Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 02:13:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Đồng Quan đến Điện Biên  (Đọc 35577 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 08:11:32 pm »

          
        - Tên sách: Từ Đồng Quan đến Điện Biên

        - Tác giả: Hồi ức của đại tướng Lê Trọng Tấn, Đỗ Thân ghi

        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân

        - Năm xuất bản: 1994

        - Số hóa: macbupda


Đại tướng Lê Trọng Tấn


LỜI NHÀ XUẤT BẢN

        Từ Đồng Quan đến Điện Biên là cuốn hồi ức của Đại tướng Lê Trọng tấn, được đại tá Đỗ Thân thể hiện. Nội dung cuốn sách viết về đoạn đường hoạt động và chiến đấu của đồng chí Lê Trọng Tấn đã tham gia, từ trận Đồng Quan trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước (8-1945), đến trận Điện Biên Phủ - trận đánh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

        Năm 1985, bản thảo cuốn hồi ức được viết xong. Đồng chí Đại Tướng Lê Trọng Tấn dự định sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cao thêm. Nhưng rất tiếc dự định đó chưa kịp thực hiện thì đồng chí qua đời.

        Để những dòng tâm huyết của một người suốt đời phấn đấu vì lí tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân, quân đội ta đến với bạn đọc, đại tá Cao Hùng, đại tá Nguyễn Viết Nhâm, đại tá Thanh Phong, Thiếu tướng Trần Duy Hạnh cùng một số đồng chí từng theo dõi bản thảo từ khi khởi thảo đến lúc viết xong đã đóng góp nhiều công sức chỉnh lí bản tháo như ý kiến của đồng chí Lê Trọng Tấn trước đây. Tuy còn một số hạn chế, nhưng cuốn hồi ức đã ghi lại được nhiều kí sức và tư liệu quý, góp phần làm sáng tỏ thêm truyền thống cách mạng, truyền thống chiến đấu anh hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

        Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân một lần nữa xin chân thành cám ơn các đồng chí, các bạn và gia đình đồng chí Lê Trọng tấn đã giúp cho cuốn sách được xuất bản.

        Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn hồi ức Từ Đồng Quan đến Điện Biên, tác phẩm cuối cùng mà đồng chí Đại tướng Lê Trọng Tấn đã để lại cho chúng ta trước lúc qua đời.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        


                

        LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

        Là một thanh niên sớm giác ngộ, đi theo Đảng từ Cách mạng tháng Tám, đồng chí Lê Trọng tấn không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành trong khói lửa kháng chiến trên khắp các chiến trường miền Bắc, miền Nam Việt Nam, kể cả trên các chiến trường nước bạn; từ một cán bộ đội tự vệ đến trung đoàn trưởng, đại đoàn trưởng, Phó tư lệnh miền Nam và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

        Đồng chí Lê Trọng tấn là một cán bộ chỉ huy dũng cảm và sáng tạo mưu lược và quyết đoán, một người đồng chí trung thành và cương trực, rất mực thương yêu đồng đội, tình nghĩa thủy chung, được nhân dân và quân đội yêu mến và tin cậy. Chiến công và thành tích của đồng chí đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

        Cuốn hồi ức “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” tuy còn một số hạn chế, nhưng cũng ghi được nhiều kí ức và tư liệu, nói lên một phần cống hiến của đồng chí trong quá trình chỉ huy, lãnh đạo bộ đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

        Với tình cảm sâu sắc đối với đồng chí Lê Trọng Tấn, người cán bộ quân sự xuất sắc, người bạn chiến đấu rất thân thiết, tôi xin giới thiệu với bạn đọc cuốn hồi ức của đồng chí.

       
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:50:20 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 08:26:26 pm »

           
CHƯƠNG MỘT

BÀI HỌC VỠ LÒNG

        Sau cuộc đảo chính lật Pháp tháng 3 năm 1945, Nhật nắm được toàn bộ mạng lưới mật thám của Pháp ở Hà Nội, đã ra tay khủng bố phong trào Việt Minh. Tổ chúng tôi có người đã bị bắt. Chúng tôi được lệnh dời “cơ quan ấn loát” (hai viên đá li-tô) sang một địa điểm khác. Tôi được lệnh về Hà Đông tiếp tục nhận công tác mới.

        Từ rặng ổi Vĩnh Tuy, tôi đạp xe đến Ngã Tư Vọng vào lúc trời chưa sáng. Phía sau, Hà Nội vẫn chìm trong giấc ngủ nặng nề. Phía trước là bót cảnh sát ngã Tư Vong. Tôi xuống xe quan sát, không thấy những chiếc xe đạp dựng trước cửa như thường lệ. Như vậy là bọn cảnh sát đi tuần đêm chưa về. Cũng không thấy viên cảnh sát râu ngạnh trê trong khung cửa. Tôi liếc nhìn xuống khoeo chân phải, nơi buộc khẩu súng Bờ-rao-ninh. Ống quần hơi cộm một chút, phải để ý lắm mới thấy. Thế là tôi yên tâm lấy đà đạp qua bốt cảnh sát Vọng. Với cái sơ mi làu tàu, cái quần xanh Thượng Hải, tôi như một anh thư kí “cà khổ” trong dòng người, dòng xe từ thành phố đi ra.

        Hồi đó ở Ô Cầu Dền trở ra vẫn còn là ruộng lúa. Từ mờ sớm tinh mơ, những tốp xe tay chở rau, đậu, gà, vịt, trừng từ các làng ven đô vào thành phố. Đi ra là những chiếc xe bò, xe ba gác chở xác những người chết đói về phía làng Giáp Bát để chôn.

        Trước thế thua hiển nhiên và đứng trước phong trào cách mạng đang sôi sục, phát xít Nhật câu kết với thực dân Pháp, dùng lương thực như một thứ vũ khí giết người hàng loạt làm cho nhân dân, cho cách mạng Việt Nam tàn lụi. Chính trong tình hình kinh tế và xã hội cực kì nghiêm trọng đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ và tài năng tổ chức tuyệt vời, đã phát động một cao trào cách mạng từ rừng núi, nông thôn đến thành thị trên phạm vi cả nước.

        Rời đường số 1, tôi đạp xe dọc theo đê sông Đáy về Ứng Hòa. Lúa chiêm năm đó tốt lạ thường. Sau lũy tre xơ xác, những bóng người xám ngăt, thất thểu, nhìn ra cánh đồng nắng chói chang, ước ao cố sống cho đến ngày lúa chín. Đồng bào ta ăn cám, ăn củ chuối, quả sung, rau má, ăn cả khô dầu, diếp dại để kéo dài sự sống. Tôi vừa đạp xe qua một điếm canh đê thì có một tiếng quát giật giọng: “Xuống xe! Giơ tay lên!”. Tôi chưa kịp phanh xe đã nghe thấy tiếng bước chân chạy uỳnh uỵch ở sau lưng. Lố nhố những tay thước, gậy, tầy, mã tấu. Tôi đoán ngay bọn tuần vũ dũng. Lúc này, trong mình tôi không mang một thứ giấy tờ gì. Đến cái thẻ thuế thân cũng không có nốt. Tôi đàng hoàng xuống xe, nhìn những người vừa chạy từ trong điếm ra. Họ có mấy người, phần lớn còn trẻ. Họ không mang tù và, không mang dây trói, những thứ bọn tuần vũ dũng thường dùng. Một anh hỏi tôi:

        - Anh ở đâu? Có súng bỏ ra?

        Không quát tháo, không hỏi thẻ thì chắc không phải là bọn tuần vũ dũng. Nếu là tuần vũ dùng thì câu đầu tiên phải là; “Thẻ đâu đưa đây!". Hay là bọn thanh niên Đại Việt (một tổ chức thanh niên do Nhật lập ra)? Tôi nhìn quần áo anh em mặc. Một cái quần nâu đã vá nhiều chỗ. Một cái áo ta cũng thủng lỗ chỗ. Có thể đây là đội viên của đội tự vệ cứu quốc của Việt Minh. Nếu là bọn thanh niên Đại Việt thì cách ăn mặc phải khác. Đồng phục ka-ki, đầu húi cua, đi đờ-mi ghệt. Tôi toan cười để làm quen với anh thanh niên ốm nhách, đứng chỉ quá vai mình. Nhưng cậu ta mặt lạnh như tiền thọc luôn vào bụng tôi. Những anh em khác vây lấy tôi, tay lăm lăm cây gậy. Tôi nín thở liếc nhìn khoeo chân, nơi giấu khẩu súng ngắn và nhìn vào mắt từng người. Tôi chuẩn bị một thế võ thoát hiểm nếu họ khám phá cả phần chi dưới. Khám không thấy súng, anh ta hỏi tôi giọng dịu dần:

        - Anh về đâu?

        - Tôi về Quảng Uyên bốc mộ cho ông cụ!

        - Anh có giấy tờ gì không?

        - Có, nhưng Nhật lấy hết rồi.

        Tôi rút bao thuốc lá Mê-li-a mời mỗi anh một điếu. Lúc đó anh ta mới cười: “Cứ tưởng anh ta là mật thám Nhật”. Tôi đoán đúng. Anh em là tự vệ cứu quốc. Chỉ có mới hơn một tháng tôi không về Quảng Uyên mà phong trào Việt Minh huyện Ứng Hòa đã chuyên lên cao trào. Một tháng trước, mỗi khi đi qua các điếm canh, tôi phải tìm đường vòng. Hôm nay trên đường đi không những không có bọn tuần vũ dũng lộng hành, bọn thanh niên Đại Việt ngang ngược, mà lại có những đội tự vệ chiến đấu công khai canh gác trên các điếm canh không cho bọn mật thám thâm nhập vào vùng căn cứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 08:29:09 pm »


        Như một mồi lửa bén vào đống rơm khô giòn mùa gió tây, khẩu hiệu hướng dẫn hành động của Đảng ta đã tạo cho phong trào cách mạng có những bước phát triển nhảy vọt. “Phá kho thóc để cứu đói” là một trong những khẩu hiệu như vậy.

        Tôi về Quảng Uyên mà cảm thấy như về thôn Nghĩa Lộ, Hoài Đức quê tôi. Ở Quảng Uyên cũng như ở một số vùng khác thuộc Hoài Đức, Ứng Hòa… chính quyền của địch ở nông thôn gần như bị tê liệt. Một số ít địa chủ lớn ở gần thị trấn, thị xã còn dựa vào thế Nhật tiếp tục chống phá cách mạng, nhưng phần lớn hương chức đã hoang mang, dao động. Trước khí thế cách mạng, họ chưa tin, không ủng hộ, nhưng cũng không dám chống. Số khác, phần lớn là trung nông lớp dưới, nhất là thanh niên đã đi học ngoài thị xã hoặc trên Hà Nội về đều hăng hái tham gia cách mạng. Tôi vào nhà ông chánh hội Lỗ. Cả hai ông bà đều là cơ sở của ta. Trông thấy chiếc xe đạp không chắn bùn không chắn xích của tôi là đám trẻ con reo lên: “A! Anh kí đã về! Anh kí đã về!”.

        Ngay từ ngày đầu khi tôi được anh Nguyễn Phan Lễ, cán bộ Việt Minh Ứng Hòa đưa vào nhà ông Lỗ, ông đã trông tôi hao hao giống một anh thư kí ca-đát (thư kí đạc điền) thường hay qua lại vùng này. Ông dặn các con ông có ai hỏi thì nói ông khách nhà cháu làm ca-đát. Thư kí ca-đát, một anh chuyên vẽ, đo đạc bản đồ ruộng đất, một chức vụ không to đến nỗi xa lánh bà con, cũng không nhỏ đến mức bọn hương lí bắt nạt. Và hình thức thì chỉ riêng nước da đen cháy của tôi cũng có vẻ “ca-đát” rồi. Thế là từ đó, trẻ con cứ trông thấy tôi là lại anh kí.

        Vào nhà ông Lỗ được một lát thì các hội viên cứu quốc lần lượt đến. Anh Nguyễn Phan Lễ thay mặt huyện ủy Ứng Hòa phổ biến chỉ thị sửa soạn Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh. Giở bản chỉ thị in thạch bằng mực tím, chữ nhỏ li ti, anh Lễ đọc: “… Tổng bộ xét thấy cần phải vạch ra những nhiệm vụ dưới đây để các đồng chí gấp rút thi hành. Nói đến khởi nghĩa, trước hết phải đặt lấy mấy câu hỏi dứt khoát:

        - Ai xông ra đánh quân thù?

        - Lấy gì mà đánh?

        - Đánh vào lúc nào sẽ thắng?

        - Làm thế nào đẩy phong trào tiến tới tổng khởi nghĩa?”…

        Từng câu, từng chữ trong bản chỉ thị làm cho mọi người hồi hộp, xúc động. Chúng tôi nghe say sưa và cảm thấy như các anh “thượng cấp” đã đọc được những suy nghĩ, những băn khoăn thầm kín nhất của mình.

        Bản chỉ thị vừa làm sáng rõ những điều chúng tôi còn lờ mờ, lại vừa chỉ ra những việc thiết thực cần làm mà chúng tôi chưa hình dung được.

        Nghiên cứu xong chỉ thị, anh lễ cho biết thêm Quảng Uyên đã thành lập đội tự vệ cứu quốc nhưng chưa được huấn luyện. Anh đề nghị tôi vừa làm huấn luyện viên, vừa chỉ huy đội. trong cuộc họp, Các đồng chí ở Quảng Uyên có ý kiến nên đánh Đồng Quan, lấy súng trang bị cho đội tự vệ và lấy thóc để cứu đói. Đồng Quan là một đồn do một tiểu đội lính bảo an làm nhiệm vụ canh gác kho thóc cho Nhật ở đây.

        Tôi hỏi về tình hình địch ở Đồng Quan, anh em bảo “ngon ăn” lắm, anh em nói bọn lính bảo an chỉ đánh tổ tôm sốt ngày. Tôi hỏi đồng chí Lê Thanh, tổ trưởng tổ tự vệ chiến đấu, về trang bị của đội. Lê Thanh cho biết cả tổ chỉ có một khẩu súng ngắn với sáu viên đạn. Hỏi tình hình huấn luyện, anh em được học tập gì? Anh cho biết mới tập đi đều bước.

        Tất nhiên, không thể tiến công một đồn bảo an chỉ bằng những khẩu súng ngắn có sáu viên đạn và trình độ đi đều bước. Lúc ấy tôi mới vén ống quần, lấy khẩu Bờ-rao-ninh bóng loáng thong thả đặt lên bản. Mặt anh nào anh nấy sáng lên. Tôi nỏi: “Chúng ta sẽ học bắn, nhưng trước hết các đồng chí phải cho mình đi xem cái đồn Đồng Quan nó ra sao đã”.

        Đồng Quan xa huyện, xa tỉnh, lại gần Quảng Uyên - căn cứ của ta. Đánh xong rút về và không lo địch cứu viện. Anh em tự vệ ai cũng biết rõ điều này. Có anh thuộc cả tên và số hiệu của từng tên lính. Trưa hôm sau, chúng tôi lên Đồng Quan. Tôi đi xe đạp, còn anh em đóng vai ăn mày vào xin nước mưa. Hồi đó trong cơn đói khủng khiếp của tháng ba năm Ất Dậu (1945), những thanh niên sức dài vai rộng đi ăn mày là chuyện bình thường.

        Tôi đạp xe lên trước, vào đồn. Anh em cùng đi cũng vào. Đúng như anh em nói, ăn cơm xong là bọn lính trải chiếu, chụm đầu đánh tổ tôm. Thấy người lạ mặt đi vào đồn, tên lính gác súng khoác vai đang chầu rìa quát:

        - Đi dâu mấy tên kia?

        - Thưa thầy khát quá, vào đây xin thầy hớp nước mưa.

        - Mẹ kiếp! Đây có phải hàng nước đâu mà ngày nào chúng mày cũng xin nước.

        Một anh tự vệ vật nài:

        - Đói quá, chỉ xin thầy hớp nước. Xin các thầm làm phúc!

        - Nước trong vại, uống nhanh lên rồi xéo!

        Hình như cái việc ăn mày vào xin nước giữa trưa đã thành lệ cho nên sau tiếng quát “xéo”, Lê Thanh và anh em, chân bước đến vại nước mà mắt thì dán vào những khẩu súng trận bóng nhoáng đặt trên giá. Chao! Mười hai khẩu súng “mút” dầu mỡ tinh tươm, cả những boa đạn, bao lưới lê. Thấy anh em dừng lại trước giá súng, tôi lừ mắt ra hiệu: “Kìa vào xin các thầy hớp nước rồi đi!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 06:32:40 pm »


        Tôi biết chỉ cần cái gật đầu của tôi là anh em sẽ nhào vào bọn lính, xông vào chỗ giá súng không cần do dự.

        Những đã là đánh địch, dù là đánh bất ngờ, dù địch có sơ hở đến mấy cũng phải đánh có tổ chức. Huống chi đây lại là trận đầu ra quân của đội tự vệ chúng tôi.

        Bỗng tên cai ngồi xổm dậy rút từng nhóm quân bài quật đen đét xuống chiếu buông một câu:

        - Có lèo!

        Đám lính kể cả tên gác xúm quanh đám bài mắt hau háu nhìn từng quân bài. Tên cai vớ cái điếu rít một hơi dài. Chứng kiến cảnh đó, một kế hoạch tác chiến hình thành ngay trong đầu tôi: một bộ phận bất ngờ sẽ dùng súng ngắn uy hiếp tên cai và đám lính giữa lúc chúng đang say mê sát phạt. Một bộ phận sẽ cướp súng. Nhưng muốn thế trước hết chúng tôi phải biết sử dụng những khẩu súng hiện đại và “chế tạo” những khẩu súng giả sao cho mỗi người có một khẩu. Chúng tôi chào cảm ơn tên cai, ung dung ra về.

        Trong cuộc đời đánh giặc, đây là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất tôi đi trinh sát đồn địch bằng xe đạp.

        Tôi dự thảo kế hoạch huấn luyện đưa ra để anh em bàn bạc. Ban ngày chúng tôi học chính trị và sử dụng vũ khí. “Hội trường” và “thao trường” là căn buồng xép nhà ông Lỗ. Ban đêm học võ ngay trên sân nhà ông. Phần chế tạo vũ khí giao cho anh Duật chế tạo được quét mực tàu trông khá giống súng thật. Hàng ngày bà Lỗ bê những bao trấu ra rê ở bụi tre ngoài cổng để gác vòng ngoài. Ông Lỗ ngồi vót mây gác cả “công trường” chế tạo súng và căn buồng sép.

        Hồi đó thanh niên chúng tôi ai ai cũng mê học võ. Con nhà giàu học để giữ của, để phòng thân. Chúng tôi học để không ai bắt nạt được mình. Tôi học võ từ năm mười bảy tuổi ở lò võ Rặng Ổi, Vĩnh Tuy, Hà Nội. Lúc đầu học quyền, nhưng người tôi cao lớn, chân tay dài nghêu, múa không dẻo nên tôi chuyển sang học song đao. Bài này có miếng “song thiên đà đao phản trảm nghênh” rất lợi hại. Ở miếng này, tôi có thể phát huy cặp giò dài nghêu và sức bật cường tráng của tuổi trẻ. Sau vài hiệp giao đấu qua loa, cố ý múa cho đường đao của mình rối loạn rồi vờ thua chạy nhử cho đối phương đuổi theo, lúc đó mới bất ngờ quay lưng lại tung hai chân đá vào mặt đối phương rồi hoa hai cây song đao bổ xuống. Dạy võ cũng là nghề kiếm sống lúc đó. Đêm chúng tôi dạy võ cho con nhà giàu. Trong những ngày hội, chúng tôi đi các làng ngoại thành thi đấu để chiếm giải. Tôi không ngờ những bài võ lúc này lại trở nên có ích trong hoạt động cách mạng.

        Hồi đó không có môn học nào làm chúng tôi say mê bằng học súng ngắn. Khi đã biết sử dụng vài miếng võ, trông thấy khẩu súng ngắn trong tay mấy tên mật thám thì chân tay cứ ngứa ngáy thế nào ấy. Trong anh em chúng tôi có người mới chỉ thấy khẩu súng ngắn trong các cuốn từ điển hoặc trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám. Chưa bao giờ được sờ một khẩu súng thật. Cái bệnh mê súng này đã xuýt để xảy ra tai nạn.

        Sau khi hướng dẫn có anh em cách tháo lắp, cách sử dụng khẩu Bờ-rao-ninh, tôi để anh em luân phiên nhau tập. Một đội viên tự vệ trong lúc tháo đạn đã sơ ý làm súng cướp cò. “Đoàng”, một tiếng nổ bất ngờ, Mùi khói súng khét lẹt. Ông Lỗ tái mặt. Bà Lỗ, sau một giây ngơ ngác, vác luôn cái sào nứa đập chan chát trên sân gạch miệng la:

        - Úi úi, cái đàn gà chết tử chết tiệt. Sàng trấu từ sáng tới giờ mới được đấu thóc mà nó tãi thế kia thì còn gì nữa hở trời.

        Chúng tôi bưng miệng cười, khâm phục bà nhanh trí.

        Sau khi huấn luyện xong, chúng tôi chọn một buổi trưa nắng đi đánh Đồng Quan. Những anh em đi đánh đồn mỗi người một bát cháo cám. Khoác cái áo tơi rách vào người, súng thật, súng giả giắt cạp quần, chúng tôi tiến ra đồn Đồng Quan với tinh thần quyết thắng.

        Trong lúc bọn lính bảo an xúm xít quanh chiếu tổ tôm không thèm đoái hoài đám ăn mày rách rưới vào xin nước mưa như thường lệ thì anh em đã hình thành hai nhõm. Đội trưởng và anh em có súng thật vây bàn tổ tôm. Một số anh em mang súng giả vây xung quanh giá súng. Đội trưởng bất ngờ rút khẩu súng Bờ-rao-ninh chĩa thẳng vào mặt tên cai hô:

        - Muốn sống ngồi im! Việt Minh đây!

        Tên cai và bọn lính đờ người trước họng súng tận mặt. Chúng không kịp hạ bài cứ thế giơ hai tay. Anh em xông vào giá súng lên đạn lách cách.

        Đội trưởng giải thích vắn tắt cho lính bảo an thế thua đã rõ ràng của phát xít Nhật, khuyên anh em nên về nhà làm ăn.

        Trận đánh diễn ra nhanh và gọn đến nỗi khi anh em bỏ súng vào áo tơi về, bà con xung quanh vẫn không hay đồn Đồng Quan đã bị mất.

        Cùng với những trận đánh táo bạo của tự vệ vào các toán lính đi thu thóc, thu rơm cho ngựa trên nhiều địa phương, trận đánh Đồng Quan đã góp phần tạo nên khí thế mới đưa cao trào cách mạng của quần chúng lên cao. Số súng lấy được ở đồn Đồng Quan được chia cho đội tự về các nơi khác đã góp phần cho các trận đánh phá kho thóc cứu đói về sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 06:36:05 pm »


        Phong trào cách mạng càng mạnh, cơ sở chính trị càng phát triển thì các đội tự vệ càng trưởng thành. Làng Quảng Uyên tổ chức gần hẳn một lò rèn đao kiếm cho tự vệ. Tôi được phân công vừa dạy vỡ, vừa huấn luyện cách dùng những thứ vũ khí mới cướp được. Thanh niên nam nữ đua nhau xin vào tự vệ. Về sau số lượng quá đông, chúng tôi phải tổ chức huấn luyện theo lối dây chuyền. Người nào đã được huấn luyện về dạy lại người chưa biết. Đêm đem trên sân đình làng Quảng Uyên, trong các sân nhà, không những tự vệ mà cả các hội viên cứu quốc cũng thi nhau tập luyện. Có anh khi đi tập chỉ có bát cháo sung nhưng học rất hăng. Có anh múa xong bài đao mồ hôi vã ra như tắm. Với số súng mua được của lính bảo an và súng mới cướp được, chúng tôi tổ chức bắn đạn thật ở Miếu Môn, vùng giáp giới giữa Hà Đông và Hòa Bình. Mục đích bắn đạn thật là để anh em có lòng tin vào vũ khí của bản thân mình. Bởi vì không rõ do đâu anh em cho rắng bắn súng trận phải là người to lớn khỏe manh. Người nhỏ bé, súng có thể giật ngã, gẫy xương vai. Tất nhiên với số đạn thật có hạn, mỗi người chỉ được bắn có một viên.

        Một hôm được tin người làng nhắn tôi về có việc gấp, thì ra anh em làng Nghĩa Lộ muốn mượn súng của Quảng Uyên phá kho thóc để cứu đói. Ở thôn La Khê, La Cả cạnh Nghĩa Lộ làng tôi, cứ qua một đêm là có nhiều người chết đói. Cả thôn có 4.893 người đã chết đói mất non nửa. Hơn một trăm gia đình cả nhà chết đói không còn một người nào. La Khê, La Cả không có ruộng. Từ trước tới nay đồng bào sống bằng nghề dệt the, dệt lua. The La Cả nổi tiếng cả nước. Làng tôi chưa có người chết nhưng cái đói đã kề. Tôi đi một vòng quanh làng. Làng xóm nom tiêu điều trơ trụi. Những vạt rau má bị vặt trụi. Một búp súng non không còn. Người đi vật vờ như những cô hồn. Có người trông tiều tụy đến nỗi không nhận được ra. Tôi ra đình, nơi đặt kho thóc thuế, cửa gỗ đóng kín mít. Trong đình là kho thóc nghĩa sương để nuôi tuần vũ dũng. Ngoài cửa có dấu niêm phong của tri huyện Hoài Đức. Anh em đã xin trên cho phá kho thóc cứu đói nhưng chưa được chuẩn y vì làng Nghĩa Lộ quá gần thị xã Hà Đông. Bọn Nhật có thể ập đến bất cứ lúc nào. Hồi này chính quyền bù nhìn đã rệu rã tới mức bọn Nhật phải cho quân trực tiếp xuống nông thôn mới thu được thóc thuế.

        Tri huyện Hoài Đức là một tri thức trẻ mới nhậm chức. Qua một số bài báo viết trên tờ Thanh nghị, tạp chí của trí thức, tôi thấy viên tri huyện ít nhiều có đầu óc dân tộc. Anh em bàn với nhau sẽ dùng uy thế của Việt Minh kết hợp với thuyết phục để yêu cầu viên tri huyện cho phá kho thóc nghĩa sương cứu đói. Nhưng cần tạo ra một cái cớ hợp pháp cho tri huyện.

        Chúng tôi làm một lá đơn xin phép huyện cho thành lập đội bảo vệ mùa màng và dúng thóc nghĩa sương để nuôi đội đó. Với nhân dân, chúng tôi làm một danh sách những gia đình neo đơn nhất cần cứu đói và niêm yết cho dân làng biết.

        Sau đó, anh em cử tôi lên gặp viên tri huyện. Ông ta tiếp tôi khá lịch sự. Sau khi nghe tôi tình bày, ông ta nói:

        - Chúng tôi biết các ông là ai rồi. Một hành động vì dân có tổ chức như thế này chúng tôi không có lí do gì từ chối! - Ông ta kí vào lá đơn xin dùng thóc nghĩa sương rồi nói tiếp:

        - Mong rằng chúng ta sẽ gặp lại nhau!

        Tôi nói:

        - Miễn là đi cùng một chiều thì thế nào chúng tôi cũng sẽ gặp lại các ông. (Sau cách mạng tháng Tám, ông này đi theo Việt Minh).

        Nhờ số thóc đó, nhân dân thôn tôi đã vượt qua cơn đó khủng khiếp của những ngày giáp hạt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 06:40:01 pm »


*

*      *

        Tháng 5 năm 1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng minh. Từ mấy tháng trước đó, chúng tôi say sưa theo dõi những mũi tiến quân như vũ bão của Hồng quân Liên Xô. Với tấm bản đồ cắt ra từ tờ Đông Pháp, chúng tôi theo dõi từng mũi tiến công đến mức thuộc cả tên những thống soái lừng danh của Hồng quân. Sức mạnh tiến công không có gì cưỡng lại được của Hồng quân, tài thao lược của Bộ thống soái tối cao Liên Xô đã đem đến cho chúng tôi niềm tin và khát vọng muốn nhìn tận mặt, siết chặt bàn tay của các chiến sĩ Hồng quân, những người đã cứu nhân loại khỏi họa phát xít.

        Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Chính phủ Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Ngày 9 tháng 8, hai phương diện quân Viễn Đông đột kích tuyến phòng thủ của đạo quân Quan đông, lực lượng xung kích tuyến chủ yếu của lục quân Nhật ở Mãn Châu. Ngày 15 tháng 8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Ngày hôm đó, Xứ ủy Bắc Kì họp tại làng Vạn Phúc ra nghị quyết khởi nghĩa từng phần, chiếm chính quyền ở những nơi chắc thắng nhất, khoan đánh vào những nơi có quân Nhật. Ngay đêm hôm đó, anh Nguyễn Phan Lễ goi tôi đi họp cán sự Việt Minh Ứng Hòa. Cuộc họp quyết nghị khẩn trương chuẩn bị cướp chính quyền ở hai huyện Ứng Hòa, Thường Tín. Các chị phụ nữ may cờ, cắt khẩu hiệu. Tự vệ, thanh niên mài dao, thử súng, phân công giám sát tên phản động. Một số cán bộ đến thẳng nhà bọn phản động và nhà giàu có súng để thu hoặc mượn súng, đề phòng những hành động phá hoại của chúng. Có thôn đánh trống họp nhân dân tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Có thôn ban hành lệnh “thiết quân luật” để chuẩn bị lực lượng. Cuộc mít tinh hướng ứng lệnh khởi nghĩa của Việt Minh có hàng nghìn người dự.

        Trên vùng rộng lớn của Hà Đông lúc đó, quyền làm chủ đã thực sự về tay nhân dân.

        Riêng ở thị xã Hà Đông, phong trào quần chúng phát triển khá mạnh, nhất là trong học sinh, sinh viên và thanh niên. Đội tự vệ đã có một súng trường, bảy súng ngắn. Anh em tổ chức được cơ quan ấn loát. Đôi tuyên truyền xung phong đã rải truyền đơn giác ngộ được một số hạ sĩ quan và binh lính trong trại bảo an binh.

        Ngày 23 tháng 7 năm 1945, anh Phạm Đức Kính tức Ái, bí thư tỉnh ủy huy động lực lượng tự vệ, được đông đảo nhân dân vũ trang hỗ trợ, đã phục kích tiểu đội bảo an từ Ứng Hòa về làng Trạm Xá đốc thuế. Trận phục kích thu được thắng lợi giòn giã. Viên đội chỉ huy ngoan cố đã bị bắn chết. Bọn còn lại xin hàng. Ta thu được hai súng. Bốn ngày sau, anh Ái lại tổ chức tự vệ hóa trang thành lính bảo an bất ngờ đột nhập huyện Chương Mĩ tịch thu toàn bộ súng ống, đốt sổ sách, giấy tờ. Binh lính, quan lại chạy trốn không dám chống cự.

        Trước tình hình đó, ở thị xã Hà Đông, quản Dưỡng, nguyên quản khố xanh, tay chân tâm phúc của Hoàng Trọng Phu được Nhật làm chánh lãnh binh chỉ huy toàn bộ lực lượng bảo an hà Đông đã ra lệnh thu lại toàn bộ số súng của lính bảo an huyện để không lọt vào tay Việt Minh. Hán đã tự tay vô hiệu hóa chính quyền cấp huyện. Lúc này từ Quảng Uyên đi các làng cơ sở được các anh phân công, tôi không còn phải đóng vai anh kí ca-đát như mấy tháng trước nữa. Với chiếc xe đạp không chắn bùn, không chắn xích, tôi miệt mài đi ngày, đi đêm với niềm vui của người dân nô lệ được giải phóng, với hạnh phúc của con người được tự mình quyết định vận mệnh của mình. Có ngày không ăn cơm mà vẫn thấy no. Không ngủ hàng mấy đêm liền vẫn không thấy mệt. Từ xa trông thấy cái dáng cao lênh khênh, nước da đen bóng của tôi, các anh đã reo lên như thể gặp lại người thân trong gia đình. Niềm vui càng nhân lên khi chúng tôi được lệnh của đoàn thể về tham gia cướp chính quyền ở thị xã Hà Đông.

        Ở thị xã Hà Đông tình hình không bình thường. Cho tới ngày 18 tháng 8 vẫn chưa thống nhất được phong trào thị xã. Lực lượng chủ yếu trong thị xã vẫn là thanh niên cứu quốc do một đồng chí thành ủy viên Hà Nội phụ trách. Kế hoạch khởi nghĩa chưa cụ thể. Những trước mệnh lệnh của Xứ ủy, trong cao trào sôi sục khởi nghĩa của huyện chung quanh thị xã, một bộ phận nòng cốt trong thanh niên cứu quốc đã chủ trương biến cuộc biểu tình thành cuộc đột nhập trại bảo an binh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Mười, 2016, 06:42:04 pm »


        Sáng ngày 18 tháng 8, trong khi một bộ phận thanh niên đến nhà in Thái Bình Dương của một tên Đại Việt buộc tên này phải cho in truyền đơn Việt Minh thì một bộ phận khác đã vào trại bảo an binh thuộc tên quản Dưỡng phải để cán bộ Việt Minh nói chuyện với anh em binh sĩ. Quản Dưỡng nhận thi hành nhiều điều kiện của Việt Minh. Anh em ta kiếm soát kho vũ khí, nói chuyện với anh em binh sĩ rồi cho treo cờ đỏ sao vàng. Đồng bào trong thị xã bất chấp nước lụt đã xuống đường. Đồng bào ven thị xã đổ vào, biến thành một cuộc biểu tình tuần hành qua các phố. Nhưng do không có sự thống nhất chỉ huy nên sau khi vào trong trại bảo an binh, anh em chỉ cứ một người giao thiệp với quản Dưỡng. Thực tế, trại bảo an binh vẫn nằm trong tay quản Dưỡng. Sau khi lực lượng thanh niên đi khỏi, bọn Đại Việt lén lút vao trại kích động tên quản Dưỡng. Và ngay đêm hôm đó, quản Dưỡng đã trở mặt.

        Tối ngày 18 tháng 8, Dưỡng bắt giam đội Nùng và đội Hiền, hai nhân mối của ta. Dưỡng cho vợ con binh lính lánh đi nơi khác, ra lệnh cho binh lính chuẩn bị đối phó. Cũng trong đêm hôm đó, tôi được anh Lê Lộc, Xứ ủy viên phụ trách phong trào Hà Đông chỉ định làm ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời. Tôi được phát một thanh kiếm Nhật dài lê thê.

        Ngày 17 tháng 8 đê Đông Lao vỡ. Nước tràn vào thị xã Hà Đông. Theo kế hoạch của ban tỉnh ủy, trưa ngày 20 tháng 8 lực lượng cứu quốc bắc Ứng Hòa do anh Nguyễn Phan Lễ phụ trách cùng với các đội tự vệ chọn lọc của các huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì sẽ phối hợp cùng lực lượng tự vệ trong thị xã biểu tình vũ trang chiếm đốc bộ đường, buộc tổng đốc Hà Đông phải ra lệnh cho quản Dưỡng đầu hàng. Chúng tôi hăm hở lên đường.

        Không hiểu bằng cách nào, anh em kiếm được một chiếc xe gíp. Chúng tôi cả 16 người trèo lên. Xe chật cứng. Trên mũi xe, một lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật. Đến khúc đường quanh thuộc địa phận Thanh Oai, xe không giảm tốc độ, lật nghiêng hất chúng tôi xuống ruộng, mỗi đứa một nơi. Thế mà không ai việc gì. Anh em hè nhau lật chiếc xe lại, khiêng bổng xe lên mặt đường rồi lại phóng về thị xã. Đêm hôm đó, lực lượng các nơi tập kết ở Mỗ Lao. Trưa hôm sau, chúng tôi tiến vào đốc bộ đường theo kế hoạch. Không tìm thấy tổng đốc, chúng tôi sang nhà riêng cũng không có (về sau tôi được biết tổng đốc đã về Hà Nội xin gặp Tổng bộ Việt Minh để trao chính quyền tỉnh). Không ai thìm thấy tổng đốc là một tình huống ngoài dự kiến. Trong lúc ban chỉ huy chưa kịp xử trí thì quần chúng đã kéo nhau sang trại bảo an binh. Cổng trại đóng chặt. Thấp thoáng trong lô cốt những tên lính bảo an súng lăm lăm trong tay. Không đẩy cổng được, quần chúng treo lên tường tràn vào trại. Đứng trên lô cốt, quản Dưỡng ra lệnh cho lính bắn súng chỉ thiên. Tiếng súng càng kích động sự phẫn nộ của quần chúng. Từ lâu, quần chúng đã căm ghét tên quan khố xanh này. Thấy bóng quản Dưỡng một thanh niên vác dao xông tới. Dưỡng ra lệnh cho linh nổ súng. Một số lính vứt súng bỏ chạy, một số bắn súng chỉ thiên. Số khác bắn thẳng vào đám biểu tình.

        Tình huống diễn ra quá nhanh và đột biến. Khi tôi vượt lên thì anh thanh niên trước mặt tôi đã ngã gục. Dưỡng chạy vào lô cốt dùng đại liên quét vào đám biểu tình. Đạn cắm phầm phậm trước mặt. Xung quanh tôi những người bị thương đang quằn quại, không có ai băng bó. Trước mặt tôi là một bãi cỏ may chạy tới sát chân tường lô cốt. Có tiếng gọi ở phía sau. Tôi ngoảnh lại, bắt gặp khuôn mặt đỏ tía của một anh trong ban chỉ huy khởi nghĩa. Anh khoát tay ra lệnh cho tôi rút lui. Lúc này đã có trên bốn mươi người bị hi sinh và bị thương, sáu bảy chục người bị bắt. Có lệnh của ban chỉ huy khởi nghĩa tạm thời rút lui vì không thể đánh chiếm một trại lính đã chuẩn bị chống cự bằng tay không với lực lượng, tuy áp đảo về số lượng so với địch, nhưng chưa được tổ chức. Tôi nhìn xung quanh không còn ai. Thanh trường kiếm lúc này sao mà cồng kềnh, vừa khó vận động lại vừa lộ. Lại có lệnh giục tôi phải ra gấp. Tôi hít một hơi căng lồng ngực, chống kiếm vọt dậy chạy ra khỏi đồn. Một làn đạn đại liên cùng cục trên đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:21:07 am »


        Tối hôm đó, tôi được lệnh ra Hà Nội báo cáo với Tổng bộ Việt Minh. Những tưởng ra Hà Nội sẽ gặp toàn đồng chí mình cả thì cần gì giấy tờ, tôi cứ ung dung vào trại bảo an binh nơi đặt sở chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội. tôi báo cáo tình hình cướp chính quyền Hà Đông nhưng không ai tin. Trong khí thế xung thiên của cách mạng thành công trên quy mô cả nước, khi tổng đốc Hà Đông đã ra Hà Nội gặp tổng bộ Việt Minh để trao chính quyền thì không có một ttên quản khố xanh nào dám ra lệnh nổ súng chống lại cách mạng. Tôi bị tạm giữ vì không có giấy tờ gì. Tôi kể những tên đồng chí lãnh đạo, những đồng chí tiểu tổ Việt Minh ở Hà Nội. Nhưng trong tình hình khẩn trương lúc đó không có ai có thì giờ nghe tôi. Hãy cứ tạm giữ cho chắc chắn. các đồng chí ấy bảo tôi như vậy, mong tôi vui lòng tạm nghỉ một đêm. Đêm hôm đó tôi suy nghĩ về trận đánh đầu tiên, trận Đồng Quan, bài học vỡ lòng trong cuộc đời phục vụ quân đội của mình. Tất cả đều rõ. Thành công của trận đánh đồn Đồng Quan chủ yếu chúng tôi hiểu rất rõ đối tượng tác chiến. Từ quân số, trang bị, cả đến cái thú đánh tổ tôm của địch. Chính sự hiểu biết cặn kẽ đó đã dẫn đến kế hoạch tiến công vừa táo bạo, vừa chắc thắng. Còn trận đánh vao trại bảo an binh thì rõ ràng chúng tôi tuy có nhiệt tình, lòng dũng cảm và có lực lượng áp đảo nhưng khi quyết định đánh chiếm trại bảo an binh bằng vũ trang chúng tôi thiếu hẳn một người chỉ huy, tôi chỉ biết xách kiếm xông lên như mọi người. Trong trận Đồng Quan, chúng tôi đã có kế hoạch và kế hoạch đó được phổ biến tới từng chiến sĩ. Mọi người tham gia trận đánh đều hiểu kế hoạch như người chỉ huy. Còn người chỉ huy thì hiểu mọi người như hiểu chính mình. Trong trận đánh vào trại bảo an binh ở thị xã Hà Đông, kẻ thù đã khiếp nhược đến mức cho cán bộ cách mạng vào tiếp xúc với anh em binh sĩ trong trại, để chúng ta treo cờ cách mạng, nhưng có một việc quan trọng nhất là buộc bọn bảo an trao súng cho cách mạng thì ta không làm. Mục đích xông vào trại bảo an càng không rõ. Nếu để đánh chiếm thì phải có kế hoạch đánh chiếm, kế hoạch lại phải khác, cách sử dụng lực lượng cũng phải khác. Về chỉ huy, chúng tôi đã không có sự chỉ huy thống nhất. Cho nên mặc dù lực lượng ở tỉ lệ áp đảo mặc dù súng không ít, lại có nhân mối bên trong chúng tôi cũng không tạo ra được sức mạnh buộc tên quản Dưỡng phải đầu hàng mà một số quần chúng tích cực bị thương vong (về sau tên quản Dưỡng bị cách mạng bắt và trừng trị).

        Ở đây, tôi muốn ôn lại đôi điều về hai trận đánh đầu tiên của một người cầm súng đi theo Đảng, có nhiệt tình nhưng sự hiểu biết về quân sự còn quá ít. Và chính từ những kinh nghiệm tổ chức và không thành công trong buổi đầu cầm súng, tôi tự xác định cho mình phỉa đi sâu học tập quân sự, học trong thành công và học trong thất bại, học những vấn đề cơ bản và học từ những cái nhỏ nhất. Đó là khoa học để chiến thắng kẻ thù.

        Từ điểm xuất phát ban đầu ấy, tôi và một số đồng chí, đồng đội, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, chỉ bảo, được tôi luyện trong lò lửa của chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng đã từng bước trưởng thành.

        Việc tôi bị giam giữ được xác minh ngay trong dêm hôm đó. Sáng hôm sau, tôi được mời lên gặp ban chỉ huy. Một anh trông nho nhã, thư sinh gặp tôi có ý xin lỗi, đề nghị tôi thông cảm. Tôi không ngờ vài hôm sau anh được bổ nhiệm chính trị viên, cùng tôi xây dựng chi đội chủ lực đầu tiên của tỉnh Hà Đông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:23:58 am »


CHƯƠNG HAI

SƯƠNG MÙ

        Tôi vừa về Hà Đông thì được lệnh lên Quân khu nhận công tác. Anh Văn Tiến Dũng, Chính ủy Quân khu thay mặt Đoàn thể phân công tôi cùng với anh Nguyễn Quyết xây dựng chi đội chủ lực đầu tiên của Quân khu. Tưởng ai, hóa anh Nguyễn Quyết chính là anh cán bộ có dáng thư sinh, nho nhã đã gặp tôi ở trại bảo an binh Hà Nội mấy hôm trước. Tôi nói vui:

        - Chắc bây giờ ông không cho bắt tôi nữa chứ?

        Anh Quyết cười:

        - Công việc bù đầu, anh em bắt lúc nào mình không biết, thả lúc nào mình cũng không hay. Chỉ biết anh em bảo đi gặp cảm thông một đồng chí bị bắt nhầm của Hà Đông.

        Anh Dũng cho chúng tôi biết tình hình đất nước đang rất khẩn trương. Quân Nhật tuy đầu hàng nhưng còn giữ nguyên vũ khí. Quân đồng minh chưa vào giải giáp quân Nhật, nhưng tàu chiến Pháp đã lăm le vào cảng Hải Phòng. Tham vọng chiếm lại Đông Dương của đế quốc Pháp đã có ngay từ khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc.

        Ngày 8 tháng 12 năm 1943, trong lúc đang còn lưu vong ở An-giê-ri, Đờ Gôn đã tuyên bố giải phóng Đông Dương. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ủy ban quốc phòng Pháp quyết định thành lập lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Lực lượng gồm sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 do Va-luy chỉ huy đang làm nhiệm vụ chiếm đóng ở Đức, binh đoàn thiết giáp do Mát-xuy chỉ huy và sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3. Ở Viễn Đông lúc đó Pháp có một phái đoàn quân sự ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), một bộ phận ở Căn-đi (Xri-lan-ca), một bộ phận ở Can-quýt-ta (Ấn Độ). Pháp còn trung đoàn thuộc địa số 5 do Ble-dô chỉ huy và lữ đoàn cơ động viễn đông Ma-lai-xi-a.

        Ở Việt Nam sau khi bị phát xít Nhật hất cẳng, các nhà cai trị Pháp tập hợp nhau ở Côn Minh. Trong đám này có viên trung úy phòng nhì Pháp mang biệt danh Sanh-tơ-ni, người của Đờ Gôn mới từ Pa-ri sang.

        Ngày 15 tháng 8, tại Côn Minh, Sanh-tơ-ni được tin Nhật đầu hàng Đồng inh. Mặc dù trong tay không có lực lượng và phương tiện, nhưng viên trung úy tình báo này đã thảo ngày một kế hoạch đổ bộ bằng máy bay xuống Hà Nội. Tất nhiên kế hoạch này không tính đến tình hình chính trị của Hà Nội lúc đó. Qua tin tức của phái bộ Anh và Mĩ, Sanh-tơ-ni được biết ở Việt Nam có một tổ chức cách mạng rất có uy tín trong quần chúng là Mặt trận Việt Minh. Người Pháp cần phải tức khắc có mặt ở Việt Nam. Sanh-tơ-ni lựa chọn được một tốp những người tình nguyện trở lại Đông Dương trong số những viên chức và sĩ quan Pháp có mặt ở Côn Minh lúc đó. Y cũng điều đình xong với đoàn phi hành Pháp lấy chiếc Đa-cô-ta từ Ấn Độ sang Côn Minh để sửa chữa. bọn Mĩ biết tỏng âm mưu láu cá của người Pháp nên đã chỉ thị cho bọn Tưởng tại sân bay không được để cho người Pháp đến Hà Nội trước lúc Đồng minh vào tiếp quản, và người Pháp cũng không được đến một mình.

        Ngày hôm sau, 16 tháng 8, Sanh-tơ-ni bèn xoay cách khác để đưa bằng được phái đoàn của Pháp trở lại Việt Nam trước khi quân đồng minh vào. Ông ta đề đạt với người Mĩ rằng hải quân Pháp còn hai chiếc tàu chiến vẫn ở vùng biển Hạ Long, rằng người Pháp sẵn sàng giúp đỡ Đồng minh trong việc giải giáp quân Nhật. Được sự đồng ý của Mĩ, Sanh-tơ-ni điện cho viên trung úy hải quân Pháp Bờ-lăng-sa chỉ huy hai tàu chiến Cờ-ray-sắc và E-rê-kin kéo cờ tam tài cập bến cảng Hải Phòng. Nhân danh phái bộ Đồng minh, Bờ-lăng-sa ra lệnh cho quân đội Nhật không được bắn vào máy bay Đồng minh. Sáu ngày sau, ngày 22 tháng 8, Sanh-tơ-ni đã trở thành một viên trong phái đoàn tiền trạm của Đồng minh đến Hà Nội.

        Từ sân bay Gia Lâm đi ô-tô về đến khách sạn Mê-trô-pôn (nay là khách sạn Thống Nhất), Sanh-tơ-ni hết sức ngạc nhiên và có phần thất vọng khi thấy cái “xứ Bắc Kì bảo hộ" này hoàn toàn không giống một tí nào với những điều ông ta nghe được qua miệng các viên quan cai trị Pháp đã nói với ông ta hồi ở Côn Minh. Trong cuốn hồi kí “Một nền hòa bình dở dang”,. Sanh-tơ-ni viết: Cả Hà Nội lồng lộng một biển cờ đỏ. Những tấm vải đồ sộ chăng từ cây này sang cây khác ngang đường phố với những dòng chữ bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga nói lên quyền làm chủ của Việt Nam: “Độc lập hay là chết!”. “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”.

        Càng đi vào Hà Nội, nỗi thất vọng của Sanh-tơ-ni lại càng lớn. Lịch sử đã sang trang. Chính quyền cách mạng đã được thành lập. Người Pháp không thể theo gót quân Đồng minh để chiếm lại thuộc địa cũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:26:05 am »


        Mấy ngày sau, nhân danh phái đoàn Đồng minh đi thăm những tù binh Pháp bị Nhật giam giữ, Sanh-tơ-ni đến khách sạn Mê-trô-pôn. Mấy ngày sau y lại đi cùng mấy sĩ quan Nhật vào thẳng phủ toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch).Ngày hôm sau, lá ờ tam tại được kéo lên cột cờ. Lá cờ tam tài xuất hiện ở phủ toàn quyền đã gây nên nỗi công phẫn trong nhân dân Thủ đô. Thanh niên nô nức tòng quân, sẵn sàng giết giặc.

        Trung đoàn Hà Đông vừa thành lập được một tuần lễ thì tôi và anh Quyết được gọi lên Quân khu nhận nhiệm vụ. Anh Quyết được lệnh đi Khu 5, còn tôi lên Sơn La. Ở Khu 5, mặt trận Tây Nguyên bị vỡ. Ở Sơn La, Lai Châu có nơi ta chưa kịp lập xong chính quyền thì tần quân Pháp từ Côn Minh đang quay trở lại. Hai nơi đó đang thiếu cán bộ.

        Tôi ra Hà Nội báo tin cho gia đình biết để đi Sơn La.

        Hà Nội đang chuyển mình sang thế sẵn sàng chiến đấu nhưng những dấu vết của một “Hà Thành hoa lệ” vẫn còn đậm nét. Trước vườn hoa con cóc (nay là vườn hoa Chi Lăng) có một bức tranh lớn cổ động cho phong trào mùa đông binh sĩ. Một anh bộ đội vạm vỡ trong bộ quân phục màu xanh lục, mặc áo trấn thủ tay cầm súng hiên ngang trong tư thế sẵn sàng mang tính mệnh mình để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Một Hà Nội cách mạng đang sẵn sàng đi vào cuộc thử thách một mất một còn. Trong khi đó ở phố Khâm Thiên vẫn còn những nhà cô đầu, phố Cửa Nam còn tiệm nhảy. Xen lẫn vơi những bài ca cách mạng hùng tráng vẫn còn những bài hát lả lướt, rền rĩ. Một Hà Nội ăn chơi đang tiếp những người khách mới. Đó là những sĩ quan Mĩ trong phái bộ Đồng minh quân phục là thắng nếp, lái xe gíp một tay, miệng nay kẹo cao su. Những sĩ quan Anh bộ mặt lạnh lùng, khinh khỉnh. Đông nhất là những sĩ quan “thiên triều” của Tưởng Giới Thạch. Cùng với sĩ quan “thiên triều” là đám lính Tưởng, người đầy bụi bặm, mệt nhọc, đói khát ập xuống Hà Nội như một đám châu chấu. Theo hiệp định của Đồng minh, cuối tháng 8 năm 1945 gần 20 vạn quân Tưởng vào đất nước ta để tước vũ khí quân Nhật. Chúng có bốn quân đoàn. Tất cả các quân đoàn này đều đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Lư Hán, một tên quân phiệt ở Vân Nam. Tưởng Giới Thạch chưa thật tin ở Lư Hán nên sau lại điều thêm quân đoàn 52 sang. Đây là quân đoàn chính quy được Mĩ trang bị tương đối hiện đại do Châu Phúc Thành chỉ huy. Ngoài ra còn có đám dân binh ốm đói, bọn du thử du thực được tập hợp theo hiệu lệnh thanh la, được cấp quan trang rồi san Việt Nam. Theo sau đám quân Tưởng ô hợp này là bọn Việt gian phản động. Bọn Việt Nam cách mạng đồng minh hội trở về theo đường Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái. Bọn Quốc dân đảng theo con đường Lào Cai, Hà Giang.

        Về Hà Nội bọn Quốc đân đảng phản động núp trong những biệt thự sang trọng, những khách sạn của Hoa Kiều. Đó là những tên Việt gian nhâng nháo. Đến cái mũ chúng đội cũng là sự sao chép. Hai đầu nhọn chào mào là của Pháp, phía trước cái lưỡi trai sùm sụp, kiểu Tàu nhưng phía sau lại đột lỗ có dây buộc theo kiểu Nhật. Tôi không ngờ sau đó không lâu, trong trận đánh đầu tiên ở Sơn La lại gặp bọn lính này. Ở Hà Nội, chúng núp sau quân đội Tưởng, ở Sơn La, chúng đứng dưới lá cờ tam tài của Pháp.

        Sau khi báo cho gia đình và mua một ít viên kí ninh, tôi mua vé ô-tô lên Sơn La.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM