Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:42:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định  (Đọc 33359 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 10:40:12 pm »


V
Năm dài những mảng ngóng tin vui
Nín nhịn thầm toan lẽ được thua.
U Kế1 năm hằng còn chỗ đoái,
Ngô Tôn2 trăm chước đợi ngày đua
Bày lòng thần tử vài lời sớ,
Giữ mối giang sơn mấy đạo bùa3
Phải đặng tuổi trời cho mượn số,
Cuộc này ngay vạy4 có phân bua5.



VI
Phân bua trời đất biết cho lòng,
Công việc đâu đâu cũng muốn xong.
Cám nỗi nhà nghiêng lăm chống cột6,
Nài bao bóng xế luống day đòng7.
Đồng Nai, chợ Mỹ8 lo nhiều phía,
Bến Nghé9, Sài Gòn kể mấy đông.
Dẫu biết dùng binh nhờ đất hiểm,
Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công10.

__________________________________
1. U Kế: châu U, châu Kế, hai châu trong 16 châu, vua Thạch Kinh Đường nhà Tấn cắt cho nước Liêu.
2. Ngô Tôn: Ngô Khởi và Tôn Vũ là hai nhà binh pháp thời Chiến quốc bên Trung Quốc.
3. Bùa: do chữ "phù" nghĩa là "ấn tín", ở đây nói những ấn tín, mệnh lệnh của Trương Định: "Son bằng ứng nghĩa thắm lòng dân".
4. Ngay vạy: thẳng và cong.
5. Phân bua: phân trần, bày tỏ cho mọi người biết.
6. Chống cột: một cây cột khó chống được nhà nghiêng. Cả câu ý muốn đem hết sức mình ra chống đỡ khi vận nước lâm nguy nan.
7. Day đòng: day là quay, vẫy; đòng là cái giáo, quay cái giáo. Sách Hoài Nam tử chép: Lỗ Dương Công đánh nhau với quân nước Hàn. Ngày đã chiều, ông giơ ngọn giáo vẫy mặt trời đứng lặng để tiếp tục đuổi giết giặc.
    Cả câu 4 ý nói: dù tình thế đã bất lợi vẫn kiên trì chống giặc.

8. Chợ Mỹ: chợ Mỹ Tho.
9. Bến Nghé: theo Trịnh Hoài Đức là cái bến uống nước của trâu con. Nhưng theo Đại Nam nhất thống chí thì nơi này có lắm cá sấu, chúng thường kêu "nghé" nên gọi là Bến Nghé. Lấy rộng nghĩa ra, Bến Nghé chỉ cái bến sông Sài Gòn hoặc Sài Gòn - Gia Định.
    Đồng Nai: gần Sài Gòn. Người ta cũng gọi vùng đất miền Đông Nam Bộ là Đồng Nai (đồng có nhiều nai).

10. Gò Công: tên chữ là Khổng tước nguyên, nghĩa là cái gò có nhiều con công, là quê hương của Trương Định.
     Mỹ Tho: trước là thủ phủ trấn Định Tường, sau gồm cả Gò Công.
     Câu 8: Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công: Triều đình phong cho Trương Định chức lãnh binh và bắt ông dời khỏi Gò Công đi nhận chức ở An Giang nhưng ông chẳng đành bỏ đi, có viết sớ tâu về nhà vua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 10:58:07 pm »


VII
Gò Công binh giáp hãy chàng ràng1,
Ngó Bắc trông Nam luống thở than.
Trên trại đồn điền2 hoa khóc chủ,
Dưới vàm Bao Ngược3 sóng kêu quan.
Mây giăng Truông Cốc đường quân vắng,
Trăng xế Gò Rùa4 tiếng đẩu5 tan
Mấy dặm non sông đều xửng vửng6,
Nạn dân ách nước để ai toan?


VIII
Ai toan cho thấu mấy trời sâu,
Sự thế nghe ra đá lắc đầu7.
Giặc cỏ om sòm mưa lại nhóm,
Binh sương8 lác đác nắng liền thâu.
Cờ lau đà xếp trên giồng Cốc,
Trống sấm còn gầm dưới cửa Khâu9.
Cảnh ấy những mơ người ấy lại,
Hội nầy nào thấy tướng quân đâu?

__________________________________
1. Chàng ràng: rộn ràng, lăng xăng, không yên chỗ.
2. Đồn điền: chỉ nơi đồn điền của Trương Định đã khẩn hoang để trồng trọt.
3. Vàm Bao Ngược: cửa sông Bao Ngược ở huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An ngày nay.
4. Truông Cốc, Gò Rùa: tên đất ở Gò Công, thuộc phạm vi hoạt động của Trương Định.
5. Tiếng đẩu: do chữ "điêu đẩu", một dụng cụ của quân đội thời xưa, làm bằng đồng, đựng được một đấu gạo, ban ngày dùng để thổi cơm, ban đêm dùng để gõ làm kẻng báo hiệu cầm canh
6. Xửng vửng: choáng váng, bất tỉnh, sợ sệt.
7. Đá lắc đầu: lấy ở chữ "Ngoan thạch điểm đầu" - hòn đá gân guốc cũng phải gật đầu, ý nói việc làm tốt, lời nói hay đá cũng phải gật đầu. Đá mà phải lắc đầu là việc làm khó khăn.
    Câu 2: ý nói việc chống giặc Pháp chắc gặp nhiều khó khăn đến đá cũng phải lắc đầu.

8. Binh sương: Ý nói quân đội như lớp sương đêm, nắng lên lại rút lui hết.
9. Giồng Cốc, Cửa Khâu: đều thuộc Gò Công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:03:29 pm »


IX
Tướng quân đâu hỡi có hay chăng?
Sáu ải1 cơ đồ nửa đã ngăn.
Cám nỗi kiến ong ra sức dẹp,
Quản bao sâu mọt chịu lời nhăng2.
Đá kêu rêu mọc bia Dương Nghiệp3,
Cỏ úa hoa tàn mả Lý Lăng4.
Thôi vậy thời vầy thôi cũng vậy,
Anh hùng đến thế dễ ai dằn.



X
Dễ ai dằn thúc lối sau nầy,
Trời bởi chưa cho vội đổi xây.
Thà buổi trường sa5 da ngựa bọc6,
Khỏi nơi đạo chích7 tiếng muông rầy8.

______________________________________
1. Sáu ải: tức sáu tỉnh Nam Kỳ.
2. Lời nhăng: lời nói lăng nhăng, gièm pha, chê trách.
3. Dương Nghiệp: một danh tướng đời Tống Thái Tông, có sức khỏe, dùng quân đánh đâu được đấy. Ông thường cầm quân ở biên thùy, quân Khiết Đan trông thấy bóng cờ của ông là lùi ngay. Sau ông bị thứ sử Ủy Châu Vương Sằn tranh công, để một mình ông bị hãm vào trong trận của địch, không cho quân đến cứu, ông bị bắt nhịn ăn ba ngày rồi chết.
    Câu này ý nói tướng giỏi đã chết, việc đánh đuổi quân ngoại xâm nay biết trông cậy vào ai.

4. Lý Lăng: tướng đời Hán Vũ Đế cầm quân đánh Hung Nô, quân ít, sức kiệt phải hàng, rồi chết ở nước Hung Nô.
    Câu 5-6: Đưa hai nhân vật Dương Nghiệp và Lý Lăng, Nguyễn Đình Chiểu muốn nói đến tội của triều đình nhà Nguyễn đã bỏ mặc Trương Định chống giặc Pháp.

5. Trường sa: sa trường, nơi chiến địa.
6. Da ngựa bọc: Mã Viện, một võ tướng đời Đông Hán thường nói: "Kẻ nam nhi chết ở nơi biên tái, lấy da ngựa bọc thây"
7. Đạo Chích: một tay ăn trộm cừ khôi, tên là Chích, người đời Xuân Thu ở Trung Quốc.
8. Tiếng muông rầy: tiếng chó làm rầy (sủa, cắn).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2016, 11:11:19 pm »


XI
Đầu vầy sấm chớp nổ thình lình,
Gió bạt thêm buồn mấy đạo binh.
Ngựa trạm1 xăng văng miền Bắc khuyết2,
Xe nhung3 ngơ ngẩn cõi Tây Ninh.
Bài văn phá lỗ4 cờ chưa tế,
Tấm bảng phong thần5 gió đã kinh.
Trong cuộc còn nhiều trang tướng tá,
Lời nguyền trung nghĩa há làm thinh.



XII
Làm thinh hổ đứng giữa hai ngôi6,
Nếm mật7 từ đây khó nỗi ngồi.
Mũi giáo Thi Toàn8 đừng để sét,
Lưỡi gươm Dự Nhượng9 phải toan giồi.
Đánh Kim10 chi sá thằng Lưu Dự11,
Giúp Tống xin phò gã Nhạc Lôi12,
Dâng hộ nước Nam về một mối,
Nghìn năm miếu tặng rạng công tôi13.

_________________________________
1. Ngựa trạm: thời xưa các trạm đường thường dùng ngựa để chạy văn thư, gọi là ngựa trạm (dịch mã).
2. Bắc khuyết: cửa kinh thành phía bắc trên lầu. Thời xưa, dâng sớ hay thư từ hoặc yết kiến vua đều vào cửa khuyết phía bắc.
3. Xe nhung: xe binh. Câu 4: Ý nói khi Trương Định chết, con là Trương Quyền đem quân về Tây Ninh tiếp tục kháng chiến.
4. Phá lỗ: phá giặc.
5. Phong thần: sắc phong làm thần.
6. Hai ngôi: trời và đất.
7. Nếm mật: vua nước Việt là Câu Tiễn, bị vua nước Ngô (Phù Sai) đánh bại, về nương náu ở núi Cối Kê, sau phải cầu hòa với vua Ngô, khi trở về nước, thường treo quả mật trên chỗ ngồi, ăn uống thì nếm nước mật, tự khắc khổ thân mình, ngày đêm nuôi chí báo thù nước Ngô.
8. Thi Toàn: một viên tướng giỏi kết nghĩa anh em với Nhạc Phi đời Tống, Nhạc Phi bị gian thần là Tần Cối giết hại, Thi Toàn đón đường định ám hại Tần Cối, không may, mưu bị lộ, bị giết.
9. Dự Nhượng: người đời Chiến quốc, chú là Trí Bá bị Triệu Tương Tử giết chết. Dự Nhượng bèn bôi sơn vào mình làm lở loét như người hủi, nuốt than làm khản tiếng như người câm, biến đổi hình dạng, mưu đâm Triệu Tương Tử để báo thù cho chú. Bị Tương Tử bắt được, Dự Nhượng mới xin cái áo mặc của Tương Tử, rồi rút gươm ra, ba lần nhảy lên mà chém vào áo rồi tự sát.
10. Kim: tên một nước ở phía bắc Trung Quốc, thường đem quân đánh nước Liêu và nước Tống.
11. Lưu Dự: người đời Tống, đỗ tiến sĩ, làm chức thị ngự sử, nhưng từ thuở nhỏ vốn là người vô hạnh, khi người Kim đánh nhà Tống, Lưu Dự hàng Kim, được người Kim phong quan rồi lập làm hoàng đế bù nhìn, đặt quốc hiệu là Đại Tề, sau lại bị người Kim phế đi.
12. Nhạc Lôi: con Nhạc Phi đời Tống cùng với cha phù Tống đánh Kim.
13. Miếu tặng rạng công tôi: lập miếu thờ và phong tặng cho người bê tôi có công lao.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 10:29:34 pm »


VĂN TẾ TRƯƠNG ĐỊNH
NGUYỄN ĐÌNH CHlỂU

Hỡi ơi!
1. Giặc cỏ bò lan; tướng quân mắc hại!
2. Ngọn khói Dương Di1 đóng đó, cỗi biên còn trống đánh Sơn Lâm2;
    Bóng sao Võ khúc3 về đâu, đêm thu vắng tiếng canh dinh trại.


Nhớ tướng quân xưa:
3. Gặp thuở bình cư4 làm người chí đại.
4. Từ thuở ở hàng viên lữ5, pháp binh trầm trận đã làu;
    Đến khi ra quản đồn điền6, võ nghệ mấy ban cũng trải
5. Lối giặc đánh tới, theo quan Tổng đốc7, trường thi mô súng8, trọn mấy năm ra sức tranh tiền9;
    Lúc cuộc tan rồi, về huyện Tân Hòa10 đắp lũy đồn binh, giữ một gốc bày lòng địch khái.
6. Chợt thấy cánh buồm lai sứ11, việc giảng hòa những tưởng rằng xong;
    Đã đành tấm giấy tựu phong12, phận thiên tỉ13 có đâu dám cãi.
7. Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền14;
    Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù15, gánh vác một vai khổn ngoại16.
8. Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo.
    Tóm muôn dân gầy sổ17 mộ binh, luật lệnh nào ai dám trái.
9. Văn thì nhờ tham biện, thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công18;
    Võ thì dùng tổng binh, đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới.

_________________________________
1. Dương di: tức giặc Pháp. Các bản Quốc ngữ chép là Tây bang (nước Tây).
2. Sơn Lâm: núi rừng.
3. Vũ khúc: sao Vũ khúc là sao tiêu biểu và cũng là sao chiếu mệnh của tướng võ, chỉ Trương Định.
4. Bình cư: lúc ăn ở bình thường, không có chiến sự.
5. Viên lữ: doanh trại quân đội.
6. Quản đồn điền: Trương Định trước đã đứng ra khai hoang mở đồn điền ở Gò Công.
7. Tổng đốc: đây chỉ Nguyễn Tri Phương.
8. Trường thi, mô súng: hai địa điểm tập luyện quân sự của bên ta.
9. Tranh tiền: tranh ra trước, tình nguyện đi tiên phong.
10. Tân Hòa: huyện Tân Hòa, căn cứ của Trương Định.
11. Lai sứ: sứ đến, đây chỉ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn giảng hòa với Pháp.
12. Tựu phong: tới nơi nhận chức phong. Triều đình cho làm lãnh binh và bắt dời khỏi Gò Công, đi nhậm chức ở An Giang.
13. Thiên tỉ: dời đi chỗ khác. Phận thiên tỉ là đặt đối việc giảng hòa. Vì việc giảng hòa mà triều đình mới ra lệnh cho Trương Định phải dời về An Giang. Các bản Quốc ngữ thường chép là phận thần tử thì không đúng.
14. Mã tiền: trước đầu ngựa. Được tin Trương Định sắp đi An Giang, dân chúng cản đầu ngựa giữ lại.
15. Tướng quân phù: ấn tín của người tướng.
16. Khổn ngoại: ngoài cửa kinh đô. Sử ký Tư Mã Thiên có câu "Khổn dĩ ngoại, tướng quân chế chi", nghĩa là "Ngoài cửa quốc đô, thuộc quyền chế ngự của tướng quân". Câu này là lời của vua trao quyền về quân sự cho một vị tướng.
17. Gầy sổ: lập sổ.
18. Nhung công: việc quân (nhung: binh khí, chiến tranh).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2016, 11:09:36 pm »


Khá thương ôi!
10. Tiền vàng ân chúa1, trót đã rõ ràng;
     Ấn bạc mưu binh, nào còn trễ nải.
11. Chí lăm dốc cờ xuê lộ bố2, chói sắc giữa trào;
     Ai muốn đem gươm báu can tương3, chôn hơi ngoài ải.


Há chẳng thấy:
12. Sức giặc Lang Sa, nhiều phương quỷ quái.
13. Giăng dưới nước tàu đồng, tàu sắt, súng nổ quá bắp rang;
Kéo trên bờ ma-ni, mã tà, đạn bắn như mưa vãi.
14. Dầu những đại đồn4 thuở trước, cũng khó toan đè trứng nghìn cân5;
     Huống chi cô lũy6 ngày nay, đâu dám chắc treo mành một dải.



Nhưng vậy mà:
15. Vì nước tấm thân đã nấy còn mất cũng cam;
     Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại.
16. Rạch Lá, Gò Công mấy trận, người thấy đã kinh;
     Cửa Khâu, Trại Cá khắp nơi, ai nghe chẳng hãi.
17. Nào nhọc sức hộ tào7 biên sổ, lương tiền nhà ruộng, cho một câu háo nghĩa lạc quyên8;
     Nào nhọc quan võ khố bình câu9, thuốc đạn ghe buôn, quyền bốn chữ gian thương đạo tải10.
18. Núi đất nửa năm ngăn giặc, nào thành đồng lũy sắt các nơi;
     Giáo tre nghìn dặm đánh Tây, nào ngựa giáp xe nhung mấy cái.

___________________________________
1. Tiền vàng ân chúa: tiền vàng của vua ban, ấn bạc của quan chức to, ý nói chịu ơn nhà vua.
2. Lộ bố: thời xưa, khi xuất binh thắng trận thì dâng thư báo tiệp về triều và viết vào lụa rồi dựng cột trương lên gọi là lộ bố.
3. Can tương: tên thanh kiếm quý. Sách Ngô Việt xuân thu chép: "Can Tương người nước Ngô luyện thép làm kiếm, vợ là Mạc Gia cắt tóc và móng tay bỏ vào trong lò, thép được tôi, làm thành hai cái kiếm, cái dương tên là Can, cái âm tên là Mạc Gia".
4. Đại đồn: đồn lớn, tức đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương phòng giữ (Gia Định).
5. Đè trứng nghìn cân: do chữ "thiên quân áp noãn" (nghìn cân đè quả trứng).
6. Cô lũy: cái lũy lẻ loi của Trương Định.
7. Hộ tào: cơ quan trông coi sổ bộ (tiền thuế ruộng đất, nhân khẩu...). Ở đây biên tên những người đóng góp tiền của.
8. Háo nghĩa lạc quyên: mến việc nghĩa vui lòng quyên giúp. Ý nói Trương Định hô hào một câu thì mọi người vui vẻ quyên tặng.
9. Võ khố bình câu: quan giữ kho vũ khí ngang bằng trong việc cung cấp khí giới.
10. Gian thương đạo tải: người buôn gian chở trộm hàng, ở đây ý nói vì quyền biến nên mới mua lén được vũ khí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:32:52 am »


Khá thương ôi!
19. Chí đốc đem về non nước cũ, ghe phen1 hoạn nạn, cây thương phá lỗ2 chưa lìa;
     Nào hay trở lại cảnh quê xưa, nhắm mắt lâm chung, tấm bảng phong thần vội quải3.
20. Chạnh lòng quân sĩ, thương quan tướng, nhắc quan tướng, chiu chít như gà;
     Bực trí nhân dân, giận thằng tà, mắng thằng tà, om sòm như nhái.
21. Sự thế hãy bên Hồ bên Hán4, bao giờ về một mối xa thư;
     Phong cương còn nửa Tống nửa Liêu5, đâu nỡ hại một trang tướng soái.
22. Nào phải kẻ tán sư đầu giặc6, mà để nhục miếu đường;
     Nào phải người kiểu chiếu7 đánh Phiên, mà gây thù biên tái8.
23. Hoặc là chuộng một lời hoà nghị, giận Nam Phiên phải bắt Nhạc Phi9 về;
     Hoặc là lo trăm họ hoành la10, hờn U địa11 chẳng cho Dương Nghiệp12 lại.
24. Vì ai khiến dưa chia, khăn xé13, nhìn giang sơn ba tỉnh luống thêm buồn;
     Biết thuở nào cờ phất trống rung, hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái ?
25. Còn gì nữa, cõi cô thế riêng than người khóc tượng14, nhắm mắt rồi may rủi một trường không;
     Thôi đã đành, bóng tà dương gấm ghé kẻ day đòng15, quay gót lại thua trăm trận bãi.

________________________________________
1. Ghe phen: nhiều phen.
2. Cây thương phá lỗ: ngọn giáo đánh tan quân giặc.
3. Quải: treo.
4, 5. Bên Hồ, bên Hán, nửa Tống, nửa Liêu: nước Hồ, nước Hán, nước Tống, nước Liêu thường đánh lẫn nhau. Câu này ý nói quân Pháp đương xâm lược nước ta, đất nước đương bị chia cắt.
6. Tán sư đầu giặc: đánh bị thua, để mất hết quân rồi đầu hàng giặc.
7. Kiểu chiếu: giả thác là chiếu chỉ của vua. Đây ý nói đánh giặc là do lòng yêu nước, căm thù quân ngoại xâm chứ không phải giả làm chiếu vua để mà gây thù oán ở nơi biên ải xa xôi.
8. Biên tái: cửa ải ngoài biên giới.
9. Nhạc Phi: tướng giỏi nhà Tống, tài kiêm văn võ. Khi nước Kim xâm lấn nước Tống, ông cầm quân chống đánh, người Kim bị thua to, phải lùi về phía bắc. Đang lúc thắng trận thì tên gian thần Tần Cối tư thông với địch, lấy mệnh vua triệu ông về, làm cho việc phá địch của ông nửa đường bị bỏ dở. Ông lại bị Tần Cối vu tội bắt giam và bị chết trong ngục. Câu này ý nói triều đình Huế nghị hòa với Pháp muốn Trương Định cũng phải bãi binh.
10. Hoành la: Giăng lưới.
11. U địa: châu U, phần đất nhà Tấn cắt giao cho nước Liêu, ám chỉ ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị triều đình nhường cho giặc.
12. Dương Nghiệp: một danh tướng đời Tống, có sức khỏe, giỏi hành binh, đánh đâu được đấy, người ta gọi là vô địch. Ông thường cầm quân ở biên thùy. Quân Khiết Đan trông thấy bóng cờ của ông là phải rút lui ngay. Nào phải... Dương Nghiệp lại: ý đoạn này chỉ trích triều đình nhà Nguyễn đã mặc Trương Định trong khi ông không làm điều gì sai phạm.
13. Dưa chia khăn xé: do chữ "qua phong bức liệt" (quả dưa chia, tấm lụa xé) nói về đất nước bị chia cắt.
14. Khóc tượng: nhà Tống chiếm giang sơn nhà Chu, quan Tiết độ sứ nhà Chu là Lý Quân hội quân đánh lại. Vua Tống sai sứ đến phong quan chức, Lý Quân treo bức họa tượng của vua Thái Tổ nhà Chu lên trên tường mà khóc lóc mãi, tỏ ý vẫn thủy chung với nhà Chu, không chịu thần phục nhà Tống.
15. Day đòng: do chữ "huy qua" là quay vẫy ngọn giáo. Sách Hoài Nam tử chép: Lỗ Dương Công đánh nhau với quân nước Hàn, ngày đã chiều, ông giơ ngọn giáo vẫy mặt trời đừng lặn để tiếp tục đuổi giặc mà giết cho sạch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:37:29 am »


Ôi!
26. Làm ra cờ ấy, tạo hóa ghét nhau chi;
     Nhắc đến đoạn nào, anh hùng rơi lụy mãi!
27. Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước, nào hờn tiếng thị tiếng phi;
     Cõi An Hà1 một chức chịu lãnh binh, lây lất theo thời, chưa chắc đâu thành đâu bại.
28. Khóc là khóc, nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi;
     Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phương tớ dại.
29. Tướng quân còn đó, các nơi đạo tặc2 thảy kiêng dè;
     Tướng quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái3.
30. Nào đã đặng mấy hồi nơi thích lý4, màn hùm5 che mặt rằng xuê;
     Thà chẳng may một giấc chốn trường sa, da ngựa bọc thây mới phải.



Ôi!
31. Trời Bến Nghé, mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng, gặp bước gian truân;
     Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái.
32. Xưa còn làm tướng, dốc rạng đồi hai chữ Bình Tây6;
     Nay thác theo thần, xin dâng hộ một câu phục thái7.
33. Hỡi ôi! Thương thay!

___________________________________________
1. An Hà: An Giang và Hà Tiên. Cõi An Hà một chức... đâu thành đâu bại: câu này ý nói nếu trước đây Trương Định vâng lệnh triều đình đi nhận lãnh binh ở An Giang - Hà Tiên thì chưa chắc đã làm nên sự nghiệp gì.
2. Đạo tặc: giặc cướp.
3. Bái xái: bối rối, rối bời.
4. Thích lý: nơi thân thích, làng mạc.
5. Màn hùm: do chữ "hổ trướng". Sách Nam Đường thư chép: Lương Vương Từ Tri Ngạc, chỗ ngồi thường chắp da hùm làm bức màn to. Do đó người ta gọi nơi đóng dinh của các tướng soái là màn hùm (trướng hổ).
6. Bình Tây: dẹp yên giặc Tây.
7. Phục thái: khôi phục lại sự thịnh vượng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 08:40:26 am »



            TẶNG TRƯƠNG ĐỊNH LÃNH BINH

      Quảng Nghĩa địa linh xuất nhất hùng,
      Nam thùy trượng kiếm thệ binh nhung.
      Thư sinh tự quý vô thao lược,
      Chấp bút thành thi biểu nhữ trung.



Dịch nghĩa:

            TẶNG LÃNH BINH TRƯƠNG ĐỊNH
      Đất thiêng Quảng Nghĩa, sinh ra một vị anh hùng,
      Ông chống kiếm vào đất miền Nam thề dẹp giặc.
      Tôi là kẻ học trò thẹn không có tài thao lược,
      Cầm bút làm thơ nêu tỏ lòng trung của ông.


Dịch thơ:

            TẶNG LÃNH BINH TRƯƠNG ĐỊNH
      Đất thiêng Quảng Nghĩa nảy anh hùng,
      Chống kiếm vào Nam dẹp giặc hung.
      Tôi thẹn không tài, cầm bút viết,
      Nêu rõ lòng ông bậc tận trung.

                                                              Nguyễn Phan dịch
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2016, 05:29:43 pm »


            KHÓC TRƯƠNG TƯỚNG QUÂN CÔNG ĐỊNH
                                                                                ĐÀO TẤN1

      Phấn dũng bình Tây chí vị thù,
      Âm dương vĩnh quyết lệ trường lưu.
      Anh hùng nghi trợ ngô Hùng Việt,
      Tảo tận cường nhung trảm tặc đầu.




Dịch nghĩa:

            KHÓC TƯỚNG QUÂN TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH

      Hăng hái dẹp giặc Pháp chí chưa thỏa,
      Âm dương hai ngả, khiến nước mắt tôi chảy dài.
      Hồn thiêng nên giúp nước Hùng Việt ta,
      Quét sạch lũ giặc mạnh, chém đầu giặc.
_____________________________________________
1. Đào Tấn (1846-1906): ông hiệu Mai Tăng, người làng Vĩnh Thanh, phủ Tuy Phước (Bình Định), đậu cử nhân, làm quan đến chức Công bộ thượng thư. Về sự nghiệp văn học nghệ thuật, ông đã góp phần nghiên cứu cải tiến nghệ thuật diễn tuồng, chỉnh lý một số vở cũ có giá trị như: Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ Vương. Ông cũng có soạn thêm nhiều vở như: Diễn võ đình, Trầm hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hộ sinh đàn, Hồi Cổ thành, v.v...
    Ông còn để lại một số thơ chữ Hán, lời lẽ trang nhã, trong đó có nhiều bài ca tụng các nhà yêu nước như: Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, v.v...

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM