Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:26:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định  (Đọc 33529 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:11:44 pm »


Câu hỏi 25: Khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ và tìm mọi cách bao vây, tiêu diệt nghĩa quân, Trương Quyền đã đối phó như thế nào?
Trả lời:


Trong khi nghĩa quân đang trên đà thắng lợi và phong trào vũ trang kháng Pháp của Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười, Nguyễn Trung Trực và Đỗ Thừa Long, Đỗ Thừa Tự ở Rạch Giá, thủ khoa Huân ở Tân An, Mỹ Tho, v.v... đang sôi nổi khắp Nam Kỳ, thì triều đình Huế vẫn cứ tiếp tục trượt dài trên con đường cầu hòa bán nước, tạo điều kiện cho giặc Pháp đánh phá các lực lượng nghĩa quân.

Lúc này, giặc Pháp đã chiếm xong Cam-pu-chia (1864) và đang ra sức củng cố sự thống trị về mọi mặt của chúng ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa). Chúng tổ chức ngụy quân, thành lập ngụy quyền từ tỉnh đến xã, mở rộng những hoạt động thương mại với nước ngoài. Sự ổn định tương đối về mặt thống trị đó kết hợp với thái độ nhu nhược, phản bội của triều Nguyễn đã giúp cho giặc Pháp có thêm điều kiện để tiến hành thôn tính nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Ba tỉnh này là chỗ dựa cho nghĩa quân, là cái gai trước mắt làm cho giặc mất ăn mất ngủ. Chừng nào chưa chiếm được nó thì vùng địch kiểm soát vẫn còn bị đe dọa, việc liên lạc với bọn Pháp cai trị ở Cam-pu-chia còn khó khăn. Do đó, bọn chúng tìm mọi cách tích cực thực hiện việc xâm chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ một cách nhanh chóng, dễ dàng.

Thật vậy, sau khi đi sứ ở nước Pháp về, Phan Thanh Giản được cử làm kinh lược sứ ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (cuối 1864). Trước khi đi nhậm chức, Phan Thanh Giản đã tâu với Tự Đức rằng: chính sách sẽ theo là tuân thủ đúng hòa ước1. Vì vậy, khi đến Vĩnh Long, Phan Thanh Giản ra một bản yết thị, trong đó công nhiên bài xích những cuộc khởi nghĩa, khuyên nhân dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên "làm ruộng, đi học, yên nghiệp làm ăn, vì triều đình đã giao hảo với nước Pháp rồi. Nếu ai không tuân sẽ trừng trị"2.

Yết thị đó tuy có gây nên tâm lý cầu an, dao động ở  một số người, nhưng về căn bản vẫn không làm lay chuyển được tinh thần kiên trì, quyết tâm kháng Pháp của nhân dân và nghĩa quân.

Giặc Pháp lấy cớ là triều đình Huế bất lực trong việc đàn áp "phiến loạn", đòi chiếm luôn ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Tháng 6 năm 1866 (tháng hoạt động sôi nổi của nghĩa quân), tên đô đốc La Gơ-răng-đi-e được Bộ trưởng Hải quân Pháp khuyến khích, tập trung hơn 1.000 quân ở  Mỹ Tho tiến đánh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Khiếp sợ quân giặc, Phan Thanh Giản lệnh cho các quan trấn thủ nộp thành cho chúng rồi uống thuốc độc tư tử. Thế là, không tốn một viên đạn, giặc Pháp đã được triều đình Huế giao lại cho ba tỉnh miền Tây trong vòng không đầy một tuần lễ.
___________________________________
1. Phan Khoang, Việt Pháp bang giao sử lược, Huế, 1950. tr. 159.
2. Trần Huy Hiệu, Lịch sử 80 năm kháng Pháp, q. I, Nxb Văn - Sử - Địa, H. 1957, tr. 32.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:12:11 pm »


Ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên chính thức lọt vào tay giặc Pháp đã gây nên những khó khăn đáng kể cho các nhóm nghĩa quân. Chỗ dựa của họ đã bị giặc kiểm soát, phạm vi đóng quân bị thu hẹp, vấn đề đi lại hoạt động của họ gặp rất nhiều trở ngại. Nguồn tiếp tế lương thực do đó cũng bị ảnh hưởng. Thêm nữa, nhân tâm ngày càng xáo động, nhất là tầng lớp trung gian. Trong điều kiện lịch sử ấy, Trương Quyền phải chuyển về hoạt động vùng Soài Riêng, Trảng Bàng (giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), là nơi địch đang có nhiều sơ hở và chỉ trong một ngày đã quét sạch ngụy quân, ngụy quyền ở Phủ Sóc, dựng cơ sở kháng chiến làm chỗ đứng chân hoạt động lâu dài.

Nhưng tình thế ngày càng không có lợi. Sự liên lạc giữa các nhóm nghĩa quân bị gián đoạn vì địch phong tỏa gắt gao. Các nhóm nghĩa quân ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) ở  vào thế cô lập, ngày càng bị đàn áp dữ dội. Các nhóm khởi nghĩa vừa dấy lên ở miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) không bắt liên lạc được với Trương Quyền. Địa bàn của nghĩa quân đã bị thu hẹp, lại bị bao vây, phong tỏa. Địa bàn cuối cùng của nghĩa quân chỉ còn nằm trong một phạm vi hẹp từ Tây Ninh đến biên giới Việt - Cam-pu-chia. Giặc Pháp lại vũ trang cho các nhóm phản động ở vùng này mở các cuộc tấn công liên tiếp, quy mô vào lực lượng nghĩa quân đang hoạt động ở vùng Trảng Bàng, Soài Riêng.

Trước tình hình bất lợi đó, thấy không thể tập trung quân hoạt động như thời gian trước, mà cần phải phân tán hoạt động, gây lại cơ sở kháng chiến, Trương Quyền mang quân về ở Suối Giây (phía bắc khu rừng Tây Ninh).

Quân của Trương Quyền vừa về đến Suối Giây thì bọn do thám của giặc đã phát hiện được. Ngày 28 tháng 7 năm 1867, giặc Pháp mở cuộc tấn công bất ngờ vào nghĩa quân. Trương Quyền chống cự mãnh liệt nhưng sức yếu, thế cô lập, không thể thắng được chúng, đành chia quân ra từng toán nhỏ, vừa đánh vừa rút. Tuy nhiên, không để bị lâm vào thế bị động, trên đường rút quân về vùng châu thổ Cửu Long Giang, Trương Quyền đã mở nhiều cuộc đột kích chớp nhoáng vào quân địch, nhưng thế giặc quá mạnh nên những trận đột kích đó cũng chỉ đạt tác dụng quấy rối, tiêu hao, không thu được kết quả gì đáng kể.

Trong lúc Trương Quyền đang mưu toan khôi phục lại phong trào thì được tin ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng tình hình của các nhóm nghĩa quân mới dấy lên rất khả quan. Hầu hết vùng này đều đã vào tay nghĩa quân do anh em Phan Tôn, Phan Liêm lãnh đạo. Tin vui đó làm cho Trương Quyền vô cùng phấn khởi, ông quyết định vượt sông Cửu Long, kéo quân xuống miền Hậu Giang, phối hợp với các nhóm nghĩa quân ở  ba tỉnh miền Tây, gây dựng phong trào mới. Rủi thay! Trên đường về Hậu Giang quân của Trương Quyền bất ngờ gặp địch. Hai bên nổ súng ác liệt. Trong khi hỗn chiến, Trương Quyền bị trúng đạn. Ông trút hơi thở cuối cùng bên bờ sông Cửu Long giữa lúc phong trào kháng Pháp ở Nam Kỳ đang có những hứa hẹn mới.

Sau khi Trương Quyền chết, ngọn cờ kháng chiến của ông vẫn được tiếp tục được giương cao. Phong trào kháng Pháp mạnh mẽ từ ba tỉnh miền Tây lan ra rộng khắp và tồn tại hàng chục năm sau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:13:42 pm »


Câu hỏi 26: Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược của Trương Định và nghĩa quân đã không thành công; vai trò của Trương Định, nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa được thể hiện như thế nào?
Trả lời:


Ngay từ khi giặc Pháp đặt chân lên đất Gia Định (1859), nhân dân Nam Kỳ đã anh dũng vùng lên đánh quân xâm lược.

Trong những ngày kháng chiến, đồng bào miền Nam đã tỏ ra xứng đáng với truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc ta. Phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Kỳ dấy lên quy mô mạnh mẽ với lá cờ "Phan - Lâm mại quốc, triều đình khí dân" của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định đã mở đầu những trang sử vẻ vang chống thực dân Pháp xâm lược của toàn thể dân tộc ta.

Trong cuộc đấu tranh anh dũng và gian lao đó Trương Định đã được nhân dân Nam Kỳ mến phục, tin yêu, suy tôn làm lãnh tụ của mình và đã trở thành anh hùng dân tộc.

Trương Định đã xứng đáng với vinh dự lớn lao đó. Trước sự mất còn của Tổ quốc, với lòng yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất, ông đã không để cho hai chữ trung quân ràng buộc, khước từ mọi dụ dỗ mua chuộc, bất chấp mọi đe dọa, hiểm nghèo, trước sau vẫn đứng về phía nhân dân, cùng với nhân dân chiến đấu, kiên quyết chống lại đường lối đầu hàng giặc Pháp của vua quan triều Nguyễn.

Tư tưởng và hành động phù hợp với yêu cầu nguyện vọng của quần chúng lúc đó của Trương Định đã mang lại cho ông một sự đồng tình, ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân. Sự đồng tình ủng hộ đó là điều kiện tiên quyết giúp cho Trương Định đoàn kết, tập hợp được các lực lượng yêu nước tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

Thật vậy, nhìn lại cuộc kháng chiến cứu nước do Trương Định lãnh đạo, chúng ta thấy vai trò của nhân dân có tính chất quyết định. Chính đồng bào Kinh cũng như Thượng, vùng tự do ở ba tỉnh miền Tây cũng như vùng địch chiếm ở ba tỉnh miền Đông, đã hăng hái tham gia nghĩa quân, che chở, nuôi dưỡng nghĩa quân. Chính nhân dân đã quyên góp tiền bạc, lương thực vũ khí và tham công tác vận chuyển, phá hoại, phối hợp chiến đấu mọi mặt với nghĩa quân, v.v...

Có thể nói, cuộc kháng chiến của nghĩa quân Trương Định là một cuộc chiến tranh cứu nước có tính chất nhân dân rõ rệt. Đó là điều cắt nghĩa tại sao cuộc chiến đấu đó tồn tại được khá lâu và đã làm cho giặc Pháp nhiều phen khốn đốn. Đó là điều chủ yếu tạo ra thắng lợi của nghĩa quân Trương Định.

Cùng thời Trương Định cũng đã có nhiều sĩ phu yêu nước khác phất cao cờ khởi nghĩa nhưng không một cuộc khởi nghĩa nào được đông đảo quần chúng tham gia và lập được những chiến công lừng lẫy khiến quân thù phải khiếp sợ như cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo. Cho nên, ngoài việc khẳng định vai trò của nhân dân, không thể không thấy cái lớn lao của con người Trương Định, không thể không thấy vai trò quan trọng của ông đối với phong trào chống Pháp lúc bấy giờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:14:02 pm »


Trương Định là người có đức, có tài. Đức, tài của ông phát triển theo cuộc kháng chiến của nhân dân.

Trương Định là một người yêu nước thiết tha, bổng lộc không mua chuộc, uy vũ không khuất phục được.

Trương Định là một chủ soái gần gũi thương yêu quân sĩ, một tướng lĩnh dũng cảm kiên cường khi xung trận.

Trương Định là một lãnh tụ nghĩa quân có tài lãnh đạo và chỉ huy. Chính do tinh thần yêu nước thiết tha và đức tính dũng cảm kiên cường mà tài của ông có điều kiện để phát huy và phát triển. Ông kế thừa được truyền thống anh hùng và những chiến lược, chiến thuật tài tình của ông cha ta qua bao đời đấu tranh bất khuất, những cuộc đấu tranh tự vệ hết sức anh dũng và sáng tạo của một nước nhỏ yếu chống kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta rất nhiều lần.

Trương Định không chỉ lo trước mắt mà còn lo cả lâu dài, từ việc xây dựng căn cứ cho vững mạnh đến việc phát triển nghĩa binh thành một đội quân thiện chiến ngày càng đông đảo, có tổ chức, có kỷ luật. Ông không chỉ lo tác chiến mà còn chú ý sao cho có lương thực, vũ khí. Ông không chỉ quan tâm về mặt quân sự mà về sau này cũng đã nghĩ đến việc xây dựng chính quyền kháng chiến trong vùng địch chiếm, vận động nhân dân đấu tranh với địch về kinh tế và chính trị.

Tài thao lược của Trương Định còn thể hiện ở chỗ ông đã áp dụng những phương pháp chiến đấu thích hợp để đánh một kẻ thù mạnh hơn về trang bị kỹ thuật: tránh mạnh đánh yếu, đánh vào nơi sơ hở, đánh giáp lá cà, v.v... Những trận phục kích, tập kích, quấy rối, phá hoại, v.v... do ông chỉ huy đã làm cho quân địch phải điên đầu.

Đức, tài và uy danh của Trương Định lừng lẫy đến kẻ thù cũng phải thừa nhận, khâm phục.

Tiếc thay, Trương Định đã sớm hy sinh bỏ dở sự nghiệp cứu nước của mình. Trương Quyền - con ông, đã nối chí cha mà cũng không xoay chuyển được tình thế. Cũng như tất cả các cuộc khởi nghĩa khác thời đó, cuộc khởi nghĩa do Trương Định lãnh đạo và sau này là Trương Quyền đã không thành công.

Nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa, tất nhiên cũng có thể tìm thấy trong phong trào đấu tranh thời đó; những thiếu sót, nhược điểm do hạn chế về mặt giai cấp của bản thân Trương Định, nhưng không vì thế mà chúng ta không thấy công lao của ông và của nhiều lãnh tụ nghĩa quân khác. Cũng không vì thế mà không chú ý đến một nguyên nhân quan trọng hơn, chủ yếu hơn dẫn đến việc đất nước ta rơi vào tay giặc Pháp. Đó là tình trạng thối nát, suy tàn của chế độ đương thời, là sự yếu hèn phản động của giai cấp phong kiến thống trị triều Nguyễn với đường lối thương thuyết cầu hòa đi tới đầu hàng phản bội Tổ quốc. Tất cả những điều đó đã tạo cho giặc Pháp điều kiện và cơ hội đánh chiếm nước ta.

Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, có truyền thống đấu tranh bất khuất. Gương Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Lê Lợi phá Minh, Nguyễn Huệ đuổi Thanh còn sáng chói trên những trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Với một dân tộc quật cường như thế, quân địch đâu có thể dễ dàng thực hiện mưu đồ đen tối của chúng. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: "Giá như triều đình lúc bấy giờ không phải ở trong tay bọn vua chúa nhà Nguyễn phản bội và đầu hàng mà trong tay những ngươi kế tục sự nghiệp yêu nước và anh dũng của Nguyễn Huệ, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều" .

Kế tục sự nghiệp anh hùng của nghĩa quân Trương Định, mặc dù bọn đế quốc hung bạo và giai cấp phong kiến phản động đê hèn đã dùng mọi thủ đoạn tàn ác, dã man dìm các cuộc khởi nghĩa trong biển máu, nhân dân ta đã không ngừng vùng lên khắp Bắc, Trung, Nam và cuối cùng dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng đã đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:15:37 pm »


Câu hỏi 27: Đền thờ Trương Định hiện nay được xây dựng như thế nào?
Trả lời:


Trương Định là một vị anh hùng dân tộc trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Công lao và sự nghiệp chống Pháp của ông đã được sử sách ghi nhận và nhân dân hết lòng ca ngợi.

Năm 1864, sau khi Trương Định tuẫn tiết, bà Trần Thị Sanh (vợ thứ Trương Định) đã nhận thi hài của ông mang về an táng rất trọng thể. Mộ được làm bằng hồ ô dước, trên bia mộ khắc: "Đại Nam an hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định, huý Định chi mộ", nhưng nhà cầm quyền Pháp tại Gò Công ra lệnh đục bỏ hàng chư "Bình Tây Đại tướng quân" và phạt bà Trần Thị Sanh 10.000 quan tiền vì lập bia trái phép.

Năm 1874, bà Sanh đứng đơn xin lập mộ cho chồng. Mộ xây bằng đá hoa cương cùng với 3 bức hoành phi và 6 trụ đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Trương Định. Một lần nữa, các hoành phi và trụ đá bị đục bỏ. Ngôi mộ trở nên hoang phế trong thời gian Pháp thuộc bởi sự cấm đoán và dòm ngó của mật thám.

Năm 1964, Gò Công tái lập tỉnh, để thu phục nhân tâm, chính quyền cũ đã xuất công quỹ tu bổ ngôi mộ. Sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gò Công đã đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo và xây dựng lại ngôi mộ Trương Định khang trang như ngày nay.

Để tưởng nhớ công lao của Bình Tây Đại nguyên soái, Trung thiên tướng quân Trương Định, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư kinh phí xây dựng đền thờ Trương Định tại quê hương ông ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Khu đền thờ có diện tích gần 20 nghìn mét vuông, gồm các hạng mục như: Đền thờ chính, nhà trưng bày, nhà khách, nhà bia tưởng niệm, tường rào, sân hành lễ, vườn trồng cây lưu niệm, v.v...

Hàng năm, vào ngày mất của Trương Định, tại nơi đây đã diễn ra lễ hội hết sức long trọng và thành kính, để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết bằng chính những lễ thức truyền thống của vùng đất Ấn - Trà.

Từ sáng tinh mơ, nhân dân địa phương và các nơi khác trong tỉnh đã nô nức đổ về đền thờ Trương Định để dự lễ. Trên sân đình, những người đi rước bát nhang và linh vị Trương Định trong y phục, nghi cụ chỉnh tề.

Mở đầu cho lễ hội là đoàn rước đón bát nhang và linh vị Trương Định được đưa từ Gia Thuận và thị xã Gò Công về đền. Đoàn rước gồm đội thiếu nhi cầm cờ ngũ sắc, đội múa lân, đội múa kiếm, đội võ, đội hát sắc bùa, đội dâng lễ, đội cầm lọng, đội học trò gia lễ, ban tế lễ, đội long đình, các vị bô lão, đoàn học sinh thanh niên cùng nhân dân các xã Tịnh Khê, Tịnh Thiện, tạo nên không gian đầy màu sắc và tôn nghiêm.

Trước lễ nghinh thần nhập điện một ngày, tại đền thờ này cũng đã diễn ra lễ tế ngoại đàn, một nghi lễ thể hiện lòng tôn kính của người đang sống đối với những người đã khuất. Cùng với lễ tế ngoại đàn là lễ tế tiên thường, được xem như một sự thông báo với trời đất, thánh thần trước khi lễ chính được diễn ra vào ngày mai.

Lễ nhập điện bắt đầu sau 3 hồi chiêng, trống trầm hùng. Bài vị anh hùng dân tộc Trương Định và bát nhang rước từ đền thờ ông ở  Gia Thuận, Gò Công Đông và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang được kính cẩn đặt lên bàn thờ và với những nén nhang thành kính của nhân dân.

Cùng với nghi thức trên, ở trước sân đền thờ, các nghệ nhân tiến hành những nghi thức diễn xướng hầu thần. Mở đầu là đội lân, tiếp theo là phần diễn xướng của đội hát sắc bùa. Đây là một loại hình dân ca nghi lễ truyền thống của Quảng Ngãi với các bài Hát cửa đền ở trước đền, Hát hầu thần ở trong đền và Múa bắt bướm, Múa trấn ngũ phương, Múa đèn ở ngoài sân đền.

Sau phần diễn xướng của đội lân, đội sắc bùa, là lễ chánh tế. Các bô lão cùng đội học trò gia lễ và ban nhạc lễ thực hiện các bước lễ tế theo nghi thức "tam tuần bát bái". Lễ chánh tế cùng các nghi thức tế lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không những ôn lại cuộc đời và công trạng của anh hùng dân tộc Trương Định nhằm tri ân và tôn vinh Người, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, mà còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Tiếp theo là lễ tưởng niệm và dâng hương.

Tổ chức lễ hội tưởng niệm ngày tuẫn tiết của Bình Tây Đại nguyên soái, Trung thiên tướng quân Trương Định là một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa trong việc ôn lại cuộc đời và công trạng của anh hùng Trương Định; đồng thời cũng là dịp để hiểu thêm về quá khứ hào hùng, bất khuất của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam cũng như trên quê hương núi Ấn - sông Trà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2016, 10:13:57 pm »


Phần thứ hai
ANH HÙNG TRƯƠNG ĐỊNH TRONG THƠ VĂN YÊU NƯỚC NAM BỘ


I. HÌNH ẢNH ANH HÙNG TRƯƠNG ĐỊNH TRONG THƠ VĂN YÊU NƯỚC NAM BỘ

Câu hỏi 28: Ý chí sắt đá của Trương Định được thể hiện qua thơ văn yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX như thế nào?
Trả lời:


Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quần chúng yêu nước ở Nam Bộ, cũng như Trương Định đã trải qua những ngày gian khổ bậc nhất, khi họ phải đứng giữa hai gọng kìm tấn công của bọn xâm lược viễn chinh Pháp và bọn triều đình bán nước nhà Nguyễn.

Thực dân Pháp xâm lược và triều đình nhà Nguyễn đã tìm cách thăng chức cho Trương Định làm lãnh binh ở An Giang nhằm muốn đẩy Trương Định ra khỏi môi trường chiến đấu của ông, nhưng Trương Định đã dứt khoát đứng về phía nhân dân, chiến đấu chống giặc. Trong thời đại phong kiến, cự tuyệt mệnh lệnh nhà vua không phải việc dễ. Tấm lòng yêu dân, yêu nước đã giúp Trương Định chặt đứt mọi thú luân lý, đạo đức phong kiến như một thứ dây oan nghiệt tròng vào cổ ông. Trong lịch sử phong kiến, lần đầu tiên lời của những nông dân bình thường bỗng có giá trị tuyệt đối trước cái gọi là "thiên tử chiếu". Việc nhân dân cản đầu ngựa không thuận để Trương Định đi An Giang nhận chức của nhà vua, tôn Trương Định - người mà nhân dân tín nhiệm - làm Bình Tây Đại nguyên soái và việc Trương Định khước từ bổng lộc của triều đình, nhận sự phong tặng của nhân dân, cắt nghĩa một cách hùng hồn tinh thần: một lòng vì Tổ quốc của nhân dân ta trong đó có sĩ phu yêu nước hồi bấy giờ.

Trong bài Văn tế Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu đã khẳng định:

"Chợt thấy cánh buồm lai sứ, việc nghị hòa, những tưởng rằng xong;
Đã đành tấm giấy tựu phong, phận thiên tỉ có đâu dám cãi.
Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại".


Giặc thấy Trương Định không tuân theo lệnh triều đình, cương quyết đánh tới, nên nhiều lần thúc giục Phan Thanh Giản viết thư cho Trương Định, khuyên Trương Định bãi binh:

"Triều đình đã ký hòa ước, ông nên bãi binh, không nên trái mệnh vua. Trung hiếu là điều tốt, nhưng phải có giới hạn, không thể vượt quá giới hạn mà được trung hiếu; thái quá cũng như bất cập, có thêm chân lại không phải là rắn nữa. Nếu ông đem toàn bộ hai tỉnh Định, Biên1 về với triều đình thì cũng là một cử chỉ tốt. Hiện nay đại binh của triều đình triệt hồi đã lâu, các quan chưởng binh lén lút ở nơi rừng núi đều giải tán. Còn một mình ông, ông đem toán quân ấy tiến lên đánh thì có chắc thắng được không? Lui về giữ thì chắc có vững được không? Quyết không thể được...”.

Nhận được thư, Trương Định dứt khoát trả lời:

"... Nhân dân ba tỉnh không muốn đất nước bị chia cắt, nên họ suy tôn chúng tôi cầm đầu. Chúng tôi không thể nào làm khác hơn điều mà chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi sẵn sàng tử chiến, địch đằng đông, kéo địch đằng tây, chúng tôi chống địch và sẽ thắng địch. Nếu ngài còn nói hòa nghị, cắt đất cho địch thì chúng tôi xin không tuân mệnh lệnh triều đình và chắc hẳn là như thế sẽ không bao giờ có hòa thuận giữa các ngài và chúng tôi, các ngài sẽ không lấy gì làm lạ cả...''.

Phải thấy rằng Phan Thanh Giản đối với nhân dân Nam Kỳ trước đó có uy tín dường nào, nhưng khi Phan Thanh Giản đã mất tinh thần trước giặc thì lời nói của Phan cũng không còn có giá trị gì nữa. Không phải đợi đến ngày nay lịch sử mới đánh giá đúng đắn, mà ngay lúc Phan còn nghiễm nhiên giữ chức kinh lược đại thần, nhân dân Nam Kỳ, đứng đầu là các sĩ phu yêu nước, cũng đã xem Phan là người như thế nào rồi trước cơn nguy biến của Tổ quốc.
___________________________________
1. Tức Định Tường và Biên Hòa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2016, 10:17:26 pm »


Chẳng những Trương Định cự tuyệt lời khuyên của Phan Thanh Giản, mà ông còn cự tuyệt cả lời dụ của triều đình nữa. Theo Bài tựa liệt truyện của những người có ý kiến sai lầm bài ngoại, Trương Định đã trả lời thẳng với triều đình chỉ ngay việc một đạo dụ bắt buộc "các tỉnh phải đình chỉ ngay việc mộ quân". "Định thà chịu tội với triều đình còn hơn, chớ không nỡ ngồi yên nhìn thấy non sông, đất nước bị chìm đắm". Ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của Trương Định làm cho bọn sử thần của nhà Nguyễn cũng phải bực tức:

"Chúng ta lấy làm quái lạ cho một mình ông Định bướng ngạnh như thế. Phận làm tôi con, chỉ biết mệnh lệnh nhà vua thì phải theo, tức như việc cũ của đời Tống (Trung Quốc) thẻ vàng nhà vua có lệnh truyền xuống dẫu danh tướng như Nhạc Vũ Mục cũng phải vâng theo chiếu chỉ mà rút quân về...”

Trái hẳn với quan niệm "ngu trung" theo kiểu Nhạc Phi đời Tống, Trương Định đã liệt vua chúa nhà Nguyễn vào hạng đã đầu hàng giặc, nên không thể theo mệnh lệnh của vua chúa, thuận lòng dân đứng ra đánh giặc cứu nước thì bị lên án là bầy tôi nghịch, bị "tiếng thị, tiếng phi" tuôn ra từ cửa miệng của bọn vua chúa đình thần - hạng người mà Phan Sào Nam cho là "gan đệ lợn mà mưu chuột cáo, một khi trông thấy người Pháp liền run sợ mồ hôi ra như mưa. Ví người Pháp đòi đem cha mẹ cho chúng ăn thịt, bọn ấy cũng cung kính hai tay, bưng đến dâng ngay, huống chi là sáu tỉnh..." (Phan Sào Nam – Việt Nam vong quốc sự, bản dịch của Chu Thiên, Chương Thâu). Đó là tấn bi kịch của Trương Định và những người yêu nước cuối thế kỷ XIX.

Nguyễn Đình Chiểu hiểu thấu tâm trạng uẩn khúc của Trương Định hơn ai hết. Chẳng những hiểu mà ông còn tán thành cách xử lý của Trương Định. Theo quan niệm "ngay chúa" lúc bấy giờ, trước hết là phải chống vua, chống hành động hèn nhát của nhà vua:

      "Giúp đời dốc trọn ơn nam tử,
      Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần".


Hoặc:
      "Gian truân kể xiết bấy nhiêu lần,
      Vì nước đành trao một tấm thân.
      ... Bát cơm ki lữ chi sờn buổi,
      Mảnh áo mông nhung chẳng nệ phần.
      Chí dốc ra tay nâng vạc ngã.
      Trước sau cho trọn chữ quân thân".


Hoặc:
      "... Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước, nào hờn tiếng thị, tiếng phi;
      Cõi An Hà1 một chức chịu lãnh binh, lây lất theo thời, chưa chắc đâu thành đâu bại".


Hoặc:
      "... Cám nỗi kiến ong ra sức dẹp,
      Quản bao sâu mọt chịu lời nhăng".


Trong mấy bài thơ điếu Phan Tòng, người anh hùng chống Pháp tử trận ở  Bến Tre, Nguyễn Đình Chiểu càng đề cao Phan Tòng bao nhiêu, thì ông càng nói cay, nói đắng triều đình bấy nhiêu. Ông vô cùng thương tiếc người anh hùng trẻ tuổi họ Phan; nhưng trước cái chết của họ Phan Nguyễn Đình Chiểu cho là "phận cũng may", vì theo ông Phan Tòng không chết giữa trận mạc thì sớm muộn ông cũng không tránh được "viên đạn nghịch thần" của triều đình đã "treo trước mắt" rồi đó. Và đó cũng là số phận chung của các bậc anh hùng thà thác chẳng đầu Tây thời Tự Đức. Khóc trước cái chết của Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu trong một bài thơ cũng nói lên cái ý ấy. Nhưng ở đây, ông đã đả kích thẳng tay bọn bán nước ở triều đình, ông cho thái độ đối xử của chúng đối với những người anh hùng, những người chính nghĩa, khác nào thái độ của lũ chó cắn trộm:

      "Thà buổi trường sa da ngựa bọc,
      Khỏi nơi đạo chích tiếng muông rầy".


Trong thời phong kiến, tiếng nói của vua chúa quyết định hết thảy. Vua chúa mà có hành động đầu hàng và cất cao tiếng nói đầu hàng của mình trong quần chúng thì nguy hiểm lắm.

Cho nên muốn cương quyết đánh Tây, không thể không cương quyết vạch mặt bọn vua chúa triều thần, các hạng tai to, mặt lớn có dã tâm bán nước. Trong văn học cận đại, sự lên án triều đình bao hàm ý nghĩa động viên quần chúng cứu nước rất mạnh, rất thống thiết. Trong bài Hịch Trương Định, tiếng nói lên án bọn bán nước càng đanh thép:

      Bớ những người tai mắt!
      Thử xem loài thú cầm,
      Trâu ngựa còn điếc câm,
      Mà biết đền ơn cho nhà chủ.
      Muông gà, loài gáy sủa,
      Còn biết đáp ngãi cho chủ nuôi.
      Huống chi người chân đạp đất, đầu đội trời,
      Ở chi thói sâu dân, mọt nước!


Hoặc:
      Nước có nguồn, cây có gốc,
      Huống người sinh có da có tóc.
      Mà sao không biết chúa, biết cha?
      Huống người sinh có nóc, có gia
      Mà sao không biết trung, biết hiếu?

___________________________________
1. Tức An Giang và Hà Tiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2016, 10:22:08 pm »


Câu hỏi 29: Nghị lực và tinh thần tận tụy hy sinh vì nước, vì dân của Trương Định được thể hiện trong văn thơ yêu nước Nam Bộ cuối thế kỷ XIX như thế nào?
Trả lời:


Đọc thơ văn viết về Trương Định chẳng những chúng ta thấy rất rõ những chiến công đánh giặc Pháp lẫy lừng của ông: "Trong Nam tên họ nổi như cồn, Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn. Dấu đạn hãy rêm tàu bạch quỷ, Hơi gươm thêm rạng thẻ hoàng môn", "... Rạch Lá, Gò Công mấy trận, người thấy đã kinh; cửa Khâu, Trại Cá khắp nơi ai nghe cũng hãi" mà chúng ta còn thấy một cách đầy đủ tinh thần hy sinh tận tụy vì nước, vì dân của Trương Đinh. Thắng không kiêu, bại không nản, Trương Định tỏ ra có đầy đủ đức tính của một tướng lĩnh, chỉ huy cuộc kháng chiến của nhân dân. Ông là một người có nghị lực đặc biệt.

Chính sử gia của thực dân Pháp (Vi-an) cũng phải nhìn nhận như vậy: "Nhà đại lãnh tụ của quân khởi nghĩa là Trương Định có đủ sự mềm dẻo và táo bạo cần thiết để đóng vai trò phức tạp của mình, ông tỏ rõ rằng ông càng hoạt động hơn trước nữa, hoạt động không biết mỏi và sau khi Gò Công thất thủ, dường như ông ta lại càng có ảnh hưởng to hơn”.

Đuy Hay-i cũng viết:

"Trong 18 tháng trường, người du kích không biết mỏi ấy mà ta có thể gọi là Ap-en Ca-đe của Việt Nam bị truy nã từ chỗ này đến chỗ nọ trong rừng sâu, trong vũng lầy không thể đi đến được; người du kích ấy đã phá các cuộc truy nã của chúng ta với cả một nghị lực bền bỉ mà ta phải thừa nhận, dù người ấy là kẻ địch của ta”.

Để làm nổi bật tinh thần anh dũng tuyệt vời, tinh thần tận tụy vì dân, vì nước của Trương Định và nghĩa quân, Nguyễn Đình Chiểu trong bài Văn tế của ông đã cho chúng ta thấy lực lượng so sánh giữa phía quân đội xâm lược Pháp và phía Trương Định chênh lệch nhau như thế nào:

      "Há chẳng thấy:
      Sức giặc Lang Sa, nhiều phương quỷ quái.
      Giăng dưới nước tàu đồng, tàu sắt, súng nổ quá bắp rang;
      Kéo trên bờ ma-ni, mã tà, đạn bắn như mưa vãi.
      Dầu những đại đồn thuở trước, cũng khó toan đè trứng ngàn cân;
      Huống chi cô lũy ngày nay, đâu dám chắc treo mành một dải".


Như chúng ta đều rõ, "đại đồn thuở trước" mà Nguyễn Đình Chiểu nhắc ở đây là cái đồn lớn nhất của Việt Nam trong thời đại phong kiến, án ngữ phía tây nam thành Gia Định, do danh tướng Nguyễn Tri Phương đóng giữ, 1861, giặc Pháp tấn công đại đồn, mặc dù phải trả một cái giá rất đắt (bị chết và bị thương trên 300, đại tá Tếc-ta tử trận, đại tá Cơ-su-ra bị thương), cuối cùng giặc vẫn chiếm được, sau khi Nguyễn Tri Phương bị trọng thương. Trước sức mạnh về vũ khí của địch, đại đồn khác nào một quả trứng bị đè bởi sức nặng nghìn cân, huống chi là "cô lũy ngày nay", "núi đất nửa năm ngăn giặc" của Trương Định.

      "Nhưng vậy mà:
      Vì nước tấm thân đã nấy còn mất cũng cam;
      Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2016, 10:23:44 pm »


Nguyễn Đình Chiểu giới thiệu cho chúng ta thấy một Trương Định vô cùng dũng cảm, khi còn ở dưới quyền của tổng trấn Nguyễn Tri Phương, lúc nào ra trận ông cũng không buông vũ khí, vẫn tiếp tục đắp lũy đồn binh, đánh giặc một cách cương quyết:

      "Lối đánh giặc tới, theo quan Tổng đốc, trường thi mô súng, trọn mấy năm ra sức tranh tiền;
      Lúc cuộc tan rồi, về huyện Tân Hòa, đắp lũy đồn binh, giữ một gốc bày lòng địch khái".


Tin ở chánh nghĩa, tin ở sức mạnh của đông đảo nghĩa quân, Trương Định đã biến "núi đất" ra "thành đồng lũy sắt", "giáo tre" thành "ngựa giáp xe nhung":

      "Núi đất nửa năm ngăn giặc, nào thành đồng lũy sắt các nơi;
      Giáo tre nghìn dặm đánh Tây, nào ngựa giáp xe nhung mấy cái".


Trong tập Kỳ xuyên văn sao, nhà văn Nguyễn Thông khi viết về Hồ Huân Nghiệp có đoạn ghi rõ: "Khi Trương Định đóng ở Tân Hòa hỏi các nhân sĩ để định kế hoạch, Huân Nghiệp đến gặp Định. Lúc trở về, ghé qua nhà người em tôi tên là Hài, Hài hỏi: "Trương Định xướng nghĩa, hào kiệt kéo nhau đến đông như mây, không biết có thành công được không?” Huân Nghiệp trả lời: Kẻ làm việc nghĩa, không kể thành bại”.

Nhận xét của Hồ Huân Nghiệp về Trương Định, qua sự ghi chép của Nguyễn Thông hoàn toàn phù hợp với sự đánh giá của Nguyễn Đình Chiểu trong nhiều bài thơ và văn tế của ông làm ra để tang điếu Trương Định. Cũng cần nói thêm rằng: tư tưởng quyết hy sinh vì đại nghĩa của Trương Định đã ảnh hưởng sâu sắc đến Hồ Huân Nghiệp sau này. Người con hiếu thảo nổi tiếng Hồ Huân Nghiệp, mặc dù tấm lòng vẫn luôn luôn áy náy vì không có ai phụng dưỡng mẹ già, vẫn sẵn sàng theo lời kêu gọi của Trương Định, tham gia hàng ngũ nghĩa quân đứng lên cứu nước. Và với thế ung dung, người anh hùng trẻ tuổi ấy trước giờ lên đoạn đầu đài vẫn ứng khẩu làm thơ nói lên ý chí của mình thật đáng khâm phục và cảm động xiết bao:

      "Thấy nghĩa lòng đâu dám hững hờ
      Làm trai ngay thảo quyết tôn thờ.
      Thân này sống chết không màng nhắc
      Thương bấy mẹ già, tóc bạc phơ".

                                      (Bảo Định Giang dịch)

Lòng kiên trinh với Tổ quốc giúp cho Trương Định chẳng những không sợ sức mạnh về vũ khí của đế quốc, mà còn khiến ông làm tất cả những gì cần làm để đánh bại đế quốc xâm lược. Triều đình đã ký hòa ước nhận chia cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho giặc, chẳng những Trương Định không nghe theo thì chớ, trái lại ông còn làm giả giấy tờ của triều đình, mật gửi hiệu triệu nhân dân chiến đấu:

      "Mực sớ lãnh binh lờ mắt giặc,
      Son bằng ứng nghĩa thắm lòng dân.
      Giúp đời dốc trọn ơn nam tử,
      Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần".


Việc đó chẳng những cắt nghĩa lòng trung thành vô hạn của Trương Định đối với Tổ quốc, mà còn cắt nghĩa sách lược sáng suốt của ông. Ông thấy cuộc chiến đấu chống xâm lược Pháp không thể không có ngọn cờ hiệu triệu. Mặc dù ngọn cờ đó đối với ông đã rách nát, dơ bẩn lắm rồi. Nhưng, cái gì cũng phải có danh nghĩa. Triết lý đạo nho đã dạy ông: "Không có danh nghĩa thì nói ra không thuận". Dùng danh nghĩa nhà vua để hiệu triệu dân đánh giặc, đối với ông là việc hoàn toàn bất đắc dĩ, nhưng cần thiết trong một tình thế nhất định. Đó là ngọn cờ mà ông mượn tạm. Thực chất của cuộc kháng chiến cứu nước đối với ông không phải ở  đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2016, 10:24:57 pm »


Nguyễn Đình Chiểu đã nói rất nhiều về tinh thần tự lực, về sự mưu toan ráo riết của Trương Định trong suốt quá trình đánh giặc. Nói về căn cứ chống Pháp của Trương Đinh, Nguyễn Đình Chiểu thường cho Gò Công không phải là nơi "đất hiểm". Nơi đó chẳng qua là "một gò cô lũy", một góc đất nhỏ hẹp mà thôi. Nguyễn Đình Chiểu viết ra sự thật hiển nhiên này cốt để làm nổi bật tinh thần yêu non sông, đất nước của người bạn chiến đấu của mình. Và điều đó rất chính xác: Gò Công chẳng qua là một cánh đồng bằng nhỏ, không có núi rừng, khả dĩ giúp cho Trương Định dựa vào thế thiên nhiên để chống giặc được:

      "Dẫu biết dùng binh nhờ đất hiểm,
      Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công".
      "... Trăm đám mộ binh vầy lớn nhỏ,
      Một gò cô lũy chống hôm mai".


Những năm kháng chiến của Trương Định là những năm cực kỳ căng thẳng. Qua các hoạt động của ông, chúng ta thấy ông lo toan nhiều việc:

      "Nào nhọc sức hộ tào biên sổ, lương tiền nhà ruộng, cho một câu háo nghĩa lạc quyên;
      Nào nhọc quan võ khố bình câu, thuốc đạn ghe buôn, quyền bốn chữ gian thương đạo tải".


Qua Nguvễn Đình Chiểu, chẳng những chúng ta thấy Trương Định ra sức tổ chức bộ máy chiến đấu của mình, làm sao cho có lương thực, súng đạn đánh Tây, mà ông còn cho chúng ta thấy sự quan tâm của Trương Định trên nhiều mặt. Tầm mắt nhìn, ý nghĩ, sự lo lắng của Trương Định không phải chỉ bó hẹp trong một địa phương Gò Công mà còn rộng ra khắp các nơi ở Nam Kỳ lục tỉnh trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, nhất là ở ba tỉnh phía đông, phần đất đã bị mất vào tay của địch:

      "Phân bua trời đất cho biết lòng,
      Công việc đâu đâu cũng muốn xong.
      Cảm nỗi nhà nghiêng lăm chống cột,
      Nài bao bóng xế luống day đồng.
      Đồng Nai, chợ Mỹ lo nhiều phía,
      Bến Nghé, Sài Gòn kể mấy đông".


Một người có chí lớn, tài cao như Trương Định mà chẳng may gặp hoàn cảnh bất lợi. Sự đầu hàng của vua chúa, việc đánh giặc không kiên quyết của các tướng lĩnh triều đình lúc đầu, là những tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi. Tiếc cho Trương Định, Nguyễn Thông đã đánh giá rất đúng về người anh hùng đầy mưu lược đó:

"Phan Văn Đạt xướng nghĩa đầu tiên, thân chịu chết để giữ trọn điều nhân. Trương Định bị thua chạy trốn, thu thập tàn quân, chiếm cứ Tân Hòa, bỏ mình vì nghĩa. Ví như khi Gia Định chưa mất, được cầm quyền bính, nhờ quốc oai và địa thế thì mưu lược xếp đặt há chỉ làm có thế mà thôi đâu".

Trong bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc, khi đề cập giai đoạn lịch sử này, đồng chí phạm Văn Đồng có rút ra một kết luận vừa chuẩn xác vừa cảm động: "Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô cùng của dân tộc Việt Nam ta ở Nam Bộ lúc bấy giờ, ruột gan của chúng ta đau như cắt xé. Giá như triều đình lúc bấy giờ không phải ở trong tay bọn vua chúa nhà Nguyễn phản bội và đầu hàng mà trong tay những người kế tục sự nghiệp yêu nước và anh dũng của Nguyễn Huệ, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều, nhất là được lãnh đạo thống nhất và kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi, đồng thời phong trào ấy chắc được sự ủng hộ kiên quyết của cả nước, như vậy đất Đồng Nai anh dũng từ đó trở nên bức thành đồng ngăn chặn bọn cướp nước phương Tây xâm phạm đất nước chúng ta ở Nam Bộ và do đó, đã bảo vệ vẹn toàn độc lập và thống nhất của Tổ quốc".

Cái tiếc của nhà văn Nguyễn Thông ngày trước và cái tiếc của đồng chí Phạm Văn Đồng ngày nay là cái tiếc của mọi chúng ta khi giở lại những trang lịch sử hùng tráng, bi thương thế kỷ trước.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM