Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:08:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện  (Đọc 38054 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 07:05:41 pm »


2. Từ trận đánh Him Lam (13-3-1954) đến ngày kết thúc chiến dịch (7-5-1954)

Đây là thời kỳ diễn ra những cuộc chiến đấu gay go, ác liệt nhất, một cuộc đọ sức rất lớn về ý chí chiến đấu giữa ta và địch. Công tác chính trị trong thời kỳ này có đặc điểm sau đây:

Cuộc tiến công vào phân khu Bắc thu được thắng lợi giòn giã, cánh cửa phía Bắc tập đoàn cứ điểm đã được mở toang. Sau thắng lợi vang dội đó, bộ đội vô cùng phấn chấn, đã tranh thủ nghỉ ngơi, chỉnh đốn lại đội ngũ, bổ sung quân số, vũ khí, đạn dược và khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công đợt hai chiến dịch.

Một việc có tầm quan trọng rất lớn lúc đó là xây dựng hệ thống trận địa tiến công và bao vây chiến dịch với hàng trăm kilômét giao thông hào, chiến hào và công sự các kiểu, nhằm tạo điều kiện cho bộ đội ta phòng tránh phi pháo địch, đồng thời cô lập phân khu Mường Thanh với phân khu Hồng Cúm, xiết chặt vòng vây lại. Công việc đào đắp này được thực hiện hoàn toàn bằng sức người với cuốc xẻng thô sơ. Đây không chỉ là một công trình lao động lớn mà thực sự là một cuộc chiến đấu một mất một còn với địch. Chúng đã sử dụng mọi cỡ hỏa lực để ngăn chặn và phản kích quân ta một cách quyết liệt. Bất chấp sự lồng lộn, điên cuồng của địch, các giao thông hào ngày càng tiến sát vị trí đóng quân của địch ở phân khu Trung tâm, như một dây thòng lọng xiết dần cổ họng của chúng. Công tác chính trị lúc này đã tiếp tục làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc đào trận địa tiến công và bao vây đối với thắng lợi của chiến dịch, phải kiên quyết thực hiện cho kỳ được, không sợ gian khổ, hy sinh.

Ngày 20 tháng 3 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch đã viết thư động viên cán bộ và chiến sĩ. Đại tướng so sánh những khó khăn vất vả của bộ đội ta với sự khốn quẫn và khó khăn gấp mười lần của địch bị vây hãm trong tập đoàn cứ điểm, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ ta nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng để xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc trận địa tiến công và bao vây, bảo đảm thắng lợi cho đợt tiến công sắp tới.

Địch tuy bị vây hãm nhưng vẫn cố gắng tăng viện và tăng cường ném bom, bắn pháo và phản kích ở những nơi chúng còn có khả năng.

Bộ đội ta ngày càng có nhiều chiến sĩ bị bệnh và bị thương. Đặc biệt các đơn vị chủ công chiến đấu ở đồi A1, C1 bị tổn thất nặng, phải bổ sung nhiều cán bộ mới, đề bạt nhiều tân binh chưa được huấn luyện kỹ và chưa có kinh nghiệm chiến đấu.

Từ khi bộ đội hành quân ra trận đến tháng 4 năm 1954, thời gian đã hơn 5 tháng. Hiện tượng mỏi mệt, tư tưởng ngại chiến dịch kéo dài, ngại gian khổ bắt đầu xuất hiện.

Điện Biên Phủ cách xa hậu phương từ 500 - 700km, đường vận chuyển tiếp tế thường xuyên bị bắn phá, có lúc gạo chỉ còn ăn được vài ngày, dự trữ đạn pháo còn rất mỏng. Bộ đội lao động và chiến đấu mệt nhọc cần được bồi dưỡng nhưng lại phải giảm bớt khẩu phần ăn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 07:07:15 pm »


Những trận mưa đầu mùa ập đến, các giao thông hào lầy lội, cuộc sống của các chiến sĩ trong các trận địa chiến hào ngày càng gian khổ. Sau các trận mưa rào, nắng lại dữ dội hơn, không khí chiến trường oi ả, ngột ngạt. Số bệnh binh, thương binh phải điều trị ở mặt trận ngày càng nhiều.

Trước tình hình đó, công tác chính trị đã đi sâu phân tích ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, làm cho mọi người nhận rõ tiêu diệt được toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ sẽ tạo ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương. Nêu cao thắng lợi của ta ở mặt trận Điện Biên Phủ và các chiến trường phối hợp để cổ vũ khí thế chiến đấu của bộ đội, lấy gương hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương tại mặt trận để đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Mặt khác, công tác chính trị tăng cường giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, vệ sinh phòng bệnh, tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội tại trận địa.

Trung tuần tháng 4 năm 1954, một vấn đề lớn đặt ra cho công tác chính trị là tư tưởng hữu khuynh tiêu cực xuất hiện trong một bộ phận cán bộ và chiến sĩ. Đó là tư tưởng ngại kéo dài cuộc chiến đấu, ngại hy sinh gian khổ; hoặc chủ quan khinh địch, muốn kết thúc sớm chiến dịch bằng cách quay trở lại phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh. Do những tư tưởng ấy mà ở một số đơn vị, việc đào trận địa tiến triển ì ạch, cá biệt có cán bộ thoái thác nhiệm vụ chiến đấu. Trước tình hình đó, căn cứ vào báo cáo và đề nghị của Đảng ủy chiến dịch, Bộ Chính trị ra nghị quyết yêu cầu các cấp ủy, các đảng viên và toàn thể cán bộ phải “ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này”1.

Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng ủy chiến dịch đã triệu tập hội nghị đại biểu Đảng ủy các đại đoàn, các đơn vị và cơ quan trực thuộc. Hội nghị diễn ra trong hai ngày, tập trung đánh giá tình hình địch, ta chỉ rõ chỗ mạnh cơ bản và thắng lợi của ta, chỗ yếu cơ bản và thất bại của địch, phân tích những điều kiện đang chín muồi để quân ta tiến lên tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm. Đồng chí Bí thư Đảng ủy phê phán nghiêm khắc tư tưởng hữu khuynh tiêu cực xuất hiện trong cán bộ, đảng viên các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của cán bộ chỉ huy, nhất là cán bộ cấp đại đoàn, trung đoàn.

Sau hội nghị, các đại biểu đã về triển khai hội nghị các cấp ủy, từ đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn đến các chi bộ ngay tại chiến hào, dưới tầm hỏa lực của địch. Kết quả to lớn của cuộc đấu tranh là đã khắc phục được những biểu hiện hữu khuynh tiêu cực, nhất là trong đội ngũ cán bộ cốt cán, chuẩn bị cho cán bộ và chiến sĩ một quyết tâm mới, một khí thế mới để chuyển sang đợt tiến công thứ ba.

Cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực này là một thành công rất lớn của công tác chính trị tư tưởng tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: đó là một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta.
________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.15, tr.89.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 07:07:40 pm »


Hạ tuần tháng 4 năm 1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ở vào tình thế ngày càng tuyệt vọng. Để cứu nguy cho quân đội Pháp, Lầu Năm Góc đã đề nghị mở cuộc hành binh “Chim kền kền” (Opération Vautour), dùng máy bay B29 ồ ạt dội hàng ngàn tấn bom xuống Điện Biên Phủ. Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ còn gợi ý dùng bom nguyên tử chiến thuật nhưng bị Chính phủ Anh phản đối nên ý đồ đó không thực hiện được.

Cuộc hành binh mang tên “Chim kền kền” và gợi ý của Rátpho về việc ném bom nguyên tử là những điều chúng tôi biết được sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, qua các tài liệu của phương Tây. Còn tại mặt trận Điện Biên Phủ lúc bấy giờ, cán bộ, chiến sĩ ta, kể cả cấp trung đoàn như chúng tôi, đều đang mải mê chiến đấu, không ai biết đến toan tính của đế quốc Pháp - Mỹ.

Qua tin của địch, lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch thừa biết hành động phiêu lưu này của Mỹ không thể dễ dàng thực hiện trong bối cảnh quốc tế ở thời điểm ấy. Và đến hạ tuần tháng 4 tháng 1954, trận địa tiến công và bao vây của ta đã áp sát địch chỉ còn lại mỗi bề không quá 2 km. Trong tình hình đó, làm sao bom nguyên tử Mỹ ném xuống Điện Biên Phủ chỉ tiêu diệt được quân ta mà không diệt luôn cả quân của Pháp?

Luận điểm của một số ít sách nước ngoài, nói “Nhiều cán bộ chỉ huy cao cấp quân đội Việt Nam sợ bom nguyên tử Mỹ, chủ trương rút thật nhanh bộ đội ra khỏi Điện Biên Phủ trước khi nước lũ dâng cao” là hoàn toàn sai sự thật!

Đợt tiến công thứ ba bắt đầu chiều ngày 1 tháng 5 năm 1954 với nhiệm vụ đánh chiếm các điểm còn lại ở phía đông, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch ở phía tây, tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Với khí thế ra quân mãnh liệt, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) nhanh chóng tiêu diệt quân địch còn kiểm soát một nửa đồi C1. Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tiêu diệt hai vị trí 505 và 505A dưới chân các ngọn đồi phía đông ở tả ngạn sông Nậm Rốm. Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiêu diệt vị trí 311A ở phía tây; Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) đánh lấn vào khu C phía đông bắc Phân khu Nam. Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) tiêu diệt vị trí 311B chỉ cách sở chỉ huy địch 300 mét. Riêng đồi A1 chưa đánh vào đêm 1 tháng 5 vì phải chờ công binh đào xong con đường hầm để đặt khối bộc phá 1.000 kg.

8 giờ tối ngày 6-5, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh mở cuộc tiến công mới. Lợi dụng lúc quân địch đang bàng hoàng vì sức chấn động của gần 1.000 kg thuốc nổ, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) đã từ nhiều hướng đánh lên đồi A1, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn Lê dương phòng thủ vào sáng ngày 7 tháng 5. Trung đoàn 9 (Đại đoàn 304) mới từ Trung du lên tiêu diệt đồi C2. Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) đánh chiếm vị trí 506. Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) đánh chiếm vị trí 310 ở phía tây nam Sở chỉ huy Đờ-cát 300 mét.

Riêng Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) thì gặp khó khăn khi đánh vị trí 507. Suốt đêm, không mở được đột phá khẩu, vì vấp phải những hàng rào thép gai bùng nhùng dày đặc và hỏa lực bắn thẳng của 23 ụ súng.

Sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, Đảng ủy Trung đoàn họp, kiểm tra lại tình hình, chấn chỉnh lực lượng, tìm cách khắc phục hàng rào bùng nhùng, quyết tâm đánh ban ngày để có điều kiện quan sát địch. Quyết tâm đó đã được chỉ huy trưởng chiến dịch phê chuẩn và chi viện cho một loạt đạn pháo 105 ly.

14 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, Tiểu đoàn 130 (Trung đoàn 209) tiến công tiêu diệt vị trí 507, cờ trắng xuất hiện ở dọc sông Nậm Rốm. Trung đoàn 209 tiếp tục đánh chiếm 508, 509 sát cầu Mường Thanh.

15 giờ, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, Đại đội Tạ Quốc Luật (C360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209) đã nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh, dùng tù binh dẫn đường tiến thẳng đến hầm Đờ-cát, bắt sống tướng Đờ-cát và toàn bộ Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2016, 07:08:04 pm »


3. Công tác chính trị sau chiến dịch

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, rất nhiều công việc phải xúc tiến gấp rút: lãnh đạo bộ đội hành quân trở về hậu phương an toàn để tổng kết, bình công khen thưởng, nghỉ ngơi, bổ sung quân số, huấn luyện, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Chăm sóc thương binh địch ngay tại mặt trận và tuyên truyền chính sách nhân đạo của Chính phủ ta, tổng kết kinh nghiệm chiến đấu của bộ đội, kinh nghiệm công tác tham mưu, chính trị, hậu cần trong chiến dịch lớn dài ngày....

Công tác chính trị sau chiến dịch còn phải quán triệt đầy đủ chỉ thị của Hồ Chủ tịch trong thư ngày 8 tháng 5 năm 1954 gửi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương. Bác nói thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt dầu, không nên vì thắng lợi mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch, bất kỳ đấu tranh quân sự hay ngoại giao đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đúng như lời Bác Hồ dặn, quân và dân ta phải tiếp tục chiến đấu 21 năm nữa mới giành thắng lợi trọn vẹn, giải phóng hoàn toàn đất nước.

Thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ những nhân tố sau đây:

- Đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn của Đảng và Hồ Chủ tịch.

- Sự chỉ đạo chiến lược, chiến dịch sáng suốt, nhạy bén của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, của Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch.

- Tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.

- Sự phối hợp nhịp nhàng của các chiến trường cả nước.

- Sự chi viện to lớn của toàn Đảng, toàn dân ở hậu phương.

- Sự phối hợp có hiệu quả của quân dân Lào và Campuchia anh em.

- Sự giúp đỡ tận tình của Trung Quốc, Liên Xô cả về vật chất và kinh nghiệm chiến đấu.

- Sự đồng tình ủng hộ của Đảng Cộng sản, nhân dân lao động và các chính khách thức thời của Pháp, của các dân tộc bị áp bức và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.

Trong những nhân tố đó, sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ chiến dịch, thông qua công tác Đảng và công tác chính trị tại Mặt trận đã góp phần cực kỳ quan trọng. Công tác chính trị trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tinh thần của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Thiếu hoạt động công tác chính trị sâu sát và linh hoạt thì không thể đánh thức tiềm năng của con người trong chiến đấu.

Bài học lớn nhất về công tác chính trị rút ra từ chiến dịch Điện Biên Phủ là phát huy cao độ nhân tố con người trong chiến tranh. Ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ không phải vì có nhiều vũ khí đạn dược hơn địch mà trái lại. Bước vào Đông Xuân 1953-1954, chúng ta đứng trước nhiều nhiệm vụ vô cùng to lớn, gặp nhiều khó khăn gay gắt. Nhưng quân và dân ta, với truyền thống cách mạng kiên cường, được sự lãnh đạo đúng đắn, đã hiểu rõ phải làm thế nào để giành thắng lợi và đã chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết tâm chiến đấu với một tinh thần tự giác rất cao. Nhờ vậy quân và dân ta đã khắc phục được những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, làm được những việc tưởng chừng không làm nổi. Những hành động phi thường không chỉ cá biệt mà đã trở thành phổ biến. Chưa có một chiến dịch nào xuất hiện nhiều tấm gương xả thân vì nước, anh hùng dũng cảm, xúc động lòng người như chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là biểu hiện sinh động của quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” thể hiện trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để hoàn thành nhiệm vụ, công tác chính trị đã huy động nhiều lực lượng, nòng cốt là các chính ủy đại đoàn, trung đoàn, các chính trị viên tiểu đoàn, đại đội, các bí thư chi bộ, các phái viên chính trị của mặt trận. Chính lực lượng này đã thường xuyên truyền đạt chủ trương của cấp trên, thông báo tình hình ta và địch đến từng cán bộ chiến sĩ, nâng cao tính năng động tự giác của con người. Bên cạnh đó, phải kể đến lực lượng cán bộ thông tin, tuyên truyền, phóng viên Việt Nam thông tấn xã, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, phóng viên nhiều tờ báo như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Cứu quốc, nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà điện ảnh, họa sĩ, chiến sĩ văn công phục vụ tại hỏa tuyến đã góp phần không nhỏ vào việc động viên bộ đội, thanh niên xung phong và dân công lập nên chiến công lịch sử.

Phát huy kinh nghiệm của chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta cần luôn luôn coi trọng vai trò của công tác chính trị tư tưởng trong việc thực hiện mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 10:07:59 pm »


CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG HỮU KHUYNH, TIÊU CỰC TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Đại tá HOÀNG MINH PHƯƠNG
Nguyên Thư ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau thắng lợi giòn dã của đợt 1 (liên tiếp tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập, bức hàng tiểu đoàn lính ngụy Thái ở Bản Kéo, mở đường cho quân ta áp sát Phân khu trung tâm từ 3 hướng, đông bắc, bắc và tây bắc), các đơn vị được lệnh xây dựng trận địa bao vây và tiến công để chuẩn bị bước sang đợt 2. Từ chiều 30 tháng 4 năm 1954, đợt tiến công thứ hai bắt đầu. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go quyết liệt trên toàn mặt trận, nhất là trên các ngọn đồi phía đông. Ta đánh chiếm được đồi C1, các đồi D và đồi E, nhưng hai trung đoàn có kinh nghiệm và truyền thống đánh công kiên nhất của Đại đoàn 316 và Đại đoàn 308 lần lượt tiến công đồi A1 đều không thành công, địch vẫn chiếm giữ phần lớn ngọn đồi.

Từ ngày 9 đến 12 tháng 4, địch phản kích chiếm lại một nửa đồi C1. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đều mệt mỏi sau mấy tháng trời lao động và chiến đấu ác liệt, khẩn trương. Cuộc sống ở chiến trường gian khổ, có đơn vị bị nhiều tổn thất. Bên cạnh nhiều biểu hiện tích cực, nhiều tấm gương anh hùng dũng cảm, những hiện tượng hữu khuynh tiêu cực cũng ngày càng xuất hiện như: ngại gian khổ, ngại thương vong, hoặc từ chủ quan khinh địch chuyển sang bi quan sợ địch, không sâu sát đơn vị, v.v... Nhận thấy chiến dịch sẽ không thể nào giành được thắng lợi hoàn toàn nếu không kịp thời khắc phục các biểu hiện hữu khuynh tiêu cực, Đảng ủy chiến dịch đã báo cáo lên Ban Thường vụ Trung ương (nay là Bộ Chính trị) và đề nghị cho mở ngay tại mặt trận một đợt đấu tranh tự phê bình và phê bình. Chấp hành nghị quyết ngày 19 tháng 4 của Ban Thường vụ Trung ương về chông hữu khuynh tiêu cực, trong những ngày đầu hạ tuần tháng 4 năm 1954, Đảng ủy chiến dịch triệu tập cán bộ chủ chốt ở các đơn vị và cơ quan từ cấp trung đoàn trở lên về Sở Chỉ huy Mường Phăng họp hội nghị. Tôi được dự hội nghị đó.

Sau khi lãnh đạo các đơn vị và cơ quan tự kiểm điểm ưu khuyết điểm của mình, sang ngày thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, kết luận hội nghị. Căn cứ vào nghị quyết của Đảng ủy, Đại tướng chỉ rõ thắng lợi của đợt tiến công thứ nhất và thứ hai là rất lớn. Bộ đội ta có nhiều ưu điểm và tiến bộ. Đó là tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ bộ binh, pháo binh, cao xạ, công binh, thông tin, trinh sát, v.v... của các đơn vị và cơ quan ở phía trước cũng như phía sau; là sự vận dụng kỹ thuật, chiến thuật, mưu trí sáng tạo; là ý thức trách nhiệm cao và tác phong sâu sát của cán bộ cơ quan cũng như đơn vị, nhất là trong những giờ phút chiến đấu gay go, quyết liệt.

Chuyển sang phần nói về khuyết điểm, giọng Đại tướng vẫn ôn tồn nhưng dần dần trở nên nghiêm khắc. Đại tướng nói: “Trong khi tự phê bình, một số đồng chí đã nhận khuyết điểm là không làm đúng yêu cầu của Đảng ủy mặt trận. Nhưng nếu chỉ nói chung chung là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu quyết tâm, tư tưởng lập trường không vững, v.v... thì chưa sâu, chưa đủ! Đảng tin cậy các đồng chí! Đảng giao cho các đồng chí những đảng viên trung thành của Đảng, những cán bộ, chiến sĩ anh dũng của quân đội mà Đảng đã tốn bao công sức giáo dục, rèn luyện mới trưởng thành được như ngày nay! Mỗi một cán bộ Tiểu đoàn lãnh đạo và chỉ huy hàng trăm người, nghĩa là chịu trách nhiệm trước sự sống chết và tương lai của bốn năm trăm cán bộ chiến sĩ; cán bộ Trung đoàn chịu trách nhiệm trước sinh mệnh của hàng ngàn chiến sĩ; cán bộ Đại đoàn chịu trách nhiệm trước hàng vạn thanh niên ưu tú của dân tộc, của Quân đội... Thế nhưng không ít đồng chí chưa hiểu thật đầy đủ trách nhiệm nặng nề đó, đã để xẩy ra những thương vong lẽ ra có thể tránh được!

Không khí cuộc họp trầm xuống, sắc mặt Đại tướng nghiêm lại. Đại tướng hỏi: “Trung đoàn trưởng Trung đoàn X. đâu? Chính ủy đâu? Đứng dậy”!

Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn X. liền đứng nghiêm, chịu sự phê bình của Bí thư Đảng ủy. Đại tướng xúc động nói:

“Các đồng chí có đau đớn, xót xa không, khi bao nhiêu đồng chí, đồng đội của mình ngã xuống mà trận đánh không thành công do thiếu sót của lãnh đạo và chỉ huy?”.

Đại tướng lấy khăn lau nước mắt... Cả hội trường im phăng phắc! Trải qua bao chiến dịch, chưa bao giờ các cán bộ nghe Đại tướng nói những lời nghiêm khắc như vậy, nhưng cũng là những lời thật chân thành, chí nghĩa chí tình, như người Anh Cả bảo ban dạy dỗ đàn em. Mọi người càng thấm thía, thấy rõ hơn trách nhiệm nặng nề, to lớn của mình, ân hận với những khuyết điểm mà mình phạm phải. Mọi người thấy rõ: Đảng ủy Mặt trận đang tiếp thêm sức cho mình để chiến thắng những gì còn yếu hèn đang ẩn náu trong người; Đảng ủy đang nâng đỡ, dìu dắt mình vượt qua những thử thách hiểm nghèo để giành toàn thắng cho trận quyết chiến chiến lược một mất một còn, quan hệ đến vận mệnh của toàn dân tộc!

Hội nghị kết thúc sau khi Đại tướng phổ biến các chủ trương mới của Đảng ủy để hoàn thành nhiệm vụ của đợt tiến công thứ 2, chuẩn bị cho đợt 3 chiến dịch. Chính ủy và Chủ nhiệm Chính trị các đơn vị được triệu tập về Ban Chính trị Mặt trận. Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, thái độ niềm nở ân cần như thường lệ, giải thích thêm về công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong cuộc chiến đấu sắp tới để tiến lên giành toàn thắng.

Đồng chí nói: “Quy luật phát triển của Đảng ta, Quân đội ta là tự phê bình và phê bình. Chúng ta phải biểu dương đầy đủ mặt tốt của bộ đội, nhưng phải nghiêm khắc phê phán những khuyết điểm còn tồn tại. Bộ đội ta mặt tốt là chính nên phải nhấn mạnh mặt ấy, phải nêu cao những gương chiến đấu dũng cảm, khắc phục khó khăn, để mọi người học tập. Phải thưởng phạt nghiêm minh, mà ngay việc xử phạt cũng chỉ nhằm mục đích giáo dục... Về đơn vị, các đồng chí phải căn cứ vào tình hình cụ thể mà tổ chức tự phê bình và phê bình cho tốt. Trước hết là tự phê bình mình và cấp mình cho sâu sắc và thành khẩn, rồi mạnh dạn thẳng thắn phê bình đồng chí khác và cấp dưới, trên tinh thần thương yêu giúp đỡ lẫn nhau... Chúng ta phải thắng trong cuộc đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực! Chúng ta nhất định thắng trong chiến dịch này!”.

Sau hội nghị, các cơ quan, đơn vị đã triển khai sâu rộng cuộc đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực trên toàn mặt trận, từ trong Đảng ra ngoài Đảng, từ cấp trên xuống cấp dưới với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương. Chỉ sau hơn một tuần lễ, toàn mặt trận như có một luồng sinh khí mới, một sức bật phi thường để vượt qua gian khổ hiểm nguy, tiến lên giành toàn thắng! Những tấm gương chiến đấu dũng cảm phi thường đã trở thành những hiện tượng bình thường và ngày càng phổ biến. Không chỉ trong trận Him Lam mà trong nhiều trận đánh tiếp theo, ở những giây phút hiểm nghèo, thường vang lên tiếng thét:

“Ai là đảng viên Cộng sản! Hãy dũng cảm tiến lên!”.

“Ai là những người theo Đảng! Hãy dũng cảm tiến lên!”.

Nhiều cán bộ chiến sĩ đã được kết nạp vào Đảng ngay tại mặt trận. Và như mọi người đều biết: Chưa có chiến dịch nào lại xuất hiện nhiều Anh hùng Dũng sĩ, nhiều gương hy sinh cao cả như chiến dịch Điện Biên Phủ!

Có thể nói: Cuộc đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc tự phê bình và phê bình mẫu mực, một trong những cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ nghiêm túc nhất, có hiệu quả nhất trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của Quân đội ta. Kinh nghiệm quý báu của cuộc tự phê bình và phê bình đó, nếu được vận dụng tốt vào cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, chắc chắn sẽ sớm khắc phục được những biểu hiện tiêu cực như đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, tham nhũng, v.v... làm cho Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng với sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ, với sự tin cậy của nhân dân!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 10:09:38 pm »


BẢO ĐẢM THÔNG TIN LIÊN LẠC TRONG CHIẾN CUỘC ĐÔNG XUÂN 1953-1954 VÀ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Thiếu tướng NGUYỄN MINH LONG
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến
Trợ lý tham mưu trong BCH chiến dịch Điện Biên Phủ

Bác Hồ dạy: “Việc liên lạc là việc quan trong bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”.

Thông tin là mạch máu, là thần kinh của quân đội. Đảng phản công, cấp trên giao nhiệm vụ, nhưng người chỉ huy có hoàn thành được hay không là phải nhờ vào thông tin. Không có thông tin, mọi mệnh lệnh chỉ thị đều không được thực hiện, hành động hiệp đồng không thống nhất, không phát huy được sức mạnh tổng hợp.

Để chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, từ năm 1952, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trường đã tiệu tập Cục trưởng Thông tin Hoàng Đạo Thúy và Cục trưởng Cơ yếu giao nhiệm vụ chuẩn bị từ khâu đào tạo cán bộ, dịch in tài liệu cho cán bộ nhân viên kỹ thuật thông tin vô tuyến, hữu tuyến, điện thoại dã chiến, điện thoại đường dài và chuyển đạt. Tổ biên dịch tài liệu nước ngoài làm việc suốt ngày đêm, có lúc Cục trưởng Hoàng Đạo Thúy cũng tham gia dịch. Trong phòng tham mưu, từ trưởng phòng Hoàng Mười, Hoàng Xuân Vượng đến các trợ lý Lưu Phúc Thảo, Đào Ngạn, Cục phó Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Trọng Tỉnh, cán bộ tiểu đoàn thông tin đều tham gia. Tài liệu khi đó in bằng li tô, bản vẽ đều do đồng chí Vượng, một thanh niên Việt kiều từ Nhật về trực tiếp vừa vẽ vừa in, có bản vẽ do đồng chí Hoàng Đạo Thúy trực tiếp hoặc một số đồng chí tham mưu các ngành tham gia không kể ngày đêm. Một khối lượng lớn tài liệu được hoàn thành trong một thời gian ngắn.

Sau đợt chỉnh huấn chính trị, toàn bộ cán bộ nhân viên kỹ thuật thông tin được tập huấn về kỹ thuật, chiến thuật thông tin và lề lối tác phong làm việc. Song song với việc thành lập đơn vị mới thông tin đường dài bằng dây trần, bộ đội vừa học vừa làm dây trần bằng đồng 3.2 mm nối liền với thông tin quốc tế. Đường dây dã chiến cũng được tập huấn kỹ cho chiến sĩ từ cách nối dây, bắc dây qua sông, chôn giấu dây, ra dây dưới hỏa lực địch. Chiến sĩ thông tin vô tuyến học cách liên lạc mới, cách viết, nhận đánh chữ số. Cơ yếu chuyển từ chữ cái sang chữ số, làm luật cơ yếu mới. Đầu tiên thí điểm ở Đại đoàn Quân Tiên phong. Bước vào Đông Xuân 1953-1954 thì đổi toàn mạng trong toàn quân. Quân địch phải sau mấy tháng mới tìm được mạng liên lạc của bộ đội ta nhưng mật mã cơ yếu thì vẫn chưa dò ra. Đó là cuộc đổi mới để đảm bảo bí mật quân sự khi bước vào Đông Xuân 1953-1954 mà Binh chủng Thông tin và cơ yếu tích cực chuẩn bị suốt một năm trời. Đây là cuộc đấu trí, đấu lực của Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam với Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp.

Sau trận đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản, Bộ tổng tham mưu triệu tập cán bộ có kinh nghiệm đánh công kiên về nghiên cứu biên soạn tài liệu đánh tập đoàn cứ điểm. Đặc biệt là việc sử dụng thủ tục liên lạc mới, chuyển nhận diện chữ số, sử dụng máy mới trang bị và máy chiến lợi phẩm. Các đại đoàn tổ chức các trung đội vô tuyên điện thoại 702, 71, BC1000... tăng cường liên lạc giữa các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội, trong tấn công cụm cứ điểm dùng chữ đúc, tiếng mật...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 10:10:18 pm »


Trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy chỉ đạo chiến dịch giải phóng Lai Châu, chiến dịch Trung Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên... chủ yếu bằng thông tin vô tuyến điện. Trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch Điện Biên Phủ, việc liên lạc với các chiến trường phối hợp phải bảo đảm để Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nắm được tình hình chung trên chiến trường toàn Đông Dương. Phải bảo đảm mạng thông tin vô tuyến điện liên lạc với Trung ương Đảng và Sở chỉ huy cơ bản của Bộ, liên lạc với Liên khu 3, Bộ chỉ huy Trung Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, mặt trận Tây Bắc, Trung đoàn 148, tiểu đoàn 910, Đại đoàn 308 và 3 trung đoàn 36, 88, 102, đài quân báo và sở chỉ huy nhẹ của 308 khi truy kích địch ở Thượng Lào, Đại đoàn 312, 316, 351, Trung đoàn cao xạ 367, hai trung đoàn 9 và 57 thuộc Đại đoàn 304, các đơn vị hậu cần bảo đảm lương thực đạn dược và công binh bảo đảm giao thông. Phải bố trí máy trực thu canh liên tục và máy dự bị. Ngoài mạng thông tin vô tuyến điện trực tiếp với các đơn vị bao vây và tấn công địch ở Điện Biên Phủ như: Đại đoàn 304, 308, 312, 316, 351, ta còn tổ chức một mạng vô tuyến điện bằng máy SCR694 đàm thoại bằng chữ mật đề phòng khi bị đứt dây điện thoại. Khi các đại đoàn nổ súng đánh địch thì máy SCR694 của Bộ tại sở chỉ huy chiến dịch mở máy liên tục. Chỉ huy pháo binh và hiệp đồng giữa bộ binh thì sử dụng hữu tuyến điện là chủ yếu nhưng vẫn trang bị thêm cho Đại đoàn 351 một số máy VTĐ 915W và máy SCR694 cho trung đoàn cao xạ 367 để dùng khi hữu tuyến điện bị đứt. Trung đoàn lựu pháo 45 được trang bị máy BC1000 để liên lạc trong nội bộ và giữa đài quan sát với trận địa pháo. Trung đoàn bộ binh tiến công cứ điểm hoặc đánh phản kích thì pháo binh tổ chức đài quan sát tiền tiến, bảo đảm thông tin liên hệ trực tiếp với bộ binh và chỉ thị mục tiêu cho pháo binh. Trung đoàn cao xạ 367 dùng máy 2W71B để liên lạc nội bộ. Tiểu đoàn hỏa tiễn 6 nòng được tăng cường VTĐ liên lạc với Bộ chỉ huy chiến dịch. Trung đoàn 675 sơn pháo đi cùng bộ binh nên không trang bị VTĐ. Việc bảo đảm chỉ huy, chỉ đạo hậu cần, tiền phương Tổng cục Cung cấp được tăng cường thông tin để liên lạc với Liên khu 3, Liên khu 4, thường xuyên nắm vững kho tàng, bến bãi, trọng điểm địch đánh phá, liên lạc với các phái viên chỉ huy dân công, hệ thống quân y chăm sóc thương binh, tổ chức các đài VTĐ biệt phái xuống cụm kho hậu cần suốt chiến dịch, đảm bảo cho Tổng Tư lệnh nắm vững tình hình hậu cần kỹ thuật và tiếp tế của hậu phương. Sơ đồ công tác bảo đảm thông tin cho chiến dịch được cập nhật từng giờ tại các cơ quan tham mưu chiến dịch. Hệ thống thông tin thường xuyên bảo đảm thông suốt giữa Tổng Tư lệnh và các chiến trường, các đại đoàn và vượt cấp xuống các đơn vị bằng VTĐ (sơ đồ 1, mạng thông tin trong chiến dịch Điện Biên Phủ). Công tác bảo đảm bí mật chủ yếu là dùng tiếng mật trong liên lạc hữu tuyến điện hoặc vô tuyến điện thoại.

Đồng chí Nguyễn Huy Văn cán bộ thông tin trực ở Sở chỉ huy Đại đoàn pháo binh 351 kể: mở đầu chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi đồng chí Đào Văn Trường - Đại đoàn trưởng 351: bên anh Tấn yêu cầu nổ súng sớm hơn giờ quy định, pháo đã sẵn sàng chưa? Anh Trường đáp: đã chuẩn bị xong các phần tử bắn, sẵn sàng nổ súng, Đại tướng nói: “Tôi hạ lệnh nổ súng. Nghe rõ chưa”? Anh Trường đáp: “Nghe rõ lệnh nổ súng”. Đường dây từ Sở chỉ huy chiến dịch, qua trung đoàn, tiểu đoàn, đến đại đội lựu pháo 806 đều nhận được lệnh của Đại tướng và Tổng Tư lệnh cũng nghe rõ tiếng nổ đầu nòng và tiếng nổ của lựu pháo ta ầm ầm trút xuống đồi Him Lam của địch. Lúc đó là 17 giờ 10 phút. Thông tin liên lạc đã góp phần bảo đảm trận đầu ra quân là chiến thắng cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ suốt cả chiến dịch.

Xây dựng được mạng hữu tuyến điện trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một kì công: Từ Sở chỉ huy chiến dịch xuống các đại đoàn và các đơn vị đều có đường dây liên lạc trực tiếp qua 2 tổng đài Hồng Lĩnh ở Sở chỉ huy và tổng đài 20 Chiến Thắng (tổng đài trung tâm). Bảo đảm trước tiên đến quân báo chiến dịch, các đài quan sát của Bộ, đường dây liên lạc với tiền phương Tổng cục Cung cấp, đơn vị công binh làm đường kéo pháo, đường dây chỉ huy hiệp đồng, vu hồi khép kín tới trận địa pháo và đơn vị chủ công. Trước ngày nổ súng, đồng chí Tổng Tư lệnh và Tham mưu trưởng chiến dịch đã trực tiếp gọi điện thoại đến từng đại đoàn, trung đoàn và tiểu đoàn chủ công để kiểm tra và động viên dặn dò. Những trường hợp xa có lúc phải tiếp chuyển, các tổng đài có cán bộ thông tin thường trực để truyền lệnh đúng và rõ cho các đơn vị chấp hành, Tổng đài Chiến Thắng do đồng chí Hoàng Xuân Vượng - Phó ban Thông tin mặt trận trực tiếp truyền lệnh. Các trung đoàn vây lấn đến đâu, đường dây điện thoại kéo đến đó. Khi chia cắt địch thì tạo thêm đường dây vu hồi để tăng cường sự vững chắc của thông tin. Để chống pháo địch bắn đứt dây, bộ đội đã đào rãnh rải dây hoặc ghim đường dây theo vách giao thông hào. Phát động bộ đội toàn mặt trận cùng bảo vệ chăm sóc đường dây như một mạch máu của mình. Để khỏi nhầm lẫn khi nối dây, chiến sĩ thông tin có sáng kiến dùng mảnh sắt cắt theo các hình làm kí hiệu để phân biệt từng loại dây. Tuy cách làm còn thủ công nhưng có hiệu quả. Ác liệt nhất là bảo đảm thông tin qua cửa mở trong đánh công kiên, ngoài việc kết hợp hữu tuyến, vô tuyến, phải sử dụng đội ngũ chuyển đạt. Nhiều chiến sĩ chuyển đạt đã anh dũng hi sinh cùng với xung kích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 10:10:47 pm »


Dây điện thoại thiếu rất nghiêm trọng. Điều này ta đã dự kiến trước và có cách khắc phục bằng cách tháo toàn bộ mạng dây thông tin của Bộ với các cơ quan và với Trung ương Đảng, với hậu phương để thay bằng đường dây trần, vay dây của bưu điện Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình. Đồng thời phát động du kích địch hậu tháo gỡ dây của địch, thưởng đạn cho du kích khi lấy được dây. Ban 3 chiến dịch có sáng kiến cử đồng chí Lưu Phúc Thảo dẫn một trung đội về cứ điểm Nà Sản đào toàn bộ dây bọc địch bỏ lại. Đồng chí Đào Ngoạn có sáng kiến gỡ dây thép gai làm dây trần để mắc cho các đơn vị phía sau đổi dây bọc cho đơn vị phía trước. Chính ủy Cục Thông tin liên lạc Hoàng Bửu Đôn cũng vay dây của Tổng Liên đoàn Lao động... tất cả cùng lo dây điện thoại phục vụ mạng thông tin chiến dịch.

Cuộc chiến đấu giữ vững mạch máu thông tin suốt chiến dịch hết sức gay go quyết liệt. Ngoài việc bảo đảm đường dây cho chiến dịch, tiểu đoàn 303 dây bọc dã chiến còn làm đường dây trần nối với hậu phương từ Sơn La về Yên Bái. Tiểu đoàn 132 làm đường dây từ Sở chỉ huy cơ bản của Bộ về Yên Bái, nối liền Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ với Sở chỉ huy cơ bản của Bộ ở Việt Bắc, từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn qua La Hiên, Vũ Nhai, Bắc Sơn, Bình Gia lên Đồng Đăng để nối thẳng với Trung Quốc và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa chi viện cho Điện Biên Phủ. Đó là những đơn vị tiền thân của các trung đoàn thông tin sau này làm đường dây Bắc Nam trong chống Mỹ.

Quá trình chuẩn bị chiến đấu khi cần chuyển công văn hỏa tốc giữa Sở chỉ huy chiến dịch và hậu phương vẫn phải dùng thông tin quân bưu và chuyển đạt chuyển công văn, sách báo, báo Quân đội nhân dân tại mặt trận cho các đơn vị, thư từ động viên của Bộ chỉ huy chiến dịch. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng - phần thưởng cao quý - cũng được chuyển theo đường dây này cho các đại đoàn, trung đoàn, do các chiến sĩ quân bưu đội mưa bom bão đạn vượt suối băng rừng chuyển đi. Ngoài các chuyến xe ô tô từ hậu phương ra mặt trận chuyển đạt đi nhờ, người ta còn thấy những mô tô 3 bánh, các chiến sĩ ngồi ở thùng xe mặc áo mưa ngược, quay mặt về phía sau, ôm các bao tải công văn thư báo, từng tổ chuyển đạt đi xe đạp từ trạm này qua trạm khác. Khi cần như chuyển thư báo cáo lên Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng về chủ trương thay đổi phương châm chiến dịch thì đồng chí Nguyễn Công Dinh sĩ quan tác chiến được đi xe jeep về thẳng hậu phương đưa báo cáo.

Các chiến sĩ chuyển đạt ở mặt trận rất dũng cảm, mưu trí khắc phục biết bao khó khăn, gian khổ, ác liệt không sao kể xiết được. Đức hy sinh, gương anh dũng, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của anh em thì không sách báo nào tả hết. Các chiến sĩ điện thoại, vô tuyến 2W, BC1000, 702 đi cùng bộ binh liên lạc giữa trung đoàn, tiểu đoàn, giữa tiểu đoàn với đại đội có nhiều gương vô cùng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Những gương anh hùng như Chu Văn Mùi dũng cảm đảm bảo thông tin liên lạc chiến đấu ở đồi A1 cũng rất nhiều.

Để làm tròn nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ thông tin liên lạc đã khắc phục muôn vàn khó khăn, chịu đựng biết bao gian khổ vì họ có ý thức rõ nếu những người lính thông tin không làm tròn nhiệm vụ thì ảnh hưởng rất lớn, có thể gây thiệt hại cho cả một đơn vị. Thực tế trong chống Pháp đã có bài học xương máu, do một báo vụ viên bỏ một phiên trực khiến mệnh lệnh cấp trên không đến được chỉ huy cấp dưới, gây tổn thất rất lớn cho cả một đơn vị. Thông tin trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 còn đảm nhiệm cả một phần nhiệm vụ nghi binh theo dõi địch. Giữ bí mật vô tuyến điện là công tác được đặt lên hàng đầu, nhất là những đơn vị thọc sâu đánh xuống Trung Hạ Lào và đông bắc Campuchia. Địch không nắm được lực lượng ta, nhưng chỉ một sơ suất của phái viên mà địch biết được là có Trung đoàn 66. Rút kinh nghiệm, khi Đại đoàn 308 sang Thượng Lào ta đã im lặng vô tuyến điện nên giữ được bí mật tuyệt đối. Điện đài đi cùng tiểu đoàn 436 thọc sâu ở Hạ Lào bị hỏng nhưng đài trưởng Nguyễn Quang Cường đã mày mò tự sửa được và liên lạc lại sau một ngày, khiến cả cấp trên cấp dưới mừng vui khôn xiết. Rút kinh nghiệm, sau đó các báo vụ viên đều phải biết sửa chữa hỏng hóc khi đi độc lập. Các điện đài đều có liên lạc về Tiền phương của Bộ ở Điện Biên Phủ và Sở chỉ huy cơ bản ở Việt Bắc, khi cần có thể liên lạc vu hồi nên thường xuyên bảo đảm thông suốt. Đêm 14 tháng 3 năm 1954, Trung đoàn 165, đại đoàn 312 và Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 do Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ và Đại đoàn phó 312 Đàm Quang Trung chỉ huy. Do mưa lớn, sơn pháo đến chậm nên tới 3 giờ 30 phút sáng 15 tháng 3 năm 1954, pháo mới cấp tập ngắn rồi bộ binh xung phong ngay, địch bị bất ngờ. 6 giờ 30 phút, ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm Độc Lập. Ta tiêu diệt tiểu đoàn 5, trung đoàn Angiêri số 7, diệt 483 tên, bắt 200 tên, có 2 tên thiếu tá tiểu đoàn trưởng Kac và Méc-cơ-nen đang nhận bàn giao. Địch cho tiểu đoàn dù và xe tăng phản kích quyết liệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 30 Tháng Mười, 2016, 10:11:07 pm »


Đúng lúc Tổng Tư lệnh hạ lệnh cho Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ kiên quyết diệt địch phản kích, giữ vững trận địa đã chiếm thì điện thoại mất liên lạc. Lúc đó hầm chỉ huy hết sức căng thẳng, không rõ kết quả địch phản kích ra sao. Bình thường rất đôn hậu hiền lành nhưng lúc đó Đại tướng sốt ruột nên xẵng giọng: “Anh Thúy, anh có tạo điều kiện cho tôi làm việc không?”. Anh Thúy đang ngồi ngậm píp thuốc, vội đứng nghiêm, dạ một tiếng rồi chạy về phía trung tâm thông tin. Đúng ra, thông tin Đại đoàn 308 phải mang theo máy SCR694 để dùng khi điện thoại bị đứt. Nhưng Trưởng ban Thông tin đại đoàn cho rằng chỉ chiến đấu một đêm nên xin ý kiến tham mưu đại đoàn để máy lại khu tập kết. Là người nhanh trí, anh Thúy dùng máy SCR694 của Bộ gọi máy SCR694 của Đại đoàn 312 để hỏi Đại đoàn 308 thì được biết sơn pháo bắn cháy một xe tăng địch, Trung đoàn 88 đã đánh tan quân địch phản kích. Anh Thúy phải báo cáo lại với Đại tướng, Tổng tư lệnh cười, anh em trong Sở chỉ huy thở phào nhẹ nhõm. Sau trận đánh, đồng chí Trần Sơn, tiểu đoàn trưởng 303 đưa về 1.500 mét dây bọc bị sét đánh cháy đen ở đỉnh Pha Song thì mới rõ nguyên nhân mất liên lạc. Có lần Đại tướng nói chuyện bằng điện thoại thì nghe trong đường dây gọi nhau í ới. Đại tướng đưa tổ hợp cho anh Thúy, anh Thúy lệnh cho đồng chí Vượng ra tín hiệu dẹp yên “Z10”.

Đại tướng nói chuyện xong hỏi anh Thúy lý do ồn ào trên máy. Anh Thúy nói, các đơn vị chia thịt trâu gọi nhau đi lấy. Đại tướng cười thông cảm, mấy tháng bộ đội mới có được một bữa thịt ăn.

Công tác tổ chức điều hành thông tin trong chiến dịch, tổ chức mạng lưới thông tin (Ban 3 chiến dịch) vô cùng quan trọng. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy - Cục trưởng thông tin liên lạc được Đại tướng chỉ định làm Trưởng ban 3 ngày 5 tháng 1 năm 1954 cùng các Trưởng ban Tác chiến Trần Văn Quang, Trưởng ban Quân báo Lê Trọng Nghĩa… cùng Đại tướng đi chiến dịch. Đồng chí Hoàng Xuân Vượng - Phó phòng Tham mưu là Phó ban, trực tiếp tổng đài 20 - Chiến Thắng làm nhiệm vụ dẹp loạn thông tin, truyền đạt mệnh lệnh, báo cáo. Hai đồng chí tham mưu hữu tuyến là Đào Ngoạn, Lưu Phúc Thảo. Đồng chí Dương Quốc Hưng - chính trị viên. Lực lượng thông tin có tiểu đoàn 303 hữu tuyến, đội 101 vô tuyến, đặc biệt có hai báo vụ viên là nữ đồng chí Mai Lộc và Phương Lan. Ban liên lạc rất gọn nhẹ, hiệu suất công tác cao, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan đơn vị bạn.

Tôi được làm việc trực tiếp với bác Hoàng Đạo Thúy và thường gọi bác Thúy. Xuất thân là giáo viên, huynh trưởng của Hướng đạo, bác là người thông hiểu đông tây kim cổ, từng trải và nhân hậu, gương mẫu trong cả lời nói và việc làm. Bác có tinh thần cách mạng rất cao, yêu nước nồng nàn, bác là đại biểu trong hội nghị Tân Trào năm 1945. Bác rất chăm học, khiêm tốn giản dị, thông minh, nhạy bén. Chúng tôi học được ở bác rất nhiều trong thời gian cùng công tác ở mặt trận Điện Biên Phủ. Làm việc với chúng tôi, bác Thúy rất dân chủ, thường gọi chúng tôi bằng “ông” rất thân mật. Trao đổi với chúng tôi về công việc hoặc nói chuyện về tiểu thuyết Liên Xô, về những nhân vật, sự kiện mà bác cháu đã đọc được. Có chén trà ngon, chút mứt gừng bác cũng chia sẻ với anh em. Chúng tôi ai cũng quý trọng bác. Đôi lúc có anh đùa dai, bác cũng chỉ lắc đầu cười xòa rồi bập bập vào píp thuốc nhả khói lên trời. Khi về hưu, bác sống rất giản dị ở làng Đại Yên, Hà Nội, vẫn ngồi trên chiếc ghế sắt cũ kỹ lót chiếc chăn chiên Nam Định, đọc, nghiên cứu và viết sách. Tôi ở chiến trường ra thăm bác, bác vẫn nhắc: chăm lo cho cấp dưới phải chống các hiện tượng tiêu cực trong quân đội, nhắc nhở anh em phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhớ tới các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, các bậc tiền bối và đồng chí, đồng đội, tôi xin ghi lại một số hiểu biết và kỷ niệm về bộ đội thông tin liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ qua quá trình trực tiếp theo dõi tại mặt trận. Tôi đã tiếp thu được nhiều bài học quý giá để sau này làm công tác tham mưu, chỉ huy chiến thuật, chiến dịch và chiến lược, giúp tôi trưởng thành trong sự nghiệp chiến đấu chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 10:36:34 pm »


TRẬN TUYẾN TIẾP VIỆN LÊN ĐIỆN BIÊN PHỦ
Thiếu tướng NGUYỄN AN
Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần
Nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559
Chỉ huy trung tuyến Tổng cục Cung cấp tiền phương

Theo kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, ngày 10 tháng 12 năm 1953 ta tấn công Lai Châu, chỉ sau 10 ngày chiến đấu, quân ta đã giải phóng toàn bộ khu vực địch còn chiếm đóng ở Lai Châu. Để tránh nguy cơ bị tiêu diệt, địch phải gấp rút nhảy dù tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành nơi tập trung binh lực lớn “tiếp nhận chiến đấu với chủ lực ta tại Điện Biên Phủ”. Tình huống đúng như dự đoán, thời cơ tiêu diệt sinh lực địch đã đến, quân ta gấp rút tiến hành bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Những ngày cuối tháng 12 năm 1954 các đại đoàn chủ lực thiện chiến được gấp rút điều động về đây, đưa quân số trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu lên hàng chục vạn người. Mặc dầu đã có sự chuẩn bị trước cho chiến dịch Lai Châu nhưng diễn biến chiến trường quá nhanh nên công tác tiếp vận bảo đảm hậu cần cho bộ đội trên một chiến trường xa hậu phương, trong một thời gian ngắn, quả là một vấn đề nóng bỏng. Thật vậy, đây là một vấn đề nhạy cảm, một cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt giữa đôi bên đối địch kéo dài suốt cả thời gian từ khi bao vây Điện Biên Phủ cho đến khi kết thúc chiến dịch, ở hậu phương mỗi bên và cả trên các ngả đường vận tải về Điện Biên Phủ. Nó quyết liệt ở chỗ cả hai bên đều biết khá rõ điểm yếu chí mạng của nhau và phải tiếp vận một khối lượng vật chất khá lớn đến một chiến trường xa hậu phương, mà đường tiếp vận thì độc đạo. Ta chỉ có một trục đường bộ chủ yếu từ Sơn La vào Điện Biên, còn Pháp cũng chỉ có một phương thức tiếp vận duy nhất là hàng không thả dù và hạ cánh, nên cả hai bên đã tập trung sức mạnh có thể, ngày đêm rình rập, đánh vào các điểm yếu của nhau những đòn mãnh liệt nhất.

Trong cuộc đấu trí và đấu lực gay go trên tuyến tiếp vận của cả hai bên, nổi bật lên vai trò của hậu phương quốc gia, ai xây dựng được hậu phương thường xuyên vững chắc có khả năng huy động cao nhất, bền bỉ nhất cho tiền tuyến, thì người đó nắm chắc phần thắng lợi.

Ngày 12 tháng 1 năm 1954 sau khi vượt qua đèo Pha Đin, trên đường vào chỉ huy sở, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp thân mật các đồng chí chỉ huy các tuyến hậu cần, vận tải quân đội, những người đã lặn lội cùng với anh đi phục vụ qua nhiều chiến dịch. Trong buổi gặp, Đại tướng đã căn dặn, tâm tình nhiều hơn là chỉ thị: “Mình đi chiếc xe Zeep cọc cạch trên những con đường mới mở, từ Lũng Lô cho đến đèo Pha Đin, càng đi xa càng thấy đường sá hiểm trở. Ngã ba Cò Nòi là đầu mối giữa hai con đường, thế nào địch cũng biến nơi này này thành một túi bom. Nghĩ tới việc tiếp tế cho mặt trận, đường sá dài, người ở tiền tuyến cần gạo mà người vận chuyển cũng cần gạo; việc tiếp vận sẽ trở nên gay gắt, nhất là chiến dịch kéo dài, các cậu phải cố gắng lắm đấy”. Tầm nhìn của vị Tổng Tư lệnh kính yêu đã nhắc nhở cho các cán bộ hậu cần và vận tải thấy rõ vị trí trọng yếu và tình hình sẽ cực kỳ khó khăn của công tác tiếp vận trong chiến dịch này. Thời gian sau đó, khi công tác tiếp vận gặp trở ngại, lại chính vị Tổng chỉ huy của chúng ta đã bỏ hẳn một số ngày không theo dõi chỉ huy tác chiến mà chuyên tâm ân cần cùng với các cán bộ hậu cần, vận tải bàn các giải pháp để đẩy nhanh gạo lên tiền tuyến.

Trong khi đó, ở trận tuyến đối phương, tại sở chỉ huy của Đờcátxtơri trong đêm giáng sinh vui vẻ (24.12.1953) bên ánh lửa trại bập bùng ven sông Nậm Rốm, viên Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp Na-va huênh hoang tuyên bố với ba quân: “Việt Minh đưa quân lên đây, nhưng họ phải lo việc cung cấp quá lớn, trên một chặng đường khá dài, qua những vùng hiểm trở, nghèo xác xơ và đường giao thông hầu như không có. Vận tải của Việt Minh chỉ toàn bằng “cu ly” gánh bộ, nếu có bằng đường ô tô chăng nữa thì phải đi trên những chặng đường rất xấu, luôn luôn bị không quân Pháp cắt đứt”. Các sĩ quan Pháp dự đêm vui, đều hể hả với nhận định “cầm chắc phần thắng” của cấp trên, duy chỉ có một nỗi lo canh cánh bên lòng mà Đờcátxtơri đã thay mặt họ phát biểu: “Chúng tôi chỉ còn sợ Việt Minh thấy miếng mồi Điện Biên Phủ quá to, nếu vì họ quá sợ mà không dám tấn công nữa, thì thật là tai họa đối với tinh thần binh sĩ!”.

Phải chăng, sự đánh giá ban đầu chủ quan, mù quáng này của những người cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương tại Điện Biên Phủ, sẽ là điểm khởi đầu cho những thất bại của họ sau này?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM