Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:51:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định  (Đọc 33375 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 10:20:35 pm »


Làm người ai chẳng tham sanh,
Lòng địch khái1 xin cho rõ tiết!
Đêm năm canh thương người chính liệt2,
Ngày sáu khắc nhớ kẻ trung thần.
Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng binh,
Cờ đề chữ: "Bình Tây đại tướng".
Trước trí quân ư Nghiêu, Thuấn thượng3,
Sau vì xã tắc thần4;
Phải cam lời rao khắp muôn dân,
Sửa tất dạ dắt dìu về một mối.

Bớ trẻ già, bé lớn ai ai,
Đều bội ám đầu minh5 cho kíp!
Chiếu phụng6 dù ta lãnh đặng,
Mũi thiên oai7 thương kẻ sanh linh8.
Phải cạn lời tỏ hết chơn tình,
Cho kẻ dân đen đặng biết!
____________________________________
1. Địch khái: (khái: giận) cái tinh thần chống cự với người mà mình căm giận, đây là giặc Pháp.
2. Chính liệt: người trung chính, dũng cảm.
3. Trước trí quân ư Nghiêu, Thuấn thượng: mưu tính giúp cho nhà vua để nhà vua có thể trở thành vua Nghiêu, vua Thuấn (Nghiêu - Thuấn: Đường Nghiêu và Ngu Thuấn là hai ông vua hiền đời xưa bên Trung Quốc).
4. Vi xã tắc thần: làm người bầy tôi của xã tắc, nghĩa rộng là người giữ gìn non sông đất nước.
5. Bội ám đầu minh: bỏ chỗ tối theo chỗ sáng.
6. Chiếu phụng: chiếu của nhà vua viết trên tờ giấy có vẽ hình chim phụng.
7. Thiên oai: oai trời, oai của nhà vua coi như oai trời.
8. Sanh linh: như sinh linh, chỉ nhân dân. Cả đoạn này ý nói: ta vâng lệnh vua, có nhiệm vụ tiễu trừ những kẻ phản nghịch, nhưng vì thương dân chưa nỡ ra tay. Vậy những kẻ lầm lạc nên biết, hãy mau cải tà quy chính như người bỏ chỗ tối ra chỗ sáng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:10:00 pm »


HỊCH KÊU GỌI NGHĨA BINH ĐÁNH TÂY1
                                                           NGUYỄN ĐÌNH CHlỂU



1. Lời truyền cáo thị;
    Nói với sĩ phu.
2. Nước Nam ta là một môi Xuân Thu2;
    Giặc Tây thật ba loài di địch3.
3. Chúng nó toan lòng bội nghịch4;
    Dân ta gặp thủa ly loàn.
4. Chẳng qua là vận trời đến buổi gian nan;
    Cho nên mỗi việc nước nhiều nơi hoạn nạn.
5. Đường trị loạn sách xưa còn chạm bảng;
    Lẽ chánh tà đời trước hãy treo gương.
6. Làm người khôn không xem xét cho tường;
    Thà đứa dại mà lỗi lầm cũng đáng.
7. Chẳng nhớ thuở Hung Nô5 đánh Hán, tướng mạnh như hùm, binh đông như cỏ, cướp ải lang giành ải hổ, vãn tuồng rồi Nô cũng về Nô;
    Há chẳng nghe Đột Quyết6 đánh Đường, xe đi chật đất, ngựa tế chật đồng, phá trấn bắc, đột trấn đông, rã đám hết Đột thời ra Đột.
8. Xa thư7 Hán hãy còn tóm một:
    Phong cương Đường đà mầy chia hai.
_______________________________
1. Bảo Định Giang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quảng Tuân, Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 233-234.
2. Xuân Thu: mùa xuân và mùa thu, dùng để tiêu biểu cho một năm. Lại dùng để nói về tuổi. Cũng dùng để chỉ đời Xuân Thu bên Trung Quốc là đời văn nghệ phát đạt lắm. Ở đây tác giả muốn nói đến nước ta là một nước thống nhất có nền văn hiến đã lâu đời.
3. Di địch: xưa người Hán gọi các dân tộc ở chung quanh là di địch vì có văn hóa chưa cao. Ở đây tác giả dùng chữ "Di địch" để chỉ quân Pháp xâm lược.
4. Bội nghịch: làm loạn, làm phản. Ở đây tác giả nói đến sự tráo trở; ngang ngược của quân Pháp.
5. Hung Nô: một bộ tộc ở phía Bắc Trung Quốc thuộc vùng nội và ngoại Mông Cổ ngày nay.
6. Đột Quyết: một bộ tộc ở phía Bắc các sa mạc châu Á, thường tràn xuống đánh phá phía Nam Trung Quốc, đời Đường.
7. Xa thư: (xa: xe; thư: sách) Trung Dung: Kim thiên hạ xa đồng quỹ, thư đồng văn (Ngày nay trong thiên hạ xe cùng một thứ trục dài bằng nhau, sách cùng một thứ chữ). Ý nói chế độ nhà Chu (đời thạnh trị) đã được lưu hành khắp trong thiên hạ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:14:49 pm »


Nay Tây cùng ta:
9. Muôn trùng non nước cách xa;
    Trăm việc ở ăn lạ thói.
10. Tuy rằng có tàu đồng ống khói;
     Tuy răng nhiều súng sắt đạn chì.
11. Trải sáu năm1 qua đánh cõi biên thùy;
     Hơn trăm trận cũng hao ngôi tướng soái.
12. Đòi xin ba tỉnh2 lời nào chẳng phải;
     Bắt phạt muôn dân của mấy cho vừa.
13. Giá như ta hợp nhau đã nhẫn thua chưa;
     Huống chi mọi3 lấn chỗ ai đành để vậy.
14. Ở đâu mà chẳng thấy, đào mồ mả phá miếu chùa, làm những việc bất nhân;
     Ở đâu mà chẳng hay, đốt nhà cửa hãm vợ con, làm những điều vô đạo.
15. Trời nào để dân ta lòi bụng ráo;
     Trời này cho lũ nó rảnh ăn chơi.
16. Xưa nay ai mạnh qua trời;
     Đâu có vật thời có chủ.
17. Kinh Phú Xuân ấy là nơi thiên phủ4,
     Vua Tự Đức ta thật đấng thánh thông.
18. Hơn ba mươi tỉnh hội đồng;
     Hơn sáu mươi năm huệ dưỡng5.
19. Văn võ hiếm6 người làm tướng;
     Man di nhiều nước đến chầu7.
20. Vả xưa kia Tây đã cúi đầu;
     Đến nay lại Tây nào trở mặt.
__________________________________
1. Sáu năm: giai đoạn từ năm 1858 đến năm 1863 nghĩa là từ khi quân Pháp tiến đánh Đà Nẵng đến khi tiến đánh Gò Công.
2. Ba tỉnh: ba tỉnh phía Đông: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
3. Mọi: đây chỉ quân giặc Lang sa.
4. Thiên phủ: kho trời.
5. Huệ dưỡng: nuôi dưỡng bằng ân huệ.
6. Hiếm: thiếu gì.
7. Man di nhiều nước đến chầu: ý nói việc các nước Ai Lao và Chân Lạp xưa đã phải thần phục triều đình nhà Nguyễn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:22:18 pm »


Ớ các làng ơi!
21. Chớ thấy chín trùng hòa nghị1 mà tấm lòng địch khái nỡ vội quên;
     Chớ rằng ba tỉnh trọn vong mà cái việc báo cừu đành ngơ bỏ.
22. Nào những thuở rèn mác thông, đan nón gõ, ra đường hăm hở, như tuồng đâm ai chém ai;
     Đến bây giờ bưng bạc nén, vác tiền trăm, vào cửa lom khom, phải quỳ lạy nó dạ nó.
23. Mặt nào tới lãnh bằng ngày nọ;
     Mặt nào ra xuất thú buổi này.
24. Đã thề nguyền ra sức đánh Tây;
     Lại tiếc của trở vào đầu giặc.


Như vậy thời:
25. Một đường cái há phân nam bắc;
     Một vóc tơ nỡ nhuộm xanh vàng.
26. Làm chi cho thầy Địch2 thở than,
     Làm chi để ông Châu3 động khóc.


Ớ các làng ơi!
27. Ơn thủy thổ thảy đều mang nặng;
     Phận thần dân đâu khá lỗi nghi.
28. Phải che đậy nhau mà rán ở đợi thì;
     Đừng làm tin nó mà xui ra đầu thú.
29. Chớ thấy đồn bảo4 dưới Gò Công thất thủ mà đành lòng theo mọi.
30. Dầu ai hỏi cớ sao rằng ngu, cớ sao rằng nịnh, coi cái bia trên mả ngụy Khôi5.
     Dầu ai coi làm sao là họa, làm sao là tai, ngó tấm bản trong làng Đa Phước6.
__________________________________
1. Chín trùng hòa nghị: chỉ triều đình Huế đã ký Hòa ước ngày 6 tháng 6 năm 1862 nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp.
2. Thầy Địch: tức Mặc Địch, người thời Chiến quốc, chủ trương thuyết kiêm ái.
3. Ông Châu: tức Dương Chu, người thời Chiến quốc, xướng lên thuyết vị ngã, trái với thuyết kiêm ái của Mặc Địch (chữ châu cũng đọc là chu).
4. Đồn bảo: tiếng đôi, chỉ là chỗ đặt binh canh giữ.
5. Mả ngụy Khôi: ngụy Khôi tức là Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt đã khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan và mấy ngàn người theo Khôi đều bị giết, chôn chung vào một chỗ gọi là "mả ngụy".
6. Làng Ba Phước: tên một làng ở cách Sài Gòn khoảng 20km, nay thuộc huyện Bình Chánh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:38:36 pm »


Hỡi ơi!
31. Oán dường ấy, hờn dường ấy, cừu thù dường ấy, làm sao trả đặng mới hay;
     Công bấy lâu, nghiệp bấy lâu, lao khổ bấy lâu, nghĩ lại bỏ đi sao phải ?
32. Thà rã xác tìm nơi sơn tái1 nhóm kẻ anh hùng
     Thà lội đường ra mé hải tân2 theo người hào kiệt.
33. Năm Giáp Tý3 vận thời hầu gặp;
     Nước Đại Nam đường đất còn dài.
34. Thử xem cầm thú khác loài;
     Tua4 biết dương di5 khác mặt.
35. Mọi nào dữ cho hơn Ngột Truật6, mà sĩ Trung Nguyên chẳng khứng đầu Kim;
     Mọi nào hung dám sánh Khuyển Nhung7, mà dân Tây Thổ đều về ấp Lạc.
36. Thói hoạt Hạ8 xưa nay hằng khác;
     Việc nhương Di9 chầy kíp cũng xong.
37. Hễ làm người chớ ở hai lòng;
     Đã vì nước phải theo một phía.
38. Trước làm nghĩa sau cũng làm nghĩa, trước sau cho trọn nghĩa vua tôi;
     Sống cho danh thác cũng có danh, sống thác đặng thơm danh nhà nước.
39. Nghĩ trong thế triều đình sẵn chước, một là gần viện hai là xa viện, rồi đây thấy "dĩ di công di"10.
     Xin các viên quản suất bền lòng, trước ai đánh Tây, sau ai đầu Tây, không nhớ chữ "xuất nhĩ phản nhĩ"11.
40. Chớ khá phân bì kẻ sĩ, hoặc là làm phủ, hoặc là làm huyện, ấy những đồ hư, đồ bỏ, đồ thối, đồ nhơ;
     Chẳng nên xeo nạy12 thằng dân, hoặc theo làm mướn, hoặc theo làm thuê, ấy những đứa dại, đứa hoang, đứa nghèo, đứa rách.
41. Quan làm đường ấy, cũng như hoa chùm gửi mua ngày13;
     Dân đến nỗi này, ví như cây dù che theo nắng.
42. Nhân nghĩa lòng người đã sẵn;
     Tội phúc phép nước có phân.
43. Buổi hanh thông14 còn có đứa phi nhân;
     Cơn bĩ thế15 há không thằng tặc tử16.

Nhưng mà:
44. Lòng ai nấy giữ;
     Việc ai nấy lo.
45. Chớ tưởng tham đồng bạc con cò17;
     Chẳng đoái lại tấc gươm đầu hổ.
46. E đó mắc vòng lao khổ;
     Nên đây đưa tiếng khuyên răn.
47. Nín mà coi trời lúc trinh nguyên;
     Thời cũng thấy người trong thiện ác.
___________________________________
1. Sơn tái: núi non ở biên giới.
2. Hải tân: bờ biển.
3. Năm Giáp Tý: tức là năm 1864.
4. Tua: tiếng cổ, có nghĩa là nên, là phải.
5. Dương di: (dương: biển) quân mọi rợ từ ngoài biển xâm nhập vào; đây chỉ quân Pháp.
6. Ngột Truật: Con thứ tư vua Thái Tổ nước Kim, đem quân đánh lấy nước Tống nhưng không được các sĩ phu đất Trung Nguyên tòng phục.
7. Khuyển Nhung: tên chủng tộc Tây Nhung xưa ở tây bắc Trung Quốc, đã tấn công vào kinh đô nhà Chu khoảng năm 770 trước Công Nguyên. Chu Bình Vương phải dời đô về Lạc Ấp và đưa dân về đó.
8. Hoạt Hạ: Kinh thư có câu: "Man di hoạt Hạ" nghĩa là rợ man vào quấy rối miền Hoa Hạ (Hoa Hạ tức là Trung Quốc).
9. Nhương Di: đánh được mọi rợ. Công dương truyện chép: "Hoàn Công cứu Trung Quốc như nhương di địch" nghĩa là Hoàn Công cứu Trung Quốc, đánh lui được quân mọi rợ (rợ Nhung ở phương Bắc).
10. Dĩ di công di: Lấy mọi đánh mọi, dùng quân địch để đánh lại quân địch.
11. Xuất nhĩ phản nhĩ: Làm ra thế nào thì trở lại như thế. MạnhTử có câu: "Giới chi giới chi, xuất hồ nhĩ giả, phản hồ nhĩ giả dã". Người làm cho ai việc gì thì việc ấy sẽ được trả lại như thế cho người.
12. Xeo nạy: xê dịch, bẫy lên; nghĩa bóng là suy bì, tị nạnh.
13. Hoa chùm gửi mua ngày: ý nói đến bọn phản quốc theo giặc chỉ sống ăn bám vào người Pháp vì hành động của chúng trái với câu tục ngữ: "Mua đêm nằm mua năm ở".
14. Hanh thông: May mắn, dễ làm ăn nên việc.
15. Bĩ thế: Thời vận khốn quẫn, bế tắc, trái với hanh thông.
16. Tặc tử: Đứa con làm tai hại đến cha mẹ.
17. Đồng bạc con cò: Tiền Mễ Tây Cơ bằng bạc, có hình con ó, được người Pháp cho lưu hành tạm ở Nam Kỳ. Ca dao Nam Bộ có câu: "Ngán thay đông bạc con cò Tiết trong giá trắng đen mò vì mi".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:47:19 pm »


PHỤ LỤC

PHONG TRÀO KHÁNG PHÁP CỦA NHÂN DÂN NAM KỲ
Từ 1859 đến 1885


Phong trào kháng Pháp của nhân dân Nam Kỳ từ 1859 đến 1885 đã diễn biến qua 3 giai đoạn:

I. Giai đoạn 1859-1860

Ở Bình Dương đã có hơn 5.000 nông dân sung vào những đoàn nghĩa binh của cựu tri huyện Trần Thiện Chánh và cựu xuất đội Lê Huy chỉ huy. Những đoàn nghĩa binh này đã phối hợp đắc lực với quân của đề đốc Trần Tri chống Pháp. Một sự kiện chiến đấu nổi bật của nghĩa binh lúc bấy giờ là cuộc tấn công vào căn cứ chùa Chợ Rẫy (đêm mồng 3 rạng ngày mồng 4 tháng 7 năm 1860), một vị trí trọng yếu trên tuyến phòng ngự của địch từ Mai Sơn đến Trường Thi. Nghĩa binh đã đánh phá suốt đêm làm cho quân Pháp bị nhiều tổn thất. Tên quan ba Bác-bê bị nghĩa binh phục kích giết chết ở Trường Thi.

Đây có thể coi là giai đoạn mở đầu cuộc chiến đấu của nghĩa binh mới chỉ dấy lên chung quanh đất Sài Gòn. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ mạnh mẽ khi giặc Pháp tiến chiếm Gia Định.


II. Giai đoạn 1861-1867

Trong giai đoạn này, cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất mạnh mẽ nhất là của Trương Định (1-1861 đến 20-8-1864); ngoài ra còn có nhiều cuộc khởi nghĩa khác.

1. Cuộc khởi nghĩa của Đỗ Trình Thoại (Gò Công).

Đỗ Trình Thoại người làng Tân Long, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định, đậu cử nhân năm 1843, làm tri huyện. Tháng 6 năm 1861, ông mộ binh đánh Pháp ở vùng Gò Công. Sau khi Mỹ Tho thất thủ, ngày 22 tháng 6 năm 1861, ông lãnh đạo hơn 1.000 nghĩa binh tiến đánh Gò Công, một trong ba căn cứ của giặc ở vùng Tiền Giang và Vàm Cỏ. Cuộc tiến công bị thất bại, Đỗ Trình Thoại bị tử trận. Toàn quân còn lại đã gia nhập vào nghĩa quân Trương Định.

2. Cuộc khởi nghĩa của Phan Văn Đạt và Trịnh Quang Nghi ở vùng Biện Kiều, Biên Hòa.

Phan Văn Đạt, tự là Minh Phủ, người thôn Bình Thành, huyện Tân Thịnh, đỗ cử nhân đời Tự Đức, nhưng không ra làm quan. Khi quân triều đình thất bại rút về Biên Hòa, ông cùng Trịnh Quang Nghi mưu tính việc chiêu binh chống Pháp. Nghĩa quân của hai ông đóng ở thôn Bình Thành và Ô Khê, phía nam Biện Kiều. Hai ông chưa kịp tổ chức cuộc tấn công thì ngày 16 tháng 7 năm 1861, giặc Pháp biết tin mang quân đến đánh úp. Nghĩa quân do hai ông chỉ huy đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Phan Văn Đạt tử trận, Trịnh Quang Nghi rút về An Giang, sau này liên kết chiến đấu với Trương Định.

3. Cuộc khởi nghĩa của Phủ Cậu ở vùng Mỹ Tho.

Phủ Cậu là người mắc bệnh phong, bán thân bất toại, nhưng do lòng yêu nước nồng nàn, nên ông đã dấy binh chống Pháp vào giữa năm 1861. Ông là người chỉ huy cầm quân rất nghiêm chỉnh, được quần chúng kính phục đặt tên là "Hùm Xám”. Trong lúc đánh Bà Rịa, do lực lượng yếu hơn, ông bị giặc bắt ở Cai Lậy đem về giết tại Mỹ Tho. Nghĩa quân của ông đã về gia nhập với nghĩa quân Trương Định.

4. Cuộc khởi nghĩa của Lưu Tấn Thiện, Lê Quang Quyền đầu năm 1861; khởi nghĩa của Lê Cao Dũng và Hồ Huân Nghiệp năm 1862.

Đầu năm 1861, khi Trương Định mới xuống lập căn cứ ở Tân Hòa (Gò Công) tri huyện Lưu Tấn Thiện và Lê Quang Quyền chiêu mộ được hơn 1.000 nghĩa binh đến hợp tác với Trương Định đánh Pháp.

Năm 1862, cùng với Hồ Huân Nghiệp, Lê Cao Dũng dấy binh chống Pháp ở Bình Dương, bị giặc bắt, ông đập đầu vào tường tự tử.

Hồ Huân Nghiệp, người làng Yên Định thuộc Bình Dương, tỉnh Định Tường. Ông đã dấy binh cùng với Lê Cao Dũng. Sau khi Lê Cao Dũng chết, ông đến hợp tác với Trương Định. Trương Định cử Hồ Huân Nghiệp làm tri phủ Tân Bình, điều động binh lương tiếp tế cho nghĩa quân. Ngày 17 tháng 4 năm 1864, ông bị giặc Pháp bắt và sau đó thì bị chúng xử tử.

5. Cuộc khởi nghĩa của Quản Là ở vùng Cần Giuộc.

Năm 1861, Quản Là lãnh đạo nghĩa quân ở vùng Cần Giuộc, không chế hoạt động của địch ở vùng phía bắc sông Vàm Cỏ, làm cho địch không ra khỏi Chợ Lớn. Có lúc Quản Là đã tấn công vào Gò Công, phối hợp với nghĩa quân Trương Định rất mạnh mẽ.

6. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Lịch (tức Nguyễn Trung Trực) ở Nhật Tảo.

Nguyễn Trung Trực chính tên là Nguyễn Văn Lịch, người Tân An, nhà nghèo, làm ruộng và chài lưới. Khi giặc Pháp đánh vào Nam Kỳ, ông mộ binh chống giặc được nhiều người tin theo. Chiến công đầu tiên, nổi tiếng là trận đánh tàu "Hy vọng" của Pháp đậu trên sông Nhật Tảo hồi cuối năm 1861. Do đó mới có câu "Hỏa hồng Nhật Tảo kinh thiên địa".

Sau trận này, Nguyễn Trung Trực được triều đình Huế phong chức thành thủ úy, trấn nhậm vùng Hà Tiên. Từ đó, ông đã liên lạc với nghĩa quân Trương Định tổ chức đánh Pháp ở các nơi: Thủ Thừa, Thuộc Nhiêu, Bến Lức, Tây Ninh; có lúc đánh đến tận Long Thành, Phước Lý, Tân Uyên, Biên Hòa. Cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo kéo dài sang giai đoạn III.

7. Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân (tức thủ khoa Huân) ở vùng Mỹ Quý, Tam Bình, Rạch Gầm.

Thủ khoa Huân người Tĩnh Giang, phủ Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, đỗ giải nguyên khoa Nhâm Tý (1852), làm giáo thụ Kiến Hưng, khởi nghĩa ở vùng Mỹ Quý, Tam Bình, Rạch Gầm hồi cuối năm 1862. Ông đã làm cho địch mất ăn mất ngủ ở Mỹ Tho. Tháng 6 năm 1863, sau khi tổ chức đánh Mỹ Tho thất bại, ông chạy về Châu Đốc, bị giặc bắt. Năm 1864, ông bị giặc đem đày ở đảo Rê-uy-ni-ông.

8. Cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười.

Khi nghe Trương Định về lập căn cứ Tân Hòa (Gò Công) Võ Duy Dương đã dấy binh khởi nghĩa ở vùng Gò Công, Tân An, hợp tác với Trương Định trong những năm 1862-1864. Sau khi Trương Định mất, Thiên Hộ Dương (tức Võ Duy Dương) trở về lập căn cứ ở Đồng Tháp Mười.

Lúc đầu địch chưa dám tấn công vào Đồng Tháp Mười. Ngày 22 tháng 7 năm 1865, Thiên Hộ Dương chính thức đem quân đánh phá vùng Mỹ Trà (Sa Đéc). Giặc được tin, đem quân chặn đánh. Ông lại chuyển sang tấn công Cái Bè, Mỹ Quý, đánh tan quân Pháp đóng giữ vùng này. Tháng 3 năm 1866, nghĩa quân ra chiếm Cái Nứa.

Tháng 4 năm 1866, giặc Pháp tổ chức một cuộc tấn công đại quy mô vào Đồng Tháp Mười. Hai bên đánh nhau kịch liệt, nghĩa quân bị thiệt hại nặng. Tuy vậy, Thiên Hộ Dương vẫn còn tiếp tục hoạt động. Ít lâu sau, khi ông chết vì bệnh thì nghĩa quân của ông cũng tan rã.

Ngoài ra còn có các cuộc khởi nghĩa của đốc binh Kiều, Nguyễn Thành Ý, Phan Trung, Trà Quý Bình, Đỗ Quang, Âu Dương Lâu, Phan Văn Trị... Những sĩ phu yêu nước này đã từng liên kết chặt chẽ với Trương Định.

Sau khi Trương Định mất, Trương Quyền kế tục sự nghiệp của cha (1864-1867).

Tóm lại, giai đoạn 1861-1867 là giai đoạn lịch sử mà quân dân Nam Kỳ đã liên tiếp tiến công vào quân giặc ở khắp nơi, khiến giặc Pháp phải kêu lên:

"Người Pháp bị bao vây trong một cái lưới âm mưu, trong đó các tầng lớp nhân dân đều tham gia chống lại ta"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2016, 09:50:10 pm »


III. Giai đoạn 1867-1885

Tháng 7 năm 1867, khi giặc Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, nhiều cuộc khởi nghĩa khác lại kế tiếp nổi lên.

1. Cuộc khởi nghĩa của Phan Tam, Phan Ngũ.

Phan Tam, Phan Ngũ (còn gọi là Phan Tôn, Phan Liêm) đều là con trai của Phan Thanh Giản. Sau khi cha chết, anh em họ Phan về với nhân dân. Được phong trào kháng Pháp của nhân dân rèn đúc, Phan Tam, Phan Ngũ đã dấy binh khởi nghĩa từ sau khi ba tỉnh miền Tây đã hoàn toàn lọt vào tay giặc. Hoạt động của anh em họ Phan hầu khắp vùng châu thổ sông Cửu Long, bao gồm các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc...

Chiến công nổi tiếng nhất là trận đánh Hương Điểm (Bến Tre) đêm 9 rạng ngày 10 tháng 11 năm 1868, thừa lúc mưa to, nghĩa quân tổ chức tập kích quân địch tại Hương Điểm, cách Bến Tre 10 cây số, chiếm được đại bác, tên chủ tỉnh Sam-pô bị thương nặng, giặc phải rút lui và xin viện binh. Tên sử gia thực dân Vi-an đã ghi về trận này như sau: "Quân phiến loạn đã cầm giáo, cầm gậy đến chụp lấy lưỡi lê. Người ta không thể phủ nhận sự can đảm của những người đã xáp chiến rất gần, không sợ chết để chống lại binh lính thiện chiến có vũ khí đáng sợ"1.

Anh em họ Phan đã tiến hành cuộc chiến đấu chống Pháp mạnh mẽ suốt trong hai năm 1867-1868. Nhưng vì địch tập trung nhiều binh lực tấn công; cuối cùng sau trận Hương Điểm lần thứ hai (15-11-1868), nghĩa quân bị thất bại nặng. Phan Tam, Phan Ngũ chạy ra Huế, rồi theo Nguyễn Tri Phương đi trấn thủ Hà Nội, hy sinh trong khi Hà Nội thất thủ (19-11-1873).

2. Khởi nghĩa lần thứ hai của Nguyễn Trung Trực.

Khi ba tỉnh miền Tây thất thủ, triều đình Huế lại phong cho ông làm chức lãnh binh và ra lệnh cho ông phải dời quân đi trấn nhậm Phú Yên. Trực kiên quyết không chịu đi và kéo quân ra lập căn cứ ở Hòn Chông và dọc theo ven biển từ Hà Tiên đến phía nam, tới tận đảo Phú Quốc.

Năm 1868, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực vượt biển, tập kích vào đồn Kiên Giang (Rạch Giá), khi địch còn đang ngủ, nghĩa quân chỉ dùng có giáo mác, leo tường đất đột nhập vào đồn, xuất kỳ bất ý tiêu diệt địch. Sau mấy mươi phút chiến đấu kịch liệt, nghĩa quân đã hoàn toàn tiêu diệt cả đồn.

Ngày 21 tháng 6 năm 1868, địch huy động lực lượng, do tên quan tư An-sa chỉ huy, mở cuộc đánh chiếm lại Kiên Giang. Nghĩa quân, sau một lúc chống cự, thế yếu, phải lui về Hòn Chông rồi rút ra Phú Quốc.

Tháng 9 năm 1868, giặc Pháp tấn công ra Phú Quốc. Sau hai trận chiến đấu lưu huyết, Nguyễn Trung Trực bị giặc bắt. Giặc Pháp cố sức dụ dỗ, nhưng ông kịch liệt phản đối.

Chúng đem ông ra xử tử tại Rạch Giá, cuối năm 1868.

Nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực tập trung dưới quyền chỉ huy của hai anh em Đỗ Thừa Long và Đồ Thừa Tự lập căn cứ ở khu rừng U Minh tiếp tục chiến đấu.

3. Cuộc khởi nghĩa của Ba Tông ở Bến Tre.

Ba Tông (hay Phan Tông) đã dấy binh khởi nghĩa ở Ba Tri (Bến Tre) vào năm 1869. Ông đánh Pháp nhiều lần, và đã bị tử trận trong cuộc chiến đấu ở giồng Gạch (cuối năm 1870).

4. Cuộc khởi nghĩa lần thứ hai của thủ khoa Huân.

Sau khi bị đi đày ở đảo Rê-uy-ni-ông được thả về, ông lại tiếp tục tổ chức nghĩa quân kháng chiến ở vùng Định Tường từ năm 1872 đến 1874. Thủ khoa Huân lập căn cứ ở Long Trì, tập hợp nghĩa quân, vận động mã tà, tổ chức tấn công Mỹ Tho thất bại, bị bắt và bị giặc hành hình ở chợ Bến Tranh.

Trong thời gian này (1872-1875) còn có các cuộc khởi nghĩa khác như:

- Cuộc khởi nghĩa của Lê Công Thành, Phạm Văn Đồng, Lâm Lễ ở vùng Vĩnh Long, Long Xuyên và Cần Thơ năm 1872.

- Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Phụng, Đoàn Công Bửu ở Trà Vinh năm 1874.

- Cuộc khởi nghĩa của Lê Tấn Kế, Trần Công Bình ở Ba Động (Trà Vinh) năm 1875.

- Cuộc khởi nghĩa của Quản Thanh (gọi là phong trào "Đạo lành") ở vùng Thất Sơn (tức là bảy quả núi liên tiếp nhau thuộc tỉnh Châu Đốc giáp giới Cam-pu-chia) vào năm 1868.

Đến năm 1885, một phong trào mới lại nổi lên ở Bà Điểm, Hóc Môn. Người đứng đầu phong trào này là Nguyễn Văn Bường, Phạm Văn Hớn. Hai ông đã tổ chức "hội kín", lợi dụng vườn trầu xanh tốt như rừng để ẩn núp ban ngày; ban đêm ra tập kích các đồn lẻ và chặn đánh các đường giao thông tiếp tế của giặc. Nghĩa quân đã giết chết tên phản động Phủ Ca (đốc phủ Trần Tử Ca). Nghĩa quân còn định đánh úp Sài Gòn, nhưng kế hoạch bị lộ trước khi hành động. Nguyễn Văn Bường bị bắt, phong trào dần dần tan rã, chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất của nhân dân Nam Kỳ.

Tóm lại, suốt từ năm 1859 đến năm 1885, nhân dân Nam Kỳ đã luôn luôn vùng lên quyết không chịu khuất phục, ngay từ khi quân thù mới đặt chân tới đất nước ta. Hết phong trào này đến phong trào khác, nhân dân Nam Kỳ đã xông tới kẻ thù với một khí thế vô cùng dũng mãnh, thà chết chứ không lùi bước.





TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bảo Định Giang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quảng Tuân: Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, T.p Hồ Chí Minh, 2001.
2. Tô Minh Trung, Nguyễn Xuân Huy: Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1965.
3. Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang: Thơ văn yêu nước Nam Bộ, Nxb Văn hóa, H. 1962.
4. Nguyễn Bảo Hóa: Nam Bộ chiến sử (1859-1868), Sài Gòn, 1949.
5. Phạm Văn Đồng: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc. Báo Nhân dân số 3.384, ra ngày 3-7-1963.
6. Phan Khoang: Việt - Pháp bang giao sử lược (từ thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ XX), Huế, 1950.
7. GS Trần Văn Giàu: Chống xâm lăng (lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898) trong cuốn Nam Kỳ kháng Pháp, Nxb Xây dựng, H. 1956.
8. GS Trần Văn Giàu: Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước 1858, Nxb Xây dựng, H. 1958.
9. Trần Huy Liệu: Lịch sử 80 năm chống Pháp (In lần hai), Nxb Văn - Sử - Địa, H. 1957.
10. Léopold Pallu, Lịch sử cuộc chinh phạt xứ Nam Kỳ năm 1861, Pari, 1864.
11. Nguyễn Thông, Kỳ xuyên văn sao (trích trong Thơ văn yêu nước Nam Bộ), Nxb Văn hóa, H.1962.
_____________________________________
1. P. Vial, Sđd, q. 2, tr. 180.


Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM