Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:31:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định  (Đọc 33364 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 05:32:20 pm »


            KHÓC BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI TRƯƠNG ĐỊNH
                                                                                                   ĐÀOTẤN

      Cuồng nhung xâm phạm ngã sơn hà.
      Báo quốc tinh trung sát Lãng sa
      Khả tích vị thành bình lỗ chí,
      Anh hùng thỉnh trợ cựu bang gia.



Dịch nghĩa:

            KHÓC BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI TRƯƠNG ĐỊNH
      Bọn giặc dữ xâm phạm non sông ta,
      Ông tỏ lòng trung, giết giặc Pháp, đền nợ nước.
      Đáng tiếc chí lớn dẹp giặc chưa thành.
      Hồn thiêng dưới suối vàng mong giúp nhà xưa.


Dịch thơ:

            KHÓC BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI TRƯƠNG ĐỊNH
      Giặc cuồng xâm phạm núi sông ta,
      Ông tỏ lòng trung giết Lãng sa.
      Chỉ tiếc chí kia chưa được thỏa,
      Hồn thiêng xin hộ nước non nhà.

                                                      Nguyễn Phan dịch
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2016, 11:48:12 pm »


            VỊNH BÌNH TÂY ĐẠI NGUYÊN SOÁI TRƯƠNG ĐỊNH
                                                                            TRƯƠNG GIA MÔ

      Dân nghèo kết hợp lập cơ doanh,
      Đúc súng rèn quân ứng chiến tranh.
      Phục kích nhiều lần thâu thắng lợi,
      Tiên phong liên tục nổi thanh danh.
      Triều đình dạ thỏ, theo hòa ước,
      Trương Định gan hùm, chống bãi binh.
      Bị phản, mang thương xem khó thoát,
      Bình Tây đại soái tự quyên sinh.

                                                     1920




            VỊNH TRƯƠNG ĐỊNH
                                                     NGUYỄN QUẢNG TUÂN

            MƯỠƯ
      Nên hư nào nại giúp đời,
      Ai đem gươm báu chôn nơi biên thùy.
      Tướng quân nào quản gian nguy,
      Tấm thân phá lỗ những vì nước non.



            NỐI

      Anh hùng bất khuất,
      Trận Gò Công danh tiếng thật như cồn.
      Đã liệt oanh phục kích với công đồn,
      Khiến quân giặc phải tan hồn táng đảm.
      Sống đã nêu cao gương dũng cảm,
      Chết càng tỏ rạng tấm trung kiên.
      Trọn mấy năm đã ra sức tranh tiền,
      Cho đến buổi thụ mã tiền nguyên soái.
      Những gánh vác một vai nơi khổn ngoại,
      Tướng quân phù nào dám trái lòng dân.
      Ngờ đâu một phút về thần.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:18:08 pm »


            TRƯỚC ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH
                                                          BẢO ĐỊNH GIANG

      Cút xa rồi mặt ngựa, đầu trâu,
      Tiếng sấm thôi gầm dưới cửa Khâu.
      Vì nước ngày nào "thân đã gửi”1
      "Hội nầy nào thấy tướng quân đâu!"2

                                          Gò Công, cuối năm 1975





            NGHE THƠM HƯƠNG LÚA
                                                        BẢO ĐỊNH GIANG


      Chưa có dịp về lại thăm quê
      Chào Cai Lậy, Cái Bè
      Chào những hợp tác xã, tập đoàn mười tấn
      Tên được đóng khung như tấm bằng trên báo Đảng.

      Có phải nơi này dưới ách đế quốc trăm năm
      Những Tổng đốc Lộc, Đốc phủ Tâm
      Bỏ vào cối quết3 người như quết chuối
      Bổ đầu con gái, con trai như bổ củi
      Rạch bụng chửa thả trôi sông
      Tuổi sáu, bảy mươi vẫn bị kẹp, bị còng.
      Có phải nơi này dưới thời phong kiến
      Mồ hôi, nước mắt nông dân đong thành biển
      Đồng khô cỏ cháy, lúa không đủ nộp tô.

      Người làm ra gạo sống bằng bông súng, củ co.
      Địa chủ ngồi không no say sinh tệ
      Một vợ lớn thêm bao vợ bé
      Hoàng phi Phúc Lộc Thọ vàng chóe tông đường
      Nông dân không chiếu không giường
      Trốn muỗi đêm đêm gò mình trong nóp kín.
      Có phải nơi này những thế hệ nối nhau quyết chiến
      Mấy mươi năm không nghỉ, không ngừng
      Người được tuyên dương, xã được tặng phong4 
      Con trai Trương Định, Nguyễn Hữu Huân
                                                     nhiều tên tuổi mới.
      Người thêm đông đất như hẹp lại
      Nêu cao truyền thống "nhiều mũi giáp công"
      Theo đi một hướng, chung sức, chung lòng.
      Hết hè thu đến đông xuân ra đồng như đánh trận
      Bắt ruộng lúa từng mùa thêm tấn
      Thời "một công hai giạ" đã quá cũ càng
      Sánh sao những chiếc thảm vàng
      Trải rộng trên những cánh đồng "cao sản"
      Liên tục được mùa lòng ai thêm phấn chấn
      Xin hôn những bàn tay xốc dậy một vùng quê Cai Lậy, Cái Bè!
      Đêm Sài Gòn nghe thơm hương lúa!

                                                       20-3-1984
                                                  Dòng sông - Cuộc đời
__________________________________________
1. Văn tế Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu: "Vì nước tấm thân đã nấy, còn mất cũng cam".
2. Trích Điếu Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu.
3. Động tác giã gạo.
4. Thời kỳ chống Mỹ, một xã ở Cai Lậy, một xã ở Cái Bè được tặng phong "Anh hùng lực lượng vũ trang".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:27:16 pm »


           HÔM MAI ĐỒ CHIỂU VUI THẦM
                                                         BẢO ĐỊNH GIANG

      Ra từ "đám lá tối trời”
      Gò Công từ ấy sáng ngời hào quang
      Còn đâu lũ giặc hung hăng
      Còn đâu vua chúa đầu hàng bỏ dân.
      Hôm mai Đồ Chiểu vui thầm
      Đêm đêm sóng giận thôi gầm cửa Khâu1.
      Gò Rùa2 trăng sáng treo cao
      Đường qua Truông Cốc3 mây sầu đã tan
      Sáng ngời trang sử nông dân
      Lên đường tựu nghĩa làm quân dưới cờ.
      Chọn người phong soái tôn phò
      Non sông coi trọng, chiếu vua coi thường.
      Vì đất tổ, vì quê hương
      Một gò cô lũy tỏa hương ngàn đời!


                                     Tháng 5-1975
                                Dòng sông - Cuộc đời



           VẦN THƠ VÀ LƯỠI KIẾM
                                                       LÊ HÀ

      Thi nhân mù đôi mắt
      Nhìn đời bằng trái tim
      Không chung trời với giặc
      Kết nghĩa cùng tướng quân
      Vua chúa bán rẻ dân
      Tướng quân mài kiếm bén
      Vần thơ thi nhân mù
      Linh hồn thanh kiếm sáng
      Đừng! đừng đi An Giang
      Đừng về kinh đô Huế
      Ngọn cờ nghĩa rỡ ràng
      Bình Tây Đại nguyên soái
      Câu thơ xoáy đêm trường
      Thanh kiếm vung tới trước
      Triều xao vàm Bao Ngược
      Sóng dậy khém Băng Cung.
      Thanh kiếm trong vòng chiến
      Mắc cạn - chiều Ao Vinh
      Văn tế trợ lưỡi kiếm
      Tiếp nối bước nghĩa quân.

________________________________________
1-3. Điếu Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu:
      "Trống sấm còn gầm dưới cửa Khâu"
      "Mây giăng Truông Cốc đường quân vắng,
      Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2016, 11:32:41 pm »


            VỀ LẠI GÒ CÔNG
                                                    BẢO ĐỊNH GIANG

      Về thăm "đám lá tối trời"
      Trận xưa mất dấu vẫn ngời gương ai
      Trăm năm dồn lại một ngày
      Đã xanh đồng ruộng, vườn cây, ao nhà.
      Xóm làng đỏ rực cờ hoa.
      Thêm hồng trang sử ông cha thuở nào.

      Đêm nay trăng sáng Gò Rùa
      Mây tan Truông Cốc chắc vừa lòng ai.
      Xuân về cánh én cao bay
      Cửa Khâu sóng hết réo ngày réo đêm.

      Trước đền thắp một nén nhang
      Nhớ xưa lòng những bàng hoàng không nguôi.
      Cũng tai, cũng mắt, mặt người
      Cam làm trâu ngựa giữa đời thực sao!
      Những ngày bơ sữa qua mau
      Anh hùng sống mãi bền lâu muôn đời.
      Nhìn về "đám lá tối trời"
      Tối tăm là giặc, sáng ngời là ông.




            VlẾNG TRƯƠNG ĐỊNH
                                                       VIỆT ÁNH

      Trái chúa thuận lòng dân, sự nghiệp sáng choang cờ Đại soái;
      Quên thân trừ giặc nước, cơ đồ hồng thắm chí Trương Công.




            VIẾNG TRƯƠNG ĐỊNH
                                                        BẢO ĐỊNH GIANG

      1. Máu nhuộm Tân Hòa một sớm não nùng tin sét đánh
          Đường qua Trại Cá, nghìn thu vọng tiếng quân reo.
      2. Hận nước cất cao đầu, sóng bạc chuyển rung vàm Bao Ngược;
         Thương dân thà mất mạng, máu hồng tô thắm đất Gò Công.




            VIẾNG TRƯƠNG ĐỊNH VÀ CON LÀ TRƯƠNG QUYỀN
                                                          BẢO ĐỊNH GIANG
     
      1. Một dạ hiếu trung, cha ấy, con ấy;
          Muôn đời oanh liệt, dân nầy, nước nầy.
      2. Chúa hàng giặc, chúa khinh dân, bỏ chúa theo dân, trơ mặt chúa;
          Cha yêu nhà, cha thương nước, noi cha cứu nước, sáng gương cha.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:42:49 pm »


TRUYỆN TRƯƠNG ĐỊNH1
NGUYỄN THÔNG


Trương Định nguyên người Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con ông lãnh binh Trương Cầm. Ông theo cha vào Nam lúc Trương Cầm làm lãnh binh tỉnh Gia Định thời Thiệu Trị.

Định lấy vợ là con gái một nhà giàu ở Tân An, tỉnh Định Tường. Sau khi cha mất, ông ở luôn tại quê vợ. Trương Định trang mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn giỏi. Thời Tự Đức, Trương Định xuất của nhà chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền nên được bổ chức quản cơ2.

Tháng Giêng năm Kỷ Mùi, niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859) thành Gia Định thất thủ, ông dẫn lính cơ tới đóng ở Thuận Kiều3. Khi quan triều đình kéo đến, ông thường đi tiên phong và lập được nhiều chiến công. Tháng Giêng năm Tân Dậu, Tự Đức thứ 14, sau trận thua ở Phú Thọ4, các đại tướng của triều đình lui về giữ Biên Hòa, Trương Định rút quân về đóng ở đồn cũ Tân Hòa5. Buổi ấy bọn Tây đang vây đánh Biên Hòa và Vĩnh Long chúng cho Định là một tên giặc cỏ nhỏ mọn không đáng để ý. Định mới cùng với tri huyện Lưu Tấn Thiện6 và bát phẩm thư lại Lê Quang Quyền tích trữ lương thực, rèn đúc súng đạn, có hơn nghìn binh lính. Nhân lính Tây không am hiểu đường sá, ông thường đem quân phục kích thu nhiều thắng lợi nhỏ. Triều đình Huế nghe tin bổ ông làm phó lãnh binh tỉnh Gia Định. Tháng 11 năm ấy, quân Pháp hãm thành Biên Hòa7, triều đình có chỉ nghiêm trách hiệp tán quân vụ Thân Văn Nhiếp và khâm phái quân vụ là Nguyễn Túc Trưng phải tìm đường tới hội ở Tân Hòa, mưu tính thu phục lại thành trì. Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang, trước đó đã đi đường khác tới hợp lực với Trương Định. Lúc ấy Định đã chiếm cứ Quy Sơn8, quân lính đông quá 5.000 người. Ông nghĩ rằng Nguyễn Túc Trưng là một vị quan to của triều đình, nên tôn làm chỉ huy. Thấy thế giặc mạnh Túc Trưng cẩn thận không dám tiến, chỉ ngồi yên cố giữ hạt Tân Hòa mà thôi.
____________________________________
1. Bảo Định Giang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quảng Tuân, Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 188-193.
2. Quản cơ: Khoảng 1854, Nguyễn Tri Phương vào Nam Kỳ chỉ đạo việc xây dựng đồn điền, một chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng. Những người tham gia đồn điền cũng đồng thời trở thành lính và những ai mộ được nhiều lính đồn điền sẽ được khen thưởng. Trương Định được phong là quản cơ thì có khoảng 300 lính đồn điền.
3. Thuận Kiều: ở gần khu vực Phú Lâm, nay thuộc phạm vi quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Phú Thọ: Tức trận thua ở Đại Đồn, ngày 25 tháng 2 năm 1861.
5. Tân Hòa: Tên huyện thuộc phủ Tân An, tỉnh Gia Định thời Nguyễn, ngày nay là khu vực Gò Công tỉnh Tiền Giang.
6. Lưu Tấn Thiện: người thôn Lộc Tường, huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh Long, năm 1847 đậu cử nhân, làm tri huyện ở  Gia Định, đã cùng Trương Định chống Pháp. Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862) tị địa về Vĩnh Long, làm quan tới chức tri phủ.
7. Biên Hòa: Thành Biên Hòa thất thủ ngày 18 tháng 2 năm 1861.
8. Quy Sơn: tức Gò Rùa, nằm trên giồng Sơn Quy, thuộc địa phận xã Tân Niên Đông cách thị xã Gò Công 2km về phía bắc. Quy Sơn đây chỉ Gò Công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:50:06 pm »


Năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 (1862), ở vùng Quảng Yên (Bắc Kỳ) bọn giặc cỏ là Lê Minh Phụng nổi dậy, làm khắp cả hai tỉnh Hải Dương và Quảng Yên. Bắc Kỳ náo động, ở Nam Kỳ thì thành Vĩnh Long1 thất thủ, tin báo thua trận hàng ngày gửi về triều. Tháng 5 năm ấy, Tây soái là Bô-na2 phái thuyền ra kinh, yêu cầu cử toàn quyền đại thần vào bàn định hòa ước. Vua hội các quan trong triều bàn bạc, rồi sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định hội nghị. Tháng ấy, bản hòa ước làm xong. Đến tháng bảy bãi binh và đòi bọn Túc Trưng về triều. Trương Định được thăng hàm làm lãnh binh tỉnh An Giang và được lệnh giải binh để lĩnh chức mới. Bọn Túc Trưng giải tán quân lính, rồi gửi thư bảo ông Định mau mau theo đường tắt đi ngay. Trương Định cho vợ con đi trước còn mình ở lại kiểm điểm quân số rồi sẽ đi sau. Nhưng những người ứng nghĩa không muốn giải binh, cố lưu ông Định ở lại. Họ nói với nhau rằng: "Bọn Tây bị dân ta nhiều lần đánh lui, nay chúng được triều đình giảng hòa, chắc chúng sẽ giết hại bọn ta. Vả lại bọn Tây lấy binh lực ăn hiếp ta bắt hòa, nhưng chúng không thành thực, nay triều đình giảng hòa với chúng bọn ta không nơi nương tựa, sao bằng hợp lực đánh lại chúng, giữ lấy một mảnh đất để cùng nhau bảo toàn sinh mạng".

Mọi người đều cho là phải, liền cử Trương Định giữ binh quyền. Lúc ấy có Phạm Tuấn Phát ở Tân Long3 đem thư các nghĩa hào đến tỏ ý muốn cử Định làm chủ soái để ra sức trừ giặc. Tức thì mọi người xây đàn tôn Định là chủ soái. Định tự xưng Bình Tây Đại nguyên soái cử Trịnh Quang Nghi làm tham tán quân vụ và bố trí các cơ quan viên chức, mặt đông nam ra tới bể, mặt tây lên đến Hoa Cương4. Tại các nơi hiểm yếu đều sai quân lính phòng giữ, Định tự đem đại quân đóng ở Gò Công. Từ động Cây Đa đến đập Ông Canh5, từng đoạn một, đều đắp lũy để cản quân Tây đột nhập. Định lại đúc thêm đại bác, kén chọn quân lính các huyện, bổ sung vào các đồn thuộc Tân Hòa, phòng thủ chắc chắn để làm kế lâu dài. Sau đó gửi thư hiểu dụ các nghĩa hào, khuyên ai nấy có lòng vì triều đình trừ giặc. Các nghĩa hào đều theo mệnh lệnh của ông, các phủ huyện cũng vận tải tiền gạo đến cung cấp. Thỉnh thoảng Định giết trâu dọn rượu khao thưởng tướng sĩ ai nấy đều phấn khởi ra sức. Nhưng quân lính không có kỹ luật, khi hợp khi tan. Riêng quân do Trương Định chỉ huy và quân của Phạm Tuấn Phát ở  Hắc Khâu6, của Bùi Huy Diệu ở  Cần Đước7, của tuyên phủ sứ Nguyễn Văn Trung ở  Tân Thạnh8 là khá nghiêm chỉnh, cùng Định phối hợp thanh thế để chống giặc.

Vì Hòa ước đã thành, nên Tây soái không động binh và nhiều lần thúc giục quan tỉnh Vĩnh Long gửi thư cho Định, khuyên bãi binh.

Đại ý thư nói: "Triều đình đã ký hòa ước, ông nên bãi binh, không nên trái mệnh vua. Trung hiếu là điều tốt, nhưng phải có giới hạn, không thể vượt quá giới hạn mà được trung hiếu; thái quá cũng như bất cập, có thêm chân lại không phải là rắn nữa. Nếu ông đem toàn bộ hai tỉnh Định, Biên9 về với triều đình, cũng là một cử chỉ tốt. Hiện nay đại binh của triều đình triệt hồi đã lâu, các quan chưởng binh lén lút ở nơi rừng núi đều đã giải tán. Còn một mình, ông đem toán quân ấy tiến lên đánh thì có chắc thắng được không? Lui về giữ thì chắc có vững được không? Quyết không thể được...".
_________________________________
1. Vĩnh Long: Thành Vĩnh Long thất thủ lần thứ nhất ngày 23 tháng 3 năm 1862.
2. Bô-na: tức Bonard, thiếu tướng hải quân Pháp, giữ chức tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh tại Việt Nam từ ngày 29-11-1861 đến 30 tháng 4 năm 1863.
3. Tân Long: tên huyện thuộc Tân Bình, tỉnh Gia Định.
4. Hoa Cương: tức giồng Ông Huệ nằm trên xã Vĩnh Lợi, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
5. Đập Ông Canh: nằm trên rạch Ông Canh, nay thuộc xã Thành Công, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
6. Hắc Khâu: tức Gò Đen, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
7. Cần Đước: nay thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
8. Tân Thạnh: tên huyện thuộc phủ Tân An, tỉnh Gia Định, đời Nguyễn, nay thuộc huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An.
9. Định Biên: Gia Định, Biên Hòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 09:57:35 pm »


Thư qua lại ba lần, Định vẫn không nghe. Mãi sau Tây soái Bô-na gửi thư cho hiệp biện đại học sĩ Phan Công (Thanh Giản) đại lược nói: "Hạt Tân Hòa không phải sức tôi không lấy được. Nhưng nghĩ chốn ấy dân cư đông đúc, quân lính kéo đến phá làng mạc thành đồi hoang, nên tôi còn ngập ngừng không nỡ. Nay Định không chịu bỏ đi, ấy là y chưa hiểu ý ấy, cho nên phải dùng sức mà đuổi đi, không còn cho ở  lâu tại đó".

Phan Công trả lời rằng đã đem việc tâu về triều đình xin đợi triều đình xử trí. Trong lúc ấy, Trương Định giả lệnh vua mật truyền đi các nơi để cổ động dân chúng. Tây soái ngờ triều đình có ra lệnh thật, nên sai quân tấn công Quy Sơn. Định lập kế dụ quân Pháp đi vào chỗ lầy, giết chúng rất nhiều. Tháng 11 (âm lịch) hỏa thuyền tập trung ở  Dung Giang1, cho lính đổ bộ vây đánh. Các kiện tướng Đặng Kim Chung và Lưu Bảo Đường đều bị trúng đạn chết. Trương Định truyền hịch cho các đạo quân từ Tân Long, Bình Dương, Đinh Long cho đến Biên Hòa cùng ngày tấn công Mai Sơn2 phía tây Thuận Kiều. Lại truyền đồn ở Thái Phúc, Tuy Bình, An Long đến đánh để chia sức giặc. Nhưng các quân đánh không nổi, bị tan vỡ. Bọn Văn Trung, Tuấn Phát cũng bị vây đánh bại, bỏ chạy. Định bị lâm vào thế cô. Đến tháng Chạp, Tây binh hội cả vào Tân Hòa, chia làm ba đạo, một đạo đi theo ven bể vào Thư Giang3, một đạo đi đường bể vào đánh Lãng Lộc4 và đi theo Kỳ Man Giang5, dùng hỏa thuyền chở quân đánh thẳng Quy Sơn, tiếng súng vang trời, đạn bay như mưa. Định thúc quân chống cự luôn ba ngày, quân sĩ không cởi áo giáp. Ngày mồng 7 tháng Giêng năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16 (1863), thuốc súng hết, Tây binh trèo lũy đánh vào, nghĩa quân tan vỡ. Định thoát chết bị Tây đuổi theo, phải cùng bộ hạ trốn vào rừng cây ở  bờ bể6. Sau ông lại lén ra thu thập tàn quân đóng ở Phước Lộc7, tính việc khỏi binh lại. Trong bọn thuộc hạ, có tên Đỗ Tiến có ý làm phản. Ngày 19 tháng 8 năm Giáp Tý, Tự Đức thứ 17 (1864), hắn khuyên Định trở lại thôn Phước Lộc để đánh úp Tân Hòa. Định tin lời. Tiến lên sai người dẫn giặc đến đánh úp.

Định bị thương nặng, liệu không thoát khỏi, rút dao mang sẵn trong mình tự vẫn chết. Năm ấy ông 44 tuổi. Con ông là Trương Quyền8 tuy tuổi còn trẻ, song biết cầm quân thường gọi là Nhị Lang Quân (cậu Hai).

Sau khi Định chết thì Quyền trốn đi. Trương Định biết tùy cơ ứng biến, hiệu lệnh nghiêm túc, các tướng tá thảy đều sợ phục. Ông chết rồi, các nghĩa hào đều tự xưng hùng dọa người cướp của. Quang Nghị không sao kiềm chế nổi. Quang Nghị người Thừa Thiên, theo nghĩa binh, được Định cho làm tham tán, giỏi việc hành chánh biết điều khiển quân lính, nên được Định tin cậy. Khi Định chết, Quang Nghị chạy sang Giao Loan, dựa vào Phan Chánh9. Chánh người Ninh Thuận, chiếm giữ Giao Loan, tự xưng là Bình Tây Phó nguyên soái. Nghĩa hào hai tỉnh Định Biên đều theo phụ. Giao Loan giữa Biên Hòa và Bình Thuận, đất đai màu mỡ, chia quân làm đồn điền, chứa trữ thóc gạo, muốn chờ quân lính có đủ súng đạn sẽ khởi sự.

Bọn Chánh sau về triều được bổ làm quan.

Lê Thước và Phạm Khắc Khoan dịch
_______________________________________
1. Dung Giang: tức sông Gò Công ở phía đông Quy Sơn. Rạch Gò Công là một con rạch lớn trong nội địa vùng Gò Công, nối tiếp với kinh Vĩnh Lợi và rạch Vàm Rồng rồi đổ ra sông Cửa Tiền.
2. Mai Sơn: tức gò Cây Mai, còn có tên là Mai Khâu, nay thuộc đường Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1 năm 1860, quân Pháp đánh chiếm khu vực này rồi xây dựng đồn lũy.
3. Thư Giang: bản ĐAVT phiên là Trà Giang (sông Trà), bản SĐ dịch là Già Giang (rạch Già).
4. Lãng Lộc: tức chỗ rạch Cầu Lộc thông ra cửa sông Soài Rạp, rất rộng và sâu nên gọi là Vàm Láng, ở gần vàm có một khu rừng cây cối um tùm, hươu nai hay ra đó uống nước nên gọi là Lãng Lộc.
5. Kỳ Man Giang: tức rạch Cây Bông, là con rạch chạy khắp Vàm Rồng chảy qua địa phận Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
6. Rừng cây ở bờ bể: tức Rừng Sác lúc bấy giờ chạy khắp ven biển từ Biên Hòa đến tận vùng Cần Đước tỉnh Gia Định.
7. Phước Lộc: tên huyện thuộc phủ Tân An, tỉnh Gia Định, nay thuộc khu vực huyện Cần Đước và Cần Giuộc tỉnh Long An.
8. Trương Quyền: (còn có tên là Huệ hay Tuệ) sau trực tiếp chống Pháp ở  Tây Ninh và bị giết chết khoảng tháng 5 năm 1870.
9. Phan Chánh: tức Phan Cư Chánh sau đổi là Phan Trung, tự Tử Đan, hiệu Bút Phong, người thôn Tiến Lộc, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận, đậu cử nhân, làm tri huyện Tân Thạnh sau bị cách chức. Khi Pháp đánh Nam Kỳ, Phan Chánh cùng Trương Định mộ nghĩa binh đánh Pháp, về sau kháng chiến ở Giao Loan rồi ra miền Trung, làm quan dần tới Thị lang bộ Hộ, Điển nông sứ Khánh Hòa, bạn rất thân của Nguyễn Thông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 10:06:15 pm »


HỊCH TRƯƠNG ĐỊNH1

Tưởng có lời ca rằng:
Nước có nguồn, cây có gốc,
Huống người sinh có da có tóc.
Mà sao không biết chúa biết cha?
Huống người sinh có nóc có gia2
Mà sao không biết trung biết hiếu?
Hai vai nặng trĩu, gánh chi bằng gánh cang thường3!
Tấc dạ trung lương4, gồng chi bằng gồng xã tắc5!
Bớ6 những người tai mắt!
Thử xem loài thú cầm,
Trâu ngựa còn điếc câm,
Mà biết đền ơn cho nhà chủ.
Muông gà, loài gáy sủa,
Còn biết đáp ngãi cho chủ nuôi.
Huống chi người chân đạp đất, đầu đội trời,
Ở chi thói sâu dân, mọt nước!
Sao chẳng nghĩ sau, nghĩ trước,
Lại làm thằng nịnh, thằng gian!
Sao rằng trai trí chúa an bang? 7
Sao rằng trai thừa gia khai quốc? 8
Lẽ cho phải trải gan trung, bồi nghĩa mật,
Mà đền thuở trong bụng mẹ mười tháng mới sinh ra;
Lẽ cho phải vợ khiến chồng, con lại giúc cha,
Mà đền thuở ở đất vua, nắm rau mớ ốc.
Thậm tiếc những người làm quan mà ăn lộc,
Nỡ đem lòng mại quốc cầu vinh9;
Tiếc những tay tham lợi an mình,
Mà lại khiến vong ân, bội tổ10
Tai sao chẳng nghe, mắt sao chẳng rõ!
Tổ tiên đâu, mồ mả nước nào?
Lòng sao không xót, dạ sao không bào?
Bờ cõi loạn, muôn dân đồ thán11
Người nước Hán, mẹ cha nước Hán,
Hỏi chớ nào thảo nào ngay?
Đầu Tây rồi ở lại với Tây,
Hỏi chớ nào tôi nào chúa?
___________________________________
1. Bảo Định Giang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quảng Tuân, Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 229-231.
2. Có nóc có gia: có nóc có nhà.
3. Cang thương: tam cương và ngũ thường. Tam cương: ba mối: vua tôi, cha con, vợ chồng. Ngũ thường: năm đức thường của người ta là: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín.
4. Trung lương: trung chính và lương thiện.
5. Xã tắc: (xã: chỗ tế thần đất, tắc: chỗ tế thần nông) thuở xưa dựng nước tất quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền "xã" để tế thần Hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền "tắc" để tế thần Nông. Mất nước thì mất xã tác nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia.
6. Bớ: Tiếng xướng lên mà kêu như tiếng ớ.
7. Trí chúa an bang: giúp vua yên nước.
8. Thừa gia khai quốc: đảm đang việc nhà và mở mang gây dựng đất nước.
9. Mại quốc cầu vinh: bán nước để mưu cầu lấy sự vinh hiển cho riêng mình (Mại: bán).
10. Bội tổ: làm phản lại tổ tiên.
11. Đồ thán: (đồ: bùn; thán: than, do gỗ đốt ra) ở trong chỗ đất bùn than lửa, chỉ cảnh khốn khổ, lầm than.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2016, 10:16:22 pm »


Bởi mình lại tham làm tiền của
Để cho Tây bắt vợ giết chồng.
Bởi mình tham, ham hố bạc đồng.
Để cho Tây lột da, khỏ óc1.
Thân sao không biết nhục,
Vinh vang chi cũng lấy tiếng Tây!
Sung sướng không trọn đời.
Muốn thác chớ kêu trời.
Sung sướng không trọn kiếp.
Cảm thương kẻ nó hành nó hiếp,
Xoi tóc cúp đầu!2
Cảm thương người nó móc nó câu,
Hình thân hoại thể3
Nghĩ thương khôn xiết kể,
Giận nói chẳng hay cùng;
Giận phô4 loài bất hiếu bất trung,
Thương những kẻ oan con, oan vợ5.
Thương ả chệc đêm nằm hơn năm ngủ6,
Nóng gan son ra lập ngãi đàng7,
Giận thằng dân chẳng giữ phong cương8,
Lướt óc tới ở cùng tả đạo;
Trách những kẻ lòng muông, dạ cáo,
Vinh vang chi sửa dép nâng khăn;
Thương những tay bảng quế trung thần9,
Thuở gan dạ, thẻ ngời, bài tạc10.
Làm người sao khỏi thác,
Thác trung thần, thác cũng thơm danh!
_______________________________
1. Khỏ óc: gõ óc, có nghĩa là khinh khi, hiếp đáp.
2. Xoi tóc cúp đầu: trước khi thực dân Pháp sang xâm chiếm nước ta, người đàn ông nước ta để tóc dài và búi lại thành cái búi tóc ở sau gáy. Khi Tây đặt xong nền cai trị; có người ra làm việc cho Tây đã bó buộc phải cắt tóc ngắn theo chúng. Câu này phản đối bọn Tây và bọn Việt gian theo Tây.
3. Hình thân hoại thể: hành hạ làm cho hư hại cả thân thể.
4. Giận phô loài: giận các loài. Phô là các: chữ phô đặt đối với chữ những ở về dưới: Giận phô loài - Thương những kẻ.
5. Oan con oan vợ: Kẻ ra đầu hàng giặc cũng làm cho vợ con khổ lây, mang tiếng xấu oan.
6. Thương ả chệc đêm nằm hơn năm ngủ: câu này không được rõ nghĩa. Ngoài ra người ta không nói "ả chệc" mà thường gọi "chú chệc", chú khách.
7. Ngãi đàng: con đường đạo nghĩa.
8. Phong cương: (phong: cương giới) bờ cõi đất đai.
9. Bảng quế trung thần: người có khoa cử đỗ đạt hết lòng trung thành với vua. Bảng quế là do điển "chiết quế". Trong một bài đối sách Khước Sằn có cho rằng thi đỗ cũng như bẻ một nhành quế trong rừng quế. Có người lại cho rằng thi đỗ cũng như bẻ được cành quế trong cung trăng. Nghĩa thông thường là thi đỗ.
10. Thẻ ngời, bài tạc: ý nói những người dám liều mình vì nước, dù có hy sinh nhưng danh vẫn sáng ngời, sự nghiệp vẫn được đời sau ghi chép, lập bàn thờ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM