Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:01:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp  (Đọc 17842 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:17:22 am »


        Thư của trung úy Jégo Rémy gửi lãnh đạo Trại số 1

        Jégo Rémy

        Trung uý 3è REI

        Kính gửi ông lãnh đạo Trại số 1

        Tôi đã không uổng thời gian! Đó là điều tôi viết để kết luận những cảm tưởng của tôi cho một nhà báo ở trại tập trung. Nhưng cái kết luận này còn chứa đựng biết bao điều. Hai năm qua ở đất nước Việt Nam tự do quả là một thời kỳ đặc biệt của đời tôi, hai năm học tập mà tôi đã rút ra được bao điều bổ ích.

        Là một cựu quân du kích, vẫn tại ngũ trong quân đội Pháp để duy trì và bảo vệ tinh thần của cuộc kháng chiến nhân dân, tôi đã thực hiện ở đó một nhiệm vụ khó khăn, đầy thất vọng và cũng đầy cám dỗ khi đi chệch đường lối. Tôi không dám chắc rằng mình có đủ sức lực và tinh thần đấu tranh để xứng với nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, tôi không thể nào chiến thắng nổi cái mặc cảm tự ty khi tôi ở giữa những người cán bộ của quân đội tư sản. Đến Việt Nam theo những nỗi gian truân của quân đội này đối với tôi quả là khó nhọc gấp hai lần: một mặt phải xa gia đình, mặt khác phải mang bộ quân phục của một đội quân đánh thuê chống lại cuộc kháng chiến chính nghĩa của một dân tộc. Bởi vậy đó là một hoàn cảnh có lợi khi bị bắt làm tù binh, một mặt cho sự tu dưỡng của cá nhân tôi, mặt khác tạo cho tôi một dịp để đấu tranh cho một sự nghiệp đúng đắn. Vậy tôi ra đi hoàn toàn thoả mãn với chính mình, nhưng tôi cần phải cân nhắc xem nhờ có ai mà tôi được thoả mãn. Chính vì lẽ đó mà tôi cần phải nói lên sự phấn khởi, lòng khâm phục và sự biết ơn của mình đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Mặc dù đã được báo trước, song tôi vẫn vô cùng ngạc nhiên bởi tính chất và tinh thần của cuộc kháng chiến. Ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã tin chắc rằng cuộc kháng chiến chính là điều người ta có thể mong muốn và người ta có thể khâm phục. 15 ngày lưu trú của tôi ở tỉnh Hưng Yên, rồi chuyến đi của tôi tới tận Kim Tôn đã hoàn toàn có sức cảm hoá và tôi đã nhận thấy rằng tôi đã có dịp học được một bài học lớn. Chính trong trạng thái tinh thần đó mà tôi đã gặp ông Hiên ở Trại giam Kim Tôn. Ông ấy đã cho tôi những lời khuyên quý báu và đã cho tôi những phương tiện để đấu tranh bằng cách giúp tôi viết bản tuyên bố mà sau này tôi được biết là đã có kết quả. Bị bóp méo bởi quân đội tư sản nhưng ông ấy đã biết cách làm cho tôi hiểu ra được quan niệm của quân đội dân chủ và nhân dân. Những buổi tiếp xúc của chúng tôi rất ngắn gọn. Ở thời kỳ đó tôi gặp rất nhiều khó khăn về mặt vật chất (sức khoẻ, sự thích nghi, đi lại…).

        Phần đầu của cuộc sống tù binh của tôi đã không mấy tích cực. Vả lại tôi đã sai lầm khi vẫn còn chưa đánh giá đúng về những cán bộ Việt Nam. Nghĩ một cách chính đáng rằng họ cần phải cảnh giác nên tôi đã không mấy cởi mở với họ vì e ngại rằng họ không tin mình. Tôi còn coi thường giá trị của họ, hoặc ít nhất là tôi đã không nhận thấy sự đào tạo chưa hoàn chỉnh của chính bản thân mình.

        Khi tôi tới Trại số 1, tôi đã rất bối rối. Tôi đã gặp lại ở đấy những người sĩ quan mà tôi đã từng quen biết trước đây mà đối với một vài người thì tôi còn là cấp dưới của họ. Tôi rất ngạc nhiên về mức độ đổi thay của họ. Tôi cảm thấy mình đã lỗi thời và trở nên vô ích trong một vai trò tiên phong. Một cách thụ động, tôi đã đứng vào hàng ngũ của đại đa số và quan sát họ. Tôi đã nhận thấy rằng nếu như họ đã tồn tại ở một mức độ nào đó thì đối với nhiều người trong số họ, sự thay đổi chỉ là giả vờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:19:10 am »


        Đồng thời tôi cũng sẽ phát hiện ra sự tồn tại của nhiều nguyên lý tư sản gắn liền với một thứ chủ nghĩa cơ hội nào đó. “Điều cần phải nói”, “điều cần phải ghi nhận” không phải là cái người ta đã nghĩ. Bởi vậy tôi nghĩ rằng cần phải làm một cái gì đó và tôi đã nói chuyện cởi mở với ông Châm lúc đó là Trưởng trại, người đã đảm bảo với tôi rằng cán bộ Việt Nam không bị lừa dối và luôn cảnh giác và ông ấy đề nghị tôi tiếp tục quan sát. Điều tôi đã làm lúc vắng mặt ông ấy là luôn đứng trên lập trường chung càng ngày càng được xác định để chống lại tư tưởng tư sản. Chỉ khi mà ông Ngọc đến trại, người mà tôi tin chắc đã hiểu được trạng thái tinh thần của tôi, đã làm cho tôi tin tưởng và nhất là đã làm cho tôi tham gia lao động. Cách xử thế của ông ấy như sau: đập tan sự hồi sinh của tư tưởng tư sản và của tư tưởng tự phụ, đưa những tù binh trở lại vị trí của họ và trở lại một quan niệm đúng đắn về chính sách khoan hồng. Đồng thời cần phải thúc đẩy sự tiến triển và sự đấu tranh. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và ngay lập tức tôi đã tin chắc rằng ông Ngọc đã được thấm nhuần biết bao nhiêu tầm quan trọng của công tác mà ông đảm nhiệm rằng lý tưởng và sự sáng suốt chính trị của ông ấy cao đến nhường nào.

        Tôi đã nhận thấy rằng tôi có rất nhiều điều phải học ở ông ấy và tôi rất hài lòng là có thể được ở gần những cán bộ Việt Nam đến như vậy. Từ nay trở đi tôi đã có một người dẫn đường, một mặt đảm bảo cho sự tu dưỡng bản thân của tôi và mặt khác giúp tôi trở nên có ích. Đó chính là điều mà ông Ngọc đã có phần trách nhiệm với tôi và đã là người mà tôi gần gũi nhất. Đối với tôi, ông tượng trưng cho tinh thần kháng chiến của Việt Nam. Tôi đã khâm phục tinh thần chịu đựng hy sinh, tình yêu nhân dân, tính cương quyết, tinh thần cảnh giác, sự bình tĩnh và những tình cảm thực sự dân chủ của ông và nhất là cách mà ông ấy đã bảo vệ sự nghiệp hoà bình như thế nào.

        Riêng cá nhân tôi, tôi đã có những điểm yếu, đặc biệt điểm yếu ở chỗ còn quá tàn nhẫn và ở chỗ tôi không tự đặt mình ngang tầm với sự tiến triển của những người mà tôi muốn chiến thắng. Tại sao lại không hiểu họ khi ông Ngọc giải thích với tôi một cách bình tĩnh là làm thế nào để “giúp đỡ” một người bạn như vậy khi lập trường chính trị hay thái độ của anh ta đối với kỷ luật làm cho tôi nổi cáu. Tất nhiên ông ấy đã va chạm với quần chúng không muốn chấp nhận bị duy trì ở vị trí của mình, nhưng ông ấy đã hành động một cách bình tĩnh và kiên nhẫn làm sao để theo đuổi cách xử thế của mình: luôn gần gũi với quần chúng, làm việc vì họ và không nhượng bộ cái gì. Cùng thời gian ấy, được gọi để làm việc chặt chẽ hơn với cán bộ và chiến sĩ, tôi đã hiểu hơn tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam ở tất cả các cấp, tình đoàn kết và sức mạnh lý tưởng của họ. Tôi đã thấy được chính sách khoan hồng sâu sắc thế nào và đã được tất cả mọi người áp dụng một cách cương quyết. Cùng với các cán bộ, tôi đã có thể làm việc cùng thống nhất tư tưởng và tinh thần, đấu tranh tới cùng, và thúc đẩy sự tiến bộ của tôi mà không bao giờ ra khỏi vị trí tù binh của mình một lần nào, điều đó chứng tỏ sự đúng đắn trong cách xử thế của các cán bộ Việt Nam.

        Tôi nghĩ những kết quả đã đạt được ở trại trong tương lai sẽ rõ rệt hơn hiện nay. Sự phản ứng được đặc trưng bởi hai điều: chống chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng tư sản. Phần đông người ta có một quan niệm sai lầm về Liên Xô và trại Hoà Bình và họ từ chối nghe sự thật. Chính những tù binh bị buộc phải nghe nó. Nhưng đầu óc tư sản đã ngăn cản họ đầu hàng một cách công khai. Họ tiếp tục từ chối bề ngoài. Nhưng một khi trở về nước, chắc chắn sẽ có một cuộc đấu tranh giữa lợi ích và lương tâm của họ; đó đã là kết quả rồi. Thế rồi họ sẽ nhận ra được hiệu quả của sự đấu tranh vì hoà bình của mình và từ đó sẽ rút ra được những bài học. Vậy kết quả là đáng khả quan và những cố gắng của các thành viên của Quân đội nhân dân Việt Nam, cả cán bộ lẫn chiến sĩ sẽ không phải là vô ích. Họ đã thật sự đấu tranh cho hoà bình, cho nhân dân Pháp và cho tình hữu nghị của các dân tộc.

        Về phần mình, tôi sẽ rời Việt Nam với một tinh thần đấu tranh mạnh mẽ hơn nhiều sau khi đã chiến thắng rất nhiều điểm yếu, nhất là với một tấm gương sẽ tiếp tục dẫn dắt tôi và sẽ là trợ lực của tôi.

        Tôi biết ơn toàn thể đất nước Việt Nam, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ của Người, biết ơn nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi cũng đặc biệt biết ơn ông Ngọc mà đối với tôi, ông đã tượng trưng cho linh hồn của cuộc kháng chiến. Món quà quý giá nhất mà tôi có thể tặng ông đó là hứa với ông rằng tôi sẽ biết tận dụng những bài học mà ông đã dạy cho tôi trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp cao quý.

        Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp - Việt muôn năm!

        Trại Hoà Bình muôn năm!

        Ngày 14 tháng 8 năm 1954
(Hồ sơ: No 1490)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:21:50 am »

         
        Thư của Grellier Marcel gửi Viện trưởng và nhân viên Bệnh viện 72

        Grellier Marcel

        Trung sĩ trưởng 3/6 RIC

        Kính gửi bác sĩ, Viện trưởng Bệnh viện 72 cùng toàn thể nhân viên,

        Trước khi trở về Pháp, tôi xin cảm ơn các bạn về sự chăm sóc chu đáo mà các bạn đã dành cho tôi.

        Tôi cảm ơn các nhân viên nữ của bệnh viện về những chăm sóc trong các lần thay băng cho tôi.

        Tôi cũng cảm ơn các nhân viên dân sự về sự phục vụ trong ăn uống và về tất cả những việc mà họ có thể làm được cho tôi. Tôi cũng xin cảm ơn các chiến sĩ thương binh của Việt Nam về những tình cảm bạn bè mà họ đã chứng tỏ.

        Về Pháp, tôi hy vọng sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và đứng vào hàng ngũ thợ thuyền cũng như sẽ không bao giờ cầm vũ khí đi nô dịch các dân tộc khác.

        Xin bác sĩ cùng toàn thể nhân viên hãy nhận ở tôi lòng biết ơn và sự khâm phục đối với đất nước các bạn.

        Nước Pháp muôn năm!

        Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến muôn năm!
(Hồ sơ: No 1490)        

        Thư của Guyonvarch Armand gửi ông Mai

        Ngày 26 tháng 7 năm 1954

        Guyonvarch Armand

        132 phố Jules Leblanc 132

        Armentières - Bắc

        Ông Mai thân mến,

        Tôi sắp từ biệt nước Việt Nam tự do, giữ lại trong tim một nỗi buồn vì sự ra đi này. Tôi đã sống hai năm trên đất nước tự do này. Tôi đã thấy, đã nghe và đã hiểu một dân tộc có thể chiến đấu cho lý tưởng của mình như thế nào. Ở đất nước chúng tôi chỉ có sự ích kỷ, sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cá nhân. Những con sói ăn thịt lẫn nhau; con khỏe hơn tiêu diệt con nhỏ và con yếu. Không có địa vị xã hội cho con em nhân dân. Khinh miệt và thù hằn, đó là cuộc sống ở bên kia. Còn ở đây, không hề có chuyện ấy. Tất cả trở nên rõ ràng và đúng đắn. Một nền dân chủ thực sự, lương tâm con người thực sự, lòng nhân ái và sự tự do; tất cả những cái đó ngự trị với uy thế bậc thầy. Sự hoà hợp giữa nhân dân và chính phủ là hoàn hảo.

        Thường thường Ông đã muốn làm tốt hơn để cải thiện số phận của chúng tôi có phải không thưa Ông. Cả các cán bộ khác cũng thế. Xin Ông đừng băn khoăn lo ngại, chúng tôi đã hiểu và đánh giá đúng sự tận tâm và những vất vả của các ông. Những bài học và những giờ học mà chúng tôi đã theo sẽ không phải là vô ích. Chúng tôi sẽ biết thực hiện những cách xử thế mà các ông đã vạch ra cho chúng tôi.

        Về phần mình, tôi sẽ chiến đấu hăng hái và kịch liệt chống lại chế độ tư bản, chống lại sự bất công. Tôi sẽ hoàn thiện mình hơn trong học tập dân chủ. Tôi cũng sẽ học nhiều hơn để giúp nhân dân tôi, đất nước Pháp hiền dịu của tôi.

        Kính thư.
 
(Hồ sơ: No 1490)        

        Thư của Jean Henriot gửi hộ lý Hiền

        Tuyên Quang, ngày 7 tháng 8 năm 1954

        Cô Hiền thân mến,

        Tôi mong rằng vài dòng chữ này sẽ tỏ bày những tình cảm biết ơn và bè bạn mà Cô đã nhen lên trong trái tim tôi - một người tù binh.

        Những giờ phút hoà bình mà chúng ta sống cùng nhau đã cụ thể hoá tình hữu nghị giữa các dân tộc và đặc biệt hơn là cụ thể hoá sự tận tâm, sự gắn bó của Cô với cái công việc vất vả, cực nhọc là săn sóc những người bệnh.

        Sự ân cần, lòng tốt và nụ cười của Cô đã là điều an ủi rất nhiều cho tôi và các bạn tôi.

        Chỉ bằng vài lời, Cô đã nhanh chóng gây được thiện cảm và mãi mãi về sau, kỷ niệm về Cô sẽ không bao giờ phai.

        Cô Hiền, xin hãy nhận ở tôi những tình cảm bè bạn và lòng biết ơn,

        Jean Henriot

        5/7 RTA
 
(Hồ sơ: No 1490)        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:25:14 am »

       
THƯ GỬI QUỐC HỘI PHÁP, CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ, CÁC TỔ CHỨC DÂN CHỦ PHÁP VÀ NHÂN DÂN CHÂU PHI

        Kiến nghị của những tù binh thuộc quân đội Pháp ở Việt Nam gửi Ủy ban Thường trực Thế giới vì hòa bình tại Stốc-khôm

        Việt Bắc, ngày 23 tháng 9 năm 1950

        Kính gửi Ủy ban Thường trực Thế giới

        vì hoà bình tại Stốc-khôm,

        Chúng tôi, những tù binh, người Pháp, An-giê-ri, Ma-rốc, Sê-nê-gan, Cam-pu-chia, Ấn Độ, Đức, Ý bị giam giữ ở Trại số 4 của miền Bắc Việt Nam, nhân cuộc mít tinh vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc ngày 23 tháng 9 năm 1950, xin tuyên bố tham gia hoàn toàn vào hoạt động của các dân tộc dân chủ đang đấu tranh trên thế giới cho hạnh phúc của nhân loại.

        Chúng tôi tố cáo bọn đế quốc gây chiến Pháp cùng các nhà nước tư bản và hết sức mong muốn chấm dứt quyền lực xấu xa của chúng để các dân tộc được sống trong hoà bình và thịnh vượng.

        Chúng tôi kết án như tội phạm chiến tranh những nhà lãnh đạo quốc gia nào sử dụng đầu tiên bom nguyên tử và bom khinh khí trong một cuộc xung đột.

        Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Thường trực vì hoà bình thế giới ở Stốc-khôm ghi nhận sự gia nhập đầy nhiệt tình của chúng tôi vào phong trào thế giới vì hoà bình và thúc đẩy hoạt động của mình bên cạnh tất cả những người lao động - nạn nhân vô tội của bọn tư bản áp bức và bọn cầm đầu phát xít.

        Chúng tôi nghiêng mình tưởng nhớ những ai đã hy sinh vì hoà bình, những nạn nhân của chiến tranh và tất cả những ai đã chịu đau khổ vì thắng lợi của lý tưởng dân chủ.

        Ký tên:

        Levasseur    Sĩ quan dự bị
        Nguyễn J.B    Trung sĩ
        Chalard    Hạ sĩ trưởng
        Moebs    Hạ sĩ
        Auguste    Hạ sĩ
        Letellier    Hạ sĩ
        Louvet    Lính

        Đại diện những người Ma-rốc: Trung sĩ Mohamed

        Đại diện những người An-giê-ri: Trung sĩ Belfadel

        Đại diện những người Sê-nê-gan: Trung sĩ Tamba

        Đại diện những người Ấn Độ: Amakilan

        Đại diện những người Cam-pu-chia: Serum

        Đại diện những người Đức: Freimark

        Đại diện những người Ý: Stanzione
(Hồ sơ: No 1096)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:29:22 am »


        Kiến nghị của Ủy ban Hòa bình và Hồi hương Trại 15 gửi Chủ tịch Quốc hội Pháp

        Ủy ban Hoà bình và Hồi hương Trại 15

        Kính gửi: Ngài Chủ tịch Quốc hội Pháp,

        Chúng tôi, đại diện cho 228 tù binh người Âu và người Phi, xin gửi tới Ngài bản kiến nghị khẩn thiết này. Chúng tôi hy vọng rằng Ngài sẽ chấp nhận nó với lòng khoan dung cũng như Ngài đã từng tiếp nhận nhiều bản kiến nghị của các đoàn đại biểu Pháp khác. Chúng tôi cho rằng hơn cả các đoàn khác, chúng tôi có quyền đòi được hưởng những yêu sách của mình bởi vì chúng tôi được gửi đến đây và hy sinh cho nước Pháp, và vì rằng chúng tôi đang phải chịu đựng một cuộc sống cầm tù vì chính sách hiện nay của Chính phủ.

        Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Chính phủ hãy làm tất cả để mang lại hoà bình cho Việt Nam. Cần phải lột bỏ tấm màn che đậy cho chính sách tuyên truyền sai trái và lắng nghe tiếng nói của lương tri. Sáu năm chiến tranh đã chỉ dẫn đến sự bao vây đội quân viễn chinh trong các vùng ngày càng bị thu hẹp và khó kiểm soát. Ba năm “Giải pháp Bảo Đại” đã chỉ củng cố cho cuộc kháng chiến của Việt Nam. Vậy viên chỉ huy quân sự nào thực tâm hy vọng đạt được kết quả sau biết bao thất bại? Chính khách nào lại có thể muốn xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ mà không có sự tham gia của đại đa số nhân dân? Một quan sát viên công bằng nào lại không thấy rằng toàn dân tộc Việt Nam đang ủng hộ cuộc kháng chiến và rằng lá cờ Bảo Đại chỉ phấp phới dưới sự bảo hộ của đại bác Pháp?

        Chính phủ hãy mở mắt ra mà nhìn, hãy lắng nghe tiếng nói của nhân dân Pháp và của những người có lương tri và hãy giảng hoà với người đại diện thực sự duy nhất của nhân dân Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ có hoà bình mới có thể ngăn chặn được sự lãng phí khổng lồ này, sự lãng phí làm tổn hại cho cả Pháp lẫn Việt Nam. Chúng tôi không còn tin vào sự thiện ý của những người đang tìm giải pháp khác ngoài hoà bình. Chúng tôi khẩn thiết đòi hoà bình hơn nữa vì chúng tôi đang là nạn nhân của chính sách Pháp trên đất nước này. Vị trí của quân đội Pháp là ở biên giới chúng ta chứ không phải ở cách đất nước hàng nghìn ki-lô-mét. Đã đến lúc hồi hương quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông và xây dựng lại một đội quân vững mạnh ở Pháp. Chúng tôi cũng muốn lưu ý Chính phủ về tình hình của những tù binh. Không một nước nào trên thế giới lại bỏ rơi tù binh của mình. Nhưng ở đây không một điều gì đã được thực hiện để cứu chúng tôi. Hội Chữ thập đỏ Pháp chưa hề thể hiện một chút thái độ nào đối với chúng tôi và để chúng tôi trong tình trạng cùng quẫn nhất. Lấy cớ rằng Việt Nam chỉ đại diện cho một “nhóm phản nghịch”, bộ chỉ huy Pháp đã từ chối việc công nhận Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bất chấp những nhu cầu cấp thiết nhất của các tù binh. Chúng tôi yêu cầu phải chấm dứt việc này và yêu cầu Hội Chữ thập đỏ Pháp phải làm tròn bổn phận của mình đối với chúng tôi bằng việc mở ra những cuộc đàm phán với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ít nhất là tổ chức một dịch vụ chuyển các gói hàng và thư tín đều đặn. Chúng tôi không chấp nhận rằng chúng tôi là những người công dân của Khối liên hiệp Pháp lại phải hy sinh cho một chính sách đã làm tổn hại nhiều cho nước Pháp và chỉ phục vụ cho những lợi ích cá nhân hoặc nước ngoài.

        Cuối cùng chúng tôi đòi quyền lợi tuyệt đối nhất của mình là được hồi hương. Giá trị lời nói của Chính phủ Pháp ở đâu khi ký hợp đồng với một người công dân? Người ta đã hứa với chúng tôi một thời hạn tối đa ở Viễn Đông là 24 tháng. Nhưng tất cả chúng tôi đã phải trải qua hơn hai năm ở Việt Nam. Những người lính Pháp, châu Phi hoặc nước ngoài đã kết thúc hợp đồng của họ từ nhiều tháng nay. Vậy họ không còn bất cứ một bổn phận quân sự nào khác và cần phải được trở lại cuộc sống dân sự của mình. Nỗi bất công hiển nhiên nhất là ở chỗ những người lính châu Phi, được tuyển mộ cho thời hạn là ba năm và được đưa tới Việt Nam, đã kết thúc nghĩa vụ của mình từ nhiều tháng nay tại sao Chính phủ lại không cố gắng tổ chức trao trả tù binh; việc này sẽ cho phép chính phủ giữ lời hứa của mình với chúng tôi và thoả mãn những đòi hỏi của chúng tôi về việc hồi hương? Chúng tôi thấy quá đủ rồi. Người ta đã từng thí mạng chúng tôi trong những cuộc chiến gian khổ rồi bỏ mặc chúng tôi cho số phận. Phải chăng chúng tôi là những người bị ruồng bỏ của dân tộc? Vì kỷ luật quân đội chúng tôi đã đến đây chiến đấu cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô vọng.

        Chúng tôi muốn rằng người ta lắng nghe chúng tôi và rằng người ta thoả mãn yêu cầu của chúng tôi. Chúng tôi đòi hoà bình và hồi hương cũng như nguyện vọng của toàn thể nhân dân Pháp và các bạn trong quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông.

        Viết tại Việt Nam ngày 1 tháng 10 năm 1951.

        Ủy ban Hoà bình và Hồi hương của Trại 15.

Guillaumont Pierre        Trung sĩ        27 BMTS
Charlot LucienHạ sĩGM 64 RA
Brument MichelHạ sĩ trưởng1/24 RMTS
De Sesmaisons YvesTrung uý2/6 RTM
Moha Ben BarekCựu trung sĩ3/2 RTM
Rahom El HadjHạ sĩ8è GSAP
Saa MansaréHạ sĩ trưởng1/24 RMTS
Souma JohnBinh nhì1/24 RMTS
Keita N’GaieBinh nhì1/24 RMTS
Djeng-HamadouBinh nhì1/24 RMTS
Zeintaha GdyislawTrung sĩ1er BEP
(Hồ sơ: No 1096)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:31:52 am »


        Thư của ủy ban Hòa bình và Hồi hương Trại 15 gửi Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Pháp tại Bắc Kỳ

        Ngày 1 tháng 10 năm 1951

        Ủy ban tù binh Trại 15

        Gửi Bác sĩ Huard, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Pháp tại Bắc Kỳ,

        Chúng tôi gửi Ông lời kêu gọi này, không phải để khêu gợi lòng thương hại của Ông, bởi chúng tôi biết rằng nếu việc này chỉ tuỳ thuộc ở Ông, thì có lẽ chúng tôi đã được cứu giúp từ lâu. Cái mà chúng tôi muốn nêu, đó là sự bất công. Trước sự bất động của Hội Chữ thập đỏ Pháp, không một chút ngó ngàng gì đến chúng tôi, chúng tôi cảm thấy rất bất bình. Tại sao người ta lại có thể bỏ rơi chúng tôi như thế ở Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp, người ta đã làm gì cho tù binh? Người ta có nghĩ gì đến họ, những vật bị hy sinh đang phải chịu đựng cả ngàn nỗi đau về cả tinh thần lẫn thể chất không?

        Chúng tôi xin Ông hãy làm người liên lạc của chúng tôi bên cạnh Bộ chỉ huy Pháp, để họ cho phép Hội Chữ thập đỏ Pháp đàm phán một cách thẳng thắn với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đối với chúng tôi, đó là một sự cần thiết cấp bách và một sự công bằng. Người ta chưa bao giờ thấy trong một cuộc chiến tranh, một đất nước lại bỏ rơi tù binh cho số phận đáng buồn của họ. Chúng tôi có cảm giác rằng người ta coi chúng tôi như những người đã chết.

        Hẳn Ông cũng biết rằng chúng tôi sống trong những điều kiện vật chất rất tạm thời bởi chúng tôi không có một bọc đồ nào và chúng tôi còn phải chịu đựng những điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đặt chúng tôi trong những điều kiện ưu tiên bởi họ cho chúng tôi được hưởng chế độ của bộ đội chính quy. Nhưng quen hưởng một mức sống cao hơn, người tù binh không thể hài lòng với sự ít ỏi đó.

        Chúng tôi yêu cầu Ông cho hưởng quyền lợi của chúng tôi. Chúng tôi cần thuốc men, đồ tiếp tế và quần áo. Có thể tổ chức thả dù những gói hàng tiêu chuẩn đưa đến cho mỗi người tù binh cái thiết yếu nhất mà họ cần (chăn, màn...). Người ta cũng có thể giải quyết vấn đề thư từ. Đã lâu chúng tôi không nhận được tin tức gia đình và chắc họ tưởng chúng tôi đã chết được gần một năm nay.

        Ông có thể tưởng tượng rằng chúng tôi lo sợ biết bao khi thấy lễ Nô-en sắp đến, rằng chúng tôi sẽ phải buồn rầu trải qua những ngày này, khuất chìm trong rừng rậm, bị những người đang vui lãng quên. Chúng tôi không thể tin rằng từ nay đến lúc ấy người ta lại không cố gắng làm một cái gì đó cho chúng tôi. Một gói hàng giản dị cũng sẽ nâng tinh thần của các tù binh lên rất nhiều, bởi nó chứng tỏ rằng người ta vẫn còn quan tâm đến chúng tôi.

        Nhưng cần phải vén lên tấm màn của sự tuyên truyền. Hội Chữ thập đỏ Pháp không nên bận tâm làm gì đến những tư tưởng và mưu mô chính trị trong khi cuộc sống con người không được bảo vệ lại bị phụ thuộc vào đấy. Hội Chữ thập đỏ Pháp không thể bỏ chúng tôi lâu hơn nữa trong khổ cực và chúng tôi xin nhắc lại với Ông về niềm tin và hy vọng của chúng tôi ở hiệu quả hành động của Ông.

        Việt Nam, ngày 1 tháng 10 năm 1951

        Ủy ban Hoà bình và Hồi hương Trại 15

        Le Bourg René             Hạ sĩ              GM 64 RA

        Saa Mansaré               Hạ sĩ trưởng    1/24 RMTS

        De Sesmaisons Yves    Trung uý          2/6 RTM

        …
(Hồ sơ: No 1359)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:34:24 am »


        Thư ngỏ của các tù binh được trả tự do trong chuyến Nô-en gửi các tổ chức dân chủ Pháp

        Kính gửi các tổ chức dân chủ Pháp: UFF, USRF, ANRI

        Hàng trăm người Pháp, Ma-rốc, Ý và nhiều quốc tịch khác, lòng vui như mở hội, đang lên đường về nước; hàng trăm người đang theo dấu những người được trả tự do trong các chuyến “Henri Martin” và “Léo Figuères” xin gửi đến các quý hội bức thư này để bày tỏ những tình cảm đang rộn rã trong chúng tôi trong suốt chuyến Nô-en.

        Gắn với niềm vui được trả lại tự do và niềm vui được gặp lại những người thân là sự biết ơn sâu sắc của chúng tôi. Chúng tôi biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, biết ơn Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam của Người, bởi chính họ và chỉ có họ, đã trả lại tự do cho chúng tôi một cách vô điều kiện, chứng tỏ lòng hào hiệp chưa từng thấy. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng trong đó có sự góp phần của các quý hội, rằng các quý hội đã nhiệt tình biện hộ cho chúng tôi; vì vậy chúng tôi cũng xin biết ơn các quý hội.

        Từ đáy lòng, chúng tôi nói: cảm ơn! cảm ơn các tổ chức nhân dân cũng như dân chủ đã bênh vực quyền lợi cho chúng tôi - những người trước sau vẫn là con của nhân dân, mặc dù bị mắc lừa bởi một sự tuyên truyền dối trá, chúng tôi đã đi đàn áp một dân tộc khác.

        Tuy nhiên dân tộc anh em này mà chúng tôi đã gây biết bao lỗi lầm ghê gớm, không hề có ý định thù oán chúng tôi trong những ngày bị giam giữ, đã đối xử với chúng tôi như những người bạn tương lai chứ không phải như kẻ thù. Tất cả đã được vận dụng để bảo đảm cho chúng tôi một cuộc sống vật chất và tinh thần tốt nhất có thể và hơn thế nữa, khi đối mặt với thực tế, chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy rõ ràng hơn, hiểu ra chúng tôi đã thiển cận biết bao. Nhân dân Việt Nam đã cho phép chúng tôi học tập nhiều hơn, tăng thêm hiểu biết cho chúng tôi bằng cách giáo dục chính trị một cách sáng suốt và có phương pháp. Nhờ sự tiến bộ về tư tưởng, giờ chúng tôi đã bước sang phe hoà bình mà trong đó chúng tôi đã tiếp bước cùng đông đảo nhân dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của các quý hội, đồng tâm tranh đấu vì hoà bình ở Việt Nam bằng cách đòi hồi hương quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông và vì hoà bình thế giới.

        Là những chiến sĩ đấu tranh cho hoà bình, trở về nước, chúng tôi sẽ gia nhập một cách phấn khởi và nhiệt tình vào các quý hội để có thể đấu tranh tốt hơn cho hoà bình, để tỏ ra xứng đáng với nhân dân Pháp và cuộc đấu tranh của họ, xứng đáng với nhân dân Việt Nam và lòng hào hiệp của họ.

        Viết tại Việt Nam, ngày 25 tháng 12 năm 1951

        Ủy ban Hoà bình và Hồi hương

(Hồ sơ: No 1359)       

        Thư của đại biểu các tù binh người Phi thuộc Trại 25 gửi nhân dân châu Phi

        Việt Nam, ngày 25 tháng 12 năm 1951

        Đại biểu các tù binh người Phi ở Việt Nam

        thuộc Trại 25 được trả tự do chuyến Nô-en

        Gửi nhân dân châu Phi,

        Chúng tôi - một số tù binh người Phi được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trả tự do (chuyến Nô-en) hân hạnh cho các bạn biết rằng nhân dịp lễ Nô-en năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có thiện ý: tặng một món quà Nô-en, một món quà rất quý cho nhân dân châu Phi, đó là trả tự do cho một số lớn tù binh người Phi. Chính phủ Việt Nam đã giữ chúng tôi để giáo dục cải tạo và bây giờ vì chúng tôi đã đánh giá được rằng tư tưởng của chúng tôi đã chuyển biến tốt, chúng tôi đã trở lại con đường đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam gửi chúng tôi về nước. Đã hơn một năm nay chúng tôi bị giam giữ ở đất nước Việt Nam tự do. Trong suốt thời gian này, người Việt Nam chỉ muốn nói và chứng tỏ với chúng tôi rằng: “Các anh là kẻ thù khi các anh có vũ khí trên tay, nhưng một khi đã trong hàng ngũ chúng tôi thì các anh là những người bạn. Chúng tôi có bổn phận giáo dục cải tạo các anh và làm cho các anh trở lại là những con người tốt”.

        Chúng tôi, những tù binh, nghĩ rằng nhân dân Việt Nam đấu tranh chống cùng một kẻ thù như chúng tôi, đó là bọn thực dân phản động Pháp, những kẻ đang áp bức đất nước chúng ta. Các bạn nghĩ thế nào về những tên thực dân Pháp này?

        Đối với những tù binh chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng cần phải chiến đấu chống lại bọn chúng, những kẻ chỉ sống dựa vào của cải của người khác. Trong suốt thời gian sống trong hàng ngũ bọn thực dân, chúng tôi đã không thể biết tình hình của đất nước chúng tôi, đó là luôn luôn sống dưới ách đô hộ của chúng. Bị bắt làm tù binh ở Việt Nam, chúng tôi đã có thể hiểu được tình hình. Chính vì mục đích đó mà chúng tôi yêu cầu các bạn hãy chuẩn bị và tiến hành những phong trào đấu tranh vì hoà bình ở Việt Nam, hoà bình thế giới, hạnh phúc của nhân dân và độc lập của đất nước chúng ta.

        Chúng tôi, những người được Việt Nam trả lại tự do, sẽ trở về với các bạn để đoàn kết với các bạn tham gia vào cuộc chiến đấu này.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!

        Tình hữu nghị giữa các dân tộc muôn năm!

        Hoà bình và dân chủ thế giới muôn năm!

        Đả đảo bọn thực dân!

        Đại diện những người Sê-nê-gan: Saa Mansaré

        Đại diện những người Phi: Rahim

        Đại diện những người Ma-rốc: Moha Ben Barek

(Hồ sơ: No 1096)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:37:37 am »


        Thư của Thượng sĩ Stoeklin Roland gửi Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Pháp vì hoà bình

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày 1 tháng 4 năm 1954         

        Gửi Ngài Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Pháp vì hoà bình,

        Bị bắt làm tù binh ngày 21 tháng 6 năm 1952, sự tiếp xúc thường xuyên của tôi với nhân dân Việt Nam, với các cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân đã làm tôi hiểu được bộ mặt thực của Việt Nam, một bộ mặt trong sáng và cao quý trong chiến đấu, thanh thản và phấn khởi trong lao động, chỉ ra niềm tin của cả một dân tộc vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đấu.

        Đồng thời mắt tôi đã ghi nhận được những sự kiện của cuộc sống xung quanh tôi, trong suy nghĩ của tôi, xoá bỏ trong tôi ý nghĩ sai lầm và định kiến làm tôi thành một người máy ngoan ngoãn, dậy lên trong tôi và tung vào trận bão lửa và sắt vì cái gọi là lợi ích của nước Pháp.

        Vì vậy, để máu của các thanh niên Pháp ngừng loang trên các cánh đồng, để cho cái chết và sự đổ nát không còn phủ màu tang tóc trên mảnh đất Việt Nam nữa, để dừng lại sự giết chóc rối ren và không mục đích này, tôi muốn rằng những dòng chữ này, cùng với những dòng chữ khác đến từ khắp nơi trên trái đất, có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào một kết luận cụ thể của Hội nghị Giơ-ne-vơ.

        Thời gian ở đất nước Việt Nam tự do của tôi đã rất giàu kinh nghiệm và hôm nay còn cho phép tôi bày tỏ một cách chân thành về những điều kiện sống vật chất và tinh thần của tù binh ở Việt Nam, xoá bỏ những tuyên truyền dối trá của bọn thực dân Pháp về Việt Minh, về nhân dân Việt Nam, về sự đối xử đối với các tù binh.

        Ngay từ lúc tôi bị bắt, do bị thấm đầy sự tuyên truyền dối trá này, tôi nghĩ đến cái chết chắc chắn, thế mà, khi bị thương, tôi đã được chăm sóc ngay trên chiến trường. Lấy lại được sự bình tĩnh về thể xác và tinh thần, vì vậy tôi có thể nhận ra giá trị chiến thuật và kỹ thuật mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã tỏ ra trong cuộc chiến này. Vì vậy chứng tỏ rằng những “kẻ phản nghịch” này đã được tổ chức tốt, có kỷ luật, được trang bị mạnh và đã cư xử trên chiến trường bằng những chiến sĩ biết tôn trọng các điều khoản của Công ước Giơ-ne-vơ. Tiếp đó, ở tuyến sau cách mặt trận vài ki-lô-mét, tôi đã tham dự vào sự rút quân của một vài đơn vị chiến đấu của Việt Nam sau khi chiến thắng. Sự rút quân lặng lẽ, nhanh chóng, có trật tự, nơi những đội quân lặng lẽ đi vào phía núi bằng các đường mòn và khe nước. Họ mất hút sâu trong rừng. Không một ai trong họ cho tôi cảm giác bị bao vây. Không! Họ tin tưởng vào chính họ bởi vì tin vào sự nghiệp đúng đắn của mình, họ đang ở nhà họ, trên mảnh đất Tổ quốc của họ. Trên những gương mặt vẫn còn biểu lộ tinh thần chiến đấu của họ, thoảng qua một nụ cười, và trong những đôi mắt sáng của họ, tôi thấy lại niềm tin đó, lòng yêu nước nhiệt thành đó trong mắt của những người lính Pháp trong các cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít Hít-le trong chiến dịch giải phóng nước Pháp.

        Ở sâu trong đất nước, trong các vùng tự do, tôi đã là nhân chứng và mục tiêu thường xuyên của lòng độ lượng của nhân dân Việt Nam đối với kẻ thù hôm qua của mình. Khắp nơi, trong mỗi làng xã, trên các con đường, ở đồng bằng hay miền núi, người dân luôn chứng tỏ lòng tốt và sự nhã nhặn của mình.

        Ăn, uống, ngủ là nỗi lo thường xuyên của những con người dũng cảm này đối với tôi. Sau này, khi mà tôi đã sống và được ở trong nhà dân, khi mà mối quan hệ đã trở nên chặt chẽ và thân mật hơn, tôi thấy mở ra cho tôi mọi ý nghĩa cuộc sống của một dân tộc trong cuộc chiến đấu vì nền độc lập của mình.

        Khác với người dân vùng tạm chiếm, nổi lên sự lao động nhiệt thành, nụ cười trong sáng của người dân vùng tự do. Người ta cảm thấy, nhận thấy sự cố gắng của cả một dân tộc đã đặt mọi niềm tin và hy vọng của mình vào sự lãnh đạo sáng suốt của vị Chủ tịch và chấp nhận một cách vui vẻ mọi sự thiếu thốn do chiến tranh. Ở đâu những thanh niên ra đi để gia nhập Quân đội nhân dân; thì ở đó, họ được thay thế trong các công việc bằng những người phụ nữ và trẻ em. Mỗi người dù trai hay gái, dù già hay trẻ đều đóng góp vào bước tiến thắng lợi của cuộc kháng chiến của Việt Nam. Có thể nào khác khi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và mọi tầng lớp xã hội đều sát cánh tiến ra tiền tuyến và chiến đấu chống kẻ áp bức xâm lược thực dân và tiến hành xây dựng đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:38:18 am »


        Trước đây là thiếu kiến thức, hiện nhân dân đang tự học. Mỗi làng có trường học của mình, nơi già trẻ học được cái mà 80 năm ách thực dân đã che giấu họ. Hơn nữa, kế hoạch cải cách ruộng đất hiện hành cho phép người nông dân hiện nay có một cuộc sống bình thường mà ở đó họ được hưởng thành quả lao động của chính mình.

        Do sự ảnh hưởng của lòng yêu nước và để mà sự bao vây, sự cướp bóc của đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, công cụ của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không làm tổn hại đến nền kinh tế của đất nước cũng như đến sự thành công của cuộc đấu tranh của mình, nhân dân Việt Nam ngày càng tăng cường sản xuất (hai vụ lúa một năm, khai phá rừng, đưa vào canh tác đất bỏ hoang).

        Và tất cả những cố gắng lớn này, dù còn nhiều hạn chế do chiến tranh, dù bom đạn tàn phá dã man, tất cả những cố gắng này được chấp nhận một cách vui vẻ, bởi vì người dân đã nhận thấy mức sống được nâng cao, vì người dân muốn sống tự do và độc lập, vì người dân yêu hoà bình.

        Trong sự tuyên truyền dối trá của mình và để tìm ra lý do cho sự xâm lược Việt Nam của quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, chủ nghĩa thực dân Pháp rêu rao về “sự thờ ơ của dân tộc này đối với sự tự quản của chính mình”.

        Vậy mà từ gần chín năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sự thực vẫn còn đó để chứng minh rằng trong mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội cũng như về phương diện quốc tế, nước Việt Nam với chính quyền dân chủ và nhân dân của mình có thể quản lý được các vấn đề quốc gia và quốc tế.

        Trong các thành phố và làng mạc, tôi đã thấy các cơ quan hành chính của chính phủ hợp tác chặt chẽ và thân thiện với cơ quan lãnh đạo giải quyết cuộc sống hiện tại, tổ chức cuộc sống sau này và chuẩn bị cho tương lai của đất nước. Và về phương diện quân sự, những sự kiện còn đó để làm rõ sự thực và chỉ ra rằng cùng với lý tưởng đang khích lệ họ, các chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam được dẫn dắt, lãnh đạo và tổ chức một cách tuyệt vời.

        Trại tù binh nơi tôi sống không có một cái tên thực sự, không có hàng rào thép gai, và lại càng không có hàng rào bằng tre. Đó là một ngôi nhà như bao ngôi nhà khác ở một làng quê.

        Một chế độ ăn uống giống như chế độ ăn uống của chiến sĩ Việt Nam, một kỷ luật tự giác chấp hành bởi chính các tù binh chúng tôi. Ngoài chế độ ăn uống và những nhu cầu vật chất của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam - vẫn thường lo lắng đến sự thoải mái của các tù binh - còn bổ sung vào cuộc sống tinh thần và văn hoá của chúng tôi bằng cách cho chúng tôi quyền như là mọi công dân Việt Nam được theo các lớp học và nghiên cứu chính trị.

        Cũng vậy, nhờ tính độ lượng của chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi đã có thể biết được tình hình quốc tế, thấy được các phong trào ngày càng lớn của các dân tộc vì hoà bình và theo dõi sát sao cuộc đấu tranh của các dân tộc và đặc biệt là cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Đông Dương. Và tôi tham gia cùng với quần chúng công nhân và lao động của tất cả các dân tộc vì hoà bình để hô to:

        Đủ rồi! Cuộc chiến tranh bẩn thỉu này!

        Hãy hồi hương đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông!

        Sự thực không thể bị che giấu; chắc chắn nó cũng sẽ đi cùng năm tháng, chính vì vậy cùng với những bài giảng chính trị đã nhận được đóng góp và bổ sung vào những kinh nghiệm sống đã cho phép tôi thấy được ở đây, ở đất nước Việt Nam tự do và bây giờ biết được mục đích bẩn thỉu của những tên thực dân Pháp khát máu trong cuộn chiến tranh bẩn thỉu này. Tôi hy vọng rằng những dòng này trong khi làm tăng số lượng những chứng nhận và những biểu hiện cảm tình của các dân tộc khát khao hoà bình, có thể góp phần làm ảnh hưởng thuận lợi và sẽ làm tăng sức nặng của cán cân công lý vì tình hữu nghị và một nền hoà bình thế giới.

        Stoeklin Roland

        Thượng sĩ, 2/4 RMT

(Hồ sơ: No 1490)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:40:10 am »

        
        Thư của tù binh tại Liên khu 4 gửi Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Pháp vì hòa bình

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Ngày 3 tháng 4 năm 1954        

        Kính gửi ông Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Pháp vì hoà bình

        Chúng tôi - những tù binh người Ma-rốc, Áo, Pháp, từ lâu sống trong lòng nhân dân Việt Nam xin gửi đến Ông lời chào hữu nghị cùng với dẫn chứng chân thực về những sự thật mà chúng tôi đã được thấy trong suốt thời gian chúng tôi ở đất nước Việt Nam tự do.

        Chúng tôi mong rằng những dòng này - cho biết bộ mặt thực của Việt Nam tự do - kết hợp với những nghị quyết vì hoà bình của quần chúng công nhân và lao động Pháp và các nước khác, có thể đóng góp vào một kết luận cụ thể của Hội nghị Giơ-ne-vơ ngày 26 tháng 4 năm 1954.

        Bị bắt làm tù binh trong các trận chiến ở các vùng khác nhau, trong những giây phút khủng khiếp kế tiếp theo sau khi bị bắt đã làm cho chúng tôi nghĩ ngay đến những tuyên truyền dối trá của thực dân bởi vì những người bị thương đã được chăm sóc... và hôm nay tất cả chúng tôi ở đây là những nhân chứng sống của hành động cao thượng trên chiến trường của Quân đội nhân dân Việt Nam và sự tôn trọng của họ đối với các điều khoản của Công ước Giơ-ne-vơ.

        Thời gian trước đây của chúng tôi ở đội quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông và suốt thời gian ở nước Việt Nam tự do đã cho phép chúng tôi nhìn Đông Dương dưới hai phương diện khác nhau. Từ hai phương diện này, du khách vô tư sẽ không thể biết được rằng mặt tiêu biểu, giống như tất cả các thành phố khác của phương Đông, màu sắc sinh động của người dân, sự hấp dẫn của các dịa danh và những lợi ích có thể thấy ở đây. Nhưng chúng tôi, những cựu binh của đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông đã đi qua những vùng gọi là “ralliées” (quy thuận), chúng tôi đã gặp ở các làng quê những phụ nữ, trẻ em, người già chạy trốn hay run sợ khi chúng tôi lại gần; vì những thanh niên khoẻ mạnh thì không còn ở đó nữa. Họ đã đến nơi có tự do thực sự, coi thường một nền “độc lập” bị kiểm soát mà chính phủ bù nhìn đại diện cho tầng lớp quý tộc và cho tất cả những ai xun xoe xu nịnh muốn áp đặt họ. Đó có phải là nền độc lập khi mà ngay trong một chính phủ được dựng lên bởi chủ nghĩa thực dân Pháp muốn bảo vệ những lợi ích của chúng, được viện trợ bởi chủ nghĩa đế quốc Mỹ muốn tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận của chúng trong việc duy trì một trung tâm chiến tranh; chính phủ này lại nhờ đến quân đội nước ngoài để thử một cách vô ích giữ vững cái bệ đang bị lung lay của mình.

        Sự tuyên truyền của thực dân nhằm tìm cớ xâm lược Việt Nam bằng đội quân viễn chinh thường viện dẫn: “tiếp tục sự nghiệp khai hoá văn minh, giúp đỡ chính phủ bù nhìn Bảo Đại để bảo vệ nền độc lập của chính phủ này”. Vậy mà, đội quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông lại chỉ mang đến những tang tóc và đổ nát, lặp lại ở đây những tàn bạo do chủ nghĩa phát xít Hít-le phạm phải ở Pháp. Có phải đó là sự khai hoá văn minh? Liệu một quân đội nước ngoài trên đất nước xa lạ có thể bảo vệ được chính nghĩa mà chính nghĩa đó không phải của chúng ta? Không! Vì trong khi chống lại nhân dân Việt Nam, quân đội viễn chinh đã vi phạm các nguyên tắc được quy định bằng lời mở đầu của Hiến pháp nói: “Nước Pháp sẽ không bao giờ sử dụng sức mạnh của mình chống lại tự do của bất cứ một dân tộc nào khác”.

        Phải chăng đó là một nền độc lập khi mà chính phủ Vichy bằng quân đội của mình đã giao nộp những người kháng chiến yêu nước cho bọn phát xít Hít-le dã man và tàn bạo?

        Quân đội trong những vùng “bị kiểm soát” đó là quân đội của VBĐ (Việt Nam Bảo Đại - BBT) nơi những thanh niên bị ép phải nhập ngũ nếu không thì bị trả thù đối với gia đình họ, nơi các cán bộ và sĩ quan bị điều khiển bởi những lợi ích tiền bạc và vật chất. Chúng tôi đã chứng kiến những người đánh thuê này trên chiến trường: không có tinh thần chiến đấu, không khí thế, không lý tưởng trong cuộc chiến mà họ biết là sai lầm.

        Và trong các thành phố: ban ngày, cũng như ở Pháp trong suốt thời kỳ kháng chiến, nhân dân vẫn đi lại với một bộ mặt giả tạo không tỏ ra sự từ chối và càng không tỏ ra đồng ý với sự có mặt của chúng tôi. Nhưng khi màn đêm buông xuống là lúc mà họ tiến hành một cuộc sống thứ hai: thiết lập các mối liên lạc, tìm cách ủng hộ những người anh em của họ mà những người anh em này trong Quân đội nhân dân Việt Nam đang chiến đấu vì sự chính nghĩa, vì hạnh phúc và nền độc lập của họ.

        Chúng tôi chưa bao giờ thấy trong các thành phố hay trong các làng mạc bị kiểm soát những cuộc mít tinh để chào mừng chính phủ bù nhìn, nhưng chúng tôi đã thấy những chiếc ô tô hòm (limuzin) của Mỹ được cảnh sát hộ tống chạy dọc theo các đại lộ được trang hoàng cờ hoa, nơi sự đi lại bị cấm, nơi có cảnh sát đứng canh gác và nơi người dân thờ ơ, buồn tẻ, không để ý đến những người đang đi qua - những người coi thường và xa lánh dân chúng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM