Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 07:49:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Đồng Quan đến Điện Biên  (Đọc 35556 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2016, 09:46:52 pm »


*

*       *

        Đợt hai chiến dịch bắt đầu ngày 30 tháng 3 năm 1954. Nhiệm vụ trong đợt này là tiêu diệt năm điểm cao phòng ngự phía đông Mường Thanh. Đây là dãy điểm cao khống chế toàn khu lòng chảo, là khu then chốt phòng ngự của địch. Mất khu này sẽ mất Điện Biên Phủ.

        Đặc điểm của đợt này là cả năm đại đoàn tham gia tiến công một loạt cứ điểm có công sự kiên cố của địch.

        Đại đoàn 312 được phối thuộc hai đại đội pháo 75, hai đại đội cối 120, một đại đội cối 82 có nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm đồi 4, đồi D1, D2, vị trí pháo địch ở 210 và cùng tiểu đoàn dù ngụy số 5 hoặc một bộ phận tiểu đoàn dù 6 thuộc địa đóng ở đó. Sau khi tiêu diệt song, để lại một bộ phận nhỏ binh lực tăng cường hỏa lực, cải tạo công sự chiếm giữ trận địa không cho địch chiếm lại, đồng thời tổ chức ngay những trận địa hỏa lực để khống hế va sát thương quân địch ở Mường Thanh.

        Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn) được phối thuộc hai đại đội pháo 75, một đại đội cối 120, hai trung đội cối 82 tiêu diệt các cứ điểm 301, 302, 304 (tức là A1, C1, C2). Sau khi tiêu diệt xong quân địch, để lại một bộ phận nhỏ binh lực chiếm giữ trận địa không cho địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức ngay những trận địa hỏa lực khống ché để sát thương quân địch ở Mường Thanh.

        Đại đoàn 308 có nhiệm vụ tiêu diệt khu vực tung thâm của địch gồm: tiểu đoàn Thái số 2 và vị trí pháo địch ở đó, phối hợp cùng trung đoàn 98 tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6. Dùng hỏa lực kiểm chế pháo địch ở tây Mường Thanh và dùng bộ đội nhỏ giương công tích cực các cứ điểm 106 và 310.

        Đại đoàn 304 được phối thuộc tiểu đoàn 888 (đại đoàn 316), một đại đội pháo 105, một đại đội cối 120, bốn khẩu cối 82 và 12 khẩu 12,8 tổ chức kiềm chế đắc lực pháo địch ở Hồng Cúm. Chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, đồng thời tiêu hao quân địch nhảy dù xung quanh và phía nam Hồng Cúm.

        Đại đoàn 351 trực tiếp yểm hộ cho bộ binh tiến công các cứ điẻm 301, 302, 201, 202; chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch ở trung tâm phía đông Mường Thanh và kiềm chế pháo địch.

        Chấp hành mệnh lệnh trên, đại đoàn 312 phân công trung đoàn 209 tiến công tiêu diệt đồi D1. Sau hai giờ chiến đấu các chiến sĩ 209 đã tiêu diệt gọn sở chỉ huy tiểu đoàn 3 trung đoàn An-giê-ri. Thừa thắng, trung đoàn trưởng cho tiểu đoàn 103 tiến công sang đồi D2. Trận đánh D2 kéo dài tới gần sáng. Địch hốt hoảng bỏ chạy vào Mường Thanh. Trung đoàn 141 tiến công đồi 3. sau một giờ 30 phút trung đoàn đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn 3, trung đoàn An-giê-ri.

        Ở hướng đại đoàn 316, được 30 viên đạn lựu pháo yểm hộ, sau 20 phút trung đoàn 98 đã chiếm được hai phần ba cứ điểm. Đại đội chủ công đã đánh chiếm được khu cột cờ, mỏm cao nhất của cứ điểm. Quân địch tổ chức ba đợt phản kích nhưng đều bị thất bại. thừa thắng, quân ta phát triển tiến công, chia cắt tiêu diệt từng bộ phận quân địch; đồng thời nhanh chóng thọc thẳng vào sở chỉ huy cứ điểm. Sau 45 phút, trung đoàn 98 đã tiêu diệt gọn quân địch ở C1 chiếm lĩnh cứ điểm, bắt sống 140 tên thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn Ma-rốc số 4.

        Riêng trận đánh trên đồi A1 khá gay go, quyết liệt. Đây là đồn Pháp cũ, được Nhật củng cố. sau khi nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, quân Pháp lợi dụng những nền nhà cũ tổ chức thành điểm tựa khá vững chắc có đường ngầm và hào giao thông ngầm liên lạc với A2. Trung đoàn 174 đánh chiếm từ chiều 30 đến sáng 31 tháng 3 mới chiếm được hai phần ba vị trí địch. Tối ngày 31 tháng 3 trung đoàn 102 đại đoàn 308 và một bộ phận của trung đoàn 174 lại tiến công lần thứ hai. Địch dựa vào thế cao liên tục phản kích. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng ngày 1 tháng 4, ta chiếm được hai phần ba cứ điểm nhưng không phát triển được phải dừng lại. Đêm 1 tháng 4 ta lại tiến công nhưng không thành công. Cùng với mũi tiến công chính diện, đại đoàn tổ chức tiểu đoàn 11 trung đoàn 141 và tiểu đoàn 115 trung đoàn 165 làm nhiệm vụ thọc sâu. Theo kế hoạch, các mũi thọc sâu có nhiệm vụ tiêu diệt trận địa pháo địch ở cứ điểm 210 và các tiểu đoàn dù ngụy. Bước một, tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 115 hợp điểm ở cứ điểm 210. Bước hai, cả ba tiểu đoàn (thêm tiểu đoàn 54 trung đoàn 102) hợp điểm ở ngã ba đường 41, đi qua cầu sắt Mường Thanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:36:28 am »


        Hai tiểu đoàn 54 và 115 đã luồn sâu qua nơi tiếp giáp giữa hai cứ điểm C1 và D2 tiến vào khu đông. Nhưng cả hai tiểu đoàn không mở được cửa qua các bãi dây thép gai nên không hoàn thành kế hoạch.

        Tiểu đoàn 11, ngay từ khi tiếng súng ở đồi D đang nổ giòn giã, đã đi qua cửa mở của tiểu đoàn 16. Đại đội 243, đơn vị đi đâu tạt sang trái, nhanh chóng vượt qua quãng đường độc đạo dài và hẹp giữa đồi D và đồi E để luồn sâu vào trong. Phát hiện được địch tập trung hỏa lực định bẻ gãy mũi thọc sâu lợi hại này, gần một ba đại đội bị thương, nhưng đơn vị kiên quyết thọc sâu đánh vào tiểu đoàn dù ngụy số 5. Địch không chịu đựng nổi sức tiến công mạnh của mũi thọc sâu đã bỏ chạy tán loạn. Tiếp đó, đại đội chia làm hai mũi. Một mũi đánh thốc vào tiểu đoàn dù Âu Phi số 1. Mũi thứ hai đánh vào trận địa pháo địch. Địch bỏ pháo tháo chạy. Các chiến sĩ đại đội 243 đuổi tiểu đoàn dù ngụy số 6 ra tận bờ sông Nậm Rốm. Rút kinh nghiệm của ba tiểu đoàn thọc sâu ta tổ chức những đội “dũng sĩ’ binh lực ít hơn, tổ chức gọn nhẹ nên hiệu suất chiến đấu cũng cao hơn.

        Đêm 1 tháng 4, trung đoàn 36 đại đoàn 308 ở hướng tây đã linh hoạt dùng cách đánh lấn, chiếm được cứ điểm 106, tiêu diệt tiểu đoàn 1 trung đoàn lê dương số 2. Đêm 2 tháng 4, đội “dũng sĩ’ đột nhập sân bay Mường thanh tiêu diệt một só địch, bắt sống 10 tù binh. Cùng đêm, vị trí 311 bị uy hiếp. Trung đoàn 88 đại đoàn 308 vừa bao vây tiến công liên tục, gọi hàng, vừa bắn đạn cối có truyền đơn vào 311. Chiều ngày 2 tháng 4, hai đại đội lính Thái ở 311 ra hàng. Đêm 4 tháng 4, ta tiến công cứ điểm 105, nhưng không thành công. Đợt hai kết thúc.

        Trong đợt này, chúng ta đã tiêu diệt 2.300 tên. Ngày 12 tháng 4, pháo cao xạ bắn rơi chiếc máy bay thứ 50. Dãy điểm cao phía đông bị tiêu diệt từng mảng lớn (D1, E1, C1 bị tiêu diệt; D2, 210 rút chạy).

        Những đòn tiến công có hiệu quả trong đợt hai đã chứng minh chủ trương xây dựng trận địa tiến công và bao vây của Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch là hoàn toàn đúng đắn.

        Trong đợt này, trận địa pháo và các đài quan sát đã nhích lên phía trước. hai đại đội lựu pháo 801 và 802 đã rời đỉnh Tà Lèng ở phía đông sang phía tây bố trí trận địa ngay sau cứ điểm Bản Kéo. Đại đội 804 ở ki-lô-mét 73 đường số 42 đã chuyển lên cụm cứ điểm Him Lam cũ. Đại đội lựu pháo 805 rời Pú Hồng Mèo xuống phía nam thu ngắn tầm bắn vào Hồng Cúm hai ki-lô-mét. Các đài quan sát pháo đã nhất loạt chuyển lên phía trước. Sơn pháo, pháo cao xạ nằm trong đội hình chiến đấu của bộ binh. Pháo trong biên chế của đại đoàn, trung đoàn đều bắn có hiệu quả vào khu trung tâm. Hỏa lực ta tăng cả về số lượng (đầu pháo) và chất lượng (bắn trúng mục tiêu, tiêu thụ đạn ít). Cũng với biên chế, trang bị như khi mở đầu chiến dịch, bằng công tác tổ chức, chúng ta đã nâng cao chất lượng chiến đấu và sức mạnh của mình.

        Tuy vậy chúng ta chưa hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đề ra cho đợt hai. Bộ chỉ huy chiến dịch chiến trường tiếp tục nhiệm vụ đã đề ra trong đợt hai. Các đại đoàn tiến hành xây dựng trận địa bao vây, tiến công vào sát đơn vị địch hơn, cải tạo địa hình, chiếm một vị trí quan trọng nhằm thắt chặt vòng vây hơn; đánh chiếm sân bay, triệt hẳn tiếp tế và tiếp viện của địch.

        Thực hiện mệnh lệnh của Bộ, đại đoàn 312 đã xây dựng hệ thống trận địa ngày càng tiến gần vị trí địch. Các chiến sĩ đại đoàn ngày đêm giữ vững từng tấc đất trên các điểm cao E, D, C. Những trận địa phòng ngự được củng cố công sự, hào giao thông, hào chiến đấu, ụ súng, vị trí dự bị. Đài quan sát D1 trở thành cứ điểm phòng ngự mạnh của đại đoàn, có trận địa hỏa lực cho sơn pháo và súng cối với công sự kiên cố. Có nơi ta và địch chỉ cách nhau từ 10 đến 12 mét. Có chiến sĩ bắn tỉa một mình dùng ba loại súng. Anh em bắn tỉa bọn địch đi lấy nước, chủ tâm bắn vào chân, chờ tên đi cứu ta bắn bị thương. Đên đêm địch ra cõng hai tên kia ta dùng súng cối 60, đại liên bắn bọn đi khiêng.

        Từ kinh nghiệm bắn tỉa của trung đoàn 36 đại đoàn 308 phát triển lên thành chiến thuật đánh lấn. một trong những trận tiêu biểu của chiến thuật đánh lấn là trận tiến công cứ điểm 206 (một cứ điểm ở sát sân bay của trung đoàn 36 đêm 22 tháng 4.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:39:11 am »


        Khi vòng vây của quân ta áp sát sân bay, Bộ chỉ huy chiến dịch phán đoán khi ta đánh vào bất cứ điểm nào xung quanh sân bay, thế nào địch cũng phản kích. Bộ chỉ huy chủ trương dùng hỏa lực thật mạnh đánh bọn phản kích. Đồng chí Vương Thừa Vũ được giao nhiệm vụ chỉ huy chung huấn luyện đánh địch phản kích, chỉ huy phó là đồng chí Đàm Quang Trung. Cụm hỏa lực gồm có năm đại đội lựu pháo, tất cả hỏa lực súng cối của hai đại đoàn 308, 312 và trung đoàn bộ binh. Kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa pháo binh và bộ binh được tổ chức thống nhất. Các đại đội pháo tính toán xong phần tử bắn vào các ngã ba, đường cơ động và vị trí tập kết của địch. Chỉ huy phó Đàm Quang Trung và các tiểu đoàn trưởng pháo lên đỉnh Hồng Lếch chỉ thị từng mục tiêu trên thực địa.

        Chập tối ngày 20 tháng 4, đại đội lựu pháo 803, theo kế hoạch đã thống nhất với Hồng Sơn, trung đoàn trưởng trung đoàn 36 bắn 20 phát vào vị trí 206. Trung đoàn trưởng trung đoàn 36 lệnh cho đơn vị hò hét xung phong, nhưng thực ra đó là xung phong giả, còn anh em vẫn tiếp tục đào hào lấn dần vào hàng rào địch. Đêm 21 cũng diễn ra như đêm 20.

        Tối đêm 22, đại đội lựu pháo lại bắn đúng 20 viên từ chập tối rồi lại hò hét xung phong. Đến một giờ sáng ngày 23, theo kế hoạch, đại đội lựu pháo lại bắn 20 quả. Trong lúc pháo bắn, anh em phá nốt những hàng rào còn lại (có những hàng rào, anh em phá sẵn nhưng vẫn cứ để dây thép gai như cũ để địch khỏi nghi). Bắn đến viên đạn thứ 13, thấy hàng rào đã bị phá hết, trung đoàn trưởng yêu cầu lựu pháo, súng cối ngừng bắn để bộ binh xung phong. Pháo ngừng bắn, bộ binh xông lên đánh môt lúc ba lô cốt đầu cầu, bí mật xung phong không hò hét như khi xung phong giả. Thấy quân ta xuất hiện bất ngờ quân địch giạt cả vào bên trong. Không để lỡ thời cơ, trung đoàn trưởng ra lệnh tiến công toàn diện. Cả ba mũi đánh thốc vào tung thâm. Sau 15 phút, trung đoàn đưa thêm vào hai trung đội. Các mũi nhanh chóng chia cắt tiêu diệt quân địch. Quân ta bắt sống 117 tên lính lê dương, tiêu diệt gọn cứ điểm 206 trong 45 phút. Đánh xong được biết điện đài của 206 dã bị hỏng ngay từ đầu trận đánh, trung đoàn trưởng 36 lệnh cho bốn khẩu đại liên bắn tứ phía giả làm súng địch. Nghe tiếng súng Đờ Cát yên trí Huy-ghét (206) vẫn còn kháng cự. quân ta ung dung thu dọn chiến lợi phẩm và xây dựng cứ để đánh quân phản kích vào sáng hôm sau.

        Những đòn tiến công của quân ta trong đợt một và đợt hai đã đặt bộ chỉ huy Pháp trước một sự thật, dù không muốn cũng buộc phải công nhận: “Điện Biên Phủ không còn là pháo đìa bất khả xâm phạm nữa. Đối phương đã giải quyết một cách thông minh chiến thuật tiến công trên địa hình bằng phẳng. Số phận của Điện Biên Phủ đang được định đoạt bởi những người mũ nan chân đất”.

        Tướng Na-va và bộ chỉ huy Pháp khẳng định chỉ có nhanh chóng mở rộng sự yểm trợ của không quân mới cứu vãn được tình thế. Cao ủy Pháp Đờ Giăng đến gặp đại sứ Mĩ ở Sài Gòn đề nghị gửi gấp cho Pháp máy bay B.26, F.84, máy bay vận tải C.47 và đề nghị Mỹ chấp nhận cho Pháp dùng máy bay C.119 ném bom cháy quy mô lớn để cứu vãn Điện Biên Phủ.

        Ngày 20 tháng 3, tham mưu trưởng Ê-li đi Oa-sinh-tơn đề nghị Mĩ tăng viện và khẩn thiết yêu cầu Mĩ can thiệp bằng không quân. Kế hoạch của Mĩ mang mật danh “chiến dịch Diều hậu” dự định dùng 60 máy bay hạng nặng B.29 xuất phát từ căn cứ không quân Mĩ Cờ Lác ở Phi-líp-pin được 150 máy bay chiến đấu của hạm đội 7 hộ tống, lợi dụng đêm tối ném bom nhiều đợt, mỗi đợt chừng 450 tấn bom, nhằm hủy diệt vành đai bao vây của quân ta. Để tránh rắc rối vê mặt quốc tế, máy bay Mĩ sẽ không sơn phù hiệu không lực Hoa kì. Phi công là những người đang nghỉ phép sẽ không mang không quân hàm, quân hiệu. Nhưng kế hoạch “Diều hâu” không thực hiện vì cả Anh lẫn Pháp đều không đồng ý. Đối với Pháp, Điện Biên Phủ là không thể cứu vãn được. Họ trông hờ hội nghị hòa bình đang chuẩn bị họp ở Thụy Sĩ.

        Trước tình hình khẩn cấp, Na-va quay sang thực hiện kế hoạch “Chim ưng”. Kế hoạch dự kiến dùng sáu tiểu đoàn bộ binh từ phía Nậm U, Nậm Bạc (Thượng Lào) phối hợp với binh đoàn không vận nhảy dù xuống Mường Nhạ tiến đánh Tây Trang rồi tràn vào Điện Biên Phủ, phối hợp với cánh quân bị vây, yểm trợ cho nhau phá vây rút về Thượng Lào. Nhưng khi cánh quân cứu viện cách Điện Biên Phủ 50 ki-lô-mét. Viên chỉ huy thấy Điện Biên ngắc ngoải nên hạ lệnh lui quân. Kế hoạch “Chim ưmg” không thành, Na-va đặt kế hoạch “Chim biển”. nhưng “Chim biển” cũng bị gãy cánh vì đang thực hiện dở dang thì Đờ cát bị quân ta bắt sống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:40:55 am »


        Trong lúc chúng tôi bao vây tiến công Điện Biên Phủ, một nhà báo nước ngoài xin phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh về triển vọng cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Bác của chúng ta lật ngược cái mũ trên chiếc bàn tre, rồi nói: “Đây là Điện Biên Phủ”. Bác đưa tay quanh vành mũ: “Núi ở đây và chúng tôi cũng ở đây”. Bác nắm tay lại, nhấn mạnh vào lòng mũ rồi nói tiếp: “Còn đây là quân Pháp. Họ không thoát khỏi chỗ này được. Có lẽ thời gian còn dài nhưng họ không thể thoát khỏi”.

        Câu chuyện trên tôi được nghe khi lên họp ở Bộ chỉ huy chiến dịch. Tại hội nghị, chúng tôi được phổ biến, trung tuần tháng 4 năm 1954, Bộ Chính trị họp nhận định: Hai đợt tiến công của quân ta ở mặt trận Điện Biên Phủ đều thắng lợi… tạo những điều kiện căn bản cho quân ta hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Những thắng lợi đó chứng tỏ sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng và sự trưởng thành của quân đội. Trung ương rất vui mừng được thấy các cấp ủy, các đảng viên, các cán bộ của chúng ta đã cô gắng và tiến bộ nhiều. nhưng vì cán bộ ta mắc nhiều khuyết điểm, nguyên nhân chủ yếu là tư tưởng hữu khuynh còn nghiêm trọng. Vì vậy đã gây tổn thất không cần thiết và hạn chế một phần thắng lợi của ta. Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một y nghĩa rất quan trọng, nhất là trong lúc Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp họp.

        Bộ Chính trị chỉ thị; Các cấp ủy, các đảng viên và toàn thể cán bộ phải nhận rõ những khả năng của quân đội và nhân dân ta hiện nay có đủ điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch, ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua. Bộ Chính trị quyết định: Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này.

        Sau khi phổ biến nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng chí Bí thư Đảng ủy chiến dịch báo cáo nghị quyết của Đảng ủy. Nghị quyết của Đảng ủy nhấn mạnh đặc điểm quan trọng nhất của đợt tiến công đợt hai là tính chất gay go ác liệt của cuộc chiến đấu. Chúng ta phải chịu đựng sự căng thẳng ngày và đêm dưới hỏa lực máy bay địch. Người và súng phải luôn luôn sẵn sàng từ ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác. Trời lại bắt đầu mưa. Các chiến hào trở thành những mương chứa một thứ bùn lõng bõng như cháo đặc. Mùa mưa mang đến bệnh hắc lào, nước ăn chân, bệnh kiết lị và sốt rét. Gạo thiếu, thức ăn không có, thuốc lào dự trữ cũng hết. Địch phản kích liên tục, cuộc chiến đấu kéo dài. Qua thực tiễn chiến đấu, những vấn đề về chiến thuật đều được giải quyết cụ thể, chủ trương tác chiến rõ ràng và chính xác. Vấn đề còn lại bây giờ là chống tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực biểu lộ dưới hai hình thức, một là ngại thương vong, ngại tiêu hao, mệt mỏi, ngại khó, ngại khổ, muốn dứt điểm ngay trong khi điều kiện khách quan chưa cho phép, hai là chủ quan khinh địch.

        Hội nghị đã phê phán nghiêm khắc các khuyết điểm trên và khẳng định:

        Tư tưởng của Đảng ta, của quân đội ta là tư tưởng tích cực cách mạng, là tinh thần đấu tranh bất khuất, đấu tranh đến cùng chống kẻ thù, là tinh thần đấu tranh không nhân nhượng, không thỏa hiệp của giai cấp công nhân. Tư tưởng đó là tinh thần triệt để cách mạng, lúc thắng lợi không say sưa, lúc khó khăn không chùn bước, bất kì trong hoàn cảnh nào cũng kiên trì đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Trong quân đội, tư tưởng đó của Đảng là tinh thần anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, triệt để chấp hành mệnh lệnh. Đó là tinh thần kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không sợ gian lao, nguy hiểm, không sợ mệt mỏi thương vong, không sợ hi sinh tính mệnh. Đó là tinh thần liên tục chiến đấu, lúc thắng lợi không chủ quan tự mãn, lúc thất bại không hoang mang dao động, bất kì trong trường hợp nào cũng bình tĩnh, khẩn trương, kiên trì chiến đấu.

        Chúng tôi, những cán bộ chỉ huy và cơ quan bộ tư lệnh đại đoàn cùng các cán bộ trung đoàn đã tổ chức triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị ngay tại chiến hào. Chúng tôi chân thành tự phê bình trong việc chỉ huy đánh vị tri 105 và trong việc chỉ đạo đào chiến hào đã không sâu sát, không kiểm tra, đôn đốc, không khẩn trương cải thiệt đời sống cho cán bộ chiến sĩ. Chúng tôi klhẳng định những mặt ưu điểm nhưng cũng thắng thắn chỉ ra những khuyết điểm về chỉ huy, về lãnh đạo và tổ chức chiến đấu. Sau đó, ngay trên các trận địa phòng ngự, trên các đài quan sát, trong các căn hầm, toàn đại đoàn sinh hoạt liên hệ với yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt, nhìn lại những thành tích đã đạt được, tự phê bình và phê bình công khia những thiếu sót tự bộ tư lệnh đại đoàn cho đến người chiến sĩ. Cuộc sinh hoạt công khai, thẳng thắn và bình đẳng về chính trị đã thực sự mang lại sức chiến đấu mới cho đại đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:43:50 am »


        Hệ thống trận địa được tổ chức lại, có hầm ngủ, hầm ăn, hầm hội họp. Các đường hào lại được be bờ, tát nước hàng ngày. Trên hầm có nơi anh em căng dù, sàn hầm được lát ván, nách hầm được lát phên nứa, hoặc các mảnh gỗ lấy từ hòm đạn của địch. Có hầm có cả ghế ngồi. Các bữa ăn được cải thiện. Anh em cấp dưỡng lên rừng hái rau, đào củ, xuống suối bắt cá. Cơ quan hậu cần của đại đoàn đi lên các vùng cao mua rau về cải thiện. Ngoài thịt hộp còn có thêm thịt nhím, thịt cầy.

        Trong lúc đó anh em pháo binh gặp một khó khăn là thiếu đạn. bộ chỉ huy chiến dịch quy định cụ thể: Cục trưởng tác chiến được phép ra lệnh bắn 10 viên, đại đoàn trưởng ba viên. Cấp trung đoàn, tiểu đoàn không được phép gọi pháo bắn. Có lần địch cho xe tăng ra phản kích, chúng tôi thấy không thể dùng ba viên đạn hạ xe tăng liền đề nghị lên Chỉ huy trưởng chiến dịch. Đồng chí chỉ huy trưởng cho bắn tám viên.Thông cảm với anh em pháo, đồng thời vì lợi ích của bản thân bộ binh, một phong trào thi đua đoạt dù địch lấy đạn cho pháo đã dấy lên toàn mặt trận Điện Biên Phủ. Pháo cao xạ, bộ binh, pháo binh đã chủ động hiệp đồng, tạo điều kiện cho nhau đoạt dù tiếp tế đạn của địch, thu được 5.500 viên đạn pháo 105 và cối 120. Số đạn đó đã giải quyết được một phần khó khăn cho anh em pháo. Nhưng nguồn đạn chủ yếu vẫn là từ hậu phương gửi lên.

        Ngày 17 tháng 4, một đoàn xe 12 chiếc chở đạn từ hậu phương lên. Đồng chí Đinh Đức Thiện lúc đó là Cục trưởng Cục vận tải đã ra lệnh cho đoàn xe: “Vì yêu cầu của chiến đấu, đoàn xe vận tải chạy cả ban ngày thẳng tới hầm pháo. Qua phà, phà trục lên, qua binh trạm, binh trạm phải mở cửa”.

        Chúng tôi còn được biết, cùng với nghị quyết và những chỉ đạo quý báu, Bộ Chính trị đã cử nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đi Việt Bắc, Khu 4, ra mặt trận để kiểm tra đôn đốc việc thực hiện nghị quyết. Trên mười vạn dân công và bộ phận quan trọng cán bộ phát động quần chúng được tăng cường cho công tác phục vụ hỏa tuyến. Nhiều đồng chí chi ủy viên dẫn các đoàn thanh niên xung phong của cơ sở mình lên Điện Biên Phủ phục vụ rồi cả đơn vị xin nhập ngũ luôn. Tân binh được bổ sung và tiến hành huấn luyện ngay tại chiến trường. Chỉ qua vài trận, những anh em đó đã trở thành cán bộ tiểu đội vững vàng. Công tác cứu chữa, nuôi dưỡng thương binh do đội điều trị các đại đoàn tự lo liệu nên quân số được bổ sung rất nhannh.

        Hậu phương đã chi viện cho chúng tôi cả sức mạnh vật chất và tinh thần để bảo đảm đánh thắng trước khi bước vào đợt chiến đấu quyết định.

*

*       *

        Sức đề kháng của tập đoàn cứ điểm có công sự, hỏa lực, vật cản và lực lượng phản kích. Ở vào giai đoạn cuối, lực lượng phản kích là then chốt, hết lực lượng phản kích, tập đoàn cứ điểm sẽ sụp đổ.

        Ngay sau khi mất Him Lam, Độc Lập, Na-va đã cho tiểu đoàn dù biệt kích số 6 do thiếu tá Bi-gia, một sĩ quan dù kì cựu được liệt vào loại xông xáo và đã từng ở Tây Bắc lâu năm chuyên lo tổ chức các cuộc phản kích.

        Trưa ngày 24 tháng 4, chúng tôi được bộ chỉ huy chiến dịch thông báo: “Chuẩn bị chiến đấu. Tỏa rộng đội hình. Địch sẽ oanh tạc”. Bộ đội vừa tản đội hình xong, thấy trên trời có chín chiếc B.26 bay thành ba tốp, theo đội hình tam giác. Sau đó chúng chuyển thành đội hình hàng dọc nối đuôi nhau trút bom. Đây là những chiếc máy bay Mĩ đầu tiên trực tiếp đánh chúng ta. Tôi ra bên ngoài hầm quan sát cách đánh của Mĩ. Chúng chỉ hơn Pháp ở độ cao và nhiều bom hơn, đánh lâu hơn. Một cảm giác căm ghét bọn Mỹ đánh “hôi” nhen trong lòng tôi. Sau này, trong sáu năm ở miền Đông Nam Bộ, tôi gặp lại bọn Mĩ cùng với nhưng tên giặc bị bắt làm tù binh trong cuộc phản công chiến lược mùa khô Gian-xon Xi-ti.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 08:48:34 am »


        Trong trận ném bom này, ngoài việc sát thương quân ta trên sân bay, chúng còn hi vọng sẽ tạo ra một dãy hố bom để cho đám lính dù do Bi-gia chỉ huy tiến ra vị trí 206 tập kết sau đợt bom, bọn lính dùng thuóc nổ phá hai cửa mở để tiến ra cho nhanh. Một cánh tiến thẳng vào khu vực của đại đoàn 308. Một cánh khác tiến vào khu vực của trung đoàn 141. Pháo ta được chuẩn bị từ trước do hai đồng chí Vương Thừa Vũ và Đàm Quang Trung chỉ huy đã bắn tập trung trúng đội hình địch. Xác địch tung lên quật xuống. Đội hình của chúng bị tan vỡ. Bọn địch còn lại nhảy vào các hố bom mà máy bay Mĩ đã tạo nên. Lập tức các khẩu cối của đại đoàn, trung đoàn rót vào các hố bom. Lính dù chết trong các hố bom khá nhiều. Số còn lại vôi vã tháo chạy. Từ Mường Thanh, Bi-gia cho ba xe tăng xông ra để cản đám quân dù đang tháo chạy. ĐKZ của ta bắn hỏng một chiếc.Tuy vậy, một số địch đã lọt vào chiến hào chia cắt sân bay của ta. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 23 Nguyễn Quốc Trị yêu cầu đài quan sát tiền tiêu cho pháo binh đi cùng tiểu đoàn 23 cho pháo bắn trực tiếp vào chiến hào của mình để chuẩn bị phản xung phong. Thấy cự li quá gần,pháo không dám bắn. Pháo đề nghị bộ binh giãn ra vài trăm mét để bảo đảm an toàn. Nhưng tiểu đoàn trưởng bộ binh Nguyễn Quốc Trị cho rằng nên ta giãn đội hình, địch sẽ bám theo nên đề nghị pháo cứ bắn. Sau khi cân nhắc, Bộ chỉ huy hỏa lực quyết định bộ binh cắm một lá cờ chuẩn màu đỏ để pháo binh dễ nhận mục tiêu và ra lệnh cho tiểu đoàn trưởng cho đội hình lui về sau cờ chuẩn 50 mét. Đại đội lựu pháo 802 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đánh bật địch ra khỏi chiến hào. Bọn địch tháo chạy về Mường Thanh bị quân ta phản xung phong, dùng hỏa lực bắn đuổi. Đờ Cát vội vã thúc ba xe tăng cứu nguy, nhưng sơn pháo của ta trên đồi E và D lập tức nổ súng bắn chặn, xe tăng không dám tiến. Bi-gia không còn cách nào để thúc đám lính phản kích.

        Đây là đợt phản kích cuối cùng của tướng Đờ Cát (Đờ Cát được phong tướng vào cuối thán 4, tiếp đến là Lăng-gle, La-lăng được phong đại tá và Bi-gia được phong trung tá đúng vào lúc quân Pháp ở Điện Biên Phủ lâm vào tình trạng cực kì nguy khốn).

        Vùng chiếm đóng của quân Pháp bị thu hẹp tới mức mọi mục tiêu đều nằm trong tầm uy hiếp của súng trường. Dự trữ hậu cần bị tụt tới mức báo động khẩn cấp. Đến này 1 tháng 5 năm 1954, cả tập đoàn cứ điểm chỉ còn ba ngày lương thực, 275 viên đạn pháo 155, mười bốn nghìn viên đạn pháo 105, năm nghìn viên đạn cối 120. Tăng viện cho Điện Biên Phủ đã trở thành tuyệt vọng. Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 nhiều lần bay lên rồi lại bay về vì không có bãi thả và đạn ta bắn lên rất rát. Có tên được thả xuống thì không biết chỗ nào là quân chúng, chỗ nào là quân ta.

        Cuối tháng 4 ở Điện Biên Phủ là mùa mưa. Điện Biên Phủ trở thành một địa ngục thực sự. Tướng Đờ Cát đã phải ra lệnh hạn chế khẩu phần ăn hàng ngày. Nạn ăn cắp xảy ra nghiêm trọng đến nỗi Đờ Cát phải ra lệnh bắn tại chỗ những tên ăn cắp. Binh lính sĩ quan phải đi đại tiện, tiểu tiện ở ngay trong hầm, vào các vỏ đồ hộp rồi quăng lên. Đã xảy ra những vụ bắn nhau vì tranh đoạt đồ giữa các đơn vị nọ với đơn vị kia. Lính bị thương xếp thành tầng trong hầm. Lúc đầu khu hầm dự kiến xếp chừng 400 tên. Nay đường hàng không bị cắt, hầm phải chứa hàng nghìn tên. Cáng nọ nắm trên cáng kia. Máu mủ của của cáng trên chảy xuống cáng dưới. Ruồi, dòi phát sinh. Cuộc sống trong các hầm hố khổ đến mức có tên sĩ quan không chịu đựng được đã tự sát.

*

*       *

        Đợt ba chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 1 tháng 5.

        Ở hướng đại đoàn 308, trung đoàn 36 đã phát triển cách hàng rào cứ điểm 311 B khoảng 50 mét. Trận địa của trung đoàn 88 cũng cách cứ điểm 311A tương tự. Trung đoàn 102 sau một thời gian củng cố đang sung sức.

        Đại đoàn 312 đã áp sát vị trí 505.

        Đại đoàn 316 vẫn chiếm giữ hai vị trí A1 và C1. Trận địa của đại đoàn có thêm hai vị trí tiến công quan trọng là trận địa hỏa lực trên Đồi Cháy và trung đoàn 174, đơn vị sẽ đánh A1 đã có thêm một mũi chia cắt lợi hại giữa đồi A1 và A2. Ngoài ra trung đoàn được sự giúp đỡ của công binh đã đào một đường ngầm để đặt một tấn thuốc nổ đánh vào khu hầm ngầm của địch đồi A1.

        Ở hướng đại đoàn 304 có thêm trung đoàn 9, cùng với trung đoàn 57 lên từ trước đã áp sát Hồng Cúm hình thành một vòng vây ngăn chặn không cho địch chạy sang Lào.

        Pháo binh trong đợt này có thêm một tiểu đoàn ĐKZ 75 và một tiểu đoàn hỏa tiễn 75 mi-li-mét sáu nòng. Một trăm lính tám nòng hỏa tiễn 75 sẽ là hỏa lực dự bị quyết định.

        Nhiệm vụ của các đại đoàn trong đợt ba là đánh chiếm các điểm cao địch còn chiếm giữ ở phía đông, tiêu diệt một số vị trí địch ở phái tây, tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, phát triển sâu hơn nữa trận địa tiến công và bao vây, phát huy tất cả các loại hỏa lực bắn phá tung thâm, uy hiếp vùng trời của địch, chuẩn bị chuyển sang tổng công kích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:09:47 pm »


        Chiều ngày 29 tháng 4 hàng trăm khẩu pháo của ta đã nhất loạt nổ súng bắn vào khu trung tâm Mường Thanh, phá một kho lương thực và một kho 3.000 viên đạn pháo 105.

        Trưa ngày 30 tháng 4, ta tổ chức một trận tập kích hỏa lực xuống toàn bộ phân khu Hồng Cúm. Lực lượng tham gia có bốn khẩu lựu pháo 105, ba khẩu sơn pháo 75, ba khẩu cối 120, gần 100 khẩu cối 81 và 60 của đại đoàn 304. Trận tập kích kéo dài gần một giờ. Pháo địch không bắn trả được phát nào. La-lăng đại tá chỉ huy phân khu điện về Hà Nội báo cáo: “Tất cả số pháo ở I-da-ben (mật danh Hồng Cúm) đã bị diệt, chỉ còn một khẩu. Xin thả dù gấp những bộ phận thay thế”. Trận tập kích bằng hỏa lực vào Hồng Cúm đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận đánh đêm hôm sau.

        Sau mấy ngày mưa liên miên, sáng 1 tháng 5 trời nắng đẹp. Trưa ngày 1, pháo ta bắn mãnh liệt vào toàn bộ khu trung tâm. Trung đoàn 98 tiến công C1. Theo kế hoạch, lúc 18 giờ đơn vị phòng ngự trên C1 lui xuống cửa mở. Mười chín giờ 27 phút, hỏa lực của trung đoàn bắn dồn dập vào các hỏa điểm địch trên C1. hai khẩu sơn pháo của ta đặt trên đồi cách C1 vài trăm mét bắn rất chính xác. Pháo vừa ngừng, bộ binh lập tức xung phong. Một mũi nhanh chóng cắt đứt đường địch rút về C2. Địch dùng súng phun lửa bắn ra cửa mở. Một mũi của ta bí mật vòng phía sau tiêu diệt khẩu súng phun lửa, diệt hai lô cốt rồi cắt đứt đường địch rút về Mâm Xôi. Sau một giờ chiến đấu, quân ta làm chủ C1, diệt tại trận 144 tên, bắt sống 44 tên, thu toàn bộ vũ khí. Ở A1, trong đêm hôm đó quân ta cũng đánh chiếm hai ụ súng.

        Ở hướng tây, trung đoàn 88 đại đoàn 308 với kinh nghiệm đánh lấn bí mật cắt hàng rào từ mấy hôm trước, đưa hỏa lực vào gần. Khi pháo bắn xong lập tức xung phong tiêu diệt cứ điểm 311 trong lúc địch đang thay quân. Đêm 3 tháng 8, trung đoàn 36 lại tiêu diệt và chiếm lĩnh vị trí 311B.

        Trong đợt ba, đại đoàn chúng tôi được phân công tiêu diệt 505A, 505B. Cả hai cứ điểm đều nằm trên địa hình bằng phẳng. Để bảo đảm cho trung đoàn 209 hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi huy động lực lượng cơ quan thành lập các đơn vị vận tải đạt tên là đội “Vinh Quang” làm nhiệm vụ chuyên chở lương thực, đạn dược lên tuyến trước và đưa thương binh về phía sau. Chúng tôi theo dõi kết quả đánh lấn của từng đêm, ban ngày cùng anh em cán bộ rà soát lại kế hoạch tiến công tới từng mũi. Anh Quang Trung xuống trung đoàn 209 cùng trung đoàn trưởng Hoàng Cầm kiểm tra và trực tiếp tổ chức tiến công cứ điểm 505B. Vị trí 505B bằng phẳng nằm cạnh đường số 41, tiếp đó là hàng loạt vị trí nối liền nhau: 506, 507, 508, 509 chạy tới hầm của hướng Đờ Cát. Bên tay phải là vị trí 505A. Trận đánh 505 diễn ra ác liệt. Hai mươi giờ 30 phút, trung đoàn chiếm được cửa mở sau nhiều lần phải dừng lại để củng cố. Hai mươi giờ 45 phút quân ta lọt vào chiến hào địch, chia làm hai mũi phát triển. Đây là trung đội cuối cùng của đại đội. Trung đội lọt vào vòng giữa vùng hỏa lực dày đặc nhất của địch. Phía nào cũng có súng bắn tới. Dũng cảm và mưu trí, anh em chia nhau diệt từng hỏa điểm địch. Tiểu liên bị tắc, anh em phải dùng lựu đạn để đánh từng ổ đề kháng. Tiểu đoàn đưa thêm thê đội hai lọt vào chiến đấu lúc 21 giờ 37 phút. Từ 507, địch cho bộ binh và xe tăng xông ra phản kích. Đơn vị sau không lên kịp, các chiến sĩ đã tự động đánh địch. ĐKZ của ta bắn đứt xích chiếc xe tăng. Các chiến sĩ bám sát từng ngách hào, dùng lựu đạn địch đánh địch. Lúc này pháo của ta vẫn bắn vào 507, trận địa pháo địch và trên các con đường địch di chuyển. Đường vào 505B vừa nhỏ hẹp, vừa trơn. Địch bắn pháo không ngớt. Nhưng hai trung đội tăng viện của ta cũng đã lọt được vào 505B. Bốn giờ 20 phút, tiểu đoàn 169 trung đoàn 209 đã tiêu diệt xong cứ điểm này. Trung đoàn trưởng ra lệnh cho tiểu đoàn 166, tiểu đoàn 154 nhanh chóng cải tạo công sự, chuẩn bị tiến công 507, 509.

        Khoảng cách từ đây đến hầm của tướng Đờ Cát chỉ còn 500 mét theo đường chim bay. Từ vị trí 505B, anh em đã đào một hào giao thông xuyên qua ba lớp rào thép gai, cách lô cốt đầu tiên của vị trí 507 mười lăm mét. Bên hướng phụ, tiểu đoàn 115 cũng đã cắt hai hàng rào và đào hào thẳng vào một lô cốt địch ở tây-bắc. Tiểu đoàn trưởng Thiết Cương được giao nhiệm vụ chỉ huy tiến công 506. Trên trận địa của 505B, quân ta đã dùng súng trường, tiểu liên bắn tỉa địch ở 506. ĐKZ và cối 120 bắn sập một số hầm và lô cốt địch. Trưa ngày 5 tháng 5, anh em đã bắt sống năm tên lính Pháp và lính ngụy nhảy dù xuống 505B. Địch từ Hồng Cúm, 704 và A1 bắn ra ác liệt, nhưng trận địa của ta trên 505B vẫn như một mũi dao sắc nhọn chĩa về phái hầm tướng Đờ Cát. Lúc này điện thoại bị đứt. Máy bộ đàm bị hỏng, các cán bộ chiến sĩ đã xuống từng đơn vị trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh. Sau hai phút pháo chế áp, đơn vị xung phong. Mười lăm phút sau, anh em đã vượt qua cửa mở, lực lượng chỉ còn hơn một trung đội. Theo đúng kế hoạch, hơn một trung đội ấy chia làm hai cánh chia cắt 506. Nhưng khi hai mũi gặp nhau thì lực lượng chỉ còn một tiểu đội. Địch dùng lựu đạn từ các ngách hào ném ra tới tấp. Chiến sĩ ta đã chộp lựu đạn địch đánh trả quyết liệt. Lúc này địch tập trung vào hầm ngầm cố thủ. Không có thuốc nổ đánh hầm ngầm, anh em tạm dừng chờ lực lượng phía sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:12:03 pm »


        Biết phía trước gặp khó khăn, tiểu đoàn trưởng Thiết Cương liền tập hợp lực lượng vượt qua cửa mở tiến về phía tiểu đội đang tạm thời dừng lại. Khi vào đến nơi thì bộ phận này chỉ còn có mười người. Lúc đó là 23 giờ 23 phút. Tiểu đoàn trưởng điểm lại lực lượng mới tăng viện và lực lượng đã có từ trước, thấy chỉ còn lại 13 người kể cả tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn chia thành ba mũi, mỗi mũi do một cán bộ phụ trách tiểu đoàn trưởng chỉ huy một mũi. Địch tưởng đã đánh bật được ta ra khỏi 506 liền tổ chức phản kích. Bọn địch ở 509 cũng tràn sang. Cuộc chiến đấu khá chênh lệnh về lực lượng đã diễn ra quyết liệt. Sau một giờ chiến đấu ta chỉ còn năm chiến sĩ và tiểu đoàn trưởng. Mỗi người còn hai quả lựu đạn. trung đoàn trưởng lập tức tổ chức lực lượng tăng viện lấy từ nhân viên cơ quan trung đoàn, tiểu đoàn. Địch vẫn bắn vào khu mở cửa quyết liệt. Trời đã gần sáng. Địch xông ra phản kích. Tiểu đoàn trưởng Thiết Cương chỉ huy năm chiến sĩ ném một quả lựu đạn. Mỗi người chỉ còn lại một quả. Đợt xung phong của địch bị chặn đứng. Lúc đó quân tăng viện đã đến. Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh đợt xung phong thứ hai của đich. Đúng tám giờ sáng, quân ta chiếm hoàn toàn sở chỉ huy địch ở 506, bắt sống 30 lính dù thuộc tiểu đoàn dù số 6, trong đó có một quan ba từ C2 chạy sang và tên quan tư chỉ huy 506. Ngay sau đó, một bộ phận tiểu đoàn 542 tổ chức trận địa phòng ngự trên vị trí 506 vừa đánh chiếm, chuẩn bị tiến công 509. Địch dùng pháo, máy bay oanh tạc dữ dội lên 506. Do ta và địch ở gần nhau nên địch dùng bom lửa. Anh em dùng đất dập tắt ngọn lửa bén vào người, quyết không rời trận địa.

        Như vậy là cùng với đại đoàn 308, đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt một số vị trí bảo vệ sở chỉ huy địch.

        Lúc này trong sở chỉ huy địch đang có một cuộc tranh luận gay go về việc thực hiện kế hoạch rút lui khỏi Điện Biên Phủ. Sau này, khi bắt sống tướng Đờ Cát, chúng ta được biết kế hoạch như sau:

        Sau khi kế hoạch “Chim ưng” không thực hiện được, Na-va thông qua kế hoạch “Chim biển” với mục đích tránh cho quân viễn chinh Pháp một sự đầu hàng nhục nhã. Ba tiểu đoàn dự bị chiến lược cuối cùng của bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp được Na-va ném vào kế hoạch này. Một trong ba tiểu đoàn đã được thả xuống Điện Biên Phủ cùng lực lượng của tập đoàn cứ điểm tự phá vây. Từ Lào sẽ có bốn đến năm tiểu đoàn bộ binh cùng với hai tiểu đoàn dù còn lại sẽ được ném xuống tạo thành một vùng hành lang an toàn trong vùng thung lũng Sầm Nưa, Mường Nhạ, Nậm Hợp đón quân ở Điện Biên Phủ chạy sang Lào.

        Ngày 4 tháng 5, lúc Đờ Cát được thông báo về kế hoạch “Chim biển” cũng là lúc quân của Đờ Cát chỉ còn đóng trên 20 cứ điểm trên một diện tích hẹp. Đợt tiến công thứ ba của quân ta đã làm cho các sĩ quan trong tập đoàn cứ điểm coi như số phận tập đoàn cứ điểm đã được địch đoạt.

        Ngày 4 tháng 5, tướng Đờ Cát triệu tập sĩ quan chỉ huy các đơn vị còn lại bàn cách thực hiện kế hoạch rút chạy mà Na-va vừa thông báo. Lực lượng còn lại sẽ chia làm ba cánh quân rút sang Thượng Lào theo ba hướng, nếu từng cánh quân phá vây thành công. Trong ba hướng đông, tây và nam thì hướng nam xem ra có nhiều may mắn hơn cả. Viên chỉ huy nào cũng muốn rút theo hướng nam, không ai chịu ai. Cuối cùng Đờ Cát phải dùng cách rút thăm. Kết quả quân dù do đại tá Lăng-gle và trung tá Bi-gia chỉ huy sẽ rút chạy theo hướng đông-nam. Quân lê dương và Bắc Phi do các đại tá Lơ-mơ-ni-ê và Vê-đô chỉ huy sẽ rút theo hướng nam. Quân hỗn hợp ở Hồng Cúm do đại tá La-lăng chỉ huy chạy theo hướng tây. Còn lính bị thương và nhân viên quân y sẽ bỏ lại.

        Rút thăm xong mọi người nhất trí: “Chim biển” sẽ cất cánh vào hồi 20 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhưng có một chi tiết kế hoạch “Chim biển” không tính đến là quân ta đã biết được một phần kế hoạch đó.

        Nắm được những dấu hiệu chuẩn bị rút lui của địch, trong kế hoạch tác chiến, Bộ chỉ huy chiến dịch đã lệnh cho đại đoàn 308 kiểm soát chặt chẽ các con đường đi sang hướng tây. Ở phía nam, đại đoàn 304 (thiếu) được lệnh phái một đơn vị bí mật bố trí tại Bản Ti bịt chặc con đường rút chạy của địch sang Lào.

        Đại đoàn 312 chúng tôi nhận được lệnh bám thật sát địch để đón thời cơ tổng công kích, đồng thời đề phòng địch tháo chạy.

        Thời gian nổ súng của toàn mặt trận là 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5 năm 1954, lấy tiếng nổ của khối bộc phá 1.000 ki-lô-gam trên đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công.

        Trên đồi A1, trung đoàn 174 đại đoàn 316 chia làm hai mũi. Một mũi do tiểu đoàn 249 từ trận địa phòng ngự của trung đoàn trên A1 tiến công từ hướng đông-nam. Một mũi của tiểu đoàn 251 đánh vào “Ụ thằng người” từ lô cốt số 17. Đây là một mũi hiểm đánh thúc vào sau lưng đồi A1, bịt hẳn đường địch tháo chạy, đồng thời cắt đứt hoàn toàn A1 với khu trung tâm Mường Thanh, khiến viện binh của chúng không thể phản kích được. Khối thuốc nổ 1.000 ki-lô-gam được chia thành 50 gói, mỗi gói 20 ki-lô-gam được chuyển theo một đường ngầm dài 60 mét đặt vào căn hầm chứa thuốc nổ do công binh đào suốt mười ngày đêm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:18:47 pm »


        Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5, đại đoàn ra lệnh điểm hỏa. nhưng ngoài dự kiến vủa Bộ tư lệnh và cả của chúng tôi, khối bộc phá một tấn do nổ ngầm dưới đất nên chỉ nghe thấy một tiếng ục và một cột khói bộc lên. Đường dây điện thoại liên lạc với công binh bị đứt, nhưng quan sát thấy trên A1 có ánh chớp rất sáng, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An liền cho bộ đội nổ súng đồng thời báo cáo lên đại đoàn. Pháo bắn áp chế trong 15 phút rồi bộ binh xung phong. Sau 15 phút, trung đội đầu cầu đã chiếm được băc khu A và một phần khu nam. Một đại đội đánh lên hầm ngầm và khu thông tin, một đại đội đánh vào trận địa súng cối. Ở hướng tây-nam, đại đội 674 tiểu đoàn 251 do một bộ phận đánh chiếm “Ụ thằng người”, một lực lượng đánh xuống A3. Trên A1, địch chống cự quyết liệt. thấy tình hình khó khăn, trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An trực tiếp đi cùng đại đội thuộc đội dự bị lên A1. Đại đội hướng đông-nam đánh chiếm khu B, đánh vào hầm ngầm bắt được một số tù binh rồi đánh sang khu C, bắt liên lạc với tiểu đoàn 251 từ phía tây đánh lên. Đến trận địa súng cối thì trận chiến đấu diễn ra giằng co. Cả hai tiểu đoàn đều không phát triển được. Đến 23 giờ, trung đoàn điều một đại đội vào tăng cường. Ba giờ sáng ngày 7 tháng 5 thì chiếm được trận địa súng cối, bắt được 120 tù binh trong đó có tên Pu-giê chỉ huy A1. Ta đã bao vây khu cố thủ nhưng địch vẫn chống cự. Tổ ba người tiến đánh, người đi trước lia tiểu liên, người đi sau ném lựu đạn. Đến bốn giờ 30 sáng ngày 7 tháng 5, trung đoàn 174 đã đập tan hoàn toàn sức chống cự cuối cùng của địch, làm chủ hoàn toàn đồi A1. Trung đoàn dùng hỏa lực bắn mạnh sang C2 chi viện cho trung đoàn 98, đồng thời chuẩn bị đánh A3.

        Cũng trong đêm hôm đó trung đoàn 98 tiến công C2. Địch đã đưa lên C2 sáu đại đội thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 2 và tiểu đoàn dù ngụy số 5 quyết giữ C2. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go ngay từ phút đầu. Địch dùng pháo và cối 120 bắn chặn dữ dội. Sau mấy đợt xung phong, quân ta chỉ chiếm được hai lô cốt. Hướng phối hợp từ C1 qua Yên Ngựa cũng bị hỏa lực địch chặn lại. Cánh vu hồi do đia hình trống trải bị hỏa lực của địch bắn ngang sườn. Trong khi đó tại hướng chủ yếu, một tiểu đội do chính trị viên dẫn đầu đã vượt qua lưới lửa của địch lọt được vào cứ điểm. Tiểu đội chia làm hai mũi đánh vào trận địa súng cối phá tám khẩu, diệt sở chỉ huy, trong đó có một quan ba. Mặc dù lực lượng ít nhưng các chiến sĩ ta rất dũng cảm, lấy súng địch đánh địch, có lúc nhảy ra khỏi chiến hào đánh ngang sườn địch. Tuy không bắt được liên lạc với tiểu đội này nhưng nghe súng ta nổ, trung đoàn trưởng Vũ Lăng ra lệnh chi viện, đồng thời tổ chức đưa đội dự bị chiến đấu. Đội dự bị bị pháo ngăn không vượt qua được cửa mở. Bộ phận trong cứ điểm bị thương vong gần hết. Lúc này trung đoàn 174 đã chiếm được A1. Bộ tư lệnh đại đoàn 316 nhận định: địch trên C2 còn đông và ngoan cố nhưng không thể chống lại quân ta. Trung đoàn 98 vẫn còn khả năng chiến đấu. Bộ tư lệnh đại đoàn đưa tiểu đoàn dự bị của đại đoàn vào chiến đấu, lệnh cho trung đoàn 174 dùng hỏa lực chi viện cho trung đoàn 98, chuẩn bị tiến công A3 và phối hợp với trung đoàn 98 chặn không cho địch tăng viện lên C2. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cho 200 viên đạn lựu pháo bắn vào C2 chi viện tiểu đoàn dự bị của đại đoàn 316 hoàn thành nhiệm vụ.

        Bảy giờ 30 phút, pháo vừa ngừng chế áp, quân ta đã nhanh chóng chia lam ba mũi đánh vào C2. Địch đưa tám trung đội ra phản kích bị ta chặn đánh phải rút về Mường Thanh. Chín giờ 30 phút quân ta làm chủ C2. Sáu đại đội thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 2 và tiểu đoàn dù ngụy số 5 gồm hơn 600 tên bị diệt và bị bắt sống. Trung đoàn 174 cũng đánh chiếm, làm chủ A3.

        Toàn bộ dãy điểm cao phía đông tập đoàn cứ điểm đã bị tiêu diệt. Ở phía tây, trung đoàn Thủ đô đại đoàn 308 đã tiêu diệt cứ điểm 510. Trận địa tiến công của trung đoàn chỉ còn cách hầm Đờ Cát 300 mét. Điều kiện để chuyển sang tổng công kích để chín muối.

        Sáng ngày 7 tháng 5 có những dấu hiệu rất đáng chú ý về địch. Máy bay tiếp tế đạn dược đều quay về Hà Nội, không thả dù như mọi hôm. Máy bay thả lương thực, thực phẩm cũng ít hơn. Lác đác ở một số điểm có nhiều tiếng nổ: địch đang phá vũ khí. Một số địch vứt súng đạn xuống sông Nậm Rốm.

        Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho bộ đội sẵn sàng.

        Tôi ra lệnh cho trung đoàn 141 lúc này đang ở phía sau chuẩn bị và cho các cán bộ tác chiến, quân lực, hậu cần xuống các trung đoàn 165 và 209.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:19:19 pm »


        Ở hướng trung đoàn 165, địch dùng bom lửa đánh trúng vị trí 506, nhưng trận địa ta vẫn giữ vững. Hướng trung đoàn 209 có khó khăn. Trời đã sáng nhưng cửa mở đánh vào 507 vẫn chưa mở được. Hỏa lực bắn yểm hộ đã bắn đỏ cả nòng. Bộc phá đã đánh hàng chục quả nhưng vẫn còn hàng rào chưa mở. Suôt đêm theo dõi, hướng 209 lúc thì báo cáo còn một hàng rào, lúc khác lại có tin hàng rào còn nguyên. Bộ tư lệnh đại đoàn gần như cả đêm không ngủ. Bốn giờ sáng, anh Quang Trung nói: “Anh ở nhà chuẩn bị cho 141 tham gia tổng công kích. Tôi phải xuống 209 xem sao!”. Anh Quang Trung xuống đến nơi thì cả Hoàng Cầm, trung đoàn trưởng và Thăng Bình, trung đoàn phó đều ra 507. Sáng ra mới rõ suốt đêm hôm qua, quân ta đã đánh bộc pháo vào hàng rào bùng nhùng. Bộc phá nổ, hàng rào bị hất tung lên rồi lại xẹp xuống. Hoàng Cầm cho điều ĐKZ75 lên tổ chức hỏa lực yểm hộ. Thăng Bình cho thu nhặt bao tải và ván đặt lên hàng rào bùng nhùng. Trung đội trưởng Trần Can cho anh em dỡ chăn phủ lên trên. Lúc này quân ta chỉ còn cách hầm Đợt Cát khoảng 300 mét. Hỏa lực địch bắn ra ác liệt. Sau khi được hỏa lực yểm hộ, quân ta xung phong. Trần Can dẫn đầu đội hình trung đội vượt qua hàng rào bùng nhùng nhưng do vận động cao nên một số anh em bị sát thương. Hoàng Cầm lên quan sát thấy có thể mở chỗ khác mà vẫn có thể đánh được vào 507. Hoàng Cầm xin ý kiến anh Quang Trung. Được sự đồng ý của đại đoàn, trung đoàn 209 đã mở xong cửa mở. Trần Can vợt tiến qua cửa mở, nửa chừng bị thương. Ba đồng chí sau thì một bị thương, hai hi sinh. Vừa đi xuống thì có lệnh tiểu đoàn: đại đội trưởng, đại đội phó đều bị thương nặng, trung đoàn chỉ định Trần Can lên thay. Địch dùng lựu đạn đánh ra, anh em nhặt ném trả. Cuộc chiến đấu giằng co bên cửa mở diễn ra đến quá trưa.

        Đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi điện thoại thẳng cho Hoàng Cầm động viên trung đoàn 209 cố gắng chấn chỉnh lại lực lượng tiến công bằng được 507. Tôi thống nhất với các anh Quang Trung và Hoàng Cầm 14 giờ sẽ cho pháo bắn. Tới 15 giờ, đại đội 360 do đo trưởng Tạ Quốc Luật chỉ huy phối hợp cùng sáu chiến sĩ còn lại của đại đội 366 đột phá thắng lợi 507 và đánh chiếm toàn bộ 507. thấy cờ trắng lác đác xuất hiện, Hoàng Cầm gọi điện xin cho trung đoàn xuất kích. Tôi hỏi kĩ lại tình hình 507 và các vị trí 508, 509. Hoàng Cầm nhận định địch hoang mang lắm rồi, xin cho cả trung đoàn đánh. Tôi có cân nhắc vì suốt đêm hôm qua (ngày 6 tháng 5) cả bộ tư lệnh đại đoàn không ngủ vì những báo cáo của 209. Tôi hỏi:

        - Hiện nay anh ở đâu?

        - Báo cáo tôi đang ở đồi D.

        - Thăng Bình đâu?

        - Ở dưới 507.

        Vừa lúc đố một cán bộ ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh Quang Trung bị bom vùi lúc mười giờ. Anh em đang moi hầm để cứu”.

        Tôi cố nén xúc động dặn Hoàng Cầm:

        - Cẩn thận, trận cuối cùng dễ sượng lắm đấy!

        Hoàng Cầm quả quyết:

        - “Ăn” đấy anh ạ! Địa hình ở đây bằng phẳng. Còn quân của nó thì hoang mang lắm rồi, anh cho xuất kích toàn trung đoàn.

        Tôi bảo để báo cáo Đại tướng xin ít pháo cho chắc tay. Một lát sau pháo binh các cỡ của Bộ chỉ huy bắn dồn dập vào khu trung tâm.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM