Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 04:35:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định  (Đọc 33524 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 09:11:07 pm »


Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


Ban biên soạn:
Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN


LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng, nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". "Tủ sách lịch sử Việt Nam" gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể, theo dạng hỏi đáp ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam" nói chung và cuốn sách "'Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Trương Định” nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.

Trân trọng giới thiệu!


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 09:14:38 pm »


Phần thứ nhất
TRƯƠNG ĐỊNH KHỞI BINH,
XÂY DỰNG CĂN CỨ VÀ CHỈ HUY NGHĨA QUÂN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

Câu hỏi 1: Khi đội quân xâm lược của thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, trước thái độ nhu nhược cầu hoà dẫn đến bán nước của triều đình nhà Nguyễn, phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ diễn ra như thế nào?
Trả lời:


Ngày 1 tháng 9 năm 1858, sau nhiều năm chuẩn bị, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, chính thức mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

Đầu tháng 2 năm 1859, sau khi kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" bị chặn lại ở Đà Nẵng, thực dân Pháp chuyển hướng tấn công vào Gia Định. Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1859, sau khi bắn phá 12 đồn dọc hai bờ sông và 3 cảng trên sông Sài Gòn, quân xâm lược Pháp công hãm thành Gia Định. Đến 10 giờ cùng ngày thì chúng chiếm được thành.

Cuộc tiến công xâm lược của thực dân Pháp vào Gia Định lần này chỉ vấp phải sự chống trả yếu ớt của quân đội triều đình - một lực lượng vốn nhỏ bé lại thiếu phòng bị. Trong khi đó, ngay từ đầu, khi quân giặc từ Vũng Tàu tiến vào bắn phá pháo đài Phước Thắng ở núi lớn (Gành Rái), nhân dân Lục tỉnh đã phất cao cờ chống giặc, chủ động tổ chức thành những đạo quân "ứng nghĩa" tiếp sức cho quân đội triều đình và các toán dân dũng tự phòng vệ các thôn xã.

Sau khi thành Gia Định bị chiếm, nhân dân quanh vùng liên tục bao vây chặn đánh, khiến địch chiếm được thành mà không đánh bung ra được, lại luôn luôn bị tập kích bất ngờ. Đêm nào quân giặc đóng trong thành cũng bị các đội quân của ta đột kích.

Nhận thấy không thể nuốt ngay được Lục tỉnh Nam Kỳ, giặc Pháp chuyển hướng tấn công ra Đà Nẵng, sau khi đã đốt thành Gia Định. Nhưng ở Đà Nẵng, chúng lại nếm mùi thất bại, nên đầu năm 1860, địch tập trung quân kéo vào đánh Gia Định lần thứ hai. Lần này chúng ra sức mở thêm phạm vi chiếm đóng quanh thành Gia Định, chủ yếu là chiếm Chợ Lớn - trung tâm thương mại của Nam Kỳ - nhằm tính kế lâu dài "chinh phục bằng những gói nhỏ".

Đứng trước âm mưu mới của giặc, những thống đốc đại thần, tham tán quân vụ, đô đốc, lãnh binh của triều đình Huế theo lệnh Tự Đức đã án binh bất động. Trong khi đó, nhân dân Lục tỉnh một lòng quyết đánh đuổi cho bằng được bọn xâm lược. Các đạo quân ứng nghĩa, các toán dân dũng tiếp tục xuất hiện ở nhiều nơi.

Ngày 1 tháng 4 năm 1861, quân Pháp bắt đầu mở cuộc hành quân tiến về tỉnh thành Mỹ Tho. Chúng đã vấp phải sự chặn đánh quyết liệt của các toán dân dũng phục kích hai bên bờ sông và phải chịu nhiều tổn thất nặng nề. Mặc dù vậy, do sự chống cự yếu ớt với tinh thần thất bại chủ nghĩa của quân đội triều đình, giặc Pháp đã chiếm được tỉnh thành Định Tường. Lãnh phủ Nguyễn Hữu Thành chỉ huy quân triều đình đã bỏ thành, rút chạy.

Sau khi Định Tường thất thủ, một phong trào vũ trang chống Pháp lan ra nhanh chóng trên toàn bộ vùng đất bị giặc chiếm dưới hình thức các đơn vị nghĩa quân, trong đó hoạt động mạnh nhất là đơn vị nghĩa quân của Trương Định, gồm hơn 6.000 người, đóng căn cứ ở Tân Hòa (Gò Công).

Trong thời gian này, từ sông Bến Nghé đến sông Tiền, nhân dân nhất tề nổi dậy, từ người nho sĩ, người chủ điền tới người thợ thủ công, nông dân, tất cả đều hăng hái chống giặc.

Sức mạnh của phong trào kháng chiến của nhân dân đã làm cho giặc Pháp cũng phải thừa nhận: "Những cuộc thất bại của quân đội An Nam (tức quân đội triều đình) không có ảnh hưởng đến tình hình ứng nghĩa của các vùng đã được chiếm đóng. Họ (chỉ các toán nghĩa quân) xuất hiện bất kỳ, đông đảo, đánh phá rồi lại rút đi đâu mất. Cuộc chiến tranh phòng vệ thật là bất lợi đối với chiến thuật này".

Tuy phải chuốc lấy những tổn thất nặng nề trước sự chống trả mạnh mẽ của nhân dân ta, nhưng giặc Pháp vẫn không từ bỏ kế hoạch tiếp tục đánh chiếm các vùng đất còn lại.

Giữa lúc quân xâm lược đang khốn đốn thì triều đình nhà Nguyễn vẫn đi theo đường lối cầu hòa, bỏ rơi nhân dân ứng nghĩa. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, hòa ước nhượng cho Pháp ba tỉnh miền Đông được ký kết giữa phái đoàn triều đình Huế và đại diện Pháp tại Sài Gòn.

Triều đình nhà Nguyễn đầu hàng giặc, nhưng nhân dân thì hành động theo cách nghĩ của họ. Ngay sau khi hòa ước được ký kết, một phong trào chống Pháp lại lan rộng dưới nhiều hình thức. Cuộc đấu tranh vũ trang tiêu biểu là hoạt động của nghĩa quân Trương Định đã làm cho giặc Pháp cảm thấy rất lúng túng.

Cùng với cuộc đấu tranh vũ trang, một phong trào "bất hợp tác", không chịu chung sống với giặc (gọi là "tị địa") đã thu hút nhiều nhân sĩ, nhà nho yêu nước và đông đảo nhân dân của ba tỉnh bị chiếm tham gia. Những người này kiên quyết rời bỏ vùng đất đã bị giặc chiếm để chuyển sang Vĩnh Long, hoặc ra Bình Thuận. Đó là một biểu hiện mạnh mẽ của tinh thần yêu nước, căm thù giặc của nhân dân. Tiêu biểu cho phong trào này là thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu.

Cuộc đấu tranh vũ trang và phong trào "tị địa" của nhân dân ba tỉnh đã gây cho giặc Pháp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập trật tự và nền cai trị của chúng ở vùng đất mới chiếm. Trong cuộc đấu tranh một mất một còn với địch vào những năm sau ngày ba tỉnh miền Đông bị mất vào tay giặc Pháp, nhân dân ta rất tự hào về những người con ưu tú của mình đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng cho độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân; tiêu biểu cho phong trào là người anh hùng Trương Định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2016, 08:08:38 pm »


Câu hỏi 2: Quá trình khởi binh chống thực dân Pháp xâm lược của Trương Định diễn ra như thế nào?
Trả lời:


Trương Định sinh năm 1820 tại huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi, xứ Quảng Nam1. Ông là con lãnh binh Trương Cầm.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh xã hội phong kiến Việt Nam đang bế tắc, phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra khắp cả Nam - Trung - Bắc, Trương Định không thể không suy nghĩ về con đường đi của mình.

Vốn xuất thân trong một gia đình phong kiến, "trang mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn rất giỏi"2, Trương Định có điều kiện để thi đỗ làm quan, vinh thân phì gia. Nhưng ông không đi theo con đường đó.

Năm 1844, Định theo cha vào Nam, lúc Trương Cầm được phong làm lãnh binh tỉnh Gia Định. Vào đó, "Định lấy vợ con gái một nhà giàu ở Tân An (tỉnh Định Tường). Sau khi cha mất, ông ở lại luôn quê vợ".

Tháng 1 năm 1854, Tự Đức ra dụ khẩn hoang, giao cho Nguyễn Tri Phương kêu gọi "những người có thế lực, tiền của, đứng ra chiêu mộ nhân dân phiêu tán, cùng khổ, để lập đồn điền". Dựa vào chủ trương đó của triều đình Huế, Trương Định xuất tiền bạc của nhà vợ đứng ra lập đồn điền ở Gia Thuận (một vùng đất thuộc tỉnh Gia Định) và ông "được phong chức phó quản cơ của đồn điền". Dân đồn điền của Trương Định cũng giống như các đồn điền khác, "... là những người nghèo và những người dân lưu vong không có trong sổ đinh (sổ hộ của nhà vua), tập trung lại theo những luật lệ nhất định. Họ sống từng gia đình và suốt đời làm tá điền, không bao giờ có ruộng đất cả. Khi có chiến tranh, dân đồn điền cùng tham gia chiến đấu với quân đội chính quy. Họ hầu hết được trang bị bằng giáo mác và theo như quy định thì trong mỗi một "cơ" có 500 "lính đồn điền".

Lập được đồn điền rồi, Trương Định ngày đêm lo luyện tập cho "lính đồn điền". Trong các cuộc luyện tập thường xuyên đó, ông luôn luôn tỏ ra là người có tài "võ nghệ mấy ban cũng trải"3. Chính vì vậy mà tiếng tăm lan rộng, tài thao lược của ông được ca ngợi khắp vùng. Thông thường, một "cơ đồn điền" chỉ có 500 người, nhưng "cơ đồn điền" của ông đông tới hàng ngàn và ngày càng có nhiều người về quy tụ.

Ngay từ lúc đó, Trương Định đã nổi tiếng là người rất mực nghiêm minh trong khi luyện tập. Theo lời truyền tụng của các cụ bô lão vùng Gia Thạnh thì "ngài Quản còn là người rất mực thương yêu dân nghèo. Những người trong đồn điền của ngài đều được đủ ăn đủ mặc, không bị đối xử tệ như ở các đồn điền khác... Vì vậy ai ai cũng muốn về hầu dưới trướng của ngài". Trương Định rất có uy tín đối với mọi người trong đồn điền và cả ở khắp các vùng xung quanh. Sĩ phu yêu nước các nơi đều ngưỡng mộ uy danh, tìm đến kết bạn làm thân với ông. Tên tuổi Trương Định đến tai triều đình Huế, Tự Đức bèn "bổ chức quản cơ" cho Trương Định, hòng lấy lòng ông, mong biến ông thành một bầy tôi trung nghĩa.
___________________________________
1. Theo cách gọi của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục. Hiện nay, Quảng Nam và Quảng Ngãi là hai tỉnh. Huyện Bình Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
2. Nguyễn Thông, Kỳ xuyên văn sao, trích trong Thơ văn yêu nước Nam Bộ - Bảo Định Giang và Ca Văn Thỉnh, Nxb Văn hóa, H. 1962, tr. 162.
3. Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế Trương Định, trích trong Thơ văn yêu nước Nam Bộ - Bảo Định Giang và Ca Văn Thỉnh, Nxb Văn hóa, H. 1962, tr. 56.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2016, 08:09:16 pm »


Câu hỏi 3: Khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định cùng nghĩa quân chống giặc như thế nào?   
Trả lời:


Trong khi Trương Định đang lo xây dựng và tổ chức đồn điền thì giặc Pháp tấn công Đà Nẵng (tháng 9 năm 1858). Trương Định nhận thấy trách nhiệm của mình trước họa xâm lăng liền chiêu mộ thêm những trai tráng quanh vùng cùng với dân trong đồn điền lập thành một đạo nghĩa binh chuẩn bị đánh Pháp. Trang bị của nghĩa binh chủ yếu là tầm vông vạt nhọn, giáo, mác, gươm, đao... Ngoài ra cũng có một số hỏa khí cổ sơ như súng kíp và đại bác.

Trương Định đang ráo riết chuẩn bị thì giặc Pháp kéo quân vào tấn công Gia Định. Ngày 9 tháng 2 năm 1859, Ri-gôn Đờ Giơ-nu-y hội hơn 2.000 quân Pháp và Y-pha-nho tại Vũng Tàu. Ngày 10 tháng 2, chúng bắt đầu tấn công vào các vị trí tiền duyên của Gia Định như pháo đài Phúc Thắng (tại núi Lại Sơn, Gành Rái lúc đó thuộc tỉnh Biên Hòa, nay thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) và các thành khác như Lương Thiện, Phúc Mỹ, Danh Nghĩa (đều thuộc Gia Định). Được tin đó, Trương Định tự động kéo đội nghĩa binh của mình tới phối hợp tác chiến với quan quân triều đình. Lúc bấy giờ, quan trấn thủ Gia Định là Võ Duy Ninh, do thiếu chuẩn bị đối phó và quan quân lại nhút nhát, nên thành Gia Định bị thất thủ, mặc dầu nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Trương Định đã có nhiều cố gắng trong việc đánh chặn giặc Pháp trên đường tiến quân của chúng.

Thành bị mất, Võ Duy Ninh tự tử. Hàng ngũ binh sĩ triều đình hoang mang dao động. Trước tình thế ấy, Trương Định không hề nao núng, vẫn tiếp tục động viên nghĩa quân chiến đấu, phá rối địch ở khắp ngoại vi thành Gia Định.

Chỉ một thời gian ngắn, uy danh nghĩa quân Trương Định đã vang dội khắp nơi. Nhân dân hết lòng ca tụng hành động kiên quyết chống Pháp của nghĩa quân và rất căm tức tinh thần bạc nhược và cách dùng binh dùng dằng không quyết của quan quân triều đình. Ai ai cũng muốn noi gương nghĩa quân Trương Định. Hơn 5.000 nông dân huyện Bình Dương đã tụ nghĩa quanh cựu tri huyện Trần Thiện Chánh và cựu xuất đội Lê Huy. Ở các nơi khác như Gò Công có Đỗ Trình Thoại, ở vùng Biện Kiều (Biên Hòa) có Phan Văn Đạt và Trịnh Quang Nghi, ở Mỹ Tho có Phủ Cậu (tức Trần Xuân Hòa)... đều lần lượt dấy binh chống Pháp.

Trước sự chống đối mạnh mẽ của nghĩa binh các nơi, giặc Pháp vô cùng lúng túng. Với quân số ít ỏi, chúng không thể nào giữ được Gia Định và Đà Nẵng cùng một lúc, nhất là trong khi tình hình giữa Trung Quốc và Anh-Pháp rất căng thẳng. Cực chẳng đã, Ri-gôn Đờ Giơ-nu-y đành phải đem quân chủ lực quay ra giữ Đà Nẵng sau khi đã đốt phá thành Gia Định. Ở đây giặc chỉ còn để lại một số quân nhỏ dưới quyền chỉ huy của Giô-rê-ghi-bê-ri.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2016, 08:10:59 pm »


Câu hỏi 4: Khi thực dân Pháp xin giảng hòa và bỏ Đà Nẵng kéo vào Gia Định rồi cùng binh thuyền sang tham chiến ở Trung Quốc - thời cơ đánh Pháp xuất hiện nhưng triều đình nhà Nguyễn đã làm gì?
Trả lời:


Tháng 10 năm 1859, sau cuộc giảng hòa không có hiệu quả, chiến sự lại tiếp diễn ở cảng Đà Nẵng. Pháp cho tên Pa-giơ sang Việt Nam thay Ri-gôn Đờ Giơ-nu-y (ngày 1 tháng 11 năm 1859). Tháng 1 năm 1860, Pa-giơ được lệnh rút khỏi Đà Nẵng vào Gia Định vét quân số sang hội quân với đô đốc Sác-ne để tấn công Trung Quốc. Một lần nữa giặc Pháp xin thương thuyết giảng hòa với triều đình nhà Nguyễn. Bản kiến nghị gồm 11 điểm của Pháp được vua quan triều đình bàn đi bàn lại mãi mà không đi tới kết luận dứt khoát.

Ngày 23 tháng 3 năm 1860, quân Pháp bỏ Đà Nẵng kéo vào Gia Định rồi cùng binh thuyền sang tham chiến ở Trung Quốc. Trên lãnh thổ nước ta lúc này quân Pháp đóng ở Gia Định chỉ còn 800 binh sĩ, 7 chiếc tàu nhỏ, vài chiến thuyền do tên đại tá Đa-ri-ét chỉ huy. Quân Y-pha-nho trở về Phi-lip-pin gần hết, ấy thế mà quân đội triều đình cứ án binh bất động. Đáng lẽ phải tấn công địch thì họ ra sức đào hào đắp lũy, xây dựng đại đồn Chí Hòa (Chí Hòa là kiến trúc phòng ngự lớn nhất trong lịch sử trúc thành của quân đội phong kiến Việt Nam: đồn dài 3 cây số, rộng 1 cây số, có tới 2 vạn quân chiếm giữ).

Cuối năm 1860, cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và quân xâm lược Anh - Pháp kết thúc. Ngày 7 tháng 2 năm 1861, đô đốc Sác-ne mang 50 chiến thuyền các cỡ và hơn 4.000 quân về tập trung ở Bến Nghé.

Ngày 24 tháng 2 năm đó, Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa và ngày hôm sau thì hạ được đồn. Bị thua to, đại quân của triều đình phần thì theo các bại tướng rút về Biên Hòa, phần thì gia nhập nghĩa quân Trương Định. Thời gian này, Trương Định có đem nghĩa quân tham gia chiến đấu ở  đại đồn Chí Hòa, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Tri Phương1. Chính ở đây qua những cuộc chiến đấu bọn xâm lược đã biết đến ông.
_________________________________________
1. Năm 1860, Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế cử làm tống đốc quân vụ quân thứ Gia Định (Theo Đại Nam chính biên liệt truyện nhi tập, q. 23, tờ 17a-b).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Mười, 2016, 08:13:02 pm »


Câu hỏi 5: Căn cứ nghĩa quân của Trương Định ở Tân Hòa được xây dựng như thế nào?
Trả lời:


Tháng 2 năm 1861, sau khi Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, toàn bộ quan quân nhà Nguyễn rút lui về phía bắc cố thủ Biên Hòa. Trương Định không theo họ, ông dẫn số nghĩa quân ít ỏi của mình tiến vào vùng địch kiểm soát, bám sát giặc chiến đấu. Để có chỗ dựa cho mọi hoạt động của mình, Trương Định chọn và xây dựng Tân Hòa làm căn cứ kháng Pháp.

Tân Hòa là một vùng đồng bằng, nhiều sông ngòi, thuận lợi cho việc chuyển quân và liên lạc khắp nơi. Tân Hòa là nơi tiện lợi cho việc phối hợp chiến đấu giữa các căn cứ nghĩa quân ở Tân An, Gò Công và Mỹ Tho. Hơn nữa, Tân Hòa không nằm trong khu vực chiếm đóng của giặc Pháp, lại ở gần Sài Gòn, tiện cho việc tiến công quân địch. Chính vì lẽ ấy, nên Trương Định "về ở Tân Hòa, đắp lũy đồn binh, giữ một góc bày lòng địch khái" và lấy "núi đất" làm "thành đồng lũy sắt" để tiến hành cuộc "giáo tre nghìn dặm đánh Tây". Hơn nữa Tân Hòa là một miền trù phú, đất đai màu mỡ, dân cư đông đúc, rất thuận lợi cho việc tụ nghĩa, dồn lương. Chính vì vậy, Trương Định đã chọn Tân Hòa để xây dựng căn cứ chống Pháp lâu dài.

Sau khi về đến Tân Hòa, Trương Định liền chiêu tập thêm nghĩa binh. Trong một thời gian ngắn, quân của ông đã tăng lên đến 6.000 người. Số quân đó được biên chế thành 6 cơ để luyện tập. Đồng thời với việc tổ chức lực lượng, Trương Định gấp rút xây dựng một hệ thống đồn lũy ở vùng căn cứ Tân Hòa và ở các nhánh sông nối với Tân Hòa như Rạch Lá, Soài Rạp, hoặc ở các ngả đường như Chợ Gạo, v.v...

Để có lương thực, súng đạn đánh Pháp, Trương Định đã cho nghĩa quân phối hợp với nhân dân sản xuất lương thực, vũ khí1. Có thể nói, ông đã lo toan chu đáo về nhiều mặt: "Nào nhọc sức hộ tào biên sổ, lương tiền nhà ruộng, cho một câu háo nghĩa lạc quyên; nào nhọc quan võ khố binh cân, thuốc đan ghe buôn, quyền bốn chữ "gian thương đạo tải".

Để thực hiện chủ trương vừa xây dựng vừa chiến đấu, không để cho kẻ thù rảnh tay đánh nghĩa quân, Trương Định cho các tướng đem quân đi phục kích đánh giặc ở chung quanh thành Gia Định, chặn đường tiến công của chúng đến Vĩnh Long, v.v... Trong những cuộc chiến đấu này, Trương Định và các tướng sĩ của ông đã tỏ ra biết mình, biết địch, biết chọn hình thức chiến đấu phù hợp để đánh kẻ địch mạnh hơn về trang bị vũ khí. Các cuộc chiến đấu lẻ tẻ đã xuất hiện dần với những hình thức phục kích, đánh sau lưng, đánh ngang hông địch vào những lúc bất ngờ, làm cho giặc Pháp hoang mang lo sợ. Chúng phải kêu lên rằng: "Họ xuất hiện bất ngờ từng toán đông đảo, khi ở nơi này, khi ở nơi khác, đốt phá những làng mạc yên ổn rồi lại biến mất"...

Trong thời kỳ này, nghĩa quân Trương Định hoạt động khắp các vùng Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gia Định, lan rộng ra hai bên nhánh sông Vàm Cỏ từ biển Đông tới biên giới Cam-pu-chia. Trương Định bắt liên lạc với hầu hết những văn thân ở các nơi như Đỗ Trình Thoại, Âu Dương Lâu, Phủ Cậu, thủ khoa Huân, Phạm Văn Đạt, Lê Cao Dõng, Hồ Huân Nghiệp, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Trà Quý Bình, v.v... Một số văn thân như Nguyễn Thành Ý và Phan Trung, mỗi người mộ được 2.000 quân; Lưu Tấn Thiện, Lê Quang Quyền mộ được hơn 1.000 quân cũng kéo đến hợp tác với Trương Định; lực lượng của ông tăng lên đến gần một vạn.

Theo Nguyễn Thông: "Khi Trương Định đóng ở Tân Hòa, hội các nhân sĩ để định kế hoạch, Huân Nghiệp đến gặp Định. Lúc trở về có người hỏi: "Trương Định xướng nghĩa, hào kiệt kéo đến đông như mây. Không biết có thành công được không?". Huân Nghiệp trả lời: Kẻ làm việc nghĩa, không kể thành bại"2. Điều đó chứng tỏ rằng việc liên kết với các nhóm nghĩa quân không phải là một việc tự nhiên hình thành trong chiến đấu sau này, mà chính Trương Định đã có chủ trương từ trước.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Trương Định đã xây dựng được căn cứ chống Pháp. Ông phát huy được sức mạnh của nhân dân, biết dựa vào dân để tổ chức xây dựng lực lượng, chuẩn bị vũ khí, trang bị và lương thực, thực phẩm để thực hiện chủ trương đánh Pháp lâu dài.
____________________________________
1. Theo Nguyễn Thông, trong khi xây dựng căn cứ Tân Hòa, "Định lại đúc thêm đại bác”, xem Thơ văn yêu nước Nam Bộ - Bảo Định Giang và Ca Văn Thỉnh, Nxb Văn hóa, H. 1962, tr. 164.
2. Thơ văn Nguyễn Thông, Nxb Văn hóa, H. 1965, tr. 197.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 01:46:43 pm »


Câu hỏi 6: Cùng với việc xây dựng căn cứ, phát động một phong trào kháng chiến rộng lớn, Trương Định đã xây dựng chính quyền kháng chiến bí mật bên cạnh chính quyền của địch như thế nào?
Trả lời:


Để tổ chức nhân dân kháng chiến chống Pháp lâu dài, sau khi họp bàn với các nhân sĩ, Trương Định chủ trương thành lập chính quyền kháng chiến và "gửi giấy cử Huân Nghiệp giữ chức tri phủ Tân Bình".

Tân Bình là một trong ba phủ của Gia Định. Sài Gòn là một huyện (Bình Dương) nằm trong phủ Tân Bình.

Phủ Tân Bình có vị trí quan trọng về mặt chính trị cũng như quân sự trong vùng địch chiếm. Nếu Tân Bình bị uy hiếp, bộ máy thống trị của địch ở Gia Định cũng khó bề đứng vững và âm mưu xâm lược Nam Kỳ của chúng khó lòng thực hiện được. Vì vậy, chúng đã phải rút binh lực ở nhiều nơi về củng cố vùng này.

Ngoài việc cử Huân Nghiệp giữ chức tri phủ Tân Bình, Trương Định còn đặt một hệ thống chính quyền từ phủ xuống huyện trong toàn "hạt Gia Định"1. Hệ thống chính quyền này có nhiệm vụ lo cả về dân sự lẫn quân sự2, đặc biệt là "thường điều động binh lính, lương thực tiếp tế cho Trương Định"3.

Chính quyền của quân khởi nghĩa không chỉ hạn chế trong phạm vi tỉnh Gia Định, mà sau này còn lan rộng khắp ba tỉnh miền Đông: "Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo; tóm muôn dân gây cơ sở mộ binh, luật lệ nào ai dám trái"; “Văn thì tham biện, thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công; võ thì dùng tổng binh, đốc binh coi mấy đạo sửa sang khí giới"4.

Chủ trương này đánh dấu một bước tiến mới trong tư tưởng và hành động của Trương Định. Càng đi sâu vào cuộc kháng chiến, ông càng thấy cần thiết phải thành lập một chính quyền kháng chiến cứu nước thật sự để thay thế cho chính quyền thối nát, bạc nhược, không còn tác dụng của triều đình nhà Nguyễn.

Không những Trương Định chỉ lo tổ chức cơ sở chính quyền để phục vụ kháng chiến, mà còn chú ý xây dựng quân đội. Theo Ca-min Bơ-ri-phô, Trương Định đã "ban phát các bằng cấp và chức vị cho nghĩa quân". Nguyễn Thông cũng cho biết rằng, quân khởi nghĩa có kỷ luật rất nghiêm minh nên rất được nhân dân yêu mến5.

Sự tồn tại của chính quyền kháng chiến bí mật đã làm cho giặc Pháp không thể nào kiểm soát được các tỉnh miền Đông suốt cả thời gian từ năm 1861 đến năm 1864. Chúng đã phải kêu lên rằng: "Tình trạng khởi nghĩa ở nông thôn không cho phép thu những thuế gì khác (trừ vài thứ thuế gián thu thu được ở Sài Gòn) cho đến năm 1864".

Trong những năm đầu hoạt động, Trương Định đã tỏ ra có tài về quân sự, chính trị và tổ chức, tỏ ra có ý thức tự lực xây dựng lực lượng, tổ chức chính quyền để tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước. Chính Phan Thanh Giản cũng phải thừa nhận lúc bấy giờ hai tỉnh Định - Biên (Định Tường, Biên Hòa) là thuộc quyền kiểm soát của Trương Định.

Sự kiện lịch sử này đã bác bỏ hùng hồn những luận điệu của các sử gia thực dân cho là nhất nhất mọi hành động của Trương Định đều do triều đình Huế chỉ huy.

Trương Định có thể làm được những việc lớn như vậy và ngày càng có uy tín đối với nhân dân Nam Kỳ là vì ông đã tỏ ra trung thành vô hạn với sự nghiệp cứu nước, đã có thái độ dứt khoát với kẻ thù xâm lược, ông đã biết phát động lòng yêu nước của nhân dân, dựa vào nhân dân để mưu đồ việc lớn.

Thấy uy tín của Trương Định ngày một cao, thanh thế ngày một lớn, bọn vua tôi triều Nguyễn bèn tính kế mua chuộc, lợi dụng ông. Trước khi giặc Pháp hãm thành Biên Hòa (tháng 12 năm 1861), triều đình Huế bổ ông làm phó lãnh binh tỉnh Gia Định. Nhưng người anh hùng của đất Đồng Nai anh dũng đã thấy rõ thái độ hèn nhát, bạc nhược của triều đình Huế, trước nhiệt tình ủng hộ của nhân dân và nghĩa quân, ông đã không để cho mồi danh lợi làm nhụt chí khí của mình.
________________________________________
1, 3. Thơ văn Nguyễn Thông, Nxb Văn hóa, H. 1965, tr. 198.
2. Thơ văn Nguyễn Thông, Nxb Văn hóa, H. 1965, tr. 179.
4. Bảo Định Giang và Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam Bộ, H. 1962, tr. 56.
5. Bảo Định Giang và Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam Bộ, H. 1962, tr. 164.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 01:51:17 pm »


Câu hỏi 7: Khi thực dân Pháp tấn công Biên Hòa, nghĩa quân Trương Định cùng nhân dân chống giặc như thế nào?
Trả lời:


Tháng 11 năm 1861, Bô-na đến Sài Gòn thay thế Sác-ne và hống hách tuyên bố: "Chúng ta sẽ tiến công Biên Hòa và nếu cần sẽ tiến công Huế". Trước tình hình đó, triều đình Huế vẫn dùng dằng, chậm chạp, không chịu tăng viện ngay cho Nam Kỳ. Người có trách nhiệm trong việc phòng thủ Biên Hòa là Nguyễn Bá Nghi lại mang nặng tư tưởng thất bại chủ nghĩa. Nghi sợ địch, không dám chuẩn bị chiến đấu chống giặc, e rằng nêu đào hào đắp lũy, chặn đánh những toán quân do thám, thì bọn địch sẽ cho là: triều đình nhà Nguyễn có ý không muốn giảng hòa và lấy cớ đó để tấn công ta.

Tháng 12 năm 1861, Bô-na mở cuộc tấn công lên Biên Hòa bằng cả hai đường thủy, bộ. Quân triều đình không dám chống cự, rút lui về Bình Thuận, bỏ thành Biên Hòa rơi vào tay địch trước khi quân của Nguyễn Tri Phương đến tiếp viện. Nhân dân Nam Kỳ đau lòng trước cảnh tan nát, tang thương của quê hương xứ sở đã truyền cho nhau những lời hịch vô cùng thông thiết:

      "Nhắm vừa hương bát nước lại ngậm ngùi.
      Nhìn tấc đất ngọn rau thêm bát ngát.
      Vầng nhật nguyệt noi đường Nho giáo, há để bày chim chóc đến líu lo.
      Cuộc giang san nổi tiếng thần linh, đâu để lũ chó heo trây nhớt...”1
.

Trước tình thế đó, Trương Định vẫn giũ vững quyết tâm của mình, chiếm cứ Quy Sơn chống giặc. Sau khi Biên Hòa bị mất (tháng 1 năm 1862), lợi dụng thế của Trương Định, triều đình Huế cử "khâm phái quân vụ là Nguyễn Túc Trưng tìm đường tới hội ở Tân Hòa, mưu tính thu phục lại thành trì"2. Chúng muốn dựa vào lực lượng kháng chiến lớn mạnh của nghĩa quân Trương Định làm hậu thuẫn cho cuộc giảng hòa với Pháp.

Lúc này Trương Định còn hy vọng ở thái độ của phái chủ chiến trong quan quân triều Nguyễn, nên đã thuận ý giao cho Nguyễn Túc Trưng làm tổng chỉ huy liên quân triều đình và nghĩa quân. Chẳng bao lâu, ông đã thấy rõ sai lầm của hành động khinh suất đó. Từ khi lên nắm quyền chỉ huy, Nguyễn Túc Trưng không chủ trương mở rộng địa bàn của quân khởi nghĩa, không tìm giặc để đánh mà cứ “cố thủ” trong phạm vi hạt Tân Hòa. Chính trong lúc đó thì phong trào ứng nghĩa cuồn cuộn dâng lên ở khắp Lục tỉnh, nghĩa quân các nơi liên tiếp nổi lên tấn công địch.

Trương Định không theo Túc Trưng nữa mà ra lệnh cho nghĩa quân của ông triển khai hoạt động ngoài căn cứ. Nhiều đồn địch ở quanh Sài Gòn - Chợ Lớn bị bao vây ngặt. Tháng 3 năm 1862, địch bị bức rút khỏi các đồn Gò Công, Chợ Gạo, Cái Bè, Phước Lộc. Thừa thế, nghĩa quân Trương Định tấn công vào Chợ Lớn (xóm Củi). Bọn địch phải thừa nhận vùng này đã bị cháy trong một đêm ròng, khi nghĩa quân rút, chúng vẫn không dám cho quân đuổi theo. Phong trào kháng Pháp của nghĩa quân Nam Kỳ lên cao đến nỗi bọn Pháp phải thú nhận là "các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho luôn luôn bị quấy nhiễu, nhiều trung tâm khởi nghĩa đã có ở  trong hai tỉnh này".
______________________________________
1. Bảo Định Giang và Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam Bộ, H. 1962, tr. 23.
2. Bảo Định Giang và Ca Văn Thỉnh, Thơ văn yêu nước Nam Bộ, H. 1962, tr. 163.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 09:55:00 pm »


Câu hỏi 8: Vì sao Trương Định lại vứt bỏ "cân đai, áo mũ" của triều đình và nhận chức "Bình Tây Đại nguyên soái" do chính nhân dân phong?
Trả lời:


Khi giặc Pháp liên tiếp bị ta tấn công tiêu diệt đang lúng túng chống trả thì triều đình nhà Nguyễn khiếp nhược không cùng nhân dân chống giặc mà lại đầu hàng. Triều đình lệnh cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt nhà vua ký hòa ước Nhâm Tuất (1862). Theo bản hòa ước này, triều đình dâng ba tỉnh (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) cho giặc Pháp và phải bồi thường cho Pháp 20 triệu quan chiến phí (tính ước đến 2 triệu 800 nghìn lạng bạc), phải mở các cửa biển Đà Nẵng, Quảng Yên, Ba Lạt (Thái Bình) cho Pháp vào tự do thông thương; Pháp sẽ trả lại thành Vĩnh Long cho triều đình Huế khi mà triều đình làm cho nhân dân ba tỉnh miền Đông không chống Pháp nữa.

Hòa ước đã ký kết. Nhiệm vụ của Túc Trưng cũng chấm dứt. Triều đình Huế ra lệnh bãi binh, triệu hắn về kinh và phong cho Trương Định chức lãnh binh, buộc Trương Định phải tuân theo hòa ưóc, giải tán nghĩa quân để đi nhận chức ở An Giang (Châu Đốc).

Hành động đầu hàng của triều đình đã gây một làn sóng phẫn nộ sôi sục trong nhân dân. Một sử gia của Pháp đã ghi lại: "Khi bọn Pháp hối hả đem tin hòa ước ký kết truyền đến các nơi bị nguy cấp nhất để chấm dứt ngay cuộc chiến đấu..., đến phạm vi vùng Tân Hòa, nơi Quản Định đóng quân, người ta vẫn dùng súng và máy bắn đá bắn vào những người Pháp đến báo tin đình chỉ chiến sự".

Nhận được chỉ dụ bãi binh và sắc phong của triều đình, Trương Định đang suy nghĩ dùng dằng chưa quyết thì nhân dân Nam Kỳ biết tin vội vàng kéo đến bày tỏ nguyện vọng, yêu cầu ông ở lại lãnh đạo nhân dân chống Pháp: "Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền"1. Nghĩa quân - những người cùng sống chết với Trương Định - cũng đề đạt ý kiến: "Bọn Tây bị dân ta nhiều lần đánh lui, nay chúng được triều đình giảng hòa, chắc chúng sẽ giết hại bọn ta. Vả lại, bọn Tây lấy binh lực ăn hiếp ta bắt hòa, nhưng chúng không thành thực, nay triều đình giảng hòa với chúng, bọn ta không nơi nương tựa, sao bằng hợp lực đánh lại chúng, giữ lấy một mảnh đất để cùng nhau bảo toàn sinh mạng"2.

Sau đó, Phạm Tuấn Phát ở  Tân Long đem thư các nghĩa hào đến tỏ ý muốn cử Định làm chủ soái để ra sức trừ giặc. Sáng kiến đó được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ nhiệt liệt. Họ yêu cầu ông vứt bỏ "cân đai, áo mũ" của triều đình và nhận chức "Bình Tây Đại nguyên soái" của chính nhân dân phong, cảm động vì nhiệt tình của dân chúng đối với mình, lại thấy rõ thêm được âm mưu thâm độc của quân cướp nước và hành động đầu hàng của triều đình, Trương Định vui vẻ nhận trọng trách mà quần chúng nhân dân đã giao phó cho mình.
____________________________________
1. Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế Trương Định, trích trong Gương sáng ngàn đời - Bảo Định Giang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quảng Tuân, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 198. Câu này có nghĩa là, khi chiếu chỉ của Tự Đức bảo giải binh không đánh Pháp, nhân dân không nghe, lại được tin Trương Định đang dùng dằng, nên đến trước đầu ngựa yêu cầu ông ở lại.
2. Thơ văn Nguyễn Thông, Sđd, tr. 194.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 10:01:56 pm »


Câu hỏi 9: Khi nhận chức "Bình Tây Đại nguyên soái", Trương Định đã truyền hịch kêu gọi tướng sĩ và nghĩa quân đứng lên chống giặc như thế nào?
Trả lời:


Sau khi nhận chức Bình Tây Đại nguyên soái, Trương Định đã viết lên lá cờ khởi nghĩa tám chữ "Phan - Lâm mại quốc, triều đình khí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ dân), và ông truyền hịch kêu gọi tướng sĩ, nghĩa quân đứng lên chống giặc đến cùng. Bài hịch có những câu như sau:

      "Tưởng có lời ca rằng:
      Nước có nguồn, cây có gốc,
      Huống người sinh có da có tóc.
      Mà sao không biết chúa biết cha?
      Huống người sinh có nóc có gia
      Mà sao không biết trung biết hiếu?
      Hai vai nặng trĩu, gánh chi bằng gánh cang thường!
      Tấc dạ trung lương, gồng chi bằng gồng xã tắc!".


Sau khi vạch mặt bọn Việt gian bán nước "nỡ đem lòng mại quốc cầu vinh", "vong ân bội tổ” và chỉ rõ cho những kẻ lầm đường lạc lối "để cho Tây bắt vợ giết chồng", bởi mình tham ham hố bạc đồng... Bản hịch viết tiếp:

      "Làm người sao khỏi thác,
      Thác trung thần, thác cũng thơm danh!
      Làm người ai chẳng tham sanh1,
      Lòng địch khái2 xin cho rõ tiết!
      Đêm năm canh thương người chính liệt,
      Ngày sáu khắc nhớ kẻ trung thần.
      Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng binh,
      Cờ đề chữ: "Bình Tây đại tướng".


Sau cùng bài hịch kêu gọi:

      "Bớ trẻ già, bé lớn ai ai,
      Đều bội ám đầu minh3 cho kíp!
      Chiếu phụng4 dù ta lãnh đặng,
      Mũi thiên oai5 thương kẻ sanh linh6.
      Phải cạn lời tỏ hết chơn tinh,
      Cho kẻ dân đen đặng biết!”


Bài hịch kêu gọi nhân dân đánh Pháp của Trương Định là một bản án hùng hồn kết tội những kẻ theo giặc, bỏ Tổ quốc, bỏ nhân dân, là một lời hiệu triệu vô cùng thống thiết, là tiếng gọi cứu nước làm rung động lòng người rất mãnh liệt.

Việc nhận chức Bình Tây Đại nguyên soái với khẩu hiệu "Phan - Lâm mại quốc, triều đình khí dân" và bài hịch cứu nước phát ra trong dân chúng đã nói lên lòng căm phẫn của nhân dân đối với việc bán nước của vua quan nhà Nguyễn và chứng tỏ rằng cuộc chiến đấu của Trương Định đã chuyển sang một giai đoạn mới.
__________________________________
1. Tham sanh: muốn sống, không chịu chết.
2. Địch khái: chống lại kẻ thù.
3. Bội ám đầu minh: bỏ hẳn con đường mờ tối, đi theo con đường sáng sủa.
4. Chiếu phụng: chiếu phượng, dịch chữ Hán “Phượng chiếu" tức chiếu nhà vua.
5. Mũi thiên oai: mũi gươm thần.
6. Sanh linh: nhân dân.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM