỡ tan tành… Với lối ngoa dụ, khuếch trương truyền đời này sang đời khác, nên trong vùng vẫn lưu truyền câu tục ngữ “Đồng Sài ăn khoai lang nói khoác”, hay là:

Nói khoác một tấc đến trời
Đã từng nổi tiếng một thời quê ta
Bốn phương múa lưỡi nói ra
Ai mà nghe kể ắt là hồn bay…

        Những mẩu chuyện hài hước cũng chính là tiếng lòng của người dân quê, tự mình tạo ra tiếng cười, tạo ra niềm vui từ trong lao động; xua đi nỗi nhọc nhằn cơ cực của người nông dân ngày qua ngày đổi bát mồ hôi lấy hạt thóc, củ khoai; đồng thời tiếng cười sảng khoái trong lao động cũng xua vơi đi nỗi hiềm khích đố kỵ muôn thuở của người tiểu nông, đưa con người đến gần nhau hơn, cố kết tình làng nghĩa xóm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 08:14:35 pm »


        Mặc dù về truyền thống khoa bảng, tôi không thấy Phù Lãng nhiều ông nghè, ông cống, nhưng qua thư tịch và những bậc cao niên, thì từ xa xưa, làng nào cũng có văn chỉ để thờ Khổng Tử và những bậc tiền nho, tiền hiển của làng; từng làng lại có một số ruộng gọi là “học điền”, được canh tác để lấy hoa lợi dùng vào việc nuôi thầy học - cũng là hình thức như gây quỹ khuyến học bây giờ. Theo sách “Quốc triều hương khoa lục” thời Nguyễn, tại khoa thi năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894), Nguyễn Duy Kỳ, sinh năm 1858, người Phù Lãng, là một trong mười nho sinh đất Kinh Bắc đỗ cử nhân tại trường thi Hà Nam. ông được ban thưởng hàm Cửu phẩm văn giai.

        Cũng như bao thôn làng người Việt, để chế ngự những thách đố nghiệt ngã của thiên nhiên - bão lụt, hạn hán và đối phó với giặc giã, người dân quê tôi từ xa xưa đã có truyền thống đoàn kết đấu tranh bảo vệ cuộc sống yên bình, bảo vệ quê hương, đất nước. Theo thư tịch cổ, thì từ xa xưa, làng nào của Phù Lãng cũng có lực lượng trị an bảo vệ xóm làng, bảo vệ hoa màu, chống trộm cướp. Khi đất nước, quê hương bị nạn ngoại xâm vào bất cứ thời nào, người Phù Lãng cũng đồng lòng đánh giặc. Trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến phương Bắc, với địa thế là “phên giậu” phía Bắc của kinh đô Thăng Long, Phù Lãng đã từng là chiến trường khốc liệt; là nơi mà biết bao dân binh, tráng binh đã anh dũng ngã xuống vì cuộc sống bình yên của quê hương, vì độc lập tự do của đất nước. Những địa danh: Mả Cháy, Mả Vưởng, Mả Ngòi, Mả Yên, Mả Cẩm, Mả Bầu,… được gắn với đồng đất quê tôi đã phần nào nói lên điều đó. Hoặc, tên gọi: Đèo Gạo, bãi Quần Ngựa, bến Tắm Ngựa… là những thông tin về thời xưa, quê tôi có thể là nơi hội quân đánh giặc…

        Đất nước đau thương và anh dũng, sau thời kỳ chống chọi với phong kiến phương Bắc là những tháng ngày chống thực dân phương Tây. Sau khi chiếm được Bắc Ninh vào những năm 80 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp luôn xác định vùng Quế Dương là địa bàn cần thôn tính - để làm chủ tuyến đường 18 từ Quảng Ninh về Bắc Ninh - Hà Nội. Cũng từ đó, quê tôi bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Những nông phu chân lấm tay bùn lại cùng nhau đem dạ sắt gan vàng chọi với tàu đồng, đại bác, bảo vệ từng bờ tre, gốc lúa, từng mảnh vườn, bờ ao mà cha ông để lại.

*

*       *

        Trên mảnh đất giàu truyền thống chống ngoại xâm, với nhiều nét đẹp văn hóa, nhưng cũng lắm cơ cực, bần hàn ấy, vào tháng Tám năm ất Hợi (1935) tôi cất tiếng khóc chào đời ở Phù Lãng Trung. Theo tộc phả, họ Phạm ở Quế Võ, có nguồn gốc từ vùng Kinh Môn - Hải Dương, qua Yên Phong rồi về Châu Cầu, Kim Đôi, Phù Lãng, quần cư sinh nhai từ xa xưa. Cũng vì vậy mà gia tộc tôi đã nhiều đời làm ruộng. ông bà nội tôi sinh được hai người con, cha tôi và chú Phạm Văn Hựu. Cha tôi - Phạm Văn Được sinh năm Canh Tý - 1900.

        Đã hơn 55 năm kể từ ngày cha tôi mất bởi bàn tay giặc Pháp, nhưng đằm sâu trong ký ức của tôi, ông là chuẩn mực của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ: cần cù chịu khó, khéo tay hay làm, toan lo, quán xuyến mọi việc trong nhà, ngoài đồng. Gần như mọi việc, cày bừa, đan lát… cha tôi đều hay; đặc biệt là nghề gốm. Từ tạo dáng, pha men, đến đốt lò, cha tôi đều được tôn là thầy thợ. Với kỹ thuật đốt lò điêu luyện, cha tôi thường được bà con trong làng ngoài xã nhờ đốt giùm.

        “Làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng”, tôi còn nhớ thợ đốt lò gốm ngày ấy được mọi người rất trọng vọng. Trước khi đốt lò, gia chủ thường sắm cỗ, thắp hương, cầu may mắn - tốt lành. Mỗi lần theo cha đi đốt lò, anh em tôi đều được khi nắm xôi, khi quả chuối, gọi là lộc.

        Làm ruộng và là thợ gốm giỏi, nhưng cha tôi vẫn có ít vốn liếng chữ Hán. Giáo lý “cửa Khổng sân Trình” giúp ông nuôi dạy con cái luôn giữ nếp nhà, sống có tình có nghĩa; ông cũng là người rất cá tính, bản lĩnh. Có thời gian cha tôi làm chánh trương - một chức sắc nhỏ nhoi trong làng, trong xã, đứng đầu số tuần đinh lo việc bảo vệ trật tự trị an xóm làng, chống trộm cướp, giữ gìn hoa màu ngoài đồng khi mùa vụ thu hoạch đến.

        Tôi còn nhớ, với mối thâm thù đế quốc thực dân, nên một lần đi lễ đền Kiếp Bạc, nhân người chen chúc lễ bái, cha tôi đã nhằm thằng Tây ra một cú “thôi sơn”, nhưng bị chúng phát hiện, bắt về bốt giam hàng tháng.

        Mẹ tôi là Trần Thị Huân, người cùng làng, bà sinh năm Nhâm Dần - 1902, là khuôn mẫu của người con gái Kinh Bắc thuần nông; tần tảo toan lo công việc đồng áng, một nắng hai sương, suốt đời nép mình trong mấy lũy tre làng, dưới mái nhà tranh, cùng chồng thu vén việc nhà, nuôi dạy con cái.

        Bố tôi có hai đời vợ. Với vợ cả, ông có hai người con: anh Thược và một chị gái. Với mẹ tôi - vợ hai, chúng tôi có sáu anh chị em. Trên tôi có chị cả Phạm Thị Bột, anh Phạm Văn Diệp, một chị gái mất khi mới lọt lòng, tôi và hai em gái là Phạm Thị Thước, Phạm Thị Thiểm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 08:15:36 pm »


        Đất nghèo, con đông; mặc dù cha mẹ tôi đều biết toan lo, tằn tiện, được xếp vào hạng bậc trung trong làng, nhưng một năm nhà cũng thiếu vài tháng ăn. “Đói đầu gối phải bò”, cha tôi bươn trải làm thêm đồ gốm, đốt lò thuê; mẹ thì chạy chợ kiếm thêm mớ rau, củ khoai đắp đổi, trang trải qua ngày.

        Với đức tính cần cù, khéo léo lại tháo vát của cha và đức căn cơ, thu vén, khéo trù liệu của mẹ, cho dù rất vất vả túng thiếu, nên trong tám anh chị em, chỉ có chị sát trên tôi đoản mệnh, mất sớm; còn lại năm anh chị em tôi cũng lớn khôn thành người. Hai anh chị con mẹ cả nay đều mất cả. Anh Thược mất năm 1980. Chồng chị Bột là bộ đội chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, hy sinh thời kỳ chống Mỹ; sau này tôi đã cất công tìm kiếm, nhưng phần mộ vẫn còn thất lạc. Anh Diệp - đi thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sau hòa bình, học Đại học Kinh tế quốc dân và công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay đã nghỉ hưu tại quê nhà. Em gái Phạm Thị Thước, có chồng là quân y sĩ thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở Đông Nam Bộ, sau đó chú chuyển sang ngành Công an, tham gia tiếp quản thành phố Sài Gòn rồi công tác ở miền Nam và sau năm 1975 chú mất bởi sốt rét ác tính. Còn vợ chồng cô út - cô Thiểm đều là giáo viên, cùng dạy học ở Tuần Giáo - Điện Biên; nay đã nghỉ hưu, cũng về tề tựu tại quê nhà.

        Theo cha mẹ tôi kể lại - ngày tôi cất tiếng khóc chào đời, cả làng cả huyện đang vào đận cực kỳ đói kém - liên tục mấy năm 1934, 1935 - 1937 lũ lụt vỡ đê sông Cầu, sông Đuống. Hậu họa kinh hoàng của nạn vỡ đê, mùa màng thất bát triền miên dẫn tới nạn đói ở quê tôi những năm này đã được nhà văn hiện thực nổi tiếng Ngô Tất Tố ghi lại trong báo Thời vụ, số 26 (ngày 10 tháng 5 năm 1958) như sau:

        “Nếu không tiện về các hạt đang bị đày đọa, các bạn hãy cứ giở tờ Việt báo, tháng trước và tờ Đông pháp gần đây hoặc sang đầu cầu Đuống mà coi, chúng ta sẽ thấy vô số dân đói đã cách xa sự sống nhiều lắm, tuy họ vẫn còn chưa chết.

        Những kẻ ngắc ngoải muốn chết đó phần nhiều là dân các huyện Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Quế Dương, Võ Giàng… Điều đáng nói là nhân dân trong mấy huyện ấy chịu đói chịu khổ đã hơn hai năm, họ sống được cho đến nay là cố lắm. Nhiều kẻ chỉ chực chờ chết. Trên hai con đường Bắc Ninh - Phả Lại và Hà Nội - Thái Nguyên luôn luôn có người chết đói nằm ở ven đường. Đó là chưa kể thôn quê còn có những kẻ không đi được nữa…”.

        Bố mẹ tôi kể lại, những năm này, do đê vỡ, mất mùa, nạn đói hoành hành, có đến mấy chục gia đình ở ba làng Phù Lãng, Đồng Sài, An Trạch bỏ quê, tha phương cầu thực. Và không ít người đã bỏ xác ở đất người.

        Có lẽ sinh vào những năm đói kém kiệt quệ, cả nhà ăn khoai lang, cháo loãng qua ngày, nên từ tấm bé, thân hình tôi cứ còm nhom, quặt quẹo. Sự “khiêm tốn”về cân đong, đo đếm cứ đeo đuổi, làm khổ sở tôi mãi về sau này, nhất là chuyện nhập ngũ.

        Đói kém do thiên tai, cộng với sự bóc lột hà khắc của thực dân, phong kiến đã đẩy người dân quê tôi đến đường cùng. Từ trong đêm đen nô lệ, tất cả ấp ủ một niềm tin về sự đổi đời; mơ đến một ngày: nhà mình mình ở, ruộng mình mình cày. Chính trong những tháng ngày đó, Đảng và Bác Hồ đã đem ánh sáng chân lý đến với mọi vùng quê đất Việt, trong đó có Quế Dương, Võ Giàng và Phù Lãng.

        Sau cao trào cách mạng 1930-1931, Bắc Ninh - đặc biệt địa bàn thị xã và vùng phụ cận được xem là nơi “giữ lửa”. Bất chấp chiến dịch khủng bố trắng của địch, những năm 1933-1934, cờ đỏ búa liềm đã nhiều lần xuất hiện ở Nhà máy giấy Đáp Cầu và một số nơi trong thị xã.

        Từ cuối năm 1936, khi đồng chí Hoàng Quốc Việt - một chiến sĩ công sản lỗi lạc, kiên trung, người con ưu tu của đất Võ Giàng thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, trở về xây dựng cơ sở ở vùng Thị Cầu và thị xã Bắc Ninh thì phong trào cách mạng quê tôi mới phát triển mạnh mẽ.

        Trong cao trào vận động giải phóng dân tộc, sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941), Ban Cán sự Đảng Bắc Ninh chủ trương mở rộng cơ sở ra những vùng phong trào còn hạn chế - trong đó có Quế Dương, Võ Giàng. Tuy vậy phong trào cách mạng ở quê tôi thật sự sục sôi từ cuối năm 1944, đầu năm 1945. Sau này, qua tìm hiểu tôi mới biết, đó là thời điểm có cán bộ Ban cán sự Đảng của tỉnh là đồng chí Trần Lê Nhân và ông Lý Khánh về trực tiếp vận động, bắt mối cơ sở, gây dựng phong trào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 08:17:47 pm »


        Với chín - mười tuổi đầu, dù chưa tường tỏ hết mọi chuyện, nhưng bằng cảm quan hằng ngày, tôi cũng nhận biết được có một điều gì đó đang tích tụ, dồn góp, để rồi tạo một sự bùng nổ ở chốn làng quê ngột ngạt bí bức không cùng.

        Chỉ có mấy tháng đầu năm 1945 mà các tổ chức cứu quốc ở quê tôi phát triển rất nhanh. Thanh niên cứu quốc Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc… làng nào cũng có. Cán bộ Việt minh tổ chức mít tinh diễn thuyết ở đình làng, chợ Lãng, thu hút rất đông người nghe. Khi đó, đám trẻ chúng tôi chưa biết Việt minh là gì, nhưng thấy nhiều người hồ hởi tụ tập, cũng trốn việc nhà đi xem.

        Trong bối cảnh vỡ đê năm 1944, phát xít Nhật lại vơ vét thóc gạo, phục vụ cho chiến tranh, nạn đói khủng khiếp, cướp đi hơn một nghìn người của hai huyện Quế Dương - Võ Giàng, hàng trăm gia đình phải tha phương cầu thực, thì lời hiệu triệu của Việt minh - chống sưu cao thuế nặng, phá kho thóc của Nhật để cứu đói…, tiến tới giành tự do, độc lập… có sức cuốn hút muôn người.

        Cuối hè năm 1945, những người dân Phù Lãng mang đồ gốm lên Thái Nguyên, Tuyên Quang… mua bán, đổi chác, trở về truyền nhau nghe những tin tức tốt đẹp về Việt minh, về phong trào đấu tranh chống Nhật, chống địa chủ ở nhiều nơi - về khu giải phóng… thổi bùng ngọn lửa phẫn uất bấy lâu nay trong mọi tầng lớp nhân dân quê tôi. Lại được Việt minh tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức; không khí sửa soạn khởi nghĩa giành chính quyền sôi sùng sục.

        Từ đầu tháng 8 năm 1945, không khí sửa soạn khởi nghĩa giành chính quyền tràn ngập làng trên xóm dưới. Thanh niên nam nữ tự vệ với gậy gộc, giáo mác tụ tập sớm hôm bàn tính đánh Pháp, đuổi Nhật và bè lũ tay sai cường hào ác bá.

        Ngày 19 tháng 8 năm 1945, tin Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội, chính quyền Trung ương về tay quần chúng công nông lan về Bắc Ninh, như ngòi nổ, kích nổ dây chuyền.

        Ở Quế Dương, sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945, hàng nghìn quần chúng từ các xã trong huyện dưới sự lãnh đạo của Huyện bộ Việt minh, mang theo cờ đỏ, gậy gộc, giáo mác, bừng bừng khí thế kéo về trung tâm huyện đường, chiếm các vị trí trọng yếu, tước toàn bộ vũ khí của đám lính lệ đang “hồn bay phách lạc”; tịch thu toàn bộ triện bạ, giấy tờ của chính quyền cũ. Qua người lớn kể lại, tôi được biết tri huyện Đào Bá Cường từng một thời là chúa tể cả vùng, thích gì làm nấy, muốn gì được nấy, nay ngoan ngoãn vâng lời cán bộ Việt minh; lấm la lấm lét, khúm na khúm núm trông thấy mấy anh chị tự vệ công nông, như rết gặp gà, như thỏ đế thấy hùm, beo. Đám trẻ chúng tôi nghe chuyện người lớn, như nghe chuyện cổ tích.

        Cùng với tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện; lần lượt ở các xã, quần chúng cũng vùng lên đánh đổ chính quyền cũ, lập nên chính quyền cách mạng.

        Từ sáng tinh mơ ngày 22 tháng 8, tôi đã nghe cán bộ Việt minh dùng loa (bằng tôn cuộn lại, cầm tay) truyền đi khắp xã lời hiệu triệu tổng khởi nghĩa toàn quốc của Ủy ban cách mạng lâm thời. Rồi cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm xuất hiện trên cây đa cổ thụ ở chợ Lãng, ở chùa Cao… Khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật, thực dân Pháp”, “Hoan hô Chính phủ công nông”, “Hoan hô Việt minh”, “Đồng bào hãy ủng hộ Việt minh”,… được dán ở gốc đa chợ Lãng và nhiều nơi khác. Dân tình say sưa bàn tán, ngắm nghía cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu của Việt minh. Còn đám trẻ chúng tôi thì vui mừng tột độ; chạy như điên suốt ngày, khi thì ra chợ Lãng, khi lên chùa Cao, khi về Phù Lãng Hạ, đền Vân,… chứng kiến các làng tổ chức mít tinh rầm rộ chào đón cán bộ Việt minh, chào đón cách mạng. Chứng kiến các bác, các anh, các chị, hôm qua còn lầm lũi, cam chịu trước một sự lộng hành của lính Nhật, quan Tây, cường hào…, nay mã tấu, gậy gộc, hàng ngũ chỉnh tề, bừng bừng khí thế bảo vệ cuộc mít tinh…, tôi vô cùng cảm phục, tự hào; và thầm nghĩ, giá mà mình lớn hơn chút nữa…!

        Phù Lãng Thượng tổ chức mít tinh ở núi Chùa Cao. Phù Lãng Trung, Phù Lãng Hạ tổ chức mít tinh tại đình làng.

        Trong nắng thu vàng, dưới lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ, phần phật tung bay, trước đông đảo bà con Phù Lãng Trung tề tựu đông đủ, ông Trần Lê Nhân - khi đó được gọi là cán bộ “Thượng cấp” thay mặt Huyện bộ Việt minh lên phát biểu vạch tội của Nhật, Pháp và bè lũ tay sai; tuyên bố bãi bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng; kêu gọi toàn dân đoàn kết bảo vệ thành quả cách mạng, ủng hộ chính quyền cách mạng lâm thời, xây dựng cuộc sống mới. Cán bộ “Thượng cấp” vừa ngừng lời, cả rừng cánh tay nhất loạt vung lên, và tiếng hô đả đảo phát xít Nhật - Pháp, ủng hộ Việt minh, hoan hô cách mạng… vang lên như sấm. Tôi có cảm giác tất cả nội lực, uất ức tự bao đời dồn nén trong những tấm thân gầy gò, những lồng ngực lép kẹp… giờ đây như vỡ ùa ra với khí thế “xung thiên”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 08:19:01 pm »


        Tại cuộc mít tinh, chính quyền cách mạng lâm thời của Phù Lãng Trung được thành lập, và bác Xuân - một đại biếu dòng họ Phạm được cử làm Chủ tịch, bác Quê là phó chủ tịch. Chính quyền Phù Lãng Thượng do bác Hán.làm Chủ tịch và chính quyền Phù Lãng Hạ do bác Khiết làm Chủ tịch.

        Sau mít tinh, các làng còn tổ chức lễ tế cờ, bàn giao giấy tờ, triện bạ của chính quyền cũ cho chính quyền cách mạng lâm thời. Cách mạng Tháng Tám với khí thế xung thiên của hàng triệu đồng bào và lực lượng vũ trang, chỉ trong chớp nhoáng đã làm nên một cuộc đổi đời từ các thành phố lớn, các thủ phủ, tỉnh lỵ đến từng xóm thôn hẻo lánh. Bộ mặt của xóm làng Phù Lãng thật sự được thổi vào luồng sinh khí mới - sức sống mới. Buổi chiều hằng ngày, sau khi xong việc đồng áng, đội tự vệ các làng tập đội ngũ, vừa đi vừa hát vang những bài ca cách mạng. “Tiến quân ca”, “Cùng nhau đi hùng binh”, “Diệt phát xít”… Đám thiếu niên chúng tôi được các anh chị thanh niên tổ chức đi cổ động từ thôn này sang thôn khác. Đứa nào đứa nấy tự kiếm thứ gì đánh, gõ kêu như: mõ, trống, chiêng, ống bơ,… Vừa gõ mõ, đánh trống,… vừa hô khẩu hiệu, đến khản cả cổ.

        Cuối tháng 8 năm 1945, Ủy ban lâm thời huyện Quế Dương tổ chức đội tuyên truyền Cách mạng Tháng Tám; Phù Lãng có mười thanh niên tham gia lực lượng này. Hằng ngày chúng tôi được xem đội tuyên truyền xếp hàng đôi, người nào người nấy nai nịt gọn gàng, giáo mác, gậy tre trên vai, hùng dũng bước đều diễu theo đường liên thôn, liên xã và hát vang những khúc quân hành”

                                                    “Một hai, một hai
                                                    Liều thân cho nòi giống
                                                    Việt Nam mau giải phóng,
                                                    Ta xá chi chông gai…”.


        Đoàn người đi vòng khắp làng trên xóm dưới, tới đình làng hoặc chợ Lãng… thì dừng lại tuyên truyền thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, phổ biến chủ trương của Chính phủ cách mạng lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

        Tiếp theo những hoạt động tuyên truyền về thắng lợi Cách mạng Tháng Tám là đợt tuyên truyền về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu năm 1946. Nhiều tổ thông tin tuyên truyền của các làng được thành lập gồm những người đọc thông, viết thạo, hăng hái nhiệt tình. Thế rồi, trên những bức tường dọc theo đường làng hoặc ở những chỗ “bắt mắt” đều có khẩu hiệu tuyên truyền cho Tổng tuyển cử. Đội thiếu niên chúng tôi cũng là lực lượng tuyên truyền cổ động hăng hái nhất; cho dù ngày đó, tôi chẳng hiểu gì về Tổng tuyển cử, về “phổ thông đầu phiếu”.

        Càng gần đến ngày bầu cử, không khí làng quê càng sôi động. Những buổi phát loa truyền thanh của các tổ tuyên truyền, các buổi tuần hành cổ động của thiếu nhi; rồi hội họp hướng dẫn bầu cử - đặc biệt là những người chưa biết chữ - mà ở nông thôn lúc đó, đối tượng này chiếm phần lớn cử tri…, đã tạo nên hình ảnh sống động của một thể chế dân chủ thực sự của xã hội mới. Rồi ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra như một ngày hội lớn. Mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, tự nguyện nô nức ra đình làng bỏ phiếu bầu những người xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước. Kết quả là cử tri Phù Lãng và cử tri trong huyện Quế Dương đã bầu các ông Dương Đức Hiền, Bạch Di, Nguyễn Huy Tưởng và Ngô Thế Phúc là đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp sau bầu cử Quốc hội là bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Rồi Ủy ban hành chính các xã Đồng Sài, An Trạch ra đời; Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, công an, du kích, văn hóa “Hùng Tín” lần lượt được tổ chức, lôi kéo đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

        Ở vào buổi phôi thai của chế độ Cộng hòa Dân chủ nhân dân, hầu hết những người đứng đầu chính quyền, đoàn thể là những nông dân, thợ thủ công, quen với cày bừa, cấy gặt hoặc làm vại, làm chum,… không tránh khỏi lúng túng, ngỡ ngàng trước việc Đảng, việc dân; nhưng bù lại là nhiệt tình cách mạng; đoàn kết tương trợ lẫn nhau; vừa làm vừa học; đặng tổ chức, chỉ đạo nhân dân tạo dựng cuộc sống mới.

        Việc đầu tiên tôi chứng kiến là chính quyền nhân dân và các đoàn thể tập trung huy động sức dân “diệt giặc đói” hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ. Theo đó, chính quyền địa phương đã lấy ruộng công (ruộng làng, xã ruộng chùa…) tạm cấp cho những gia đình không có ruộng hoặc ít ruộng. Ở Đồng Sài, chính quyền đã tịch thu toàn bộ ruộng đất, thóc lúa, trâu bò… của địa chủ cường hào chia cho dân nghèo. Bên cạnh đó, một số địa chủ, phú nông được tuyên truyền vận động, đã tự nguyện “hiến điền”, “hiến sản”, giảm tô cho người nghèo. Đặc biệt, phong trào tăng gia sản xuất được phát động sôi nổi. Các làng, các xã đều thành lập Ban vận động tăng gia sản xuất… Huyện cũng đưa lương thực về phát chẩn và cung cấp một phần thóc giống cho dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 08:21:16 pm »


        Có ruộng đất, thóc giống, được tuyên truyền vận động, người dân quê tôi tích cực tăng gia, trồng rau màu “lấy ngắn nuôi dài”. Chỉ vài ba tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ruộng gần, đồng xa đã phủ xanh bởi các loại rau màu. Một ít khoai lang dỡ vội, bắp ngô bẻ non cũng góp phần đẩy lùi nạn đói. Lúc đó đi qua chợ Lãng, chùa Cao…, tôi không còn phải chứng kiến cảnh người đói lả như bóng ma vật vờ chờ thần chết đến rước đi. Sức dân được vực dậy, sản xuất được phục hồi, bộ mặt làng quê đổi thay từng ngày.

        Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, cùng với phong trào tăng gia sản xuất “diệt giặc đói” là phong trào bình dân học vụ “diệt giặc dốt”, được phát động tới tận xóm làng, từng gia đình. Làng nào cũng thành lập Ban xóa nạn mù chữ. Những người biết chữ đều được chọn làm giáo viên dạy học. Người biết chữ dạy cho người chưa biết; người biết nhiều dạy cho người biết ít. Không có giấy, lấy lá chuối thay giấy. Không có mực, lấy than làm mực. Sân phơi, tường nhà cũng trở thành bảng để viết… Tối tối, tổ thông tin từng làng gọi loa, đọc để bà con nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào toàn quốc chống nạn thất học. Đám trẻ chúng tôi lại được huy động và say sưa, hăng hái tham gia cổ động cho phong trào xóa nạn mù chữ. Ngay tháng đầu tiên của cuộc vận động, thôn Phù Lãng Trung đã tổ chức được bốn lớp học, Phù Lãng Hạ có hai lớp, Phù Lãng Thượng ba lớp; ở An Trạch, Đồng Sài cũng tương tự như vậy. Phong trào học chữ quốc ngừ sôi động không chỉ với lớp trẻ chúng tôi mà cả người già cũng hăng hái tham gia. Hăng hái bởi lẽ thứ hai là sự kiểm tra gắt gao của các ban “xóa mù” và dư luận. Trong các buổi sinh hoạt đoàn thể, liên hoan văn nghệ, người ta thường đọc thơ ca, hò vè cổ vũ cho việc học chữ quốc ngữ. Ví như:

Hỡi cô má đỏ hồng hồng
Cô không biết chữ nên chồng cô chê.

        Hay:

Lấy chồng biết chữ là tiên
Lấy chồng không chữ là duyên con bò…

        Hằng tháng, Ban vận động xóa nạn mù chữ đều dựng cổng “Vinh Quang” ở chợ Lãng hoặc cổng làng để kiểm tra việc học chữ, nhắc nhở, động viên các tầng lớp nhân dân học tập. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh những lão nông, lâu nay chỉ quen cầm cày, cầm cuốc nay nhọc nhằn tô từng nét chữ. Viết được một chữ, ai nấy đều phấn khởi, rạng rỡ hẳn lên như cày xong thửa ruộng…

        Với phong trào “Chống giặc dốt” sôi nổi, quyết liệt, sau hơn ba tháng, nhiều người đã biết đọc, biết viết; một số người đọc thông, viết thạo. Có thêm cái chữ, dân trí mở mang; đội ngũ cán bộ chính quyền, đoàn thể có điều kiện tiếp thu, đưa chủ trương - chính sách của Đảng vào thực tiễn cuộc sống của người lao động; cùng nhân dân tổ chức đời sống mới, bài trừ dần thói hư tật xấu và các tệ nạn xã hội khác.

        Với gia đình tôi, mặc dù đông con; lo ăn, lo mặc cho con cái lắm khi toát mồ hôi, nhưng cha mẹ tôi cũng cố thu xếp để anh chị em chúng tôi kiếm lấy dăm ba chữ cho bằng anh bằng em và khi có điều kiện sẽ học hành lên, “mở mày mở mặt cùng thiên hạ”. Để khỏi phụ công lao và ước nguyện của cha mẹ, lúc này, ngoài công việc đồng áng, chăn trâu, cắt cỏ, phụ giúp làm gốm lúc tháng ba ngày tám nông nhàn, ngày một buổi tôi cùng đám bạn cắp sách tới trường. Tôi học sơ học tại trường làng cho đến hết lớp 4 thì buộc phải gác bút nghiên, vì lúc đó chiến tranh đã “gõ cửa” làng Phù Lãng; Tây đã kéo về đóng ở bốt Châu Cầu, Phả Lại…

        Buộc phải tạm ngừng học chữ quốc ngữ, hai năm sau đó (1950-1951), tôi tạt ngang qua “cửa Khổng sân Trình” lên chùa học chữ Hán. Sư thầy Chúc ở chùa Cao (Phúc Long tự) dạy chữ Hán cho tôi. Sư thầy là một người thông tuệ, kiến thức rộng. Ngoài học chữ Hán, tôi còn được sư thầy giúp mở mang tầm hiểu biết về tự nhiên, xã hội, về tính hướng thiện và thuyết luân hồi, nhân quả… của triết lý đạo Phật. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, thầy không hề nói, nhưng tôi lại thuộc nằm lòng đạo lý đó. Tôi mang ơn suốt đời những người thầy giúp tôi từ những bài học vỡ lòng. Sau này đi xa, mỗi lần về quê, có điều kiện, tôi đều tới thăm thầy giáo cũ, lên chùa cảm ơn sư thầy đã giúp tôi có được chút vốn liếng tri thức để tôi chập chững bước vào đời. Khi có điều kiện, tôi gom góp một khoản tiền và huy động một số anh em khác giúp nhà chùa sửa sang, tôn tạo lại chùa Cao cũng một vài công trình văn hóa của làng, của xã.

        Phải nói là chỉ sau vài năm kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, vứt bỏ được xích xiềng nô lệ, công cuộc phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở Phù Lãng, Đồng Sài, An Trạch… đã tiến được một bước dài. Đời sống vật chất - tinh thần của người dân ổn định, từng bước cải thiện; bộ mặt, dáng dấp quê hương khởi sắc từng ngày.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 08:22:23 pm »


        Tưởng rằng người dân quê tôi sẽ mãi mãi được sống trong thanh bình, yên ấm. Nhưng không! Thực dân Pháp chưa từ bỏ mưu đồ thôn tính Việt Nam. Tiếng súng kháng Pháp đã nổ ở Sài Gòn chỉ sau hơn hai chục ngày kể từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, với quân đông, nhiều súng, Pháp mở rộng phạm vi đánh chiếm ra khắp cả nước; câu kết với các thế lực phản động trong nước đang trỗi dậy như nấm sau mưa, hòng bóp chết chính quyền cách mạng trong trứng nước. Ở Phù Lãng cũng như các địa phương khác trong huyện, các phần tử Quốc dân đảng phản động đã câu kết, lôi kéo một số lý trưởng, cường hào đỉa chủ ác bá trước đây tuyên truyền nói xấu chính quyền, đả kích chế độ; thậm chí còn mua sắm vũ khí, tổ chức học võ… chờ thời cơ. Tình hình trật tự an ninh làng xóm nóng lên từng ngày. Việc học hành, đồng áng của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, chính quyền huyện, xã; đặc biệt là lực lượng tự vệ vũ trang đã không để cho các ổ nhóm phản động ngang nhiên chống phá. Hoặc bằng tuyên truyền, thuyết phục; hoặc bằng trấn áp, ta đã nhanh chóng giải tán các ổ nhóm phản động. Lý Huyên, Lý Thông - những kẻ phản động ngoan cố nhất tìm đường tẩu thoát sang địa bàn khác; số còn lại hoảng sợ, năm im.

        Mặc dù đã dùng mọi phương cách để loại bỏ, rồi trì hoãn chiến tranh, nhưng khi thực dân Pháp phơi bày toàn bộ mưu đồ xâm lược nước ta một lần nữa, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống Pháp.

        Những ngày cuối năm 1946, nhân dân Phù Lãng, Đồng Sài được thông báo quyết định phát động toàn quốc kháng chiến của Trung ương. Không khí xóm làng như sôi lên khi tổ tuyên truyền dùng loa, liên tục phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Trong những ngày đó, tôi đã thuộc lòng những câu:

        “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

        Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

        …Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước…”.

        Nghe những lời hịch của Bác, ruột gan tôi bồn chồn, rạo rực; chỉ ước ao vụt lớn lên như các anh, các chị thanh niên, du kích để cầm súng đánh giặc. Nhưng, không có súng, thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc…, nghĩa là lũ trẻ chúng tôi cũng có thể đánh được Tây. Nghĩ vậy, tôi cùng đám bạn bè cùng trang lứa vô cùng phấn khởi. Còn cha, mẹ tôi, một mực căn dặn: Đánh giặc là việc của người lớn. Còn chúng tôi phải tập trung vào học hành và đồng áng.

        Chiến tranh đã lan ra cả nước. Xe tăng, gót giày đinh của lính Pháp, lính lê dương đã giày xéo nơi nơi. Nhưng, cho đến cuối năm 1946 và cả năm 1947, quân Pháp vẫn chưa đánh tới quê tôi, cho dù Phù Lãng nằm cạnh quốc lộ 18 và cạnh sông Cầu, là hai tuyến giao thông huyết mạch.

        Tranh thủ những ngày chiến tranh chưa lan tới, cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức quần chúng tích cực chuẩn bị để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, sớm hay muộn cũng sẽ diễn ra trên mảnh đất này.

        Cùng với củng cố tổ chức, tăng cường huấn luyện tự vệ du kích, rèn sắm giáo mác, chuẩn bị kháng chiến, từ cuối năm 1946, nam nữ thanh niên, tự vệ quê tôi hăng hái tham gia đắp kè trên sông Cầu, tại quãng sông chảy qua Thịnh Lai thuộc xã Đức Long, cách Phả Lại chừng hai cây số. Qua tìm hiểu, được biết lúc này quân Pháp đã đánh lên Phả Lại. Ta đắp cản ở Thịnh Lai để chặn từ xa tàu chiến Pháp chở quân lên càn quét phía thượng nguồn sông Cầu.

        Đang vào kỳ nước cạn, nên việc đắp kè tiến hành thuận lợi. Hằng ngày, từng đoàn dân quân - tự vệ, thanh niên Phù Lãng đổ về Thịnh Lai góp công, góp của làm kè. Đá được huy động của nhân dân (vẫn dùng để kè bờ sông) và số đá xây cống Dùng còn lại. Hoặc nhiều, hoặc ít gia đình nào có tre đều đóng góp. Có gia đình tình nguyện hiến tất tật mấy khóm tre trong vườn để làm kè.

        Với tinh thần tất cả cho kháng chiến, tất cả để đánh thắng giặc Pháp xâm lược, với quyết tâm “xẻ núi, ngăn sông”, chỉ sau hơn ba tháng, kè Thịnh Lai dài hơn một trăm mét đã hoàn thành. Kè đắp xong, nhưng cả năm 1947, tàu chiến Pháp từ Phả Lại chưa ngược sông Cầu Trong khi đó, mùa mưa năm 1947, nước sông Cầu lên to. Con sông vốn hiền hòa, thơ mộng vào mùa Đông, mùa Xuân, thì vào mùa mưa trở nên hung hãn, cuốn phăng kè Thịnh Lai trong chốc lát. Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi vô cùng xót xa; đồng thời càng hiểu thêm thành ngữ mà cha ông đúc kết. “Nhất thủy, nhì hỏa”. Sức nước là không cùng. Sau này, thời chống Mỹ vào chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, tôi được biết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân dân vùng U Minh, Cà Mau, khi xây dựng căn cứ địa cũng đã dựng nhiều cản trên sông ngăn tàu địch, rất hiệu quả. Tuy nhiên, sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long hiền hòa hơn sông ngòi ở Bắc Bộ - cho phép việc đắp kè, dựng cản thành công.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM