Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:13:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đại thắng mùa xuân  (Đọc 23729 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:31:25 am »


        Nửa đêm, đồng chí thư ký của tôi lên báo cáo: tên tù binh khai đoàn xe của chúng chở một đại đội của Trung đoàn 45 và một số nhân viên về hậu cứ ở Buôn Ma Thuột nghỉ và hôm sau sẽ chở tân binh lên bổ sung cho các đơn vị của trung đoàn ở Pleiku. Như vậy là 14 xe từ Pleiku về Buôn Ma Thuột là vận chuyển thường xuyên, chưa phải địch tăng cường lực lượng về Buôn Ma Thuột. Nhưng dù sao, địch đã bị đánh và đã biết ta có lực lượng trên đường số 14, cách Pleiku khoảng 30km về phía nam. Tiếp đó, đồng chí báo cáo thêm: Mặt trận vừa cho biết đoàn cán bộ của trung đoàn pháo binh đi trinh sát địa hình ngày 5 tháng 3 chạm địch ở bắc Buôn Ma Thuột, một chiến sĩ ta bị thương và bị địch bắt, có mang theo người một sổ nhật ký.

        Tôi suy nghĩ: Còn bốn ngày nữa nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, địch sẽ còn làm gì trong những ngày sắp tới?

        Đến nay địch vẫn nhận định sai về hướng tiến công chủ yếu của ta. Nhưng nếu còn xảy ra những hiện tượng lộ bí mật như vừa qua, thì nhất định ta sẽ phải xem xét lại.

        Lúc này địch đang cố tìm hiểu ý định và hành động của ta.

        Tôi gọi điện thoại cho đồng chí Vũ Lăng nhắc phải kiểm tra từng chiến sĩ để chấp hành thật nghiêm những quy định về giữ bí mật.

        Sáng ngày 6 tháng 3, đồng chí cán bộ tham mưu quân báo báo cáo: theo tin của địch mà ta thu được, chúng đã cho Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 53 cùng một chi đội thiết giáp một tiểu đoàn bảo an nống lên Quảng Nhiêu, cách đông bắc Buôn Ma Thuột 11km. Ngay sau đó đồng chí trưởng phòng tác chiến của Mặt trận báo cáo bằng điện thoại cụ thể từng mũi của địch đang lùng sục như thế nào ở khu vực này, những bộ phận lực lượng pháo binh, xe tăng, công binh của ta đang chuẩn bị đường cơ động, khu tập kết, v.v. Ở đây phải lui về phía sau tránh địch để khỏi bị lộ. Nhưng nếu chúng lùng sục kéo dài đến ngày 8 tháng 3, thì sẽ ảnh hưởng đến việc chuẩn bị theo cách đánh của ta từ phía bắc vào thị xã.

        Có thể do bắt được chiến sĩ của ta có mang theo tài liệu cho nên địch bắt đầu nghi ngờ ở hướng này. Nhưng dù biết là có đơn vị pháo binh ta ở bắc Buôn Ma Thuột cũng chưa chắc địch đã khẳng định được ta chuẩn bị đánh thị xã này. Cũng có thể chúng cho là ta chuẩn bị để pháo kích vào thị xã như ta vẫn làm trước đây, nếu ở đây chúng không phát hiện được gì thêm.

        Tôi bàn với các đồng chí trong bộ phận tham mưu tác chiến của đại diện Bộ Tổng tư lệnh, rồi cử đồng chí Lê Ngọc Hiền xuống Bộ chỉ huy Mặt trận cùng anh em triển khai ngay mấy việc sau đây:

        - Hướng Quảng Nhiêu tiếp tục tránh địch, không để chúng phát hiện ta, chuẩn bị sẵn lực lượng nếu chúng vào sâu hơn nữa đến vị trí tập kết của ta thì bao vây tiêu diệt gọn từng mũi của địch.

        Theo dõi thật chặt hành động của địch ở hướng này để xử lý cụ thể từng tình huống.

        Nếu chiều ngày 6 tháng 3 địch không lui về Buôn Ma Thuột (quy luật của địch ở đây thường là khi có nghi ngờ chúng lùng sục một ngày, không phát hiện gì sẽ lui về), thì lệnh cho Sư đoàn 320 chuẩn bị sáng 7 tháng 3 diệt cứ điểm Chư Xê (trên đường số 14, phía bắc Buôn Hồ) để kéo địch về hướng này, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta ở hướng Quảng Nhiêu tiếp tục công tác chuẩn bị.

        Nếu ngày 7 tháng 3, địch vẫn tiếp tục lùng sục thì ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ, chi khu Thuần Mẫn, thực hiện cắt hẳn đường số 14, "hút" địch từ Buôn Ma Thuột lên, đồng thời sẵn sàng đánh địch từ Pleiku xuống.

        Đúng như ta đã phán đoán, trưa ngày 6 tháng 3 ta bắt được tin của địch: đồng chí chiến sĩ của ta bị thương nặng, bọn nguỵ đưa đi bệnh viện cưa chân và cứu chữa để đích thân tên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 xuống khai thác. Nhưng đồng chí chiến sĩ của ta đang mê man chưa tỉnh.

        (Sau này được biết chúng chưa kịp khai thác gì thì ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột. Và đồng chí này lại được anh em ta đưa từ bệnh viện của địch về đơn vị).

        Ngày 7 tháng 3, ta diệt Chư Xê trong 30 phút, tạo thêm điều kiện chốt giữ chắc chắn hơn trên đường số 14, nhưng địch vẫn chưa rút khỏi Quảng Nhiêu.

        Sáng 8 tháng 3, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận ly Thuần Mẫn, cắt hẳn đường số 14. Đến trưa, lực lượng địch ở Quảng Nhiêu vội vã bỏ cuộc, hành quân rút về Buôn Ma Thuột.

        Ngày 9 tháng 3, theo đúng kế hoạch, ta đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, Đắc Soong, Núi Lửa, mở thông hoàn toàn đường hành lang chiến lược Bắc Nam, phía đông Trường Sơn. Trên hướng bắc tiêu diệt quận lỵ Thanh An, trên đường số 19, ta đã áp sát vào phía tây thị xã Pleiku.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:33:19 am »


        Thế là đến ngày 9 tháng 3, ta đã triển khai lực lượng cài xong thế chiến lược và chiến dịch, đã chia cắt Tây Nguyên với vùng đồng bằng, chia cắt phía nam với phía bắc Tây Nguyên, đã hoàn toàn bao vây và cô lập thị xã Buôn Ma Thuột.

        Cuộc đấu trí giữa ta với địch kết thúc một bước, phần thắng đã về ta.

        Nhưng địch vẫn chủ quan và những hành động của ta càng củng cố thêm nhận định sai lầm của địch. Cho đến khi ta tiêu diệt quận lỵ Đức Lập, chúng vẫn cho là ta đánh để mở thông đường số 14 vào Nam Bộ, và chúng vẫn lo đối phó ở phía tây Pleiku.

        Đến lúc này, dù cho địch có biết chắc ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột thì cũng đã quá muộn rồi, khó cựa quậy được nữa, thế trận ta đã bày ra không gì phá vỡ nổi.

        Chiều ngày 9 tháng 3, tôi gửi một bức điện về Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, báo cáo kết quả chiến đấu từ ngày 1 tháng 3 đến sau khi giải phóng Đức Lập và những nét chính về kế hoạch toàn chiến dịch (Điểm này bây giờ mới báo cáo là để giữ bí mật). Phần cuối bức điện viết:

        "Ngày 10 tháng 3, ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột, tình hình diễn biến thế nào, có nhận xét gì lớn tôi sẽ điện tiếp.

        Chúng tôi vẫn khỏe. Anh Thiện và 559 trợ lực rất tích cực cho chiến dịch này. Mọi yêu cầu đều cố gắng bảo đảm được Quân no, lực lượng lớn, vũ khí, trang bị đầy đủ, tinh thần phấn chấn, khí thế cao, chưa bao giờ mạnh và đánk tập trung lớn ở đây như năm nay.

        Chúc các anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ mạnh khỏe.


TUẤN"       

        Đồng chí Đinh Đức Thiện, sau khi đi đôn đốc xong các kho dự trữ đạn ở hậu phương, kế hoạch tiếp tục vận chuyển đón thời cơ, đã đi dọc phía tây Trường Sơn vào đến Sở chỉ huy và mấy hôm nay đồng chí kiểm tra lại lần cuối cùng các mặt chuẩn bị của hậu cần.

        19 giờ ngày 9 tháng 3, chúng tôi lần lượt gọi điện thoại cho các đơn vị. Các nơi báo cáo mọi công tác chuẩn bị đã xong và đã đến đúng vị trí quy định. Phức tạp và khó khăn nhất là đơn vị phải vượt đường số 14, vượt sông Sê-rêpốc bằng bè nứa chở pháo qua. Các đơn vị vào đánh tử phía nam thị xã lên cũng đã vào đủ ở vị trí xuất phát tiến công. Những đơn vị đột kích binh chủng hợp thành phải chờ khi bắt đầu nổ súng mới hành quân bằng cơ giới chọc qua các đồn bốt của địch, cũng đã bố trí xong đội hình. Các đồng chí chỉ huy đều hứa kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ Tôi chúc anh em thắng giòn giã, tổn thất ít, đánh nhanh, hoàn thành nhiệm vụ và chuyển lời hỏi thăm đến các chiến sĩ trước khi ra trận.

        Đêm mùng 9 tháng 3, chúng tôi ngồi ở Sở chỉ huy, tiếp tục theo dõi tình hình và chờ giờ "G". Các cán bộ tham mưu ngồi quanh đều không giấu nổi niềm vui và niềm xúc động lớn khi giờ phút trọng đại đang đến gần. Đối với người lính chiến đấu, đêm chờ giờ "G" là đêm giao thừa.

        Từ cấp trên đến cấp dưới chúng ta chờ đón đêm giao thừa này từ mấy năm nay. Đêm Trường Sơn lúc này tuy yên lặng nhưng hàng chục nghìn con người đang chuyển động về các mục tiêu. Các đồng chí chỉ huy có người trên đầu đã hai thứ tóc đang chụm lại trên những tấm bản đồ, kiểm tra lần cuối kế hoạch của mình. Và cũng đêm nay, chắc bọn nguỵ từ Sài Gòn đến Tây Nguyên chưa phán đoán được ta sẽ hành động thế nào, chưa hình dung được sức mạnh của ta, bị chúng ta dắt dẫn đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Tin tưởng rằng giờ "G" bắt đầu sẽ có nhiều tbuận lợi. Vào giờ này, hậu phương lớn của chúng ta bận rộn lắm và chắc các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Quân uỷ Trung ương cũng đang thao thức theo dõi tình hình ở Mặt trận này. Hậu phương lớn đã bảo đảm đáp ứng mọi yêu cầu và nhu cầu của tiền tuyến để đánh lớn và thắng lớn. Hậu phương anh hùng, hậu phương vĩ đại. Tôi nói chuyện với đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận, qua dây nói:

        "Ta tiếp tục làm theo dự kiến, không có gì thay đổi. Cần bảo đảm thông tin chỉ huy cho tốt để nắm chắc tình hình. Đồng chí liên lạc chặt với tôi bằng cả ba phương tiện để kịp thời trao đổi ý kiến và xử lý mọi tình huống. Nắm được tình hình và đã quyết định là phải ra lệnh cho cấp dưới làm nhanh, dứt khoát, không bàn dây dưa.

        Chúc thắng lợi
".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:36:15 am »


Chương 6

ĐÒN ĐÁNH TRÚNG HUYỆT

        Đúng 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3, bộ đội đặc công nổ súng đánh sân bay Hoà Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, sân bay thị xã và kho Mai Hắc Đế, mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột. Cùng lúc, các loại pháo, hoả tiễn giội bão lửa vào Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 nguỵ và kéo dài từng loạt đến 6 giờ 30 phút sáng, làm rối loạn và tê hệt cơ quan đầu não địch. Với lối đánh điêu luyện của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, chỉ trong vòng một giờ, bộ đội đặc công đã chiếm phần lớn sân bay thị xã, phá huỷ trong nháy mắt 7 máy bay địch, chiếm một góc sân bay Hoà Bình và toàn bộ kho Mai Hắc Đế.

        Lợi dụng tiếng pháo gầm, tiếng súng nổ, các loại xe kéo pháo bắn thẳng, pháo cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp, ôtô chở bộ binh của ta từ các phía ào ào tiến về hướng thị xã.

        Nghe tiếng súng nổ, chúng tôi trong Sở chỉ huy nhìn nhau thở nhẹ nhõm vì như thế là đã vượt qua được một thời gian hết sức căng thẳng đối với người chỉ huy: thời gian triển khai toàn bộ lực lượng vào cuộc tiến công. Thật vậy đây là một vấn đề vô cùng khó khăn phức tạp. Làm sao trong một đêm đưa được an toàn, đúng thời gian, vào đúng vị trí, một lực lượng lớn gồm 12 trung đoàn bộ binh và các binh chủng kỹ thuật. Một số đơn vị phải chiếm lĩnh trước, ép sát thị xã một cách bí mật, còn đại bộ phận các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng thọc sâu tại các vị trí chờ đợi từ xa trên các hướng khác nhau, theo các trục đường khác nhau tiến vào các mục tiêu đã định trong thị xã.

        Có đơn vị xe tăng của ta cách Buôn Ma Thuột 40km phải băng qua các vật chướng ngại, bỏ qua các đồn bốt địch dọc đường, ầm ầm tiến thẳng về thị xã. Trên dòng sông Sêrêpốc hung dữ, những chiếc phà hiện đại được lắp ghép rất nhanh; xe tăng, xe bọc thép, pháo cao xạ, pháo cơ giới nối đuôi nhau qua phà. Cả núi rừng Tây Nguyên chuyển động trong bão lửa.

        Do tổ chức hiệp đồng tốt, bảo đảm chu đáo, chỉ huy điều chỉnh chặt chẽ, cho nên các hướng, các mũi tiến quân đều tiến vào đúng thời gian. Thế là ta đã ghi được điểm thắng đầu tiên đối với địch ở Buôn Ma Thuột.

        Trời sáng dần. Các vị trí địch trong thị xã hiện lên rõ nét trước mắt các pháo thủ ta.

        7 giờ 15 phút, các cụm pháo ta theo một hiệu lệnh thống nhất đua nhau nã đạn vào Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, Sở chỉ huy tiểu khu và khu thiết giáp. Trước đó, lợi dụng lúc trời còn tối, hai tiểu đoàn bộ binh của ta từ phía nam đã bí mật tiến vào thị xã đánh chiếm một số mục tiêu và lợi dụng kết quả của trận pháo kích đã nhanh chóng đánh khu vực ngã sáu trung tâm thị xã, rồi phát triển đánh sang khu nhà thờ quân nguỵ, chiếm phía đông Sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Địch dùng máy bay oanh tạc và cho bộ binh phản kích quyết liệt hòng đánh bật ta ra. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Đến 9 giờ sáng, ta dùng bộ binh kết hợp với xe tăng tổ chức một đợt tiến công vào Sở chỉ huy tiểu khu, đầu não chỉ huy các lực lượng bảo an, dân vệ trong tỉnh. Địch chống cự mạnh, ta phải điều thêm lực lượng dự bị tổ chức tiến công liên tiếp nhiều đợt. Mãi đến 13 giờ 30 phút, quân ta mới vào được cổng tiểu khu. Quân địch dựa vào các nhà gác vẫn tiếp tục chống cự. Ta tiếp tục phát triển tiêu diệt hết các ổ đề kháng của địch. 17 giờ 30 phút, ta hoàn toàn làm chủ Sở chỉ huy tiểu khu tỉnh Đắk Lắk.

        Sau khi đã giải quyết xong Sở chỉ huy tiểu khu, ta tách một lực lượng phát triển sang khu hành chính đầu não chính quyền địch, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên đầu sỏ nguỵ quyền, tiếp đó thừa thắng phát triển đánh chiếm khu quân cảnh và tiêu diệt gọn một đại đội địch ở đông bắc sân bay thị xã.

        Phối hợp với hướng đông bắc, cánh quân tây bắc nhanh chóng đánh chiếm điểm cao Chư Bua, một vị trí khống chế và tiền tiêu ngoài thị xã, tiếp đó dùng bộ binh phối hợp với xe tăng tiến công đánh chiếm khu thiết giáp, khu pháo binh và hậu cứ Tiểụ đoàn 1 Trung đoàn 45 nguỵ.

        Đến 15 giờ ta hoàn toàn làm chủ các mục tiêu nói trên.

        Quân địch hầu như bị tiêu diệt toàn bộ, còn lại một số rất ít chạy về Sư đoàn bộ Sư đoàn 23.

        Ở hướng tây nam, một mũi thọc sâu lợi hại của ta gồm bộ binh và xe tăng nhân lúc địch đang choáng váng đã nhanh chóng vượt qua khu kho Mai Hắc Đế thọc vào điểm khu trung tâm thông tin và áp sát Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 từ phía tây. Địch dùng máy bay oanh tạc ngăn chặn ta và tổ chức phản kích nhiều đợt. Ở đây đã diễn ra cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch, giành nhau từng căn nhà, từng góc phố.

        Trong ngày ta đã chiếm được phần lớn thị xã, trừ khu vực Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 và một số mục tiêu phía đông tiểu khu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:39:01 am »

        Địch bị đánh bất ngờ, đối phó lúng túng. Pháo binh và thiết giáp địch hoàn toàn bị tê liệt ngay từ đầu. Tuy nhiên chúng vẫn rất ngoan cố dùng 80 lần chiếc máy bay oanh tạc ngăn chặn ta và tìm mọi cơ hội phản kích quyết liệt.

        Nhưng hầu hết các cuộc phản kích của địch đều thất bại và chúng buộc phải co về giữ Sư đoàn bộ Sư đoàn 23.

        Thua đau nhưng địch vẫn chưa hết chủ quan. Chúng cho rằng ta tiến công chỉ đến mức như mùa xuân năm 1968, nếu chúng giữ được 3-4 ngày thì có khả năng khôi phục lại tình thế cũ. Ngoài liên đoàn 21 biệt động quân đã điều vào thị xã từ chiều 10 tháng 3, chúng còn dự định điều động thêm Trung đoàn 45 từ Pleiku xuống để tiếp tục phản kích.

        Đến tối, sau khi nghe báo cáo tổng hợp tình hình, tôi nói với đồng chí Hoàng Minh Thảo qua máy điện thoại:

        "Trong ngày đầu, tiến công vào thị xã, ta đã thu được thắng lợi lớn, đã chiếm và khống chế được 2 trong số 3 mục tiêu quan trọng nhất là Sở chỉ huy tiểu khu, sân bay thị xã, khống chế được sân bay Hoà Bình. Các hướng đều đánh tốt, riêng hướng nam có gặp khó khăn hơn nhưng đã thực hiện được nhiệm vụ. Lực lượng ta tiêu hao ít, ta hoàn toàn có điều kiện đánh dứt điểm nhanh Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 nguỵ cùng các mục tiêu còn lại và phải dứt điểm xong trước khi địch đưa được lực lượng mới đến.

        Các đồng chí chỉ thị ngay cho các đơn vị giữ vững các khu vực đã chiếm, truy quét tàn quân; chuẩn bị kỹ để sáng 11 tháng 3 nhìn rõ mục tiêu tổ chức đánh dứt điểm Sư đoàn bộ Sư đoàn 23; điều toàn bộ Sư đoàn 10 từ Đức Lập về đông bắc thị xã sẵn sàng tiêu diệt địch phản kích; chấp hành tốt các chính sách khi vào thị xã".


        Cần nói thêm rằng, đến ngày 10 tháng 3, địch mới ngã ngửa ra, khi đã rõ ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Lúc này thì đã quá muộn đối với chúng rồi. Đường số 14 bị cắt, các trung đoàn của Sư đoàn 23 địch đang ở Pleiku không dám cơ động đường bộ và cũng chưa đủ phương tiện để vận chuyển bằng đường không đến ứng cứu. Chúng vô cùng hoang mang, dao động vì phần lớn gia đình, vợ con đều sống trong thị xã Buôn Ma Thuột. Trong lúc đó ta pháo kích mạnh sân bay Pleiku, gây trở ngại cho địch trong việc dùng máy bay đưa quân xuống Buôn Ma Thuột.

        Sáng ngày 11 tháng 3, chúng tôi nhận được báo cáo:

        7 giờ 20 phút, pháo binh hạng nặng của ta bắn vào Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, xe tăng và bộ binh ta đang trên đường tiền vào Sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Địch kêu nguy khốn. 30 phút sau xe tăng và bộ binh ta tràn vào Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 từ bốn phía. Địch được lệnh cố thủ đến cùng.

        8 giờ 15 phút, được tin tên Sư đoàn phó Sư đoàn 23 và bộ phận tham mưu của hắn đã bỏ chạy khỏi sư đoàn bộ.

        Ta đánh tiếp, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức khẩn trương và quyết liệt Ta đã tìm được hai hầm ngầm, bắt được tên Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Đắk Lắk và tên cần vụ của Sư đoàn phó Sư đoàn 23. Đánh chiếm một số hầm ngầm còn lại, bắt thêm 13 tên, trong đó có 4 đại uý và tên đại tá Sư đoàn phó Vũ Thế Quang. Tên này bị bắt ngoài đồn điền cà phê. Lúc này nhiều nơi địch kéo cờ trắng.

        10 giờ 30 phút, Liên đoàn 21 biệt động quân nguỵ điện cho cấp trên của chúng như sau: "Hiện nay Ban chỉ huy Liên đoàn, Đại đội 23 trinh sát và pháo đang ở tình trạng rất căng thẳng, tiểu khu Đắk Lắk mất rồi, Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 mất rồi. Hậu cứ của Liên đoàn 21 cũng mất, tiền cứ của Tiểu đoàn 24 cũng mất. Tiểu đoàn 72 và Tiểu đoàn 96 hiện nằm ở phía sau Ban chỉ huy tiểu khu, nay ở đó có nhiều tăng của Việt cộng. Liên đoàn 21 đã bất lực, không cứu được Sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Hiện nay đạn gần hết. Pháo chỉ còn hai khẩu và 100 viên đạn, nếu không tiếp tế thì nguy lắm".

        Sau khi chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23, ta tràn qua hậu cứ của Trung đoàn 45. Tiếp đó, giải quyết xong các khu quân cảnh, cảnh sát, truyền tin, trường huấn luyện địa phương quân. Quân ta từ các hướng gặp nhau ở Sư đoàn bộ Sư đoàn 23. Đội vũ trang công tác đã vào thị xã Buôn Ma Thuột. Về cơ bản, ta đã giải quyết xong Buôn Ma Thuột lúc 10 giờ 30 phút ngày 11-3-1975.

        Chúng tôi mừng rỡ không sao kể xiết. Bộ đội hết sức phấn chấn. Một thị xã to như vậy mà đánh trong hơn 32 giờ đã xong. Đúng là sức mạnh của ta, bây giờ quân địch không tài nào chống cự nổi.

        Một đồng chí trong Sở chỉ huy nói:

        - Đánh Buôn Ma Thuột hơn một ngày đêm quả thật là thần kỳ. Tôi ở chiến trường này đã 11 năm rồi. Lần này ta chuẩn bị thật dày công phu, bộ đội ra quân rất có khí thế. Sướng thật! Đây là lần đầu hành quân tiến công bằng xe hơi. Năm 1968 ta đánh Pleiku vất vả lắm, chỉ chiếm giữ được đài phát thanh thôi, nhưng được ba ngày sau phải rút. Lần này thị xã to thế, mình giải quyết nhanh như thế thì đúng là thần kỳ thật.

        Chúng tôi chỉ thị phải hỏi cung ngay hai tên đại tá nguỵ để nắm thêm tình hình kịp cho bước phát triển tới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:41:05 am »


        Đồng chí Thiếu tá Mạc Lâm, người có nhiều kinh nghiệm về hỏi cung của Cục Quân báo được cử đi trực tiếp khai thác tên Đại tá Sư đoàn phó Vũ Thế Quang.

        Quang khai:

        "Việc các ông đánh Buôn Ma Thuột nằm ngoài dự kiến của Bộ Tổng Tham mưu chúng tôi và cả của Mỹ nữa. Sau trận Phước Long, chúng tôi nhận định trong thời gian tới, các ông có thể đánh một số thị xã nhỏ như An Lộc, Gia Nghĩa, còn thị xã lớn như Buôn Ma Thuột, Pleiku, Tây Ninh chưa đánh được. Khi Buôn Ma Thuột bị tiến công, chúng tôi cũng cho rằng đây chỉ là nghi binh để đánh Gia Nghĩa.

        Muốn phòng thủ Quân khu 2 hiện, nay, Sài Gòn phải giữ Nha Trang, ở đó có cơ sở thứ hai của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, Ban chỉ huy tiếp vận 5, sân bay, hải cảng. Phải có một trung đội giữ đèo Mơ Đrắc, một trung đoàn giữ từ đèo Cả trở vào, một trung đoàn phòng thủ Nha Trang. Nha Trang, Phan Thiết quan trọng hơn Quy Nhơn. Quy Nhơn chỉ quan trọng khi còn Pleiku và Kon Tum. Sư đoàn 23 có thể thành lập lại nhưng sau ba tháng mới được 50 phần trăm số quãn.

        Nếu các ông đánh Nha Trang bây giờ thì thuận lợi vì ở đây đang hoang mang. Chỉ cần chú ý hải pháo (chủ yếu là pháo 76 ly, còn 122 ly rất ít). Không quân ở đây hoạt động dễ dàng hơn, nhưng số lượng không nhiều, mỗi ngày chỉ được 30 lần chiếc máy bay F.5 cho toàn miền, còn là máy bay A.37. Tiếp tế đường biển dễ hơn, song tinh thần binh sĩ suy sụp và thế phòng thủ chưa hình thành. Bây giờ, Sài Gòn chỉ còn dựa vào quân dù và thuỷ quân lục chiến. Mà lính dù thì thiếu tin tưởng. Lúc này đánh thiệt hại quân dù hoặc thuỷ quân lục chiến là đánh sụp tinh thần quân lực Sài Gòn".

        Biết Quang từng làm thị trưởng Cam Ranh, ta hỏi về tình hình phòng thủ của địch ở cảng này. Quang khai:

        "Cam Ranh chẳng có phòng thủ gì cả. Chỉ có vẻ mạnh bề ngoài thôi. Quân đoàn làm nhà toàn hướng ra phía biển để hóng mát. Với cách đánh của các ông thì đánh là được ngay. Cam Ranh muốn tổ chức phòng thủ lại cũng mất ít nhất là ba tháng. Mà chưa chắc đã tổ chức được vì thiếu nhiều thứ. Từ khi Mỹ rút, túi đựng cát, dây kẽm gài; xi măng, xe cộ đều thiếu. Tình hình này thì dễ vỡ lắm".

        Ta càng thấy rõ địch hơn.

        Sáng 11 tháng 3, tôi gửi bức điện sau đây cho đồng chí Võ Nguyên Giáp:

        "Gửi đồng chí Chiến,

        1. Ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Ta đã chiếm giữ các mục tiêu lớn như Sư đoàn bộ 23, tiểu khu Đắk Lắk, khu thiết giáp và khu sân bay thị xã. Đang truy lùng tàn quân lẩn trốn trong thị xã.

        Sơ bộ mới biết: bắt gần 1.000 tù binh. Thu một số lượng lớn chiến lợi phẩm.

        Ta đã làm chủ từ Đức Lập đến Đắc Soong. Thu 12 pháo và gần 100 tấn đạn pháo.

        2. Đang tiếp tục phát triển để tiêu diệt các mục tiêu chung quanh thị xã: căn cứ Trung đoàn 45, hậu cứ Trung đoàn 53, Buôn Hồ, Buôn Đôn và tăng thêm lực lượng để chiếm giữ vững chắc sân bay Hoà Bình.

        3. Ngày 11 tháng 3, Uỷ ban quân quản Đắk Lắk sẽ triển khai công tác. Đề nghị đề bạt quân hàm Đại tá cho đồng chí Y Blốc và cử làm Chủ tịch Uỷ ban quân quản.

        4. Căn cứ vào tình hình: địch ở Tây Nguyên tinh thần sa sút, khả năng yếu, cô lập, xét đến lực lượng ta còn sung sức và phấn khởi, hậu cần có khả năng bảo đảm và thời tiết còn thuận lợi, chúng tôi có ý định sơ bộ:

        - Vừa củng cố vững chắc Buôn Ma Thuột, sẵn sàng đánh phản kích của địch, vừa phát triển ra chung quanh để hoàn toàn làm chủ tỉnh Đắk Lắk.

        Phát triển về phía đông Phú Bổn (có thể tiêu diệt hoặc bao vây) rồi từ đây phát triển ngược lên Pleiku để bao vây cô lập, tiêu diệt Kon Tum. Hướng phát triển về phía nam có thể để chậm lại sau.

        Tôi đã trao đổi ý kiến với các đồng chí Đinh Đức Thiện và Lê Ngọc Hiền. Các đồng chí ấy cũng nhất trí.

        Đề nghị đồng chí trao đổi ý kiến trong Quân uỷ và báo cáo với Bộ Chính trị, sau đó hướng dẫn cho chúng tôi".

        Cũng trong ngày 11 tháng 3, đồng chí Lê Duẩn nói với một số cán bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu:

        - Các đồng chí hãy suy nghĩ xem trận Buôn Ma Thuột có phải là trận mở đầu cuộc Tổng tiến công lớn của ta không?

        Trận Buôn Ma Thuột là một đòn sét đánh đối với địch. Chúng choáng váng và rối loạn.

        Bọn nguỵ ở Sài Gòn muốn giấu trận đại bại này, ra sức cãi rằng Buôn Ma Thuột vẫn còn trong tay chúng. Tên phát ngôn của chúng họp báo: "Bảo Buôn Ma Thuột thất thủ là sai, hoàn toàn sai". Nhà báo Pháp Pôn Lêăngđri vừa đưa tin về việc ta đã thật sự làm chủ Buôn Ma Thuột liền bị cảnh sát nguỵ gọi đến bắn chết tại sở cảnh sát.

        Chúng tôi chủ trương và đề nghị Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chưa cần đưa tin gì ngay về trận Buôn Ma Thuột trên báo và đài của ta, cứ để cho địch ba hoa rồi sau chúng càng chết đứng. Bao giờ ta giải phóng xong cả tỉnh Đắk Lắk thì bấy giờ báo và đài đưa tin cũng không muộn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:44:10 am »


        Chiều 11 tháng 3, đồng chí Hoàng Minh Thảo ra lệnh cho các đơn vị làm ngay một số việc gấp như diệt nốt các hầm ngầm còn sót lại trong thị xã, tìm kiếm cứu các anh chị em của ta bị địch giam giữ trong nhà lao Buôn Ma Thuột, tiêu diệt các vị trí chung quanh thị xã và xa hơn một chút như Buôn Hồ, Sêrêpốc, Lạc Thiện, Buôn Đôn, Đức Xuyên, Khánh Dương, và đặc biệt là nhanh chóng bố trí lực lượng sẵn sàng đánh quân viện của địch từ phía đông thị xã Buôn Ma Thuột tới. Đồng thời tranh thủ thời gian củng cố tổ chức, bổ sung binh khí kỹ thuật để sẵn sàng làm nhiệm vụ phát triển xa hơn, rộng hơn nữa.

        Vấn đề đặt ra ngay lúc bấy giờ cho một người chỉ huy là phải triệt để tận dụng thời cơ đã tạo ra được để gấp rút phát triển thắng lợi. Vì chỉ có phát triển mới củng cố những thắng lợi đã đạt được, lại tạo cơ hội giành thắng lợi mới nhanh hơn, to lớn hơn.

        Nhưng phát triển như thế nào, theo hướng nào, với mức độ nào, với lực lượng nào lại là một vấn đề cần suy tính, cân nhắc thật chặt chẽ, kỹ lưỡng. Đây là một cuộc chạy đua với địch, với trời để mở rộng thắng lợi. Ở Tây Nguyên lúc bấy giờ địch còn một lực lượng lớn chủ lực Quân đoàn 2 và quân địa phương đóng ở Kon Tum, Pleiku. Lực lượng chủ lực của Quân đoàn 2 còn hai trung đoàn 44, 45 đã bị hao hụt của Sư đoàn 23 đang còn ở Pleiku, toàn bộ Sư đoàn 22 đang phải đối phó với quân ta ở Bình Định và các liên đoàn biệt động quân. Khả năng hiện thực của chúng là có thể cơ động từng trung đoàn đến phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột hoặc tăng cường phòng ngự các vị trí, các thị xã còn lại ở Tây Nguyên, đánh mở các đường giao thông và cố thủ, đợi mùa mưa. Điều cần phải tính đến nữa là địch còn có thể điều động một, hai sư đoàn ở các chiến trường khác đến nếu ở nhưng nơi ấy ta hoạt động yếu.

        Ở Tây Nguyên chỉ còn khoảng gần hai tháng nữa là bắt đầu mùa mưa. Đây sẽ là một trở ngại rất lớn đối với hoạt động của bộ đội, nhất là các binh đoàn lớn có trang bị nhiều binh khí, kỹ thuật nặng. Trong khoảng thời gian gần hai tháng đó, ta phải tính đến đánh sao cho gọn, cho nhanh và giữ vững thắng lợi để sau mùa mưa ta đánh tiếp Hoặc là cũng chỉ với thời gian đó, bộ đội ta khí thế ngày càng cao, thực lực ngày càng mạnh, địch ngày càng suy yếu, ta có triển vọng giành ngay thắng lợi vượt mức kế hoạch của năm 1975 và thực hiện luôn cả kế hoạch năm 1976 của Tây Nguyên trước mùa mưa.

        Tôi, đồng chí Đinh Đức Thiện, đồng chí Lê Ngọc Hiền và một số đồng chí khác trong Sở chỉ huy bắt đầu trao đổi ý kiến, tính toán về vấn đề này trong tối ngày 11 và sáng ngày 12 tháng 3. Chúng tôi báo cáo về Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh tình hình và những dự kiến hành động của chúng tôi ở Tây Nguyên. Đồng thời đề nghị về Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh đôn đốc Mặt trận Trị Thiên mạnh dạn đánh xuống đường số 1 để phối hợp, giữ địch ở đây không cho chúng điều quân lên Tây Nguyên.

        Cũng cần nói rằng mới qua một trận đầu - trận Buôn Ma Thuột - về phía ta, ngoài những tiến bộ vượt bậc làm nên chiến thắng giòn giã đó, ta cũng phát hiện những điểm yếu cần nhanh chóng khắc phục như tác phong lề mề, lối đánh giặc theo kiểu cũ.

        Nhưng điều chúng tôi suy nghĩ, tính toán nhiều nhất là: sau trận Buôn Ma Thuột địch trên chiến trường Tây Nguyên sẽ hành động thế nào đây? Địch trên toàn chiến trường miền Nam nói chung sẽ làm gì đây? Mỹ và bọn đầu sỏ nguỵ quân, nguỵ quyền ở Sài Gòn sẽ phản ứng ra sao?

        Lúc đó, ở Tây Nguyên, trước cuộc tiến công nhanh, mạnh và lối đánh hiểm của ta, địch đã tan rã nhanh chóng, trong hơn một ngày đêm mất hai đầu não quan trọng: hệ thống chỉ huy lực lượng địa phương của tỉnh Đắk Lắk và cơ quan chỉ huy của Sư đoàn 23 nguỵ. Phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột là điều chắc chắn đối với chúng, nhưng Buôn Ma Thuột đã ở trong tình thế bị cô lập. Các đường bộ đã bị cắt, các sân bay lớn đã bị chiếm thì nếu chúng có đổ quân bằng đường không cũng bị hạn chế, dùng lực lượng cơ động của bản thân Quân đoàn 2 hoặc nếu dùng cả lực lượng tổng dự bị cũng không phải dễ gì chiếm lại được Buôn Ma Thuột, một khi ta đã có lực lượng mạnh bố trí sẵn để đánh quân địch tăng viện tới.

        Từ ngày 10 tháng 3, các chiến trường khác của ta ở miền Nam hoạt động phối hợp tích cực, địch cũng phải xem xét toàn bộ các mặt trận để tính liệu có rảnh tay mà tập trung được lực lượng vào Buôn Ma Thuột không? Khó khăn về quân sự của chúng lại đi đôi với những khó khăn về chính trị, tinh thần và kinh tế mà Mỹ, nguỵ đang gặp phải. Viện trợ Mỹ bổ sung chưa chắc đã có. Chính quyền Pho còn có những khó khăn khác ở Trung Đông và ở ngay bản thân nước Mỹ.

        Còn ta, ta đã thắng nhanh chóng, dồn dập trong trận Buôn Ma Thuột, gây nên một niềm tin tưởng, phấn khởi rất lớn cho tất cả các đơn vị, các chiến trường. Các đơn vị của ta còn sung sức, lực lượng hậu cần tiêu hao rất ít mà lại còn được bổ sung bằng phần lấy được của địch.

        Khi bàn đến tình hình lương thực, đạn dược, đồng chí Đinh Đức Thiện xòe hai bàn tay ra, rồi vui vẻ nói:

        - Bỏ một vốn, không phải bốn lời mà đến mười lời rồi đó. Ta còn đủ, còn nhiều, không những đủ dùng cho đến mùa mưa mà còn đủ cho cả mùa khô năm sau. Xe của ta, đạn của ta cũng còn nhiều mà xe, đạn của địch trong kho Mai Hắc Đế ở Buôn Ma Thuột, ta cũng lấy được nhiều. Cứ đánh mạnh nữa, cứ đánh to nữa, và đánh càng nhanh càng tốt.

        Vấn đề đặt ra bây giờ là ta phải phát triển thật nhanh, không cho địch kịp đối phó, không cho trời làm trở ngại. Một cuộc chạy đua với địch, với trời bắt đầu từ sáng ngày 12 tháng 3.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:47:46 am »


        Sự suy nghĩ, cân nhắc của chúng tôi trong Sở chỉ huy gặp nhau ở một điểm là sẽ dùng phần lớn lực lượng của chiến dịch phát triển ngược lên phía bắc theo đường số 14, tiêu diệt và giải phóng Pleiku, cô lập Kon Tum.

        Để thực hiện kế hoạch phát triển đó, một mặt phải nhanh chóng tiêu diệt số địch còn lại ở phụ cận thị xã Buôn Ma Thuột và giải phóng toàn bộ tỉnh Đắk Lắk, mặt khác, phải sẵn sàng đánh quân viện của địch phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột và giữ vững vùng giải phóng.

        Riêng đối với thị xã Buôn Ma Thuột, Uỷ ban quân quản cần sớm ra mắt nhân dân để kêu gọi nguỵ quân, nguỵ quyền ra trình diện, nộp vũ khí, tổ chức phòng không, sơ tán nhân dân, tổ chức chính quyền dưới cơ sở và lực lượng tự vệ cho thị xã, khôi phục ngay những hoạt động để bảo đảm đời sống nhân dân như bệnh viện, trường học, chợ, nhà máy điện, nhà máy nước, các cửa hàng, các xí nghiệp, v.v.

        Vấn đề lớn nhất và cấp bách nhất đối với Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ là tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong thị xã và vùng phụ cận. Một số kho gạo, muối, đồ hộp, thuốc men thu được của địch trong thị xã được phát ngay cho nhân dân.

        Chiều ngày 12 tháng 3, tôi nhận được điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp cho biết Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương phấn khởi trước thắng lợi to lớn, giòn giã của quân ta, gửi lời nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên, công nhân viên quốc phòng và nhân dân trên Mặt trận Tây Nguyên. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã họp và nhận định tình hình như sau: kế hoạch chiến lược và chiến dịch do Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đề ra là chính xác. Thắng lợi Buôn Ma Thuột, Đức Lập, trên đường số 19 và ở các hướng khác chứng tỏ ta có khả năng giành thắng lợi to lớn vôi nhịp độ nhanh hơn dự kiến. Điểm nổi bật là tinh thần địch rất sa sút. Trước tình hình đó, cần có tinh thần khẩn trương và mạnh bạo, kịp thời lợi dụng thời cơ mới giành thắng lợi lớn. Các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp hoàn toàn nhất trí với chủ trương: ở Buôn Ma Thuột, nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị địch còn lại, vừa phát triển ra chung quanh vừa sẵn sàng đánh viện của địch.

        Nhanh chóng phát triển về phía Phú Bổn, tiêu diệt sinh lực địch từng vùng. Hình thành ngay thế bao vây Pleiku, tiến đến tiêu diệt địch ở Pleiku. Đối với Kon Tum thì cô lập và tiêu diệt sau. Hướng phát triển về phía nam sẽ làm sau một bước.

        Chỉ ít phút sau, chúng tôi lại nhận được điện của Bộ Tổng tư lệnh cho biết: theo tin mới nhất, địch đang có ý định dựa vào các lực lượng còn lại như một bộ phận của Trung đoàn 53, Liên đoàn 21 biệt động quân và các điểm phụ cận của Buôn Ma Thuột, nhất là Buôn Hồ và Phước An và điều thêm từ một đến hai trung đoàn chủ lực và biệt động quân cùng với không quân địch tiến hành phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột.

        Tại Sở chỉ huy, chúng tôi cũng nhận được thêm tin mới: chiến đoàn 45 cùng Sở chỉ huy cơ bản Sư đoàn 23 nguỵ đã dùng máy bay lên thẳng từ Pleiku đổ bộ xuống Buôn Hồ trưa ngày 11-3 và một chiến đoàn nữa sẽ đổ xuống Phước An trong ngày 12-3. Không quân nguỵ đang được huy động ở mức cao. Vì vậy, việc cấp thiết nhất là tập trung lực lượng của ta, nhanh chóng tiêu diệt các đơn vị và các căn cứ địch ở chung quanh Buôn Ma Thuột, tiêu diệt viện binh của chúng.

        Lúc bấy giờ, hai bức điện nói trên đã động viên, cổ vũ chúng tôi rất mạnh. Những nhận định và chủ trương sáng suốt, sự thông cảm, nhất trí giữa lãnh đạo của Trung ương với bộ phận chỉ huy ở chiến trường là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trên mặt trận. Phấn khởi trước những thắng lợi đã giành được và tin chắc vào những thắng lợi tiếp theo, chúng tôi nhanh chóng triển khai các công tác. Đồng chí Lê Ngọc Hiền đi gặp ngay các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên để trao đổi ý kiến cụ thể thêm về phương hướng phát triển thắng lợi của Chiến dịch. Đồng chí Đinh Đức Thiện rời Sở chỉ huy xuống Cục Hậu cần của Mặt trận và các binh trạm, các kho để kiểm tra, đôn đốc.

        Chúng tôi đã tính đến việc di chuyển Sở chỉ huy lên phía trước cho kịp với sự phát triển của tình hình. Cán bộ tham mưu trong Sở chỉ huy vừa theo dõi tình hình trong ngày vừa nghiên cứu đường hành quân, địa hình chung quanh Pleiku và đã dự thảo cách đánh, bố trí binh lực, hoả lực khi đánh Pleiku nhằm tiêu diệt Sở chỉ huy đầu não Quân khu 2 của địch. Mặt khác, chúng tôi cũng đã gọi điện thoại ra Hà Nội yêu cầu cho những dự báo thời tiết tháng 4 và tháng 5 năm 1975 trên vùng Tây Nguyên.

        Ngày 12 tháng 3, Thiệu gửi điện cho Tư lệnh Quân khu 2 của hắn: "Phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào, trách nhiệm chỉ huy thống nhất cả mặt trận này do Tư lệnh Sư đoàn 23 đảm trách". Đến hết ngày 13-3, địch vẫn chưa thừa nhận việc ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột. Các đài và hãng tin của thế giới phương Tây cũng còn nói mù mờ, lấp lửng. Quân đoàn 2 địch đang tự mình tìm cách đối phó.

        Máy bay A.37 từng tốp ném bom thị xã Buôn Ma Thuột và máy bay trinh sát địch lượn ở vùng phía đông thị xã.

        Đúng như ta dự kiến, Trung đoàn 45 thuộc Sư đoàn 23 nguỵ đã được vận chuyển bằng máy bay lên thẳng từ Pleiku đến đổ bộ xuống phía đông thị xã Buôn Ma Thuột, vùng Phước An, nơi ta đã bố trí sẵn lực lượng để tiêu diệt chúng.

        Một trận đánh then chốt nữa ở Tây Nguyên sắp bắt đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:50:32 am »


Chương 7

ĐẬP TAN CUỘC PHẢN KÍCH

        Từ trưa ngày 11 đến rạng sáng ngày 14 tháng 3, không khí Sở chỉ huy Mặt trận của ta nhộn nhịp, căng thẳng, nhưng đầy phấn khởi. Tin tức từ các đơn vị của ta và tin trinh sát kỹ thuật liên tục dồn dập báo về. Việc chạy đua với địch thật sự đã bắt đầu khi tiếng súng vừa dứt trong thị xã Buôn Ma Thuột. Tiếng súng tiến công của quân ta lan nhanh trên đường số 14, ở Buôn Hồ, Buôn Đôn, Đạt Lý, căn cứ Trung đoàn 53, hậu cứ Trung đoàn 45 của địch, v.v. Binh khí kỹ thuật của ta lúc này đã toả ra, hướng về các mục tiêu chung quanh Buôn Ma Thuột.

        Sư đoàn 320 phái một lực lượng theo đường số 14 đánh xuống phía nam đường, giải phóng quận lỵ Buôn Hồ, đuổi địch chạy về Đạt Lý và một lực lượng khác đánh lên phía bắc đến giáp cầu I-a Leo, làm chủ vững chắc đường số 14 trên một đoạn dài 80km. Sư đoàn 10 được điều động phát triển về hướng đông Buôn Ma Thuột, triển khai một thế đứng tốt, sẵn sàng đón đánh viện binh địch đến giải toả Buôn Ma Thuột. Trưa ngày 12-3 ta đã hình thành thế bao vây chi khu và quận lỵ Phước An. Tên chỉ huy chi khu nguỵ bỏ chạy với bọn cảnh sát.

        Các đơn vị của Sư đoàn 316 và Trung đoàn 95 B đã quét sạch địch trong các hầm ngầm ở thị xã, giải phóng anh chị em của ta bị địch giam trong nhà lao Buôn Ma Thuột, tiến sang chiếm khu vực trường huấn luyện của Sư đoàn 23, lùng bắt một số tàn binh dạt về các rừng cao su ở phía tây thị xã và gọi hàng các toán dân vệ và các trung đội quân địa phương của địch. Bộ đội đặc công bám chắc sân bay Hoà Bình, đánh lui các đơn vị từ căn cứ Trung đoàn 53 sang hòng chiếm lại sân bay. Các cụm pháo tầm xa của ta đã đo lại các phần tử bắn ở phía đông thị xã và quanh sân bay Hoà Bình. Các cụm cao xạ dồn đội hình về phía đông thị xã sẵn sàng đánh quân đổ bộ đường không của địch.

        Các phân đội xe tăng, xe bọc thép của ta đã vào các vị trí tập kết và chuẩn bị các đường xuất kích mới dọc theo trục đường Buôn Ma Thuột - Lạc Thiện - Phước An.

        Trong thị xã, sau khi im tiếng súng, nhân dân tích cực đào hầm phòng không, hoặc sơ tán ra chung quanh thị xã.

        Các đội quân cảnh được thành lập, hướng dẫn nhân dân sơ tán về phía tây thị xã và bịt chặt các ngả đường chạy về phía đông, bắt giữ những tên phản động ngoan cố định chạy trốn. Ta cấp phát gạo, muối cho những gia đình nghèo trước khi sơ tán. Các lưới lửa cao xạ của ta trùm lên thị xã, đánh trả quyết liệt máy bay địch đến ném bom hoặc trinh sát.

        Địch trong phạm vi tỉnh Đắk Lắk như rắn mất đầu. Ở Buôn Đôn, đại bộ phận lính nguỵ ra hàng, một số bỏ vị trí chạy trốn. Tên trung tá nguỵ, chỉ huy hậu cứ Trung đoàn 45 nguỵ phải chỉ huy cả quân của hắn và tàn quân của Trung đoàn 53. Tên chỉ huy Trung đoàn 53 nguỵ đánh điện cầu cứu cấp trên, đề nghị ném bom cháy vào đội hình của ta thì chúng mới chạy thoát.

        Trên đường phát triển ra chung quanh Buôn Ma Thuột, quân ta bắt gạp các tốp địch ra hàng, thu xe cộ và nhiều khẩu pháo 105 milimét của địch. rừng tốp máy bay A.37 lại đến ném bom Buôn Ma Thuột và máy bay trinh sát địch tăng cường hoạt động trên vùng trời Phước An và sân bay Hoà Bình.

        Tại Sở chỉ huy của ta, bản đồ công tác được ghi chi chít những vòng tròn với hai gạch chéo màu đỏ là ký hiệu quân ta tiêu diệt và làm chủ các mục tiêu, những mũi tên màu đỏ chỉ đường tiến quân của các đơn vị, các mũi tên màu xanh chỉ đường rút chạy của địch trong các khu rừng lân cận.

        Máy điện thoại reo vang, giục giã. Người nghe tuy rất tập trung tư tưởng vẫn không nén được những tiếng cười vui khi nhận tin chiến thắng từ các nơi báo về. Các đồng chí phục vụ trong Sở chỉ huy, lặng lẽ làm công việc của mình, chân bước nhẹ nhàng và trìu mến đưa cho các cán bộ tham mưu đang nghe điện thoại những điếu thuốc lá từ hậu phương gửi vào.

        Mới đầu mùa xuân, rừng khoọc Tây Nguyên chưa kịp thay lá, nắng trưa càng oi bức. Tiếng côn trùng đủ loại, tiếng chim công tố hộ bên cạnh nhà hoà lẫn tiếng pháo nổ vọng từ xa, tiếng vo vo của máy bay trinh sát OV-10 lượn tìm mục tiêu và tiếng "Alô? ZA 75 đây!" của Sở chỉ huy.

        Trưa ngày 12 tháng 3, giữa lúc khẩn trương nhất của trận đánh quân địch phản kích, các đường dây điện thoại của Sở chỉ huy đứt đồng loạt. Không có tiếng bom, không có tiếng máy bay. Gọi mãi đầu dây bên kia vẫn không có tiếng trả lời. Các đồng chí chỉ huy đều ngừng việc lại, lắc đầu nhìn nhau im lặng. Đồng chí cán bộ thông tin bật dậy vụt chạy ra khỏi nhà hầm để tìm nguyên nhân. Cùng lúc có tiếng rống của một đàn voi, ngày càng to dần, cách Sở chỉ huy khoảng 300 mét.

        Thì ra đàn voi kinh động bom đạn ở chiến trường đã "di tản" băng qua Sở chỉ huy của ta, đi về phía biên giới Việt Nam - Campuchia. Lập tức, đơn vị bảo vệ Sở chỉ huy được phái đi cản đàn voi rừng "thiếu ý thức". Nhưng có lệnh không được nổ súng bắn chết voi, giữ kỷ luật bảo vệ thú rừng quý, không trêu tức chúng để chúng không quần nát Sở chỉ huy. Tất cả mọi người được lệnh nếu cần thì tụt xuống hầm kèo chữ A để tránh.

        May quá, đàn voi rừng đã vượt qua bên cạnh Sở chỉ huy, quân ta thì "án binh bất động". Chỉ khổ cho mấy đồng chí thông tin đi nối dây điện thoại, không những dây bị đứt mà còn mất từng đoạn dài do voi quấn lôi đi theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:52:20 am »


        Trong những đêm 12 và 13, chúng tôi thay phiên nhau ngủ, các đồng chí cán bộ trực ban thay phiên nhau theo dõi tình hình. Rừng đêm có lúc thật yên tĩnh nhưng không thể nào ngủ được lâu và yên giấc, trằn trọc suy nghĩ từ vấn đề này sang vấn đề khác cho đến lúc thiếp đi chốc lát, rồi tiếng "A-lô" điện thoại ở hầm trực ban vọng đến, tiếng nai giác bên suối, tiếng chân đi vội của đồng chí trực ban đến báo cáo.

        Ngày 12 tháng 3, một bức điện hoả tốc từ Hà Nội gửi vào Các đồng chí cơ yếu mã dịch được đoạn nào thì đưa ngay cho tôi xem đoạn ấy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp truyền đạt cho tôi ý kiến của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương sau khi đã đọc điện báo cáo của tôi.

        Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương báo cho biết các chiến trường khác bắt đầu phối hợp tốt và dặn chúng tôi kiểm tra, đôn đốc việc tiêu diệt các đơn vị địch đến phản kích, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch trong khu vực Buôn Ma Thuột và phụ cận, nhanh chóng bao vây Phú Bổn.

        Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương dự kiến là nếu địch bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn, thị xã Buôn Ma Thuột và nhiều quận lỵ khác bị mất, đường số 19 bị cắt thì lực lượng địch còn lại ở Tây Nguyên sẽ cụm lại ở Pleiku và cũng có thể chúng buộc phải rút lui chiến lược, bỏ Tây Nguyên. Do đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị cần hình thành ngay việc bao vây Pleiku, triệt cả đường bộ lẫn đường không của địch, chuẩn bị tốt việc tiêu diệt địch trong cả hai tình huống.

        Như vậy là Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã sớm dự kiến một cuộc rút lui chiến lược của địch ở Tây Nguyên. Và thế chiến dịch đã cài trước ngày nổ súng đánh Buôn Ma Thuột cũng đã tính đến việc tăng cường lên cứu Tây Nguyên cũng như không cho địch rút chạy khỏi Tây Nguyền một cách dễ dàng.

        Từng đợt máy bay lên thẳng của địch tiếp tục đổ quân xuống vùng Phước An và phía tây sân bay Hoà Bình.

        Trung đoàn 44, một bộ phận của Trung đoàn 45 cộng với tàn quân của Trung đoàn 53 chạy về đây đã trải qua những giờ phút hãi hùng nhất đối với chúng.

        Chưa xuống đến đất, chúng đã run sợ trước làn đạn các loại súng cao xạ bắn lên và nhìn thấy đồng bọn bị bắn rơi chung quanh. Đặt chân xuống đất chưa kịp chấn chỉnh đội hình chúng đã chạy tán loạn để tránh các loạt đạn pháo của ta giội xuống và súng bắn thẳng của bộ binh ta.

        Chúng khiếp sợ nhất khi trông thấy xe tăng, xe bọc thép của ta xuất kích xông vào đội hình của chúng.

        Các đơn vị đổ bộ đường không của địch lần lượt bị diệt, số còn lại chạy tan tác, lẫn lộn vào nhau và dắt díu nhau lùi dần về phía đường số 21. Trên đường rút chạy, quân địch kéo theo bọn nguỵ quân, nguỵ quyền địa phương và biệt động quân, để lại nhiều xe, pháo, súng đạn.

        Các đơn vị của ta chuyển sang truy kích địch bằng xe cơ giới cứ theo đường cái vượt lên trước đội hình rút chạy của chúng và lập các chốt chặn đón dọc đường để bắt bọn tàn quân. Cán bộ tham mưu quân báo và tác chiến lúc này cũng gặp khó khăn trong việc ghi lên bản đồ các phiên hiệu của địch vì, trên chiến trường đội hình địch rút lộn xộn, trong không trung điện đài của địch phát loạn xạ; không phân biệt được đơn vị nào kêu cứu, kẻ nào đến cứu, mầy bay địch từng tốp bay lượn trên cao không yểm trợ được cho quân địch dưới đất.

        Sáng sớm ngày 14 tháng 3, qua báo cáo tổng hợp của đồng chí trực ban trong đêm, chúng tôi kết luận: chủ lực của Sư đoàn 23 nguỵ gồm Trung đoàn 44, Trung đoàn 45 ở phía đông Buôn Ma Thuột đã bị tiêu diệt qua hai ngày tác chiến. Số tàn quân của Trung đoàn 53 và Liên đoàn biệt động quân số 21 cũng chịu chung số phận. Cuộc phản kích của Quân đoàn 2 địch ở Tây Nguyên đã bị đập tan. Địch lại bị lún sâu vào thế bị động và thất bại thêm một bước.

        Ta tiếp tục phát triển theo kế hoạch đã có và được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đồng ý. Ngày 14-3, sau khi trao đổi ý kiến với các đồng chí tham mưu trong Sở chỉ huy, tôi gửi đi bức điện báo cáo với Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương là đã nhận đủ các điện, rất phấn khởi về ý định và chủ trương phát triển chiến dịch của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương. Chúng tôi hứa sẽ nỗ lực tổ chức thực hiện tốt để đạt yêu cầu của trên là rút ngắn thời gian giành thắng lợi vượt mức kế hoạch đề ra, hoàn thành kế hoạch của Tây Nguyên dự kiến năm 1976 trong vòng vài ba tháng của năm 1975.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 12:52:58 am »


        Chúng tôi báo cáo về những ngày đầu của chiến dịch để Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương nắm thêm được tình hình, nêu lên việc điều khiển địch theo ý định của ta, làm cho chúng nhận định sai về hướng tiến công chủ yếu rồi tiếp tục củng cố nhận định sai đó của chúng cho đến lúc ta tiến công vào hướng chủ yếu để giữ được bất ngờ chiến dịch.

        Từ ngày 1-3 đến ngày 9-3-1975, trước khi tiến công vào Buôn Ma Thuột, ta triển khai thế chiến dịch, thu hút sự chú ý của địch về hướng Kon Tum, Pleiku, cắt các đường, cô lập mục tiêu chủ yếu nên lúc ta sắp nổ súng đánh vào Buôn Ma Thuột, địch mới biết. Chúng báo động và muốn tăng cường lực lượng nhưng không kịp nữa, lực lượng đã bị căng giữ ở các nơi khác.

        Cách đánh vào các mục tiêu chủ yếu của thị xã Buôn Ma Thuột là cách đánh phối hợp hiệp đồng binh chủng trên bốn cánh kết hợp với các đơn vị tinh nhuệ và các tiểu đoàn bộ binh bí mật tiến vào bố trí sẵn, bỏ qua các đồn bốt ngoại vi Buôn Ma Thuột, dùng binh lực cơ giới hoá theo các trục đường lớn với tốc độ cao đánh thẳng vào trong thị xã nhằm đập vỡ ngay hai đầu não chỉ huy của địch là Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 và Sở chỉ huy tiểu khu.

        Từ hướng nam, ta dùng hai tiểu đoàn bộ binh bí mật bố trí sẵn, một đánh vào Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, một đánh vào Sở chỉ huy tiểu khu cùng một lúc với hai cánh quân khác từ hướng tây và đông bắc, mỗi cánh có bộ binh, xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ đi cùng thọc vào trung tâm thị xã. Ngoàị ra còn tổ chức một mũi nhọn gồm một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội xe tăng, từ hướng tây nam cùng một lúc đánh vào mục tiêu chủ yếu. Ta dùng đại đội bộ binh ngồi xe bọc thép đi cùng với đại đội xe tăng, còn hai đại đội bộ binh khác thì đã bí mật đưa vào bố trí sẵn cách mục tiêu chủ yếu là Sư đoàn bộ Sư đoàn 23 khoảng 2km, đợi xe tăng tiến vào hợp thành một mũi nhọn toàn tiểu đoàn bộ binh có xe tăng, thiết giáp đánh ngay vào mục tiêu chủ yếu đúng lúc pháo binh ta vừa chuyển làn. Địch không kịp trở tay và không thể chỉ huy các lực lượng khác.

        Trận Buôn Ma Thuột thắng lợi nhanh thể hiện một lối đánh táo bạo, bất ngờ. Lối đánh này đòi hỏi việc tổ chức hợp đồng phải thật tốt, vì rất phức tạp. Ta đã cố gắng thực hiện được. Nhưng khi đánh địch tan vỡ rồi thì ở một số đơn vị và từng lúc bộc lộ những mặt yếu mà ta cần nhanh chóng khắc phục. Từ nhận thức đến cung cách làm ăn đều chưa tiến kịp trong điều kiện và yêu cầu mới vẫn còn vướng mắc kiểu cũ, họp hành nhiều và kéo dài. Người đứng quyết đoán và tổ chức hành động mau lẹ chưa nổi hật lên. Có tình trạng không nắm chắc bộ đội, có máy vô tuyến điện thoại mà không dùng, cứ lách cách kéo đường dây điện thoại; có xe lấy được của địch, có tù binh biết lái xe cũng không dám dùng để cơ động bộ đội mà vẫn cứ lẽo dẽo đi bộ. Địch đang rối loạn, tan rã không như địch đã có tổ chức, chuẩn bị sẵn phòng ngự đợi ta, nhưng khi đánh vẫn đòi đủ bài bản, phải chuẩn bị từ đêm đợi sáng mới đánh. Không quân địch đánh có hạn và bay cao, thả bom toạ độ thiếu chính xác nhưng vẫn không cho bộ đội vận động ban ngày, để chờ đợi, chậm trễ, bỏ phí thời giờ.

        Những vấn đề này phải nhiều lần nhắc đi nhắc lại và đang được khắc phục.

        Vấn đề vỡ ra to quá, nhanh quá, thời cơ để giành nhiều thắng lợi mới xuất hiện ngày càng nhiều. Một số cấp uỷ địa phương thì hiện nay còn lúng túng trước toàn bộ công tác phải làm của mình. Nếp suy nghĩ, tổ chức, tác phong cũ mâu thuẫn với yêu cầu của sự phát triển tình hình mới lá làm ăn với quy mô lớn hơn và nhanh chóng hơn.

        Đây không phải là tình hình chỉ có ở Tây Nguyên mà còn có thể có ở các chiến trường khác. Nó xuất phát từ việc đánh giá địch, từ nếp suy nghĩ và cung cách làm ăn chưa phù hợp với điều kiện mới. Lúc này cần phải nhanh, cơ động, linh hoạt, tranh thủ thời gian đi đôi với nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, với tính quả đoán, chịu trách nhiệm của người thủ trưởng đã được phân công, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chứ không phải "cả làng" chịu trách nhiệm. Sau chiến dịch này, anh em cản bộ và bộ đội Tây Nguyên sẽ trưởng thành một bước lớn trong hoàn cảnh tác chiến mới.

        Ta cần dành thêm thời giờ huấn luyện cho bộ đội cách xử trí cơ động, linh hoạt; bồi dưỡng năng lực tổ chức và chỉ huy chiến đấu khẩn trương, liên tục; huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ biết lái các loại xe của địch, biết dùng vô tuyến đlện thoại của ta, của địch; các binh chủng học sử dụng binh khí, kỹ thuật và phương tiện của địch, sắp tới phải chú trọng rất nhiều đến việc lấy trang bị của địch để đánh địch.

        Chúng tôi nhất trí với các bước tuyên truyền nêu ra trong điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp vì địch đang tìm cách giấu giếm, lừa bịp thông tin, ta có một số việc cần làm cho kịp và chu đáo. Giải phóng xong tỉnh Đắk Lắk, về cơ bản ta có thể đưa tin trên báo và đài phát thanh, khi đưa tin thì đưa luôn cả bản tuyên bố của Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Đắk Lắk, thành phần của Uỷ ban, kết quả chiến đấu và lời khai của bọn tù binh.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM