Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:29:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện  (Đọc 37361 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:46:48 pm »

Tên sách: Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2009
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



Chỉ đạo nội dung:
BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG
CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN PHỦ TẠI TP.HỒ CHÍ MINH

Ban Biên soạn.
- Đại tá MINH CAO (Trưởng ban)
- Đại tá HOÀNG MINH PHƯƠNG
- Nghệ sĩ điện ảnh LÊ NGUYÊN
- Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
- Thượng tá ĐOÀN HOÀI TRUNG


Kính dâng hương hồn các Anh hùng Liệt sĩ
Đã ngã xuống cho Tổ quốc Hòa bình, Độc lập, Thống nhất, Tự do.
Kính tặng Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp
Chiến sĩ Điện Biên Phủ số 1
và các đồng chí, đồng đội thân yêu!




LỜI NÓI ĐẦU

Bạn đọc và các Chiến sĩ Điện Biên Phủ thân mến!

Hưởng ứng đề nghị của Ban Liên lạc, thời gian qua, nhiều Chiến sĩ Điện Biên Phủ nghỉ hưu tại Thành phố mang tên Bác đã viết hồi ký kể lại những mẩu chuyện xúc động về trận quyết chiến chiến lược hào hùng, gian khổ và ác liệt “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” diễn ra vào mùa xuân năm Giáp Ngọ, cách đây vừa đúng 55 năm. Ban Liên lạc đã chọn lọc, biên tập những bài mới viết và một số bài đã in trong tập “Đồng đội Điện Biên Phủ, ngày ấy - bây giờ” do Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành năm 2004 để xuất bản nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954-7.5.2009). Chúng tôi mạn phép sửa lại đầu đề của một số bài để tránh trùng lặp và phù hợp với nội dung hồi ký.

Do một số tác giả không ghi rõ cấp bậc, chức vụ của mình trước khi nghỉ hưu hoặc chức vụ, đơn vị mình khi tham gia chiến dịch, Ban Biên tập lại không biết được hết địa chỉ của tác giả để đề nghị bổ sung, nên không giới thiệu được đầy đủ trong tập sách này. Một số bài do sự hạn chế về nội dung và cách hành văn nên không sử dụng được. Mong các đồng chí thông cảm.

Những cựu chiến binh có hạnh phúc tham gia trận đánh năm xưa và vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”, ngày nay tuổi đã già, tóc đã bạc. Mọi người đều thấy trách nhiệm phải ghi lại những gì mình đã trải qua hoặc mắt thấy tai nghe để lớp trẻ và các thế hệ mai sau được biết. Do vậy mà tập hồi ký lần này mang tên “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”; cũng như ở thế kỷ 13 - thiên niên kỷ trước, sau ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, “những lính già đầu bạc” cũng đã “kể mãi chuyện Nguyên Phong” (Bạch đầu quân sĩ tại, vãn vãn thuyết Nguyên Phong) để mãi mãi nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc.

Rất mong các đồng chí chưa có bài trong tập sách này sẽ viết tiếp, để chúng tôi bổ sung trong các lần tái bản sau này.

Chúc các đồng chí mạnh khỏe, sống lâu, gia đình hạnh phúc!

   
   
Xuân Kỷ Sửu 2009
   Ban Liên lạc Truyền thống
   Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP. Hồ Chí Minh
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Tư, 2020, 08:18:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 11:00:38 pm »


NẮM NGẢI CỨU TRÊN ĐẦU TỔNG TƯ LỆNH

Đại tá HOÀNG MINH PHƯƠNG
Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4,
Trung đoàn phó - Trợ lý Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Có những sự kiện lịch sử mà bụi thời gian không thể phủ mờ... Có những chiến công hiển hách tồn tại mãi với dân tộc, với loài người tiến bộ. Chiến thắng Điện Biên Phủ mùa xuân năm Giáp Ngọ (1954) là một chiến công như thế!

Là một cựu chiến binh từng công tác ở Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch, tôi xin góp một số tư liệu, nhằm làm sáng tỏ thêm quá trình hình thành chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” và chủ trương “đánh chắc tiến chắc”, những chủ trương liên quan trực tiếp đến thất bại hay thành công của trận quyết chiến chiến lược này. Trong quá trình đó, ấn tượng sâu sắc nhất còn lưu mãi trong tôi là những nắm ngải cứu trên đầu vị Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, sau 11 ngày đêm trăn trở và một đêm thức trắng, trước khi hạ được một quyết tâm sáng suốt và táo bạo ở thời điểm cuối cùng!

Hồi đó tôi là cán bộ cấp trung đoàn, làm Trưởng đoàn cán bộ phiên dịch Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp làm phiên dịch và sĩ quan liên lạc giữa Tổng Tư lệnh và Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu với Trưởng và Phó đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc. Tôi được giao nhiệm vụ này vì biết tiếng Trung Quốc và có trình độ nhất định về chính trị - quân sự, nhất là sau khi được Đảng cử sang học tập ở Học viện Mác-Lênin Bắc Kinh năm 1949-1950.

Cũng cần nói rõ: Theo đề nghị của Trung ương Đảng ta, Đoàn cố vấn quân sự được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang Việt Nam từ tháng 8 năm 1950 để giúp quân đội ta kinh nghiệm tiến hành tác chiến tập trung, đưa cuộc kháng chiến chuyển mạnh sang giai đoạn mới. Trưởng đoàn là đồng chí Vi Quốc Thanh, một cán bộ cách mạng lâu năm, lịch lãm và chín chắn, từng lãnh đạo, chỉ huy binh đoàn (cấp trên quân đoàn) của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Phó đoàn kiêm Tham mưu trưởng là đồng chí Mai Gia Sinh, từng là Quân đoàn trưởng, một cán bộ quân sự nhiệt tình, nhiều kinh nghiệm. Theo cách xưng hô của bạn, cán bộ ta thường gọi là Vi đoàn trưởng, Mai phó đoàn trưởng hoặc đồng chí Vi, đồng chí Mai...

Cơ quan Tổng hành dinh đặt giữa rừng đại ngàn Việt Bắc. Nơi đây, mùa thu 1953, bộ óc cuộc kháng chiến đang phân tích kế hoạch quân sự mang tên viên Tổng chỉ huy thứ 7 của đội quân viễn chinh xâm lược Pháp ở Đông Dương. Với sự phối hợp và giúp đỡ của tình báo Trung Quốc, ta đã có trong tay bản kế hoạch vào hạ tuần tháng 10: Na-va (Navarre) đề ra mục tiêu trong vòng 18 tháng tiêu diệt phần lớn chủ lực của quân đội ta, giành một thắng lợi chiến lược quyết định, buộc Chính phủ ta phải đàm phán theo những điều kiện do Pháp đề ra, nhằm kết thúc chiến tranh mà vẫn duy trì được quyền lợi thực dân của chúng.

Kế hoạch Na-va chia làm hai bước:

Bước 1: Trong Đông Xuân 1953-1954, trên chiến trường Bắc Đông Dương, tránh giao chiến lớn với chủ lực Việt Minh, thực hành phòng ngự chiến lược, giữ vững đồng bằng Bắc Bộ, bảo vệ Thượng Lào (trước hết là Luang Prabang và Cánh Đồng Chum). Trên chiến trường Nam Đông Dương, thực hành tiến công chiến lược, đánh chiếm các căn cứ kháng chiến của đối phương, trước hết là vùng tự do Liên khu 5 và Khu 9. Đi đôi với hoạt động tác chiến, ra sức bình định các vùng chiếm đóng, đẩy mạnh bắt lính, đôn quân, đồng thời tăng quân từ Pháp sang để khẩn trương xây dựng một lực lượng cơ động chiến lược mạnh, đủ sức đè bẹp đối phương vào năm tới.

Bước 2: Từ mùa thu năm 1954, sau khi đã giành được ưu thế về lực lượng cơ động chiến lược, thực hành tổng giao chiến trên chiến trường miền Bắc (từ vĩ tuyến 18 trở ra), giáng cho chủ lực Việt Minh những đòn nặng nề, tạo thế mạnh đi vào đàm phán, tìm “lối thoát danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược.

Để thực hiện kế hoạch chiến lược nói trên, mùa thu năm 1953, Na-va tập trung một lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ. Với lực lượng đó, y vừa sẵn sàng đối phó được với cuộc tiến công Thu Đông của chủ lực ta mà y phán đoán là có nhiều khả năng xảy ra ở đồng bằng; vừa đối phó được với chiến tranh du kích trong vùng chúng chiếm đóng ở Bắc Bộ, lại vừa tạo được thế uy hiếp các vùng tự do rộng lớn của ta ở Thanh - Nghệ - Tĩnh, Trung du và Việt Bắc. Dưới khẩu hiệu “luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công”, Na-va cho quân tập kích sâu vào hậu phương ta ở Lạng Sơn, thả hàng ngàn biệt kích xuống Tây Bắc, mở các cuộc càn quét dữ dội ở các vùng tạm chiếm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 11:01:14 pm »


Lúc bấy giờ, đồng chí Vi Quốc Thanh về nước mới sang, đã cùng Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - mà chúng tôi quen dùng tên gọi thân mật là anh Văn - lên gặp Bác Hồ ở Khuổi Tát. Đây là một bản nhỏ của người Dao trên đỉnh núi, ở vùng giáp ranh hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Bác ở và làm việc trong một nhà sàn nhỏ trên sườn núi, có rừng tre che khuất.

Sau khi nghe báo cáo kế hoạch của địch, Bác nói: “Na-va có rất nhiều tham vọng, muốn giành thắng lợi lớn về quân sự. Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh”.

Theo sự chỉ đạo của Bác, anh Văn và đồng chí Vi Quốc Thanh bàn bạc và nhất trí đề nghị với Tổng Quân ủy và Bộ Chính trị: dùng một bộ phận quân chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương chủ động mở các cuộc tiến công trên những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu và sơ hở, nhằm tiêu diệt sinh lực địch giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán quân cơ động để đối phó. Tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới. Theo dõi sát tình hình để khi thời cơ xuất hiện thì nhanh chóng tập trung chủ lực, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Sau khi chủ trương tác chiến Đông Xuân được Tổng Quân ủy và Bộ Chính trị thông qua, Bộ Tổng tham mưu đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến:

Trong Đông Xuân 1953-1954, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Bước 1: dùng Đại đoàn 316 tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc. Bước 2: Đại đoàn 316 phối hợp với Trung đoàn 148 của khu Tây Bắc, cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Pathét Lào giải phóng tỉnh Phong Xa Lỳ của bạn. Hướng này do các đồng chí Lê Quảng Ba, Chu Huy Mân, Tư lệnh và Chính ủy Đại đoàn 316 phụ trách.

Hướng Trung và Hạ Lào, sử dụng Trung đoàn 66 của Đại đoàn 304, Trung đoàn 101 của Đại đoàn 325 do đồng chí Hoàng Sâm, Tư lệnh Đại đoàn 304 và đồng chí Trần Quý Hai, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 325 phụ trách, phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam và lực lượng của bạn, tiến công vào các vị trí xung yếu, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, khai thông hành lang Nam Bắc Đông Dương.

Hướng Tây Nguyên, sử dụng 2 Trung đoàn 108 và 803, chủ lực của Liên khu 5, do đồng chí Nguyễn Chánh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 5 trực tiếp chỉ huy, đánh chiếm khu vực Bắc Tây Nguyên, phá âm mưu bình định miền Nam Việt Nam của địch.

Hướng đồng bằng Bắc Bộ: Đại đoàn 320 và các trung đoàn chủ lực của Liên khu 3 có nhiệm vụ chiến đấu thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, đánh phá giao thông, phá hỏng các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường thủy và đường không của địch.

Ở các vùng địch tạm chiếm từ Trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Trung Bộ đến Nam Bộ, Lào và Campuchia, sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao rộng rãi sinh lực địch, giành đất, giành dân, buộc địch phải căng mỏng lực lượng ra đối phó.

Khối chủ lực còn lại (gồm các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 304 (thiếu Trung đoàn 66), Đại đoàn công binh - pháo binh 351 và Trung đoàn bộ binh 246) giấu quân bí mật tại vùng trung du, sẵn sàng cơ động lên Tây Bắc và đánh địch tiến công ra vùng tự do của ta.

Đối với Đại đoàn bộ binh 325 (thiếu Trung đoàn 101) thì để lại Trung đoàn 18 hoạt động ở Bình Trị Thiên, Trung đoàn 95 ra Nghệ An chỉnh huấn, sẵn sàng làm lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh.

Kế hoạch tác chiến Đông Xuân của ta chưa triển khai thì ngày 15 và 16 tháng 10 năm 1953, Na-va đã ra tay trước bằng cuộc hành binh Hải Âu (Mouette) đánh ra tây nam Ninh Bình và cuộc hành binh Con bồ nông (Pélican) đánh vào vùng ven biển Thanh Hóa. Nhưng sau hơn 20 ngày chiến đấu, đòn tiến công thăm dò của địch hòng phá kế hoạch chuẩn bị của ta đã hoàn toàn thất bại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 11:01:56 pm »


Ngày 19 tháng 11 năm 1953, trong một khu rừng thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Tổng tư lệnh triệu tập hội nghị quân chính từ cấp trung đoàn trở lên để phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân. Hội nghị đang họp thì được tin ngày 20 tháng 11 địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sau mấy phút hội ý với Thiếu tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tạm dừng cuộc họp một lúc để kịp thời xử trí tình hình:

- Chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu đôn đốc Đại đoàn 316 hành quân gấp lên Lai Châu. Chậm nhất ngày 6 tháng 12 năm 1953, đại bộ phận lực lượng của đại đoàn phải có mặt ở Tuần Giáo.

- Lệnh cho Đại đoàn 304 hành quân nghi binh lên Tây Bắc rồi bí mật luồn rừng về Phú Thọ, giấu quân kín đáo, sẵn sàng đánh địch tiến công ra vùng tự do hoặc cơ động đi hướng khác khi tình hình đòi hỏi.

- Các Đại đoàn 308, 312, 351 sẵn sàng chuẩn bị để khi có lệnh là lên đường.

- Bộ Tổng tham mưu cử ngay bộ phận đi trước lên Tây Bắc bằng ô tô để bố trí Sở chỉ huy tiền phương.

Ngày 23 tháng 11 năm 1953, để chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ trước tình hình mới, khi kết luận hội nghị, anh Văn nói đại ý:

“Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, mặc dù ta không phán đoán được cụ thể địa điểm và thời gian, nhưng cũng nằm trong dự kiến trước của ta là: Nếu Tây Bắc và Thượng Lào bị uy hiếp thì địch sẽ tăng viện lên hướng đó. Như vậy là Na-va đã bắt đầu bị động. Ta cần tìm hiểu thêm ý đồ của địch. Rồi đây, chúng có thể tăng cường lực lượng, xây dựng tập đoàn cứ điểm và cũng không loại trừ khả năng địch rút. Nhưng vô luận tình hình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta”.

Hội nghị sắp kết thúc thì Bác Hồ đến thăm. Không khí cuộc họp sôi nổi và càng thêm ấm cúng. Từ lâu, đã thành thói quen là mỗi lần có hội nghị để chuẩn bị cho một chiến dịch lớn, Bác Hồ thường đến thăm và dặn dò cán bộ trước khi lên đường ra trận. Bác khen ngợi các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và nhất trí với phương án tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh. Bác nhấn mạnh: “Vì tình hình địch có thể còn thay đổi, nên các chú phải luôn luôn nắm vững phương châm chỉ đạo tác chiến mà Bộ Chính trị đã đề ra là: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Lời động viên và dặn dò của Bác đã tăng thêm niềm tin và quyết tâm của cán bộ trước khi bước vào một cuộc chiến đấu mà mọi người thấy trước là sẽ ác liệt hơn trước rất nhiều. Đó là vì, sau khi đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã tăng cường can thiệp vào Đông Dương, viện trợ ồ ạt cả về tài chính và vũ khí cho quân đội Pháp. Kế hoạch Na-va chính là sản phẩm của sự cấu kết giữa 2 tên đế quốc.

Sau khi làm việc cụ thể với cán bộ các chiến trường xa, anh Văn, anh Thái cùng mấy cán bộ tham mưu tập trung nghiên cứu tình hình Tây Bắc. Tiếp đó anh Văn hội ý với đồng chí Vi. Vấn đề đặt ra là: Địch sẽ giữ cả Lai Châu và Điện Biên Phủ, hoặc rút quân từ Lai Châu về, tăng cường xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm để duy trì sự có mặt của quân đội Pháp ở Tây Bắc và che chở cho Thượng Lào? Hoặc sau khi đón được địch ở Lai Châu, địch ở Điện Biên Phủ cũng có khả năng rút chạy? Khi đại bộ phận chủ lực ta đã tiến sâu vào Tây Bắc, liệu địch có khả năng đánh ra vùng tự do ở Trung du và Việt Bắc hay không?

Hai người nhận định: Na-va là một viên tướng có tầm nhìn chiến lược và những chủ trương rất táo bạo, ta phải tỉnh táo đề phòng. Việc điều động các đơn vị chủ lực phải được tiến hành từng bước. Trước mắt, cần cho ngay Đại đoàn 308 tiến lên Tây Bắc, nhanh chóng bao vây Điện Biên Phủ, đề phòng địch rút chạy, đồng thời chuẩn bị tiến công tập đoàn cứ điểm nếu chúng chấp nhận giao chiến với ta. Các Đại đoàn khác như 304, 312, 351 vẫn giấu quân ở Tuyên Quang, Phú Thọ rồi tùy tình hình mà xử trí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2016, 03:58:27 pm »


Ngày 26 tháng 11 năm 1953, bộ phận nhẹ đi trước của tiền phương Bộ Tổng tư lệnh lên đường đi Tây Bắc. Cơ quan tham mưu do anh Hoàng Văn Thái - Phó Tổng tham mưu trưởng phụ trách, lấy bí danh là anh Thành. Cùng đi có anh Cao Pha - Cục phó Cục Quân báo và các bộ phận Tác chiến, thông tin, cơ yếu, bảo đảm sinh hoạt. (Anh Đỗ Đức Kiến - Cục phó Cục Tác chiến đã được cử đi trước mấy hôm để chuẩn bị Sở chỉ huy tiền phương). Cơ quan chính trị do anh Lê Liêm - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách, lấy bí danh là anh Lê. Cơ quan cung cấp do anh Đặng Kim Giang, Phó chỉ nhiệm Tổng cục Cung cấp1 phụ trách, lấy bí danh là anh Đặng. Về phía bạn có đồng chí Mai Gia Sinh và một số cố vấn tham mưu. Tôi cũng được phân công đi trước để giúp hai đồng chí Thái và Mai làm việc.

Bộ phận đi trước của tiền phương Bộ Tổng tư lệnh đi bằng ô tô ra trận. Trừ mấy chiếc xe Jeep của các đồng chí lãnh đạo, còn lại là xe vận tải Mô-lô-tô-va do Liên Xô viện trợ. Chỉ riêng điều đó cũng nói lên một bước trưởng thành đáng phấn khởi của quân đội ta. Nhớ lại thời chiến dịch Biên Giới mùa thu năm 1950, khi Bác Hồ ra trận, Bác ngồi xe vận tải và cũng chỉ đi được từng đoạn, vì đường chưa thông suốt, lại rất nhiều ổ gà, Bác bảo đi bộ còn sướng hơn!

Để tránh máy bay và giữ bí mật, chúng tôi ngày nghỉ, đêm đi, từ căn cứ núi Hồng qua Đèo Khế, vượt sông Lô ở bến Bình Ca quen thuộc. Qua cây số 5 và Đoan Hùng, chúng tôi quặt lên Yên Bái rồi vượt sông Thao ở bến Âu Lâu. Tại đây anh Thái và đồng chí Mai gặp anh Vương Thừa Vũ đang chuẩn bị cho Đại đoàn 308 tiến vào Tây Bắc. Sau khi nghe tình hình chuẩn bị chiến đấu của đại đoàn, anh Thái dặn anh Vũ khi qua Nà Sản, nhớ cho cán bộ nghiên cứu kỹ cách tổ chức phòng ngự của tập đoàn cứ điểm. Nếu đánh Điện Biên Phủ, 308 chắc chắn sẽ là đơn vị chủ công...

Vượt sông Thao, chúng tôi bắt đầu đi sâu vào Tây Bắc bao la, qua những vùng vừa được giải phóng cuối năm 1952. Lúc này đường từ Âu Lâu qua Ba Khe, qua đèo Lũng Lô mới mở để đến Vạn Yên đã được sửa xong. Đường từ Vạn Yên đến Tạ Khoa đã được mở rộng. Bến Tạ Khoa đã có phà cho ô tô vượt sông Đà. Nhìn những đoạn đường ngoằn ngoèo mới sửa, những thành cao vách đứng bên bờ vực thẳm trên đèo Lũng Lô, chúng tôi nghĩ đến bao mồ hôi và cả máu của bộ đội công binh, dân công và các cán bộ giao thông công chính đã đổ xuống trên tuyến đường hiểm trở này. Đây là đường 13 nối liền Yên Bái với Cò Nòi trên đường 41. Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị phải bảo đảm thông suốt cho cả xe vận tải và xe kéo pháo trước khi bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Vượt qua ngã ba Cò Nòi, ngày 30 tháng 11, đoàn chúng tôi đến Nà Sản. Anh Thái và đồng chí Mai dừng lại đây một ngày để nghiên cứu tập đoàn cứ điểm mà địch mới rút bỏ chưa đầy 4 tháng.

Thu Đông 1952, quân ta mở chiến dịch Tây Bắc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng gần hết vùng Tây Bắc, gồm các tỉnh Yên Bái, Sơn La và Lai Châu (trừ thị xã và khu vực xung quanh). Địch phải thu thập tàn quân và các lực lượng ở Tà Khoa, Cò Nòi, Sơn La về Nà Sản, lập thành tập đoàn cứ điểm. Sang đợt 3 chiến dịch, ta chủ trương tiến công Nà Sản.

Đêm 30 tháng 11 năm 1952, ta tiêu diệt Pú Hồng và Bản Hồi, nhưng sau đó địch phản kích chiếm lại Pú Hồng. Đêm 1 tháng 12 năm 1952, ta đánh Nà Xi và Bản Vầy đều không thành công. Nguyên nhân là bộ đội đã đuối sức sau gần 2 tháng chiến đấu liên tục, địch lại có ưu thế về pháo binh và không quân, ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm.

Nghiên cứu xong Nà Sản, đồng chí Mai bàn với anh Thái: “Một nguyên nhân quan trọng khiến năm ngoái ta chưa thành công là do chưa có khả năng kiềm chế pháo binh và hạn chế hoạt động của không quân địch. Năm nay, bộ đội Việt Nam đã có lựu pháo 105 ly và pháo cao xạ 37 ly, lại đã qua nghiên cứu cách đánh tập đoàn cứ điểm, nên nhất định là chúng ta đánh được. Tập đoàn cứ điểm cũng có nhiều sơ hở. Ta cần khẩn trương lên mặt trận nắm tình hình và chuẩn bị sẵn phương án tác chiến”.
______________________________________
1. Nay là Tổng cục Hậu cần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2016, 03:59:21 pm »


Lúc bấy giờ, ta chỉ mới có bản đồ Tây Bắc tỷ lệ 1/100.000, khu vực Điện Biên Phủ vẫn còn để trắng. Sau khi địch nhảy dù, theo yêu cầu của ta, tên sĩ quan bị bắt hồi tháng 11 năm 1952 khi ta giải phóng Điện Biên Phủ lần đầu, đang ở trại tù binh Chiêm Hóa, đã vẽ tay một sơ đồ Điện Biên Phủ. Ngoài dòng sông Nậm Rốm và các ngọn đồi phía Đông, các chi tiết khác còn sơ sài.

Đêm 4 tháng 12 năm 1953, đoàn xe vượt đèo Pha Đin dài hơn 30km, qua những dãy núi cao sừng sững che kín cả một vùng trời. Máy bay địch tăng cường đánh phá. Sáng 5 tháng 12, anh Thái được Bộ Tổng tham mưu điện cho biết: địch đang rút các đơn vị Âu Phi ở Lai Châu về Điện Biên Phủ bằng đường không. Anh lệnh ngay cho Đại đoàn 316 đang trên đường tiến lên Tuần Giáo đẩy nhanh tốc độ hành quân, không để cho bọn địch còn lại ở Lai Châu rút chạy.

Sáng 6 tháng 12, đoàn đến Sở chỉ huy tiền phương đầu tiên của Bộ Tổng tư lệnh ở hang Thẩm Púa, ngang cây số 15 trên đường Tuần Giáo đi Mường Thanh. Bộ Tổng tham mưu điện cho biết thêm: địch đã lệnh cho các đơn vị lính ngụy ở Lai Châu rút về Điện Biên Phủ theo đường bộ qua Mường Pồn. Ngày 7 tháng 12, anh Thái trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 316 tiêu diệt quân địch rút chạy, giải phóng Lai Châu. Lệnh cho Đại đoàn 308 gấp rút tiến về Điện Biên Phủ, cho đơn vị đi đầu nhanh chóng vòng theo đường tắt xuống chốt chặn ở phía nam Hồng Cúm, đề phòng địch rút chạy về hướng Thượng Lào.

Ngày hôm sau, anh Thái triệu tập cán bộ công binh, giao nhiệm vụ cùng với thanh niên xung phong và dân công gấp rút mở rộng đường Tuần Giáo đi Mường Thanh, bảo đảm cho xe kéo pháo và xe vận tải có thể vào sát chiến trường. Cục Quân báo được giao nhiệm vụ khẩn trương tổng hợp các nguồn tin để báo cáo cụ thể tình hình địch.

Lúc này, căn cứ vào báo cáo và bản vẽ của các mũi trinh sát tiền phương và các đơn vị thuộc Trung đoàn 148 đã bám sát và đánh địch từ đầu, kết hợp với tin trinh sát kỹ thuật, ta đã nắm được tương đối cụ thể địa hình và các vị trí đóng quân của địch. Binh lực địch đã lên đến 9 tiểu đoàn. Chúng đã san bằng thị trấn Mường Thanh để xây dựng Sở chỉ huy và trận địa pháo. Sân bay Mường Thanh đã được sửa chữa và sử dụng. Hằng ngày, máy bay vận tải liên tục chở các loại trang bị kỹ thuật thả dù hoặc hạ cánh. Địch đang tập trung xây dựng các cụm cứ điểm Him Lam, đồi A1 và các ngọn đồi khác ở phía đông, ở nam bắc sân bay. Ở phía tây đã có cứ điểm Cang Na và một vài nơi đang đào công sự. Sau đó, địch đóng thêm Bản Kéo và một vị trí tiền tiêu ở đồi Độc Lập.

Trinh sát phát hiện ở Hồng Cúm cũng đã có địch và máy bay trực thăng lên xuống. Tuy nhiên, phần lớn công sự còn làm theo kiểu dã chiến, phòng ngự địch ở phía tây còn nhiều sơ hở. Anh em báo cáo: Một chiến sĩ trinh sát có lần vào gần sân bay lấy dù tiếp tế và phục bắt tù binh, đến sáng không ra được, đã giấu mình trong đống dù nằm ăn đồ hộp và ngủ cả ngày mà địch không hề hay biết!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2016, 03:59:48 pm »


Ngày 9 tháng 12 năm 1953, căn cứ vào tình hình địch và địa hình, hai đồng chí Thái, Mai cùng một số cán bộ và Cố vấn tham mưu bàn cách đánh. Có hai phương án được đề ra:

- Một là: Dùng toàn bộ lực lượng chia làm nhiều hướng đánh cùng một lúc, có sự chi viện và hiệp đồng chặt chẽ của pháo binh và cao xạ. Một mũi đột kích mạnh của bộ binh sẽ từ phía tây và tây nam thọc sâu vào Sở chỉ huy, giống như một lưỡi gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn.

- Hai là: Bao vây địch dài ngày rồi đánh dần từng bước một, lần lượt tiến công từng trung tâm đề kháng bằng nhiều trận công kiên kế tiếp, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch.

Đồng chí Mai gọi cách đánh thứ nhất là “chiến thuật moi tim” (Oa tâm tạng chiến thuật), cách đánh thứ hai là “chiến thuật bóc vỏ” (bóc bì chiến thuật). Đồng chí phân tích: Năm ngoái đánh Nà Sản, ta dùng chiến thuật bóc vỏ, lần lượt đánh từng vị trí, lại không có trọng pháo tầm xa để chế áp pháo binh và Sở chỉ huy địch, nên chúng tập trung được toàn bộ hỏa lực của tập đoàn cứ điểm chi viện cho từng vị trí bị tiến công. Ta thương vong nhiều mà không dứt điểm được. Mà có dứt điểm thì cũng không giữ được, như vị trí Pú Hồng. Ở Điện Biên Phủ hiện nay, địch còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, công sự chưa vững chắc, lại có nhiều sơ hở ở phía tây. Ta nên tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh bằng sức mạnh mới của bộ pháo hiệp đồng (hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh), dùng chiến thuật moi tim để tiêu diệt địch. Nếu không đánh sớm, địch tăng thêm binh lực, hỏa lực, củng cố công sự và hoàn chỉnh thế bố phòng thì e sẽ gặp khó khăn.

Anh Thái đặt vấn đề: làm thế nào để đưa pháo vào trận địa khi ta chủ trương đánh sớm, đánh nhanh mà chưa kịp làm đường cho xe kéo pháo? Làm thế nào để hạn chế tác dụng của máy bay, pháo binh, giảm bớt thương vong khi ta đánh liên tục cả ban ngày?

Đồng chí Mai giải đáp: “Sau khi hoàn thành việc mở rộng đường Tuần Giáo - Mường Thanh, ta chỉ cần đốn cây, phạt cỏ rồi dùng sức người kéo pháo vào trận địa. Việc này chúng tôi đã từng làm, tuy có khó khăn vất vả, nhưng sẽ tạo được bất ngờ lớn. Về việc đối phó với máy bay và pháo địch, ta có khả năng làm được: trận đánh sẽ bắt đầu bằng một trận pháo cấp tập dữ dội, làm cho pháo địch và máy bay thường trực ở sân bay bị tổn thất nặng ngay từ đầu. Tiếp đó là các mũi đột kích của bộ binh thọc sâu vào chia cắt đội hình, mũi chủ yếu đánh thẳng vào Sở chỉ huy và trung tâm thông tin theo kiểu “nở hoa trong lòng địch” (tâm trung khai hoa). Ta làm được như vậy thì các trận đánh ban ngày sẽ diễn ra trong thế địch ta xen kẽ. Máy bay và pháo địch không dễ dàng bắn trúng đội hình chiến đấu của ta mà không gây thương vong cho quân của chúng. Tôi được thông báo là các tiểu đoàn pháo cao xạ của Liên Xô viện trợ và đưa qua Trung Quốc huấn luyện đã tiến bộ khá nhanh. Trước khi về nước, cán bộ và chiến sĩ đã nắm vững chiến thuật và kỹ thuật. Đây là một lực lượng đáng tin cậy để hạn chế hoạt động của không quân địch”.

Sau khi cân nhắc thuận lợi và khó khăn về cách đánh cũng như về khả năng đảm bảo hậu cần, hai đồng chí nhất trí chọn phương án đánh nhanh thắng nhanh để chuẩn bị báo cáo với anh Văn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2016, 04:02:07 pm »


Trong khi đó thì ở hậu phương, ngày 6 tháng 12 năm 1953, tờ trình của Tổng Quân ủy gửi lên Bộ Chính trị đã dự kiến: “Thời gian tác chiến ở Điện Biên Phủ ước độ 45 ngày, không kể thời gian tập trung bộ đội và làm công tác chuẩn bị. Trận đánh có thể bắt đầu vào trung tuần tháng 2 năm 1954. Dự kiến này đã được tính toán theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.1

Hạ tuần tháng 12, anh Văn báo cáo tiếp tình hình mới, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Như vậy là, sau khi buộc địch phải bị động phân tán khối chủ lực của chúng, phải vội vã ném những đơn vị lính dù và bộ binh tinh nhuệ nhất xuống một vị trí cô lập ở vùng rừng núi, cách xa các căn cứ lớn của chúng ở đồng bằng, ta đã chủ động tạo ra thời cơ và tích cực nắm lấy thời cơ, buộc địch phải “tổng giao chiến” sớm hơn một năm so với ý định ban đầu của chúng.

Ngày 1 tháng 1 năm 1954, Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch. Anh Văn được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy, anh Thái làm Tham mưu trưởng, anh Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị, anh Giang làm Chủ nhiệm Cung cấp. Cả ba anh đều được chỉ định là ủy viên Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ.

Anh Văn lên Khuổi Tát chào Bác Hồ trước khi lên đường. Bác hỏi:

- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?

- Các đồng chí Tổng Tham mưu phó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp đều đã có mặt ở trên đó. Sẽ tổ chức cơ quan tiền phương Bộ Tổng tư lệnh. Việc ở nhà có anh Nguyễn Chí Thanh và anh Văn Tiến Dũng. Chỉ trở ngại là ở xa, không thường xuyên xin được ý kiến Bác và Bộ Chính trị.

Bác nói:

- Tổng Tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định... Và Bác không quên dặn kỹ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”.

Ngày 5 tháng 1, anh Văn cùng Sở Chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tư lệnh lên đường đi Tây Bắc. Cùng đi có các anh Trần Văn Quang - Cục trưởng Cục Tác chiến, Lê Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục Quân báo, Hoàng Đạo Thúy - Cục trưởng Cục Thông tin. Về phía bạn có đồng chí Vi Quốc Thanh và một số cố vấn.
___________________________________
1. Lịch sử Bộ Tổng tham mưu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nxb QĐND, H. 1991, tr. 730.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2016, 04:03:13 pm »


Qua Tuyên Quang, anh Văn ghé thăm vị trí trú quân của đơn vị pháo đã lên đường cách đó mấy hôm. Qua địa phận Phú Thọ giáp với Yên Bái, anh ghé thăm Đại đoàn 304, lệnh cho Trung đoàn 57 gấp rút hành quân lên Điện Biên Phủ, chỉ để Trung đoàn 9 ở lại bảo vệ hậu phương1. Như vậy, tiếp theo 3 Đại đoàn 316, 308, 312 đã lần lượt tiến lên Tây Bắc, Đại đoàn công pháo 351 và Trung đoàn 57 cũng đã lên đường.

Sau khi vượt đèo Pha Đin để lên Tuần Giáo, anh Văn ghé thăm cán bộ chỉ huy các tuyến vận tải tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Sáng 12 tháng 1 năm 1954, anh Văn đến Tuần Giáo. Chợp mắt được một lúc thì anh Thái đã từ Sở chỉ huy ra đón. Anh Thái tranh thủ báo cáo tình hình địch, ta, địa hình Điện Biên Phủ và phương án đánh nhanh thắng nhanh đã bàn với đồng chí Mai và anh Liêm, anh Giang. Anh Văn cảm thấy phương án này không ổn, trái hẳn với dự kiến của Tổng Quân ủy trình lên Bộ Chính trị ngày 6 tháng 12 năm 1953. Anh muốn vào sớm để gặp cán bộ và nghe thêm tình hình cụ thể. Chiều 12 tháng 1, anh Văn đi tiếp vào Sở chỉ huy ở hang Thẩm Púa, tranh thủ triệu tập hội nghị Đảng ủy. Trong cuộc họp, tất cả các đảng ủy viên đều nhất trí chọn phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Mọi người cho rằng, quân ta đang sung sức, quyết tâm chiến đấu rất cao, lại có trọng pháo và cao xạ lần đầu xuất trận, ta có thể tạo bất ngờ và đánh thắng. Nếu không đánh sớm, để tập đoàn cứ điểm được tăng cường quá mạnh, ta sẽ bỏ lỡ cơ hội đánh tiêu diệt lớn trong Đông Xuân này. Đánh dài ngày sẽ rất khó giải quyết vấn đề tiếp tế: Tại khu vực Điện Biên Phủ, mỗi ngày tiêu thụ gần 50 tấn gạo. Nếu tính từ Sơn La trở lên, bình quân phải có 90 tấn gạo ngày cho cả bộ đội và dân công. Địch sẽ tăng cường đánh phá đường tiếp tế vận chuyển độc đạo của ta. Nếu chiến dịch kéo dài thì làm sao có đủ gạo ăn mà đánh được? Đó là chưa tính đến đạn dược, thuốc men. Về tư tưởng, bộ đội vốn thích về đánh ở đồng bằng, nay thì đã bước đầu thông suốt, hăng hái, quyết tâm; nhưng nếu ở chiến trường rừng núi quá lâu, ăn uống kham khổ, bệnh tật phát sinh thì cả thể lực cũng như ý chí đều có thể dần dần giảm sút...

Anh Văn không nhất trí với những ý kiến đó. Dĩ nhiên đánh nhanh, thắng nhanh có nhiều điều lợi, nhưng vấn đề mấu chốt là có bảo đảm chắc thắng hay không? Bộ đội ta, tuy đã được chuẩn bị về tư tưởng và chiến thuật để đánh tập đoàn cứ điểm, nhưng chưa có kinh nghiệm thực tế. Ta còn phải mất thêm một thời gian nữa để làm đường và kéo pháo. Địch còn có thể tăng quân, xây dựng công sự và bố phòng ngày càng chắc. Ngay bây giờ đánh nhanh đã khó. Rồi đây, chắc chắn lại càng khó hơn. Anh Văn sang bàn với đồng chí Vi Quốc Thanh, hy vọng sẽ có sự đồng tình của Trưởng đoàn cố vấn. Anh Văn đặt vấn đề: “Đồng chí nghĩ gì về chủ trương đánh sớm, đánh nhanh?”. Đồng chí Vi nói: “Tôi đã gặp đồng chí Mai Gia Sinh và các cố vấn cùng đi chuẩn bị chiến trường với cán bộ Việt Nam, trong đó có một ngày dừng lại ở Nà Sản đề nghiên cứu kỹ tập đoàn cứ điểm mà quân Pháp vừa rút bỏ. Qua bài học Nà Sản, tất cả đều nhất trí là ở Điện Biên Phủ lần này ta nên tranh thủ đánh sớm đánh nhanh và có nhiều khả năng đánh thắng”. Anh Văn trình bày những suy nghĩ của mình về trình độ tác chiến của bộ đội ta và so sánh binh hỏa lực của hai bên trên chiến trường, cho rằng khó có khả năng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong thời gian ngắn. Suy nghĩ một lúc, đồng chí Vi nói: “Nếu không tranh thủ đánh sớm khi địch còn đứng chân chưa vững, để nay mai chúng tăng quân và củng cố công sự thì không đánh được, ta sẽ bỏ mất thời cơ”.
_________________________________
1. Trung đoàn 9 cuối tháng 4-1954 lên Điện Biên Phủ, Trung đoàn 66 hoạt động ở Trung Lào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2016, 04:04:22 pm »


Tuy vẫn không tin vào phương án đánh nhanh thắng nhanh, nhưng anh Văn tự thấy mình vừa mới đến chiến trường, chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được các đồng chí đi trước lựa chọn, lại là đã số trong Đảng ủy và được tất cả các đồng chí bạn đồng tình. Cũng không còn thời gian xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị, vì không thể trao đổi vấn đề tuyệt mật này qua điện đài; viết thư cho cán bộ cầm về thì không thể kịp. Anh đồng ý triệu tập hội nghị cán bộ vào ngày 14 tháng 1. Anh dặn anh Cao Pha cho điều tra thật kỹ những vị trí địch ở cánh đồng phía tây, trên hướng đột kích chủ yếu vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Anh yêu cầu báo cáo tình hình địch mỗi ngày 2 lần, đặc biệt là hiện tượng đột xuất thì phải báo cáo ngay, bất kể ngày hay đêm. Anh trao đổi riêng những suy nghĩ của mình với đồng chí Hiếu, chánh văn phòng; dặn là biết vậy để giúp anh theo dõi, không được nói với bất cứ ai.

Anh Nguyễn Văn Hiếu nguyên là chính ủy trung đoàn được điều về Văn phòng Tổng chính ủy - đồng thời là Văn phòng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh khoảng giữa năm 1949. Từ chiến dịch Biên giới đến chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn theo anh Văn ra mặt trận. Có lần, anh Hiếu1 tâm sự với tôi: “Đi giúp việc anh Văn trong thời gian khá dài, tôi học được rất nhiều điều: anh luôn luôn bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng, kể cả trong những trường hợp rất khó khăn. Tôn trọng tổ chức, nhẫn nại chờ đợi để tạo sự nhất trí trong cơ quan lãnh đạo, phát huy sức mạnh của tập thể. Tác phong gần gũi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Nghị lực và cường độ làm việc rất cao, năng lực tư duy sáng tạo. Xử lý công việc lúc thì kiên quyết, táo bạo, khẩn trương; lúc thì cân nhắc hết sức thận trọng. Anh có cách nhìn toàn diện của một nhà lãnh đạo chính trị đồng thời là nhà chỉ huy quân sự. Trong chỉ huy tác chiến, tôi thấy anh luôn luôn kiên định, có lúc lại thấy anh rất nhạy bén và linh hoạt. Khi suy nghĩ phương án tác chiến, anh nghiên cứu kỹ tình hình hiện tại và dự kiến những khả năng biến động trong các bước tiếp theo, cả về phía ta và phía địch, cả trường hợp thuận lợi và trường hợp khó khăn, không dừng lại ở những điều đã định. Tối 12 tháng 1 năm 1954, sau cuộc họp của Đảng ủy mặt trận, anh cho triển khai quyết định của tập thể, nhưng nói riêng với tôi rằng: đánh như vậy là mạo hiểm. Vì vậy cần theo dõi sát tình hình để khi có đủ căn cứ thì kịp thời đặt lại vấn đề...

Ngày 14 tháng 1 năm 1954, phương án đánh nhanh thắng nhanh và nhiệm vụ của các đơn vị, các binh chủng đã được phổ biến trên một sa bàn lớn ở hang Thẩm Púa. Thời gian tác chiến dự kiến là 3 đêm 2 ngày. Trước mắt, cần tập trung lực lượng làm gấp đường kéo pháo, rồi dùng sức người kéo pháo vào trận địa dã chiến, bí mật, an toàn.

Không khí hội nghị phấn khởi và tin tưởng, chỉ huy các đại đoàn đều biểu thị quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Không một ai có ý kiến khác.

Khi kết thúc hội nghị, để chuẩn bị tư tưởng phần nào cho cán bộ, anh Văn nói: “Hiện nay tình hình địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta hết sức chú ý theo dõi ý đồ và hành động của chúng để một khi tình hình thay đổi thì kịp thời xử trí”.
______________________________________
1. Anh Hiếu năm 1967 về làm Phó Hiệu trưởng Trường Quân sự trung cao rồi Phó Viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt, nay đã nghỉ hưu.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM