Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 08:10:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Đồng Quan đến Điện Biên  (Đọc 35596 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:21:35 pm »


        Mười lăm giờ, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo: “Tất cả các đơn vị đã được lệnh tổng công kích”. Tôi ra lệnh cho trung đoàn 141 tiến sau đội hình trung đoàn 209. Lúc này trung đoàn phó Thăng Bình đã ra lệnh cho đại đội 360 phát triển sang 508, 509. Tôi ra lệnh cho Hoàng Cầm bám sát địch, thọc thẳng vào Mường Thanh. Đại đội 360 đã như một mũi tên chạy đến cầu sắt bắt qua sông Nậm Rốm. tiếng hô “bắt sống Đờ Cát” đã cổ vũ anh em xông lên. Khẩu đại liên bốn nòng của địch lồng lộn bắn sang. Đạn cối nổ trên mặt cầu. Tạ Quốc Luật chỉ huy tổ đi đầu ném thủ pháo sang. Vùa lúc đó, một loạt đạn pháo của ta giập trúng trận địa hỏa lực địch bên kia cầu. Tổ ba người vọt tiến sang bên kia cầu. Một quả bom địch ném trúng mặt đường. Tổ di đầu dừng lại trước ngã ba. Vừa lúc đó có tên cai dõng chạy qua. Anh em hỏi hầm Đờ Cát. Tên cai dõng chỉ vào ụ to xung quanh có bốn xe tăng đang bắn ra loạn xạ. Luật cho đánh thủ pháo đứt xích một xe tăng. Một chiếc bốc cháy. Hai chiếc còn lại bỏ chạy. Luật ra lệnh đánh hầm. Vinh và Nhỏ phân công nhau; Nhỏ bịt một cửa hầm, Vinh tiến vào cửa hầm chính. Theo một hiệu lệnh chung, Vinh và Nhỏ ném hai quả thủ pháo. Khói đạn vừa tan thì một sĩ quan trong bộ tham mưu của tướng Đờ Cát ra giơ tay xin hàng. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật xuống hầm cùng hai chiến sĩ Vinh và Nhỏ bắt sống toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm, trong đó có thiếu tướng Đờ Cát. Đó là lúc Đờ Cát vừa ra lệnh đầu hàng và qua làn sóng điện từ biệt vợ con. Câu đầu tiên Đờ Cát nói với Tạ Quốc Luật là: “Xin đừng bắn tôi!”.

        Nhận được báo cáo của 209 đã bắt được tướng Đờ Cát lúc 17 giờ 30, tôi ra lệnh giải ngay Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu lên sở chỉ huy đại đoàn. Tôi hỏi Hoàng Cầm:

        - Anh Quang Trung thế nào?

        - Báo cáo, anh em đã bới được rồi. Không việc gì. Anh ấy đã hút thuốc lá.

        Tôi nhẹ người hỏi tiếp:

        - Anh đã trông thấy Đờ Cát chưa?

        - Báo cáo thấy rồi.

        - Ăn mặc thế nào?

        - Báo cáo anh Đờ Cát mặc quân áo màu vàng nhạt, đội ca-lô đỏ, đeo quân hàm cấp tướng.

        - Quân hàm nó thế nào mà biết là nó cấp tướng?

        - Có sao anh ạ!

        - Được rồi, thế ai giải nó đi đấy?

        - Anh Thăng Bình đã đánh xe gíp đi rồi ạ!

        - Xe nào, ai lái?

        - Báo cáo, anh Thăng Bình dùng xe chiến lợi phẩm và bắt một tù binh da đen lái.

        Một lát sau anh em dẫn tướng Đờ Cát vào. Chúng tôi so ảnh. Đúng là Đờ Cát, tuy có xanh và gầy hơn so với lúc còn đeo lon đại tá. Nhìn cái mũ ca-lô đỏ tôi lại nhớ tới câu nói của Đờ Cát khi thấy quân ta chưa đánh Điện Biên: “Tôi sẽ đội cái mũ đỏ này để Việt Minh dễ nhận rõ mục tiêu!”.

        Tôi gọi điện báo cáo đồng chí Tổng chỉ huy chiến dịch: “Tướng Đờ Cát hiện nay đang ở trước mặt tôi. Đã so ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch gửi xuống. Xác định đúng là thiếu tướng Đờ Cát và toàn bộ bam tham mưu”.

        Lúc này cả không gian Điện Biên Phủ im lặng khác thường. Ngoài trời, một luồng gió mát làm dịu những dây thần kinh căng thẳng. Trời có trắng. Tôi cứ nhìn mãi vầng trăng non thâp thoáng trong đám mây mỏng xốp như bông. Cả thung lũng Điện Biên rực rỡ trong ánh đuốc. Đoàn tù binh đang nối đuôi nhau đi ra khỏi Mường Thanh. Các chiến sĩ ta chốt trên các ngả đường, súng lắp lưỡi lê, vẫn mũ nan chân đất trong bộ quần áo còn dính bùn đang chỉ đường cho đám tù binh đi ra theo loa phóng thanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 08:49:34 am »


        Sau chiến thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định duyệt binh vào ngày 13 tháng 5, để phát huy thắng lợi và trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Bác Hồ cho đại đoàn. Thường vụ đảng ủy họp triển khai công tác chuẩn bị và quyết định để đồng chí Quang Trung thay mặt đại đoàn nhận cờ.

        Đàm Quang Trung, người chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mười năm về trước, mũ nồi chân đất dưới lá cờ đỏ sao vàng bên gốc đa Tân Trào, nay la đại đoàn phó một đại đoàn đánh đánh Him Lam mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ và kết thúc chiến dịch bằng trận đánh bắt sống tướng Đờ Cát. Hình ảnh Quang Trung được đề cử nhận cờ vừa cụ thể lại vừa tượng trưng cho sự lớn mạnh của quân đội ta.

        Tôi giục Quang Trung cắt tóc, cạo râu và chọn bộ quân phục mới nhất để chuẩn bị đi nhận cờ của Bác.

        Vài ngày sau, chúng tôi xin phép Bộ chỉ huy chiến dịch đi xem cách bố phòng của địch. Chúng tôi mượn một chiếc xe chiến lợi phẩm đi theo những trục đường chính để tránh mìn. Từ Him Lam, chúng tôi theo trục được mà mấy hôm trước đây địch thường dùng để phản kich, thọc thẳng xuống sở chỉ huy của tướng Đờ Cát.

        Chứng tích của một sức mạnh bị đánh bại lớp lớp, tầng tầng trên toàn bộ lòng chảo Điện Biên. Có những cứ điểm còn nguyên vẹn những bãi mìn, những lớp rào kẽm gai, những lô cốt, hỏa điểm bắn thẳng, bắn chéo, bắn lướt sườn, hầm ngầm, điểm tựa, sở chỉ huy… có những cứ điểm bị đập nát từng mảng, những đống vỏ đạn dày có ngọn, bông băng, vỏ đồ hộp, vải dù, tăng bạt xen lẫn với những tranh ảnh khỏa thân và những cuốn sách “diễm tình”, những cuốn nói về người lính lê dương, kinh thánh, lịch bỏ túi của tướng Na-va dạy lính cách sống ở Việt Nam. Những con ruồi bò không thèm bay tranh nhua ăn trên đống vỏ đồ hộp, những cuộn bông băng lẫn máu và bùn.

        Xe chúng tôi đi qua cầu Nậm Rốm, nơi đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch trước khi vào hầm tướng Đờ Cát. Bên kia cầu, khẩu đại liên bốn nòng nước thép còn mới bên cạnh đống vỏ đạn vàng chóe. Nghe nói trước đây là nương dâu xanh ngắt chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm. Anh em biết tiếng Thái nói với tôi Nậm là sông, Rốm nghĩa là gỗ lát. Nậm Rốm là con sông có gỗ lát. Từ đầu cầu rẽ sang trái khoảng 150 mét là hầm tướng Đờ Cát. Những cỗ lựu pháo của ta đặt trên đỉnh núi đã bắn rất trúng trận địa pháo của địch. Một chiếc xe gíp từ hầm Đờ Cát đi ra. Tôi gặp anh Cao Văn Khánh trên xe. Anh Khánh được phân công trao trả tù binh địch tại Điện Biên Phủ. Thấp thoáng phía sau là một người người phụ nữ dáng người chắc nịch. Cô chào tôi, giọng Huế ngọt ngào. Anh Khánh giới thiệu cô Toản, y sĩ. Tôi có biết tên nhưng nay mới gặp người. Và tôi cũng biết chỉ vài ngày nữa cô gái Huế dịu dàng thùy mị này sẽ trở thành chị Khánh ở ngay trên mảnh Điện Biên lịch sử này. Tôi chức mừng hạnh phúc của anh chị.

        Chúng tôi vào hầm Đờ Cát. Trên nắp hầm là những bao cát. Xung quanh hầm là dãy thùng phuy đổ đầy đất xếp bao cát. Dưới lớp bao cát dày hơn hai mét là những tấm tôn thép uốn cong rồi đến những tấm vỉ sắt lót sân bay. Dưới cùng là những tấm gõ thông dày. Hầm có bốn gian dài khoảng chín mét, rộng bốn mét, cao 2,5 mét. Mỗi gian có tường ngăn cách dày một mét. Một hành lang chạy dọc nối các gian hầm. Tường hầm ốp ván gỗ, căng vài dù. Sàn cũng trải vải dù. Những chiếc cột gỗ chắc chắn bằng gỗ lim đã lên nước láng bóng. Đó là những cột nhà của nhân dân Long Nhai, Cà Mị. Phía nam có đường thông sang khu vực tổng đài. Gian nào cũng có giường gấp, căng vải bạt, ghế gấp, bàn gấp, kểu bàn ghế dã ngoại, lại có cả một bốn tắm và máy điều hòa. Thật là một sở chỉ huy có đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt của con người và đầy đủ phương tiện chỉ huy, vừa hiện đại, vừa an toàn. Anh em quân báo của Bộ làm nhiệm vụ thu thập tài liệu trên bàn Đờ Cát đưa tôi xem một mệnh lệnh của Đờ Cát kí ngay 20 tháng 4 năm 1954: “… Sự cần thiết về tiếp tế đạn dược bắt buộc phải rút xuống đến mức tối thiểu yêu cầu về lương thực hàng ngày…”.

        Một cán bộ nói vui:

        - Đờ Cát cũng biết bớt ăn để lấy đạn đánh ta đấy chứ!

        - Các chắn là chỉ bớt của lính thôi.

        Tôi đọc tiếp mệnh lệnh của dờ Cát: “Các ông chỉ huy các cứ điểm chịu trách nhiệm về việc thu hồi dù tiếp tế trong phạm vi của mình. Mỗi cứ điểm phải cửa ra một trung đội có một sĩ quan chỉ huy chịu trách nhiệm giữ trật tự về việc thu hồi. Kẻ nào bị bắt quả tang ăn cướp sẽ bị bắn ngay, không cần xét xử. Lệnh này phải được thi hành một cách nghiêm ngặt ngay lập tức”.

        Từ một sở chỉ huy đầy đủ tiện nghi, viên tướng đã ra những mệnh lệnh như thế?

        Tôi bỗng nhớ tới những sở chỉ huy của những tên chỉ huy thấp hơn tướng Đờ Cát. Từ chỗ ăn ở của tên cai bảo an binh đồn Đồng Quan vừa chỉ huy vừa đánh tổ tôm đến trại lính khố xanh của quản Dưỡng ở thị xã Hà Đông, hầm của tên chỉ huy Đông Khê, vị trí chỉ huy của tướng Gin chỉ huy tập đoàn cứ điểm Nà Sản đến sở chỉ huy của tướng Đờ Cát ở tập đoàn cứ điểm này có biết bao thay đổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 08:50:43 am »


        Hôm nay, đứng trước hầm Đờ Cát, tôi nghĩ về một chặng đường đã đi qua. Điểm lại những đối tượng tác chiến chúng tôi đã gặp, tôi thấy không phải ngay từ đâu tôi đã hiểu chúng như hôm nay tôi đã hiểu chúng, khi đứng trong sào huyệt của viên tướng giặc. Trong những ngày đầu tôi chỉ biết đây là bọn xâm lược dù nó có tàu bay, xe tăng, nhưng không đánh chúng thì mãi mãi đất nước này sẽ là thuộc địa, mãi mãi nhân dân còn là bọn “An-nam-mít”

        Ở Sơn La năm 1945, tôi đã dùng chiến thuật trận địa rải mành mành chống lại lối đánh vu hồi của bọn A-lếch-xăng-đri. Từ những đồn binh kiểu đồn cai trị ở Tuần Giáo năm 1945 cho tới nay (1954), kẻ thù đã có biết bao thay đổi. Từ đồn cai trị đến tháp canh,cứ điểm trung đội, đại đội, cụm cứ điểm, hệ thống boong-ke, tập đoàn cứ điểm ở trình độ thấp như Hòa Bình, tập đoàn cứ điểm hoàn chỉnh ở Nà Sản, Sầm Nưa cho đến tập doàn cứ điểm hiện đại Điện Biên Phủ; cứ mỗi bước trưởng thành của quân đội ta, kẻ thù lại có cách đối phó mới. Chúng ta chưa dự kiến hết mọi thủ đoạn của kẻ thù, cũng như chính chúng cũng chưa tính toán hết ngay từ đầu sức mạnh của ta. Kẻ thù thua chúng ta không phải vì chúng không mạnh về trang bị và kĩ thuật. Nước Pháp bị kiệt quệ sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã được Mĩ giúp sức. Trong tất cả các trận đánh, các chiến dịch chúng đều mạnh hơn ta về trang bị. Nếu mang số tấn sắt thép chúng đã dùng so với số đạn tính từng viên của chúng ta đã dùng ra so sánh thì có thể là khó hiểu với những người quen tính toán chiến tranh chỉ bằng con số. Nhưng trong chiến tranh vấn đề thắng bại đâu có phải là ai bắn nhiêu hơn ai mà la ai nghĩ nhiều hơn ai.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng đúng đắn chủ nghĩa duy vật lịch sử, chúng ta đã hiểu rõ kẻ thù đúng như nó có. Chúng ta phân tích kẻ thù một cách toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội cho đến từng chủ trương chiến lược của từng tên tướng trong mỗi giai đoạn chiến lược. Và trong từng chiến dịch tiến công lại biết khoét sâu những nhược điểm cơ bản của chúng, vừa dám đánh ở những nơi chúng cho là ta không thể đánh được, vừa hình thành ưu thế đánh những nơi mà chúng cho là đã mạnh. Như kim chỉ nam cho người đi biển, những quan điểm của Đảng đã chỉ ra cho chúng tôi phương hướng hành động về xây dựng đơn vị tác chiến.

        Qua việc nghiên cứu tổng kết, chúng ta đã nâng những kinh nghiệm lên thành những vấn đề nguyên tắc có ý nghĩa khái quát để phổ biến kịp thời. Với phương pháp phê bình và tự phê bình, không thoái chí trước những thất bại tạm thời, không say sưa với thắng lợi đã giành được, nghệ thuật chiến dịch, những vấn đề chiến thuật của chúng ta đã không nừng phát triển theo với những năm và qua những trận đánh.

        Những nguyên tắc về xây dựng độ quân kiểu mới - quân đội nhân dân - đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà hi sinh chiến đấu được dần dần hình thành. Trong việc tổ chức và sử dụng lực lượng, chúng ta căn cứ vào nội dung nhiệm vụ trước mắt và xu hướng phát triển trong tương lai để xây dựng lực lượng. Trong những ngày đầu chiến tranh khi nhân dân ta chưa được vũ trang, chính quyền còn non trẻ, chúng ta đã dùng hình thức đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung để tổ chức dân quân du kích. Dám phân tán những trung đoàn tập trung để phát động nhân dân tham gia chiến tranh, mới thoạt nhìn có vẻ như một bước lùi về hình thức tổ chức. Nhưng nếu không có sự mềm dẻo về tổ chức đó, chắc rằng khó có thể có phong trào chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trong những năm tháng sau đó. Khi chiến tranh nhân dân đã phát triển, chúng ta lại kiên quyết tập trung các đại đội độc lập, các tiểu đoàn tập trung, dồn mọi cố gắng về cán bộ, về trang bị để thành lập các trung đoàn chủ lực trực thuộc Bộ rồi chỉ trong một thời gian ngắn, các đại đoàn bộ binh ra đời. Sử dụng tập trung những đại đoàn mạnh đánh vào những nơi mà sức mạnh của địch bị hạn chế, ta có điều kiện hình thành ưu thế trong cả quá trình chiến dịch, chúng ta đã tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù có trang bị mạnh hơn.

        Từ căn hầm Đờ Cát, xe chúng tôi đi xuống Hồng Cúm. Không gian ì ầm tiếng động cơ. Nhưng không ai nhìn lên trời vì chúng tôi biết hôm nay là ngày ta cho phép bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đến lấy thương binh. Và cũng vào những ngày này, trên mặt trận ngoại gao phái đoàn Chính phủ ta họp phiên đầu tiên với phái đoàn chính phủ Pháp. Chợt ai đó reo lên: “Vẫn còn một cây xanh, đẹp quá!”.

        Đúng làm một cây cổ thu lá xanh mơn mởn sau những cơn mưa đầu mùa hạ. Màu xanh duy nhất giữa bãi sắt thép đổ nát ngổn ngang. Dưới gốc cây là một đền thờ. Hỏi ra mới biết đây là đên thờ ông Hoàng Công Chất, vị chỉ huy nghĩa quân chống Pháp, người anh hùng thành Bản Phủ. Thành cao, hào sâu của người anh hùng, những bụi tre gai còn đó… Nhân dân các dân tộc Điện Biên qua các thế hệ mãi mãi tôn thờ người anh hùng đã từ bỏ chức quan để cùng nhân dân chống Pháp cứu quốc. Lúc ấy, trong chúng tôi chưa ai biết rõ tông tích của Hoàng Công Chất nhưng cứ nhìn những bộ đồ thờ được lau chùi sáng bóng, nhìn những nén hương đang nghi ngút cháy, chúng tôi hiểu rằng sức mạnh chúng tôi có được hôm nay chính là bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc bất khuất của cha ông ta thuở trước. Không phải ai khác mà chính là nhân dân, nhân dân cùng với lãnh tụ của mình đời đời kế nhau xây dựng nên truyền thống quý báu ấy - truyền thống Việt Nam - sức mạnh Việt Nam - sức mạnh làm nên một Điện Biên Phủ lịch sử vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác-Lê-nin chân chính, truyền thống đó đã được phát huy, được không ngừng nhân lên. Bất giác tôi nghĩ đến ý tứ của các cụ ta ngày trước dặt tên cho Mường Thanh là phủ Điện Biên. Điện nghĩa là vững. Điện Biên Phủ là một phủ vững vàng ở biên giới ở biên giới phía tây Tổ quốc.

        Đã qua rồi hàng trăm năm với những bước thăng trầm. Cho đến hôm nay, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chứng minh điều đó.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM