Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 10:09:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định  (Đọc 33548 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 10:20:08 pm »


Câu hỏi 18: Khi triều đình nhà Nguyễn chính thức chấp nhận hòa ước Nhâm Tuất vào đầu tháng 4 năm 1862, trước những hành vi phản bội của vua tôi Tự Đức, Trương Định cùng nghĩa quân đã làm gì?
Trả lời:


Giữa lúc nhân dân Nam Kỳ đang chiến đấu quyết liệt một mất một còn với quân thù xâm lược thì triều đình Huế hoảng hốt trước sức mạnh của địch, "long trọng" làm lễ chính thức chấp nhận hòa ước Nhâm Tuất vào đầu tháng 4 năm 1862. Trong bữa tiệc khoản đãi Bô-na (đại diện thực dân Pháp) và Pa-lăng-ca (đại diện Y-pha-nho), Tự Đức đã không biết hổ thẹn nói với những tên tướng giặc tay còn đang vấy máu nhân dân Nam Kỳ như sau: "Các sứ thần chịu mệt nhọc đến đây, vua nước Nam lấy làm khen ngợi, về nước, các sứ thần hãy tâu lại với vua rằng: hòa cuộc đã định, từ nay về sau mọi việc đều trang trải một cách hòa hảo và tình bè bạn rất thành thực sẽ vĩnh viễn giữa ba nước để mưu hạnh phúc cho mình".

Rất rõ ràng, với hòa ước Nhâm Tuất (1862), ngoài việc dâng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp và việc bồi thường tiền đi ăn cướp cho giặc, triều đình Tự Đức đã chính thức câu kết với địch chống lại phong trào cứu nước của nhân dân ta. Bọn chúng (giặc Pháp và triều đình Tự Đức) đã thống nhất với nhau rằng: "Nước Nam có dân cướp bóc, giặc bể đã nhiễu hại ở  các đất thuộc Pháp (ám chỉ nghĩa quân) nay trốn trở về, hoặc có tù phạm của các nước Tây trốn trong đất Nam, quan Pháp được chiếu hội với quan địa phương bắt đem về làm tội, có tù phạm giặc giã người Nam trốn đến đất thuộc Pháp thì quan Nam cũng được xử như thế". Và theo điều khoản thứ mười trong hòa ước Nhâm Tuất, triều đình Huế thuận để cho Pháp có toàn quyền đàn áp những hoạt động chống xâm lược của nhân dân: "Từ hòa nghị về sau, nhân dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên qua lại các đất Nam thuộc Pháp làm ăn hễ theo lệ nước Pháp đã định thì được tự tiện, nếu nhân việc công, chở binh lính, lương thực, súng đạn, khí giới đi ngang qua đấy mà không cho biết trước và không có giấy của quan Pháp thì xe tàu ấy sẽ bị đánh phá, quân lính bị bắt trị tội".

Trước những hành vi phản bội của vua tôi Tự Đức, Trương Định không hề nản chí, ông vẫn cương quyết chống Pháp đến cùng. Nhân lúc Bô-na vừa ở Huế về đến Nam Kỳ, Trương Định liền gửi cho hắn một bức thư. Trong thư, Trương Định thóa mạ giặc Pháp đã giết hại nhiều người vì quá tin theo triều đình Huế nên ra đầu thú với chúng; và ông đòi Pháp nhất thiết phải trả ba tỉnh miền Đông lại cho nước Việt Nam.

Để tăng cường lực lượng của nghĩa quân, Trương Định giữ liên lạc chặt chẽ với phong trào của Thiên Hộ Dương ở  Đồng Tháp Mười, thông qua Dương bắt liên lạc với phong trào kháng Pháp của người Khơ Me ở  vùng Châu Đốc - Tà Keo, mở đầu cho sự thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung.

Lúc này rất nhiều thanh niên ở  khắp nơi đến gia nhập nghĩa quân; có cả nghĩa quân các nơi khác, vì mất lãnh tụ, cũng về tụ họp dưới cờ Trương Định, chẳng hạn như nghĩa quân của thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (thủ khoa Huân bị giặc bắt và đến 1864 thì bị đày ra đảo Rê-uy-ni-ông).

Từ khi rút về xây dựng căn cứ kháng Pháp ở Phước Lộc - Lý Nhân, Trương Định hết sức chăm lo đến việc củng cố, xây dựng lực lượng, tàng trữ lương thực; ông phái những toán nghĩa binh đi khắp nơi, từ miền rừng núi ở Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, tới các vùng đồng bằng, giữa đường Sài Gòn, Trảng Bàng, Đồng Tháp Mười, để vận động thu lương, mộ binh, chuẩn bị cho những kế hoạch chiến đấu mới. Trương Định rất chú ý đến công tác vận động nhân dân trong vùng địch chiếm đóng. Ông tổ chức những đội hoạt động tuyên truyền trong các tỉnh với nhiệm vụ tích cực vận động nhân dân nổi dậy chống Pháp, quyên góp tiền bạc, lương thực cho nghĩa quân. Khắp nơi, ngay cả trong thành Gia Định, đều có yết những bố cáo, hịch chống Pháp, dưới có đóng dấu son mang dòng chữ "Bình Tây Đại nguyên soái". Điều đó chứng tỏ rằng, Trương Định không những chỉ kiên trì đánh Pháp bằng lòng quả cảm của mình, mà ông còn biết dựa vào dân, vận động nhân dân ngay cả trong vùng địch chiếm hưởng ứng và tham gia kháng chiến. Thấy công tác vận động quần chúng của Trương Định rất nguy hiểm cho nền thống trị của chúng ở  ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, giặc Pháp đã phải kêu lên: "Cả xứ vẫn tiếp tục bị xôn xao vì những lời lăng mạ của Quản Định".

Việc xây dựng căn cứ địa ở  vùng rừng, kết hợp với việc xây dựng lực lượng vũ trang và tuyên truyền thức tỉnh quần chúng ở thời kỳ này đều là những kinh nghiệm rút ra từ trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ từ 1861 đến 1863.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 10:20:28 pm »


Cùng với việc xây dựng căn cứ, tổ chức lực lượng, Trương Định còn tổ chức nhiều trận đánh lẻ tẻ ở khắp nơi thuộc Biên Hòa, Tân An, Cần Giuộc, Phú Lạc, Chợ Lớn, Bà Hom, nhằm phá rối, gây hoang mang cho quân địch, đồng thời động viên, nuôi dưỡng ý chí chiến đấu cho nghĩa quân, gây lòng tin cho nhân dân đối với cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông đã cho nghĩa quân đi phục kích diệt bọn tuần tiễu trên các sông, rạch và trên các ngả đường từ Gia Định đến các căn cứ xung quanh, tổ chức những trận đánh cướp lương thực, bắt do thám và diệt bọn Việt gian bán nước, v.v... Bản thân Trương Định cũng thân hành đi khắp nơi chấn chỉnh cơ sở, tổ chức lực lượng kháng chiến, chuẩn bị cho những trận đánh lớn khi có điều kiện.

Hành động dũng cảm, mưu trí, biết dựa vào sức mạnh của nhân dân để tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa của Trương Định là mối đe dọa lớn nhất đối với thực dân Pháp. Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Nam Kỳ do ông lãnh đạo là một bản cáo trạng hùng hồn về tội bán nước của vua tôi nhà Nguyễn. Ngay thực dân Pháp cũng buộc lòng phải thừa nhận sự thật là: "Quản Định là linh hồn của mọi phong trào. Những thư tín, mệnh lệnh của ông được tay trao tay, miệng truyền miệng phổ biến khắp nơi. Lúc thì tưởng ông ta đang công cán ở Huế, lúc thì ông xuất hiện ở  vùng rừng núi sát biên giới Bình Thuận hay ở ngay tại Sài Gòn. Đấy là cuộc âm mưu lật đổ thường trực được tổ chức khéo léo chống lại sự an ninh của chúng ta".

Nhà viết sử thực dân Sếp-tăng cũng để lộ nỗi lo lắng của bọn xâm lược Pháp về hoạt động ngày một tích cực của nghĩa quân: "Vào lúc đô đốc La Gơ-răng-đi-e lên nắm quyền chỉ huy (tháng 5 năm 1863) những bọn phiến loạn và nhất là ông Quản Định vừa rút khỏi Gò Công đã lại tiếp tục cuộc chiến tranh. Ông Quản Định đã cả gan đến mức cho dán ngay giữa chợ Mỹ Tho tờ hịch kêu gọi nhân dân An Nam đứng lên cầm vũ khí và treo giá đầu Tây". Và chính tên La Gơ-răng-đi-e lúc này cũng lo sợ một cuộc tổng tấn công sẽ nổ ra. Đề phòng bị, hắn buộc phải trì hoãn việc hồi hương quân lính đã mãn hạn.

Trong thư gửi lên bộ trưởng bộ hải quân Pháp đề ngày 27 tháng 10 năm 1863, La Gơ-răng-đi-e viết: "Tình trạng của chúng tôi khi tới đó (La Gơ-răng-đi-e tới Sài Gòn ngày 28 tháng 3 năm 1863) sự đe dọa của những cuộc biến động mà ta phải tránh bằng bất cứ giá nào, việc ngăn ngừa sao cho các cuộc biến động đó khỏi chuyển thành một cuộc khởi nghĩa mới đã buộc chúng tôi phải giữ đoàn quân đó ở  lại Nam Kỳ".

Tài năng, uy tín của Trương Định và những chiến công của ông không những làm cho nhân dân Nam Kỳ tin tưởng, tự hào, vua quan triều đình bẽ mặt mà thậm chí bọn giặc khát máu cũng phải kinh sợ. Vi-an, một sử gia thực dân, hoạt động trong quân đội xâm lược Pháp lúc đó đã phải hạ bút viết về ông như sau: "Nhà lãnh tụ vĩ đại của quân khởi nghĩa là Trương Định có đủ sự mềm dẻo và sự táo bạo cần thiết để đóng vai trò phức tạp của mình: ông đã tỏ ra không biết mỏi và sau khi Gò Công thất thủ, dường như ông ta lại có ảnh hưởng to lớn hơn".

Sau 3 năm (1861-1863) chiến đấu chống giặc Pháp, là 3 năm trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh, đồng thời cũng là 3 năm gắn liền cuộc sống của mình với quần chúng nhân dân, Trương Định càng thêm quyết tâm, tin tưởng phất cao ngọn cờ kháng chiến cứu nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:40:42 pm »


Câu hỏi 19: Lợi dụng những khó khăn của phong trào kháng Pháp và sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn, thực dân pháp đã thực hiện những âm mưu, thủ đoạn gì để cô lập, bao vây nghĩa quân nhằm tiêu diệt Trương Định?
Trả lời:


Trong khi Trương Định cùng nghĩa quân đang hoạt động sôi nổi, tích cực thì tình hình chung lúc đó ngày một xấu đi. Các cuộc khởi nghĩa khác ở Nam Kỳ đều bị giặc đàn áp, nhiều nhóm nghĩa quân tan rã, phong trào ngày một thu hẹp lại. Quân xâm lược không phải lo nghĩ đến sự chống cự của triều đình Huế, không phải phân tán lực lượng để chống các nhóm nghĩa quân như trước nữa, chúng có khả năng tập trung lực lượng để đối phó với Trương Định.

Lúc ấy, nạn đói lại đang đe dọa nghiêm trọng. Bọn Pháp ngay từ khi chiếm được Gia Định đã tìm mọi cách vơ vét của cải, ra sức thu lúa gạo đem xuất cảng ra ngoài1, làm cho giá lương thực, thực phẩm cao vọt lên. Cả năm 1862, dân ta đã gặp nhiều khó khăn như thuế cao, mất mùa...; sang năm 1863 lại bị hạn lớn, cây cối khô trụi, mùa màng của nhân dân Nam Kỳ bị tổn hại nặng nề. Việc cung cấp lương thực cho nghĩa quân vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình đó không cho phép Trương Định tập trung nhiều quân, mở những cuộc tấn công lớn, dài ngày.

Đói kém tuy có thể gây khó khăn tạm thời cho nhân dân, cho quân khởi nghĩa, nhưng cũng không tai hại bằng chính sách "cầu hòa" bán nước của triều đình Huế. Vua tôi nhà Nguyễn vẫn cố sống, cố chết bám lấy đường lối "chủ hòa" phản động của chúng. Chúng nghĩ rằng, dùng "lời lẽ ngọt ngào" và hành động "hạ mình xuống thấp" thì có thể xin bọn xâm lược Pháp cho chuộc lại ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa). Nhưng đường lối thương thuyết "hòa bình" với bọn đế quốc thực dân không mảy may mang lại kết quả gì.

Giặc Pháp rất quỷ quyệt. Chúng không đả động gì đến đề nghị xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông của triều đình Huế mà chỉ đồng ý giao lại tỉnh Vĩnh Long, theo như hòa ước 1862 đã định. Âm mưu của chúng là trước hết dùng uy lực của chính quyền và quân đội nhà Nguvễn để làm công cụ đàn áp các cuộc khởi nghĩa, ổn định tình hình ở Vĩnh Long, sau nữa là gây ảo tưởng cho vua tôi nhà Nguyễn đối với việc thương thuyết chuộc lại đất đai, cả tin vào lòng "tốt" của chúng mà sơ hở, chủ quan, dọn đường cho chúng đánh cướp dễ dàng ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) sau này. Vì vậy, sau khi được vua tôi Tự Đức tiếp đãi ân cần ở Huế (trong dịp triều đình phê chuẩn hòa ước Nhâm Tuất), Bô-na cùng Phan Thanh Giản trở vào Nam Kỳ. Ngày 25 tháng 5 năm 1863, Bô-na cùng La Gơ-răng-đi-e đồng ý cho Phan Thanh Giản tiếp nhận Vĩnh Long. Sau đó, Bô-na giao công việc lại cho đô đốc La Gơ-răng-đi-e về Pháp nhận nhiệm vụ khác.

Âm mưu của giặc Pháp một phần nào cũng đã có hiệu quả. Nó làm cho một số người do dự, lừng chừng trong việc kháng Pháp. Đúng vào lúc đó, theo lệnh của triều đình Huế, Phan Thanh Giản lại cầm đầu một phái bộ (gồm có Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản...) đi sứ sang Pháp (tháng 6 năm 1863). Mục đích của cuộc đi này là xin sửa đổi hòa ước 1862 và xin chuộc lại ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa.

Bọn thực dân cáo già đã triệt để lợi dụng tình hình này. Một mặt chúng lập lờ, kéo dài việc giải quyết các đề nghị thương thuyết của triều đình nhà Nguyễn. Một mặt chúng ra sức củng cố việc cai trị ở vùng đất mới chiếm được.

Hơn nửa năm trời, kể từ sau khi chiếm được Gò Công (Tân Hòa), về mặt quân sự, chúng chia đất Nam Kỳ thành 7 khu: Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, khu Cần Giuộc, khu Tây Ninh, khu Tân An - Gò Công, khu Mỹ Tho, khu Biên Hòa và khu Bà Rịa. Chúng tung tiền mua chuộc bọn Việt gian, tổ chức ngụy quân và cũng không quên dùng mọi cách phỉnh phờ, mua chuộc nhân dân. Năm 1863, trước nạn mất mùa đói kém, bị nhân dân đấu tranh kịch liệt chống thu thuế và phản đối vơ vét lúa gạo, chúng buộc lòng phải đình chỉ việc thu mua và bán lúa gạo ra ngoài nhưng lại rêu rao ầm ĩ là nước đại Pháp đã lo lắng đến đời sống của nhân dân, đã quan tâm "giải quyết nạn đói" cho người An Nam. Đi đối với việc phỉnh phờ bịp bợm đó, chúng lợi dụng tình hình đói kém, quăng tiền ra cho một số tay sai và những người có máu mặt vay với mức lãi rất nhẹ, giúp những người này lợi dụng lúc nạn đói cho vay nặng lãi và mua rẻ ruộng đất của nông dân. Bọn này dần dần trở thành những tên địa chủ mới ôm chân đế quốc, làm tay sai trung thành cho chúng, giúp chúng vơ vét bóc lột dân ta, lập nên một hệ thống ngụy quyền phục vụ đắc lực cho việc cai trị của chúng.

Đối với nghĩa quân, trước sau như một, địch quyết thẳng tay đàn áp cho bằng được. Xuất phát từ tình hình mới đã có lợi cho chúng, địch đã thay đổi chủ trương không dùng lối "... một cuộc chinh phạt đã dẫn đến tổn thất lớn về người, về của như chuyến đánh Gò Công" nữa, mà chúng mua chuộc bọn phản bội, tung vào hoạt động phá hoại trong hàng ngũ nghĩa quân, phối hợp với những cuộc tập kích nhằm đánh thẳng vào các cơ quan đầu não, tiêu diệt tổ chức và những người cầm đầu.

Để thực hiện chủ trương trên, tên đô đốc La Gơ-răng-đi-e hứa "sẽ thưởng tất cả tài sản của Quản Định cho người nào bắt nộp được kẻ phiến loạn (chỉ Trương Định) còn sống hay đã chết cho nhà cầm quyền Pháp".
_______________________________________
1. Giặc Pháp mở hải cảng Sài Gòn từ 1860.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:43:04 pm »


Câu hỏi 20: Bằng những thủ đoạn xảo quyệt, giặc Pháp đã biết được trụ sở chỉ huy của nghĩa quân và tổ chức lực lượng bao vây đánh úp, Trương Định đã chiến đấu và hy sinh anh dũng như thế nào?
Trả lời:


Chính nhờ những thủ đoạn thâm độc trong việc dùng người Việt làm tay sai chỉ đường cho chúng, nên giặc Pháp đã dò biết được trụ sở chỉ huy của Trương Định ở Lý Nhân.

Ngày 25 tháng 9 năm 1863, quân Pháp ở hai tiểu khu quân sự Gò Công - Cần Giuộc, dưới quyền chỉ huy của Giu-gia và Bê-hích, cùng phối hợp mở một cuộc đột kích bất ngờ vào Lý Nhân. Chúng đã thọc thẳng vào nơi Trương Định đóng quân, buộc ông phải giáp chiến trong một tình thế thật hiểm nghèo. Mặc dù bị đánh bất ngờ, nhưng Trương Định vẫn rất bình tĩnh, gan dạ, chỉ huy một toán nghĩa quân hỗn chiến với quân giặc đông gấp mười lần. Trong lúc đánh giáp lá cà, một tên mã tà đã tóm được vai áo của Trương Định, hắn định bắt sống ông để lập công lớn, nhưng nhanh như cắt, Trương Định đã đâm chết nó. Sau đó, ông chỉ huy nghĩa quân, anh dũng mở đường máu rút khỏi vòng vây. Trong trận này, vợ Trương Định bị giặc bắt cùng một số anh em trong nghĩa quân.

Sau khi rút khỏi vòng vây của địch, Trương Định về vùng Tân Phước (hữu ngạn sông Soài Rạp) tiếp tục xây dựng căn cứ chống Pháp. Nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của ông vẫn còn một lực lượng hùng hậu đáng kể. Qua lần tổn thất trên, Trương Định thấy cần phải có những đối sách mới để chống lại chủ trương mới của giặc Pháp. Ngoài việc tăng cường phòng thủ vùng căn cứ, ông chuẩn bị lực lượng nhằm nơi sơ hở của giặc, bất ngờ tấn công một cách quy mô, chớp nhoáng, rồi lại phân tán hoạt động lẻ tẻ đánh tiêu hao giặc, kết hợp với công tác tuyên truyền vận động nhân dân ở các vùng địch kiểm soát, không để chúng rảnh tay thực hiện âm mưu phá hoại vùng căn cứ của ta.

Dựa vào chủ trương mới đó, các tướng lĩnh nghĩa quân ráo riết tiến hành chuẩn bị cho đợt tấn công mới vào tháng 8 âm lịch (1864). Tiếc thay, kế hoạch lớn đó chưa thực hiện được thì xảy ra cuộc đánh úp do tên phản bội Huỳnh Công Tấn chủ mưu.

Vào khoảng trung tuần tháng 8 năm 1864, Đội Tấn dò biết Trương Định cùng với 25 nghĩa quân cận vệ sẽ đến trú tại làng Kiến Phước (thuộc vùng Tân Phước) để làm công tác chuẩn bị chiến trường cho trận đánh vào Tân Hòa. Tên chó săn vội vàng báo cho chủ biết để xin quân chi viện và yêu cầu được dẫn một toán thủ hạ có vũ trang đầy đủ đi vây bắt Trương Định.

Do thiếu cảnh giác, nghĩa quân của Trương Định không canh phòng cẩn mật, nên đã để cho bọn Đội Tấn bao vây được ngôi nhà của Trương Định ở (đêm 19 tháng 8 năm 1864). Chúng cho quân lính bố trí chẹn kỹ các ngả đường. Sáng tinh sương ngày 20 tháng 8 năm 1864, Đội Tấn ra lệnh cho bọn chó săn ập vào nhà để bắt sống ông.

Mặc dù quân số quá ít, lại bị đánh bất ngờ, nghĩa quân cận vệ đã chiến đấu hết sức ngoan cường, dũng cảm để bảo vệ chủ tướng. Trương Định cũng xông ra đánh giáp lá cà với giặc. Một số nghĩa quân đã hy sinh. Trương Định vẫn bình tĩnh, dũng mãnh, xông xáo như con hổ giữa đàn dê. Ông đã tập trung được số anh em còn lại, đang chuẩn bị phá vòng vây của giặc, thì bị một viên đạn bắn gãy xương sống. Biết không thể thoát khỏi tay địch, ông rút dao đâm chết tên chó săn đang nhảy đến hòng bắt sống ông, rồi quay dao lại đâm vào cổ tự sát để giữ toàn vẹn thanh danh bất khuất của người tướng anh hùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:45:00 pm »


Trương Định hy sinh năm ông 44 tuổi, vào lúc ông đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp và đang chuẩn bị một kế hoạch tấn công quy mô vào kẻ thù xâm lược. Khi chết, ông còn mang theo trong người tờ hịch hiệu triệu tướng sĩ và nhân dân hưởng ứng cuộc tấn công vào tháng 8 âm lịch năm đó (1864). Trong tờ hịch có đoạn viết: "... Chúng tôi sẽ lấy lau làm cờ, chặt tầm vông làm binh khí. Nhất định chúng tôi không bao giờ ngừng chiến đấu chống quân cướp nước...

Phát lời kêu gọi này, tôi ngỏ cùng tất cả binh sĩ từ "tổng binh đến quát suất", không phân biệt sĩ phu hay binh lính. Bất cứ ai dâng được kế hay tiêu diệt quân cướp bằng thủy chiến, lục chiến, hoặc chiến đấu bằng xe, bằng ngựa, bằng trâu; tìm được cách diệt tàu thủy, chiếm đồn địch; hoặc tìm được căn cứ địa kháng chiến tốt bảo tồn được lực lượng, đem lại được kết quả, thì tôi sẽ ban thưởng tước quyền trọng hậu".

Trương Định hy sinh, nghĩa quân và nhân dân Nam Kỳ mất một lãnh tụ có tài, thủ lĩnh các nhóm nghĩa quân mất một người bạn chiến đấu trung thành, dũng cảm và tài trí.

Nguyễn Đình Chiểu chẳng những xót xa về sự mất mát của chính bản thân mình: "Lục lâm mấy chặng hoa sầu bạn. Thủy Hử vì đâu nhạn rẽ bầy", mà ông còn đứng về phía nghĩa quân, quần chúng yêu nước để khóc người lãnh tụ đáng yêu đáng kính:

      "Gò Công binh giáp hãy chàng ràng,
      Ngó Bắc trông Nam luống thở than.
      Trên trại đồn điền hoa khóc chủ,
      Dưới vàm Bao Ngược sóng kêu quan.
      Mây giăng Truông Cốc đường quân vắng,
      Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan.
      Mấy dặm non sông đều xửng vửng,
      Nạn dân ách nước để ai toan?".


Nghĩa binh càng đau lòng vì mất chủ soái bao nhiêu thì càng căm giận tên Việt gian bán nước Huỳnh Công Tấn đã ám hại Trương Định bấy nhiêu:

      "Chạnh lòng quân sĩ, thương quan tướng nhắc quan tướng, chiu chít như gà;
      Bực trí nhân dân, giận thằng tà, mắng thằng tà, om sòm như nhái".


Cử nhân Phan Văn Trị cũng thống thiết nói:

      "Mối tơ ai gỡ lúc này xong,
      Một dẫy trời Nam biết mấy trùng.
      Kẻ tía gan trung trương mắt ngó,
      Người hiền dạ sắt múa tay không.
      Thân bày trung nghĩa theo tro bụi,
      Hoài của giang sơn trút biển Đông.
      Ơn nước nợ nhà đành có thuở,
      Biết bao giờ đợi, biết bao trông?".


Nhưng không phải vì thương tiếc, đau xót mà bi quan chán nản, nhân dân, nghĩa quân Nam Kỳ, dưới sự lãnh đạo của "đội quân Anh Hai" (Trương Quyền) và các sĩ phu yêu nước, hạ quyết tâm: "Quay góc lại hơn thua một trăm trận bãi".

Uy tín của Trương Định đối với nhân dân Nam Kỳ không bút nào tả xiết. Uy tín lớn lao đó buộc kẻ thù cũng phải kính nể.

Trương Định mất đi là một tổn thất lớn cho nhân dân ta và phong trào kháng Pháp ở  Nam Kỳ thời đó. Đau xót và căm thù, nhân dân miền Nam càng quyết tâm chiến đấu tiếp tục con đường kháng chiến cứu nước mà Trương Định còn bỏ dở. Phong trào ở  khắp nơi càng bùng lên mạnh mẽ, gây cho địch nhiều khó khăn mới. Trong cuộc đấu tranh chung đó, Trương Quyền đã kế tục sự nghiệp của cha một cách anh dũng, ghi lại những trang sử chống xâm lăng vô cùng oanh liệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:47:43 pm »


Câu hỏi 21: Là kẻ phản bội nghĩa quân, Huỳnh Công Tấn đã giúp thực dân Pháp tiêu diệt Trương Định như thế nào?
Trả lời:


Dưới cờ Bình Tây, Đại nguyên soái Trương Định hăng hái chống Pháp với sự hưởng ứng của nhân dân Lục tỉnh Nam Kỳ. Nghĩa quân dưới sự chỉ huy của ông đã gây nhiều thiệt hại cho Pháp tại Rạch Tra, Thuộc Nhiêu... Thiếu tướng Bô-na được lệnh đem toàn lực xuống Gò Công quyết tiêu diệt nghĩa quân. Bị vây khốn cả bốn mặt, Trương Định đành phải bỏ chiến khu Bình Xuân, nhưng lại hoạt động quấy phá các đồn trại trong đất Gò Công.

Khi tên Huỳnh Công Tấn làm phản, do bạn của hắn là Nguyễn Hữu Nguôn giới thiệu với Pháp để thâu dụng làm chức đội trưởng. Có lần Tấn ăn hối lộ của một viên cai tổng tại Gò Công để người này đem gia đình lên Sài Gòn theo chính phủ mới. Việc vỡ lở, Tấn bị khiển trách nặng nề, Trương Định muốn chém Tấn, nhưng có nhiều người can ngăn, Tấn được tha tội. Từ đó Tấn rắp tâm làm phản.

Nhân khi đi tuần tại miệt Gò Công, Tấn gạt nghĩa quân, trốn sang hạt Tân An, nhờ lính Pháp nơi đây hộ tống lên Sài Gòn gặp Nguôn. Nguôn giới thiệu với các sĩ quan Pháp thưởng cho Tấn 20 lượng vàng, cho giấy ban khen, lại phong làm đội trưởng chỉ huy một toán lính.

Trong trận đánh Gò Công tháng 2 năm 1863, Tấn được đi trước mở đường làm tay sai cho quân Pháp tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Biết Tấn theo giặc, Trương Định vô cùng tức giận, cho người về Sài Gòn, Gia Định tìm cách trừ Tấn, nhưng không có kết quả.

Trong cuộc tấn công của Pháp vào "đám lá rối trời", Tấn cũng đi trước dẫn đường. Trong trận này, Tấn bị thương ở  đùi, được đưa về Sài Gòn băng bó vết thương. Biết Huỳnh Công Tấn là người thù Trương Định, lại có công giúp Pháp diệt trừ nghĩa quân, Pháp cho Tấn chỉ huy một đội người Việt theo Pháp cùng với Nguyễn Hữu Nguôn xuống tấn công chiến khu Bình Xuân - Kiến Phước.

Ngày 19 tháng 8 năm 1864, khi Trương Định cùng với 25 chiến sĩ tâm phúc từ chiến khu Bình Xuân trở về làng Kiến Phước (thuộc vùng Tân Phước) để quan sát địa hình, tên mật báo địa phương đến báo cáo với Tấn. Tấn dẫn bọn tay sai đến phục tại bãi cỏ bên nhà Trương Định, lại cho người đi báo với một tàu Pháp để xin viện binh.

Trời tờ mờ sáng, quân của Tấn tràn vào, Trương Định và 25 chiến sĩ quyết mở đường máu, chống cự quyết liệt, lớp tử trận, lớp thoát ra vòng ngoài. Trương Định bị quân của Tấn bao vây. Một mình tả xung hữu đột, Trương Định oanh liệt chém ngã nhiều tên phản quốc nhưng binh sĩ của ông cũng chết rất nhiều. Vòng vây vừa được mở rộng thì cũng vừa lúc quân Pháp tiếp viện tới, chúng nổ súng vào binh sĩ bất cứ bạn hay thù, Trương Đinh bị trúng một viên đạn vào giữa xương sống. Biết mình không sống được, Trương Định đã chém chết tên phản động đang lao vào định bắt sống ông và tự sát để bảo toàn thanh danh, khí tiết vào ngày 20 tháng 8. Con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc tiếp tục chống Pháp.

Sau khi ông mất, Tấn và Nguôn muốn đến cướp thây để lập công, nhưng 18 chiến sĩ sống sót cương quyết không cho ai đụng tới thân thể ông.

Viên đại úy Pháp, trước nghĩa cử cao đẹp của 18 chiến sĩ đã cho người thông ngôn nói là bằng lòng tha cho tất cả anh em còn sống sót, riêng thi thể Trương Định xin đưa về Gò Công an táng theo lễ đàng hoàng. Nhưng anh em chiến sĩ không bằng lòng, đòi tự tay khiêng thi hài của chủ tướng xuống tàu đưa về Gò Công. Viên đại úy đành phải chấp thuận, về đến Gò Công, 18 chiến sĩ cách mạng phụ lực với một người thiếp của Trương Định làm lễ tang và chôn cất ông.

Riêng 18 chiến sĩ của nghĩa quân, Huỳnh Công Tấn dụ quy hàng tân triều, nhưng tất cả mắng chửi Tấn là tên phản quốc. Tấn hạ lệnh cho lính bắn chết trước mặt viên đại úy Pháp. Tấn được người Pháp cất nhắc đến chức lãnh binh, vì đã giúp người Pháp diệt trừ Trương Công Định. Thật vô cùng tủi nhục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:49:35 pm »


Câu hỏi 22: Sau khi Trương Định chết, Trương Quyền (con trai Trương Định) tiếp tục con đường kháng chiến chống Pháp. Để kế tục sự nghiệp anh dũng quật cường của cha, Trương Quyền đã xây dựng căn cứ kháng chiến như thế nào?
Trả lời:


Trương Quyền khi còn nhỏ rất ham thích nghiệp võ, năm 17 tuổi đã theo cha tham gia chiến đấu. "Cậu Hai" luôn luôn được nghĩa quân kính phục về tài năng và sức mạnh. Khi cha mất, tuổi mới đầy hai mươi, nhưng Trương Quyền đã chỉ huy một đạo quân lớn. Nhân dân Nam Kỳ thường gọi là "đạo quân Anh Hai".

Trương Định hy sinh, để lại một đạo quân khá lớn. Lúc ấy, phó tướng Quang Quyền - cánh tay phải của Trương Định - tuy có tài tổ chức, nhưng chưa đủ uy tín để tập hợp phong trào, cũng như chưa đủ uy tín để lãnh đạo các tướng lĩnh dưới quyền Trương Định. Tình trạng mỗi phương một ngươi, không thống nhất hành động, đã xảy ra trong hàng ngũ nghĩa quân. Quản Là tự phong làm "Đại nguyên soái", Phan Chỉnh tự phong làm "Bình Tây Phó nguyên soái".

Đứng trước tình hình ấy, Trương Quyền lúc đầu cũng do dự, không biết nên thế nào; ông tạm thời kéo quân về căn cứ Giao Loan1 phối hợp với Phan Chỉnh. Thế nhưng, Phan Chỉnh thường tỏ ra hám danh, hám lợi, không phải là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh triệt để với kẻ thù. Mặt khác, căn cứ Giao Loan cũng không phải là nơi có thể dùng làm căn cứ kháng Pháp lâu dài; bởi vì tại đây đất xấu, dân nghèo, lương thực không có đủ để cung cấp cho nghĩa binh.

Căn cứ địa đã không bảo đảm cho cuộc chiến đấu chống giặc, chủ tướng lại không phải là người kiên quyết, triệt để, tất nhiên sự thất bại không thể tránh khỏi. Vì vậy, Trương Quyền mang quân về thành lập căn cứ ở khu rừng Tây Ninh, tự mình đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo nghĩa quân tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước.

Đầu năm 1865, giặc Pháp do tên thiếu tá Đờ la Rút-xơ chỉ huy mở cuộc tấn công vào căn cứ Giao Loan. Ngay trận đầu tiên, phó tướng Quang Quyền bị tử trận, Phan Chỉnh hoảng hốt rút lui và sau một thời gian trốn tránh, ra đầu hàng giặc. Từ đó nghĩa quân về Tây Ninh tụ họp dưới sự chỉ huy của Trương Quyền.

Vốn đã được rèn luyện trong cuộc đấu tranh chống Pháp do cha đứng đầu, Trương Quyền đã rút được bài học kinh nghiệm quý báu về vấn đề căn cứ địa. Ông thấy Tân Hòa tuy là đất mẹ của cuộc khởi nghĩa, thuận lợi cho việc dựa vào nhân dân để kháng chiến cũng như không phải lo nhiều về vấn đề lương thực, nhưng không phải là một vùng có địa thế hiểm trở để "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ", khó cho việc phát triển lực lượng ngày càng mạnh mẽ, lại không tiện cho việc liên hệ chặt chẽ giữa vùng rừng núi với đồng bằng.

Trương Quyền cũng nhận ra rằng, đi đối với hoạt động chiến đấu, cần gấp rút tổ chức một lực lượng quân sự hùng mạnh như cha mình chủ trương và thực hiện được mới có khả năng đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi. Do đó, Trương Quyền đã ngày đêm dốc sức vào việc xây dựng căn cứ địa ở  khu rừng Tây Ninh hiểm trở. Tại đây, quân của ông có thể thọc xuống Gia Định, đánh ra Biên Hòa, tỏa xuống miền châu thổ sông Cửu Long, rồi rút về cố thủ ở biên giới Việt - Cam-pu-chia. Nếu cần thiết, từ căn cứ địa ấy, Trương Quyền còn có thể ngược ra khu rừng Bình Thuận (nay là vùng Tây Nguyên) phát triển căn cứ kháng chiến.

Ở Tây Ninh ít lâu, Trương Quyền thấy ở vùng rừng núi không dựa vào đồng bào ít người thì không thể nào xây dựng được căn cứ và tổ chức được lực lượng nghĩa quân. Vì vậy, Trương Quyền đã vận động được dân tộc Xtiêng và Mơ Nông (ở vùng Tây Ninh - Thủ Dầu Một) ủng hộ và trực tiếp tham gia hàng ngũ nghĩa quân. Vậy là, Trương Quyền đã kế tục thắng lợi đường lối của cha trong việc tổ chức một đội quân gồm cả người Kinh và các dân tộc ít người, cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trương Quyền đã dựa vào người Xtiêng và Mơ Nông lập thêm một căn cứ phụ ở vùng Tchray - Mê-ông (thuộc Thủ Dầu Một). Chính căn cứ này đã giúp cho nghĩa quân có điều kiện hoạt động mạnh mẽ ở vùng Thủ Dầu Một sau này.

Đã có căn cứ tốt, lại có lực lượng khá hùng mạnh, Trương Quyền chuẩn bị mọi mặt để tiến hành tấn công quân địch. Sự nghiệp của Trương Định bỏ dở đang được con ông kế tục với một khí thế vững vàng, mạnh mẽ.
____________________________________
1. Một địa điểm giữa Bà Rịa và Bình Thuận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:05:15 pm »


Câu hỏi 23: Sau khi đã xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi Tây Ninh và được nhân dân các dân tộc ủng hộ, giúp đỡ, Trương Quyền đã tổ chức lực lượng tấn công thành Tây Ninh và phục kích đánh địch tiếp viện như thế nào?
Trả lời:


Sau khi đã xây dựng được khu căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi Tây Ninh và được nhân dân các dân tộc hết lòng, hết sức ủng hộ, giúp đỡ, ngọn cờ kháng Pháp quang vinh của nghĩa quân Trương Quyền hiên ngang bay trên dải đất bao la từ Tây Ninh, Quảng Bàng chạy dài đến Gia Định.

Trương Quyền bắt đầu tổ chức cho nghĩa quân tấn công quân giặc. Tuy mới chỉ là những trận đánh lẻ tẻ, nhưng chiến công của họ đã có tiếng vang trong nhân dân Nam Kỳ và đã có tín nhiệm với hầu hết các nhóm nghĩa quân khác. Các nơi tìm bắt liên lạc với Trương Quyền. Giặc Pháp rất lo sợ, nếu cứ để cho lực lượng nghĩa quân phát triển mạnh mẽ thì nhất định chúng sẽ khó bề "làm ăn" ở Đông Dương. Do đó, chúng ra sức tăng cường hoạt động gián điệp, tung mật thám thọc vào rừng Tây Ninh sục sạo để phát hiện lực lượng nghĩa quân và tìm cách tiêu diệt.

Ngày 3 tháng 6 năm 1866, chỉ huy trưởng khu vực Tây Ninh Xa-vanh-đờ Lác-cơ-lô-dơ được tin: có chừng 1.500 nghĩa quân chuẩn bị tiến đánh Tây Ninh, hiện đang tập trung ở một vị trí cách Tây Ninh khoảng chừng 35km. Lác-cơ-lô-dơ vội ra lệnh tăng cường phòng thủ, đồng thời đem một toán quân nhỏ đi lùng sục. Đoán được ý đồ của hắn, Trương Quyền quyết định đánh lạc hướng giặc, vờ chuyển quân lên miền Bắc, tiến về hướng Bình Thuận. Lác-cơ-lô-dơ cho rằng nghĩa quân đã bỏ ý định tấn công Tây Ninh nên sao lãng việc phòng bị.

6 giờ 30 chiều ngày 7 tháng 6 năm 1866, nghĩa quân bất ngờ quay lại đột kích vào Tây Ninh. Mũi tấn công của nghĩa quân từ hữu ngạn rạch Tây Ninh đánh thẳng vào thành phố làm cho Lác-cơ-lô-dơ vội vàng mang quân ra chặn. Chúng bị nghĩa quân bao vây ngay. Lúc này Trương Quyền mang quân đánh thọc vào phía sau thành Tây Ninh, làm cho Lác-cơ-lô-dơ vô cùng hốt hoảng. Hắn kêu gọi tiếp viện. Tên quan ba Pi-nô từ trong thành Tây Ninh vội vã mang quân ra ứng cứu. Hai bên giáp chiến kịch liệt. 7 giờ tối trận đánh kết thúc. Lác-cơ-lô-dơ, thiếu úy Lơ-xa-giơ và 11 lính Pháp bị chết tại trận. Tên quan ba Pi-nô thoát chết, lui vào thành Tây Ninh cố thủ.

Chiến thắng đầu tiên ở Tây Ninh, dù chỉ tiêu diệt hơn một chục tên Pháp, cũng làm cho địch hết sức khiếp đảm.

Sau trận đánh, nghĩa quân tiếp tục phục kích bên kia rạch Tây Ninh, chờ đánh bọn giặc ra lấy xác tên Lác-cơ-lô-dơ. Thế nhưng, bọn giặc khiếp sợ đến nỗi bỏ mặc cho diều tha, quạ mổ thây của Lác-cơ-lô-dơ và các binh sĩ khác.

Ang-đờ-rê Bô-đi, trong cuốn Những năm đầu ở Nam Kỳ đã ghi rõ tinh thần bạc nhược đó như sau: "Sau trận đánh 9 giờ, có lần quân Pháp liều ra lấy xác. Viên quan ba Pi-nô kéo quân qua cầu, vừa qua khỏi cầu, thoáng thấy bóng nghĩa quân núp sau cây thì đâm hoảng, xô nhau chạy quay về đồn, chỉ mang về được xác của thiếu úy Lơ-xa-giơ, vì xác này nằm ngay đầu cầu".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:05:36 pm »


Sau trận chiến thắng Tây Ninh, nghĩa quân vô cùng phấn khởi, ai nấy cũng đều như được tiếp thêm sức chiến đấu, hăng hái chuẩn bị cho những trận đánh khác. Trương Quyền nhận định: sau trận thất bại ở Tây Ninh, thế nào giặc Pháp cũng đem quân tiếp viện nên đã chuẩn bị chu đáo để đón đánh và cắt đứt nhiều đoạn đường dây điện thoại từ Sài Gòn đến Tây Ninh. Đúng như phán đoán, ngày 14 tháng 6 năm 1866, tên đô đốc La Gơ-răng-đi-e tức tốc gửi quân cứu ứng từ Sài Gòn lên.

Chúng lên Tây Ninh bằng cả hai đường thủy và bộ. Tên quan năm Mác-sét-xơ, bằng đường thủy cho quân đổ bộ lên Bê-na-keo (một địa điểm cách Tây Ninh 30km), rồi từ đó tiến về Tây Ninh. Chúng sợ nếu đi thẳng bằng đường thủy sẽ bị nghĩa quân phục kích. Cùng lúc ấy, tên Phơ-rê-mi-ê tiến quân bằng đường bộ.

Trương Quyền biết được tin đó liền tổ chức chặn đánh cánh quân của Mác-sét-xơ tại Truông Mít và cầu Khởi.

Tại Truông Mít và Cầu Khởi, ngay từ những phát súng đầu tiên, nghĩa quân đã gây cho toán quân của Mác-sét-xơ những thiệt hại đáng kể làm chúng không tiến thêm được nữa. Được tin đó, Phơ-rê-mi-ê hoảng hốt, lùi quân trở lại. Tên Pi-nô từ trong thành Tây Ninh cũng chỉ dám thập thò xem xét tình hình, chứ không dám ló ra khỏi vị trí. Mác-sét-xơ chấn chỉnh lại đội ngũ, tiếp tục tiến quân với một lực lượng 150 tên có 2 khẩu đại bác yểm hộ.

Nghĩa quân chia hai cánh, dàn trận đánh Mác-sét-xơ tại rạch Vinh (cách Tây Ninh hơn 40km). Trương Quyền vờ cho một cánh quân rút lui sâu vào rừng, để lộ cho quân giặc trông thấy. Tên Mác-sét-xơ tưởng nghĩa quân khiếp sợ, liền thúc quân kéo nhanh qua rạch Vinh để truy kích. Giữa lúc chúng đang lội xuống rạch Vinh để qua bên kia rừng thì bị đánh bất ngờ. Từ trong các vị trí phục kích, nghĩa quân vừa xả súng bắn, vừa la hét áp đảo tinh thần quân giặc, rồi thừa lúc chúng hoang mang đến cực độ, nhảy ra giáp chiến với địch. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra đến 5 giờ chiều (14 tháng 6 năm 1866). Tên quan năm Mác-sét-xơ và một số lớn binh sĩ tử trận. Tàn quân còn lại cố sống cố chết tháo chạy về Tây Ninh.

Hai trận chiến thắng liên tiếp ở Tây Ninh (ngày 7 tháng 6 năm 1866) và rạch Vinh (ngày 14 tháng 6 năm 1866), cách nhau có 7 ngày, chẳng những đã tiêu diệt được khá nhiều sinh lực địch, giết mất của giặc Pháp những tên chỉ huy già dặn, từng có kinh nghiệm xâm lược như Lác-cơ-lô-dơ, Mác-sét-xơ, mà còn có tác dụng cầm chân một lực lượng khá lớn của Pháp ở  Tây Ninh, tạo điều kiện cho nghĩa quân các nơi khác hoạt động.

Tên Vi-an viết về tình hình đó như sau: "Trong lúc thiếu tá A-lây-rông lo tổ chức một cuộc hành quân khác thì tin tức về sự thiệt hại nặng nề của ta trong trận rạch Vinh lan tràn trong nhân dân như một ngọn lửa thuốc súng; các lãnh tụ khởi nghĩa phái người đi cổ vũ các nơi, cả trong hàng ngũ chúng ta, cả trong thành phố Sài Gòn và họ tìm cách tấn công ta ngay tại phủ của ta".

Hai chiến công đầu tiên đó của nghĩa quân đã có tác dụng động viên lớn đối với quần chúng nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Thắng lợi này đã ảnh hưởng tốt đến việc củng cố và phát huy tinh thần quyết chiến với kẻ thù, gây thêm lòng tin vào sức mạnh của nghĩa quân trong cuộc chiến đấu không cân sức với một kẻ thù mạnh hơn rất nhiều về trang thiết bị kỹ thuật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 07:07:42 pm »


Câu hỏi 24: Để phát huy những chiến công và thắng lợi giòn giã của nghĩa quân vừa giành được, Trương Quyền đã sử dụng những cách đánh nào để tiêu diệt và làm rối loạn quân địch?
Trả lời:


Để phát huy chiến thắng vừa giành được, nghĩa quân liên tiếp tổ chức những cuộc tập kích chớp nhoáng, bất ngờ vào những khu vực an toàn của giặc ngay sát thành Gia Định. Một bộ phận hoạt động mạnh ở Tây Ninh, thu hút quân giặc cho đại bộ phận do Trương Quyền chỉ huy dễ dàng hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Sự phối hợp ăn ý ấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân Trương Quyền chiến thắng ở Thuận Kiều (sát Sài Gòn) vào đêm 24 tháng 6 năm 1866, sau trận đánh rạch Vinh 10 ngày.

Nhờ chuẩn bị chu đáo nên nghĩa quân của Trương Quyền dễ dàng lọt vào được Thuận Kiều. Sau khi phá nhà bưu điện, Trương Quyền chỉ huy xung kích vượt tường, xông vào giết giặc. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, từ khuya đến sáng, quân địch vừa bị giết vừa bị thương gần hết, số còn lại phải bỏ đồn mà chạy. Trương Quyền thu vũ khí của địch và cho xe bò chở về căn cứ.

Nghe tin nghĩa quân đánh Thuận Kiều, Phủ Ca1 lật đật mang quân từ Hóc Môn lên tiếp viện, nhưng đến nơi thì nghĩa quân đã rút lui an toàn về căn cứ.

Cũng vào đêm 24 tháng 6 năm 1866, nghĩa quân tập kích chớp nhoáng vào Trảng Bàng. Các nhóm nghĩa quân khác ở Gia Định cũng phối hợp hoạt động du kích mạnh mẽ ở chung quanh Chợ Lớn.

Tình hình trên làm cho bọn xâm lược Pháp điên đầu. Chúng quyết tâm tìm mọi cách trả thù và tiêu diệt nghĩa quân. Chúng cho bọn tay chân sục sạo tìm kiếm, phát hiện cho được vị trí của nghĩa quân. Sau khi biết Trương Quyền đóng quân ở tổng Cầu An Hạ (dọc đường Sài Gòn - Tây Ninh; giữa bưng Tầm Lạc và sông Vàm Cỏ Đông), chúng liền quyết định mở cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ của ta nhằm nuôi mộng tái diễn cuộc tấn công vào Tân Hòa hồi ba năm trước.

Đoán biết được ý đồ của giặc, Trương Quyền liền chia lực lượng ra làm 3 cánh chủ động phá kế hoạch bao vây của địch. Cánh thứ nhất thọc xuống Bình Điền (trên đường Chợ Lớn - Mỹ Tho), cánh thứ hai vượt ngang qua sông Bến Nghé, cánh thứ ba là cánh quân chủ lực do Trương Quyền chỉ huy thì ngược lại Trảng Bàng (Tây Ninh). Cánh thứ nhất và cánh thứ hai có nhiệm vụ đánh lạc hướng quân giặc, đồng thời bắt liên lạc với các nhóm nghĩa quân ở  vùng đồng bằng tạo điều kiện phá rối hậu phương địch ở Gia Định - Định Tường; còn cánh quân do Trương Quyền chỉ huy sẽ về hoạt động vùng Tây Ninh - Thủ Dầu Một - Bà Rịa. Cuộc chuyển quân khéo léo này của đội quân "Anh Hai" đã phá tan kế hoạch tấn công quy mô hòng tiêu diệt sinh lực nghĩa quân của giặc Pháp.

Ấm ức vì kế hoạch bị phá sản, giặc Pháp dò theo vết chuyển quân của Trương Quyền lên Tây Ninh.

Năm chắc được ngày giờ hành quân của giặc, nghĩa quân liền tổ chức một trận phục kích tại Trà Vang (trong khu rừng Tây Ninh). Ngày 2 tháng 7 năm 1866, quân giặc gồm 400 quân, có pháo yểm hộ, dưới quyền chỉ huy của tên A-lây-rông tiến đến Trà Vang. Chúng chưa kịp nghỉ ngơi đã bị nghĩa quân tấn công ngay. Không kịp trở tay, giặc Pháp đành phải tháo chạy. Nghĩa quân tổ chức truy kích sau lưng, chặn đầu và đánh xuyên hông. Suốt từ ngày 2 sang ngày 3 tháng 7, quân Pháp không lúc nào yên, luôn luôn bị nghĩa quân phục kích, gây cho chúng rất nhiều tổn thất. Không có cách nào khác, bọn chúng đành mở đường chạy về Tây Ninh. Đồng thời với trận đánh trên, một cánh nghĩa quân khác, đã đột nhập vào thành Tây Ninh (đêm ngày 3 tháng 7 năm 1866) đốt phá cơ quan và nhà cửa của bọn tay sai, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Sau trận Trà Vang nổi tiếng, nghĩa quân liên tiếp tấn công vào các vị trí địch ở  Củ Chi, Hóc Môn, Trảng Bàng ngày 7 tháng 7 năm 1866, bắc Tây Ninh ngày 11 tháng 7 năm 1866...; đồng thời triệt để tận dụng chiến thuật du kích, quấy rối địch ở  khắp nơi, buộc chúng phải đêm ngày lo đối phó, ăn không ngon ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp lo chống đỡ với nghĩa quân. Hết bị lôi cuốn đằng đông lại bị kéo đằng tây, chúng phải kêu lên rằng: "Trong giai đoạn chiến tranh này, điều đáng chú ý là kẻ thù của chúng ta biết hoạt động khéo léo, có ý chí cương quyết và sử dụng súng ống giỏi mà từ trước đến nay chúng ta chưa hề thấy ở người bản xứ. Từng lúc, du kích lại đến quấy rối các vị trí tiền tiêu hay xóm làng ta đóng; họ núp ở các đường hẻm mà quân ta đi qua để nhắm bắn những người chỉ huy các toán quân ấy".
_____________________________________
1. Phủ Ca là một tên chó săn đắc lực của Pháp, chính hắn đã điều tra và cung cấp nhiều tin tức bí mật về nghĩa quân Trương Định cho giặc Pháp và làm chỉ điểm cho Pháp trong nhiều trận đàn áp các toán nghĩa quân Nam Kỳ. Tên này cùng với tên Đội Tấn là hai tên Việt gian đầu tiên được Pháp thưởng Bắc đẩu bội tinh (ngày 3-12-1865). Tên Phủ Ca sau này bị Quản Hớn giết chết, treo đầu tại cột đèn chợ Hóc Môn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM