Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:43:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định  (Đọc 33535 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 10:54:18 pm »


Câu hỏi 30: Văn thơ yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX ca ngợi tinh thần chiến đấu và tiếc thương sự hy sinh anh dũng của Trương Định như thế nào?
Trả lời:


Đang lúc Trương Định chuẩn bị tấn công nhằm lấy lại Tân Hòa thì Đội Tấn lén dẫn giặc về bí mật bao vây Trương Định ở  làng Tân Phước. Rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864, trong cuộc chiến đấu cuối cùng, chẳng may Trương Định bị trúng đạn gãy xương sống. Không để bị giặc bắt, ông đã tự sát.

Tin Trương Định hy sinh bay đến nhân dân và nghĩa quân giữa lúc cuộc kháng chiến cứu nước ở  Nam Kỳ rất cần người đủ tinh thần, mưu lược như ông để chỉ đạo cuộc đấu tranh. Mất một người như Trương Định lúc này là một mất mát lớn đối với nghĩa quân và quần chúng yêu nước ở Nam Kỳ. Nguvễn Đình Chiểu chẳng những xót xa về sự mất mát của chính bản thân mình "Lục lâm mấy chặng hoa sầu bạn, Thủy Hử vì đâu nhạn rẽ bầy" mà ông còn đứng về phía nghĩa binh, quần chúng yêu nước khóc người lãnh tụ đáng yêu, đáng kính của họ:

      "Gò Công binh giáp hãy chàng ràng,
      Ngó Bắc trông Nam luống thở than.
      Trên trại đồn điền hoa khóc chủ,
      Dưới vàm Bao Ngược sóng kêu quan.
      Mây giăng Truông Cốc đường quân vắng,
      Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan.
      Mấy dặm non sông đều xửng vửng,
      Nạn dân ách nước để ai toan?”.


Hoặc:
      "Tướng quân còn đó, các nơi đạo tặc thảy kiêng dè;
      Tướng quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái".


Nguyễn Đình Chiểu cho ta thấy sự liên hệ giữa nghĩa quân với tướng lĩnh của họ - Trương Định - mật thiết biết bao, gắn bó biết bao. Nghĩa binh càng đau lòng vì mất chủ soái bao nhiêu thì họ càng căm giận tên Việt gian bán nước đã dẫn Tây về ám hại Trương Định bấy nhiêu:

      "Chạnh lòng quân sĩ, thương quan tướng nhắc quan tướng, chiu chít như gà;
      Bực trí nhân dân, giận thằng tà, mắng thằng tà, om sòm như nhái".


Nguyễn Đình Chiểu vẫn mơ tưởng vị tướng quân anh dũng ấy và nhà thơ yêu nước vĩ đại của chúng ta lúc nào cũng tiếc ngẩn, tiếc ngơ người bạn đồng tâm, đồng chí của mình. Sự hy sinh đó đến giữa lúc quần chúng yêu nước đang sôi sục, muốn đánh Tây. Trước cái chết bất ngờ của Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu cho là một sự bất lợi lớn. Nhà thơ ví giặc như đám cỏ được rưới thêm mưa, còn nghĩa quân của ta như sương đang hồi bị nắng:

      "... Giặc cỏ om sòm mưa lại nhóm,
      Binh sương lác đác nắng liền thâu.
      Cờ lau đà xếp trên giồng Cốc
      Trống sấm còn gầm dưới cửa Khâu.
      Cảnh ấy những mơ người ấy lại,
      Hội nầy nào thấy tướng quân đâu?".


Nguyễn Đình Chiểu khóc thương Trương Định, yêu người anh hùng, nhớ tiếc người anh hùng thật không có gì an ủi nổi:

      "Ôi!
      Trời Bến Nghé, mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp bước gian truân;
      Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái".


Hoặc:
      "Ôi!
      Làm ra cớ ấy, tạo hóa ghét nhau chi;
      Nhắc đến đoạn nào, anh hùng rơi lụy mãi".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 10:56:20 pm »


Sau cuộc khởi nghĩa 1866, ở kinh thành Huế, toan lật đổ chính quyền Tự Đức bị thất bại, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Đoàn Hữu Trưng ngồi trong nhà tù viết lại các biến cố ở kinh thành, không quên nhắc Trương Định với cả một tấm lòng kính trọng và thương tiếc. Cũng như Nguyễn Đình Chiểu và những sĩ phu văn thân có cách nhìn đúng đắn khác, Đoàn Hữu Trưng trong Trung nghĩa ca đã lên án Tự Đức bỏ rơi nghĩa quân và kết quả lại là Trương Định bị tử trận:

      "... Tiếc thay nghiệp củ gian nan
      Ba thành bằng mất ai hoàn lại cho.
      Đua chen Hoa lộn với Hồ
      Mùi tanh nhuộm khắp một bầu giang san.
      Quảng Nam Trương Định một chàng
      Ra cờ trung nghĩa dẹp loàn mấy năm.
      Tướng hùm quân sói chi lăm
      Đánh cho xong giặc mới nằm được an.
      Triều đình sẵn kẻ trí nang
      Giúp đem binh thực đôi hàng hiệp chinh.
      Trong trừ tả đạo cho thanh
      Ngoài cùng Tây tặc tranh hành một phen.
      Lo chi pháo lợi, thuyền kiên
      Đã không nội ứng ắt liền bại vong.
      Tiếc thay cơ hội sẵn dùng
      Nỡ liều Trương Định kế cùng táng quân.
      Còn chi nghĩa sĩ trung thần
      Khiến nên giặc dữ mười phần bằng lăng...”


Trương Định hy sinh trước khi cuộc khởi nghĩa ở kinh thành nổ ra hai năm. Tất nhiên dự tính của Đoàn Hữu Trưng và quân khởi nghĩa không thực hiện được. Nhưng qua bài Trung nghĩa ca chúng ta thấy rất rõ những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa rất tín nhiệm và tin tưởng ở Trương Định. Họ hy vọng rằng Trương Định sẽ phối hợp với họ đắc lực trong công cuộc cát cứ đất Nam Kỳ, dùng Nam Kỳ làm bàn đạp tiến công lật đổ Tự Đức, chiếm lấy "thành vàng".

      "... Tháo lồng Tử Trực ra tay
      Thừa khi đêm tối phò ngay xuống thuyền.
      Canh giăng bến đò Trường Tiền
      Bằng nghe binh biến đè miền vào trong.
      Cậy tay Trương Định giúp công
      Ra cờ chính thống xưng hùng một phương.
      Sau mưu khử ngụy binh tàn
      Phú Xuân quyết lấy thành vàng một giây...".


Càng thương tiếc Trương Định bao nhiêu, Nguyễn Đình Chiểu càng oán trách triều đình, bọn Việt gian bán nước bấy nhiêu. Nhìn đất nước bị chia cắt, nhớ tới ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ còn trong tay giặc, ông càng nguyền rủa bọn đã giúp tay cho giặc không tiếc lời:

      "Sự thế hãy bên Hồ bên Hán, bao giờ về một mối xa thư;
      Phong cương còn nửa Tống nửa Liêu, đâu nỡ hại một trang tướng soái.


Hoặc:
      "Vì ai khiến dưa chia khăn xé, nhìn giang sơn ba tỉnh luống thêm buồn;
      Biết thuở nào cờ phất, trống rung, hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái”.


Hoặc:
      "Tướng quân đâu hỡi có hay chăng?
      Sáu ải cơ đồ nửa đã ngăn.
      Cám nỗi kiến ong ra sức dẹp,
      Quản bao sâu mọt chịu lời nhăng.
      Đá kêu rêu mọc bia Dương Nghiệp,
      Cỏ úa hoa tàn mả Lý Lăng".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 10:58:05 pm »


Không riêng gì Nguyễn Đình Chiểu, trong những bài vè, những câu ca dao truyền miệng của quần chúng do quần chúng trực tiếp làm ra, chúng ta cũng đánh giá được đầy đủ tinh thần thương yêu sâu sắc của quần chúng đối với Trương Định. Chẳng hạn như:

      "Gò Công anh dũng tuyệt vời
      Ông Trương đám lá tối trời đánh Tây”.


Trong một bài lưu truyền rất rộng rãi trong thời kỳ Nam Kỳ lục tỉnh mất vào tay giặc, chúng ta còn gặp được những tấm lòng yêu nước vô cùng nồng nàn của quần chúng. Họ khuyên răn nhau: đừng có ai theo giặc làm tôi mọi cho Tây. Họ nhắc nhau: hãy nhớ đến gương chiến đấu và hy sinh cao cả của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định ngày xưa. Đó là những bài văn rất quý, chẳng những giúp chúng ta - con cháu đời sau - biết rõ hơn về sự tín nhiệm của quần chúng đối với Trương Định như thế nào, mà còn giúp chúng ta biết rõ hơn về tinh thần, luân lý đạo đức của ông cha ta đối với đất nước trong những ngày đen tối nữa.

      "Làm người ai chẳng tham sanh
      Lòng địch khái xin cho rõ tiết.
      Đêm năm canh thương người chính liệt
      Ngày sáu khắc nhớ kẻ trung thần.
      Chốn biên thùy lãnh ấn tổng binh
      Cờ đề chữ: "Bình Tây đại tướng"".


Đào Tấn (1846-1906) người ở Bình Định, đậu cử nhân, làm quan đến chức công bộ thượng thư. Là nhà soạn tuồng nổi tiếng, khi hay tin Trương Định hy sinh ông làm ba bài thơ chữ Hán nhan đề: Tặng Trương Định lãnh binh, Khóc Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, Khóc Trương tướng quân Công Định. Bài thứ nhất có những câu:

       "... Tôi là kẻ học trò thẹn không có tài thao lược,
       Cầm bút làm thơ nêu tỏ lòng trung của ông".


Bài thứ hai:
       “... Đáng tiếc chí lớn dẹp giặc chưa thành.
       Hồn thiêng dưới suối vàng mong giúp nhà xưa".


Bài thứ ba:
      "Hăng hái dẹp giặc Pháp chí chưa thỏa
      Âm dương hai ngã, khiến nước mắt tôi chảy dài.
      Hồn thiêng nên giúp nước Hùng Việt ta,
      Quét sạch lũ giặc mạnh, chém đầu giặc ".

                        (Theo giáo sư Lê Trí Viễn cung cấp cho ông Nguyễn Quảng Tuân).

Ở Gò Công còn truyền lại những bài thơ khuyết danh, xin trích một bài:
      "Bình Tây Đại soái tiếng Trương Công
      Danh tiếng anh hùng dậy núi sông,
      Đám lá tối trời ngăn giặc Pháp
      Gò Công bạch quỷ khiếp oai ông.
      Ba năm kháng chiến gan đường sắt
      Một phút sa cơ chí tựa đồng.   
      Tử tiết trách vào tay lãnh Tấn
      Coi thường cái chết nhẹ như lông".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 10:59:23 pm »

   
Với tên Việt gian đội Tấn mưu hại Trương Định, mà sau đó bọn thực dân Pháp đã cất nhắc lên đến chức Đốc phủ sứ, Học Lạc đã ví tên này như con chó chết trôi sông, khi nhà thơ trào phúng nổi tiếng có dịp chứng kiến đám tang của Tấn đi ngang qua đường phố Sài Gòn:

      "Sống thời bắt thỏ, thỏ kêu rêu
      Thác thả dòng sông xác nổi phều.
      Vằn vện sắc còn phơi lẩn đẩn
      Thúi tha danh hãy nổi lêu bêu.
      Tới lui bịn rịn bầy tôm tép
      Đưa đón lao xao lũ quạ diều.
      Một trận sóng dồi cùng gió dập
      Tan tành xương thịt biết bao nhiêu!''.


Trái lại, đối với Trương Định, người bị Tấn hãm hại người đời vẫn thương tiếc và vẫn đọc mấy câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu như đọc một lời tuyên thệ trước vong linh người anh hùng đã khuất:

      "Làm thinh hổ đứng giữa hai ngôi
      Nếm mật từ đây khó nỗi ngồi.
      Mũi giáo Thi Toàn đừng để sét
      Lưỡi gươm Dự Nhượng phải toan dồi.
      Đánh Kim chi xá thằng Lưu Dự
      Giúp Tống xin phò gã Nhạc Lôi.
      Dâng hộ nước Nam về một mối
      Nghìn năm miếu tặng rạng công tôi”.


Nghĩ về Trương Định, chúng ta càng nhớ đến bản kêu gọi của ông:

“Thật vậy, chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm binh khí. Nhất định chúng tôi không bao giờ ngừng chiến đấu chống quân cướp nước...

Phát lời kêu gọi này, tôi ngỏ cùng tất cả binh sĩ từ tổng binh đến quản suất, không phân biệt sĩ phu hay binh lính, bất cứ ai dâng được kế hay tiêu diệt quân cướp nước bằng thủy chiến, bằng lục chiến, hoặc chiến đấu bằng xe, bằng ngựa, bằng trâu, phát kiến được cách diệt tàu thủy, chiếm đồn địch, hoặc tìm được căn cứ địa kháng chiến tốt, bảo toàn được quân đội, đem lại được kết quả tốt sẽ ban thưởng...”.


Chính trên mảnh đất mà Trương Định đã từng đổ máu và từng viết ra lời kêu gọi đanh thép ấy, nhân dân yêu nước miền Nam đã dâng lên Tổ quốc biết bao chiến công rực rỡ, những chiến công đã làm cho thực dân Pháp, sau này là đế quốc Mỹ xâm lược phải đau đầu, nhân dân cả nước phấn khởi, bầu bạn năm châu, bốn biển nức lòng.

Ngày nay, đất nước được độc lập, thống nhất, giấc mơ chưa thực hiện được của lớp lớp tiền nhân khiến chúng ta khi đọc lại những câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu điếu Trương Định càng thắm thiết biết bao ý nghĩa về một con người không một bước lùi, không một phút ngừng hoạt động vì hạnh phúc của nhân dân:

      "Cảnh ấy những mơ người ấy lại
      Hội nầy nào thấy tướng quân đâu!".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 11:04:25 pm »


Câu hỏi 31: Giá trị của "Hịch Trương Định " và "'Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây" được thể hiện như thế nào?
Trả lời:


Một thế kỷ đầy nước mắt và lòng nóng bỏng căm thù vì nạn mất nước, tan nhà đã qua, giờ đây đọc lại các áng văn của ông cha ta viết ra trong những ngày nước sôi lửa bỏng, ta vẫn thấy nhói trong lòng, vẫn thấy trong tim có một ngọn lửa đang cháy.

Cao trào chống xâm lược và bán nước đã mọc lên giữa lòng thế kỷ những đỉnh cao của văn học, làm giàu có thêm gia tài tinh thần của nhân dân ta, làm rạng rỡ bộ mặt của dân tộc ta. Đó là nét đặc trưng biểu hiện nổi cộm nhất của nửa sau thế kỷ XIX, khiến chúng ta giờ đây - thế kỷ sau - vẫn còn thấy choáng ngợp khi mỗi lần ngửa mặt nhìn lên tòa lâu đài đồ sộ, nguy nga ấy.

Là một vùng đất mới, nếu chẳng có nền văn hiến lâu đời được trang bị sẵn từ buổi đầu cuộc hành trình vào khai sơn, phá thạch ở vùng cực Nam Tổ quốc thì dễ gì có được một kiến trúc thượng tầng làm sáng danh cả một thế hệ, trong đó có những tên tuổi như ta biết qua trường gươm và trận bút đã tạo ra những chiến công và những tác phẩm bất hủ.

Trở lại hai bài hịch vừa nêu, chúng ta nhận thấy rằng: những áng văn mang tính bức xúc về chính trị, quan hệ tới vận mệnh của đất nước, sản sinh trong một thời kỳ lịch sử nhất định, phần nhiều là nhũng áng văn làm chấn động lòng người, ở một cây bút mà tầm suy nghĩ, tình cảm ngang (hoặc vượt) với người đứng ra hiệu triệu và có tài lớn thì giá trị của những lời hiệu triệu và sức đẩy của nó trong quần chúng là vô cùng to lớn, hiệu quả tích cực do nó mang lại là không sao lường trước được.

Hịch Trương Định là lời hiệu triệu của một tướng lĩnh cầm quân ở một địa phương, do nhân dân đề cử, không có danh nghĩa toàn quốc và trên thực tế không được triều đình chấp nhận, nhưng tính năng và hiệu lực của bài văn đã vượt ra khỏi phạm vi địa giới và vượt lên khỏi tầm cỡ của một tướng lĩnh dù là một tướng lĩnh có tài và uy tín mỗi ngày một tăng; trở thành nguồn hy vọng của nhân dân và sĩ phu yêu nước, trước hết là ở Nam Kỳ.

Xét về mặt đạo lý làm người, về trách nhiệm công dân trong một nước đang gặp hồi biến cố mà các bài văn đã khắc sâu, in đậm làm rung động tận tâm khảm mọi người thì tầm vóc của nó to lớn biết là dường nào. Chính người khai sinh ra nó cũng khó biết trước được sức sống mãnh liệt của một bài văn trong không gian rộng rãi và bất hủ với thời gian.

Nội dung chủ yếu của hai bài hịch là: nói bao quát về tội ác của quân xâm lược, phần này chiếm không nhiều, phần chính, bao trùm là động viên tinh thần khảng khái, tích cực của nhân dân, hướng nhân dân về với cội nguồn, với truyền thống vẻ vang của dân tộc, không "tham đồng bạc con cò" mà quay lưng lại Tổ quốc, quên cơ nghiệp do nhiều thế hệ nối nhau bỏ công xây dựng.

Từ đầu đến cuối hai bài hịch không thấy nói đến cuộc đọ sức bằng súng gươm, mặt đối mặt với quân thù trên chiến trường mà cái lõi là huy động sức mạnh tinh thần, là chống tư tưởng đầu hàng thỏa hiệp, là bảo vệ phẩm giá con người, thà chết chứ không chịu nhục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 11:06:43 pm »


Mở đầu bài Hịch Trương Định, tác giả viết:

      "Nước có nguồn, cây có gốc,
      Huống người sinh có da có tóc,
      Mà sao không biết chúa biết cha?
      Huống người sinh có nóc có gia
      Mà sao không biết trung biết hiếu?
      Hai vai nặng trĩu, gánh chi bằng gánh cang thường!
      Tấc dạ trung lương, gồng chi bằng gồng xã tắc!".


Mở đầu bài Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, tác giả nhấn mạnh về tính vững bền của dân tộc và kỷ cương của đất nước:

      "Nước Nam ta là một mối Xuân Thu;
      Giặc Tây thật ba loài di địch.
      Chúng nó toan lòng bội nghịch;
      Dân ta gặp thủa ly loàn".


Trước tình hình giặc Pháp dựa vào vũ khí lấn tới cướp đất đai của ta, ép uổng triều đình cắt chia ba tỉnh ra khỏi Tổ quốc, tác giả cho rằng đó chẳng qua cái thế mạnh tạm thời, rút cục nước ta sẽ độc lập, giang sơn sẽ về một mối. Sử dụng sự tích cũ, đoạn văn viết rất hùng hồn, chắc nịch.

      "Chẳng nhớ thuở Hung Nô chống Hán, tướng mạnh như hùm, binh đông như cỏ, cướp ải lang giành ải hổ, vãn tuồng rồi Nô cũng về Nô;
      Há chẳng nghe Đột Khuyết đánh Đường, xe đi chật đất, ngựa tế chật đồng, phá trấn bắc, đốt trấn đông, rã đám hết Đột thời ra Đột.
      Xa thư Hán hãy còn tóm một:
      Phong cương Đường đà mầy chia hai".

                                     (Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây)

Từ một sự tích, tác giả vận dụng lối diễn đạt của quần chúng thật là tuyệt: "Nô cũng về Nô”, "Đột thời ra Đột”, để nói về số phận sau cùng của quân xâm lược. Lối nói, lối viết này người Nam Bộ rất thích.

Tác giả cho rằng "tuy cậy có tàu đồng ống khói, súng thép đạn chì" nhưng chúng là người ở xa đến, không hiểu gì về ta, lại ăn khác ta, đánh với ta chúng bị hao binh, tổn tướng, chứ không phải dễ dàng gì. Để trấn an dân chúng, tác giả cho thấy trước việc đánh nhau với "mọi lớn" thì phải có hơn, thua, không có gì là lạ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 11:08:38 pm »


Đề cập tình hình ba tỉnh bị chia cắt, Sài Gòn đã về tay giặc và Gò Công thất thủ, bằng đoạn văn vô cùng thống thiết, tác giả kêu gọi nhân dân giữ vững tinh thần, không vì tiền bạc mà ra đầu giặc, trở mặt hại nhau; phải nhớ ơn thủy thổ và không để lỗi đạo thần dân; "phải che đậy nhau" và nương nhau ăn ở, đừng lầm tin giặc.

Đoạn văn chẳng những làm nổi rõ tình hình thực tiễn đang diễn ra trên một phần đất ở Nam Kỳ mà còn làm nổi rõ sự hèn yếu của vua quan triều Nguyễn và mưu ma, chước quỷ của thực dân xâm lược Pháp. Cuộc "gặp" nhau giữa chúng đã tạo ra cuộc sống không bình thường trên đất nước ta, làm xáo trộn những giá trị tinh thần mà nhiều thế hệ đã dày công xây đắp.

      "Chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ vội quên;
      Chớ rằng ba tỉnh trọn vong mà cái việc báo cừu đành ngơ bỏ.
      Chớ thấy đồn bảo dưới Gò Công thất thủ mà đành lòng theo mọi.
      ... Oán dường ấy, hờn dường ấy, cừu thù dường ấy, làm sao trả đặng mới hay;
      Công bấy lảu, nghiệp bấy lâu, lao khổ bấy lâu, nghĩ lại bỏ đi sao phải”.

                                               (Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây)

Những đoạn văn đầy tâm huyết như thế này không phải cây bút nào hễ cứ bóp trán là khắc viết được, cũng không đợi mất nhiều thì giờ nắn nót, gọt dũa mà có được. Phải có lửa cháy hừng hực trong lòng và lệ nhỏ thấm khăn, tác giả mới tạo ra được những dòng bi tráng, khiến bây giờ - trên một trăm năm - ta đọc lên vẫn thấy thấm thía và miên man suy nghĩ về những tháng năm sống cay đắng mà oanh liệt của ông cha.

Cũng với tấm lòng và tình cảm bức xúc ấy, tác giả đã mở đường cho những người bị cám dỗ đi lạc hướng trở về với mồ mả ông cha, biết xót xa trước những gì đã mất và biết phải làm gì để lấy lại:

      "Lẽ cho phải trải gan trung, bồi nghĩa mật,
      Mà đền thuở trong bụng mẹ mười tháng mới sinh ra;
      Lẽ cho phải vợ khiến chồng, con lại giúc cha,
      Mà đền thuở ở đất vua, nắm rau mớ ốc.
      Thậm tiếc những người làm quan mà ăn lộc,
      Nỡ đem lòng mại quốc cầu vinh;
      Tiếc những tay tham lợi an mình,
      Mà lại khiến vong ân, bội tổ
      Tai sao chẳng nghe, mắt sao chẳng rõ!
      Tổ tiên đâu, mồ mả nước nào?
      Lòng sao không xót, dạ sao không bào?
      Bờ cõi loạn, muôn dân đồ thán...''.

                                            (Hịch Trương Định)

Yêu cầu cao nhất đối với nhân dân, được tác giả nêu trong bài hịch là "lòng địch khái xin cho rõ tiết". Với danh nghĩa là người đứng ra hiệu triệu (ở đây là Trương Định) ông đinh ninh sẽ giúp vua trở thành vua tốt như Nghiêu, Thuấn, còn mình thì nguyện giữ phận làm bề tôi trung thành với nền xã tắc đó. Để bớt sự dòm ngó với những cặp mắt không chút cảm tình của triều đình và để tránh hiểu lầm, những câu cầu nhà vua trong hai bài hịch không thể không có. Có mới thuận.

Nội dung tư tưởng của hai bài hịch được tóm gọn trong câu ở bài Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây:

      "Hễ làm người chớ ở hai lòng;
      Đã vì nước phải theo một phía".


Câu ấy chẳng những có giá trị giáo dục những kẻ vô liêm sỉ, đánh một đòn mạnh vào bọn mất gốc làm chúng tỉnh ra theo yêu cầu của thời cuộc mà nó còn giá trị lâu bền đối với dân tộc trước những khúc quanh của lịch sử. Thực tiễn bất hạnh của đất nước diễn ra nửa sau thế kỷ XIX là cả một sự thử thách ghê gớm. Từ sự thử thách này xuất hiện những anh hùng bất tử. Và đi đối với hiện tượng đó là sự nảy sinh những tư tưởng đẹp, tình cảm đẹp biểu hiện qua thơ văn. Những tư tưởng, tình cảm đẹp ấy được tích lũy lâu đời, trở thành cuộc sống của nhân dân ta, tiềm tàng trong từng con người, có dịp là trỗi dậy.

Cả hai bài hịch là những áng văn lớn cả về tư tưởng và nghệ thuật. Ngôn ngữ của quần chúng, qua tay sàng lọc của người cầm bút, đã nâng những áng văn lên đỉnh cao của thế kỷ và có những mặt vượt hẳn những thế kỷ trước từ nội dung đến hình thức. Ở Nam Bộ, thời kỳ này giữa văn chương bác học và bình dân không có khoảng cách. Quá trình gần gũi, tiếp xúc của các sĩ phu với quần chúng đẩy nhanh sự tiến bộ, gần như đột xuất ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2016, 11:09:21 pm »


Nhưng những bài hịch nói trên rất có thể là của Nguyễn Đình Chiểu, bởi vì:

Một là, dù có làm tham mưu cho Trương Định, như nhiều bài đã viết hay không, người hiểu Trương Định, không ai hơn Nguyễn Đình Chiểu - kể cả Nguyễn Thông, người viết tiểu sử Trương Định. Mười hai bài thơ liên hoàn và bài Văn tế Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu nói lên nhiều điều. Ngoài tình cảm cao quý của tác giả dành cho người anh hùng đã hy sinh, các bài văn trên còn toát ra sự gắn bó này, thì ngoài Nguyễn Đình Chiểu khó mà viết được mọi khía cạnh như ta đã thấy trên các bài thơ và bài văn khóc Trương Định của ông.

Việc nông dân Gò Công cản đầu ngựa Trương Định phong ông làm soái xảy ra đột ngột, đòi hỏi sau khi nhận chức, lập tức phải có ngay lời hiệu triệu. Ai đáp ứng được sự đòi hỏi mang tính khẩn trương này, nếu không phải là Nguyễn Đình Chiểu, người hội đủ mọi điều kiện để hoàn thành một bài văn chặt chẽ về chính trị, có tính văn học cao ấy. Trương Định bên này sông, Nguyễn Đình Chiểu bên kia sông, sông dù rộng, nhưng liên lạc với nhau chẳng khó khăn gì, nhất là Bến Tre hãy còn là vùng tự do. Với tấm lòng dào dạt yêu quê hương, sát vai cùng nhau làm việc lớn, lẽ nào ông không chấp nhận.

Hai là, tư tưởng và tình cảm thể hiện trong hai bài hịch rất phù hợp với tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Đình Chiểu, qua hàng loạt thơ văn của ông.

Ba là, văn phong, ngôn ngữ sử dụng trong hai bài hịch rất gần - nếu không nói là rất giống văn phong, ngôn ngữ của Nguyễn Đình Chiểu. Hơn ai hết lúc bấy giờ, Nguyễn Đình Chiểu thường sử dụng thể phú và hầu hết những bài ông viết ra đều hay.

Dựa vào sự tìm hiểu lâu ngày, chúng ta có thể nhận định: Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của hai bài nói trên. Một bài mang danh nghĩa Trương Định, còn bài kia là lời kêu gọi không mang tên tác giả. Bài sau ra tiếp bài trước, bổ sung những điều bài trước chưa nói hoặc do tình hình chính trị phức tạp không nói được hết. Bài trước (hịch) chẳng những không đề cập sự đầu hàng của vua mà còn thác cớ vua sai, giương ngọn cờ chống Pháp:

      "Chiếu phụng dù ta lãnh đặng,
      Mũi thiên oai thương kẻ sanh linh".


Còn bài sau thì:
      "Chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ vội quên;
      Chớ rằng ba tỉnh trọn vong mà cái việc báo cừu đành ngơ bỏ”.


Đều là những áng văn bi tráng, nhưng bài sau lâm ly hơn, dễ gây xúc động hơn về tình hình "Bến Nghé phân cưu", "Gò Công thất thủ" đang làm xao xuyến lòng người.

Có thể một bài hịch, một bài không phải là hịch mà chỉ là lời kêu gọi. Nhưng hịch hay không phải hịch, không thành vấn đề quan trọng mà là bài có hay hay không? có sức động viên, cổ vũ quần chúng hăng hái đi vào cuộc chiến đấu quyết liệt hay không? Về phương diện này, các bài văn nói trên quả có sức nặng giục giã mọi người đi lên trong cuộc chạm trán không cân sức với quân thù. Hơn nữa, do những yếu tố tinh thần và đạo lý làm người được đặt lên hàng đầu, quán xuyến từ đầu tới cuối, các bài văn mang tính hiệu triệu, ra từ một thời điểm, trở thành các bài văn bất hủ bởi tính thuyết phục cao, bởi giá trị lịch sử, giá trị văn học và giá trị tinh thần của chúng.

Là một nhà thơ lớn, sự hợp tác chặt chẽ giữa Nguyễn Đình Chiểu với thủ lĩnh nghĩa quân - Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, là sự hợp tác tuyệt đẹp giữa hai nhân vật, hai bậc anh hùng, gươm, bút đều xung trận, chẳng những tạo nên những chiến công vang dội mà còn - trong một bước ngoặt lịch sử - tạo nên những áng văn bất hủ để lại cho đời sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 09:39:33 pm »


II. NHỮNG BÀI THƠ, VĂN VÀ HỊCH VIẾT VỀ TRƯƠNG ĐỊNH CÙNG NGHĨA QUÂN

ĐIẾU TRƯƠNG ĐỊNH1

NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU2

I
Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Dấu đạn hãy rêm tàu bạch quỷ3,
Hơi gươm thêm rạng thẻ hoàng môn4.
Ngọn cờ ứng nghĩa5 trời chưa bẻ,
Cái ấn bình Tây6 đất vội chôn.
Nỡ khiến anh hùng rơi hạt lệ,
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.


II
Linh hồn nay đã tách theo thần,
Sáu tỉnh7 còn roi dấu8 tướng quân.
Mực sớ9 lãnh binh lờ10 mắt giặc,
Son bằng11 ứng nghĩa thắm lòng dân.
Giúp đời dốc trọn ơn nam tử,
Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần12.
Ốc ngỡ13 tướng tinh rày trổ mặt,
Giúp xong nhà nước buổi gian truân14.

__________________________________
1. Bảo Định Giang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quảng Tuân, Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 205-209.
2. Nguyễn Đình Chiểu (1832-1888), sinh tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định. Thân phụ là Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên, làm việc tại Văn hàn ty Tả quân dinh Lê Văn Duyệt.
    Đậu tú tài trường Gia Định vào năm 21 tuổi (năm Quý Mão - 1843).
    Năm 1847 ra Huế chuẩn bị kỳ thi năm Kỷ Dậu (1849) thì thân mẫu ông qua đời (năm 1848).
    Ông đành phải bỏ thi trở về Nam chịu tang mẹ. Giữa đường vì quá thương khóc mẹ, ông mắc chứng đau mắt và bị mù.
    Tuy bị mù nhưng ông vẫn mở trường dạy học. Học trò theo học khá đông, do đó người ta gọi ông là Đồ Chiểu.
    Năm 1859, sau khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định, ông chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, quận Cần Giuộc. Ông tuy không trực tiếp chống Pháp nhưng vẫn liên hệ với những người cầm đầu nghĩa quân như Đốc binh Là, Tướng quân Trương Định. Khi Trương Định hy sinh, ông vô cùng đau xót đã làm bài văn tế và 12 bài thơ liên hoàn điếu vị anh hùng vì dân vì nước.
    Ông đã giữ thái độ bất cộng tác với Pháp cho đến cùng cuộc đời (mất năm 1888 ở Bến Tre).
    Tác phẩm nổi tiếng của ông là Truyện Lục Vân Tiên.

3. Rêm tàu bạch quỷ: rung chuyển cả tàu của giặc Pháp đến như rạn nứt ra.
4. Hoàng môn: một chức quan ở nơi đài sảnh ngày xưa, ở đây chỉ chức lãnh binh. Thân phụ của Trương Định là Trương Cầm làm lãnh binh Gia Định đời Thiệu Trị.
5. Ứng nghĩa: vì nghĩa mà đứng lên hưởng ứng. Cả câu ý nói dân còn đang dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc.
6. Bình Tây: Trương Định được nghĩa quân tín nhiệm, tôn làm Bình Tây Đại nguyên soái. Cả câu ý nói ông đã chết (Ông chính tên là Trương Định người ta thường thêm chữ Công để tỏ lòng tôn kính).
7. Sáu tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
8. Roi dấu: noi theo, bắt chước theo.
9. Mực sớ: hai chữ này đặt đối với son bằng.
    Câu 3: (triều đình phong ông chức lãnh binh, bắt ông dời khỏi Gò Công đi nhận chức ở An Giang, ông có sớ tâu về không đi) tờ sớ tâu về triều đình làm quân giặc cũng phải mờ mắt.

10. Lờ: mờ mệt không tỏ rõ.
11. Bằng: văn bằng.
     Son bằng: văn bằng đóng dấu, màu son đỏ làm thắm lòng dân.

12. Nghịch thần: kẻ bề tôi chống lại triều đình.
     Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần: có lòng trung với vua thì dù chống lại lệnh triều đình (cứ chống cự với giặc Pháp, không đi An Giang) cũng không lo là mắc tiếng nghịch thần.

13. Ốc ngỡ: tưởng là, ngỡ là.
14. Gian truân: lúc khó khăn vất vả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2016, 09:47:06 pm »


III
Gian truân kể xiết bấy nhiêu lần,
Vì nước đành trao một tấm thân.
Nghe chốn Lý Nhân người sảng sốt,
Nhìn cồn Đa Phước1 kiểng bâng khuâng.
Bát cơm Ki lữ2 chi sờn buổi,
Mảnh áo mông nhung3 chẳng nệ phần.
Chí dốc ra tay nâng vạc4 ngã,
Trước sau cho trọn chữ quân thân5.


IV
Quân thân còn gánh nặng hai vai,
Lỡ dở công trình hệ6 bởi ai?
Trăm đám mộ binh vầy7 lớn nhỏ,
Một gò cô lũy8 chống hôm mai.
Lương tiền nhà ruộng9 ba mùa trước,
Thuốc đạn ghe buôn10 bốn bể ngoài
May rủi phải chăng trời đất biết,
Một tay chống chỏi mấy năm dài.

______________________________________
1. Lý Nhân, Đa Phước: những nơi Trương Định đóng quân.
2. Ki lữ: khách đi đường xa (ki: ở đậu nơi đất khách, lữ: quán khách trọ), chỉ người phải rời bỏ đất nước đi trú ngụ ở nước ngoài.
3. Mông nhung: hình dung cái áo lông cũ rách. Thơ Mao Khâu, Kinh Thi có câu: "Hồ cừu mông nhung", nghĩa là áo hồ cừu tả tơi, lời một thần tử của Lê Hầu nói cái cảnh ngộ của vua tôi Lê Hầu bị mất nước, ngụ ở nước Vệ đã lâu, áo hồ cừu rách nát rồi, mà chưa về được.
4. Nâng vạc: do chữ "phù đỉnh" vua Vũ đời nhà Hạ thu đồng của chín châu (Trung Quốc cổ chia làm chín châu) đúc chín cái vạc để tượng trưng chín châu, do đó người ta gọi sự nâng đỡ cơ đồ quốc gia là "phù cửu đỉnh" (nâng đỡ chín vạc).
5. Quân thân: vua và cha mẹ, tức chữ "trung” và chữ "hiếu" (các bản quốc ngữ đều chép là quân thần tức là nghĩa vua tôi).
6. Hệ: quan hệ, duyên cớ.
7. Vầy: hợp lại.
8. Cô lũy: thành lũy lẻ loi, đứng trơ trọi một mình.
9. Lương tiền nhà ruộng: tích lũy lương thực để nuôi quân đánh giặc.
10. Thuốc đạn ghe buôn: cho thuyền đi mua vũ khí trở về.
     Bài "Văn tế Trương Định" cũng có câu: "Nào nhọc sức hộ tào biên sổ, lương tiền nhà ruộng, cho một câu háo nghĩa lạc quyên; Nào nhọc quan võ khố bình câu, thuốc đạn ghe buôn, quyền bốn chữ gian thương đạo tải?".

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM