Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:16:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện  (Đọc 37352 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:19:53 pm »


Ngày 15 tháng 4 năm 1954, tôi được lệnh bàn giao công việc chính của tôi (phụ trách kho trung tuyến về Dược) cho người khác để lên Ban Quân y tiền phương nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Cục trưởng và Cục phó cùng các đồng chí Từ Giấy, Đặng Hanh Khôi giao cho tôi hai nhiệm vụ phải làm như sau:

Một là, đại diện cho ngành y tham gia vào Ban tiếp quản của Tổng cục Cung cấp (sau này là Tổng cục Hậu cần). Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tham mưu trưởng Hoàng Điền, Ban tiếp quản này có đủ cán bộ của các Cục Quân y, Quân nhu, Quân khí, Vận tải (Nhu, Y, Khí, Vận), có nhiệm vụ tiếp quản toàn bộ tài sản của quân địch để lại trên khắp chiến trường.

Hai là, trong vòng hai tuần lễ phải tổ chức và sản xuất ra từ 3 đến 4 tấn thuốc tẩy trùng. (Bác sĩ Từ Giấy còn nhấn mạnh sản xuất càng nhiều càng tốt). Công thức cần phải có là vôi bột với 3% DDT. Thuốc DDT có sẵn 200kg trong kho thuốc tiền phương, như vậy công việc chính là sản xuất ra đủ lượng vôi bột để tạo thành thuốc tẩy trùng. Thuốc tẩy này cần có gấp để giải quyết vấn đề ô uế môi trường do sự phân hủy tử thi của địch trên khắp chiến trường (Tử thi phía ta, ta tự giải quyết kịp thời, không bỏ bất cứ tử thi nào, kể cả những tử thi không còn nguyên vẹn). Đặc biệt là phải giải quyết gấp ở những khu vực xung quanh dòng sông Nậm Rốm, để giữ cho nước sạch khi bộ đội và dân công vào tiếp quản khu này.

Nhận hai nhiệm vụ trên tôi vô cùng sung sướng, dù trước mắt còn nhiều khó khăn cần khắc phục mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Cục trưởng không hé ra một lời nào về cuộc chiến giữa ta và địch, nhưng tôi cảm thấy ngày chiến thắng đã gần kề, niềm vui và tin tưởng trong tôi rất cao.

Bây giờ có 3 việc phải suy nghĩ để hoàn thành nhiệm vụ thứ 2 là:

- Tìm người biết xây lò và nung vôi.

- Thực hiện lò nung không khói để tránh máy bay địch oanh tạc.

- Sản xuất và đóng gói kín, chống mưa ướt, bảo quản thuốc được tốt nhất trong điều kiện chiến trường.

Vấn đề tìm người biết nghề vôi, trong hàng vạn dân công và chiến sĩ, nhất định thế nào cũng có người biết. Tôi cùng 3 chiến sĩ của kho thuốc dã chiến đi khắp các đơn vị dân công của hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thanh Hóa, vì chúng tôi cho rằng hai tỉnh đó có nơi đã sản xuất ra vôi. Chỉ sau 3 ngày, ngày 19 tháng 4, hai dân công người Thanh Hóa là anh Nguyễn Cối và anh Lê Nguyên Mộc đã là các nhân vật chính chúng tôi cần đến, vì cả hai tự nhận đã làm nghề nung vôi ở quê nhà từ nhỏ. Thế là khó khăn cơ bản chúng tôi đã vượt qua.

Vấn đề xây lò nung vôi chống khói, lúc đầu tôi cho là khó nhất, nhưng khi phát động lấy ý kiến quần chúng, thì mọi chuyện đều trở nên dễ dàng. Lúc này đơn vị tôi được bổ sung thêm 25 dân công, 3 chiến sĩ của kho trung tuyến và tôi là 29 người. Chúng tôi đã họp nhiều giờ, mỗi người góp một ý kiến và đi đến quyết định xây lò đúng như bếp Hoàng Cầm, bếp mà quân đội ta đang sử dụng. Chỉ cần xây lò cao to theo ý định, đủ để ra khoảng 2-3 tấn vôi là được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:20:17 pm »


Lò được xây nhanh với nguồn đá tại chỗ. Địa điểm có núi đá vôi, có rừng già hiểm trở, rất kín đáo và thuận tiện. Lò xây bằng đá kết mối bằng bùn dẻo. Bùn dẻo có từ loại đất sét trắng được lấy ở khu ruộng lúa nước của dân quanh khu công trường. Vất vả nhất là việc đào hầm thoát khói để đề phòng địch phát hiện. Chúng tôi phải đào một đường hào dài gần 360 mét, rộng và sâu 1 mét. Trên mặt hào xếp các loại cây lá xanh tươi để khói thoát ra từ từ thành cụm. Cuối đường hào là hầm chứa khói để khói chưa tan hết có thể thoát dần. Hầm chứa khói này cao 2 mét, rộng 5 mét. Trong quá trình theo dõi, chúng tôi cho rằng đây là một công trình rất sáng tạo của quần chúng để có được một lò nung vôi chống khói hoàn hảo.

29 người ngày đêm thay nhau đào đắp, ngày 22 tháng 4, lò được đốt bằng củi gỗ dưới sự chứng kiến của toàn đoàn. Sau 3 ngày đêm, với sức nóng liên tục và kiên trì của những người dân công chăm chỉ, 6 giờ sáng ngày 26 tháng 4, mẻ vôi đầu tiên đã ra lò với chất lượng kỹ thuật đạt yêu cầu. Toàn đoàn đã chuẩn bị để có ngay mẻ vôi thứ hai và nó cũng được ra lò theo đúng tiến độ 3 ngày sau đó, ngày 29 tháng 4.

Có vôi cục rồi vấn đề đặt ra là nhanh chóng biến nó thành vôi bột. Ngay tức khắc chính những người dân công trong đoàn đã tạo ra những cối giã theo kiểu giã gạo ở miền xuôi. Không quản bụi vôi và mồ hôi nhễ nhại. Chúng tôi đã thay phiên nhau vào cối giã. Trộn 3% DDT vào vôi bột, chúng tôi đã có thuốc khử trùng rất tốt.

Một khó khăn rất lớn mà đoàn chúng tôi phải mất công đi nhiều nơi nhiều chỗ để tìm cách giải quyết, đó là vấn đề đóng gói. Thuốc khử trùng phải được bảo quản tránh không khí, mưa gió và mang vác gọn nhẹ khi sử dụng. Việc này chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị pháo binh - Cục Quân khí. Các anh đã cung cấp cho chúng tôi hàng trăm hộp cạc-tông, loại đựng pháo 105 ly đã được thải ra. Với 15kg thuốc khử trùng đựng trong một ống cạc-tông có đầy đủ nắp đậy, không sợ mưa ướt, không làm thuốc vón cục lại vừa cho người sử dụng. Một sự tận dụng rất sáng tạo mà các đồng chí pháo binh đã góp phần vào việc khắc phục khó khăn của chúng tôi.

Tối ngày 7 tháng 5 năm 1954, ngày đại thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, 300 ống thuốc khử trùng đã được vận chuyển vào Mường Thanh và ngay ngày 8 tháng 5 năm 1954, với sự tận tâm tận lực và dũng cảm của ĐỘI VỆ SINH PHÒNG DỊCH - Ban Quân y tiền phương (Cục Quân y) do đồng chí Nguyễn Ngọc Thảo làm đội trưởng (sau này đồng chí Thảo làm Cục trưởng Cục Quân y) cùng hàng trăm chiến sĩ được huy động để mang chất khử trùng này đi phủ lấp và tẩy uế tất cả các chất thải từ sinh hoạt, từ y khoa và đặc biệt là hàng ngàn xác chết của địch. Công việc khử trùng được làm suốt một khu vực rộng lớn Mường Thanh, Hồng Cúm và các nơi địch đóng quân rải rác khắp chiến trường Điện Biên Phủ. Sau 2 ngày (8 và 9-5) toàn thể khu vực chính ở chiến trường đã được tẩy sạch, quân dân ta đã được sống và hít thở không khí trong lành, tươi mát trong niềm vui đại thắng. Hầu hết mọi người đều không biết rằng chỉ cách đây vài ngày, chiến trường đã bị xú uế do địch gây ra như thế nào.

Câu chuyện tôi kể chỉ có vậy, nhưng tôi cho rằng đó là một minh chứng cho sự chỉ đạo rất cụ thể, rất sáng suốt của Bộ Chỉ huy chiến dịch, của Ban Quân y tiền phương, Tổng cục Cung cấp. Khi có sự chỉ đạo sát sao của cấp trên, bất cứ nhiệm vụ nào dù khó khăn phức tạp đến đâu, nếu ta biết dựa vào dân, dựa vào chiến sĩ thì mọi việc sẽ thành công mà nhiều khi ta không ngờ tới. Ở một chiến trường đầy bom đạn, máy bay giặc bay lượn suốt ngày đêm, vậy mà chúng ta có một công trình sản xuất rất hiệu quả, lại che mắt được quần địch, không một làn khói, không một tia lửa, không một tổn thất. Đây là một thành công của đoàn làm thuốc khử trùng, tuy nhỏ nhưng góp phần vào sự thành công rất to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhiệm vụ thứ nhất ở trong Ban tiếp quản thì tôi không kể các đồng chí và các bạn cũng biết. Toàn bộ súng ống, thuốc men, quân trang quân dụng đều được thu hồi để bổ sung cho các đơn vị quân đội và dân quân địa phương tiếp tục chiến đấu, và chỉ một thời gian ngắn sau chiến thắng Điện Biên Phủ, toàn bộ miền Bắc đã được giải phóng.

Qua câu chuyện nhỏ này tôi muốn thế hệ sau của chúng ta hiểu rõ hơn về chiến công của cha ông, về sự sáng tạo của quần chúng nhân dân, về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:00:05 am »


NGÀY VỀ - TRỞ LẠI THỦ ĐÔ
Thiếu tướng BÙI NAM HÀ
Nguyên Phó Tổng thanh tra Quân đội
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 Đại đoàn 308

Ngày 22 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, Trung đoàn 88 được lệnh ngừng chuẩn bị tiến công vào cụm cứ điểm thị xã Phủ Lạng Thương (tỉnh lỵ Bắc Giang) thu quân di chuyển về tập kết ở Phú Thọ đợi lệnh mới! Lệnh đình chiến! Một tâm trạng thật đặc biệt, khó tả.

Ngày 15 tháng 8 năm 1954, Chính ủy Song Hào được phong hàm Đại tá là Phó đoàn quân sự cùng Thiếu tướng, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đi Hội nghị Trung Giã bàn việc thực hiện đình chiến trên toàn quốc. Nhưng Bắc - Nam đã có thể thật sự thống nhất chưa? Ai cũng mong và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ! Hãy đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Người.

Cuối tháng 8 năm 1954. Mới hòa bình mà cũng bận chẳng khác gì lúc “đánh nhau”. Mà bận rộn cũng phải thôi vì cả Đại đoàn Quân Tiên phong được vinh dự thay mặt cho đại quân về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Hình như Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ được phong tướng và sẽ là Chủ tịch Ủy ban quân chính nhận bàn giao Hà Nội với Pháp thì phải? Tình cảm thật sôi nổi vui sướng. Trung đoàn Thủ đô (E102), Đoàn Bắc Bắc (E36), Đoàn Tu Vũ (E88), gồm những lính chiến nội ngoại thành, mùa xuân 1947 phải rút khỏi Hà Nội nhưng thề sẽ trở lại, hôm nay đã là một Đại đoàn kéo về tiếp quản Thủ đô. Tôi nghĩ khi vào Thành sẽ chạy xuống bãi Nghĩa Dũng xem nhà cửa ra sao, nghe nói quân Pháp đánh nhau với tự vệ “ác chiến” lắm, tan nát cả rồi.

Những ngày đầu tháng 9 năm 1954, chúng tôi hành quân 5 ngày đêm từ Việt Bắc về tập kết quanh Hà Nội: Trung đoàn 88 đóng quân tại Thanh Trì - sao lại ngẫu nhiên và trùng hợp thế, mới ngày nào (thế mà ngót 9 năm rồi). Đoàn Thanh niên Tuyên truyền vũ trang xung phong Thành Hoàng Diệu cũng “tập trung” ở Giáp Bát tối ngày 18 tháng 8 năm 1945 để trưa ngày 19 tháng 8 năm 1945, tổng khởi nghĩa chiếm trại Bảo an binh và trở thành đại đội du kích Hà Nội, Đại đội giải phóng quân số 1 của Thủ đô, tôi là tiểu đội trưởng được bầu là Trung đội trưởng Trung đội 3. Thế mà hôm nay mình lại cùng Trung đoàn mang quân về tiếp quản Hà Nội cũng từ hướng nam Hà Nội này, mấy hôm nữa sẽ vào làng “Giáp Bát” xem sao?.

Hôm nay được lệnh từ cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, mỗi đơn vị cử một đồng chí về huyện Lâm Thao dự cuộc họp đặc biệt. Cả trung đoàn cử 20 đại biểu, ủy ban quân chính Thanh Trì trưng dụng cho một xe khách RENAULT ngược lên Sơn Tây qua bến Trung Hà và đổ quân ở cửa Đền Hùng, trong lòng mỗi người đều xốn xang sâu lắng, tự hào về giống nòi con Lạc cháu Hồng của non sông đất nước Việt Nam. Vừa xuống xe đồng chí Thanh Quảng - Văn phòng Tổng Quân ủy đứng đón và nhanh nhẹn đưa anh em lên núi ngồi chờ họp ở các bậc thang đúng cửa chính diện Đền Hùng - cuộc hội tụ đủ mặt “chư vị anh tài” đủ 4 trung đoàn của Đại đoàn 308, tiếng cười nói râm ran, có cả những chuyện ba hoa têu tếu.

Bỗng có tiếng “kẹt”, khi cửa đền mở rộng hai cánh, một cụ già quắc thước bước ra, có anh Song Hào đi bên cạnh. Trời, đó là Bác Hồ, Bác giơ tay trìu mến: “Các chú đã đến đầy đủ à!”. Không khí im lặng chỉ không đầy 1 giây rồi bật lên tiếng tung hô vang động núi đồi:

Bác, Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

Bác! Bác ơi!

Là Chủ tịch nước, là lãnh tụ của Đảng sắp cùng Trung ương và Chính phủ về Thủ đô, nhưng giờ phút này, tại đền Vua Hùng, Bác vẫn giản dị trong bộ quần áo nâu, chiếc khăn quàng cổ và đôi dép cao su đen. Vẫn dáng bộ đĩnh đạc thân thương, Bác giơ hai tay lên cao và hạ xuống dứt khoát: “Các chú có mệt không?”. Theo lệnh Bác, mọi người ngồi im lặng và lắng nghe.

Chỉ tay lên đền thờ Vua Hùng, Bác căn dặn: “Đây chính là đền thờ Vua Hùng tổ tiên chúng ta, Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được. Thủ đô, tám, chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới thắng lợi trở về Hà Nội vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản là được nhận một vinh dự lớn.

Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

Sau đó Bác dặn tiếp: “Quân đội ta đừng vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng, còn đế quốc ở miền Nam, còn đế quốc trên thế giới thì còn phải xây dựng quân đội mạnh mẽ!”. Kết thúc câu chuyện, Bác nói: “Đồng bào Hà Nội mong chờ các chú từ ngày các chú ra đi, nay đang may cờ đỏ sao vàng chờ đợi hoan hô các chú, hãy xứng đáng với vinh dự đó, trách nhiệm đó!”.

Từ biệt Bác, chúng tôi nhìn theo dáng đi nhanh nhẹn, thoăn thoắt của Bác khuất vào núi rừng bạt ngàn, mênh mông của khu đền Vua Hùng bát ngát.

Lời Bác dặn cũng là lời non nước. Thấm nhuần lời dạy của Người, chúng tôi trở về ven đô Hà Nội với hào khí Thăng Long và tâm niệm rằng: rõ ràng thắng lợi to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao của ta vừa qua chưa phải là thắng lợi cuối cùng, con thuyền cách mạng còn phải vượt muôn ngàn gian khổ để giành lại đất nước không phải là đã biển yên sóng lặng mà còn gặp nhiều bão táp phong ba.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:01:27 am »


Theo kế hoạch tiếp quản, lực lượng gồm có Đại đoàn Quân Tiên phong 308 được tăng cường Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 (Đại đoàn 308 tiếp quản nội thành còn Trung đoàn 57 tiếp quản thị xã Hà Đông và một phần Thủ đô Hà Nội).

Lãnh đạo, chỉ huy tiếp quản gồm có hai tổ chức do Quân ủy và Trung ương quyết định:

Ủy ban tiếp quản nhận bàn giao các cơ sở quân sự - kinh tế - hành chính hoạt động từ 1 đến 9 tháng 10 năm 1954 do đồng chí Trần Danh Tuyên và đồng chí Trần Vỹ lãnh đạo.

Ủy ban Quân chính hoạt động từ ngày 10 tháng 10 năm 1954 quản lý toàn diện toàn thành và ngoại vi Thủ đô do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố làm Phó Chủ tịch.

Những ngày đầu tháng 10 năm 1954, theo kế hoạch bàn giao của Pháp và tiếp quản của ta, Ủy ban Liên hợp Pháp - Việt đình chiến bắt đầu hoạt động, ta đưa một bộ máy sĩ quan quân đội, một phân đội bộ đội và cảnh sát vào tổ chức gác chung trụ sở của Ủy ban Liên hợp ở cấp thành phố, quận và một số phường quan trọng. Trong những ngày đó, phía Pháp thiết quân luật toàn thành phố, bọn phản động đội lốt tôn giáo, ngụy quyền lập các trạm di cư, ủy ban bảo vệ Bắc Việt và có cả cái gọi là “trung đoàn thủ đô” để quyết giữ Hà Nội bằng bất cứ giá nào, không giao Hà Nội cho Việt Minh. Nhưng khi xuất hiện các xe của Ủy ban Liên hợp có cờ đỏ sao vàng chạy khắp các phố phường, các trạm gác liên hợp có bộ đội ta và lính Pháp gác chung thì mọi cái gọi là “ủy ban này, ủy ban nọ” và cả cái “trung đoàn thủ đô” cũng mất hút, giải tán không kèn, không trống. Thay vào đó là tình hình chuẩn bị đón quân ta trở về, trước còn hoạt động ban đêm, sau chuyển sang hoạt động cả ban ngày”.

Các ủy ban, đoàn thể đã hình thành trên từng khu phố, đặc biệt là phong trào nhuộm vải đỏ may cờ thật là sôi nổi. Các đội tự vệ được tổ chức để chống cướp, chống tháo máy, đấu tranh bảo vệ điện nước. Bọn ngụy quân, ngụy quyền rã ngũ hàng loạt.

Ngày 8 tháng 10 năm 1954, Trung đoàn 57 tiến vào tiếp quản thị xã Hà Đông, chuẩn bị cho các đơn vị của Đại đoàn Quân Tiên phong vào tiếp quản Hà Nội.

Ngày 9 tháng 10 năm 1954, ngày mà tất cả mọi người quân cũng như dân mong đợi đã đến. Từ sáng sớm tinh mơ, trên tất cả 4 cửa ô Hà Nội: Ô Đống Mác - Ô Bạch Mai -Ô Cầu Giấy - Ô Yên Phụ, từng đoàn xe phù hiệu quân đội sao vàng trên nền đỏ nối đuôi nhau chở đầy các chiến sĩ và cán bộ ngực lấp lánh huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” súng ống, lưỡi lê tuốt trần uy nghiêm, hùng dũng. Đồng bào ngoại thành hai bên đường ùa ra cổ vũ hoan nghênh đón chào đoàn quân tiếp quản. Trong khi đó, nơi phía quân Pháp còn quản lý thì phố xá im lìm, lạnh tanh, nhiều chiếc xe bọc thép chạy qua chạy lại ngó nghiêng.

Theo một hiệu lệnh thống nhất, tất cả các cánh quân đều cho nổ máy lăn bánh. Tiến vào thành phố nhận bàn giao của quân Pháp, các đồn bót, công sở, dinh thự trực tiếp quản lý từ phía Pháp - quân ngụy không được tham gia.

Ở phía bắc thành phố, Trung đoàn Thủ đô tiếp quản ô Cầu Giấy, Bưởi, Thụy Khê, Kim Mã, nội thành Hoàng Diệu, Phủ toàn quyền, nhà máy đèn, nhà máy nước được trao lại cho quân ta.

Từ phía tây nam thành phố, Trung đoàn Bắc Bắc vào chiếm lĩnh sân bay Bạch Mai, bệnh viện Cống Vọng, Khâm Thiên, ga Hàng Cỏ.

Phía đông nam thành phố, Trung đoàn Tu Vũ tiến vào đồn Ngọc Hồi, tiếp đến là khu Việt Nam học xá, nhà máy Rượu - Đồn Thủy, Viện Quân y Võ Tánh (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và các công sở quanh khu hồ Hoàn Kiếm. Thật xúc động, một tổ chiến sĩ Đoàn Tu Vũ mang cờ ra cắm trên đỉnh Tháp Rùa. Lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trước gió.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:02:24 am »


Một khung cảnh tương phản đã diễn ra, bên phía quân Pháp thì vắng tanh, vắng ngắt. Còn phía bên ta tiếp quản thì tưng bừng nhộn nhịp, sức sống lại được bừng lên mãnh liệt. Quân ta tiếp quân đến đâu thì cờ đỏ sao vàng mọc đến đó, thoắt đã biến thành rừng cờ khắp trên nóc nhà, cửa sổ, đầu xe, thậm chí cả xe đạp, xích lô. Người lớn, trẻ em đi bộ ai cũng có lá cờ phất phất trên tay. Quanh các trạm gác, bộ đội và quân dân quây quần thân thiết như những người thân xa nhau nay được gặp lại. Ở các nhà máy, các công sở, công nhân, nhân viên đều xếp hàng ra cổng đón tiếp niềm nở và hướng dẫn cán bộ ta đến nhận bàn giao cụ thể.

Đúng 16 giờ 30 phút, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên. Viên đại tá D’ Argence ôm “lá cờ tam tài” cùng Sainteny, tổng đại diện Pháp quay lại nhìn vào thủ đô Hà Nội rồi lặng lẽ lên xe và “cút thẳng” về phía Hải Dương.

Đêm hôm đó, Hà Nội bên ngoài yên tĩnh vì Ủy ban tiếp quản đã vào Thành và thiết quân luật, nhưng các phố đều bừng sáng các chụp đèn phòng thủ đã được tháo gỡ. Các chiến sĩ tuần tra trên hè phố cần mẫn, trang nghiêm, nhưng bên trong từng gia đình, từng cửa hiệu, từng công sở thì náo nhiệt, sôi động vì toàn thành  chuẩn bị cho ngày mai đón Đại quân và Bộ Tư lệnh Quân chính về Hà Nội.

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, mới chỉ 5 tháng trước đây, Đại đoàn Quân Tiên phong thay mặt các binh đoàn chiến thắng làm nhiệm vụ quân quản chiến trường Điện Biên Phủ, nơi có sở chỉ huy của tướng Đờcátxtơri - thì hôm nay 10 tháng 10 năm 1954, Đại đoàn lại vinh dự thay mặt toàn quân tiến vào quân quản thành phố Hà Nội, nơi đặt Sở chỉ huy của tướng Cô-nhi, tư lệnh các lực lượng viễn chinh Pháp quốc Hải ngoại Bắc Đông Dương.

Trên 2 hướng đông nam và tây bắc, đại quân ta tiến vào bằng hai cánh: Liên quân Đoàn Tu Vũ và Đoàn Bắc Bắc pháo binh cao xạ xuất phát từ Việt Nam học xá tiến vào nội thành qua đường Bạch Mai - Phố Huế - Hàng Bài - Hồ Gươm. Trung đoàn Thủ đô tiến quân từ Quần Ngựa qua Cửa Bắc, chợ Đồng Xuân - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Bông - nội thành.

Đoàn bộ của Ủy ban Quân chính đi theo hướng đông nam - mở đầu là xe dẫn đường của cảnh binh, tiếp sau là xe chỉ huy của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chủ tịch ủy ban Quân chính, người mà cách đây 9 năm là chỉ huy các lực lượng vũ trang Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám 1945, nay lại trở về Thủ đô giải phóng. Theo sau là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch ủy ban Hành chính Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. Đội hình sau đó là xe của cơ quan Quân quản các đoàn pháo binh - súng cối - cao xạ rầm rập tiến qua các đường phố lớn của Thủ đô. Hai bên đường hàng chục vạn đồng bào nội thành Hà Nội, cờ, hoa, hương án lư trầm nghi ngút hương thơm ngào ngạt - quần áo muôn màu rực rỡ có pháo nổ liên hồi, nghênh đón Đoàn quân giải phóng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:04:51 am »


Hôm qua (9-10-1954), Hà Nội rợp bóng cờ hoa, hôm nay không khí thêm xúc động. Những đôi chân hôm qua còn là “Vạn lý trường chinh”, hôm nay rầm rập tiến trên đường phố Thủ đô giữa rừng cờ, biển người với muôn ngàn bó hoa tung lên trong tình thương yêu trìu mến của đồng bào. Không gian Hà Nội như xao xuyến hẳn lên trong nhịp bước quân hành.

Lễ trường được tổ chức tại chân cột cờ cổ kính của thành Hoàng Diệu. Đúng 15 giờ, còi nhà hát thành phố nổi lên vang vang trầm bổng - đoàn quân nhạc cử bài Tiến quân ca dưới sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên nhạc trưởng (người từng chỉ huy dàn nhạc Bảo an binh mừng thành công của Cách mạng tháng Tám). Cả lễ trường im lặng, kính cẩn nhìn lên lá Quốc kỳ phấp phới bay trên đỉnh cột cờ cao ngất.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô yêu quý, trân trọng rõ từng lời:

“Tám năm qua, Chính phủ phải xa Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn cạnh đồng bào.

Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô, với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể!

... Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta”1


Những lời tâm huyết của Bác Hồ sao mà thiết tha, thấm thía, mọi người rưng rưng xúc động, tự hào về Đảng và lãnh tụ kính yêu; tự hào vì nhân dân và quân đội anh hùng.

Những ngày cuối tháng 10 năm 1945, trong thời gian làm công tác quân quản, Đại đoàn Quân Tiên phong được phân khu vực làm công tác dân vận, xây dựng chính quyền đoàn thể, xây dựng mối quan hệ đoàn kết keo sơn cá nước giữa quân và dân. Cán bộ, chiến sĩ đã tích cực góp phần giáo dục truyền thống cho học sinh và thanh thiếu niên. Nhiều đồng chí từng chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, nay dẫn mọi người đi thăm lại “chiến trường xưa” trong lòng Hà Nội, kể những mẩu chuyện chiến đấu mà mình tham gia.

Đây là Liên khu 1 anh hùng với những Hàng Thiếc - Hàng Đào - Hàng Ngang - chợ Đồng Xuân - Bắc Bộ Phủ - Trường Ke - nhà Xô Va, nơi Trung đoàn Thủ đô từng kiên cường chiến đấu, giam chân quân địch ròng rã 2 tháng, với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đây là trụ sở của Bộ Tổng tham mưu ở phố Nguyễn Du, nơi sinh ra Đại đội Tô Văn của tiểu đoàn 29. Kia là trường Bưởi, nhà Thủy phi cơ, Việt Nam học xá, nhà thương Cống Vọng, nơi tiểu đoàn 23 - tiểu đoàn 626 (sau này thuộc Trung đoàn Tu Vũ) đã chiến đấu quyết liệt để giành giật với địch từng căn nhà, từng đoạn phố, từng ngã ba đường.

Đây là Gia Lâm, cầu Đuống, Yên Viên, nơi mà nhiều đơn vị (sau được biên chế vào Trung đoàn Bắc Bắc và Trung đoàn Tu Vũ, thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong) từng có những trận đánh giáp lá cà, quần thảo quyết liệt với địch. Còn đây là trận địa pháo binh Láng – Xuân Tảo - Xuân Canh mà các pháo thủ Đoàn pháo binh đã từng giáng cho địch những đòn pháo kích mãnh liệt.

Tám năm đã trôi qua. Các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô năm xưa đã ra đi và hẹn sẽ có ngày trở lại. Họ đã không lỗi hẹn khi trở về trong chiến thắng.
____________________________________
1. Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2002, tr. 360.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:25:50 am »


VÀI MẨU CHUYỆN VỀ ĐỜCÁTXTƠRI
ĐỖ NGUYÊN QUÂN
Chiến sĩ Điện Biên

Đại tá Đờcátxtơri là dòng dõi nhà võ, quý tộc của nước Pháp, được chỉ định làm tư lệnh quân khu Tây Bắc kiêm tư lệnh Điện Biên Phủ, được các tướng lĩnh Mỹ và Pháp tâng bốc, khen ngợi hết lời. Đờ-cát kiêu căng rải truyền đơn thách ta đánh Điện Biên Phủ.

Đợt 1 mở đầu trận Him Lam và tiếp đến Độc Lập - Bản Kéo (13.3 - 17.3.1954) Phân khu Bắc bị tiêu diệt, tư lệnh pháo binh không khóa được miệng pháo binh Việt Minh nên đã tự tử, hai thiếu tá Kak và Mecquenem đang bàn giao ở đồi Độc Lập thì bị bắt, mất 3 đồn quan trọng ở cả phía bắc, đông, tây.

Để hà hơi tiếp sức cho tập đoàn cứ điểm, Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp phong hàm thiếu tướng cho Đờcátxtơri, họ chu đáo gửi cả hàm (lon) sao vạch, kèm theo mấy két rượu sâm banh, bánh kẹo quý để chỉ huy Điện Biên Phủ ăn mừng phong cấp...

Vợ Đờcátxtơri thì gửi dao cạo râu, xà phòng, nước hoa… để chuẩn bị cho lễ gắn hàm cấp tướng. Nhưng ác thay, quân của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đã cắt đứt sân bay. Pháo cao xạ của 367 đã áp sát, phong tỏa đường tiếp tế hàng không. Quà mừng tướng Đờ-cát bay đâu mất, không đến được tay tân thiếu tướng. Đờ-cát đành sai tùy tùng làm lon tướng 2 sao bằng vật liệu tại chỗ, ăn bánh mỳ khô, uống nước suông và nghe pháo Việt Minh bắn vào trung tâm chỉ huy trong lễ nhận cấp. Được phong cấp tướng trong lúc Điện Biên Phủ bị vây hãm, binh lính chui rúc trong chiến hào ngập bùn nước, thương bệnh binh kêu la trong hầm, bị dồn ép về trung tâm. Máy bay tiếp tế thả dù lương thực, vũ khí đạn dược, bị cao xạ ta bắn phải vọt lên cao, nên số nhận được lúc có lúc không.

Đợt 2: Từ 16 giờ 30 phút ngày 30 tháng 3 năm 1954, ta mở đợt tấn công vào hệ thống cứ điểm phía đông, tiêu diệt 3 cứ điểm, bức rút 1 cứ điểm, địch cố giữ điểm số 5. Phía tây bắc ta diệt 1 cứ điểm, bức hàng 1 cứ điểm. Tiếp đến đợt 3, bắt đầu đêm 30 tháng 4 năm 1954, vòng vây ngày càng thắt chặt. Ta tấn công ào ạt. 17 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đờ-cát và Cô-nhi gọi điện cho nhau.

Đờ-cát: Thưa tướng quân của tôi, tình hình thật trầm trọng. Tôi nghĩ cuộc chiến đã gần đến hồi kết thúc. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng.

Cô-nhi: Vâng, tôi hiểu rõ. Ngài sẽ chiến đấu đến cùng. Không có việc kéo cờ hàng phải không?

Đờ-cát: Không. Chúng tôi sẽ phá hủy các đại bác đồ quân dụng và máy vô tuyến điện vào lúc 17 giờ 30 phút.

Cô-nhi: Xin cảm ơn.

Đờ-cát: Chúng tôi sẽ chiến đấu đến phút cuối cùng. Tạm biệt tướng quân. Nước Pháp muôn năm!

Ít ai, kể cả tướng Cô-nhi và Na-va, biết được rằng lúc 16 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, ở Hà Nội phu nhân Đờcátxtơri đã nhận được điện của chồng. Trong tiếng vọng của đạn pháo Việt Minh, Đờ-cát nói với vợ: “Em yên tâm, đừng lo ngại gì. Anh bị bắt làm tù binh. Anh sẽ trở về gặp em”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:26:21 am »


17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng 4 chiến sĩ xung kích của Đại đoàn 312 đã thọc vào hầm chỉ huy của Đờ-cát, trong khi các mũi khác tỏa ra tiêu diệt các ổ đề kháng và bao vây chặt khu vực sở chỉ huy. Đội trưởng Tạ Quốc Luật lệnh cho đồng chí Nhỏ ném thủ pháo vào cửa hầm, tiểu đội trưởng Hoàng Đăng Vinh, đội trưởng Luật và đồng chí Nhỏ cùng xông vào cửa hầm hô to: Hô lê manh (giơ tay lên). Một tên sĩ quan Pháp run run nói: “Toàn thể bộ tư lệnh Điện Biên Phủ xin đầu hàng”.

Hai chiến sĩ khác xuống cửa hầm thứ 2. Trong hầm có Đờ-cát và hơn 20 sĩ quan bộ tham mưu, máy phát điện vẫn chạy, đèn sáng, trên bàn vẫn còn một đống giấy đang cháy âm ỉ.

Tiểu đội trưởng Hoàng Đăng Vinh kể lại: Khi đồng chí Luật hạ lệnh đầu hàng. Tất cả đều giơ tay hàng, trừ Đờ-cát. Đồng chí Luật bảo đồng chí Vinh bắt Đờ-cát phải giơ tay hàng. Hoàng Đăng Vinh tiến lên trước, mắt mở to, môi mím chặt để gây ấn tượng, khẩu Tôm-xơn chĩa về phía Đờ-cát. Ông ta vội đứng lên, chìa bàn tay phải ra. Nghĩ rằng Đờ Cát muốn bắt tay, Vinh hơi lúng túng nhưng lại tự nhủ không thể chấp nhận được, liền hô to: “Hô lê manh” rồi dí nòng súng vào bụng Đờ-cát. Hắn lùi lại 2 bước, giơ tay lên và nói một câu được đồng chí Luật dịch là: “Đừng bắn! Tôi xin hàng”.

Ngày 20 tháng 5 năm 1954, Hoàng Đăng Vinh gặp lại Đờ-cát trong cảnh quay phim của nhà điện ảnh Rôman Cácmen, Khi đối mặt, một cán bộ ta chỉ đồng chí Vinh và hỏi Đờ-cát: “Ông biết anh này là ai không? Ông ta nghĩ một lúc rồi trả lời: Nếu không nhầm tôi gặp anh ấy rồi.

Anh cán bộ khen Đờ-cát có trí nhớ tốt, Đờ-cát nói với Hoàng Đàng Vinh: “Tôi sẽ rất vinh dự nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”. Đồng chí Vinh trả lời: “Ông chỉ láo toét. Ông làm sao chỉ huy được tôi. Chính tôi là người đã bắt ông”.

Khi tất cả bộ chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ được giải về Sở chỉ huy Đại đoàn 312. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng thận trọng hỏi lại: “Có chắc chắn là tướng Đờ-cát không? Phải thận trọng đối chiếu với ảnh và chữ ký, kiểm tra nhân dạng của Đờ-cát”. Đồng chí Hồ Quang Hóa lúc đó là Trưởng ban Tác chiến Đại đoàn 312 đã kiểm tra kỹ lưỡng. Tuy vậy, Đại tướng vẫn cử đồng chí Cao Pha - Phó ban 2 mặt trận trực tiếp xuống xác minh, đề phòng địch đánh tráo chỉ huy. Đứng ở hàng trên, Đờ-cát đội mũ đỏ, cầm gậy chỉ huy, mặt cúi xuống đất.

Đại đoàn 304 tiếp tục tiêu diệt nốt bọn địch ở Hồng Cúm. Đến 2 giờ 30 phút ngày 8 tháng 5 năm 1954, toàn bộ quân địch còn lại ở Điện Biên Phủ bị bắt. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký, ta chủ trương nghiêm chỉnh chấp hành việc trao trả tù binh. 9 giờ sáng thứ 7 ngày 3 tháng 9 năm 1954, tại Việt Trì. Hôm ấy vào ngày nghỉ lễ của người Pháp, nên các sĩ quan Pháp về Hà Nội từ sớm để chuẩn bị tiệc rượu và vui chơi. Ở lại chỉ có hạ sĩ quan, binh lính, thì xe của ta chở tướng Đờ-cát tới. Ta trao trả theo đúng thủ tục nhưng phía Pháp lính tráng đang cởi trần, mặc đồ lót, râu rậm rì. Vì vậy cuộc đón tiếp của phía Pháp dành cho Đờ-cát không được trang trọng lắm. Không rõ khi về Hà Nội, tướng Đờ-cát có được đón tiếp long trọng không? Nhưng dù sao cuộc nói chuyện với vợ hồi 16 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954 cũng đã được thực hiện.

Năm 1968, đoàn đại biểu của ta đàm phán với Mỹ ở Pa-ri, trong một bữa tiệc, ta có mời Đờ-cát dự. Tướng Hồ Quang Hóa, thành viên của Đoàn, nguyên Trưởng ban Tác chiến Đại đoàn 312, người ta đã thẩm tra nhân thân Đờcátxtơri ở Điện Biên Phủ kể lại: “Trong bữa tiệc, nhiều phóng viên nước ngoài đã xúm lại hỏi ông ta về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đờ-cát trả lời: Mỹ hãy cút khỏi Việt Nam”.

Khi trở về với vợ con và gia đình, Đờcátxtơri cũng muốn trở lại thăm Điện Biên Phủ nhưng ông ta đã không may mắn như nhiều cựu chiến binh Pháp năm xưa. Nhiều người trong số họ đã quay lại thăm Điện Biên Phủ ngày nay. Riêng Đờ-cát đã không thực hiện được điều đó. Thật đáng tiếc!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:28:29 am »


NHỚ CUỘC ĐUA XE ĐẠP NĂM 1994 VỀ CỘI NGUỒN ĐIỆN BIÊN PHỦ
Đại tá NGUYỄN HÙNG THẮNG
Nguyên Phó CHT Bộ CHQS TP. Hồ Chí Minh
Nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 59 Trung đoàn 88, Đại đoàn 308

Anh chị em vận động viên đua xe đạp người miền Nam và một số anh em người miền Bắc từ lâu rất khát khao được tận mắt tham quan di tích Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử “Lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ý nguyện của anh em đã trở thành hiện thực khi được Tổng cục Thể dục Thể thao và bộ môn đua xe đạp tổ chức cuộc đua xe đap về nguồn - về Điện Biên Phủ.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Thành phố Hồ Chí Minh, anh em trong Ban tổ chức đã xin gặp Đại tướng và trình bày lộ trình cuộc đua. Đại tướng rất hoan nghênh ý tưởng đó. Sau khi nghe Ban tổ chức báo cáo dự kiến lộ trình, Đại tướng quan tâm, căn dặn cần chú ý những đoạn đường nguy hiểm như dốc Cun (Hòa Bình), đèo Mộc Châu, đèo Pha Đin, v.v... Ngoài ra, do thời tiết luôn thay đổi trong ngày và ở độ cao so với mặt nước biển gần 1.000 mét, có rất nhiều ta-luy dễ sập, nên cần bố trí cho anh em đi khảo sát trước nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho đoàn đua. Đại tướng động viên, chúc Ban tổ chức và đoàn đua hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đoàn đua có 22 đơn vị trong nước và 3 vận động viên nước ngoài tham gia. Ngoài đoàn đua nam, còn có một đoàn đua nữ.

Cuộc đua xuất phát từ Hà Nội, điểm xuất phát là tiền sảnh nhà Quốc hội, đối diện với quảng trường Ba Đình. Một điều vinh dự, trước giờ xuất phát, đoàn đua đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến động viên. Trong đoàn đua, có tay đua Vũ Văn Bảy vốn là cua-rơ xuyên Đông Dương thời Pháp thuộc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là chiến sĩ xe thồ cung cấp gạo cho chiến trường, được Đại tướng bắt tay thăm hỏi ân cần.

Trong cuộc đua lịch sử này, lần đầu tiên Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh có bộ phận truyền hình đi theo đoàn để đưa tin về lễ kỷ niệm và truyền hình trực tiếp các chặng đường đua để nhân dân cả nước theo dõi.

Dọc đường, đoàn đua đã nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ nhiệt tình của chính quyền và nhân dân các địa phương, rất đông đồng bào các dân tộc tập trung hai bên đường xem, vẫy cờ, hoa, cổ vũ. Đặc biệt, ở các thị trấn, thị xã như Hòa Bình, Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo, nhân dân ra đón, tiễn rất đông, nên cuộc đua càng thêm phần hào hứng, sôi nổi.

Đoàn đến Điện Biên Phủ trước lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức 2 ngày. Ban tổ chức đã tổ chức cuộc đua xung quanh thị xã Điện Biên với cự ly 36 km cho nhân dân xem. Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh là người đã phất cờ cho đoàn đua xuất phát trước đồi A1. Đoàn đua nữ chỉ đua cự ly 18 km. Cả hai đoàn đua nam nữ đều xuất phát một lần và về đích trước đồi A1, một trong những điểm quan trọng trong tổng thể di tích Điện Biên Phủ.

Ngoài dự lễ kỷ niệm, đoàn đua còn được đi viếng nghĩa trang đồi A1, thăm Him Lam, Độc Lập, Sở chỉ huy Mường Phăng, v.v... Trên đường đua về Hà Nội, đích đến cuối cùng cũng là điểm xuất phát trước tiền sảnh nhà Quốc hội, đúng lúc Quốc hội đang họp tạm nghỉ ra đón đoàn đua về đích.

Sau cuộc đua, Ban tổ chức đã cùng một số vận động viên nước ngoài đến nhà Đại tướng để báo cáo toàn bộ diễn tiến và kết quả cuộc đua. Đại tướng khen ngợi và tặng mỗi người một cuốn sách “Chiến thắng Điện Biên Phủ” có chữ ký của Đại tướng.

Khi ra về, tất cả mọi người ai cũng vui mừng phấn khởi, tăng thêm niềm tự hào về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, về thế hệ cha anh, những người đã làm nên chiến thắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2016, 08:33:03 am »


THƠ


Tiếng chim đêm quân hành

“Bắt cô trói cột” rừng xanh1
Chập chùng nhớ khúc quân hành Điện Biên.
Qua rồi đã mấy mươi niên
Tuổi cao đọng lại chút duyên xuân thì
Hành quân chiến dịch còn ghi
“Quyết tâm khắc phục”2 chim gì hở anh?
“Bắt cô trói cột” rừng xanh
Tiếng chim gợi nhớ quân hành bên nhau
Thời gian trôi bạc mái đầu
Năm mươi năm lại thăm cầu Mường Thanh...
Nao nao Nậm Rốm uốn quanh,
Nhớ thương chiến sĩ tóc xanh thuở nào!

                                            HOÀNG VĂN HIỂN


Tiến vào trận địa

Đến gần trận địa hôm nay.
Mọi người tấp nập như mây gặp rồng.
Kể sao cho hết anh hùng.
Xông lên giết giặc vô cùng vẻ vang.
Đường đi nước ngập mênh mang.
Dưới chân lội nước trên ngàn trời mưa.
Dù là cơm sáng cơm trưa.
Miếng cơm trộn lẫn nước mưa của trời.
Anh em ta vẫn vui tươi.
Tiến lên trận địa người người hô vang.
Súng to súng nhỏ sẵn sàng.
Hô lên một tiếng nổ vang khắp trời.
Đánh cho giặc chết tơi bời.
Đánh cho giặc chết bỏ đời tại đây.
Đánh cho lừng lẫy chiến trường.
Đánh cho giặc Pháp đau thương suốt đời.
Bảo cho giặc Pháp biết rằng.
Việt Nam đất nước anh hùng muôn năm.

                                              VĂN THỊ PHƯƠNG HOA

______________________________________
1. Rừng Điện Biên Phủ đêm hành quân nghe tiếng chim “bắt cô trói cột”.
2. Bộ đội hành quân đổi “bắt cô trói cột” thành “quyết tâm khắc phục”
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM