Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:44:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại thắng mùa xuân  (Đọc 23726 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:33:39 am »


Chương 14

TÁO BẠO, BẤT NGỜ, CHẮC THẮNG

        Những ngày còn ở Tây Nguyên, khi được biết Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm đánh vào Sài Gòn trước mùa mưa với tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", chúng tôi bắt đẩu suy nghĩ về cách đánh Sài Gòn.

        Lúc đó tuy chưa nắm được tình hình thật cụ thể về địch, về địa hình, về tổ chức và phong trào cách mạng trong thành phố nhưng trên cơ sở nhiệm vụ đã biết, những vấn đề cần thiết đã sơ bộ chuẩn bị những kinh nghiệm đã được rút ra, trước sự rối loạn chiến lược và suy sụp tinh thần của địch, chúng tôi cố hình dung ra một cách đánh có thể tựa như cách đánh Buôn Ma Thuột không, nhưng chắc chắn trong điều kiện mới tình hình sẽ phức tạp hơn, quy mô chiến dịch sẽ lớn hơn đòi hỏi một trình độ tổ chức cao hơn. Do vai trò quyết định của chiến dịch đối với cuộc chiến tranh cách mạng, do sự thay đổi về so sánh lực lượng giữa ta và địch, do những yếu tố mới nảy ra cho nên công tác chuẩn bị sẽ phải làm nhiều mặt và vô cùng khẩn trương, nhất là công tác tổ chức chỉ huy, tổ chức hiệp đồng mọi lực lượng tham gia tiến công phải thật chặt chẽ thì mới bảo đảm chắc thắng. Tất nhiên lần này đánh vào Sài Gòn không phải cứ rập khuôn máy móc mà nghệ thuật phải phát triển hơn, sáng tạo hơn. Nhưng sáng tạo như thế nào, phát triển như thế nào, tổ chức ra làm sao thì còn phải căn cứ vào nhiều mặt cụ thể của tình hình mới quyết định được.

        Những câu hỏi đó, những suy nghĩ đó, những tìm tòi đó bắt đầu dính chặt vào đầu óc chúng tôi, nhất là từ hôm có tấm bản đồ Sài Gòn lấy được ở kho bản đồ của địch ở Buôn Ma Thuột.

        Nhớ lại những báo cáo hàng tuần, hàng tháng của Bộ Tư lệnh Miền và của Thành uỷ Sài Gòn trước đây nói về tình hình quân sự, chính trị, kinh tế, tình hình đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi dân sinh, dân chủ, đòi hoà bình thống nhất, v.v, nhớ lại những báo cáo của đơn vị đã đánh vào Sài Gòn năm 1968 và mới đây đồng chí Thượng tá Vũ Long, cán bộ của Bộ Tham mưu Miền, ra Tây Nguyên báo cáo cho biết kế hoạch chiến dịch Xuân Hè của Bộ chỉ huy Miền, chúng tôi càng có thêm những cơ sở hiểu biết cần thiết về Sài Gòn để tiếp tục dựng dần trong đầu một kế hoạch giải phóng Sài Gòn.

        Trên đường vào B.2, ngồi trên xe, suy nghĩ về cách đánh, gặp một vấn đề gì chưa nhớ ra, tôi bất chợt hỏi luôn đồng chí Hoàng Dũng, ví dụ về các con sông quanh Sài Gòn rộng, sâu như thế nào, số dân đến nay đã lên đến bốn triệu chưa. Sư đoàn 25 nguỵ do tên tướng nguỵ nào chỉ huy và nhắc điện cho Khu 6 cho ngay người đến Nha địa dư Đà Lạt lấy bản đồ Sài Gòn gửi nhanh nhất vào B.2 cho Đoàn A.75.

        Vào đến B.2, sau ba ngày nghe Bộ Tham mưu Miền báo cáo khá cụ thể về tình hình các mặt của Sài Gòn, của Quân khu 3 nguỵ và nhất là sau thời gian dự họp với Trung ương Cục và Quân uỷ Miền, nghe các đồng chí phân tích toàn diện, sâu sắc những đặc điểm của Sài Gòn, chúng tôi có thêm những căn cứ vững chắc hơn để bàn định kế hoạch tổng công kích.

        Trong những lúc thảo luận chung với các đồng chí trong Bộ chỉ huy và cán bộ phụ trách các ngành ở phòng họp, cũng như những lúc làm việc một mình, hoặc trước khi ngủ, khi thức giấc trong đêm, v.v… địa hình Sài Gòn - Gia Định luôn luôn hiện lên trong đầu óc chúng tôi. Hình ảnh Sài Gòn - Gia Định với những hệ thống đường sá, sông ngòi, kênh rạch, cầu cống, kho tàng, vị trí các cơ quan quân sự và dân sự của nguỵ quân, nguỵ quyền in dần, in dần vào trí nhớ. Tôi và nhiều đồng chí trong Sở chỉ huy từ trước đến nay chưa đặt chân đến Sài Gòn lần nào, nhưng qua một thời gian nghe nhiều, nhìn nhiều và sau nhiều ngày "dán mắt" vào các tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định, trong đó có cả những tấm in để bán cho khách du lịch, chúng tôi đã thuộc được tên nhiều đường phố, tên các cầu, các khu nhà nhiều tầng, kho tàng, bến cảng, tuy chưa biết được cảnh trí, màu sắc, đường nét, kiến trúc cụ thể, nhưng lại nhớ được cự ly, chiều rộng, diện tích, v.v, của những nơi đó. Chúng tôi đã có thể nói chuyện và làm việc với nhau về tình hình Sài Gòn mà không phải trải bản đồ như lúc mới đến B.2 nữa.

        Khi nghiên cứu hệ thống bố trí phòng ngự của địch ở vùng Sài Gòn trên bản đồ, kết hợp với báo cáo hàng ngày của các đồng chí tham mưu, quân báo, những sư đoàn bộ binh của địch như các sư đoàn 5, 25, 7, 18 và 22 (sư đoàn này vừa mới khôi phục sau trận đại bại ở Bình Định), các lữ dù, Lữ 468 thuỷ quân lục chiến, Lữ 3 kỵ binh thiết giáp, các vị trí của Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, Biệt khu thủ đô, sân bay Tân Sơn Nhất, v.v, tuy chỉ là những ký hiệu màu xanh, màu đen ghi lên bản đồ cứ ám ảnh trong đầu, dần dần hiện rõ và hình dung được cả hình thù, trạng thái tinh thần của địch, hiểu được cả tiểu sử và cá tính của những tướng, tá nguỵ chỉ huy những đơn vị đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:34:16 am »


        Thảo luận và quyết định kế hoạch đánh Sài Gòn là một quá trình lao động trí óc căng thẳng của Bộ chỉ huy chiến dịch vì thời gian còn ít quá, tình hình chuyển động nhanh quá, có rất nhiều vấn đề không chỉ đơn thuần là quân sự mà có quan hệ đến nhiều mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, tâm lý, v.v, cần được suy nghĩ kỹ càng, cân nhắc, tính toán thật đầy đủ.

        Hai vấn đề nổi bật nhất của toàn bộ kế hoạch đánh Sài Gòn là cách đánh và mục tiêu phải đánh. Các đồng chí trong Bộ Chính trị cũng điện cho chúng tôi về những vấn đề đó và chúng tôi ở cạnh Sài Gòn, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị Trung ương Đảng, cũng ngày đêm suy nghĩ về hai vấn đề đó.

        Chúng tôi biết rằng Sài Gòn - Gia Định có hơn ba triệu rưởi đồng bào đang sống nghẹt thở dưới chế độ tàn bạo của Mỹ -Thiệu mong chờ ngày giải phóng. Không nhiều thì ít đồng bào chịu ảnh hưởng của cuộc sống dưới chế độ thực dân kiểu mới. Không nhiều thì ít đống bào có người thân của mình trong hàng ngũ nguỵ quân, nguỵ quyền, đang lo lắng, đang có nhiều tâm tư trước thời cuộc, đang suy nghĩ rất nhiều cho số pnận của mình và người thân trước sự lung lay, tan rã của chế độ Mỹ- nguỵ. Và cũng do bị Mỹ, nguỵ tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp, che giấu, nhiều đồng bào chưa phân biệt được đúng sai, lo lắng về tính mạng của chính mình và gia đình, chưa hiểu rõ cách mạng và các chính sách đúng đắn của cách mạng mà bọn đầu sỏ Mỹ, nguỵ ra sức xuyên tạc trong những ngày tàn của chế độ chúng với những luận điệu về "tắm máu", "trả thù", "khổ sai", "tẩy não".

        Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức nguỵ quân, nguỵ quyền từ trung ương đến tận cơ sở, phá tan cái bộ máy chiến tranh, với bản chất phản động hiếu chiến, ngoan cố của bè lũ tay sai, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

        Nhưng lại phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không dẫn tcli chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, mất mát nhiều tài sản và cuộc sống mau trở lại bình thường.

        Một vấn đề nữa là mấy trăm nghìn binh lính nguỵ đều là người Việt Nam. Họ là những thanh niên, học sinh, những công nhân, nông dân, thợ thủ công, phần lớn là con em các gia đình lao động. Họ có gia đình, có cuộc sống, nhưng do bọn đầu sỏ phản động lừa bịp, cưỡng bức mà đại đa số bị dồn vào con đường cầm súng chống lại đồng bào, chống lại cách mạng. Họ đang muốn có hoà bình, đang muốn thoát khỏi cảnh làm lính đánh thuê, chết mướn. Họ đang muốn về với gia đình, đoàn tụ với người thân, tiếp tục học hành và sản xuất.

        Lúc còn sống, Bác Hồ đã nói: "Nguỵ binh cũng là con dân nước Việt Nam, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên Chính phủ và tôi sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến".

        Vậy đánh thế nào để một đội quân nguỵ to lớn ấy phải tan rã về mặt tổ chức, suy sụp về mặt tinh thần, không còn khả năng chống lại cách mạng theo lệnh bọn đầu sỏ ngoan cố. Phải kiên quyết tiêu diệt một cách không thương tiếc bọn đầu sỏ ngoan cố, có mưu toan chống lại cách mạng đến cùng. Nhưng, với số đông quần chúng binh sĩ nguỵ, ta lại mở ra cho họ con đường sống, không tiêu diệt sinh mạng họ một khi họ đã buông súng đầu hàng, thoát khỏi sự kìm kẹp của bọn đầu sỏ tay sai Mỹ. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ nhận thức được chính nghĩa, tiếp thụ được sự giáo dục của Đảng và chính quyền cách mạng, và mấy trăm nghìn người lính đó lại trở về quê hương, gia đình, trở lại làm người công dân của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, góp phần lao động của họ vào công cuộc xây dựng đất nước giàu manh, bảo đảm hạnh phúc riêng cho họ và gia đình họ.

        Lực lượng của ta trong cuộc tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định lần này không có sức mạnh nào ngăn cản nổi. Đánh vào Sài Gòn - Gia Định lần này ta sử dụng 5 quân đoàn chủ lực tinh nhuệ với mấy trăm nghìn quân, chưa kể các lực lượng dự bị chiến lược khác, các lực lượng địa phương của Nam Bộ đã lớn mạnh hơn bao giờ hết, chưa kể các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn thuộc các quân chủng và binh chủng với nhiều vũ khí hiện đại và trình độ kỹ thuật, chiến thuật thành thạo, với mấy nghìn khẩu pháo và súng cối các cỡ, hàng nghìn khẩu pháo và súng máy cao xạ, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, với hàng chục nghìn tấn đạn pháo cối. Đó là chưa tính đến số lượng lớn bom và tên lửa của bộ đội phòng không và không quân, và các loại vũ khí của bộ đội hải quân tham gia chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:35:02 am »


        Cán bộ và chiến sĩ ta, những người con yêu quý nhất của nhân dân, thân yêu nhất của từng gia đình, đã trải qua hàng trăm trận chiến đấu trước đây, không khó khăn nguy hiểm nào làm chùn bước, nay trong chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu, một chiến dịch mà các đồng chí chúng ta đều nhận thức là sẽ kết thúc chiến tranh để trở về với cuộc sống độc lập, tự do, hoà bình xây dựng đất nước. Tất cả từ trên xuống dưới đều sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ quang vinh này không tính toán, do dự, sẵn sàng hy sinh thân mình cho sự nghiệp cách mạng, cho ngày toàn thắng của dân tộc.

        Với sức mạnh tinh thần đó và khả năng vật chất đó, cần phải chọn phương hướng và mục tiêu nào để mau chóng đánh ngã địch, sử dụng lực lượng thế nào cho thích hợp, cách đánh, tổ chức chỉ huy, tổ chức hiệp đồng ra sao, tổ chức các mặt bảo đảm thế nào để phát huy đầy đủ nhất sức mạnh tổng hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất của ta trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh mà lại giành được thắng lợi nhanh chóng và to lớn nhất.

        Chọn cách đánh, xác định các mục tiêu còn liên quan đến cả vấn đề thời cơ và thời gian bắt đầu tiến công và thời gian kết thúc chiến dịch. Nếu cách đánh không bất ngờ, không táo bạo, không thích hợp thì thời gian sẽ kéo dài, thế trận sẽ giằng co, mùa mưa sẽ đến. Và như chúng tôi đã nắm được thì những con rối chính trị của Mỹ, nguỵ, trong nước và trên thế giới, sẽ xúi giục, dàn xếp, thọc gậy bánh xe, "mở đường cho hươu chạy", "móc ngoặc" bằng đô-la hoặc ngôi thứ, sẽ đưa ra một giải pháp nào đấy để cứu vớt cho chế độ của tập đoàn phản động Nguyễn Văn Thiệu do Mỹ dựng lên đang lung lay đến tận gốc rồi.

        Nhưng với cách đánh thích hợp nhất, chuẩn bị đầy đủ nhất, thì một khi đã phát động tổng công kích là sẽ liên tục, dồn dập và kết thúc thắng lợi nhanh nhất, không những phù hợp về thời cơ quân sự mà cả về thời điểm chính trị, ngoại giao cũng ăn khớp, nhịp nhàng.

        Thật ra, đến trung tuần tháng 4, khi toàn bộ Tây Nguyên và miền Trung đã giải phóng, quân ta đã đánh vào Xuân Lộc và áp sát vào quanh Sài Gòn thì địch cũng đã phát hiện được một số sư đoàn chủ lực của ta mới vào và đang vào miền Đông Nam Bộ. Chúng cũng biết hướng tiến công của ta sẽ là Sài Gòn. Ngay cả một số phóng viên nước ngoài có mặt tại miền Nam Việt Nam trong những ngày đó cũng đã phán đoán - còn đúng hơn Bộ Tổng Tham mưu nguỵ Sài Gòn - về lực lượng và hướng tiến công của ta. Sự bất ngờ về hướng tiến công, bất ngờ về lực lượng tiến công tuy có giảm đi, nhưng ta sẽ tạo nên những bất ngờ khác, những bất ngờ quan trọng hơn: đó là cách đánh và thời gian đánh.

        Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, v.v, trong quá trình thảo luận về kế hoạch chiến dịch do đồng chí Lê Ngọc Hiền trình bày, đều có phân tích sâu sắc các vấn đề nói trên, đi sâu vào từng khía cạnh cụ thể và cân nhắc một cách toàn diện. Thật là một sự lao động trí óc tập thể đầy hào hứng nhưng cũng rất gian khổ, căng thẳng vì tình hình diễn biến rất khẩn trương, công tác chuẩn bị rất phức tạp, thời cơ xuất hiện rất nhanh.

        Cả Sài Gòn - Gia Định, một thành phố rộng lớn nhất Việt Nam, quân địch bố trí phòng ngự vòng trong vòng ngoài mấy trăm nghìn quân mà chúng tôi chỉ chọn có 5 mục tiêu lởn nhất để nhanh chóng đánh chiếm bằng được. Đó là Bộ Tổng Tham mưu nguỵ, "Dinh Độc lập", Biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất.

        Những mục tiêu này là những cơ quan đầu não quan trọng nhất của nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn, là những bộ phận chính trong guồng máy chiến tranh và kìm kẹp nhân dân do Mỹ điều khiển, nơi tập trung đầy đủ nhất tính chất phản nước hại dân của bọn đầu sỏ tay sai Mỹ, nơi chúng bàn mưu tính kế tiếp tục chiến tranh, tiếp tục đàn áp quần chúng cách mạng yêu nước và tiến bộ, tiếp tục "chống cộng" đến cùng và tiếp tục phục vụ hết lòng âm mưu và chủ trương xâm lược Việt Nam bằng chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ. Tân Sơn Nhất là căn cứ lớn nhất cuối cùng liên lạc với bên ngoài bằng đường không của địch.

        Đánh đúng vào 5 mục tiêu đó thì toàn bộ chế độ nguỵ sẽ rung chuyển. Đó là những cái "huyệt trọng" nhất trong cơ thể đang suy nhược của chế độ Mỹ - Thiệu. Đập trúng 5 mục tiêu đó thì nguỵ quân, nguỵ quyền như rắn mất đầu, toàn bộ hệ thống phòng ngự và kìm kẹp còn lại sẽ tan rã, quần chúng sẽ nổi dậy, không một thế lực nào, không một "vĩ nhân" nào dựng lại nổi, với bất cứ âm mưu gì. Trận quyết chiến chiến lược sẽ mau kết thúc, Sài Gòn mau giải phóng.

        Và chỉ có đánh vào đấy thì hơn ba triệu rưởi đồng bào Sài Gòn - Gia Định sẽ được bảo toàn tính mạng, tất cả các công trình kinh tế, văn hoá, xã hội sẽ không bị đổ nát.

        Đó là 5 mục tiêu ở sâu trong Sài Gòn và sát Sài Gòn được Bộ chỉ huy chiến dịch chọn lựa và quyết định đánh.

        Nhưng muốn chiếm được 5 mục tiêu đó thì phải đánh như thế nào khi địch đã có 5 sư đoàn bố trí ở vòng ngoài, đang đối diện trực tiếp với các binh đoàn chủ lực của ta và có sẵn kế hoạch lùi dần, lùi dần trên các tuyến phòng thủ để co cụm về Sài Gòn và "tử thủ" Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:35:53 am »


        Hồi đánh Buôn Ma Thuột, ta nghi binh thu hút chủ lực lớn của địch về phía Kon Tum - Pleiku, ta cài thế chiến dịch cắt các đường ứng cứu để cho Buôn Ma Thuột sơ hở, cô lập… rồi ta bỏ qua các lực lượng bố trí ở vòng ngoài của chúng phần lớn là bảo an, dân vệ để bất ngờ đánh thẳng vào hai cơ quan đầu não của chúng ở sâu trong thị xã. Đánh xong bên trong ta mới toả ra diệt nốt những vị trí vòng ngoài.

        Còn bây giờ đánh vào Sài Gòn, quân chủ lực mạnh của địch lại đứng ở vòng ngoài, chủ yếu là muốn ngăn chặn ta từ xa cách trung tâm thành phố 30 đến 50km, khi ta tiến công, địch cả bên trong lẫn bên ngoài đều đã có sự chuẩn bị. Nếu ta bỏ qua các lực lượng địch bên ngoài, không đánh mà bất ngờ chọc thẳng ngay vào bên trong bằng binh lực lớn hiệp đồng binh chủng của ta thì khó trót lọt, hoặc có vào được thì 5 sư đoàn bộ binh nguỵ ấy kéo về ứng cứu, thế trận sẽ giằng co. Nhưng nếu ta tập trung lực lượng diệt xong 5 sư đoàn bộ binh của địch ở vòng ngoài rồi mới đánh vào mục tiêu trong thành phố, thì nhất định sẽ kéo dài thời gian. Do đó chắc chắn sẽ tốn xương máu, hao phí vật chất hơn và cũng khó tránh được sự thiệt hại về tính mạng và nhà cửa của đồng bào. Cho nên, nếu để các sư đoàn địch lùi về được trong nội thành, phá các cầu lớn trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các cầu khác, chiếm giữ các nhà cao tầng hoặc các khu phố đông dân mà cầm cự thì sự tàn phá, đổ nát, chết chóc sẽ khó tránh khỏi.

        Muốn tạo được bất ngờ về cách đánh phải hết sức táo bạo. Có đồng chí nói một cách dễ nhớ là: "Có táo bạo mới tạo được bất ngờ". Mà càng tạo được bất ngờ thì lại càng chắc thắng.

        Táo bạo phải trên cơ sở tư tưởng cách mạng tích cực tiến công, trên sự phân tích và quyết định sự việc một cách thật sự khoa học, giải quyết đúng đắn mọi mối quan hệ và những mâu thuẫn đã nảy sinh trong thực tế thì mới đem lại bất ngờ và chắc thắng.

        Vì táo bạo, xét cho cùng cũng là sự nhiệt tình, lòng hăng hái, quyết tâm cao, xốc tới bất chấp khó khăn và gian nguy.

        Nhưng để tạo nên cái kết quả chắc thắng thì lại còn phải nắm vững và thúc đẩy quy luật khách quan phát triển có lợi cho ta, chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ.

        Những hình thức, biện pháp chiến đấu, cách đánh của ta mang tính quy luật của chiến tranh cách mạng ở miền Nam. Lịch sử cách mạng Việt Nam 45 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là một lịch sử cực kỳ phong phú về các hình thức và phương pháp cách mạng, về sử dụng lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng, về cách đánh độc đáo không trận nào giống trận nào, không chiến dịch nào giống chiến dịch nào.

        Trong những giờ phút sôi động này, thiên tài sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân về hình thức, phương pháp cách mạng, về huy động các lực lượng, về cách đánh lại càng vô cùng phong phú.

        Đây là một bước phát triển ở giai đoạn chín muồi cuối cùng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Nó kế thừa và phát triển những kinh nghiệm, truyền thống tốt đẹp của ông cha ta đánh giặc trước kia, của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và gần đây qua cuộc kháng Chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, qua nhiều năm chống Mỹ, cứu nước. Nó cũng là kết quả hợp thành của tất cả các lực lượng, tất cả các sức mạnh của cả nước được động viên vào trận chiến đấu cuối cùng ngay tại sào huyệt của địch, tạo nên một thế mạnh và lực mạnh áp đảo để đánh bại quân địch giành thắng lợi hoàn toàn trong trận quyết chiến chiến lược này.

        Phải có cách đánh có hiệu lực nhất để phát huy được hết sức mạnh của tất cả các lực lượng. Tất nhiên đòn chủ yếu để kết thúc chiến tranh cách mạng phải là đòn quân sự.

        Trước tình hình về địch, địa hình, nhiệm vụ, dựa vào ưu thế binh lực của ta bao gồm chất lượng, số lượng, tinh thần và chỉ huy, căn cứ vào yêu cầu của trận quyết chiến cuối cùng và về chuyển hoá mới về chất của tình hình khách quan. Bộ chỉ huy chiến dịch đã đi tới nhất trí về cách đánh của chiến dịch lịch sử này là: dùng một bộ phận lực luợng thích hợp, trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng đại bộ phận lục lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hoá mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành. Để phối hợp với các binh đoàn đột kích đó, tạo điều kiện cho các binh đoàn tiến nhanh và đánh vào đúng các mục tiêu, các lực lượng đặc công, các đội biệt động, các lực lượng an ninh vũ trang và tự vệ thành phố, các lực lượng chính trị của quần chúng ở Sài Gòn - Gia Định sẽ đánh chiếm trước các cầu qua sông, tạo bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến quân, dẫn đường cho các đơn vị, trừ gian và phát động quần chúng nổi dậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:36:28 am »


        Toàn bộ hoả lực pháo binh của chiến dịch sẽ được sử dụng tập trung đánh vào các mục tiêu quân sự cần đánh chiếm như sân bay Tân Sơn Nhất hoặc khu vực Bộ Tổng Tham mưu nguỵ. Không quân lúc cần sẽ được sử dụng để ném bom góp phần làm tê liệt nốt sân bay rân Sơn Nhất. Tên lửa, pháo cao xạ triển khai thành một lưới lửa phòng không quanh Sài Gòn khống chế bầu trời, bảo vệ đội hình của chiến dịch.

        Cách đánh như vậy rõ ràng là rất thích hợp. Ta không để cho địch ngăn chặn và làm chậm bước tiến của ta ở vòng ngoài và cũng không cho địch lùi dần về Sài Gòn co cụm để cùng lực lượng bên trong tiếp tục chống cự. Ta tập trung sức mạnh để đánh vào các mục tiêu chủ yếu kết hợp với tiêu diệt địch ở vòng ngoài không để quân địch trong ngoài ứng cứu cho nhau, không cho địch lẩn vào trong các khu dân cư để phòng ngự, làm chết lây đồng bào. Và cái chính, cái quan trọng nhất của cách đánh này nhằm đạt mục đích cao nhất, nhanh nhất, chắc chắn nhất của chiến dịch mang tên Bác Hồ là giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đánh đổ ngụp quyền trung ương, giải phóng hoàn toàn miền Nam, theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là táo bạo, bất ngờ, chắc thắng để thực hiện lời Bác Hồ dạy là đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

        Đi đôi với việc xác định kế hoạch tổng công kích giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng xây dựng một kế hoạch nổi dậy của quần chúng để phối hợp chặt chẽ tiến công quân sự và lực lượng chính trị nổi dậy.

        Trong tình hình thực tế của Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ, công tác chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy phải tính toán thật kỹ lưỡng, tiến hành thật khẩn trương mà lại phải hết sức giữ bí mật, nhất là kế hoạch này phải phổ biến xuống tận phường khóm, đến các cơ sở chính trị, binh vận của ta trong thành phố. Chúng tôi biết rằng bộ máy kìm kẹp của nguỵ quyền Sài Gòn vô cùng độc ác, nham hiểm. Các tổ chức mật vụ, tình báo Mỹ - nguỵ trong nước và nước ngoài thuê tuyển hàng chục nghìn tên ác ôn, chỉ điểm bằng tiền của Mỹ, đội lốt đủ hạng người trà trộn trong nhiều ngành, nghề, đang ngày đêm rình mò, bắt giam, đánh giết đồng bào yêu nước và tiến bộ của cả miền Nam nói chung và Sài Gòn - Gia Định nói nêng. Chưa kể hàng chục nghìn cảnh sát và cảnh sát dã chiến, quân cảnh, trong đó một số cũng vì tình thế, vì miếng cơm manh áo đang cầm súng, cầm dùi cui thi hành lệnh của bọn ác ôn đầu sỏ, chống lại nhân dân, chống lại cách mạng.

        Đồng bào Sài Gòn - Gia Định từ lâu sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo và éo le đó đang suy nghĩ nhiều về những diễn biến dồn dập gần đây và những gì sắp xảy đến liên quan đến bản thân từng người, từng gia đình, liên quan đến hiện tại và tương lai, đến đời sống tinh thần và vật chất. Chúng tôi rất tin là, với truyền thống đấu tranh từ trước đến nay, với những uất ức, căm hờn Mỹ - Thiệu sẵn có, lại có thời cơ thuận tiện, có sự dìu dắt của những đồng bào chí cốt, những đồng chí trung kiên, đồng bào sẽ đứng dậy tham gia đấu tranh khi quân ta đánh vào Sài Gòn.

        Chưa kể đến mấy trăm nghìn đồng bào từ các tỉnh mới dồn về Sài Gòn gần đây, đang sống đợi chờ tình thế ngã ngũ để trở về với làng xóm quê hương đã được giải phóng.

        Những bộ máy kìm kẹp và bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ - nguỵ vẫn còn đem hết sức tàn cứu lấy chế độ đã rữa nát và trong những ngày này bọn đầu sỏ hiếu chiến phản động nhất cùng lũ tay chân ngoan cố vì quyền lợi giai cấp ích kỷ của chúng, có thể gây thêm nhiều tội ác hơn.

        Chúng tôi phải tính đến khả năng thực tế đó mà hướng dẫn hình thức nổi dậy, thời điểm nổi dậy cho thích hợp để huy động lực lượng quần chúng xông ra đấu tranh trước mũi súng của quân địch, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cuộc tổng công kích để giành thắng lợi nhanh chóng cho chiến dịch và lấy tiến công quân sự làm đòn quyết định, đi trước một bước tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công chỉ đạo công tác này, ngày đêm làm việc với Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định, với các cơ quan có liên quan.

        Công tác vận động binh sĩ và nhân viên nguỵ quyền cũng được triển khai khẩn trương trước ngày nổ súng tổng công kích. Các đồng chí của ta có trách nhiệm về việc này trong Sài Gòn và vùng ven từ trước đến nay đã rất kiên trì, khôn khéo, chịu đựng gian khổ, trước tình hình mới này lại càng linh hoạt, khẩn trương và rất dũng cảm. Các đồng chí tiếp xúc với địch, chỉ cho họ con đường tự cứu lấy họ và cứu lấy gia đình đau khổ của họ, con đường đưa những người lầm đường, lạc lối về với chính nghĩa, về với dân tộc. Một số đồng chí của ta đã bị bắt, bị giết, nhưng tinh thần hy sinh vì cách mạng của các đồng chí chúng ta đã thức tỉnh, cảm hoá được biết bao nhiêu người đang cầm súng cho địch. Nay họ đang chờ thời cơ. Vậy trong khi ta tổng công kích vào Sài Gòn, ta cần tạo điều kiện cho số đông binh sĩ, cảnh sát, nhân viên nguỵ quyền đứng về phía cách mạng, phía nhân dân để đánh lại bọn đầu sỏ ngoan cố. Những chính sách của chính quyền cách mạng đối với tù binh, hàng binh cần được phổ biến gấp trước và trong khi tổng công kích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:37:13 am »


        Việc chuẩn bị tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định là một công tác toàn diện, đòi hỏi có nhiều lực lượng và triển khai gấp, Trung ương Cục đã có sự phân công đồng chí trực tiếp chỉ đạo việc này. Trung ương cử thêm đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng, vào tăng cường và phái nhiều cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các Bộ, các ngành đi gấp vào kịp trước ngày Tổng công kích Sài Gòn - Gia Định. Công tác này không chỉ đơn thuần về mặt hành chính và kỹ thuật mà kết hợp toàn diện cả quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội, đòi hỏi một sự lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời, một sự giáo dục sâu rộng trong tất cả các lực lượng tiến vào thành phố. Một loạt chính sách của đảng, của chính quyền cách mạng đối với tôn giáo, tư sản, ngoại kiều, đối với nguỵ quân và nhân viên nguỵ quyền cần được kịp thời phổ biến trong các tầng lớp nhân dân.

        Sau khi bàn bạc, thảo luận rất kỹ lưỡng được Bộ Chính trị chỉ thị hướng dẫn và tăng cường thêm cán bộ từ Trung ương vào, đồng chí Lê Đức Thọ và đồng phí Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác chuẩn bị tiếp quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.

        Quân uỷ Trung ương cũng cử đồng chí Thiếu tướng Giáp Văn Cương, Phó Tổng Tham mưu trưởng, dẫn một đoàn cán bộ và nhân viên kỹ thuật quân sự kịp vào gặp chúng tôi trước ngày bắt đầu tổng công kích để nhận nhiệm vụ tổ chức tiếp quản các cơ sở quân sự.

        Trong những ngày này, các đồng chí Trần Văn Trà, Đồng Văn Cống, Lê Ngọc Hiền và tôi tập trung sức giải quyết vấn đề tổ chức hiệp đồng, thông qua các kế hoạch hành động và kế hoạch bảo đảm của các hướng, các quân khu, các binh đoàn, các quân chủng, binh chủng và tổ chức công tác kiểm tra. Sở chỉ huy chiến dịch thật là nhộn nhịp. "Khách" từ các nơi đến Sở chỉ huy để nhận nhiệm vụ, để báo cáo tình hình, để hợp đồng kế hoạch.

        Đồng chí nào cũng muốn đóng góp được tốt nhất, nhiều nhất và kịp thời nhất phần mình và đơn vị mình vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử, gặp khó khăn thì tìm mọi cách khắc phục, biểu hiện một sự nhất trí cao về quyết tâm, tư tưởng và tác phong giữa trên và dưới, giữa các binh chủng quân chủng. Khi gặp đồng chí Doãn Tuế và đồng chí Thượng tá Nguyễn Tám, Trưởng phòng pháo binh Quân khu 7 để giao nhiệm vụ cho Pháo binh, thấy trận địa pháo 130 milimét có nhiệm vụ bắn vào Tân Sơn Nhất và các mục tiêu khác trong thành phố chưa đạt yêu cầu, các đồng chí có đưa ra một phương án là dùng một sư đoàn bộ binh đánh xuống Bình Dương, giải phóng trước một khu vực để đưa pháo tầm xa vào đấy trước khi bắt đầu tổng công kích. Đánh vào thì chắc chắn là được, trận địa pháo chắc sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Nhưng nhìn thế trận chung và các yêu cầu của chiến dịch là táo bạo, bất ngờ, chắc thắng thì phải đành "hy sinh" cái táo bạo, bất ngờ của riêng pháo binh, mặc dù đề nghị đó rất hấp dẫn và cũng rất táo bạo.

        Hôm kiểm tra việc bảo đảm cơ động cho các hướng, đồng chí Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Đoàn 559 cho chúng tôi biết, đã sửa chữa xong các cầu bị địch phá trên các đường số 1 và số 20. Riêng cầu Nha Bích nằm trên đường số 14 từ Đồng Xoài đi Chơn Thành rất quan trọng đối với việc cơ động của các quân đoàn từ phía bắc tiến về Sài Gòn và sông Sài Gòn cũng như việc bảo đảm hậu cần của toàn chiến dịch. Lòng sông sâu, bờ rất đứng mà địch thì dùng không quân quyết phá, hiện chưa sửa xong, đang làm trở ngại lớn cho ta, cho nên chúng tôi tăng cường bộ đội cao xạ và đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Khắc Hy trực tiếp chỉ huy việc sửa chữa cầu này.

        Chúng tôi cũng tính đến chuyện là địch đã có kế hoạch phá các cầu qua sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các cầu khác khi ta tiến vào Sài Gòn. Vì vậy khi làm việc đó đồng chí Thượng tá Trần Bá Tòng, Chính uỷ công binh của Miền, ngoài việc phải chuẩn bị để sửa chữa những cầu hỏng bắc cầu tạm, dùng phà, chúng tôi đã tính đến việc huy động các tàu, thuyền, xà lan dọc các sông nói trên để đưa một phần bộ đội tiến theo dọc sông vào Sài Gòn hoặc đưa bộ đội và binh khí kỹ thuật sang sông. Các đồng chí trong Trung ương Cục nhất là đồng chí Phan Văn Đáng, rất tích cực tham gia bảo đảm cho kế hoạch này.

        Việc bố trí tên lửa phòng không trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là một cố gắng lớn của bộ đội phòng không.

        Các đơn vị tên lửa này có mặt hồi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, nay đã nằm trong đội hình Chiến dịch Hồ Chí Minh. Việc khắc phục vô vàn khó khăn để bảo đảm cơ động, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị này đi theo đường Trường Sơn vào được đến Nam Bộ đã là một thắng lợi. Sau khi làm việc với đồng chí Quang Hùng và đồng chí Thượng tá Phạm Xã, Phó Chính uỷ cao xạ của Miền, trước khi bắt tay tạm biệt, chúc thắng lợi, chúng tôi có nói đùa là không quân địch sắp hết vốn liếng rồi mà cao xạ các loại của ta lại nhiều, đứng gần Sài Gòn hơn các đồng chí tên lửa rồi đó, phải nhanh tay, nhanh mắt không thì bộ đội tên lửa "thất nghiệp" đấy.

        Ngoài ra, hôm làm việc với đồng chí Đại tá Trần Văn Danh (Ba Trần) về nhiệm vụ của bộ đội đặc công, chúng tôi có bàn thêm một kế hoạch khá đặc biệt là khi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cho một lực lượng nhanh chóng tiến về khu vực gọi là "trại David", nơi phái đoàn quân sự của ta đang ở, phối hợp với các đồng chí trong đó và đưa các đồng chí ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:37:50 am »


        Những ngày cuối cùng chuẩn bị cho cuộc tổng công kích rất khẩn trương và căng thẳng. Nhiều đoàn cán bộ đã xuống các hướng, các cánh, các quân chủng, các binh chủng để kiểm tra việc chuẩn bị các mặt. Cũng nhờ hệ thống thông tin của chiến dịch ngày càng ổn định và thông suốt, tinh thần phục vụ của cán bộ, chiến sĩ thông tin và cơ yếu rất tốt, cho nên chúng tôi nắm được kịp thời tình hình của các hướng và hàng ngày làm việc đều đặn với Hà Nội. Đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Thăng, Tư lệnh kiêm Chính uỷ thông tin của Miền đã cùng với đồng chí Hoàng Niệm khẩn trương triển khai các mặt công tác thông tin.

        Công tác hậu cần, khâu đầu tiên và cũng là khâu cuối cùng của tất cả mọi cuộc chiến đấu, mọi chiến dịch, thường được gọi là đi trước về sau, được đôn đốc nhiều nhất, được đòi hỏi gấp nhất và cũng được hậu phương miền Bắc đáp ứng đầy đủ nhất mọi yêu cầu. Các đồng chí phụ trách hậu cần của chiến dịch, khi báo cáo là mọi việc chuẩn bị đã xong, vui vẻ nói: "B.2 chưa lúc nào đông vui, giàu có như lúc này và cũng chưa lúc nào được vinh dự đón tiếp một "đoàn khách" mấy trăm nghìn người như thế này. Mà "khách" thì đi toàn xe hơi, máy bay, tàu thuỷ, mang theo đủ thứ, "chủ nhà" thật đỡ lo hơn trước rất nhiều".

        Các mẩu chuyện do các đồng chí mới ở Hà Nội vào kể làm cho chúng tôi hình dung được cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa xây dựng, vừa chiến đấu, tiếp tục khắc phục những hậu quả nặng nề do cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ tiến hành gần như liên tục từ 1965 đến hết năm 1972 gây ra, chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã tổ chức, động viên ngay một khối lượng sức người, sức của to lớn cho tiền tuyến để đánh thắng.

        Hội đồng chi viện chiến trường, từ ngày thành lập làm việc rất khẩn trương, không kể giờ giấc, giải quyết nhiều việc quan trọng và các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Bí thư Trung ương Đảng thường xuyên góp ý kiến với Hội đồng để đẩy mạnh công tác chi viện chiến trường.

        Chúng tôi biết, trong những ngày vừa qua, các đồng chí phụ trách các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các thành phố, các tỉnh ở miền Bắc làm việc suốt ngày đêm nhằm đáp ứng đầy đủ nhất, nhanh chóng nhất, ưu tiên nhất những yêu cầu của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi rất xúc động khi được tin đồng bào các dân tộc Tây Bắc và Việt Bắc đã đề nghị với Trung ương xin dừng kế hoạch vận chuyển gạo, muối về cho địa phương mình mà dành cả đoàn xe với những thứ hàng quý đó quay vào Nam Bộ cho kịp kế hoạch tổng công kích, hoặc nhiều công trường, nhà máy, cơ quan rút bớt đến 30-50% số người trong biên chế để tham gia các mặt bảo đảm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Quân và dân Khu 5 cũng hết lòng hết sức chi viện cho Mặt trận Sài Gòn. Hội đồng chi viện tiền phương của Khu 5 được thành lập do đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch. Đồng chí Võ Chí Công chỉ thị cho toàn khu "tất cả cho tiền tuyến Sài Gòn", "tất cả để phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh". Quân Khu 5 còn tổ chức một bộ phận tiền phương gồm các đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Thiếu tướng Võ Thứ, Thiếu tướng Lư Giang, chuyên lo phục vụ cánh quân hướng đông và tây của chiến dịch, tập trung phần lớn lực lượng và phương tiện vật chất của quân khu và các tỉnh trong quân khu phục vụ các binh đoàn cơ động vào Mặt trận, đã huy động gần 2.000 lượt xe vận chuyển bộ đội và 4.000 tấn hàng cho Mặt trận Sài Gòn.

        Vùng mới giải phóng từ Trị Thiên đến Phan Thiết đang dần dần ổn định, nhân dân vừa được giải phóng cũng đang cố gắng góp công, góp của cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Và các ngành y tế, nội thương, văn hoá, giáo dục, tuyên huấn, từ miền Bắc đã vào các vùng đó để giúp địa phương khắc phục những khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần do địch để lại. Đặc biệt là nhiều lực lượng an ninh của miền Bắc cùng với đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, đang trên đường số 1 vào Nam để tăng cường kịp thời, phối hợp với quân đội và lực lượng an ninh địa phương, làm tốt việc bảo vệ trật tự trị an, trấn áp những nhóm ngoan cố còn sót lại để không những bảo đảm cuộc sống yên lành cho nhân dân mà còn tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang an toàn tiến vào giải phóng Sài Gòn.

        Hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa được nối dài thêm với hậu phương lớn vừa được giải phóng ở miền Nam đã tăng thêm sức mạnh cho tiền tuyến.

        Chúng tôi biết rõ những cố gắng và công lao to lớn của đồng bào, đồng chí ở hậu phương, đang làm việc với khí thế không phải một người làm việc bằng hai mà bằng nhiều hơn thế để thay thế chúng tôi, những người được vinh dự phái đi trước ra mặt trận và chắc rằng rất nhiều đồng chí cũng muốn được ra tiền tuyến trong giờ phút lịch sử này.

        Riêng đối với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ và nhân viên ở cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, do đã hơn hai chục năm làm việc bên nhau trong suốt hai cuộc chiến tranh, chúng tôi hình dung được rõ nét nhất sự bận rộn, căng thẳng, tính chính xác, chu đáo trong công tác của các đồng chí, nhất là trong các Cục Tác chiến, Quân báo, Cơ yếu, Bộ Tư lệnh Thông tin, v.v, để theo dõi nắm tình hình, báo cáo kịp thời và đề đạt những ý kiến với Quân uỷ Trung ương và Bộ Chính trị.

        Dưới sự lãnh đạo, giáo dục và tổ chức của Đảng, cả một dân tộc anh hùng, cả một quân đội anh hùng như một guồng máy vĩ đại đang chuyển động nhịp nhàng, với số vòng quay cao nhất, với công suất phát ra lớn nhất để trong một thời gian ngắn nhất, tạo nên một sản phẩm cao đẹp của thời đại: Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:39:12 am »


Chương 15

GIỜ TÀN CỦA ĐỊCH

        Trong quá trình cuộc tổng tiến công chiến lược, Đảng ta theo dõi rất sát sự suy yếu của địch, phát hiện kịp thời những biểu hiện tan rã của chúng để tích cực tạo thời cơ và kịp thời tận dụng thời cơ. Đánh đúng thời cơ thì lực lượng nhỏ cũng thành sức mạnh lớn, lực lượng lớn sẽ thành sức mạnh lớn hơn rất nhiều. Thời cơ chính là lực lượng và là sức mạnh.

        So sánh lực lượng quân sự và tình thế chính trị chuyển biến đưa đến một bước ngoặt hoàn toàn bất lợi cho địch. Rốcpheolơ, Phó Tổng thống Mỹ, ngay từ ngày 2 tháng 4 đã phải thú nhận: "Đã quá muộn để có thể làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế". Nhưng ngoan cố và xảo quyệt vốn là bản chất của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Bọn cuồng chiến Mỹ - nguỵ vẫn còn cố sức bày mưu lập kế hòng cứu vãn tình hình, ngăn chặn "một trận Oatéclô thứ 2" có thể chôn vùi uy danh của tên trùm sỏ đế quốc Mỹ.

        Thời gian càng trôi qua, chiến trường càng thu hẹp, quân lính, tướng tá địch thua trận chạy trốn về Sài Gòn càng làm cho bọn còn lại hoảng hốt, lo sợ. Pho và Kissinger vừa lâm ly, thống thiết với bè lũ Thiệu: "xin chia sẻ nỗi niềm không vui, tiếc hận cho những cuộc rút lui bắt buộc", vừa động viên hứa hẹn: "Mỹ sẽ đứng vững đằng sau Việt Nam cộng hoà"(!)

        Pho và Kissinger ra sức thúc ép quốc hội Mỹ tăng khối lượng viện trợ khẩn cấp lên 722 triệu đô la, yêu cầu được quyền sử dụng lực lượng quân sự gọi là để "di tản và bảo vệ di tản".

        Được quan thầy hà hơi cổ vũ, bè lũ Thiệu ra lệnh cố thủ phần đất còn lại kể từ Phan Rang trở vào. Đến ngày tận số, chúng còn nuôi ảo tưởng coi đế quốc Mỹ như ông chủ đáng tin cậy, sẵn sàng đưa tay ra dắt chúng bước khỏi vũng lầy. "Đại sứ" Mỹ Matin như người thầy thuốc ngồi bên con bệnh nặng là Thiệu, giữ Thiệu sống trong cái ảo tưởng đó.

        Nhưng quân nguỵ "chẳng có mấy thời gian để thực hiện kế hoạch tử thủ, cũng như ổn định vành đai phòng thủ cho một phần ba Nam Việt Nam còn lại". Đó là những lời bàn tán trong nội bộ chúng. Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta phát triển rất nhanh về tốc độ, đang tiến tới đỉnh cao mới.

        Quân giải phóng Campuchia đã áp sát vào Phnôm Pênh, Lon Non bỏ cả Phnôm Pênh, chỉ kịp mang theo một tay nải chạy theo chủ Mỹ. Lầu năm góc mở cuộc hành quân "diều hâu" để rút lui. Giôn Đin, "Đại sứ" Mỹ ở Phnôm Pênh, cũng tranh lên một chiếc máy bay chạy sang Thái Lan, tay xách chiếc túi nhựa đựng lá cờ Mỹ vừa hạ ở Sứ quán. Bọn cố vấn Mỹ và bọn tay sai đầu sỏ tranh nhau chạy khỏi Phnôm Pênh. Ngày 17 tháng 4, Quân giải phóng tiến vào thành phố, bọn nguỵ Campuchia đầu hàng không điều kiện. Mỹ tỏ ra hoàn toàn không còn khả năng tham chiến trở lại và cứu bọn nguỵ tay sai. Không phải là do chúng thiếu lực lượng mà chính là do chúng thấy rằng, dù chúng có tung vào bao nhiêu vũ khí, đô la, hoặc liều lĩnh dùng lực lượng quân sự trở lại xâm lược Campuchia và miền Nam Việt Nam thì cũng không sao đảo ngược được tình thế mà chỉ chuốc lấy thất bại lớn hơn. Dư luận thế giới cho rằng cuộc rút lui của Mỹ ở Campuchia là cuộc diễn tập của chúng để chuẩn bị rút khỏi miền Nam Việt Nam.

        Giải phóng Phnôm Pênh, giải phóng Campuchia là chiến thắng vĩ đại, là một bản anh hùng ca của quân và dân Campuchia. Sự kiện đó cho thấy thế suy yếu thảm hại của đế quốc Mỹ ở bán đảo Đông Dương. Điều đó báo trước sự thất bại hoàn toàn của chúng và bọn tay sai ở miền Nam Việt Nam. Nguỵ quyền Sài Gòn nhìn vào tình hình Campuchia với nỗi lo sợ, hoang mang rõ rệt và mối nghi ngờ bọn chủ Mỹ.

        Trong khi đó, tình hình cách mạng Lào đang phát triển tốt đẹp càng cổ vũ cán bộ, chiến sĩ ta ngoài mặt trận. Bọn phản động cực hữu Lào bị nhân dân Lào ở nhiều nơi lên án và trừng trị. Quần chúng hướng về cách mạng, về Đảng nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước, đòi hỏi thành lập một chính quyền dân chủ nhân dân.

        Mỹ - nguỵ trong bước đường cùng, bề ngoài tiếp tục gào thét tử thủ, bên trong dao động hốt hoảng. "Dinh Độc lập" của Thiệu trở thành một cứ điểm phòng thủ được tăng cường gấp ba lần so với trước đây, cứ 30 đến 40 mét lại có một lô cốt nhỏ, mũi súng liên thanh chĩa ra ngoài, ngay trước Dinh một máy bay lên thẳng túc trực sẵn sàng trên bãi cỏ, xe tăng bố trí dưới những rặng cây.

        Trần Văn Đôn, Bộ trưởng quốc phòng nguỵ, trong báo cáo ngày 18 tháng 4, sau khi đi kiểm tra một số khu vực phòng thủ, đã bi đát kêu lên: "quốc gia đang trong tình trạng nguy ngập thật sự. Sự sống còn chỉ có thể tính từng ngày, từng tuần, không thể tính từng tháng".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:39:46 am »


        Matin, "Đại sứ" Mỹ, ngày 19 tháng 4, cũng mật báo tình hình tuyệt vọng về Oasinhtơn: "Các đơn vị đối phương đang cùng lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn từ mọi hướng với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng chính phủ (nguỵ quyền Sài Gòn) rất nhiều, có khả năng bao vây thành phố và cô lập thành phố này trong vòng một hay hai tuần nữa. Mặc dù phía chính phủ (?) có thể tăng viện một hoặc hai mặt trận bằng cách rút lực lượng từ khu vực Cần Thơ hoặc Mỹ Tho trong châu thổ, nhưng việc này cũng không thể làm gì hơn là kéo dài thêm sự tồn tại của Sài Gòn khoảng một tuần, bởi vì quân đối phương hầu như ngay tức khắc sẽ có khả năng loại trừ những lực lượng tăng cường này với lực lượng gấp bội của họ".

        Ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mỹ từng chạy trước và chạy nhanh hơn nguỵ. Đến giờ phút đen tối này, quan thầy Mỹ lại càng nhanh chân phát huy "sở trường".

        Chính quyền Pho - Kissinger mang trong đầu óc biết bao nhiêu tham vọng nhưng không thể tính toán khác được, vì có liều lĩnh cũng không cứu vãn được mà còn chui đầu trở lại con đường hầm không lối thoát và thất bại sẽ càng lớn hơn. Ba mươi sáu chước, chước "chuồn" là hơn.

        Ngày 18 tháng 4, chính quyền Pho - Kissinger ra lệnh di tản gấp bọn Mỹ ở Sài Gòn và cử Đin Brao phụ trách lực lượng đặc nhiệm dưới quyền chỉ đạo của Pho - Kissinger để điều khiển di tản. Một lực lượng lớn không quân, hải quân Mỹ gồm 35 tàu chiến, có bốn chiếc tàu sân bay, chiếm gần một phần ba tổng số loại đó của Mỹ, và hàng trăm máy bay các loại hoạt động nhộn nhịp trong một cuộc hành quân rút chạy hốt hoảng bắt đầu từ ngày 21-tháng 4. Trong cơn lốc kinh hoàng của cuộc di tản mà ngày cuối cùng được mệnh danh là cuộc hành quân "người liều mạng", máy bay lên thẳng Mỹ nhào lộn rối rít trên bầu trời Sài Gòn, đỗ xuống sân thượng sứ quán Mỹ và một số sân thượng khác trong thành phố để bốc đi những người Mỹ đang chen chúc chờ trên nóc nhà. Binh sĩ nguỵ tuyệt vọng trước cảnh Mỹ tháo chạy. Không còn những cuộc hành quân diễu võ giương oai để "tìm diệt", chỉ còn cuộc hành quân "liều mạng" tháo chạy lịch sử của đế quốc Mỹ.

        Trước khi cao chạy xa bay, Mỹ còn gây ra cho nhân dân ta biết bao thảm cảnh đầy máu và nước mắt. Chúng bắt cóc hàng nghìn trẻ em đưa về Mỹ và nước ngoài, với mục đích trước mắt nhằm gây xúc động dư luận, xin thêm viện trợ cho bọn nguỵ Sài Gòn, về lâu dài định làm cho các trẻ em này quên Tổ quốc, chống lại tổ quốc sau này. Những linh hồn bé bỏng, nạn nhân trò bịp lớn của Mỹ - nguỵ, đã phải rời gia đình và Tổ quốc trong tiếng gào thét thảm thiết. Hàng trăm em đã chết khi một máy bay vừa rời sân bay bị hỏng đâm nhào xuống đất. Sự tàn bạo của đế quốc Mỹ chỉ làm chúng tôi ở chiến trường thêm căm phẫn và thêm quyết tâm đánh thắng nhanh nhất, gọn nhất.

        Chúng di tản, tháo chạy, nhưng lại dùng chiến tranh tâm lý lừa bịp, xuyên tạc, khủng bố để còn lừa hàng chục nghìn người gọi là "tị nạn" theo chúng. Đây là những tội ác vô cùng thâm độc, rạch sâu vết thương phân ly trong biết bao gia đình. Cuộc di tản do Mỹ chủ trương nhằm mục đích: tuyên truyền rằng nhân dân không theo cách mạng, chúng tận dụng "chất xám" của một số trí thức và nhân viên kỹ thuật, sử dụng những người làm việc cho chúng vào âm mưu đen tối sau này. Đáng thương cho những người bị lừa bịp và căm ghét thay những kẻ cố tình theo Mỹ quên hết mọi đạo lý của người Việt Nam, quên mất Tổ quốc của mình.

        Báo Tiền tuyến của quân đội nguỵ nêu đầu đề suốt tám cột: "Cộng hoà Việt Nam không bao giờ đầu hàng cộng sản". Nhưng Uâyen ngày 21 tháng 4 đã than thở: "Tình hình quân sự là tuyệt vọng". Và trong một bài diễn văn ở trường đại học Niu Oliân ngày 23 tháng 4, Pho đã ngậm ngùi nói: "Chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ, không thể giúp đỡ người Việt Nam được nữa, họ phải đương đầu với bất cứ sốphận nào đang đợi họ".

        Nội bộ quan thầy bi đát, rối ren; nội bộ bọn tay sai ở Sài Gòn cũng lâm vào cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng.

        Chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ thường thực hiện chính sách dùng nhiều ngựa. Trong tình hình bình thường, chính sách này có tác dụng kiềm chế lẫn nhau giữa bọn tay sai, vừa tạo ra bộ mặt dân chủ giả hiệu lừa mị quần chúng, vừa che đậy sự thống trị của Mỹ. Song, trong cơn nguy khốn, chính sách này lại sinh phản tác dụng. Các tập đoàn tay sai không chỉ hoạt động theo chiều hướng câu kết để kêu gào "chống cộng" ngăn chặn thất bại, mà còn biến thất bại thành một thứ vũ khí chống lại nhau, thanh toán lẫn nhau, tranh nhau làm "ngựa nòi" cho Mỹ, làm cho bộ máy nguỵ quyền càng suy yếu. Trước sự bất lực của Thiệu, Trần Thiện Khiêm vốn từ lâu mâu thuẫn với Thiệu, vận động "hội đồng tướng lĩnh" ra nghị quyết ép Thiệu từ chức.

        Tướng Nguyễn Cao Kỳ bị Thiệu gạt ra từ lâu cũng nhảy ra với Cao Văn Viên định làm đảo chính lật Thiệu. Mâu thuẫn trong bọn cầm đầu tác động đến tinh thần tướng tá, binh lính nguỵ vốn đang suy sụp, tan rã. Chúng bắn giết lẫn nhau, như tên Trung tướng nguỵ Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 nguỵ bắn chết tên Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư lệnh phó, và "không chấp nhận một mệnh lệnh nào khác ngoài mệnh lệnh di tản".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 01:40:10 am »


        Chúng tôi hết sức chú ý theo dõi sát tình hình địch, nhất là tin tức Mỹ di tản. Bộ Chính trị chỉ thị cho chúng tôi chuẩn bị khẩn trương, làm việc hết sức nhanh, đốc các cánh quân sửa soạn gấp, và nhắc chúng tôi chú ý sẵn sàng nắm thời cơ để hành động.

        Đúng lúc các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và tôi vừa họp xong để rà soát lại lần cuối cùng công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh thì chiều 21 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu sụt sùi tuyên bố rút khỏi cái gọi là "Tổng thống Việt Nam cộng hoà".

        Thế là kết thúc cuộc đời chính trị xấu xa của một tên Việt gian hết sức tồi tệ làm tay sai cho Mỹ, đã gây biết bao tội ác đẫm máu đối với đồng bào ta trong cả nước. Hắn than thân trách phận và oán thầy, chửi tớ bằng một giọng lính tẩy. Hắn tiếc nhất là không có đủ viện trợ, không có sự can thiệp của Mỹ để kéo dài chiến tranh và thách Mỹ có giỏi thì vào một lần nữa để đánh "Việt cộng".

        Thiệu đổ là sự tan vỡ một ảo tưởng của Mỹ mưu toan dùng tập đoàn Thiệu làm công cụ tiếp tục chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh". Thiệu đổ không phải vì năm Mèo, hắn cầm tinh con Chuột, cũng không phải do sét đánh đổ tảng đá nhọn như dao (núi Dao hay núi Đá Chồng ở Phan Rang) gần ngôi chùa lộng lẫy trên lưng chừng núi mà hắn đã dùng một tiểu đoàn công binh để xây dựng và một đại đội bảo an thường xuyên canh gác cho mẹ hắn ở đó "tu nhân tích đức". Hắn đổ vì chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ hoàn toàn đi ngược lại ý chí độc lập, tự do của nhân dân ta và thất bại hoàn toàn.

        Mỹ đưa Trần Văn Hương, một tay sai đắc lực khác của Mỹ, lên thay Thiệu. Chỗ khác nhau giữa Thiệu so với Hương chỉ là giữa một tên Việt gian quân phiệt tàn bạo với một tên Việt gian dân sự rất nham hiểm. Cả hai đều ngoan cố, tiếp tục chiến tranh, chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân. Chính quyền Hương chỉ là một chính quyền Thiệu không có Thiệu.

        Ai cũng biết là Thiệu đã bị Mỹ vứt vào sọt rác nhưng phe Thiệu vẫn nắm quyền ở Sài Gòn, Thiệu vẫn còn ngồi ở Sài Gòn sau Hương để chỉ huy bọn đàn em. Bọn này động viên nhau: "Chuyện mười mấy sư đoàn Việt cộng bao vây Sài Gòn là con ngoáo ộp do phe đối lập bịa ra", hoặc "làm gì có chuyện mười mấy sư đoàn Việt cộng đã tới Sài Gòn, mà dù có đi nữa, không quân ta cũng đủ sức san bằng tất cả. Hiện ta có loại bom CBU đủ sức diệt một lúc cả một sư đoàn". Một tay chân của Thiệu huênh hoang ở quốc hội bù nhìn: "Nhất quyết không trao quyền cho một chính phủ đầu hàng".

        Cho đến ngày 26 tháng 4, khi Thiệu và gia đình hắn đem 16 tấn vàng bạc, đô la, của cải vội vã chạy sang Đài Loan, bọn chúng mới tỉnh giấc mơ rồi chúng lục tục chạy theo Thiệu.

        Nhiều tên ác ôn, tay sai Mỹ, nhiều kẻ có nợ máu với nhân dân thu vén của cải chạy, không quên mang theo những chứng chỉ, văn bằng, và huân chương do Mỹ cấp.

        Các chi nhánh ngân hàng ở Sài Gòn đông nghẹt người đòi rút tiền ra và trong 48 giờ đã rút tới 40 tỷ đồng, tức là khoảng 60 triệu đô la. Phần lớn các hãng hàng không quốc tế đã huỷ bỏ các chuyến bay đến Sài Gòn. Tổng đài điện thoại Sài Gòn bị ứ nghẹt, do số người gọi nhau hỏi han về tình hình quá nhiều. Một số máy bay địch cất cánh bỏ chạy sang Thái Lan hoặc người lái tự ý lái về quê trốn.

        Matin, "đại sứ" Mỹ, và những nhân vật ngoại giao phương Tây khác, hoạt động tấp nập ở hậu trường sân khấu chính trị Sài Gòn. Nhiều sức ép, kể cả của Mỹ, đòi Trần Văn Hương từ chức, thay bằng một người "dễ tiếp xúc hơn với Mặt trận dân tộc giải phóng". Hương chỉ muốn nhường ngôi cho người của phe Thiệu, và Hương cố bám ghế "tổng thống" để cho các đàn em đủ thời gian bán hộ chiếu chạy ra nước ngoài với giá rất cao và có thời giờ thu vén của cải. Chúng tôi biết rõ có một con bài mới ngấp nghé sau màn chờ ngày ra thay Hương. Nhiều hoạt động ngoại giao phức tạp rộ lên từ nhiều phía. Mỹ, nguỵ dùng mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt, hòng chặn bước tiến quân của ta và hòng cứu chúng khỏi thất bại hoàn toàn.

        Bọn CIA Mỹ ở Sài Gòn, như con rắn độc, luồn lách rình mò với nhiều âm mưu quỷ quyệt, bắn tin: "Hương làm tổng thống chỉ là tạm thời, sẵn sàng đi đến thoả thuận Mỹ chờ đợi sự đáp lại, v.v.".

        Viên tướng Vanuyxem, thầy cũ của Thiệu và cũng là thầy của nhiều tên cai đội khố đỏ trước đây nay là tướng tá nguỵ quân, vội vã từ Pháp đến Sài Gòn. Trong chiến tranh Đông Dương hắn chỉ huy binh đoàn cơ động số 3, thoát chết trong nhiều trận đánh. Hắn đến Sài Gòn làm thầy dùi cho bọn nguỵ trong giờ phút nguy cấp nhất của chúng. Hắn tưởng có một "thời cơ" nào sắp đến với hắn.

        Toàn là một bọn người mê ngủ, ngu muội đến thế là cùng!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM