Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:38:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Đồng Quan đến Điện Biên  (Đọc 35593 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2016, 07:28:17 am »


*

*       *

        Đối với phần lớn người Hà Nội chúng tôi, Sơn La thời đó gợi lên một xứ ma thiêng nước độc, nơi Pháp cầm tù những người cộng sản. Sơn La vừa huyền bí, vừa hấp dẫn. Phong cảnh, đường sá, núi non, con người cái gì cũng mới lạ. Đi trên mảnh đất này mà tưởng như mình đang đi trong một xứ sở cách biệt với những noi mà mình đã từng quen biết.

        Nhưng lại có một Sơn La khác, một Sơn La được viết nên bằng máu và nước mắt của những người tù cộng sản, bởi sự hi sinh anh dũng của đồng bào các dân tộc Sơn La.

        Từ năm 1930, đồng bào Thổ ở Sơn La đã tham gia cách mạng. Đồng bào Mường, đồng bào Thái đã hăng hái tham gia phong trào Việt Minh. Khi Pháp đánh Sơn La, thanh niên dân tộc Mường đã hăng hái gia nhập quân đội. Sơn La đã có những cơ sở du kích mạnh như Mường Chanh, Phú Yên, Yên Châu.

        Đến đây tôi muốn nói đôi nét về phong trào cách mạng Sơn La trước Cách mạng tháng Tám. Bởi lẽ chính phong trào cách mạng Sơn La cùng với sự thăng trầm của nó và thực tiễn Sơn La đã quyết định cách hoạt động của trung đoàn Sơn La. Dưới đây là lời kể của đồng chí Quàng Văn Pâng tức Lô Xuân, người Thái, nguyên đội viên vũ trang Trung Dũng nói với tôi về những ngày đầu Cách mạng tháng Tám ở châu Mường La.

        “Tôi là Quàng Văn Pâng, người Thái, bí danh Lô Xuân, người Bản Cọ, xã Tòng Xá, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

        Thời Pháp, họ Quàng là họ lép vế nhất, coi ngang với người Puộc, người Xá vậy. Đến nhà họ Bạc, họ Cầm cũng là người Thái cả, nhưng họ Quảng chỉ được đứng dưới chân cầu thang. Làm ruộng, họ Quàng chỉ làm nương, đi rẫy, ít người có ruộng nước. Nói gì đến việc làm các chức dịch trong làng. Họ Quàng tôi ở gần huyện lị Mường La nên bố tôi cố lo cho con ăn học. Hồi đó ở Sơn La chỉ có một trường tiểu học.

        Năm 16 tuổi tôi đỗ sơ học yếu lược (tương đương với lóp 3). Năm đó, Pháp bị Đức đánh thua to nên cần nhiều lính. Pháp cho người đến dụ chúng tôi đi lính sang Pháp. Họ nói đi lính sướng lắm. Dân thiểu số chúng tôi có sang Pháp cũng không ra mặt trận đâu. Khi mãn hạn linh về thì cứ gọi là tri châu cũng không bằng (!) Tri châu còn thua lính viễn chinh đấy.

        Tôi nghĩ: sang Pháp kể cũng thú bởi vì ở Sơn La lúc đó, muốn học thêm cũng không có trường lớp. chi bằng sang Pháp để cho biết đó, biết đây, lại có cái ăn, cái học. tôi nói chuyện đó với bố tôi. Bố tôi bảo:

        - Ây dà! Ai chứ lính mà lại hơn tri châu thì tao không tin. Đến họ Cầm, họ Bạc mà là dân thường cũng phải đi “cuông”, đi “nhuốc” nữa là họ Quàng!

        Cũng thời kì này, các anh tù cộng sản ở nhà tù Sơn La thường hay vào bản để mua rau. Mỗi lần đi đều có linh khố xanh đi kèm. Đối với tù cộng sản, lúc đầu tiếp xúc, chúng tôi cũng chờn chợn. Từ lâu bọn cai trị Pháp đã gieo vào đầu óc trẻ thơ chúng tôi một tâm lí sợ tù cộng sản. Có đứa xem tù cộng sản như một thứ bệnh nguy hiểm, lại có đưa coi như một thứ gì huyền bí như ma gà. Đối với chúng tôi, lớp tuổi đã lớn, lại có đôi chút chữ nghĩa thì các anh là những người võ nghệ cao cường, tài năng xuất chúng, xuất quỷ nhập thần.

        Thi đỗ xong, tôi không biết làm gì. Muỗn học lên thì phải sang tỉnh khác. Nhà tôi không có tiền. Tôi là là con trai độc nhất nên bố mẹ tôi cũng không muốn cho tôi đi xa. Thế là tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, do vậy tôi có tiếp xúc với những người tù cộng sản.

        Tôi để ý các anh vào bản thường tìm đén những nhà “sàn trắng”, tức là những nhà nghèo không có trâu, vịt bầy mới lên chơi. Vao nhà thì thăm gì, hỏi trẻ. Mua bán trả tiền, sòng phẳng. Nói chuyện với nhân dân thì toàn bàn chuyện làm ăn thiết thực. Các anh hỏi bố tôi một năm làm được mấy gánh thóc? Bố tôi nói năm nào được mùa thì được mấy chục gánh. Các anh bảo thế có đủ ăn không? Trả lời: “Ây dà! Nộp cho quan đồn, nộp cho phìa tạo, nộp thuế thổ, thuế điền”. Lại hỏi nữa, thế quan đồn và phìa tạo có làm ruộng không? Bắt nộp nhiều thế thì dân lấy gì mà ăn?.

        Cứ thế rỉ rả từ ngày này sang ngày khác, các anh đã chỉ ra cho bà con dân bản thấy rõ sự bất công xã hội, hấy ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân Pháp và bọn tay sai. Các anh đã dần dần xóa bỏ cái tâm li tự ti dân tộc, làm cho mọi người tin ở mình. Dần dần các anh như những người thân trong gia đình. Lâu không đến lại thấy nhớ. Rồi tôi được anh Tạo tổ chức vào Hội thanh niên Thái cứu nước cùng với một số thanh niên trong bản.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 05:55:33 am »


        Một hôm, tôi được anh Tạo giao nhiệm vụ tìm người thạo đường tắt về xuôi. Lúc đầu chúng tôi cử P. một người chơi với cánh buôn thuốc phiện lâu khá thạo đường. Nhưng P. không đi bèn cử anh Lò Văn Giá. Anh Giá nhận nhiệm vụ rất hăng hái khi được biết rõ sẽ dẫn đường cho các anh ở nhà tù Sơn La vượt ngục vì dưới xuôi phong trào đang lên, thiếu nhiều cán bộ. Anh Giá chuẩn bị gạo, muối, thẻ. Chuyến đi trót lọt. Nhưng khi về có đứa báo Tây nên anh Giá bị bắt. Bọn Pháp dùng cực hình tra tấn nhưng không moi được ở anh một lời khai nào. Không có chứng cứ để xử, chúng bịa ra chứng cứ. Một hôm anh đi làm cỏ về, chúng đã hèn hạ bắn anh và vu cho anh trốn tù.

        Khi Nhật đảo chính Pháp, bọn Nhật cho tay chân đứng ra tổ chức thanh niên. Chúng tôi tin anh Tạo nhưng anh đã về xuôi rồi. Các anh dặn có gì khó khăn cứ gặp anh Chu Văn Thịnh ở thị xã mà hỏi. Nhưng anh Thịnh lúc này đang đi học lớp cán bộ dưới xuôi chưa lên. Chúng tôi bảo nhau cái hội “thanh niên” do Nhật lập ra là không tốt rồi! Nhưng nó mời mà mình không đi nó sẽ nghi. Chi bằng ta cứ đi rồi tìm cách lôi kéo thanh niên tốt cho Đoàn thể. Tưởng hội trưởng “thanh niên” là ai, hóa ra là con trai tổng đốc Cầm Ngọc Phương. Hắn nói với chúng tôi: “Người Thái chúng ta gốc từ bên Trung Quốc (?) theo năm dòng sông tiến xuống phía nam. Người Thái ta tụ tập đông nhất ở Xiêm La (Thái Lan), cả ở Lào nữa. Sơn La, Lai Châu rồi đây sẽ sáp nhập vào Xiêm La do người Nhật bảo hộ. Thanh niên Thái ta phải tham gia hội để bảo vệ xứ Thái”.

        Rồi anh Thịnh đi học về. Anh Thịnh cùng anh Quàng Đôn xuống báo cho chúng tôi biết Đoàn thể đã có chỉ thị chuẩn bị cướp chính quyền. Anh giới thiệu tôi với anh Thành người Kinh làm công nhân ở nhà máy điện Sơn La. Chúng tôi chọn nhà anh Nguyễn Văn Phúc làm nơi chuẩn bị khởi nghĩa, công việc may cờ, dán khẩu hiệu được xúc tiến. Các anh phân công anh Quàng Đôn lên Châu Thuận, anh Đỗ Thát, anh Phán Du và anh em chúng tôi chuẩn bị giành chính quyền tỉnh. Cũng trong thời gian này, tại Mường Chanh cũng có phong trào cứu quốc do anh em tù Sơn La tổ chức. Nhưng hai tổ chức cứu quốc Mường La và Mường Chanh không có liên lạc với nhau. Tỉnh ủy cũng chưa được tổ chức.

        Bộ phận Mường La chúng tôi tổ chức được anh Lò Văn Mười, quản khố xanh thành hội viên cứu quốc. Anh Mười bí mật chuyển cho chúng tôi mười khẩu súng trường, lại có ba anh lính khố xanh làm nội ứng. Chúng tôi bàn nhau để anh phán Du rủ tri châu Mường La Bế Văn Điềm chơi cờ. Trong nhà Bế Văn Điềm có anh Tòng Văn Lanh, người giúp việc cho Điềm cũng là hội viên cứu quốc. Theo kế hoạch, khi anh Du và Điềm chơi cờ, tôi xách súng xông vào. Thấy tôi gương súng, anh Du giữ tay Điềm nói:

        - Trước đây chúng ta là bạn chơi cờ. Nay tôi nói cho bạn biết, tôi là Việt Minh đây!

        Bến Văn Điềm ớ người khi thấy anh phán Du người bạn cờ, Tòng Văn Lanh, người giúp việc và cả cậu học trò họ Quàng đều là Việt Minh cả. Gì chứ Việt Minh thì Điềm hiểu rõ lắm. Ở Việt Bắc, ở vùng xuôi, Việt Minh đánh cả Pháp lẫn Nhật và bọn Việt gian phản quốc. Lơ mơ với họ là không xong. Đám người nhà nhốn nháo. Bố Điềm là Bế Văn Định nằm ở nhà trong, thấy tiếng ồn ào liền quát:

        - Làm cái gì mà ồn ào thế bay!

        Biết Định là một tay thiện xạ nên tôi và Tòng Văn Lanh xách súng vào nhà trong. Tôi dùng mũi súng gạt màn, gí nòng súng vào ngực Định nói:

        - Im ngay, không được kêu. Ta là Việt Minh đây! Giơ tay lên!

        Định nhỏm dậy vâng vâng dạ dạ. Tôi quay sang đám gia nhân nói:

        - Chúng tôi là Việt Minh. Các ạnh là người làm công không có gì mà sợ! Ai nhúc nhích là không được! Tất cả ở đây yên đó!

        Tôi ra lệnh nhưng trong bụng cũng lo. Lo vì khẩu súng của tôi chỉ có mỗi một viên đạn. Nó mà thối thì… Bế Văn Định bảo con:

        - Anh xem các ông ấy có cần tiền không?

        Tôi nói:

        - Chúng tôi đến đây để giành chính quyền cho cách mạng. Nhà ông có súng không?

        Bến Văn Điềm nộp hai khẩu súng săn. Anh Du dẫn Điềm đi gọi lính cơ ra lệnh nộp súng cho cách mạng. Cai cơ vốn là nhân mối của ta từ trước nên mở kho nộp súng cho chúng tôi toàn bộ số súng và đạn của huyện Mường La. Sau đó, chúng tôi kéo nhau vào tư dinh của Cầm Ngọc Phương thu được thêm hai khẩu nữa. Sau đó không biết làm gì tiếp, chúng tôi xác định chờ chỉ thị trên. Chờ mãi không thấy gì, chúng tôi kéo nhau vào vùng Bản Rạng lập căn cứ, tập bắn súng. Được hai hôm thì nhận được thư của anh Chu Văn Thịnh gọi Mường La đem quân lên thị xã Sơn La cướp chính quyền. thanh niên Mường La, Bản Rạng nô nức đi theo có đến mấy trăm, khí thế lắm! Lên thị xã, tưởng Việt Minh là ai hóa ra là những anh em quen biết cả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 05:58:38 am »


        Lúc này ở thị xã, quân Nhật có khoảng một trung đội đóng ở ti liêm phóng. Các anh cho người vào yêu cầu nộp súng. Viên sĩ quan Nhật nói:

        - Quân đội thiên hoàng chỉ nộp vũ khí cho Đồng minh thôi.

        Cán bộ ta nói:

        - Quân Nhật đã đầu hàng không có quyền giữ súng.

        Bên trong các anh điều đình, bên ngoài chúng tôi làm áp lực, hô khẩu hiệu ầm ầm xung quanh trại lính Nhật. Phần vì lực lượng ta đông, phần vì lí của ta đúng cho nên cuối cùng viên sĩ quan Nhật phải đồng ý nộp súng nhưng chỉ nộp súng của Pháp thôi. Chúng tôi được cả kho súng mấy trăm khẩu. Ây dà! Sướng quá! Có súng, chúng tôi kéo nhau vào rừng tập tháo lắp, tập bắn cứ đì đòm cả ngày. Thấy bắn đã hơi được, một anh nêu ý kiến:

        - Chúng ta đông thế này lại có súng, sợ gì mấy thắng lính Nhật.

        Thế là chúng tôi kéo sang vây trại lính Nhật. Song thấy cổng đóng, chúng tôi hăm hở vây chặt rồi gọi hàng. Gọi mãi, gọi mãi không thấy cổng mở liền xông vào. Trại lính vắng ngắt. Thì ra bọn lính Nhật kéo nhau theo lối cổng sau về Lai Châu tự lúc nào.

        Rồi có tin quân Tàu tưởng theo lệnh quân Đồng minh đang từ Lai Châu kéo xuống Sơn La dưới danh nghĩa tước vũ khí quân Nhật. Các anh cử người nhân danh chính quyền cách mạng đi đón. Hoa kiều ở phố Chiềng Lễ cũng cử người đi đón. Nhưng do có chủ tâm từ trước nên đám quân Tàu này không đi theo đường chính mà theo lối tắt vào nhà bang trưởng rồi lên luôn dinh công sứ. Các anh cử người đến gặp thì chúng nó bắt luôn. Trong đó các cá anh Chu Văn Thịnh, Chu Văn Phúc, Đỗ Thát, Cầm Minh. Tôi về Mường La gặp anh Lò Văn Son. Anh Son cho biết quân đội cách mạng đang ở dưới xuôi lên do một “anh quan sáu” chỉ huy đã lên đến Mộc Châu. Anh Son rủ tôi đi đón quân cách mạng để nện cho bọn Tàu ô” này một trận. Đang tức bọn Tàu Tưởng nên tôi đi ngay. Xuống đến Mộc Châu mới hay chẳng có “quan sáu” cách mạng nào cả. Chỉ có một tiểu đoàn của ông Đinh Công Đốc mới thành lập.

        Ở Mộc Châu tri châu đã thuận theo cách mạng ngay từ ngày đầu. Anh Lò Văn Son định xuôi thẳng về Hà Nội để xin chỉ thị. Chúng tôi bàn nhau ở Sơn La có cách mạng thì thế nào thượng cấp cũng lên, bèn quay về. Về đến làng thấy bọn chức sắc trong làng có vẻ khác. Thì ra ở tỉnh bọn Tàu Tưởng đã đưa Cầm Ngọc Phương lên làm tỉnh trưởng. Bọn tạo bản được lệnh mỗi tên chuẩn bị một hai cái thừng để bắt trói cán bộ. Có tên nhắn tin cho chúng tôi: “Cách mạng gì chúng bay mấy thằng nhãi ranh nhặt muỗm rụng”. Tôi nghe vậy tức lắm bèn họp thanh niên lại nói: “Thượng cấp chưa lên mà bọn chức sắc đang bày kế bắt chúng ta. Ai có súng theo tôi, ta lập chiến khu chống bọn chúng”. Bọn chứ sắc thấy vậy cũng chờn.

        Cho đến một hôm có một tiểu đoàn vệ quốc ở Phú Thọ lên do anh Nguyễn Duy Phiên làm tiểu đoàn trưởng. cùng đi với anh có anh Dương Văn Ti tức Nhạ, Ủy viên xứ ủy Bắc Kì cùng mươi cán bộ từ Việt Bắc và dưới xuôi lên. Gặp các anh mới hay cách mạng đã thành công trong cả nước. chính quyền cách mạng đã thành lập xong từ trung ướng tới xã. Đứng đầu chính phủ là cụ Hồ Chí Minh, một lãnh đạo tài ba. Xem ảnh thấy một ông cụ gầy gầy trán cao, râu thưa, mắt có hai đồng tử sáng thì tin lắm.

        Lên được ít hôm, anh Ti tổ chức chính quyền tỉnh gồm có chủ tịch Cầm Văn Dung nguyên tri châu Mai Sơn, phó chủ tịch là anh Chu Văn Thịnh, các ủy viên có các ông Lò Văn San, Bạc Cầm Huy, Bạc Cầm Khan, thư kí Bế Văn Điềm.

        Tôi lên Thuận Châu được mươi hôm thì được tin bố tôi bị bắt. Các anh Cầm Văn Minh, Chu Văn Thịnh cũng bị bắt. Tôi cầm tờ báo Suối reo của các anh tù Sơn La cho khi trước lên gặp anh Văn Chiến đại diện Bộ Nội vụ hỏi: “Tôi làm cách mạng sao cách mạng lại bắt bố tôi?”. Anh Chiến bảo để hỏi chính quyền xem, chắc là bắt nhầm thôi. Tôi sang ủy ban gặp ông Cầm Văn Dung hỏi:

        - Ông chủ tịch à! Ông theo Cụ Hồ hay theo Tàu?

        - Chết! Sao cậu lại hỏi thế? Chính quyền cách mạng là chính quyền Cụ Hồ chứ sao lại theo Tàu?

        - Thế tại sao tôi di làm cách mạng, ở nhà ông lại cho bắt bố tôi?

        Lúc ấy ông Dung mới biết là bố tôi bị bắt. Ông bảo tôi:

        - Để rồi tôi ra lệnh thả cụ ra.

        - Phải thả ngay bố tôi ra!

        - Cậu nóng quá! Làm cách mạng phải từ từ mới được. Chạy nhanh dễ ngã đấy!

        Vài ngày sau bố tôi được thả. Tôi bảo bố:

        - Tình hình lộn xộn lắm bố à! Con phải cầm súng thôi.

        - Bây giờ cách mạng đổi đời rồi, họ Quàng ta được gánh việc nước là nhà mình có phúc đấy, con cứ đi đi. Nước mất thì nhà tan con à!

        Thế là tôi trở thành anh Vệ quốc Sơn La”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:04:44 am »


        Qua lời kể của người trong cuộc, chúng ta đều biết tuy đảng bộ Sơn La chưa có nhưng do ảnh hướng của những người tù cộng sản, ở Sơn La đã có phong trào cách mạng. Mường La do anh Nguyễn Văn Phúc phụ trách; Mường Chanh do các anh chu Văn thịnh, Cầm Văn Minh, Cầm Vĩnh Chi. Cả hai nơi đều không có liên lạc với nhau và cũng không bắt liên lạc được với phong trào toàn quốc. Mặc dù vậy, ảnh hướng của cách mạng với những mục tiêu thiết thực đã đáp ứng nguyện vọng sâu xa của quần chúng. Cho nên khi có thời cơ Nhật đầu hàng, phong trào cứu quốc ở Sơn La đã tự động nổi dậy giành chính quyền ở các châu. Bọn quan lại hầu hết không chống cự. Giành xong chính quyền anh em treo cờ, tổ chức mít tinh rồi đây lại vào đấy. Ở một số nơi, anh em có lập chính quyền, nhưng chính quyền gồm phần lớn là thanh niên mới lớn, chưa có kinh nghiệm cũng chưa có uy tín với nhân dân. Nhân dân chưa hiểu cách mạng là gì, lại sợ địch trở lại khủng bố.

        Phìa tạo tuy không ưa gì cách mạng, nhưng vì sợ nên phải theo. Phần lớn thanh niên, học sinh, viên chức nhỏ rất hăng hái tham gia, xin đi bộ đội, vào đoàn thể, một số khác không theo ai, khi Tàu vào thì theo Tàu. Các đoàn thể vừa yếu lại vừa thiếu. Có người gọi đoàn thể là “hội hai hào” vì thấy vào hội xong không thấy làm gì chỉ mõi tháng phải nộp hai hào hội phí. Có người gọi là “hội tổ trưởng”, vì chỉ toàn thấy tổ trưởng đi họp.

        Sau khi tổ chức xong chính quyền ở tỉnh Sơn La các anh Dương Văn Ti, Chu Văn Thịnh lên Lai Châu, nơi chưa có phong trào cách mạng, nơi Pháp cai trị theo kiểu đạo quân binh. Khi Pháp trốn Nhật chạy sang Trung Quốc, chúng đế lại Lai Châu khá nhiều súng. Trước đây ở Lai Châu có hai tiểu đoàn do viên trung tá Phoóc-sa-na chỉ huy. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, số quân này ở Vân Nam trở lại Lai Châu rồi chiếm Phong Thổ vào tháng 12 năm 1945. Từ lai Châu, Tuần Giáo và từ Phong Thổ xuống Quỳnh Nhai. Do số quân không đủ, chúng lại co về Lai Châu.

        Lai Châu có cha con họ Đèo thay nhau thống trị mấy đời. cha là Đèo Văn Tri tức tạo Luôn đã có lúc theo Tôn Thất Thuyết nổi lên đánh Pháp. Nhưng Tri có bụng phản đã bí mặt mặc cả với Pháp. Sau khi ngả giá Pháp cho Tri làm quả đạo. Con là Đèo Văn Long được Pháp cho sang Pháp học, nói tiếng Pháp như người Pháp. Con rể Long là quan ba phòng nhì Lu-i-Boóc-đi-ê. Khi Pháp thua Nhật chạy theo đường Phong Thổ - Xìn Hồ sang Trung Quốc, Long rút theo Pháp. Khi quân Tưởng kéo vào tước khí giới quân Nhật, Long là người dẫn đường, Khi quân Tưởng rút, Long ở lại dùng tên Nguyễn Xuân Tôn, một tên Quốc dân đảng làm quân sư. Khi phái đoàn Chính phủ ta lên Lai Châu gặp Long, lúc đầu Long bằng lòng theo cách mạng. Nhưng do ta không có lực lượng lên Lai Châu ngay nên tên Nguyễn Xuân Tôn dùng lực lượng Đèo Văn Long chống lại chính quyền cách mạng. Thế là tháng 11 năm 1945, Lai Châu lại rơi vào tay bọn phản động.

        Tháng sau, anh Dương Văn Ti cùng ông Cầm Văn Dung chủ tịch lên Lai châu chuyến nữa. Bọn Long giữ ông Dung và thả anh Ti. Cuối tháng 1 năm 1946, Đèo Văn Long dẫn quân Lai Châu xuống cướp phá Quỳnh Nhai. Ở Quỳnh Nhai có ông Điêu Chính Quân, một người yêu nước, chống lại Long.

        Tháng 11 năm 1945, Trung ương quyết định thành lập mặt trận Tây Bắc. bộ Tổng tham mưu điều lên Tây Bắc bảy đại đội. Tháng 12, các lực lượng trên cùng hai đại đội và hai trung đội đã lên từ trước tổ chức thành chi đội Sơn La.

        Khi tôi lên thì chi đội Sơn La đã tổ chức xong. Chi đội có ba tiểu đoàn: tiểu đoàn 71, tiểu đoàn 90 và tiểu đoàn 86. Chiến sĩ phần lớn mới chỉ được huấn luyện bắn súng. Cán bộ tiểu đoàn, một số chưa phải đảng viên, có người xuất thân là lái trâu, buôn lậu. Với nguồn gốc xuất thân đó, khi đó có quyền lực trong tay, có người sinh ra kiêu căng, quân phiệt, rượu chè, trai gái. Chính những yếu kém về chính trị và sa sút về phẩn chất của số cán bộ trên đã dẫn đến những khuyết điểm nghiêm trọng trong tác chiến, trong xây dựng đơn vị và xây dựng địa bàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 06:10:48 am »


        Với cái vốn ban đầu đó, chúng tôi tiến lên Lai Châu. Khác với Sơn La, trước Cách mạng tháng Tám, Lai Châu gần như chưa có phong trào cách mạng. Ở Lai Châu phần đông là đồng bào Thái trắng sống gần biên giới. Lai Châu còn nhiều tập tục mê tín dị đoan. Mỗi gốc cây là một ông thần, mỗi cái lá có thể là một con ma. Một trong những đặc điểm của đồng bào là không quen nghĩ trừu tượng. Đồng bào thường đánh giá qua hành động tiếp xúc ban đầu. Trước cách mạng tháng Tám, đồng bào các dân tộc ít tiế xúc với người Kinh nên chưa thật hiểu người Kinh. Những người Kinh đồng bào thường tiếp xúc là đám lính và vợ con lính mua một cướp mười, là bọn con buôn lừa đảo và bóc lột đồng bào hết sức trắng trợn. Nền kinh tế vùng này là nên kinh tế tự túc. Nhân dân còn tiêu bạc trắng. Chế độ tù trưởng, chủ nô vẫn còn được thực dân Pháp duy trì như trước. Sự phân hóa giai cấp chưa có bao nhiêu. Thị trường trao đổi hồi đó rất hạn chế cho nên có khi chỉ vài cái kim, một ít muối, một ít chỉ màu là có thể đồi được gà, gạo, lợn, trâu. Những thứ thiết thân của đồng bào để sinh sống như dao, cuốc, thuổng, muối, kim, chỉ là những thứ mà nền kinh tế tự túc không thể sản xuất ra được đều bị bọn lái buôn người Kinh bắt chẹt. Ở vùng Xuân Đài, Thanh Sơn, Thạch Kiệt, Lai Đồng, Thu Cúc còn có bọn tù vượt ngục, bọn tội phạm, lưu đày gây tai vạ cho nhân dân địa phương. Nền kinh tế tự túc và chế độ “cuông”, “lam” đã để ra tâm lí mặc cảm tự ti. Tôi còn nhớ khi đơn vị chuyển từ Sơn La về Phú Thọ có nhiều chiến sĩ họ Quàng đổi là họ Hoàng, họ Lò đổi thành họ Lê. Có chiến sĩ không dám nói tiêng Thái. Nên kinh tế tự túc khép kín trong phạm vi từng bản, giao thông chưa phát triển cộng với toàn bộ cơ cấu xã hội từ xa xưa để lại đã tạo nên tâm lí thuần phác, dễ phục tùng trong đồng bào. Giữa nhân dân và bộ đội cách mạng chưa có gì gắn bó. Có nơi nhân dân xem việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội như một nghĩa vụ họ buộc phải làm cũng như đối với quân Pháp, hoặc với phìa tạo.

        Chúng tôi chia chi đội ra làm ba múi tiến lên Lai Châu. Cùng đi có các anh trong tỉnh Sơn La. Lúc đến Thuận Châu viên tri châu đến đón chúng tôi theo nghi thưc đón các quan cai trị Pháp. Nhìn nước da xám ngắt và cái nhìn cắm xuống đất của y, tôi đoán kẻ địch ở cách đây không xa. Chúng tôi ra lệnh cho bộ đội ra rừng ở. Viên tri châu cung kính mời ban chỉ huy chi đội dùng cơm. Cơm xong, trời vừa tối, tôi định ra về thì viên tri châu tha thiết mời tôi nghỉ lại. bức rèm xa-tanh thêu hoa văn vừa kéo lên đã thấy một đệm trắng nõn trải vải hoa, một bàn đèn thuốc phiện và một cô gái trạc đôi mươi. Cô gái gò má ửng hồng quỳ xuống chào tôi theo tục lệ nhà quan. Viên tri châu xin phép cho cô cháu gái được hầu tiếp. Tôi từ chối trước cặp mắt ngạc nhiên của viên tri châu và cô gái. Tôi trở về chỗ trú quân của anh em. Bên đống lửa hồng anh em đang vai kề vai tập hát một bài hành khúc cách mạng. Sống trong không khí làm mạnh, vui tươi của đơn vị lòng tôi vẫn thắc thỏm nhớ lại cái cảnh sau bức rèm xa-tanh ở nhà viên tri châu. Sự sa đọa về đạo đức của một vài cán bộ Sơn La lúc đó có lẽ bắt đầu từ những cái đệm bông này.

        Ngay trong đêm tôi cử một tiểu đội trinh sát đi trước.

        Hôm sau trời chưa sáng tiểu đội trinh sát đã dẫn về một thanh niên trẻ măng. Anh ta chào tôi mừng rỡ như gặp lại người quen lâu ngày không gặp.

        - Tên em là gì? - Tôi hỏi.

        Anh ta không trả lời mà nhìn tôi không chớp với vẻ không hài lòng về cách xưng hô gia trưởng của tôi. Đồng chí trinh sát cho biết người thanh niên là Cầm Vĩnh Chi, đoàn viên thanh niên cứu quốc, người Thái được chỉ thị của Đoàn thể đến bắt liên lạc với bộ đội.

        Thì ra cũng giống như ở đồng bằng, dưới cái vẻ bề ngoài ao tù nước đọng của nông dân là phong trào cách mạng sôi sục của nông dân đồng bằng. Ở đây, bên cạnh cái thuần phác nhẫn nhục gần như cam chịu lại cho những thanh niên hăng hái, đã sớm được những người tù cộng sản giác ngộ từ trước. Về sau qua tiếp xúc với thanh niên dân tộc Thái tôi mới biết đồng bào Thái tuy thiếu cái sắc sảo, hăng hái, nhưng khi đã tin, đã giác ngộ cách mạng thì dốc một lòng đi theo cách mạng. Trước sau dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng một lòng son sắt, thủy chung. Đã tin cậy thì không bao giờ phản bội lại lời thề. Khi nhân dân đã hiểu, đã tin thì cán bộ nói là nhân dân nghe, khó mấy cũng vượt qua và không nghe ai nữa. Có chú liên lạc như Quàng Văn Ân mới 15 tuổi khi ra trận không cho cán bộ đi trước, mà Ân chạy lên trước xem đạn địch bắn ra sao rồi mới cho cán bộ lên. Hỏi vì sao làm như vậy, Ân chỉ cười rất hiền:

        - Anh ấy là cán bộ, nếu cho đi trước anh ấy có làm sao thì đơn vị không có người chỉ huy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 09:17:43 am »


        Về sau này đọc những cuốn sách viết về Sơn La, tôi được biết ngay từ khi Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất, nhân dân Thái ở Sơn La đã cùng với các ông Hoàng Công Chất, Tôn Thất Thuyết đánh Pháp. Năm 1943-1944 ở Sơn La đã có “Hội mù mán chất mường” (Hội tuổi trẻ cứu quốc) và “Hội cần táy chất mường” (Hội người Thái cwsu quốc). Sự hăng hái của lướp thanh niên trẻ của cách mạng tháng Tám đã làm sống lại khí thế hào hùng của những ngày nhân dân Thái đi theo Hoàng Công Chất, Tôn Thất Thuyết đánh Tây.

        Tôi hỏi Chi tình hình địch, địa hình. Chi cười lớn:

        - Mình người vùng này mà!

        Chi cho biết ở Tuần Giáo có khoảng một đại đội lính khố đỏ do một sĩ quan chỉ huy. Chỉ có một ít lính cũ, phần lớn là lính người địa phương mới mộ. Đây là bọn lính của Đèo Văn Long.

        Bọn lính này chỉ đặt có một vọng gác chừng một tiểu đội trên đường đi vào Tuần Giáo. Tôi nghĩ bắt sống được tiểu đội này thì có thể bí mật tiếp cận Tuần Giáo. Tôi cho một đại đội đi vòng đường rừng để chặn đường rút của chúng. Đại bộ phận sẽ đi dọc đường cái lên. Đi đầu bộ phận này là một tiểu đội trinh sát được chọn lọc có nhiệm vụ bí mật bắt sống tiểu đội lính gác. Nghe xong kế hoạch Cầm Văn Chi xoa tay nói:

        - Bắt sống được thôi! Bọn này có canh gác gì đâu! Trời rét chúng nó chỉ trùm chăn hút thuốc lào vặt thôi!

        Sáng sớm hôm sau trong lúc sương mù còn dày đặc chúng đã lên đường. Sương như một cái chăn bông trắng bàng bạc phủ kín núi rừng. nhìn gần sương như một màn bụi nhỏ li ti, xoắn xuýt với nhau; ở dưới vực sâu, sương cuộn thành từng đống to tướng như quơ tay có thể vơ vào lòng từng nắm. Những hạt sương quấn quýt bay theo đội hình hành quân.. Người đi trước cách người đi sau có vài bước mà chỉ trông thấy cái bóng mờ ảo thấp thoáng. Đến gần vọng gác, anh em cho biết một tổ chặn cửa. Khi anh em xông vào có tên còn lúng túng chưa kịp hiểu ra sao đã bị bắt trói. Không một tên nào thoát. Không phải nổ một phát súng. Tôi cho trói bọn tù binh, ra lệnh điều khẩu trung liên cào cào lên trước. Bọn tù binh cho biết vào giờ này bọn lính trên đồn đang chào cờ. Chào cờ xong sẽ tập đi đều. Bọn lính mới chưa tập bắn súng. Trời sáng sương lại càng dày đặc. Từ thung lũng, sương cuồn cuộn bốc lên như một chảo nước sôi khổng lồ đang bốc hơi. Trong sương mù bồng bềnh, hình thù châu lị Tuần Giáo hiện lên nhòe nhoẹt như có như không.

        Khi cách đồn trong tầm ném lựu đạn, tôi cho triển khai đội hình. Phái trước đội hình là khẩu trung liên cào cào, hỏa lực mạnh nhất và duy nhất của tiểu đoàn. Phía sau lố nhố những khẩu súng trường dài một mét sáu, những khẩu khai hậu lắp đạn ở cuối nòng, những khẩu Mút-cơ-tông, Anh-đô-si-noa và nhiều nhất vẫn là những ngọn mác cán bằng tre đực.

        Đã nghe rõ tiêng giày đinh rầm rập trên nền sỏi. Đã nhìn rõ cánh cổng gỗ lim nặng nề, những cọc rào ngăn trâu bò. Chung tôi lặng lẽ và nhìn thấy gương mặt những tên lính. Chúng đang tập động tác quay, súng giá vào nhau. Không thể tiến gần hơn nữa, tôi ra lệnh dừng lại chuẩn bị xung phong. Tôi nhìn khẩu cào cào được anh em lau dầu bóng loáng mà trong bụng khấn thầm: “Tao chỉ cần mày nổ cho một băng thôi! Chỉ một băng thôi rồi mày hãy hóc!”. Hồi đó mỗi khi ra trận cái đáng ngại nhất là súng hóc. Có khẩu khi thử thì nổ giòn nhưng khi vào trận lại câm như hến. Khẩu cào cào này lại chăp vá từ các khẩu súng khác. Xạ thủ trung liên đang lấy đường ngắm, cái đầu khẩu trung liên ngọ nguậy. Tim tôi đập thình thịch. Lấy xong đường ngắm xạ thủ quay lại nhìn tôi chờ lệnh. Tôi gật đầu. Lập tức khẩu trung liên nhảy tâng tâng trên nền đường với những tiếng nổ đanh, chắc. Tôi trút một hơi thở dài. Một làn khói xanh biếc tỏa ra dễ chịu. Tôi khoan khoái hít căng lồng ngực, vung khẩu súng ngắn ra lệnh xung phong. Ngay từ loạt đạn đầu, đám lính đang tập đã chạy tóe ra như đàn mối vỡ tỗ. Anh em ùa vào đồn rượt bắt bọn lính. Một tên dẫn anh em ra kho súng. Viên tri châu còn ngái ngủ chỉ chỗ để xe. Anh em xếp hơn một trăm khẩu súng lên xe. Tiếng còi xe “tí toe, tí toe” như tiếng “thắng to, thắng to”.

        Anh Nhạ cho đánh trống nhà tạo mời nhân dân đến dự mít tinh. Một đồng chí biết tiếng Thái tập hợp binh sĩ giải thích âm mưu của bọn phản động Quốc dân đảng tay sai của Pháp định dùng người Thái giết người Kinh, dùng người Kinh giết người Thái. Sáng hôm sau mũi vu hồi của Lường Văn Cúc mới tới.

        Trận Tuần Giáo mở đường cho chi đội tiến lên Lai Châu, lên Điện Biên. Anh Nhạ tức Dương Văn Ti trong ban cán sự cùng đi với bộ đội để tổ chức chính quyền cách mạng. Trong ban chỉ huy, chúng tôi phân công nhau, anh Lê Hiến Mai đi Điện Biên Phủ, anh Nam Hải đi Mộc Châu. Tôi lên Lai Châu. Chúng tôi di trong niềm vui phấn chấn vì đánh một trận thắng to.

        Một buổi chiều trong lúc chúng tôi đang hành quân thì đột nhiên có hàng loạt súng cối bắn vào đội hình. Anh em dừng lại. Một quả rơi trúng nền đường. Anh em nằm rạp xuống hai bên vệ đường. Tiếp đó là tiếng đạn hú như lụa xé. Trong hàng quân đó có tiếng xôn xap, có người nằm úp mặt xuống đất. Hồi đó súng cối còn là vũ khí mới mẻ. Không nghe thấy tiếng nổ đầu nòng, không trông thấy bọn bắn đứng ở đây. Chỉ thấy tiếng đạn hú, tiếng đạn nổ, tiếng mảnh gang bay. Lại một loạt đạn nữa nổ ở phía sau. Rõ ràng lối bắn cối của bọn xạ thủ có bài bản - lối bắn bao bọc. Tôi biết nằm lại là chấp nhận một sự hi sinh không cần thiết. Bởi vì chỉ vài quả đạn bắn thử nữa, bọn chúng sẽ tìm ra khoảng bắn xác suất trúng đích. Tôi ra lệnh rút nhanh. Thế là điều tất yếu xảy ra. Tôi không chỉ huy được đội hình rút lui hỗn loạn. Chúng tôi đã mất quyền chủ động.

        Từ kinh nghiệm này, tôi rút ra một điều trong hành quân, trong chiến đấu khi triển khai nhiệm vụ người chỉ huy phải dự kiến cho hết mọi tình huống có thể xảy ra, kể cả những tình huống xấu nhất để có phương án xử trí đối phó. Người chỉ huy phải luôn luôn chủ động. Khi lầm vào thế bị đông, phải nắm chắc đơn vị, nhanh chóng chuyển từ bị động sang chủ động. Để thực hiên được điều đó, bao giờ cũng phải dự kiến các tình huống và có sẵn phương án cơ bản để để dối phó. Khi tình huống dự kiến đã diễn ra, phải dựa vào phương án cơ bản đã chuẩn bị và căn cứ vào tình hình cụ thể lúc bấy giờ mà đề ra quyết định kịp thời và sáng suốt. Điều không kém quan trọng là mọi phương án giả định phải được phổ biến cho cán bộ cấp dưới và tất cả chiến sĩ để khi lâm trận tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động.

        Sau lần rút lui đó, chúng tôi tập trung anh em lại nêu những kinh nghiệm để mọi người cùng quán triệt và tiếp tục hành quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 09:21:03 am »

        
CHƯƠNG BA

KHÔNG ĐƯỢC XUÔI TAY

        Sau trận bất ngờ gặp địch trên đường hành quân rồi rút lui, chúng tôi có đánh một số trận ở Quỳnh Nhai, Luân Châu nhưng không có trận nào thắng lợi. Thời gian này ở Lai Châu, được bọn phìa tạo cũ tiếp tế, dẫn đường, trong một thời gian ngắn, địch đã chiếm lại toàn bộ Lai Châu.

        Trước tình hình đó, đại đội của Hoàng Cầm được lệnh lên Quỳnh Nhai để cùng địa phương xây dựng chính quyền ở Lai Châu. Khi lên đến nơi thì Quỳnh Nhai đã bị địch chiếm. Đại đội ở lại hoạt động tại vùng Bắc Ma. Trong suốt hai tháng trời, nhiều lần đơn vị bị địch bao vây, nhưng anh em đã tổ chức thoát vây. Các chiến sĩ đã phải ăn củ chuối thay cơm. Trong đại đội có hai đồng chí người Thái là Liêm và Xoong. Hai đồng chí này đã dẫn đường cho bộ đội thoát vây khi bị địch càn. Khi đơn vị hết lương ăn, các đồng chí đã vận động nhân dân Bản Mấn tiếp tế lương thực. Nằm ở Bắc Ma đại đội phát hiện được quy luật của địch là khoảng 18 giờ 30 phút hàng ngày, chúng đổi gác cho một đại đội khác về Quỳnh Nhai. Hoàng Cầm cho đại đội ra độn thổ phục kích ở bờ sông. Khi bọn địch mới đến vừa rời thuyền thì Hoàng Cầm cho lệnh xung phong, diệt một số địch và cướp thuyền.

        Ở Bắc Ma, trong một lần địch càn, đại đội đã tổ chức đánh được một trận nữa, diệt một số địch. Bắc Ma là vùng đông dân, kinh tế khá sung túc, có thể ở cả một tiểu đoàn, nhưng lúc đó không có tư tưởng hoạt động vùng sau lưng địch nên đại đội tìm cách về lại tiểu đoàn.

        Cho tới tháng 8 năm 1946, chúng tôi về đến Chiềng Pắc (cách Sơn La 15 ki-lô-mét về phía tây-bắc). Nói là chỉ huy trung đoàn nhưng thực chất chỉ trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn 90 hoạt động tác chiến trên trục đường số 41, tiểu đoàn 86 vẫn bố trí dưới Mộc Châu, Tiểu đoàn 71 hoạt động ở vùng Phiêng Bang bên hữu ngạn sông Đà. Các đơn vị cách xa nhau hàng trăm ki-lô-mét.

        Thời gian này, bọn Pháp ở Tây Bắc đang chờ viện binh từ Pháp sang nên dừng lại củng cố những vùng đã chiếm, chưa đủ sức tiếp tục tiến công. Thế là hình thái trực tiếp tiếp xúc được hình thành giữa ta và địch. Ở Chiềng Pắc, Quân khu cho một đại đội quân chính quy lên tăng viện. Anh em đánh rất hăng nhưng do binh lực ít nên cũng chỉ tiêu hao một số địch, không có trận nào quyết định được cục diện.

        Ở Chiềng Pắc được hơn một tháng, tôi bị một cơn sốt rét ác tính, tiểu tiện ra máu, mê man không biết gì. Anh em mua vé ô-tô đưa tôi về xuôi. Điều trị được khoảng hai tuần lễ, tôi được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng một trung đoàn ở Nam Định. Ở Nam Định được hơn một tháng, cuối năm 1946 tôi lại được lệnh lên Sơn La.

        Vừa nhận bàn giao trung đoàn xong thì ngày 5 tháng 1, địch ở Chiềng Pắc có bọn phản động địa phương dẫn đường theo đường tắt luồn rừng đánh úp các cơ quan của tỉnh ở Mường La, Mường Chanh, Mường Bú. Các cơ quan phía sau yên trí có bộ đội ở Chiềng Pắc nên không tổ chức canh gác, không đề phòng. Hồi đó cơ quan chưa tổ chức tự vệ như hiện nay. Có nơi địch cứ đàng hoàng kéo vào không cần nổ súng. Có nơi chúng mặc giả bộ đội tiến vào. Khi địch bắn súng thị uy, nhân dân tưởng bộ đội tập trận rủ nhau đi xem. Khi biết địch mới hoảng hốt bỏ chạy.

        Cuộc tiến công của địch tuy không gây thiệt hại gì lớn cho ta, nhưng đã phát sinh một biến động về tâm lí khá nặng nề trong các đơn vị và nhân dân. Được tin địch đánh úp phía sau, ban chỉ huy trung đoàn chủ trương tập hợp bộ đội, kiên quyết đánh địch.

        Sau khi tập hợp được bộ đội, trung đoàn tổ chức đánh địch trên ba hướng: Mường Chanh, Mường Bú và Mường La. Nhưng do lực lượng phân tán, chỉ huy không chặt chẽ nên trong đợt phản công này, ta chỉ lấy lại đường Mường Chanh. Không có lực lượng chiếm giữ nên cuối cùng ta phải rút…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 09:26:04 am »


*

*       *

        Sau đợt rút lui trong những ngày đầu năm 1947, tôi tự đặt cho mình trách nhiệm nhất thiết phải nắm lại các đơn vị, phải tổ chức đánh chặn địch từng bước, nếu có rút lui phải có kế hoạch, có tổ chức, phải đánh được địch dù chỉ là tiêu diệt dăm ba tên. Đối với nhân dân, nghiêm cấm những hành động sách nhiễu.

        Tiểu đoàn 90 được lệnh theo đường số 41 rút về Hát Lót tổ chức đánh chặn địch. Tư tưởng tôi lúc này vẫn còn băn khoăn về nhiệm vụ giữ đất. Nhiệm vụ của trung đoàn là chiến đấu bảo vệ Sơn La, nay địch đã chiếm thị xã Sơn La và một số vùng trong tỉnh, vậy trung đoàn có hoàn thành nhiệm vụ được không? Do vậy, trong cuộc họp vói cán bộ chỉ huy tiểu đoàn 90, tôi vẫn nhấn mạnh giữ đất. Trong mệnh lệnh tôi nói: tiểu đoàn phải tổ chức đánh địch ở Hát Lót (cách thị xã Sơn La gần 30 ki-lô-mét về hướng đông - nam), dựa vào địa hình có lợi, bố trí phục kích, tiêu hao chặn bước tiến của chúng. Không có mệnh lệnh của trung đoàn không được tự ý rút lui.

        Về tiểu đoàn, tiểu đoàn trưởng gọi đại đội trưởng Cầm Vĩnh Chi lên giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải giữ cho được Hát Lót. Mệnh lệnh là mất Hát Hót thì mất đầu. Tôi mà mất đầu thì anh cũng mất đầu. Với đại đội của Hoàng Cầm, tiểu đoàn giao nhiệm vụ đánh địch trên con đường Tiểu Cò Nòi đi sông Đà. Ra lệnh xong tiểu đoàn trưởng lên ngựa phi nước đại quay lui.

        Nhận lệnh về, Cầm Vĩnh Chi bàn bạc với anh em và đi nghiên cứu địa hình. Bản Hát Lót địa hình bằng phẳng, phía đông - bắc có dãy núi đá bố trí phục kích địch rất thuận lợi. Sau khi nghiên cứu thực địa, Cầm Vĩnh Chi quyết định đưa đại đội lên bố trí phục kích ở dãy núi đá. Nói là đại đội nhưng số quân lúc bấy giờ chỉ khoảng 30 đồng chí.

        Sau khi chiếm thị xã Sơn La không mấy khó khăn, ngày 26 tháng 1 năm 1947 địch cho quân theo đường số 41 xuống chiếm Hát Lót. Dọc đường không thấy bóng dáng Việt Minh đâu, chúng càng chủ quan cho là ta đã khiếp nhược bỏ chạy. Chúng tiến vào Hát Lót không mấy đề phòng. Chờ cho địch đến vừa tầm súng, Càm Vĩnh Chi ra lệnh nổ súng xung phong. Bị đánh bất ngờ vào sườn, địch hoảng hốt bỏ chạy. Một tiểu đội địch bị diệt, trong đó có viên quan ba Pháp chỉ huy hành quân. Anh em phát hiện trong túi viên quan ba có tập thư của một tên phản động loại có cỡ ở Sơn La báo cáo với quân Pháp tình hình của bộ đội, chính quyền và nhân dân trong tỉnh với chỉ huy quân sự người Pháp trong vùng. Ta cho bắt ngay tên phản động và trừng trị. Tất nhiên sau trận đánh đó, địch vẫn chiếm Hát Lót nhưng không ai bị mất đầu.

        Sau khi nghiên cứu con đường từ Tiểu Cò Nòi đi Tạ Khoa trên hữu ngạn sông Đà, Hoàng Cầm cho đại đội bố trí phục kích trên một quả đồi ven đường có rừng thưa ở Nậm Sủm. Hai đại đội địch từ Tiểu Cò Nòi hành quân ra. Khi đến gần Nậm Sủm, địch phát hiện có quân ta trên quả đồi, chúng chia làm hai cánh đánh lên định diệt gọn. Đại đội phó Hoàng Cầm lúc này nằm cạnh Hiếu, cán bộ tiểu đội trực tiếp nắm khẩu trung liên (Hiếu là lính thợ mới ở Pháp về). Thấy địch đông và dự kiến tình hình chiến đấu sẽ khó khăn, Hiếu có hai quả lựu đạn, chia cho Hoàng cầm một quả, Hiếu giữ một quả, với ý nghĩ sẽ chiến đấu quyết tử với bọn giặc. Quả lựu đạn sẽ là vũ khí cuối cùng để giệt địch và hi sinh vì Tổ quốc, nhất định không để giặc bắt người và thu vũ khí.

        Địch từ hai phía tiến lên, các chiến sĩ cũng từ hai hướng sẵn sàng đón đánh chúng. Để địch tiến tới gần, đại đội phó Hoàng Cầm ra lệnh thống nhất cho các bộ phận đồng loạt nổ súng. Tuy không còn yếu tố bí mật, bất ngờ nhưng nhờ lợi thế của địa hình, ta trên cao, địch dưới thấp, khẩu trung liên của Hiếu và các khẩu súng trường của đơn vị đã diệt ngay từ loạt đạn đầu một tiểu đội địch. Quân địch bị đánh bật trở lại, không biết lực lượng ta có bao nhiêu, thương vong nhiều, lại ở thế bất lợi, chúng bỏ chạy và rút về Tiểu Cò Nòi.

        Tuy chỉ là những trận đánh nhỏ, nhưng hai trận Hát Lót và Nậm Sủm đã lấy lại khí thế cho trung đoàn. Tình trạng rút lui vô tổ chức chấm dứt hẳn. Thời gian sau đó, trung đoàn thực hiện vừa chiến đấu ngăn chặn tiêu hao địch, vừa rút lui theo kế hoạch. Tổ chức, kỉ luật được chấn chính. Cán bộ sai phạm được gọi lên uốn nắn.

        Sau hai trận Hát Lót và Nậm Sủm, trung đoàn bộ rời về Tà Làng, dưới Yên Châu 12 ki-lô-mét. Địch bị tiêu hao lực lượng và mất viên quan ba chỉ huy, chúng không nghênh ngang như trước mà lo củng cố các vùng đã chiếm được. Tình hình mặt trận tương đối yên tĩnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Mười, 2016, 09:30:26 am »


        Về phía trung đoàn, từ khi địch mở cuộc tiến công, đã một tháng trôi qua, vẫn chưa liên lạc được với tiểu đoàn 71 bên hữu ngạn sông Đà. Trong lòng tôi lúc nào cũng như có lửa đốt. Là người chỉ huy trung đoàn không nắm được tiểu đoàn thì còn chỉ huy thế nào, trách nhiệm sẽ ra sao? Sau những ngày uy nghĩ, dằn vặt, tôi quyết định phải tự mình lên tận nơi xem anh em hoạt động chiến đấu thế nào, giúp anh em có phương hướng hoạt động đúng đắn, đồng thời nhân chuyến đi này sẽ tìm hiểu tình hình chung của chiến trường, đặc biệt là đời sống và tình hình các mặt của đồng bào các dân tộc Sơn La.

        Bàn kế hoạch trong thời gian tôi vắng mặt ở trung đoàn bộ với ban chỉ huy trung đoàn xong, tôi và đồng chí Trần Duy Hạnh, thư kí trung đoàn khẩn trương lên đường. Lúc này vào khoảng hạ tuần tháng 1 năm 1947.

        Hai anh em hai con ngụa, một khẩu các-bin, một khẩu súng ngắn với năm ngày gạo. Không người dẫn đường, tự mình bảo vệ lấy mình, chúng tôi nhằm phía sông Đà tiến bước. Từ Yên châu qua Mường Lùm chúng tôi tiến đến bờ sông Đà, bên này Tạ Khoa. Chưa thể đột hiên vượt sông Đà vì không hiểu tình hình địch bên đó thế nào, thỉnh thoảng vẫn nghe từng tràng súng dội qua khi trời sẩm tối. Tối đó chúng tôi trở lại Tạ Khoa, nhờ nhà dân địa phương. Hôm sau, chúng tôi lại loay hoay thì thấy một chiếc thuyền chài đánh cá ven bờ. Trên thuyền có hai vợ chồng người đánh cá và một cháu nhỏ. Chúng tôi ra hiệu cho thuyền ghé vào bờ. Biết chung tôi là bộ đội muốn qua sông, vợ chồng người đánh cá vui vẻ cho chúng tôi xuống thuyền xuôi dòng về Vạn Yên khoảng 50 ki-lô-mét. Thuyền đi ban ngày vì phải qua hai thác Tiếu Ông và Tiếu Bà rất nguy hiểm. Dựa vào bờ phía hữu ngạn, thuyền xuôi tương đối nhanh. Bờ sông Đà vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng mới gặp một chiếc thuyền đánh cá. Tối ngày hôm đó chúng tôi đến Vạn Yên bên hữu ngạn an toàn. Tôi và Trần Duy Hạnh tiếp tục cuộc hành trình. Đến Tường Phong, Tường Phù thì quân địch đã rút về Phiềng Ban. Quang cảnh ở đây đúng là một vùng tiêu thổ kháng chiến. Nhà nào còn sót lại khi nhân dân tháo chạy thì quân địch đến đốt nốt. Không một ngôi nhà, không một bóng người, chỉ còn lại các túp lều trú quân của địch làm bằng cây rừng, lớp lá chuối nằm từng dãy ven bìa làng và trên đồi. Đúng là một vùng đất chết, vắng lặng đến dễ sợ. Thực tế này đặt cho tôi một vấn đề phải suy nghĩ. Quân địch đến vùng đất này là để chiếm đóng, nhưng tại sao chúng đến đây rồi lại phải rút trong khi không gặp sự kháng cự nào đáng kể của bộ đội ta. Tôi và Hạnh trao đổi một hồi mới vỡ nhẽ. Vấn đề là ở đây không có dân. Trong tình hình đường sá giao thông khó khăn, không có dân, không được tiếp tế, chúng không thể sống được.

        Từ đó, chúng tôi càng thấy vai trò của nhân dân là vô cùng quan trọng. Quan trọng đến mức kẻ thù mà không có dân cũng không sống được phải rút. Còn bộ đội cách mạng thì rõ ràng không có dân sẽ không tồn tại chứ đừng nói hoạt động và chiến đấu của Đảng và Bác Hồ. Tường Phù thực hiện tiêu thổ trong khi không có kế hoạch, để lương thực, tài sản bị mất làm cho đồng bào lâm vào cảnh khốn cùng là khuyết điểm lớn nhưng tiêu thổ ở giai đoạn này là một chủ trương đúng đắn. Nếu không tiêu thổ chắc gì quân địch đã rút đi! Không có người dẫn đường, không có ai tiếp tế, không có đối tượng để đàn áp, cướp bóc, bắt phu, bắt lính rõ ràng chúng sẽ lâm vào tình trạng khốn quẫn. Nhớ lại những hành động của cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỉ luật quần chúng, sách nhiễu dân là người chỉ huy tôi thấy giật mình, hổ thẹn và càng thấy trách nhiệm của mình nặng nề trong việc giáo dục, xây dựng đơn vị. Mặt khác, tôi nghĩ đồng bào Tây Bắc nhiều năm sống dưới ách đô hộ của phong kiến, thực dân, vừa bị chúng đàn áp, bóc lột, vừa bị đầu độc bởi chính sách ngu dân, lại thêm nhiều tập tục mê tín dị đoan ràng buộc. Người dân ở đây chưa được giác ngộ cách mạng bao nhiêu, phải làm cho họ hiểu rõ bản chất của kẻ thù xâm lược, hiểu rõ vì ai mà bộ đội hi sinh chiến đấu. Phải có cách để phát động, giáo dục và tổ chức họ lại thành sức mạnh, thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến như Bác Hồ đã huấn thị. Ngay lúc ây tôi chưa nghĩ ra được bằng cách nào để thực hiện điều đó, nhưng rõ ràng đây là việc hệ trọng đến kháng chiến, đến bộ đội, nhất định phải làm cho bằng được.

        Hai anh em toi lại tiếp tục đi, tìm gặp tiểu đoàn 71. Trên đường đi Phiềng Ban thì chúng tôi gặp tiểu đoàn. Phần viết ở trên của các đơn vị thuộc tiểu đoàn 71 những ngày địch tiến công chính là do ban chỉ huy tiểu đoàn báo cáo lại. Nghe anh em báo cáo xong, tôi thông báo lại tình hình chiến đấu của trung đoàn và ra những chỉ thị cần thiết cho đơn vị trong thời gian tới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề bám địch và đánh địch, vai trò của đồng bào các dân tộc, vấn đề quan hệ với nhân dân, vấn đề kỉ luật dân vận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 07:13:59 am »


        Xong việc, chúng tôi từ Vạn Yên vượt sông Đà đi về hướng Mộc Hạ. Tháng chạp trời rét buốt, lại mưa lâm thâm. Bản đồ chẳng có, người dẫn đường cũng không, chúng tôi vừa đi vừa hỏi đường. Mãi mới tìm được người dẫn đường đi về Mộc Hạ. Đường khó đi, trời tối đen như mực, khoảng tám giờ tối, chúng tôi về Mộc Hạ.

        Mộc Hạ là một làng to, đông dân, khá sầm uất. Mộc Hạ là căn cứ của Việt Minh hồi còn hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám. Vào làng thấy các nhà còn ánh đèn và mùi hương trầm ngào ngạt đến cồn cào ruột gan. Tôi và Hạnh tính toán với nhau, mới biết hôm nay đã là 30 tháng chạp ta. Giờ này mọi nhà đang chuẩn bị đón giao thừa đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Mộc Hạ là vùng trước đây tôi có đến nên có quen biết một số gia đình và nhân dân nhiều người biết tôi là trung đoàn trưởng. Hai anh em vào nhà chị Hảo. Chị buộc ngựa, lấy ngô cho ngựa ăn rồi mời chúng tôi lên nhà sàn. Bữa cơm giao thừa có gia đình chị Hảo hôm đó ngoài món xôi, thịt gà, thịt lợn, rượu còn có món nậm phìa rán (ruột non của trâu rán). Theo phong tục địa phương, nậm phìa rán là món ăn được ưa thích, chỉ để mời khách sang, khách quý. Nậm phìa rán hơi đắng, có mùi vị đặc biệt.

        Đêm hôm đó hai anh em đến thăm một số gia đình. Được tin chúng tôi về Mộc Hạ, bà con kéo đến thăm rất đông, vui mừng khôn xiết. Qua người dẫn đường tình nguyện, qua tình cảm tiếp đón của bà con Mộc Hạ, tôi thấy đồng bào rất quý mến và tin yêu bộ đội luôn luôn hướng về cách mạng. Tuyệt đại bộ phận nhân dân Sơn La, nhân dân Tây Bắc đều là người yêu nước. Phải đi sâu giáo dục, giác ngộ họ. Đây là chỗ dựa vững chắc của bộ đội, là sức mạnh đáng sợ đối với kẻ thù. Bộ đội phải tạo được chỗ đứng trong lòng dân, từ đó tạo thế dứng trong vùng sau lưng địch.

        Cũng trong đêm giao thừa này ở Mộc Hạ, chúng tôi đã gặp đồng chí Trần Quyết bí thư tỉnh ủy và các đồng chí trong tỉnh ủy Sơn La. Tôi và các anh có trao đổi về tình hình những ngày qua, về vị trí và vai trò của nhân dân, nhất là những việc phải làm sắp tới, trong đó có việc phải tổ chức đội vũ trang tuyên truyền.

        Trên đường về chúng tôi không theo đường cũ mà đi thẳng Mộc Châu rồi theo ven đường số 41 lên Tà Làng, nơi trung đoàn bộ đóng.

*

*       *

        Nhờ có chuyến đi này, tôi thấy được nhiều vấn đề mới mẻ liên quan tới phương thức hoạt động và tác chiến của trung đoàn trên địa bàn Sơn La Sau này.

        Thời kì đầu, khi mới tiếp xúc với dân, chung tôi phải qua môi giới hệ thống phài tạo nên chỉ mới thấy mặt thuần phác và sự phục tùng của nhân dân. Khi địch đánh ra, chúng bắt nhân dân tiếp tế, dẫn đường, có người cho là nhân dân lạc hậu, dễ đi theo địch, đánh đồng cả bộ đội cách mạng và quân xâm lược.

        Nhưng qua những điều tai nghe, mắt thấy trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi thấy nhân dân rất tốt. Nhân dân Tây Bắc tuy chưa trải qua đấu tranh cách mạng như đồng bào dưới xuôi nhưng khi đã được phát động, đã nghe ra thì không bao giờ phản bội lại lời thề. Cuối năm 1946 đầu năm 1947, khi một bộ phận lớn đất đai Sơn La rơi vào tay giặc, hầu hết anh em chiến sĩ con em các dân tộc Sơn La đều đi theo trung đoàn. Trong đó có nhiều đồng chí sau này giữ những cương vị cao trong quân đội và các cơ quan nhà nước. Nhưng khi nhân dân chưa tin cách mạng thì bộ đội và cán bộ địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Kẻ địch dám luồn rừng đánh úp ta vì chúng được nhân dân dẫn đường, cung cấp tin tức, tiếp tế. Khi bộ đội ta không được nhân dân ủng hộ thì số quân có đông, trang bị vũ khí có được tăng cường, tiếp tế, thuốc men có đảm bảo cũng không thể hoạt động và chiến đấu thắng lợi được.

        Nói về chỗ đứng của trung đoàn Sơn La trong những ngày đầu kháng chiến, phải nói đế sự lãnh đạo của tỉnh ủy Sơn La. Chính những hoạt động cực kì gian khổ, sự hi sinh cao quý và những chiến công thầm lặng của các đảng viên cộng sản, của đồng bào các dân tộc Sơn La đã tạo điều kiện cho trung đoàn có chỗ đứng chân, đủ nuôi dưỡng, đùm bọc trung đoàn trong những thang năm đầy khó khăn, gian khổ.

        Nhớ lại, tôi lên Sơn La được ít lâu thì Trung ương cử đồng chí Trần Quyết lên thay đồng chí Dương Văn Ti làm bí thư tỉnh ủy. Số đảng viên ở Sơn La lúc đó còn quá ít chưa đủ để thành lập chi bộ, các đồng chí sinh hoạt với các đảng viên trung đoàn thành một chi bộ ghép. Đến tháng 10 năm 1946, chi bộ kết nạp thêm một số đảng viên mới, đủ điều kiện thành lập một chi bộ độc lập.

        Chi bộ đầu tiên của Sơn La ra đời trong một ngôi nhà vắng chủ ở bản Hát Lót, châu Mai Sơn. Đây là bước ngoắt của phong trào cách mạng Sơn La. Trong khi địch tiến công ồ ạt, chính quyền tỉnh chưa được củng cố, chi bộ phâi đảm nhận chức năng của một đảng bộ tỉnh.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM